Tin Việt Nam – 03/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt  Nam – 03/03/2020

Nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm chính

trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là đơn vị tổng thầu chịu trách nhiệm chính trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn và chậm tiến độ.

Đây là nội dung Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) về việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Theo văn bản trả lời cử tri TP.HCM được truyền thông trong nước trưng dẫn vào ngày 3/3, Bộ GTVT cho biết bộ này là chủ đầu tư của dự án đường sắt Cắt Linh-Hà Đông và một số cơ quan trực thuộc bộ này chịu trách nhiệm về công tác quản lý điều hành dự án, chất lượng lập dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, giám sát tiến độ thi công, chất lượng, giá thành xây dựng…

Bộ GTVT cho biết thêm hiện đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc để xác định rõ trách nhiệm của các bên và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dài khoảng 13km, được dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu đô la Mỹ (USD) và đến năm 2019, dự án đã đội vốn lên đến 886 triệu USD.

Bộ GTVT cho biết đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa được đưa vào khai thác là do một số hạng mục thiết bị cần được hoàn thành xử lý trước khi nhà thầu bàn giao và vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, các nhân viên của nhà thầu Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau đợt nghỉ tết nguyên đán vì bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cũng tin liên quan đến đường sắt đô thị tại Việt Nam, truyền thông trong nước trong cùng ngày 3/3 dẫn nguồn từ Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sắp chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2021.

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết dự án đạt tiến độ khoảng 71% khối lượng và đoàn tàu của Metro sẽ được nhập khẩu về nước trong tháng 6/2020. Dự kiến, quý III năm 2020, đoạn trên cao từ Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9, TP.HCM và Bình Dương) sẽ được tiến hành chạy thử.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-chinese-contractor-is-mainly-responsible-for-catlinh-project-03032020071350.html

 

Thời tiết cực đoan

gây nhiều thiệt hại tại một số tỉnh ở VN

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương vè phòng chống thiên tai vào ngày 3/3 thông báo cho biết, mưa đá và dông bất ngờ xuất hiện gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang…

Theo ông Trần Văn Quế chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thì trận mưa đá bất ngờ với mật độ dày đặc đã khiến khoảng 200 căn nhà tại khu vực này bị hưa hại, 20 hecta hoa màu, 20 hecta lúa bị thiệt hại nặng nề, tình trạng giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, ước tính thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng.

Tại thành phố Yên Bái cũng xảy ra tình trạng mưa đá kèm dông khiến cả thành phố mất điện, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Có 4 người bị thương do mái tôn và ngói rơi trúng, trong đó có 1 người bị chấn thương sọ não đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái,

Cũng trong cùng ngày, tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang  mưa rào và dông kèm sét đã đánh trúng trạm biến áp gây phóng điện làm chết 1 người và 10 người khác bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng đang cấp cứu. Mưa dông cũng gây thiệt hại về nhà và hàng chục hecta hoa màu tại thành phố Hà Giang và các khu vực xung quanh.

Tại khu vực phía Nam, vào ngày 3/3 văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chính thức ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Hiện các cơ quan chức năng cùng với các đơn vị liên quan đang khẩn trương xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán, huy động mọi nguồn lực triển khai phương án ứng phó hạn hán theo các phương án đã được phê duyệt trước đó. Trước đó, truyền thông nhà nước cũng đã đưa tin về việc đầu tháng 3/2020 do ảnh hưởng của hạn hán, xâm ngập mặn kéo dài đã khiến nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau khô cạn gần như hoàn toàn. Thực tế trên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu các công trình về giao thông thủy lợi của tỉnh này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/extreme-climate-wreaks-much-have-to-various-provinces-in-vn-03032020072556.html

 

Vụ Đồng Tâm: Luật sư nói các ông Hiểu,

Chức mang thương tích, còn sống

Hai luật sư hôm 3/3 cho biết các ông Bùi Viết Hiểu và Lê Đình Chức “vẫn sống” và mang trên người một số thương tích, sau khi bị bắt trong vụ cảnh sát Việt Nam đột kích vào xã Đồng Tâm, Hà Nội, hồi đầu tháng 1.

Ông Hiểu và ông Chức cùng 20 người khác bị công an bắt hôm 9/1 và bị khởi tố sau đó 4 ngày trong vụ án được nhà chức trách gọi là “đặc biệt nghiêm trọng”. Trong khi đó, giới hoạt động vì tiến bộ xã hội lại xem vụ việc là một “tội ác rất lớn” của phía chính quyền.

Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017, lên đến đỉnh điểm là cuộc đột kích cách đây gần 2 tháng.

Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào các ngôi nhà của ông và con cháu ở xung quanh.

Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một “giếng trời” trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.

Luật sư Hà Huy Sơn hôm 3/3 cho VOA biết ông Bùi Viết Hiểu, người được xem là nhân vật số 2 sau thủ lĩnh Lê Đình Kình, hiện vẫn còn sống và có một số thương tích.

“Tôi gặp ông Hiểu khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Ông Hiểu nói rằng từ khi tạm giam ông ko bị đánh đập, tra tấn”, luật sư Sơn kể lại với VOA.

Ông Hiểu, 77 tuổi, cho hay trong tháng 1 ông trải qua ba cuộc phẫu thuật vì bị thủng tá tràng, đứt đại tràng và vỡ xương bàn chân, hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo, theo lời luật sư Sơn.

