Tin Việt Nam – 03/02/2017
Vietcombank không trả đủ lãi cho khách gần 20 năm qua
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) không trả đủ lãi tiền gửi cho khách hàng trong suốt 16 năm qua.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, các khoản lãi hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm của Vietcombank tính và hạch toán đầy đủ.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ Vietcombank đã không chi trả số tiền lời gần 10 tỉ đồng cho tất cả khách hàng có tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2015 qua báo cáo tài chính của ngân hàng này.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết không thể xác định số lãi Vietcombank phải trả cho khách hàng 16 năm qua, tính từ năm 2001 đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu và việc hạch toán tiền lời trong gần 2 thập niên sẽ rất khó khăn.
Việc cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank như trên được cho là chưa phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank cần thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng trong năm 2015 và 2016.
Trao đổi thư tín: Những chuyện bi hài đầu năm
Hòa Ái, RFA
Thế là những ngày tết vui xuân đã vụt qua và mỗi người trong chúng ta trở lại với nhịp sống thường nhật cùng hy vọng một năm Đinh Dậu mang lại nhiều niềm vui, ước nguyện đạt thành, vạn sự như ý.
Hòa Ái lần lượt gửi đến những thông tin quý khán thính giả cùng độc giả quan tâm trong tuần lễ đầu tiên đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Những câu chuyện đầu năm
Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công An công bố thống kê có 203 người chết và 417 bị thương qua 7 ngày nghỉ lễ tết tại Việt Nam; trong đó 4500 người nhập viện vì đánh nhau và gần 20 người thiệt mạng cũng vì đánh nhau. Một trong những vụ đánh nhau do báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin là một bà cụ già nhiều tuổi bị một cô gái và nhóm bạn hành hung đến ngất xỉu vì dẫm phải chân của cô gái này trong lúc đi trẩy hội Chùa Hương vào chiều mùng 5 Tết.
Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả lý giải Việt Nam đang trong thời buổi gạo châu củi quế, cuộc sống đứng ngồi không yên, xã hội hỗn loạn nên ai cũng nóng tánh, đụng đến là đánh nhau đổ máu. Trong khi đó cũng không ít thính giả cho rằng tình trạng đánh nhau xảy ra là vì bắt chước công an do họ đánh dân một cách vô tội vạ mà vẫn bình chân như vại. Tuy nhiên, thính giả Thông Huỳnh lại nói là có lẽ số liệu thống kê có thể bị nhầm lẫn vì ở Việt Nam nhà nào cũng là gia đình văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa nên không thể nào có chuyện đánh nhau nhiều như vậy. Vị thính giả Thông Huỳnh còn e ngại các phóng viên trong nước có thể bị kỷ luật và bị phạt vì đưa tin không đúng với tôn chỉ, mục đích của Ban Tuyên gíao Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đề ra.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười
-Thính giả Hùng Nguyễn
Liên quan đến việc cán bộ nhà nước bị kỷ luật, trong tuần qua, Hòa Ái cũng nhận được những ý kiến xoay quanh vụ việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết và giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, với hình thức xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 mà ông từng đảm nhiệm. Thính giả Hùng Nguyễn từ Hoa Kỳ lên tiếng:
“Ai đời sao lại kỳ cục vậy? Một vị mang chức gọi là bộ trưởng, làm việc bậy bạ hay là các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền hành trong nước thay vì làm chuyện lỗi lầm thì phải mang họ ra tòa và phải xử phạt đàng hoàng cho phân minh; đằng này chỉ cách chức thôi mà chẳng mang ra tòa để xử.
Nếu ra tòa xử thì hỏi họ để tiền bạc ở đâu. Họ tham nhũng như vậy thì phải lấy lại những tài sản đó và phạt tù họ mới đúng.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười.”
Không rõ ý kiến của thính giả Hùng Nguyễn được bao nhiêu người đồng tình, nhưng một số thình giả bày tỏ những ngày xuân đầu năm Đinh Dậu thật lòng cười không nỗi khi nghĩ về tương lai của đất nước Việt Nam nếu tình trạng như vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng cứ tiếp diễn.
Kỷ niệm với chiếc loa phường
Người dân trong nước nghĩ gì về đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vì theo ông loa phường đã hòan thành sứ mệnh và nếu không còn hiệu quả thì nên bỏ đi.
Trước hết, Hòa Ái bắt đầu với kỷ niệm của riêng mình về chiếc loa phường. Trong một dịp trò chuyện với một người bạn là doanh nhân nước ngoài về ấn tượng đặc biệt khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên, thật là ngạc nhiên khi ông kể đã giật bắn người vào lúc tờ mờ sáng đang trong giấc ngủ ngon lành sau một chuyến bay dài và đã chạy xuống hỏi tiếp tân khách sạn chuyện gì đang xảy ra với âm thanh inh ỏi vang tận vào phòng ngủ của khách sạn ở Hà Nội. Và vị doanh nhân nước ngoài còn cho biết luôn dặn dò bạn bè phải nhớ điều này khi đến Việt Nam để không phải giật mình như ông.
