Tin Việt Nam – 02/05/2018
Quanh việc Hàn Quốc bổ nhiệm đại sứ mới tại VN
Việc Hàn Quốc bổ nhiệm nguyên lãnh đạo Samsung làm đại sứ mới tại Việt Nam vấp phải phản đối từ các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động.
Ông Kim Do-hyun, một cựu giám đốc tập đoàn điện tử Samsung, được Hàn Quốc bổ nhiệm làm tân đại sứ tại Việt Nam từ ngày 29/4.
Ông Kim từng làm việc tại các tòa đại sứ của Hàn Quốc ở Iraq, Nga, Ukraine và Croatia trước khi đảm nhận vị trí đứng đầu bộ phận hợp tác toàn cầu của Samsung vào năm 2013.
LHQ: ‘Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa’
Samsung VN bác bỏ cáo buộc về lao động nữ
Kể từ tháng 11/2017, ông Kim chuyển sang phụ trách mảng kinh doanh điện thoại di động với chức giám đốc phụ trách bán hàng điện thoại di động thị trường ngoài nước.
‘Được bên ngoài tiến cử’
Truyền thông Hàn Quốc có một số thông tin và bình luận về việc bổ nhiệm này.
Tờ Kyunghyang trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc rằng “ông Kim Do-hyun được bổ nhiệm từ bên ngoài” bộ.
Tờ Financial News trích lời tân đại sứ tại Việt Nam, ông Kim, viết rằng: “Đại sứ cần phụng sự từ quan điểm của tổ chức.”
Tờ báo viết rằng “có lẽ trong một nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ cáo buộc xung đột lợi ích, ông Kim cũng đã nói, ‘Vì Samsung đang hoạt động rất tốt và đã chiếm hơn 25% xuất khẩu của Việt Nam, công ty này sẽ không cần giúp đỡ’.”
Woongbee Lee, biên tập viên của BBC Tiếng Hàn từ Seoul bình luận rằng việc bổ nhiệm như vậy ở Hàn Quốc là “không phổ biến”.
“Ông Kim Do-hyun trẻ hơn nhiều so với đại sứ trước đây, người từng giữ vị trí trợ lý bộ trưởng,” Woongbee Lee nói. “Ngoài ra một số người đang hoài nghi vấn đề ông này trước đó từng làm việc cho Samsung, liên quan đến [vi phạm] nhân quyền của tại Việt Nam.”
Chuyện bổ nhiệm này cũng được truyền thông quốc tế quan tâm.
Financial Times hôm 30/4 có bài viết theo đó nói rằng Hàn Quốc bị chỉ trích vì việc bổ nhiệm này do Samsung bị cáo buộc vi phạm quyền lợi người lao động, đặc biệt là lao động nữ, và điều kiện làm việc của hai nhà máy hãng đặt tại miền bắc Việt Nam.
“Quyết định bổ nhiệm không phù hợp này có thể gây xung đột lợi ích,” Financial Times dẫn lời một hiệp hội các nhóm dân sự nói. “Nên hủy bỏ quyết định bổ nhiệm này vì nhiều mối quan ngại về điều kiện làm việc tại các nhà máy của Việt Nam của Samsung.”
‘Nhân quyền’ và ‘Xung đột lợi ích’
Từ Seoul, Tiến sỹ Joseph DiGangi, cố vấn khoa học và kỹ thuật của IPEN, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Thụy Điển với mạng lưới hoạt động khắp thế giới, nói với BBC ngày 2/5/2018 rằng “cần rút lại bổ nhiệm này” do có “xung đột rõ ràng về lợi ích”.
“Việc bổ nhiệm một nguyên giám đốc điều hành Samsung làm đại sứ tại Việt Nam, nơi một nửa số điện thoại thông minh của công ty được làm ra, là xung đột rõ ràng về lợi ích và cần được rút lại,” Tiến sỹ DiGianggi nói.
“Việc bổ nhiệm này làm suy giảm hình ảnh của Hàn Quốc vào đúng thời điểm họ đang cần giải quyết cấp bách ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình như Samsung.”
“Công ty bị sa lầy trong vụ bê bối tại Hàn Quốc, và sẽ là tôn trọng hơn đối với Việt Nam khi [Hàn Quốc] chọn một đại sứ thật sự độc lập.”
