Tin Việt Nam – 02/09/2019
Việt Nam điều tàu hộ vệ 18
dự tập trận chung Mỹ ASEAN
Tàu hộ vệ 18 của Hải quân Việt Nam đã rời cảng vào trưa ngày 1/9 để bắt đầu chính thức tham gia cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN diễn ra từ ngày 2 đến 6 tháng 9 tới đây ở khu vực Vịnh Thái Lan và vùng biển phía Nam mũi Cà Mau. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/9.
Tàu hộ vệ 18 là tàu săn tàu ngầm lớp Pohang do Nam Hàn tặng Việt Nam vào năm ngoái.
Trong cuộc diễn tập lần này, tàu 18 của Việt Nam nằm trong tốp chiến thuật 3, tham gia hoạt động huấn luyện trinh sát trên biển, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện hành quân đêm và cảnh giới cho các tàu nước khác thực hiện khoa mục kiểm tra tàu nghi vấn.
Tham gia diễn tập lần này có 6 tàu của hải quân các nước ASEAN và 2 tàu của hải quân Hoa Kỳ, cùng máy bay tuần thám của hải quân Thái Lan và Mỹ.
Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ điều máy bay trực thăng MH-60 và máy bay P-8 Poseidon tham gia cuộc diễn tập. Máy bay P-8 Poseidon là máy bay tuần thám đã thực hiện các chuyến bay qua khu vực Biển Đông bao gồm cả những vùng đang tranh chấp mà Trung Quốc đã xây lấp và biến thành căn cứ quân sự.
Tập trận chung Mỹ ASEAN lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đề xuất tại cuộc họp với 10 nước ASEAN ở Philippines năm 2017, và cuối cùng được chuẩn thuận vào năm ngoái.
Vào tháng 10 năm ngoái, Việt Nam cũng gửi tàu hộ vệ Trần Hưng Đạo 015 đến cuộc tập trận chung kéo dài năm ngày giữa Trung Quốc và ASEAN ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN lần này diễn ra vào lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc điều tàu khảo sát và hải cảnh vào sâu trong vùng nước của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt đông khai thác dầu khí.
New York Times trích lời ông Luc Anh Tuan, một chuyên gia thuộc Đại học New South Wales ở Australia nhận định Hà Nội sẽ tìm cách làm nhẹ tầm quan trọng của cuộc tập trận giống như các nước ASEAN khác vì không muốn tạo suy nghĩ là Hà Nội muốn liên minh với các nước khác chống lại Trung Quốc.
New York Times cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận về cuộc tập trận bằng email vào tuần trước nhưng không trả lời các câu hỏi khác có liên quan.
Bãi Tư Chính: Việt Nam kêu gọi quốc tế
giúp giảm căng thẳng tại Biển Đông
Ngày 01/09/2019, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia làm giảm các căng thẳng tại Biển Đông.
Theo hãng tin Bloomberg, tiếp theo tuyên bố chung của ba nước Anh, Pháp, Đức cuối tuần trước, bày tỏ lo ngại về ” tình hình Biển Đông hiện nay”, ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, qua thư điện tử, nhấn mạnh, “những diễn biến nguy hiểm” tại Biển Đông đang làm gia tăng cẳng thẳng và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Do vậy, Việt Nam kêu gọi các nước tham gia vào việc làm giảm căng thẳng, bảo đảm an ninh và tự do lưu thông tại vùng biển này. Bức thư viết: Biển Đông có tầm quan trọng đối với các nước bên trong và bên ngoài khu vực, trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do lưu thông hàng không và hàng hải và “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng làm việc với các nước và cộng đồng quốc tế” để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Ngày 29/08/2019, với tư cách là các quốc gia ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp làm giẳm căng thẳng và góp phần duy trì, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Ba quốc gia châu Âu này nhấn mạnh đến “mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát” văn bản này. Đặc biệt là việc tôn trọng phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye. Theo phán quyết hồi năm 2016, việc Bắc Kinh căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông là “không có cơ sở về mặt pháp lý“.
Bắc Kinh đương nhiên đã bác bỏ kêu gọi của Anh, Pháp, Đức về Biển Đông. Họp báo ngày 30/09/2019 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng khẳng định tình hình tại Biển Đông vẫn “ổn định” và đang được “cải thiện” nhờ Trung Quốc và các đối tác ASEAN “phối hợp nỗ lực” giải quyết bất đồng. Bắc Kinh kêu gọi Anh, Pháp, Đức nên “khách quan hơn” về Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190902-viet-nam-cang-thang-tai-bien-dong-khien-ca-the-gioi-lo-ngai
Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đề nghị
kiểm soát chặt chuyển vốn ra ngoại quốc
Tin từ Hà Nội, ngày 02/2019: Theo báo Thanh Niên, Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư ra ngoại quốc, đặc biệt đầu tư vào bất động sản, nhằm tránh thất thoát nguồn lực trong nước.
