Tin Việt Nam – 02/07/2020
Đắk Lắk: Người dân chặn trạm BOT vì xây dựng làm hỏng nhà dân
Hàng chục hộ dân xã Ea Đar, huyện Ea Đar, tỉnh Đắk Lắk sáng ngày 2/7 đã tụ tập tại trạm thu phí Ea Đar trên Quốc lộ 26 chặn xe qua lại. Lý do được cho hay là vì quá trình thi công trạm BOT này làm hỏng nhà dân mà chưa đền bù thỏa đáng.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết hàng chục người đã dàn hàng ngang, dùng vật dụng làm hàng rào chắn không cho xe qua lại trạm thu phí BOT Ea Đar.
Một người dân cho biết vào năm 2016, các đơn vị thi công trạm thu phí BOT Ea Đar đã dùng máy móc hạng nặng tạo ra rung chấn mạnh làm hỏng nhà người dân. Năm 2017, người dân đã yêu cầu các đơn vị thi công đánh giá thiệt hại và có bồi thường nhưng đến nay vẫn không được thực hiện.
Người dân cũng cho biết đã nhiều lần phản ảnh đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Đại diện Trạm thu phí BOT Ea Đar nói với báo trong nước rằng trách nhiệm đền bù, hỗ trợ thiệt hại nhà dân thuộc về các đơn vị thi công, được nêu trong hợp đồng. BOT Ea Đar nói cũng đã gửi công văn đến các đơn vị thi công nhưng hiện nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, đại diện BOT Ea Đar cho hay trước tình hình phản đối của người dân, đơn vị này đã hỗ trợ khoảng 20 hộ dân. Các hộ còn lại bị nói đòi mức hỗ trợ quá cao nên doanh nghiệp không thể đáp ứng.
Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng địa phương được nói đã có mặt tại trạm BOT Ea Đar để giải thích, thuyết phục người dân dừng hành vi tụ tập đông người và cản trở hoạt động trạm thu phí. Sau khoảng một giờ, nhiều người phản đối bỏ đi và trạm thu phí hoạt động trở lại bình thường.
Xe biển xanh Nghệ An hất văng cô gái đi xe máy điện
nhưng vẫn ‘làm ngơ’
Xe biển xanh Nghệ An đang chạy trên đường thì tông vào cô gái đi xe máy điện, khiến nạn nhân văng xa khoảng 10m. 3 người trong ô tô ra khỏi xe nhưng thái độ ‘làm ngơ’, bỏ mặc cô gái nằm trên đường giữa trời nắng nóng.
Khoảng 9h30 ngày 2/7, trên đường 3/2 ở TP Vinh (Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn giữa xe ô tô biển xanh và xe máy điện làm một cô gái bị thương.
Được biết, vào thời điểm trên, xe ô tô Fotuner biển xanh 37A-003.49 của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An đang chạy trên đường 3/2 theo hướng từ từ vòng xuyến Hải quan cũ ra sân bay Vinh.
Khi đi đến trước khu đô thị Vinaconex, ô tô va chạm với xe máy điện do một cô gái cầm lái đang rẽ qua đường.
Cú tông mạnh khiến chiếc xe máy điện và cô gái văng ra phía trước khoảng 10m, còn xe ô tô biển xanh đâm vào dải phân cách giữa đường.
Điều đáng nói, sau khi tai nạn xảy ra, có 3 người đàn ông đứng ở hiện trường nhưng chỉ tập trung gọi điện thoại để giải quyết gấp việc cá nhân, để mặc nạn nhân nằm gục trên đường giữa trời nắng nóng gần 40 độ C.
Đến khoảng 11h, cả 2 phương tiện được cẩu đưa về trụ sở Đội CSGT-TT Công an TP Vinh.
Theo báo An Ninh Tiền Tệ, cô gái được người dân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu.
“Nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng chấn thương, có hôn mê sau đó tỉnh lại. Kiểm tra ban đầu, bệnh nhân bị chấn thương cột sống và đã được chụp não để kiểm tra có chấn thương không”, nguồn tin bệnh viện cho hay.
Được biết, nạn nhân sinh năm 2005 trú tại xã Nghi Phú, TP.Vinh, Nghệ An.
Đã có 8 ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị kỷ luật
Tính tới nay, đã có 8 ủy viên trung ương đảng đương nhiệm nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị.
8 ủy viên này được bầu ra trong kỳ Đại hội Đảng khóa XII tổ chức tháng 1 năm 2016, bao gồm:
Ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị cách chức ngày 6 tháng 10 năm 2017, đồng thời mất luôn chức Ủy viên Trung ương đảng cộng sản Việt Nam do bị cho có những sai phạm khi nhận xe và nhà ở từ doanh nghiệp, sai phạm trong việc chỉ định thầu các công trình xây dựng.
Ông Đinh La Thăng, cựu Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, ngày 7 tháng 5 năm 2017 bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII, bị khai trừ ra khỏi Đảng và cuối cùng bị kết án tổng cộng 30 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bồi thường hơn 630 tỉ đồng.
Ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, ngày 12 tháng 7 năm 2018 Bộ chính trị thi hành kỷ luật, bị mất chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016-2021, bị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT, sau đó được điều động về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cuối cùng bị tuyên 14 năm tù (6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm về tội nhận hối lộ) trong phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG.
Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM. Ngày 26 tháng 12 năm 2018 bị cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Hiện ông Cang vẫn còn là Thành ủy viên TP.HCM.
Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, ngày 10 tháng 1 năm 2020 bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách do để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Ông Hoàng Trung Hải, Phó trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII, ngày 10 tháng 1 năm 2020 bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hôm 16 tháng 6 năm 2020 bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Ông Trần Quốc Cường, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngày 12 tháng 4 năm 2018 bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an.
Tháng 7 năm 2019, ông Cường được Bộ Chính trị cho thôi chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ra Hà Nội làm Phó trưởng ban Nội chính trung ương.
Đại hội Đảng khóa XII tổ chức tháng 1 năm 2016 bầu ra Ban chấp hành trung ương gồm 180 ủy viên trung ương và 20 ủy viên trung ương dự khuyết.
66 cán bộ sai phạm trong vụ Thủ Thiêm bị kỷ luật
Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) kỷ luật 66 cán bộ bị xét có sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sẽ báo cáo kết quả xử lý với Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngay trong tháng 7/2020.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói, theo khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TPHCM tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 tối 1/7.
Một số cử tri tại buổi nói chuyện đã cho rằng cần phải xử lý nghiêm, toàn diện, kể cả cán bộ đương chức hay về hưu, mà có sai phạm ở Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết một số cán bộ do Ban Bí thư quản lý đã bị kiểm điểm trong đợt 1. Liên quan 66 cán bộ đang kiểm điểm và xem xét xử lý trong đợt 2, có đầy đủ cán bộ sở ngành và Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm qua các thời kỳ.
Chủ tịch thành phố cũng hứa với cử tri, sẽ có báo cáo với Ủy ban Kiểm tra trung ương về kết quả xử lý 66 cán bộ trong tháng 7 này.
Ngoài ra, ông Phong cũng cho biết TPHCM đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Trình HĐND chính sách bồi thường bổ sung, tiếp xúc với 334 hộ dân ở khu 4,39ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Cũng liên công tác xử lý cán bộ, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang vừa bắt tạm giam Chủ tịch Hội Nông dân và nữ kế toán, vì đã sử dụng các nguồn kinh phí sai mục đích ngân sách Nhà nước để chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cụ thể hôm 2/7, Dinh Mí Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lũng Táo và Vũ Thị Nguyệt nguyên Kế toán xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bị Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội tham ô tài sản từ ngân sách nhà nước với số tiền gần 800 triệu đồng, từ năm 2016 đến năm 2018.
Tương tự tại tỉnh Cà Mau, Ủy ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cái Nước đã kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Đặng Văn My, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước, vì để xảy ra sai phạm khi xây dựng chợ Trung tâm thị trấn Cái Nước.
Khi trình phê duyệt và tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại khu chợ Trung tâm thị trấn Cái Nước (giai đoạn 3), ông Đặng Văn My đã nâng giá cao hơn quy định, số tiền thu vượt trên 9,6 tỷ đồng, nhưng không lập biên lai theo quy định, không lập dự toán, kế toán, quyết toán thu – chi theo quy trình.
Hiện UBND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đã chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra.
Công ty Khánh Hội ở Bình Dương bị cháy
Một vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản Khánh Hội vào sáng ngày 2/7 và được dập tắt trong xế chiều cùng ngày. Nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy đang được điều tra.
Truyền thông quốc nội, vào ngày 2/7, tường thuật lại vụ việc rằng các công nhân của Công ty Khánh Hội trong lúc đang làm việc thì phát hiện lửa bốc lên từ một nhà xưởng tầm 10:30 giờ sáng và sau đó nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ kho sơn. Đám cháy lan nhanh bao trùm toàn bộ khu nhà xưởng và các công nhân chạy thoát ra ngoài.
Sau 3 giờ đồng xảy ra hỏa hoạn ở Công ty Khánh Hội, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã dập tắt đám cháy lúc 1:30 giờ chiều.
Thiệt hại ban đầu là 1000 m2 nhà xưởng bị đổ sập cùng nhiều máy móc bị thiêu rụi.
Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản Khánh Hội rộng 5000 m2, nằm trong khu dân cư tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Phía trên khu nhà xưởng của công ty này có đường dây điện cao thế giăng ngang.
Báo giới trong cùng ngày 2/7 cũng cho biết Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa hoàn thành báo cáo về vụ cháy kho hóa chất ở quận Long Biên hôm 30/6 và đã gửi trình Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 7:45 giờ, ngày 30/6, ở khu cảng Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Đám cháy khởi phát tại xưởng của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt và cháy lan sang khu vực xưởng của Công ty cổ phần 3B và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ hóa học. Đám cháy được dập tắt vào khoảng 10 giờ.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội, khu vực nhà kho chứa hóa chất và nhà xưởng sản xuất bị cháy, có diện tích khoảng 273m2 và hóa chất trong bồn bị rò rỉ ra ngoài. Cơ quan này chưa thể xác định chính xác được chủng loại và số lượng hóa chất đã bị rò rỉ ra bên ngoài môi trường, vì không có đại diện của Công ty Cường Việt.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy được nói là đã bơm bê tông vào khu vực chân bồn chứa hóa chất để ngăn chặn hóa chất rò rỉ.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu đo nồng độ hóa chất và công bố công khai kết quả đến người dân. Đồng thời, yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế nguy cơ phát tán hóa chất ra môi trường.