Và câu chuyện về chiếc loa phường của quý thính giả:
“Tôi kể cho mọi người nghe chuyện loa phường ở phố hàng Mành của tôi. Về nội dung chương trình thì không có gì. Khi phát những bản nhạc thì chất lượng kém, nghe như xe tăng bò, âm thanh lại quá to. Chỉ khổ cho nhà có bà cụ hơn 90 tuổi, nằm tầng 2 ngay cạnh cái loa. Ông con trai thỉnh thoảng phải thò gậy ra làm cho loa tắt tiếng. Phố tôi lại có nhiều khách sạn, loa kêu sớm nên làm ảnh hưởng lúc còn đang nghỉ ngơi của du khách. Ngân sách thì nghe đâu đầu tư cho một phường hệ thống loa vài trăm triệu. Thật là lãng phí và vô bổ.”
Rất ư là phiền nhiễu! Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.
-Thính giả RFA
“Sáng 5 giờ khua lảm nhảm. Chiều thì 17 giờ linh tinh inh cả đầu. Nhà nào gần cũng phát điên.”
“Tôi làm ca đêm mà gặp phải cái loa chĩa ngay vào nhà. Đất nước trì trệ cũng vì nó.”
“Bây giờ không còn ai nghe loa phường nữa. Nhà nào cũng có tivi rồi và điện thoại di động để cập nhật thông tin. Hình ảnh của những cái loa phóng thanh thể hiện sự lạc hậu bảo thủ. Cái gì cũng có giai đoạn lịch sử của nó thôi.”
“Loa phường lạc hậu nhưng vẫn có những tư tưởng muốn duy trì nó.Ông Nguyễn Đức Chung nói bỏ là tư tưởng rất tiến bộ. Nó xoá bỏ không riêng sự nhếch nhác mà nó cắt giảm đi nhiều tiền thuế của dân chi cho bộ máy trông nom loa phường. Ở phường tôi cư trú, cách đây vài năm họ đầu tư hệ thống loa phường không dây, không biết hết bao nhiêu tiền, rồi sau đó lại đầu tư loại loa có dây. Nhưng đều không hiệu quả. Người dân xót xa cho tiền thuế của mình. Còn bộ máy quản lý họ cứ vô tư ‘rửa tiền’ đúng quy trình. Tôi nghĩ là vậy.”
“Loa phường đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức, nhắc giờ cơm chiều mỗi ngày của người dân. Có thể nói nó như bà hàng xóm đanh đá đúng thời khắc là ong óng dội vào tai mọi người mà không cần biết có ai nghe đến nó. Rất ư là phiền nhiễu! Những người già hay nằm dưỡng bệnh thì nó trở thành dụng cụ tra tấn không khoan nhượng. Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.”
“Nói một cách khác loa phường gây ô nhiểm tiếng ồn trầm trọng. Điều này cũng là vi phạm nhân quỳên mà từ lâu nay không ai dám lên tiếng. Cầu xin cho mấy ông truyền thông, truyền thanh được khai trí, thôi u mê để dân chúng được nhờ. Cầu xin cho nhân viên làm việc ăn theo kinh phí loa phường từ Trung ương đến địa phương kiếm được việc làm ổn định sau khi cái loa phường bị xóa bỏ.”
Qua cuộc thăm dò với quý thính giả RFA, chúng tôi nhận được gần như tất cả ý kiến đều ủng hộ đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thành phố Hà Nội và họ hy vọng việc xóa bỏ này được thực hiện trong cả nước Việt Nam. Tuy nhiên, những thính giả ở trong nước vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả lấy ý kiến của người dân sẽ được công bố vào trung tuần tháng 3 tới đây.
Thay mặt Ban Việt ngữ, Hòa Ái kính lời cảm ơn về những lời chúc tụng đầu năm Định Dậu của quý vị gửi về nhân dịp Tết với lời khẳng định sẽ tiếp tục cùng đồng hành với chúng tôi trong năm mới này.
Hòa Ái xin lưu ý một số quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe các chương trình phát thanh của đài qua số điện 605-477-9616 bị công ty cung cấp dịch vụ viễn liên T-Mobile tính phí, quý vị vui lòng tải RFA Mobile Streamer App để tiếp tục theo dõi các chương trình phát thanh và phát hình của Đài Á Châu Tự Do. Chúng tôi đã liên lạc với công ty T-Mobile về phản ảnh của quý vị và hy vọng sẽ nhận được thông tin hồi đáp trong thời gian sớm nhất.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Quý khán thính giả và độc giả có thể liên lạc qua email tại địa
chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775 về các vấn đề
quý vị quan tâm.
23 năm Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam
Ngày này cách đây đúng 23 năm, 3 tháng 2 năm 1994, tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Mạng báo Politio hôm nay nhắc lại mốc lịch sử vừa nêu.
