Tin Việt Nam – 02/10/2018
Người Việt sống trên sông Tonle Sap
của Campuchia sắp bị di dời
Sơn Trung (RFA)
Nhiều gia đình người Việt sống trên các nhà thuyền trên sông Tonle Sap của Campuchia sẽ phải di dời đến vùng đất khác chậm nhất là đến cuối năm nay theo lệnh của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang. Tờ Phnom Penh Post loan tin này hôm 2/10.
Phnom Penh Post trích lời của Phó tỉnh trưởng Sun Sovannarith cho biết tổng cộng có hơn 2.000 gia đình hiện sống trên các con thuyền trên dòng sông ở địa phận tỉnh này. Ông này cho biết có khoảng 115 gia đình là người Việt và người Hồi giáo Khmer sẽ bị di dời. Tuy nhiên chính quyền địa phương không biết cụ thể có bao nhiêu gia đình người Việt.
Biện pháp di dời được cho biết là để phục hồi chất lượng nước của dòng sông.
Giới chức tỉnh Kampong Chhang cho biết đã thu xếp 40 ha đất tại quận Rolea P’ier cho những gia đình di dời. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ 3 tháng cho những hộ bị di chuyển bao gồm điện và nước sạch.
Các dân biểu Mỹ kêu gọi trả tự do
cho ông Michael Phương Minh Nguyễn
Hai mươi mốt dân biểu Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vào hôm 1/10 đã gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo yêu cầu gây áp lực phía Việt Nam nhằm trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị phía Việt Nam điều tra về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Các dân biểu tham gia ký tên gồm: Mimi Walters, Edward R. Royce, J. Luis Correa, Alan Lowenthal, Al Green, Doug LaMalfa, Dana Rohrabacher, Daniel W. Lipinski, Colleen Hanabusa, Beto O’Rourke, Zoe Lofgren, Ro Khanna, Pete Sessions, Vicente Gonzalez, Ken Calvert, Scott H. Peters, Paul Cook, Duncan Hunter, Steve Knight, Randy Weber, Luis Gutiérrez.
Tiếp nối lá thư ngày 9/8, các vị dân biểu nhấn mạnh một lần nữa mong muốn ông Mike Pompeo yêu cầu phía chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn.
Các vị dân biểu Mỹ cảm ơn vì những cuộc trò chuyện cũng như chăm sóc sức khỏe và y tế cần thiết cho ông Michael Phương Minh Nguyễn từ phía Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bức thư nhấn mạnh việc bắt giữ ông Michael Phương Minh Nguyễn là điều trở ngại to lớn vì các vị dân biểu tin rằng ông này bị giam giữ oan.
Các vị dân biểu lo ngại chính quyền Việt Nam chậm trễ trong việc đưa ra cáo buộc chính thức đối với ông Michael Phương Minh Nguyễn, vì thời gian chờ đợi của ông này có thể lên tới năm tháng.
Bức thư cũng cho biết ông Michael Phương Minh Nguyễn đang rất nhớ vợ và bốn con gái, và phận sự của nước Mỹ là phải đảm bảo cho việc hồi hương của ông càng sớm càng tốt. Bất cứ sự chậm trễ nào từ phía chính quyền Việt Nam được nhận định là không thể chấp nhận được.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn, một công dân Mỹ gốc Việt, bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 7/7/2018 trong chuyến viếng thăm người thân và hiện đang bị giam giữ tại Trại giam Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam nói đang tiến hành điều tra ông này với cáo buộc vi phạm điều 109, Bộ luật hình sự 2015, ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’
Bức thư của các vị dân biểu Mỹ khẳng định điều 109 thường được chính phủ Việt Nam sử dụng để bắt giữ người tùy tiện với hình phạt cao nhất dành cho người vi phạm là tử hình.
Quan ngại của công nhân
sau Đại Hội Công Đoàn Việt Nam XII
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra vào hạ tuần tháng 9, trong bối cảnh các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam ký kết hầu như bị ràng buộc với điều khoản thành lập công đoàn độc lập cho công nhân. Giới công nhân có những quan ngại nào sau Đại hội Công đoàn lần thứ 12?
Vai trò mờ nhạt
Phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 với sự có mặt của gần 950 đại biểu, vào sáng ngày 25 tháng 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên thành tích của Công đoàn Việt Nam, trong nhiệm kỳ Đại hội 11, đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, Đài RFA ghi nhận qua một số các công nhân làm việc trong những nhà máy, hãng xưởng từ Bắc đến Nam thì đều có nhận xét chung rằng vai trò của Công đoàn tại các công ty nơi họ làm việc rất mờ nhạt. Anh Hoàng, một công nhân làm việc trong một công ty sản xuất giày ở Thái Bình cho biết Công đoàn không có bất kỳ hoạt động nào tương tác với công nhân thường xuyên trong suốt một năm. Anh Hoàng nói với RFA:
“Cứ đến dịp cuối năm thì Công đoàn có tổ chức gọi là Đại hội thôi. Họ cũng chỉ báo cáo các hoạt động của Công đoàn trong suốt năm đó, như báo cáo thu chi, thăm hỏi ốm đau bệnh tật, rồi tổ chức bầu đại diện để đi dự Đại hội Công đoàn khối của cụm công nghiệp. Đại hội cũng mờ nhạt lắm. Tiếng nói của đoàn viên Công đoàn cũng không có ý nghĩa gì.”
Nói về những lời hứa của Công đoàn Nhà nước, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì họ hứa bao nhiêu năm nay rồi, mỗi năm họ đều hứa nhưng thực chất thì càng ngày cuộc sống của người lao động càng tệ hơn, chứ không có dấu hiệu tốt hơn. Bởi vì, vật giá leo thang và quyền lợi của người lao động cũng không được bảo vệ
-Thành viên của Phong trào Lao động Việt
Nhiều công nhân mà Đài Á Châu Tự Do trao đổi trong những năm gần đây chia sẻ rằng hầu như họ không có thông tin nào về Liên đoàn Lao động, một tổ chức đại diện cho họ ở cấp địa phương và mỗi khi giữa công nhân với chủ doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn, đến mức không thể giải quyết được dẫn đến đình công tập thể thì Liên đoàn Lao động mới xuất hiện và thông thường đứng về phía chủ doanh nghiệp, mà không đại diện cho công nhân để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho họ.
