Tin Việt Nam – 02/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/03/2018

Tình cảnh nữ tù nhân lương tâm trong trại giam

Hòa Ái, phóng viên RFA

Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người, trụ sở tại Paris, Pháp vừa công bố một phúc trình lên án Việt Nam, trong những năm gần đây gia tăng bắt bớ và kết án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, môi trường, các tín đồ tôn giáo…với tốc độ được gọi là đáng sợ.

Tình trạng của một số nữ tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý hiện nay ra sao?

Các bản án tù nặng nề

Mặc cho các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Tòa án tại Việt Nam, vào hạ tuần tháng 12 năm 2017 tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với bà Nga, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự “tuyên truyền chống nhà nước”.

Bà Trần Thị Nga, một người luôn tranh đấu vì quyền lợi của công nhân trong nhiều năm qua, vì vốn dĩ bà từng bị ngược đãi khi là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu bằng nhiều hình thức. Bà Nga hằng ngày phải đối diện với cảnh bị cản trở trong việc đi lại, bị bắt cóc, bị hành hung đến thương tích. Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu và cho đến ngày xét xử sơ thẩm, gia đình không được thăm gặp bà.

Vào tối ngày 28 tháng Hai, ông Lương Dân Lý, cha của hai đứa bé con bà Trần Thị Nga, cho Đài RFA biết tình trạng trong trại giam hiện tại của bà Nga ra sao:

“Từ hồi xử phúc thẩm đến giờ thì gia đình thân nhân được vào thăm gặp qua cửa nhựa mica, chứ không được chạm người. Trẻ con cũng không được ngồi lòng mẹ đâu, chỉ đứng bên ngoài. Thời gian từ sau khi phúc thẩm thì họ cũng chưa có biểu hiện đối xử gì quá tệ so với trước kia.”

Trong khi đó, nhà hoạt đồng nhân quyền Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đoạt giải thưởng “Phụ nữ Quốc tế can đảm” của Hoa Kỳ năm 2017, bị Chính quyền Hà Hội đối xử mà gia đình của cô cho là “tàn ác và bất nhân” kể từ khi cô bị bắt hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

Cũng giống như tình cảnh của nhà hoạt động Trần Thị Nga, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng từng bị sách nhiễu, bắt bớ. Năm 2009, Blooger Mẹ Nấm bị bắt 10 ngày để thẩm vấn, liên quan đến việc đưa ra những áo thun in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường. Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam vì những nỗ lực của cô trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường, sau khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016.

Ngày 26 Tết, họ cho gọi về. Quỳnh nói ‘mẹ yên lặng nghe con nói vì con chỉ nói được trong vòng 5 phút mà thôi’. Quỳnh dặn rất kỹ ‘Mẹ gửi cho con đồ lạnh vì con rất lạnh. Đồ đạc trại giam chuyển ra bị thất lạc rất nhiều. Con không có đồ’. Khi Quỳnh nói chuyện, cái môi và răng đánh lập cập vào nhau. Bây giờ thì tôi không biết con tôi sống chết ra sao nữa

-Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan

Trong trại giam, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Như Quỳnh đã từng tuyệt thực 15 ngày để phản đối bị dối xử một cách hà khắc, như chế độ ăn uống và không cho mặc đồ lót hay dùng băng vệ sinh. Vài ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Blogger Mẹ Nấm bị chuyển từ trại giam Khánh Hòa đến trại giam ở Yên Định, Thanh Hóa, mà gia đình của cô không được thông báo. Thân mẫu của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan kể với RFA rằng con gái báo qua điện thoại cần đồ ấm và thuốc men:

“Ngày 26 Tết, họ cho gọi về. Quỳnh nói ‘mẹ yên lặng nghe con nói vì con chỉ nói được trong vòng 5 phút mà thôi’. Quỳnh dặn rất kỹ ‘Mẹ gửi cho con đồ lạnh vì con rất lạnh. Đồ đạc trại giam chuyển ra bị thất lạc rất nhiều. Con không có đồ’. Khi Quỳnh nói chuyện, cái môi và răng đánh lập cập vào nhau. Bây giờ thì tôi không biết con tôi sống chết ra sao nữa?”

Vì lo lắng cho sức khỏe của con mình, bà Tuyết Lan gửi bưu điện hơn 10kg đồ, vượt qu định của trại giam là 10kg vì nghĩ rằng số dư sẽ được lưu ký cho lần gửi đồ tháng tiếp theo, như trại giam Khánh Hòa. Thế nhưng, thùng đồ đã bị trại giam Thanh Hóa trả lại với lý do thừa cân. Bà Tuyết Lan nói trong nước mắt với chúng tôi rằng thật là đau xót khi con gái của bà rất cần thuốc men mà trại giam Thanh Hóa cũng trả về, không cho nhận.