Theo đó, trong hồ sơ gửi quốc hội CSVN về dự án luật Đầu tư (sửa đổi), bộ này cho biết hoạt động đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài của người Việt Nam đang có xu hướng tăng. Bộ đề nghị đưa việc này vào diện đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, cùng với 5 ngành-nghề khác như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học và công nghệ, và báo chí-phát thanh-truyền hình.
Dự thảo của bộ này cũng nói doanh nghiệp phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao. Nếu muốn đầu tư vào những quốc gia và vùng lãnh thổ đang bất ổn về chính trị, hoặc Việt Nam chưa thiết lập ngoại giao hay chưa ký kết hiệp định về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư.
Dự thảo này được xây dựng dựa trên “tham khảo kinh nghiệm quốc tế” từ Trung Cộng. Bắc Kinhbắt đầu hạn chế đầu tư vàobất động sản ở ngoại quốc từ 2018.
Bộ Kế hoạchvà Đầu tư cho biết hiện có 262 dự án bất động sản ở ngoại quốc, trị giá hơn 390,9 triệu USD, phần lớn là nhằm “dịch chuyển tài sản”, hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài.”
Việc quan chức CSVN chuyển tiền của, và đưa con cái ra nước ngoài, trong đó rất nhiều sang Mỹ đang ngày càng phổ biến hơn.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bo-ke-hoach-dau-tu-de-nghi-kiem-soat-chat-chuyen-von-ra-ngoai-quoc/
Lạ lẫm thay “mùa” Quốc khánh năm nay
Lập Quyền Dân
Thật ra, có thể liệt kê nhiều điều lạ lẫm hơn nữa trên giải đất hình chữ S vẫn đáng sống này. Nhưng bài viết đã quá “nặng đô” – theo quy chiếu kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo – nên chỉ gọi lại trong 5 điều lạ lẫm. Xin kết thúc bằng câu vè mới toanh vừa nổi lên từ Bắc chí Nam như một phản ứng của người dân trước tình trạng “bất động” của chính quyền khi giặc Tàu (cũng là tầu giặc) chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận có 155 cây số. Không thể “chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, ai bảo đảng ngu đó là kẻ phản động”!
Điều lạ lẫm đầu tiên là báo chí “lề đảng” dường như mở “volume” to hơn khi bàn về sự hoang dại thú tính của kẻ sát nhân máu lạnh trước ngày Quốc khánh 2/9. “Hà Nội đang bình yên trong kỳ nghỉ lễ bỗng bị xé toạc, rúng động bởi vụ thảm sát do anh trai (53 tuổi) chém giết vợ chồng em ruột (cùng 51 tuổi) và các cháu (trong đó một cháu 17 tuổi và một cháu bé khoảng 1 tuổi). Bốn mạng người và một thập tử nhất sinh – gây ra nỗi khiếp sợ cho toàn xã hội”. Tất cả chỉ vì tranh giành 0,5 m đất giáp ranh, tài sản bố mẹ để lại[1].
Bài báo phân tích và lý giải tiếp: Càng kinh hãi trước cái ác, càng khiếp sợ trước sự bàng quan của những người đứng xem, đặc biệt là sự thờ ơ, hiếu kỳ đến man rợ của một số người đi lại cạnh tên sát nhân lúc hắn chém người mà xung quanh còn nghe rõ âm thanh và mùi vị đầy máu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến án mạng chính là bệnh vô cảm, là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đang ở mức trầm trọng, đáng báo động. Cái ác sinh ra từ sự ích kỷ, vô cảm, từ máu lạnh của con người. Và chính sự ích kỷ, vô cảm, máu lạnh của con người đã sản sinh ra những con ác thú đội lốt người khủng khiếp đến như thế.
