Tin Việt Nam – 03/10/2016
Cá chết ở Hồ Tây: Hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam
Việc các chết hàng loạt ở Hồ Tây là sự kiện mới nhất tương tự diễn ra trong những tháng gần đây ở Việt Nam và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Một chuyên gia về môi trường nói với VOA rằng điều này cho thấy một cảnh báo nghiêm trọng trong vấn đề môi trường ở Việt Nam. Bà Nguyễn Ngọc Lý, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng nói việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây là rất bất thường và chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng theo bà nguyên nhân có thể dự đoán được ngay.
“Về mặt khoa học thì có thể nói là tất cả các lượng oxy hòa tan trong nước nó gần như là hết và khi đó nó sẽ tạo ra những việc như có thể cá chết hàng loạt và với số lượng lớn.”
Theo truyền thông trong nước đưa tin, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có mặt ở khu vực Hồ Tây để chỉ đạo việc vớt cá chết và xử lý môi trường nước ở đây. Ông Chung cho các phóng viên biết hơn 60 tấn cá chết đã được vớt trong 3 ngày từ 1-3/10 và lượng các chết dưới hồ vẫn còn nhiều. Người đứng đầu thành phố Hà Nội nói “cơ quan chức năng mới chỉ xác định nguyên nhân là do nguồn nước Hồ Tây thiếu dưỡng khí làm các chết hàng loạt” và “cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này.”
Bà Lý nói với VOA nguyên nhân của mức dưỡng khí xuống đến thấp như vậy là do ô nhiễm chất thải ra Hồ Tây có thể từ nguồn nước thải sinh hoạt hoặc phân bón. Theo bà, còn một nguyên nhân khác có thể là do các độc tố thải vào nguồn nước.
“Nhưng ở Hồ Tây những chất độc mà có thể làm cá chết như thế rất là ít bởi vì xung quanh không có những nhà máy nào có thể thải ra các chất độc hại.”
Nhưng theo bà Lý, tình trạng cá chết ở Hồ Tây đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho môi trường của Việt Nam trong bối cảnh phát triển công nghiệp nhanh chóng.
Cái việc cá chết ở hồ, sông và thậm chí ở biển miền Trung gần đây cũng đã phản ánh tình trạng ô nhiễm ao hồ nói chung là khá trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm ao hồ dẫn đến một câu hỏi là việc kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay của chúng ta có đang rất yếu kém?
Bà Lý nói điều này phản ánh cơ chế và luật hiện hành ở Việt Nam và việc kiểm soát ô nhiễm nước thực sự đã trở thành rất cấp thiết hiện nay trong quá trình phát triển đô thị và công nghiệp rất mạnh.
So sánh với việc kiểm soát nước ở Mỹ, cựu chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc này cho biết.
Ở Mỹ những năm 1969 ô nhiễm tới mức không chỉ cá chết mà cả một dòng sông cháy và cháy sang cả thành phố bên cạnh ở bang Ohio. Và chính cái cảnh báo rất lớn như thế đã dẫn đến nước Mỹ có được một luật nước sạch – trong thực tế là luật kiểm soát ô nhiễm nước. Và luật kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ năm 1972 đã giúp cho nước Mỹ có được nguồn nước sạch như hôm nay.
Bà Lý nói để kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam đòi hỏi một lộ trình và một chiến lược đứng đắn và là những đòi hỏi rất cấp bách nhưng không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
http://www.voatiengviet.com/a/ca-chet-o-ho-tay-hoi-chuong-canh-bao-cho-vietnam/3534563.html
Chuyên gia nhận định:
Formosa chỉ rút vì sức ép của chính quyền
Sau khi khoảng 10.000 người biểu tình hôm 2/10 ở Hà Tĩnh để phản đối việc nhà máy của Formosa gây thảm họa môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nhận định với VOA rằng nhà máy này có thể phải rút đi nếu chịu áp lực từ chính quyền về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Giáo sư Võ cho rằng tuy cuộc biểu tình khổng lồ tạo tiếng vang lớn nhưng không phải là yếu tố quyết định dẫn tới nhà máy Formosa có rút đi hay không. Ông nói:
“Cái việc rút thì phải là họ quyết định rút đi dưới cái áp lực rất là mạnh của phía lãnh đạo của Việt Nam ở trung ương cũng như ở địa phương là yêu cầu giải quyết vấn đề về môi trường, yêu cầu về bảo vệ môi trường rất là chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng cam kết của dự án đầu tư. Chuyện người dân biểu tình cũng không đến mức làm nhà đầu tư quyết định rút hay không rút, mà câu chuyện nó nằm ở chỗ chính sách của Việt Nam yêu cầu dự án đầu tư này phải thực hiện vấn đề về môi trường như thế nào”.