Tác dụng của biện pháp cầm tù

Nói đến Trại giam số 5 Yên Định, Thanh Hóa, đây còn là nơi mà nữ tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trải qua 8 năm tù giam, với cáo buộc tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã bị biệt giam 2 lần, bị trại giam cho tù nhân khác đánh. Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng từng tuyệt thực để phản đối cách thức trại giam đối xử với cô. Mẹ của tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Ngọc Minh cho RFA biết những biện pháp Trại giam số 5 đối xử với con gái của bà:

“Chẳng hạn như lúc nào họ cũng cho người trực sinh, để lãnh cơm nước cho mình, bơm nước vào hồ cho mình tắm; nhưng thật sự người trực sinh là người của cán bộ, ngày nào cũng báo cáo với cán bộ rằng mình làm gì, ăn gì, nói chuyện với ai. Họ không cho xem các kênh truyền hình thông thường, mà buộc mình phải xem kênh VTV3 hay Đài Thanh Hóa. Có lần Minh Mẫn uống nước và tạt nước còn thừa qua cửa sổ mà nhỡ trúng vào người cán bộ, vì cán bộ đi tới mà Mẫn không biết. Cán bộ bảo Mẫn tạt nước tiểu ra ngoài và đưa Minh Mẫn đi kỷ luật 10 ngày. 10 ngày giam kỷ luật như vậy thì mình không được tắm rửa. Họ không cho mình ăn cơm với thức ăn của mình được đem vô. Hằng ngày họ chỉ cho ăn cơm trắng với muối.”

Thân nhân của các nữ tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng cho dù nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng bất kỳ biện pháp cay nghiệt nào đi chăng nữa để đối xử với gia đình và bản thân của ba nữ tù nhân này, thì họ vẫn không bị khuất phục để từ bỏ lý tưởng dấn thân tranh đấu vì nhân quyền và các giá trị căn bản của công dân được quy định trong Hiếp pháp Việt Nam.

Đồ ăn đồ uống gì cũng không có. Một bữa ăn, họ cho cơm với một bát canh với 3-4 con cá khô, mà cá khô được nấu chung với nước lạnh và muối, nên chị em ăn không được. Do đó, chị em nhờ người nhà đưa thức ăn vào. Một tháng được tiếp tế thức ăn một lần, mà có khi họ cho đưa vào, có khi không cho
-Cựu tù nhân Mai Thị Tịnh

Trường hợp của ba nữ tù nhân chính trị Đài RFA vừa đề cập phần nào diễn tả hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đang phải gánh chịu trong trại tù, cũng như thân nhân của họ bị ảnh hưởng bởi hành xử của chính quyền hiện nay.

Chúng tôi cũng nhớ đến 4 tù nhân lương tâm vừa mới mãn án tù về nhà, là những phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên, bị 3 tháng tù giam, với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” do lên tiếng đòi quyền lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường biển Formosa. Bà Mai Thị Tịnh, vào tối ngày 28 tháng Hai cho biết cảnh khổ mà 4 người phụ nữ miền quê nghèo vừa trải qua trong Trại giam Thanh Chương, Nghệ An:

“Đồ ăn đồ uống gì cũng không có. Một bữa ăn, họ cho cơm với một bát canh với 3-4 con cá khô, mà cá khô được nấu chung với nước lạnh và muối, nên chị em ăn không được. Do đó, chị em nhờ người nhà đưa thức ăn vào. Một tháng được tiếp tế thức ăn một lần, mà có khi họ cho đưa vào, có khi không cho. Họ cho ra làm đồng, mần cỏ, gánh phân, cuốc đất. Có những người bị sưng tay sưng chân. Còn riêng tôi, thì bị gãy xương tay, là do đi mần cỏ mà đường trơn quá, bị trượt chân và lấy tay chống nên gãy xương tay.”

Bà Mai Thị Tịnh còn cho biết xin phép đi khám vì quá đau sau khi té, nhưng trại giam nói rằng bà Tịnh sẽ mãn án tù trong vài ngày nữa và thủ tục giấy tờ cho đi khám bệnh lâu hơn thời gian đó, nên cái tay bị gãy của bà đã không được chữa trị.

Bốn cựu tù nhân lương tâm ở giáo xứ Đông Yên này nói với RFA rằng họ không được học cao hiểu rộng, không hiểu biết về pháp luật nhiều nên họ không hiểu vì sao bị ở tù và bị đối xử như thế trong trại giam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vietnamese-government-treats-female-prisoners-of-conscience-03012018141726.html

 

Cúng lễ vì mất niềm tin vào ‘cõi dương’?

Minh Thư bbcvietnamese.com

Hiện tượng người dân đi lễ cầu an, giải hạn, cúng bái trong những năm gần đây đang “tăng dần đều” vì người dân mất lòng tin vào ‘cõi dương’ nên tìm chỗ dựa ở ‘cõi âm’, một chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị nói với BBC.

Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua đưa tin vào dịp đầu năm Mậu Tuất, người dân và cả cán bộ nhà nước đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái.

