Tin Việt Nam – 03/11/2018
Có hợp pháp khi triệu tập con gái 13 tuổi
để điều tra về cha?
Diễm Thi, RFA
Ngày 15/10/2018, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an TP. HCM gửi giấy triệu tập (Lần 1) cho bé Trần Lê Thanh Hà, 13 tuổi, đến với lý do nêu ra nhằm hỏi về việc có liên quan đến người cha, ông Trần Thanh Phương.
Bà Lê Thị Khanh, thân mẫu của bé Trần Lê Thanh Hà, cho biết ông Trần Thanh Phương bị công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bắt giữ hôm 1/9/2018 do tham gia biểu tình phản đối Dự luật đặc khu hôm 10/6/2018 tại khu vực trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Bà cho biết con gái của bà bị an ninh triệu tập là vì một video clip được tải trên mạng:
Tối ngày 1/9/2018, bé Trần Lê Thanh Hà có quay một clip bằng điện thoại di động trước phường do lo sợ ba bị tra tấn ở phường, đồng thời trong điện thoại của bé cũng có hình công an đến nhà buổi sáng. Do đó công an phường tịch thu điện thoại của bé và nói rằng công an mới đến nhà buổi sáng mà có hình trên mạng rồi.
Luật sư Hà Huy Sơn, vị luật sư thường nhận bào chữa cho các nhân vật bất đồng chính kiến, từng tham gia bào chữa cho một số vụ án chính trị lớn ở Việt Nam cho biết về trường hợp bé Thanh Hà:
Việc đó thì phải có người bảo hộ, tức bố mẹ, người nhà hoặc thầy cô giáo đi giám sát cùng. Phải từ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. 14 tuổi tính cho đến ngày có hành vi bị cho là phạm tội.
Bé Thanh Hà sinh tháng 3/2015, tức chỉ mới 13 tuổi.
Trao đổi với Luật Sư Đặng Đình Mạnh về trường hợp trẻ 13 tuổi mà nhận giấy triệu tập có xảy ra nhiều hay không, ông nói “Rất tiếc về vấn đề bạn hỏi thì tôi không có con số thống kê để trả lời được. Nhưng tôi nghĩ không nhiều đâu. Vì trẻ 13 tuổi mà phạm pháp thì cũng hiếm hoi lắm.”
Không dám đưa con lên công an
Trò chuyện với RFA qua điện thoại vào tối ngày 2/11/2018, bà Khanh cho biết đã mất niềm tin khi công an nói chỉ triệu tập người chồng lên làm việc một lúc rồi về, nhưng giam luôn mà không gửi bất cứ một giấy thông báo nào. Rồi khi thu điện thoại của cháu Thanh Hà cũng hẹn ngày hôm sau trả mà rồi cũng giữ luôn.
Bà Khanh nói rõ nay không dám cho con đến cơ quan công an làm việc vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bé. Bà cho biết Công an đến nhà hăm dọa là nếu để gửi giấy triệu tập lần hai, lần ba mà không lên thì sẽ bị cưỡng chế; khiến bà rất phân vân.
Bản thân bà cũng được biết tình trạng người dân chết trong đồn công an một cách bất minh. Vào năm 2015, Bộ Công an từng có báo cáo thừa nhận trong 3 năm, từ 2011 đến 2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại trạm giam, với lý do được công an đưa ra là do bệnh lý, do tự sát. Từ năm 2015 đến nay chưa có số liệu chính thức được công bố, nhưng một số nguồn thống kê không chính thức cho biết năm 2017 đã xảy ra 13 vụ người dân chết khi bị giam giữ tại đồn công an.
RFA liên lạc với Cơ quan Điều tra trên giấy mời nhiều lần nhưng không ai trả lời điện thoại.
Về ông Trần Thanh Phương được biết ông là thành viên của nhóm hoạt động có tên ‘Hiến Pháp’. Tôn chỉ của nhóm này được nói giúp nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền cũng như các quyền chính trị và dân sự.
Tổ chức có tên Human Rights Defenders vào ngày 29 tháng tư dẫn phát biểu của một thành viên trong nhóm Hiến Pháp rằng họ có kế hoạch biểu tình ôn hòa vào ngày 4/9/2018 để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tham nhũng có hệ thống, sự nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc cũng như nạn ô nhiễm môi trường khắp nơi trên cả nước.
Tuy nhiên khi kế hoạch chưa được thực hiện thì lực lượng chức năng ratay bắt giữ 9 thành viên vào ngày 1/9/2018. Đến nay, đã có ba thành viên của nhóm ‘Hiến Pháp’ bị khởi tố.
Đó là ông Huỳnh Trương Ca bị Công an tỉnh Đồng Tháp khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hôm 14/9 với cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước VN”.
Hai người khác gồm ông Ngô Văn Dũng và Hồ Văn Cương bị truy tố về tội “phá rối an ninh”. Tuy nhiên người nhà của ông Ngô Văn Dũng bác bỏ nói ông này không phải thành viên của nhóm Hiến Pháp.
Người Việt ở Pháp phản đối
nhóm người Hoa xưng ‘Tộc Kinh’
Nhiều người Pháp gốc Việt đang phản đối sự việc một nhóm người đến từ Trung Cộng chuẩn bị thiết lập một khu vực tại thành phố Bussy Saint George để làm thủ phủ của cái gọi là “Tộc Kinh Toàn Cầu.” Nhóm người Hoa này cho rằng người Việt xuất phát từ An Nam cổ và là một phần của dân tộc Kinh ở Trung Hoa.
Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Sáu (2 tháng 11) dẫn những nguồn tin từ nước Pháp cho biết, một nhóm người nói tiếng Quan Thoại, Quảng Đông và tiếng Việt lơ lớ đã bỏ tiền ra mua một vùng đất rộng 350,000 mét vuông làm thủ phủ kinh tế – chính trị – văn hóa của “Tộc Kinh.” Họ tổ chức một buổi lễ hồi tháng 5 năm 2018, có sự tham dự của thị trưởng, phó thị trưởng và các nhân viên của thành phố sở tại.
Trong một đoạn phim về buổi lễ, những người tham dự còn đề cập đến việc tụ họp từ 3 đến 4 triệu người Kinh khắp nơi trên thế giới về để “lập quốc” tại thành phố Bussy Saint George. Trong phim, người ta thấy có bảy lá cờ được trao cho các giới chức thành phố, mà như một số người Việt tại Pháp hiểu là được giữ để sau này lập quốc.
Một số người còn tìm hiểu về một dãy số trên bảy lá cờ và khám phá ra đây là số ghi danh của một hội đoàn người Việt ở thành phố Villejuif, gần Paris. Hội đoàn này được thành lập với mục tiêu: “Thúc đẩy sự tham gia của những người Trung Hoa và Việt Nam. Tạo điều kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính và kỹ nghệ của người Việt hải ngoại giữa Trung Cộng, Hoa Kỳ và Châu Âu…”
Một số trí thức gốc Việt ở Pháp đã lên tiếng cảnh cáo đây có thể là âm mưu của Trung Cộng nhằm xóa bỏ căn cước của người Việt sinh sống ở hải ngoại.
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-o-phap-phan-doi-nhom-nguoi-hoa-xung-toc-kinh/
Bò Nhảy, Cầu Gãy, Mới Lộ Ra:
Bê Tông Cốt Cây, Không Sắt
HANOI — Chuyện chỉ có tại thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam: sử dụng bò để kiểm tra chất lượng, trong khi cán bộ chẳng kiểm tra được gì…
Báo Giao Thông gọi đó là chuyện “Lạ lùng: Kênh thủy lợi sử dụng bê tông cốt… cây.”
Bản tin kể rằng một chú bò nhảy qua kênh nhưng bị trượt chân ngã làm vỡ thanh giằng bêtông trên mặt kênh mương S8 (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Bất ngờ người ta phát hiện thanh giằng này được làm bằng cốt cây.
Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định cho biết, sau khi nghe thông tin đã đi kiểm tra thực tế vụ việc thanh giằng bê tông cốt thép nhưng khi bị vỡ lại lộ ra cốt cây bên trong tại hệ thống kênh mương S8.
“Trong quá trình thi công công trình, công nhân đã nghịch lấy sắt làm chuyện khác, rồi thiếu nên mới đưa cây tầm bậy vào”, ông Phú xác nhận.
Tuy nhiên, theo ông này, trong hơn 200 thanh giằng ở kênh mương S8, chỉ có 1 thanh có chứa cây bên trong, còn lại đều được làm bằng cốt thép.
“Chỉ có 1 thanh giằng có cây bên trong nên không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình. Kênh mương được đưa vào sử dụng mấy năm nay rồi, bê tông vẫn còn láng bóng, sử dụng bình thường chứ có gì đâu. Đối với thanh giằng có cây bên trong, chúng tôi sẽ bỏ và thay thế thanh khác cho đảm bảo”, ông Phú khẳng định.
Thực tế, không ai đục vỡ 199 thanh giằng kia để xem bên trong là sắt hay cây…
Báo Dân Việt có thêm thông tin:
“Theo ông Phú, công trình trên được xây dựng vào năm 2013 với tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng, do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Đăng Khoa là đơn vị thi công.”
Con số 900 triệu đồng VN là tương đương 38.500 đôla Mỹ.
https://vietbao.com/p124a287175/bo-nhay-cau-gay-moi-lo-ra-be-tong-cot-cay-khong-sat
VN Sẽ Giao Đức Trịnh Xuân Thanh?
HANOI — Nhà nước Hà Nội sẽ mời Trịnh Xuân Thanh ra khỏi nhà tù, và sẽ trân trọng tiễn đưa họ Trịnh sang Đức?
Câu chuyện kỳ dị này được RFA và VOA kể lại, với các diễn tiến cho thấy Hà Nội muốn xoa dịu Berlin sau màn bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gay cấn như phim ảnh…
Bản tin RFA ghi rằng tờ báo Đức TAZ hôm 1/11 trích nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết một đoàn cấp cao Việt Nam hiện đang có mặt tại Berlin để đàm phán với phía Đức về quan hệ hai nước và khả năng trao trả cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam bị kết tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Theo TAZ, cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam thực hiện đàm phán là thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận cụ thể về nội dung đàm phán với TAZ nhưng cho biết có cuộc gặp giữa hai bên tại Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Năm, ngày 1/11. Bộ Ngoại giao Đức cho biết cuộc gặp là một phần của “quá trình trao đổi chặt chẽ” với Việt Nam về “các vấn đề quốc tế và song phương”. Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận thông tin về đàm phán trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức.
