Tin Việt Nam – 02/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/04/2017

Indonesia lại đánh chìm tàu cá Việt Nam

Indonesia lại phá hủy tàu cá của ngư dân Việt Nam trong chiến dịch ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép tại ngư trường của quốc gia Đông Nam Á này.

81 tàu của nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, đã bị cho nổ tung tại nhiều địa điểm khác nhau của đảo quốc này hôm 1/4.

Nhiều tàu cá bị phá hủy nhất (26 chiếc) ở Natuna nằm ở dìa Biển Đông, và tiếp theo (10 chiếc) ở cảng biển Tarempa gần đó, theo AP.

Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mạnh tay đối với tình trạng đánh bắt cá trái phép trên lãnh hải nước mình. 317 tàu nước ngoài, kể cả số mới nhất, đã bị đánh chìm kể từ đó.

Trả lời VOA Việt Ngữ cuối năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, cho biết rằng chuyện ngư dân Việt đánh bắt trái phép là một vấn đề được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa bà và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám khi quan chức người Việt thăm Indonesia.

Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài “hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi”, nhấn mạnh rằng “đây là cách tốt nhất”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia”, và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN”.

Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình.

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói.

Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.

Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ: “Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt”.

Ông Thắng nói thêm: “Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.

Tháng trước, kênh ABC của Úc đưa tin, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia.

Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.

Trước đó, gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland vì đánh bắt hải sâm trái phép.

http://www.voatiengviet.com/a/indonesia-danh-chim-tau-ca-viet-nam/3792887.html

 

Đà Nẵng nhìn từ bên kia sông

Đà Nẵng trong những năm gần đây được đánh giá là thành phố có nhiều thay đổi nhất tại Việt Nam.

Từ những tòa cao ốc …

Lãnh đạo thành phố có một số phát biểu tự hào về công cuộc phát triển của thành phố biển miền trung này. Tuy nhiên còn nhiều khu vực ngay trong thành phố, dân địa phương phải sống trong cảnh bần hàn.

Đà Nẵng 10 năm trở lại đây có sự thay đổi rõ rệt khi một số tòa cao ốc đồ sộ mọc lên và phố xá tấp nập kẻ bán người mua. Khách du lịch từ nhiều nơi đổ về, cuộc sống của người dân phố thị nhờ thế cũng khấm khá hơn xưa.

Bác Hải sống tại quận 3, thành phố Đà Nẵng và đã gắn bó với nghề chài lưới ven sông Hàn đã hơn 50 năm nay, chứng kiến sự thay đổi của ĐN và cho biết:

“Mỗi năm nó mỗi khác, nhìn nó đẹp hơn. Thành phố phát triển văn minh, cây xanh sạch đẹp, mình nhìn thấy cũng đã con mắt. Về phương tiện làm ăn thì tàu bè ra vào sắp xếp hợp lý, mình làm nghề cũng thong thả hơn.”

…đến những xóm thật nghèo

Tuy nhiên đối với người đàn ông này thì dẫu ‘đôi bờ không cách xa” nhau là mấy, hiện có sự chênh lệch rất lớn:

“Bên kia là dân thành phố, bên ni dưới biển làm cá, bên nớ Thành phố Đà Nẵng làm và ăn chơi nhiều. Bên ni chăm dưới nước, làm biển dưới nước, ăn chơi ít lắm. Chiều chiều, có hồi đi thả lưới dưới sông, hai vợ chồng ngó cái nhà, ao ước qua, có tiền chứ không tiền làm chi tới được.”

Ông Hải cho biết cuộc sống thực tế của những người dân làm những nghề cào nghêu, giăng lưới trên sông như gia đình ông:

“Thiếu, dư không dư,cứ làm quanh năm suốt tháng, không có dư. Như tháng này là thu nhập không được 100 ngàn một ngày, có ngày chỉ được 50 ngàn hay 70 ngàn. Có khi đậu ở nhà cả tuần lễ luôn. Bão, sóng đập vô bể thuyền.”

Xuôi theo sông Hàn đến cửa vịnh Đà Nẵng, nằm dưới chân cầu Thuận Phước là một làng chài nuôi nghêu. Khác với những hình ảnh thường thấy trên TV về thành phố Đà nẵng, Ở đây, người dân vẫn sống trong những ngôi nhà lụp xụp làm từ gỗ tạp, mái lợp lá dừa, có nhà vẫn không đủ tiền làm vách.

Bà Trần Thị Hoa năm nay đã 71 tuổi, sống tạm trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo với người chồng bệnh tật. Tuy tuổi già sức yếu, nhưng cụ vẫn phải bươn chải để lo miếng ăn hằng ngày và lo thuốc men cho người chồng. Bà kể về gia cảnh và lý do phải lưu lạc ra tận làng này:

“Trước hai vợ chồng còn khỏe thì nuôi cá, làm nghêu, mà nước thải bên nớ qua cá chết quá. Cái rồi hắn lỗ, sau bán nhà trả nợ cho nhà nước hết 100 triệu, rồi cho con. Ông thì đau 6 năm nay. Đêm, một giờ dậy đi lượm chai bao, 3 giờ xuống sông mò nghêu mò ốc.”