Tiêu biểu là hiện tượng biển người đổ về dự lễ cầu an, chen chân xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng về xin ấn từ 5 giờ sáng ở Đền Trần, Nam Định, theo báo chí Việt Nam.

Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác-Lênin

Thái Lan: tranh hiện đại vẽ lại Phật và thánh thần

TQ cấm đền chùa kinh doanh vì tiền

Lửa cháy Đại Chiêu Tự và câu hỏi ‘kiểm duyệt’

“Đang có một cuộc khủng hoảng trong xã hội về mặt giá trị”, Bà Giang Hà, chuyên gia về ứng dụng minh triết Phương Đông trong quản trị, nói với BBC hôm 2/3.

“Theo tôi, khi người ta cảm thấy mất lòng tin trong cuộc sống có thể nói là ‘dương’, khi người ta không biết bấu víu vào đâu thì người ta đành phải đi tìm kiếm niềm tin ở một thế giới khác – thế giới âm,” bà nhận định

Theo bà, có nhiều người đi lễ ‘theo phong trào’ mà không tìm hiểu nguồn gốc những nghi lễ họ theo đến từ đâu.

Người dân tìm kiếm điều gì khi đi chùa?

Bà Giang Hà cho biết người Việt Nam không những theo đạo Phật và mà còn theo đạo Khổng, đạo Mẫu (đạo nguyên thủy trước khi đạo Phật và đạo Khổng gia nhập vào Việt Nam).

Việc đi thăm đền chùa đầu năm là một hiện tượng chung về mặt tín ngưỡng, văn hóa và đều xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó.

Dẫn câu nói ‘âm thịnh dương suy’, bà Giang Hà nói phong trào đi lễ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có thay đổi về nhận thức giá trị.

“Khi mà ‘dương thịnh’ hay khi người ta cuốn theo những cái đam mê trong công việc, gia đình, người ta hạnh phúc, thì người ta không mất thời gian đi cầu xin nhiều.

“Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa.”Bà Giang Hà

“Người ta chỉ có những chuyến du xuân – vào chùa là đến một nơi thanh tịnh, đi vào đền để ôn lại lịch sử và cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất nơi mình ở, chứ không phải để xin.”

“Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa.”

Khi được BBC hỏi về chuyện một số người dân phong thần cá chép hay quỳ lạy rắn nước nằm trên mộ, bà Giang Hà cho rằng, chuyện đi cầu xin một thế giới “thần thánh”, cái thế giới có lẽ vượt ra ngoài tầm nhận thức của con người, cũng “gần như là tham nhũng”.

“Anh không làm gì mà anh cứ đòi đi xin, đi xin thì một ngày nào đấy anh phải trả”, bà nhận xét.

Cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ làm việc

Mặc dù chính phủ đã có công văn cấm cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ hành chính, truyền thông Việt Nam đưa tin chuyện này vẫn xảy ra, với vụ việc nổi bật nhất là bảy cán bộ Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì làm chuyện này.

Theo bà Giang Hà, đây là do hiền triết phương Đông được áp dụng vào quản trị một cách thái quá: các cơ quan nhà nước chấp nhận tâm linh trong môi trường làm việc.

“Xét về khía cạnh tôn giáo tâm linh, lòng tin là điều rất riêng tư sâu thẳm của cá nhân, anh tin vào đâu là điều của cá nhân anh, không nên mang ra xã hội.”

Nếu cứ lấy thời gian làm việc để đi lễ mong sẽ làm ăn phát đạt, không những công chức mà cả các công ty đều không mang lại hiệu quả.”

Mua thần bán thánh?

Hiện tượng thương mại hóa ở các đền chùa Việt Nam được cho là rất phổ biến.

Sức nóng Hỏa giáo thổi vào Phương Tây

Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo

Xưng tội và Tự phê có gì giống nhau?

Phật giáo Làng Mai và cơ hội trở lại

Theo các báo Việt Nam, người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.

Còn tại Đền Trần (Nam Định), các hòm công đức đã được dựng sẵn ngay phía trước các điểm phát ấn và những ai muốn được phát ấn ‘tự hiểu’ họ phải bỏ tiền vào hòm công đức.

Bình luận về hiện tượng này với BBC, bà Giang Hà nhận định các cơ quan truyền thông chính thống, mạng xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chịu trách nhiệm rất lớn vì ở đây có liên quan đến việc “thao túng lòng tin của nhân dân để kiếm tiền”.

Theo bà, những cơ quan này phải có vai trò lên tiếng, giáo dục, cảnh tỉnh người dân để chống lại mê tín và chuyện mua thần bán thánh một cách công khai lộ liễu.

“Tu tại tâm”

Bà Giang Hà cho rằng những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là “tu tại tâm”.

“Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó.”

“Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội.”Bà Giang Hà

Bà kêu gọi giới truyền thông, những người trí thức và trường học nên giúp người dân và học sinh có hiểu biết về triết học và tôn giáo, không phải là triết học Mác Lê Nin khô cứng, mà về những giá trị trong xã hội.