Trước thềm Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra, Báo mạng Người lao động, vào ngày 18 tháng 9, đăng tải bài viết có nhan đề “Ăn cơm chủ thì không thể khởi kiện” của Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Đặng và cộng sự gửi đến tòa soạn. Trong bài viết này, Công ty Luật TNHH Đặng nêu lên vấn đề cán bộ Công đoàn cơ sở nhận lương từ doanh nhiệp và bởi vì sự phụ thuộc đó mà cán bộ Công đoàn cơ sở e ngại khi phải khởi kiện doanh nghiệp, theo sự ủy quyền của người lao động.
Cần có Công đoàn độc lập
Hồi trung tuần tháng 7 năm 2018, truyền thông trong nước dẫn số liệu từ kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu công nhân, trong đó có 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ cùng với 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Đài RFA còn ghi nhận từ giới công nhân cho biết rất nhiều quyền lợi của họ không được đảm bảo, như bị chủ doanh nghiệp ép tăng sản lượng, không cho nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp…buộc họ phải biểu tình để phản đối vì Liên đoàn Lao động không can thiệp.
Số liệu thống kê không chính thức được ghi nhận trong năm 2016, tại Việt Nam có đến 300 cuộc biểu tình của công nhân. Con số này tăng lên 314 trong năm 2017 và trong 9 tháng của năm 2018, các công nhân khắp Việt Nam vẫn tiếp tục đình công, biểu tình.
Vào chiều ngày 24 tháng 9, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại hội thảo luận chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” với câu hỏi đặt ra là ngay sau Đại hội lần thứ 12, Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ một cách có hiệu quả?
Trả lời câu hỏi của RFA rằng công đoàn tại Việt Nam phải như thế nào thì mới có sự kết nối chặt chẽ với công nhân cũng như đại diện cho công nhân được hiệu quả, anh Nam, một công nhân làm việc ở khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm cá nhân:
“Theo suy nghĩ của Nam thì Nam cho rằng để gắn kết được sự liên hệ giữa công đoàn và công nhân thì việc cần thiết nhất bây giờ là cần phải có công đoàn độc lập, tách riêng quyền lợi với công ty và hoàn toàn không gắn kết với công ty; đặc biệt là chức vụ bởi vì chức vụ gắn liền với lương bổng và các quyền lợi khác. Một khi đã gắn quyền lợi với bổng lộc rồi thì hẳn nhiên cán bộ công đòan sẽ thiên về lợi ích cá nhân hơn so với lợi ích chung của những người công nhân.”
Những người đang làm trong công đoàn độc lập như tôi thì đang rất lo lắng vì đang suy nghĩ đến một trường hợp xảy ra; đó là Nhà nước Việt Nam có thể dựng lên những công đoàn độc lập trá hình để lừa bịp dư luận. Bây giờ nếu họ muốn có công đoàn độc lập thật sự cho công nhân thì họ giải tán Tổng Liên đoàn Lao động, để cho các công nhân tự bầu lên công đoàn của mình và Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật thôi
-Thành viên của Lao động Việt
Không chỉ một mình anh Nam và nhiều công nhân tại Việt Nam mong muốn và trông đợi các tổ chức công đoàn được Chính phủ Hà Nội cho phép thành lập và hoạt động hợp pháp, mà các chính phủ trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam cần có công đoàn độc lậpvà cải thiện nhân quyền khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt), một tổ chức công đoàn độc lập nhận định Đảng lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam sẽ không làm như vậy:
“Tôi thấy rằng việc Đảng Cộng sản sẽ cho thành lập công đoàn độc lập thì chuyện đó rất là xa vời và chắc chắn rằng nếu như chế độ, thể chế này còn thì sẽ không bao giờ có công đoàn độc lập theo đúng nghĩa của nó. Và, những người đang làm trong công đoàn độc lập như tôi thì đang rất lo lắng vì đang suy nghĩ đến một trường hợp xảy ra; đó là Nhà nước Việt Nam có thể dựng lên những công đoàn độc lập trá hình để lừa bịp dư luận. Bây giờ nếu họ muốn có công đoàn độc lập thật sự cho công nhân thì họ giải tán Tổng Liên đoàn Lao động, để cho các công nhân tự bầu lên công đoàn của mình và Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật thôi.”
Quan ngại của công nhân
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, diễn ra trong ba ngày 24, 25 và 26 tháng 9 được truyền thông quốc nội loan tải là thành công tốt đẹp và Công đoàn Việt Nam vẫn tiếp tục vai trò là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động và nhiều quan hệ pháp luật khác với tiêu chí hoạt động đảm bảo tính độc lập tương đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận xét về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, ông Đoàn Huy Chương, thành viên của tổ chức Công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt lên tiếng:
“Nói về những lời hứa của Công đoàn Nhà nước, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì họ hứa bao nhiêu năm nay rồi, mỗi năm họ đều hứa nhưng thực chất thì càng ngày cuộc sống của người lao động càng tệ hơn, chứ không có dấu hiệu tốt hơn. Bởi vì, vật giá leo thang và quyền lợi của người lao động cũng không được bảo vệ.”
Không ít công nhân ở Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ rất lo lắng về sau, mỗi khi họ thực hiện quyền biểu tình, được ghi trong Hiếp pháp để cất lên tiếng nói cho quyền lợi căn bản của đời sống người công nhân nhưng lại bị quy chụp qua lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn lần thứ 12 rằng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều về đến vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống trước mắt, ít quan tâm vấn đề cơ bản lâu dài và tuyệt đối không để lòng yêu nước chân chính của công nhân bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo biểu tình…Rất nhiều công nhân cho biết trước mắt Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền thông tin và quyền tự do ngôn luận của công nhân theo luật định, qua ban hành mới nhất của Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Công đoàn ở các khu công nghiệp và chính quyền địa phương nơi có các khu công nghiệp lập ra những trang mạng để quản lý thông tin truyền thông của giới công nhân.
Dân tiếp tục phản đối
hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Người dân sống quanh hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana- Úc tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng trong những ngày gần đây tiếp tục kéo đến biểu tình phản đối nhà máy gây ô nhiễm tác động đến sức khỏe và đời sống của dân.