Khi được VOA hỏi liệu các thương tích này là do đạn bắn hay nguyên nhân nào khác, luật sư trả lời rằng ông chưa thể cung cấp thông tin vụ việc vẫn trong giai đoạn điều tra. Ông Sơn nói thêm ông được con gái ông Hiểu “mời” bào chữa cho bị can này.

Hơn 20 bị can trong đó có ông Hiểu bị khởi tố về các tội danh giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chưa rõ nhà chức trách sẽ áp các điều khoản và mức hình phạt cụ thể thế nào đối với các bị can, theo lời luật sư.

Về hai bị can khác là các con trai ông Lê Đình Kình, luật sư Lê Văn Hòa trong cùng ngày 3/3 thông báo với gia đình của họ rằng ông Chức “vẫn sống chứ không chết như tin đồn”, và ông Công không có vấn đề gì bất thường về thể chất và sự minh mẫn.

Viết trên Facebook cá nhân, luật sư Hòa cho biết ông cũng đã dự cung cùng công an Hà Nội với hai bị can kể trên và gia đình họ có thể “yên tâm”.

Tuy nhiên, ông Hòa cho hay ông Chức bị “vỡ đầu” trong vụ đột kích rạng sáng 9/1 và vết thương này gây hiện tượng “có lúc nhớ lúc quên” và nửa người bên trái “vẫn bị liệt”. Mặc dù vậy, ông Chức nói rằng tình trạng liệt nửa người “có dấu hiệu đỡ hơn”, luật sư Hòa thuật lại trên trang cá nhân.

Trong khi đó, ông Lê Đình Công đi lại và có trí nhớ “bình thường”, ngoài ra, các vết thâm trên mặt có thể thấy trong video “thú tội” được đài VTV chiều hồi tháng trước “nay không còn nữa”, luật sư cho biết.

Vài tuần sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam, đưa lên mạng hai bài phân tích mang tên “Tội ác Đồng Tâm” dài tổng cộng 66 trang.

Trong đó hai bài này, giáo sư Phú, hiện cũng là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Đức, liệt kê nhiều bằng chứng để khẳng định người dân Đồng Tâm “hoàn toàn vô tội”, ông Lê Đình Kình bị công an “tra tấn và giết hại hết sức man rợ”, và ba công an bị chết thiêu “không thể” do nhân dân Đồng Tâm gây ra mà là việc làm của công an “nhằm đổ tội cho dân Đồng Tâm”.

Theo quan sát của VOA, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan báo chí thuộc chính quyền đưa ra các phát ngôn và nhiều bài viết dài thể hiện quan điểm rằng công an không đàn áp người dân Đồng Tâm, một số người địa phương đã sai khi “chống người thi hành công vụ”, và việc các nhà hoạt động “phát tán” thông tin về vụ Đồng Tâm là hành động “chống phá”.

Giới hoạt động và những người ủng hộ nhân dân Đồng Tâm bác bỏ những quan điểm nêu trên và kêu gọi “điều tra độc lập” với hy vọng chỉ có như vậy mới “bảo vệ được sinh mạng mong manh” của những người dân đang bị giam giữ, hiện đối mặt với mức án cao nhất có thể lên đến “tử hình”.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-dong-tam-cac-ong-hieu-cong-chuc-mang-thuong-tich-con-song/5312857.html

 

Đàn áp thân nhân để áp lực người đấu tranh:

 ‘mưu hèn, kế bẩn’ của Hà Nội!

Diễm Thi, RFA

Đối với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam thì viễn cảnh bị sách nhiễu, bị đàn áp, bị làm nhục, thậm chí bị bắt giam là điều họ đã chuẩn bị và chấp nhận. Thế nhưng chuyện đàn áp thân nhân của họ khiến nhiều người phải chùn bước.

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) hôm 2 tháng 3 ra thông cáo báo chí về tình trạng chính phủ Hà Nội sách nhiễu, quấy rối gia đình ông Bùi Thanh Hiếu, tức Blogger Người Buôn Gió. Trong số những người thân của ông có cả người mẹ 86 tuổi đang phải nằm viện.

Ông Bùi Thanh Hiếu là một nhà báo độc lập, hiện đang sống tại Đức.

Thông cáo trích dẫn thông báo ngưng viết của ông Hiếu trên facebook cá nhân và cho rằng chính quyền lợi dụng việc này để buộc ông phải tuân theo sự điều khiển của họ, chịu sự kiểm soát của họ.

RSF dẫn lời ông Daniel Bastard, người phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức này rằng, cách mà an ninh Việt Nam đang làm để bịt miệng một tiếng nói bất đồng chính kiến thật đáng khinh bỉ và kêu gọi Đại sứ quán Đức ở Hà Nội giám sát những hành vi quấy rối của cơ quan chức năng đối với gia đình ông Bùi Thanh Hiếu.

Thân nhân Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức cũng bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ được ông viết trên facebook cá nhân hôm 4 tháng 2 năm 2020 với câu mở đầu là “Cộng sản Việt Nam thù chồng, phạt vợ”.

Đợt này nó cho cả cán bộ địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên của xã đến ‘đấu tố’ mẹ em rằng không dạy em được em, rằng có con trai là phản động… nói chung là tuyên truyền các kiểu. – Ông Đường Văn Thái

Ông kể, vợ ông là Vũ Minh Khánh về Việt Nam để thăm gia đình. Khi tới sân bay Nội Bài lúc 7 giờ sáng ngày 4 tháng 2 năm 2020 thì an ninh cho hay bà Khánh không được nhập cảnh Việt Nam vì liên quan tới các công việc của ông trước và sau khi rời Việt Nam. Vợ ông trả lời rằng không biết và không quan tâm tới những công việc của chồng, nhưng họ vẫn không cho bà Khánh nhập cảnh và ép bà lôi lên máy bay trở về Đức hai tiếng sau đó.