Mặc dù Washington bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại như thế nhưng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ lúc đó vẫn phải chịu mức thuế cao cho đến khi đủ tiêu chuẩn được cấp qui chế ‘tối huệ quốc’ từ phía Hoa Kỳ. Lúc đó Washington nêu rõ Hà Nội cần phải tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng thành một nền kinh tế thị trường đề có thể có được qui chế ‘tối huệ quốc’.
Vào tháng 7 năm 1995, tổng thống Bill Clinton cho thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nhà cầm quyền Hà Nội. Quyết định này được ông Bill Clinton tiết lộ là nhờ tư vấn của thượng nghị sĩ John McCain; một cựu phi công Mỹ từng bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội trong 5 năm thời cuộc chiến Việt Nam.
Vào tháng 11 năm 2000, ông Bill Clinton trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên sang thăm Việt Nam kể từ chuyến công du của tổng thống Richard Nixon đến miền nam Việt Nam năm 1969.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/clinton-ends-vn-trade-embargo-02032017084332.html
Bị bắt giam vì lên tiếng vụ Formosa
Cơ quan chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh hôm nay chính thức đưa giấy thông báo về việc tạm giam anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, người đưa tin về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên ở 4 tỉnh miền Trung kể từ tháng tư năm vừa qua.
Chị của anh Nguyễn Văn Hóa cho biết lại tình hình liên quan việc người em bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ từ hôm 11 tháng giêng vừa qua đến nay:
Hôm ngày 11 /1 Hóa bị công an bắt mất tích. Chừng một tuần sau gia đình làm đơn gửi đến các cơ quan tỉnh, huyện, phường để nhờ họ đi tìm người giúp. Sau họ bắn giấy về nói Hóa đang bị tạm giữ tại Hà Tĩnh. Khi biết được tin đó người nhà mới ra Hà Tĩnh để xin gặp Hóa nhưng công an không cho gặp. Gia đình chỉ gửi được đồ; sau đó đến nghỉ tết âm lịch nên đến hôm nay là ngày mồng 7 (tết) gia đình mới nhận được giấy tiếp và gia đình đang chờ đợi phía công an báo.”
Nội dung giấy thông báo chính thức khẳng định anh Nguyễn Văn Hóa bị tạm giam với lý do được nêu ra là ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên chị của anh Nguyễn Văn Hóa có nhận định về việc làm của người em là làm việc thiện thôi, đòi hỏi sự công bằng, sự thật. Viết về sự thật chứ Hóa không làm gì sai hết.
Anh Nguyễn Văn Hóa là một trong ba nhà hoạt động bị bắt giữ ngay thời điểm trước tết nguyên đán Đinh Dậu vừa qua. Hai người kia là nhà hoạt động Trần Thị Nga tại Phủ Lý, Hà Nam bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An bị cáo buộc chống người thi hành công vụ và vi phạm lệnh cưỡng chế.
Một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch lên tiếng về những vụ bắt bớ các nhà hoạt động vì tự do- dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua, kêu gọi phải trả tự do ngay cho họ. Lý do những người đó chỉ thực thi những quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận theo đúng hiến pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế mà nhà cầm quyền Hà Nội tham gia ký kết.
Phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang
Đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang.
Báo mạng motthegioi.vn hôm nay loan tin mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản thừa nhận dự án làm nghĩa trang tại khu đất rừng phòng hộ bị dân chúng địa phương phản đối; nhưng Ban thường vụ tỉnh Vĩnh Phúc vào hôm mùng 6 tháng Giêng đã họp bàn và thông qua quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chỉ 2 ngày sau khi nhận được tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Hàng trăm hộ dân ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn phản đối với các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương về phê duyệt sử dụng 153 héc-ta đất trồng rừng phòng hộ tại núi Ngang để xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Người dân địa phương cho biết diện tích 153 héc-ta đất rừng phòng hộ vừa nêu đã được giao cho cá nhân và các hộ gia đình nhận trồng rừng cũng như chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Các hộ dân phản đối quyết định xây công viên nghĩa trang của Ủy ban tỉnh Vĩnh Phúc vì lo ngại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân chúng ở đây.
Dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng có tổng vốn đầu tư 685 tỉ đồng sẽ được xây dựng trong quý I năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ngoại giao “đu dây” của Hà Nội
Chân Như, phóng viên RFA
Việt Nam về mặt lý thuyết tiếp tục kiên trì theo định hướng xã hội chủ nghĩa và duy trì đất nước trong nhóm cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền Hà Nội vẫn giao lưu với cộng đồng quốc tế để làm ăn và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, kể cả không đồng quan điểm chính trị. Thực chất mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời gian một năm qua ra sao?
Kiên định với CNXH
Hà Nội theo hướng tiếp nối và thay đổi trong chính sách ngoại giao trong năm 2016. Đó là nhận định của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng – nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan trước đây.
