Tin Việt Nam – 03/06/2018
Nhân quyền quốc tế lên tiếng
trước phiên phúc thẩm thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 3/6 kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền trong nước và thúc giục các tổ chức quốc tế gây sức ép đòi Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù chính trị. Lời kêu gọi này được đưa ra ngay trước phiên xử phúc thẩm 4 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra vào ngày 4/6.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của HRW viết rằng 4 nhà hoạt động đã vận động không biết mệt mỏi, đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và chấp nhận các nguyên tắc dân chủ, nhưng giờ đây họ lại bị tù đầy bất công vì dám viết và cổ võ một cách ôn hoà cho các thay đổi.
Người đại diện HRW thúc giục các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam và các đối tác thương mại khác với Việt Nam gây sức ép lên Hà Nội, đòi chấm dứt các vi phạm nhân quyền, trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị và cải cách tư pháp, chấm dứt sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với hệ thống tư pháp.
Vào ngày 4/6 tới, 4 nhà hoạt động là Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội sẽ ra toà lần hai. Trong phiên sơ thẩm trước đó hôm 5/4, 4 người cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà đã phải chịu mức án tổng cộng lên đến 66 năm tù với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an tạm giữ
trước phiên phúc thẩm Hội Anh Em Dân Chủ
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người viết cuốn ‘Chính trị Bình dân’ bị coi là nhạy cảm ở Việt Nam vừa bị công an ép đi làm việc vào khoảng 8 giờ sáng ngày 2/6 tại Hà Nội trong nhiều giờ đồng hồ mà gia đình và bạn bè không biết cô ở đâu. Trang vietnam human right defenders trích thông tin từ facebook Trịnh Kim Tiến cho biết như vậy hôm 2/6.
Theo facebooker Trịnh Kim Tiến, nhà báo Phạm Đoan Trang từ Sài Gòn về Hà Nội vào đêm ngày 1/6 và đã bị an ninh bắt đưa về nhà riêng ở Lê Đức Thọ, đồng thời cho người canh gác chung cư này suốt cả đêm.
Trang facebook Trịnh Kim Tiến viết nhà báo Phạm Đoan Trang về Hà Nội để thăm mẹ và để ủng hộ tinh thần cho những người thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sắp bị đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 4/6 tới.
Đây là lần thứ 3 nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt cóc đi thẩm vấn trong năm nay. Lần đâu là vào ngày 24/2 khi cô bị công an bắt giữ suốt 10 giờ đồng hồ để thẩm vấn về cuốn ‘Chính trị Bình Dân’. Lần thứ hai là vào ngày 8/3 khi an ninh bắt cóc cô để ngăn cản cuộc gặp giữa nhà báo và đại diện Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền.
Nhà báo Phạm Đoan Trang là blogger nổi tiếng với những bài viết chỉ trích chính quyền. Cô đồng thời cũng là bien tập viên của các trang mạng Vietnam Right Now và Luật Khoa Tạp Chí là những trang mạng có các bài viết về nhân quyền và chính trị bị coi là nhạy cảm đối với chính quyền.
Nghi lễ vinh danh chiến sĩ Việt-Mỹ
tại St. Cloud, Minnesota
Dưới bầu trời miền Trung Minnesota mưa tầm tã, hàng trăm người tụ tập tại Lake George vào chiều Thứ Bảy 2 tháng 6 để vinh danh các chiến sĩ Mỹ-Việt đã ngã xuống trong Chiến Tranh Việt Nam.
Một buổi lễ tưởng niệm ngắn nhưng long trọng, diễn ra tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở St. Cloud, với nhiều người tham dự đeo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên người, và nhiều cựu chiến binh mặc quân phục và lễ phục của Quân Đội Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chương trình nghi lễ được cử hành trong hai ngôn ngữ, với các diễn giả lên tiếng cám ơn những người đã phục vụ và hy sinh cho tự do. Bà Nga Wynne, một trong những diễn giả và cũng là người giúp phiên dịch những lời phát biểu từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nói bà và các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa có mặt tại đây để hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp tục vinh danh sự hy sinh của ông cha họ.