Một trường hợp khác là ông Đường Văn Thái, một người đấu tranh hiện đang tạm lánh ở Bangkok, Thái Lan nhưng mẹ già và con trai ở ngoại thành Hà Nội thường xuyên bị đàn áp, sách nhiễu. Con trai ông đi học bị cô giáo gọi vào bảo ‘bố là phản động’, mẹ thì bị an ninh bắt ký giấy nhận tội thay con trai vì ‘không biết dạy con, để con làm phản động’.

Ông kể, khi ông đăng tải những thông tin liên quan đến dịch COVID-19 mà chính quyền giấu diếm lên Youtube, thì hôm 5 tháng 2 năm 2020, an ninh ở Hà Nội; A67 của Bộ Công An và công an địa phương vào nhà ông tra hỏi, hạch sách mẹ ông từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều mới buông tha dù không lấy được chữ ký nào của bà cụ.

“Họ bắt mẹ em ký biên bản nhận tội thay em. Nhà em bị hạch sách, quấy rối từ năm 2012 đến nay rồi nhưng mẹ em không bao giờ ký giấy tờ gì cả. Đợt này nó cho cả cán bộ địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên của xã đến ‘đấu tố’ mẹ em rằng không dạy em được em, rằng có con trai là phản động… nói chung là tuyên truyền các kiểu.”

Ông Đường Văn Thái bị phía cơ quan và chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Khi ông mạnh mẽ lên tiếng phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016.

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già gọi cách mà nhà cầm quyền đang làm thể hiện sự bất lực của họ với giới đấu tranh. Ông nói:

“Cách hành xử dùng người thân để gây áp lực cho những người đấu tranh thì tôi nghĩ đó là một hình thức khủng bố về tinh thần. Cách đó thể hiện sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là hình ảnh ‘bắt cóc con tin về mặt tinh thần’. Cách hành xử đó không có tính văn minh cần phải có dù Việt Nam đã hội nhập với quốc tế khá sâu và khá lâu.

Trong tình hình hiện nay mà họ vẫn sử dụng cách thức lạc hậu, cổ lỗ thì đó là điều rất đáng xấu hổ đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

Có hiệu quả hay không?

Việc đàn áp thân nhân của các nhà bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền là cách mà các thể chế độc tài thường làm, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc. Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định cách làm của chính phủ Việt Nam rập khuôn Trung Quốc.

Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders có tên”Behind the scenes of China’s forced TV’s confessions” (Tạm dịch: Phía sau những lời thú tội trên TV) đưa ra con số 45 trường hợp thú tội trên truyền hình từ năm 2013 đến năm 2018. Báo cáo có bằng chứng cho thấy những người bị tạm giam và gia đình của họ bị đe dọa, bị tra tấn và cảnh sát chỉ đạo những lời thú tội.

Việc ‘đánh’ vào người nhà như vậy liệu có tác dụng hay không? Thật ra nếu không có kết quả thì họ không làm, dù kết quả họ đạt được có thể đến từ nhiều lý do mà các nhà đấu tranh không muốn nói ra, như trường hợp blogger Người Buôn Gió.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Vũ nhận định về cách hành xử của chính quyền với thân nhân người đấu tranh, cụ thể là ông Thái và blogger Người Buôn Gió, qua ứng dụng messenger:

“Cách hành xử ấy là một cuộc trả thù quá hèn hạ. Sự trả thù có hệ thống như thế ít nhiều có hiệu quả vì đa số người hoạt động ở Việt Nam đều có thân nhân ở Việt Nam. Sự trả thù hèn hạ ấy là có sự tính toán kỹ lưỡng, có khi đó là phương pháp cuối cùng để vô hiệu hoá các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam. Và tất nhiên, cần khẳng định những nhà hoạt động như Thái Văn Đường hay Bùi Thanh Hiếu là những người luôn mong muốn cho Việt Nam được tiến bộ và tốt đẹp về mọi mặt. Họ không làm gì sai, kể cả pháp luật Việt Nam. Nhưng hành xử của nhà cầm quyền đối với họ là một hành xử trả thù vặt, nhỏ nhen. Muốn dập tắt tiếng nói đối lập mà bất chấp vi phạm pháp luật, chà đạp lên luân lý, đạo làm người. Người cộng sản thực quá tàn bạo.”

Ông Đường Văn Thái nêu quan điểm của mình:

“Thật sự ra thì em đã lựa chọn con đường đấu tranh rồi. Đã cưỡi lên lưng hổ rồi thì không bao giờ xuống. Em vẫn đấu tranh bình thường. Anh Hiếu thì bà cụ quá yếu và đang nằm viện nên đành cầm lòng ngưng viết một thời gian. Em không ngại vì mẹ em khỏe và tinh thần vững lắm.

Họ càng đàn áp người thân của giới blogger, giới bất đồng chính kiến như vậy thì họ càng không thành công, bởi người thân họ đều hiểu việc làm của mình.”

Dù muốn hay không thì cũng phải nhìn nhận đó là một sự thành công của đảng CSVN. Một cách thành công nhục nhã, bởi vì không có một cái nhà nước nào mà hành xử với công dân của mình như vậy.  – Blogger Nguyễn Ngọc Già

Ông Thái phân tích thêm rằng, với những người bất đồng chính kiến trong nước thì chính quyền bắt bớ; với người dân bình thường thì họ gởi giấy mời làm việc rồi phạt tiền; với những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh hiện không ở trong nước, không ở trong tầm kiểm soát của họ thì buộc phải dùng ‘mưu hèn kế bẩn’ là đàn áp người thân trong gia đình.

Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận xét:

“Dù muốn hay không thì cũng phải nhìn nhận đó là một sự thành công của đảng CSVN. Một cách thành công nhục nhã, bởi vì không có một cái nhà nước nào mà hành xử với công dân của mình như vậy. Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi có một nhà nước như vậy nhưng tôi không ngạc nhiên, bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không phải do dân bầu lên!”

Biện pháp của chính phủ Việt Nam cho bắt bớ, bỏ tù những tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động bị nhiều quốc gia dân chủ và các tổ chức quốc tể tố cáo là một hình thức vi phạm nhân quyền, vi phạm những công ước quốc tế mà Hà Nội từng tham gia ký kết. Trong những sự kiện trên diễn đàn toàn cầu, đại diện Việt Nam luôn bác bỏ những tố cáo như thế; tuy nhiên trong thực tế những tiếng nói đối lập, những nhà hoạt động đấu tranh luôn nêu ra những hành động của lực lượng chức năng mà theo họ là ‘mưu hèn, kế bẩn’ của cơ quan chức năng các cấp nhằm lung lạc ý chí đấu tranh cho một đất nước Việt Nam dân chủ, tất cả được hưởng mọi quyền căn bản của con người.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/persecuting-relatives-is-the-gov-s-dirty-way-dt-03022020134350.html

 

Hải Phòng ‘tặng quà toàn dân’: nhiều bất hợp lý!

Thành phố Hải Phòng vừa quyết định chi 269 tỉ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng.

Lãnh đạo Hải Phòng đưa ra quyết định tặng quà như vừa nêu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào ngày 28 tháng 2 năm 2020.

Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố  Hải Phòng, Lê Khắc Nam khi trả lời báo chí trong nước cho biết việc tặng quà như vậy là ý nghĩa vì nhà nào cũng cần dùng ấm chén.  Theo ông, việc tặng quà cho tất cả người dân thành phố đã được đưa ra bàn công khai ở Hội đồng Nhân dân. Ông còn cho rằng, những ý kiến khác, chỉ là của số ít người dân.

Trả lời RFA hôm 2 tháng 3 năm 2020, Anh Lương Văn Trinh, một cư dân Hải Phòng cho biết ý kiến của Anh về quyết định tặng quà của thành phố cho dân như vừa nêu:

“Ấm chén thì nói chung nhà nào cũng có, nhà nào cũng có một hai ba bộ rồi… giờ tặng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Theo tôi, nên dùng đồng tiền đó chi cho những việc khác như xây trường học hay giúp các gia đình nghèo chẳng hạn, nhiều hộ dân còn nghèo lắm… Còn tặng cờ thì có phải ngày nào mình cũng treo đâu, cờ tổ quốc thì những ngày trọng đại mình mới treo chứ bình thường mình treo ở đâu?”

Ngoài ra, dư luận trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng, khi cả nước đang chống chọi với dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố Hải Phòng nên dùng số tiền này mua khẩu trang, nước sát khuẩn… phát miễn phí cho người dân.

Ấm chén thì nói chung nhà nào cũng có, nhà nào cũng có một hai ba bộ rồi… giờ tặng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Theo tôi, nên dùng đồng tiền đó chi cho những việc khác như xây trường học hay giúp các gia đình nghèo chẳng hạn, nhiều hộ dân còn nghèo lắm.

-Lương Văn Trinh

Trung tá quân đội về hưu Vũ Minh Trí, nhận định với RFA hôm 2 tháng 3 năm 2020, về việc chính quyền thành phố Hải Phòng tặng cờ và ấm chén cho dân:

“Đó là việc không hợp lý, lãng phí và không cần thiết. Thật ra thì tiền cần làm gì thì có lẽ người dân và chính quyền sẽ biết rõ hơn rất là nhiều, còn tôi nghĩ ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều các loại quỹ mà người dân chúng tôi vẫn phải đóng góp như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì  người nghèo, quỹ khuyến học… họ thu trực tiếp hay vận động tùy tâm… thì tôi nghĩa tiền 269 tỷ mua quà đem chi cho các quỹ đấy thì hợp lý hơn.”

Theo kết quả điều tra về hộ nghèo và hộ cận nghèo, của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố năm 2019 theo chuẩn nghèo quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo là 0,72% tương ứng 4.348 hộ nghèo; Tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,14% tương ứng 12.971 hộ cận nghèo.

Với ý kiến thay vì tặng quà, nên tặng tiền cho dân, ông Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hải Phòng, Lê Khắc Nam cho rằng: ‘tặng quà để kỷ niệm ngày Hải Phòng giải phóng mà trao bằng tiền thì còn gì là ý nghĩa? Nói là 269 tỉ đồng nhưng mỗi suất chỉ có chưa đầy 500.000 đồng’… ông còn cho rằng việc chi 269 tỉ đồng là phù hợp với điều kiện của Hải Phòng và không hề lãng phí.(!?)

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 2 tháng 3 năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS đã tự giải thể, nói:

Tôi nghĩ hoàn toàn không hợp lý chút nào xét về mặt xả hội và kinh tế, vì nếu họ thật sự muốn lo cho dân thì số tiền đó phải dùng để phát triển hạ tầng cơ sở, xây trường học, cải thiện bệnh viện, chăm sóc công viện.

