Tin Việt Nam – 03/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 03/11/2019

Từ đâu người Việt đi trồng cần sa lậu khắp châu Âu?

Từ hơn 10 năm qua, nạn trồng cần sa trở thành phổ biến ở các nước châu Âu và băng đảng người Việt bị giới chức cho là có dính líu nhiều.

Vụ 39 tử thi được tìm thấy trong thùng đông lạnh một chiếc xe tải ở hạt Essex, Anh Quốc gần đây đem câu hỏi “Người nhập cư lậu vào Anh làm nghề gì?” trên các báo Anh.

Trang The Guardian hôm 25/10/2019 có bài cho rằng người Việt đi lậu vào Anh “thành nô lệ ở các tiệm móng tay và trại cần sa”.

Theo tìm hiểu của BBC News Tiếng Việt, không chỉ có người Việt trồng cần sa ở Anh và châu Âu.

Thị trường hàng tỷ đô la một năm này cũng là miếng bánh ngon cho người bản xứ và các nhóm nhập cư khác.

Chưa kể, một số tài liệu EU nói người Việt chỉ đóng được vai trò trông công đoạn trồng, tưới, vận chuyển, mà không phải là đầu mối tiêu thụ cần sa.

Việc tiêu thụ, đưa cần sa tới khách thường do các băng đảng khác kiểm soát.

Anh và Hà Lan nổi bật lên như hai nước ‘có thị trường cần sa lớn’, nơi nghề trồng cần sa ‘tại gia’, ngoài trời và trong nhà kính từ Bắc Mỹ du nhập sang.

Phụ nữ Việt: ‘Tôi vào Anh bằng vé xe tải’

Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh

Thêm thông tin về vụ 39 người chết trong xe tải

Phụ nữ Anh bị tù vì đưa 12 người Việt nhập cư lậu

Thủ đô ‘trồng cần sa’ của châu Âu?

Số liệu của cảnh sát Anh Quốc cho hay từ tháng 1/2016 tới tháng 4/2018, chỉ riêng tại London, nhà chức trách phát hiện ra 314 ‘trại cần sa’ (cannabis farms).

Tính trung bình cứ hai ngày cảnh sát Anh tìm ra một căn nhà trồng cần sa, theo báo Evening Standard.

Tới trước 2010, Anh Quốc phải nhập 50% cần sa, nhưng từ năm đó trở đi, Anh trở thành thị trường xuất khẩu cả marijuana và cannabis.

Trồng cần sa là một nghề phi pháp có lãi lớn.

Trị giá của 250 nghìn cây cần sa ngoài chợ đen có thể lên tới 60 triệu bảng Anh, theo số liệu của National Police Chief’s Council hồi 2015.

Quá trình ‘tăng trưởng’ về ma tuý này gắn liền với các băng đảng Việt, theo một bộ phim về chống nô lệ hiện đại và buôn trẻ em vào các trại cần sa ở Anh:

“Sự chuyển biến từ nhập khẩu sang xuất khẩu xảy ra một phần là vì các băng đảng Việt có tổ chức, dùng căn hộ gia đình làm ‘nhà máy cần sa’…”

“Từ 2000 đến 2014, số trại cần sa ở Anh tăng 150%, theo cảnh sát. Trong tất cả các nạn nhân buôn người buộc phải làm trong các trại cần sa, 96% đến từ Việt Nam và 81% là trẻ em.”

Dù hiện có nghi vấn rằng một số người tham gia trồng cần sa luôn nhận là ‘vị thành niên’ để tránh bị truy tố, nhờ luật bảo vệ quyền trẻ em tại Anh, hoạt động trồng cần sa của các băng đảng Việt là khá phổ biến và ngày càng táo tợn.

Ngoài việc đục phá nhà cửa thuê của chủ để biến căn hộ thành trại cần sa, các băng đảng đôi khi còn giả ngây giả ngô hoặc lợi dụng lỗ hổng pháp luật để chạy tội.

Báo Anh viết hồi 2015, hai người Việt Nam (Chien Nguyen và Hien Nguyen) bị bắt trong một trại cần sa trị giá 100 nghìn bảng Anh trong 11 căn phòng ở nhà bốn tầng tại Leeds, West Yorkshire.

Cả hai khai trước tòa họ nghĩ họ trồng ‘một loại rau Phương Tây’ (Western vegetables) chứ không biết đó là thứ phi pháp.

Từ Hà Lan chuyển lên Bắc Âu

Cảnh sát EU đánh giá rằng nay nghề trồng cần sa đã lan ra khắp châu Âu, có cả ở Pháp, Bỉ, Na Uy, Czech, Đức, Ba Lan…

Nhưng tại Hà Lan vấn đề diễn biến phức tạp nhất.

Nghiên cứu của Yvette Schoenmakers, Bo Bremmers và Anton van Wijk chỉ ra liên hệ của các băng đảng Việt ở Hà Lan và nghề trồng cần sa.

Theo đó, có liên hệ rõ rệt giữ buôn người, rửa tiền, buôn lậu hàng hóa, làm giấy tờ giả và các trại cần sa mà người Việt tổ chức.

Cũng vẫn các băng đảng này đã và đang buôn lậu thuốc lá tại Đức, còn tại Đông Âu, chúng chuyên rửa tiền, buôn người và chuyển ma tuý, theo các tác giả.

“Công nghệ trồng và kỹ thuật trồng cần sa được nhập về từ Canada chuyển giao sang Hà Lan và Anh.

