Tin Việt Nam – 04/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/01/2020

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn nhiều “khâu kiểm tra” trước khi chạy chính thức

Sau 20 ngày chạy thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông (từ 12 đến 31/12/2020), Ban Quản lý Dự án Đường sắt hôm 4/1 cho rằng dự án vẫn còn nhiều nội dung cần thực hiện trước khi đưa vào chạy chính thức. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin trên vào cùng ngày.

Theo đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Hội đồng sẽ dựa trên kết quả vận hành thử toàn hệ thống; ý kiến của Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn (là liên danh tư vấn Pháp-ACT), cũng như ý kiến các chuyên gia sau đợt chạy thử nghiệm vừa qua trước khi bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại.

Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (BQL), hôm 4/1 cho hay BQL đã yêu cầu tổng thầu EPC Trung Quốc phải có báo cáo chi tiết toàn bộ quá trình thực hiện thử nghiệm, giao tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá kết quả trước khi BQL thực hiện nghiệm thu.

Trước đó, trong ngày thứ 3 tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông đưa vào chạy thử nghiệm, phía tư vấn Pháp đã phát hiện một số bất cập trong qui trình vận hành. Cụ thể tư vấn Pháp không đồng tình phương án xử lý khi cháy trên tàu mà đại diện tổng thầu TQ đưa ra.

Nhiều người dân Hà Nội sau thông tin trên cho rằng dự án CL-HĐ đã trễ hẹn đưa vào khai thác quá nhiều lần, do đó mặc dù không đặt nhiều niềm tin vào độ an toàn của dự án nhưng họ hy vọng được trải nghiệm một lần sau khi dự án đưa vào khai thác trong tháng 1/2021 như lời hứa của Bộ trưởng Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Được biết, theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại để người dân trải nghiệm.

Sau đó, người dân sẽ mua vé 8.000 – 15.000 đồng/lượt, vé ngày giá 30.000 đồng/vé, vé tháng 200.000 đồng (đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng) 

Dự án đường sắt CL-HĐ được ghi nhận đã 8 lần hoãn kế hoạch vận hành thương mại và sau gần 10 năm khởi công (vào tháng 10/2011) đã điều chỉnh mức đầu tư dự án hơn 868 triệu USD, trong đó vốn vay của Chính phủ TQ là gần 670 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Theo hợp đồng EPC, Tổng thầu Trung Quốc sẽ thực hiện bảo hành dự án 2 năm cho tuyến đường sắt CL-HĐ sau khi được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cat-linh-ha-dong-railway-still-remains-many-checks-before-putting-into-operation-01042021072646.html

Khánh Hoà: Nhân viên trạm thu phí BOT bị đâm trọng thương

Hiểu Minh

Anh Nguyễn Hữu Khánh Ninh, 27 tuổi là bảo vệ trạm BOT Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa bị đâm trọng thương tối ngày 2/1.

Thông tin ban đầu trên báo VOV cho biết, vào tối 2/1, ông Khánh đang làm nhiệm vụ trên làn đường thu phí số 4, hướng từ Khánh Hòa đi Đắk Lắk. Lúc này, ông N.P.Q. (được cho là người địa phương) đi xe máy đến gây sự và đánh vào mặt ông Ninh.

Bị đánh, ông Ninh bỏ chạy vào khu nhà điều hành của trạm. Ông Q. đuổi kịp, lấy dao mang theo đâm vào phía trước ngực ông Ninh. Ông Ninh chạy vào gần cửa trạm thì gục xuống, được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đến chiều 3/1, theo Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, ông Ninh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt.

Clip nhân viên Trạm BOT Ninh Xuân bị gây sự và đánh (nguồn clip Trạm BOT Ninh Xuân).

Theo Pháp luật TP.HCM, trạm BOT Ninh Xuân bắt đầu thu phí từ ngày 16/12/2019 và từ đó đến nay người dân liên tục phản đối việc thu phí vì cho rằng việc đặt trạm thu phí này là bất hợp lý.

Người dân cho rằng Công ty TNHH MTV CICO 501 BOT quốc lộ 26 chỉ xây dựng mới một đoạn đường tránh nhưng lại đặt trạm thu phí trên đoạn đường độc đạo, trong khi đoạn đường này chỉ nâng cấp, sửa chữa. Nhiều lái xe ở thị xã Ninh Hòa cũng phản ứng khi trạm BOT Ninh Xuân cách trạm BOT Ninh Lộc trên quốc lộ 1 đặt tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa chỉ 12km.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, chính quyền các cấp ở Khánh Hòa, chủ đầu tư nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân để giải quyết các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Ninh Xuân nhưng đến nay tình hình vẫn còn phức tạp.

https://www.dkn.tv/thoi-su/khanh-hoa-nhan-vien-tram-thu-phi-bot-bi-dam-trong-thuong.html

Hoãn phiên xử cựu thanh tra Bộ Xây dựng tham nhũng tại Vĩnh Phúc

Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hôm 4/1 hoãn phiên xử bốn cựu thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến diễn ra vào cùng ngày. Lý do vì vắng mặt nhiều người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày dẫn quyết định trên của tòa án Vĩnh Phúc. Mục đích nhằm đảm bảo quyền lợi của cả hai phía bị hại và bị cáo.

