Tin Việt Nam – 02/12/2018
8 người “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
bị tuyên y án sơ thẩm
Ngày 30/11/2018, 8 người bị quy kết là thành viên của “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” do ông Đào Minh Quân làm lãnh đạo bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM bác bỏ kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm. Báo Công An Nhân Dân loan tin này hôm 1/12/2018.
Có 4 người liên quan đến vụ án này không kháng cáo trong đó có 2 người Mỹ gốc Việt là ông Nguyen James Han và bà Phan Angel.
Tin tức về phiên xử phúc thẩm này không được thông tin rộng rãi, một luật sư của các bị cáo ở tòa sơ thẩm chỉ biết về phiên xử khi được Đài Á Châu Tự Do thông tin.
Như tin chúng tôi đã loan, hôm 22/8, tòa án nhân dân TPHCM tuyên 10 người thuộc nhóm “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” các mức án từ 5 năm đến 11 năm tù giam và phải chấp hành án quản chế từ 2-3 năm sau đó.
Riêng ông Nguyen James Han và bà Phan Angel bị cùng mức án 14 năm tù giam và bị trục xuất khỏi Việt Nam ngay sau khi chấp hành xong bản án tù.
Cáo trạng cho rằng “Chính phủ Quốc gia VN lâm thời” là một tổ chức phản động, khủng bố, chuyên đưa người nước ngoài vào VN để tuyên truyền vận động những người trong nước tham gia tổ chức này nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội bằng bạo lực.
Những người này được cho là bị bắt trước khi tham gia biểu tình nhằm gây tiếng vang cho tổ chức, gây mất ổn định an ninh chính trị, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân trong dịp lễ 30-4-2017.
Tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có mức án lên đến tử hình thường được nhà nước Việt Nam sử dụng để kết án những người bất đồng chính kiến trong nước.
Điều luật này bị các tổ chức Nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch chỉ trích là “mơ hồ” và nhằm để bịt miệng các tiếng nói bất đồng.
Nữ du khách mất một chiếc xe đạp 2 lần ở Việt Nam
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Sau khi bị mất chiếc xe đạp đã gắn bó với mình trong suốt thời gian ở Việt Nam đi du lịch, chị Rita Rasimaite đã bật khóc. Nhưng sau khi tìm lại được tài sản, 4 ngày sau chiếc xe tiếp tục bị mất khiến chị không còn muốn khóc nữa.
Báo Thanh Niên ngày 02 tháng 12 năm 2018 loan tin, cô Rita Rasimaite, 21 tuổi, quốc tịch Lithuania đến Việt Nam vào năm 2017 và dùng chiếc xe đạp mua 500 Mỹ Kim để đi xuyên Việt hơn 3,600km từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Đến tháng 7 năm 2017 thì cô Rita Rasimaite bị mất chiếc xe tại một khách sạn ở phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn. Ngay sau đó, Rita Rasimaite đã trình báo công an và chia sẻ hình ảnh chiếc xe lên mạng xã hội nhờ mọi người tìm giúp. Cô nói mình chỉ muốn tìm lại chiếc xe đã cùng mình trải qua những chặng đường sương gió, chứ không muốn có một chiếc xe khác.
Đến ngày 21 tháng 11 năm 2018, nữ du khách trở lại Việt Nam và nhận được chiếc xe đã mất. Nhưng chỉ 4 ngày sau đó, chiếc xe của du khách này lại tiếp tục bị mất trộm.
Rita Rasimaite chia sẻ, ban đầu cô không tin sự việc này lại xảy ra với mình thêm lần nữa, vì chị vừa lấy xe về vài ngày trước đó. Lần này chị không còn khóc như lần mất xe trước vì nghĩ “hẳn ai đó rất yêu thích” chiếc xe của mình.
Vẫn là câu chuyện dài về du lịch Việt Nam, một đất nước thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, nhưng ngành du lịch vẫn không thể phát triển đúng tầm vì yếu tố con người.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nu-du-khach-khong-con-khoc-vi-mot-chiec-xe-mat-2-lan-o-viet-nam/
Du lịch Việt Nam là cái bẫy với khách quốc tế
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Google trả hơn 100 triệu kết quả trong 0,51 giây khi tìm kiếm cụm từ “không bao giờ quay lại Việt Nam”, lý do được đưa ra là trộm cắp, tắc nghẽn giao thông, vệ sinh thực phẩm kém, tài xế taxi thô lỗ.
Báo Vnexpress ngày 02 tháng 12 năm 2018 loan tin, Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương đưa ra thống kê, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10 đến 40%, trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này là 80%. Ngoài nguyên nhân du khách bị lừa đảo, chèo kéo, an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, còn có nguyên nhân khác như Việt Nam không phải là trung tâm trung chuyển quốc tế, du khách sẽ khó đến nơi mình muốn nếu qua Hà Nội hay Sài Gòn; mặt khác, muốn đến Việt Nam, khách ở nhiều nước phải xin visa trước. Khách có thể làm thủ tục để đến Việt Nam một lần nhưng trong các chuyến du lịch sau, họ sẽ ưu tiên tới các nước miễn visa hoặc cấp visa cửa khẩu tiện lợi hơn nhiều.
