Tin Việt Nam – 03/05/2018
Việt Nam tiếp tục đàn áp
người Thượng Tây Nguyên theo đạo Thiên Chúa
Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa Giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên- Montagnards.
Kết luận này được nêu ra trong bản phúc trình dài 25 trang được công bố vào ngày 3 tháng năm do Tổ chức Nhân Quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận Động Bãi Bỏ Tra Tấn tại Việt Nam (CAT-VN).
Theo Giám Đốc Điều Hành của Tổ Chức Nhân Quyền Montagnards thì những người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên thuộc nhóm đối tượng mà cơ quan chức năng Việt Nam nhắm đến. Nhóm này bị đối xử như kẻ thù ngay tại quê nhà của họ.
Trong trường hợp những người này muốn thực hành tôn giáo của họ một cách độc lập hoặc chống lại biện pháp cưỡng chế đất đai, thì họ bị kết tội ‘làm gián điệp’ hay ‘muốn lật đổ chính quyền’.
Phúc trình được công bố đưa ra những chứng cứ về hành xử tiếp diễn của các viên chức chính quyền trong việc buộc những người sắc tộc ở Tây Nguyên phải công khai bỏ đạo; những ai vẫn cương quyết theo những hội thánh tại gia thì phải đối mặt với các biện pháp đánh đập, bắt bớ, và tù tội.
Phúc trình vừa công bố cho thấy việc sử dụng Internet của người sắc tộc Tây Nguyên bị Bộ Công An theo dõi chặt chẽ. Kể từ năm 2014, cơ quan này tiến hành một chiến dịch nhằm ngăn chặn người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên tiếp cận hoặc chia sẻ những tài liệu bị cho là ‘chống chính quyền’ trên mạng.
Thống kê cho thấy có ít nhất 60 người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên đang phải thụ án tù mà mức cao nhất lên đến 17 năm chỉ vì họ thực thi quyền biểu tỏ chính kiến độc lập một cách ôn hòa và thờ phượng độc lập.
Theo nhận định đưa ra trong bản phúc trình thì người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên (Montagnards) chiếm chưa đến 2% dân số Việt Nam; thế nhưng có đến phân nửa những tù nhân lương tâm tại đất nước này là người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên.
Cũng theo phúc trình thì có ít nhất 25 người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên chết trong tù vì bị tra tấn và ngược đãi.
Do bị truy bức, nhiều người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên phải trốn chạy sang Cam pu chia và Thái Lan để tìm quy chế tỵ nạn.
Hai tổ chức đồng công bố phúc trình như vừa nêu kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern) vì những vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nặng nề và tiếp diễn.
TP.HCM: Dinh Thượng Thơ sẽ bị đập vì ‘không là di tích’?
Một kiến trúc sư bình luận với BBC rằng nếu lấy lý do Dinh Thượng Thơ “không nằm trong danh sách di tích” để phá bỏ thì cách quản lý di sản của TP.Hồ Chí Minh” đang có vấn đề khá nghiêm trọng”.
Bình luận này được đưa ra khi có sự tranh cãi và so sánh cách ứng xử với di sản giữa chính quyền Sài Gòn và chính quyền TP.Hồ Chí Minh, trước đề xuất phá tòa nhà từng là Dinh Thượng Thơ để mở rộng và nâng cấp trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố.
Tòa nhà hơn 150 năm tuổi này nằm ở địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, mà người Sài Gòn vẫn quen gọi là Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Công thương.
Kỷ niệm 30/4 ‘đang bớt đi phần hào nhoáng’?
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Đại sứ áo dài Sài Gòn lại là người Hà Nội?
‘Dân Sài Gòn thẳng tính, lương thiện’
Ông Võ Văn Hoan, người phát ngôn Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh được truyền thông Việt Nam hôm 2/5 dẫn lời phát biểu tại cuộc họp báo: “Tòa nhà [Dinh Thượng Thơ] trông bên ngoài bề thế như vậy nhưng đã cũ kỹ lắm rồi, nhiều chỗ phải chống dột, cần phải nâng cấp, cải tạo lại để phục vụ tốt cho công việc. Có phương án nói rằng tòa nhà Sở Thông tin và Truyền thông phải di dời kiểu thần đèn vào khu vực trung tâm đường Lý Tự Trọng, rồi từ đó xây dựng thêm. Nhưng khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích.”
