Tin Việt Nam – 02/11/2017
Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung
Một phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho mạng báo lề trái ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, cô Huyền Trang, vào ngày 1 tháng 11 bị hành hung bởi thành phần lạ mặt sau khi tham dự lễ giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.
Tin cho biết cô Huyền Trang bị một nhóm người xông vào đánh ngay sau thánh lễ.
Cô kể lại vụ việc với Đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 2 tháng 11 như sau:
Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn thì khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi. Và bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi , nói chung đã cho thuốc uống rồi
Vụ việc đối với phóng viên độc lập Huyền Trang xảy ra ngay trước Ngày Quốc tế Yêu Cầu Chấm dứt Dung Dưỡng Tội Ác Đối Với Nhà Báo, 2 tháng 11 hằng năm do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Theo tổ chức quốc tế này thì trong vòng 11 năm qua có hơn 900 nhà báo bị giết hại vì đưa tin tức, thông tin đến cho công chúng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp dứt khoát chống lại sự dung thứ cho những tội ác đối với các phóng viên.
Thư cho lãnh đạo Việt Nam về hai nữ tù nhân
40 chuyên gia và nhà hoạt động xã hội khắp nơi trên thế giới gửi thư cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự lo lắng về hai tù nhân chính trị Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga.
Bức thư được gửi đến ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức thư đề ngày 4 tháng 10 và được công khai trên mạng Internet vào đầu tháng 11 để kêu gọi nhiều người khác cùng ký tên.
Bức thư ngỏ nêu rõ các bản án 10 năm và 9 năm tù dành cho hai người nữ tù nhân chính trị nói trên có những vi phạm quyền tự do biểu đạt trong luật pháp quốc tế mà Việt Nam phải tôn trọng.
Bức thư nhấn mạnh rằng những bản án này đặc biệt nặng nề đối với hai phụ nữ có con nhỏ dưới mười tuổi, và là một việc hình sự hóa những hoạt động ôn hòa của hai người phụ nữ này.
Ký tên dưới bức thư là những nhà khoa học, chuyên gia xã hội người Việt và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Mỹ, châu Âu, và châu Úc. Có nhiều người đã từng là chuyên gia cho chính phủ Việt Nam như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam như bà Sophia Quinn-Judge, ông Peter Zinoman, ông Christopher Goscha.
‘Chưa luật sư nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Nhân vụ một nhà hoạt động bị đề nghị truy tố theo Điều 258, một luật sư ở TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng “chưa luật sư nào bào chữa thành công cho thân chủ bị Điều 258, nhưng không phải vì luật sư kém cỏi.”
Luật sư Hà Huy Sơn cho hay, ngày 30/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát đề nghị truy tố ông Hoàng Đức Bình theo Khoản 2, Điều 258 Bộ luận Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Nếu bị tòa tuyên phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, ông Bình có thể đối mặt với bản án từ 2 đến 7 năm tù giam.
HRW: Các nhà hoạt động ‘không chốn dung thân’ ở VN
Bình luận vụ bắt giữ, truy nã ở Nghệ An, Hà Tĩnh
Tháng 5/2017, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ ‘phản động’ Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội ‘Chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết: “Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi…”
‘Sự thật phũ phàng’
Hôm 2/11, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói:
“Đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật Hình sự? Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó!”
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
“Câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là: Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo Điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả!”
“Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi!”
“Sự thật phũ phàng tuy có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy!”
Trước khi ông Hoàng Đức Bình bị bắt, hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, người post các clip biểu tình chống Formosa tại miền Trung lên mạng xã hội, bị khởi tố bị can theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Hóa “nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động” vụ Formosa.
Tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein kêu gọi Việt Nam trả tự do cho “toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này”.
Chính phủ Việt Nam vẫn bác cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và nói rằng chỉ có những người bị bắt “vì vi phạm pháp luật”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41829006
Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng
bị Công an Hà Nội sách nhiễu
Cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng vào ngày 1 tháng 11 bị công an Hà Nội bắt, cưỡng đoạt điện thoại khi bà này đến thăm người thân tại thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội.