Điều lạ lẫm thứ hai là truyền thông nhà nước cũng được phép lên án “thả dàn” những con thú đội lốt người khác trong vụ lợi dụng tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam để trục lợi[2]. Rồi các bài viết đều bình luận, cướp giật trên đường phố tp. HCM và nhiều địa phương khác ngày nay là câu chuyện không hề mới. Thậm chí, gần đây, tình trạng này diễn biến càng phức tạp. Ngày càng có nhiều vụ cướp táo tợn xảy ra. Kẻ cướp còn mang theo hung khí và sẵn sàng đoạt tính mạng nếu gặp sự chống đối từ nạn nhân. Báo giới còn phê phán hình phạt dành cho các hành động nghĩa hiệp (do đuổi bắt cướp mà gây ra tai nạn). Nếu làm như thế, chẳng khác gì khuyến khích sự tàn ác của những con thú đội lốt người[3]. Từ trước tới nay, với nền báo chí “cướp – giết – hiếp” thì việc tường thuật các chi tiết và âm mưu thủ ác trong các vụ đại án vốn được khuyến khích. Nhưng đứng ra bảo vệ những hành động nghĩa hiệp thì quả là chuyện “xưa nay hiếm”.
Điều lạ lẫm thứ ba (cùng đi liền với nỗi khiếp sợ) đó là sự hỗn loạn do hoả hoạn gây ra trước ngày lễ Độc lập. “Chào mừng” Quốc khánh 2/9 năm nay, Thần Lửa “ghé thăm” Công ty Rạng Đông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tối 28/8/2019. Hai ngày sau vụ cháy lớn, các báo “lề đảng” đồng loạt đưa tin: quan chức Hà Nội khẳng định môi trường xung quanh đám cháy an toàn, không bị ô nhiễm, bất chấp các lo ngại từ dân cư trong khu vực bị nạn, cho rằng đám cháy kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ với không ít vật liệu cháy là bóng đèn huỳnh quang, với các loại hóa chất độc hại, trong đó có thủy ngân bị phát tán[4].
Đương nhiên, không phải tất cả các báo “lề đảng” đều nói cùng giọng với lãnh đạo tp. Hà Nội và Công ty Rạng Đông, trấn an người dân bằng mọi cách, bất chấp đúng sai và không qua kiểm nghiệm. VOV dẫn lời TS. Hà Dương Tùng, Chủ tịch “Mạng lưới không khí sạch VN” nhận định về vụ cháy Công ty Rạng Đông: “Có bóng đèn huỳnh quang đương nhiên là có thủy ngân”. Sau hai ngày xảy ra vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, nhiều hộ gia đình có con nhỏ, người già sinh sống tại khu vực này đã phải di tản sang nhà người thân hoặc về quê lánh nạn. Một người dân thủ đô chia sẻ: “Cả đêm (29/8), gia đình tôi không tài nào ngủ được. Ở trong nhà đóng chặt cửa mà vẫn có mùi khét, không khí ngột ngạt vô cùng. Vợ tôi mới sinh em bé được 3 tháng, đêm qua vợ kêu đau đầu với rát họng. Ngay trong đêm, tôi đã phải đưa vợ và con sang nhà người thân ở nhờ, còn tôi đành ra ‘nhà nghỉ’ để ngủ”[5].
Điều lạ lẫm thứ tư là phát hiện hết sức độc đáo của GS-TS Nguyễn Đình Cống[6] khi xem tường thuật buổi lễ trên VTV1. Theo vị GS-TS sắp bước vào cửu tuần, trong khi diễn giả nhìn vào giấy đọc thao thao bất tuyệt bài diễn văn thì đa số cử tọa tỏ ra thờ ơ. Vì sao vậy? Phải chăng đa số cử toạ đều biết rõ phần lớn nội dung được diễn giả trình bày là giả dối, họ bị bắt buộc ngồi nghe những điều đã quá nhàm tai… Người đọc diễn văn (ở đây là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), tuy đôi lúc cũng nhấn giọng vào một vài câu chữ, nhưng chưa chắc đã thuyết phục nổi chính bản thân ông. Mà rồi kể cả người soạn bài diễn văn ấy cho ông cũng chưa chắc đã tin vào một số điều mình viết.
Ấy vậy mà người ta thi nhau tâng bốc, người trước nói đã hoa mỹ, người sau cố hoa mỹ hơn! Người trước đưa lên ngọn cây, nóc nhà, đỉnh tháp, người sau đưa lên tận mây xanh, tận trời cao! Nhưng soi kỹ ra mới thấy phần lớn những lời tâng bốc chỉ là bịp. Bịp ở tờ báo này, buổi phát thanh kia là cái bịp bình thường. Nhưng bịp ở cuộc “đại lễ kỉ niệm” tầm cỡ quốc gia như thế thì có thể gọi là “đại bịp”. Bịp đến thế là cùng! Việc thực hiện Di chúc, đoạn quan trọng nhất khi ông Hồ nói về việc muốn hỏa táng thi hài, thì bị vứt bỏ đâu mất rồi? Bày vẽ “lăng tẩm” và “đền thờ” như ngày nay các đồng chí của Cụ đang làm là phản lại Cụ chứ thực hiện Di chúc nỗi gì? Không biết rồi người ta còn lừa bịp đến bao giờ?
