Tin Việt Nam – 03/01/2017
Việt Nam “không tán thành”
Mỹ bổ nhiệm ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Việt Nam không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey tại trường đại học Fulbright Việt Nam.
Ý kiến trên được nêu ra trong bài viết dài của bộ trưởng Trương Minh Tuấn được nhiều báo lớn trong nước đăng hôm 3/1. Nhan đề bài viết này là “Vui buồn với báo chí Việt Nam năm 2016”.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư độc lập kiểu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Ông Bob Kerrey, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Quyết định bổ nhiệm này đã làm dấy lên tranh cãi trong nhiều giới ở Việt Nam vào giữa năm 2016, vì ông Kerrey từng trực tiếp dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong thời Chiến tranh Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng các bài viết của chính họ cũng như các bài thể hiện ý kiến cá nhân của một số quan chức, cựu quan chức, học giả bày tỏ lập trường ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm này.
Trong bài viết của ông hôm 3/1, Bộ trưởng Tuấn cho rằng “cuộc tranh luận trong giới báo chí” về ông Kerrey “là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải – trái trong lịch sử”.
Bộ trưởng Tuấn viết rằng vì chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam “không truy cứu” ông Kerrey về việc làm của ông trong quá khứ, mà còn “ghi nhận, hoan nghênh” một số hoạt động tích cực của ông, góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Minh Tuấn tiếp đó nêu rõ: “Chúng ta chỉ không tán thành việc bổ nhiệm ông vào vị trí đứng đầu một trường đại học, nơi có nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ của Việt Nam. Việc không tán thành đó là thuộc về đạo lý của người Việt Nam chúng ta”.
Nhận định về một số bài viết trên báo chí chính thống và một số người ủng hộ việc bổ nhiệm ông Kerrey, ông Tuấn nói làm như vậy là “biện minh cho tội ác”, đồng thời ông đặt ra nghi vấn rằng đó có thể là “cuộc vận động bất thường” để bảo vệ vị trí của ông Kerrey tại trường đại học Fulbright.
Ông Tuấn viết: “Ðó thật sự là việc làm rất đáng buồn của một số nhà báo, một số tờ báo ở Việt Nam, vì như thế là đồng lõa với tội ác, làm tổn thương vong linh của những người lương thiện đã chết vì tội ác”.
Cựu nhà báo và nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã có quan điểm mang tính “áp đặt” về cuộc tranh luận của báo chí xoay quanh vấn đề của ông Kerrey:
“Nguyên tắc của báo chí chúng ta đều biết là trung thực và khách quan. Vấn đề là ông Tuấn trong thâm tâm ông ấy không nghĩ ông là nhà báo hay là ở Việt Nam có một thứ gọi là báo chí. Ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoàn toàn không có khái niệm về viết thuyết phục. Đây là sự định hướng và áp đặt. Ông không đủ trình độ để thuyết phục ai cả. Cho nên các quan điểm ông ấy đưa ra, cũng như các quan điểm của nhiều nhà báo trong vụ Bob Kerrey ở trường Fulbright nó áp đặt, có màu sắc định hướng mà không định hướng nổi. Không đủ trình độ để định hướng, không đủ trình độ để thuyết phục dư luận”.
Khi nổ ra tranh luận trên báo chí về việc bổ nhiệm ông Kerrey, tại một cuộc họp báo ngày 2/6/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình không nói cụ thể Việt Nam tán thành hay không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey. Ông Bình chỉ nói “chúng tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo đại học Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước”.
Ít ngày sau phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 7/6, nghị sĩ Bob Kerrey nói trong một chương trình trên một đài phát thanh ở thành phố Boston, bang Massachusetts, rằng phản ứng dữ dội về việc bổ nhiệm ông ở Đại học Fulbright Việt Nam không thể ngăn ông tiếp tục giúp phát triển trường đại học này. Ông khẳng định sẽ không từ chức chủ tịch hội đồng tín thác của trường.
Quốc hội quyết định thành lập đoàn giám sát
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề liên quan kinh tế biển và đảm bảo an ninh, quốc phòng trong tháng Giêng năm 2017.
Bốn 4 nội dung của đoàn giám sát được cho biết tập trung vào việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện luật pháp cũng như công tác, chỉ đạo, điều hành, tổ chức của Chính phủ và đánh giá cùng báo cáo kết quả của các hoạt động liên quan việc khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; đảm bảo an ninh quốc phòng trong lãnh vực phát triển kinh tế biển.
Trọng tâm của đoàn giám sát là đánh giá kết quả của việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển…Đặc biệt làm rõ chính sách hỗ trợ và đảm bảo bồi thường thiệt hại sau biến cố thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh Bắc miền Trung, xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt được giao làm Trưởng đoàn giám sát. Và kết quả giám sát sẽ được báo cáo với Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 9 năm nay.
Đã có 12 tỉnh xin hỗ trợ gạo cho dịp Tết
Cục Bảo trợ Xã hội, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết đến trưa hôm nay đã nhận được công văn xin hỗ trợ gạo cứu đói của 12 tỉnh cho dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp đến.
