Tin Việt Nam – 02/04/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/04/2019

Nhà cầm quyền Đồng Tháp tra hỏi

con gái tù nhân lương tâm về hỗ trợ từ quỹ 50K

Tin từ Đồng Tháp – Nhà cầm quyền Đồng Tháp muốn tra hỏi con gái tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca về việc gia đình nhận hỗ trợ từ Quỹ 50K, một quỹ thiện nguyện chuyên giúp đỡ tù nhân lương tâm hoặc gia đình của họ.

Theo giấy mời của công an huyện Hồng Ngự, cô Huỳnh Thị Thái Ngân phải đến trụ sở của công an huyện vào chiều ngày 03/4 để “trao đổi một số nội dung liên quan đến Quỹ 50K của Nguyễn Thuý Hạnh.”

Ông Huỳnh Trương Ca, một thành viên của nhóm Hiến Pháp, đã bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018 vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Cuối năm ngoái, ông bị toà án CSVN ở Đồng Tháp kết án 5.5 năm tù giam và 3 năm quản chế.  Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền để thuê luật sư và thăm nuôi trong tù.

Quỹ 50K, điều hành bởi nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, là một quỹ thiện nguyện đóng góp bởi nhiều người Việt trong và ngoài nước. Đối tượng phục vụ của quỹ này là những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, môi trường và chủ quyền đất nước gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đây không phải là trường hợp duy nhất mà nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu người nhận hỗ trợ từ Quỹ 50K. Công an CSVN  ở một số nơi còn cướp tiền hỗ trợ ít ỏi mà quỹ này gửi cho gia đình người hoạt động hoặc đe doạ họ, song song với việc phá hoại mọi hoạt động kinh tế của họ.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-dong-thap-tra-hoi-con-gai-tu-nhan-luong-tam-ve-ho-tro-tu-quy-50k/

 

Một thiếu nữ được cứu

khi đang trên đường bị bán sang Trung Cộng

Tin Việt Nam – Báo Tuổi Trẻ ngày 1 tháng 4 loan tin, chiều ngày 27 tháng 3, đội tuần tra đồn biên phòng Si Mai Ca, tỉnh Lào Cai đã phát hiện một đôi nam nữ đang giằng co tại khu vực giáp biên giới thuộc thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải, huyện Si Mai Cai, tỉnh Lào Cai. Lúc này, một nạn nhân nữ thấy có người nên đã kêu cứu, còn một thanh niên thì bỏ chạy nhưng bị đội tuần tra đồn biên phòng bắt được.

Nữ nạn nhân có tên là Thào Thị X., 18 tuổi, người dân Tộc Mông, ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Còn nam nghi phạm là Ly Seo Ca, 21 tuổi, người dân tộc Mông, ở thôn Bùn Giao, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tại đồn biên phòng, Ca khai nhận, trước đây Ca sang Trung Cộng làm thuê và được một người đàn ông bảo Ca về Việt Nam tìm phụ nữ đưa sang bán cho người đàn ông này. Do muốn kiếm tiền nhanh, nên Ca đồng ý, và lừa các cô gái Việt Nam bằng tình cảm yêu đương. Sau khi các cô gái tin rằng tình cảm của Ca là thật thì nam thanh niên này liền dẫn “người yêu” mình sang Trung Cộng bán.

Từ tháng 8 năm 2018 đến nay, Ca đã bán thành công hai cô gái, trong đó có một thiếu nữ mới 13 tuổi.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/mot-thieu-nu-duoc-cuu-khi-dang-tren-duong-bi-ban-sang-trung-cong/

 

Tình hình tù nhân chính trị Phan Kim Khánh

và nhà hoạt động Lê Anh Hùng

The 88 Project, tiếng Việt là Dự án 88 vào ngày 1 tháng tư thông báo tình hình của anh Phan Kim Khánh tại Nhà tù Hà Nam. Theo đó tù nhân chính trị này đang bị phía trại giam đe dọa đưa đi biệt giam và từ chối cho anh nhận thư từ cũng như gọi điện thoại về gia đình với lý do bị cho là ‘cứng đầu và không chịu hợp tác’.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với em gái của tù nhân chính trị Phan Kim Khánh, chị Phan Thị Trang và được thuật lại những gì được biết:

“Anh Khánh từ hôm Tết xong cũng có làm đơn gửi lên tòa án Thái Nguyên để nói về việc anh làm đơn kháng cáo mà họ không cho và giải quyết cho anh, họ không mở phiên tòa kháng cáo. Anh làm đơn kêu oan không nhận tội và họ cũng gây khó dễ cho anh em: trước tết thì một tháng gọi điện về nhà một lần và tháng vừa rồi thì anh không điện, vừa rồi anh có điện về thì hai hôm sau bố em lên thăm và anh có dặn là từ bây giờ có thể là họ sẽ không cho gặp không cho gọi điện về, không cho nhận thư từ và không cho gia đình đến thăm gặp nữa thì có thể trong khoảng thời gian ấy em lo sợ anh ấy có thể gặp nguy hiểm và có chuyện gì đó sẽ xảy ra.”

Anh có dặn là từ bây giờ có thể là họ sẽ không cho gặp không cho gọi điện về, không cho nhận thư từ và không cho gia đình đến thăm gặp nữa thì có thể trong khoảng thời gian ấy em lo sợ anh ấy có thể gặp nguy hiểm.

