Tin Việt Nam – 03/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 03/09/2018

Kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 73

căng như dây đàn

Nguyễn Tường Thuỵ

Đặc điểm nổi bật của việc kỷ niệm 73 năm Tuyên ngôn độc lập năm nay là tình hình siết chặt an ninh trên toàn quốc, ráo riết hơn rất nhiều so với mọi năm.

Trước đó xuất hiện những lời kêu gọi tổng biểu tình vào ngày 2/9 trên các trang mạng. Nhà nước kêu gọi mọi người “cảnh giác”, “không mắc bẫy kẻ xấu”, cho đó là “những lời kêu gọi kéo mây đen về giữa trời quang”.

Lực lượng công an được huy động tối đã để ngăn chặn biểu tình. Trên các đường phố, tràn ngập cảnh sát trong các mầu áo.

Mấy ngày giáp 2/9 xảy ra những cuộc bắt bớ:

Bắt và khởi tố 4 người gồm:

– 29/8 bắt Lê Quốc Bình, sinh năm 1974, bị cáo buộc là người của đảng Việt Tân mang vũ khí về Việt Nam hoạt động khủng bố. Tuy nhiên ngay sau đó, đảng Việt Tân đã lên tiếng bác bỏ.

– Ngày 1/9 bắt Đoàn Khánh Vinh Quang sinh năm 1976 và Bùi Mạnh Đồng sinh năm 1978 ở Cần Thơ về tội đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông.

– Cùng ngày 1/9, Công an tỉnh Bến Tre bắt Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1980 ở Hà Nội về tội tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu.

Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận được 2 trường hợp bị bắt để thẩm vấn, đánh đập, sau đó thả ra gồm có:

– Ngày 31/8 bắt Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương sinh 1981 ở Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đình Cương đã được thả về nhà.

– Ngày 30/8 bắt Ngô Thanh Tú tại Cam Ranh rồi đưa về Công an Khánh Hòa thẩm vấn hôm sau thì thả về. Tú cho biết bị tra tấn và bị cướp điện thoại.

Nhiều người được cho là ngòi nổ của các cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội bị canh giữ, hoặc bám sát khi đi chợ hay đi làm một việc gì đó.

Có thể kể ra những cái tên quen thuộc như Trương Văn Dũng, Ngô Duy Quyền, Lê Thị Công Nhân, Trần Thị Thảo, Nguyễn Đình Ấm, Phạm Thành, Dương Thị Tân, Lê Mỹ Hạnh, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Bình Nguyên, Nguyễn Tường Thụy, Hoa TD, Hoàng Công Cường, Lê Hoàng, Nguyễn Thị Tâm, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hồng Đức, Phan Văn Phong, Lê Trọng Hùng, Vi Đức Hồi (Lạng Sơn), Lã Việt Dũng, Nguyễn Đức Giang, Dương Đại Triều Lâm, Nguyễn Lai (Khánh Hòa) v.v… Ngay cả gia đình những người bị bắt đi tù vẫn không ngừng bị theo dõi như chị Bùi Thị Rề, vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc. Lê Thị Thập (Vợ TNLT Lưu Văn Vịnh).

Nói chung, những ai đã từng xuống đường, bị bắt về đồn công an đều bị theo dõi canh giữ chặt chẽ.

Tuy vậy, vẫn có một số anh chị em vượt được khỏi vòng vây để biểu tình:

Ngày kỷ niệm quốc khánh trở thành ngày buồn tẻ, ảm đạm cho những nhân viên an ninh cấp thấp. Họ phải trực “chiến”, vật vờ trong các ngõ ngách với tâm trạng mệt mỏi chán chường vì phải làm những việc vô bổ và phi pháp. Một cậu an ninh nói với vợ khổ chủ: “Chúng cháu đâu muốn thế này, cô xem có việc gì chỉ chúng cháu làm để kiếm được miếng ăn”.