Samsung xác nhận lỗi pin gây sự cố Note 7
Samsung điện tử công bố lợi nhuận kỉ lục
Một số nhóm xã hội dân sự phản đối việc ông Kim trở thành đại sứ bởi “Ông ấy có thể ưu tiên lợi ích của một công ty tư nhân đối với [lợi ích quốc gia]”, Financial Times trích thuật, và nói rằng họ thấy chính quyền Seoul hiện nay “không tập trung vào các vụ lạm dụng nhân quyền của các công ty Hàn Quốc ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bác bỏ những lời chỉ trích. “Ông ấy đã làm việc cả trong khu vực công và tư và Bộ Ngoại giao bổ nhiệm ông làm đại sứ tại Việt Nam dựa trên chuyên môn của ông. Chúng tôi tin rằng ông ấy sẽ đảm trách tốt vai trò mới của mình.”
Financial Times nói Samsung từ chối bình luận về việc bổ nhiệm ông Kim.
Hôm 30/4, IPEN phối hợp với một số tổ chức khác trên thế giới phát đi thông cáocho hay các hoạt động biểu tình hưởng ứng “Ngày hành động toàn cầu chống lại Samsung” diễn ra tại châu Á, châu Âu và Mỹ., nhằm phản đối việc Samsung vi phạm nhân quyền, lao động và sức khỏe.
Một trong các hoạt động của nhóm biểu tình là đưa ra các bản kiến nghị với hơn 200.000 chữ ký kêu gọi Samsung bảo vệ quyền lợi của hàng trăm ngàn người lao động trên toàn thế giới.
Hoạt động của Samsung tại Việt Nam
Liên quan tới hoạt động của Samsung tại Việt Nam, một báo cáo do IPEN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) Việt Nam thực hiện được công bố tháng 11/2017, theo đó nói nữ công nhân của Samsung phải làm việc từ 8 đến 12 giờ/ngày và gặp phải các vấn đề sức khỏe.
Samsung phủ nhận những cáo buộc được đưa ra trong báo cáo, theo truyền thông Việt Nam.
Hồi tháng Ba, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc ra thông cáo bày tỏ lo ngại về việc Samsung gây cản trở và đe dọa công nhân và các nhà nghiên cứu, những người thực hiện báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền và điều kiện làm việc của lao động nữ tại các nhà máy của họ tại Việt Nam.
Cũng trong tháng Ba, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) Sharan Burrow đã nhấn mạnh những rủi ro đối với quyền con người và lao động trong các nhà máy của Samsung.
Bà Sharan Burrow kêu gọi ông Moon tham gia vào vấn đề quản lý Samsung ở Hàn Quốc và Việt Nam nhằm giải quyết các bất bình và đảm bảo thực hiện quyền con người qua việc thẩm định các công ty con và nhà cung cấp của Samsung.
“Hồ sơ vi phạm nhân quyền và lao động của Samsung đã được phơi bày ở hầu hết mọi quốc gia nơi họ hoạt động. Từ việc che giấu tên hóa chất công nghiệp gây ra cái chết và bệnh tật của người lao động vì lợi ích của ‘bí mật thương mại’, với chính sách không công đoàn trong ngành công nghiệp điện tử châu Á, Samsung dựa vào một mô hình kinh doanh đã đánh mất định hướng đạo đức,” bà Sharan Burrow nói.
Samsung hôm 21/3 nói với BBC rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và chuyên gia Liên Hiệp Quốc để làm rõ vụ việc.
Tập đoàn Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Công ty đóng góp đáng kể cho ngân sách Việt Nam và tạo nhiều việc làm cho người lao động trong nước.
Hãng sử dụng khoảng hơn 100 ngàn lao động tại các nhà máy ở Việt Nam.
Khoảng một nửa số điện thoại thông minh của Samsung trên thị trường thế giới là được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, trong đó có loạt sản phẩm ăn khách nhất, Galaxy.
Trong năm 2016, Samsung xuất khẩu 39,9 tỷ đô la, chiếm 22,7% tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Các trang chuyên ngành hồi cuối 2017 cho hay không chỉ đã đầu tư 17 tỷ USD vào các khu công nghiệp cao ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, Samsung còn có kế hoạch bước vào các lĩnh vực khác ở Việt Nam, gồm cả dịch vụ chi trả điện tử như Samsung Pay.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43971546
TBT Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ hài lòng’ với Hội nghị TW 7?
Dư luận đang đồn đoán về các thay đổi nhân sự có thể xảy ra ở Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra trong tháng 5.
Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?
Quanh suy đoán Chủ tịch Quang ‘sẽ được thay thế’
Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
Một số cây bút, viết trên báo tuần này, cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh chính trị tại Hội nghị.
Viết trên The Diplomat hôm 1/5, cây bút David Hutt dự đoán có thể ba gương mặt mới sẽ được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị.
Bầu thêm vào Bộ Chính trị?
Suy đoán này dựa vào một bài trước đó hôm 26/4 của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Sở dĩ có con số 3 người, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, là do vấn đề sức khỏe đã được Đảng xác nhận đối với ông Đinh Thế Huynh, việc xử tù ông Đinh La Thăng, và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Do đó, Tiến sĩ Hiệp cho rằng “ít nhất ba thành viên mới có thể được bổ sung vào Bộ Chính trị”.
Tiến sĩ Hiệp đặt giả thiết ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể sẽ được chọn thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích: “Một vấn đề quan trọng khác sẽ được quyết định là việc tìm người thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều khả năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này.”
“Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn Thưởng, từng là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng Ban Tuyên Giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư TP Hồ Chí Minh.”
“Nếu vậy, điều này sẽ mở ra cơ hội cho ông Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp quản vị trí Trưởng ban Tuyên giáo mà ông Thưởng để lại.”
Tiếp nối đánh giá này, cây bút David Hutt bình luận ông Nguyễn Thiện Nhân có thể được xem là “ủy viên Bộ Chính trị không có gì nổi bật, từng có vẻ mất thế sau khi kém cỏi trong vị trí bộ trưởng giáo dục”.
“Ông được xem là một người của Đảng luôn vâng lời (a Party yes-man),” David Hutt bình luận.
David Hutt nói tiếp: “Tuy vậy, đây có thể chính là người mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính khách hàng đầu, ưa chuộng.”
Cây bút David Hutt cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã đem lại thay đổi “mang tính chất bảo thủ”.
“Đảng, dưới sự lãnh đạo của ông, trở nên trung ương hóa hơn, các quyết định mang tính ‘đồng thuận’.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hôm 30/4, trên báo mạng Asia Sentinel, cây bút David Brown cũng có bài đánh giá về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
David Brown tổng kết về suy nghĩ của ông Trọng như sau: “Ông tin rằng nhiều năm trước đây tình hình tốt hơn hẳn, khi Việt Nam còn nghèo nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch.”
“Ông là nhà lý luận, người tin tưởng nhiệt thành, đã vượt qua cuộc đấu tranh quyền lực hơn hai năm trước đây.”
“Nay ông muốn làm sạch đảng, loại bỏ những kẻ tái phạm, xu thời, cơ hội.”
David Brown cho rằng từ khi được bầu lại năm 2016, ông Trọng “rõ ràng là sếp lớn” trong Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 7, David Brown dự đoán, ông Trọng sẽ có thể “đưa các đồ đệ vào những vị trí Bộ Chính trị đang trống”.
Trên The Diplomat, David Hutt dự đoán ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, là ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư năm 2021.
Nhưng Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì nói nếu ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Chủ tịch nước, ông lại “có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của ông Vượng, đặc biệt nếu xét đến truyền thống của Đảng trong việc bầu một người trong “Tứ trụ” của nhiệm kỳ trước vào vị trí Tổng bí thư của nhiệm kỳ sau”.
Ảnh hưởng đến dân?
Hội nghị Trung ương 7 là công việc nội bộ của Đảng Cộng sản, nhưng nó có ảnh hưởng gì đến hàng chục triệu người dân Việt Nam?
David Brown nhận xét điều quan trọng cho khoảng 90% dân số là liệu Đảng, dù do ai lãnh đạo, có thể “chỉ đạo nhà nước nâng cao chất lượng sống, thậm chí lên đến mức thu nhập trên trung lưu”.
“Chừng nào đảng vẫn còn đem lại thịnh vượng và chất lượng sống cải thiện cho nhiều người cũng như thiểu số tinh hoa, sự kiểm soát quyền lực của đảng vẫn còn vững.”
Cũng nhìn về tác động tới dân chúng, David Hutt, trên The Diplomat, nói những gì được quyết định ở Hội nghị Trung ương 7 “sẽ quan trọng cho người bình thường”.
Đề án nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 cho nam, 55 lên 60 cho nữ, sẽ được trình cho Hội nghị.