Cục Bảo trợ Xã hội cho biết do tình hình thiên tai xảy ra liên tiếp gây hậu quả nặng nề, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng chịu tác động gửi công văn xin gạo cứu đói gồm Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và Đắk Nông.
Cục Bảo trợ Xã hội cho biết việc xin hỗ trợ cứu đói vào dịp Tết Nguyên Đán diễn ra hàng năm; đồng thời dự báo sẽ tiếp tục nhận được công văn xin cứu đói cho dịp này từ các địa phương khác đến hết ngày 20 tháng Giêng này.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ra công văn yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng ngân sách để kịp thời giúp đỡ người dân thiếu đói.
Phong trào dân chủ tại Việt Nam năm 2016
Hòa Ái, phóng viên RFA
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch nhận định nhân quyền Việt Nam ảm đạm trong năm 2016. Các hoạt động nhân quyền-dân chủ ở trong nước và động thái hành xử của chính quyền Hà Nội đối với những hoạt động này như thế nào trong năm vừa qua?
Phong trào dân chủ không yên ắng
Nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định mặc dù nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng việc bắt bớ vào những tháng cuối của năm 2015, qua các vụ như cựu tù nhân lương tâm Trần Anh Kim và Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng phong trào dân chủ tại Việt Nam trong năm 2016 không bị lắng xuống.
Biến cố thảm họa môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Hưng Nghiệp-Formosa gây nên hồi đầu tháng 4 năm ngoái đã khiến những người từng hoạt động vì xã hội và dân chủ cùng hàng ngàn người dân khắp các tỉnh, thành đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính quyền nhanh chóng giải quyết hậu quả của sự cố cũng như phải có các giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường trong sạch cho quốc gia.
Điều chính yếu là xuất phát từ những bất công xã hội và từ bất công xã hội sẽ sinh ra phản kháng xã hội để từ đó hết lớp này đến lớp khác… Cho nên đó chính là động lực, động cơ và cũng là kế sinh nhai để bắt buộc người dân đứng lên phản kháng đối với những bất công xã hội như vậy
-TS. Phạm Chí Dũng
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng có thể đa số dân chúng tại Việt Nam vẫn chưa ý thức được thế nào là “nhân quyền” hay “dân chủ” một cách đúng nghĩa nhưng ngày càng có nhiều người dân mạnh dạn đòi hỏi những quyền lợi căn bản của họ:
“Điều chính yếu là xuất phát từ những bất công xã hội và từ bất công xã hội sẽ sinh ra phản kháng xã hội để từ đó hết lớp này đến lớp khác, đặc biệt thời gian gần đây là giáo dân miền Trung. Giáo dân miền Trung đi biểu tình lên đến 20-30 ngàn người. Con số này quá lớn và quá làm cho Nhà nước lo ngại. Cho nên đó chính là động lực, động cơ và cũng là kế sinh nhai để bắt buộc người dân đứng lên phản kháng đối với những bất công xã hội như vậy.”
Gắn liền với những bất cập và bất công xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội, những người có ý thức không chỉ tranh đấu đòi lại quyền lợi của cá nhân bị tước đi một cách phi lý khi rơi vào tình cảnh oan sai mà họ còn chủ động tích cực cất lên tiếng nói phản biện, chia sẻ thông tin cũng như tham gia vào những sinh hoạt vì lợi ích chung của cộng đồng. Điển hình là các phong trào bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi sinh, bảo vệ quyền lợi của công nhân, bảo vệ đời sống và sinh mạng của người dân miền Trung trước nạn nhân tai do thủy điện xả lũ trong mùa mưa bão, tập trung đòi người khi chính quyền bắt giữ vô cớ hay phản đối những hành vi nhũng nhiễu trái luật như các cuộc biểu tình liên tiếp phong tỏa trục lộ giao thông tại cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí sai trái…
Song song với các hoạt động của dân chúng vì những quyền lợi căn bản thiết thực của họ tại Việt Nam năm vừa qua, chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp bằng nhiều hình thức; mà qua đó, Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams đưa ra nhận xét với RFA hồi trung tuần tháng 12 rằng trong năm 2016 có rất nhiều trường hợp Chính phủ Hà Nội sử dụng côn đồ đánh đập người dân, những ai dám lên tiếng phản biện với chính quyền và những kẻ côn đồ đã đánh đập các nhà hoạt động trong khi công an chỉ đứng nhìn. Ông Brad Adams cho rằng động thái hành xử của Chính phủ Hà Nội như thế tạo nên một tình trạng vô pháp luật tại Việt Nam. Một số trường hợp tiêu biểu bị đánh đập, sách nhiễu có thể kể đến như Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh bị đánh trọng thương ở Đà Nẵng; bà Trần Thị Hồng, vợ tù nhân lương tâm-Mục sư Nguyễn Công Chính bị đánh đập và thẩm vấn do gặp gỡ phái đoàn Mỹ; Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế bị hăm dọa, cản trở trong việc đi lại; hay cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật bị khủng bố liên tục, thậm chí bị đầu độc và phá hoại tài sản mưu sinh của gia đình tại Lâm Đồng…