 – Phan Thị Trang

Ngoài ra, chị Phan Thị Trang còn cho biết thêm sau khi gia đình lên thăm anh Khánh, thì bên phía trại giam có cử một cán bộ người Phú Thọ ra làm việc với gia đình và bảo rằng khi gặp anh Phan Kim Khánh thì khuyên Khánh đừng chống đối công an, vì nếu cố tình chống đối hoặc làm gì ở trong đấy thì họ sẽ nhốt anh vào phòng riêng và không cho gia đình thăm gặp nữa.

Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho anh Phan Kim Khánh trong phiên tòa sơ thẩm hôm 25/10/2017 cho biết, tại trại giam có những quy định riêng của trại tuy nhiên với trường hợp này luật sư cho rằng nó trái với luật thi hành án nhưng đây cũng mới chỉ là lời đe dọa nên cần phải làm rõ.

“Theo luật tố tụng của Việt Nam sau khi kết thúc phiên tòa thì theo luật vai trò của tôi không còn gì nữa nhưng theo tôi thấy thì nó có gì đó uẩn khúc trong giai đoạn sau phiên sơ thẩm. Theo như người nhà nói Phan Kim Khánh có kháng cáo nhưng mà trại tạm giam họ không chuyển đơn cho tòa thì tôi nghĩ sự việc này cần phải làm rõ.”

Phan Kim Khánh sinh năm 1993 thường trú ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. Anh bị bắt ngày 21/3/2017 khi đang học năm cuối chương trình đại học và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước

Trường hợp khác cũng bị phía nhà cầm quyền Việt Nam không cho gia đình gặp mặt, được Dự án 88 nêu ra trong báo cáo ngày 1 tháng 4 là ông Lê Anh Hùng. Ông này bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 5 tháng 7 năm 2018 lúc đang đi ăn sáng, rồi bị đưa về nơi cư ngụ tại nhà số 19, ngõ 120/22/2 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Tại đó lực lượng chức năng đọc lệnh bắt và khởi tố ông này theo điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam

Bà Trần Thị Niệm, mẹ của anh Lê Anh Hùng cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Họ nói là không thực hiện nội quy nên không cho gia đình gặp vì không mặc đồng phục và không chịu đeo còng nhưng thằng con trai thứ hai của tôi bảo rằng nó chưa xử thì chưa có tội thì bắt nó còng tay sao được. Nó không chịu thì đúng thôi nhưng ở trong trại thì họ muốn làm gì thì họ làm chứ mình có nói được đâu”

Bà Trần Thị Niệm cho biết được gặp con trong trại tạm giam lần cuối cách đây 3 tháng.

Ngoài ra, bà Niệm còn cho hay gia đình có hỏi về thời gian khi nào sẽ tiến hành vụ xử đối với nhà hoạt động Lê Anh Hùng; thế nhưng phía cơ quan chức năng không cho biết mà nói rõ là đang tiếp tục điều tra.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội và cũng là một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam cho chúng tôi biết, anh không hiểu nguyên nhân vì sao lại yêu cầu Ông Lê Anh Hùng mặc đồng phục và đeo còng trong khi vẫn chưa tiến hành xét xử vụ án.

“Mẹ của anh Lê Anh Hùng đã yêu cầu an ninh cho gặp và trước đó đã cho gặp một lần rồi và khi gặp lúc đó cũng không phải mặc áo tù hay bị còng tay nhưng lần thứ hai thì không hiểu lý do vì sao họ lại yêu cầu Hùng là mặc áo và còng tay thì Hùng phản ứng lại không đồng ý, họ bảo là khi nào mặc áo tù và còng tay thì mới được gặp gia đình, Hùng bảo không gặp thì thôi.”

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từ lúc anh Hùng bị bắt đến nay vẫn chưa khai báo hay khai nhận điều gì nên có thể đó là những cớ mà chính quyền làm nhằm gia tăng gây sức ép với Hùng.

Đồng thời nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn cho hay, đối với vụ Lê Anh Hùng bị chính quyền ghép vào tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước thì nó hoàn toàn không đúng, bởi vì đây là vụ kiện do chính anh Lê Anh Hùng khởi kiện và việc đúng sai chưa cần biết và cần khởi tố vụ án đó nếu Hùng mắc tội vu khống thì anh Hùng sẽ chập nhận tôi và xử theo luật nhưng chính quyền họ đã không làm và khi dùng biểu ngữ băng rôn yêu cầu chính quyền xem xét vụ án thì bị ghép vào tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/update-the-situation-of-political-prisoner-phan-kim-khanh-and-activist-le-anh-hung-04012019150530.html

 

Cao Vĩnh Thịnh, phim Đừng Sợ

và quyền lên tiếng của người dân

Ben NgôBBC Tiếng Việt

Vài ngày sau khi bị câu lưu, bà Cao Vĩnh Thịnh, thành viên nhóm Green Trees ở Hà Nội, nói với BBC rằng “nếu người ôn hòa bảo vệ môi trường bị bắt và phạt tù thì đất nước không có dân chủ và bóp nghẹt quyền lên tiếng của người dân.”

Tin cho hay bà Cao Vĩnh Thịnh, thành viên nhóm Green Trees bị câu lưu hơn 10 giờ hôm 27/3 ở Hà Nội.

Bà Thịnh, người phụ nữ có con gái 5 tuổi, được biết là thành viên nổi bật của phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội hồi năm 2015.

Thịnh Nguyễn và ‘hành trình làm điều khác biệt’

Hà Nội: Nhóm Cây Xanh cáo buộc ‘bị cô lập’

Đề xuất chặt 1.300 cây: Dân Hà Nội ‘đành chịu’?