Thắt chặt an ninh trong các dịp lễ tết là việc ngành công an vẫn làm hàng năm. Lời kêu gọi biểu tình cũng không phải chỉ dịp này mới đưa ra mà cũng là chuyện thường xuyên. Nhưng năm nay việc đối phó với biểu tình hết sức căng thẳng là vì cuộc biểu tình hàng chục nghìn người trên hàng chục tỉnh thành diễn ra ngày 10/6/2018 vẫn còn làm cho nhà cầm quyền choáng váng vì bất ngờ. Nó không phải là những người dân nhẹ dạ, dễ bị lôi kéo như họ vẫn tuyên truyền. Nó không phải do thế lực thù địch nào kích động. Đó là cuộc xuống đường của những người dân có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trước hiện tình tăm tối đất nước, trước hết là chủ quyền của Tổ quốc.

Ghi nhận đến hết ngày 2/9, nhà cầm quyền đã thành công trong việc ngăn chặn biểu tình. Việc cấm biểu tình rõ ràng là phi pháp vì đó là quyền hiến định. Tuy nhiên, biện pháp đối phó quyết liệt chỉ là giữ tạm cho sạch mặt chứ không ngăn được những đợt sóng ngầm, chỉ chờ cơ hội lại bùng nổ. Vấn đề là phải yên được lòng dân. Nhưng yên lòng dân không thể bằng phương pháp trấn áp, sử dụng bạo lực phi luật pháp hay bằng khẩu hiệu ca ngợi chế độ và cờ quạt giăng tận ngõ hẻm. Nó phải ở sự điều hành, quản lý đất nước sao cho trong ấm ngoài êm, chủ quyền được giữ vững, đất nước phát triển. Điều đó, đối với chế độ hiện nay là không thể.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi phân tích tình hình chính trị – xã hội trong hai năm gần đây nhận định: “Việt Nam không còn là quốc gia “ổn định” như tuyên truyền của tập đoàn cầm quyền toàn trị.

Trong bối cảnh trên một cuộc cách mạng thay đổi thể chế chính trị không biết sẽ xảy ra vào lúc nào, có thể là” Tự diễn biến”, là ôn hòa hay bạo động.

Vì chất chứa hàng trăm ngàn, hàng triệu mâu thuẫn xã hội, hàng chục, hàng trăm mâu thuẫn giữa công dân và nhà nước trên đủ các lĩnh vực, không ai còn tin hệ thống cai trị này giải quyết được, Việt nam đang là kho thuốc súng. Chưa biết vào lúc nào, nhưng nhất định sẽ nổ”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/national-day-tense-09022018221050.html

 

Việt Nam bắt giữ thêm người

thuộc tổ chức Triều Đại Việt

Truyền thông Việt Nam hôm 2/9 cho biết Cục An ninh nội địa (Bộ Công An) vừa phối hợp với nhiều địa phương bắt giữ 7 người thuộc tổ chức Triều Đại Việt bị Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.

Theo báo Công An Nhân Dân, Triều Đại Việt là tổ chức đứng đằng sạu vụ nổ bom ở trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, hôm 20/6.

Ông Ngô Văn Hoàng Hùng, 66 tuổi – quốc tịch Canada, người đứng đầu tổ chức này sau đó cũng đã thừa nhận trách nhiệm về vụ nổ bom với RFA.

Vào đầu tháng 7, Việt Nam đã bắt giữ 7 người bị cho là thuộc Triều Đại Việt, tham gia đánh bom vào trụ sở công an phường 12.

Theo Reuters, ông Ngô Văn Hoàng Hùng là người đã từng bị kết án tù chung thân ở Việt Nam năm 1979 nhưng đã chạy thoát sang Canada và chưa từng bao giờ trở về Việt Nam.

Vụ bắt giữ 7 người mới xảy ra vào ngày 30/8, ngay trước ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam và sau khi chính phủ ra lệnh cho quân đội và công an tăng cường an ninh ở các thành phố lớn để ngăn chặn những cuộc biểu tình.

Truyền thông trong nước không cho biết tên tuổi cụ thể những người mới bị bắt.