Thời gian qua, chính các tờ báo Việt Nam lại tập trung giới thiệu các nghi thức như “Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất” (VietnamNet), hay “Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn?” (Tiền Phong).

Theo bà Giang Hà, hiện sống tại Paris nhưng thường về Hà Nội, thì:

“Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội.”

“Họ nên làm những điều tốt cho môi trường, cho xã hội và nên tự đi tìm niềm đam mê khác để cân bằng lại và tìm ra giá trị của cuộc sống,” bà Giang Hà nói với BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43257900

 

Blogger Phạm Đoan Trang

phải ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn

Tác giả cuốn ”Chính Trị Bình Dân,” bà Phạm Đoan Trang nói rằng bà bị quản thúc tại gia và phải tìm nơi ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn về cuốn sách bị cấm phát hành, theo bản tin của hãng AFP từ Hà Nội.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho biết bà bị nhân viên an ninh câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ vào thứ Bảy về ”Chính Trị Bình Dân”, cuốn sách gần đây nhất của bà, bị cấm phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách này bao gồm nhiều phần về ý niệm dân chủ và tư tưởng chính trị.

Bà cho biết hôm thứ Năm là sẽ tiếp tục thúc đẩy dân chủ trong một chính quyền độc đảng.

Blogger Đoan Trang ‘bị tạm giữ vì cuốn sách nhạy cảm’?

Bà Đoan Trang nhận giải nhân quyền của Czech

VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền

Cảnh sát mặc thường phục bao vây nhà bà ở Hà Nội sau khi bà thả trả tự do cho bà trễ hôm Thứ Bảy, cựu nhà báo này nói với hãng thông tấn AFP.

“Tôi đã trốn thoát … đó là một phép lạ,” bà nói từ một nơi ẩn náu không được tiết lộ tại Việt Nam, và thêm rằng bà đã trở thành mục tiêu vì cuốn sách phát hành năm 2017, mà bà gọi là sách giáo khoa, khoa học chính trị.

“Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đơn giản là không thích ai cố ý làm điều gì tỏ ra hợp pháp hơn họ, xứng đáng hơn họ để nắm giữ quyền lực,” bà nói.

Cựu nhà báo Phạm Đoan Trang trước đây từng bị giam ở Việt Nam, nơi thường xuyên giam giữ các blogger, luật sư và những người bất đồng chính kiến, hay chỉ trích chính quyền.

Chính quyền bảo thủ Việt Nam, từ năm 2016, đã bị buộc tội siết chặt, bắt giữ và kết án hàng chục các nhà hoạt động.

Bà Phạm Đoan Trang, 39 tuổi, người theo hãng thông tấn AFP, từ lâu đã là một cái gai nhọn trong mắt của chính quyền, vì những điều bà viết về dân chủ và việc làm về thảm hoạ môi trường ở trung phần Việt Nam năm 2016, một thảm họa đã gây ra nhiều cuộc biểu tình hiếm hoi trên khắp đất nước,

Tổ chức nhân quyền People in Need ở Prague, tháng trước cho biết sẽ trao giải cho Phạm Đoan Trang về hoạt động của bà.

‘Bị lùng bắt như săn thú’

Tối hôm 1/3, nhà hoạt động đã đăng lên trang cá nhân của mình nói rằng bà ‘cảm động, cảm ơn và… bối rối khi được nhiều bà con cô bác khen là “anh hùng’, ‘anh thư’..”

Và đặt câu hỏi:

“Vì sao một nhà nước luôn tự nhận là ‘của dân, do dân, vì dân’, mà thấy một cuốn sách có tên ‘Chính trị bình dân’ thì vội vàng tịch thu nó và lùng bắt tác giả chẳng khác gì săn thú vậy?”

Trang đã bị giam giữ hơn một tuần lễ trong năm 2009 sau khi bà bị cáo buộc là lên kế hoạch in áo thun với những thông điệp gây tranh cãi, điều bà phủ nhận.

Mặc cho nhiều nguy cơ bị bắt giữ, bà Phạm Đoan Trang vẫn thề sẽ tiếp tục lên tiếng.

“Tôi cảm thấy ý muốn viết nhiều thêm mãnh liệt hơn, tôi không thể im lặng,” bà nói, và thêm rằng sẽ nhất định ở lại quê hương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết năm ngoái ít nhất 24 nhà hoạt động đã bị kết án tại Việt Nam, và 28 người khác bị bắt, biến 2017 thành một trong những năm khắc nghiệt nhất của những người bất đồng chính kiến.

Khi được hỏi về trường hợp của bà hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị “trừng phạt theo pháp luật Việt Nam “.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm đúng nghĩa vụ của mình,” bà nói với báo giới.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43254205

 

Kêu gọi hành động khẩn cấp

cho nhà hoạt động môi trường phản đối Formosa

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International hôm 28/2 kêu gọi hành động khẩn cấp cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, người phản đối Formosa gây thảm họa biển tại Việt Nam nhưng bị chính phủ Hà Nội kết án tù 14 năm.