Bên trong khóa huấn luyện ‘xã hội dân sự vì Việt Nam’

Bà cũng khởi xướng chương trình phát túi chống nước cho đồng bào vùng lũ lụt hồi năm 2016, tham gia tổ chức triển lãm Cây Và Cá cho trẻ em vào năm 2017) và nhiều hoạt động khác liên quan đến môi trường.

Hôm 16/3, nhóm Green Trees vừa tổ chức buổi công chiếu phim tài liệu Đừng Sợ được cho là lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình ôn hòa về thảm họa Cá chết do Formosa gây ra hồi năm 2016.

Trả lời BBC hôm 2/4, bà Cao Vĩnh Thịnh nói: “Từ năm 2015, khi bắt đầu tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường thì tôi cũng đã quen với việc bị câu lưu, thẩm vấn, nhưng hôm 27/3 là lần nguy hiểm nhất với tôi.”

Bộ phim Đừng Sợ đề cập đến một thảm hoạ môi trường khủng khiếp dọc bờ biển miền Trung Việt Nam với tên gọi Formosa và những hậu quả của nó còn tác động lên đời sống của người dân đến tận bây giờ. Một trong các mục tiêu của phim là nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của xã hội dân sự.nhóm Green Trees

“Việc họ tùy tiện câu lưu tôi và buộc thẩm vấn tôi trong nhiều giờ là hoàn toàn sai, không có lệnh bắt giữ nào cả.”

“Đến nay, một laptop và hai điện thoại di động của tôi vẫn bị thu giữ ‘để làm bằng chứng’ mà không có biên bản nào cũng như giấy hẹn trả lại tư trang.”

“Trong suốt nhiều giờ bị thẩm vấn, tôi cũng không được quyền gọi điện cho người thân và các thiết bị của tôi bị truy cập trái ý muốn của tôi.”

“Hành xử như thế cho thấy các cấp chính quyền coi những người lên tiếng bảo vệ môi trường ôn hòa là mối đe dọa.”

Nghệ sĩ Kim Chi làm phim về nhân quyền

Cô Gái Đắk Lắk theo mô tả của đạo diễn phim

Bà Vĩnh Thịnh cũng cho BBC hay rằng trong cuộc thẩm vấn hôm 27/3, bà bị giới chức an ninh cáo buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, điều mà bà kiên quyết phủ nhận và không ký vào bất kỳ văn bản nào.

Bà kể rằng mình bị hỏi rất nhiều câu về hoạt động của cá nhân, về bộ phim Đừng Sợ, về hoạt động liên quan đến chiến dịch Save Tam Đảo cáo buộc tập đoàn Sun Group xâm hại môi trường….

‘Trách nhiệm với thế hệ của con gái’

“Tôi không phải cân nhắc nhiều khi quyết định trở thành người bảo vệ môi trường.”

“Đó là thứ chảy trong nhiệt huyết, tư tưởng của mình. Quyền đòi hỏi môi trường sạch là thứ rất hiển nhiên.”

“Tôi cũng như nhiều người dân khác sống ở Hà Nội bức xúc vì tình trạng bụi mịn và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến mình và thế hệ con cái mình.”

“Tôi thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng thay cho con gái mình. Nó mới 5 tuổi, chưa lên tiếng được. Đến khi nó đủ khả năng để lên tiếng bảo vệ môi trường thì tôi sẽ ủng hộ nó.”

“Trong đầu tôi đã mường tượng được những rủi ro của người đấu tranh ôn hòa bảo vệ môi trường qua trường hợp của blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động Hoàng Đức Bình.”

“Nếu vì đòi hỏi quyền được sống trong môi trường xanh và sạch mà tôi bị bắt hay bị phạt tù thì rõ ràng đất nước không có dân chủ và bóp nghẹt quyền lên tiếng của người dân.”

“Tôi cũng chỉ là một trong những công dân sống ở Hà Nội, do bức xúc về môi trường mà lên tiếng thôi.”

“Ngay từ thời điểm ban đầu tôi xuống đường biểu tình bảo vệ cây xanh, mẹ tôi đã đi cùng và ủng hộ tinh thần cho con gái, dù bà tất nhiên không bao giờ muốn tôi gặp chuyện xấu như phải đi tù vì việc này.”

Bà Vĩnh Thịnh cho biết thêm: “Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về các hoạt động bảo vệ môi trường, dù có phải đối mặt với nhiều áp lực.”

“Theo như tôi hiểu, đằng sau các tập đoàn, công ty gây ra các vụ xâm hại môi trường đều có sự dung dưỡng của các thế lực hoặc của viên chức địa phương.”

“Dù có bị trấn áp thế nào thì tôi và các thành viên khác của nhóm Green Trees vẫn kiên định đòi Bộ Tài nguyên-Môi trường công khai bản báo cáo tác động môi trường trước khi cho các dự án như ở Tam Đảo được triển khai…,” bà Vĩnh Thịnh nói.

Các hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam từng bị chỉ trích trên mặt báo.

Hồi thán 4/2017, báo Công an Nghệ An viết: “Dưới danh nghĩa đòi quyền lợi cho người dân sau sự cố môi trường biển miền Trung, liên tiếp trong thời gian qua, một số kẻ lợi dụng sự cố này để tung tin kích động nhân dân, tổ chức các hoạt động gây rối an ninh trật tự, phá hoại về kinh tế, chính trị. Đó cũng là cách để chúng có được các hình ảnh, video clip gửi cho các trang mạng, báo chí “lề trái” nước ngoài để nhận tiền theo hợp đồng đã ký kết.”