Trước ngày 2/9, Việt Nam cũng đã bắt giữ 4 người với các cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, trong đó một người bị bắt hôm 30/8 là ông Lê Quốc Bình được cho là thuộc tổ chức Việt Tân ở Mỹ. Bộ Công An cho biết ông Bình về nước với nhiều vũ khí để chuẩn bị khủng bố. Việt Tân bác bỏ thông tin này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-arrest-7-people-of-trieu-dai-viet-09032018093503.html

 

Nhiều người tuyệt thực tiếp sức

cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức

Ngày 2-9-2018, hàng chục người tuyên bố nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang tuyệt thực ngày thứ 20 trong Trại giam số 6 – Thanh Chương, Nghệ An để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật và trả tự do cho ông căn cứ vào Bộ luật hình sự mới có hiệu lực hồi đầu năm.

Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức

Hôm 1-9, gia đình của tù nhân lương tâm hiện đang thụ án 16 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông ‘để đấu tranh cho sự tự do nhân quyền của Việt Nam’.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đến Trại giam số 6 để thăm gặp ngày 31-8-2018 nói như sau:

Gia đình cũng muốn đi cùng với Thức trên con đường này, những việc Thức làm không chỉ là trách nhiệm của riêng Thức mà là trách nhiệm của cả một dân tộc.

Cho nên gia đình muốn thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cách đồng hành tuyệt thực cùng với Thức. Thông qua việc này, gia đình muốn mọi người biết đến Thức và những cái mong ước Thức dành cho VN và chúng ta cùng nhau biến cái đó thành sự thật.”

Gia đình cũng muốn đi cùng với Thức trên con đường này, những việc Thức làm không chỉ là trách nhiệm của riêng Thức mà là trách nhiệm của cả một dân tộc. – Trần Diệu Liên

Trên trang Facebook của nhà hoạt động Lê Bảo Nhi hiện đang sinh sống tại Sài Gòn cũng có thông báo phát động “Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức” với mục tiêu “thượng tôn pháp luật qua việc đòi tự do ngay lập tức cho anh”.

Căn cứ vào khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực hồi đầu năm 2018 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm, xét trong trường hợp của ông Thức đã phải ngồi tù qua 9 năm thì việc trả tự do cho ông là cần thiết.

Mỗi người tham gia sẽ nhận 1 ngày để nhịn ăn bắt đầu từ 1-9, chụp ảnh cùng tấm biển ghi khẩu hiệu “Free T.H.D.Thuc” và đăng tải lên Facebook cá nhân. Tính đến tối ngày 2-9 số người đăng ký đã kín lịch đến 26-9-2018.

Theo thông báo này, “cuộc tiếp sức tuyệt thực này có thể kéo dài một vài tháng, và cũng có thể lên đến vài năm cho đến khi nào Trần Huỳnh Duy Thức được thả vô điều kiện.”

Tuyệt thực là phương thức duy nhất của tù nhân lương tâm

Doanh nhân Lê Thăng Long, cựu tù nhân lương tâm, người chịu án 5 năm trong cùng vụ với ông Trần Huỳnh Duy Thức giải thích với chúng tôi rằng, tuyệt thực là ‘vũ khí’ cuối cùng mà người tù chính trị dùng đến để chống lại áp bức trong trại giam.

Ngay sau khi xử sơ thẩm, lúc tôi đang còn bị tạm giam thì có làm đơn để kháng án lên phúc thẩm thì tôi đã tuyệt thực 10 ngày và trước khi phiên tòa phúc thẩm xảy ra thì tôi cũng đã tuyệt thực 11 ngày. Trong điều kiện chúng tôi ở trong tù thì gần như phương tiện duy nhất để phản kháng đó là tuyệt thực.

Tuy nhiên ngay khi chúng tôi được chuyển về trại giam Xuân Lộc ngay khi bản án có hiệu lực thì tôi cũng tiếp tục tuyệt thực để phản đối, tuy nhiên anh Thức và anh Định cùng tôi lúc đó ở chung tại Xuân Lộc đã ngăn cản và nói cần giữ sức khỏe để tiếp tục đấu tranh.