Điều lạ lẫm cuối cùng (thứ năm) và cũng là điều kỳ quặc không thể nào hiểu nổi. Đó là vào sáng sớm ngày 1/9, đội tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc tiếp tục vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic. Như vậy chỉ trong vòng khoảng một tuần, nhóm tàu này đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam. Trước đó, hôm 24/8, Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Phan Thiết của Việt Nam khoảng 185 km. Như vậy, kể đến lúc này là sang tháng thứ ba, nhóm tàu Hải Dương-8 đã đi vào vùng biển Việt Nam, tính từ ngày 3/7. Đồng thời từ giữa tháng 6 đến nay, Trung Quốc cũng điều tàu hải cảnh đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1.
Một FB nổi tiếng phân tích dí dỏm nhưng đau xót[7]: Lẽ thường, một quốc gia khi bị nước khác xâm phạm chủ quyền thì có quyền nổ súng. Ngày trước, trong một trận đánh ở Đồng Hới, Bắc Việt cho máy bay MIC bay ra ném bom Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Lúc đó Hạm đội 7 đang đỗ ngoài khơi giống như tàu HD-8 của Trung Quốc bây giờ. Thuở ấy, chẳng phải dè dặt đắn đo gì, thấy đối phương là chiến, thậm chí tìm đối phương để tiêu diệt. Bây giờ thì khác, vì “đại cục” nên chẳng dám bắn vào kẻ thù trước. Thậm chí, kẻ thù nổ súng trước, chưa chắc đã bắn lại được như bài học ở Gạc Ma. Thôi, cứ để “đảng và nhà nước lo” và để cho dân chửi. Nhưng chẳng lẽ cứ gầm ghè nhau, huých vào sườn nhau mãi. Khoảng cách 155 cây số là rất gần. Chẳng lẽ, nó đi đến đâu, ta theo đến đấy. Nhỡ nó đổ bộ lên Mũi Né thì sao? Liệu có phải vẫn một ông Việt Nam đi kèm một thằng Tàu trên bộ xem nó làm gì, để nó quậy chán khi về, đi theo tiễn…
Đáng ra còn có thể liệt kê thêm nhiều điều lạ lẫm nữa trên giải đất hình chữ S vẫn đáng sống này (Hẹn kỳ sau!). Nhưng thấy bài viết quá “nặng đô” – là nói theo quy chiếu kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo – nên tạm dừng ở đây. Có điều xin kết thúc bài viết bằng một câu vè dân gian mới toanh vừa nổi lên từ Bắc chí Nam. Số là vừa qua tại tỉnh Kiên Giang đã diễn ra lễ trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” (?) Chưa hết, đại biểu Quốc hội Phan Thị Hồng Xuân cũng vừa bị “ném đá trên mạng” do quảng bá cái “tối kiến” dùng lu chống ngập của bà (?). Vì vậy dân gian mới có vè rằng: “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”./.
[1] https://vtc.vn/anh-trai-chem-giet-ca-nha-em-ruot-ac-thu-mau-lanh-tu-dau-ma-ra-d495903.html
[2] https://vtc.vn/loi-dung-tai-nan-tham-khoc-o-quang-nam-de-truc-loi-nhung-con-thu-doi-lot-nguoi-d417289.html
[3] https://vtc.vn/duoi-bat-khien-ke-cuop-chet-xu-hanh-dong-nghia-hiep-chang-khac-gi-khuyen-khich-su-tan-ac-cua-nhung-con-thu-doi-lot-nguoi-d471885.html
[4] https://vov.vn/tin-24h/chay-cong-ty-rang-dong-co-bong-den-huynh-quang-duong-nhien-co-thuy-ngan-950210.vov
[5] https://doisongvietnam.vn/vu-chay-kho-cong-ty-rang-dong-quanh-hien-truong-van-con-mui-khet-nguoi-dan-phai-di-tan-lanh-nan-73629-3.html
[6] BỊP, BỊP, BỊP ĐẾN THẾ LÀ CÙNG (Nguyễn Đình Cống)
[7] http://www.viettin.de/node/1277
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-a-national-day-09022019101229.html
Nguyễn Phú Trọng thề sẽ đánh bại “giặc nội xâm”
Tin Vietnam.- Báo Viettimes ngày 2 tháng 9 năm 2019 đăng tải bài viết của đại tá Lê Thế Mẫu với nội dung, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản, kiêm Chủ tịch nước thề sẽ đánh bại “giặc nội xâm”.
