Tin Việt Nam – 03/04/2017
Vụ Formosa: Hàng ngàn người dân biểu tình tại Hà Tĩnh
Hàng ngàn người tụ tập tại Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà hôm 3/4, yêu cầu chính quyền địa phương trả lời việc uy hiếp dân trong những ngày gần đây, và đòi bồi thường thiệt hại vì Formosa.
Những người biểu tình gồm hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim và người dân các vùng lận cận. Họ cầm băng rôn với khẩu hiệu “Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân” và “Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”
Có mặt tại chỗ, nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cho BBC biết người dân bắt đầu tụ tập từ 8 giờ sáng và đã vào bên trong trụ sở Uỷ ban, nhưng chính quyền không cử người ra tiếp.
Kiến nghị về Formosa ‘có 70.000 chữ ký’
Giáo dân Song Ngọc và lời khuyên vụ Formosa
Nghệ An: ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa
Các video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân tuyên bố yêu cầu chủ tịch huyện và giám đốc công an ra làm việc về vụ được cho là nổ súng uy hiếp dân vào đêm hôm trước, và yêu cầu giới chức bồi thường theo đúng quy định.
Cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa cho đến khi một số người được người dân miêu tả là “côn đồ” dùng gậy và gạch tấn công người dân.
BBC được biết trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh đã gọi cho Linh mục Guise Nguyễn Công Bình, để nhờ linh mục nói người dân ra về.
Linh mục đã uỷ thác lại cho linh mục Hoàng Anh Ngợi, người có mặt tại cuộc biểu tình để kêu gọi người dân quay về. Sau khi thấy sự xuất hiện của linh mục Ngợi, phía chính quyền địa phương đã ra tiếp dân.
Chủ tịch UBND ông Lê Trung Phước khi đó cam kết trước những người biểu tình: “Chính quyền hứa sẽ xử lý viên công an đánh người và tiến hành bồi thường cho dân theo quy định của chính phủ,” nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền thuật lại với BBC.
Một người của Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng ra hứa sẽ tiếp người dân vào ngày hôm sau.
Nổ súng tại quán cà phê
Cuộc biểu tình hôm 3/4 là diễn biến mới nhất của các cuộc biểu tình kéo dài từ tuần trước, khi người dân Thạch Bằng đến UBND xã và nhà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đòi bồi thường.
Nhưng đỉnh điểm diễn ra sau khi một số người dân đã bị một nhóm an ninh tấn công tối hôm 2/4.
Tin cho hay vào tối muộn hôm 2/4, một số nhà hoạt động chuyên tìm hiểu thông tin về vụ Formosa gây hại cho môi trường và giúp đỡ người dân làm hồ sơ khiếu kiện đã bị một nhóm tự xưng là an ninh tới gây sự, xô xát khi đang ngồi tại một quán cà phê ở Nghĩa Lộc.
Bà Nguyễn Thị Trinh, một trong người có mặt, cho biết trong nhóm người tới gây sự, có một người đã nổ ba phát súng uy hiếp, trong lúc những người khác trong nhóm cầm đá ném làm chảy máu đầu một người và làm gãy tay một người phụ nữ.
Vụ việc này gây bức xúc cho nhiều người dân, khiến hàng ngàn người tụ tập ở UBND huyện Lộc Hà vào sáng hôm sau.
BBC cũng đã cố gắng liên hệ với ông Khánh nhưng không được. Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói BBC phải đến ủy ban “xin giấy phép để nói chuyện.”
Còn Giám đốc Công an Hà Tĩnh, ông Lê Văn Sao, nói “đang họp và không thể trả lời.”
http://www.bbc.com/vietnamese/39476049
Chính quyền đe dọa xử nghiêm
những người biểu tình bao vây trụ sở huyện Lộc Hà
Tuyên bố với báo chí vào chiều thứ Hai ¾, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, ông Lê Trung Phước, cho biết: “Lực lượng công an sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện sáng ngày 3/4/2017”.
Ông Lê Trung Phước nhấn mạnh: “Việc tụ tập đông người, hò hét, gây cản trở công việc, an toàn trật tự tại trụ sở Nhà nước là vi phạm pháp luật. Chính quyền đã tuyên truyền người dân hãy bình tĩnh và cảnh giác trước mọi âm mưu gây kích động”.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hà Tân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng khẳng định: “Việc người dân tụ tập, cản trở, gây mất trật tự ở huyện Lộc Hà ngày hôm nay là hành động quá khích. Việc tụ tập đông người vừa gây mất an toàn, trật tự trị an, vừa ảnh hưởng đến việc sản xuất, buôn bán, ra khơi bám biển. Yêu cầu bà con cần nâng cao cảnh giác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động. Nếu không cảnh tỉnh thì vô tình vi phạm pháp luật”.