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi những người quan tâm viết thư ngay đến cho các cấp thẩm quyền Việt Nam về trường hợp anh Hoàng Đức Bình.

Thư gửi trước ngày 10 tháng 4 năm nay đến các vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm các ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Bộ Trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

Nội dung thư yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, hủy bỏ cáo buộc đối với tù nhân lương tâm này vì chỉ thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến.

Trong khi chờ đợi anh Hoàng Đức Bình được trả tự do, Amnesty cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo không có hành vi tra tấn, ngược đãi đối với anh Bình và cho phép người anh được tiếp cận thân nhân, luật sư cũng như được chăm sóc y tế đầy đủ.

Ngoài ra Amnesty cũng yêu cầu ngưng ngay mọi hình thức sách nhiễu, đàn áp, trừng phạt những nhà bảo vệ nhân quyền, giới hoạt động ôn hòa.

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình bị tòa án huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An kết án 14 năm tù hôm ngày 6 tháng 2 vừa qua, với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ làm phương hại lợi ích nhà nước’.

Anh Hoàng Đức Bình còn là phó chủ tịch của tổ chức xã hội dân sự độc lập Phong Trào Lao Động Việt chuyên lên tiếng cho quyền lợi của giới công nhân tại Việt Nam.

Trong một số trường hợp anh còn thực hiện các live-stream và viết blog chỉ trích mạnh mẽ biện pháp tàn bạo của công an đối với những người biểu tình chống Formosa gây thảm họa môi trường cho vùng biển miền Trung Việt Nam.

Lực lượng công an bắt anh Hoàng Đức Bình vào ngày 15 tháng 5 năm ngoái khi anh đang đi cùng linh mục Nguyễn Đình Thục, một người ủng hộ tích cực cho các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/maximum-prison-sentence-for-anti-formosa-activist-03022018085615.html

 

Bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ

có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Hai dự án khai thác và chế biến quặng bô-xit lớn của Việt Nam là dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều chậm tiến độ, thường xuyên xảy ra sự cố, và thiết bị xuống cấp, nên vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường gửi Bộ Công thương về việc đánh giá hiệu quả thí điểm hai dự án bô-xit nêu trên và được mạng báo Tuổi Trẻ loan đi ngày 2 tháng 3.

Hai dự án vừa nêu do tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và Trung Quốc là nhà thầu.

Bộ Tài Nguyên- Môi Trường nêu rõ trong báo cáo rằng sau một thời gian triển khai, nhiều thiết bị của hai nhà máy đã xuống cấp, bao gồm cả thiết bị xử lý môi trường. Vì vậy bộ này cho rằng hai dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường phức tạp.

Ngoài ra, Bộ TN-MT còn cảnh báo nhà đầu tư, tức Tập Đoàn Than- Khoáng Sản VN phải lưu ý chất lượng thiết bị do nhà thầu cung cấp, tức là phía Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho biết trong suốt thời gian hoạt động, dự án Tân Rai đã xảy ra ba lần sự cố và Nhân Cơ là bốn lần, lý do được nói là vì lỗi kỹ thuật do chất lượng công trình.

Một vấn đề khác cũng được nêu lên là cả hai dự án đều chậm tiến độ 2 năm, làm cho công trình bảo vệ môi trường cũng bị chậm theo.

Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng, là hai dự án khai thác bô-xit trọng điểm của Việt Nam.

Ngay khi thông tin về việc triển khai các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên được đưa ra, nhiều vị nhân sĩ- trí thức, giới khoa học và môi trường lên tiếng mạnh mẽ không được triển khai vì nguy cơ ô nhiễm, phá hủy môi trường, nền văn hóa bản địa, không hiệu quả về kinh tế và cả vấn đề an ninh quốc gia.

Thế nhưng chính phủ Hà Nội cho rằng đó là chủ trương lớn của đảng cộng sản Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environment-ministry-warns-potential-pollution-by-two-major-bauxite-projects-03022018085058.html

 

Việt Nam bị xếp hạng thấp về thượng tôn pháp luật

Dự án Công lý Thế giới (World Justice Project) vừa công bố “Chỉ Số Thượng Tôn Pháp Luật” của thế giới năm 2017-2018 qua đó cho thấy Việt Nam tụt 7 hạng so với năm 2016, xếp hạng 74 trên 113 quốc giá được đánh giá.

Cụ thể theo báo cáo Việt Nam chỉ đạt điểm số 0,5; xếp hạng 74. So với Trung Quốc, Việt Nam cao hơn 1 hạng (75). Trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, Việt Nam  xếp thứ 11/15, và ở vị trí 10/30 nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng trên thế giới lần lượt là Singapore 13, Malaysia 53, Indonesia 63, Thái Lan 71, Philippines 88, Myanmar 100, Cambodia 112…

Dự án Công lý Thế giới thực hiện bản báo cáo dựa trên hơn 100.000 khảo sát đối với người dân và chuyên gia tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ về các quy định của pháp luật được thực thi như thế nào trong từng tình huống cụ thể, hàng ngày.

