Tin Việt Nam – 04/12/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/12/2020

Vụ án Nguyễn Đức Chung: Bài học cho các quan chức Việt Nam?

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị lên Bộ Chính trị của đảng này để khai trừ tư cách đảng viên, theo truyền thông chính thống Việt Nam hôm thứ Năm.

Hôm 03/12/2020, một bản tin trên trang Báo điện tử của đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin cho hay tại một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Chủ nhiệm cơ quan quyền lực này, ông Trần Cẩm Tú, chủ trì trong hai ngày 01 và 02/12 tại Hà Nội, Ủy ban đã xem xét các hành vi sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung.

Bản tin cho biết ý kiến của Ủy ban kỷ luật với ông Chung, người có cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mà hiện đang bị khởi tố, tạm giam và đình chỉ sinh hoạt đảng:

“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: ông Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

“Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.”

Sắp ‘xử kín’ Tướng Nguyễn Đức Chung

Thấy gì về chính trị VN qua vụ Tướng Chung bị truy tố?

Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung về tội ‘chiếm đoạt tài liệu mật’

Đề nghị truy tố ‘anh hùng công an’ Phan Văn Vĩnh

Bản tin nhắc lại việc ông Nguyễn Đức Chung, 53 tuổi, đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước với khung hình phạt 10-15 năm tù, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự 2015” và nhấn mạnh vụ án ông Chung, cùng với ba bị can khác cùng vụ, sẽ được “xét xử kín” vào ngày 11/12.

“Ngoài vụ án này, ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan vụ án xảy ra tại Nhật Cường; vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan,” báo điện tử của ĐCSVN cho biết thêm.

Khi các quyền lực “đụng” nhau và ai phải chịu?

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt:

“Tôi nghĩ ở đây có những biểu hiện bề nổi, cũng như bề chìm của một thực tế, bởi vì tôi đơn cử vụ việc liên quan cơ khí điện máy “ở trong nhà”, rồi sau nó trở thành vụ án như thế, thì thấy rằng những người đang có quyền lực, nhất là ở ngành này, có thể họ sử dụng tất cả quyền lực, quan hệ mà họ có được để bảo vệ cho mình.

“Chính vì thế nó đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp và đó là một thực tế và thực tế đó đang diễn ra không chỉ ở Hà Nội với ông Nguyễn Đức Chung mà nó còn diễn ra ở nhiều nơi khác, và nó đã trở thành một nguyên nhân phổ biến của những nguyên nhân mà nhiều vụ án làm và xử lý không đến nơi, đến chốn, thiếu minh bạch, công khai và triệt để.

“Nhân đây, tôi thấy cần nói thêm là có rất nhiều vụ, trong đó có các vị này vị nọ trong ngành này và cả ở những ngành khác, là cán bộ, quan chức cấp cao hay khá cao, mà từ đầu khóa XI của Ban chấp hành TƯ đảng không giải quyết, mà bây giờ tới cuối khóa XII, khi sắp mãn khóa mới đưa ra giải quyết.

“Vậy thì trách nhiệm của những người xử lý từ khóa XI, rồi từ đầu khóa XII đến giờ thì ở đâu? Mấy vị đó ở đâu mà không giải quyết, để đến mức bây giờ nhiều vụ người ta nói đến sát đại hội mới cho nó bùng lên, như vụ ông Nguyễn Đức Chung, vụ ông Nguyễn Văn Bình v.v…, đó theo tôi là những câu chuyện mà người ta vẫn hô khẩu hiệu là “làm cho không lọt người, lọt tội, làm cho kịp thời”.

“Những khẩu hiệu đó rất hay, nhưng rõ ràng là chiến dịch mà bà con gọi là “củi lửa, đốt lò” đó làm chưa đến nơi, đến chốn và rõ ràng như tôi nói, đó là một cơ chế, thể chế mà ở đâu cũng thấy có quyền lực, nhưng lại không xử lý đến nơi đến chốn, và qua những hiện tượng đã thấy mấy năm qua là đôi khi các quyền lực đó đụng nhau và dẫn đến những hậu quả lớn mà nhân dân phải chịu, thậm chí đất nước này phải chịu và một số ngành nào đó bị ảnh hưởng uy tín và cũng phải chịu.”

Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh bình luận thêm:

“Thời gian qua, nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của Bộ Công an (nhiều tướng lĩnh được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang), cùng nhiều quan chức gốc ngành này, bị truy tố và phạt tù.

“Người thì phạm tội tham nhũng, người phạm tội chiếm đoạt bí mật quốc gia, người thì bảo kê băng nhóm xã hội đen, bảo kê đường dây đánh bạc, v.v.

“Đó là thực trạng đau xót, làm mất đi sức mạnh và tính liêm chính của lực lượng được ví như ” thanh kiểm và lá chắn ” bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

“Tôi cho rằng, khi tội phạm lan rộng tới lực lượng này thì đó là mối hiểm họa từ chính nội bộ của một thể chế chính trị.”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh từng nhiều năm làm việc trong ngành Công an Việt Nam bình luận:

“Việc nhiều sĩ quan cao cấp thuộc ngành Công an Việt Nam bị xử lý dưới nhiều hình thức trong thời gian qua, trước hết đó là hậu quả của việc họ có quyền lực quá lớn, trong một hệ thống được trao quyền lực quá nhiều.

“Trong khi ngược lại, từ năng lực chuyên môn cho tới đời sống văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức thì họ lại thiếu, ít được trau dồi, rèn dũa, hoặc chỉ được “giáo dục” theo những cách nặng tính hình thức.

“Thực trạng đó được thể hiện sống động hàng ngày, người dân đều biết, nhưng báo chí hầu như không (được hay không dám) đả động tới.

Ông Lê Quốc Quân, một luật sư về nhân quyền, nêu quan điểm của ông về vấn đề này:

“Theo tôi thì tội phạm tham nhũng ở Việt Nam là rất lớn, bất kể ngành nào, cấp nào. Trong ngành công an càng lớn vì họ sống trong tội phạm, sống với tội phạm và giải quyết các vấn đề của tội phạm cho nên rất nhiều người nhúng chàm, bất kể to hay nhỏ.

“Trong thời gian gần đây thì có chiến dịch “đốt lò” và có vẻ như Trung ương làm mạnh về tội phạm tham nhũng cho nên nhiều sỹ quan cấp cao của ngành Công an và có gốc đến từ ngành này bị xử lý kỷ luật là đương nhiên.

“Điều cần rút ra ở đây là cơ chế kiểm soát quyền lực và phải minh bạch hoá và pháp luật phải nghiêm minh với tất cả mọi người. Đối với quan chức chế độ này thì với tình hình và bản chất chế độ, thể chế như hiện nay, thì cứ đánh đâu là trúng đó thôi, không riêng ngành nào.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55178488

Chủ tịch đa cấp Liên Kết Việt và đồng phạm lừa hơn 68 ngàn người sắp ra tòa

Ông “trùm” đa cấp Lê Xuân Giang và đồng phạm lừa hơn 68 ngàn người sắp bị đưa ra xét xử vào ngày 21/12/2020.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 4/12 và cho biết phiên toà hình sự sơ thẩm này liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên Kết Việt do ông Lê Xuân Giang làm chủ tịch.