-Nguyễn Quang A

“Tôi nghĩ hoàn toàn không hợp lý chút nào xét về mặt xả hội và kinh tế, vì nếu họ thật sự muốn lo cho dân thì số tiền đó phải dùng để phát triển hạ tầng cơ sở, xây trường học, cải thiện bệnh viện, chăm sóc công viện.v.v… Thay cho việc tặng quà cho dân là lá cờ và bộ ấm chén. Chắc chắn bộ ấm chén đó sẽ quảng bá cho chính quyền Hải Phòng, xét về mức độ xã hội, hay cho nhân dân thì cái đấy là hoàn toàn phi lý. Nhưng xét về khía cạnh của đảng ủy thành phố Hải Phòng, thì rất hợp lý.”

Bởi vì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chế độ độc tài rất quan tâm đến biểu tượng. Chẳng hạn tặng cờ xong bắt người dân lễ hội nào cũng phải treo cờ, làm cho cả địa phương đỏ rực cờ lên. Đấy là biểu tượng rất mạnh của chế độ. Ông nói tiếp:

“Cũng như bộ ấm chén ghi là công của đảng ủy hay UBND TP Hải Phòng, thì người dân lúc nào sử dụng cũng thấy đó là công lao của đảng và chính quyền Hải Phòng… Làm khác sâu vào tâm trí người dân việc biết ơn chính quyền, mà khỏa lấp một chuyện rất hiển nhiên là tiền mua đồ tặng đó họ lấy từ tiền thuế của nhân dân, để phục việc cho mục đích rất tự ti của chính quyền.”

Theo ông Nguyễn Quang A, đấy là thủ thuật không lạ gì với tất cả chế độ độc tài. Nó làm cho người dân vô hình trung đồng nhất với chế độ mà có thể mình không đồng ý với nó về nhiều mặt. Nói cách khác, nó chủ ý củng cố niềm tin của người dân vào chế độ ấy.

Đây không phải là lần đầu tiên việc tặng quà duy ý chí xảy ra ở Việt Nam, vào năm 2019, Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Qua đó tặng cờ cho các địa phương có nhiều ngư dân đi đánh bắt xa bờ và trở thành nạn nhân của những vụ đâm tàu, bắt bớ, đánh đập bởi tàu của các nước khác.

Trả lời RFA hôm 2 tháng 3 năm 2020, Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam, nói:

“Cái này do thành phố Hải Phòng thôi, còn đối với chúng tôi thì tặng cho ngư dân cờ thì chúng tôi hoan nghênh, vì đó là công việc thiết thực và ý nghĩa. Còn thành phố Hải Phòng thì họ tặng chung cho nhân dân, theo chúng tôi nếu Hải Phòng tặng riêng cờ cho ngư dân thì thiết thực hơn.”

Ngoài việc tàu Trung Quốc thường xâm phạm vùng biển Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Malaysia cũng cho biết từ năm 2006 đến 2019, nước này đã bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7.000 ngư dân bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Malaysia. Indonesia vào năm 2019, cũng đánh chìm 38 tàu cá Việt Nam với cáo buộc các tàu này đã xâm phạm vùng nước của Indonesia.

Tuy nhiên,một số ngư dân bị Indonesia bắt giữ từng cho Đài  Á Châu Tự Do biết, họ đã đi đánh bắt ở tọa độ được Biên phòng Việt Nam xác nhận là trong vùng biển Việt Nam.

Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc trao cờ cho ngư dân bám biển là cần thiết, nhưng trong tình hình hiện nay, cái họ cần hơn là những con tàu, là tài sản và tính mạng của họ phải được bảo vệ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hai-phong-presents-gifts-to-the-whole-people-joyful-or-worried-03022020124839.html

 

Năng lực lập pháp yếu ảnh hưởng xấu kinh tế thị trường

LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội

Luật tổ chức Quốc hội Việt Nam đang được đưa ra bàn thảo sửa đổi, đang có đề xuất dành 5% số ghế đại biểu cho các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã đến tuổi hưu nhưng vẫn còn khả năng công tác.

EVFTA: Cơ hội đổi mới và thách thức nhân quyền cho Việt Nam?

Con đường chính trị của ông Vương Đình Huệ

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một facebooker hay phản biện chính sách lo ngại rằng, đó rồi sẽ lại là những gương mặt cũ mèm ở các bộ ban ngành đoàn thể lâu nay mà thôi.

Về vấn đề này tôi có ý kiến như sau.

Xuất phát từ vai trò của Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, đại diện cho các nhóm dân chúng, các ngành nghề, các thành phần trong xã hội, đó là những nhóm người có chung lợi ích và khác với những nhóm khác.

Ví như có Đại biểu đại diện cho công nhân, đó có thể là những lãnh đạo công đoàn có uy tín, có đại biểu đại diện cho nông dân là người đã đạt thành tựu về trồng cấy chăn nuôi được nhiều người biết đến.

Hoặc có đại biểu đại diện cho nhóm doanh nghiệp bất động sản, đại biểu khác đại diện cho nhóm ngành vật tư y tế.

Hoặc có đại biểu đơn thuần đại diện quyền lợi cho người dân bình thường mà đối với từng chính sách khác nhau họ có thể có quan điểm tùy nghi ủng hộ hay phản đối.

Mặt khác, trong đời sống luôn có những vấn đề phát sinh cần giải quyết đối với các nhóm dân chúng.