Tin nêu rõ hai công an đến nhà người thân nơi bà Bùi thị Minh Hằng có mặt yêu cầu kiểm tra hành chính vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 11. Bà này sử dụng điện thoại di động để thu lại cảnh đó thì bị một nhóm gần chục người từ bên ngoài xông vào bắt đưa vào một chiếc xe bảy chỗ đậu gần ngôi nhà rồi đưa đến trụ sở Công an Sơn Tây.
Tại đó bà bị lục soát, bị lấy điện thoại và ví tiền có 3 triệu đồng trong đó. Sau đó bà bị thẩm vấn bởi một viên chức tự xưng là thuộc Công An Hà Nội. Bà Bùi thị Minh Hằng từ chối trả lời những câu hỏi của viên công an nên bị bỏ một mình đến 8 giờ tối ngày 1 tháng 11, số công an trở lại yêu cầu bà ký biên bản nhưng bà từ chối. Cuối cùng họ đưa bà về trở lại nhà người thân ở Sơn Tây.
Công an yêu cầu bà Bùi Thị Minh Hằng trở lại làm việc trong ngày 2 tháng 11; tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe.
Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình sức khỏe hiện nay và sẽ thông tin công khai về vụ việc liên quan bản thân bà khi có phương tiện:
“Tôi sẽ cố gắng có phương tiện trong thời gian sớm nhất để thông tin. Hiện nay tôi đang rất đau và phải ở cùng con cháu.”
Xin được nhắc lại cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng là một trong những người tích cực tham gia đợt biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011 và những sự kiện tương tự trong những năm sau đó. Mục tiêu các cuộc biểu tình nhằm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.
Bà bị bắt lần đầu vào tháng 11 năm 2011 tại Sài Gòn khi đứng giương biểu ngữ ủng hộ những người ở Hà Nội biểu tình hoan nghênh đề nghị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về luật biểu tình . Lần đó bà bị đưa vào Trại cải tạo Thanh Hà ở Vĩnh Phúc. Đến cuối tháng tư năm 2012 bà mới được đưa về nhà ở Vũng Tàu.
Bà bị bắt lại lần thứ hai vào đầu năm 2104 khi cùng một số nhà hoạt động khác và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Hà Nội lập nên đến thăm cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Bà bị đưa ra tòa cùng với anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà bị tuyên án 3 năm tù giam.
Sau khi mãn án tù, bà Bùi thị Minh Hằng tiếp tục tích cực lên tiếng về tình hình Việt Nam. Bà sử dụng công cụ mạng xã hội như livestream của Facebook để bày tỏ chính kiến về những vụ việc diễn ra liên quan đến bắt bớ các thành phần đấu tranh, ủng hộ dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam.
Lại dùng tiền lẻ phản đối trạm BOT
Sáng ngày 2/11 tại trạm thu phí BOT Ninh An trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông do tài xế cố tình đi chậm và sử dụng tiền lẻ để trả phí.
Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3, thuộc Tổng Cục Đường bộ cho biết tình trạng ách xảy ra từ khoảng 9h45 và kéo dài khoảng 500m.
Vụ việc đã được phía cơ quan chức năng giải quyết vào tầm trưa.
Ông Tình cho biết thêm rằng tình trạng tương tự cũng xảy ra vào ngày hôm trước, 1/11. Tuy nhiên đoạn ùn tắc kéo dài đến 1 km.
Hành động phản đối này của tài xế được nói là do họ không bằng lòng khi phải trả phí tại hai trạm BOT Ninh An trên quốc lộ 1 và BOT Ninh Xuân trên quốc lộ 26 khi đi từ TP Nha Trang đến TP Buôn Ma Thuột. Cụ thể vào năm 2016, Bộ Giao Thông- Vận Tải cho dời trạm thu phí BOT Đèo Cả từ xã Ninh An về xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Tình trạng tài xế, người dân điều hành xe ô tô sử dụng tiền lẻ để trả khi qua trạm thu phí xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Những người phản đối cho rằng trạm thu phí đặt không đúng vị trí và mức thu cao không hợp lý.