RFA nhắc rằng quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã xấu đi từ tháng 7 năm ngoái khi Hà Nội cho an ninh sang Berlin để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó đang xin tỵ nạn tại Đức. Sau đó tại phiên tòa ở Hà Nội vào đầu năm nay, ông Trịnh Xuân Thanh bị kết án chung thân về tội tham nhũng.
Ngay sau vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã chính thức lên tiếng cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, vi phạm luật pháp Đức và quốc tế. Vì điều này, Đức đã đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Đức yêu cầu Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để làm đúng thủ tục pháp lý cần thiết. Đây cũng là một điều kiện ràng buộc trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Hà Nội từ trước đến nay vẫn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú.
Theo nguồn tin của TAZ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn không có quyền quyết định để đưa ra bất cứ lời hứa nào về việc trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. Tuy nhiên “Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đang gây sức ép đòi trả Thanh về lại Đức”.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia, nước có liên quan đến việc cho đoàn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn máy bay công vụ hồi năm 2017 để đưa Trịnh Xuân Thanh sang Moscow.
Hôm 19/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết quan hệ song phương giữa Slovakia và Việt Nam sẽ bị đóng băng. Thông báo này được đưa ra sau khi có những kêu gọi từ đảng đối lập ở quốc gia này đòi chính phủ Slovakia phải có điều tra nghiêm túc về việc cho mượn máy bay tham gia vụ bắt cóc và trục xuất đại sứ Việt Nam về nước, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải có lời giải thích chính thức với Slovakia về những cáo buộc được nói tới.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Bộ Ngoại giao Đức hôm 1/11 do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu. TAZ không nêu tên vị thứ trưởng này nhưng theo Thoibao.de, người dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Bùi Thanh Sơn. Ông Sơn chính là người tới tham dự buổi lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10 tại Hà Nội, nơi Đại sứ Đức Christian Berger nói sẽ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức ngày càng phát triển tích cực.
Vào tháng 9 năm ngoái, Đức đã tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23/7/2017 nhưng Hà Nội nói rằng ông Thanh tự về đầu thú.
Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn tại Đức. Sau khi “trở về đầu thú”, ông Thanh bị đưa ra tòa xử và bị tuyên hai án tù chung thân cho tội danh tham ô và quản lý kém gây thất thoát tài sản nhà nước. Ông Thanh bị cho là làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời gian làm chủ tịch PVC, một công ty của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
VOA ghi rằng nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho TAZ biết: “Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá.”
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, ông Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen của liên minh châu Âu bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Điều này cũng đang làm mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia căng thẳng khi Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích liệu họ có bị phía Việt Nam lợi dụng để tiến hành vụ bắt cóc hay không.
https://vietbao.com/p124a287174/vn-se-giao-duc-trinh-xuan-thanh-
VOA phỏng vấn Dân biểu gốc Việt
Stephanie Murphy trước thềm bầu cử
Stephanie Murphy, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2016, hiện đang tái tranh cử cho nhiệm kì thứ hai đại diện Địa hạt Quốc hội 7 ở bang Florida.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, bà kể lại trải nghiệm của bà trong hai năm đầu tiên làm dân biểu tại Hạ viện và giải thích vì sao bà đang nỗ lực thúc đẩy nó thay đổi. Bà nêu lập trường về nhiều vấn đề lập pháp khác mà bà quan tâm sâu sắc và cũng bình luận về hoạt động của Mỹ tại Biển Đông.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh qua điện thoại vào ngày 29 tháng 10. Toàn bộ nội dung phỏng vấn ở đây:
Tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với loạt câu hỏi đầu tiên về tình hình cuộc đua tranh cử của bà. Bà có tin tưởng là bà sẽ tái đắc cử không?
Chúng tôi đang cật lực làm việc để bảo đảm là chúng tôi huy động được cử tri đi bỏ phiếu ở đây trong tám ngày còn lại trước cuộc bầu cử.
Các cuộc khảo sát ý kiến nội bộ của bà cho thấy gì? Bà có thể chia sẻ kết quả khảo sát được không?
Anh biết gì không, chúng tôi chưa có cuộc khảo sát ý kiến nào dạo gần đây đáng để chia sẻ, nhưng tôi sẽ nói với anh là cử tri, không phải các cuộc khảo sát ý kiến, mới giúp thắng cử. Vì thế đó là lí do vì sao chúng tôi đang tập trung vào việc bảo đảm là cử tri sẽ xuất hiện và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.
Tại sao bà là dân biểu tốt hơn cho Địa hạt 7?
Tôi tập trung vào công ăn việc làm, an ninh và bình đẳng và vẫn đang làm việc trong nhiệm kì đầu tiên của tôi để phục vụ cộng đồng này. Và tôi được nêu tên là thành viên làm việc hữu hiệu nhất trong nhóm dân biểu mới vào Hạ viện cũng như là một trong những nghị sĩ thường hay hợp tác lưỡng đảng nhất. Tôi làm việc chăm chỉ để bảo đảm rằng tôi có thể thăng tiến những lợi ích của cộng đồng của tôi.
Bà nói trong một trong những quảng cáo của bà là “đã đến lúc Washington cũng bắt đầu làm việc.” Từ quan điểm của bà trong tư cách nhà lập pháp nhiệm kì đầu, như thế nào là không làm việc vì người dân?
Tôi nghĩ rằng vẫn còn quá nhiều những đặc lợi và quá nhiều bế tắc vì đấu đá đảng phái. Tôi nghĩ chúng tôi phải hướng tới làm việc cùng nhau hữu hiệu hơn và gửi dân biểu đến Washington để làm việc thay mặt những người đã bầu chọn họ chứ không phải tìm cách thu vén cho đầy túi riêng. Đó là lí do tại sao tôi giới thiệu Đạo luật Niềm tin vào Quốc hội để ngăn các thành viên Quốc hội trở thành những người vận động hành lang. Và nó cũng cắt giảm một số đặc quyền như đi máy bay khoang hạng nhất bằng tiền của người đóng thuế, những thứ giống như vậy, để các thành viên Quốc hội phục vụ những người đã bầu chọn họ.
Đối thủ [Đảng Cộng hòa] của bà đang liên kết bà với [Lãnh đạo Dân chủ Thiểu số Hạ viện] Nancy Pelosi, nói rằng bà biểu quyết thuận theo bà ấy “nhiều hơn 90 phần trăm.” Tôi kiểm tra lại và con số này thực ra là 87. Nhưng bà cũng biểu quyết thuận theo [Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa] Paul Ryan 42 phần trăm. Bà có thể nêu ví dụ về một luật quan trọng mà bà đã biểu quyết trái với đảng của bà không? Điều gì khiến bà biểu quyết như vậy?
Liên quan đến chăm sóc y tế cho cựu chiến binh, điều hết sức quan trọng đối với tôi là bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp sự chăm sóc y tế tốt nhất cho các cựu chiến binh. Tôi là một trong số ít những thành viên của Đảng Dân chủ đã biểu quyết ủng hộ một dự luật cho Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh nhiều linh hoạt hơn trong việc quản lí nhân sự, để bảo đảm rằng những người giỏi nhất đứng ở tuyến đầu phục vụ các cựu chiến binh của chúng ta.
Trong khi đang nói về chủ đề Nancy Pelosi tôi phải hỏi bà điều này: bà có bầu cho bà ấy làm chủ tịch Hạ viện không nếu phe Dân chủ giành lại Hạ viện?
Tôi đã nêu rõ rằng tôi sẽ bầu theo những yêu sách đề ra trong Dự án Break the Gridlock (Phá vỡ Bế tắc) mà về cơ bản nói rằng chúng tôi đang tìm kiếm một số thay đổi trong cách thức mà Hạ viện được điều hành để khuyến khích thêm sự hợp tác lưỡng đảng. Và vì vậy ứng viên chủ tịch Hạ viện nào sẵn lòng chấp nhận những thay đổi đó thì sẽ là người mà tôi bầu chọn.
Tôi có một hai câu hỏi về an ninh quốc gia vốn là lĩnh vực chuyên môn của bà. Và đây cũng là điều mà nhiều người Việt Nam quan tâm. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với nhiều hoạt động tự do hàng hải hơn cũng như những chuyến bay ngang để thách thức hành vi hung hăng của Trung Quốc tại đó. Theo quan điểm của bà trong tư cách một chuyên viên an ninh quốc gia, liệu Mỹ có nên tiếp tục làm việc này không?
Việc bảo vệ quyền tự do hàng hải là cực kì quan trọng. Nó cho phép thương mại quốc tế được tiếp tục và tôi nghĩ đó là một vai trò quan trọng mà Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ.
Liệu bà có biểu quyết luận tội Tổng thống Trump không nếu bà thấy có bằng chứng khả tín về sự thông đồng từ cuộc điều tra của [Công tố viên Đặc biệt Robert] Mueller?
Tôi tin rằng khi chúng ta nói về việc luận tội, phải có chứng cứ không thể chối cãi đáp ứng được ngưỡng trọng tội và hành vi bất chính đáng trước khi chúng ta nên xem xét bàn tới việc luận tội.
Hãy nói về bạo lực súng ống. Hai ngày trước [27 tháng 10], 11 người bị sát hại trong một giáo đường Do Thái trong vụ việc được mô tả là cuộc tấn công bài Do Thái làm chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bà nói bạo lực súng ống đã trở thành một “vấn đề y tế công ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng trong cộng đồng của chúng ta.” Xin bà giải thích vấn đề y tế công này nghiêm trọng tới mức nào. Bà có nghĩ tầng lớp chính trị Washington có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những thảm kịch như thế này xảy ra lần nữa không?
Tôi nghĩ điều thiết yếu là các quan chức công cử phải làm nhiều hơn nữa để giữ cho các cộng đồng của chúng ta được an toàn hơn trước tình trạng bạo lực súng ống. Và điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách phi đảng phái. Vì bạo lực súng ống xảy ra trên khắp đất nước này chứ không chỉ trong các vụ xả súng hàng loạt hay những vụ thu hút sự chú ý của báo chí mà còn trong những sinh hoạt hàng ngày của nhiều cộng đồng. Và điều quan trọng là các quan chức công cử phải giải quyết vấn đề đó. Tôi tự hào nói rằng tôi đã dẫn đầu sáng kiến dỡ bỏ một lệnh cấm 22 năm về nghiên cứu bạo lực súng ống, và tôi nghĩ rằng đó là bước đi đúng hướng để chúng ta có đầy đủ dữ kiện để từ đó soạn luật về bạo lực súng ống và an toàn súng ống.