Cơ quan tố tụng cho biết, phiên xử dự kiến diễn ra trong khoảng 10 ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Có tổng cộng 7 bị cáo hầu toà đều từng làm việc trong Công ty cổ phần Liên Kết Việt dưới trướng ông Lê Xuân Giang và cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2014, ông Lê Xuân Giang thành lập Công ty thiết bị y tế BQP và Công ty Liên Kết Việt với giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp hàng hóa do Công ty BQP sản xuất.

Từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 11 năm 2015, ông Giang cùng các đồng phạm đã cung cấp thông tin sai lệch để tạo lòng tin với các nạn nhân khiến họ nghĩ Công ty BQP là công ty thuộc Bộ Quốc phòng và các sản phẩm đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương.

Sau đó, các bị cáo này đã lôi kéo khách hàng bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng. Nếu đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không lấy hàng hóa ra thì sẽ được thưởng cao và có thể trở thành nhà phân phối, hứa thưởng tiền, thưởng xe hơi…

Thủ đoạn của ông Lê Xuân Giang và đồng phạm được cho biết là lấy tiền của người tham gia kinh doanh đa cấp sau để trả cho người tham gia trước. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn lên tới trên 65% từ tiền thu được của chính các nạn nhân.

Sau một năm hoạt động, Tổng cộng, ông Giang và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1.121 tỷ đồng. Mở rộng 34 chi nhánh tại 27 tỉnh, thành và lôi kéo hơn 68.000 người từ 49 tỉnh, thành tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.

Tin cũng cho biết, Hội đồng xét xử đã gửi giấy triệu tập 6.053 người bị hại tới dự phiên xử và Tòa án Hà Nội sẽ dựng rạp, lắp máy chiếu màn hình vì số người tham dự quá đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/coming-to-trial-le-xuan-giang-and-his-accomplices-12042020071036.html

Nhiều cảnh nhạy cảm ở spa bị phát tán trên mạng xã hội

Tin từ Việt Nam: Báo Tuổi Trẻ online đưa tin hàng loạt hình ảnh nhạy cảm của khách khi làm đẹp tại một số spa bị phát tán trong một số hội nhóm kín trên mạng xã hội và trang web đen.

Báo đưa tin trên mạng xã hội, một số cá nhân chào mời người đóng tiền khoảng 700,000 đồng hàng tháng để được cấp một tài khoản và mật khẩu xem dữ liệu hình ảnh của hơn 200 camera thu từ nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp phụ nữ, trong đó có nhiều cảnh nhạy cảm, khỏa thân, lộ những bộ phận kín của khách hàng lúc đang sử dụng dịch vụ tại nhiều spa.  Một người nói nếu muốn xem các hình ảnh này trên điện thoại di động thì phải đóng thêm 400,000 đồng.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến phỏng vấn một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội và chủ cơ sở công nhận rằng hình ảnh được truyền đi từ camera của họ. Các chủ cơ sở này nói rằng hệ thống camera của họ bị kẻ xấu đột nhập và đánh cắp dữ liệu.

Một chủ spa nói việc lắp camera khu vực làm đẹp cho khách hàng là để cai quản nhân viên phục vụ khách chứ không phải để theo dõi khách, và khi làm đến vùng nhạy cảm, nhân viên sẽ điều khiển trên máy tính để quay camera đi, nhưng không phải lúc nào nhân viên cũng có thể ngồi trực 24/24 để quay camera đi.

Nhiều phụ nữ là khách hàng thường xuyên của spa rất bất mãn về chuyện này vì các hình ảnh cá nhân nhạy cảm của họ bị rò rỉ.  Việc rò rỉ hình ảnh từ camera của các cơ sở chăm sóc sắc đẹp có thể do nhân viên của spa nhưng cũng có thể bị kẻ xấu đột nhập vào hệ thống camera.

Ở Việt Nam, hầu hết các camera đều có nguồn gốc từ Trung Cộng và khả năng bị đột nhập và bị đánh cắp dữ liệu rất là cao.

Quốc Tuấn 

Việt Nam gỡ bỏ nhiều kênh YouTube bị nói có nội dung nhảm nhí, giật gân

Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam ngày 4/12 ra thông báo cho biết 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân, cờ bạc, bạo lực… đã bị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ kênh.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông báo của Bộ Thông tin – Truyền thông như vừa nêu. Cụ thể có khoảng 15.000 kênh YouTube tại Việt Nam được bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu từ 1 triệu người đăng ký kênh trở lên nhưng chỉ có 30% tức khoảng 5000 kênh có quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam.

Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam đề nghị Google xem xét và yêu cầu các kênh YouTube bật nút kiếm tiền tại Việt Nam phải đăng ký vào các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam để đảm bảo việc quản lý.

Bộ này cho rằng nhiều kênh có nội dung cho trẻ em có hình ảnh dung tục và phản cảm, bộ dẫn một kênh như “Hành tinh đồ chơi” với gần 5 triệu người đăng ký. Ngoài các biện pháp mạnh tay là chặn tiền quảng cáo và tháo gỡ kênh YouTube, Bộ Thông tin – Truyền thông còn đề nghị Google điều chỉnh công cụ lọc để chủ động hơn trong việc rà soát và ngăn chặn.

Trước đó, Bộ Thông tin – Truyền thông đã đạt được thoả thuận với YouTube về việc khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh nào vi phạm pháp luật thì YouTube sẽ dừng việc chia tiền quảng cáo với kênh đó.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Bộ Công an xử lý một số cá nhân sản xuất các nội dung bị cho là xấu độc hại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-youtube-channels-with-bad-and-sensational-content-removed-12042020075422.html

Việt Nam bác báo cáo ‘kiểm duyệt’, ‘trấn áp’ qua Facebook, YouTube

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/12 phản bác báo cáo mới đây của tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng các trang mạng xã hội Facebook và YouTube đã trở thành công cụ để Hà Nội kiểm duyệt và trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

“Tôi xin bác bỏ các thông tin của Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/12.

Theo bà Hằng, Việt Nam thời gian qua đã “hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hỗ trợ công nghệ thông tin “trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam”.

Trước đó, ngày 2/12, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo dài 78 trang có tên “Hãy để cho chúng tôi thở!” (“Let us Breathe!”), trong đó nêu lên tình trạng kiểm duyệt và xử lý hình sự quyền diễn đạt ý kiến một cách ôn hoà của người dân tại Việt Nam.

Báo cáo dựa trên các điều tra do Ân xá Quốc tế thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020, với nhiều nguồn thông tin, trong đó có 31 cuộc phỏng vấn các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, các luật sư nhân quyền, các cựu tù nhân lương tâm và thân nhân của họ, và thông tin do Facebook và Google cung cấp.

Tổ chức quốc tế cáo buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để có thể được tiếp tục hoạt động tại thị trường tiềm năng này.

Facebook thừa nhận trong vòng 6 tháng đầu năm nay, số lượng nội dung bị kiểm duyệt theo đòi hỏi của chính quyền địa phương đã tăng lên 834 nội dung, tăng gấp nhiều lần so với 121 nội dung bị hạn chế vào cùng thời điểm năm ngoái.