Chúng tôi tập trung lên huyện đòi hỏi thứ nhất sao công an đánh đập dân công an xã sao có quyền dùng súng, nổ súng. Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
– Một người tham gia biểu tình –
Bà Nguyễn Thị Hà Tân cảnh báo những người biểu tình: “Việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, chính quyền địa phương sẽ giải quyết sớm trên cơ sở yêu cầu, nguyện vọng và thiệt hại chính đáng của người dân. Đối với những đối tượng kích động, gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật”.
Biểu tình phản đối công an đánh dân
Trong khi đó các nguồn tin tại chỗ cho biết, lý do khiến hàng ngàn người dân tụ tập trước trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà sáng thứ Hai ¾ là nhằm yêu câu chính quyền giải quyết vụ công an đánh dân xảy ra vào tối trước đó, Chủ nhật 2/4/2017.
Tin cho hay, hàng nghìn người dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình và tràn vào chiếm Ủy ban nhân dân huyện Hà Tĩnh trong vài giờ đồng hồ vào sáng ngày 3 tháng tư.
Một người dân tham gia biểu tình trong ngày 3 tháng tư đến Ủy ban Nhân dân Huyện Lộc Hà cho Đài Á Châu Tự do biết vào lúc 5:30 chiều ngày 3 tháng tư như sau:
“Vào đêm 2 tháng tư, công an trà trộn vào những bạn trẻ uống cà phê để áp đảo dân: một công an huyện và một công an xã đánh dân bị thương tích và nổ súng.
Sáng 3 tháng Tư chúng tôi tập trung lên huyện đòi hỏi thứ nhất sao công an đánh đập dân công an xã sao có quyền dùng súng, nổ súng.
Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
Thứ ba đòi hỏi về việc đền bù cho người dân đã kê khai, số hàng đã lập văn bản, kê khai nhưng đến nay không giải quyết.”
Tin từ những người trong cuộc cho biết, có tình tạng công an mặc thường phục trà trộn vào với người dân biểu tình và gây ra đánh nhau. Có tin hai công an bị thương và người thân của nạn nhân cùng cơ quan chức năng phải giải quyết. Cuối cùng người dân yêu cầu viết cam kết và để hai nạn nhân được đi cấp cứu.
Đại diện ủy ban nhân dân huyện cũng hứa vào ngày 4 tháng 4 gửi giấy mời đến dân chúng địa phương ở Lộc Hà để giải quyết những yêu cầu mà dân đưa ra trong ngày 3 tháng tư.
TPHCM: Công an triệu tập nhiều người sau vụ bạo lực
Công an Quận Tân Bình triệu tập 14 người lên lấy lời khai nhằm xác minh vụ một cô gái 16 tuổi bị đánh ‘trọng thương’ ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo truyền thông Việt Nam.
Nạn nhân được gia đình nêu tên là Nguyễn Thị Ngọc Trúc, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ‘đa chấn thương’ ở cả hai mắt, trong đó một mắt bị thương nghiêm trọng, nhiều vết rách ở đầu, tai phải gần như đứt lìa, và ba vết cắt ở chân, sau khi bị nhóm đông thanh niên tấn công hôm 30/03, theo Tuổi Trẻ.
Bài báo dẫn lời gia đình cho biết Trúc tố cáo một người trong nhóm lấy trộm xe và một người được nêu tên là Hằng đã dẫn một nhóm khoảng 20 người tới đánh đập để đe dọa.
Thương binh bị hành hung ở Hà Nội ra viện
Khiển trách công an ‘vung tay vào mặt PV’
Trang Facebook Ngọc Trầm Nguyễn, nhận là chị gái của nạn nhân, có đoạn viết nhờ mọi người chia sẻ câu chuyện để tìm lại ‘công lý’: “Em mình là T. Chuyện là vầy, em mình có một đứa bạn bị ăn cắp xe và nó vô tình biết được sự việc và người ăn cắp. Mình có khuyên T đừng xen vào nhưng T là đứa nhiệt tình với bạn bè nên muốn đứng ra lấy lại công bằng cho bạn.”
“… Tối ngày 30/3/2017 T ra làm chứng vụ ăn cắp xe thì T với Hằng xảy ra xô xát (em mình có bị tát nhưng nó không đánh lại ). Sau đó, T về quán (nhà mình bán trà sữa) thì Hằng và đồng bọn khoảng 20 người kéo qua nhằm vào T mà đánh.”
Câu chuyện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, trong đó một thành viên của Đội Hiệp sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố trên Facebook ‘sẽ bảo vệ’ Trúc và gia đình.
Thành viên tên Nguyễn Sin viết: “Tôi và một số anh em trong Đội Hiệp Sĩ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo vệ em Trúc và gia đình em trong thời gian này nếu như các đối tượng này có dấu hiệu đe doạ hay tấn công . Vì nếu pháp luật không đòi lại công bằng cho người tốt thì chúng ta chỉ còn một cách là chơi Luật Rừng mà thôi.”
Được biết cả anh Nguyễn Việt Sin và gia đình nạn nhân đều bị nhắn tin đe dọa tấn công.
BBC Tiếng Việt đã liên hệ tới đường dây nóng của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Tp. HCM để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng được người trực yêu cầu liên hệ tới công an thành phố và hiện vẫn chưa tiếp xúc được với cơ quan này.