“Từ Hà Lan, một phần lớn tiền được gửi về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng bình thường, như chuyển tiền hợp pháp, qua các gửi người mang (money couriers) và qua ngả chuyển ngầm dù ít hơn… Các cửa hàng nail đang mọc lên nhiều ở châu Âu cũng có dính líu đến rửa tiền phi pháp…”

“Có quan hệ giữa các nghi phạm người Việt ở Hà Lan với các nước khác, nhất là ở Đức và Czech, theo hồ sơ cảnh sát.”

“Nguồn cần sa thu hoạch được đã biến sang Ý, Anh và Thụy Điển, và có sự tồn tại của các kênh quốc tế đem tiền về rửa, chuyển về Việt Nam hoặc các nơi khác.”

“Có người Việt Nam và cả người Hà Lan tham gia các đường dây này, và người Hà Lan gốc Việt (Dutch Vietnamese) thường đóng vai trò trung gian.”

Được biết từ Hà Lan, công nghệ trồng cần sa đi lên Bắc Âu.

Cần sa dạng lá phổ biến ở châu Âu từ khi nào?

Các loại cần sa từ Trung Đông đã tới châu Âu từ nhiều thế kỷ, nhưng tới thập niên 1980, người dùng chủ yếu hút, hít cần sa dạng hạt (cannabis resin).

Cần sa dạng lá (herbal cannabis) bắt đầu phổ biến trong thập niên 1990, ban đầu ở một số giới tại Anh Quốc và Hà Lan.

Theo cơ quan phòng chống ma tuý châu Âu (The European Monitoring Centre for Drugs and Drug Addiction – EMCDDA) thì việc trồng cần sa ngoài trời bắt đầu phát triển ở Hoa Kỳ và Canada, rồi sang Anh Quốc và châu Âu lục địa.

Thị trường người châu Âu thường xuyên hoặc thỉnh thoảng dùng cần sa ước tính lên tới trên 22 triệu người, tính đến 2012, và nay có thể cao hơn.

Quy trình trồng cần sa để cung cấp cho các tiệm thuốc (kinh doanh hợp pháp, có kiểm soát) và lập ‘trại trồng cỏ’ bất hợp pháp tuy thế không khác nhau về kỹ thuật.

Vẫn tài liệu của EMCDDA mô tả quá trình trồng cần sa trong nhà kính hoặc trong vườn khép kín là cách duy trì vòng sinh trưởng, nở hoa tối ưu cho cây này.

Trồng trong môi trường kín để tưới cây đều, điều chỉnh không khí

Dựng đèn có ánh sáng nhân tạo 24/7

Tạo vòng sinh trưởng từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch là 3 tuần

Tuỳ vào loại hạt, người ta có thể rút ngắn thời gian chiếu sáng xuống 18 giờ/ngày, nhưng phải chờ thu hoạch sau 7-9 tuần.

Chất lượng dầu cần sa tùy thuộc vào nồng độ THC (Tetrahydrocannabinol, chất tạo ảo giác thần kinh) trong lá khi thu hoạch và quá trình sấy khô.

Hạt cannabis lớn không cần đất nhưng kỹ thuật dùng bồn hoặc túi treo ngâm nước này hơi khó nên các băng đảng chủ yếu dùng máng có đất, dễ hơn.

Các bao đất mùn mua từ trung tâm thực vật vì thế cũng là dấu hiệu và bằng chứng để cảnh sát điều tra ra hoạt động trồng cần sa phi pháp.

Trừng phạt băng đảng cần sa và mọi người liên đới

Các băng nhóm trồng cần sa khi bị bắt thường đối mặt với một loạt tội hình sự:

Sản xuất, vận chuyển ma tuý

Khai thác lao động bất hợp pháp

Phá hoại nhà cửa

Ăn cắp điện nước

Ngoài ra, người cho thuê nhà để xảy ra việc trồng cần sa trong căn hộ cũng có thể bị liên lụy.

Các hội địa ốc Anh đã khuyến cáo như sau:

“Chủ nhà có thể bị ra tòa, nhận án tù và thậm chí bị tịch thu căn nhà nếu người thuê trồng cần sa phi pháp bên trong”.

Luật Misuse of Drugs Act 1971 trong Điều 8 ghi rõ người chịu trách nhiệm quả lý căn hộ có thể nhận 14 năm tù hoặc tiền phạt.

Tất nhiên, chủ nhà phải biết về hoạt động trồng cần sa trong nhà của mình thì mới bị tù.

Tuy thế, kể cả khi chủ nhà không biết gì hết, người đó vẫn bị điều tra…”

Luật Anh và các nước châu Âu ghi rất rõ ràng về trách nhiệm của chủ nhà là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cho thuê nhà.

Chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm hành chính và dân sự nếu người thuê gây ra vấn đề cho chính quyền địa phương và hàng xóm.

Các băng đảng cần sa thường đục tung các tường ngăn, khi khoan sang cả nhà hàng xóm, hút điện từ công-tơ láng giềng chạy đèn trong ‘trại cần sa’.

Kể cả khi chủ nhà “không biết gì” và băng đảng đã bị bắt thì họ vẫn có thể bị công ty điện nước, hội đồng địa phương và láng giềng kiện để đòi bồi thường.

Trong không ít trường hợp, sự quen biết, trợ giúp giấy tờ với nhóm trồng cần sa sẽ tạo bằng chứng cho cảnh sát và sở thuế điều tra chủ nhà và truy ra các tội khác.

Vẫn theo theo nghiên cứu tại Hà Lan của Yvette Schoenmakers, Bo Bremmers và Anton van Wijk, người Việt “không nằm trong nhóm tội phạm truyền thống”.

Nhưng hoạt động trong ngành trồng cần sa đã đưa con số không nhỏ người Việt và gốc Việt vào “công nghệ tội ác” đang lan ra khắp châu Âu.