Hoặc đang trong điều kiện bình thường nhưng lại được đặt ra thúc đẩy cải thiện cho tốt hơn.

Nguồn lực quốc gia là có giới hạn

Trong khi chúng ta biết rằng nguồn lực quốc gia là có giới hạn, không phải vô tận, ngân sách luôn hạn hẹp so với nhu cầu, cho nên các Đại biểu đại diện cho các nhóm quyền lợi sẽ phải đấu tranh để giành lợi ích cho nhóm mà mình đại diện.

Bằng cách lên tiếng cho vấn đề cần giải quyết, đưa ra các dự án luật, liên tục rêu rao cho vấn đề để nhận được sự quan tâm của xã hội và thấy được tính quan trọng cần kíp.

Chung cuộc Quốc hội sẽ biểu quyết theo đa số cho những vấn đề được đánh giá là quan trọng và cấp thiết hơn, thông qua hay bác bỏ những dự án luật, trong quá trình đó các đại biểu và đằng sau đó là các nhóm lợi ích, các đảng phái phe nhóm chính trị sẽ phải thỏa hiệp với nhau.

Như thế Đại biểu Quốc hội phải là một người đấu tranh cho quyền lợi, và thường trước khi được bầu trở thành Đại biểu họ cũng thường là những nhà hoạt động vì lợi ích cộng đồng, bản chất cũng là những người đấu tranh cho quyền lợi.

Còn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thì bình thường họ có thể đưa ra ý kiến tư vấn.

Nhưng họ không có tính cách nhiệt huyết của những nhà hoạt động, những người đấu tranh cho quyền lợi.

Vậy họ có thích hợp làm Đại biểu Quốc hội không, nhất là khi họ đã quá tuổi hưu?

Nói ra đến đây, nhiều người sẽ cho rằng vấn đề là mô hình cách thức tổ chức quyền lực ở Việt Nam khác với các nước, cho nên vai trò bản chất của Đại biểu Quốc hội cũng khác.

Nhưng thực chất sự khác nhau không nhiều, trong khi những điểm giống nhau về chức năng nhiệm vụ vai trò của Đại biểu với Nghị sĩ các nước lại lớn hơn.

Quốc hội VN hiện nay không thiếu về nguồn lực phản biện, không thiếu về nhân sự phản biện, không thiếu về tri thức phản biện, không thiếu về công tác tổ chức phản biện.

Những cái đó có ở các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, được thực hiện trong công việc hàng ngày trong mối tương tác kết hợp giữa các ban ngành lâu nay.

Thiếu mức độ tận tâm quyết liệt

Cái mà Quốc hội VN hiện nay thiếu là mức độ tận tâm quyết liệt với các lợi ích mà Đại biểu vốn được cho là đại diện.

Và thiếu năng lực tri kiến của Đại biểu trước các vấn đề thách thức đặt ra đối với đất nước và nhóm dân chúng.

Chỉ có sự tận tâm quyết liệt với lợi ích, mà mọi ngành nghề lĩnh vực đều có những đại biểu như vậy, thì mới mong nâng được chất lượng hiệu quả của sinh hoạt nghị trường.

Vì lý do đó, một cách giản dị khiêm tốn nhất trong môi trường bối cảnh VN hiện nay, tôi cho rằng nên dành con số 5% thay vì cho những người được đề xuất thì dành cho các ứng viên đại biểu độc lập.

Những người không được nhà nước cơ cấu mà bằng sự tự tin vào năng lực uy tín của mình nên đã tự đứng ra ứng cử.

Làm việc này Quốc hội sẽ có được nguồn năng lực chất lượng ngoài xã hội, gia tăng gia vị đậm đà cho sinh hoạt nghị trường.

Nhưng để làm được cũng đòi hỏi khả năng tầm vóc, bản lĩnh nhân cách lớn mới có thể làm được đối với lãnh đạo hiện nay.

Một ví dụ cho thấy công tác lập pháp yếu ảnh hưởng xấu tới kinh tế thị trường.

Condotel

Mấy năm qua người ta đang tranh cãi với nhau về việc xác định địa vị pháp lý của căn hộ nghỉ dưỡng Condotel.

Đây là loại hình sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, xuất hiện ở VN từ dăm bảy năm trở lại đây, học theo mô hình sản phẩm bất động sản đã có từ nước ngoài.

Hàng vạn căn hộ đã được xây dựng, vậy nhưng khung khổ pháp lý bị cho là thiếu hụt khiến các căn hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sử dụng.

Việc này đã làm đình trệ lưu thông cả một thị trường bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng lên đến hàng chục nghìn căn. Thiệt hại kinh tế không biết bao nhiêu mà kể.

Đây là một ví dụ mà năng lực lập pháp yếu khiến ảnh hưởng xấu tới kinh tế thị trường.

Trong trường hợp này nền lập pháp đã không đủ tích cực hiệu quả để tạo lập hành lang pháp lý, khiến sự việc tranh cãi kéo dài mấy năm qua chưa dứt.

Bình thường thì nền lập pháp tác động tới lưu thông hàng hóa trong kinh tế thị trường bằng các quy định có tính ràng buộc khiến cho thị trường kém tự do,.

Hoặc nó tác động bởi sự chậm tiến lạc hậu không theo kịp những đòi hỏi của thị trường, khi không đưa ra quy định khiến người ta không biết hành xử ra sao cho đúng luật.

Trong khi thị trường bất động sản là một phần của nền kinh tế thị trường, giá trị của thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng giá trị cao trong tổng thể nền kinh tế.