Bốn cựu cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị đưa ra xét xử gồm bà Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1975, cựu Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, thanh tra, Bộ Xây dựng); ông Đặng Hải Anh (sinh năm 1981, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng; bà Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1977,

cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng) và bà Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1994, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra).

Cả bốn người bị đưa ra xét xử về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng cho biết vào tháng 4/2019, đoàn thanh tra do bà Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn được phân công làm nhiệm vụ thanh tra quy hoạch xây dựng tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong quá trình làm việc, nhóm cựu cán bộ bị xác định đã vòi tiền, nhận tiền từ các doanh nghiệp để bỏ qua lỗi vi phạm.

Vào ngày 12/6/2019, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh và Đặng Hải Anh nhận hối lộ.

Kết quả điều tra bước đầu cho biết từ tháng 5/2019 đến tháng 6/2019, nhóm bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng khoảng 2,1 tỷ đồng tiền từ các doanh nghiệp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-trial-of-former-construction-ministry-inspector-in-vinh-phuc-postponed-01042021075948.html

Theo dõi Nhân quyền Quốc tế lên tiếng về phiên xử đối với 3 nhà báo độc lập

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 4 tháng 1 lên tiếng về phiên xử 3 người thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba người đi đưa ra xét xử gồm ông Phạm Chí Dũng- Chủ tịch; ông Nguyễn Tường Thụy-Phó chủ tịch; và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên. Cả ba bị cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống chính quyền’ theo khoản 2 điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam, sửa đổi năm 2017.

Phó Giám đốc Phân Ban Châu Á của HRW, Phil Robertson, trong thông cáo đưa ra ngày 4 tháng 1, nêu rõ ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính quyền Việt Nam không muốn nghe. Điều đó đủ để khiến chính quyền Việt Nam bỏ tù họ theo những cáo buộc ngụy tạo.

Ông Phil Robertson cho rằng tuyên bố tôn trọng dân chủ của chính phủ Việt Nam chỉ là lời nói dối. Nên dân chủ sẽ chết nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc làm của các phóng viên công dân độc lập tương tự như ba người vừa nêu là dám chỉ ra những sai trái và yêu cầu cải cách để chấm dứt tình trạng lạm quyền. Vào khi đại hội toàn quốc sắp đến trong tháng này, Đảng Cộng sản không hề dừng tay đàn áp đối lập. Nếu Đảng Cộng sản chắc chắn về sự lãnh đạo của họ, thì nên bày tỏ sự tự tin qua việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt biện pháp quản lý chặt chẽ báo chí, và cho phép các nhà báo độc lập được tự do bày tỏ ý kiến thay vì buộc họ phải im lặng bằng sự bắt bớ và tuyên án tù nhiều năm. Tuy thế, tất cả đều biết Việt Nam đang còn xa đối với thực tế tôn trọng các quyền như thế.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt và khởi tố bị can ngày 21/11/2019 tại Tp. HCM. Ông có những bài viết phản biện xã hội đã được đăng trên trang web của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, các trang báo nước ngoài cũng như mạng xã hội.

Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị bắt tại Hà Nội ngày 23/5/2020 và bị di lý vào Trại giam Chí Hoà, Tp. HCM cùng ngày. Ông có đóng góp các bài viết trên trang blog của Đài Á Châu Tự Do.

Anh Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt ngày 12/6/2020 tại Quảng Nam và được đưa vào Tp. HCM để phục vụ điều tra.

Vụ án kết thúc điều tra ngày 15/10/2020.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/human-rights-watch-about-the-trial-of-three-independent-journalists-on-jan-5-2021-01042021063951.html

Các tổ chức Nhà nước nên làm gương trong công khai nguồn đóng góp cho từ thiện

Cao Nguyên

Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Dự thảo này đưa ra 2 phương án cho các quy định về việc “cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện” như sau:

Phương án 1:

Khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định.

Ngoài ra, cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Sau khi kết thúc hoạt động từ thiện, các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

Phương án 2:

Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nên có quy định chặt chẽ hơn với các tổ chức Nhà nước

Ông Lê (đã đổi tên vì lý do an toàn), người tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản lý công tại Nhật Bản nêu quan điểm rằng dự thảo này nên chú trọng điều chỉnh để giám sát chặt chẽ hơn hoạt động, minh bạch chi tiêu của các tổ chức nhà nước. Ông Lê trả lời RFA qua email như sau:

“Cần xác định rõ là việc minh bạch trong hoạt động cứu trợ hay từ thiện là chuyện rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là các hoạt động mang tính chất xã hội dân sự nên để tự xã hội điều chỉnh.

Việc nâng lên thành văn bản quy phạm pháp luật như là nghị định thể hiện sự “ôm đồm” quá nhiều trong việc quản lý xã hội. Dự thảo Nghị định cũng không có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, như vậy khi áp dụng trên thực tế hiệu lực của nghị định sẽ chỉ mang tính minh họa.