Giặc nội xâm ở đây đã được nghị quyết 04-NQ/TW chỉ rõ là những người có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Những người này được xem là mối nguy hiểm khôn lường đối với chế độ cộng sản. Vì những đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có thể tiếp tay, hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng, và sự nghiệp cách mạng của đảng Cộng sản. Sự kết hợp này được nhà cầm quyền xem là nguy cơ chưa từng có đối với đối với chế độ.
Ngoài ra, nghị quyết của trung ương cũng nói rằng, những viên chức tham nhũng cũng được xem là giặc nội xâm. Cả hai đối tượng này được nghị quyết 04-NQ/TW nhận định là nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của đảng và chế độ. Đứng trước các đồng chí của mình, ông Trọng đã thề sẽ đánh bại những người này.
Lời thề của ông Trọng được thực hiện trong bối cảnh Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Cộng xâm chiếm, tàu thăm dò dầu khí và tàu hải cảnh của Trung Cộng đang ở rất gần đất liền Việt Nam. Từ lúc tái xuất đến nay, ông Trọng đã làm ngơ, xem như không hề có sự việc trên, bất chấp sự lên tiếng mạnh mẽ của Mỹ và một số nước khác.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguyen-phu-trong-the-se-danh-bai-giac-noi-xam/
Khai thác đất hiếm, dệt may, công nghệ thông tin
là lĩnh vực Việt Nam có thể hưởng lợi
Theo bản tin của Business Times, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Fitch Solutions Macro Research cho rằng ngành khai thác đất hiếm, sản xuất dệt may và công nghệ thông tin và truyền thông của nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Khoáng sản đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong một số sản phẩm có tính chiến lược hoặc công nghệ cao như chất bán dẫn, viễn thông sợi quang, pin và nam châm hiệu suất cao. Trung Cộng hiện đang nắm giữ gầ như độc quyền về nguồn cung kim loại đất hiếm toàn cầu, với hơn 72% thị phần toàn cầu. Các nhà phân tích Hoa Kỳ nói rằng việc khai thác nguyên tố đất hiếm có thể sẽ được đầu tư nhiều hơn cho các quốc gia có trữ lượng lớn như Việt Nam.
Trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam nổi bật là người hưởng lợi trực tiếp nhất từ các công ty đa quốc gia. Việt Nam đã là nhà xuất cảng hàng may mặc lớn thứ hai sang Mỹ, chỉ sau Trung Cộng.
Ngành công nghệ thông tin đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Các nhà phân tích dự kiến sẽ có những thay đổi hơn nữa trong chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Với các nhà sản xuất hợp đồng như Foxconn và Pegatron dự tính sẽ chuyển nhiều sản xuất ra khỏi Trung Cộng và chuyển hướng đến thị trường Đông Nam Á mới nổi, trong đó có Việt Nam. (Mộc Miên)
Lắp 10,000 camera giám sát dân tại Sài Gòn
sẽ tốn 1,600 tỉ đồng
Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 2 tháng 9 năm 2019 loan tin, đề án lắp 10,000 chiếc camera khắp Sài Gòn của nhà cầm quyền thành phố được triển khai trong vòng 6 năm để giám sát người dân là điều không dễ dàng. Nguyên nhân là để lắp được số camera trên, nhà cầm quyền dự trù phải mất khoảng 1,600 tỷ đồng.
Đây là số tiền quá lớn, và có nhiều vướng mắc về nguồn lực, quy định luật pháp. Hiện tại, nhà cầm quyền đang đề nghị lấy tiền từ ngân sách, nhưng có thể sẽ kêu gọi các công ty, và người dân đóng góp. Và để giải cứu đề án này cho nhà cầm quyền, một chuyên gia tham gia xây dựng dự án trên đã đưa ra một phương cách kiếm tiền cho nhà cầm quyền. Đó là nhà cầm quyền cần đưa ra một mô hình để đấu thầu, giao cho công ty đầu tư. Sau này, khi dự án hoàn thành, thông qua các camera nhà cầm quyền sẽ tìm kiếm những hình ảnh người vi phạm giao thông, vi phạm trật tự đô thị, và các vi phạm khác để phạt tiền. Và số tiền phạt thu được, nhà cầm quyền sẽ mang đưa cho nhà đầu tư để trả nợ.