Hồi tháng 4, nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh đã xả thải trái phép gây thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Sau đó vài tháng, Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù 500 triệu đôla cho chính phủ.
Theo vị cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nếu Formosa theo đuổi phương pháp sản xuất rẻ tiền và không thân thiện với môi trường, thậm chí “có ý thức gây hại môi trường”, Formosa sẽ “không tồn tại được” ở Việt Nam.
Ông Võ cho rằng trong trường hợp đó, vì Formosa vi phạm pháp luật và cam kết trong hợp đồng đầu tư nên phía Việt Nam sẽ không phải đền bù khi họ rút dự án. Ông nhấn mạnh một sự ra đi như vậy “không ảnh hưởng gì đến kinh tế của Việt Nam cả”.
Mặc dù vậy, Giáo sư Võ cho rằng còn quá sớm để nói về sự ra đi của Formosa:
“Cái chuyện Formosa ở lại hay là rút lui, cái điều này còn phụ thuộc diễn biến tiếp cái tình hình ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra như thế nào và quan điểm và giải quyết của chính phủ Việt Nam về câu chuyện này như thế nào. Tôi cho rằng về phía chính phủ Việt Nam tôi đã thấy thể hiện những ý chí rất cương quyết trong việc chúng ta phải đảm bảo vấn đề môi trường cho Việt Nam. Nếu mà chúng ta nói về giả định không rút, chắc chắn là Việt Nam phải giám sát câu chuyện môi trường rất là chặt chẽ và không thể để ảnh hưởng tiếp tục đến người dân, và phải giải quyết tận gốc những cái ô nhiễm môi trường đã xảy ra trong thời gian vừa qua”.
Cuộc biểu tình hôm 2/10 được công chúng Việt Nam xem như một sự kiện chưa từng có. Báo chí nhà nước hầu như không đưa tin gì về sự kiện hàng ngàn người đã tràn ngập trước cổng nhà máy Formosa, ngoại trừ một tin ngắn đăng trên trang web của báo Hà Tĩnh vào gần cuối buổi chiều cùng ngày, sau khi cuộc biểu tình kết thúc vào buổi trưa.
Báo Hà Tĩnh nói hàng ngàn giáo dân đã “tụ tập, có những hành động quá khích, vi phạm pháp luật”, làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Công ty Formosa”. Theo bài báo, “lực lượng chức năng đã có mặt để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, không nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu” và sau đó “những người tụ tập đã giải tán”.
Trong khi đó, tường thuật bằng ảnh và video trên mạng xã hội của những người tham gia biểu tình cho thấy nhiều người mặc đồng phục cảnh sát, quân đội đã chạy khỏi khu vực các cổng của nhà máy. Một số người thậm chí còn thay áo đồng phục màu xanh để mặc áo trắng sau khi chạy đi.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng hình ảnh đó cho thấy nhà chức trách đã “run sợ” trước “sức mạnh” và “đòi hỏi chính đáng” của nhân dân.
Những người biểu tình nói họ đã tự ra về vào buổi trưa sau khi đã đạt mục đích là bày tỏ sự phẫn nộ đối với Formosa cũng như lên tiếng đòi chính quyền phải lựa chọn giữa bảo vệ dân, bảo vệ môi trường hay đứng về phía Formosa.