Người sáng lập và là CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/11 nói mạng xã hội này “không kiểm duyệt” mà chỉ “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia” mà họ hoạt động.

Cũng tại buổi điều trần, Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn đã cáo buộc Facebook “ưu tiên lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-b%C3%A1c-b%C3%A1o-c%C3%A1o-ki%E1%BB%83m-duy%E1%BA%BFt-tr%E1%BA%A5n-%C3%A1p-qua-facebook-youtube/5687482.html

Găng tay y tế đã qua sử dụng nhập vào Việt Nam

Lực lượng chức năng Việt Nam vào ngày 3 tháng 12 phát hiện 2 container găng tay y tế đã qua sử dụng nhập từ Trung Quốc đến Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tin truyền thông Nhà nước Việt Nam loan đi thì lô hàng hơn 1 ngàn thùng carton chứa găng tay cao su các loại, nhàu nát, dính bụi bẩn, mốc, không nhãn hiệu…

Lô hàng này do Công ty TNHH Sản xuất & XNK Thiết bị Y tế Sài Gòn Trading Group nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Trên tờ Khai Hải quan, doanh nghiệp ghi tổng trọng lượng lô hàng hơn 5,6 tấn găng tay dùng cho nhà bếp, không nhãn hiệu, còn mới hoàn toàn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cục Hải Quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ cuối tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp đã xuất trình hàng cho Chi Cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 kiểm tra; tuy vậy sau đó doanh nghiệp không đến làm việc dù được mời nhiều lần. Hải quan tiến hành kiểm tra vắng mặt doanh nghiệp theo qui định tại Điều 34, Luật Hải quan năm 2014.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-used-gloves-from-china-imported-to-vn-12042020075548.html

Covid-19: Việt Nam có mua vaccine của Trung Quốc và Nga?

Mỹ Hằng

Khi cuộc chạy đua sản xuất vaccine trên thế giới bước vào giai đoạn nước rút, một câu hỏi được đặt ra là vaccine nào sẽ được các nước lựa chọn đặt mua và vì sao?

Anh vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Pfizer và chuẩn bị tiêm cho những người trong danh sách ưu tiên vào tháng 12 năm nay. Nhưng trước đó vài tháng, Nga và Trung Quốc thậm chí đã công bố tiêm cho người dân, dù chưa thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Họ cũng đã chào hàng cho các nước khác.

Covid-19: Lô vaccine đầu tiên đến Vương quốc Anh

Covid-19: Vaccine TQ ‘thành công ở thử nghiệm giai đoạn giữa’

Việt Nam và các nước ASEAN mua vaccine ở đâu?

Trong ‘cơn khát’ có vaccine để tiêm sớm cho dân, chính phủ Việt Nam và các nước khác có mua vaccine của hai nước này không hay sẽ chờ vaccine nào khác được phê duyệt?

Người Việt có mua vaccine Nga và Trung Quốc?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, một bác sỹ giấu tên tại Hà Nội nói rằng bệnh viện của ông chưa nhận được chỉ đạo hay nghe tin có kế hoạch mua vaccine của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn nếu được lựa chọn, các bệnh viện ở Việt Nam sẽ không mua vaccine Trung Quốc.

“Tâm lý người Việt từ xưa tới nay là không tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt khi liên quan tới sức khỏe. Điều lạ là dù người Việt vẫn dùng thuốc Đông Y Trung Quốc thì trong các bệnh viện, tuyệt nhiên không có bất kỳ một loại thuốc tây y nào của Trung Quốc nằm trong danh mục thuốc khám chữa bệnh.”

“Nếu chính phủ vì lý do nào đó mua vaccine của Trung Quốc và phân bổ cho các bệnh viện, thì có lẽ bệnh viện sẽ tiêm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Những người có thể tự mua được vaccine chắc hẳn sẽ chỉ chọn của Anh, Mỹ.”

“Mới đây ở bệnh viện của tôi có một người Đài Loan đến chào hàng thuốc. Người này nói tới bệnh viện nào cũng phải vất vả chứng minh đây là thuốc Đài Loan, không phải thuốc Trung Quốc, may ra mới bán được,” vị bác sỹ nói thêm.

Bác sỹ Phan Đình Hiệp tại Úc cũng thừa nhận có tâm lý không tin tưởng thuốc Trung Quốc và Nga, không chỉ riêng của người dân Việt Nam mà nhiều nước khác.

Ông nói:

“Một điều cần chú ý là một vaccine đến trước không hẳn đã là vaccine thành công cuối cùng. Bởi vì sau giai đoạn 3, còn phải qua giai đoạn 4, đó là tiêm trên người và xem xét có biến chứng gì không, hiệu quả bảo vệ bao lâu.”

“Vaccine của Nga và Trung Quốc còn chưa thử nghiệm giai đoạn 3 mà đã cho tiêm rộng rãi trên người và tự tuyên bố hiệu quả đến 95%. Nhưng thực tế thế nào cần có sự kiểm chứng của các cơ quan y tế.”

“Người dân không thích vaccine của Trung Quốc và Nga là bắt nguồn từ tâm lý từ xưa. Họ cho rằng độ tin cậy và an toàn không cao.”

“Các tài liệu khoa học mà Trung Quốc và Nga đưa ra về vaccine Covid không có tính xác thực. Vừa rồi trong thử nghiệm vaccine Covid của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã có người chết ở Brazil. Tôi không nói rằng vaccine là nguyên nhân gây ra cái chết này nhưng đây phải là điều chúng ta lưu ý.”

Bác sỹ Hiệp nói rằng do tình hình khẩn cấp, sớm nhất vaccine có thể được tiêm đại trà vào nửa cuối tháng 12/2020 tại một số nước như Anh, Mỹ – nơi có những đóng góp tài chính lớn cho cuộc chiến vaccine. Một số nước nghèo hơn, khó tiếp cận vaccine hơn như Việt Nam, có thể phải mua muộn hơn một chút, nhưng cũng chỉ phải chờ 6 – 10 tháng.

Theo bác sỹ Hiệp, Úc đã chi ra nhiều tỷ đô la để đặt hàng triệu liệu vaccine nhằm tiêm sớm cho dân nước mình, nhưng gần như ít có khả năng mua vaccine của Nga và của Trung Quốc.

“Với các nước nghèo hơn, không có điều kiện tiếp cận vaccine sớm như Việt Nam thì muộn một chút mà an toàn thì tốt hơn. Tôi cho rằng nên chờ. Tôi mong rằng chính phủ Việt Nam sẽ mua loại vaccine tốt cho người dân. Chứ đừng vì lợi ích kinh tế mà mua vaccine giá rẻ, không an toàn, thì tác hại rất khó lường.”

Chính phủ Việt Nam nói gì?

Hồi giữa tháng 10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã đặt mua vaccine của một số đối tác “trong đó có vaccine từ Nga và Anh.”

Và rằng “việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ ghi nhận các thử nghiệm lâm sàng của các nhà sản xuất cũng như quy trình thử nghiệm vaccine trước khi đưa vào sử dụng”.