Và vì sao anh Thức phải dùng đến phương thức tuyệt thực? Như chúng ta đã biết đây là lần tuyệt thực thứ hai. Anh Thức là người hiểu rất rõ về sự an toàn tính mạng và sức khỏe, anh hiểu rất rõ cái nguy hiểm và sự cần thiết phải tồn tại, nhưng không còn cách nào khác ngoài phương thức cuối cùng mà anh phải dùng đến, thông qua đó chúng ta cũng hiểu và cần có sự lên tiếng và hỗ trợ ảnh”, ông Lê Thăng Long nói với chúng tôi vào chiều 2/9 sau khi ông nhịn ăn vào một ngày trước đó để đồng hành với người đồng sự của mình.

Tuy nhiên, ông Lê Thăng Long vẫn đề nghị cựu Tổng Giám đốc công ty Internet One Connection có trụ sở ở Singapore dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng và “chúng tôi sẽ tiếp sức với anh để ủng hộ anh đấu tranh cho việc thượng tôn pháp luật và nhất là trả tự do sớm nhất cho anh căn cứ vào bộ luật mới.

Chúng ta ở bên ngoài phài dùng truyền thông để gây sức ép đó mới có thể yểm trợ cho người ở bên trong – Bùi Thị Minh Hằng

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người từng tuyệt thực dài ngày trong trại giam để phản đối những bất công, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 23-8 rằng có những lúc người tù có án “an ninh quốc gia” phải bất chấp thân thể trước những chà đạp của trại giam.

Như bản thân tôi dùng những vật sắc nhọn rạch trên cơ thể mình những vết cắt để thể hiện việc chống lại những áp bức, tôi đã từng dùng mẩu dao lam, kềm cắt để rạch.

Đối với người tù chính trị, tôi cho rằng chúng ta đều phải thể hiện cho họ thấy rằng chúng ta không cần cơ thể của chúng ta nữa, một khi chúng ta bị chà đạp, đày đọa và điều mà chúng ta đòi hỏi đó là họ phải tuân thủ luật pháp.

Trong quá trình như thế thì tôi cho rằng cái để thúc đẩy nhanh hơn và tạo hiệu ứng tốt cho những người hy sinh trong tù đấy là thông tin ở bên ngoài.

Chúng ta ở bên ngoài phài dùng truyền thông để gây sức ép đó mới có thể yểm trợ cho người ở bên trong”, bà Hằng khẳng định.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…

Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-join-hunger-strike-to-support-thdt-09022018214203.html

 

Người Thượng Việt ở Thái Lan bị truy quét

Sáng 28/8, 181 người tỵ nạn đến từ Việt Nam và Campuchia bị bắt giữ bắt giữ trong một đợt truy quét của Bộ Nội vụ, cảnh sát, binh lính quận Bang Yai, Thái Lan.

Trong nhóm này có 133 người Thượng đến từ Tây Nguyên gồm 87 người lớn và 46 trẻ em.

Đợt tuy quét lần này bắt nguồn từ những phàn nàn của dân bản địa quanh khu vực.

Cộng đồng người Thượng Việt có khoảng 150 gia đình sống trong những ngôi nhà dựng tạm tại Bangkok, Thái Lan.

Họ nói mình tới đây do đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo.

Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây.

Những người Thượng này đang cư ngụ bất hợp pháp tại Thái Lan và việc xin được tỵ nạn ở đây là vô cùng khó khăn.

Quốc gia này không ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tỵ nạn.

Theo báo Gia Lai, từ 2015 tới 2017 Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đã tiếp nhận và trao trả về Việt Nam 68 người, đa số là tư nguyện hồi hương.