Được biết gia đình những người tấn công Trúc đã đề nghị bồi thường 10 triệu đồng, trong lúc Công an Tân Bình hiện được báo Người Lao động dẫn lời nói hiện chưa có kết luận chính thức và “lời khai đôi bên bất nhất”, khiến giới chức cần xác minh cụ thể.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39482693
Nông dân trồng dưa lại mắc bẫy Trung Quốc
Nuôi heo xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc không ăn heo Việt, nông dân khóc. Trồng chuối bán cho Trung Quốc, Trung Quốc bỏ chuối Việt, nông dân khóc. Trồng thanh long xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc không thèm nhập thanh long, nông dân khóc. Trồng dưa hấu bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc ngưng mua dưa, nông dân khóc…
Có hàng trăm chuyện nông dân Việt Nam khóc vì Trung Quốc và dường như những chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần. Lần này, dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị bỏ thối trên ruộng bởi không có người mua. Người nông dân thêm một lần nữa điêu đứng, khổ sở vì Trung Quốc.
Thường thường thì bán cho thương lái Trung Quốc thì chủ yếu. Như năm ngoái nó ăn mạnh, nhưng mà năm nay, đầu mùa giờ thì nó ăn có mấy xe rồi nó không ăn nữa. Giờ mình phụ thuộc Trung Quốc, nó không ăn thì mình chịu luôn chứ.
Ông Thiên, nông dân trồng dưa hấu
Bà Hiệp, nông dân trồng dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi chia sẻ với VOA: “Trước đây mấy năm thì làm xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng năm nay sao không thấy ai tới mua. Làm lỗ nhiều lắm, vốn thì nhiều mà bán dưa thì rẻ, bán không được.”
Một nông dân khác trong xã tên Thiên cho biết: “Dưa thì rẻ mà vận chuyển rất khó khăn. Nếu như dưa được 4 ngàn, 5 ngàn thì còn thuê người vận chuyển xe cọc cạch, mượn người hái, khiên. Ví dụ như một sào thì mượn người hái, khiên lên đường cái, xe lên đường cái từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng rồi. Giờ dưa có 1 ngàn đồng thì lỗ tiền công lái. Giờ nó chín vậy nhưng người ta bỏ chứ hái ra bán không đủ tiền công, làm sao họ hái được.”
Với giá dưa 1000 đồng trên một ký lô và chuẩn dưa phải từ 5 ký lô trở lên, phải tròn trịa, chín mọng và hạt giống Thái Lan thì thương lái mới chịu mua xuất sang Trung Quốc. Với giá chỉ còn bằng 15% so với năm trước, người nông dân phải chịu thua lỗ, lâm nợ. Trong khi đó giá xăng chạy bơm nước, giá giống, phân, thuốc tăng vùn vụt.
Ông Thiên nói: “Thường thường thì bán cho thương lái Trung Quốc thì chủ yếu. Như năm ngoái nó ăn mạnh, nhưng mà năm nay, đầu mùa giờ thì nó ăn có mấy xe rồi nó không ăn nữa. Giờ mình phụ thuộc Trung Quốc, nó không ăn thì mình chịu luôn chứ. Nội địa thì họ mua có 1 ngàn đồng thì không đủ tiền vốn.”
“Vốn thì bỏ ra khoảng 4 chục triệu rồi đó. Giờ nếu họ mua một ngàn một ký thì thu được có năm, ba triệu gì thôi. Lỗ nhiều, rồi còn lỗ công,” bà Hiệp than thở.
Trước đây mấy năm thì làm xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng năm nay sao không thấy ai tới mua. Làm lỗ nhiều lắm, vốn thì nhiều mà bán dưa thì rẻ, bán không được.
Bà Hiệp, nông dân trồng dưa hấu
“Như tôi là 4 héc ta. Đầu tư một trào khoảng 4 triệu đồng. Nhưng giá dưa hiện tại thì một trào lỗ 3 triệu, nhưng tui tới 4 héc nên giờ tui thiếu nợ ngân hàng một trăm mấy chục triệu. Như khu vực này không đã 400 héc ta, 500 héc ta rồi. Kêu người bán nhưng người ta đến rồi bỏ đi, không mua,” ông Thiên tiếp lời.
Ông Hai, nông dân trồng dưa ở Tịnh Hiệp, tỏ ra ngán ngẩm: “Năm ngoái bán được nên năm nay tôi trồng. Trời thì khô hạn, nước khô hạn, không đủ tưới nên dưa có 4 ký thôi nhưng hàng họ lấy 5 ký. Nhưng bà con hiện giờ đã bỏ bởi hai phần dưa thu được một phần, vậy nên thâm nợ nhà nước, không có tiền trả. Mong Chính phủ, bà con ủng hộ người ly cà phê để mua giúp chúng tôi, để tạo điều kiện sinh sống, nuôi con ăn học.”