“Hơn ai hết, mỗi người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu kích động của kẻ xấu, để không trở thành “con rối” cho chúng giật dây theo mưu đồ đã định sẵn từ trước.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47770205

 

Dân Bình Định tiếp tục phản đối dự án điện mặt trời

Dự án sản xuất điện mặt trời trên Đầm Trà Ổ, tỉnh Bình Định tiếp tục bị dân chúng phản đối.

Theo báo chí trong nước, vào ngày 2/4/2019, đại diện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định tiến hành cuộc đối thoại lần thứ ba với dân chúng sống xung quanh đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông Phó chủ tịch tỉnh Trần Châu chủ trì.

Tin cho biết đến lúc kết thúc buổi đối thoại, hai bên vẫn không đi đến được sự đồng thuận về dự án vừa nêu tại địa phương.

Phía dân chúng nói rằng họ sống bằng nghề đánh cá trên đầm Trà Ổ, nay nếu lắp đặt những tấm pin mặt trời phía trên đầm thì họ sẽ không còn kế sinh nhai.

Ngoài ra dân chúng còn có lo ngại việc thiết lập nhà máy điện mặt trời sẽ gây ô nhiễm.

Phía chính quyền cam đoan rằng nhà máy này không gây ô nhiễm, diện tích mặt nước mà nhà máy này sử dụng là 60 ha, trong khi diện tích của khu đầm là 1300 ha. Chính quyền địa phương cho rằng như thế người dân vẫn có thể đánh bắt hải sản trên đầm bình thường.

Chính quyền và Công ty Năng Lượng Tái tạo Việt Nam, chủ đầu tư dự án, cũng đề nghị trợ giúp dân chúng một dự án nhỏ để thắp sáng các khu vực công cộng ở địa phương.

Được biết là dự án này trị giá 1440 tỉ đồng. Dự án đã được bắt đầu vào cuối năm 2018, dự tính đến quí 2 năm nay sẽ bắt đầu vận hành, nhưng bị dân chúng liên tục phản đối nên vẫn chưa thể triển khai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/binh-dinh-people-not-for-solar-plant-04022019102201.html

 

Cán bộ Thanh Tra Chính Phủ sắp nghỉ hưu

được đi công tác nước ngoài

Chỉ trong khoảng 4 tháng cuối năm 2018, Thanh tra Chính Phủ đã ký quyết định đi công tác nước ngoài cho 4 cán bộ sắp về hưu

Báo điện tử Dân Việt loan tin ngày 2/4 nói rõ 4 cán bộ sắp nghỉ hưu được đi nước ngoài là: Phó Chánh văn Phòng Thanh tra Chính Phủ Lê Khả Thanh; Cục phó Cục III Vũ Huy Tác, Cục trưởng cục Phòng chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt và Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải.

Các quyết định cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi nước ngoài do Phó tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh ký. Đa số kính phí cho chuyến đi trên đều được chi trả bằng tiền từ ngân sách. Trang tin không cho biết kinh phí cụ thể cho 4 chuyến đi này là bao nhiêu.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng pháp luật hiện hành không cấm cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác nước ngoài. Tuy nhiên, cán bộ sắp nghỉ hưu đi học tập kinh nghiệm nước ngoài có cần thiết hay không, trong khi Thanh tra Chính phủ là cơ quan chuyên thanh tra những việc này ở các bộ, ngành, địa phương.

Trong một diễn biến mới nhất, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà thông tin cho báo điện tử Dân Việt biết, sẽ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong ngày 2/4 về vụ việc hàng chục hiệu trưởng các trường PTTH và một số cán bộ, lãnh đạo Sở lên lịch đi Côn Đảo dự hội thảo nhưng thực chất là đi tham quan, du lịch.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-be-retired-officials-sent-on-overseas-trips-04022019083220.html

 

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm

các vi phạm trong ngành giáo dục

Bạo lực học đường có phải là vấn đề báo động hay không và cần phải xử lý nghiêm đối với các vi phạm này để môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vừa nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, diễn ra trong ngày 2 tháng 4.

Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến vụ bạo lực học đường vừa xảy ra ở Hưng Yên như là một trường hợp điển hình, và nhấn mạnh rằng vấn đề bạo lực học đường cần phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước và cần phải làm rõ trách nhiệm của địa phương về quản lý giáo dục-đào tạo đối với các vi phạm đó.

Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tại phiên họp cho biết mặc dù Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như Bộ Giáo Dục-Đào Tạo và Bộ Công An đã cùng các bộ, ngành ban hành 11 thông tư phòng chống bạo lực học đường nhưng việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết thêm bộ này cũng đã ban hành chỉ thị cho ra khỏi ngành đối với giáo viên vi phạm đạo đức; đồng thời sắp tới Bộ Giáo Dục-Đào Tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng chương trình về tâm lý học đường cho học sinh, những vấn đề đạo đức nhà giáo…

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh &Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ý kiến cho rằng cần xử lý ở mức cao nhất đối với nhân viên trong ngành giáo dục có hành vi xâm hại trẻ em và sẽ cùng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo lập các đoàn kiểm tra để xử lý các vi phạm xảy ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-pm-requests-to-strictly-resolve-all-violations-in-educational-field-04022019081208.html

 

Xỉ thép của Formosa được phép

dùng để san lấp gây quan ngại về môi trường

Trung Khang, RFA

 

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh hiện đang tồn đọng hàng trăm ngàn tấn xỉ thép chưa có đầu ra. Mới đây công ty này gây hoang mang khi dùng xỉ thép này để làm vật liệu san lấp, làm đường. Việc này có an toàn và đúng quy trình?