Một du khách tên Jorn đến từ Na Uy cho biết, anh sẽ không quay lại Việt Nam vì nơi đây là “bẫy du lịch”. Có lần Jorn thuê taxi, khi anh hỏi cước phí, hai bên đồng giá 80, tức là 80,000 đồng hay 4 Mỹ Kim. Nhưng khi đến nơi tài xế đòi 80 Mỹ Kim. Hay trong một chuyến xe đò, phụ lái thu anh và bạn gái mỗi người 60,000 đồng, trong khi những người khác chỉ phải trả 40.000 đồng. Đây chỉ là một trong số ít trường hợp mà Jorn và bạn gái gặp phải trong thời gian ở Việt Nam.
Một du khách đến từ Mỹ chia sẻ, khi anh bị tấn công và cướp vào tháng 9 năm 2017, anh đã gọi đường dây nóng dành cho du khách nhưng không có người bắt máy.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/du-lich-viet-nam-la-cai-bay-voi-khach-quoc-te/
Thời Thủ tướng Dũng
‘đi ngược Đổi Mới do tác động của lợi ích nhóm’?
Một chuyên gia kinh tế Việt kiều sống ở Mỹ chỉ trích con đường kinh tế Việt Nam giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt tại London, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng nói về con đường “Đổi Mới 2”.
Đầu tiên, ông kể lại giai đoạn làm việc tại Việt Nam từ 2006 đến 2014, và đã chứng kiến các thay đổi ở Việt Nam khi đó.
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Khi về Việt Nam, ngoài vai trò chuyên gia kinh tế trưởng cho quỹ đầu tư VinaCapital trong một vài năm, và sau đó tôi cũng làm việc cho chương trình USAID với vai trò cố vấn kinh tế cho chương trình này. Và có thời gian tôi đã được mời làm vào ban tham vấn riêng về kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đây là khoảng thời gian lâu dài và hào hứng nhất trong giai đoạn tôi về làm việc ở Viêt Nam. Mình có thể hăng say, muốn đóng góp và mình có cả khả năng để đóng góp. Thế nhưng những điều mình đề nghị đóng góp có được nghe hay không thì lại là chuyện khác. Đây cũng chính là thời gian tôi cảm nhận được sự chua chát bởi những đóng góp cải cách của mình đã bị bỏ ngoài tai.
BBC: Nhưng giai đoạn ông về làm việc tại Việt Nam là giai đoạn hậu thời kỳ Đổi Mới?
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Những thay đổi thời kỳ ông Dũng, do ảnh hưởng mạnh của các nhóm lợi ích, lại là các chính sách đi ngược thời Đổi Mới trước đó. Thời kỳ có chính sách Đổi Mới thực sự là dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tiếp theo bởi Thủ tướng Phan Văn Khải. Phải nói rằng trong 10 năm trước khi ông Dũng lên làm thủ tướng thì chương trình Đổi Mới đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Từ năm 2001 đến 2007 là chính sách kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn thất bại và gây ra một loạt các vấn đề lớn cho cả nền kinh tế lẫn tài chính.
Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
Tôi phải thành thật nói vậy. Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia và đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng có chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng.
BBC: Ông có thể nói cụ thể hơn về cái gọi là tham nhũng?
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Chuyện này tôi nghĩ là đã được báo chí giai đoạn đó hay mới đây trình bày rất đầy đủ nhưng nói một cách tóm tắt với những ví dụ cụ thể nhất mà không ai có thể phủ nhận là những vấn đề như Vinashin, Vinalines gây ra nhưng thâm thủng lớn. Mới đây với những vụ án liên quan tới các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ….
Theo tôi thì có lẽ cái vụ lớn nhất chưa được khui ra đủ chính là vấn đề tài nguyên dầu hỏa của Việt Nam đi về đâu. Những vấn đề như Thủ Thiêm thì mình chưa được nghe đầy đủ để biết được cái tầm quan trọng về tài chính nhưng mà có cả các vụ như Mobifone mua AVG chưa kể các vụ án liên quan tới các ngân hàng khác nữa.
Image captionTổng bí thư Trọng đang nhận được sự ủng hộ mạnh trong nỗ lực chống tham nhũng
BBC: Theo ông nói thì những nhà lãnh đạo hiện nay đang khắc phục những gì được để lại từ giai đoạn đó? Vậy đà cải cách nếu có là gì?
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Với bao nhiêu vụ được khui ra mới đây thì đó là vấn đề lớn nhất của phát triển của Việt Nam. Theo tôi nếu không có những cải cách thể chế, hay nói theo kiểu bây giờ là lò đốt tham nhũng, một cách có thật và cụ thể thì khó mà có thể tiếp tục được việc cải cách kinh tế.
Việt Nam đã có những thành công sơ khởi cho giai đoạn khoảng 20 năm cải cách kinh tế nhưng nếu không có cải cách chính trị thì không thể tiếp tục cải cách kinh tế được. Do đó nan đề là sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo.
Phải cải cách được thể chế một cách dân chủ thì mới cải cách được kinh tế cho giai đoạn tới. Tức là Đổi Mới lần hai.