Cách làm này được xem là sẽ hiệu quả, vì chỉ tính riêng quý 1 năm 2019, nhà cầm quyền thành phố đã thu được 30 tỷ đồng tiền xử phạt từ hành vi vi phạm luật giao thông. Nếu mô hình này được thực hiện, nhà cầm quyền chỉ cần nắm giữ vấn đề an ninh, bảo mật. Còn những việc còn lại thì để người dân và các công ty tự lo.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/lap-10000-camera-giam-sat-dan-tai-sai-gon-se-ton-1600-ti-dong/
Năm 1945: Liên Xô không ưa Pháp
nhưng để Pháp quay lại VN
Một trong những vấn đề của lịch sử Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là không một đại cường nào thuộc phe Đồng Minh thắng trận công nhận chính phủ Hồ Chí Minh.
Trước đó, chính phủ Đế quốc Việt Nam với thủ tướng là Trần Trọng Kim năm 1945 cũng không được Đồng Minh công nhận.
Các nước lớn khi đó tập trung vào việc làm gì với Pháp và quyết tâm phục hồi chủ quyền của Paris ở cựu thuộc địa Đông Dương.
Nội các Trần Trọng Kim: 5 thành tựu trong 4 tháng
Băn khoăn về màu cờ cho Việt Nam năm 1945
TBT Trọng: ‘Cách mạng Tháng 10 mãi ngời sáng’
Tây Sơn không phải ‘Cách mạng Giải phóng’
Moscow, Washington, London đã coi vấn đề của các lực lượng bản địa ở châu Á nói chung, và Việt Minh nói riêng, là thứ yếu so với chính sách lớn hơn của họ.
Không ưa Pháp nhưng vẫn ủng hộ Pháp
Tư liệu từ hội đàm tại Tehran, trong hội nghị ba đại cường Mỹ, Anh, Liên Xô 28/11/1943 cho thấy Moscow và Washington đã khá đồng quan điểm ban đầu về Pháp trong và sau chiến tranh.
Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt không muốn Pháp quay lại chiếm Đông Dương, còn Stalin thì nói thẳng ra là quân Đồng Minh không nên đổ máu ở chiến trường đó.
Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Tehran năm 1943, Đông Dương vẫn nằm trong tay đế quốc Nhật.
Hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ thậm chí còn chia sẻ cách nhìn coi thường người Pháp.
Trong tài liệu có nội dung nêu trên do Thomas G. Paterson và Dennis Merrill biên tập và ấn hành năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt nhắc lại với Nguyên soái Stalin điều ông nghe được từ thủ tướng Anh, Winston Churchill.
Quan điểm của Churchill là nước Pháp sẽ nhanh chóng được tái thiết để trở thành quốc gia mạnh.
Roosevelt nói với Stalin ông không nghĩ như vậy mà cho rằng “Pháp cần nhiều năm làm việc cực nhọc để phục hồi vị trí“.
“Điều cần thiết, cho cả người dân, và chính phủ Pháp, là trở thành các công dân trung thực.”
“Nguyên soái Stalin đồng ý và còn nói thêm rằng ông không hề đề nghị để quân Đồng Minh phải đổ máu nhằm phục hồi Đông Dương cho chế độ thực dân cũ là Pháp“, tài liệu trích thuật lại lời nhà lãnh đạo Liên Xô.
“Stalin cũng nói điều quan trọng là không chỉ đánh quân Nhật về quân sự, mà cần chống lại Nhật về chính trị, do Nhật đã trao độc lập, tuy chỉ là hình thức thôi, cho một số vùng thuộc địa. Ông nhắc lại rằng Pháp không thể được cho phép giành lại Đông Dương, và người Pháp phải trả giá cho sự hợp tác tội phạm (criminal collaboration) với Đức.”
“Tổng thống Roosevelt nói ông đồng ý 100% với Nguyên soái Stalin và nêu ý kiến rằng sau 100 năm Pháp chiếm Đông Dương, người dân ở đó có cuộc sống tệ hơn trước.”
Thế nhưng Moscow và Washington đã dần thay đổi quan điểm về Đông Dương.
Trước khi phát-xít Đức đầu hàng quân Đồng Minh ở châu Âu và trước lúc Nhật Bản thua trận, vào tháng 4/1945, Roosevelt qua đời.
Tổng thống kế nhiệm, Harry Truman lên cầm quyền và thay mặt Hoa Kỳ dự hội nghị Potsdam đề bàn về tình hình thế giới hậu chiến, gồm cả vùng Đông Á.
Chính phủ Pháp tự do của tướng Charles de Gaulle đã vận động ráo riết để Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm giành lại các thuộc địa.
Dù không được dự hội nghị Potsdam, Pháp vẫn đề nghị để quân của họ giải giáp quân Nhật ở Đông Dương nhưng bị từ chối.
Các đại cường để quân Anh vào Việt Nam giải pháp quân Nhật ở dưới vĩ tuyến 16, và nhiệm vụ tương tự phía Bắc giao cho Trung Hoa Dân quốc (Đồng Minh chống Nhật).