Nhà ngoại giao này cũng cho rằng chính quyền Hà Nội luôn khẳng định bảo vệ độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia gắn bó với hội nhập quốc tế. Việt Nam tiếp tục triển khai chủ trương này một cách toàn diện.
Mảng thay đổi chính là những bước đi chuẩn bị cho việc tân chính quyền mới của tổng thống Donald Trump tại Mỹ sẽ có những điều chỉnh chính sách đối với Châu Á – Thái Bình Dương và các vấn đề trong khu vực. Ông Đinh Hoàng Thắng có nhận định:
Tôi cho rằng nhân tố Mỹ luôn luôn là nhân tố có lợi cho Việt Nam trong các mối quan hệ có thể cân đối với Trung Quốc.
– Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Trên thực tế, Việt Nam thừa nhận ngoại giao và nội trị là hai mặt của đồng tiền, nó là một chiến lược tích hợp trong một kỷ nguyên mà có nhiều bấp bênh có nhiều dự đoán có nhiều khó dự đoán trước nữa, đặc biệt là trong năm qua vấn đề dân chủ nhân quyền ngày càng quan trọng nhất là sau bộ luật Magnitsky được thông qua.
Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung Tâm Minh Triết Việt, từ Hà Nội đánh giá, đối ngoại Việt Nam năm 2016 vẫn tiếp tục đường lối mà theo ông này gây “bất hạnh cho dân tộc Việt Nam”. Ông giải thích, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục “đu dây” và không rõ ràng với dân. “Nhiều điều họ không bàn được và dân muốn đối ngoại thế nào nói với họ họ cũng không nghe.
Phải thay đổi ra sao?
Tân chính quyền của tổng thống Donald Trump vừa bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm từ hôm 20 tháng giêng vừa qua; cho đến lúc này chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Việt Nam ra sao thì chưa rõ ràng, nhưng giới quan sát đoan chắc sẽ khác với nhiệm kỳ của ông Obama. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đánh giá:
Tôi cho rằng nhân tố Mỹ luôn luôn là nhân tố có lợi cho Việt Nam trong các mối quan hệ có thể cân đối với Trung Quốc.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định, mối quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung sẽ có tác động, “Tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ Trung rồi đây sẽ làm cho chính sách cân bằng động mà còn mang tính cơ học của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn”.
Tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ Trung rồi đây sẽ làm cho chính sách cân bằng động mà còn mang tính cơ học của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn
– Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Trung tuần tháng 1, cùng thời gian ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ John Kerry sang Việt Nam, thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định về chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, “Qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tôi thấy tinh thần chư hầu vẫn rất rõ và anh ký kết 15 văn kiện và trong đó thấy rõ chủ yếu sẽ tạo thế cho Trung Quốc nhiều hơn là Việt Nam sẽ đứng làm chủ.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhận định về khía cạnh an ninh của Việt Nam sau khi có những thoả thuận với Bắc Kinh, “Việt Nam sẽ mua tên lửa của Ấn Độ, Việt Nam cứ giữ được vai trò trung tâm trong khối ASEAN hay không đặc biệt là vị thế của Việt Nam trong chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ và của các nước lớn khác thì nó vẫn còn có các vấn đề để mở.”
Một trong những đối tác quan trọng khác của Việt Nam là Nhật Bản. Chuyến thăm của thủ tướng Shinzo Abe tới Hà Nội trung tuần tháng 1 đã thắt chặt thêm quan hệ đối tác sâu rộng đôi bên bất chấp những tác động bên ngoài.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, những người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam thừa nhận, môi trường chiến lược nổi lên nhiều thách thức chưa từng có và tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển. Do đó, Tiến sỹ Thắng cho rằng, Việt Nam cần có sự thay đổi về nhận thức và hành động.
Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu yêu cầu phải giải quyết vấn đề nội lực của quốc gia và kỳ vọng, “Nói đối ngoại là phải kiếm tìm sức mạnh mới để ngăn chặn tội ác ca Trung Quốc ở Biển Đông.”
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách đối ngoại của một quốc gia bao giờ cũng cần đặt trên căn bản quyền lợi đất nước là tối thượng; chứ không thể đi sau quyền lợi của đảng cầm quyền.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-diplomate-2016-cn-02032017122621.html
Ơn Đảng?!
Cát Linh, phóng viên RFA
Hôm nay, đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm 87 năm thành lập; và nhiều người trong nước thường hay nhắc đến câu ‘ơn Đảng và chính phủ’ đề cập đến điều được cho là công trạng của đảng cộng sản đối với đất nước. Sau gần 90 năm, nhìn nhận của những người hiểu rõ thực trạng đất nước về vai trò của đảng cộng sản ra sao?
Một đảng tồn tại gần 90 năm
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi thì khó có thể tóm tắt về một tổ chức từng tồn tại gần 90 năm như đảng cộng sản Việt Nam.