Nghị định nên hướng tới điều chỉnh chặt chẽ hơn tới các hoạt động hay vận hành của các tổ chức Nhà nước như Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) hay hội Phụ nữ. Đặc biệt các khoản thu chi, tiếp nhận của các tổ chức này đối với các khoản tài trợ. Nên bổ sung chế tài xử phạt đối những người có trách nhiệm trong các tổ chức này nếu có hành vi làm thất thoát tài sản. Bởi vì đây là các tổ chức đại diện cho quyền lực nhà nước nên các tổ chức này cần phải đảm bảo sự minh bạch.

Còn các quỹ hay tổ chức tư nhân, việc công khai minh bạch đặc biệt trong các hoạt động tự thiện thì đã nằm sẵn trong điều lệ hoạt động của họ rồi. Việc quy định thêm sẽ không cần thiết.”

Về phương án 2 của dự thảo Nghị định này đề xuất: Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan:

Đây là một quy định hợp lý khi khuyến khích các cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động trợ giúp. Tuy nhiên cần phải bỏ phần “phải tuân theo quy định của pháp luật” vì vô hình chung sẽ làm họ bị vướng mắc khi không biết phải theo quy định pháp luật nào.

Nên thay quy định việc cá nhân tổ chức phải liên lạc báo cáo với chính quyền địa phương về kế hoạch hỗ trợ bằng quy định là các chính quyền địa phương phải chủ động hỗ trợ, điều phối kế hoạch của các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện khi được các tổ chức cá nhân này yêu cầu.

Có như vậy thì mới giảm thiểu được các quy trình thủ tục không đáng có trong các hoạt động từ thiện. Từ đó tăng tính hiệu quả và chủ động trong việc đối phó với các thiên tai, bão lũ.”

Qua chuyện cô ca sĩ Thủy Tiên thì rõ ràng là người dân tin vào những người có uy tín, minh bạch hơn là nhà nước. Những năm trước thì người dân chỉ đổ tiền vào các tổ chức như Chi hội Phụ nữ hoặc là MTTQ. Rõ ràng là vì các cơ quan đoàn thể đó họ không minh bạch

Bà Thương, hiện đang ở Hà Nội, người thường tổ chức các đợt từ thiện tặng quà, chăn ấm cho trẻ em, đồng bào vùng núi cho rằng phương án 2 của dự thảo này chỉ nên áp dụng cho các tổ chức nhà nước, mà bà cho rằng không hề minh bạch từ trước đến nay:

Qua chuyện cô ca sĩ Thủy Tiên thì rõ ràng là người dân tin vào những người có uy tín, minh bạch hơn là nhà nước. Những năm trước thì người dân chỉ đổ tiền vào các tổ chức như Chi hội Phụ nữ hoặc là MTTQ. Rõ ràng là vì các cơ quan đoàn thể đó họ không minh bạch. Chính họ mới là những đơn vị cần phải phải áp dụng các cơ chế này vào chứ không phải là áp dụng cho toàn dân.

Chính trong hệ thống nhà nước khi có chương trình gì thì họ lại đến nhà dân để thu tiền. Trong khi đó không ai biết được những khoản tiền đó đi về đâu. Với các tổ chức, nghiệp đoàn công nhân… thì cái nghị định này không có gì là sai trái cả. Bởi vì nó cần phải có để kiểm soát được sự tham nhũng.”

Gây khó khăn, cản trở cho người làm từ thiện

Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua những cá nhân được nhiều người dân tin tưởng gửi tiền cứu trợ cho đồng bào thời gian qua như cô ca sĩ Thủy Tiên phải báo cáo với nhà nước khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Dũng Quân, một người dành gần 2 tháng trời, từ đầu tháng 10, chạy xe tải xuyên các tỉnh miền Trung từ Nghệ An vào tới Đà Nẵng để cứu trợ bà con cho rằng dự thảo này nếu được thông qua sẽ gây ra nhiều khó khăn, cản trở cho những người có lòng làm thiện nguyện.

Lũ lụt miền Trung năm 2020 được đánh giá là cơn lũ lịch sử vì các đợt bão, lũ kéo dài liên tiếp từ ngày 6/10 cho đến giữa tháng 11, khiến nhiều nơi bị ngập lụt sâu, chia cắt giao thông, nhiều khu dân cư bị cô lập giữa biển nước. Người dân phải lên mạng kêu cứu giữa đêm vì lũ chồng lũ, nước lên quá nhanh, không kịp sơ tán. Ông Quân nói phải chạy xe liên tục, xuyên đêm, vừa đi vừa kêu gọi quyên góp tiền để đến kịp nơi bị cô lập, phân phát đồ ăn, nước uống cho những người còn bị kẹt lại.

Trong tình cảnh cấp bách như vậy, việc dự thảo yêu cầu phải thông báo cho chính quyền địa phương trước khi cứu trợ là không hợp lý.

Thêm nữa, rất ít người có thể tiếp cận được với bà con vũng lũ đang bị cô lập, trong khi rất nhiều nơi cần được hỗ trợ gấp về lương thực, thì chuyện ghi chú lại chi tiết từng khoản nhỏ để báo cáo về sau là rất khó.