Số phận những người Thượng mới bị bắt sẽ được định đoạt tại tòa án, những gì họ có thể làm bây giờ chỉ là cầu nguyện để được ở lại.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-45369292

 

Người Việt ở Đức ‘thụ động’

trong việc chống tân phát xít

Nền dân chủ Đức, nhà nước pháp quyền Đức đang chịu thử thách lớn từ phía phong trào cực hữu và phát-xít (neo Nazi) đang rầm rộ biểu tình với bạo lực ở thành phố Chemnitz, tức Karl-Marx-Stadt thời Đông Đức cũ, từ hai tuần qua.

Tư tưởng bài ngoại ở Đức đang thể hiện ở tầm mức mới đáng lo ngại, còn giới lãnh đạo Đức tỏ ra lúng túng.

Cùng lúc, báo chí thế giới đang đổ mắt theo dõi những diễn biến nóng bỏng này.

Trang The Guardian ở Anh có bài nói châu Âu phải đoàn kết để chống lại làn sóng bài ngoại và cực hữu dâng lên để không bị vỡ ra.

Bà Natalie Nougayrede, nhà bình luận người Pháp viết trên The Guardian 01/09/2018 sau vụ Chemnitz rằng “tương lai châu Âu này phụ thuộc vào chuyện ai sẽ làm chủ quá khứ”.

Tại Đức, quốc gia có quá khứ theo chủ nghĩa phát-xít, vấn đề này lại càng trở nên nghiêm trọng.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng, hiện sống tại Berlin cho hay, vì lo lắng về tương lai của cộng đồng người Việt Nam sinh sống nơi đây, muốn hoà mình vào phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa tân phát xít, xây dựng một cuộc sống chung hoà bình giữa các sắc tộc, nên một số người Việt Nam trong đó có ông đã bắt đầu xuống đường tham gia biểu tình, mít tinh và các hoạt động xã hội khác.

“‘Hôm nay là Đức, ngày mai sẽ là các nước khác ở châu Âu,’ chúng tôi suy nghĩ như vậy,” ông Lê Mạnh Hùng nói.

Các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ trước đây (trong đó có Sachsen và thành phố Chemnitz) vẫn được coi là nơi xuất phát và phát triển mạnh nhất của xu hướng tân phát-xít ở Đức, theo ông Lê Mạnh Hùng.

Mặc cảm thua cuộc phía Đông

Vào những năm đầu 1990, tâm lý chung của dân chúng tại các tiểu bang Đông Đức cũ sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa và sự biến mất của nhà nước CHDC Đức là sự mặc cảm của “bên thua cuộc”, “công dân Đức hạng hai”, ông Lê Mạnh Hùng nói.

“Cộng với những khó khăn của sự thống nhất nước Đức quá nhanh chóng, đời sống thịnh vượng của CHLB Đức chưa thể kịp truyền tới bên Đông, khiến không ít dân chúng nơi đây thấy bị thiệt thòi, bất mãn, thậm chí có tâm lý so sánh với các công dân gốc nước ngoài sống bên Tây Đức và cả sự dễ dãi của CHLB Đức đối với những người đến Đức xin tị nạn, trong đó có không ít là người Việt Nam.”

“Trong thập niên 1990, những hành động mang tính bột phát của phong trào bài ngoại này được thể hiện khá thô trên đường phố: đốt phá các nơi ở, cơ sở làm ăn kinh doanh của người gốc nước ngoài, thậm chí hành hung và giết người.”

“Một loạt những sự kiện đã gây chấn động thế giới được bắt đầu với Hoyerswerda năm 1991, một trang sử đen tối đối với nước Đức thống nhất non trẻ với việc một nhóm quá khích tấn công khu chợ của một thị trấn nhỏ, truy đuổi người Việt Nam buôn bán rau quả nơi đây cho tới tận khu nhà ở của họ.”

Cuối tháng 8, Chemnitz, thành phố thuộc Đông Đức cũ chứng kiến hai ngày biểu tình liên tiếp của các nhóm bài ngoại sau vụ một người đàn ông Đức bị đâm chếtNhà báo Lê Mạnh Hùng

“Tại Rostock-Lichtenhagen vào ngày 22/8/1992, hàng ngàn kẻ cực đoan theo chủ nghĩa tân phát xít đã tấn công một khu trại tị nạn, trong đó phần lớn là người Việt Nam bằng bom xăng, gạch đá, và phóng lửa đối khu nhà… trước sự reo hò cổ vũ của không ít cư dân địa phương và sự bó tay bất lực của lực lượng cảnh sát và đội cứu hoả.”