Theo sử gia David Marr, sự hiện diện của chính quyền Việt Minh năm 1945 tại Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đặt ra một vấn đề khó khăn cho các đại cường.
Vào tháng 4/1945, Hoa Kỳ đề nghị để lập chế độ ủy trị (trusteeship) với Việt Nam nhưng bị Pháp kịch liệt phản đối.
Mỹ có thái độ không hoàn toàn rõ ràng và để Anh giúp Pháp quay lại Đông Dương.
Anh đã chuyển quân trang quân dụng trên đường từ Ấn Độ về châu Âu cho Pháp để tướng Leclerc chuẩn bị quay lại Sài Gòn.
Liên Xô có vai trò rõ ràng ở hơn Triều Tiên vì nhận nhiệm vụ giải pháp quân đội Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 38.
Với Stalin, châu Á là Đông Bắc Á, Trung Á và Mông Cổ, còn tại Đông Dương, Moscow không thấy có quyền lợi gì để công nhận chính phủ Hồ Chí Minh.
Trong cuốn ‘Vietnam: State, War, and Revolution (1945-1946)’, David Marr viết rằng Stephane Solovieff, đại diện của Liên Xô ở Hà Nội đã gặp Hồ Chí Minh và biết ông Hồ là một ‘đồng chí cộng sản’.
Nhưng ông Solovieff, người thạo cả tiếng Anh, Pháp, và Nhật, muốn giữ quan hệ trung dung, tốt đẹp với tất cả các bên: Nhật, Hoa, Việt Nam và Pháp.
Vẫn theo David Marr, ông Solovieff nói với thiếu tá OSS của Hoa Kỳ Archimedes Patti, người từng tuyển ông Hồ Chí Minh cho công tác tình báo theo dõi quân Nhật ở Đông Dương, rằng nước Nga Xô Viết “cần thời gian để phục hồi, tái thiết trước khi xác định vị thế ở Đông Nam Á”.
Người Liên Xô này còn nói rằng theo ông “Người Pháp rất cần có mặt để dẫn đạo giúp cho người Việt Nam đi đến chỗ có khả năng tự chủ (self-government)”.
Không chỉ như vậy, từ đầu năm 1946, Solovieff cộng tác chặt chẽ với cao ủy Pháp, Jean Sainteny, người đã giúp ông ta đi tàu thuỷ về Paris.
Theo bài của Merle Pribbenoff được Trung tâm Wilson lưu trữ thì Liên Xô cũng không trợ giúp Việt Minh chút gì về an ninh, tình báo dù có cử an ninh sang.
Các tài liệu của Anh cho hay khi quân Anh vào Sài Gòn, họ bắt được một người Liên Xô hoạt động tình báo tại đó.
Theo Pribbenoff, điều trớ trêu là các nhân vật chủ chốt của an ninh tình báo Việt Minh như Trần Hiệu, Lê Giản đều “học nghề” từ tình báo Mỹ và một đại tá Nhật đi theo Việt Minh.
Có vẻ như những gì Solovieff nói và làm không chệch ra khỏi đường lối chung của Moscow khi đó, đặt các vấn đề châu Âu lên cao hơn Đông Dương.
Tháng 12/1944, Moscow đã ký với phe kháng chiến Pháp một hiệp ước, tương tự với Anh, coi Pháp có vị thế “đồng minh của Liên Xô cùng chống Đức phát-xít”.
Có giá trị 20 năm, hiệp ước này nhằm xóa bỏ mọi đe dọa từ Đức, thỏa thuận các vấn hậu chiến ở châu Âu, liên quan nhiều đến Đức, biên giới Tây Âu ở Bỉ, Hà Lan…
Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự ủng hộ không có gì của Liên Xô cho chính thể VNDCCH có lý do cá nhân, rằng với họ, với ông Hồ chưa ‘đủ chất cộng sản’.
Tuy nhiên, ý kiến này có vẻ không đúng nếu ta nhìn vào sự thiếu vắng ủng hộ của Liên Xô dành cho một quốc gia lớn hơn Việt Nam là Indonesia.
Theo Guy Faulker viết trên Foreign Affairs (The Soviet Challenge in Indonesia), sau khi người Indonesia tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan (17/08/1945), Moscow chỉ ủng hộ họ tại Liên Hiệp Quốc trên nguyên tắc “chống chủ nghĩa đế quốc”.
Trên thực tế, Moscow quan tâm nhiều hơn về quan hệ với Hà Lan ở châu Âu, và không công nhận chính phủ Sukarno ở Jakarta, dù ông Sukarno nhiều lần kêu gọi.