An Giang chi gần 7 tỷ đồng
xây cổng chào gây tranh cãi
Hoàng Kỳ
TP Long Xuyên trích ngân sách 6,8 tỷ đồng xây dựng cổng chào nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá hình ảnh với du khách. Tuy nhiên, cổng chào này đang vấp phải ý kiến trái chiều, nhất là kinh tế khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Cổng chào TP. Long Xuyên được đặt trên Quốc lộ 91 (thuộc địa bàn phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên) lấy ý tưởng mô hình ngôi Nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (qua thi tuyển phương án kiến trúc và tham vấn cộng đồng), rộng 22,8m, chia thành 2 làn xe chạy, mỗi làn 8m, chiều cao tĩnh không 5,7m, tổng chiều cao công trình 13m. Kết cấu khung thép chịu lực, kết hợp hệ thống chiếu sáng, bảng chữ điện tử, đèn Led trang trí, theo báo Tiền Phong.
Ngày 25/4 công trình đã chính thức khởi công xây dựng, gồm các hạng mục: xây dựng với kinh phí 4,6 tỷ đồng; nâng cao đường dây điện khu vực cổng chào, kinh phí 997 triệu đồng; còn lại chi phí dự phòng, tư vấn, thiết kế…. hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện.
UBND TP. Long Xuyên đánh giá hạng mục này có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, tạo điểm nhấn riêng biệt, tăng vẻ mỹ quan giúp quảng bá hình ảnh tỉnh An Giang cho du khách gần xa mỗi khi đến tham quan và làm việc ở tỉnh An Giang. Đặc biệt, công trình góp phần quan trọng trong việc nâng cấp đô thị loại I trong năm nay.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc xây cổng chào này gây lãng phí. “Tình hình dịch bệnh, kinh tế không tăng trưởng, ngân sách khó khăn mà bỏ ra khoản tiền như thế làm cổng chào là chưa cần thiết, không nên”, ông Nguyễn Minh Nhị, 74 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND An Giang, nói trên báo VnExpress.
Người dân, những người phải đóng thuế mới “thực sự xót của” khi thấy sự ra đời của chiếc cổng giá tiền tỷ mà chỉ làm đồ trang trí.
Tài khoản Ăn Việt nhận xét: “Cá nhân tôi thì thấy quá xấu. Nhìn rối mắt. Chọn tông màu thì nóng. Không có gì ấn tượng”.
Tài khoản Levu Giang Tran mô tả: “Giống song sắt nhà tù”.
Tài khoản My Thương Hùng viết: “Vài cọng sắt mà 7 tỷ bạc. Ăn dày quá”.
Quang Vinh Lê: “Cổng chào là dễ gặm nhất, không có đơn giá, nên áp dụng đơn giản, với nhiều tình huống nên bỏ túi đậm luôn”.
Binh Rocky: “Đề nghị liệt kê chi tiết chi phí: Sắt thép, Nhân công, Vật tư”.
Nguyễn Tuấn Hưng: “Trường học và bệnh viện thì nhom nhem nhếch nhác, dân thì nghèo ở nhà xập xệ, lại đi làm cái cổng phơi mưa phơi nắng, giông bão lại đổ chết người như một số vụ. Thật không biết nói gì luôn. Thế này là quá lãng phí”.
https://www.dkn.tv/thoi-su/an-giang-chi-gan-7-ty-dong-xay-cong-chao-gay-tranh-cai.html
Bộ Quốc phòng đề xuất
siết chặt quản lý thiết bị flycam vì lo sợ khủng bố
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng cần kiểm soát chặt việc sử dụng flycam vì lo ngại thiết bị này có thể dùng để làm công cụ khủng bố, phá hoại, xâm phạm vùng cấm.
Với lo ngại đó, Bộ Quốc phòng vừa trình Chính phủ Hà Nội dự thảo xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 36/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Truyền thông quốc nội loan tin này vào ngày 2 tháng 7 đồng thời cho biết theo dự thảo, hầu hết các phương tiện bay siêu nhẹ đều phải đăng ký lưu hành.
Cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay là Cục Tác chiến, các Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
Các phương tiện này chỉ được cất cánh khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và đáp ứng các điều kiện nêu trong giấy phép bay.
Giải thích về đề xuất này, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng thời gian gần đây tình hình hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ có diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động mang tính tự phát. Do đó, Bộ lo ngại có khả năng các phương tiện bay không người lái này bị lợi dụng để làm công cụ khủng bố, phá hoại.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đưa ra một số hoài nghi khi cho rằng trong thực tế đã có tình huống máy bay dân dụng đụng với vật thể lạ, nghi là phương tiện bay không người lái, đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng không.
Sáu chủng virus corona
được tìm thấy trên động vật hoang dã ở VN
Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu cho thấy có 6 chủng virus corona được phát hiện trên động vật hoang dã tại Việt Nam.
Sáu loại virus này được phát hiện trên dơi và các loài gậm nhấm tại 70 địa bàn khác nhau tại Việt Nam, nơi nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập mẫu công phu trong vòng 5 năm, từ 2009 – 2014.
Hơn một nửa số động vật hoang dã nuôi trong các trang trại ở Việt Nam được phát hiện dương tính với các chủng virus corona (60,7%), đặc biệt ở nhím và chuột tre.
Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đang làm việc cho tổ chức WCS tiến hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tổ chức EcoHealth Alliance của Mỹ, cùng một số tổ chức khác, công bố trên BioRxiv.
Virus corona: Bao giờ VN cấm hẳn tiêu thụ động vật hoang dã?
Virus corona: Mối nguy từ tiêu thụ tê tê?
Nghiên cứu ra đời trong bối cảnh các tiếp xúc giữa con người với động vật hoang dã, như dơi, nhiều khả năng đã khiến một chủng virus corona được cho là có nguồn gốc từ các chợ động vật hoang dã tại Trung Quốc, lây lan rộng, dẫn đến đại dịch SARS-CoV-2.
Trong khi dơi được cho là vật chủ của mọi chủng virus corona, chuỗi cung ứng động vật hoang dã tương sống nói chung bị nghi ngờ là đã đóng góp các điều kiện cần để các virus này xuất hiện, lây lan và khuyếch tán ở người.
Để hiểu rõ hơn về sự tồn tại, mức độ đa dạng của virus corona ở động vật hoang dã và nguy cơ lây lan từ động vật sang người, các nhà khoa học đã lấy mẫu từ chuột đồng, từ các loại gặm nhấm được gây nuôi tại các trang trại, và từ dơi nuôi hoặc dơi tự nhiên sống gần người tại các khu vực có nguy cơ cao tại Việt Nam.
Việt Nam có khoảng hơn 6.000 trang trại gây nuôi động vật hoang dã ở 12 tỉnh thành niềm Nam, thời điểm năm 2014, với khoảng hơn 1 triệu loài từ động vật gặm nhấm, linh trưởng, cầy hương, lợn rừng, rắn chuột, hươu, cá sấu, chủ yếu bán cho các nhà hàng trong và ngoài nước để làm thức ăn cho người.
Các trang trại này tại Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng động vật hoang dã thương mại quốc tế, được cho là góp phần gây ra các đại dịch toàn cầu, trong đó có SARS và Covid-19.
‘Đặc sản’ chuột đồng, dơi dương tính với virus corona
Theo nghiên cứu, mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 3.300-3.600 tấn chuột đồng, vào thời điểm đầu những năm 2000. Thị trường chuột đồng lúc đó trị giá khoảng 2 triệu đôla Mỹ mỗi năm.
Nhưng ‘đặc sản’ này có tỷ lệ nhiễm viurs corona khá cao, Hơn một nửa số chuột đồng bán tại các nhà hàng xét nghiệm dương tính với virus corona (56%), trong khi con số này là 32% ở chợ và 21% ở thương lái.
Người Việt Nam và Campuchia sống dọc khu vực sông Mekong cho hay họ ăn thịt chuột ít nhất tuần một lần, vì ‘rất ngon’, ‘giá rẻ’.
Ở các vùng như Đồng Tháp, Sóc Trăng, nông dân cũng làm nhiều lưới nuôi dơi ngay sau vườn nhà, bên dưới nuôi gà, vịt, heo, bò, hoặc là sân chơi trẻ em, mà không có phương tiện bảo vệ nào.
Trong khi đó, dơi tại Việt Nam, Campuchia và Nepal đã được chứng minh là vật chủ mang PREDICT_CoV-17 và PREDICT_CoV-35. Cùng một loại virus corona được tìm thấy ở nhiều loài dơi làm dấy lên câu hỏi có phải chúng đã lây lan qua nhau trong quá trình chung sống.
Ngoài ra, trong phân các loài gặm nhấm được bán thương mại có virus corona tìm thấy trong dơi và gia cầm. Điều này cho thấy việc gây nuôi các loài hoang dã trong một môi trường tạo điều kiện để virus phối kết hợp, và rất có thể lây lan sang con người.
Bà Amanda Fine, Giám đốc Chương trình Sức khỏe động vật hoang dã châu Á của tổ chức WCS, đồng tác giả của nghiên cứu, được trích lời trên báo Nhân Dân, cho hay: “Các chuỗi cung ứng động vật hoang dã và điều kiện sống mà động vật hoang dã trải qua trong chuỗi cung ứng này có vẻ làm gia tăng đáng kể mức độ xuất hiện của virus corona. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ghi nhận được sự phơi nhiễm virus corona từ dơi và chim trong các loài gặm nhấm được nuôi tại các trang trại”.
“Sự thịnh hành và mức độ đa dạng của virus corona cùng với việc nuôi nhốt chung nhiều loài động vật như chúng tôi thấy trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã đang tạo ra cơ hội cho các chủng virus corona kết hợp và lan rộng”, bà Amanda Fine nói.
Khả năng lây lan virus từ động vật sang người
Các tác giả của nghiên cứu cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát lây lan virus từ động vật sang người trong quá trình buôn bán động vật hoang dã.
Theo kết quả nghiên cứu, khi bị nuôi nhốt trong điều kiện chật chội cùng các loài động vật khác du nhập từ nhiều nguồn, động vật hoang dã thường bị căng thẳng.
Bên cạnh đó, tình trạng dinh dưỡng kém góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch của các loài vật, dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán virus corona trong chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, nghiên cứu trên các loài gặm nhấm chỉ ra nguy cơ lây lan virus corona từ loài này tới các loài khác như giữa cầy và tê tê ở những nơi có số lượng lớn động vật bị thu gom, vận chuyển và nuôi nhốt.