Theo quan điểm của ông Quân, minh bạch các khoản quyên góp từ thiện là một điều cần phải làm. Tuy nhiên, nó cần phải phụ thuộc điều kiện thực tế trong quá trình thực hiện:

Về công khai thì rõ ràng khi mình làm việc thì mình phải công khai trên tất cả các bài viết. Nhưng mà khi tiền quyên góp của mình kêu gọi được những người thân bạn bè của mình mà đưa về cho địa phương để địa phương phân chia thì chuyện đó mình không được vui. Bởi mình phải qua mấy giai đoạn xét duyệt, đợi chờ.

Đâu chỉ riêng cá nhân mình mà còn nhiều hội đoàn khác nữa, cứ đợi địa phương phân chia thì đến lúc nào mới đến được tay của người dân. Mình sợ rằng sẽ không kịp cho người dân để cứu đói.

Nói chung đối với người làm từ thiện thì nó hơi bất cập và khó khăn cho người làm từ thiện.”

Ở Việt Nam, cứ mỗi khi ở đâu gặp thiên tai thì nhiều nơi trên cả nước hướng về đó, quyên góp để giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn. Ông Quân nói trong đợt lũ vừa qua, ông chứng kiến hàng ngàn đoàn từ thiện cá nhân mang theo lương thực, nhu yếu phẩm, tiền bạc giúp đỡ khúc ruột miền Trung. Cho nên đừng để các nghị định, luật lệ cản bước những người có lòng:

“Cũng qua cái trận lũ vừa rồi thì mới cảm nhận được người Việt Nam mình thực sự yêu thương nhau. Bọn tôi nhìn dòng xe đi về miền Trung mà chảy nước mắt luôn, thấy từng đoàn, từng đoạn nối đuôi nhau. Không chỉ riêng người Việt Nam mình ở đây mà còn có nhiều kiều bào con người làm ăn xa quê luôn hướng về Việt Nam.”

Dự thảo Nghị định này cũng quy định về việc các cá nhân tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo “có trách nhiệm phản ánh đầy đủ thông tin về kết quả vận động, tiếp nhận, số tiền đã giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Kết thúc quá trình vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân báo cáo chính quyền địa phương nơi cư trú về kết quả hỗ trợ nếu được yêu cầu.”

Dự thảo không quy định rõ cá nhân, đơn vị, cơ quan hay tổ chức nào được quyền yêu cầu những cá nhân này phải báo cáo.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vovernment-affiliated-charity-organization-should-be-transparent-in-their-activities-01042021062351.html

Công nhân đình công đòi quyền lợi cũng được nhà cầm quyền đưa vào diện “bí mật quốc gia”

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 2 tháng 1 năm 2021 loan tin, lãnh đạo ban tuyên giáo của Tổng liên đoàn Lao động Cộng sản cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều quy định liên quan đến một số vấn đề của người lao động phải đưa vào dạng “bí mật quốc gia”.

Thí dụ như, những kế hoạch, báo cáo liên quan đến thực trạng lao động Việt Nam có diễn biến về tư tưởng, nhận thức, hoạt động mà nhà cầm quyền cho rằng liên quan đến chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, và đối ngoại. Hoặc những văn bản của Tổng liên đoàn Lao động Cộng sản đề nghị lên bộ Chính trị, ban Bí thư Cộng sản với nội dung về các chủ chương, biện pháp đối ngoại của cơ quan này với phía ngoại quốc cũng là bí mật quốc gia.

Ngay cả các văn bản mà Tổng liên đoàn Lao động Cộng sản phản ánh, đánh giá về tranh chấp lao động, đình công của người lao động bị nhà cầm quyền cáo buộc là ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia cũng thuộc dạng “bí mật quốc gia”.

Những quy định này của nhà cầm quyền đồng nghĩa với việc người dân không được tiếp cận, cũng như bàn luận hay nhắc đến các vấn đề trên nếu không muốn bị nhà cầm quyền khép tội làm lộ bí mật quốc gia. Điều này trái ngược hoàn toàn với những xảo ngôn của nhà cầm quyền tuyên truyền như: nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/cong-nhan-dinh-cong-doi-quyen-loi-cung-duoc-nha-cam-quyen-dua-vao-dien-bi-mat-quoc-gia/

Nhiều dự án điện mặt trời ở Đắk Lắk bị phát hiện sai phạm

Hàng chục dự án điện mặt trời mái nhà ở Đắk Lắk bị phát hiện sai phạm, do “núp bóp” nông nghiệp và đang được hợp thức hóa bằng nhiều cách.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 4/1, dẫn nguồn từ Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết thông tin vừa nêu.

Cụ thể, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện hàng loạt sai phạm sau khi tiến hành kiểm tra các trang trại nông nghiệp có lắp điện mặt trời mái nhà tại Buôn Đôn, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuộc.

Tin cho biết các trang trại này chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa thi công xong nhưng đã được Công ty Điện lực Đắk Lắk cho kết nối vào hệ thống điện. Điển hình, tại thành phố Buôn Ma Thuột có 4 trang trại, huyện Buôn Đôn có 21 trang trại và 14 trang trại tại huyện Cư Kuin.