Cũng tin liên quan, Cục Quản lý Đường bộ cho biết trong tháng 11 này sẽ tiến hành thanh tra 4 trạm thu phí BOT. Đó là các trạm tại Km42+730 trên Quốc lộ 6 khu vực Xuân Mai – Hòa Bình, trạm Km1148+1300 trên quốc lộ 1 khu vực tỉnh Bình Định, trạm T1 và T2 trên đường cao tốc 1K thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.
Quá trình thanh tra, giám sát sẽ kéo dài 10 ngày, đến hết ngày 20/11. Cơ quan chức năng sẽ thanh tra doanh thu, hệ thống thu phí và công nghệ được áp dụng tại các trạm thu phí này. Sau đó sẽ báo cáo kết quả lên cấp cao hơn để giải quyết những bất cập và vi phạm, nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong công tác thu phí đường bộ.
Bà Trần Lệ Xuân qua lời kể và bình luận
Nhân 54 năm cuộc đảo chính 01/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, BBC Tiếng Việt nhắc lại một số lời và bình luận kể về cuộc đời của bà Trần Lệ Xuân.
Sinh năm 1924 tại Hà Nội, bà Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, qua đời ngày 24/04/2011 tại Rome, Ý, ở tuổi 87.
Trong tuần sau đó, BBC phỏng vấn ông Trương Phú Thứ, người tiếp xúc bà nhiều lần trong giai đoạn bà Trần Lệ Xuân sống ở châu Âu về cuộc đời bà:
Bàn tròn Thứ Năm: 54 năm ngày hai ông Diệm, Nhu bị đảo chính sát hại
Nhà Ngô thứ nhì nằm xuống loạn lạc nổi lên
Hồ sơ JFK: KGB, Johnson và Ngô Đình Diệm
Tháng 11/1963: dòng họ Ngô Đình và Kennedy
Thấy gì từ tập đầu phim The Vietnam War?
Gia đình túng thiếu
“Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, Quận 16 gần trung tâm.
Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống.”
Khi đang công du Hoa Kỳ cùng con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy, bà Nhu nghe tin chồng, và anh chồng, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh giết tại Sài Gòn.
Bà không về được Nam Việt Nam và sang Pháp định cư.
Ông Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà Ngô Đình Nhu trong những năm trước khi bà qua đời bình luận:
“Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết thảm, thì bà mới có chưa đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là một người phụ nữ trên mức bình thường.
Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.
Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.
Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.
Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôiLS Trương Phú Thứ
Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà.
Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ.”
Về tin nói bà Trần Lệ Xuân có những khoản tiền “khổng lồ”, ông Thứ nói:
“Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!
Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.”
Những ngày trước khi về với Chúa
Ông Trương Phú Thứ kể tiếp qua phỏng vấn điện thoại từ Seattle với BBC vào cuối tháng 4/2011:
“Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu, gần như không nói được nữa.
Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.”
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Miền Bắc Việt Nam cũng có phong trào chống chiến tranh
Thành công chính trị của phụ nữ Mỹ gốc Việt trong năm 2016
Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt. Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.”
Con gái lớn của ông bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy đã qua đời trong một tai nạn xe hơi ở Pháp năm 1968.
Một năm sau khi bà Nhu mất, con gái Ngô Đình Lệ Quyên chết vì tai nạn xe máy gần Roma, Ý vào tháng 4/2012.
Mâu thuẫn lên đỉnh điểm
Cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra trong giai đoạn các mâu thuẫn lớn ở Nam Việt Nam bị đẩy lên cao.
Trong thời kỳ này, bà Trần Lệ Xuân cũng bị nhiều ý kiến chỉ trích cho là đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền ông Ngô Đình Diệm thêm gay gắt.