Đặc biệt, các tác giả nhấn mạnh nguy cơ của việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona từ động vật sang người.
Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã góp phần khiến con người tiếp xúc gần hơn với nhiều loài vật mang virus corona, do đó làm tăng khả năng nhiễm và phán tán virus corona.
Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền virus trong cùng loài và giữa các loài với nhau, và làm tăng khả năng kết hợp của các chủng virus corona với nhau.
Chuỗi cung ứng động vật hoang dã từ trang trại tới nhà hàng tạo ra vô số cơ hội dẫn tới bùng phát dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 hiện nay, cùng với ít nhất 61% các bệnh ở người, có nguồn gốc từ động vật. Những dịch bệnh tương tự gần đây như SARS, MERS và Ebola cũng bắt nguồn từ các loại virus có ở động vật và lây truyền sang người.
Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị một số biện pháp phòng ngừa cụ thể như hạn chế hoạt động giết mổ, gây nuôi thương mại, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ động vật hoang dã.
Việt Nam đang làm tới đâu?
BBC News Tiếng Việt mới đây gọi điện tới số điện thoại của một Youtuber sống tại một tỉnh miền múi phía bắc Việt Nam – người chuyên quay và đăng các video về các món ăn vùng cao, đặc biệt là các chuyến săn động vật hoang dã như dơi, dúi… làm thức ăn – lên YouTube.
Bùi Đình Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) nói với BBC rằng kể từ hai tháng trước anh đã ngừng hoàn toàn việc săn bắn và cũng ngừng đăng các video liên quan đến hoạt động này.
“Chính phủ hiện giờ cấm rồi. Đã có hai Youtuber bị phạt vì đưa hình ảnh săn bắn và ăn động vật hoang dã lên mạng. Tuy dơi không có trong sách đỏ, không phải loài quý hiếm nhưng hiện giờ vẫn bị cấm vì dịch Covid-19,” Nam cho hay.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam, đồng tác giả nghiên cứu nói trên, thì cho tờ Nhân Dân hay rằng kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo “rất quyết liệt để thực thi các quy định việc buôn bán động vật hoang dã”. Trong đó có công văn của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/3/2020 “chỉ đạo xem xét việc cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”.
Đại diện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thời điểm đó từng đánh giá cao ‘bước tiến lớn’ của chính phủ Việt Nam, và rằng đây phải là “hành động khẩn cấp” và họ sẵn sàng làm việc với chính phủ Việt Nam để thực thi Chỉ thị như vậy.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào tháng 4/2020, bà Hoàng Minh Hồng, học giả Quỹ Obama và hiện đang điều hành tổ chức phi chính phủ CHANGE, cho hay Việt Nam “đang soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ”.
Thế nhưng từ đó tới nay vẫn chưa thấy tăm hơi một chỉ thị như vậy đâu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53230920
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
chỉ mới giải ngân được gần 30%
Tổng kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19 hiện chỉ mới đạt 17.500 tỷ đồng, tương đương gần 30% gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ Hà Nội.
Báo trong nước dẫn báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội loan tin ngày 2/7.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được nhà nước Việt Nam ban hành theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-CP của Chính phủ, nhằm giúp đỡ các đối tượng bị mất nhiều thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo báo cáo, công tác hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành. Trong khi đó, việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế.
Cụ thể, số người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp là 15.909 người, chỉ đạt 1,59% so với dự kiến ban đầu là 1 triệu người.
Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, số lượng hộ kinh doanh do Ủy ban Nhân dân cấp xã gửi Chi cục Thuế đề nghị thẩm định là gần 31.000 hộ, trong khi dự kiến ban đầu là 760.000 hộ.
Ngoài ra, tới thời điểm này chưa có hồ sơ nào của người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong khi dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 3 triệu lao động.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra nguyên nhân cho rằng chính sách được nghiên cứu lúc dịch bệnh diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên đưa ra con số dự báo những đối tượng bị ảnh hưởng khá cao.
Trong thực tế, dịch bệnh sớm được kiểm soát đã tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.
Bên cạnh đó, số đông người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, hợp tác xã, tổ chức lại không thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15/2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP diễn ra ngày 2/7 đã phát biểu cho rằng các giải pháp hỗ trợ chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của doanh nghiệp và cũng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều yêu cầu không khả thi.
Trong cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khi báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cũng cho hay sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng đột biến do không có việc làm, đời sống khó khăn… Hiện công an cả nước đang tập trung vào nhóm tội phạm này.
Nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn bỏ ra 2.3 tỷ đồng
để thưởng cho thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm
Tin Saigon.- Trong khi nhiều gia đình dân oan ở Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn vẫn chưa có nhà ở, sống trong những căn phòng ẩm thấp có thể đổ sụp bất cứ lúc nào thì nhà cầm quyền Cộng sản tại thành phố vừa thông báo sẽ bỏ ra 2.3 tỷ đồng để treo giải thưởng thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhà và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông báo này được báo Tuổi trẻ loan tin vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, và sẽ được tổ chức theo hình thức thi tuyển quốc tế. Cơ cấu giải thưởng gồm 4 giải, giải nhất là 1.2 tỷ đồng; giải nhì là 700 triệu đồng; giải ba là 300 triệu đồng và giải khuyến khích là 100 triệu đồng.