Mạng báo Tài Nguyên & Môi Trường loan tin ngày 2 tháng 10, cho biết trước phản ứng của người dân như vừa nêu, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng ra công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng có biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự.
Cụ thể UBND Huyện phối hợp với Công an Thành Phố chỉ đạo Công an Huyện Hòa Vang theo nguyên văn là ‘nắm bắt tình hình, có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 nơi đặt nhà máy bị dân phản đối vì gây ô nhiễm.
Song song đó UBND Huyện Hòa Vang chủ trì và phối hợp với Sở Xây Dựng, Sở Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn kiểm tra, báo cáo đề xuất thiệt hại về nhà ở, vật kiến trúc và về sản xuất nông nghiệp cho người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2.
Tin cho biết vào ngày 3 tháng 10, cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết quả quan trắc môi trường liên quan hai nhà máy thép Dana- Ý và Dana-Úc.
Hai nhà máy sản xuất thép này đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang gây ô nhiễm đến mức người dân địa phương phải vây cổng nhà máy biểu tình phản đối vào cuối năm 2016. Lãnh đạo UBND thành phố lúc đó phải đối thoại với người dân.
Tại cuộc đối thoại vào cuối năm 2016, đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa ra chủ trương không để hai nhà máy Dana- Ý và Dana- Úc tiếp tục hoạt động, thống nhất thu hồi, hủy bỏ kế hoạch giải tỏa, di dời các hộ dân.
Đến tháng 2 năm nay, người dân địa phương lại phải biểu tình phản đối hai nhà máy gây ô nhiễm.
Tuy nhiên từ ngày 26 tháng 3 năm nay, lãnh đạo Đà Nẵng lại cho phép hai nhà máy này hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng để tiến hành các biện pháp giải quyết liên quan.
Hạn chót đến ngày 26 tháng 9 qua đi nhưng hai nhà máy tiếp tục hoạt động khiến người dân phải đến vây nhà máy.
Cán bộ đảng sai phạm đất đai
bị chuyển công tác
Viên chức đảng chịu trách nhiệm trong vụ bán rẻ đất công cho tư nhân, tại Sài Gòn được chuyển sang làm nhiệm vụ khác.
Bà Thái Thị Bích Liên, hiện giữ chức Chánh văn phòng Thành ủy đảng cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều sang phụ trách chức vụ Phó bí thư đảng ủy khối dân chính đảng.
Trước đó bà Liên đã bị đảng của bà ra quyết định kỷ luật vì đã bán rẻ đất công tại Huyện Nhà Bè cho công ty tư nhân Quốc Cường Gia Lai. Lúc đó bà Liên được phân công đại diện chử sở hữu tài sản cho các doanh nghiệp thuộc đảng bộ đảng cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng bà Liên chỉ bị hình thức kỷ luật nhẹ là khiển trách.
Cấp trên của bà Liên là bà Võ Thị Dung, phó bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng, việc thay đổi công tác của bà Liên không phải là kỷ luật mà do bà Liên có năng lực cho nên được điều qua phụ trách khối dân chính đảng của đảng cộng sản, là một nơi quan trọng.
Việc quản lý đất đai công cộng, và việc thực hiện các dự án phát triển có trưng thu đất đai của dân chúng được cho là nơi các viên chức quản lý nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam tham nhũng, cấu kết với các công ty tư nhân, mua rẻ bán đắt.
Tại Việt Nam hiện nay có các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, nhưng cũng có những doanh nghiệp do đảng cộng sản quản lý.
Slovakia khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Công tố viện Slovakia hôm 2 tháng 10 đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Truyền thông Slovakia loan tin vừa nêu hôm 1/10.
Tin nêu rõ, với tư cách là những nhân chứng, hai cảnh sát Slovakia hộ tống phái đoàn công an cấp cao Việt Nam do ông Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu, đã khai rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra. 44 nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017.
Trả lời báo chí, Ông Michal Surek, người phát ngôn của Công tố viện tại thủ đô Bratislava xác nhận rằng, từ lời khai của các nhân viên cảnh sát, thủ tục truy tố hình sự được bắt đầu tiến hành.
Theo lời khai của các cảnh sát hộ tống, ông Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu ông đi.
Vào ngày 26/09/2018, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak của Slovakia đã có một cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc tại New York về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Việt Nam bị cáo buộc là đã lợi dụng lãnh thổ Slovakia và chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.
Tại cuộc họp, Ngoại Trưởng Lajcak đã cảnh báo Việt Nam về những hậu quả ảnh hưởng quan hệ song phương giữa hai nước có thể xảy ra do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông yêu cầu Việt nam phải giải trình rõ ràng hành trình Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào? Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn, nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào tháng 7 năm ngoái. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú. Ông Thanh bị đưa ra tòa xét xử với hai án chung thân với cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, Đức cho rằng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Berlin tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng cấp thị thực cho những giới chức Việt Nam mang hộ chiếu công vụ sang Đức làm việc.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam diễn tập chung
với cảnh sát biển Ấn Độ
Tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CBS 8001 vừa đến cảng Chennai miền Đông Ấn Độ trong ngày hôm nay, thứ ba, 2/10/2018 để tham gia diễn tập chung với cảnh sát biển Ấn Độ vào ngày 4/10.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, đây là lần đầu tiên một tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến thăm Ấn Độ, đánh dấu mối quan hệ đặc biệt giữa hai lực lượng.
Truyền thông Ấn Độ loan báo tin này và cho biết thêm trước đó, vào hôm thứ hai, ngày 1/10, đại diện lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cùng đoàn làm việc 6 thành viên đã được Tư lệnh lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, Rajendra Singh đón tiếp tại New Delhi.
Hai bên đã ra một thông báo chung sau cuộc gặp, thống nhất tăng cường mối quan hệ song phương. Tuyên bố cho biết hai bên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thức tiễn về quản lý và thúc đẩy phối hợp tác chiến.
Báo chí Ấn độ nhắc lại mối quan hệ giữa hai lực lượng cảnh sát biển đã bắt đầu từ chuyến viếng thăm Việt Nam hồi năm 2001 của một tàu cảnh sát biển Ấn Độ, và cuộc gặp gỡ lần này nhằm tiếp tục nỗ lực của hai chính phủ trong lĩnh vực an toàn hàng hải và an ninh biển.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/coast-guard-vietnam-india-10022018090318.html
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời tại Hà Nội,
hưởng thọ 101 tuổi
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời hôm 1/10/2018 tại Hà Nội, hưởng thọ 101 tuổi.