Tại Việt Nam nhiều năm sau cuộc chiến vẫn có quan điểm phê phán bà và dòng họ Ngô Đình, một gia tộc theo Công giáo.
Một bài trên trang nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2013 cho rằng bà Trần Lệ Xuân từng công kích rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa …”.
Còn một phần báo chí tại Hoa Kỳ, và sau này cả truyền thông châu Âu khi đưa tin bà qua đời năm 2011 cũng nhắc lại sự kiện cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức, và bình luận được cho là của bà Trần Lệ Xuân nói: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác” (I would clap hands at seeing another monk barbecue show).
Những bình luận của bà đã khiến báo chí Mỹ có cái nhìn tiêu cực về bà, xem bà như ví dụ “tiêu biểu” cho những sai trái của chính quyền ông Diệm.
Trong lúc khủng hoảng Phật giáo lên cao, bà đi Mỹ để thuyết trình bảo vệ cho chế độ.
Sau cái chết đẫm máu của ông Diệm và em trai Ngô Đình Nhu, các con của bà được phép rời Sài Gòn đến Paris, nơi mẹ con bà bắt đầu cuộc sống lưu vong.
Không lâu sau đó, bà chuyển sang sống ở Rome, nơi người anh chồng, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế Ngô Đình Thục, đã xin tị nạn.
Năm 2011, khi bà qua đời, bài viết trên New York Times khi đó nhắc lại về lần trao đổi thư từ với tờ báo này năm 1986.
Trong những lá thư đó, bà tiếp tục lên án Hoa Kỳ vì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Bài tưởng niệm của Washington Post thì nhận xét khi ở Sài Gòn, bà Nhu xem mình là “người yêu nước và cách mạng, vây quanh toàn kẻ thù”, và rằng bà từng là một nhân vật chính trị “ảnh hưởng và khiến người khác khiếp sợ”.
Gần đây một tác giả Monique Brinson Demery công bố cuốn sách “Finding the Dragon Lady”, dựa theo một số lần liên lạc với bà Nhu.
Khi tác giả Demery hỏi bà Nhu có ân hận nào không, bà chỉ nói bà lẽ ra nên khiêm nhường hơn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41832771
Anh ‘muốn tăng hợp tác thương mại với VN’
Với tư cách là đại diện của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại với Chính phủ Việt Nam, Nghị sỹ Edward Vaizey cho rằng Việt Nam là một đất nước “năng động, kì diệu” với nhiều tiềm năng mà nhiều người Anh chưa biết tới.
Trả lời Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Vaizey cho rằng Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp nổi trội có thể tạo cơ hội cho hai nước Anh – Việt thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Ông hy vọng sẽ có nhiều khách du lịch Anh đến thăm Việt Nam và có nhiều người Việt Nam đi du lịch Anh hơn.
Từ góc độ của nước Anh, Nghị sỹ Vaizey cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và nước Anh “vô cùng ghen tỵ về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Ông hi vọng chính phủ hai nước sẽ tăng cường hợp tác về các lĩnh vực giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng hóa.
“Theo hiểu biết của tôi thì Việt Nam đánh giá cao hệ thống giáo dục của Anh và tôi rất hi vọng các trường đại học của Anh sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam,” ông Vaizey nói với Thông Tấn Xã Việt Nam.
“Tôi cũng cho rằng các công ty hiện đại của Anh có thể làm việc với các công ty hiện đại của Việt Nam trên các lĩnh vực như công nghệ, hình thức mới của năng lượng và các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng lớn.”
“Chúng tôi đánh giá cao tay nghề của người lao động Việt Nam.”
Trước sự kiện Brexit, ông Vaizey cho biết dù bất cứ điều gì xảy ra, một trong những ưu tiên hàng đầu ông đặt ra vẫn là thúc đẩy giao thương giữa Anh và Việt Nam, đồng thời “đảm bảo để Chính phủ Anh nhận thấy tầm quan trọng của việc đạt được hiệp định tự do thương mại với Việt Nam”.