Từ đó dẫn đến những bất cập của khung khổ pháp lý của thị trường bất động sản làm cho nền kinh tế kém tính thị trường, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế, gây thất vọng cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế kinh tế quốc tế.

Trong khi VN lâu nay luôn muốn được quốc tế công nhận có nền kinh tế thị trường để được hưởng các cơ chế bình đẳng như các nền kinh tế khác về xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận vốn vay.

Thay vì bị các rào cản về xuất nhập khẩu hàng hóa, lãi suất vay vốn và hạn chế cho vay mà quốc tế họ áp đặt cho những nền kinh tế phi thị trường.

Như thế, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi ở nền lập pháp phải đủ tính năng hiệu quả, kịp thời khai thông vướng mắc cho nền kinh tế.

Hiện nay, dịch vi rút cúm đang làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, theo tính toán mới đây riêng ngành hàng không có nguy cơ sụt giảm doanh thu 25.000 tỷ đồng.

Sự đứt gãy nguồn cung cầu về nguyên liệu và sản phẩm giữa nền kinh tế VN với các nước còn đưa đến nhiều hệ lụy kinh tế khác, nhưng đó là lý do thuộc về bất khả kháng.

Còn ngược lại, có những vấn đề thuộc về chủ quan, nền lập pháp thiếu hiệu năng đã gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, ví như chuyện đang xảy ra đối với loại hình căn hộ du lịch nghỉ dưỡng Condotel hiện nay, và tương lai sẽ còn nhiều vấn đề khác,.

Để nền kinh tế pháp triển tốt thay vì cứ bước tiến bước lùi, thay vì bị phung phí tiềm năng cơ hội vì những lý do không đáng, thì cần nâng cao năng lực lập pháp, để nền lập pháp là cái thúc đẩy thay vì là nguyên nhân cản trở cho nền kinh tế.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51707132

 

Tỉnh Sơn La cho học sinh nghỉ học

chỉ sau 1 ngày trở lại trường

Vào ngày 3 tháng 3, tỉnh Sơn La phải quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi tất cả đi học trở lại hôm 2 tháng 3.

Truyền thông trong nước loan tin nêu rõ theo thông báo trước đây thì học sinh trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh Sơn La được phép trở lại trường vào ngày 2 tháng 3. Riêng trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trở lại trường vào ngày 9 tháng 3.

Tuy nhiên, sau ngày 2 tháng 3, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La phải ra thông báo mới cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học trở lại đến hết ngày 17 tháng 3 để đề phòng dịch COVID-19.

UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các trường học thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những trường hợp nghi ngờ có triệu chứng sốt, ho, khó thở và có yếu tố dịch tễ cần thông báo ngay cho trung tâm y tế huyện, thành phố để xử lý.

Tại Sơn La còn có số lưu học sinh Lào đã quay trở lại để học tập. UBND tỉnh này yêu cầu các trường cao đẳng, đại học tăng cường giám sát y tế như đo thân nhiệt, khai thác tiền sử dịch tễ, đồng thời quản lý chặt chẽ các lưu học sinh Lào trong vòng 14 ngày, không tổ chức hoạt động tập trung đông người, hạn chế tối đa việc ra ngoài ký túc xá.

Trong một diễn biến liên quan, Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục – Đào tạo, hôm 3/3 cho rằng dịch COVID-19 đã gây xáo trộn nhất định đến việc học tập của các học sinh vì phải nghỉ học, nhưng cũng là cách các em tự học ở nhà để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị các nhà trường, gia đình cần có kế hoạch hỗ trợ các em học sinh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để không bỏ phí thời gian không đến trường mà tận dụng để bổ sung kiến thức còn thiếu và yếu.

Thông báo về kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, ông Trinh nói sẽ tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy và học của giáo viên và học sinh lớp 12; tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội; đảm bảo nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để xét tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các sơ sở đào tạo.

Trước tình trạng học sinh phải nghỉ học kéo dài vì COVID-19, Bộ Giáo dục – Đào tạo năm nay đã không công bố đề thi tốt nghiệp THPT minh họa, khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh đề thi năm nay vẫn được giữ ổn định như năm 2019, và khuyến khích sử dụng đề thi tham khảo năm ngoái.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/schools-re-closed-due-to-covid-19-only-a-day-after-being-resumed-03032020073829.html

 

Việt Nam chế tạo bộ Kit

phát hiện SARS-CoV-2 theo chuẩn quốc tế

Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tuyên bố đã thành công trong việc chế tạo bộ Kit phát hiện virus SARS-Cov-2 đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Truyền thông trong nước loan tin này hôm 3/3.

Bộ Kit được công nhận đạt kết quả ngoại kiểm của Viện y học dự phòng quân đội, Bộ Quốc phòng vào chiều ngày 2/3, và được xác nhận là có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ realtime RT-PCR của WHO với độ đặc hiệu là 100%, độ nhạy là 5 copies/ phản ứng. Thời gian của quy trình phát hiện là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân.

Theo truyền thông trong nước, sắp tới Viện Công nghệ Sinh học sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều để phục vụ yêu cầu xét nghiệm quy mô lớn.

Việc chế tạo thành công bộ Kit thử được báo chí trong nước đánh giá là một bước tiến quan trọng của Việt Nam giúp góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID – 19 đang lan rộng khắp thế giới nhiều tuần qua. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập các bộ Kit này từ nước ngoài.