Trong khi truyền thông Nhà nước vào những dịp như năm mới, tết cổ truyền… hay vào mỗi dịp tháng hai hằng năm đều có những bài viết, phóng sự ca ngợi cái mà họ gọi là công ơn của đảng cộng sản đối với dân tộc Việt Nam; nhiều người từng là đảng viên cộng sản hay là những nhà trí thức hiểu rõ về tổ chức này lại yêu cầu cần phải đánh giá thật công tâm những gì mà đảng cộng sản làm được cho đất nước cũng như bao thiệt hại mà họ gây nên.
Về phần đảng cộng sản Việt Nam thì thành quả lớn nhất mà tổ chức này luôn nhắc đến là công trạng tập hợp được mọi tầng lớp người dân đấu tranh giành lại độc lập- tự do cho Việt Nam.
Bạn trẻ Mạnh Cường nêu quan điểm bản thân về điều này:
Đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân, chứ không phải nhân dân biết ơn đảng cộng sản…
– Bà Đặng Bích Phượng
“Nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử khá dài, chúng ta có quá nhiều người để biết ơn không chỉ riêng một mình đảng với chính phủ cả. Nếu nói thế tôi phải biết ơn nhiều hơn với các vị vua đời trước, những vị vua từ đời phong kiến, những người khai quốc lập quốc đó mới là những người chúng ta cần biết ơn nếu thích nhìn về sâu xa hơn.”
Bà Đặng Bích Phượng nêu rõ vai trò của người dân trong công cuộc giành lại độc lập cho quốc gia:
“Đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân, chứ không phải nhân dân biết ơn đảng cộng sản, bởi vì nếu như không có người dân thì đảng cộng sản không thể giành quyền lực từ một đối phương của họ.”
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh từ Sài Gòn cho rằng để giành độc lập cho đất nước không nhất thiết phải theo cách mà đảng cộng sản Việt Nam thực hiện:
“Họ gây chiến với một nước lớn là Pháp, sau đó là một nước giàu mạnh nhất thế giới là Mỹ. Để giành được độc lập, toàn vẹn đất nước thì giá trả quá lớn, mất mát quá lớn mà những nước khác họ giành được cũng như vậy mà không phải trả. Cho nên việc họ làm không mang được nhiều lợi hơn hại.”
Bạn trẻ Hoàng Thành đề cập đến vấn đề trách nhiệm của một đảng muốn tham chính:
“Không những đảng cộng sản cầm quyền mà bất kể một tổ chức nào đứng lên cầm quyền để dẫn dắt một dân tộc nào đó thì đó đều là trách nhiệm của họ. Chỉ vì điều đó mà bắt tất cả những người khác tôn vinh họ, biết ơn họ thì điều đó thật không đúng.”
Bình mới rượu cũ
Tuyên truyền ngày thành lập đảng được giăng khắp nơi ở Hà Nội hôm 25/1/2017. AFP photo
Hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền Hà Nội gần đây thường nhắc đến công cuộc đổi mới đem lại thịnh vượng kinh tế cho đất nước; cuộc sống của nhiều người được khá lên so với trước. Phát triển kinh tế được cho là một thành quả của chính sách có tên ‘đổi mới’ của đảng cộng sản.
Tuy nhiên ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương của đảng cộng sản và hiện là giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt tại Hà Nội lại có đánh giá khác:
“Nói đổi mới ở nước ta là cái cũ chứ không phải cái mới. Ví dụ như thể chế kinh tế là đi về cái cũ, trước đây dân người ta đã làm, bây giờ quay lại cái đó thì đảng lại gọi là đổi mới. Hiện nay khái niệm cộng sản cũng là một khái niệm hồ đồ, không ai biết nó là cái quái gì cả, cho nên tốt nhất là đảng quay trở lại là một đảng của dân tộc.”
Ví dụ như thể chế kinh tế là đi về cái cũ, trước đây dân người ta đã làm, bây giờ quay lại cái đó thì đảng lại gọi là đổi mới.
– Ông Nguyễn Khắc Mai
Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên công khai từ bỏ đảng, cho biết lý do ông phải ra khỏi tổ chức mà ông từng một thời tham gia:
“Qua quá trình càng ngày càng bộc lộ những sai lầm của mình về đường lối về chủ trương và nhất là gần đây lợi ích nhóm đi ngược lại quyền lợi của đất nước của dân tộc đảng đã tự đặt mình lên trên hiến pháp, trên quyền lợi của đất nước dân tộc và bao che cho những sai trái chính vì thế tôi đã tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam.”
Lâu nay từ tổng bí thư đảng cộng sản cho đến nhiều quan chức Hà Nội mỗi khi phát biểu đều nhấn mạnh đến việc kiên trì theo đường lối xã hội chủ nghĩa mặc dù chính họ thừa nhận không biết đến khi nào đến đích.