Đây là nội dung trong tờ trình mà sở Quy hoạch- kiến trúc Cộng sản thành phố gửi sang Uỷ ban thành phố. Sở Quy hoạch- kiến trúc dự trù có khoảng 10 đơn vị cố vấn thiết kế ngoại quốc đủ năng lực được mời giam gia cuộc thi thiết kế cho dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch có vốn đầu tư hơn 1,500 tỷ đồng tại khu đô thị mới Thủ thiêm, được nhà cầm quyền thành phố thông qua vào tháng 10 năm 2018.
Như vậy, cùng với một số công trình khác đã xây dựng ở Thủ Thiêm, thì dự án nhà hát này đã góp phần vào các công trình xây trên cuộc sống, sự thống khổ của hàng chục ngàn dân oan ở Thủ Thiêm mà dư luận Việt Nam gọi là “hát trên những xác người”. Và cho đến nay, những oan khuất ở Thủ Thiêm chưa được nhà cầm quyền giải quyết nhưng họ vẫn bất chấp để xây dựng nhà hát trên những mảnh đất đã cướp được của dân đen.
An Nhiên
Hỏi ý dân việc tặng huân chương
cho ông Nguyễn Đức Chung về chống COVID-19?
Diễm Thi, RFA
Trong danh sách những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc chống dịch COVID-19 được Hội đồng Thi đua – khen thưởng Hà Nội công bố lấy ý kiến nhân dân trước khi tặng thưởng huân chương, có Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung. Cá nhân ông Nguyễn Đức Chung được xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất trong vai trò trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thủ đô.
Việc xét tặng huân chương lần này lại được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong 7 ngày trước khi đề nghị tặng thưởng. Tuy vậy, trong thực tế lâu nay, đảng và chính quyền Việt Nam từng tự ý quyết định nhiều việc hệ trọng ảnh hưởng đến người dân và cả đất nước gây hậu quả nặng nề. Đơn cử như dự án bauxite Tây Nguyên mà khi đưa ra được giới nhân sĩ trí thức góp ý, gửi thư cho đảng và chính phủ nhưng bị phớt lờ.
Dự án này được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua từ năm 2001. Đến đầu tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Nhiều nhà khoa học, nhân sĩ trí thức gửi kiến nghị để nghiên cứu, xem xét việc khai thác bauxite Tây Nguyên một cách toàn diện. Cụ thể, ngày 5 tháng 1 năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư tới Thủ tướng Dũng đề nghị dừng triển khai dự án khai thác bauxite này, nhưng tại cuộc họp báo đầu năm diễn ra vào ngày 4 tháng 2 năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là ‘chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước’ cho dù dự án này gặp phản đối từ nhiều phía.
Cái chuyện này nó rất là khôi hài bởi vì bao nhiêu chuyện quan trọng họ có hỏi ý kiến dân đâu, tự nhiên chuyện này lại đi hỏi. – Giáo sư Mạc Văn Trang
Một dự án nữa ở Hà Nội ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân mà người dân không hề đươc hỏi ý kiến, là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ngoài chuyện đội vốn lên gần gấp đôi, công trình bị chậm tiến độ kéo dài quá lâu khiến người dân mất niềm tin. Bên cạnh đó là mảng cây xanh bị chặt với lý do phát triển đường sắt trên cao này khiến thành phố thêm nóng bức khi mùa hè đến.
Nghệ sĩ Kim Chi, người từng từ chối làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng khen thưởng vì không muốn trong nhà có chữ ký của một người mà bà cho là ‘kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân’, bật cười khi nghe tin Hà Nội trưng cầu dân ý về việc tưởng thưởng cho chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Theo bà, tất cả những hành động đó đều giả dối, bởi nếu cơ quan chức năng một lòng nghe nhân dân thì không thể có những vụ việc như án tử hình cho Hồ Duy Hải, cuộc tấn công giết cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm và nhiều vụ khác… Nghệ sĩ Kim Chi cho rằng, huân chương chỉ là thứ phù du, không quan trọng.
Còn với Giáo sư Mạc Văn Trang, ông gọi việc Hà Nội lấy ý kiến dân trong việc tặng huân chương cho Chủ tịch thành phố này là ‘chuyện khôi hài’. Ông giải thích:
“Cái chuyện này nó rất là khôi hài bởi vì bao nhiêu chuyện quan trọng họ có hỏi ý kiến dân đâu, tự nhiên chuyện này lại đi hỏi. Ví dụ 3 anh công an chết ở Đồng Tâm, vừa chết hôm trước hôm sau đã được tặng huân chương chiến công, có hỏi dân đâu? Cứ tự tặng huân chương rồi phong danh hiệu cho nhau có bao giờ mà hỏi dân? Chuyện môi trường, chặt bao nhiêu cây, làm đường sắt trên cao cũng chẳng hỏi ý dân.”
Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, việc chống dịch là của toàn dân nhưng người đứng đầu mà có thành tích xuất sắc thì tặng huân chương cũng được, cũng không sao nhưng đừng hỏi ý dân. Các vị trong ủy ban phòng chống COVID-19 cứ việc tự họp với nhau, tự chọn ra người để tặng thưởng cho nhau.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020, ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên công an thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm trước đó một ngày. Lý do để trao huân chương được nói là ba người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Lúc bấy giờ, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng đây có lẽ là điều chưa từng có trong lịch sử phong tặng các danh hiệu cao quý, nhất là huân chương chiến công hạng nhất trong lực lượng vũ trang
quân đội nhân dân Việt Nam cũng như lực lượng công an. Ông giải thích rằng, quy trình phong tặng huân/huy chương thì phải từ dưới lên. Nghĩa là phải có hội đồng thi đua khen thưởng báo cáo thành tích rồi các cấp xét duyệt. Đằng này mới chết hôm 9 tháng 1 thì ngày 10 tháng 1, Tổng bí thư – Chủ tịch nước đã ký ngay quyết định phong tặng huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an.
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, việc lấy ý kiến nhân dân về tặng huân chương chống COVID-19 cho Chủ tịch Hà Nội là trò dối trá. Ông cho rằng nói là lấy ý kiến dân nhưng thực tế chỉ là ý kiến của những người trong ủy ban mặt trận tổ quốc, ý kiến các đoàn thể hay một vài đại diện cử tri được chọn.
Tôi muốn bảo với anh Nguyễn Đức Chung rằng, chẳng thà anh ta làm cho tử tế rồi để lại tiếng tốt trong lòng dân. Nó bằng vạn cái huân chương chứ còn cái huân chương của cộng sản này nó như ‘lá mít’ ấy mà. – Ông Nguyễn Khắc Mai
Ông Nguyễn Khắc Mai nói ông không tin và dẫn chứng ngay cả việc họp quốc hội, gặp gỡ cử tri cũng chỉ là ‘dối trá’ thì không có chuyện gì là thành thật cả. Ông cho biết đã mất lòng tin từ lâu và nói tiếp :
“Nó bày trò ra để tự khen mình nhưng trớ trêu là đám cán bộ hiện nay ‘nói như rồng leo, ăn như rồng cuốn, làm như mèo mửa’. Ăn hết của dân mà cứ đòi nhận huân chương. Cái nghịch lý là ở chỗ ấy. Cứ để chúng nó trao huân chương lẫn nhau. Cái trò ấy chỉ càng làm rõ cái sự thật là sự dối trá thôi. Tặng huân chương là cái trò cũ rích lâu nay rồi, không đáng kể. Nó muốn cho ai huân chương mà chả được.
Tôi muốn bảo với anh Nguyễn Đức Chung rằng, chẳng thà anh ta làm cho tử tế rồi để lại tiếng tốt trong lòng dân. Nó bằng vạn cái huân chương chứ còn cái huân chương của cộng sản này nó như ‘lá mít’ ấy mà.”
Theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP, Huân chương Lao động hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục lập được thành tích xuất sắc trong thời gian đó có 04 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận.
Ngoài ra, cá nhân đó phải lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực hoặc thế giới…
Việt Nam trao công hàm
phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa
Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm cho phía Trung Quốc phản đối cuộc tập trận tại Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh không lặp lại hoạt động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền này đối với vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, cho báo giới biết như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ hằng tuần ở Hà Nội vào ngày 2 tháng 7.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việc Trung Quốc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.”
Phát biểu vừa nêu của Bà Lê thị Thu Hằng được đưa ra sau khi Cục Hải sự tỉnh Hải Nam vào ngày 29 tháng 6 ra thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 cho đến ngày 5 tháng 7 và yêu cầu tất cả các tàu thuyền tránh khỏi khu vực tập trận.
BenarNews trích phát biểu của chuyên gia Hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson ở Washington rằng có vẻ Hải quân Trung Quốc tập trận liên quan đến an ninh hoặc chiếm giữ đảo ở Biển Đông. Mục đích nhằm chứng minh cho các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi đảo.
Chuyên gia Bryan Clark sau khi nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, phát biểu rằng “Cuộc tập trận không phải mô phỏng một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự khác mà dùng quân đội ra tay như cảnh sát để trấn án tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng.”
Hình ảnh vệ tinh mà BenarNews đưa ra cho thấy một bãi đáp trực thăng Type 071 dùng cho chiến tranh đổ bộ tại cảng Phú Lâm và 3 tàu nhỏ quét mìn.
Trong khu vực tập trận còn xuất hiện một số tàu tuần duyên.
Gần đây, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương 4 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Về hoạt động này, bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải c ó sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp với Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Điểm tin trong nước sáng 2/7: Hóa chất
trong vụ cháy kho hàng ở Long Biên rất độc hại
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (2/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Loại hóa chất trong vụ cháy kho hàng ở Long Biên rất độc hại
Liên quan đến vụ hỏa hoạn tại kho hóa chất ở gần cầu Đông Trù, quận Long Biên xảy ra sáng 30/6, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết bước đầu cơ sở kinh doanh khai báo toàn bộ là cồn methanol và đang lấy mẫu phân tích.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho biết methanol (CH4O) là một hợp chất bay hơi rất nhanh trong không khí, không màu có mùi đặc trưng.
“Đây là chất độc đặc biệt với mắt và hệ thần kinh, khi hít hoặc uống phải một lượng methanol lớn vào cơ thể có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong, tiếp xúc trực tiếp có thể gây mù mắt”, ông Côn nói.
Ca nghi mắc Covid-19 người Indonesia âm tính với nCoV
Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM cho thấy người đàn ông quốc tịch Indonesia nghi nhiễm âm tính nCoV.