Ủy ban Nhân dân huyện Cư Kuin cho biết đã đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đắk Lắk hợp thức hóa các trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời mái nhà bằng cách đưa toàn bộ phần đất của các trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào quy hoạch chuyển đổi năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, ông Vũ Đức Côn được báo giới dẫn lời rằng ngành tài nguyên môi trường và ngành điện lực chịu trách chiệm giải quyết những sai phạm của các trang trại lắp đặt điện mắt trời mái nhà. Do đó, cơ quan này đã báo cáo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Báo giới Nhà nước Việt Nam cũng ghi nhận tình trạng Công ty Điện lực tỉnh Đắk Nông thỏa thuận và kết nối các dự án điện mặt trời mái nhà một cách tràn lan, nhưng thiếu kiểm soát.  

Người dân phản ảnh với báo giới rằng các trụ điện truyền tải điện mặt trời mái nhà, thuộc Công ty Solar Tây Nguyên, được dựng trên phần đất của họ và đã xảy ra tình trạng sét đánh, bị mất điện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Điện lực Đắk Nông phải chấn chỉnh tình trạng vừa nêu.

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, hồi trung tuần tháng 11/2020, cho biết đã chuyển những phản ánh liên quan các dự án điện mặt trời ở Tây Nguyên đến Bộ Công thương xử lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-solar-power-projects-are-legalized-in-dak-lak-01042021073401.html

Covid-19: VN ký mua vaccine Oxford-AstraZeneca

Việt Nam đã đạt thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 Oxford-AstraZeneca của Anh, chính phủ tuyên bố hôm thứ Hai.

Việc phân phối, giao nhận vaccine sẽ được thực hiện “theo từng giai đoạn trong suốt bốn quý của năm 2021”, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nói tại cuộc họp báo sáng thứ Hai, 4/1.

Covid-19: Israel đã tiêm vaccine cho 12% dân, dẫn đầu thế giới

Việt Nam và các nước ASEAN mua vaccine ở đâu?

Với lượng vaccine trên, Việt Nam sẽ chủng ngừa được cho 15 triệu người trên tổng số khoảng 95 triệu dân cả nước.

Đây là loại vaccine dễ bảo quản hơn so với các loại của Pfizer và Moderna của Mỹ, chỉ cần cất giữ trong điều kiện nhiệt độ tủ lạnh, và có giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, mức hiệu quả được đánh giá là thấp hơn hai loại trên.

Cạnh đó, Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội mua vaccine từ các nguồn khác của Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Việc tìm mua vaccine ngoại được triển khai do kế hoạch sản xuất vaccine nội tính đến mùa hè năm nay là “vẫn chưa thể”, Bộ trưởng Y tế Mai Tiến Dũng được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói tại cuộc họp chính phủ sáng ngày 4/1.

Việt Nam cũng đang đàm phán để mua vaccine Pfizer của Mỹ, Sputnik V của Nga, và vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường không cho biết tên loại vaccine cụ thể của Trung Quốc.

Covid-19: Vaccine TQ có bao nhiêu loại, hiệu quả và giá cả?

Covid-19: Việt Nam có mua vaccine của Trung Quốc và Nga?

Hiện Trung Quốc đang phát triển một số loại vaccine, trong đó có hai loại đã được phân phối sử dụng ở trong nước và nước ngoài – là sản phẩm của các công ty Sinovac và Sinopharm – tuy chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở người.

Giới chức Việt Nam cho biết họ cũng có khả năng có được vaccine cho khoảng 15,6 triệu người từ chương trình liên minh vaccine toàn cầu, Covax, của Tổ chức Y tế Thế giới; tuy nhiên, cần chờ đợi cho tới khi có thêm thông tin chi tiết về việc này, trong Quý 1.

Trước đó, Việt Nam đã đồng ý mua vaccine từ Nga, tuy nhiên tỏ ra không vội vã ký các hợp đồng do vấn đề chi phí có thể cao trong lúc số ca nhiễm bệnh và tử vong do virus corona trong nước ở mức thấp so với tình hình chung thế giới.

Hồi tháng Tám, Việt Nam nói đã đăng ký từ 50 đến 150 triệu liều vaccine của Nga, nhưng không cho biết rõ việc phân phối sẽ được triển khai thế nào, Reuters tường thuật.

Quá trình phát triển vaccine Nano Covax nội địa của Việt Nam đang được triển khai ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người giai đoạn đầu. Một loại vaccine nội nữa dự kiến sẽ được bắt đầu đưa ra thử nghiệm trên người trong tháng này.

Cho đến nay, Việt Nam có 1.494 ca dương tính, với 35 trường hợp tử vong do Covid-19.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55529960

Sát Đại hội 13, vẫn chưa biết ai là ‘người đặc biệt’ được chọn ở lại

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chốt được ai sẽ là Tổng Bí thư do chưa chọn xong “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi, mặc dù Đại hội 13 sắp khai mạc ngày 25/1.

Việt Nam: ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ?

Hội nghị TƯ14: Vẫn còn chờ “trường hợp đặc biệt”?

Đại hội 13: Công tác nhân sự có nên ‘biệt lệ hóa’ mãi không?

Hội nghị TƯ14: Bao giờ đảng công khai hơn về nhân sự?