Linh mục Phêrô Trần Đình Lai, Chánh xứ Đông Yên, Giáo phận Vinh, đã có mặt trong cuộc biểu tình và kêu gọi mọi người có thái độ ôn hòa. Ngài bình luận với VOA về hành động rút chạy của những nhân viên công an, quân đội tại hiện trường:
“Hôm qua là một bài học cho họ hiểu cái sức mạnh của quần chúng. Người dân Việt Nam sống trong một đất nước tự do, có chủ quyền nhưng mà không hơn gì một người nô lệ, rất là tệ. Do đó mà họ phải đứng lên họ đòi lại quyền sống của mình thôi. Nhà cầm quyền phải nhận ra điều đó để thay đổi cách lãnh đạo của mình, cách phục vụ dân của mình”.
Linh mục nói thêm cuộc đấu tranh này là của những người dân, vì dân tộc nói chung và vì người dân miền Trung trên một bình diện hẹp hơn, chứ không chỉ là một hoạt động của những người Công giáo.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động vì dân chủ Hoàng Dũng nhận xét:
“Tôi cho rằng chính nghĩa đã thể hiện ra sự chiến thắng ban đầu bởi vì những người lính đó họ cũng hiểu là những người dân họ xuống đường vì lý do gì. Bởi vì người ta cho rằng người ta đang chống lại nhân dân, chống lại cha mẹ hay là anh em của mình. Do vậy mà người ta sẽ phải rút lui, và cái hình ảnh rất là đẹp”.
Nhận định về việc xử lý các đơn kiện Formosa do vài trăm ngư dân nộp hồi tuần trước ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai cho rằng có thể nhà chức trách sẽ tìm cách trì hoãn. Ngài nói:
“Theo Luật Dân sự của Việt Nam, phải trả lời trong vòng 30 ngày, trả lời có thụ lý hồ sơ hay không. Tôi nghĩ lúc đó người ta bị đông quá và sức ép khiến cho họ phải nhận đơn thôi. Thế còn họ sẽ tìm cách để chối quanh chối quắt thôi. Thụ lý cũng phức tạp và cũng nguy hiểm, mà không thụ lý thì cũng rất là phức tạp”.
Hôm 26/9, 600 ngư dân tỉnh Nghệ An đã đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện nhà máy Formosa. Luật sư Võ An Đôn nói về mặt lý thuyết nếu các ngư dân có đầy đủ bằng chứng cho rằng nguyên nhân thiệt hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng kiện là 100% vì trước đó Formosa đã nhận trách nhiệm và đồng ý chịu bồi thường
Gạo Việt Nam trước nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) vừa cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ sau khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong gạo xuất sang thị trường này.
Bộ này đưa ra cảnh báo để tránh bị nguy cơ Mỹ “cấm cửa” gạo Việt Nam. Ông Võ Thành Đô, phó cục trưởng cục chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối của bộ NN&PTNN, đã xác định điều này với VOA Việt Ngữ hôm nay.
Ông Đô cho biết bộ NN&PTNN đã cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ phải kiểm tra giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng để tránh bị nước nhập khẩu trả về. Theo ông Đô, nếu các doanh nghiệp cứ cố đưa gạo sang Mỹ mà không kiểm soát chất lượng thì có thể trong tương lai sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
“Phải hết sức thận trọng trong việc giữa thị trường mình và người ta. Ở Việt Nam nếu không quy định mà Việt Nam đưa sang mà vẫn có dư lượng thì nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì coi chừng người ta cấm là nguy hiểm.”
Ông Đô nói hiện Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam. Nhưng Mỹ là một thị trường yêu cầu chất lượng cao và có nhiều rào cản kỹ thuật. Ông Đô cho biết “mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ rất ngặt nghèo so với các thị trường nhập khẩu khác.”
Theo thống kê của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đã có gần 10 tấn gạo của Việt Nam xuất sanh thị trường Mỹ bị trả về trong thời gian từ năm 2012 đến giữa năm 2016. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay, Mỹ đã từ chối 94 container, tương đương với 1.700 tấn gạo xuất khẩu từ Việt Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã xem thông tin này của FDA như 1 lời cảnh báo cho một lệnh cấm trong tương lai của Mỹ đối với gạo Việt Nam.