Ông Đỗ Mười, sinh ngày 2/2/1917, tên thật là Nguyễn Duy Cống.
Ông là người đầu tiên kinh qua cả hai chức vụ là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam
từ 6/1991 đến 12/1997 và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 6/1988 đến 7/1991.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ TBT, ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1941, ông từng Pháp bắt và kết án 10 năm tù, giam tại Hoả Lò. Năm 1945, ông vượt ngục thành công.
Sự nghiệp chính trị của ông gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Có nhà quan sát nói rằng ông Đỗ Mười để lại di sản là công cuộc ‘cải tạo công thương’ khốc liệt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, hiện sống ở Hà Nội nói:
“Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là “cải tạo công thương nghiệp”.
Một số người bảo ông Mười “có tính cầu thị”.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh, người từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bình luận:
“Chủ trương “cải tạo công thương” là của tập thể lãnh đạo, còn những người khác có chức vụ cao hơn ông ấy trong Đảng.”
“Nếu những người này không đồng tình thì mình ông ấy không thể làm gì được.”
https://www.bbc.com/vietnamese/media-45673601
Ông Đỗ Mười: Di sản để lại
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, qua đời hôm 1/10, đã để lại những “di sản” đáng tranh cãi như việc định hình “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa,” thanh trừng các hộ làm kinh tế miền Nam thông qua chiến dịch “Đánh Tư sản”, và tạo dựng chương trình “Kinh tế Mới” với nhiều hệ quả kéo dài đến tận ngày nay.
Nhà nước Pháp quyền XHCN
Ngay khi lên làm Tổng Bí thư vào tháng 6/1991, ông Đỗ Mười đã đưa ra cái gọi là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 2 khoá VII vào tháng 11/1991, sau đó tiếp tục được “khẳng định” và “thể chế hóa” trong Hiến pháp 2013.
Thực chất “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là quyền lực nhà nước được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, như Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng vào 01/2016 đã tái khẳng định.
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài Nhận định về vai trò của ông Đỗ Mười đối với chủ trương “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.”
“Đó chỉ là một mỹ từ mà tôi không nghĩ rằng ông Đỗ Mười có thể nghĩ ra khái niệm Nhà nước Pháp quyền XHCN, mà có thể là do các cố vấn của ông ấy đã mớm cho ông khái niệm này và ông đã đưa ra trong các văn bản và nghị quyết của Đảng khi ông làm Tổng Bí thư.
“Khái niệm này chỉ để lừa bịp người dân là chính và hậu quả của nó kéo dài cho đến ngày nay. Các cơ quan, quan chức của Đảng không bao giờ tôn trọng pháp luật cho chính Quốc hội của Đảng làm ra mà họ xem các nghị quyết, các cuộc điện thoại hoặc thư tay của cấp trên có giá trị cao hơn cả các văn bản pháp luật.”
Theo Luật sư Đài, khái niệm Nhà nước Pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang vận dụng hoàn toàn khác hẳn khái niệm Thượng tôn Pháp luật đã tồn tại bấy lâu nay tại các nền dân chủ trên thế giới, là giá trị phổ biến tại các xã hội phương Tây hiện đại.
Giới lãnh đạo Việt Nam sau này vẫn một mực khẳng định rằng khi xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyệt đối không thể rập khuôn theo các giá trị và mô hình xây dựng của các nước phương Tây với các mô hình và thể chế chính trị khác, và phải “bảo đảm nguyên lý của mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền.”
Từ Pháp, tác giả Trương Nhân Tuấn viết cho VOA: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là cái “khung”, là những nguyên tắc “trật tự xã hội” từ đó nhà nước Việt Nam xây dựng lên. Đó là một tiêu sản nặng nề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đem lại một nhà nước Việt Nam XHCN thối nát toàn diện với tệ nạn tham nhũng mua quan bán chức ở toàn bộ nhân sự lãnh đạo cấp cao, cho tới sự hỗn loạn vô phương chữa trị trong giao thông, xã hội luân thường đạo lý đảo lộn, nạn gian lận, giả dối…”
Ông Tuấn chia sẻ với VOA: “Ông Đỗ Mười là người đầu tiên đưa ra khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng thực tế là “rập khuôn” Trung Quốc khi nước này đề xướng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”, dựa vào pháp luật để trị nước (hay còn gọi là ỷ pháp trị quốc).”
Ông viết thêm: “Ông Đỗ Mười vừa trút hơi thở cuối cùng. Tôi luôn hy vọng rằng cái gọi là “nhà nước pháp quyền” sẽ được thay đổi lại, từ hình thức cho tới nội dung, để việc “quản lý nhà nước” thực sự trở thành một vấn đề của “nhà nước.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói rằng trong suốt thời gian tham gia chính trị, ông Đỗ Mười đã “duy trì được sự lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Đánh Tư sản
Ngoài ra, nhắc tới ông Đỗ Mười không thể nào không nhắc tới chiến dịch “Đánh Tư sản” ở miền nam sau năm 1975. Chiến dịch này được cho là đã đưa cả miền nam vào tình trạng đói khổ cùng cực, biến Việt Nam thành một trong ba nước nghèo nhất thế giới vào năm 1985.
Blogger Đỗ Nam Trung chia sẻ với VOA:
“Vai trò lãnh đạo của ông sau khi chiến thắng miền Nam là việc đánh tư sản. Ấn tượng nhất và ghê gớm nhất đối thanh niên lúc ấy là việc đấu tố. Con cái của các gia đình tư bản sau khi vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bị buộc phải đưa lực lượng của Đoàn về chính gia đình nhà mình để mà đấu tố cha mẹ, chỉ chỗ chôn cất vàng bạc, tiền của…Các gia đình có tài sản bị họ cướp lấy hết, họ bị đuổi ra khỏi nhà, đi vượt biên, hay đi Vùng Kinh tế mới.”