Bây giờ để giải quyết tất cả những chuyện này thì cũng không thể dùng một vài biện pháp mà phải là cuộc cải cách thể chế toàn diện và đó là một quyết định chính trị mà đó liệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam có dám can đảm lĩnh hội và thực hiện hay không.
Nếu chúng ta không tỉnh ngủ thì không thể giải quyết được những chuyện hiện giờ từ thể chế chính trị lẫn cải cách kinh tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46401900
Nhân vụ ông Trần Bắc Hà, bèn phân tích
quan điểm về chuộc tội của giới thần thánh Việt Nam
Mấy hôm nay khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, ngoài việc thi nhau kể những giai thoại về sự ngạo mạn, hung hãn, lố bịch của ông khi còn đắc thế, dân mạng Việt Nam còn chuyền tay nhau một bức ảnh do facebooker Trương Huy San (Huy Đức) đăng lên. Ông Huy Đức viết: “Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng;’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.”.
Tôi cũng lấy bức ảnh về xem. Trái với ông Huy Đức, tôi thấy dáng ngồi hơi sụm lưng xuống của ông Trần Bắc Hà không có vẻ gì là “rúm ró khác thường”. Có thể là ngồi lâu, mệt. Cũng có thể ngồi sụm lưng xuống như thế ông ấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, sự thành kính của những vị mặc comple có mặt trong ảnh thể hiện rõ trên từng nét mặt thì khỏi phải bàn. Từ lâu rồi việc số đông quan chức Việt Nam hết lòng tin vào tâm linh và phong thủy không còn là chuyện lạ. Không xác tín được nhưng người ta đồn rằng hầu hết các quan chức lớn đều có một (hoặc một đội) thầy (phong thủy, tướng số, tử vi) riêng, lo từ gót chân lên đỉnh đầu. Xem giờ trước khi quyết định một việc quan trọng đã đành, còn phải xem màu sắc trang phục, hướng ngồi, tuổi tác của thủ hạ thân tín. Không những của bản thân người ấy mà còn của vợ, của chồng họ, để tính toán những gì tả phù hữu bật.
Khi ông Nông Đức Mạnh còn tại vị, người ta đồn mái tóc của ông (rẽ ngôi lệch, ngôi không nằm trên đầu mà nằm tại thái dương) chính là kết quả của thầy tướng số. Chữ ký của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nét gạch đậm ở dưới dài hết bề ngang trang giấy, cũng thế.
Người ta kể: đến Tết, việc chính của các phu nhân không phải là ngồi nhà đợi họ hàng (và cấp dưới) đến chúc tết (người ta chúc hết cả trước tết rồi, và phải xếp hàng, trông nhau mà vào chúc). Không. Các quan bà phải lo đi chùa. Cầu khấn, trả lễ, van vái, hứa hẹn thay cho ông. Thường phải đi hết 10 cảnh chùa ngay trong vài ngày đầu năm. Và đi chùa nào, đi giờ nào, “đi” bao nhiêu, thì có thầy tính hộ hết. Vụ này không cần đồn mà tôi làm chứng được.
Thành kính, một lòng một dạ tin tưởng thế cho nên các ngôi chùa to vĩ đại cứ thay nhau mọc lên tại Việt Nam. Cách đây mấy tháng tôi đi Tiền Giang đúng ngay dịp khánh thành ngôi chùa, à không, phải gọi là quần thể chùa, tên là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chiếm trọn (theo con số trên website Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam là 30 ha; theo trang vntrip.vn về du lịch thì sau đó 30 ha + 20 ha nữa- “tất cả do phật tử hiến tặng”; còn theo những người khác đồn, thì hiện tại đang là 60 ha; chả biết đường nào mà lần) một vùng giữa rừng tràm và rẫy khóm xanh ngắt của huyện Tân Phước.
Bữa ấy, (lại nghe đồn) có một vị hiến tặng tượng phật, nhà chùa làm lễ an vị. Xe hơi xếp hàng dài từ vài cây số ngoài cổng lớn thiền viện. Cách một cây số, công an đã ra hiệu cho xuống xe hết đi bộ vào vì xe quá đông. Xung quanh thiền viện, xe đậu áng chừng cả ngàn chiếc. Trên khu đất mênh mông bạt ngàn những người là người chen chúc. Rất nhiều thanh niên, trung niên mặc đồ lam phật tử, tay cầm bộ đàm, nói giọng Bắc mới đi qua đi lại. Nghe kể những kiến trúc ở đây đều là lấy theo nguyên mẫu bên Ấn Độ, kinh phí tính hàng trăm tỷ.
***
Điểm lại, mới chục năm nay trên ba miền Bắc Trung Nam đã có 4 quần thể chùa to lớn: ở miền Bắc có Bái Đính; ở miền Trung-Bình Định có Dự án tâm linh Phật pháp Linh Phong của chính ông Trần Bắc Hà vừa bị bắt; ở miền Nam hồi trước có khu chùa mang cái tên quá oách Đại Nam quốc tự tại Bình Dương, bây giờ chắc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã thay thế. Và (lại người ta đồn), những dự án chùa này cực kỳ hoành tráng này xây lên đều để làm hòn đá tảng tâm linh cho các vị lãnh đạo, quan chức cấp cao nào đó.