Sau 3 năm kể từ khi Formosa gây ra thảm họa môi trường biển khiến cá và hải sản chết hàng loạt, nổi trắng ven biển tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ của Việt Nam, hiện nhà máy Formosa Hà Tĩnh tiếp tục làm dư luận lo lắng khi đang tồn đọng gần 1 triệu tấn xỉ thép.

Theo báo chí trong nước ghi nhận, Formosa không hề xử lý xỉ thép, chỉ để nguyên vậy, chất lên thành những bờ đê, những núi cao cả chục mét bao quanh khuôn viên của nhà máy, tức là than xỉ thép thải ra bao nhiêu là được chất lên cao bấy nhiêu.

Vào cuối tháng 3, Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề xuất Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép dùng xỉ thép thải ra khi sản xuất để san nền trong khuôn viên nhà máy.

Cụ thể, Formosa Hà Tĩnh cho biết sẽ dùng 960.000 tấn xỉ thép để san nền tại khu lưu giữ ngoài trời của nhà xưởng luyện thép, với tổng diện tích 14,5ha. Công ty này khẳng định xỉ thép phát sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn được áp dụng cho mục đích làm vật liệu san lấp công trình xây dựng và giao thông!?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 4 năm 2019, đưa ra nhận định:

“Thật ra thì xỉ thép lấy làm vật liệu xây dựng thì có một số công trình trên thế giới họ làm rồi. Tức là xỉ thép sau khi nấu thì họ đập ra còn những viên như viên đá, vì đã nung mấy nghìn độ rồi nên cái đấy nó không tan được nữa, không có vấn đề gì nữa thì có thể dùng. Tuy nhiên, tất cả các loại xỉ họ phải phân tích trước xem thành phần có chất thải nguy hại không? Nếu không có chất thải nguy hại thì mới dùng được. Trong trường hợp này thì nơi khác làm rồi, còn đây chắc họ nghĩ nơi khác làm được thì họ làm được, cho nên họ không phân tích, chứ đúng ra phải phân tích xem còn thành phần nguy hại hay không thì mới dùng được.”

Theo một số chuyên gia, chất thải của nhà máy thép ngay cả sau khi xử lý vẫn còn những chất độc với hàm lượng lớn, như phenol, xyanua, rodanit. Nguy cơ lượng chất độc hại thải ra môi trường sống vẫn rất lớn và liên tục.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 4 năm 2019 liên quan vấn đề này, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, cho biết về quy chuẩn xỉ than nói chung có thể được tái sử dụng nếu không chứa phóng xạ, không chứa chất thải nguy hại:

“Tất cả các xỉ than có nhà máy thì có quy định, loại xỉ nào là được sử dụng để làm vật liệu xây dựng san nền .v.v… Nhà máy đó phải đăng ký kiểm định đối với cái xỉ than của họ, xem có tái sử dụng được hay không. Nói chung từ tiêu chí do Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ra là an toàn rồi tức là loại than xỉ đó không phải là chất thải nguy hại.”

Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, lo ngại nhất là trong xỉ than bao hàm các chất phóng xạ, thủy ngân, chì. Những loại vừa nói nếu nằm trong giới hạn cho phép thì có thể sử dụng bình thường. Tuy nhiên ông nói nói rõ, đó là xỉ than của các nhà máy như nhiệt điện, phân bón.v.v… Còn quy chuẩn cho xỉ thép thì theo ông chưa có quy định rõ ràng cụ thể:

“Xỉ của nhà máy thép Formosa như thế nào thì tôi cũng chưa rõ lắm, nhưng nói chung xỉ than của thép thì không thấy bàn luận nhiều ở Việt Nam, còn quy chuẩn xỉ than của Bộ Khoa học – Công nghệ vừa qua thì chỉ dành cho nhà máy nhiệt điện chạy than thôi, chứ không phải cho nhà máy luyện thép.”

Trong đề xuất, công ty Fomrosa Hà Tĩnh khẳng định xỉ thép phát sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn được áp dụng cho mục đích làm vật liệu san lấp công trình xây dựng và giao thông.

Ông Hoàng Văn Thức – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – khi trả lời báo Tuổi Trẻ cho biết, xỉ thép là chất thải rắn thông thường, không phải chất thải nguy hại, hoàn toàn đáp ứng hợp chuẩn, hợp quy về vật liệu xây dựng nên được phép làm.

Theo ông Thức, pháp luật bảo vệ môi trường quy định tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sau khi được phân định, phân loại là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì được khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu nếu đáp ứng hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, hiện chỉ có quy định rõ ràng về xỉ than do các nhà máy nhiệt điện thải ra, còn xỉ thép thì vẫn chưa có quy định cụ thể:

“Thật ra thì xỉ than của nhà máy thép, của nhà máy phân bón, nhà máy hóa chất thì chính phủ khuyến khích làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, vì hiện nay rất là nan giải, tồn đọng hàng chục tấn xỉ than. Thậm chí chính phủ còn nghiên cứu cho việc tái sử dụng tro xỉ cho vật liệu xây dựng. Tuy nhiên quy chuẩn than xỉ là do Bộ Xây dựng ban hành, chứ không phải Bộ Tài nguyên – Môi trường. Theo tôi biết thì hiện nay Bộ Xây dựng chưa ban hành quy chuẩn này, còn hiện nay nhiều nơi vẫn đang chuẩn bị thôi chứ chưa đưa vào sử dụng rộng rãi. Còn xỉ thép thì hiện nay chưa có bộ nào ban hành quy chuẩn về sử dụng xỉ thép làm vật liệu xây dựng cả.”