Đầu năm nay, bà đã đưa được những ngôn từ vào trong gói chi tiêu mà sẽ “mở đường cho Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) tài trợ những nghiên cứu dựa trên bằng chứng về các cách thức giảm bạo lực súng ống.” Nhưng các quan chức y tế công cộng và cựu quan chức CDC nói rằng, sẽ không có tiến bộ nào đạt được trừ phi Quốc hội thực sự phân bổ ngân quỹ cho những nghiên cứu đó. Gói chi tiêu đã thông qua vào tháng 3. Kể từ khi đó có bất cứ ngân quỹ nào được phân bổ riêng cho nghiên cứu bạo lực súng ống của CDC chưa?
Không có ngân quỹ cụ thể nhưng CDC có ngân quỹ mà có thể được dùng cho nghiên cứu bạo lực súng ống theo một số chương trình khác mà họ có.
Bà có thấy bất kì tiến bộ nào về vấn đề này chưa?
Tôi tin là giờ chúng ta đã có thể nêu rõ rằng nghiên cứu về bạo lực súng có thể được tiến hành, chúng ta cần phải bắt đầu sử dụng các nguồn lực đó và bắt đầu thực hiện những nghiên cứu này.
Nếu bà tái đắc cử, bà sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trên nghị trình của bà chứ? Và đẩy mạnh đến mức nào?
Tôi tin rằng tôi đại diện một cộng đồng bị ảnh hưởng sâu sắc vì bạo lực súng ống với vụ xả súng tại hộp đêm Pulse [vào năm 2016] và vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho các biện pháp an toàn súng ống hợp lí.
Hãy nói về các cử tri người Việt của bà. Bà đã nói chuyện với bất kì cử tri người Việt nào trong địa hạt của bà chưa? Họ nói gì với bà?
Có. Họ quan tâm về cùng những vấn đề mà những cử tri khác trong địa hạt của tôi quan tâm. Họ muốn bảo đảm rằng có việc làm được trả lương cao và một nền kinh tế tạo điều kiện cho tất cả mọi người. Họ muốn bảo đảm rằng các cộng đồng của chúng tôi được an toàn khỏi bạo lực súng ống và họ muốn bảo đảm rằng có một cơ hội bình đẳng để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ.
Khi bà nghĩ về địa vị của bà hôm nay, nữ nghị sĩ Quốc hội người Mỹ gốc Việt đầu tiên đang tranh cử cho một nhiệm kì thứ hai, bà cảm thấy thế nào về điều đó?
Dĩ nhiên tôi tự hào là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội nhưng tôi tin rằng đó là một bước đi đúng hướng để bảo đảm rằng nền dân chủ đại nghị của chúng ta thực sự đại diện sự đa dạng của đất nước vĩ đại này.
Bà là một nhà lập pháp nữ trẻ tuổi thuộc sắc dân thiểu số, một người có khuynh hướng hợp tác lưỡng đảng thay vì theo đuổi ý thức hệ. Sự nghiệp chính trị của bà vừa mới bắt đầu. Bà đã bao giờ hình dung mình ở một vị trí lãnh đạo nào đó trong Đảng Dân chủ chưa?
Anh biết đấy, bây giờ tôi đang tập trung phục vụ cử tri của mình và vượt qua cuộc bầu cử sắp tới. Đó là trọng tâm của tôi vào lúc này.
Bà sẽ cân nhắc tranh cử một vị trí cao hơn vào lúc nào đó trong tương lai chứ?
Anh biết đấy, tôi không hề nghĩ mình sẽ tranh cử vào Quốc hội mà giờ tôi đang làm dân biểu đây. Không bao giờ biết được cuộc đời sẽ đưa đẩy thế nào đâu.
Xin cảm ơn Nghị sĩ Murphy trả lời cuộc phỏng vấn này.
Phụ nữ gốc Việt đầu tiên tranh cử ở Massachusetts:
‘Tôi muốn cờ vàng được công nhận’
Trâm Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên tranh cử vào Hạ viện của tiểu bang Massachusetts với hy vọng trở thành sự kết nối giữa chính quyền và cộng đồng người Việt ở đây.
Với sự ủng hộ cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, người phụ nữ 31 tuổi từng là di dân tị nạn từ Việt Nam cho VOA biết rằng cô đang có nhiều cơ hội để giành chiến thắng trong kỳ bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11.
Cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo trong 8 năm. Tôi thực sự coi trọng cờ vàng với 3 sọc đỏ. Vì vậy tôi rất muốn giúp đỡ trong việc thúc đẩy các nỗ lực để lá cờ đó được công nhận là cờ chính thức của cộng đồng người Việt ở Massachusetts.
Trâm Nguyễn, ứng cử viên dân biểu tiểu bang Massachusetts
Nếu chiến thắng, cộng đồng người Việt sẽ có một đại diện tại Hạ viện tiểu bang để giúp lên tiếng cho họ về nhiều vấn đề, theo ứng cử viên đảng Dân chủ đại diện cho Quận 18 Essex. Cô cũng hy vọng sẽ có cơ hội thúc đẩy nỗ lực để “cờ vàng ba sọc đỏ” của chính quyền miền Nam Việt Nam được chính thức công nhận tại tiểu bang này.
Từ một người tị nạn…
Trâm Nguyễn tới Mỹ cùng gia đình năm 1992 khi mới 5 tuổi. Gia đình cô được đón nhận tại thành phố Lawrence của Massachusetts như những người dân tị nạn chính trị. Tuy nhiên cô đã có được
một nền giáo dục tốt và trở thành một luật sư. Và giờ đây cô muốn làm điều gì đó để trả ơn cho cộng đồng.
Sau khi tốt nghiệp trường Luật Northeastern, Trâm Nguyễn trở thành một luật sư của công ty Luật Greater Boston Legal Services nơi cô giúp đỡ về mặt pháp lý cho nhóm người dễ bị tổn thương.
Với ước muốn được phục vụ cho cộng đồng sở tại nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng, vị luật sư này đã quyết định tranh cử vào Hạ viện tiểu bang.
“Một trong những nguyên nhân vì sao tôi quyết định tranh cử là khi trong hai năm liền tôi đã phải tìm cách gặp người đại diện của tôi để thảo luận về những dự luật mà tôi đang xây dựng,” Luật sư Trâm cho biết. “Chúng tôi có nhiều thân chủ là những người dễ bị tổn thương gồm người già, cựu chiến binh, người tàn tật, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, trẻ em và nhiều hơn nữa. Khi giúp họ tại tòa án, tôi đã tham gia vào việc vận động cho lập pháp. Điều đó có nghĩa là tôi cùng xây dựng những dự luật cho Hạ viện của tiểu bang để nâng cao chất lượng cuộc sống của các thân chủ của tôi. Tôi tìm cách gặp đại diện ở Hạ viện để giải thích tại sao những dự luật này quan trọng đối với tôi. Nhưng ông ấy từ chối.”
Lúc đó – tháng 12/2017 – Trâm Nguyễn không nghĩ đến tranh cử nhưng vì điều đó nên cô đã quyết định muốn trở thành người đại diện cho tiếng nói của người dân tại Hạ viện tiểu bang.
“Tôi muốn trở thành người có thể dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng gặp mặt hơn đối với tất các cử tri, tất cả mọi cử tri chứ không chỉ những người đồng thuận với mình. Đó là vì sao tôi ra tranh cử.”
Đối thủ của Trâm Nguyễn là Dân biểu tiểu bang của đảng Cộng hòa Jim Lyons người mà cô cho là có mọi quan điểm khác biệt với cô.
“Tôi muốn có được sự an toàn cho các gia đình và con em chúng ta an toàn khỏi bạo lực súng ống trong khi đối thủ của tôi thì 93% ủng hộ NRA. Tôi ủng hộ việc xem nạn opioid, hiện đang ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống ở Mỹ, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng và muốn tập trung đầu tư vào các chương trình điều trị lâu dài trong khi đối thủ của tôi tập trung vào việc hình sự hóa nó và chúng ta biết là cuộc chiến chống ma túy không thành công chút nào. Chúng ta cần coi nó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng để chúng ta có cách tiếp cận tốt hơn.”
Tới ứng cử viên được TT Obama ủng hộ
Mặc dù đây là lần đầu tiên ra tranh cử vào cơ quan lập pháp nhưng Trâm Nguyễn đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cựu Tổng thống Barack Obama và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cùng hơn 70 tổ chức và các giới chức chính quyền tiểu bang.
Viết về sự ủng hộ của mình đối với Trâm Nguyễn và những ứng cử viên Dân chủ khác, cựu Tổng thống Obama nói rằng họ “không chỉ tranh cử chống lại một điều gì đó mà còn cho một điều gì đó – để mở rộng khả năng cho tất cả mọi người chúng ta và khôi phục phẩm giá, lòng tự hào, và lòng trắc ẩn đối với việc phục vụ cộng đồng.”
Giải thích lý do vì sao được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Clinton, Trâm Nguyễn cho biết vì cô ủng hộ những giá trị mà họ đã và đang theo đuổi.
“Chúng tôi tranh cử để xây dựng một đất nước, một cộng đồng cho tất cả mọi người và chào đón mọi người. Và chúng tôi tranh cử vì một nền kinh tế tốt cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho những người giàu. Chúng tôi tranh cử để đảm bảo rằng những gia đình công nhân có chất lượng cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng. Đây là những điều mà tôi cùng có chung với cựu tổng thống (Obama) và cựu ngoại trưởng (Clinton) bởi vì chúng tôi muốn xây dựng một nước Mỹ đấu tranh cho ý tưởng để trở thành người lãnh đạo thế giới trong việc chấp nhận những sự khác biệt và tôn vinh những sự khác biệt đó.”
Kể từ đầu tháng 4, LS Trâm Nguyễn đã dành toàn thời gian của mình đến gõ cửa từng nhà từ sáng đến tối để nói chuyện với các cử tri để đảm bảo rằng họ nhận được những thông điệp của cô.
Với hàng trăm tình nguyện viên tham gia giúp đỡ chiến dịch vận động tranh cử cùng sự ủng hộ to lớn ở cả mức độ quốc gia tới địa phương, nữ luật sư này nói cô có cơ hội lớn để chiến thắng.
Là một người phụ nữ gốc Việt, Trâm Nguyễn nói nếu được bầu cô sẽ trở thành tiếng nói đại diện của họ tại Hạ viện tiểu bang và đặc biệt là giúp những nỗ lực vận động cho lá cờ vàng được công nhận.
“Cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo trong 8 năm. Tôi thực sự coi trọng cờ vàng với 3 sọc đỏ. Vì vậy tôi rất muốn giúp đỡ trong việc thúc đẩy các nỗ lực để lá cờ đó được công nhận là cờ chính thức của cộng đồng người Việt ở Massachusetts.”
Có hơn 100 thành phố ở Mỹ công nhận lá cờ vàng của chính quyền Nam Việt Nam là cờ chính thức của cộng đồng người Việt nhưng lá cờ đỏ sao vàng của chính phủ Việt Nam vẫn chính thức được chính phủ Mỹ công nhận.
LS Trâm Nguyễn là một trong số nhiều người Mỹ gốc Việt đang tranh cử vào ngày 6/11. Cô nói rất tự hào vì có nhiều người gốc Việt tranh cử để ủng hộ cho những gì mà họ tin vào.
“Chúng tôi sẽ tổ chức một đêm xem bầu cử để cùng chờ kết quả,” LS Trâm nói. “Tôi hy vọng nó sẽ là một bữa tiệc chiến thắng.”
Bộ Công an công bố dự thảo nghị định
hướng dẫn Luật An ninh mạng để lấy ý kiến người dân
Hôm thứ Sáu, ngày 2/11, Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng đang gây tranh cãi tại Việt Nam. Mục đích công bố là để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân trong thời gian 2 tháng.
Hồi tháng 6 vừa qua Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Luật sẽ đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Nghị định mới do Bộ Công an soạn thảo và công bố gồm 6 chương với 30 điều. Những điểm đáng chú ý trong nghị định đã được đề cập đến từ trước bao gồm quy định lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong chương 5 và công tác kiểm tra đối với các hệ thống thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và thông tin quan trọng quốc gia ở chương 2.
Dự thảo nghị định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh các nhân, số căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm xã hội, thẻ tín dụng, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ ý tế, sinh trắc học. Ngoài ra dữ liệu về các mối quan hệ sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như bạn bè, nhóm người sử dụng kết nối hoặc tương tác cũng bị lưu lại. Thời gian lưu trữ dữ liệu được quy định là cho đến hết thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ nữa.
Dự thảo nghị định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Về công tác kiểm tra, lực lượng chuyên trách an ninh mạng được quy định thuộc Bộ Công An. Lực lượng này có nhiệm vụ kiểm tra đối với các hệ thống thông tin thuộc cả hai danh mục về an ninh quốc gia và thông tin quan trọng quốc gia.
Chủ quản các hệ thống thôn tin quan trọng về an ninh quốc gia phải bố trí mặt bằng, điều kiện ký thuật để thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách an ninh mạng vào hệ thống thông tin của mình. Ngoài ra, các cơ sở này phải chia sẻ các dữ liệu này cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng của Bộ Công an.
Theo blogger Osin Huy Đức, người theo dõi chặt luật an ninh mạng và đã có nhiều bài viết về luật này, trong một bài viết trên facebook cá nhân hôm 23/10 cho biết dự thảo nghị định mới đã không còn dùng một số từ nhạy cảm trong dự thảo trước kia như “thái độ, quan điểm…”. Vì vậy Theo blogger này dự thảo có cho cảm giác thu hẹp phạm vi dữ liệu người dùng nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng. Thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp chuyển dữ liệu bây giờ thuộc Bộ trưởng Bộ Công an thay vì Cục trưởng cục An ninh mạng như 2 dự thảo cũ.
Tuy nhiên, theo blogger Osin Huy Đức, việc dự thảo mới vẫn chưa thay đổi những quy định ngặt nghèo về việc lưu trữ gần như toàn bộ thông tin người dùng ở Việt Nam khiến chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vô cùng lớn và vô lý. Đó là chưa kể những dữ liệu người dùng cung cấp cho các mạng xã hội hay các dịch vụ internet thuộc quyền sở hữu của công dân, có những dữ liệu là tài sản của họ, thậm chí là bí mật đời tư được Hiến pháp bảo hộ. Vì vậy việc đòi cung cấp các dữ liệu này phải là quyền tư pháp tức toà án chứ không phải của cơ quan điều tra, tức Bộ Công an.
Ngay trước khi có dự thảo nghị định này, nhiều công ty nước ngoài đã hy vọng dự thảo sẽ có thay đổi không yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lập văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.
Một nghiên cứu của Phòng Thương mại Mỹ ở Việt Nam cho thấy 61% các doanh nghiệp được hỏi, bao gồm cả các doanh nghiệp không phải của Mỹ sẽ không muốn đầu tư vào Việt Nam nếu yêu cầu này vẫn được giữ nguyên.
Bộ công an CSVN đăng bài đe dọa đại biểu quốc hội
Quốc hội CSVN mấy ngày qua dậy sóng với sự việc một đại biểu cáo buộc có tình trạng “vi phạm rất khủng khiếp” tại cơ quan điều tra của bộ công an, và sau đó bộ công an đăng một bài viết đe dọa lại vị đại biểu.
Truyền thông trong nước đưa tin, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hôm 31 tháng 1 nói rằng, ông nắm được những con số thống kê cho thấy vi phạm của cơ quan điều tra bộ công an là “rất khủng khiếp”. Ông Nhưỡng nêu ra những con số như: không thụ lý 94% tin tố giác, chậm gửi 86% quyết định cho viện kiểm sát, ứng phó quá hạn đối với hơn 99% tin tố giác, vi phạm 100% tống đạt… Ông đề nghị bộ trưởng công an Tô Lâm phải có “thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ.”
Ngay hôm sau, bộ công an CSVN sử dụng trang mạng của bộ, đăng bài viết với lời đe dọa rằng: “Yêu cầu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm và đính chính trước quốc hội khi nhận định ‘vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp’.” Bài viết còn có ý cáo buộc đại biểu Nhưỡng là tiết lộ bí mật nhà nước khi đưa ra những con số vừa kể.
Nhiều người cho rằng công an CSVN được ưu đãi vì vai trò bảo vệ chế độ, nên lực lượng này đã trở thành kiêu binh, sẵn sàng trấn áp bất cứ ai, kể cả đại biểu quốc hội. Nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các cho rằng, bộ công an “lộng ngôn và vô pháp.”
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/bo-cong-an-csvn-dang-bai-de-doa-dai-bieu-quoc-hoi/
Có xây dựng được “cơ chế từ chức” tại Việt Nam chưa?
Một Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 1 tháng 11 năm 2018, đã hỏi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về vấn đề nêu gương, cán bộ “chủ động từ chức khi không còn uy tín”, sẽ được thực hiện như thế nào?
Có thể thực hiện chưa?
Ông Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, trong luật cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, người cũng có mặt trong buổi chất vấn tại Quốc hội hôm 1 tháng 11, để tìm hiểu về vấn đề này và được ông cho biết:
Như thế là nó có một yêu cầu xã hội thật sự, một cái phương thức nếu nhìn theo truyền thống thì nó bình thường, nhưng nếu nhìn ra thiên hạ thì nó càng bình thường hơn nữa.
-ĐBQH Dương Trung Quốc
“Tôi nhớ cách đây 5 năm, khi mà tôi có nêu vấn đề văn hóa từ chức lên, thì lúc đó người ta thấy nó không bình thường, vì nó mới mẻ, nhưng đến nay người ta nói đến rất nhiều và đang xây dựng một quy chế về việc từ chức. Như gần đây nhất đảng đưa ra những yêu cầu về tính gương mẫu của các nhà lãnh đạo thì cũng nhắc đến yếu tố từ chức. Và ngày hôm nay 1 tháng 11 trên diễn đàn Quốc hội có nói đến điều đó. Như thế là nó có một yêu cầu xã hội thật sự, một cái phương thức nếu nhìn theo truyền thống thì nó bình thường, nhưng nếu nhìn ra thiên hạ thì nó càng bình thường hơn nữa.”
Sử gia Dương Trung Quốc cho biết, trong lịch sử Việt Nam, chuyện từ quan thì tương đối bình thường, đôi khi chỉ vì những lý do rất đơn giản, như để về cư tang cha mẹ (1) chẳng hạn, thì người ta có thể từ quan. Đó là chưa kể là họ cảm thấy bất cập với trách nhiệm của mình, họ cũng từ quan.
Từ chức nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội.
Ông nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói:
“Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội,thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại.”
Ông Dương Trung Quốc nói thêm ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Và từ chức là một biện pháp tối ưu để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến vị thế của bản thân người đó trong xã hội.
Trở lại với tình hình Việt Nam hiện nay, từ Sài Gòn, Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng, cho biết những thực tế khi ông làm việc từng chứng kiến:
“Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất.”
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.
Cần xây dựng hệ thống giá trị xã hội
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nên xây dựng cơ chế từ chức:
“Nếu các vị lãnh đạo dùng đức trị được, tức là tính tự giác, tính gương mẫu của con người cao, người cán bộ phải biết liêm sỉ khi thấy tại vị không có uy tín hay cản trở công việc, thì từ chức. Nhưng cũng có đối tượng chây lì, không tự nguyện tự giác từ chức,thì chẳng lẽ cứ chờ họ tự nguyện từ chức. Vì vậy phải cần xây dựng cơ chế từ chức để chế tài.”
Vì từ chức là thoái thác nhiệm vụ của đảng giao, cho nên họ cứ bám, họ bám họ được lợi nhiều thứ.
-Bác sĩ Đinh Đức Long
Vì ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên phải có cách chức, bãi nhiệm. Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, từ chức là lòng tự trọng, người lãnh đạo phải có lòng tự trọng, khi thấy mình không còn tín nhiệm nữa thì tự rút. Ông chia sẻ:
“Ở đây tôi thấy phần lớn họ đều bám đến cùng. Như ông Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc hội trước đây, mấy chục năm theo đảng thì đảng giao nhiệm vụ gì thì ông ấy làm, ông ấy không từ chối gì. Vì từ chức là thoái thác nhiệm vụ của đảng giao, cho nên họ cứ bám, họ bám họ được lợi nhiều thứ.”
Sử gia Dương Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác, đó là hệ thống giá trị xã hội hiện nay người ta chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông nói tiếp:
“Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm.”
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.
—
(1) Cư tang Cha Mẹ: Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về chịu tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài.
Dân ‘treo’ gần 30 năm theo dự án Bán đảo Thanh Đa
Dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa ở bán đảo Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh được ký phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được tiến hành. Đây được đánh giá là dự án treo lâu nhất tại Sài Gòn. Và người dân trong vùng quy hoạch phải chịu tình trạng mà theo họ mô tả là ‘còn hơn cảnh ở quê’.