Trái ngược với việc chủ nghĩa cộng sản tuyên bố (và giáo dục chính thống cho) vô thần, thực tế tại Việt Nam, càng ngày người ta càng dễ tin, càng tin say sưa và nhu cầu tin vào những điều vô hình ngày càng tăng. Năm sau cao hơn năm trước.
Bình dân thì lạy rắn, xá cây, vọng hòn đá, rình những sự kiện đặc biệt như đám tang chết bất đắc kỳ tử cùng lúc nhiều người, hay bất cứ cái gì có vẻ lạ lùng để đánh lô đề (hôm đám tang ông Võ Nguyên Giáp, dân lô đề khoe đánh theo số xe chở linh cữu-trúng đậm). Những tin tức ly kỳ kiểu người đẻ ra rắn luôn hút lượng đọc khủng khiếp, kèm theo vô số xuýt xoa.
Người ta bắt đầu nói nhiều đến nhân quả, đến kiếp sau, đến sự trừng phạt và ban thưởng của Đấng Giấu mặt (ối giời ơi may quá Cô thương, cháu nhà tôi nó được vào nhà nước, mất có mấy trăm triệu thôi các bác ạ). Người ta cũng không quên trả thù và dọa dẫm trong chính lời cầu xin với thánh thần (cái thằng cạnh nhà nom mà ghét, dám xây cao hơn nhà chúng con ạ cầu xin thánh thần quật chết cha nó đi). Người ta treo hình Phật trên facebook và comment “Nam mô a di đà Phật”. Những hãng thời trang nhanh nhẹn đã kịp thiết kế đủ kiểu mẫu áo lam để gái trai già trẻ mặc đi chùa. Treo tượng phật trên facebook trở thành một dấu hiệu nhận diện. Mặc áo lam đi chùa (phải nhớ selfie đấy nhá) trở thành một mốt thời trang. Các khóa học thiền trở thành một thứ chứng chỉ cho sự tinh hoa, tri thức. Và càng bỏ tiền sang tận Thái Lan, Myanmar, vào rừng tu… thì càng được trầm trồ là “tu sang”!
Nguyên nhân ở chỗ, ở Việt Nam, tài năng, nhân cách và phẩm giá không phải là yếu tố đảm bảo thành công hay hạnh phúc. Với công danh, điều tiên quyết để một “đồng chí” tiến cao trên hoạn lộ là “đồng chí” ấy phải là con một “đồng chí” khác. Với kinh doanh, những quan hệ ruột rà, em út, chiến hữu, sân trước sân sau đủ để đảm bảo một doanh nghiệp mua bán nước bọt phất lên như diều. Còn các cô “gái ngành” thì công khai lên báo khoe giàu, khoe sang, làm gương sáng cho vô khối cô gái khác thèm thuồng và noi theo.
Người dân bình thường thì hoang mang vì chẳng có điều gì chắc chắn. Đi làm còm cọm cả đời đóng tiền bảo hiểm thì Quỹ bảo hiểm xã hội lúc nào cũng phập phồng sợ vỡ. Sáng đi làm, chẳng biết tối có nguyên lành về nhà không vì tai nạn giao thông quá khiếp. Gửi tiền ngân hàng, bị mất thì ngân hàng bảo đi mà đòi cái thằng lừa đảo ấy (thật bất tiện vì nó lại là chính là giám đốc chi nhánh cái ngân hàng ấy). Bệnh thì tự bán nhà bán cửa chạy chữa…Hiện tại hoang mang, tương lai cũng rứa. Trong cái xã hội chả biết thế quái nào mà lần như thế, chả tin vào đấng vô hình, vào sự may mắn, thì tin vào ai?
Ấy bởi cái mâu thuẫn xé người ấy nên cũng chưa bao giờ dân Việt Nam dễ hờn (cả thế giới) đến thế. Mà khi hờn, người ta lại có sở thích chém nhau. Đang chạy bon bon trên đường, thấy đứa khác vượt lên trên mình-chém. Uống nước mía chê dở-chém. Khen ngon-cũng chém! Và chả duyên cớ gì, vẫn chém! Như mới đây một đám giang hồ vác mã tấu xông vào tìm địch thủ, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi cà phê gần đấy bèn tranh thủ chém phứa lấy vài nhát.
Thậm chí những nghề nghiệp mà tiêu chí là phải khó hờn nhất như bảo mẫu, cô giáo tiểu học…, người ta cũng hờn! Nên cô giáo treo học sinh lên, bảo mẫu nhúng đầu học sinh vào thùng nước, và người trông trẻ đập thằng bé vài tháng tuổi cứ bùm bụp.
Hóa ra, tin tâm linh nhiều thế mà xem ra dân Việt chẳng mát tính lên được tí nào cả.