Theo nhà báo Mai Quốc Ấn viết trên trang các nhân của mình, các nhiệt điện lại phát tán ô nhiễm, và thay vì ngăn chặn, thì có một số thành viên Chính phủ lại “thúc đẩy” cho ô nhiễm lan rộng hơn. Khi một loạt các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Duyên Hải để san lấp đường giao thông, san lấp công trình xây dựng. Nếu đồng ý triển khai rộng khắp thì các độc chất được xác định trong tro xỉ sẽ phát tán ngày càng rộng hơn và phơi nhiễm, lây nhiễm bệnh tật do ô nhiễm là không thể tránh khỏi.

Nhưng theo ông, tro xỉ nhiệt điện than độc hại vẫn không thể bằng tro xỉ các nhà máy thép!

Việc Formosa Hà Tĩnh đề xuất dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép để san nền hoàn toàn không có trong đánh giá tác động môi trường của dự án này. Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, chức năng của Tổng cục Môi trường là thẩm định đánh giá tác động môi trường thì tại sao đề xuất bất hợp lý, không có trong đánh giá tác động môi trường của Formosa lại được tạo điều kiện đến vậy?

Xin nhắc lại, vào tháng 4 năm 2016, tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ của Việt Nam đã xảy ra thảm họa môi trường biển khiến cá và hải sản chết hàng loạt, nổi trắng ven biển. Công ty Formosa sau đó đã nhận trách nhiệm xả thải ra biển gây ra thảm họa và chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la cho phía Việt Nam. Thảm họa môi trường này đã khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế, nhiều người phải bỏ xứ đi tha hương.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-environment-continues-to-be-threatened-by-formosa-04012019144444.html

 

‘Áp lực dư luận’ khiến PCT Thanh Hóa

Ngô Văn Tuấn xin về lại ‘ghế cũ’

Ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, bất ngờ có đơn bày tỏ nguyện vọng quay về vị trí cũ ở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, chỉ sau vài ngày được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng.

Ông Ngô Văn Tuấn là người đã từng bị kết luận là đã “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh (hay còn được biết đến là hot girl Quỳnh Anh) khi ra các quyết định về công tác cán bộ, thăng chức cho bà này, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Bà Quỳnh Anh từng là nhân viên tạp vụ và theo báo chí trong nước đã được bổ nhiệm “thần tốc” lên trưởng phòng Quản lý bất động sản và đang cơ cấu nguồn vào vị trí Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì sự việc bị báo chí phanh phui.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 2/4, ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở xây dựng Thanh Hóa, cho biết cơ quan này vừa nhận được đơn xin quay về vị trí cũ ở Ủy ban nhân dân tỉnh của ông Ngô Văn Tuấn.

Ông Việt cho biết, trong đơn ông Tuấn trình bày do ảnh hưởng của dư luận quá lớn những ngày qua nên ông muốn chuyển lại Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở, thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để yên tâm công tác.

Cũng theo ông Việt, căn cứ vào lá đơn của ông Tuấn, Ban giám đốc Sở xây dựng đã họp và thống nhất hủy bỏ quyết định bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn làm Chánh Văn phòng Sở trước đó.

Vào ngày 29/3, Sở Xây dựng tiếp nhận, bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn làm Chánh văn phòng. Các đơn vị liên quan đều cho rằng việc bổ nhiệm là đúng quy trình, song quyết định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều do ông Tuấn từng sai phạm trong thời gian làm lãnh đạo Sở Xây dựng.

Cụ thể vào tháng 12/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ.

Ngày 17/12/2017, Ban bí thư quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng của ông Ngô Văn Tuấn. Tháng 1/2018, Thủ tướng cách chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với ông Tuấn.

Sau đó ông Tuấn tiếp tục được làm việc ở Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, là chuyên viên của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổ trưởng tổ giúp việc của Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở.

Trường hợp của Ông Ngô Văn Tuấn liên quan đến vụ tai tiếng bổ nhiệm bị cho là ‘thần tốc’ đối với người mà báo chí Việt Nam mệnh danh ‘hot girl’ Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây Dựng dưới thời ông này làm giám đốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/canceling-the-decision-to-appoint-mr-ngo-van-tuan-to-be-the-chief-of-office-of-construction-department-04022019082306.html

 

Người Việt-tiền nhiều để làm gì?

Blogger Song Chi

Cả một thời gian dài-những năm tháng trong chiến tranh ở miền Bắc XHCN và cả nước trong thời kỳ bao cấp, người Việt đa số là nghèo khổ, đói ăn thiếu mặc. Đến khi mở cửa về kinh tế, chỉ vài thập niên sau đời sống của đại đa số người Việt đỡ hơn hẳn, tầng lớp trung lưu xuất hiện và cả số người giàu, thậm chí rất giàu cũng xuất hiện.

Người giàu ở VN họ là ai?