Cấp giấy phép sửa chữa nhà: có hay không?
Trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 1 tháng 11, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã chấp thuận cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân trong khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đang bị quy hoạch trong 26 năm qua.
Cứ 1-2 tháng vô cưỡng chế, kéo 1 đám vô cưỡng chế tháo dỡ, sao sống được. Anh làm đơn lên quận mà quận nói nhà anh nằm trong quy hoạch phải tháo dỡ. Anh làm đơn rồi, mới bãi nại đem về hôm qua kìa. – Người dân
Trước đó, phía Ủy ban Nhân dân thành phố cũng thể hiện nỗ lực giúp đỡ người dân Thanh Đa bằng cách ban hành Quyết định số 26 vào ngày 20 tháng 6 năm 2017 để người dân có thể xây dựng, sửa chữa nhà… Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 2 có quy định phải có giấy tờ chứng nhận sử dụng đất, tương đương với sổ hồng, sổ đỏ…
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 2 tháng 11, một người dân sống tại khu quy hoạch Thanh Đa tại phường 28, quận Bình Thạnh, cho biết ngôi nhà anh tự dựng lại trên đất của anh đã bị tháo dỡ 2 lần vì không có giấy tờ. Dù biết sẽ bị cưỡng chế anh vẫn cố thử, vì không thể 8 người cùng chung sống trong một căn nhà nhỏ lợp tôn nóng nực:
“Anh cầu mấy ổng cho người dân (sửa) tạm bợ đi, rồi sau này giải tỏa chỉ đền miếng đất thôi, còn xác nhà không đền, ký vô liền. Mà mấy ổng đâu có chịu, kêu là trước mắt anh cứ cất nhà là anh sai pháp luật, anh cứ dỡ đi, mướn nhà ở. Hỏi tiền đâu mà mướn?”
Theo thông tin từ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh đã có chỉ thị mới. Theo đó, người dân có thể yêu cầu Ủy ban cấp giấy tờ để sửa chữa nhà:
“Người dân rất là khổ sở khi mà người ta không được xây nhà, người ta có giấy tờ nguồn gốc đất mà không được quyền sử dụng đất. Vừa rồi tôi có đi giám sát cùng Hội đồng nhân dân tôi có hỏi vấn đề này thì Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh nói là bây giờ những người dân nào sửa nhà thì Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh vẫn cấp, bắt đầu từ tháng 10. Thông tin này là mới nhất đó.”
Trong thực tế, người dân tại đây cho biết anh đã gửi đơn xin lên tới Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh nhưng vẫn không được đáp ứng ước nguyện và bị trả đơn vào ngày 1 tháng 11:
“Cứ 1-2 tháng vô cưỡng chế, kéo 1 đám vô cưỡng chế tháo dỡ, sao sống được. Anh làm đơn lên quận mà quận nói nhà anh nằm trong quy hoạch phải tháo dỡ. Anh làm đơn rồi, mới bãi nại đem về hôm qua kìa.”
Chúng tôi có liên lạc với Ủy ban Nhân dân phường 28, quận Bình Thạnh, nhưng điện thoại chuyển sang tín hiệu fax.
Dự án treo 26 năm
Cũng trong buổi họp báo ngày 1 tháng 11, ông Nguyễn Văn Hoan cho biết thành phố sẽ đấu thầu dự án chứ không chỉ định thầu như trước đây đã từng làm.
Theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc giải phóng mặt bằng sẽ là vấn đề khó khăn nhất và mất tới 300 ngày. Bên cạnh đó, phải mất thêm 500 – 800 ngày để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Do đó, dự án sẽ tiến triển chậm, nhưng thành phố kiên quyết thực hiện Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Một người dân tại bán đảo Thanh Đa cho rằng nhà nước cần phải nói chi tiết hơn nữa, vì người dân nơi đây đã chờ quá lâu và nghe quá nhiều lời hứa:
“Nhà nước bây giờ nói khu bán đảo Thanh Đa này hoàn toàn giải tỏa, có quy hoạch thì nó phải cụ thể phần nào hay là hết. Bây giờ cứ nói chung chung, chúng tôi chỉ biết nghe vậy thôi. Thậm chí nói đúng một câu là gọi rất nhiều lần cũng chán, chẳng đi họp làm gì vì không giải quyết được gì.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992 đã ký phê duyệt quy hoạch phát triển bán đảo Thanh Đa trở thành siêu dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa.
Đến năm 2004 thì Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn được giao triển khai dự án này nhưng không thực hiện được nên Thành phố quyết định thu hồi vào năm 2010.
Theo nhiều đánh giá chuyên gia, đến thời điểm đó, dự án này có thể bị thu hồi do đã vi phạm Luật đất đai. Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết:
“Tôi cho rằng Luật đất đai đã nói trong dự án đó anh mà không triển khai trong vòng ba năm thì coi như là anh không thực hiện dự án đó nữa bởi vì quá thời hạn mà anh không đưa vào. Cái này do trước tới giờ không ai lên tiếng.”
Sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã cho Tập đoàn Bitexco thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án với diện tích 426 hecta đất, gần như tổng diện tích phường 28 quận Bình Thạnh.
Trên trang web của Bitexco, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được mô tả như một khu đô thị sinh thái với môi trường sống hiện đại cho khoảng gần 50.000 người.
Thủ tướng chính phủ Hà Nội vào ngày 6 tháng 9 năm 2011 cũng đã gửi công văn chấp nhận đề nghị chỉ định thầu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 26 tháng 11 năm 2015 thì Ủy ban thành phố chỉ đinh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC của Dubai thực hiện dự án này.
Họ cứ để một khu quy hoạch treo như thế làm cho ảnh hưởng như thế nào đến người dân ở khu Thanh Đa đó. Lỗi đấy là của lãnh đạo thành phố, qua 26 năm là qua vài ba ông rồi. – Nhà báo Sương Quỳnh
Tuy nhiên phía công ty Dubai đã rút khỏi dự án vào ngày 18 tháng 10 năm 2016.
Đến tháng 8 năm 2018 thì dự án mới được giao cho Sở kế hoạch Đầu tư để đưa ra các đề xuất tổ chức đấu thầu.
Hai tháng sau đó, Sở Xây dựng đưa ra hai phương án giải quyết cho dự án này.
Như vây, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã trải qua 26 năm được duyệt nhưng vẫn chưa bắt tay vào tiến hành.
Khác với những mô tả về Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được quảng cáo trên trang web của Tập đoàn Bitexco, bán đảo Thanh Đa ngày nay hoang sơ và đổ nát, mà theo như lời người dân sống tại đây là “sống ở thành phố mà còn thua nhà quê”.
Theo nhà báo Sương Quỳnh, trách nhiệm này thuộc về những người lãnh đạo:
“Khi họ đưa ra một quy hoạch họ không thực hiện được, theo mình nghĩ đấy là sự vô trách nhiệm của thành phố. Khi họ không làm được đáng lẽ sau ba năm họ phải hủy quyết định đó đi để quy hoạch lại cho người dân sinh sống. Nhưng họ đã không làm điều đấy, họ cứ để một khu quy hoạch treo như thế làm cho ảnh hưởng như thế nào đến người dân ở khu Thanh Đa đó. Lỗi đấy là của lãnh đạo thành phố, qua 26 năm là qua vài ba ông rồi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hầu hết những người dân tại đây đều mong muốn thành phố nhanh chóng tìm ra giải pháp hợp tình hợp lý cho người dân vì mọi người đều biết dự án sẽ vẫn thực hiện, chỉ là không biết lúc nào bắt đầu:
“Theo anh nghĩ quy hoạch phường 28 này không bỏ đâu, nhưng mà cảnh như Thủ Thiêm vậy.”
Sách của nhà xuất bản Tri thức
ảnh hưởng xã hội Việt Nam hiện nay ra sao?
Kính Hòa RFA
Nhà xuất bản Tri thức ảnh hưởng xã hội Việt Nam hiện nay đến đâu?
Ngày 25/10/2018, ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, giám đốc nhà xuất bản Tri thức bị kỷ luật đảng, một tuần lễ sau đó Ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông báo, liệt kê chi tiết lý do ông bị kỷ luật. Điều đầu tiên và quan trọng nhất được thông báo này nêu ra là những quyển sách mà ông Chu Hảo chịu trách nhiệm xuất bản đi ngược lại với quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản.
Những quyển sách đó là: Đường về nô lệ của Hayek, Karl Marx của Peter Singer, Tranh luận để đồng thuận của nhiều tác giả, ngoài ra còn có cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân, nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được cho là tập hợp những bài viết khác với đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản.
Nhà xuất bản Tri thức được chính thức thành lập vào tháng 9/2005, ba tháng sau đó, Tủ sách Tinh hoa được thành lập với tham vọng ấn hành 500 tác phẩm kinh điển về triết học, kinh tế, chính trị,… ở Việt Nam. Tác phẩm Đường về nô lệ là một trong các tác phẩm của tủ sách Tinh Hoa.
Sự thành lập Nhà xuất bản Tri thức, cũng như Tủ sách Tinh hoa, với những tác phẩm không thuộc hệ thống triết lý chính trị cộng sản chủ nghĩa, tại nước Việt Nam cộng sản, lúc ấy được cho là một điều khá cởi mở của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương một ý thức hệ duy nhất mà thôi.
Người Việt Nam hiện nay không có thói quen đọc sách, thói quen này thậm chí đã giảm so với thời gian cách đây vài chục năm. – Sương Quỳnh
Nay nội dung những quyển sách không cộng sản đó được đưa ra làm một lý do để kỷ luật ông Chu Hảo, thì câu hỏi đặt ra có phải là tác động của những quyển sách đó làm cho Đảng Cộng sản lo sợ hay không?
Trong một buổi nói chuyện với đài RFA sau khi có tin ông Chu Hảo bị kỷ luật đảng, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng có một tâm lý cuống cuồng trong đảng lo ngại những quyển sách mà ông Chu Hảo cổ súy cho những giá trị dân chủ phương Tây.
Tuy nhiên có những nhà quan sát khác như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập Sương Quỳnh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, lại nói rằng tác động của những cuốn sách mà ông Chu Hảo cho xuất bản không lớn trong xã hội Việt Nam hiện nay bao nhiêu, vì đó là những tác phẩm lý luận, khó đọc với số đông dân chúng.