Đánh giá về việc Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, Nghị sỹ Vaizey cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May “lấy làm tiếc” trước việc Mỹ xem xét lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống Trump ‘sẽ đến Đà Nẵng tháng 11’
APEC: Để không ai bị bỏ lại phía sau?
Tuy nhiên ông cho rằng “bản thân khu vực cũng mạnh để có thể tiếp tục TPP và thúc đẩy những mối quan hệ thương mại giữa các nước trong khu vực”.
Ông Vaizey cho biết Anh muốn có những mối liên hệ gần gũi với những kế hoạch thực hiện TPP và luôn ủng hộ việc xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước.
Mặc dù có nhiều biến động chính trị xảy ra tại Anh trong 6 tháng đầu năm 2017, trao đổi thương mại Anh – Việt vẫn có tín hiệu tích cực.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 2,399 tỷ USD, tương đương cùng kì năm 2016. Nhập khẩu từ Anh và Việt Nam đạt 341,5 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kì năm trước.
Theo Cục Thống kê Anh, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh bao gồm thủy sản, máy vi tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ nội thất, giày dép, sản phẩm dệt may, hạt điều, cà phê, cao su và các chế phẩm từ cao su, điện thoại.
Hồi tháng Hai, ông Liam Fox, Bộ trưởng Thương mại Anh thăm Hà Nội, bày tỏ hy vọng tăng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41850178
Nữ bác sỹ gốc Việt ‘thách thức dân biểu Cộng hòa’
Bác sỹ nhi khoa Trần Thị Mai Khanh, sang Hoa Kỳ năm 1975, hy vọng có thể vượt qua ông Ed Royce, một trong những dân biểu lâu năm nhất của Mỹ, trong bầu cử Hạ viện Mỹ 2018.
Trước đó, như nhiều ứng cử viên khác, bà Khanh, theo đảng Dân Chủ, tổ chức gây quỹ cho cuộc tranh cử vị trí dân biểu liên bang địa hạt 39, tiểu bang California.
Theo truyền thông Mỹ, người thân của bà Khanh thậm chí mang vàng từ thời vượt biên để ủng hộ cho quỹ .
Bàn tròn BBC: 54 năm ngày hai ông Diệm, Nhu bị đảo chính hạ sát
Có khoảng 31% người châu Á sinh sống tại địa hạt 39, tiểu bang California. Người Mỹ gốc Việt lớn tuổi sống tại hạt 39 từng bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa trong nhiều thập kỷ, nhưng con cái họ phần đông ủng hộ đảng Dân Chủ.
Nếu chiến thắng, bà Mai Khanh sẽ thay thế ông Ed Royce, thành viên đảng Cộng Hòa, đã ở trong Quốc hội từ 1993.
Tị nạn
Sinh ra tại Việt Nam, năm 1975, khi mới chín tuổi, bà Mai Khanh theo ba mẹ và ba anh trai tới Mỹ theo diện tị nạn.
Hứa hẹn của nữ nghị sĩ Mỹ gốc Việt
Bà Stephanie Ngọc Dung Murphy thành Nghị sỹ QH Mỹ
Năm ngoái, một phụ nữ gốc Việt khác là bà Stephanie Ngọc Dung Murphy, đảng viên Dân Chủ, đã đánh bại chính trị gia kỳ cựu John Mica thuộc đảng Cộng Hòa cho vị trí dân biểu liên bang địa hạt 7, Florida, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ.
Người gốc Việt đầu tiên vào Quốc hội Mỹ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh), từng là dân biểu Địa hạt 2 của tiểu bang Louisiana tại Hạ viện Hoa Kỳ từ năm 2009 đến 2011.
Cuộc tranh cử vào các chức dân biểu liên bang quy tụ nhiều nhà khoa học, tập trung vào các chủ đề chính như chăm sóc bệnh nhân nghèo hiện đang hưởng chương trình y tế vừa túi tiền (Affordable Care Act), còn gọi là quỹ ObamaCare, do cựu Tổng thống Obama sáng lập. Dưới thời của ông Trump, quỹ này có nguy cơ bị xóa sổ.