Với những nơi gọi là linh thiêng, người ta cũng giữ một cái thái độ rất là hai mặt. Một mặt thì gọi rùa là “cụ Rùa”, lo lắng tái tê khi “cụ” sa sút sức khỏe (cụ Rùa mà chết đi thì hồ Gươm còn đâu là linh thiêng nữa). Một mặt, người ta nghiễm nhiên xem hồ Gươm là cái hố rác công cộng, ném vào từ phế thải vật liệu xây dựng cho đến vỏ hộp xốp, kim tiêm, bao cao su…
Niềm tin tâm linh dâng trào mạnh mẽ khiến đất sống của các thầy tu cũng màu mỡ lên gấp bội. Chùa chiền bây giờ phải “lớn nhất Đông Nam Á”, “tượng phật cao nhất Đông Nam Á” “to nhất Đông Nam Á” với những tượng phật tạc nguyên khối từ ngọc đỏ ngọc xanh… Càng đắt tiền, càng xa hoa càng được xem là linh thiêng. Sự tỉnh thức, tĩnh lặng trong tâm trí không còn là điều thu hút phật tử đông đảo nữa.
Có vẻ như đây là một cặp phạm trù đối nghịch: người bình dân thì mê mụ, dễ bị dắt mũi. Người có điều tà ám trong lòng thì cái tay càng hung hãn, cái đầu càng lo sợ quả báo, còn cái tâm càng giục giã phải “lập công chuộc tội”.
Nhưng, soi lại các trường hợp những nhân vật trùm cuối ở Việt Nam, điển hình như ông Trần Bắc Hà mới đây, có vẻ như họ đã sai trong cách “chuộc tội”. Hoặc, do quen hối lộ nên họ cũng chỉ biết có mỗi một kiểu chuộc bằng cách hối lộ thánh thần (cho nó nhanh, được việc) chăng?
Ai dè thánh thần chứng tỏ các ngài có những quan niệm hết sức độc lập về sự chuộc tội, rất khác với người phàm.
Tiền muôn bạc vạn bỏ ra xây trường, xây chùa, đúc chuông tô tượng, thần thánh vẫn nhận. Nhận để tái cơ cấu chứ! Nhưng cái mồm niệm phật mà cái tay ra sức vơ vét tiền bẩn, làm hại đất nước thì dù thành kính bao nhiêu, kết quả cuối cùng cũng chỉ là “thành kính phân ưu” đấy thôi.
Cơ mà chả biết các anh có nhận ra tí nào không, hay là lại tưởng thần thánh dỗi vì hối lộ chưa đủ mức?
Tre
Tham khảo:
https://www.vntrip.vn/cam-nang/thien-vien-truc-lam-chanh-giac-tien-giang-79887
http://www.thtg.vn/ngay-169-thien-vien-truc-lam-chanh-giac-se-to-chuc-an-vi-thanh-tich-tu-dong-tam/
https://phunutoday.vn/nguoi-lon-vo-tu-xa-rac-ho-guom-tre-cam-cui-nhat-d19063.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tran-bac-ha-and-superstition-12022018080943.html
Chuyện một con ốc
Nguyễn Lân Thắng
Mấy hôm nay mình đang sửa nhà cửa. Lâu rồi không động chân tay đến mấy việc lặt vặt sửa chữa nên khá là bận rộn. Một ngày chỉ quáng quàng vào facebook độ nửa tiếng cho đỡ lạc hậu thông tin rồi lại cắm mặt vào đống dây điện, ống nước, gạch lát. Có vài chi tiết mình phải dùng mấy con bu lông inox nên bắt đầu lọ mọ lên internet đi tìm hiểu về nó. Phải nói rằng là thị trường vật liệu xây dựng và kim khí bây giờ rất phát triển nên cái gì cũng có. Tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu về bu lông ốc vít mới thấy đúng là đồ sản xuất ở Việt Nam so với nước ngoài khác nhau một trời một vực.
Đây là mấy con bu lông M5 đầu bịt tròn, inox 304, mình đi lùng mua ở mấy hàng đầu phố Thuốc Bắc. Nhìn thoáng qua thì khá là đẹp, nhưng đến khi mua về mình mới thấy nó có vấn đề. Một sản phẩm kim khí đơn giản, thế giới đã làm ra cả trăm năm trước, vậy mà đến khi siết vào mình mới thấy nó rất tệ. Vặn hết cả mấy vòng ren vào độ rơ của nó rất lớn, cái cao cái thấp. Lâu nay mình vẫn nghe người ta nói Việt Nam còn chưa sản xuất nổi con ốc vít cho tử tế mà cứ đòi hội nhập quốc tế, đúng là sờ vào mới biết, nói không sai một ly nào.
Tại sao người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, vậy mà không thể sản xuất ra một con ốc cho tử tế? Cũng chừng đó nguyên vật liệu, cũng một máy móc công nghệ như nhau, cũng mất công mất sức làm việc, tại sao nước ngoài họ làm ra cái gì là chuẩn cái đó?
Tại sao người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, vậy mà không thể sản xuất ra một con ốc cho tử tế? Cũng chừng đó nguyên vật liệu, cũng một máy móc công nghệ như nhau, cũng mất công mất sức làm việc, tại sao nước ngoài họ làm ra cái gì là chuẩn cái đó? Nếu chỉ xét theo thuần tuý về mặt kỹ thuật thì không thể lý giải được. Rõ ràng ở đây chỉ còn có một vấn đề, đó là do yếu tố con người. Trong một bài giảng của tiến sỹ Lê Thẩm Dương, ông đã đúc kết đặc điểm lao động Việt Nam như thế này:
Rất cần cù, nhưng lại dễ thoả mãn.
Rất thông minh, nhưng lại dùng thông minh để đối phó.