Việc phá tòa nhà Dinh Thượng Thơ để xây trung tâm hành chính gom các ban ngành lại không chỉ mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử mà còn mâu thuẫn với việc giải quyết vấn nạn kẹt xe với thực trạng tạo nên kẹt xe; mâu thuẫn với bảo tồn bảo tàng di tích.ông Cù Mai Công, tác giả sáu tập sách Saigon By Night
“Chúng tôi nhận thức rằng việc nâng cấp sửa chữa trụ sở này rất nhạy cảm. Nên chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến khác nhau để xử lý cho hài hòa.”
‘Vấn đề khá nghiêm trọng’
Hôm 3/5, Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết, nói với BBC: “Nếu như việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của TP.Hồ Chí Minh là lý do chính để phá bỏ tòa nhà lịch sử này như giải trình, thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của TP.Hồ Chí Minh, và có thể cũng là của nhiều đô thị có di sản trên cả nước nữa, đang có vấn đề khá nghiêm trọng.”
“Vì hiện nay nhiều công trình di sản quan trọng khác như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… và nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này, và do đó có thể cũng sẽ là lý do để bị phá bỏ một ngày nào đó.”
Phóng viên Mỹ bay vào Sài Gòn cứu nhà vợ
Cáo buộc VNCH làm tay sai Mỹ ‘là thiếu khách quan’
Việt Nam Cộng Hòa trước và sau Tết Mậu Thân 1968
Thu hồi sách của Trần Trọng Kim: Nên hay không?
Cũng trong hôm 3/5, ông Cù Mai Công, một người dân sinh ra ở Sài Gòn và là tác giả sáu tập sách Saigon By Night, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt: “Vì TP.Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến của người dân về đề xuất với Dinh Thượng Thơ nên tôi quyết định lên tiếng.”
“Về chuyện Dinh Thượng Thơ ‘không là di tích’, theo tôi được biết, năm 1993, TP.Hồ Chí Minh lập một danh sách 108 di tích cần bảo tồn. Cần nói rõ: Đây là danh sách không hoàn chỉnh và 1996 thành phố đã yêu cầu làm hoàn chỉnh nhưng đến nay 22 năm sau vẫn chưa có.”
“Và đây là là khoảng trống, khoảng hở “chết người” khi hàng loạt nhà, dinh thự xưa bị phá bỏ mà “không phạm luật”.
“Dinh Thượng Thơ là một trường hợp mới nhất, là tòa nhà xưa thứ ba của Sài Gòn: xây dựng 1864 (tức đã 154 năm chứ không phải như một số thông tin cho nó 130 năm, 128 năm tuổi) sau Tu viện Thánh Phaolô (góc Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng) và Bến Nhà Rồng xây trước đó 2-4 năm.”
“Xin nói thêm: Ngay Tu viện Thánh Phaolô cũng không nằm trong danh sách này vì nó thuộc quản lý của Tòa Tổng giám mục TP.Hồ Chí Minh.”
‘Mâu thuẫn’
So sánh cách chính quyền thời Sài Gòn và thời nay ứng xử với những ngôi nhà trên trăm tuổi, ông Công nói: “Khu Sài Gòn ban đầu chỉ là khu vực quận 1 trước 1975, rộng 3km2. Sau 1975 thì nhập thêm khu Cầu Muối, Nguyễn Cư Trinh… vô. Và hầu như 100% các tòa nhà xưa nhất của Sài Gòn nằm ở khu vực này.”
“Chính quyền Pháp lúc đó đã coi đây là khu vực trung tâm hành chính và các tòa nhà chức năng; tạo thành khối liên kết hoàn chỉnh, không chỉ liên kết các tòa nhà, dinh thự chức năng (Dinh Thượng Thơ, Tòa Đô sảnh (Hotel de ville), Thị sảnh, trước 1975 gọi là tòa Đô chánh – Tòa án, Bệnh viện…) mà còn liên kết kiến trúc toàn khu vực quận 1, khá hoàn chỉnh.”