Theo truyền thông Mỹ, từ khi ông Trump lên nắm quyền, đã có hơn 6.000 nhà khoa học liên lạc với tổ chức 314 Action, nơi hướng dẫn họ tranh cử vào các vị trí chính trị.
Ước tính, hiện nay phụ nữ chiếm dưới 20% Quốc hội Mỹ và dưới 25% tại tất cả các cơ quan lập pháp tiểu bang. Chỉ có sáu thống đốc bang là nữ trong tổng số 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Cuộc bầu cử Hạ viện Hoa Kỳ năm 2018 tại California sẽ diễn ra vào thứ Ba, ngày 6 tháng 11, chọn ra 53 dân biểu của 53 quận. Sự kiện này trùng với các cuộc bầu cử khác trên toàn nước Mỹ như bầu cử tổng thống, bầu cử Hạ viện, Thượng viện tại các bang khác.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41841188
Lao động Trung Quốc làm chui ở Bình Thuận
Có hơn 500 lao động người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và gần 300 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động đang làm việc tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Sở Lao động-Thương binh& Xã hội cho biết số liệu vừa nêu trong báo cáo trình lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là hai đơn vị thuê mướn những lao động người nước ngoài bất hợp pháp này. Bên cạnh đó còn có Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân điện lực Trung Quốc và các nhà thầu phụ, bao gồm các công ty Lắp đặt Quảng Đông, Trung Kiến 2, Trung Kiến 3, Vận chuyển Trung Đặc và Tương điện Hồ Nam.
Trong báo cáo của Sở Lao động-Thương binh& Xã hội tỉnh Bình Thuận không nói rõ những lao động người nước ngoài trái phép tại các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân mang quốc tịch nào, nhưng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo quy định pháp luật nếu các chủ thuê mướn lao động người nước ngoài trái phép không hoàn tất hồ sơ theo thời hạn được yêu cầu.
Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác không quân
Việt Nam và Ấn Độ vào ngày 1 tháng 11 thảo luận triển khai Chương trình thúc đẩy hợp tác trong lãnh vực Phòng không-Không quân.
Nội dung thảo luận của chương trình vừa nêu được đưa ra nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn Tư lệnh Không quân Ấn Độ đến Việt Nam do Đại tướng Birender Singh Dhanoa, Tư lệnh Không quân làm Trưởng đoàn.
Tại trụ sở Bộ Quốc Phòng vào chiều ngày 1 tháng 11, đại diện của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng-Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Birender Singh Dhanoa thống nhất hai bên sẽ triển khai những nội dung trao đổi một cách hiệu quả và cùng mong muốn quan hệ hợp tác quân đội giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển.
Đại tướng Birender Singh Dhanoa nói rằng ông hy vọng lực lượng Không quân của Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác huấn luyện, đào tạo, vận hành, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật không quân và an toàn bay.
Trong những năm gần đây, Việt Nam tỏ ý muốn mua tên lửa của Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết có kế hoạch bán tên lửa hành trình Brahmos cho Việt Nam.
Cơ quan Nhà nước có thi hành đúng pháp luật hay không?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước, mà công luận cho rằng những cơ quan này không thực thi đúng pháp luật, từ địa phương cho tới trung ương.
Không tuân thủ pháp luật?
Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 30 tháng 10 lên tiếng về vụ việc nữ nhà báo Dương Hằng Nga bị Công an thành phố Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng. Theo Công an Đà Nẵng thì biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Dương Hằng Nga là đúng quy định do đã nhận đơn của ông Phan Văn Anh Vũ khiếu nại bà Nga viết 8 bài báo, đăng trên Tạp chí Giao thông Vận tải xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và danh dự cá nhân.