EMCDDA cho hay các hiệp định quốc tế với toàn bộ 27 nước EU tham gia đã đề cao việc chống trồng và buôn bán cần sa.

Việc hợp thức hóa cần sa giải trí chỉ được triển khai ở một số nơi như Canada, Hà Lan.

Anh Quốc hồi 2018 đã chấp nhận cho bệnh nhân xin đơn từ bác sĩ để mua cần sa y tế (medical cannabis).

Cần sa cũng được chuyển từ hạng từ Schedule 1 xuống Schedule 2 cho sử dụng trong y học.

Nhưng Bộ Nội vụ Anh bác bỏ khả năng “hợp pháp hóa cần sa giải trí” trong thời gian tới,

Vì thế, chừng nào còn thị trường cần sa lậu thì nhu cầu trồng và hoạt động tội phạm của băng đảng, gồm cả người Việt vẫn còn đó.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47029362

 

Nhiều nạn nhân ‘nô lệ thời hiện đại’ ở Anh

xuất phát từ Việt Nam

Viễn Đông

Các “nô lệ thời hiện đại” ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh.

Theo phúc trình công bố trong tháng này, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các “nô lệ thời hiện đại”. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.

Thông tin này gây chú ý trong dư luận Việt Nam, nhất là sau vụ 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.

Thoạt đầu, tin cho hay, toàn bộ các nạn nhân là “công dân Trung Quốc”, nhưng sau đó một số gia đình người Việt lên tiếng nói rằng con em họ có thể nằm trong số những người tử vong khi bị đưa “lậu” tới Anh. Hôm 1/11, cảnh sát Anh tin rằng tất cả 39 người là công dân Việt Nam.

XEM THÊM:

Vụ 39 người chết cóng: Cộng đồng người Việt ở Anh ‘lo lắng’

Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ nước này “tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh”, trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.

Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột”.

Một bài viết liên quan tới Việt Nam được nhiều người đọc nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh là về việc hai nước hồi tháng 11 năm ngoái thông báo hợp tác xử lý vấn đề “nô lệ thời hiện đại”.

Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid “đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn”.

Theo phía Anh, nhiều nạn nhân “nô lệ thời hiện đại” ở Anh “xuất phát từ Việt Nam”, và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.

Ông Javid được trích lời nói rằng “phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm”.

XEM THÊM:

Việt Nam nói vụ 39 di dân chết ở Anh là ‘thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng’

Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng Chín, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, viết rằng “những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”.

“Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’”, ông Ward viết.

“Nói đến mua bán người, có lẽ các bạn sẽ nghĩ đến Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh”, đại sứ Anh viết.

“Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania”.

Ông Ward viết rằng “khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình”.

“Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết.

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều hộ gia đình đã lên tiếng về khả năng con em họ có thể nằm trong số 39 thi thể bị phát hiện trong xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.

https://www.voatiengviet.com/a/nhi%E1%BB%81u-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-n%C3%B4-l%E1%BB%87-th%E1%BB%9Di-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-%E1%BB%9F-anh-xu%E1%BA%A5t-ph%C3%A1t-t%E1%BB%AB-vi%E1%BB%87t-nam/5150597.html

 

Đường dây ‘cò’ đưa ‘lao động chui’ sang châu Âu ra sao?

TTO – Hầu hết những “lao động chui” đều thông qua một mạng lưới “cò” ở địa phương. Các “cò” đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn.

Sử dụng lao động nước ngoài ‘chui’, công ty Trung Quốc bị phạt 135 triệu

Tràn ngập lao động ngoại ‘chui’ tại các thành phố du lịch

Hàn Quốc cảnh báo lao động ‘chui’ người Việt

Dân địa phương gọi những “cò” này là “cầu”. Có thể hiểu từ này theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: những người bắc cầu.

Thực chất đây là những người từng đi làm thuê ở trời Âu, sau đó trở về quê trở thành đầu mối “gom người” cho những đường dây đưa người vào Pháp, Đức, Anh… bất hợp pháp.

“Cầu” lặn mất tăm

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Phạm Văn Thìn – bố của em Phạm Thị Trà My, trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, người được cho là đã nhắn những dòng tin cuối cùng trước khi thiệt mạng trong thùng container ở Anh.

Ông Thìn xác nhận người đàn ông tên Tr. là người làm thủ tục cho Trà My từ Việt Nam qua Trung Quốc.

Theo người dân địa phương, Tr. mới ngoài 30, cũng từng có thời gian đi lao động chui ở Anh. Sau khi trở về, Tr. trở thành mắt xích gần nhất, chuyên thực hiện những thủ tục đầu tiên cho lao động muốn đi chui qua Anh. Những “cầu” cấp trên của Tr. chính là một số người thân bên vợ, có người hiện ở Hà Tĩnh, có người đang ở nước ngoài.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm về ngôi nhà được cho là của người tên Tr.. Đó là ngôi nhà nằm ngay mặt tiền quốc lộ qua xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Ngôi nhà này nhiều ngày qua đã đóng kín cửa. Hàng xóm nói rằng nhà của Tr. đóng cửa từ sau ngày có thông tin về xe container chở 39 người chết ở Anh. Tr. đi đâu thì không ai rõ.

Ông Võ Nhân Quế – bố của Võ Nhân Du, trú xã Thiên Lộc, người được cho là đang mất tích khi vượt biên qua Anh đợt vừa rồi. Khi chúng tôi đến, ông Quế nhắc tới nhắc lui một chi tiết: Ngày 23-10, ngay khi sự việc đáng tiếc xảy ra, có một người gọi điện đến hỏi vợ ông có phải người thân cháu Du không.