Chuyện trái dưa hấu chỉ là một trong hàng núi chuyện mà người nông dân vấp phải cái bẫy giá cao, tiêu thụ mạnh của Trung Quốc. Và chơi với Trung Quốc, bao giờ cũng có tính đánh bạc, đỏ đen: được ăn cả, ngã về không. Và lần này dưa hấu lại ngã về không.
http://www.voatiengviet.com/a/nong-dan-trong-dua-lai-mac-bay-tq/3794003.html
Đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự?
Báo Pháp luật TP HCM cho hay cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự bị đề nghị cách chức Bí thư Đảng Đoàn và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vì vụ Formosa.
Ông Cự, ngoài vị trí Bí thư, còn từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, nơi có dự án của tập đoàn Formosa Đài Loan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN hồi tháng Hai kết luận ông có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật vì liên quan tới vụ Formosa xả thải gây thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh hồi năm ngoái.
Ủy ban Kiểm tra nói ông “đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh”.
Ông đã từ tỉnh chuyển ra Trung ương làm việc tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ 10/2015.
Từ tháng 11/2016, ông Võ Kim Cự đã bị Đảng Cộng sản “kiểm tra sai phạm”.
Hàng ngàn người biểu tình tại Hà Tĩnh
Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng
Ông Võ Kim Cự bị Đảng ‘kiểm tra’
Pháp luật TP HCM dẫn nguồn không nêu tên nói “Đảng ủy khối cơ quan trung ương tuần trước đã bỏ phiếu với tỷ lệ lớn đề nghị kỷ luật cách chức với ông” Võ Kim Cự.
Ông Cự còn phải kiểm điểm ở các tổ chức đảng mà ông từng sinh hoạt, bao gồm cả Hà Tĩnh và Liên minh Hợp tác xã.
Chưa rõ điều gì xảy ra với tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự nếu như ông bị cách chức.
Hiện ông vẫn là đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
6/4 là ngày đánh dấu sự cố môi trường biển miền Trung một năm trước.
Tại họp báo Chính phủ chiều 3/4, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói “bốn tỉnh miền Trung đã thực hiện rất nghiêm túc vấn đề kê khai, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chịu thiệt hại” trong sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Tuy nhiên cùng ngày 3/4, tại Lộc Hà, Hà Tĩnh đã xảy ra biểu tình đông người phản đối chính quyền địa phương. Một trong những điểm người biểu tình khiếu nại là họ không nhận được tiền bồi thường thiệt hại như đã cam kết.
Ông Mai Tiến Dũng nói theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì “Formosa có 53 lỗi, đến nay họ đã khắc phục được 51 lỗi”.
“Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, khi nào Formosa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố thì cho phép hoạt động.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39484326
Người Thượng Việt Nam chạy sang Thái Lan từ Campuchia
Khoảng 50 người Thượng Tây Nguyên vừa từ Campuchia chạy sang Thái Lan xin tị nạn vì sợ bị trừng phạt nếu Campuchia gởi trả họ về Việt Nam.
Đây là những người dân tộc miền núi, phần lớn theo đạo Tin Lành, đã chạy sang Campuchia để tránh bị đàn áp và bị cấm đạo. Chuyện trốn sang Thái Lan xảy ra ngày 25 thang Ba sau khi Bộ Nội Vụ Campuchia bác bỏ một số đơn tị nạn của họ 5 ngày trước đó.
Hôm 2 tháng 4, viên chức đứng đầu cơ quan di trú Campuchia, ông Tan Sovichea, còn cho biết trong số 100 người dân tộc thuộc một nhóm Tin Lành miền núi đang ở Campuchia thì chỉ 3 người được coi là hội đủ điều kiện để xin tị nạn mà thôi.
Tuy nhiên theo bà Denise Coghlan, giám đốc một tổ chức Thiên Chúa Giáo ở Campuchia đang hỗ trợ người tị nạn, trong mấy chục người Thượng buộc phải bỏ chạy sang Thái Lan có những trường hợp cần được giúp đỡ khẩn cấp.
Bà Denise Coghlan bày tỏ sự thất vọng trước quyết định bà cho là tiêu cực đối với người tị nạn cần được giúp đỡ của chính phủ Campuchia, nói thêm rằng bà mong mỏi những người thượng bỏ chạy sang Thái Lan sẽ được an toàn.
Theo báo Bangkok Post, hiện có 96 người Thượng ở Campuchia đang được Cao Ủy Tị Nạn nơi đây giúp đỡ trong trại Por Sen Chey, nơi thường tiếp nhận những nhóm người Thượng từ Việt Nam sang. Đây là những đối tượng có thể bị Phnom Penh buộc hồi hương bất cứ lúc nào.