“Kể cả các lý do khác ví dụ đóng nhãn hàng hóa sai quy cách. Bên Mỹ thị trường khó tính lắm. Cho nên cần đặc biệt lưu ý đối với thị trường Mỹ.”
Theo kiểm tra của FDA, 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Mặc dù 8 hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng 5 trong số đó chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm ở Mỹ. Ông Đô cho rằng Việt Nam cần phải làm việc với Mỹ để thống nhất về việc đó và tuân theo các tiêu chuẩn của quốc tế.
Tiến sỹ và chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân nhận định với VOA Việt Ngữ rằng có rất nhiều thuốc trừ sâu được phun trên lúa Việt Nam và do đó chất lượng gạo Việt Nam luôn bị kém chất lượng hơn gạo của các nước trong khu vực như Thái Lan và thậm chí cả Campuchia. Theo ông Xuân, thậm chí người Việt Nam còn đang chuyển sang dùng gạo Thái Lan và Campuchia thay vì gạo của chính nước mình.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung với gần 30 tỷ đô la tổng giá trị xuất khẩu năm 2014. Giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã giảm trong năm ngoái xuống còn 1.6 tỷ. Theo ước tính của tổ chức Nông lương Quốc tế, sản lượng lúa Việt Nam giảm 1.6% trong năm nay một phần do hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
http://www.voatiengviet.com/a/gao-vietnam-truoc-nguy-co-bi-my-cam-cua/3534583.html
Thu thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong
Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng vì ‘để xảy ra những sai phạm’ và Tổng Biên tập bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Quyết định thu hồi thẻ nhà báo số 1701/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn ký có hiệu lực kể từ ngày 3/10/2016.
Quyết định này mô tả ông Nguyễn Như Phong “đã bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Tổng Biên tập Báo điện tử PetroTimes,” theo TTXVN.
“Quyết định này cũng đình bản tạm thời Báo điện tử PetroTimes trong thời hạn ba tháng vì Báo đã để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động.”
Quyết định trên không nói lý do ông Nguyễn Như Phong bị kỷ luật cũng như sai phạm của tờ báo này là gì.
Tuy nhiên các nguồn từ Việt Nam từ ngày 1/10 phỏng đoán một bài báo trích đăng lại từ báo hải ngoại về vụ án Trịnh Xuân Thanh có thể là nguyên nhân.
Bài báo đăng trên trang PetroTimes ngày 30/9, ngay sau đó bị xóa, trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió), người đã viết nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh từ khi nhân vật này “mất tích”.
Hôm 7/9, ông Hiếu công bố trên mạng tài liệu ba trang, mô tả điều ông gọi là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong văn bản này, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Kể từ đó, ông Hiếu viết một loạt bài dựa trên tài liệu mà ông nói là thông qua một người quen ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Hiếu cũng nói ông đã trực tiếp đàm thoại trực tuyến với ông Thanh, được ông Thanh “nhờ đưa môt số thông tin lên cho dư luận biết”.
Nhà chức trách Việt Nam đã loan báo khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh vì cáo buộc sai phạm làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Phong có hàm đại tá công an, từng là Phó Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân trước khi chuyển về PetroTimes thuộc Hội Dầu khí Việt Nam.
Tại PetroTimes, ông Phong là Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Quốc tế, trực tiếp chỉ đạo Thư ký Tòa soạn.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước vào năm ngoái, ông Phong được dẫn lời nói rằng “cái chức tổng biên tập cấp trên giao cho mình ngày hôm nay, có thể mai nghỉ, nhưng cái nghề viết của mình thì phải giữ.
“Tôi cũng tự cho mình cũng là người máu viết, đam mê viết, không viết không chịu được,” ông Phong nói thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161003_petrotimes_suspended_nguyen_nhu_phong_sacked
‘Cần làm rõ việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải’
Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ việc bổ nhiệm đối với con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Bản tin trên trang web Chính phủ mô tả về một văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương “kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/11/2016.”