Điểm số dành cho mỗi quốc gia được dựa trên 44 yếu tố trong 8 nhóm gồm: kiểm soát quyền lực chính phủ, không có tham nhũng, chính phủ minh bạch, các quyền căn bản, trật tự và an ninh, khả năng chấp pháp, công bằng dân sự và luật hình sự.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-gets-low-ranks-in-the-rule-of-law-03022018092355.html

 

Cần Thơ lập tổ xử lý tại các trạm BOT

Ủy Ban Nhân dân thành pố Cần thơ vừa cho thành lập tổ xử lý an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết tin này hôm 2/3.

Phó chủ tịch Đào Anh Dũng của thành phố Cần Thơ ký quyết định thành lập đơn vị được gọi là ‘tổ xử lý và phân công nhiệm vụ giải quyết các vấn đề có liên quan đến tình hình mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí giá dịch vụ sử dụng đường bộ’ trên địa bàn thành phố này.

Thống kê cho thấy tại thành phố Cần Thơ hiện có 3 trạm BOT là Trạm thu giá hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng Quốc Lộ 1 đoạn Cần Thơ- Phụng Hiệp; Trạm thu giá hoàn vốn T1, T2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 9.

Không riêng tại các trạm thu phí BOT ở thành phố Cần Thơ mà nhiều nơi khác ngay tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng như trên toàn cõi Việt Nam, giới tài xế và người dân lâu nay phản đối việc đặt sai vị trí các trạm cũng như mức phí bất hợp lý.

Giới tài xế sử dụng một số biện pháp để phản đối như dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm… Tại một số nơi, cơ quan chức năng điều lực lượng công an, cảnh sát chống bạo động đến với mục tiêu được nói giữ gìn an ninh, trật tự.

Chính phủ Hà Nội còn cho rằng có thế lực kích động giới tài xế và người dân phản đối các trạm thu phí BOT; trong khi đó những người phản đối cho rằng họ lên tiếng vì những bất hợp lý xâm hại đến quyền lợi của người dân, đòi hỏi công bằng mà thôi

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/can-tho-sets-up-bot-tackling-team-03022018091843.html

 

Việt Nam xem lại dự luật về hội ‘do áp lực quốc tế’

Một nhóm các các cựu đại biểu quốc hội Việt Nam hôm 1/3 đã tổ chức một hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội sau nhiều lần quốc hội Việt Nam trì hoãn chưa thông qua. Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam xem đây là một tín hiệu mừng, nhưng họ vẫn hoài nghi về những cam kết của Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Phong trào Lao động Việt – một hội độc lập bảo vệ người lao động nhưng chưa được công nhận tại Việt Nam, cho VOA biết rằng việc Việt Nam xem xét lại dự luật về hội là do sức ép của quốc tế, cụ thể là Liên minh châu Âu (EU) sắp ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Tôi nghĩ việc xem lại dự luật về hội là do áp luật quốc tế. Các hội bất đồng chính kiến hoàn toàn không được phép thành lập.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Đại diện Phong trào Lao động Việt

“Tôi nghĩ việc xem lại dự luật về hội là do áp luật quốc tế. Vì trong những cuộc họp với EU và các lãnh sự, đại sứ quán nước ngoài, họ luôn đề cập đến quyền tự do lập hội đối với công dân tại Việt Nam. Từ trước đến nay, quyền này luôn luôn bị hạn chế, quyền tự do lập hội do nhà nước quy định, phải xin phép và trải qua sự kiểm soát rất gắt gao. Các hội bất đồng chính kiến thì hoàn toàn không được phép thành lập.”

Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với Việt Nam, EU nhiều lần lên tiếng rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, quyền lao động và quyền lập hội.

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, từng bị chính quyền và công an cấm đoán hoạt động và vào đầu năm 2018 đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử phạt14 năm tù giam.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh nói thêm rằng bà vẫn hoài nghi về những cam kết của Việt Nam:

Nếu như Việt Nam cho thành lập hội nhóm theo áp lực của quốc tế có khả năng họ không bao giờ tuân thủ theo các hiệp ước quốc tế. Trong quá khứ chúng ta biết rằng họ đã hạn chế rất nhiều trong hoạt động của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam, họ sử dụng những ngôn từ để đánh tráo khái niệm, ví dụ công nhân không hề biết được thế nào được gọi là nghiệp đoàn độc lập, mà họ dùng nghiệp đoàn cơ sở, làm mất đi tính độc lập của nghiệp đoàn.”