Công bố một số quan chức
bị đề nghị chế tài theo luật Magnitsky
Hồ sơ số 1 những quan chức Việt Nam bị chế tài theo Luật Magnitsky được Uỷ ban cứu người vượt biển BPSOS công bố ngày 3/4. Hồ sơ này bao gồm 25 nhân vật liên can đến các hành vi tra tấn đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng. Một số nhân vật điển hình trong hồ sơ như Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Đại Tá Nguyễn Văn Long, Giám Đốc Sở Công An Thành Phố Pleiku, Đại Tá Nguyễn Văn Trạch, nguyên Phó Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Ông Lê Văn Hà, Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tỉnh Gia Lai,…
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS cho biết 25 nhân vật trong hồ sơ này không chỉ bị cấm nhập cảnh mà cả vợ, chồng, con đều bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì sẽ bị trục xuất.
Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế chính thức chọn hồ sơ số 1 này cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Đề án này là nỗ lực của Uỷ Hội để cung cấp dữ kiện cho Hành Pháp Hoa Kỳ trong việc đưa một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) và sẽ được công bố vào ngày 6/4 tới đây tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
5 bộ hồ sơ còn lại sẽ lần lượt được công bố vào những thời điểm phù hợp trong những tháng sắp tới. Hiện tại BPSOS vẫn đang thu thập thêm hồ sơ mới để mở rộng tầm ảnh hưởng cho cuộc vận động chế tài các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.
6 bộ hồ sơ năm nay được lựa chọn dựa theo các tiêu chuẩn: Sự đàn áp nghiêm trọng vì xảy ra hành vi tra tấn hay đánh chết người, Nạn nhân là những người tranh đấu cho nhân quyền, Hồ sơ khả tín vì đã được quốc tế, nhất là chính quyền Hoa Kỳ, công nhận, Vấn đề trách nhiệm có thể truy cứu đến những giới chức chính quyền.
Luật Magnitsky Toàn Cầu có mục đích để chế tài từng cá nhân giới chức chính quyền liên can đến hành vi đàn áp nhân quyền một cách trầm trọng. Các biện pháp chế tài bao gồm cấm thủ phạm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của họ.
Tổ chức XHDS ra Bản lên tiếng về quyền tự do internet
Một bản lên tiếng về quyền tự do internet tại Việt Nam vừa được công bố vào ngày 2 tháng 4 năm 2017.
Bản lên tiếng vừa nêu do Khối Tự do Dân chủ 8406 và Hội cựu Tù nhân Lương tâm khởi xướng cùng với 61 tổ chức xã hội dân sự độc lập và 30 cá nhân đồng ký tên, lên tiếng khẳng định quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam cũng như phản đối và tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ một cách tùy tiện; bao gồm các Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam; để bỏ tù nhiều công dân trình bày sự thật và bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội.
Bản lên tiếng còn kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng những chính phủ dân chủ toàn cầu yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những công dân yêu nước đang bị giam cầm vì các điều luật trên. Đồng thời, kêu gọi mọi công dân đang sử dụng internet kết nối mạng lưới để đấu tranh cho quyền tự do tư tưởng và và tự do sử dụng internet tại Việt Nam.
Bản lên tiếng về quyền tự do internet vừa được công bố trong bối cảnh Bộ Thông tin-Truyền thông ban hành Thông tư 38; quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu Facebook và Youtube phải hợp tác với Bộ này để chặn “thông tin xấu độc”; và hiện có 12 facebooker đang bị bỏ tù tại Việt Nam.
Quan hệ quân sự Việt – Ấn trong tình hình mới
Kính Hòa, phóng viên RFA
Trong thời gian hai chục năm trở lại đây quan hệ ngoại giao, quân sự Việt Nam Ấn Độ được đánh giá phát triển tích cực. Quan hệ này hiện đang được đẩy mạnh hơn nữa khi sự lấn lướt của Trung Quốc ngoài biển Đông tiếp tục.
Mua bán vũ khí
Đầu tháng tư năm 2017, báo chí quốc tế đưa tin quân đội Ấn Độ đang huấn luyện cho các sĩ quan quân đội Việt Nam trên đất Ấn Độ. Tiến sĩ Sampa Duku, một nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc cơ quan nghiên cứu và phân tích quốc phòng tại thủ đô New Delhi kể lại rằng hồi năm 2014, nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai quốc gia đã bàn luận về chuyện huấn luyện các phi công chiến đấu và chỉ huy tàu ngầm cho Việt Nam.
Ngoài việc huấn luyện, truyền thông Quốc tế còn đưa tin là Ấn độ sẵn sàng bán cho Việt Nam các loại tên lửa siêu thanh BraMos có tầm bắn xa 250 cây số, cũng như hỏa tiễn đất đối không Akash mà quân đội Ấn đang sử dụng.
Bình luận về sự trợ giúp huấn luyện cũng như mua bán vũ khí giữa hai nước, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam phát biểu:
Hải quân Việt Nam vẫn chưa mạnh, cả về kỹ thuật tác chiến, cũng như vũ khí, cho nên là Việt Nam luôn tìm cách đẩy mạnh. Ấn Độ là một quốc gia mà Việt Nam đang tìm kiếm.