Rất khéo léo, nhưng lại chỉ nửa vời, đại khái.
Rất thích tụ tập mà không liên kết.
Rất xởi lởi, nhưng lại hời hợt.
Rất đoàn kết, nhưng lại chỉ đoàn kết trong khó khăn. Lúc thuận lợi là thay sự đoàn kết bằng đố kị. Người ta nói rằng một thằng Việt Nam thì hơn hẳn một thằng Tây. Nhưng ba thằng Việt Nam chập vào là hỏng chuyện.
Tất cả những đặc điểm đó không dưng mà có. Nếu một người Việt Nam đi ra nước ngoài sống, anh ta dễ dàng loại bỏ những thứ xấu kể trên và phát huy rất tốt các mặt tích cực của mình. Nhưng một thằng Tây đến Việt Nam làm việc một thời gian, lâu dần rồi nó cũng mất đi tính chỉn chu kỷ luật của phương Tây, và rồi nó sẽ tệ không khác gì thằng Việt Nam.
Từ chuyện một con đinh ốc thôi, nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, nếu chúng ta không thay đổi điều nhỏ nhất như thế thì đừng nói đến chuyện thay đổi được thứ lớn hơn. Ai cũng mong muốn Việt Nam rồi sẽ có tự do dân chủ, có thịnh vượng. Nhưng đó chỉ là mơ ước. Muốn mơ ước trở thành hiện thực thì chúng ta phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Giữ chữ tín. Làm việc của mình một cách chỉn chu. Biết tiết chế bản thân để làm việc theo nhóm. Từng ngày một chúng ta sẽ thay đổi tất cả để vươn tới một tương lai tươi sáng, nơi ở đó mỗi con người sẽ được sống một cuộc đời đầy sự sung túc bình an.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/story-about-a-screw-12012018205521.html
Luật sư: Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh sẽ kháng án
Cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, người vừa bị tuyên án 9 năm tù trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỷ, sẽ kháng cáo bản án vừa được tuyên tại Toà án Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Báo Tiền Phong hôm 2/12 trích lời bà Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư bào chữa cho ông Vĩnh cho biết như vậy.
Hôm 30/11, Toà án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, 9 năm tù và nộp phạt 100 triệu đồng với cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015.
Luật sư của ông Vĩnh cho rằng, trong việc tuyên án 9 năm tù đối với ông Vĩnh, toà đã phủ nhận hết sự cố gắng, công lao của ông Phan Văn Vĩnh.
Bà Trang cho biết, trước khi ông Vĩnh phải nhập viện, ông đã trao đổi với người bào chữa nếu toà áp dụng đầy đủ các tình tiết tuyên mức án thấp hơn VKSND đề nghị có thể ông sẽ chấp nhận bản án sơ thẩm, nếu án cao hơn mức VKS đề nghị, ông chắc chắn sẽ kháng cáo”. Trong thời gian xử án, ông Vĩnh đã phải nhập viện điều trị về tình trạng sức khoẻ.
Hôm 21/11, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án tù từ 7 năm đến 7 năm rưỡi đối với ông Phan Văn Vĩnh. VKS cho biết trường hợp ông Vĩnh đã được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên chỉ đề nghị mức án như vậy.
Theo toà án, hệ thống các cổng game trong vụ án đánh bạc trên mạng được công ty CNC (công ty bình phong của Bộ Công an) và VTC online xây dựng chỉ hoạt động trong 28 tháng nhưng đã thu hút gần 43 triệu tài khoản đánh bạc, thu về gần 10.000 tỷ đồng. Hệ thống này hoạt động dưới sự bảo kê của ông Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hoá, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50). Ông Nguyễn Thanh Hoá bị toà tuyên 10 năm tù.
Đã có 92 bị cáo bao gồm hai viên cựu tướng phải hầu toà trong vụ án này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/phan-van-vinh-to-appeal-12022018085934.html
Công viên Đại Dương, Sơn Trà và Huỳnh Tấn Vinh
Nguyễn Anh Tuấn
Một tuần trước, ông Huỳnh Tấn Vinh hãy còn băn khoăn không biết vì sao Quận uỷ Hải Châu, Đà Nẵng lại xoá tư cách đảng viên đối với ông trong một thông báo bất ngờ trên báo chí, dù rằng ông đã thôi không sinh hoạt đảng đã 4 năm nay.
Nhưng giờ đây, với những động thái cấp tập của chính quyền thành phố nhằm tái khởi động dự án Công viên Đại Dương do SunGroup làm chủ đầu tư, băn khoăn của ông Vinh có lẽ đã được giải toả phần nào.
Dự án Công viên Đại dương được cho là sẽ phá huỷ hoàn toàn hệ sinh thái biển gắn liền với Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo những quy định trước đây của Chính phủ, khu vực này còn thuộc về vùng đệm an toàn cho rừng cấm Sơn Trà. SunGroup – chủ đầu tư nhiều dự án nhất ở khu vực Sơn Trà, sau khi phản ứng quyết liệt với việc Chính phủ tạm ngưng các dự án du lịch nơi đây, có vẻ như đang muốn cố đấm ăn xôi nuốt cho kỳ được khu vực này bất chấp môi trường môi sinh và lợi ích cộng đồng.