Tượng đài khánh thành khoảng một thập niên trước, mang hình ảnh hai chiến sĩ Mỹ-Việt, được xây bằng nỗ lực chung của các cựu chiến binh Việt-Mỹ. Ông Larry Davis, chủ tịch Chi Hội 290 Cựu Chiến Binh Mỹ Trong Chiến Tranh Việt Nam, nói về nguồn gốc và ý nghĩa đích thực của Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, vốn khởi đầu từ năm 1863, sau Cuộc Nội Chiến Mỹ. Đó là ngày để công nhận tầm vóc những đóng góp của các quân nhân tin tưởng rằng cái ác và bạo quyền sẽ không bao giờ chiến thắng. Ông nhắc nhở mọi người đến đây không phải để khóc các tử sĩ, mà là để ca ngợi họ.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nghi-le-vinh-danh-chien-si-viet-my-tai-st-cloud-minnesota/
Tin về việc Blogger Mẹ Nấm
được đề cử Nobel Hòa Bình
Ngày 2/6, một tuyên bố lan truyền trên mạng xã hội cho hay blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được đề cử Nobel Hòa Bình.
Theo đó, ông David Kilgour, cựu dân biểu đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Canada, “thông báo rằng nữ blogger nổi tiếng thế giới Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm của Việt Nam đã được đề cử giải Nobel Hòa Bình 2018 bởi tiến sỹ Marc Arnal, Giáo sư danh dự và cựu Trưởng hoa Học khu St. Jean, Đại Học Alberta, Edmonton, Alberta, Canada”.
Bài tuyên bố gọi Mẹ Nấm là “tù nhân lương tâm nổi tiếng” “sinh ra và lớn lên thời hậu chiến tranh Việt Nam”, ‘không còn ảo tưởng với chế độ chính trị hiện tại” và “quyết tâm chiến đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn” từ năm 2006.
Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi VN thả nhà hoạt động
Mỹ phản ứng sau bản án cho ông Nguyễn Văn Đài
Những nữ tù nhân lương tâm Việt Nam
Từ nông dân thành nhà bất đồng chính kiến
Tuyên bố này nói Mẹ Nấm là người sáng lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam và là người lên tiếng về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, quyền tự do biểu đạt, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và vụ Formosa.
Trong bài tuyên bố, ông Marc Arnal được trích lời nói: “Tôi có cảm nghĩ tích cực rằng thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn bởi sự dũng cảm của Mẹ Nấm. Mẹ Nấm đã can đảm viết về sự khốn khổ kéo dài của người dân và nói lên một cách công khai về nhu cầu bức thiết đối với dân chủ và nhân phẩm. Nhiều người sẽ đồng ý rằng tự do ngôn luận phải được thực hiện bằng cách thực thi nhân quyền và quy luật tự nhiên, điều kiện tiên quyết cho một xã hội tự do và công bằng. Trường hợp của bà nhắc nhớ chúng ta về thực tế đáng buồn tại nhiều nơi trên thế giới nơi người ta bỏ tù bất công những người biểu đạt các ý kiến phù hợp với nhân quyền và quy luật tự nhiên nhưng không phù hợp với chủ trương của chính phủ…”
Ông David Kilgour cũng khuyến khích những ai quan tâm gửi thư ủng hộ để vinh danh sự can đảm của nữ tù nhân lương tâm nổi tiếng, blogger Mẹ Nấm.
‘Công sức nhiều người’
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 3/6, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho hay bà mới nhận được thông tin việc đề cử Nobel Hòa Bình cho bà Như Quỳnh sáng cùng ngày từ nhiều nguồn khác nhau.
Bà Tuyết Lan nói bản thân không thể biết rõ độ xác thực của thông tin nhưng nếu đúng là như vậy thì bà ‘rất vui mừng’.
Bà Tuyết Lan cũng nói đây không phải là nỗ lực của cá nhân Như Quỳnh mà là công sức đấu tranh, đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều người trong suốt thời gian qua.
Cũng theo bà Tuyết Lan, bà cùng hai con nhỏ của blogger Mẹ Nấm đi thăm chị tại nhà giam ở Thanh Hóa vào cuối tuần qua.
Bà cho biết đang rất lo lắng vì nữ tù nhân lương tâm Như Quỳnh vừa trải qua đợt tuyệt thực kéo dài, từ 5-11/5, nhằm phản đối một số chính sách và cách đối xử của trại giam.
Trải qua một chặng đường dài từ Nha Trang tới Thanh Hóa, qua mấy lần di chuyển từ máy bay tới ô tô, bà Tuyết Lan cho biết hiện đang rất mệt còn hai đứa nhỏ bị ốm.
“Một tiếng đồng hồ chỉ được nói chuyện với nhau qua tấm kính ngăn. Tôi lo sợ con trai nhỏ của Quỳnh sẽ phai mờ ký ức về mẹ và trong lòng cháu sẽ có những vết thương rất lớn”, bà Tuyết Lan nghẹn ngào nói.