BBC được biết Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn ít nhất một cuộc họp, có thể diễn ra ngày 9/1, để bàn thảo về ứng viên cho bốn chức danh Tứ Trụ, và các trường hợp trên 65 tuổi được giới thiệu tiếp tục ở lại.

Theo Quy định chặt chẽ của Đảng, nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Chờ đợi

Đến giờ này, sự quan tâm đặc biệt đang dành cho hai trường hợp trên 65: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới làm Thủ tướng một nhiệm kỳ, và chính phủ giai đoạn 2016-2020 được đánh giá cao trong quản trị kinh tế, xã hội Việt Nam.

Còn ông Trần Quốc Vượng được giới quan sát từ hai năm qua xem là một trong vài ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng.

Quy định này nói mức độ Tuyệt mật liên quan: Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

Một phần do quy định này, mà thông tin về quy hoạch Tứ trụ đến giờ vẫn “kín như bưng”.

Trong bối cảnh này, BBC đã cố gắng hỏi những người có sự quan tâm, hiểu biết về chính trị Việt Nam.

Đặc biệt, BBC cũng hỏi một vài nguồn tin có quan hệ cấp cao, không chỉ những người phát biểu theo góc độ cá nhân mà không có nguồn từ trong Đảng.

Tổng hợp các nguồn, BBC được biết Bộ Chính trị đã có một cuộc họp trong tuần cuối cùng của năm 2020.

Tại đây, các vị lãnh đạo chóp bu đã bàn về các phương án bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu ở lại.

Dường như đa số, với tỉ lệ sát nút, trong Bộ Chính trị ở cuộc họp này ủng hộ phương án chỉ một người trên 65 được ở lại khóa 13.

Nhưng phương án 2 người trên 65 vẫn chưa bị bác bỏ vì vẫn có một số trong Bộ Chính trị ủng hộ.

Vì thế một cuộc họp tiếp theo của Bộ Chính trị, có thể trong ngày 9/1/2021, sẽ tiếp tục bàn và cố gắng chốt trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra.

Đảng Cộng sản trước đó đã công khai rằng tại hội nghị Trung ương 15, chưa rõ ngày trong tháng Giêng, Bộ Chính trị sẽ “báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội 13 của Đảng”.

Chỉ khi Bộ Chính trị xác định bao nhiêu người trên 65 được giới thiệu ở lại, họ mới có thể chốt nhân sự giới thiệu cho các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Nói với báo chí Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết thêm chi tiết:

“Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu.”

“Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không.”

Trong tinh thần này, dù Bộ Chính trị có giới thiệu bao nhiêu người trên 65, phương án đó vẫn phải phụ thuộc lá phiếu của Trung ương Đảng, trước khi được trình ra Đại hội 13.

Việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược của ban lãnh đạo khóa 12, chuẩn bị cho khóa 13, được xem là nghiêm ngặt hơn các nhiệm kỳ trước.

Sau khi là “trường hợp đặc biệt” duy nhất trong Bộ Chính trị được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.

Đầu năm 2020, ông ban hành Quy định 214/2020 thay cho Quy định 90/2017 quy định tiêu chuẩn cho các chức danh.

Ví dụ, Quy định 214 yêu cầu lãnh đạo “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Quy hoạch lãnh đạo

Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Số cán bộ cấp chiến lược kỳ này được đưa vào quy hoạch cho giai đoạn từ 2021 chỉ là hơn 220 người, giảm gần 300 người so với số quy hoạch khóa trước.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội 13, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa 12, vừa quy hoạch nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo như nhiệm kỳ trước.

Việc chuẩn bị nhân sự lâu nay được tiến hành theo quy trình 3 bước là hai lần trình Ban thường vụ, một lần trình Ban chấp hành

Nhưng đến thời kỳ sau 2016, Bộ Chính trị đặt ra quy trình 5 bước: hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.

Dự kiến Đại hội 13 sẽ bầu ra khoảng 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa 12).

Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới dự kiến giữ như khóa 12, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55526194

Tương lai của quan hệ Việt-Mỹ

Nguyễn Trường

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển mạnh mẽ trong năm 2020

Trong 2 ngày 29-30/10/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực có thể giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ này. Chuyến thăm dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có tính tập trung cao độ. Theo một số tài liệu đã được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện Việt-Mỹ năm 2013 cho thấy Mỹ mong muốn hướng mối quan hệ này tới các lĩnh vực quốc phòng, chiến lược và kinh tế đến mức độ nào. Sau đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017, các cuộc tiếp xúc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm 2016 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump tháng 11/2017 (để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) đã củng cố thực tế rằng hai bên mong muốn cải thiện mối quan hệ này.

Việt Nam ngày càng được xem là một cường quốc bậc trung và là một lựa chọn khả dĩ thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất sau đại dịch COVID-19. Việc Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong giai đoạn hậu COVID-19 cho thấy rõ thực tế rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển trong năm 2021 và Việt Nam sẽ tìm kiếm các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo. Tổng thống Trump đặt nhiều hy vọng vào khả năng cải thiện quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như quan hệ chính trị và ngoại giao, khoa học và công nghệ, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, và do đó ngày càng nhận thức được rằng việc phối hợp tốt hơn với Mỹ sẽ giúp kiềm chế cường quốc hiếu chiến ở châu Á. Một trong những kết quả chính của mối quan hệ đang phát triển rực rỡ này là lĩnh vực quốc phòng và an ninh, và nổi bật là chuyến thăm của hai tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson năm 2018 và USS Roosevelt năm 2020.