“Và đó là lý do trước 1975, theo như tôi biết, Chính quyền Sài Gòn quan niệm: việc xây các công trình, đường phố mới không được đụng tới dinh thự, đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc.”
“Mục đích của họ là không chỉ bảo tồn di tích, công trình lịch sử – văn hóa mà còn bảo đảm kinh thành Sài Gòn không trở nên chen chúc.”
Theo ông Công, thực tế họ [Chính quyền Sài Gòn] đã thực hiện đúng điều này: Cả khu vực quận 1 chỉ phá hủy và xây dựng mới hai công trình: Khám lớn để xây Thư viện quốc gia (Nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp) và Dinh Norodom – Dinh Độc Lập.
Ngoài Dinh Độc Lập buộc phải xây mới vì bị ném bom không thể phục hồi trong cuộc đảo chính 1962 thì nhà tù Khám Lớn ngay giữa Sài Gòn, lại là một hình ảnh đàn áp của Thực dân Pháp rõ ràng không nên để tồn tại.
Thư viện mới xây này, nhìn ở góc một tòa nhà rõ ràng rất đẹp, vừa dân tộc vừa hiện đại. Nhưng rõ ràng nó vẫn chưa hài hòa lắm với cảnh quan xung quanh. Và đó là cũng là lý do chính quyền Sài Gòn không đụng tới cảnh quan xưa; hài hòa với các con đường chỉ 6-8-10m.
Ông Công nhấn mạnh: “Phá vỡ cảnh quan này, không chỉ là di tích văn hóa, mà còn là phá vỡ tổng thể kiến trúc khu vực. Tệ hơn, khiến giao thông rối loạn thêm vì thực tế, khu vực này hiện đã kẹt xe liên tục. Bây giờ, bảy đơn vị hành chính cấp thành phố với 1.700 người làm việc, chưa kể thường xuyên có hàng ngàn người dân, công chức các quận huyện, ban ngành các quận huyện liên hệ công việc thì dù có phân luồng theo dự tính của TP.Hồ Chí Minh thì tình hình như thế nào chắc ai cũng rõ.”
Ông cũng nói thêm: “Việc phá tòa nhà Dinh Thượng Thơ để xây trung tâm hành chính gom các ban ngành lại không chỉ mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử mà còn mâu thuẫn với việc giải quyết vấn nạn kẹt xe với thực trạng tạo nên kẹt xe; mâu thuẫn với bảo tồn bảo tàng di tích.”
Đề cập về chuyện bảo tồn Dinh Thượng Thơ có phải là việc tốn kém nên chính quyền phải tìm cách khác, ông Công nói: “Tôi thấy như trong chuyện trùng tu Nhà thờ Đức Bà, khả năng hạn chế của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn phải quyên góp trong giáo dân còn làm được, với vật tư chọn lọc, sang tới nơi sản xuất là Pháp để mua nguyên vật liệu thì lẽ nào TP.Hồ Chí Minh lại không có tiền. Vấn đề là cái nhìn của thành phố với di tích thôi.”
Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông bày tỏ hy vọng TP.Hồ Chí Minh “lắng nghe thật sự với tinh thần cầu thị những ý kiến về việc có nên phá bỏ Dinh Thượng Thơ.”
Theo truyền thông Việt Nam, ý tưởng xây dựng trụ sở mới của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh “được công ty Gensler, Mỹ, thiết kế.” Toàn bộ ý tưởng về trụ sở mới này đã được trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Thành phố nhằm “lấy ý kiến của người dân” trong tháng 4/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43971885
Thủ tướng Đức yêu cầu Slovakia
trả lời về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin về sự can dự của nước này trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhân vật bị chính quyền Việt Nam truy nã vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, theo AP.
Nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí PetroVietnam (PVC) đã bị bắt cóc trên đường phố ở Berlin hồi tháng Bảy, sau đó tái xuất hiện tại Việt Nam và bị tuyên 2 án tù chung thân vào đầu năm nay vì tội tham ô.
Chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam đã thực hiện vụ bắt cóc ông Thanh. Nhưng phía Việt Nam tuyên bố ông Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức, đã tự ra đầu thú.
Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 2/5 nói Slovakia đã cho các quan chức Việt Nam mượn một chiếc máy bay của chính phủ để bay từ Bratislava đến Moscow vào tháng Bảy năm ngoái. Nhưng không rõ những ai có mặt trên máy bay.
Cũng trong ngày 3/5, Thủ tướng Merkel nói bà đã được Bratislava cam kết giúp đỡ trong vụ này.
Thủ tướng Đức còn thêm rằng vụ này đã gây “ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ Đức-Việt”.
Slovakia: ‘VN phải giải thích thỏa đáng
vụ Trịnh Xuân Thanh’
“Chúng tôi đã yêu cầu phía Việt Nam phải cung cấp cho chúng tôi thông tin liên quan tới các cáo buộc theo đó nói Slovakia có ‘tham gia’ là quốc gia trung chuyển trong quá trình bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Peter Susko nói với BBC hôm 3/5/2018.
Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, ông Dương Trọng Minh, bị Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên để giải thích quanh cáo buộc được báo chí Đức và Slovakia đề cập công khai trong thời gian gần đây.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’
Slovakia ‘bối rối’ vì vụ Trịnh Xuân Thanh
Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh ‘bị đưa sang Slovakia’
Quan chức Bộ Ngoại giao gặp Đại sứ Dương Trọng Minh hôm 3/5 là ông Marián Jakubócy, Vụ trưởng Vụ Chính trị.
Bratislava đòi ông đại sứ đưa ra những “giải thích” liên quan tới “các cáo buộc nói rằng Slovakia có tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào những hành động – nếu được chứng minh là có – vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, ông Susko nói.
“Nếu các cáo buộc đó được xác nhận, Slovakia sẽ coi đó là một vụ việc quốc tế nghiêm trọng, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ song phương giữa chúng tôi với Việt Nam,” ông Susko nói thêm.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp, phía Slovakia nói họ chưa nhận được lời giải thích.
“Ngài Đại sứ đã hứa sẽ đưa ra câu trả lời sau khi liên hệ với Hà Nội,” ông Susko cho BBC biết.
“Chúng tôi nói với Ngài Đại sứ rằng nếu chúng tôi thấy lời giải thích của Việt Nam, một khi lời giải thích đó được trao cho chúng tôi, là không thỏa đáng, thì Bộ Ngoại giao và Cộng hòa Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo, phù hợp với quy tắc ngoại giao.”
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin chiều 2/5, Thủ tướng Slovakia xác nhận nước ông đã nhận được đầy đủ hồ sơ từ phía Đức và cam kết sẽ hợp tác với Đức trong quá trình điều tra.
“Slovakia sẽ tiếp tục cung cấp toàn bộ các hồ sơ, dữ liệu và thông tin mà phía Đức yêu cầu,” ông Pellegrini nói trong chuyến công du một ngày tới Berlin.
Ông nói ông đã ngay lập tức có hành động khi vừa biết được thông tin về vụ việc, vốn được truyền thông Đức và Slovakia đưa dồn dập trong những ngày gần đây.
Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’
Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?
Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
Nhật báo Sme của Slovakia nói rằng giới chức Đức đã liên hệ với Slovakia từ chừng 9 tháng trước về nghi vấn Slovakia có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức và đưa về Việt Nam vào cuối tháng 7/2017.
Theo báo chí hai nước, hồi tháng 1/2018, ông Dương Trọng Minh bắt đầu chính thức làm đại sứ Việt Nam tại Slovakia, sau khi bà Hồ Đắc Minh Nguyệt hết nhiệm kỳ.
Giải thích lý do Bộ Ngoại giao cho đến ngày 3/5 mới triệu tập Đại sứ Việt Nam lên thay vì phải làm sớm hơn, từ khi Đức mới liên hệ, phát ngôn viên Susko nói là bởi “Bộ Ngoại giao không phải là một bên tham gia vào các cuộc trao đổi trước đây giữa giới chức Đức và Bộ Nội vụ Slovakia”.