Biết là “cầu” đưa con mình đi nước ngoài nên vợ ông gặng hỏi tình hình con thì người này im lặng và xin phép được trả lời sau. Liên tục những ngày sau đó, ông Quế tìm cách liên lạc lại với số điện thoại này thì đều không kết nối được.

Thiên Lộc là xã có 5 người mất liên lạc trùng với thời gian xảy ra sự việc ở Anh. Xã này được cho là có “phong trào” đi Anh lao động chui mạnh nhất vùng. Có khá nhiều “cầu” là đầu mối của nhiều đường dây khác nhau cùng đưa người qua Anh lao động chui. T.B., ở thôn Trường Lộc, được người địa phương giới thiệu là đầu mối lớn nhất.

Theo những người từng đi Anh ở Thiên Lộc, T.B. khá “mát tay”. Theo “cầu” này, nhiều người ở Thiên Lộc đã qua được Anh và sau đó gửi khá nhiều tiền về cho gia đình. Uy tín của T.B. cũng ngày càng được nâng lên theo đó.

Tìm được “hàng”, T.B. lo hộ chiếu giấy tờ để bay sang Trung Quốc. T.B. luôn khoe rằng chỉ cần đặt chân sang Trung Quốc được ít ngày là có visa bay sang Pháp. “Khi nào đưa được người sang Anh an toàn thì T.B. mới lấy tiền. Sau mỗi lần đưa được một lao động sang Anh trót lọt, T.B. chỉ được vài ba nghìn đô tiền hoa hồng” – anh N. thông tin.

Cuối tháng 10, sau khoảng một tuần từ khi sự việc đau lòng xảy ra ở Anh, chúng tôi tìm đến nhà của T.B.. Đó là một ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ ở thôn Trường Lộc. Phải gọi rất lâu bà Tr., mẹ của T.B., mới ra mở cửa. Nhưng vừa mở cửa, bà Tr. đã đuổi khách: “Nó đi khỏi nhà mấy ngày rồi. Không biết đi đâu. Các chú đừng hỏi nữa”.

Đường dây cò đưa lao động chui sang châu Âu ra sao? – Ảnh 2.

Ông H. nói chi phí đi xuất khẩu lao động ở châu Âu khoảng 16.000 USD – Ảnh: DOÃN HÒA

Đi “chui” vào 26 nước châu Âu?

Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau đang mọc lên từng ngày ở xã Đô Thành, được xem là một trong những địa phương có số người đi nhiều nhất ở huyện Yên Thành, Nghệ An, đặc biệt là đi các nước châu Âu.

Hầu hết những người đi “chui” đều thông qua một mạng lưới “cò” ở địa phương. Các “cò” đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn. Đằng sau những cái mác là “công ty xuất khẩu lao động”, các “chân rết” này đứng ra môi giới đưa người đi châu Âu với giá trên dưới 1 tỉ đồng.

Ông H. – một chủ tiệm tạp hóa ở trung tâm xã Đô Thành – được người địa phương giới thiệu là môi giới đi nước ngoài. Ông H. khoe với chúng tôi: “Đi đường dây của anh rất an toàn nên các em cứ yên tâm, không sợ mất tiền oan đâu. Thế nhưng bây giờ đi Anh khó lắm, các em đi 26 nước còn lại ở châu Âu, nước nào anh cũng đưa đi được”.

Ông H. giải thích: “Vừa qua có chuyện 39 người chết trong thùng container đông lạnh ở Anh chưa rõ nguyên nhân nên các tuyến biên giới họ kiểm soát gắt gao hơn, bên đầu mối vừa báo lại thị trường này phải tạm dừng”.

Giới thiệu với chúng tôi về đường dây “xuất cảnh nhanh không cần học tiếng” sang châu Âu để có “việc nhẹ, lương cao”, ông H. nói chúng tôi chỉ cần đóng 16.000 USD sẽ được “lo trọn gói”.

“Bên anh sẽ làm visa, thủ tục mất khoảng 3 tháng. Em chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Nếu em muốn đi nhanh thì hết khoảng 23.000 USD, hơn một tháng là đi ngay. Quan trọng nhất là em phải có người thân quen, bạn bè đang làm việc ở bên đó mới dễ tìm việc” – ông H. hứa hẹn.

Để thêm thuyết phục, ông H. giải thích rõ: “Bên anh chỉ lo visa đi theo dạng “khách du lịch”, qua đó em sẽ không còn giấy tờ tùy thân và có thể làm nail (làm móng tay, chân – PV), nhà hàng, quán ăn… Thu nhập không dưới 2.000 USD/tháng. Làm ít tháng là em có thể lấy lại vốn” – ông H. quả quyết.

Chúng tôi tìm gặp bà T. (40 tuổi, ngụ xã Đô Thành) có hai người con đang “du lịch” ở nước Anh. Cũng giống như ông H., bà T. cũng giới thiệu cho chúng tôi về đường dây “chạy” đi lao động ở các nước châu Âu với giá từ 16.000 USD.

5 năm trước, con trai đầu bà T. vừa học xong lớp 9, do không tìm được việc làm nên vợ chồng bà vay mượn hơn 400 triệu đồng cho con đi nước ngoài với mong ước “đổi đời”. “Chạy” qua được nước Anh, con trai bà T. làm ở một tiệm nail, dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ. Đến nay, vợ chồng bà T. đã trả hết nợ và cất được ngôi nhà 2 tầng khang trang cạnh gian nhà cấp 4 đã xuống cấp.

“Cả làng này, cả xã này, nhà nào cũng có 1-2 người đi lao động nước ngoài. Nếu em muốn đi châu Âu sẽ hết khoảng 16.000 USD, đường dây này rất an toàn. Nếu không quen biết thì em phải cọc 1.000 – 2.000 USD cho bọn chị. Lúc nào em qua đến nơi an toàn thì ở nhà mới đóng số tiền còn lại” – bà T. giới thiệu.