Trong các quốc gia có một nền kinh tế phát triển ổn định, minh bạch đi kèm với một thể chế chính trị dân chủ, pháp trị, tam quyền phân lập, người giàu thường là những người thật sự có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, vì họ phải nỗ lực vươn lên, cạnh tranh một cách sòng phẳng với những người khác. Họ không chỉ làm giàu trong những lĩnh vực chỉ nhằm kiếm tiền như kinh doanh sòng bạc, nhà hàng, siêu thị, bất động sản… Họ còn đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lời nhưng giúp ích cho con người như y tế, giáo dục, sinh học…, hoặc mới mẻ, như công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại…nhằm tạo ra những sản phẩm mới, góp phần thay đổi cuộc sống của con người và đưa xã hội tiến lên. Ví dụ như Microsoft, Facebook, Apple, Google…

Người ta thường nói, một người giàu trong một xã hội dân chủ, văn minh, pháp trị sẽ giúp cho hàng ngàn, hàng vạn người khác có công ăn việc làm và giúp cho cả quốc gia, thậm chí cả thế giới.

Còn ở VN? Trong một môi trường kinh doanh nhập nhèm sáng tối, với một thể chế chính trị độc tài là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng, nạn làm ăn theo kiểu con ông cháu cha, vây cánh bè phái…không lạ khi phần lớn người giàu ở VN là đám quan chức, tư bản “đỏ” có những mối quan hệ tốt với bộ máy cầm quyền và con cháu họ. Chỉ một số ít thực sự là do nỗ lực tự thân và tài năng.

Họ làm giàu bằng cách nào? Quan chức làm giàu từ chính cái vị trí, cái ghế của mình. Một cái gật đầu, một chữ ký thông qua một dự án, chính sách nào đó đổi lại là bao nhiêu tiền, vàng. Làm giàu bằng kinh doanh-nhiều nhất là đất đai, bất động sản, kế đến là đầu tư vào những lĩnh vực dễ ăn như nhà hàng, khách sạn, siêu thị…Cũng có những người đầu tư vào ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, hay mở nhà máy này nọ. Nhưng số người đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lợi hơn như y tế, giáo dục, hay những lĩnh vực tiên phong rất hiếm. Không chỉ vì khả năng sinh lợi mà còn vì những yêu cầu về kiến thức, đầu óc, tài năng.

Như trên vừa nói, một người giàu ở nước ngoài thì mở ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người, còn ở VN, một người giàu lên nhờ kinh doanh đất đai, bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng…là kéo theo bao nhiêu người bị mất đất, mất nhà, người chặt cây khai thác gỗ thì khiến cho rừng bị mất, nạn lũ lụt thêm hoành hành… Chưa kể, nhiều người làm ăn nhưng không chú ý đến đạo đức kinh doanh, ví dụ như không quan tâm đến môi trường, ngược lại còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên, hoặc không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng v.v…; hoặc cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng đồng tiền tìm cách bóp chết những “đối thủ” khác như vụ tập đoàn Masan từng dùng tiền mua truyền thông “bẩn” giết chết ngành sản xuất nước tương truyền thống của VN, sau đó lại 2 lần toan giết chết ngành làm nước mắm truyền thống, may mà dư luận lên tiếng nên nước mắm truyền thống vẫn còn sống sót!

Không phải người Việt không có tài năng, cũng không phải người Việt không có khát vọng tạo ra những sản phẩm uy tín và giữ được đạo đức trong kinh doanh. Nào phải đâu xa, trước đây nền kinh tế miền Nam dưới thời VNCH đã từng có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, nước ngọt xá xị Con Cọp, dầu cù là Mac Phsu, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, bột Bích Chi, xe hơi La Dalat…

Thành công đó sở dĩ có được là do các nhà sản xuất tư nhân thời đó đã đặt tiêu chí chất lượng, uy tín sản phẩm lên trên hết, cộng với lòng tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Thời bây giờ, tìm được những người kinh doanh biết nghĩ xa và giữ được những tiêu chí trên rất hiếm.

Người giàu ở VN dùng tiền để làm gì?

Ở một số quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, phát triển, khi con người giàu lên họ thường nghĩ cách đền đáp, trả nợ lại cho xã hội vì nhớ lại thuở ban đầu mình đã đi lên từ những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên, người nghèo của chính quyền, hoặc từ sự hào phóng của những người tốt khác. Nên nhiều tỷ phú thay vì để lại toàn bộ gia tài cho con, đã để dành rất nhiều tiền cho những hoạt động từ thiện, hoặc đầu tư vào giáo dục, y tế…. Ví dụ vợ chồng Bill Gates ông chủ Microsolf, Steve Jobs, ông chủ của iphone Apple và vô số người khác.

Còn ở VN, khi giàu lên, họ thường lo cho bản thân, gia đình, con cái mà ít khi nghĩ đến việc trả nợ lại cho xã hội và đầu tư cho các thế hệ tương lai. Âu đó cũng là hệ quả từ cái hệ thống chính trị xã hội khiến con người phải chăm chăm lo cho mình, vì có ai lo cho mình đâu, nhà nước có chính sách gì hỗ trợ, giúp đỡ người dân đâu. Ai cũng giành giựt, thủ thân cho mình, vậy tại sao họ phải nghĩ cho người khác?