Bà Hằng không cung cấp chi tiết khi nào vaccine Sputnik V của Nga sẽ được giao và dự kiến có bao nhiêu liều. Bà cũng không nói có nhập vaccine của Trung Quốc hay không.

Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội hôm 6/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói Việt Nam ‘đang làm việc với các đối tác Nga và Trung Quốc’ về vấn đề mua vaccine Covid-19. Ông Đam không nói chi tiết đặt mua bao nhiêu và khi nào.

Ông Đam cũng thừa nhận rằng việc mua vaccine sớm rất khó khăn do nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất. Những nước muốn mua sớm phải đặt cọc với giá rất cao và không có gì là chắc chắn.

Việt Nam hiện đang nỗ lực phát triển vaccine Covid-19. Đầu tháng 12, vaccine do Công ty Nanogen phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Tuy nhiên, khả năng vaccine của Việt Nam được sản xuất sớm cũng như đủ liều để tiêm phòng trên diện rộng là rất thấp. Do đó, nguồn cung từ bên ngoài vẫn là chính yếu.

Bao giờ có vaccine?

Hôm thứ Tư 2/12, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer. Anh đã đặt hàng 40 triệu liều – đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người.

Những người trong danh sách ưu tiên tại Anh sẽ được tiêm vào tháng 12 năm nay. Nhưng ước tính cũng phải tới tháng 4 năm sau thì tất cả những người có nguy cơ cao tại Anh mới được tiêm vaccine mới.

Theo The Washington Post, hiện có khoảng 200 loại vaccine Covid đang được thử nghiệm trên toàn thế giới.

Trong đó hơn 190 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng. 15 vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. 15 vaccine giai đoạn hai. 10 vaccine giai đoạn ba.

Vaccine thường phải mất hàng năm trời để phát triển. Các loại vaccine ứng viên được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sau đó thử trên động vật trước khi tiến hành thử nghiệm trên người ở các quy mô nhỏ và diện rộng.

Các chính phủ đều hứa là sẽ không bỏ qua giai đoạn thử nghiệm nào.

Chính phủ Mỹ cho hay sẽ không thông qua một loại vaccine nào khi chưa qua thử nghiệm diện rộng trên người (giai đoạn 3). Hiệp hội Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ cấp phép cho một vaccine nếu nó làm giảm được triệu chứng và ngăn ngừa bệnh của 50% số người được tiêm.

Trong khi đó, mỗi nước lại có những tiêu chuẩn khác nhau, thậm chí cấp phép vaccine mà không đợi chứng minh tính an toàn và hiệu quả của nó.

Nga tuyên bố bắt đầu tiêm cho người có nguy cơ cao vào tháng 8/2020, trước khi thử nghiệm giai đoạn ba. Trung Quốc cũng đã cấp phép một loại vaccine của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm và đã tiêm cho một triệu người dân nước này.

Mỹ đặt kế hoạch nghiên cứu xong vaccine trong khoảng từ 12 – 18 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2020. Một thời gian ngắn kỷ lục. Mỹ đã đầu tư 9,5 tỷ đô la để tăng tốc phát triển vaccine.

Riêng tại Úc, chính phủ đã ký năm thỏa thuận mua vaccine, nếu chúng chứng minh được tính hiệu quả và an toàn. Úc đã chi 363 triệu đô la đóng góp cho việc nghiên cứu phát triển vaccine trên toàn cầu, Úc cũng đầu tư 3,3 tỷ đô la cho năm thỏa thuận nói trên, nhằm giúp Úc có thể được mua sớm ngay một vaccine khi chúng được thông qua sau khi chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.

Một liên minh có tên gọi COVAX Facility cũng đã được thành lập, gồm 188 nước, trong đó có Úc, nhằm hỗ trợ việc tiếp cận vaccine Covid nhanh và công bằng cho các nước. Nhóm này dự kiến vận động được hai tỷ liều vaccine cho thế giới vào đầu 2012. Úc đã trả trước hơn 124 triệu đô la để mua 25 triệu liều vaccine cho dân nước mình. Số này đủ cho 50% dân Úc tiêm mỗi người hai liều.

Úc cũng chi ra 80 triệu đô la để chỗ trợ 94 nước thu nhập thấp có thể tiếp cận với vaccine sớm nhất có thể.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55182933

100,000 sinh viên ở Sài Gòn phải nghỉ học vì dịch đợt 3 bùng phát

Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ loan tin, tính đến 12 giờ 30 phút trưa 2 tháng 12 năm 2020, đã có 100,000 sinh viên đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, cao học tại Sài Gòn phải nghỉ học vì trong trường có người tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với dịch coronavirus 19.

Các trường gồm đại học Tài chính-marketing, đại học HUTECH, đại học Ngoại ngữ- tin học, đại học Văn Lang, đại học Tôn Đức Thắng, đại học Sư Phạm và một số trường khác. Các trường này đã có sinh viên tiếp xúc, hoặc đến khu vực mà có bệnh nhân nhiễm dịch xuất hiện.

Trước đó, vào ngày 30 tháng 11, bộ Y tế Cộng sản xác nhận đã có 4 người ở Sài Gòn dương tính với dịch, trong đó có 1 người lây trong khu cách ly, và 3 người lây ngoài cộng động.

Sự việc xuất phát từ bệnh nhân được đánh số 1342 là tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines đã lây nhiễm dịch nhưng không tuân thủ biện pháp cách ly, dẫn đến việc lây nhiễm ra cộng đồng.

Dịch đợt 3 bùng phát ở Sài Gòn không còn khiến cho người dân lo sợ về vấn đề sức khoẻ như đợt dịch đầu, nhưng họ lại rất lo lắng cho cuộc sống của gia đình mình trong tương lai tới đây, đặc biệt là những người lao động mất việc làm, và những người dân miền Trung vùng bão lụt đang mưu sinh tại Sài Gòn.

An Nhiên 

Covid-19: Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc nhập cảnh

Chính phủ Hàn Quốc vừa cho hay đạt được thỏa thuận để Việt Nam cho phép thực thi quy trình nhập cảnh đặc biệt từ ngày 1/1/2021.

Covid-19: Việt Nam có mua vaccine của Trung Quốc và Nga?

Covid-19: Lô vaccine đầu tiên đến Vương quốc Anh

Thỏa thuận được loan báo ngày 4/12, vào lúc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho, trưởng đoàn Hàn Quốc đã đến chào Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhân dịp ông đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong – Hàn Quốc lần thứ 8 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Hàn Quốc tới Việt Nam dưới hai tuần với mục đích kinh doanh, đầu tư sẽ được miễn cách ly sau khi nhập cảnh, với điều kiện là phải có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19.

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận tin này và nói đây là dựa trên cơ sở có đi có lại

Theo đó, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất về việc áp dụng quy trình đi lại ngắn ngày (còn gọi là Quy chế đi lại ưu tiên cho người từ Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam dưới 14 ngày và Phương án quy trình nhập cảnh đặc biệt miễn cách ly cho người từ Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc).

Quy trình áp dụng từ ngày 1/1/2021.

Hàn Quốc là nước thứ hai mà Việt Nam áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt sau Nhật Bản.