Nếu như Việt Nam cho thành lập hội nhóm theo áp lực của quốc tế có khả năng họ không bao giờ tuân thủ theo các hiệp ước quốc tế.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh

Bà Hạnh còn cho biết các hội đoàn nhà nước còn đặt ra các quy định riêng nhằm kiểm soát bất cứ cá nhân hay hội nhóm nào có khuynh hướng độc lập.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng viết trên tờ Today Cali News rằng việc Việt Nam xem xét lại luật về hội là một tin đáng khích lệ dành cho giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền Việt Nam, sau khi “giới chóp bu Việt Nam đã buộc phải nhân nhượng EU, ít nhất trên phương diện hứa hẹn.”

Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam tổ chức.

Báo Vnconomy dẫn lời ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13, phát biểu tại hội thảo này này cho biết: “Dự thảo Luật quy định quyền lập hội của công dân còn khiêm tốn.”

Trong khi đó báo chí Việt Nam nói rằng hiện nay các hội ở trong nước nói có xu hướng phát triển đa dạng, tính đến hết 2017 có khoảng 68 ngàn hội.

Luật về Hội đáng lẽ đã được thông qua vào cuối năm 2016, nhưng bị hoãn lại vì còn nhiều ý kiến khác nhau, đa số cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.

Vào tháng trước, tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã tổ chức phiên họp xem xét tình hình tiến triển của Hiệp định EVFTA.

Tháng rồi, trang Borderlex cho biết Việt Nam và EU đổ lỗi cho nhau về việc trì hoãn phê chuẩn EVFTA. EU cương quyết yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước về Tổ chức Lao động Quốc tế về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức.

Đại sứ Việt Nam tại EU Vương Thừa Phong đáp lại rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước này vào năm 2019 và 2020 và nói thêm rằng: “Chúng tôi tôn trọng cam kết của chúng tôi.”

Thông báo của Tòa đại sứ Việt Nam tại Brussels viết: Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ phối hợp với Việt Nam hoàn thiện văn bản EVFTA trước cuối tháng 3 năm nay để chính thức trình Hội đồng châu Âu thông qua, sau đó Hiệp định sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn trong 6 tháng cuối năm 2018.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-xem-lai-du-luat-ve-hoi-do-ap-luc-quoc-te/4277581.html

 

Việt, Ấn tăng cường quan hệ quốc phòng

đối phó với TQ

Hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải dự kiến sẽ đứng đầu nghị trình chuyến thăm ba ngày tới Ấn Độ trong tuần này của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, vào lúc cả hai nước cùng tăng cường quan hệ đối tác để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Quang bắt đầu thăm Ấn Độ hôm 2/3, và dự kiến sẽ họp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông cũng sẽ gặp các thành viên khác của chính phủ.

Người ta hiểu rằng Biển Đông sẽ là một chủ đề thảo luận chính, là vấn đề “vẫn còn rất phức tạp”, theo lời Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành được báo chí Ấn Độ trích dẫn. Hai nước cũng dự kiến sẽ ký một hiệp định về hợp tác hạt nhân dân sự và thảo luận cách thức để tăng cường quan hệ thương mại.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Ấn Độ PTI trước chuyến thăm, ông Quang kêu gọi tăng cường quan hệ hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời xác định quốc phòng, an ninh và thương mại là những lĩnh vực hợp tác chiến lược hiệu quả.

Một số người ở Ấn Độ coi Việt Nam là một đối trọng chiến lược với Trung Quốc, đồng thời cảm thấy Hà Nội cũng cần New Delhi để bảo vệ lợi ích của mình.

Ông Pankaj Jha, giáo sư ngành nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, nói: “Việt Nam gắn kết với Ấn Độ theo một cách thức cởi mở hơn, do có quan ngại [về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc], với an ninh hàng hải, công nghệ quốc phòng, sản xuất quốc phòng và cấp tín dụng” là những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ song phương.

Vị giáo sư này hiện làm việc tại Đại học OP Jindal Global, một đại học tư, và là cựu giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Ấn Độ về Các vấn đề Thế giới.

Giáo sư Jha nói ở Biển Đông, Việt Nam có cơ sở hạ tầng tối thiểu và muốn có hoạt động huấn luyện, trang thiết bị và trợ giúp từ Ấn Độ. “Họ muốn có khả năng giám sát điện tử ở các đảo để có thể tự báo trước cho bản thân trong trường hợp Trung Quốc có hành động phiêu lưu”, ông Jha nói.

Việt Nam, theo ông, cũng có liên hệ ở mức độ nhất định đến “bộ tứ” – là nhóm đối thoại an ninh 4 bên gồm Ấn Độ, Nhật, Úc và Mỹ. “Nhóm bộ tứ là một sự bảo hiểm trước bất kỳ cuộc phiêu lưu nào của Trung Quốc. Với việc Nhật Bản và Ấn Độ [hai nước mà Hà Nội có quan hệ thân thiết] là thành phần bộ tứ, Việt Nam có triển vọng rất tích cực trong tương lai”.