Ông Hải, hiện đang giữ chức Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), từng được bổ nhiệm qua nhiều chức danh quan trọng tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Công Thương.
Ông từng là người đại diện phần vốn, Ủy viên HĐQT và Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), từ giữ chức Trưởng phòng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương) và là kiểm soát viên tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng thừa nhận về điều ông gọi là có sai sót trong một số khâu trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Vũ Quang Hải.
Trả lời báo Tuổi Trẻ hồi đầu tháng Tám năm nay, ông Trần Tuấn Anh được dẫn lời nói “sai đến mức độ như thế nào, trách nhiệm của ai thì đang tiếp tục làm rõ.”
Ông Trần Tuấn Anh khi đó bình luận rằng “qua kiểm tra chưa có dấu hiệu, cơ sở để khẳng định ông Hải gây ra thua lỗ ở PVFC”.
“Đảng có nguyên tắc trong công tác cán bộ. Với chỉ đạo rõ của Tổng bí thư, hơn nữa xã hội rất quan tâm, thì bất kỳ ai, dù là ai trong ngành công thương, tôi nghĩ cũng đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước luật pháp, trước nhân dân,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.
Các câu hỏi về việc bổ nhiệm Vũ Văn Hải, sinh năm 1986, được truyền thông quan tâm đăng tải chỉ khi cha ông là nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thôi chức bộ trưởng vào tháng 4/2016.
Cựu bộ trưởng Hoàng cũng từng nói việc ông Vũ Quang Hải về Sabeco “là Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy đã xem xét”.
Ông Vũ Quang Hải từng bình luận rằng ông “chỉ là người làm thuê cho Sabeco thôi, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161003_vu_van_hai_case_update
Biểu tình Formosa: ‘Bước tiến’ của xã hội dân sự?
Một nhà hoạt động nói cuộc biểu tình chống Formosa Hà Tĩnh hôm 2/10 thể hiện “bước tiến” trong nhận thức của người dân muốn đấu tranh pháp lý.
Hàng ngàn người dân từ các Giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, giáo xứ Dũ Lộc, Quy Hòa, Tây Thành thuộc Giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tham gia cuộc xuống đường đến cổng công ty Formosa, nằm trên địa bàn huyện này trong sáng Chủ Nhật 2/10.
Trong các clip quay từ hiện trường, ban đầu có xảy ra hiện tượng một số người ném đá, và cảnh sát cơ động có dùng dùi cui đánh vào đám đông. Tuy nhiên cuối cùng cuộc biểu tình diễn ra không có xô xát lớn.
Người dân trèo lên cổng công ty Formosa, căng băng-rôn viết những dòng chữ thể hiện sự phản đối và ra về.
Cuộc xuống đường xảy ra bốn tháng sau thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, được xác định nguyên nhân là do công ty Formosa gây ra.
“Bước tiến”
Nói với BBC Tiếng Việt từ Đà Nẵng, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người quan tâm diễn biến, nói ông “xúc động” khi quan sát cuộc biểu tình.
“Cuối cùng, sự việc diễn ra ôn hòa, người dân giữ được thái độ phi bạo lực và tránh xô xát với các lực lượng trị an ở đó. Nếu so với những năm trước đấy, đây là một bước tiến của việc tổ chức biểu tình tại địa phương. Đó cũng là sự trưởng thành trong nhận thức của người dân. Cũng chính người dân ở Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Anh cũng xúc tiến các hoạt động đấu tranh pháp lý. ”
“Người dân có xu hướng sử dụng phương pháp đấu tranh văn minh, ôn hòa. Năm 2014, tại địa phương này cũng đã diễn ra một cuộc bạo loạn đập phá máy móc gây thiệt hại cả người và của ở Formosa.”
Trong một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, nhà hoạt động này viết về một “sai lầm của chính quyền” là “ngăn cản các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào quá trình giải quyết hậu quả thảm hoạ”.