Còn Việt Nam là nước thứ 6 mà Hàn Quốc áp dụng quy chế này sau Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Indonesia, Singapore, Nhật Bản.

Để được cấp phép nhập cảnh, doanh nghiệp địa phương đứng ra mời sẽ phải xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ở khu vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến tới thăm để được cấp phép nhập cảnh.

Sau đó, doanh nghiệp sẽ đính kèm giấy cấp phép này vào hồ sơ xin cấp visa Việt Nam.

Khi tới sân bay Việt Nam, doanh nghiệp phải trình giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 được cơ quan y tế Hàn Quốc cấp trong vòng 5 ngày trước khi xuất cảnh.

Sau khi nhập cảnh, hai ngày một lần, họ sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nơi ở đã được cấp phép. Họ có thể làm việc mà không cần phải chờ kết quả xét nghiệm.

Hiện Việt Nam, kể từ tháng Ba, đã cấm nhập cảnh với người nước ngoài.

Nhưng thời gian qua, hơn 17.000 người Hàn Quốc được cấp phép nhập cảnh ngoại lệ vào Việt Nam.

Điều này phản ánh quan hệ kinh tế ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Việt Nam hiện là đối tác đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Thương mại hai chiều lên tới 69,2 tỉ USD năm 2019.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55189848

Việt Nam sẽ miễn cách ly cho doanh nhân Hàn Quốc

Việt Nam đồng ý cho phép một số doanh nhân Hàn Quốc đi lại giữa hai nước không phải thực hiện biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày như qui định chống COVID-19.

Reuters loan tin dẫn nguồn từ thông cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra ngày 4 tháng 12. Theo đó, thỏa thuận vừa nêu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Biện pháp này cũng được phía Hàn Quốc áp dụng cho những doanh nhân thực hiện những chuyến công tác ngắn hạn.

Tin nói phía Việt Nam chưa công bố thông tin vừa nêu và yêu cầu bình luận của Reuters gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa được phúc đáp.

Hàn Quốc cũng áp dụng biện pháp tương tự đối với một số nước khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Singapore, và Indonesia.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc từng áp dụng hệ thống xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc lây lan COVID-19 một cách nghiêm nhặt; tuy nhiên trong những tuần gần đây một đợt lây nhiễm mới xảy ra dẫn đến số mắc coronavirus chủng mới mà nhiều tháng qua không còn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-wave-quarantine-for-skorean-business-travelers-seoul-says-12042020075008.html

Việt Nam hưởng lợi gì khi Asean nâng cấp đối tác với EU?

Quốc Phương

Ngày 01/12/2020, Asean và EU đã chính thức nâng cấp quan hệ đối tác lên cấp chiến lược, sự kiện được truyền thông quốc tế, khu vực và Việt Nam công bố, vào thời điểm Việt Nam vẫn trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của khối các quốc gia ở Đông Nam Á.

Hôm 03/12, một số nhà quan sát thời sự và chính trị chia sẻ với BBC News Tiếng Việt bình luận của mình về khía cạnh thực chất của sự kiện liên quan tới những gì mà Việt Nam, với tư cách thành viên của Asean, có thể thụ hưởng từ quan hệ đối tác mới được nâng cấp này giữa hai khối.

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều đặc biệt trên khía cạnh thị trường, xuất khẩu, kể cả xuất khẩu lao động:

Asean và EU nâng cấp đối tác chiến lược và thực chất?

RCEP và Việt Nam trong lúc Mỹ lùi Trung Quốc tiến tới

Trung Quốc tính toán gì khi ký kết hiệp định RCEP?

EVFTA: ‘VN chưa thể qua mặt được TQ’

Việt Nam làm gì với ba hiệp định thương mại lớn một lúc?

“Tôi nghĩ rằng thứ nhất, về quan hệ kinh tế vừa rồi Việt Nam cũng đã ký được hiệp định thương mại tự do với châu Âu và thêm cái này nữa thì tôi nghĩ rằng thị trường của Việt Nam với gần 100 triệu dân và dân số trẻ, năng động, có thể nói người Việt cũng là người chăm chỉ…, thì đó theo tôi là một nền kinh tế năng động và có thể trong tương lai cùng với hiệp định tự do thương mại nói trên và quan hệ đối tác chiến lược nâng cấp này, xuất khẩu của Việt Nam vào EU cũng sẽ tăng lên.

“Rồi thị trường lao động, tôi nghĩ rằng Việt Nam trong những năm vừa qua xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc, đi Nhật Bản, rồi tới các nước Ả-rập ví dụ như là Qutar hay là Saudi Arabia có rất nhiều tới hàng chục nghìn lao động Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thế, Hàn Quốc thậm chí có đến cả trăm nghìn, nhưng trong khi đó khi chúng ta nhìn vào thị trường của châu Âu hiện nay, thì lao động Việt Nam mà đi sang bằng con đường chính ngạch không có nhiều.

“Thí dụ như Ba Lan mới mở cửa được hai năm nay, tôi nghĩ rằng con số mới được vài trăm người, có lẽ là chưa được đến một nghìn là lao động Việt Nam sang làm việc, hay là ở Cộng hòa Czech có một số, nhưng mà cũng không phải là nhiều, ở Đức có một số lao động Việt Nam sang làm điều dưỡng viên, nhưng mà cũng không nhiều.

“Tôi nghĩ rằng châu Âu có thể là một thị trường mà tới đây Việt Nam có thể cử sang hàng chục nghìn lao động, chẳng hạn như thế, bên cạnh việc phát triển về xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động.

“Ngoài ra, tác động ngược trở lại của Liên minh châu Âu với Việt Nam mà với tư cách là một người quan sát cho dân chủ, tôi cũng hy vọng rằng nó sẽ cải tiến pháp luật, cũng như hành xử của chính quyền Việt Nam đối với dân chúng và đối với người bất đồng chính kiến nói riêng,” bà Mạc Việt Hồng nói với chương trình hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC.

“Hưởng lợi từ an ninh, tới nhân quyền và pháp quyền”

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas Yusof-Ishak, Singapore) nói với BBC:

“Việt Nam nằm ở trong khối Asean, nhưng Asean lại có mối quan hệ đối tác chiến lược với 9 nước và 9 khối, thì đương nhiên Việt Nam được hưởng những lợi ích trong khuôn khổ của Asean, ngoài ra, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước trong Asean.

“Những lợi ích mà Việt Nam được hưởng, thông qua việc Asean có quan hệ đối tác chiến lược với các khối khác và các nước khác, trực tiếp hơn ở các mặt như về chính trị, kinh tế, an ninh – an ninh ở đây là nói đến trực tiếp Biển Đông, và về một số mặt khác nữa như phát triển thị trường để phục vụ phát triển kinh tế.

“Rồi đến những vấn đề vô cùng quan trọng là phát triển về pháp quyền, về quyền con người, về tiếp tục phát triển và nâng cao nhận thức cũng như về các thực hành dân chủ.

“Về tất cả những mặt ấy, có một điều chắc chắn là Việt Nam, cũng như các nước trong Asean khác, sẽ được hưởng, vì trong khối Asean mỗi nước có một thể chế chính trị và cách tổ chức nhà nước và chính phủ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung, là hướng tới tất cả những điểm mà tôi vừa mới nói ra.