Hơn một tháng trước, đứa con trai thứ hai của bà T. cũng theo anh trai “xuất ngoại”. Bà T. cho biết theo lời kể của con trai và những “đầu mối cấp cao” thì sau khi làm thủ tục visa “đi du lịch”, con bà bay qua Nga nhập cảnh ở đây rồi vượt biên bằng đường rừng hoặc theo các xe tải để vào châu Âu làm việc “chui”.

“Cầu thẳng”, “cầu ngang”

Anh N., một người từng đi Anh về, cho biết “cầu” T.B. chuyên đưa người ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đi Anh chỉ là một mắt xích trong đường dây đưa người đi châu Âu. Nhiệm vụ của T.B. là gom người và ra giá đi Anh. T.B. có thể làm đầu mối cho cả “cầu thẳng” và “cầu ngang”.

Giá đi “cầu thẳng” của T.B. rất “chát”, cả tỉ bạc. Nếu đi cầu này, người lao động sẽ được đưa qua Trung Quốc bay thẳng qua Pháp rồi sẽ có cầu khác lo tiếp chuyện qua Anh. Nếu chọn “cầu ngang”, T.B. sẽ kết nối cho người lao động đi qua Nga, Cộng hòa Czech hoặc một số nước ở Đông Âu. Sau đó, người lao động sẽ được đưa qua rất nhiều nước khác. Có khi hàng tháng trời mới đến Pháp để qua Anh.

Khấm khá hơn nhờ… đi châu Âu

Ông Lê Xuân Dương – phó chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) – không giấu giếm chuyện con đi lao động ở Đức theo dạng “đi du lịch” từ ba năm trước. “Trong xã có nhiều người bỏ mạng khi làm việc ở xứ người, tiềm ẩn rủi ro khi không có giấy tờ hợp lệ, có thể bị trục xuất về nước nhưng không còn cách nào khác. Cũng nhờ đi châu Âu, nhiều gia đình mới khấm khá hơn trước” – ông Dương bộc bạch.

https://tuoitre.vn/duong-day-co-dua-lao-dong-chui-sang-chau-au-ra-sao-2019110308343231.htm

 

3 gia đình được cảnh sát Anh xác nhận

 con đã chết trên xe container đông lạnh

Đến tối ngày 2/11, đã có ít nhất 3 gia đình ở Hà Tĩnh đã nhận được điện thoại từ cảnh sát Anh thông báo con họ nằm trong số 39 nạn nhân chết trên xe container đông lạnh vào Anh hôm 23/10. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.

Trước đó, vào tối ngày 1/11, cảnh sát hạt Essex, Anh quốc, cho biết họ tin rằng tất cả 39 nạn nhân được tìm thấy trên xe đều là người Việt Nam.

Theo VnExpress, ông Nguyễn Đình Gia, cha của anh Nguyễn Đình Lượng, 20 tuổi, ở huyện Can Lộc đã nhận được cuộc điện thoại qua phiên dịch gọi từ Anh về cho biết anh Lượng là một trong 39 nạn nhân.

2 nạn nhân khác được cảnh sát Anh thông báo với gia đình là cô Phạm Thị Trà My (26 tuổi), ở thị trấn Nghèn, Can Lộc. Bố của cô là ông Phạm Văn Thìn cũng nhận được điện thoại từ Anh qua phiên dịch và được xác nhận có nhiều khả năng cô My đã tử vong trong xe container. Ông Thìn được VnExpress trích lời cho biết cảnh sát Anh sợ gia đình sốc nên chỉ nói có khả năng. Nhưng trên thực tế, gia đình đã khẳng định cô My nằm trong số 39 người. Cô My là người đã gửi tin nhắn về cho gia đình trước lúc chết báo tin cô chết vì không thở được.

Cũng cùng huyện Can Lộc, một gia đình khác là gia đình ông Võ Nhân Quế, cha anh Võ Nhân Du, cũng đã nhận được điện thoại từ Anh thông báo anh Du là nạn nhân trong số 39 người.

Hiện, Hà Tĩnh có 10 gia đình chính thức xác nhận con họ mất tích ở Anh. Nghệ  An có 18 gia đình thông báo con mất tích tại Anh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-families-got-calls-from-british-police-11022019134959.html

 

Trường đại học ở Hà Nội 3 năm liền

sử dụng giáo trình in hình lưỡi bò

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 3 tháng 11 năm 2019 loan tin, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã lên tiếng giải thích về việc suốt 3 năm liền đã sử dụng giáo trình in đường lưỡi bò làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên khoa Tiếng Trung và khoa Tiếng Nhật.

Ông Vũ Văn Hoá, hiệu phó nhà trường cho rằng, suốt thời gian qua nhà trường không hề nhận được phản ánh gì của sinh viên. Vì vậy, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo cho khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật kiểm tra lại.

Còn trên trang Zing, ông Hoá lại nói rằng, giáo trình có in hình lưỡi bò là giáo trình mới được trường mua vào đầu năm học 2019 đến 2020. Sau khi sự việc được phát hiện, nhà trường đã có quyết định thu hồi lại tất cả các giáo trình, kể cả những cuốn đã bán cho sinh viên. Lỗi của sự việc trên được ông Hoá cho là do nhà xuất bản, còn nhà trường chỉ là khách hàng mua về.

Trả lời trên báo Tiền Phong, một  hiệu phó khác của trường là ông Hà Đức Trụ cho rằng, phía nhà trường chưa biết ai đã mua những giáo trình trên, nhưng trách nhiệm thuộc về Ban Chủ nhiệm khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật.