“Quỳnh gầy đi nhưng vẫn có thể đi lại được. Quỳnh nói từ nay sẽ chỉ ăn thức ăn khô như mì tôm nhà gửi vào vì ăn đồ của nhà tù cung cấp thấy cảm giác rất khác lạ. Tôi đang rất đau lòng vì quy định của trại giam từ nay chỉ cho nhận 5kg thực phẩm một tháng, làm sao Quỳnh có thể chống đỡ nổi…,” mẹ blogger nổi tiếng nói qua điện thoại.
Còn theo ông Dương Đại Triều Lâm, một thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, một số nguồn tin từ Canada cho hay thông tin đề cử giải Nobel Hòa Bình cho Blogger Mẹ Nấm ‘là xác thực’.
Hiện tại, ông Lâm đang tiếp tục xác định nguồn thông tin và sẽ “nỗ lực vận động để mọi người gửi thư ủng hộ đề cử này”.
Theo ông Lâm, nếu thông tin này là xác thực, đây là “vinh dự cho những đóng góp của chị Như Quỳnh. Và cho dù việc này có góp phần giảm án hay mang lại tự do cho nữ blogger hay không thì cũng có tác động rất tốt”.
Ông Lâm cho BBC biết hiện tại dù bà Như Quỳnh đang ở trong tù nhưng những hoạt động được nữ blogger nổi tiếng thực hiện trước đây như đấu tranh cho dân chủ, tự do ngôn luận vẫn được những người ủng hộ tiếp tục thực hiện.
BBC đã gửi email cho ông David Kilgour đề nghị xác nhận thông tin đề cử Nobel Hòa Bình cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tù nhân lương tâm Mẹ Nấm
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù năm 2017 theo Điều 88, tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Bà Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận.
Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho Mẹ Nấm Giải thưởng Của Năm.
Tháng Ba năm 2017, bà được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
Đầu năm 2018, một nhóm các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đã ký vào một lá thư ngỏ kêu gọi bà Như Quỳnh cùng một tù nhân lương tâm khác, bà Thúy Nga, “đi tỵ nạn” ở một nước khác.
Giới hoạt động nói họ “không đành lòng nhìn” con của bà Như Quỳnh và bà Thuý Nga sống trong cảnh thiếu mẹ.
Vụ bỏ tù nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thu hút sự quan tâm rộng khắp của dư luận trong nước và quốc tế. Liên minh châu Âu và Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm.
Tuy nhiên dường như không có nhiều thay đổi cho tới nay. Sau Mẹ Nấm, liên tiếp nhiều nhà hoạt động dân chủ khác bị bỏ tù. Gần đây nhất, luật sư Nguyễn Văn Đài bị tuyên 15 năm tù tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Chỉ trong hai tuần đầu tháng Tư, 10 nhà hoạt động đã bị kết án trên 100 năm tù giam và quản chế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44346250
Bộ trưởng và cựu bộ trưởng thông tin truyền thông CSVN
có nguy cơ bị truy tố
Đương kim bộ trưởng và một cựu bộ trưởng của bộ thông tin truyền thông CSVN đang đứng trước nguy cơ bị kỷ luật trong đảng và bị truy tố.
Truyền thông trong nước cho hay, ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản trong kỳ họp vào cuối tháng 5 vừa qua đã xác định những sai phạm của đương kim bộ trưởng Trương Minh Tuấn và cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là “rất nghiêm trọng”, liên quan tới vụ tổng công ty viễn thông quốc doanh mobifone bỏ ra gần 400 triệu Mỹ kim để mua lại công ty truyền hình An Viên, tức AVG. Vụ chuyển nhượng diễn ra năm 2014, khi ông Nguyễn Bắc Son làm bộ trưởng thông tin truyền thông CSVN, còn ông Trương Minh Tuấn làm thứ trưởng. Khi đó, giới blogger Việt Nam chất vấn tại sao mobifone bỏ ra số tiền khổng lồ mua 95% cổ phần của AVG, một công ty liên tục thua lỗ.
Trước áp lực dư luận, vào tháng 7 năm 2016, đảng cộng sản ra lệnh thanh tra thương vụ này. Thanh tra chính phủ CSVN hồi giữa tháng 3 năm nay xác định, vụ Mobifone dùng tiền nhà nước mua lại AVG là “rất nghiêm trọng” và đề nghị thủ tướng giao cho bộ công an tiếp tục điều tra.