“Là vì Asean mang tính chất không phải là một khối mà là một diễn đàn, nhưng nó cũng dẫn đến một quy định về mặt đồng thuận cũng như về mặt lấy Asean làm trung tâm để xử lý trong nội bộ Asean và các vấn đề của khu vực, đặc biệt là các vấn đề về phát triển kinh tế và an ninh.

“Và trong an ninh, nó chỉ có hai vấn đề lớn là Biển Đông là một và thứ hai là bây giờ nảy sinh vấn đề nữa là vùng Mekong, thì lợi ích mà Việt Nam có thể được hưởng nằm ở chỗ đó,” ông Hà Hoàng Hợp nói với hội luận BBC.

“Cam kết tăng cường quan hệ mạnh mẽ”

Hôm 02/12, báo Thế giới & Việt Nam đưa tin về việc Asean và EU nâng cấp đối tác lên mức chiến lược:

“ASEAN-EU cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Tờ báo thuộc thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm:

“Hai bên đã đưa ra quyết định quan trọng chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược sau quyết định về nguyên tắc được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22 vào tháng 1/2019.

“ASEAN và EU tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

“ASEAN đánh giá cao EU là đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. EU hiện là Đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng thương mại hai chiều năm 2019 đạt 280 tỉ USD và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của ASEAN với tổng FDI năm 2019 đạt 16,2 tỉ USD. EU tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh coi ASEAN là đối tác quan trọng của EU ở khu vực, chia sẻ nhiều lợi ích, tiềm năng và thế mạnh hợp tác.”

Từ Berlin, thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng chia sẻ góc nhìn của mình và nhấn mạnh qua sự kiện này tín hiệu quan trọng gì đáng chú ý đã được đưa ra.

“Tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ chiến lược giữa EU và Asean thời điểm hiện nay là một sự kiện rất đặc biệt và nó là một sự chờ đợi từ lâu của cả hai phía EU và Asean…

“Theo dõi những tín hiệu giữa hai bên như là giữa Việt Nam và CHLB Đức hay là giữa Asean và EU đưa ra trong những thăm tháng vừa qua, cá nhân tôi thấy rằng hai bên muốn ráp vào nhau nhanh nhất có thể.

“Và đặc biệt trong thời kỳ Tổng thống Donald Trump vừa rồi, những thay đổi về đối ngoại của Mỹ gây rất nhiều bối rối cho Đức và EU, qua đó người ta thấy sự phụ thuộc vào một cực là điều rất nguy hiểm.

“Điều thứ hai là đại dịch Covid-19 xảy ra, người ta khám phá ra một điều là EU và Đức phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống cung ứng của Trung Quốc, thành ra sự phụ thuộc đơn phương như thế rất nguy hiểm.

“Thành ra tôi thấy tín hiệu mà EU đưa ra và nhất là phía CHLB Đức đưa ra và nó rất trùng hợp với Việt Nam là cả bên đều có ý tưởng là muốn có một trật tự kinh tế mới theo hướng đa phương, không còn là đơn cực, lưỡng cực nữa mà là đa cực để cho những nước đơn lẻ, hay một khối… tới đây có nhiều sự lựa chọn và có nhiều cái để đưa lên bàn cân để đàm phán với những nền kinh tế mạnh,” ông Lê Mạnh Hùng nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 03/12 từ nước Đức.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55188203

Việt Nam và Úc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4

Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Úc lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến diễn ra vào sáng 3 tháng 12 do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Phó Tổng Thư ký Quốc phòng Úc Peter Tesch đồng chủ trì. Báo nhà nước loan tin cùng ngày.

Tại Đối thoại, hai bên đã đánh giá lại kết quả hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua và cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng trong khuôn khô Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Bộ Quốc phòng của cả hai nước cũng mong muốn mở rộng một số nội dung hợp tác mới mà hai bên có nhu cầu và khả năng như quân y, an ninh mạng, trao đổi học thuật, tìm kiếm cứu nạn, công nghiệp quốc phòng…

Liên quan đến tình hình thế giới, hai bên thống nhất nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trước đó, ngày 30 tháng 11, Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng Việt Nam) và ông Huge Jeffrey, Cục trưởng Cục Chính sách Quốc tế (Bộ Quốc phòng Úc) cũng đồng chủ trì buổi Tham vấn Hợp tác Quốc phòng Việt Nam – Úc lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến.

Trong năm 2021, hai bên dự kiến tổ chức trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng và Tổng Tham mưu trưởng, duy trì các cơ chế tham vấn/đối thoại thường niên, ưu tiên hợp tác Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chống khủng bố, không quân và quân y, tổ chức đón tàu Hải quân Úc vào thăm Việt Nam, cùng nhiều hoạt động hợp tác khác theo kế hoạch hằng năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/4th-vietnam-australia-defense-policy-dialogue-12032020115644.html

Mỹ, Nhật hỗ trợ Việt Nam tăng sử dụng khí hóa lỏng để sản xuất điện

Mỹ và Nhật sẽ giúp Việt Nam chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, giảm dần sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch khác, như một phần trong chiến dịch giúp các nền kinh tế mới nổi giảm thiểu lượng khí thải carbon, hãng tin Nikkei loan tin hôm 4/12.

Trong một tuyên bố chung từ diễn đàn ba bên về khí hóa lỏng (LNG) được tổ chức hôm 3/12, Mỹ và Nhật cam kết hỗ trợ tài chính cho Việt Nam để xây dựng các nhà máy điện chạy bằng LNG và xây các bến tiếp nhận nhiên liệu, cũng theo Nikkei.

Hôm 3/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo rằng Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế Keith Krach; Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Francis Fannon; Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kiyoshi Ejima; và Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An đã tham gia Diễn đàn Thương mại Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ba bên Việt Nam-Hoa Kỳ-Nhật Bản vào ngày 2/12.

XEM THÊM:

Việt Nam thông qua dự án hơn 5 tỷ USD của tập đoàn Mỹ

Diễn đàn được tiến hành trong khuôn khổ của Đối tác Năng lượng Chiến lược Nhật Bản-Hoa Kỳ, được khởi động vào năm 2017 nhằm thúc đẩy mạng lưới các nguồn năng lượng sạch và an toàn cũng như các thị trường công nghệ mới để cung cấp các giải pháp thay thế cạnh tranh cho các bên trong khu vực.

Ba quốc gia đã nhất trí rằng tăng trưởng trong khu vực đạt được tốt nhất nhờ vào cạnh tranh công bằng và minh bạch, bao gồm cả thị trường năng lượng LNG và các nguồn nhiên liệu mới, cũng theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Krach nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của LNG trong việc phát triển mạng lưới thị trường năng lượng sạch và an toàn khi khu vực chuẩn bị đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trợ lý Ngoại trưởng Fannon nhấn mạnh tầm quan trọng của LNG như một nền tảng năng lượng linh hoạt sẽ cho phép chuyển đổi ngành năng lượng của Việt Nam.