Mỹ cũng đã mời các quân nhân Việt Nam tham gia các khóa đào tạo ở một số học viện quân sự cấp cao hơn và các khóa huấn luyện chỉ huy. Cùng với đó, Mỹ cũng đang tìm cách xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang Việt Nam vì Việt Nam  là quốc gia Đông Nam Á đang đều đặn gia tăng chi tiêu quốc phòng cũng như đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Việt Nam cũng thừa nhận thực tế rằng để tăng trưởng và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, hàng hóa Việt Nam cần đến thị trường Mỹ. Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa thị trường châu Âu cho Việt Nam và sau khi phục hồi, Việt Nam có thể khai thác thị trường này một cách hiệu quả hơn nhờ các ưu đãi về thuế quan và các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho 15 nước ký kết. Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Mỹ cũng đã tăng cường tương tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, và một trong những lý do khiến Mỹ làm vậy là vì Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Trong Đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 33 được tổ chức hôm 4/8/2020 tại Washington DC, Mỹ đã bày tỏ quan điểm rằng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Mỹ đã sớm có dự tính cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông và chính thức hóa dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để có thể thông qua các giao thức hoạt động tiêu chuẩn và duy trì hòa bình ở biển Đông trong thời gian dài hơn.

Trong cuộc họp, Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy tắc rõ ràng và minh bạch dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và cam kết tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã có thể ứng phó với đại dịch COVID-19 và Mỹ đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của ASEAN trước những khoản nợ vượt quá khả năng chi trả. Mỹ cũng đã tuyên bố cung cấp cho ASEAN dịch vụ y tế khẩn cấp, thuốc men và hỗ trợ chống dịch trị giá hơn 87 triệu USD. Một trong những lĩnh vực cơ bản mà Việt Nam khuyến khích sự tham gia của Mỹ là đào tạo và bồi dưỡng các nhân viên y tế cộng đồng. Việc nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong đào tạo chất lượng cao và tăng cường sự điều phối trong lĩnh vực y học và nghiên cứu khoa học là một thành tựu đối với Việt Nam.

Năm 2020, Mỹ và ASEAN kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Tại các cuộc thảo luận diễn ra trong năm, hai bên đã bày tỏ quan điểm rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) đều thống nhất ở khía cạnh tôn trọng chủ quyền và pháp quyền, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các khuôn khổ dựa trên các quy tắc và tăng tính minh bạch trong khu vực để thúc đẩy hòa bình và an ninh ở các vùng biển tranh chấp. Tại các hội nghị ASEAN, Mỹ đã cam kết thúc đẩy hệ thống điều phối trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á, cũng như ủng hộ sự minh bạch về dữ liệu và các biện pháp pháp lý để hỗ trợ các nước Đông Nam Á thuộc khối ASEAN. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tạo ra mạng lưới cựu sinh viên ngành y nhằm thúc đẩy các chương trình trao đổi giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ cũng như sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ.

Mỹ cũng đã đề xuất thành lập liên minh đào tạo y tế công-tư và bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư nâng cao năng lực ngành y của Việt Nam. Hơn nữa, đối với ASEAN, nhân lực là yếu tố quan trọng để nâng cao kỹ năng và phát triển các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp khối này nâng cao khả năng tự lực cánh sinh. Do vậy, Mỹ đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và đào tạo các giám đốc điều hành bậc trung theo một chương trình riêng tại Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc chú trọng vào công nghệ và đổi mới cũng như tinh thần kinh doanh cho thấy Mỹ quan tâm đến việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực đổi mới và nghiên cứu.

Một trong những thành tựu của năm 2020 là sự thiết lập quan hệ đối tác thành phố thông minh Mỹ-ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết về giao thông, sự kết nối và việc quản lý nguồn nước ở một số thành phố được lựa chọn ở Đông Nam Á. Chương trình liên minh về công nghệ thông tin giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và 11 trường đại học Việt Nam sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa các viện công nghệ và kỹ thuật. Việc này sẽ thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghệ mới nổi ở Đông Nam Á.

Như đã thấy trong năm 2020, Mỹ ủng hộ hệ thống một cửa của ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Mỹ, và ngày càng nhấn mạnh vai trò của hệ thống thông quan tự động. Mỹ cũng đang nỗ lực nâng cao tinh thần kinh doanh và vị thế kinh tế cho nữ giới trên toàn châu Á. Ở Việt Nam, số lượng nữ quản lý tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng sớm trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Một lĩnh vực được chú trọng là giải quyết vấn đề năng lượng và đáp ứng nhu cầu về điện ở Đông Nam Á. Mỹ và Việt Nam đã và đang chú trọng nghiên cứu tình trạng buôn người và lao động cưỡng ép trong khu vực. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN cũng đã đề xuất nghiên cứu và nâng cao nhận thức về lĩnh vực biển với Mỹ.