Ông này được nhiều người biết đến với biệt danh “Vũ Nhôm”, một nhân vật được truyền thông trong nước nhắc tên trong vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng- Nguyễn Xuân Anh khiến ông bị mất chức. Dân chúng địa phương cũng gọi ông Phan Văn Anh Vũ là “mafia của Đà Nẵng” vì dính líu các phi vụ làm ăn liên quan khu biệt thự ở bán đảo Sơn Trà hay khai thác gỗ…
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận thắc mắc phải chăng Công an thành phố Đà Nẵng bị thao túng bởi đại gia “Vũ Nhôm”. Thêm một trường hợp khác mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm là thông tin Cục trưởng Cục Chống tham nhũng-Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt nói với truyền thông trong nước rằng biện pháp kỷ luật đối với sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái là nghiêm minh và đúng pháp luật.
Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức vi phạm luật hết sức nghiêm trọng. Những luật do Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa ra, mà Quốc Hội cũng được tạo ra từ bên trong của Đảng Cộng Sản, nhưng họ vẫn bất chấp những chuyện như vậy…Có rất nhiều các sự vi phạm khác của các cơ quan và các quan chức Nhà nước, từ trung ương cho đến cấp phường-xã-thôn
-TS Nguyễn Quang A
Ông Phạm Sỹ Quý bị thanh tra tài sản trước áp lực của công chúng đòi hỏi cần minh bạch tài sản của ông có hợp pháp hay không, trong đó bao gồm biệt phủ nguy nga tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,3 héc-ta.
Vào ngày 27 tháng 10, qua kết quả thanh tra, ông Phạm Sỹ Quý bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với thông báo rằng ông này đã nhận ra khuyết điểm và được điều động đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái, vị trí tương đương phó giám đốc sở.
Sau các lần trì hoãn công bố kết luận thanh tra tài sản và sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, dư luận đón nhận thông tin mức kỷ luật thi hành đối với ông cùng sự thất vọng không chỉ riêng trường hợp cá nhân của ông Quý mà là sự phẫn nộ vì cho rằng các cơ quan Nhà nước không thi hành đúng quy định luật pháp qua các vụ việc xảy ra, điển hình gồm hai vụ kể trên.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nói với RFA ông từng có nhiều bài viết cũng như nhiều lần lên tiếng trong thời gian dài rằng những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam chính là các cơ quan và các quan chức Nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu lên một trường hợp mà ông khẳng định là vi phạm pháp luật:
“Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức vi phạm luật hết sức nghiêm trọng. Những luật do Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa ra, mà Quốc Hội cũng được tạo ra từ bên trong của Đảng Cộng Sản, nhưng họ vẫn bất chấp những chuyện như vậy.
Tôi chỉ đơn cử trong Luật Chống tham nhũng quy định rõ ràng Thủ tướng là Trưởng Ban chống tham nhũng. Rồi một thời gian, ông Nguyễn Phú Trọng thấy ông Nguyễn Tấn Dũng là một ông trùm tham nhũng mà làm Trưởng Ban chống tham nhũng thì ông Trọng cũng chẳng cần đợi Quốc Hội sửa luật gì cả và Đảng của ông Trọng lấy luôn cái chức ‘Trưởng Ban chống tham nhũng’, gọi là của Đảng nhưng thực sự triệt tiêu tổ chức chống tham nhũng của chính quyền. Và đây là một sự vi phạm pháp luật hết sức trắng trợn. Còn có thể kể ra rất nhiều các sự vi phạm khác của các cơ quan và các quan chức Nhà nước, từ trung ương cho đến cấp phường-xã-thôn.”
Đứng trên pháp luật?
Một vụ việc xảy ra ở thôn Sơn Tây, thuộc tỉnh Phú Yên đang thu hút sự chú ý của dư luận mà Báo mạng Dân Trí đưa tin vào chiều ngày 31 tháng 10, cho biết bà Thẩm Thị Linh, Bí thư Chi bộ thôn nói rằng việc làm của bà và Trưởng thôn Phạm Văn Quảng là không sai khi có mặt để chặn xe cưới của người dân đòi 3 triệu đồng tiền đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới.