Theo trang Nghiên cứu Lịch sử, chiến dịch Đánh Tư sản 1 (X-1) bắt đầu vào sáng ngày 11/9/1975 diễn ra trên khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn, tập trung vào những người Việt gốc Hoa, chủ yếu nhắm vào nhà các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ gia đình nạn nhân phải đi về vùng Kinh Tế Mới sinh sống.
Chiến dịch Đánh tư sản 2 (X-2) được tiến hành từ tháng 3/1978 và kéo dài cho đến sau Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990, chủ yếu nhắm vào tư thương, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từng khuyến khích và hậu thuẫn tại miền Nam.
Song song với chiến dịch X-2 là chiến dịch X-3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Kết quả là hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu, theo trang Nghiên cứu Lịch sử.
Trong giao đoạn từ sau 1975 đến năm 1991, ông Đỗ Mười làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản của Trung Ương, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng, và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là người chỉ huy trực tiếp các chiến dịch “đánh tư sản” hay còn gọi là “cải tạo công thương nghiệp,” với vai trò là Trưởng ban cải tạo tư sản trung ương, thành lập vào ngày 16/2/1976.
Trong cuốn “Bên Thắng cuộc,” xuất bản năm 2013 tại Mỹ, nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết: “Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.”
Trang Trithucvn.net nói với chiến dịch “Cải tạo Tư sản,” của ông Đỗ Mười, cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng, và đây được coi như một đòn trả thù hữu hiệu đối với ngụy quân, ngụy quyền và tiểu tư sản miền nam.
Hội nghị Thành Đô
Tháng 9 năm 1990, ông Đỗ Mười, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã có chuyến công du tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cùng với Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng, trong một sứ mệnh mà các nhà phân tích nói đê 3“ký kết hiệp định Thành Đô,” chỉ vài tháng trước khi ông Mười lên làm Tổng Bí thư vào tháng 6/1991.
“Ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ký Hiệp định Thành Đô với phía Trung Quốc. Đó là hậu quả để lại cho con cháu mà chúng ta phải đấu tranh để gìn giữ chủ quyền quốc gia.”
Tác giả Trương Nhân Tuấn viết cho VOA hôm 2/10: “Hệ quả của Hội nghị Thành Đô là “gắn liền” vận mệnh của Việt Nam vào Trung Quốc qua “thập lục tự phương châm”, Việt Nam gọi là “16 chữ vàng” (Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan). Bản Tuyên bố chung giữa hai nước do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào đầu năm 2017 có nhắc lại “hai cộng đồng cùng chia sẻ một tương lai.” Thông thường thì chỉ có những người dân trong cùng một quốc gia mới chia sẻ chung một tương lai, có cùng chung vận mạng.”
Hôm 2/10, Blogger Kudu Nấm viết: “Người cuối cùng của bộ 3 quyền lực dự Hội nghị Thành Đô đã ra đi.”
Trong suốt thời gian làm Tổng Bí Thư, ông Đỗ Mười đã 3 lần thăm chính thức Trung Quốc vào các năm 1991, 1995, và 1997, theo Tân Hoa Xã. Trong chuyến thăm năm 1991, ông Đỗ Mười xin lỗi và phục hồi quan hệ với Trung Quốc, theo tác giả David W.P. Elliott, viết trong cuốn sách “Đêm trước Đổi mới.”
Hội nghị Thành đô được cho là một sự kiện vẫn tác động tới đường lối và chính sách của chính quyền Việt Nam ngày nay.
Nhà báo Lê Phú Khải nhận xét về ông Đỗ Mười trên trang Thời báo Sài gòn: “Ông là tấn bi hài kịch của một người lãnh đạo Đảng cộng sản xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội Việt Nam nông nghiệp lạc hậu phong kiến nửa thực dân trước 1945.”
Nhà báo Khải viết tiếp: “Vì yêu nước, ông đi làm cách mạng, từng bị thực dân tù đầy, tra tấn. Nhưng vì đi lạc vào quỹ đạo Cộng sản nên bị “ma dẫn lối, quỷ đưa đường…!” Đó là bi kịch (tragédie) cho chính ông và cho cả nhân dân của ông.”
Tác giả Trương Nhân Tuấn nhận định rằng “tiêu sản của cố Tổng bí thư Đỗ Mười thật là nặng nề cho đất nước và dân tộc Việt Nam.”
Ông Đỗ Mười hai lần được bầu giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) và thứ VIII (1996), thuộc thành phần bảo thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với lập trường quyết liệt trong việc đánh đổ đế quốc và xóa bỏ bóc lột cũng như kiên định đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội.
Vào giữa nhiệm kỳ Tổng bí thứ lần thứ hai, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII) tháng 12/1997, ông Mười từ chức để nhường ghế Tổng Bí Thư cho ông Lê Khả Phiêu. Từ năm 1997 đến năm 2001, ông được cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, được trao danh hiệu 85 tuổi đảng, và sau đó hầu như biến mất trong con mắt của công chúng.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-do-muoi-di-san-de-lai/4596261.html
Hội nghị Trung ương 8 bàn vấn đề nhân sự
Hội nghị Trung ương 8 Đảng cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc vào ngày 2 tháng 10 như thông báo đưa ra.
Trong diễn văn khai mạc, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức xác nhận hội nghị sẽ xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới tại Hội nghị Trung ương 8, vì ông Trần Đại Quang, người đảm nhiệm chức vụ này đã qua đời hôm 21/9/2018.
Ngoài việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, còn giới thiệu nhân sự bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.
Vấn đề xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng cũng được nêu ra. Theo lời của Ông Nguyễn Phú Trọng có những cán bộ, đảng viên, cả những cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất- đạo đức. Ông tổng bí thư thừa nhận tình trạng nói không đi đôi với làm, có người trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Ông cho biết để khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã thống nhất kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Hội nghị cũng bàn việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho đại hội đảng 13 vào năm 2021.
Hội nghị Trung ương 8
là cơ hội để VN chuyển đổi?
Tiến sỹ Đinh Hoàng ThắngGửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
Một trong những phương án được bàn tán sôi nổi lâu nay là có “nhất thể hoá” các chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước hay không?
Vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế. Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống “kiểm soát và cân bằng”.
Khai hội Trung ương 8 từ 2/10/2018, thoạt kỳ thuỷ, là một sự kiện mang tính thông lệ (routine) của đảng cầm quyền, giữa hai kỳ đại hội.