Ngay trước khi thanh tra chính phủ đưa ra kết luận vừa nêu, hai công ty Mobifone và AVG có cuộc họp để chấm dứt hợp đồng mua bán. Theo truyền thông trong nước, đến ngày 2 tháng 5, AVG đã trả lại số tiền Mobifone bỏ ra để mua 95% cổ phần của AVG, được cho là gần 400 triệu Mỹ kim.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/bo-truong-va-cuu-bo-truong-thong-tin-truyen-thong-csvn-co-nguy-co-bi-truy-to/
Thương vụ mua AVG: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
vi phạm rất nghiêm trọng
TTO – Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận những vi phạm quanh thương vụ MobiFone mua AVG. Theo kết luận, vi phạm của Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ‘thụ lý’ vụ Mobifone mua AVG
Mobifone muốn được hướng dẫn cách trả 344 triệu cổ phần cho AVG
Hoàn trả cổ phần AVG: Rối vì căn cứ pháp lý
Tại kỳ họp 26 (từ 28 đến 30-5-2018), UBKTTƯ đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan đến các dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Qua kiểm tra cho thấy:
– Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc;
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án trên.
– Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư BCSĐ, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Nguyễn Bắc Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định;
Ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án, để xảy ra nhiều vi phạm.
– Ông Trương Minh Tuấn, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư BCSĐ, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông: trong thời gian giữ cương vị ủy viên BCSĐ, thứ trưởng, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Trương Minh Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21-12-2015 của Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Với cương vị bí thư BCSĐ, bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2016-2021.
– Ông Phạm Hồng Hải, ủy viên BCSĐ, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021.
Ông Phạm Hồng Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định.
– Ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án.
Cùng với tập thể và các cá nhân nêu trên, qua kiểm tra, UBKT trung ương đã kết luận:
– Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án.
– Ông Lê Nam Trà, nguyên bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
– Ông Cao Duy Hải, phó bí thư Đảng ủy, thành viên HĐTV, tổng giám đốc Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng;
Vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong dự án này có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương.
UBKT trung ương yêu cầu BCSĐ, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT trung ương.
Thứ trưởng giải thích phát ngôn
của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
TTO – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng khi nói “BOT là sản phẩm giai đoạn trước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể muốn nói về hành lang pháp lý trước đó bất cập.
Bên hành lang cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối 2-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã trả lời một số câu hỏi của báo chí xung quanh phát ngôn “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại diễn đàn Quốc hội.
Phát ngôn trên của bộ trưởng Thể từng gây phản ứng trái chiều trong dư luận trong tuần qua.
“Không có ý đùn đẩy trách nhiệm”
Ông Nguyễn Nhật đã khá chủ động trao đổi khi báo chí đặt câu hỏi: Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng là thứ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ trước, từng ký duyệt một số dự án BOT, nhưng lại nói “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước”?
Ông Nguyễn Nhật cho rằng ông Nguyễn Văn Thể nói vậy chỉ với ý muốn giải thích rằng “giai đoạn trước” hành lang pháp lý còn bất cập, kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện của các chủ thể còn hạn chế.
“Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không có ý thoái thác nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm” – Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
“Từ khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị giải quyết những bất cập nảy sinh. Bộ chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết, tháo gỡ các vấn đề về BOT. Đặc biệt là thực hiện theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát BOT” – ông Nhật cho biết
Ông Nguyễn Nhật thông tin, các dự án BOT đang khai thác có dự án nghiên cứu từ trước năm 2000, giai đoạn 2000-2010 và nhiều nhất là giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT vẫn có nhiều bất cập.
Đơn cử như Luật đấu thầu khi đó không điều chỉnh hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời các cơ quan đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi hình thức đầu tư BOT rất phức tạp.
Cũng chính vì vậy, từ năm 2016, Bộ GTVT đã có chủ trương không triển khai nâng cấp, cải tạo đường hiện hữu theo hình thức BOT. Chỉ nghiên cứu triển khai các dự án song hành, đảm bảo có sự lựa chọn cho người dân.
Tìm tên phù hợp thay “thu giá”
Tiếp tục trao đổi về chuyện đổi tên trạm “thu phí” thành “thu giá”, gây ồn ào trong dư luận những ngày qua, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định:
“Việc chuyển đổi hình thức trạm thu phí sang trạm thu giá dịch vụ BOT không để nhắm tránh cho Bộ GTVT bị phản ứng là phí chồng phí.
Bộ chuyển thu phí sang thu giá là thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Việc thay đổi tên không làm phát sinh thêm chi phí cho người tham gia giao thông” – ông phân trần.