Ngoài ra, Đảng cũng đang xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng 20 năm sẽ được hưởng lương hưu.
Nhưng chính phủ đang tính toán theo lộ trình, có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH.
David Hutt chỉ ra rằng trong một, hai thập niên tới, Việt Nam sẽ có dân số già đi, làm tăng nguy cơ “già đi trước khi giàu”.
Vì thế, giải pháp là giảm đi số lượng người nhận tiền hưu, mà tăng số lượng người trả tiền cho quỹ hưu. Việc giảm số năm đóng BHXH dường như là cách để khuyến khích thêm người lao động và doanh nghiệp đóng tiền.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43961774
Báo cáo của Bộ Nội vụ:
Bộ Y tế chậm cải cách thủ tục hành chính
Bộ Y tế bị xếp vào cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2017 được Bộ Nội vụ công bố vào ngày 2/5.
Theo bảng xếp hạng này, Bộ Y tế không đạt được điểm số tại các tiêu chí như giải quyết thủ tục hành chánh đúng hạn theo quy định; tiêu chí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm theo chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt.
Bộ Y tế cũng đứng cuối bảng về Chỉ số thành phần Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo báo Dân Trí, Bộ Nội vụ cũng công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân. Theo đó, tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn 2,42% số người được hỏi cho biết họ phải đi lại 5-6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.
Có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; 1,85% số người được hỏi trong cả nước khẳng định nhân viên hành chánh gợi ý nộp thêm tiền ngoài lệ phí theo quy định.
Liên quan đến việc người dân, tổ chức trong cả nước bị trả kết quả trễ hẹn thì chỉ có 32,77% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thượng nghị sĩ Bob Kerry thôi chức
Chủ tịch đại học Fulbright Vietnam
Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vừa chỉ định nữ khoa học gia Helen Kim Bottomly giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín thác, thay thế người đương nhiệm là Thượng nghị sĩ Bob Kerry.
Báo mạng Vnexpress, bản tiếng Anh cho biết tin vừa nêu vào ngày 2 tháng 5, dẫn nguồn từ thông báo của FUV trong cùng ngày.
Khoa học gia Helen Kim Bottomly, 72 tuổi từng giữ chức Chủ tịch Đại học Wellesley ở Hoa Kỳ, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới dành cho phụ nữ từ năm 2007 đến năm 2016. Tiến sĩ Helen Kim Bottomly cũng từng là giảng viên và là Hiệu phó tại Đại học Yale và là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, Viện Sáng chế Quốc gia Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Tín thác đầu tiên của FUV, Thượng nghị sĩ Bob Kerry cho biết đã nỗ lực hết mình trong suốt 3 năm qua để hiện thực hoá giấc mơ kiến tạo một trường đại học sáng tạo của Việt Nam và ông tin rằng Tiến sĩ Bottomly sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách mới của bà.
Thượng nghị sĩ Bob Kerry là một cựu chiến binh từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Mặc dù Thượng nghị sĩ Bob Kerry cật lực vận động thành lập FUV tại Việt Nam, tuy nhiên vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác của ông gặp phải sự tranh cãi trong dư luận vì ông đã có mặt trong một cuộc tập kích vào ấp Thạnh Phong ở Bến Tre, khi có tin lãnh đạo cấp cao của Việt Cộng về họp cùng bí thư chi bộ địa phương. Hậu quả có 24 người bị giết chết, trong đó có 14 phụ nữ, trẻ em và một cụ già.
Trong bài phát biểu từ nhiệm, Thượng nghị sĩ Bob Kerry cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của FUV.
Nhân viên trạm thu phí BOT Ninh Lộc
bị các tài xế đuổi đánh
Trạm thu phí BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 2/5 tiếp tục xả trạm liên tục để tránh kẹt xe kéo dài và hỗn loạn đã xảy ra khi các tài xế đuổi đánh nhân viên trạm thu phí.
Diễn biến tại trạm BOT Ninh Lộc đã bước sang ngày thứ ba, hàng chục tài xế đã kéo đến trạm BOT Ninh Lộc để phản đối với chủ đầu tư và cho rằng chủ đầu tư không giữ lời hứa về việc miễn giảm phí trước đó.