Viện Pasteur TP. HCM đêm 1/7 đã xét nghiệm mẫu theo hai phương pháp xét nghiệm kháng nguyên (Realtime – PCR) và xét nghiệm kháng thể (Elisa). Kết quả của hai phương pháp này mang giá trị khẳng định, báo VnExpress dẫn tin từ Bộ Y tế sáng nay cho hay.
Người này nhập cảnh ngày 11/3 qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lưu trú tại tầng 2, khách sạn Âu Lạc, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương.
Trong quá trình ở Việt Nam từ ngày 11/3 đến nay, tổng cộng có 145 người đã từng tiếp xúc với anh này. Hiện tất cả người nghi nhiễm lẫn người tiếp xúc âm tính với nCoV.
TP.HCM: Nước cống trào ngược từ trong nhà gây ngập
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 1/7, một đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị ngập do nước từ cống trào ngược lên. Gần 200m đường này bị ngập từ 10h sáng cùng ngày.
Nhiều nhà dân bất ngờ bị nước cống trào ngược từ phía trong nhà ngập lênh láng, làm hư hỏng đồ đạc. Người dân cho biết trước nay chưa từng bị ngập nặng như vậy.
Ông Phạm Hữu Dương (ngụ phường 25, Bình Thạnh) cho biết tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên lần này không mưa nhưng vẫn ngập bất thường.
Điểm tin trong nước tối 2/7: Việt Nam phản đối
Trung Quốc tập trận trái phép ở Hoàng Sa
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (2/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau :
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận trái phép ở Hoàng Sa
Về việc Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông từ 30/6-5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
“Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại các hành vi tương tự trong tương lai”, bà Hằng phát biểu tại cuộc họp báo chiều 2/7.
Ý đồ của Trung Quốc khi tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu tập trận hải quân ở Biển Đông từ hôm thứ Tư (1/7), trong đó có các bài tập chiếm đảo với sự kết hợp của lực lượng cảnh sát biển và hải quân, theo Benar News.
Trang tin này trích lời ông Bryan Clark, một chuyên gia hàng hải cấp cao tại Viện Hudson, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: “Có vẻ họ đang diễn tập các bài tập chiếm đảo hoặc bảo vệ an ninh đảo, đó có thể là một cách chứng tỏ với các quốc gia Đông Nam Á khác rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi các hòn đảo của họ”.
Hôm 20/6, Trung Quốc đã có động thái sửa luật nhằm cho phép lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) tham gia diễn tập thời chiến với quân đội, nhằm củng củng cố năng lực hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sự hiện diện thường trực của các tàu hải cảnh và dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông tạo điều kiện cho họ tăng cường yêu sách hàng hải trong khu vực, theo nhận định của ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu và là thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS).
“Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà”, Benar News trích lời ông Poling phát biểu trong phiên điều trần với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Sáu chủng virus corona được tìm thấy trên động vật hoang dã ở VN
Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu cho thấy có 6 chủng virus corona được phát hiện trên động vật hoang dã tại Việt Nam.
Sáu loại virus này được phát hiện trên dơi và các loài gặm nhấm tại 70 địa bàn khác nhau tại Việt Nam, nơi nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập mẫu công phu trong vòng 5 năm, từ 2009 – 2014.
Việt Nam có khoảng hơn 6.000 trang trại gây nuôi động vật hoang dã ở 12 tỉnh thành miền Nam, tại thời điểm năm 2014, với khoảng hơn 1 triệu loài từ động vật gặm nhấm, linh trưởng, cầy hương, lợn rừng, rắn chuột, hươu, cá sấu, chủ yếu bán cho các nhà hàng trong và ngoài nước để làm thức ăn cho người.
Hơn một nửa số động vật hoang dã nuôi trong các trang trại ở Việt Nam được phát hiện dương tính với các chủng virus corona (60,7%), đặc biệt ở nhím và chuột tre.
Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đang làm việc cho tổ chức WCS tiến hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tổ chức EcoHealth Alliance của Mỹ, cùng một số tổ chức khác, công bố trên BioRxiv.
Sập tường ở Yên Bái, 4 công nhân thương vong
Trưa 2/7, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Quyền, Chủ tịch xã Văn Phú (TP. Yên Bái, Yên Bái) cho biết, 21h tối 1/7, tại nhà máy giấy đế Yên Bình, nằm trong khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái (nằm trên địa bàn xã Văn Phú, TP. Yên Bái) vừa xảy ra vụ tai nạn lao động làm 1 người chết, 3 người bị thương.
Bước đầu, nguyên nhân được nhận định do nền đất yếu khiến bức tường nằm sát khu vực mương đào để lắp ống thoát nước đổ sập, đè vào nhóm công nhân. Hiện, Công an TP. Yên Bái đang làm rõ nguyên nhân.
Thủ tướng yêu cầu giảm giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu
Ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xem xét, sớm giảm giá nhiều mặt hàng.
Cụ thể, với mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng nhất trí với các biện pháp Bộ NN-PTNT đưa ra, gồm: tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp.
Về mặt hàng nước sạch đã có yêu cầu giảm giá và giao Bộ Tài chính kiểm tra. Với giá dịch vụ viễn thông, cần tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.
Đối với giá dịch vụ hàng không, logistics, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.