“Với việc Việt Nam đi đầu trong các mục tiêu năng lượng sạch và trong tăng trưởng do khu vực tư nhân, do vậy sẽ tiếp tục là một ví dụ điển hình khi nước này hợp tác với các nước láng giềng để chuẩn bị cho nhu cầu năng lượng tăng đột biến giữa thập kỷ. Khi Việt Nam sử dụng các nguồn nhiên liệu và công nghệ năng lượng mới hơn và hiệu quả hơn, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ, đổi mới thương mại và đầu tư của khu vực tư nhân,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Năng lượng Chiến lược Nhật Bản-Hoa Kỳ, Tokyo và Washington đã và đang giúp các quốc gia phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng kể từ năm 2017. Trong năm nay, Hoa Kỳ và Nhật xem Việt Nam là ưu tiên hàng đầu mà Đối tác này nhắm tới, theo Nikkei.

LNG đốt sạch hơn các chất như than đá và Nhật và Mỹ tin rằng việc thúc đẩy nhiên liệu này là chìa khóa để hạn chế phát thải ở Đông Nam Á.

Hãng tin Nikkei cho biết phía Hoa Kỳ và Nhật cũng hy vọng rằng nỗ lực của họ sẽ giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.

Vào tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Robert O’Brien nhân chuyến thăm Việt Nam đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) phát triển dự án điện khí LNG Long Sơn được thực hiện giữa đại diện của tập đoàn General Electric (GE) của Hoa Kỳ và các đối tác Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/my-nhat-ho-tro-vietnam-tang-su-dung-khi-hoa-long-de-san-xuat-dien/5687170.html

Mỹ nối lại lịch hẹn xin visa du lịch tại Việt Nam

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở lại các cuộc hẹn xin thị thực du lịch vào tuần tới, sau 9 tháng tạm hoãn do Covid-19. Truyền thông Nhà nước đưa tin hôm 3 tháng 12. 

Theo đó, các đợt hẹn xin thị thực du lịch B1/B2 bắt đầu từ ngày 7 tháng 12 và ngày 9 tháng 12. Thị thực thị thực B1 dành cho mục đích giải quyết các vấn đề công việc, tham dự hội nghị/hội thảo khoa học, giáo dục, chuyên môn hoặc kinh doanh, dàn xếp tài sản hoặc đàm phán hợp đồng. Thị thực B2 dành cho  mục đích mang tính giải trí, bao gồm đi du lịch, thăm bạn bè hoặc họ hàng, điều trị y tế và các hoạt động có đặc thù về tình hữu nghị, xã hội hoặc dịch vụ. Thông thường, thị thực B1 và B2 được kết hợp và cấp dưới dạng một thị thực: B1/B2. 

Người đến xin thị thực được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến đại sứ quán và lãnh sự quán. Những người cảm thấy bị bệnh hoặc tin rằng họ đã tiếp xúc với Covid-19 phải hoãn hoặc lên lịch lại cuộc hẹn của họ ít nhất 14 ngày sau đó.

 Hồi tháng 7, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại các cuộc phỏng vấn đối với một số loại thị thực dành cho sinh viên, bác sĩ, khách chính phủ, giáo sư, học giả, chuyên gia, thương nhân và nhà đầu tư, phi hành đoàn hàng không hoặc hàng không quốc tế tại Hoa Kỳ, đại diện truyền thông và nhà báo, vận động viên, nghệ sĩ và nghệ sĩ giải trí. Hoa Kỳ đã ngưng tất cả các dịch vụ thị thực tại Việt Nam do đại dịch COVID-19 từ tháng 3 năm 2020. Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.358 trường hợp mắc bệnh COVID-19, còn 119 trường hợp đang điều trị và 35 người tử vong.Hoa Kỳ hiện có hơn 14,3 triệu người nhiễm COVID-19 và gần 280.000 người tử vong.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 vào chiều 1 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ chủ trương dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/united-state-resume-tourist-visa-appointments-in-vn-12032020115345.html

Bộ Ngoại giao nói về cáo buộc ‘phí bôi trơn’ khi nhập cảnh phải cách ly

“Những hành vi trục lợi, tiêu cực làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.

Đó là phát biểu từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 3 tháng 12, khi phóng viên quốc tế đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về thông tin một số người nước ngoài khi làm thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh vào Việt Nam cũng như cách ly tại các cơ sở lưu trú đều bị yêu cầu một phần phí “bôi trơn”.

Bộ Ngoại giao cũng cho biết đã nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc liên quan đến phản ánh của người dân về một số vấn đề phát sinh trong các chuyến bay theo hình thức tự nguyện và tự trả phí cách ly và chúng tôi cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Hôm 13 tháng 11, Cục Hàng không Việt Nam chính thức phát đi văn bản thông báo liên quan đến việc đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được một số phản ánh của hành khách về việc một số Hãng hàng không nước ngoài quảng cáo bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Từ những phản ánh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã liên lạc ngay với các hãng hàng không nước ngoài để xác minh. Các hãng hàng không nước ngoài trong trả lời Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không hề thực hiện các chuyến bay đưa người Việt về nước như vậy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministrym-of-foreign-affairs-talks-about-quarantine-when-entering-vn-12032020114940.html

Ra mắt nền tảng Chính phủ số được xây dựng bởi Việt Nam

Bộ Thông tin – Truyền thông (TT&TT) Việt Nam hôm 4/12 cho ra mắt nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital được nói do người Việt Nam xây dựng nên.

Truyền thông Nhà nước loan tin cùng ngày cho biết nền tảng kỹ thuật số này được lựa chọn để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Các thành phần của Flex Digital được nói bao gồm: nền dịch vụ công nghệ trực tuyến, cung cấp giao diện tích hợp cho thiết bị di động dành cho cán bộ tra cứu thông tin, nhận thông báo và tương tác ứng dụng quản lý nội bộ, nền tảng phát triển ứng dụng web, nền tảng quản lý thông tin báo cáo, cộng tác và chỉ đạo điều hành…

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại lễ ra mắt cho biết Việt Nam có định hướng rõ trong 5 năm tới sẽ phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam khen ngợi công ty FDS đã chủ động nghiên cứu, phát triển nền tảng Flex Digital và câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VIFOSA) cùng cộng đồng công nghệ thông tin đã tham gia dự án.

Ông Nguyễn Kiêm Dũng, Giám đốc FDS, cho biết nền tảng Flex Digital được định hướng bởi Bộ TT&TT trong tiến trình chuyển đổi số.

Theo lời ông này, Bộ TT&TT đã yêu cầu xây dựng nền tảng thay vì trước đây xây dựng các ứng dụng nhưng không sử dụng nền tảng hoặc dùng nền tảng nước ngoài.

Ông Dũng cho hay việc sử dụng nền tảng sẽ mang lại nhiều giá trị: tiết kiệm chi phí đầu tư, đơn giản hóa tích hợp dữ liệu và ứng dụng, hiệu quả nếu sử dụng ứng dụng và nền tảng chung, kế thừa thành tựu công nghệ được mã nguồn mở thế giới, hoàn thiện giải pháp và sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển số của Chính phủ Việt Nam.