– Thạc sĩ Hoàng Việt
“Cho đến bây giờ thì tiềm lực quân sự, sức mạnh hải quân của Việt Nam hãy còn yếu. Và đặc biệt là về hải quân, hải quân Việt Nam vẫn chưa mạnh, cả về kỹ thuật tác chiến, cũng như vũ khí, cho nên là Việt Nam luôn tìm cách đẩy mạnh. Ấn Độ là một quốc gia mà Việt Nam đang tìm kiếm. Ấn Độ là một cường quốc hải quân, và thậm chí kinh nghiệm tác chiến hải quân của Ấn độ còn cao hơn cả Trung Quốc.”
Nói về việc tìm kiếm sự trợ giúp hải quân từ bên ngoài Thạc sĩ Hoàng Việt nói Việt Nam cũng có thúc đẩy những mối quan hệ với Nhật Bản, nhưng quốc gia này chỉ mới bắt đầu phát triển hải quân trong thời gian gần đây sau khi điều chỉnh lại Hiến pháp.
Ông Hoàng Việt cho biết thêm là cho đến nay Việt Nam có một nhà cung cấp vũ khí chính là nước Nga, tuy nhiên theo ông Hoàng Việt thì mua vũ khí của Nga sẽ bị bất lợi nếu Việt Nam rơi vào thế đối đầu quân sự với Trung Quốc, vì cùng một loại vũ khí Nga bán cho cả Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí chuyển giao cả công nghệ sản xuất cho Bắc Kinh.
Về vấn đề kinh nghiệm hải quân của Ấn Độ mà Thạc sĩ Hoàng Việt đề cập, New Delhi đã có kinh nghiệm vận hành các loại tàu ngầm Kilo sản xuất từ Nga, mà hiện Việt Nam đang có sáu chiếc. Ấn độ trong quá khứ cũng có kinh nghiệm tiêu thụ các loại vũ khí của khối Liên Xô cũ sản xuất, trong đó có loại hỏa tiễn BraMos có nguồn gốc từ Nga, nhưng được các nhà sản xuất vũ khí Ấn Độ phát triển thêm.
Quan hệ chính trị và ngoại giao
Về quan hệ chính trị và ngoại giao, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng mặc dù Ấn Độ có quan hệ với Trung Quốc nhưng lúc nào cũng đóng vai trò một Quốc gia độc lập, và đang có khuynh hướng phát triển các quan hệ của mình về phía Đông, tức là với các Quốc gia Đông Nam Á.
Phân tích quan hệ chính trị ngoại giao tay ba giữa Ấn Độ, Việt Nam, và Trung Quốc, tờ báo the Epoch Times đăng bài của nhà nghiên cứu Sampa Duku, số đăng vào đầu tháng tư, nhắc lại chiến dịch can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia năm 1979 để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, và vào thời điểm đó Ấn Độ đã chọn việc ủng hộ Việt Nam.
Trong quan hệ Việt Nam Ấn Độ, nhà nghiên cứu Sampa Duku còn kể thêm một tác nhân nữa là quan hệ nồng thắm giữa Trung Quốc và Pakistan, quốc gia có những quan hệ phức tạp và đôi khi thù địch với Ấn Độ.
Tờ Epoch Times trích những nguồn tin khác nhau nói rằng Bắc Kinh đang bán các loại tàu ngầm hiện đại cho Pakistan, đồng thời có khả năng sẽ triển khai hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc tại các căn cứ hải quân của Pakistan nằm sát bên Ấn Độ. Trong tình hình đó ông Sampa Duku nói rằng nếu Ấn Độ muốn trở thành một cường Quốc vùng Ấn Độ Dương Thái Bình Dương thì không thể không kết thân với Việt Nam, quốc gia có triển vọng trở thành cường quốc hải quân ở Đông Nam Á.
Trở lại vấn đề mua vũ khí để tăng cường tiềm lực quân sự của Việt Nam, thạc sĩ Hoàng Việt nói rằng ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đang tìm đến những nhà cung cấp khác như Israel, và nhất là Hoa Kỳ.
Vấn đề thương mại như vậy cho nên vấn đề biển Đông có thể là một lá bài để Mỹ có thể khiến Trung Quốc thỏa hiệp những vấn đề khác…
– Thạc sĩ Hoàng Việt
Tuy nhiên từ sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam được dỡ bỏ, vẫn chưa có tiến triển gì được công bố.
Khi được hỏi là trong tình hình hiện tại, khi nước Mỹ dưới quyền điều hành của chính quyền ông Donald Trump có khuynh hướng co cụm lại sẽ để chỗ trống quyền lực ở biển Đông cho Trung Quốc trám vào hay không? Ông Hoàng Việt nói rằng nước Mỹ thời ông Trump muốn gây sức ép về thương mại với Trung Quốc:
“Vấn đề thương mại như vậy cho nên vấn đề biển Đông có thể là một lá bài để Mỹ có thể khiến Trung Quốc thỏa hiệp những vấn đề khác, vì thế cho nên vấn đề biển Đông kể cả dưới thời tổng thống Donald Trump cũng sẽ không lơi lỏng mà còn có thể được đẩy mạnh, vì đó là một ưu thế của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên ông Hoàng Việt cũng nói rằng hãy còn sớm để nói được điều gì về vai trò mới của Mỹ, khi mà ông Trump có những tuyên bố lúc đầu rất mạnh bạo, nhưng sau đó lại không có gì, tức là một chính sách mới của Mỹ về Biển Đông chưa hình thành.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-india-military-relation-kh-04032017113719.html
Đền bù cho biển nhiễm độc có thỏa đáng?