“Chúng tôi cũng không được bất kỳ bên nào yêu cầu tham gia vào việc trao đổi thông tin qua lại đó, hoặc có bất kỳ bước đi nào liên quan tới vụ việc, cho tới tận ngày hôm qua [2/5/2018], và chúng tôi đã hành động ngay lập tức, triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Slovakia lên làm việc,” ông Susko nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43994004
Ý kiến về bản đồ qui hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm
Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời cho người dân biết là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Truyền thông trong nước vào ngày 3 tháng 5 dẫn lời phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ liên quan đến thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh một ngày trước đó rằng bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 bị thất lạc.
Trong buổi họp báo chiều ngày 2 tháng 5, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết bản đồ này kèm theo quyết định số 367/1996 của Thủ tướng Chính phủ là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án ở Thủ Thiêm, tuy nhiên các bộ ngành có liên quan trong vòng 20 năm qua vẫn chưa tìm thấy bản gốc.
Ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định rằng không có bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm nên “làm gì có mà tìm”, đồng thời nhấn mạnh Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.
Giới chuyên môn cũng lên tiếng việc làm mất hay thất lạc mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm là hết sức vô lý và Bộ Công An cần vào cuộc điều tra vì tất cả các bản phục hồi đều không có giá trị do bị cho là có sự chỉnh sửa. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói rằng nếu tiến hành quy hoạch theo tỉ lệ 1/2000 thì ranh đất của dự án có thể thiếu hoặc thừa.
Trong 2 thập niên qua, nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm khiếu kiện đến tận Trung ương, tố cáo Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất của họ không có quyết định và không đúng theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết Thanh tra Chính phủ đang có cuộc thanh tra tại khu vực Thủ Thiêm và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh viện lý do thất lạc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm để trốn trách nhiệm
Đằng sau vụ đấu giá 9 lô đất vàng ở Thủ Thiêm
Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng nằm trong số 9 lô “đất vàng” sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại TP.HCM.
Thông tin này được chính quyền thành phố đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 2/5, sau khi xuất hiện loạt bài “đấu tố” một nhóm tôn giáo có tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” (hay “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”) trên truyền thông nhà nước. Một linh mục Công giáo hoạt động về truyền thông nhận định với VOA rằng đây có thể là bước “chuẩn bị dư luận” cho việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo sắp tới.
Từ áp lực nhiều phía…
Đại diện của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, nữ tu Đặng Thị Mỹ Hạnh, tối 2/5 cho VOA biết nhà dòng chưa hề nhận được bất cứ thông báo gì về việc bán đấu giá khu nhà hiện đang là nơi ở của hàng trăm nữ tu.
“Không có một văn thư nào. Chỉ nghe người này người kia nói nên vô trang báo Tuổi Trẻ đọc thông tin thì thấy hơi lạ”, nữ tu Mỹ Hạnh nói.
Khu vực Nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm được xem là một di sản văn hóa giữa lòng đô thị phồn thịnh nhất Việt Nam. Các nữ tu của nhà dòng đã có mặt tại vùng đất này từ khi nơi đây vẫn còn là một khu rừng hoang.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1840 với tài sản ban đầu là căn chòi lá dựng cạnh một gốc me hiện vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử.
Sau đó, nhà dòng dần dần phát triển và xây dựng thêm 3 khu trường học để phục vụ nhu cầu giáo dục của người dân trong khu vực.
“Năm 1975, vì nhu cầu của đất nước và theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình yêu cầu nhà dòng giao trường cho nhà nước để họ dạy học. Lúc đó, nhà dòng đồng ý giao trường với mục đích giáo dục. Đến năm 2011 là hết học trò, họ lại đưa UBND, trụ sở Công an và các văn phòng của họ vào ở, nên các soeur viết văn thư yêu cầu họ trả trường lại, vì chúng tôi hiến cho mục đích giáo dục, nếu không giáo dục nữa thì phải trả cho chúng tôi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, họ không giải quyết cho mình. Họ nói rằng cái đó đã giao cho nhà nước rồi thì thuộc về nhà nước”, Soeur Mỹ Hạnh cho biết.
Một trong 3 khu nhà của Trường Tiểu học Thủ Thiêm đã bị chính quyền phá dỡ vào năm 2015 để làm đường cho dự án xây dựng đô thị mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của chính quyền nhằm “san phẳng” khu vực này đã vấp phải sự phản kháng ôn hòa của các nữ tu và giáo dân.