Tính đến ngày 3/3, số ca nhiễm COVID – 19 trên toàn thế giới là hơn 90.000 ca với số ca tử vong là hơn 3.100 ca. Việt Nam cho đến lúc này mới chỉ xác nhận 16 ca nhiễm và tất cả đều đã được chữa khỏi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-succeeds-in-making-diagnosis-kit-for-sars-cov-2-03032020080143.html

 

Tin tổng hợp 3/3: 3 hãng hàng không Việt dừng bay

tới Hàn Quốc; Yên Bái xuất hiện mưa đá

Trúc Bạch

Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 3/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau.

3 hãng hàng không Việt dừng bay tới Hàn Quốc

Trước diễn biến khó lường của dịch corona tại Hàn Quốc, Vietnam Airlines thông báo các chuyến bay của hãng này đến Hàn Quốc và ngược lại sẽ dừng từ ngày 5/3.

Tối 2/3, đại diện Vietnam Airlines cho VnExpress biết, các chuyến bay của hãng trong hai ngày 3-4/3 từ Incheon (Seoul), Gimhae (Busan) về Việt Nam sẽ hạ cánh tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ, Phù Cát (Bình Định) theo yêu cầu của nhà chức trách. Hành khách có nhu cầu hoàn vé trên các chuyến bay bị dừng sẽ được hoàn tiền hoặc chuyển đổi miễn phí sang chuyến sớm.

Trước đó, hôm 26/2, Bamboo Airways cũng đã thông báo dừng các chuyến bay từ Đà Nẵng/Nha Trang – Incheon (tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần). Jetstar Pacific cũng bay giữa Việt Nam – Hàn Quốc nhưng chỉ bay bao thuê chuyến (bay charter). Hãng đã dừng bay ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.

Trong số các hãng hàng không trong nước, đến nay chỉ còn Vietjet Air vẫn chưa thông báo dừng bay đến Hàn Quốc.

Yên Bái xuất hiện giông lốc kèm mưa đá

Tối 2/3, TP. Yên Bái xuất hiện giông lốc kèm mưa đá, nhiều nhà dân bị bay mái tôn, cột điện gãy đổ gây mất điện.

Theo người dân tại TP. Yên Bái phản ánh với Zing, trận mưa bắt đầu từ 19h và kéo dài khoảng 30 phút, khiến nhiều cụm dân cư tại thành phố mất điện. Kích thước các viên đá không quá lớn nhưng rơi xuống với mật độ dày. Đến 22h, mưa đã ngớt nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa có điện.

Cũng trong tối qua, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc cũng xảy ra mưa giông. Nguyên nhân do hội tụ gió trên mực 5.000m từ Thượng Lào di chuyển sang, tạo thành những ổ mây đối lưu.

Học sinh Sơn La tiếp tục nghỉ đến 17/3 sau 1 ngày đi học

Hôm nay (3/3), học sinh bậc THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục nghỉ đến hết 17/3.

Báo Vienamnet cho biết, UBND tỉnh Sơn La vừa có thông báo về việc tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, tránh dịch Covid-19. Thông báo này được đưa ra sau 1 ngày học sinh bậc THPT tại Sơn La đi học trở lại.

Cụ thể, trẻ mầm non, học sinh Tiểu học, THCS, THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 17/3.

Trước đó, tỉnh này quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS sẽ nghỉ học đến hết ngày 8/3. Học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3.

TP.HCM gấp rút sản xuất hàng triệu khẩu trang vải kháng khuẩn

Theo Dân Trí, TP.HCM hiện có khoảng 10 doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực rất lớn, tăng ca, tăng công suất để kịp cung ứng hàng triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. Đây là các sản phẩm khẩu trang có thể sử dụng tối đa sau 30 lần giặt mà vẫn đảm bảo khả năng phòng chống dịch bệnh, rất tiện lợi và tiết kiệm.

Trung bình mỗi ngày, một nhà máy làm ra khoảng 100.000 chiếc khẩu trang nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đến nay, đã có ít nhất 2,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đã được cung ứng cho hệ thống siêu thị của thành phố và một số doanh nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh cho công nhân và người dân.

Ngoài ra, khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang đang tiếp tục được sản xuất để cung ứng cho các nhà thuốc lớn cũng như phát miễn phí cho người dân, chung tay phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Bộ Công an xin lỗi 2 doanh nhân bị bắt giam trái pháp luật

Bộ Công an thừa nhận và sẽ tổ chức xin lỗi công khai lãnh đạo Công ty cổ phần sản xuất thương mại Hưng Thịnh vào ngày 5/3 tới. 2 lãnh đạo công ty này bị điều tra viên trong chuyên án Năm Cam bắt tạm giam từ 20 năm trước.

Theo Tuổi Trẻ, ngày 2/3, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã gửi thư mời ông Bùi Mạnh Lân – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất thương mại Hưng Thịnh, chủ đầu tư các khu công nghiệp Đồng An 1, 2, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, Bình Dương – về việc dự buổi xin lỗi công khai đối với ông vào ngày 5/3. Cùng được xin lỗi với ông Lân là ông Phạm Văn Hướng, phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh.

Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, khi điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân tổng cộng 41 ngày, bắt tạm giam ông Phạm Văn Hướng tổng cộng 63 ngày mà “không có lệnh hợp pháp”.

Các ông Lân, Hướng thuộc trường hợp được xem xét giải quyết theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước nên Bộ Công an tổ chức xin lỗi công khai hai doanh nhân này.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-3-3-3-hang-hang-khong-viet-dung-bay-toi-han-quoc-yen-bai-xuat-hien-mua-da.html