Tin nói nền tàng Chính phủ số Flex Digital của Việt Nam đã được triển khai tại 11 bộ ngành, 5 tỉnh thành và 2 tổ chức quốc tế.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/launch-of-a-digital-government-platform-made-in-vietnam-12042020074934.html

Điểm tin trong nước 4/12: Quảng Nam cách ly người về từ TP.HCM; Khách hàng phải nộp 10% thuế khi sử dụng dịch vụ xe công nghệ

Mục lục bài viết         

Khách hàng phải nộp 10% thuế sử dụng dịch vụ xe công nghệ

Quảng Nam cách ly người về từ TP.HCM

TP.HCM yêu cầu ai từng đến 14 địa điểm liên quan các bệnh nhân mắc Covid-19 đến khai báo y tế

Thêm 5 căn nhà và một tầng chung cư TP.HCM bị phong tỏa

Khởi tố, bắt giam nam sinh lớp 9 đánh bạn tử vong trong giờ ra chơi

Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên bị đâm chết: UBND quận 5 nói gì?

Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines kiểm điểm trách nhiệm

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Sáu của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Khách hàng phải nộp 10% thuế sử dụng dịch vụ xe công nghệ

Theo quy định của Nghị định 126, kể từ ngày 5/12, các ứng dụng gọi xe giao đồ ăn, giao hàng… sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các cá nhân. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh thay vì mức thu 3% trên phần doanh thu được nhận như hiện nay. Như vậy, với quy định này cho thấy các cuốc xe công nghệ trong thời gian tới có thể sẽ tăng giá và người dân (khách Hàng) sẽ phải nộp thêm 10% số tiền thuế, theo Người tiêu dùng.

Quảng Nam cách ly người về từ TP.HCM

Để phòng dịch Covid-19, tỉnh Quảng Nam yêu cầu cách ly, theo dõi người trở về từ TP.HCM kể từ ngày 27/11. Yêu cầu người có đi đến các địa điểm dịch tễ phải liên hệ với y tế địa phương thực hiện cách ly tập trung đủ 14 ngày, khi hết thời hạn cách ly tập trung phải tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày nữa, theo Người lao động.

TP.HCM yêu cầu ai từng đến 14 địa điểm liên quan các bệnh nhân mắc Covid-19 đến khai báo y tế

Cụ thể: 1. Quán Cà ri gà, 1357 đường 3/2, phường 16, quận 11, từ 14h đến 14h30 ngày 23/11.

2. Trung tâm Anh ngữ SAS từ ngày 21 đến ngày 28/11.

3. Quán cà phê Highland, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, từ 17h45 đến 18h ngày 23/11.

4. Quán ăn 91A Cư xá Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10, khoảng 8h30 ngày 25/11.

5. Nhà thuốc Minh Châu, 141A Minh Phụng, phường 9, quận 6, ngày 28/11.

6. Isushi 112 Cao Thắng, phường 4, quận 3, ngày 27/11.

7. Quán ăn Củ Hành Tây, 189 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận Phú Nhuận, lúc 12h30 ngày 21/11.

8. Đại học HUTECH Bình Thạnh, phòng B14-06, lầu 14 từ 9h đến 11h và 15h đến 16h ngày 22/11.

9. Bún Đậu Mẹt, 839/12 Lê Hồng Phong, quận 10, từ 20h đến 21h ngày 27/11.

10. Khu vực Highlands Coffee của Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall, quận 10, từ 20h đến 21h ngày 22/11.

11. Karaoke ICOOL, phòng 201, địa chỉ 120 Thành Thái, phường 12, quận 10 từ 22h ngày 23/11 đến 0h ngày 24/11.

12. Quán ốc Phượng, 47 Công chúa Ngọc Hân, phường 13, quận 11, từ 20h đến 22h ngày 25/11.

13. Phòng tập Citygym, địa chỉ 119 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận, từ 13h đến 17h ngày 18, 23, 24, 25 và 26/11.

14. Trung tâm Anh ngữ Key English tại 2 địa chỉ (59 Nguyễn Bá Tuyển, phường 12, quận Tân Bình từ ngày 18 đến 26/11) và (285/24 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, từ ngày 18 đến 27/11).

HDC cũng lưu ý, sau khi đi xét nghiệm, những người liên quan cần tự cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày cuối cùng đi đến các khu vực trên. Tuân thủ hướng dẫn tự cách ly tại nhà của y tế địa phương.

Thêm 5 căn nhà và một tầng chung cư TP.HCM bị phong tỏa

Theo đó, ca nghi nhiễm là nữ tiếp viên hàng không, được phát hiện vào tối ngày 3/12. Sáng nay ngày 4/12, 5 hộ dân với 25 nhân khẩu thuộc khu dân cư Cityland, TP.HCM, nơi bệnh nhân này sinh sống đã bị phong tỏa và lấy mẫu xét nghiệm. Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nữ tiếp viên này đã cho kết quả dương tính lần 1 với virus -19. Song đến sáng 4/12 thì lại âm tính. Ông Kiên cho biết, vẫn sẽ duy trì phong tỏa những nơi nữ tiếp viên này từng đi qua cho đến khi có kết quả xét nghiệm cuối cùng, theo Phunutoday.

Khởi tố, bắt giam nam sinh lớp 9 đánh bạn tử vong trong giờ ra chơi

Ngày 4/12, lãnh đạo Công an TX. Duy Tiên (Hà Nam) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nghiêm Tất Tiến Đạt (14 tuổi, học sinh lớp 9A Trường THCS Châu Giang) để điều tra, làm rõ hành vi có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, khoảng 9 giờ 26/11, trong giờ ra chơi, em N.V.V. (14 tuổi, trường Đạt) xảy ra mâu thuẫn với Đạt. Đạt cầm một viên đá ném trúng người V. và lao vào đấm vào vùng đầu, gáy của V. khiến nạn nhân ngã xuống dù được đưa đến Trạm y tế P.Châu Giang nhưng 30 phút sau nạn nhân tử vong, theo Thanh Niên.

Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên bị đâm chết: UBND quận 5 nói gì?

Qua xác minh ban đầu sáng 8h30 cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tèo Em (SN 1976) là nhân viên quản lý ngành hàng Ban Quản lý chợ Kim Biên đến phòng làm việc của Ban quản lý chợ gặp Trưởng Ban quản lý là bà Lâm Thị Tuyết Hồng để bàn công việc.

Do có mâu thuẫn nên Nguyễn Văn Tèo Em đã dùng dao đâm vào vùng ngực của bà Hồng làm nạn nhân chết tại chỗ. Một kế toán đến can ngăn cũng bị Tèo đâm bị thương, Tèo bị bắt dữ tại hiện trường, theo Người lao động.

Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines kiểm điểm trách nhiệm

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký, Vietnam Airlines có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm công tác tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sự việc để tiếp viên hàng không lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly của Vietnam Airlines và làm lây nhiễm ra ngoài cộng đồng thời gian vừa qua. Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của Vietnam Airlines, theo Thanh Niên.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-4-12-quang-nam-cach-ly-nguoi-ve-tu-tp-hcm-khach-hang-phai-nop-10-thue-khi-su-dung-dich-vu-xe-cong-nghe.html