“Không một chính quyền nào đủ sức phát hiện và giải quyết tất cả các vấn đề của người dân trong cuộc thảm hoạ. Chỉ có hàng ngàn nhóm dân sự khác nhau, len lỏi vào từng cộng đồng nhỏ trong vùng thảm hoạ, đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng nhóm dân: ngư dân, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, thanh niên…mới có thể giúp xả hơi các bức xúc xã hội.”
“Đằng này, với các NGOs [tổ chức phi chính phủ] đăng kí chính thức được tham gia cứu nạn thì chính quyền ngăn cản, với các nhóm dân sự tự phát tiếp cận vùng thảm hoạ thì chính quyền dùng an ninh bắt bớ, đánh đập, doạ khởi tố. Chính quyền muốn ôm hết phần giải quyết thảm hoạ thì cuộc biểu tình này chính là cái điều mà chính quyển phải chịu, không thể khác,” bài viết nhận được hơn 30.000 chia sẻ chỉ sau gần một ngày đăng tải.
Ông Tuấn nói với BBC: “Với mỗi vấn đề thì sẽ có một nhóm liên quan biết cách tiếp cận vấn đề thế nào tốt nhất để giúp xoa dịu bớt phẫn nộ của từng nhóm dân cư. Và nếu như đa số người dân thấy phần nào bức xúc, phẫn nộ của họ được giải tỏa phần nào, thì họ cũng không chọn tới giải pháp cuối cùng giống hôm qua, hoặc còn nhiều sự kiện tương tự nữa.”
“Xã hội dân sự” làm tốt vai trò
Nhà hoạt động này gọi nhà thờ là “một phần của xã hội dân sự”, và ông nói: “Suốt 6 – 7 tháng vừa qua họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc cứu trợ, trợ giúp, cứu nạn cho người dân. Mà họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, huy động người dân trong các hoạt động tranh đấu ôn hòa, văn minh. Để có thể đạt được kết quả cuối cùng là bảo tồn không gian sinh sống của cả vùng.”
“Xã hội dân sự địa phương đã làm tốt vai trò của họ. Tôi tin đó là sự kiện đầu tiên, phản ứng đầu tiên tương xứng với mức độ thảm họa gây ra.”
“Khi có sự kiện bùng phát như hôm qua, chắc chính phủ cũng phải dành nhiều quan tâm hơn đến sự kiện này, phải dành mối quan tâm lớn hơn trong việc xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân cư trong vùng thảm họa.”
Ông Tuấn là người đã ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong một tháng để tường thuật qua mạng xã hội về ảnh hưởng của thảm họa môi trường đến ngư dân trong khu vực.
Tuy nhiên, ông nói vẫn “đang quan sát” phản ứng của chính quyền về vụ việc:
“Trong một tuần tới họ sẽ trả lời về 600 đơn kiện của ngư dân thế nào, thì sau đó tôi mới có thể tiếp tục đánh giá sự việc này.
“Tôi chưa có cảm giác họ sẽ thay đổi cách tiếp cận như xuống nước, thương lượng hay đã có sai lầm trong ứng phó thảm họa, mà họ vẫn sẽ sử dụng sức mạnh cứng để nắm tình hình. Đó là dự đoán cá nhân của tôi.”
“Kê khai thiệt hại”
Cùng với sự việc xảy ra tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sáng 3/10, linh mục quản xứ Song Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông Nguyễn Đình Thục cũng nói với BBC ông “đã cùng một số người đại diện từ giáo xứ và những người lương dân kề cận. Họ đã nhờ mình giúp đỡ và mình đã gửi đơn ra chính phủ và quốc hội. Chúng tôi gửi hai nơi, qua đường bưu điện, qua đường chuyển phát nhanh của bưu điện Quỳnh Lưu.”
Số người dân nộp đơn yêu cầu bồi thường tại khu vực này là 619 hộ dân, theo ông Nguyễn Đình Thục.