Trước đó, sinh viên của trường phát hiện tại trang 36 của cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” bài 7 đã in hình lưỡi bò. Sau đó, sinh viên đã báo lên Ban giám hiệu trường. Được biết, trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều trường hợp các sản phẩm in hình lưỡi bò của Trung Cộng xuất hiện ở Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau như: ấn phẩm quảng cáo du lịch, bản đồ định vị xe hơi, Atlas Địa lý.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/truong-dai-hoc-o-ha-noi-3-nam-lien-su-dung-giao-trinh-in-hinh-luoi-bo/

 

Gây nổ ở bến xe là khủng bố

Người thực hiện một hành vi phạm tội, vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội khác nhẹ hơn thì bị truy cứu tội khủng bố.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 về tội Khủng bố và Điều 300 về tội Tài trợ khủng bố. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12.

Nghị quyết hướng dẫn một số thuật ngữ áp dụng tại Điều 299 và Điều 300 Bộ luật Hình sự. Trong đó, “tình trạng hoảng sợ trong công chúng” là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.

Ví dụ: Hành vi gây nổ ở khu vực bến xe làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông.

Vụ nổ ở Cục Thuế tỉnh Bình Dương được thực hiện theo chỉ đạo của Lisa Phạm (ảnh nhỏ) là thành viên tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố có thể thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Ví dụ: Quảng trường, trung tâm thương mại, nơi giao cắt đường giao thông, tại nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, các tòa nhà…

Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng hoặc trong sở cơ quan…) nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

Huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố là hành vi vận động, kêu gọi các nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, các nhân khủng bố là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Tấn công, xâm hại mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động bình thường, an toàn và bảo mật của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, bao gồm một trong các hành vi sau đây:+ Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

+ Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

+ Xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

+ Xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác điểm yếu, lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức thiết yếu, cơ mật (ví dụ: Chính phủ, cơ quan quân sự, công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…).

+ Chiếm quyền điều hành hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thoog, phương tiện điện tử.

+ Hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội phạm khác nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.

https://news.zing.vn/gay-no-o-ben-xe-la-khung-bo-post1009211.html

 

7 tấn chăn, gối, nệm “Việt Nam”

được sản xuất tại Trung Cộng

Tin Saigon.- Truyền thông trong nước loan tin, sáng ngày 2 tháng 11 năm 2019, cơ quan hải quan cảng Sài Gòn cùng phòng cảnh sát kinh tế 7, và biên phòng tại Sài Gòn phát hiện 1 lô hàng chứa 7 tấn chăn, gối, nệm do công ty trách nhiệm Cao su Talalay Việt Nam nhập cảng của Trung Cộng có vấn đề.

Phía công ty nhập cảng nói rằng số hàng trên có nguồn gốc từ Trung Cộng, với giá trị gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên, khi các cơ quan kiểm tra thì phát hiện trên tất cả các sản phẩm đều dán nhãn ghi xuất xứ Việt Nam. Ngay sau đó, hải quan cảng Sài Gòn đã tạm giữ số hàng trên, củng cố hồ sơ để giải quyết theo luật pháp.

Nhiều công ty tại Việt Nam đã nhập hàng hoá Trung Cộng về trong nước, rồi thay mãn mác là xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng trong nước, hoặc xuất cảng đi ngoại quốc. Vừa qua công ty Asanzo không chỉ nhập linh kiện Trung Cộng về Việt Nam lắp ráp, ghi sản xuất tại Việt Nam, mà công ty này

còn ghi là “công nghệ Nhật Bản”. Đồng thời, đại diện Asanzo còn lên truyền thông tuyên bố đã được công ty Sharp của Nhật tại Việt Nam đồng ý chuyển giao công nghệ. Sự việc khiến Sharp Việt Nam bất mãn, gửi đơn kiện tới công an về sự dối trá của công ty này.

Trở lại chuyện lô hàng chăn, gối, nệm của công ty Cao su Talalay, khác với các công ty khác, phía Cao su Talalay không cần mang về nước thay mãn mác, mà thực hiện luôn tại Trung Cộng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/7-tan-chan-goi-nem-viet-nam-duoc-san-xuat-tai-trung-cong/

 

Một ngư dân Việt Nam bị bắn chết trên biển

bởi “phương tiện lạ”

Tin Vietnam.- Báo Zing ngày 2 tháng 11 năm 2019 loan tin, bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang vừa tiếp nhận, và khám nghiệm tử thi ngư dân Nguyễn Ngọc Khởi, 23 tuổi, ở ấp Tân Đời, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Kết quả khám nghiệm, anh Khởi bị chết do trúng đạn.

Ông Lê Ngọc Hiền, 43 tuổi, ở ấp Hoà Thuận, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang là thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu KG 90785TC cho biết, anh Khởi là thuyền viên trên tàu của ông. Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 10, tàu cá của ông Hiền có 14 thuyền viên trên tàu đang đánh bắt tại vùng biển ở toạ độ 7,15 độ Nam và 108 độ Bắc thì đã bị tấn công. Báo Zing và các báo khác của nhà cầm quyền gọi đối tượng tấn công các thuyền viên là “phương tiện lạ” tấn công ngư dân bằng súng. Và trong lúc bỏ chạy, anh Khởi đã bị “phương tiện lạ”  dùng súng bắn trúng vào người nên tử vong tại chỗ.

Sau khi thuyền viên trên tàu bị bắn, ông Hiền đã thông báo sự việc cho đồn biên phòng tỉnh Kiên Giang, đồng thời đưa thi thể ngư dân vào đất liền.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/mot-ngu-dan-viet-nam-bi-ban-chet-tren-bien-boi-phuong-tien-la/

 

Nhiều đại biểu quốc hội không đồng ý

việc mật hoá thông tin thân thế lãnh đạo

Tin từ Hà Nội, ngày 03/11/2019: Nhiều đại biểu trong quốc hội CSVN không đồng tình với dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có thông tin về thân thế của lãnh đạo cao cấp của chế độ.