Tương lai quan hệ Việt – Mỹ

Nhìn chung, năm 2020 dường như là một dấu mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như việc lôi kéo Mỹ vào các hoạt động của ASEAN. Số lượng các dự án cũng như các chương trình hỗ trợ mà Mỹ đã công bố trong năm 2020 cho thấy rõ thực tế rằng cường quốc toàn cầu này sẽ tập trung hơn vào khu vực, đặc biệt là các thách thức địa chính trị mới nổi lên và căng thẳng ở biển Đông. Về phần mình, Việt Nam đã có thể khơi dậy sự ủng hộ của các nước ASEAN trong việc nêu ra vấn đề biển Đông và thềm lục địa mở rộng, vốn đã nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu và Mỹ tại Liên hợp quốc. Ban lãnh đạo ASEAN đã mở ra một giai đoạn mới trong việc phát triển quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam. Hiện nay, ngày càng có nhiều người dự đoán rằng những tương tác chính trị ngày càng tăng giữa hai bên có thể dẫn đến quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, điều này có trở thành hiện thực hay không phần lớn phụ thuộc vào việc Chính quyền Joe Biden sẽ nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ hay sẽ khiến quan hệ này mất đà phát triển.

Quan hệ Việt-Mỹ có thể sẽ tiến triển hơn nữa trong 4 năm tới. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, kể cả ở biển Đông, nơi Hà Nội và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán chồng lấn. Tuy nhiên, Việt Nam không muốn thấy một mối quan hệ đối đầu công khai phát triển giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này hoặc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang ở biển Đông. Giới lãnh đạo Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ có những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn đối với khu vực Mekong. Hà Nội cũng muốn Chính quyền Biden chấm dứt các cuộc điều tra về hành vi thao túng tiền tệ và các thông lệ thương mại của nước này. Trong khi quan hệ quân sự Việt-Mỹ có tiềm năng mở rộng hơn nữa với việc tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận, các chuyến thăm cảng của tàu chiến và thậm chí có thể cả việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam, thì những chỉ trích của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội có thể cản trở mối quan hệ này.

Không làm mất lòng Trung Quốc

Trung Quốc đã tỏ ra công khai khó chịu về sự phát triển trong quan hệ Mỹ-Việt, đặc biệt là các chiều kích an ninh trong mối quan hệ này.

Ngày 13/7/2020, tài khoản Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có đăng tải bài viết của ông Hồ Tích Tiến Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) với tựa đề  “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam”. Dẫn lại các hoạt động quanh cột mốc 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, đại ý bài viết cho rằng Việt Nam đừng nên cả tin vào Mỹ rồi để bị ly gián trong quan hệ Việt – Trung. Thậm chí, bài viết cho rằng Việt Nam bị Mỹ dẫn dắt trong quan hệ song phương nhằm gây phương hại đến Trung Quốc.

Mặc khác, Trung Quốc suy luận rằng mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam sẽ gián tiếp tiếp tay cho mục tiêu bao vây Trung Quốc của Mỹ và qua đó làm suy yếu các mục tiêu, chính sách Vành đai và con đường của Trung Quốc ở Đông Nam Á và nhất là tham vọng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Nước thì xa, mà lửa thì gần. Duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc là mối quan tâm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại hiện nay.

Nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam, 71 năm Quốc khánh Trung Quốc và  năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 29/9/2020, trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “năm 2020 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; khẳng định trong 70 năm qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính”.

Tuy nhiên, Việt Nam đồng thời cũng thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, nhất là từ khi xuất hiện sự kiện HD 981 vào năm 2014 cho đến nay.

Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ có thể được hiểu rõ nhất trong bối cảnh của mối quan hệ Trung-Việt phức tạp. Trong khi cạnh tranh Mỹ – Trung luôn là đề tài nhạy cảm và ảnh hưởng lên bức tranh địa chính trị – địa kinh tế toàn cầu, thì Việt Nam luôn  có thế ứng xử “vừa được lòng anh, đặng bụng chồng”.

Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Việt Nam, ngày 2/9/2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đã phát biểu: “Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy. Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác”.

Tại Hội nghị ASEAN 36 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói “ASEAN sẽ không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Nói về “chọn bên”, tại buổi tiếp báo chí ở Hà Nội ngày 2/7/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói rằng Mỹ không muốn ASEAN hay bất kỳ quốc gia nào khác phải chọn phe. “Điều chúng tôi mong muốn là các nước sớm nhận ra rằng họ muốn có trật tự ổn định và đạt được những lợi ích trong tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia khác, và kỳ vọng vào sự hợp tác để thúc đẩy hòa bình và thượng tôn pháp luật. Chúng tôi chào đón Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực đảm bảo trật tự thế giới”.

Tóm lại, mặc dù quan hệ Việt – Trung có thể tiếp tục căng thẳng, Việt Nam sẽ cố gắng duy trì quan hệ xây dựng với Trung Quốc dựa trên tinh thần “đối tác, đối trọng” và Việt Nam sẽ theo đuổi quan hệ với Mỹ theo cách mà không làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/future-of-vn-us-relationship-01042021102240.html