Gia đình bị chặn xe cưới tố cáo bà Linh và ông Quảng cùng một nhóm người có thái độ hành xử xúc phạm danh dự củ gia đình họ và yêu cầu chính quyền địa phương phải xin lỗi gia đình. Tuy nhiên, bà Bí thư Chi bộ thôn Sơn Tây tuyên bố nếu bị buộc phải xin lỗi thì sẽ từ chức, qua lời đề nghị “làm sai thì xin lỗi” của ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Thành Tây.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, dư luận cũng xôn xao trước thông tin Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đưa hai cô gái vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội do không mang theo giấy tờ tùy thân khi đi uống cà phê. Mặc dù phía Công an phường Tam Bình và gia đình thuật lại vụ việc có nhiều chi tiết không trùng khớp với nhau, nhưng Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu làm thủ tục cho 2 cô gái này về nhà, sau một tuần bị giữ trong Trung tâm Hỗ trợ Xã hội.
Khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể nào có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết
-Ông Nguyễn Trung Dân
Qua những trường hợp mà chúng tôi đề cập, không chỉ dư luận mà giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam không tuân thủ pháp luật, thậm chí đội ngũ nhân viên công quyền ngày càng tham nhũng quyền lực. Và một minh chứng rõ ràng nhất qua báo cáo của Chính phủ về hình thức xử lý kỷ luật đối với những lãnh đạo cốt cán của các tập đoàn kinh tế nhà nước bị thua lỗ, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…là cách chức, phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Trung Dân, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Du Lịch từng lên tiếng với RFA rằng:
“Khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể nào có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết.”
Chúng tôi xin kết thúc bài viết này với chia sẻ của một công dân Việt Nam và cũng là cư dân mạng rằng tình trạng từ quan chức lãnh đạo cấp thôn như bà Thẩm Thị Linh cho đến đồng chí X, lãnh đạo cấp trung ương hành xử không theo đúng pháp luật chẳng có gì khó hiểu cả. Lý do là vì họ được dung túng, cho phép và khuyến khích ngầm từ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức lãnh đạo cao nhất của quốc gia.
Dương Trung Quốc:
Dùng từ ‘đầu thú’ với dân làng Đồng Tâm là ‘không ổn’
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc hôm 2/11 đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem vụ Đồng Tâm là “bài học” kinh nghiệm và chính quyền không nên dùng từ “đầu thú” khi đối thoại với dân làng.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Dương Trung Quốc trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách, nói câu chuyện Đồng Tâm là một ví dụ tiêu biểu về cuộc khủng hoảng lòng tin, chứ không thuần tuý là một vụ án hình sự.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng tức nước vỡ bờ.”
Ngoài ra, ông Dương Trung Quốc còn phản đối việc công an Hà Nội dùng từ “đầu thú” khi kêu gọi những người dân đã bắt và giữ lực lượng an ninh ra nạp mình cho chính quyền.
Báo Thanh niên dẫn lời nhà sử học nói:
“Tôi nghĩ rằng dùng từ ‘đầu thú’ là không ổn. Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao?”
Ngay tại cuối kỳ họp trước của Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết đã viết thư gửi tới 7 lãnh đạo cao nhất của Trung ương và Hà Nội về vấn đề Đồng Tâm, nhưng chỉ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đáp thư của ông.
Trong các bức thư đó, ông nêu một vấn đề cử tri đặt ra: “Tại sao một lực lượng tinh nhuệ nhất, được trang bị tốt nhất lại bị bắt và giữ? Câu trả lời duy nhất: Đó là vì họ vẫn giữ được phẩm chất của người công an nhân dân. Họ không coi dân là kẻ thù. Họ chấp nhận giải pháp như vậy.”
Ông nói chúng tôi tán thành việc phải thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng: “Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật.”
Vào tháng 8, Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, với lý do là để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.
Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm để trao cho tập đoàn nhà nước Viettel làm dự án, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày.
Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Chủ tịch Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết”.