Trong khi đó, ở phía ngược lại, ông Huỳnh Tấn Vinh là người đi đầu trong việc bảo vệ toàn vẹn Sơn Trà, bao gồm cả hệ sinh thái biển ven bờ nơi đây.
Năm ngoái, đại diện Hiệp hội Du lịch Thành phố, ông gửi Kiến nghị gửi Thủ tướng với những đề xuất vừa tâm huyết vừa khoa học thu hút hàng chục ngàn người ký tên ủng hộ.
Cũng thời điểm đó, ông ra Hà Nội, tả xung hữu đột giữa những cán bộ quan liêu Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch cất lên tiếng nói đòi quyền lợi cho Sơn Trà, cho cộng đồng thành phố.
Ở quê nhà, ông năm lần bảy lượt doạ ‘bị xử lý’ nhưng vẫn chưa một lần lùi bước khi Sơn Trà bị xâm phạm.
Bị xoá tư cách đảng viên, có thể tới đây ông Vinh sẽ không còn là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nữa. Có thể, trong toan tính của những cấu kết quyền-tiền, sẽ bớt đi một tiếng nói uy lực bảo vệ Sơn Trà chăng? Sơn Trà sẽ dễ băm xẻ hơn sao?
Chưa biết. Chỉ biết là nếu toan tính như vậy thì có lẽ họ đã đánh giá quá thấp tình yêu Sơn Trà, tình yêu Đà Nẵng của Huỳnh Tấn Vinh – một người Đà Nẵng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ocean-park-sontra-and-huynh-tan-vinh-12012018204000.html
Thấy gì từ hội thảo quốc tế
về chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế?
Nguyễn Trang Nhung
Sáng ngày 29/11, hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Ramana, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia từ các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc cùng các cá nhân, tổ chức khác.
Nội dung chính của hội thảo bao gồm 4 tham luận của 2 diễn giả từ Việt Nam và 2 diễn giả từ Trung Quốc:
1. “Thực trạng phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam và hàm ý chính sách”, PGS. TS. Đào Ngọc Tiến, Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương
2. “Mô hình phát triển và các chính sách tài chính cho phát triển các đặc khu kinh tế của Trung Quốc”, TS. Trương Ngọc Đán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc
3. “Chính sách tín dụng đối với đặc khu kinh tế”, TS. Phạm Ngọc Đỉnh, Nghiên cứu viên cao cấp (hạng 1) Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
4. “Cơ chế thuế ưu đãi của Trung Quốc nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đối với các đặc khu kinh tế”, TS. Liu Zuo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Luật Tài chính và Thuế, Hiệp hội Luật Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thuế, Tổng cục Thuế Trung Quốc.
Nhìn chung, hội thảo với các tham luận kể trên thiếu các yếu tố cần thiết để thực sự đạt được mục tiêu như nó tuyên bố là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và rút ra bài học cho Việt Nam. Cụ thể là:
Nó không đủ tính bao quát như tên gọi của nó (về “kinh nghiệm quốc tế”) khi chủ yếu đưa ra kinh nghiệm từ các đặc khu kinh tế của Trung Quốc và các khu kinh tế hiện có của Việt Nam.
Nó không đủ tính khách quan như nên có khi chủ yếu xem xét kinh nghiệm thành công mặc dù các nghiên cứu về các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy tỷ lệ thành công không hơn tỷ lệ thất bại.
Nó cho thấy tính hồ đồ khi một trong các diễn giả của nó, ông Tiến, đã mạnh miệng phát biểu rằng “Chúng ta ở đây không ai băn khoăn chuyện có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không. Chắc chắn là có. Tôi nghĩ rằng 100% chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta ngồi đây không đặt ra câu hỏi là có cần phát triển các đặc khu kinh tế hay không, bởi vì điều đấy là cần thiết, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong bối cảnh của Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Câu hỏi chỉ là làm thế nào, chứ không phải là có làm hay không.”
Nó cho thấy tính mơ hồ khi ngay một chuyên gia như ông Tiến không chỉ ra được một bộ tiêu chí cụ thể để xác định sự thành công hay thất bại của các đặc khu kinh tế trong tương lai (nếu có). Trả lời câu hỏi của người viết về một bộ tiêu chí như vậy, sau khi kể đến mục tiêu tăng trưởng và mối liên kết của các đặc khu kinh tế với các vùng lân cận, ông Tiến nói thêm rằng để có một bộ tiêu chí thì “có lẽ chúng ta còn phải có một vài hội thảo tiếp theo, còn bây giờ không thể trả lời được câu hỏi là đánh giá sự thành công bằng những tiêu chí nào”.
Và, cho dù hội thảo có mục tiêu thực sự là gì, nó đã tái khẳng định ý chí thực hiện dự án đặc khu kinh tế của chính phủ, khi thể hiện rằng công tác chuẩn bị cho dự án vẫn đang được xúc tiến.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-to-see-in-the-seminar-on-sez-12012018202704.html
Việt Nam nhọc nhằn gia tăng sức mạnh hải quân
Hai trận « hải chiến » trong quá khứ đã để lại cho Việt Nam hai bài học đau đớn. Chính quyền Việt Nam ý thức được rằng phải tăng cường sức mạnh hải quân. Thế nhưng, Hà Nội thực hiện những nỗ lực hiện đại hóa hải quân một cách vất vả nhằm đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Trên đây là nhận xét của tạp chí Défense & Sécurité Internationale (DSI – Quốc Phòng và Anh Ninh Quốc Tế).