Bà Sương Quỳnh giải thích với RFA rằng:
“Người Việt Nam hiện nay không có thói quen đọc sách, thói quen này thậm chí đã giảm so với thời gian cách đây vài chục năm.”
Nhà Thơ Hoàng Hưng cũng đồng ý với nhận xét của bà Sương Quỳnh, và cho biết thêm rằng:
“Nước Việt Nam đã bị cắt rời quá lâu đối với sự phát triển khoa học xã hội trên thế giới.”
Ông nêu ví du về những quyển sách tâm lý học giáo dục mà ông phụ trách biên dịch ở nhà xuất bản Tri thức. Ông nói khi tham gia làm công việc này ông phát hiện ra rằng không có nhà tâm lý giáo dục Việt Nam nào quen thuộc với những lý luận tâm lý giáo dục thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Tuy nhiên ông Hoàng Hưng cũng nói những quyển sách của nhà xuất bản Tri thức không tác động ngay lập tức tới công chúng, nhưng nó được một tầng lớp nhỏ của giới trí thức Việt Nam tiếp nhận, và như thế ảnh hưởng của những quyển sách này là về lâu dài.
Sự ảnh hưởng của những quyển sách này như khi ném hòn đá, nó tạo những vòng sóng khác nhau, từ nhỏ tới lớn.
-Dịch giả Phạm Nguyên Trường.
Một dịch giả khác là ông Phạm Nguyên Trường, là người dịch quyển Đường về nô lệ của nhà xuất bản Tri thức cho rằng nếu nói sách của nhà xuất bản Tri thức không có ảnh hưởng gì là không đúng:
“Sự ảnh hưởng của những quyển sách này như khi ném hòn đá, nó tạo những vòng sóng khác nhau, từ nhỏ tới lớn.”
Ngoài những tác phẩm kinh điển, nhà xuất bản Tri thức còn xuất bản những quyển sách với những nội dung cụ thể hơn, ví dụ như quyển Ông Sáu Dân trong lòng dân. Một nguồn tin giấu tên nói với chúng tôi rằng quyển sách này làm cho một số nhà lãnh đạo đảng ganh tị với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cổ vũ những thay đổi kinh tế của Việt Nam sau thời kỳ bao cấp, gần gủi với tầng lớp trí thức Việt Nam.
Hiện nay vẫn không có chỉ trích nào chính thức từ phía Đảng Cộng sản về quan niệm chính trị, hay hành động chính trị của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cả, nhưng như đã nêu, Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa quyển sách này ra làm ví dụ như là một tập hợp những bài viết của những người có quan điểm đường lối khác với chủ trương của Đảng Cộng sản.
Ông Hoàng Hưng nói rằng những quyển sách loại này có sức tác động lớn hơn, ngoài ra ông còn đề cập đến cách tiếp cận kiểu bình dân hóa các khái niệm chính trị, xã hội, triết học cho dân chúng, như tác giả Phạm Đoan Trang đã làm với tác phẩm Chính trị bình dân của cô. Nhưng cách làm này gây nguy hiểm cho những người thực hiện nhiều hơn.
Đánh giá chung về tác động của nhà xuất bản Tri thức, nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng ngoài những cuốn sách được xuất bản, nhà xuất bản Tri thức còn tổ chức những cuộc hội thảo lôi cuốn nhiều sinh viên trẻ tuổi tham gia, và chính họ cũng thành lập những hội nhóm riêng, gắn bó với nhà xuất bản Tri thức để đọc và tìm hiểu những quyển sách kinh điển.
Ngoài ra ông còn so sánh hoạt động của nhà xuất bản Tri thức hơn 10 năm qua với thời kỳ nhân văn giai phẩm tại miền Bắc Việt Nam khi những người cộng sản mới nắm quyền cách đây hơn 50 năm. Theo ông Hoàng Hưng, Nhân văn giai phẩm có tác động lớn vì lúc đó còn có tự do báo chí. Ông cho rằng với khả năng nhà xuất bản Tri thức không còn hoạt động nữa, thì sự truyền bá tri thức chính trị xã hội tại Việt Nam sẽ chủ yếu dựa vào mạng xã hội, và ông lo ngại việc này sẽ bị bóp nghẹt tới đây khi luật an ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chu-hao-book-impacts-11022018124001.html
Tình trạng tiếp tay cho người Trung Quốc
thâu tóm đất đai ở Việt Nam
Núp bóng để gom đất
Vụ việc mới nhất được cư dân mạng chia xẻ là một chủ đất ở Sài Gòn sau khi phát hiện doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau giao dịch liên quan đã xin hoàn trả toàn bộ số tiền cũng như hủy hợp đồng buôn bán tại tòa; thế nhưng bị tòa án xử thua kiện.
Lâu nay dư luận xôn xao về tình trạng Trung Quốc sử dụng người dân hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đứng tên sở hữu nhằm né tránh luật pháp Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định về quyền sở hữu nhà đất.
Tại phiên trả lời chất vấn hồi 05 tháng 06 năm 2018, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng chưa phát hiện trường hợp người nước ngoài mua đất ở Việt Nam
Họ chỉ được mua nhà thôi chứ không được quyền mua đất nhưng họ lách luật bằng cách họ kêu người khác đứng tên dùm chứ mỗi người chỉ được sở hữu một căn thôi.
– LS. Nguyễn Văn Hậu
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn thì trong luật quy định về nhà ở của Việt Nam năm 2014 có cho phép người nước ngoài được quyền mua nhà tại nước sở tại nhưng chỉ được một căn thôi và với điều kiện là họ phải chứng minh được đầy đủ có loại thủ tục theo yêu cầu.
Tuy nhiên, luật sư Hậu cho biết: “Họ chỉ được mua nhà thôi chứ không được quyền mua đất nhưng họ lách luật bằng cách họ kêu người khác đứng tên dùm chứ mỗi người chỉ được sở hữu một căn thôi.”
Chị Cẩm Vân một người dân sống tại Đà Nẵng người chuyên về buôn bán bất động sản tại đây cho chúng tôi biết, việc người Trung Quốc mua nhà, đất tại Đà Nẵng diễn ra từ lâu nay rồi. Còn việc người Trung Quốc hiện nay công khai sở hữu đất tại Đà Nẵng bằng việc lợi dụng kẻ hở pháp luật Việt Nam thì chị xin phép không trả lời.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cũng thừa nhận việc người Trung Quốc lách luật để sở hữu bất động sản tại Việt Nam nó diễn ra khá lâu rồi nhưng:
“Khoảng tầm 3-4 năm trở lại đây thì tại Nha Trang sự việc này diễn ra rất phổ biến, họ liên doanh góp vốn với người Việt Nam để mở cái này cái kia để kinh doanh và đứng tên chủ sở hữu là người Viejt Nam nữa. Thậm chí tôi có một người cháu làm kiến trúc sư nó đi làm bất động sản nó thấy người Trung Quốc tên hẳn hoi và đưa cả căn cước ra chính xác là người nước ngoài nhưng vẫn được đăng ký nên tôi rất ngạc nhiên. Sau đó báo chí và ban lãnh đạo địa phương cũng có chất vấn về vấn đề này và nói sẽ kiểm tra lại.”
Kẽ hở luật pháp
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng trong một lần trả lời với báo chí cho rằng, bằng việc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc dự án, nhiều người Trung Quốc đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Sơn giải thích khi một người Việt Nam mua đất thì Sở Tài nguyên Môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Sau đó họ sẽ thành lập doanh nghiệp rồi liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc để cổ phần hóa doanh nghiệp với tỉ lệ 49% – 51%. Phía Việt Nam sẽ góp vốn bằng đất còn toàn bộ những chi phí còn lại do các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo luật Việt Nam, tỉ lệ 49% – 51% là doanh nghiệp đầu tư trong nước, do đó sở Tài nguyên và Môi trường phải cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của phía Việt Nam.
Đồng ý với điều này luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm:
“Luật quy định người nước ngoài góp vốn chỉ được 49% mà thôi bởi vì hơn họ sẽ toàn quyền quyết định mọi thứ nên luật quy định như vậy, mà VN mình thì chưa có kinh nghiệm nhiều về thương trường này nên mình đành phải chấp nhận tạm thời như thế. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có quá nhiều tiền họ làm cái này cái kia rồi quyết đầu tư lỗ luôn sau đó họ sẽ mua lại cái đầu tư lỗ đó và họ trở thành sở hữu 100%.”
Chưa tìm ra giải pháp
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, biện pháp xử lý khắc phục tình trạng này thật sự khó bởi vì họ làm đúng luật, Ông cho biết:
“Tôi nghĩa rất khó xử lý các trường hợp như thế này vì theo luật người nước ngoài không được quyền mua đất nhưng người Việt Nam mình thì thấy ham lợi đứng tên mua dùm cho người ta thì luật cũng khó mà xử lý được. Cho nên tôi thấy nên kết hợp tuyên truyền cho người dân đừng thấy lợi trước mắt mà gây nguy hại cho quốc gia. Chứ bây giờ càng ban bố luật thì người ta lại càng lách luật tiếp thì thật sự là khó đấy.”
Một vị luật sư xin giấu tên từ Đà Nẵng trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn rằng xử lý vi phạm kiểu này khó, nhưng không phải là không có cơ sở nếu quản lý chặt từ đầu. Vị luật sư cho rằng cần phải làm nghiêm từ đầu, xác minh và điều tra rõ nguồn gốc số tiền mua đất của chủ sở hữu, như vậy chắc chắn không ai dám nhận tiền mua đất cho người nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng sắp tới Việt Nam sẽ có điều chỉnh lại luật về nhà ở đất đai. Ông trình bày:
“Trong kinh doanh buôn bán thì họ sẽ dùng mọi cách miễn sao luật cho phép họ thì họ mua cho nên họ mới lách luật. Bây giờ nên đánh thuế mạnh vào người mua bất động sản, càng nhiều bất động sản anh phải đóng thuế càng cao nên tôi nghĩ sắp tới sửa luật theo hướng như vậy. Anh muốn bao nhiêu căn cũng được nhưng phải đóng thuế theo giá trị gia tăng của anh. Vì vậy quá trình về luật nhà ở nó có khe hở như vậy. điều này nó gây mất bình đẳng mà nhà nước thì lại không thu thuế được.”
‘Mất bò mới lo làm chuồng’ là câu nói dân gian có thể áp dụng vào trường hợp doanh nghiệp hay cá nhân người Trung Quốc núp bóng người Việt để thâu tóm nhà- đất tại Việt Nam. Tuy nhiên những qui định như Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ra chưa biết đến khi nào mới hình thành và mang lại hiệu quả!