Bật đèn xanh cho phương án ‘nhất thể hóa’?
Hợp nhất hai chức danh và công thức ‘thần thánh’
VN có nhất thể hóa TBT và Chủ tịch nước?
Trung ương 5 và vấn đề ‘nhất thể hóa’
Tuy nhiên, dịp này, do những hoàn cảnh đặc biệt ở cả quốc nội lẫn quốc tế, hội nghị có thể sẽ được ghi nhận như một cột mốc đáng nhớ trong toàn bộ lộ trình định trước và không định trước của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Nếu sáp nhập xẩy ra…
“Lộ trình không định trước” bao gồm việc lấy biểu quyết của các ủy viên Trung ương Đảng về việc liệu có “nhất thể hoá” chức danh Tổng Bí thư với chức danh Chủ tịch nước hay không? Việc nhất thể hóa này sẽ được các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 quyết định.
Đây là cả một câu chuyện đại sự mà kết quả cuộc bỏ phiếu được giới chuyên gia dự đoán từ nhiều góc độ khác nhau.
Khi bàn thảo đề tài này, kể cả tại các bàn tròn của BBC tiếng Việt, mọi người nhấn chưa “đủ độ” tính chất đặc thù của Việt Nam. Đó là, vị thế của ĐCSVN như một định chế toàn trị trong hệ thống quyền lực, từ trung ương đến các địa phương. Vì vậy, sáp nhập hay không thì bản chất “toàn trị” vẫn là đặc điểm nổi trội của cái “lồng quyền lực” dài dài.
Nói như thế không có nghĩa là một sự sáp nhập diễn ra nay mai không hề có tác động gì tới cấu trúc quyền lực nói chung.
Từ “bộ tứ” xuống “bộ tam” trên trung ương, chắc chắn ở các địa phương, cấu trúc “lưỡng đầu chế” (bí thư và chủ tịch ở cấp tỉnh thành) cũng đứng trước thay đổi. Đấy là chưa kể, hiện nay, tại một số cơ sở, tuy chỉ ở cấp xã, phường, thi thoảng có cả cấp huyện, người ta đã “rón rén” sáp nhập bí thư và chủ tịch làm một.
Sự thay đổi từ trên thượng đỉnh (top-down change) nếu gặp sự chuyển động cải cách từ dưới lên (bottom-up) biết đâu sẽ làm nên một trùng phùng lịch sử chưa có tiền lệ.
Nhưng trước khi hy vọng vào điều này, với cái thể chế nhất nguyên ở ta, phải hoá giải cho được nổi lo lạm quyền và lộng quyền! Phải có thể chế chuẩn rồi mới bàn đến còn người. Làm ngược lại chỉ là cầu may!
Để đạt được hy vọng nói trên, vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế.
Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống “kiểm soát và cân bằng”, chứ không thể quản trị đất nước bằng các nghị quyết để rồi trách nhiệm cuối cùng không quy được về ai.
Xã hội sẽ chuyển “pha”?
Cho đến phút này, chưa ai dám đoan chắc, nếu sáp nhập hai chức danh ở cấp trung ương thì Việt Nam có đi tiếp để thay đổi hay chuyển dịch cái mô hình phát triển hiện nay hay không?
Bởi vì thời chiến thì các tướng lĩnh quân đội thường ở vào vị trí chủ chốt, khi tới giai đoạn chuyển đổi thì thế lực “hình sự” (công an) nắm quyền. Còn giờ đây, đất nước đã/đang vận động sang “status” thời bình thì liệu xã hội dân sự có được lên ngôi?
Chính Karl Marx chứ không ai khác từng khẳng định, nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không dựa vào yếu tố xã hội dân sự. Marx còn chua thêm, “đây là điều kiện tất yếu cần có” (conditio sine qua non).
Một sự chuyển động rốt ráo từ cả trên lẫn dưới, đạt được đồng thuận sau tranh luận, có thể sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế nói chung.
Từ những năm 2012 – 2013, vấn đề sáp nhập nói trên đã được xới ra để bàn trong nội bộ đảng cầm quyền. Song đề nghị ấy bị bác bỏ, với lý do, khó có thể kiểm soát một người giữ quá nhiều quyền lực như thế và điều này có thể dẫn tới tai hoạ.
Nhưng ngay thuở ấy cũng đã thấp thỏm, tại sao ĐCSVN lại bác cái mô hình mà cả Trung Quốc, Lào lẫn Cu Ba đều đang áp dụng?
Còn lần này, chúng ta vẫn thấy có nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau, tựu chung lại là ủng hộ và phản bác việc hợp nhất hai chức danh.
Phía phản bác, thì ngoài lý do lo ngại độc tài, còn thể hiện khuynh hướng phổ biến là dị ứng với tất cả cái gì giống với Trung Quốc, hay làm theo Trung Quốc. Thậm chí còn lo, ấy là do Trung Quốc đạo diễn (?)
Phía ủng hộ thì cổ võ đừng sợ tập trung quyền lực vào một người, nếu chúng ta tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm dụng quyền lực, dù đó là nguyên thủ. Vấn đề ở chỗ là làm thế nào để xoá được chữ “nếu” to tướng nói trên, khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực của đảng, chưa thay đổi hiến pháp?
Văn hoá chính trị Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chấp nhận các phạm trù gốc là “nhà nước pháp quyền” và “xã hội dân sự”, mặc dầu khi đi ra thế giới, đến đâu lãnh đạo ta cũng yêu cầu các nước sở tại công nhận Việt Nam có “kinh tế thị trường”; khi mà ở trong nước, đối với người dân thì đó là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Mà cái này thì dường như không tồn tại trên trái đất.
Trong khi đó, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự” và “nhà nước pháp quyền” là “tam vị nhất thể” (ba trong một) của cái mô thức phổ quát đối với các quốc gia dân chủ và tiến bộ. Hãy nhìn tấm gương tày liếp của người hàng xóm vĩ đại để thấy không phải cứ ghi được vào hiến pháp để làm vua suốt đời thì sau đó muốn làm gì cũng được cả. Thời đại đã sang trang!
Như một vĩ thanh
Khi trao đổi với một số đồng nghiệp, nhiều người vẫn chưa thấy cơ hội nào cho dân chủ từ Hội nghị Trung ương 8 cả.