Bắt bớ dân chúng bằng điều luật vi hiến
Chính phủ Hà Nội tiếp tục sử dụng các điều trong Bộ luật Hình sự để bắt giữ và truy tố công dân Việt Nam trong năm 2016 với các tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”…
Các vụ việc bắt giữ cụ thể bao gồm: nhà đấu tranh giữ đất, cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu; Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; Blogger Hồ Hải-Bác sĩ Hồ Văn Hải; nhà hoạt động dân chủ Lưu Văn Vịnh cùng Nguyễn Văn Đức Độ; và Nguyễn Danh Dũng là người bị bắt sau cùng hồi trung tuần tháng 12. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp những người tham gia hoạt động đảng phái, đã trốn chạy ra khỏi nước nhưng bị công an Việt Nam bí mật bắt về bỏ tù. Một thành viên của “Đảng Người Việt Yêu Người Việt” kể lại quá trình bị bắt giữ sau khi đào thoát đến Thái Lan:
“Tình cờ tôi ra ngoài mua đồ ăn thì có 2 người nói có việc làm. Tôi đi theo 2 người đó. Cuối cùng họ đưa tôi về Việt Nam và bắt tôi vào tù. Họ đánh nhiều lắm, ép cung tôi rồi họ tuyên án tôi 5 năm tù. Họ nói thứ nhất là tôi phản động vì tham gia Đảng Người Việt Yêu Người Việt, thứ hai là tôi về Việt Nam tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Họ ép như vậy.”
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ người dân bằng các điều luật rất mơ hồ và trừu tượng, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh:
B ản thân Điều luật 79 từ cách viết tới cách bắt bớ như bấy lâu của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều sai và vi phạm nghiêm trọng Hiến Pháp do chính họ ban hành
-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung
“Nước nào cũng có các điều luật xử những người thật sự đi lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Tuy nhiên, ở các quốc gia dưới chế độ một đảng độc quyền nhà nước như Việt Nam thì điều luật 79 Bộ luật Hình sự đã bị bẻ cong một cách nghiêm trọng. Việc nhà cầm quyền tùy tiện diễn giải và lạm dụng điều 79 để bắt bớ, đàn áp những đảng phái không Cộng sản đã vi phạm Điều 4 Hiến Pháp về việc Đảng Cộng sản phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật cũng như Điều 16 Hiến Pháp về bình đẳng giữa công dân với nhau. Do đó, bản thân Điều luật 79 từ cách viết tới cách bắt bớ như bấy lâu của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều sai và vi phạm nghiêm trọng Hiến Pháp do chính họ ban hành.”
Đồng quan điểm với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhắc lại rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã từ lâu lạm dụng và lợi dụng các Điều luật 258, 88 và 79 để quy kết tội bất cứ người dân như thế nào cũng được:
“Thực ra từ trước khi Nhà nước Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2013 thì quốc tế đã đề cập đến rất nhiều rồi. Và sau đó dù cho các cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát-UPR mà quốc tế đã nêu rất nhiều lần là phải bỏ các Điều 258, 88, 79, kể cả 87 nhưng cho đến giờ Việt Nam vẫn chưa bỏ. Bộ luật sửa đổi Hình sự của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Và nếu có hoàn thiện chăng nữa thì tất cả những Điều 88, 79, 258 đều chuyển sang một điều khác với nội dung tương tự như vậy, chỉ là số khác mà thôi.”
Với những diễn tiến liên quan đến tình hình nhân quyền-dân chủ tại Việt Nam trong năm 2016, anh Trịnh Mạnh Hùng, cư dân Sài Gòn, một nhân chứng và cũng là một người bị bắt trong vụ bắt giữ hai nhà hoạt động dân chủ Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, cho biết sẵn sàng lên tiếng bênh vực hai người bạn vì theo anh việc bắt giữ này là tùy tiện:
“Ở thời điểm này, sau khi được thả ra, theo như suy nghĩ của riêng mình thì Vịnh Lưu và Nguyễn Độ không có hô hào lật đổ hay chống đối chế độ. Mình thấy rằng Vịnh Lưu và Nguyễn Độ có chủ trương chống Trung cộng. Điều này mình hoàn toàn toàn ủng hộ, không phải riêng mình tôi đâu mà là ý thức của người dân hiện nay thôi; người dân Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Điều này chắc chắn mình bước tới, mình rất rõ vấn đề này.”
Anh Trịnh Mạnh Hùng còn chia sẻ nếu chỉ vì lên tiếng chống lại sự lệ thuộc của nước nhà vào Trung Quốc cũng như nguy cơ bị “Hán hóa” mà phải chịu tù đày thì anh sẵn sàng dấn thân. Cũng như thế, những người dân Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc trong những ngày cuối năm 2016 khẳng định không còn im lặng trước thời cuộc và sẽ tích cực hơn trong các hoạt động vì dân quyền-nhân quyền của chính họ.