“Đại diện của Vatican sẽ thị sát
Đan viện Thiên An trong năm 2019”
Hòa Ái, phóng viên RFA
Các đan sỹ Đan viện Thiên An, vào ngày 1 tháng 11 năm 2018 tiếp tục lên tiếng phản đối việc xây cất bất hợp pháp đang diễn ra trong khuôn viên đồi thông của Đan viện.
Kêu cứu bằng cầu nguyện và hát thánh ca
Vào sáng ngày 1/11/18, hình ảnh các đan sỹ của Đan viện Thiên An, ở Huế trong áo choàng đen, tay cầm biểu ngữ, tuần hành đọc kinh cầu nguyện và hát thánh ca từ Nguyện đường ra đến cổng vào Đan viện, ngay khu vực có công trình đang xây cất trái phép.
Qua trang mạng xã hội Facebook, Đan viện Thiên An cho biết sẽ tiếp tục tuần hành như thế; đồng thời kêu gọi sự hiệp thông cầu nguyện của cộng đồng để phản đối các cá nhân, tổ chức và những người tiếp tay với mục đích gây sách nhiễu, hủy hoại rừng thông để chiếm đoạt đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Đan viện Thiên An.
Đài RFA liên lạc với Đan viện Thiên An và được cho biết công trình đang xây dựng là của ông Nguyễn Đăng Tuấn. Vào khoảng cuối tháng 8 vừa qua, Ông Tuấn đến hỏi Đan viện Thiên An nhờ sử dụng đường đi nội bộ của Đan viện để chuyển vật liệu xây dựng nhà thờ.
Ông Trưởng ban Tôn giáo cho biết ông Nguyễn Đăng Tuấn đang xây dựng một nhà thờ tổ mang tính cách gia đình. Ông trưởng ban Tôn giáo xác nhận ông Tuấn có một số sai phạm trong việc xây dựng và cho biết sẽ làm việc với gia đình ông Tuấn cùng các cơ quan pháp luật về vấn đề này
-Linh mục Antôn Võ Văn Giáo
Đan viện Thiên An từ chối với lý do là Đan viện đã gửi đơn đến Chính quyền Thừa Thiên-Huế khiếu nại liên quan khu vực đất này vì Lâm trường Tiền Phong Huế không có thẩm quyền giao đất làm nhà ở đối với đất rừng cũng như quan ngại chỗ để vật liệu xây dựng ảnh hưởng tai nạn giao thông.
Vụ việc khiếu nại được gửi đơn từ tháng 6 năm 2017, khi đó ông Lê Hữu Nghị và bà Quách Thị Lạc được cho là Lâm trường Tiền Phong Huế cấp để lập vườn, xây dựng nhà ở. Thửa đất này hiện được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đăng Tuấn.
Mặc dù Đan viện Thiên An không đồng ý, nhưng ông Nguyễn Đăng Tuấn vẫn tiến hành việc xây cất theo kế hoạch.
Chính quyền địa phương nói gì?
Linh mục Antôn Võ Văn Giáo, vào tối ngày 2 tháng 11 nói với RFA rằng sau hai buổi tuần hành đọc kinh cầu nguyện liên tiếp thì đại diện của Ban Tôn giáo Thừa Thiên-Huế đã đến Đan viện Thiên An và có buổi trao đổi với Cha Bề trên và các đan sỹ:
“Chiều nay thì ông Trưởng ban của Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế đến làm việc với Đan viện liên quan các thầy xuống đường phản đối xây cất trái pháp luật trong khu vực đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Đan viện. Ông Trưởng ban Tôn giáo cho biết ông Nguyễn Đăng Tuấn đang xây dựng một nhà thờ tổ mang tính cách gia đình. Ông trưởng ban Tôn giáo xác nhận ông Tuấn có một số sai phạm trong việc xây dựng và cho biết sẽ làm việc với gia đình ông Tuấn cùng các cơ quan pháp luật về vấn đề này.”
Linh mục Antôn Võ Văn Giáo nhận định với RFA mặc dù đại diện của Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế có thiện chí trong buổi trao đổi vừa rồi, nhưng các hiện tượng liên tiếp xảy ra tại Đan viện Thiên An trong năm 2018, khiến cho Đan viện không thể nào không quan ngại có một sự rắp tâm với chủ đích dần lấn chiếm đất đai và rừng thông của Đan viện Thiên An.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong năm 2018, từ tháng 3 đến tháng 7, đã xảy ra lần lượt 5 vụ cháy tại rừng thông, thuộc khuôn viên của Đan viện Thiên An. Các đan sỹ trồng lại thông ở khu vực cháy sát Đan viện thì sau đó toàn bộ cây thông mới trồng đều bị nhổ. Lâm trường Tiền Phong Huế cho người đến trồng thông ở khu vực bị cháy cách xa Đang viện khoảng 200 trăm mét thì vẫn y nguyên. Bên cạnh đó, những cây thông già 50-60 năm tuổi bị rào lại trong diện tích người ta mua, những cây thông sát đường bị máy múc vào tận gốc…mà phía Đan viện Thiên An cho rằng những động thái đó là hành vi của việc cướp đất chứ không phải là hành vi làm đẹp cho môi trường.
Chúng tôi được giao trách nhiệm bảo vệ rừng thì phải phối hợp với tất cả cơ quan, tổ chức. Dù tôn giáo hay không phải tôn giáo thì trách nhiệm bảo vệ rừng là trên hết để giữ cho môi trường xanh, sạch đẹp. Khu vực ngay chỗ đó thì được Nhà nước giao cho quản lý, cháy xong phải khắc phục cháy, nên chúng tôi trông cây thông cho lên lại
-Ông Nguyễn Viết Thọ
Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Viết Thọ, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lâm nghiệp Tiền Phong và nêu phản ảnh của phía Đan viện Thiên An liên quan vụ việc cháy rừng thông và trồng lại thông trong khuôn viên của Đan viện Thiên An. Ông Nguyễn Viết Thọ nhấn mạnh:
“Về quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân. Chúng tôi được giao trách nhiệm bảo vệ rừng thì phải phối hợp với tất cả cơ quan, tổ chức. Dù tôn giáo hay không phải tôn giáo thì trách nhiệm bảo vệ rừng là trên hết để giữ cho môi trường xanh, sạch đẹp. Khu vực ngay chỗ đó thì được Nhà nước giao cho quản lý, cháy xong phải khắc phục cháy, nên chúng tôi trông cây thông cho lên lại.”
Đài RFA cũng gọi đến số điện thoại văn phòng của Chánh Phát ngôn nhân Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu xem liệu rằng Chính quyền tỉnh sẽ có phản hồi như thế nào đối với các diễn tiến mới theo phản ảnh từ Đan viện Thiên An. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng ông Chánh phát ngôn nhân Hoàng Ngọc Khanh bận họp.
Dự định của Vatican
Trong khi đó, từ Tòa thánh Vatican vào ngày 2 tháng 11, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức, quản nhiệm trong vai trò Bề trên Đan viện Thiên An năm 2014-2017, chia sẻ thông tin với RFA sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quy kết ông có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đề nghị không tiếp tục bổ nhiệm ông làm Bề trên Đan viện Thiên An và thuyên chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh, ông đến Tòa thánh Vatican và:
“Trong giai đoạn đó, Cha Bề trên biết về hoàn cảnh của Đan viện Thiên An vừa nghỉ hưu và Cha Tổng Bề trên, người Columbia mới nhậm chức nên Ngài chưa rõ vụ việc của Đan viện Thiên An như thế nào. Cho nên Ngài cần một năm để thu thập các thông tin và đến tháng 2 năm 2019, Ngài sẽ đến Đan viện Thiên An để thị sát.”
Đan viện Thiên An được thành lập hồi năm 1940. Vào năm 1988, 49 héc-ta đất rừng thông của Đan viện Thiên An bị Chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu để xây khu du lịch Thủy Tiên, mặc dù Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ yêu cầu “thu hồi đất hoang” để xây dựng. 49 héc-ta đất rừng thông của Đan viện Thiên An bị trưng thu đến nay vẫn không được bồi thường.
Vào trung tuần tháng 7 năm 2017, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu tiên tổ chức một buổi làm việc chính thức với đại diện của Đan viện Thiên An liên quan khiếu nại, khiếu kiện đất của Nhà dòng kéo dài gần 20 năm qua. Tuy nhiên buổi làm việc rơi vào bế tắc, không đạt kết quả giữa đôi bên.
Cha Tổng Bề trên, người Columbia mới nhậm chức nên Ngài chưa rõ vụ việc của Đan viện Thiên An như thế nào. Cho nên Ngài cần một năm để thu thập các thông tin và đến tháng 2 năm 2019, Ngài sẽ đến Đan viện Thiên An để thị sát-
-Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức
Đan viện Thiên An trong nhiều năm liên tục kêu cứu, phản đối các hành vi sách nhiễu trong khu vực 107 héc-ta rừng thông còn lại của Đan viện. Thông cáo báo chí mới nhất của Đan viện Thiên An, phổ biến vào ngày 9 tháng 10, phản đối Chính quyền địa phương tiếp tay với Lâm trường Tiền Phong Huế và dùng người dân để vu khống, lăng nhục các đan sỹ, lấn chiếm rừng thông, phá rừng thông để xây biệt thự, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức bày tỏ ý nguyện gìn giữ đất rừng thông của Đan viện Thiên An vì đó là lá phổi xanh của thành phố Huế:
“Đan viện muốn bảo vệ môi sinh, môi trường và muốn bảo vệ một gia sản cảnh quan cho Huế, chứ không phải cho riêng Đan viện. Nếu Nhà nước, Chính quyền muốn thiệt tình hợp tác thì hai bên cùng bảo vệ rừng thông, không để cho các hộ dân hay các công ty, các nhóm lợi ích khai thác tại Đan viện Thiên An.”
Trong khi vụ việc tranh chấp đất rừng thông giữa Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế với Đan viện Thiên An vẫn chưa có hồi kết, thì những giao dịch đất đai tại khu vực này ngày càng nhộn nhịp hơn, qua thông tin công ty nước ngoài sắp mua đất đầu tư ở đây, cũng như một người treo bảng bán đất tên Nghĩa cho RFA biết gia đình ở Sài Gòn nhưng đầu tư với hình thức ‘mua đi-bán lại’.
Việt – Đức sắp khôi phục quan hệ đối tác chiến lược?