“Cuộc bao vây kéo dài tới tận bốn ngày mới dịu xuống. Và rồi sau đó không lâu lại thêm các diễn biến tồi tệ tại Solingen, Mölln. Những hình ảnh trên đã được truyền đi nhanh chóng khắp châu Âu.”

Tăng cường giáo dục hội nhập

Nhiều năm qua, việc tái thiết các bang Đông Đức với biết tiền đóng góp của người dân bên phía Tây Đức, đầu tư cho giáo dục ý thức công dân, hội nhập cho người ngoại quốc, xây dựng một cuộc sống chung trong hoà bình, hiểu biết lẫn nhau, đã được chính phủ liên bang qua các nhiệm kỳ rất chú trọng.

Công dân Đông Đức cũ có năng lực vẫn được trọng dụng trong mọi mặt đời sống xã hội Đức.

Tổng thống Đức, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch một số Đảng lớn của nước Đức thống nhất, Thủ tướng hiện nay của Đức, bà Angela Merkel cũng từng là người Đông Đức cũ.

Nhưng gần đây tại Đức đã xuất hiện trở lại xu hướng phân biệt chủng tộc, bài ngoại.

Tuy thế theo ông Lê Mạnh Hùng, chủ nghĩa phát xít mới ngày nay mang bộ mặt khác, mặc những bộ áo quần khác so với trước đây gần 30 năm.

“Những tên phát xít mới đã biết khoác lên mình những bộ cánh của các chính trị gia, gương mặt mang dáng vẻ trí thức. Sự liên kết giữa các tổ chức cánh hữu, các chính trị gia dân tuý, đám côn đồ và những người dân bất mãn đã trở nên nhuần nhuyễn.”

Bên cạnh đó, vấn đề người nhập cư, những vụ vi phạm pháp luật của người gốc nước ngoài đang là những cái cớ thu hút dư luận.

Mạng xã hội được sử dụng triệt để, nền tự do, dân chủ Đức đã được tận dụng tối đa.

Bạo động trên đường phố cùng các lá phiếu bầu cử nghị viện tiểu bang và liên bang sẽ là những vũ khí lợi hại để họ đạt được mục đích, ông Hùng cho hay.

Người Việt tại Đức ‘cần bớt thụ động’

Vai trò của nước Đức đối với Châu Âu và thế giới ngày nay cũng khác xa với nước Đức trước đây gần 30 năm.

Là động lực của khối EU, mọi vấn đề của nước Đức cũng đều kéo theo ảnh hưởng tới cả khối này.

Những thành phần lãnh đạo của xu hướng tân phát xít mới ở Đức rất hiểu rõ điều đó, và vì vậy không có gì ngạc nhiên khi sự liên kết giữa họ và những tổ chức tương tự ở các nước châu Âu khác ngày càng chặt chẽ hơn.

Những diễn biến tuần vừa qua không phải là không có ảnh hưởng đến tâm lý lo lắng của cộng đồng người Việt nói chung ở Đức.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hùng, vì “đã từ lâu sống trong tâm lý thụ động, ít quan tâm đến chính trị, luôn cho rằng mọi chuyện đều là của người Đức và do người Đức quyết định nên cho dù có cả quốc tịch Đức, nhiều người vẫn cảm thấy xa lạ với nơi đây, vẫn coi Việt Nam, đội tuyển bóng đá Việt Nam mới là mối quan tâm lớn nhất sau việc kiếm tiền và vun vén cho bản thân và gia đình”.

“Nguy cơ của nước Đức, một châu Âu không an toàn nếu chủ nghĩa phát xít lên ngôi đối với bản thân và gia đình mình không phải ai ai cũng nhận ra.”