Theo dự thảo đang được thảo luận tại kỳ họp quốc hội thứ 8 ở Hà Nội, thì phạm vi quy định bí mật nhà nước quá rộng, bao gồm thân thế sự nghiệp lãnh đạo đảng và nhà nước, an ninh-quốc phòng, đất đai, địa chất, biển, công nghiệp, và thương mại…

Đại biểu luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định trên không hợp lý, gây ra “lợi bất cập hại”, khi các chủ trương, chính sách cần phổ biến công khai, và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước bị quy định là thông tin mật.

Ông Nghĩa được VnExpress.net dẫn lời nói thông tin về lãnh đạo đảng và nhà nước, hay trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cần phải công khai nhanh, rộng. Ông đã phải tra cứu nhiều thông tin về Việt Nam từ nguồn nước ngoài, vì ở trong nước những thông tin như vậy bị coi là bí mật nhà nước.

Đồng tình với ông Nghĩa, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng không phải bất cứ thông tin nào của chức danh cao cấp là bí mật. Còn bà Trần Thị Quốc Khánh thì nói dự luật này mâu thuẫn với Luật tiếp cận thông tin vốn có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua.

Tuy có nhiều đại biểu lo ngại về độ rộng, tính trừu tượng và chung chung của dự luật trên, phó chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn cho rằng quy định trong dự thảo về bí mật nhà nước trong 15 lĩnh vực là phù hợp.

Những tiếng nói phản biện dường như quá ít, và quốc hội bù nhìn sẽ thông qua luật này trong tháng này.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-khong-dong-y-viec-mat-hoa-thong-tin-than-the-lanh-dao/

 

Nghị viện châu Âu sẽ ‘treo giò’ EVFTA?

Phạm Chí Dũng

Sau màn ‘tự sướng’ về việc ‘đã ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)’ của chóp bu Việt Nam vào tháng 6 năm 2019, bầu không khí trông đợi hiệp định này được phê chuẩn đã dần lắng xuống mà không còn hớn hở đắc chí như trước đó.

Ngay cả sự hiện diện của Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA), một quan chức được giới quan chức khôn lỏi ở Việt Nam đánh giá là ‘khá dễ chơi’, và trong thực tế thì Bernd Lange đã bị Hà Nội qua mặt ít nhất hai lần về vấn đề nhân quyền – vào những ngày cuối tháng 10 năm 2019 và đã có những cuộc gặp với Chủ tịch quốc hội, Bộ trưởng Công thương, Trưởng ban Kinh tế trung ương Việt Nam… để “tìm hiểu việc chuẩn bị phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA và IPA, đồng thời trao đổi với các cơ quan của Việt Nam về phương hướng xử lý đối với một số vấn đề mà EU quan tâm” cũng chẳng hứa hẹn triển vọng rõ ràng nào về EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn.

Chưa phê chuẩn trong năm 2019

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), sau khi có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy Ban Thương Mại Châu Âu, Cộng đồng Châu Âu và được ký kết, EVFTA còn phải trải qua thủ tục trình ra Nghị viện châu Âu và phải được cơ quan này xem xét có phê chuẩn hay là không.

Còn với EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU, cùng với EVFTA đã được EU và Việt Nam bàn thảo để chuẩn bị phê chuẩn) thì rắc rối hơn nhiều đối với chính thể độc tài ở Việt Nam.

Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn “ăn sẵn” và “ăn đậm” như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải một thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần “vận động” đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ “toi” dù có được EU phê chuẩn.

Ngay trước mắt, EVFTA cũng không phải là hiệp định ‘dễ ăn’.

Vào tháng 6 năm 2019 khi EVFTA được ký kết chính thức tại Hà Nội, giới chóp bu Việt Nam đã nêu ra dự kiến hiệp định này sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối năm 2019 hoặc chậm lắm là vào đầu năm 2020. Nhưng mốc dự báo vào cuối năm 2019 lấn át hơn hẳn, thậm chí mốc này còn được một số tờ báo đảng tô đậm và khẳng định.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn không có tín hiệu khả quan nào về việc EVFTA được phê chuẩn vào thời gian những tháng còn lại của năm 2019.

Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội trước khi cơ quan ‘nghị gật’ chính thức khai mạc kỳ họp quốc năm 2019 vào ngày 21/10, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là Lê Anh Tuấn cho báo giới biết rằng dự kiến đến đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét EVFTA. Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất. Còn với EVIPA, hiện chưa có dự kiến về lộ trình và thời gian có hiệu lực.

Đó là lần đầu tiên từ sau khi EVFTA được ký kết tại Hà Nội, quan chức Việt Nam thừa nhận hiệp định này chưa thể được phê chuẩn trong năm 2019.

Lùi phê chuẩn do vi phạm nhân quyền?

Vì sao EVFTA chưa ‘qua cầu’ trong năm 2019? Chỉ đơn giản vì lý do thủ tục họp hành của Nghị viện châu Âu hay còn bởi nguồn cơn nhạy cảm nào khác?

Tuy nhiên, những tin tức từ giới quan sát độc lập lại cho biết Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức họp toàn thể vào cuối năm 2019.

Tất nhiên, giới lãnh đạo Hà Nội luôn muốn qua mặt EU về nhân quyền luôn giải thích rằng chủ đề EVFTA lại không được đưa vào nghị trình của phiên họp là do Nghị viện châu Âu còn bộn bề công việc sau khi mới được bầu lại vào tháng 5 năm 2019.