Đức và Việt Nam tiến gần hơn đến việc chính thức khôi phục quan hệ Đối tác chiến lược sau khủng hoảng vì cáo buộc ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đang ở Berlin, có cuộc họp với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trong một cuộc gặp Việt kiều tại Berlin, ông Bùi Thanh Sơn không đề cập cụ thể trường hợp Trịnh Xuân Thanh, nhưng nói quan hệ Việt – Đức thời gian tới “sẽ có nhiều tiến triển”.
Quan hệ Đức – Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam “bắt cóc tại Berlin” hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Trong khi đó, trang Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đưa hình ảnh cho thấy Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày 1/11.
Ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân: “Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46083528
CSVN đón Thủ tướng Pháp
với hợp đồng mua hơn 11 tỷ USD máy bay và dịch vụ
Trong một nghi thức tiếp đón quốc khách gần như đã trở thành rập khuôn, Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc hôm Thứ Sáu (2 tháng 11) cùng với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chứng kiến lễ ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại lớn, trong đó một hãng hàng không của Việt Nam đặt mua hàng chục chiếc máy bay trị giá nhiều tỷ Mỹ kim.
Thủ tướng Pháp đang có chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày với các mục tiêu thắt chặt quan hệ chiến lược và thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế. Tới Hà Nội trong ngày đầu của chuyến thăm, Thủ tướng Philippe cùng với người đồng cấp CSVN chứng kiến lễ ký kết hai thỏa thuận thương mại lớn, qua đó Vietjet Air mua 50 máy bay A321neo của Airbus trị giá 6.5 tỷ Mỹ kim và dịch vụ dài hạn bảo trì động cơ máy bay với CFM International trị giá 5.3 tỷ Mỹ kim.
Trong ngày Thứ Bảy, thủ tướng Pháp đi thăm chiến trường xưa Điện Biện Phủ, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của người Pháp ở Đông Dương vào năm 1954. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông Philippe sẽ khánh thành cơ sở mới của Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin ở quận Ba Đình, Hà Nội.
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, Thủ tướng Pháp sẽ đến Sài Gòn. Tại đây, ông sẽ dự lễ phát động chương trình của chính phủ Pháp đào tạo 3,000 bác sĩ cho Việt Nam và gặp gỡ các đại diện của giới kinh doanh Pháp-Việt.
Duy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/csvn-don-thu-tuong-phap-voi-hop-dong-mua-hon-11-ty-usd-may-bay-va-dich-vu/
Việt Nam thiếu kinh nghiệm về Công đoàn độc lập?
LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
Hôm 2/11 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình trước Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Các Đại biểu sẽ nghiên cứu và dự kiến đến ngày 12/11 Quốc hội sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định.
Một nội dung rất đáng lưu ý theo Hiệp định này là Việt Nam sẽ có các tổ chức công đoàn độc lập bên cạnh một tổ chức công đoàn do nhà nước nắm giữ lâu nay là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Đây thực sự là một thách thức mới mẻ đối với các ban ngành quản lý nhà nước hiện nay.
Để đóng góp thêm cho sự hiểu biết về hoạt động của Công đoàn độc lập, tôi xin kể một câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa công đoàn ngành than và chính phủ Anh được kể trong cuốn hồi ký của bà Magaret Thatcher như sau.
Việt Nam: ‘Thị trường không dễ nhưng thân thiện hơn’
VN và 10 nước ký kết CPTPP vắng Mỹ
VN: Nguy cơ từ thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la
Đàm phán và thỏa hiệp
Cuốn hồi ký của bà Thatcher nổi bật lên cho thấy một thời lượng lớn các hoạt động của chính phủ là nhằm giải quyết đối phó với các yêu sách của tổ chức công đoàn.
Điều đó cho thấy các tổ chức công đoàn từng có ảnh hưởng to lớn lên đời sống chính trị xã hội nước Anh ra sao.
Trong thời kỳ bà Thatcher làm Thủ tướng, Công đoàn ngành than đã đưa ra một số yêu sách kinh tế và tiến hành đình công. Chính phủ của bà Thatcher phải lên kế hoạch đối thoại giải quyết với công đoàn.
Bà Thatcher viết: ‘Đối với hiểm họa mà Liên đoàn thợ mỏ Quốc gia đặt ra cho chính phủ và đất nước cũng vậy. Dĩ nhiên chúng tôi biết rằng giới thợ mỏ và công nhân ngành điện nắm giữ lá bài gần như không thể đánh bại trong các cuộc đàm phán tiền lương, bởi vì họ có thể ngắt nguồn cung điện cho sản xuất và sinh hoạt’.
Để đảm bảo các yếu tố cho việc đàm phán chính phủ nhận được báo cáo là lượng than dự trữ vẫn đủ đảm bảo cho mùa đông trong một quãng thời gian nhất định, mà theo đó người ta tính toán rằng nếu công nhân không chịu đi làm lại thì sẽ không có lương và sẽ không trụ được lâu trong vụ đình công.
Nhưng sau đó vụ việc bê bối thêm khi chính phủ không tính lường được là than dự trữ vẫn còn nhiều nhưng lại không thể vận chuyển đến nơi cần nó do công đoàn ngành than biểu tình ngồi ngăn chặn các đoàn xe chuyên chở.
Sản lượng điện được tính là sẽ sụt giảm xuống chỉ còn 25% mức cung bình thường, khiến cho việc cắt giảm điện xảy ra ở nhiều nơi, trong khi Bộ trưởng tư pháp lại báo cáo rằng phần lớn các cuộc biểu tình của công nhân đều hợp pháp.
Theo luật hình sự một số vụ bắt giữ đã được thực hiện nhưng Bộ trưởng tư pháp báo cáo rằng ‘các hoạt động của những người biểu tình khiến cảnh sát đối diện với những quyết định khó khăn và nhạy cảm’. Ý muốn nói rằng không dễ gì để sử dụng cảnh sát trấn áp vì việc biểu tình vẫn trong khuôn khổ pháp luật.
Không còn cách nào khác và ngay từ trước đó một số yêu sách đơn giản đã được chính phủ chấp nhận giải quyết cho công nhân, nhưng nhiều vấn đề khác chính phủ thấy không thể chấp nhận.
Một số giải pháp tiếp tục được đưa ra đó là chính phủ tìm cách tác động đến một nhóm nhỏ công nhân chấp nhận đi làm lại. Nhưng những người này lại bị những người còn lại đe dọa và tấn công nên chính phủ phải tìm cách bảo vệ họ. Một số chương trình truyền hình được phát đi và mời một số bà vợ công nhân lên nói chuyện về đời sống gia đình.
Cùng với đó là một số nhân nhượng tiếp theo từ phía chính phủ, cuối cùng phía công đoàn cũng chấp nhận thỏa hiệp đi làm lại và vấn đề được giải quyết.
Câu chuyện được kể lại theo góc nhìn của bà Thủ tướng là người chịu trách nhiệm giải quyết sự vụ nên có đôi chỗ thiên kiến đổ phần lỗi về phía người lao động.
Nhưng có thể hiểu, để đạt được đến kết quả thỏa thuận với chính phủ, phía công đoàn cũng đã làm được rất nhiều việc tốt cho người lao động đó là nhiều yêu sách về quyền lợi đã được đáp ứng.
Họ đã buộc chính phủ phải công khai minh bạch tất cả những chính sách tài chính liên quan đến quyền lợi của người lao động. Buộc chính phủ phải giải trình về các vấn đề một cách thuyết phục rõ ràng.
Cùng với đó là báo chí cũng góp phần làm rõ tất cả quan điểm của các bên, để cho công luận thấy được sự hợp lý đúng đắn là như thế nào mà nếu bên nào quá đáng sẽ mất đi sự ủng hộ.
Đó là một bài học đối thoại đấu tranh rất hay giúp hình dung về những chuyện có thể xảy ra ở Việt Nam trong tương lai khi có các tổ chức công đoàn độc lập.
Không còn cách nào khác, Chính phủ và các ban ngành hiện nay cần nâng cao năng lực nội tại, chấp nhận những nguyên tắc chuẩn mực cao trong tổ chức và hoạt động, để đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn mới.
Điều đó thực ra là áp lực tích cực tốt cho cả nhà nước và xã hội.
Một kinh nghiệm cần được lưu ý đó là ở phương Tây người ta có câu thành ngôn “chính trị là sự thỏa hiệp”.
Là bởi vì trong nhiều trường hợp chính phủ chỉ là một trong nhiều chủ thể tham gia vào các đàm phán thỏa thuận.
Khi đó sự hợp lý đúng đắn dựa trên nền tảng nhận thức duy lý về sự vật hiện tượng mới là cái chi phối mối quan hệ chứ không phải là lối quản lý dựa nhiều vào quyền lực nhà nước áp đặt một phía như lâu nay ở Việt Nam.
Hướng đi tất yếu
Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là một tiến bộ rất tốt đưa đẩy hệ thống đi về hướng tất yếu.
Công đoàn tổ chức của người lao động, là lực lượng dân sự mạnh nhất trong đời sống xã hội, nếu không tính đến lực lượng vũ trang và các đảng phái chính trị.
Có thể nói một khi đã chấp nhận để người lao động thành lập các tổ chức công đoàn độc lập, thì sẽ không còn xa cái ngày mà quyền tự do lập hội sẽ được chấp nhận cho thực thi để người dân tự chăm lo đời sống lợi quyền.
Và đừng nghĩ rằng các hoạt động của công đoàn chỉ biết chống chính phủ. Không phải vậy, các hoạt động của công đoàn độc lập đều nằm trong khuôn khổ luật pháp mà vũ khí mạnh nhất của họ chỉ là đình công.
Vai trò của công đoàn độc lập là để đảm bảo cho lợi ích xã hội phải được phân bổ công bằng. Người lao động là những người có hiểu biết và có trách nhiệm với gia đình, cái mà họ cần là được chỉ ra quyền lợi đúng đắn và hợp lý là như thế nào.
Họ có chung mối quyền lợi với giới chủ và chính phủ về sự phát triển của nền kinh tế. Họ cũng sẽ chịu tác hại nếu sản xuất kinh tế đình trệ đi xuống.
Cho nên cái mà mọi người cần là tăng cường sự hiểu biết về vai trò sứ mệnh của công đoàn độc lập cũng như hiểu được những nguyên lý ẩn chứa đằng sau mỗi sự vận động xã hội.
Đời sống xã hội cần được trả lại cho nó sự phong phú đa dạng của những mối bận tâm và cách thức chăm lo tổ chức cuộc sống, mà rốt cuộc cuối cùng sẽ là quyền tự do lập hội.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46084992