Hai bài học xương máu
Đầu tiên hết, tạp chí nhắc lại hai trận hải chiến đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trận hải chiến thứ nhất hay còn gọi là « trận chiến Hoàng Sa » xảy ra ngày 19/01/1974 giữa lực lượng hải quân Nam Việt Nam và Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam muốn giành lại quyền kiểm soát đảo Quang Hòa (Duncan) thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà chế độ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ khẳng định chủ quyền nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng « bất hợp pháp ».
Trận chiến kéo dài vỏn vẹn trong vòng 40 phút, kết thúc với thất bại nặng nề của lực lượng Nam Việt Nam: 53 người chết, 16 bị thương và 43 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Trung Quốc chỉ mất 18 binh sĩ và 43 người bị thương.
Thứ hai là trận hải chiến Trường Sa, xảy ra ngày 14/03/1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam để giành quyền kiểm soát bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Kết quả phía Việt Nam giữ được hai bãi đá, nhưng mất bãi Gạc Ma. Trong trận chiến này, Hà Nội mất đến 64 binh sĩ và hai đội tầu chiến.
Tăng cường hỏa lực
Đối với Việt Nam, hai trận hải chiến này là hai bài học xương máu, chỉ vì thiếu hỏa lực. Năm 1990, Việt Nam đã cho ngưng hoạt động hai chiếc tầu chiến cũ kỹ có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến – một chiếc có tải trọng 2500 tấn và chiếc khác có tải trọng 1500 tấn – của hải quân miền Nam Việt Nam.
Hai chiếc tầu này được thay thế bằng 5 chiếc Petya của Nga, những chiến hạm lớp ASM tải trọng 1100 tấn, được thiết kế từ những năm 1960. Vấn đề chủ yếu đối với Hà Nội chính là khả năng tài chính và do vậy phải đợi đến năm 2005 các cuộc thương lượng mới được khởi động với Matxcơva về việc mua hai chiếc tầu hộ tống lớp Gepard 3.9, tải trọng 2100 tấn, được trang bị 8 tên lửa chống hạm SS-N-25. Cả hai chiếc tầu này lần lượt được đưa vào hoạt động năm 2010 và 2011.
Sau đó Việt Nam tiếp tục đặt hàng với Nga thêm 4 chiếc khác: Hai chiếc vào năm 2011, đã được đưa vào hoạt động hồi tháng 2/2018 và hai chiếc khác năm 2014, hiện vẫn còn đang trong quá trình đóng ráp. Song song đó, Việt Nam còn đặt mua nhiều loại tầu chống hạm loại nhỏ cũng như là tầu tuần tra, cho phép cải thiện các năng lực tác chiến đã có từ trước cũng như dựa vào đội tầu tuần tra phóng ngư lôi Turya và phóng tên lửa Osa.
Đó chính là trường hợp đối với 12 chiếc lớp Tarantul phóng tên lửa (trong đó có nhiều chiếc Tarantul V được lắp ráp tại Việt Nam); một chiếc tầu tuần tra phóng tên lửa BPS-500 có tải trọng 520 tấn, cũng được đóng tại Việt Nam dưới sự trợ giúp của Nga; rồi 6 chiếc tuần tra Svetlyak đã được đưa vào phục vụ từ năm 2002, cũng như là 6 chiếc tuần tra khác TTP-400TP được thiết kế với sự hỗ trợ của Ukraina, hoạt động từ năm 2012.
Vũ khí và năng lực tác chiến: Đôi đũa lệch?
Nếu như sức mạnh của hải quân của Việt Nam đã được tăng cường, thì yếu tố chính giúp gia tăng sức mạnh là đội tầu ngầm. Hà Nội đặt mua sáu chiếc tầu ngầm lớp Kilo 636 với Nga năm 2009, trong đó hai chiếc đầu tiên đã được đưa vào sử dụng năm 2014 và hai chiếc mới giao gần đây là vào tháng Hai năm 2017. Hợp đồng mua này còn trở nên quan trọng hơn với thông báo năm 2015 đặt hàng 50 tên lửa hành trình tấn công trên bộ 3M14E.
Việc trang bị các loại vũ khí nói trên nhằm răn đe. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí mới này – qua đó nâng cao khả năng răn đe – hay không. Bởi vì chưa có một quốc gia nào lại nhanh chóng trang bị nhiều tàu ngầm đến như vậy và các tàu này lại được lắp đặt thêm tên lửa hành trình.
Đương nhiên, Nga và Ấn Độ hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam, nhưng việc phát triển các chiến thuật phù hợp sẽ còn tùy thuộc vào hải quân của một nước mới bắt đầu làm chủ được các kỹ thuật cơ bản về hoạt động của tàu ngầm. Do vậy, về lâu dài, việc có được khả năng thiết lập vùng cấm là một thách thức đối với Việt Nam.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181202-viet-nam-nhoc-nhan-gia-tang-suc-manh-hai-quan