Ông Hùng cũng đặt câu hỏi:

“Kể cả con cháu người Việt sau này bên trong có thể giống như người Đức, những dáng vẻ bên ngoài cũng vẫn sẽ mãi là người Việt Nam và rằng những tên phân biệt chủng tộc cực đoan sẽ chẳng bao giờ có sự phân biệt giữa người Thổ, người châu Phi hay người Việt Nam… liệu có phải ai cũng hay?”

Nhìn chung, theo ông Lê Mạnh Hùng, không ít người Việt ở Đức, và ở nhiều nước châu Âu “vẫn giữ nguyên thói quen suy nghĩ và hành động như trước đây 30 năm”.

“Điều đó cần phải thay đổi và phải ngay từ bây giờ nếu như không muốn để quá muộn. Tương lai của người Việt ở Đức, ở châu Âu không phải hoàn toàn chỉ do người bản xứ quyết định mà một phần cũng bởi chính người Việt và các sắc dân gốc nước ngoài khác,” ông nói với BBC hôm 3/09/2018.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45395386

 

Thanh toán bằng nhân dân tệ

là ‘xu hướng trên thế giới’

Một chuyên gia tài chính nói với BBC là việc dùng nhân dân tệ để thanh toán “cũng là một xu hướng trên thế giới” nhưng vấn đề đang bị nhìn dưới góc độ chính trị hơn là kinh tế.

Những ngày này, mạng xã hội xôn xao bàn luận về việc Chính phủ Việt Nam chính thức cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trong việc mua bán hàng hóa tại các tỉnh dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.

Trong một tuyên bố trên website hôm 29/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay các thương nhân, người dân, các ngân hàng và tổ chức có liên quan tham gia vào giao dịch xuyên biên giới sẽ được phép sử dụng đồng nhân dân tệ, hoặc đồng Việt Nam để thanh toán bắt đầu từ ngày 12/10/2018.

VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ

Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?

VN nên ‘đi dây tỉ giá’ nhân dân tệ và USD

Việt-Trung: Có nặng đồng cân ‘nhân dân tệ?

5 điều cần biết về tiền Trung Quốc

Hôm 3/9, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia tài chính từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói với BBC: “Tôi được biết là thông tư (19) của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã chi tiết hóa các văn bản khác, trong đó có nghị định của Chính phủ Việt Nam cho trường hợp Việt Nam-Trung Quốc.”

Việc sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch sẽ giúp Việt Nam đối phó, ít ra là trong ngắn hạn tình trạng đồng nhân dân tệ bị phá giá so với đôla, nhất là trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra hiện nay.Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú

“Theo nghị định này, “Hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới” (tức là các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia). Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp dùng tiền của các nước khác trong thanh toán như vùng Bắc Phi hay Thụy Sỹ đối với đồng euro, Việt Nam đối với đôla…”

“Thực ra, việc dùng nhân dân tệ trong thanh toán cũng là một xu hướng trên thế giới, khi mà Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế đứng đầu thế giới.”

“Cần biết rằng IMF đã đưa nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế từ 2016 bên cạnh đôla, euro, bảng Anh và yên Nhật. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã bắt đầu cơ cấu một phần dự trữ của mình bằng nhân dân tệ.”

Trong khi đó Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói thêm: “Tôi nghĩ vấn đề “nóng” ở đây liên quan đến chính trị nhiều hơn là đơn thuần về kinh tế. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn hiện hữu và còn nhiều tranh cãi về dự luật về các đặc khu kinh tế.”

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước, trong một văn bản gửi tới BBC Tiếng Việt hôm 03/09/2018 mô tả điều được gọi là Thông tư 19 là để “khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay” trong khi “tạo thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới”.

“Thông tư này đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng CNY tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thanh của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

“Việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới và khu vực sử dụng.

“Trong thanh toán quốc tế, nhiều quốc gia về cơ bản đều không có hạn chế đối với việc lựa chọn đồng tiền trong thanh toán quốc tế và một số nước còn cho phép thực hiện đầu tư lẫn nhau bằng đồng bản tệ, từ đó tăng cường hội nhập kinh tế và tài chính giữa các quốc gia với nhau.