Trước phản ứng của người dân, các cơ quan báo chí về hai chữ “thu giá”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018 tối 2-6 đã chỉ đạo: “Bộ GTVT cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên trạm thu giá”.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: “Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định của pháp luật để thống nhất tên gọi của việc thu tiền đối với các phương tiện sử dụng dự án BOT với một từ đơn giản, dễ hiểu hơn”.
Indonesia và Việt Nam nghiên cứu khái niệm
lấy Asean làm trung tâm chiến lược quốc phòng
Các bộ trưởng quốc phòng của Indonesia và CSVN cho biết sẵn sàng tiếp nhận khái niệm lấy Asean làm trung tâm trong chiến lược quốc phòng.
Nhật báo The Strait Times của Singapore đưa tin, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã nói về vị thế trung tâm của Asean trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương hôm Thứ Bảy 2 tháng 6, một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đề cập tới khái niệm này trong khuôn khổ Đối Thoại Shangri-La. Khi được hỏi về khả năng thay đổi chính sách quốc phòng của mình sau những tuyên bố của ông Mattis và ông Modi, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN, nói rằng ông ủng hộ các chiến lược được cả hai ông Modi và Mattis mô tả. Tuy nhiên, ông Lịch cũng nói rằng phía Việt Nam cần nghiên cứu kỹ nội dung thật sự của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, để có thể đưa ra chiến lược riêng phù hợp.
Tướng hồi hưu Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia, nói nước ông đã có sẵn một chiến lược ứng phó với bất cứ diễn biến an ninh nào trong quyền hạn của ông, và chiến lược toàn vùng do Hoa Kỳ và Ấn Độ đề ra không thay đổi chiến lược quốc phòng sẵn có của Indonesia bao nhiêu.
Theo ông Mattis, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương là một phần của chiến lược an ninh rộng lớn hơn của Hoa Kỳ, trong đó các quan hệ đồng minh và đối tác là ưu tiên. Ông nói tư thế trung tâm của Asean vẫn là then chốt, và sự hợp tác với Trung Cộng được hoan nghênh ở bất cứ nơi nào có thể.
Trước đó, trong bài diễn văn chính tại Đối Thoại Shangri-La hôm Thứ Sáu, ông Modi tuyên bố Đông Nam Á là trung tâm của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông cũng nói về vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Hồi tuần trước, Tòa Bạch Ốc đổi tên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương thành “Bộ Chỉ Huy Ấn Độ – Thái Bình Dương” trong một hành động biểu tượng nhằm ghi nhận tầm quan trọng của Ấn Độ đối với quân đội Hoa Kỳ.
Huy Lam / SBTN
Người Việt ‘đầu tư’ nhiều nhất
vào thiên đường thuế Marshal Islands
Quần đảo Marshall vượt qua Hoa Kỳ trở thành nơi người Việt Nam gửi tiền “đầu tư” vào nhiều nhất.
Đó là theo báo cáo về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2017 do Cục Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư CSVN công bố mới đây. Báo cáo cho biết, trong năm ngoái, người Việt Nam đầu tư sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tổng cộng khoảng 268.5 triệu Mỹ kim, giảm 64% so với năm 2016. Về điểm đến, các nhà đầu tư Việt Nam đổ vốn nhiều nhất vào quần đảo Marshall, với 56.9 triệu Mỹ kim, chiếm 16.3% tổng số vốn khai báo. Mặc dù đây là báo cáo về “đầu tư”, nhưng ai cũng biết Marshall Islands, một quần đảo nằm giữa Philippines và Hawaii, là một “thiên đường thuế” của thế giới, nơi giới tài phiệt quốc tế gửi tiền vào để trốn thuế.
Hoa Kỳ đứng thứ nhì với 56.5 triệu Mỹ kim. Theo sau là Cambodia với 56.5 triệu Mỹ kim và Úc với 48.2 triệu Mỹ kim. Đáng ngạc nhiên là Uganda ở Châu Phi đứng thứ năm về số vốn thu hút từ giới đầu tư Việt Nam, với 35 triệu Mỹ kim.
Cục Đầu Tư Nước Ngoài CSVN nhận xét rằng, trong hai năm qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty quốc doanh ít dần, trong khi phía tư nhân lại gia tăng.
Một báo cáo gửi lên quốc hội CSVN hồi cuối tháng 5 cho thấy, các tập đoàn nhà nước CSVN đem gần 13 tỉ Mỹ kim ra nước ngoài đầu tư, nhưng hơn 25% số dự án bị thua lỗ.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-dau-tu-nhieu-nhat-vao-thien-duong-thue-marshal-islands/