Những người như bác sĩ Đinh Đức Long nêu rõ thực chất nhiều đảng viên cộng sản thấy rõ sai lầm; thế nhưng họ chấp nhận im lặng để hưởng bổng lộc hiện có. Số đảng viên cấp cao nắm chức quyền thì quyết duy trì hệ thống hiện nay để trục lợi trước khi hạ cánh về hưu.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/communist-party-anniversary-cl-02032017112321.html
Nạn cờ bạc, rượu chè ngày Tết
Việt Nam là một đất nước nghèo, vừa trải qua một năm đầy gian truân với các vấn nạn môi trường rừng, môi trường biển và đồng bằng Sông Cửu Long bị hạn mặn, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn luôn gặp khó khăn, thiếu đói… Nhưng mặc dù khó khăn bộn bề, vấn nạn cờ bạc, rượu chè trong dịp Tết cũng không buông tha, nhiều tai nạn do rượu bia gây ra, nhiều gia đình chỉ mới mồng Năm tháng Giêng đã phải lâm vào nợ nần vì cờ bạc.
Nợ như sét đánh do cờ bạc
Một người mẹ dân tộc Mường yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chia sẻ: “Hai bác chả làm được mấy, làm được một mà chàu hắn phá đến mười nên khổ. Mình mới 55 tuổi mà phải nuôi thằng con gần 30 tuổi. Làm thì làm ruộng, được tạ mấy lúa chứ mấy, lúa mới gặt xong, chưa ăn được bao nhiêu thì hắn vác đi rồi!”.
Bà cho biết thêm là mặc dù chỉ mới Mồng Năm tháng Giêng, không khí Tết vẫn còn đâu đó, ngân hàng chưa làm việc nhưng gia đình bà đã mang nợ đầu năm gần ba trăm triệu đồng. Một số nợ mà với bà, nghe qua đã thấy sét đánh ngang tai, chồng bà đã ngã nhào khi nghe chủ nợ đưa người đến thông báo rằng con trai bà đã vay nóng số tiền 250 triệu đồng với lãi suất 10% mỗi tuần, tức 40% mỗi tháng. Đây là khoản vay nóng để đánh bạc của con trai bà.
Và với khoản tiền này, nếu như không cần lãi suất tăng hằng tháng, chỉ trả khoản gốc, cho dù có cố gắng bán tất cả mọi thứ, cộng với mười năm làm cật lực để trả vẫn không thể trả hết. Hiện tại, bà không dám báo công an vì bà lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng của con trai mình. Nhưng nếu để chủ nợ đưa người tới xiết từng con trâu, từng con bò, rồi trấn lột giấy tờ đất đai, bắt gia đình bà ký tên để hợp thức hóa món nợ và lấy trắng mảnh đất của bà thì hầu như đường sống của gia đình bà đã bị tuyệt.
Bà mẹ Mường này chua xót nhận ra là trong chưa đầy hai năm, từ một đứa trẻ ngoan, con trai bà lao vào rượu chè, đề đóm, sau đó là cờ bạc, và không biết nó có tham gia vào đường dây chích choác, hút hít nào không… Mọi nỗi lo và bất an cứ ập lện gia đình bà kể từ khi đứa con trai duy nhất của hai ông bà tìm xuống khu công nghiệp ở Hà Tĩnh để làm thuê cho một ông chủ Trung Quốc.
Bà không dám khẳng định rằng do làm việc với người Trung Quốc thì con trai bà hư hỏng ra, nhưng bà cảm thấy hoài nghi về những thanh niên đồng tuổi với con trai bà đi xuống phố làm việc cho người Trung Quốc chỉ trong vòng nửa năm đã sắm xe xịn, dùng điện thoại xin và sống hoàn toàn xa lạ so với cha mẹ, bản làng của chúng. Dường như có một trận gió độc đang kéo vào bản làng của người Mường, người Thái Trắng.
Bà mẹ này cho biết thêm là hiện nay, không riêng gì gia đình bà mà có đến sáu gia đình đang bị một khoản nợ từ trên trời rơi xuống gai đình, đang yên đang lành, con họ đi chơi vài ngày, về nhà mặt mày phờ phạc, trùm chăng nằm im thin thít, không ăn uống, không nói chuyện, cho đến khi chủ nợ đưa người tới thông báo số tiền nợ mà gia đình phải trả thì mới vỡ lẽ.
Theo chỗ bà tìm hiểu từ con trai bà thì những chiếu bạc tiến lên và phỏm đang hoạt động rất mạnh trong dịp tết Đinh Dậu, thường thì các cậu con trai độc nhất trong các gia đình mới nhận đền bù đất hoặc có kinh tế ổn định so với xóm làng được chú ý. Khi con trai bà ngồi vào chiếu, cậu ta đánh thắng mấy ván đầu và sau đó thua không còn đồng nào, có chủ nợ cho vay ngay tại sòng bạc để đánh tiếp và nó phải ký giấy chấp nhận khoản lãi 10% mỗi tuần. Sòng bạc tồn tại trong vòng hai giờ đồng hồ và di chuyển sang chỗ khác, tiền xâu cho chủ gia đình chứa sòng bạc là 800 ngàn đồng cho 2h đồng hồ.