“Đối với thực tiễn Việt Nam, thanh toán bằng đồng bản tệ của các nước có chung đường biên giới (như Lào, Campuchia, Trung Quốc) được thực hiện từ nhiều năm nay,” ông Nguyễn Ngọc Minh viết trong văn bản này.

Được biết Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc có Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới ký ngày 19/10/1998.

Hai nước vào 12/09/2016 ký Hiệp định thương mại biên giới theo đó việc thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận.

TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài

VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’

‘Không nên găm giữ đô la Mỹ’

Nhiều nhà kinh tế cho rằng với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dường như đang cố gắng giảm thiểu rủi ro từ các giao dịch bằng đô la Mỹ, bài viết trên Nikkei Asian Review nhận định.

Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt quá 100 tỷ đôla, và hầu hết các giao dịch được thanh toán bằng đô la Mỹ. Điều này tạo ra nguy cơ về ngoại hối cho cả hai bên.

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.

Khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, đồng nhân dân tệ đã suy yếu 6% so với đồng đô la Mỹ trong sáu tháng qua.

Một phần vì Bắc Kinh được xem là chủ ý phá giá đồng nhân dân tệ để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng của Việt Nam đã giảm chỉ 2% trong cùng kỳ, chủ yếu là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng đôla, kéo dòng tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi.

“Các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đang mất đi khả năng cạnh tranh” vì giá trị của tiền đồng trong mối tương quan với đồng nhân dân tệ, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu được Nikkei Asian Review dẫn lời.

“Tình hình này nới rộng thêm thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc”.

Quyết định của Việt Nam cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trong “một số lĩnh vực cụ thể có thể là một bước tiến tới quốc tế hóa đồng tiền này, vì đồng nhân dân tệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong số các ngoại tệ trên thế giới”, ông Hiếu nói.

Ở các thị trấn biên giới tại Việt Nam, đồng nhân dân tệ đã được sử dụng rộng rãi – mặc dù bất hợp pháp – trong nhiều năm. Trần Long, một thương nhân Việt Nam sống ở Móng Cái, cho biết ông chi trả cho mọi thứ trong thành phố bằng đồng nhân dân tệ.

“Nếu nhân dân tệ được hợp pháp hóa và tự do sử dụng ở Việt Nam, các công ty Việt Nam sẽ thuận tiện hơn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc,” ông nói với tạp chí Nikkei Asian Review.

‘Thúc đẩy tăng trưởng’

Năm ngoái, tờ Global Times của Trung Quốc trích lời đại sứ Bắc Kinh tại Hà Nội, Hồng Tiểu Dũng, rằng “việc sử dụng nhân dân tệ [ở Việt Nam] giúp thúc đẩy sự ổn định, tăng trưởng, cân bằng và bền vững trong các trao đổi thương mại và kinh tế song phương”.

Tạo cú hích kinh tế tư nhân tốt hơn ba đặc khu

Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ

TBT Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1

Trang Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 30/08 có bài nói việc Việt Nam cho dùng đồng nhân dân tệ ở bảy tỉnh biên giới với Trung Quốc chỉ là một sự tiến triển từ thỏa thuận đã cho trao đổi đồng tiền này trong giao dịch liên ngân hàng hồi 2004.

Tân Hoa Xã cũng nói Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hàng hóa trị giá 23,4 tỷ đôla chỉ trong tám tháng đầu năm 2018, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng chú ý vấn đề để ‘tránh đòn’ trong chiến tranh thương mại với Mỹ, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ được ‘tuồn sang Việt Nam’ nhiều hơn trước.

Có ý kiến còn cho rằng việc dùng đồng nhân dân tệ ở Việt Nam sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này.

Đầu tháng 8/2018, Nigeria là nước châu Phi đông dân hàng đầu quyết định sẽ xem xét việc dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để làm dự trữ ngoại hối.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45393250