Nhưng phải chăng còn có một nguyên do khác: Nghị viện châu Âu chủ ý lùi phiên họp toàn thể xem xét EVFTA nhằm bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải tuân thủ những điều kiện về cải thiện nhân quyền do cơ quan này nêu ra một cách khẩn cấp vào tháng 11 năm 2018?

Thực tế là cho đến ngày 30 tháng Sáu năm 2019 khi đặt bút ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA tại Hà Nội, chỉ mới một phần rất nhỏ trong toàn bộ nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2018/2925 (RSP) do nghị viện Châu Âu tung ra vào giữa tháng Mười Một năm 2018 được phía Việt Nam đáp ứng.

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Nhưng trước yêu cầu phải ký 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), chính thể Việt Nam đã chỉ mang ra quốc hội bàn việc ký và phê chuẩn Công Ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động, còn Công Ước 105 về chống cưỡng bức lao động được hứa hẹn ký vào năm 2020. Nhưng bỉ bôi nhất vẫn là Công Ước 87 – công ước then chốt quy định bắt buộc về quyền của người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập – bị phía Việt Nam treo đến năm… 2023.

Nhưng chẳng có gì chắc chắn là đến năm đó Công Ước 87 sẽ được ký. Và nhất là sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc.

Còn việc sửa đổi Bộ Luật Lao Động và Luật Công Đoàn cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm “công đoàn độc lập,” trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.

Trong khi đó, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Công an Việt Nam vẫn liên tiếp bắt bớ và hành hung dã man những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự, bắt bớ và giam cầm từ nghệ sĩ làm phim về dân oan đất đai cho đến những phụ nữ chống BOT bẩn… Vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một “cải thiện nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế…

Những bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng “vươn lên một tầm cao mới” của chính thể độc tài ở Việt Nam chắc chắn sẽ là những gì mà nhiều nghị sĩ EU không thể bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp Định EVFTA. Một cái gật đầu dễ dãi của Nghị viện châu Âu đối với EVFTA sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan này yêu sách vào tháng Mười Một năm 2018, khiến uy tín lẫn hình ảnh của Nghị viện châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng quốc tế.

Cũng bởi thế, EVFTA nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có thể sẽ vào thời điểm trễ hơn so với tính toán của giới chóp bu Hà Nội.

Nghị viện châu Âu có ‘treo giò’ EVFTA và EVIPA?

Không loại trừ khả năng EVFTA bị Nghị viện châu Âu ‘treo giò’ thêm một thời gian nữa – sau năm 2020, do ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ chỉ tăng không giảm và ngày càng dã man của chính quyền Việt Nam.

Khả năng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi đã có tiền lệ cho nó. Vào tháng 2 năm 2019, khi chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc và hai cơ quan Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đôn đáo chạy sang Brussel, Bỉ – nơi đặt trụ sở thường trực của EU – để vận động cho EVFTA và EVIPA và tưởng chừng mọi việc đã trót lọt, Hội đồng châu Âu bất ngờ thông báo hoãn việc ký kết hai hiệp định này, mà nguồn cơn không nói ra hẳn là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Ngay trước đó, một bức thư của 18 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và quốc tế đã kiến nghị EU hoãn ký EVFTA do nhà cầm quyền Việt Nam không có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào.

Còn trước đó nữa, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đã phải trải qua thời gian rà soát pháp lý của EU đến hai năm rưỡi, dù đã kết thúc đàm phán từ cuối năm 2015 – một khoảng thời gian dài hơn hẳn so với quy trình chỉ từ 6 tháng đến một năm để rà soát pháp lý các hiệp định thương mại quốc tế mà EU là đối tác.

Vào tháng 9 năm 2019, 48 tổ chức quốc tế, trong nước tiếp tục gửi thư ngỏ, kiến nghị tới các nghị sỹ, Quốc hội châu Âu, Ủy ban Nhân quyền Quốc hội châu Âu về tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, và kiến nghị hoãn lại việc phê chuẩn, thực hiện EVFTA. Những kiến nghị này có thể tác động đến quyết định có phê chuẩn EVFTA hay không của Nghị viện châu Âu.

Hẳn do lo lắng chuyện quá khứ đình hoãn hiệp định thương mại sẽ tái hiện trong tương lai, vào thời gian cuối năm 2019 Việt Nam đã phải liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.

Một phái đoàn do quan chức Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương dẫn đầu, gặp các cơ quan của EU với đề nghị “hai phía thúc đẩy tiến trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA”.

Một đoàn khác được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ – Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức, nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA, vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và Bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.

Nhưng ngay vào lúc Đỗ Bá Tỵ đang hươu vượn về nhân quyền ở Đức, bộ phim vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục được công chiếu ở Việt Nam: một phái đoàn của Bộ Tư Pháp Đức đến Sài Gòn và mời một số luật sư gặp gỡ để nghe ý kiến về tình hình luật pháp ở Việt Nam, nhưng một trong số khách mời đó là luật sư Đặng Đình Mạnh đã bị công an Việt Nam cấm cửa không cho đi gặp đoàn Đức.

Vào lúc này và khi thời điểm Nghị viện châu Âu xem xét bỏ phiếu EVFTA có vẻ sắp diễn ra vào nửa đầu năm 2020, chính thể độc tài ở Việt Nam đang tìm cách thúc giục EU sớm thông qua EVFTA, nhưng sẵn sàng qua mặt EU thêm một lần nữa bằng những hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ hoàn toàn đầu môi chót lưỡi.

https://www.voatiengviet.com/a/evfta-evipa-nghi-vien-chau-au-viet-nam/5149273.html