“Giáo xứ Song Ngọc làm nghề biển khoảng 85%, có chừng 70% là hộ gia đình có nghề đi biển. Còn lại họ làm nghề liên quan đến biển. Khi thảm họa xảy ra thì họ chịu thiệt hại nặng nề với người dân,” ông Nguyễn Đình Thục mô tả thiệt hại.
Ộng cũng nói đã cùng người dân thực hiện “bản kê khai thiệt hại từng hộ gia đình”: “Chúng tôi căn cứ vào bản kê khai thiệt hại đó, và người dân nhờ tôi làm đại diện làm một lá đơn yêu cầu chính phủ đền bù thiệt hại cho người dân ở đây.”
“Quá trình kê khai thiệt hại của người dân kéo dài khoảng một tháng.”
“Khi gửi đơn đi mình vẫn trông chờ chính phủ nhận đơn của mình và sẽ có việc làm nào nhưng để họ đáp ứng được nguyện vọng của mình chắc là hơi khó. Mình phải làm chứ, mình bảo họ không làm mà mình không làm cũng đâu có được,” ông Nguyễn Đình Thục trả lời khi được BBC hỏi ông trông đợi việc đền bù cho người đi biển sẽ diễn ra thế nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161003_formosa_protest_ha_tinh_comment
Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện
bị đâm trọng thương tại phòng làm việc
Thêm một vụ ám toán rùng rợn xảy ra tại sở làm của viên chức chính quyền Cộng Sản Việt Nam, và nạn nhân kỳ này là một viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ở ngay thủ đô Hà Nội.
Truyền thông trong nước hôm Thứ Hai 3 tháng 10 đưa tin, ông Tô Ngọc Chuẩn, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Quốc Oai, Hà Nội, được tìm thấy nằm gục trong phòng làm việc tại trụ sở chính quyền huyện, trên người mang nhiều thương tích do vật nhọm đâm vào.
Một viên chức ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai xác nhận sự việc và cho biết, cơ quan này nhận được tin lúc 2 giờ chiều. Theo đó, một số nhân viên đi qua phòng làm việc của ông Chuẩn thấy cửa đóng kín. Họ gọi ông nhưng không thấy ông mở cửa. Khi nhân viên của Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Quốc Oai đẩy cửa vào, thì họ thấy ông Chuẩn đang nằm gục trong phòng, trên người có ba vết thương nghi do bị đâm bằng vật sắc nhọn, trong đó có một vết đâm vào cổ. Ông Chuẩn được đưa vào bệnh viện 103 cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát điều tra sau đó đã phong tỏa hiện trường, tổ chức khám nghiệm, thu thập tin tức để điều tra.
Đây là vụ ám toán quan chức nhà nước CSVN lần thứ hai diễn ra trong vòng chưa đầy hai tháng. Ngày 18 tháng 8 năm 2016, một vụ xả súng xảy ra trong trụ sở chính quyền tỉnh Yên Bái. Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh này bắn chết bí thư tỉnh ủy và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy rồi tự sát.
Huy Lam / SBTN
Giáo dân Phú Yên biểu tình
vì uỷ ban xã không xác nhận đơn kiện Formosa
Sáng ngày 02.10.2016, hàng trăm người dân đã tập trung biểu tình ngay trong Uỷ ban nhân dân (UBND) xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Theo phóng viên của SBTN có mặt tại hiện trường cho biết, nguyên nhân của cuộc biểu tình này là vì người dân giáo xứ Phú Yên đã bị công an xã An Hoà ngăn cản và từ chối không xác nhận đơn uỷ quyền kiện Formosa của họ. Nhà cầm quyền đã bác bỏ quyền hợp pháp của hơn 300 nhà dân đang kiện Formosa.
Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết giáo dân Phú Yên đang biểu tình tại UBND xã An Hoà. Lý do theo yêu cầu của toà án, UBND xã xác nhận những chữ ký của những người đã ủy quyền cho cha Nam đại diện lo việc kiện Formosa. Tuy vậy công an xã An Hoà đã làm khó dễ, câu giờ, với chiêu bài dò xét danh sách thuyền. Trong khi đó những người làm muối, nước mắm … lại không có trong danh sách của họ.