Cho đến thời điểm hiện nay, biển nhiễm độc đã một năm, quãng thời gian đủ dài để hàng loạt doanh nghiệp hải sản và hàng quán ven biển phải phá sản, dẹp tiệm và hàng triệu ngư dân lâm vào khốn khó.
Formosa đền bù không thỏa đáng và nhà nước đã hành xử không hợp lý.
Ngư dân rên xiết
Một phụ nữ tên Hiếu, sống ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Từ hồi biển chết tới giờ, bọn em từ thua lỗ tới thua lỗ bởi vì nuôi cá không được, mà nuôi được bán cũng không ai dám ăn (vì bà Hiếu nuôi cá nước lợ). Còn đền bù thì có đền bù gì đâu ngoài chuyện hỗ trợ sáu tháng ăn. Biển chết mấy chục năm mà đền bù cho ngư dân, người nuôi cá sáu tháng ăn thì sống như thế nào đây? Lưới liếc gì giờ cũng bỏ chứ có dám đi đánh bắt chi mô! Gia đình em vừa đi đánh bắt vừa nuôi cá, trước đây thu nhập khá ổn định. Một năm trở lại đây thì chỉ có thua lỗ thôi! Mà chưa nói đến chuyện nhiễm độc. Biển bây giờ hết cá rồi. Đi đánh về ăn cũng không có nữa chứ đừng nói đánh về bán. Dân ở đây bị nhiễm độc hết rồi, chán lắm!”.
Bà Hiếu cho biết thêm là vấn đề bức xúc của hầu hết ngư dân, cũng như các gia đình kinh doanh liên quan đến biển nằm ở chỗ sau gần một năm, sức khỏe của nhiều người xuống thấy rõ. Không còn rắn rỏi và mạnh mẽ như thời biển chưa nhiễm độc. Bà chỉ mong muốn chính phủ có động thái giúp dân kiểm tra sức khỏe một cách hiệu quả và chính xác để dân yên tâm làm ăn.
Biển chết mấy chục năm mà đền bù cho ngư dân, người nuôi cá sáu tháng ăn thì sống như thế nào đây?
– Bà Hiếu, Quảng Bình
Hơn nữa, vấn đề công tâm và tử tế trong giải quyết đền bù cần phải được lưu tâm đúng mực. Bà Hiếu giải thích thêm là bà muốn nói đến chuyện minh bạch cũng như sòng phẵng của cơ quan chính quyền đại phương khi giải quyết đền bù. Khoảng tiền 500 triệu Mỹ Kim mới nghe thì lớn nhưng nếu chia đều cho 5 triệu ngư dân thì mỗi người chỉ được 100 Mỹ kim. Trong khi đó, ngư dân và những gia đình liên quan đến kinh tế biển ở miền Trung cũng ngót nghét năm triệu người. Đó là chưa muốn nói đến việc các bộ, ngành mỗi nơi ngắt một miếng trong gói đền bù 5 triệu Mỹ Kim này để làm dự án dạy nghề, đào tạo gì đó.
Ví dụ của bà Hiếu được đặt trong bối cảnh đền bù công bằng, sòng phẵng mặc dù chưa thỏa đáng. Ngược lại, hiện nay đã có quá nhiều khuất tất trong đền bù cho người thiệt hại vì biển nhiễm độc. Bà Hiếu nói rằng ngay trong xã của bà có đến hai trường hợp làm cán bộ nhà nước, chỉ nuôi một ao tôm nhỏ và khi biển nhiễm độc thì họ đã xuất tôm, không mất thứ gì nhưng khi đền bù, họp được ưu tiên nhận trước, nhận số tiền cao ngất ngưỡng, nói nôm na là nhận tiền tỉ, đủ để xây nhà, mua xe hơi.
Trong khi đó, các gia đình nuôi tôm, nuôi cá nước lợ bị chết hàng loạt do biển nhiễm độc thì chờ dài cổ vẫn không thấy tiền đền bù, chỉ nhận được khoản hỗ trợ sáu tháng ăn là chấm dứt từ đó đến nay. Và cũng theo bà Hiếu, chuyện này xảy ra trên khắp các tỉnh có biển nhiễm độc. Bà khẳng định lời bà nói chính xác 100%. Nếu không tin, ông Thủ tướng vui lòng cho thanh tra về rà soát danh sách đền bì và điều tra thực trạng sẽ thấy ngay vấn đề tham nhũng, giả đau ăn tiền, đạp lên mồ hôi và nước mắt của nhân dân mà ăn cũng như vứt danh dự của một cán bộ nhà nước, một đảng viên vào sọt rác để mà ăn tiền!