“Nhà dòng vẫn giữ quan điểm là ở lại, không đi đâu hết, vì mình đã ở đây trên 178 năm rồi. Tên nhà dòng là Thủ Thiêm. Mình đã ở đây, gắn bó bao nhiêu năm rồi. Tên của nhà dòng là ở đây, chẳng lẽ đi đâu rồi đổi tên khác”, Soeur Mỹ Hạnh nói.
Nữ tu đại diện cho Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nói nhà dòng vẫn đang chịu rất nhiều sức ép để buộc phải di dời, từ việc đại diện chính quyền đến mời các nữ tu đi xem những khu đất mới, hay nêu ra những “khó khăn” về cơ sở hạ tầng khi người dân xung quanh đã bị buộc phải di dời hết, đến những can thiệp trực tiếp như chặn đường vào nhà dòng, cắt điện, nước… viện lý do dành ưu tiên cho các công trình xây dựng.
… đến tấm bản đồ mất tích bí ẩn…
Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.
“Thứ nhất, trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch”, LM. Thanh nói.
Tại buổi họp báo ngày 2/5, khi báo chí truy vấn về tung tích của tấm bản đồ năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM, Nguyễn Thanh Nhã, nói “đã ‘truy tìm’ bản đồ này từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra”, theo Zing.
Lý do ông Nhã đưa ra là do cơ quan di chuyển nên không lưu trữ bản đồ.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan lại nói “không phải là không có [bản đồ gốc] mà chưa tìm ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm”, theo Tiền Phong.
Và như vậy, tung tích tấm bản đồ quy hoạch gốc vẫn còn là một ẩn số.
Điều “không thỏa đáng” tiếp theo, theo LM. Thanh, là việc giải tỏa không hội đủ cơ sở để giải thích cho lý do buộc các cơ sở tôn giáo phải di dời, vì dự án xây dựng khu đô thị mới chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh tế, không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, “Khi khu dân cư được xây dựng xong, thì người dân cũng có nhu cầu phải có một nơi thờ tự. Vậy tại sao trên quy hoạch lại không ưu tiên cho đời sống tâm linh của người dân?”, LM. Thanh đặt thêm câu hỏi.
… và ‘chuẩn bị dư luận’?
Thông tin về vụ đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước rầm rộ đăng loạt bài “đấu tố” Hội Thánh Đức Chúa Trời với những lời lẽ nặng nề, cho rằng nhóm tôn giáo này là một “tà đạo” dựa trên luận điệu phản khoa học, “khiến cho các tín đồ mê muội, bỏ bê công ăn việc làm, gây ly tán gia đình chẳng khác gì tổ chức khủng bố IS”.
Loạt bài này đã khiến không ít người dân hoang mang, thậm chí “gây căng thẳng” trong nội bộ các tôn giáo, và giữa người theo tôn giáo và không có tôn giáo, theo lời LM. Lê Ngọc Thanh. Ông cho rằng đây có thể là một bước “dọn đường dư luận” để tiến tới việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm sắp tới.
LM Thanh phân tích:
“Sau khi đã chuẩn bị, họ mới công bố việc đấu giá này. Tức là họ dùng dư luận kia để làm cho dân chúng cảm thấy rằng có tôn giáo là sai lầm, bậy bạ, không đứng đắn, và bây giờ nếu có giải tỏa một cơ sở tôn giáo thì cũng là hợp lý, bình thường thôi”.
Quyết định giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu vực “đất vàng” Thủ Thiêm đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng chính quyền “quá tham lam” và “thiếu tầm nhìn” khi đánh đổi những di sản văn hóa, tôn giáo để đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá.
Dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Canada tại TPHCM đặt câu hỏi trên Facebook rằng: “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?”.
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án di dời các cơ sở tôn giáo trong khu vực và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
9 lô đất, với tổng diện tích 78.000 m2, sẽ được quy hoạch thành khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm. Dự tính tổng mức đầu tư khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/dang-sau-vu-dau-gia-9-lo-dat-vang-o-thu-thiem/4374771.html