Người dân Phú Yên bất bình với cách làm việc cửa quyền này và họ đã chất vấn cán bộ xã nhưng họ không trả lời được.
Chị Hương nói: cán bộ cứ làm khó và cứ bắt bẻ chúng tôi nhất là người làm muối làm nước mắm. Họ chỉ cần chứng nhận là chúng tôi làm nghề đó chứ đâu cần hạch hoẹ chúng tôi.
Cha Anton Đặng Hữu Nam cho biết “UBND đã làm sai phận vụ của mình. Họ đang cố tình làm sai pháp luật và có ý bênh vực Formosa.”
Cũng cần nói thêm hôm 26.09.2016 khoảng 600 người dân đã đến toà án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa. Số tiền mà ngươi dân đòi bồi thường là trên 55 tỉ đồng.
Theo luật Việt Nam, nếu người dân cần đại diện pháp lý, họ cần phải viết giấy uỷ quyền, có xác nhận của họ và uỷ ban nhân dân xã. Theo đó UBND xã An Hoà không có quyền từ chối xác nhận đơn của người dân.
Thông tin thêm, ngày 29.09.2016, phía chính phủ CSVN đã công bố phương án bồi thường, trong đó người dân làm các nghề liên quan đến biển đều có thể được nhận tiền bồi thường theo ngạch.
Việc nhà cầm quyền cố tình xâm phạm quyền của người dân chỉ làm cho dân thêm căm phẫn, và quyết tâm đòi công lý.
Vụ kiện Formosa của 600 người dân Nghệ An đã đẩy nhà cầm quyền và Formosa vào thế tiến thoái lưỡng nan. Báo chí quốc tế cũng đã đưa tin về vụ kiện.
Quốc Hiếu/ SBTN
HRW kêu gọi trả tự do cho blogger Nguyễn Đình Ngọc
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York, hôm nay 03/10/2016 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Đình Ngọc và tất cả các nhà bất đồng chính kiến khác đang bị giam giữ.
Lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sắp mở phiên xử phúc thẩm đối với blogger Nguyễn Đình Ngọc vào ngày 05/10/2016. Trong phiên xử sơ thẩm, ngày 30/03/2016, ông Ngọc đã kết án 4 năm tù giam và ba năm quản chế tại gia ngày 30/3/2016 với tội danh viết và đăng tải trên mạng các bài chỉ trích chính phủ.
Theo ông Brad Adams, Giám đốc châu Á của Human Rights Watch: “Thể hiện quan điểm phê phán đối với chính quyền Việt Nam không nên bị coi là một tội hình sự. Chính quyền Việt Nam cần học cách tiếp nhận những ý kiến khác biệt, chứ không phải chỉ toàn những lời khen ngợi đảng cầm quyền và chính phủ.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc, 50 tuổi, bút danh trên Internet là Nguyễn Ngọc Già, từng là nhân viên của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã viết nhiều bài về các vấn đề chính trị xã hội liên quan tới dân chủ và nhân quyền cho trang tiếng Việt của Đài Á châu Tự do, và các trang web khác như Dân Luận, Dân Làm Báo và Đàn Chim Việt. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ với các nhà hoạt động và blogger khác đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình.
Thông cáo của HRW nhắc lại, trong cáo trạng được các phương tiện truyền thông trong nước dẫn lại, ngày 25 tháng Mười Hai năm 2014, công an nhận được công văn từ Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn báo rằng Nguyễn Đình Ngọc đã sử dụng mạng Internet để “phát tán các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.” Hai ngày sau, ông Ngọc bị bắt và bị truy tố về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 88 bộ Luật Hình Sự.
Tháng Tám năm 2015, trong khi ông Ngọc bị tạm giam chờ xét xử, người con trai mới 20 tuổi của ông, Nguyễn Đình Vĩnh Khang, qua đời trong một tai nạn giao thông, nhưng chính quyền không cho phép ông dự đám tang con trai mình.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161003-hrw-keu-goi-tra-tu-do-cho-blogger-nguyen-dinh-ngoc