Ấn Độ cũng quan ngại về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, và đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản, dường như để chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của ông Quang, Việt Nam sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân 8 ngày do Ấn Độ tổ chức từ ngày 6/3. Các bên tham gia sự kiện hai năm một lần này ở quần đảo Andaman và Nicobar còn bao gồm Úc, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Thái Lan, Sri Lanka, Singapore, Bangladesh, Indonesia và Campuchia.

(Nikkei, Hindustan Times)

https://www.voatiengviet.com/a/viet-an-tang-cuong-quan-he-quoc-phong-doi-pho-voi-tq/4277485.html

 

Chờ đợi gì trong chuyến thăm Ấn Độ

của ông Trần Đại Quang ?

Thụy My

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đến Ấn Độ hôm nay 02/03/2018, và theo The Diplomat, có rất nhiều vấn đề được đề cập đến trong chương trình của cả hai bên. Trong chuyến viếng thăm này, Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác nguyên tử dân sự, và triển khai một cảng ở tỉnh Nghệ An.

Mặc dù Việt Nam tham gia dự án Diễn đàn Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc vào tháng 5/2017, Hà Nội vẫn quan ngại về các động cơ chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là tại Biển Đông.

Việt Nam phản bác yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này, còn Bắc Kinh phản đối các hoạt động thăm dò của tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC (Oil and Natural Gas Corporation) Videsh Limited ở Biển Đông. Dù Ấn Độ không hề có đòi hỏi chủ quyền tại đây, nhưng tuyến đường biển này rất quan trọng cho thương mại hai chiều với Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương.

Một trong những cột trụ của chính sách đối ngoại Ấn Độ dưới thời chính phủ ông Modi, là « Chính sách Hành động Phương Đông », nhằm thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á và Đông Á. Việt Nam là nhân tố chủ chốt của chính sách này (trước đó được gọi là « Chính sách Hướng Đông »).

Hà Nội rất quan trọng đối với nỗ lực của New Delhi nhằm tiếp cận các nước trong khu vực, bên cạnh các kế hoạch tăng cường kết nối với các quốc gia thành viên ASEAN. New Delhi đang xây dựng xa lộ Ấn Độ-Miến Điện-Thái Lan, dự kiến hoàn thành năm 2019, sẽ nối liền với các tuyến đường sẵn có tại Việt Nam.

Hồi tháng Giêng, lãnh đạo các nước ASEAN đã đến New Delhi dự lễ Quốc khánh – kỷ niệm ngày thành lập Cộng Hòa Ấn Độ, chứng tỏ các nước Đông Nam Á đang xích gần lại với Ấn Độ hơn.

Chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là một sự đáp lễ thân thiện với việc thủ tướng Ấn Narendra Modi thăm Hà Nội năm 2016. Trong chuyến viếng thăm này, New Delhi đã cho Việt Nam vay 500 triệu đô la để mua thiết bị quốc phòng. Hơn nữa, thông cáo chung trong dịp này đã nhấn mạnh « Việt Nam và Ấn Độ, với tư cách Nhà nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cổ vũ tất cả các bên chứng tỏ sự tôn trọng tối đa UNCLOS, công ước đã thiết lập trật tự pháp lý quốc tế trên biển và đại dương ».

Tuy nhiên không phải mọi việc đều mang màu hồng trong mối quan hệ đang tiến triển này. Trên đấu trường kinh tế, hai nước còn rất nhiều việc  phải làm. Thương mại giữa New Delhi và Hà Nội còn rất khiêm tốn, mặc dù đôi bên đã định ra mục tiêu là đến năm 2020 lượng trao đổi sẽ đạt 15 tỉ đô la. Để so sánh, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2017 lên đến 93,8 tỉ đô la.

Thêm vào đó, quan hệ giữa các cá nhân đôi bên vẫn chưa chặt chẽ. Chủ tịch Trần Đại Quang lần này sẽ đi thăm Bodh Gaya – nơi thái tử Tất Đạt Đa đắc đạo – mang ý nghĩa lớn lao trong việc kết nối Phật giáo hai nước. Dù vậy số du khách từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại đều khá ít ỏi.

Tuy có những thông tin nói rằng Việt Nam muốn mua hỏa tiễn BrahMos của Ấn, New Delhi dường như hiện vẫn chưa quyết định.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ phải chứng kiến việc Trung Quốc thâm nhập sâu vào những láng giềng của mình, từ Nepal, Sri Lanka, hay mới nhất là Maldives. Từ nay rất có thể New Delhi sẽ lật ngược thế cờ, tiến vào những nơi lâu nay vốn là sân sau của Bắc Kinh.

The Diplomat kết luận, trong lúc quan hệ Ấn-Việt đang tiến triển nhanh trên mọi lãnh vực, điều quan trọng cho cả hai bên là vượt qua được những thách thức phải đối mặt, để đạt được tầm mức tương xứng với tiềm năng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180302-cho-doi-gi-trong-chuyen-tham-an-do-cua-ong-tran-dai-quang