Xã hội VN bây giờ có quá nhiều bất công, phi lý, quá nhiều rủi ro, bấp bênh, thiên tai thì ít mà nhân họa thì nhiều, nhưng con người lại không thể tin cậy vào luật pháp, chính quyền, cũng không biết bấu víu vào đâu ngoài những thế lực siêu hình, điều đó lý giải tại sao người VN ngày càng trở nên mê tín dị đoan, siêng đi chùa, đền cúng bái. Không chỉ người nghèo đi chùa để cầu mong may mắn, thoát khỏi cảnh nghèo. Người giàu, có chức vị cao lại càng bất an.

Nên một trong những điều mà rất nhiều người giàu ở VN chăm làm đó là đi chùa cúng bái, cúng dường. Không phải vô cớ mà chùa chiền ở VN ngày càng giàu, ngày càng hoành tráng, nhiều sư thầy sống sung túc, no đủ chẳng có chút gì phù hợp với cuộc sống giản dị, đạm bạc của bậc tu hành. Tiền do Phật tử, người đi chùa cúng dường chứ ở đâu ra. Rồi nhiều ngôi chùa lại tìm đủ cách trục lợi từ sự mê tín dị đoạn của người đi chùa, với những hoạt động chẳng khác nào “buôn thần bán Phật”, mà vụ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội hay mức độ lớn hơn, là vụ “thỉnh vong”, cúng “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh chỉ là những “trường hợp bị lộ” mà thôi.

Rồi thì đầu tư cho con cái đi học ở nước ngoài, vì không tin tưởng vào hệ thống giáo dục trong nước, hay như người ta thường nói đùa, đi “tỵ nạn giáo dục”. Con cháu các quan chức cộng sản bây giờ đều đi học ở các nước tư bản có nền giáo dục tiên tiến. Ví dụ như ở Mỹ, số lượng du học sinh VN đứng trong top 15 quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất năm 2016-2017, 2017-2018 (theo Ceoworld Magazine: “Top 15 Countries Of Origin For International Students In The United States In 2016-17”,”, theo trang Statista “Number of international students studying in the United States in 2017/18, by country of origin”). Tin từ trang web của U.S. Embassy&Consulate in Vietnam, số lượng du học sinh tại VN liên tục tăng trong 17 năm “Vietnamese Students in the United States Increase for 17th Straight Year”…

Rồi thì tìm đường ra đi cho chính mình và gia đình theo nhiều cách, với những người giàu thì phổ biến nhất là bỏ tiền đầu tư kinh doanh ở một quốc gia phát triển nào đó nhằm kiếm cái thẻ xanh. Ngay từ trong đám quan chức cộng sản từ trên xuống dưới, không hiếm người có sẵn nhà cửa, cơ ngơi hoặc ngay cả quốc tịch của nước khác, chỉ chờ lúc “hạ cánh an toàn” là…lên đường, hưởng tuổi già ở một quốc gia đáng sống nào đó.

Cho nên số người giàu tăng lên mà đất nước vẫn nghèo, thậm chí nạn chảy máu lao động, chảy máu chất xám, tài năng ngày càng nhiều hơn.

Không ai trách người dân tìm một môi trường sống tốt hơn cho mình và con cái, nhưng điều chua chát là chính các quan chức cộng sản, những người đang ra sức giữ cho cái chế độ thối nát do cha ông họ tạo ra này tồn tại càng lâu càng tốt, để tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ nhân dân và vơ vét tài sản của đất nước, song chính họ cũng lại tìm cách chuồn, để lại sau lưng một đống Rác về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và một đống Nợ cho các thế hệ tương lai.

Cứ nhìn vào tầng lớp người giàu hoặc vừa giàu vừa có quyền lực trong một xã hội, họ là ai, họ làm giàu bằng con đường nào, cách họ sử dụng đồng tiền ra sao, người ta có thể thấy được đất nước đó liệu có thể trở thành một cường quốc giàu mạnh hay không.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/money-for-what-04012019155104.html

 

Tàu hải quân Ấn Độ lại cập cảng Tiên Sa

Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hôm 1/4 đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tăng cường hợp tác quốc phòng và hàng hải.

Báo điện tử Đảng Cộng Sản cho biết tàu tuần tra ICGS VIJIT số hiệu 31 do thuyền trưởng đại tá T Ashish chỉ huy đang có chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng trong 4 bốn ngày với kế hoạch tập trận cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Hãng tin Reuters cũng xác nhận tin này.

Trước khi rời đi vào ngày 4/4, cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ sẽ có buổi diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển.

Theo Dân Trí, chuyến thăm lần này của tàu VIJIT nhằm “thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ” và “đóng góp tích cực vào an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới.”

Tháng 5/2018, ba tàu của hải quân của Ấn Độ cũng đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm 5 ngày như một phần của việc triển khai hoạt động của hạm đội tàu phía Đông của nước này tới các khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương, theo The Hindu.

Tờ nhật báo của Ấn Độ nói rằng hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Vào tháng 1 năm ngoái, lần đầu tiên quân đội của hai nước đã cùng tập trận xong phương ở Jabalpur, cho thấy mối quan hệ quốc phòng của nước này với khu vực ngày càng sâu đậm hơn, vẫn theo The Hindu.

Vào tháng 10 năm ngoái, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CBS 8001 cũng có chuyến thăm tới Ấn Độ trong 5 ngày, theo Dân Trí. Đó là lần đầu tiên một tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chuyến thăm bên ngoài khu vực láng giềng.

Dân Trí nhận định Ấn Độ và Việt Nam có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng cả hai quốc gia cam kết xây dựng một khu vực châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-hai-quan-an-do-lai-cap-cang-tien-sa/4857124.html