Căn nhà mà hai ông bà đang trú ngụ chỉ đủ sức che mưa che nắng, mỗi khi mùa bão lũ ập đến, bà và người chồng phải tạm lánh đi nơi khác để tránh vì căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào:

“Hồi trước nước dâng lên, bão, hư, sụp nhà, làm hoài rứa. Phải sửa lại để ở.”

Bà Hoa, ông Hải là những người dân địa phương gắn bó gần suốt cuộc đời với thành phố biển Đà Nẵng. Nay thành phố đang trong quá trình thay đổi nhưng họ lại thấy dường như bị gạt ra ngoài và tương lai thật bấp bênh.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/danang-viewed-fr-across-the-river-rfa-03312017123754.html

 

Hàng trăm chủ xe

trả tiền lẻ để phản đối trạm thu phí Bến Thủy 1

Cuộc phản đối trạm thu phí qua cầu Bến Thủy 1 nối liền hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An tiếp diễn hôm Chủ Nhật 2 tháng 4, khi hàng trăm chủ xe mang xe hơi ra đậu ở hai đầu cầu. Đặc biệt, lần này nhiều người nộp phí qua cầu nhưng trả bằng tiền lẻ, khiến cho giao thông qua cây cầu bị ách tắc.

Những người phản đối cho rằng việc thu phí qua cầu Bến Thủy 1 là vô lý, vì khi đi qua cầu này, họ không hề đi trên đoạn đường được xây theo mô hình BOT, tức là do công ty bỏ tiền ra xây dựng và thu phí để lấy lại vốn.

Bắt đầu từ 9 giờ sáng, hàng trăm chiếc xe hơi đã tập trung phía Nam cầu Bến Thủy, sau đó họ di chuyển về hướng thành phố Vinh với tốc độ “rùa bò”. Khi đoàn xe đi qua trạm thu phí BOT Bến Thủy 2 thuộc thành phố Vinh, thì tất cả tài xế đưa toàn tiền lẻ như những tờ 200 đồng, 500 đồng, và 1,000 đồng… khiến các nhân viên trạm thu phí mất thêm nhiều thời gian đếm tiền.

Như thường lệ khi nhận được tin có biểu tình phản đối tại cầu Bến Thủy, công an huyện Nghi Xuân và cảnh sát giao thông tỉnh Hà Tĩnh kéo đến hiện trường để tìm cách giải tán đám đông. Tuy nhiên, lần này họ không giải tán được vì đoàn người đi qua cầu và trả phí một cách đúng luật lệ, chỉ có điều họ dùng toàn tiền lẻ.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/hang-tram-chu-xe-tra-tien-le-de-phan-doi-tram-thu-phi-ben-thuy-1/

 

Công Ty Cấp Nước Cà Mau

nợ lương nhân viên gần 1 triệu Mỹ Kim

Công ty chính phụ trách việc cấp nước cho thành phố Cà Mau đang nợ các nhân viên của mình gần 1 triệu Mỹ kim tiền lương, nhưng chưa có cách nào thanh toán.

Mới đây, công ty này nhận được đơn “đòi nợ” của công đoàn với số tiền 22 tỉ đồng, tương đương gần 980,000 Mỹ kim. Theo báo Thanh Niên, vào hôm Thứ Bảy 1 tháng 4, ông Lý Hoàng Trung, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Cấp Nước Cà Mau, xác nhận là công ty đã nhận được “đơn đòi nợ” của công đoàn, đề nghị chi trả các khoản lương, thưởng và phúc lợi mà công ty còn nợ nhân viên lên đến con số vừa nêu. Ông Trung cho biết thêm là công ty “chưa có nguồn nào để trả” số tiền này. Theo ông Trung, đây là số nợ mà công ty đã có từ trước khi được cổ phần hóa.

Theo “đơn đòi nợ” do ông Trần Đức Nhuần, chủ tịch Công đoàn công ty cổ phần Cấp Nước Cà Mau, thì từ năm 2001 đến 2013, công ty Cấp Nước Và Công Trình Đô Thị Cà Mau đã nợ các nhân viên 6.4 tỉ đồng tiền lương, 6.6 tỉ đồng tiền thưởng, và gần 9 tỉ đồng các phúc lợi.

Công ty Cấp Nước Và Công Trình Đô Thị Cà Mau nay đã được tách ra thành hai công ty riêng biệt, là công ty cổ phần Cấp Nước Cà Mau và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi Trường Đô Thị Cà Mau.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/cong-ty-cap-nuoc-ca-mau-no-luong-nhan-vien-gan-1-trieu-my-kim/