Nhà nước giải quyết có thỏa đáng?
Một cán bộ ngành thương nghiệp đã nghỉ việc, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Các ông phải làm việc cho có khoa học một chút mới được. Bởi đây là chính sách vĩ mô (có liên quan đến vận mệnh quốc gia) mà các ông cứ giải quyết theo kiểu manh mún, lấy vài ba chục triệu đồng cho dân làm như mồi nhử. Cuối cùng mấy chục năm sau họ sống bằng gì? Làm gì để sống thì các ông không nói đến. Lẽ ra các ông phải bàn về biển, phải yêu cầu Formosa làm sạch môi trường biển trước, sau đó yêu cầu đền bù cho các hộ dân…”.
Theo vị này, điều làm ông bức xúc nhất chính là cách giải quyết hết sức ầu ơ và thiếu trách nhiệm của chính quyền trung ương. Bởi lẽ, vấn đề đền tiền của Formosa là hết sức vô lý. Tập đoàn này đã làm nhiễm độc cả một dãy bờ biển miền Trung, hải sản chết hàng loạt nhưng sau đó, Formosa chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ nhoi để đền bù cho phần biển họ giết hại.
Vị cán bộ này cho rằng nếu cộng tất cả thu nhập của ngư dân, người kinh doanh hải sản, hàng quán và du lịch dọc duyên hải miền Trung lại thì khoản tiền này chưa bằng thu nhập trong một tuần lễ của các nhóm ngành, nghề này lại. Và đền bù cho những tổn thất say khi giết biển mà nghe cứ như hỗ trợ, cứu đói cho các ngư dân. Biển vẫn bị dơ dáy, nhiễm độc và chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng này.
Theo vị cán bộ này, vấn đề đền bù, giải quyết sau khi biển nhiễm độc, nếu nhà nước thực sự có năng lực thì phải buộc Formosa đền bù thiệt hại cho ngư dân và ngay tức khắc phải cải tạo môi trường biển, phải trồng các loại thực vật biển đã chết, phải gấp rút lấy lại môi trường nước sạch để các loài hải sản có chỗ tồn tại, cư trú và sinh sản.
Lẽ ra các ông phải bàn về biển, phải yêu cầu Formosa làm sạch môi trường biển trước, sau đó yêu cầu đền bù cho các hộ dân…
– Một cán bộ
Chuyện không chỉ đơn giản đền bù vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng cho ngư dân là đủ. Bởi theo ông, cách làm này có tính nhử mồi nhiều hơn là đền bù tử tế. Bởi ai cũng biết, người lao động Việt nam là lao động của một nước nghèo, họ phải sang tận các nước nghèo như Campuchia, Lào, Trung Quốc để làm chui. Đồng tiền đối với người lao động rất lớn, khi họ khốn khó, họ chỉ biết trông chờ sự hỗ trợ và đền bù tứ nhà nước cũng như Formosa. Có được đồng nào họ mừng đồng đó.
Trong khi đó, vấn đề quản lý nhà nước thuộc tầm vĩ mô, không thể xử sự theo kiểu manh mún được đồng nào hay đồng đó là qua chuyện. Mà chính phủ, nhà nước phải tính đến kinh tế lâu dài cho dân như nó vốn là thế. Vịu này giải thích thêm về cái ông gọi là chính sách vĩ mô. Ông cho rằng ngay từ đầu nhà nước và chính phủ đã sai lầm khi tỏ ra mừng rỡ vì đã buộc Formosa nhận tội xả độc vào biển để yêu cầu họ đền 500 triệu Mỹ kim.
Lẽ ra, không nên quyết về số tiền đền bù theo kiểu thống kê sơ sài gia đình nào thiệt hại và thiệt hại bao nhiêu. Việc thống kê này chỉ diễn ra trong vòng ngót nghét một tháng với kiểu làm việc qua loa chiếu lệ của các cơ quan địa phương mà lẽ ra phải đưa những thống kê này vào phần sau khi giải quyết môi trường biển.
Nghĩa là mời chuyên gia các nước có kinh nghiệm yêu cầu đền bù biển như Mỹ, Nhật, những nước từng bị các tập đoàn kinh tế làm nhiễm độc biển và nhân dân của họ đền bù hàng chục tỉ Mỹ Kim, chuyên gia của họ sẽ thống kê, dự toán thiệt hại. Sau khi đền bù về biển thì đền bù cho thiệt hại nhân dân. Bởi biết được thời gian biển chết kéo dài bao lâu để ước tính khoản thiệt hại của nhân dân vùng biển mới có thể đền bù. Đằng này chỉ rót vài đồng lẻ như là cứu đói.
Mà cứu đói cũng không được danh dự cho mấy bởi hầu như không có cán bộ nào sạch sẽ, không bị run tay khi cầm khoản đền bù của dân. Ở đây, câu chuyện danh dự quốc gia và sỉ nhục dân tộc đã bị giới cán bộ rẻ rúng và đạp lên vì những đồng tiền đền bù!