Tuy nhiên, một cách tiềm năng, đất nước quả là đang đứng trước cơ hội lớn lao và hiếm có, giống như Hồ Chí Minh khi xưa phát hiện “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nay là lúc Mỹ-Trung đại chiến và cơ hội của chúng ta.
Cuộc chiến của Trump đâu chỉ là chiến tranh thương mại mà là cuộc chiến trên rất nhiều lĩnh vực. Trump tuyên chiến cả với bạn bè, nhưng căng đấy mà chùng đấy. Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật rồi Mỹ-Mexico-Canada vẫn đạt được thỏa thuận như thường. Sao thấy ít bàn về chuyện tận dụng thời cơ, mà chỉ xăm xăm lo tập trung quyền lực. Liệu trăm con đường ấy rồi sẽ đổ về đâu (về Đông Hải chắc?)
Làm thế nào sớm hoà hợp và hoà giải dân tộc để đưa đất nước vượt qua “nút thắt” Biển Đông một cách gọn ghẽ và an toàn. Đừng lao vào cuộc chiến quyền lực bằng mọi giá, dễ phát sinh rạn nứt trên thượng tầng. Ghế thì có ít, mà người ham muốn thì nhiều. Tại sao cứ phải kích hoạt sự ham hố mà không tập trung kích hoạt các nhánh quyền lực thật sự của dân, do dân và vì dân?
Tại khóa họp 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố: “Những ai tuyên truyền giáo lý cho loại ý thức hệ đã lỗi thời thì chỉ đóng góp vào việc kéo dài nỗi thống khổ của người dân mà thôi”. Tại khoá họp 73 năm nay, sự phê phán về ý thức hệ của Trump có vẻ quyết liệt hơn. Quyết liệt hơn, vì trong nội tình nước Mỹ hiện nay, Trump cần phải thoát khỏi “hiệu ứng bóng đè” của cuộc cách mạng “bottom-up” (từ dưới lên).
Và khi chúng ta nhìn vào hội trường của ĐHĐ/LHQ kín đặc dự khán của các phái đoàn trên thế giới ngồi lại để nghe Trump đọc diễn văn, trái ngược với hình ảnh độc thoại với khán phòng gần như trống rỗng của một vài trưởng đoàn khác, thì có thể nhận ra nước Mỹ không hề “đơn độc” như một số người nghĩ.
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hiện là Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển, VIDS thuộc VUSTA. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45711003
100 đảng viên tại Đà Nẵng bị kỷ luật
trong 9 tháng đầu năm 2018
Đã có 100 đảng viên đảng cộng sản Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng bị kỷ luật trong 9 tháng đầu năm 2018.
Báo chí Việt Nam loan tin này trích dẫn nguồn tin từ Thành ủy Đà Nẵng của Đảng Cộng sản. Cụ thể, trong số 100 người đó có 79 người bị khiển trách, 20 người bị cảnh cáo, một người bị cách chức.
Đất đai cũng là lĩnh vực mà nhiều đảng viên cộng sản bị sai phạm tại thành phố Đà Nẵng.
Vụ việc lớn nhất là vụ án Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm. Một đảng viên cộng sản, có quân hàm thượng tá công an đã bị bắt hồi năm ngoái và bị đưa ra tòa với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi trong việc mua bán tài sản công cộng.
Trước đó ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư thành ủy cũng đã bị cách chức liên quan đến chuyện quản lý và nhân sự.
Nhật Bản thắt chặt kiểm soát môi giới du học từ VN
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Đại sứ quán Nhật Bản (ĐSQ) tại Việt Nam đang thắt chặt hoạt động của các công ty môi giới vì phát hiện họ đã cấp visa du học cho nhiều trường hợp không đủ điều kiện.
Đại sứ quán sẽ xử lý những công ty môi giới giúp người Việt có được visa du học Nhật Bản một cách gian dối, theo thông tin từ hãng NHK của Nhật Bản.
Có tới 10-20% số người xin visa bị ĐSQ phát hiện là ‘có vấn đề’, cụ thể là hồ sơ visa có chứng chỉ tiếng Nhật nhưng khi phỏng vấn thì không nói được.
“Thực tế này có thể nói đang rất phổ biến. Như đã thể hiện rõ ràng quan điểm ở một số kênh khác, tôi cảm thấy không bằng lòng về thực trạng này,” ông Fushihara Hirota, chuyện gia pháp lý, đồng đại diện cho dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ), cho BBC hay hôm 2/10.
‘Du học trở thành vỏ trá hình để vào Nhật’
“Vốn dĩ, chế độ tiếp nhận du học sinh tại Nhật Bản là nhằm mục đích đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, tri thức hoặc một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Tôi nhấn mạnh rằng đây là mục đích tối cao đặt ra đối với cả các cơ sở tiếp nhận và người học – các du học sinh,” ông Fushihara Hirota viết trong thư gửi BBC.
“Bởi vậy, khi du học thì sẽ phải gánh chịu chi phí. Nếu không được nhận học bổng thì du học sinh hoặc gia đình phải tự bỏ tiền ra. Ai từng du học một cách nghiêm túc chắc chắn sẽ hiểu, lựa chọn du học ở nước ngoài, đặc biệt là các nước kinh tế phát triển và vật giá cao không phải là con đường dành cho những gia đình có kinh tế khó khăn.”
“Đương nhiên, các trường luôn khuyến khích du học sinh tận dụng các cơ hội làm thêm. Đây là cơ hội để tiếp xúc gần hơn với văn hóa nước sở tại, sử dụng kiến thức đã học vào thực tế và trải nghiệm xã hội phát triển. Tức là, việc làm thêm cũng phần nào phục vụ mục đích học và trong giới hạn thời gian cho phép.”
“Tuy nhiên, không ít các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, trang trại tại Nhật đã tiếp nhận vô tội vạ du học sinh với mục đích lao động. Lý do là dân số Nhật Bản đang đà già hóa, nguồn lao động trẻ cạn kiệt, nhu cầu tiếp nhận lao động ngắn hạn cho các công việc lao động chân tay trở nên cấp thiết.”