Bầu cua cá cọp đánh khủng
Ngoài các chiếu bạc khiến cho người ta mất nhà mất cửa vì nợ nần, những điểm đánh bầu của cá cọp ở các vùng quê cũng là cái máy hút tiền của nhiều gia đình. Một người vừa bị thua gần 100 triệu đồng do đỏ đen trong bầu cua cá cọp, ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, chia sẻ:
“Thua gần 100 triệu đồng rồi, tụi nó rung bầu cua hay quá, nó dùng chip chiếc gì đó mà nó ép mặt mình đánh không bao giờ lên được. Bữa ni quyết không chơi nữa. Thằng con ở Mỹ nó gởi về cho gần năm ngàn đô la để làm cái nhà dưới, mình ban đầu đánh cho vui thôi, đánh một lúc thì nghiện luôn và chơi thua mất tiền luôn. Tiền đó để xây cái nhà dưới, giờ bay mất cái nhà dưới rồi. Thôi ra Giêng rồi tính, kiểu ni khó đây!”.
Thua gần 100 triệu đồng rồi, tụi nó rung bầu cua hay quá, nó dùng chip chiếc gì đó mà nó ép mặt mình đánh không bao giờ lên được. Bữa ni quyết không chơi nữa.
– Một người dân
Ông này cho biết thêm là các điểm đánh bầu cua cá cọp bây giờ có qui mô hoạt động giống như số đề, hiếm có người nào rung bầu cua theo kiểu ngẫu hứng, kiếm vài đồng lãi đầu năm cho vui. Mà người ta đã kết nối với các ông trùm, bà trùm vào tháng Chạp để được nhận những bộ bầu cua có chip điện tử. Bộ phận điều khiển chip do người của các ông trùm, bà trùm này giữ. Người cầm cái bầu cua cá cọp vẫn rung một cách bình thường với khoản tiền đánh từ 500 ngàn đồng trở xuống, tự ăn, tự thua với người chơi.
Nhưng khi người chơi thắng nhiều tiền và muốn đánh lớn hoặc có người chơi muốn đánh số tiền vài triệu đồng thì nhà cái sẽ nháy máy cho ông trùm, bà trùm để họ cử người đến. Trong thời gian này, nhà cái tìm cách giữ chân người đánh lại nhưng chưa rung, khi người của ông trùm bà trùm mang bộ phận điểu khiển đến và ra hiệu thì nhà cái bắt đầu rung. Chip điện từ có thể ép mặt, khiến cho những con mà nhà con chọn không bao giờ lên và chỉ trong chốc lát, nhà con sẽ thua sạch. Trong trường hợp nhà con đổi mặt thì nhà cái lại cho mặt mà nhà con vừa bỏ nổi lên. Kiểu chơi này khiến cho nhà con ngày càng máu me, đỏ đen, không thiếu người cược bằng nửa chiếc xe hơi, rồi một chiếc xe hơi để chơi sau khi túi đã sạch tiền.
Có thể nói là có thiên hình vạn trạng kiểu bài bạc đỏ đen để rút tiền của người ta một cách rất tinh vi và điệu nghệ. Và mỗi dịp Tết về, có nhiều gia đình phải rơi vào nợ nần một cách đau đớn trong ngơ ngẩn bởi họ không hề đứng tên vay tiền và cũng không có nhu cầu vay tiền, nhưng do chồng con trót lỡ, cuối cùng thì con dại cái mang!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/gambling-drinking-during-tet-ttvn-02032017110152.html
Tư pháp Việt Nam kém bảo vệ doanh nhân?
LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
Hôm 16/1 báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Viện công tố Hàn Quốc đề nghị Tòa án ra lệnh bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn Samsung liên quan đến các cáo buộc phạm tội. Đến hôm 19/1 Tòa án trung tâm Seoul đã ra thông báo bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố.
Samsung là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, có mặt từ năm 1996 đến nay đã hơn hai mươi năm, Samsung đã đầu tư hàng chục tỷ USD và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm. Với hai nhà máy lớn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, giá trị hàng xuất khẩu của Samsung đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Sự việc được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi và phần nhiều được nhìn nhận theo góc độ kinh tế, nhưng nhìn theo góc độ tư pháp sự việc sẽ cho thấy nhiều điều.
Bắt giữ do Tòa án
Đầu tiên có thể thấy là Viện công tố Hàn Quốc tuy nắm quyền điều tra nhưng lại không được ra lệnh bắt giữ mà phải đề nghị tòa án ra lệnh bắt, nếu tòa án bác bỏ thì việc bắt giữ không thành. Khác với Việt Nam, pháp luật cho phép cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều được quyền ra lệnh bắt mà không phải xin phép Tòa án.
Việc Tòa án Seoul từ chối bắt giữ đã giúp Samsung tránh được một cuộc khủng hoảng gây hại cho doanh nghiệp, việc Tòa án từ chối bắt giữ không phải vì lo lắng cho lợi ích kinh tế của Samsung mà đó là sự cân nhắc dựa trên các căn cứ cơ sở pháp lý.