Báo chí Liên Xô còn phê phán tổng thống Sukarno là “tư sản’ và đặt hy vọng và cuộc khởi nghĩa bất thành tháng 9/1948 (sự kiện Madiun – ‘Cộng hòa Xô Viết Indonesia’) của đảng cộng sản địa phương.
Rút cục, Liên Xô không giúp cho cả Đảng Cộng sản Indonesia lẫn chính phủ Sukarno.
Sự công nhận Indonesia chỉ đến đầu năm 1950, sau khi Indonesia đã ký thỏa thuận chuyển chủ quyền từ Hà Lan cuối 1949.
Điều lạ là Liên Xô công nhận chính quyền Indonesia theo yêu cầu của Hà Lan và sau cả Mỹ và Anh.
Muốn theo Liên Xô nhưng chỉ thấy Pháp và Trung Quốc
Nếu như Liên Xô không muốn dính vào Đông Dương về mặt nhà nước, việc riêng với Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh lại được Moscow ‘giao’ cho Đảng Cộng sản Pháp quyết định.
Vấn đề là sau chiến tranh, Đảng Cộng sản Pháp tham gia liên minh cầm quyền và không hề mặn mà gì trong việc giúp ông Hồ Chí Minh giành lại độc lập toàn bộ.
Ước vọng của tướng Charles de Gaulle muốn giành lại các thuộc địa được cử tri Pháp rất ủng hộ và vẫn là động lực của các chính phủ Pháp kế nhiệm kể cả sau khi Charles de Gaulle từ chức tháng 1/1946.
Điều này khiến chủ tịch VNDCCH sau chuyến sang Pháp năm 1946 trở về thấy thất vọng về quan hệ cũ của ông với các ‘đồng chí cộng sản Pháp’, theo David Marr.
Một lối đi nữa cho chính quyền VNCDCH là kêu gọi lên Liên Hiệp Quốc.
Sau khi quân Anh vào Sài Gòn cuối 1945, sang tháng 1/1946, Hồ Chí Minh gửi thư cho Henri Spaak, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đề nghị đưa vấn đề Việt Nam vào nghị trình bàn thảo, nhưng không nhận được trả lời.
Điều dễ hiểu là các cường quốc châu Âu đã ngồi trong Hội đồng Bảo an như Liên Xô, Pháp chống lại mọi cố gắng được công nhận của người Việt Nam.
Mỹ và Anh cũng có mặt trong Hội đồng Bảo an thì nghiêng về phía Paris.
Những khó khăn của chính phủ VNDCDH diễn ra trong bối cảnh dù không được Moscow ủng hộ, báo chí của Việt Minh tiếp tục ca ngợi Liên Xô và Stalin.
Một số tờ báo Việt Minh, kể cả ở các tỉnh, có bài ca ngợi xã hội Liên Xô và các tấm gương anh hùng Xô Viết.
Sang mùa hè 1946, cây bút của Đảng, ông Trần Huy Liệu bắt đầu có loại bài phân biệt rõ Liên Xô và Hoa Kỳ, “với đường lối để VNDCCH cùng nhịp với Liên Xô”, theo David Marr.
Cùng lúc, báo của phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam thì có các bài gọi Stalin là độc tài đỏ.
Mầm mống của cuộc đấu tranh ý thức hệ Quốc – Cộng đã bắt đầu từ đó giữa người Việt với nhau cho dù các đại cường chưa chú ý đến Việt Nam.
Vấn đề của VNDCCH với Liên Xô xem ra còn tiếp tục kể cả sau khi lực lượng Việt Nam đã lớn mạnh và được Moscow công nhận đầu 1950, theo Pribbenoff.
Stalin đã giao phó việc trợ giúp Hồ Chí Minh cho Mao Trạch Đông còn Liên Xô vẫn giữ khoảng cách với VNDCCH.
Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong “chỉnh huấn, chỉnh quân” để biến Việt Minh thành hệ thống chính trị Maoist, với nhiều di sản thể chế ở Việt Nam.
Tóm lại, sau 02/09/1945, ước vọng độc lập của người Việt Nam không được đặt vào nghị trình gì hết của các đại cường thắng trận, kể cả Liên Xô.
Những sợi dây ý thức hệ của Việt Minh với Đảng Cộng sản Liên Xô và Pháp không tác động được được tới tính toán quyền lợi lớn hơn của các đại cường châu Âu.
Những bài học này có thể vẫn còn ý nghĩa khi ta nhìn vào các diễn biến địa chính trị gần đây nhất, trong quan hệ Việt Nam với Nga, EU và Trung Quốc.