Để phản đối trạm BOT Ninh Lộc, các tài xế dàn xe ra khắp các trụ thu phí, không mua vé và cứ vài phút các tài xế bấm còi liên tục, tình trạng kẹt xe kéo dài nhiểu km khiến khu vực này hỗn loạn, ban lãnh đạo BOT Ninh Lộc buộc xả trạm liên tục.
Theo Vnexpress, vụ việc càng nghiêm trọng hơn khi các tài xế yêu cầu gặp ban lãnh đạo trạm, khi bảo vệ ra đóng cửa một người đàn ông chạy vào trụ sở và đấm vào một nhân viên trạm, một số tài xế khác cũng lao vào phía sau la hét và yêu cầu xả trạm.
Lãnh đạo BOT Ninh Lộc cho báo chí biết vào tháng 1 đã gửi công văn xin miễn giảm 100% cho người dân 16 xã và phường sống khu vực quanh trạm. Tuy nhiên đến tháng 4, Tổng cục đường bộ Việt Nam chỉ chấp nhận miễn 100% cho xe bus công cộng và giảm từ 40%-50% cho các loại xe của tám xã phường khu vực lân cận
Trạm BOT Ninh Lộc đặt trên quốc lộ 1A tại thị xã Ninh Hòa đã bắt đầu thu phí từ đầu năm 2016 với tuyến đường dài khoảng 38 km. Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, trạm BOT Ninh Lộc bị các tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối mức thu phí vì cho rằng mức phí này là quá cao và không phủ hợp.
Người gốc Việt trong danh sách ‘đen’
về vũ khí của Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ mới công bố một danh sách 168 cá nhân, trong đó có một số người gốc Việt, và các tổ chức “bị cấm tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu vũ khí từ Mỹ”.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, có thể thấy trên danh sách “đen” những cái tên như Huynh Duc Liem, Dang Tran Dan hay Hoang Phong.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/4 nói rằng những người trên đã bị phát hiện “vi phạm hoặc âm mưu vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí”, và việc cấm này cho thấy “trách nhiệm” của Bộ nhằm “bảo vệ thiết bị quốc phòng Mỹ, trong đó có cả dữ liệu kỹ thuật, và các dịch vụ quốc phòng khỏi bị môi giới và xuất khẩu trái phép”.
Mỹ lôi kéo Việt Nam ngừng mua vũ khí của Nga?
Công ty Việt Nam vận động vũ khí ở Mỹ trước thềm APEC
Hiện chưa rõ ngay những người Việt bị “điểm tên” cùng với nhiều người có tên tiếng Hoa và Mỹ Latin làm việc cho các cá nhân hay tổ chức nào.
Nhưng họ sẽ bị cấm “tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong các hoạt động xuất nhập khẩu thiết bị và dịch vụ quốc phòng từ Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng Bộ này “đã làm việc với Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Bộ Nội vụ để nhận diện các cá nhân bị cấm dựa trên việc họ bị kết tội hình sự tại tòa án ở Mỹ”.
Và quyết định trên “có mục đích giúp công chúng nắm được” những người nằm trong danh sách “đen”.
Họ sẽ bị cấm cho tới khi nào Bộ Ngoại giao chấp thuận đơn xin được đưa ra khỏi danh sách.
Vấn đề vũ khí nổi lên trong quan hệ Việt – Mỹ hai năm qua, nhất là sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam năm 2016 nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama.
Tuyên bố chung của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu chính phủ Việt Nam giữa năm ngoái có đoạn viết rằng nhà lãnh đạo Việt Nam “tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển”.
Trong chuyến thăm ít tháng sau đó, đích thân “ông chủ” Nhà Trắng trực tiếp “mời chào” giới lãnh đạo ở Việt Nam mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.
Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel hồi tháng Hai mới kết thúc một bản hợp đồng thuê công ty McDermott Will & Emery vận động nhánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ về “các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam”.
Tập đoàn nhà nước Việt Nam đã chi khoảng 40 nghìn đôla (hơn 900 triệu đồng) một tháng cho nỗ lực vận động về quốc phòng và vũ khí tại Washington.
Trước Viettel, chính phủ Việt Nam đã trả cho một công ty vận động hành lang khác của Mỹ là Podesta hơn một triệu đôla để vận động giới lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ trong vòng 5 năm.
Đây khoảng thời gian nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã tới thăm Nhà Trắng, trong đó có chuyến đi được coi là lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 cũng như chuyến công du Việt Nam của ông Obama.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-trong-danh-sach-den-ve-vu-khi-cua-my/4373885.html