Nhưng Viện công tố hẳn cũng đã có những cơ sở thích đáng cho đề nghị bắt giữ, và nếu quyền nằm trong tay họ thì họ đã bắt rồi.
Bất chấp những khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc, điểm thấy rõ nhất trong trường hợp này là nền tư pháp Hàn Quốc đã vận hành theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân.
Nếu trường hợp này không phải là cá biệt, nếu Tòa án không hề ưu ái và đó chỉ là sự thực thi dựa trên các quy định pháp luật và bản chất sự việc, thì có thể nhận định cơ chế tư pháp như này là cơ chế bảo vệ tốt cho doanh nghiệp.
Một trường hợp khác là hồi tháng 5/2015 Tòa án quận trung tâm Seoul cũng bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố đối với một Phó chủ tịch tập đoàn POSCO. Hay như hồi tháng 9/2016 cũng tòa án này đã bác đề nghị bắt giữ của Viện công tố đối với Chủ tịch tập đoàn Lotte. Những sự kiện này đều được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi.
Đó là ba trường hợp Tòa án đã không bắt trong khi Viện công tố muốn bắt, và đó chỉ là ba trong số hàng nghìn hàng vạn vụ việc xảy ra mỗi năm ở Hàn Quốc có liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân.
Hãy hình dung là nếu Viện công tố được quyền bắt thì họ đã bắt và với hàng nghìn hàng vạn trường hợp tương tự thì khả năng là họ cũng bắt và tỉ lệ bị bắt giữ là cao hơn rất nhất. Và đó thực sự là một môi trường tư pháp đen tối thảm họa cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.
Việt Nam thì sao?
Pháp luật Việt Nam hiện tại cho phép cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được ra lệnh bắt mà chẳng ai thấy là bất bình thường.
Từ lâu nay biết bao giám đốc doanh nghiệp đã bị bắt bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát mà chẳng ai phản đối được về vấn đề thẩm quyền. Chẳng thể nào biết được là nếu chỉ Tòa án mới được ra lệnh bắt thì liệu đã có biết bao nhiêu người đã không bị bắt và số phận pháp lý của họ cũng như doanh nghiệp của họ hẳn đã khác đi nhiều.
Các doanh nghiệp và doanh nhân ở Việt Nam đã không được Tòa án bảo hộ như pháp luật Hàn Quốc, và đây là một trong những nguyên nhân đưa đến sự còi cọc yếu kém của tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Nền tư pháp đã không kiến tạo ra được môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho hoạt động của doanh nhân và doanh nghiệp.
Việc quy định tới ba thay vì chỉ một cơ quan được quyền bắt giữ đã làm tăng nguy cơ xấu, tạo ra môi trường pháp lý kém an toàn cho các quyền công dân. Trong khi theo Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện tại thì chỉ có Tòa án mới có chức năng bảo vệ Công lý, còn cơ quan điều tra và viện kiểm sát thì không.
Do vậy số phận pháp lý của doanh nhân và doanh nghiệp sẽ tốt đẹp hơn nếu họ được định đoạt bởi Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thực thi công lý thay vì những cơ quan không có thẩm quyền.
Kém bảo vệ doanh nhân
Cơ chế tư pháp về việc bắt giữ như hiện tại gây hại cho các quyền công dân và đặc biệt gây hại cho tầng lớp doanh nhân.
Vì tầng lớp doanh nhân được xem là thành phần có tiền sẽ không thoát khỏi con mắt soi mói đánh giá khai thác của đủ các thành phần, doanh nhân lại không chịu được lối sống lăn lóc vất vưởng như các tội phạm về trật tự xã hội khác.
Cho nên muốn không bị bắt hoặc môi trường sống giam giữ thế nào tùy thuộc vào sự ‘biết điều’ của nghi phạm.
Tức là tình trạng lạm quyền và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp tạo ra tình thế rất bất lợi cho tầng lớp doanh nhân.
Có thể nói không ngoa rằng cả nền tư pháp chống lại giới doanh nhân. Người doanh nhân bị bủa vây bởi mạng lưới của lạm quyền và tham nhũng sẽ bị làm cho kiệt quệ.
Các bất cập trong lĩnh vực tư pháp hình sự lâu nay ít được nhìn nhận đánh giá theo góc độ kinh tế, tôi chưa thấy có phân tích thống kê nào về vai trò của nền tư pháp hình sự đã tạo thuận lợi hay gây khó khăn gì cho phát triển kinh tế.
Nay đứng trước bài toán tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Chính phủ và các ban ngành cần nhìn ra vấn đề và giải pháp.
Nếu muốn nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân phát triển được như của Hàn Quốc thì cần xây dựng thiết lập một thể chế tư pháp giống họ để vừa có thể xử lý được tội phạm, mà vẫn bảo vệ được doanh nghiệp và doanh nhân.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38860615