“Cũng bởi nhu cầu đó mà chế độ du học sinh trở thành cái vỏ trá hình để được vào Nhật Bản. Sau đó các bạn tìm mọi cách để ngủ trong giờ học do đã làm đến kiệt sức, hoặc bỏ trường lớp và lưu trú bất hợp pháp.”
“Ở miền quê Việt Nam, nhiều gia đình nông dân còn khó khăn cũng cố gắng vay tiền cho con cái đi Nhật du học. Tôi hiểu đây là vì miếng cơm manh áo, khi họ thấy nhiều người đã thành công bằng cách đó, khi họ nghe những lời dụ dỗ ngọt ngào của ít nhiều công ty tư vấn. Tuy nhiên, con đường này sớm muộn sẽ làm mất đi tuổi thanh xuân, mất đi cơ hội được học hành đầy đủ những tri thức cần thiết, mất đi tương lai với nhiều hoài bão của các bạn.”
Cũng theo ông Fushihara Hirota, dù hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam đang rất nỗ lực hợp tác với ĐSQ và chính phủ Nhật để thắt chặt cơ chế đưa người Việt sang Nhật làm việc, du học, nhưng “sẽ có giới hạn nhất định vì đây là vấn đề của toàn xã hội, của giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.”
‘Bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không?’
Ông Fushihara Hirota cho rằng “cơ quan chức năng Việt Nam nên dựa vào sức mạnh xã hội để sàng lọc các công ty tư vấn du học, xuất khẩu lao động.”
“Cấp phép, thẩm tra, thẩm định, kiểm tra… là câu chuyện mà cơ quan chức năng đang làm. Nhưng nếu phần nào đó của công việc này được giao cho toàn xã hội thì tôi nghĩ phần nào đó sẽ có ích.”
“Ví dụ, có thể thiết lập các cuộc điều tra, đánh giá xã hội về các tổ chức môi giới, tư vấn. Chức năng kiểm tra được giao cho một đơn vị thứ ba độc lập không có quan hệ về lợi ích, tạo ra hệ quy chuẩn đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp trong ngành. Sau đó phổ biến những thông tin này cho nhân dân để mọi người có được địa chỉ tin cậy và hạn chế các vụ việc lừa đảo.”
“Mặt khác, cần tăng cường chức năng định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không? Các bạn mang theo ước mơ, hoài bão gì đi đến Nhật? Tiền có thực sự là thứ cần phải trả giá và bỏ đi cả tương lai để mang về và tiêu dùng trong chốc lát không?”
“Tất cả những thứ đó cần được giáo dục, cần khai thác vào tận lý trí của các bạn. Khi các bạn trẻ thực sự có định hướng, khi Nhật Bản thực sự chắp cánh được cho ước mơ của các bạn, thì hãy mang các bạn đến với Nhật Bản.”
“Ý tôi muốn nói là chúng ta cần sàng lọc các bạn đi Nhật. Những người cần đến Nhật thực sự vì những gì Nhật Bản có (không phải chỉ là môi trường có thể kiếm tiền, chúng tôi không tự hào về điều đó) thì nên đến Nhật Bản. Còn những bạn khác, cần có định hướng khác cho tương lai của mình.”
‘Lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến’
Một người Việt sống tại Ibaraki, Nhật Bản, không muốn nêu tên, nói với BBC hôm 1/10 rằng thời gian gầy đây lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến.
Chủ yếu là do số ‘du học sinh’ được đưa sang ồ ạt.
“Gọi là du học sinh chứ thực chất là nhân lực lao động tay chân, núp bóng đi học để kiếm tiền,” vị này nói.
Người Việt ‘đầu bảng về phạm pháp’ tại Nhật
“Thị trường nhân lực ở Nhật đang thiếu kể cả chất lượng cao lẫn thấp nên các công ty du học, nhân sự phải tranh thủ kiếm tiền. Một phần do họ thấy chính phủ Nhật dễ nên làm láo.”
“Bây giờ có những vùng ở Việt Nam cả làng cho con đi Nhật hay Hàn học hoặc xuất khẩu lao động. Sang tới Nhật, những người này đi làm là chính, làm xong đi học không đủ tiêu chuẩn để được chứng chỉ, không được cấp visa thì trốn ra ngoài làm chui. Nếu bị bắt thì ôm tiền về nước.”
“Tình trạng này xảy ra ở nhiều nước khác nhưng Nhật gần Việt Nam hơn, dễ đi hơn. Nhật cũng là nơi mà trước nay người ta làm ăn trọng chữ tín nên điều kiện khá lỏng lẻo.”
“Chỉ từ khi có tình trạng người Việt sang làm ‘lậu’ ở đây theo diện ‘du học’ thì nay chính phủ Nhật mới phải thắt chặt như vậy.”
“Người ta đi du học để tận dụng cơ hội học hỏi kiến thức mới, nhằm học lên đại học ở nền giáo dục tiên tiến chứ nhiều trường hợp chỉ muốn đi làm, tiếng cũng không học chứ đừng nói là đại học.”
‘Thắt chặt kiểm soát các công ty môi giới’
Cách làm “gian dối” của một số công ty môi giới du học tại Việt Nam mà NHK đề cập bao gồm cấp chứng chỉ tiếng Nhật cho người xin visa trong hồ sơ, trong khi những người này không hề biết tiếng Nhật,
Sự thật này chỉ được phát hiện khi ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam bắt đầu phỏng vấn người xin visa dạng du học sinh vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đang tăng mạnh.
Theo các con số thống kê trong bài viết trên NHK, vào tháng Sáu, số lưu học sinh Việt Nam là hơn 80.000 người, tăng bốn lần so với năm năm trước đây.
Số người Việt Nam theo học tại các trường tiếng Nhật tại Nhật Bản cũng tăng mạnh.
Một số công ty quảng cáo rằng ở Nhật Bản du học sinh có thể vừa học “vừa kiếm được hàng nghìn đôla Mỹ”.
Đã có 12 công ty môi giới du học không tuân thủ luật pháp bị đăng tên trên website của ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nan. Hồ sơ xin visa nộp qua 12 công ty này sẽ bị từ chối trong thời gian sáu tháng, kể từ tháng 10/2018.
Phía ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay trên NHK rằng sẽ hợp tác với các cơ quan sở tại ở Việt Nam và tăng cường nỗ lực loại bỏ những công ty môi giới thiếu trung thực.