Tin Việt Nam – 01/12/2018
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy tuyên bố
không kháng cáo
Tin Buôn Hồ, Đắk Lắk – Ngày 01/1/2018, nhà hoạt động nhân quyền và cây viết chính trị sắc sảo Huỳnh Thục Vy tuyên bố không kháng cáo bản án 33 tháng tù giam mà Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ mới kết án cô trong ngày 30/11/2018.
Huỳnh Thục Vy cho hay việc không kháng cáo không phải là cô thừa nhận bản án, mà là do cô không muốn mất thời gian vào việc tranh cãi với một chính quyền muốn buộc tội cô bằng mọi giá.
Như tin đã đưa, trong phiên xử ngày 30/11 tại một địa điểm của một trụ sở Uỷ ban nhân dân phường thay vì ở trụ sở của Toà án thị xã, cô đã bị kết án 2 năm 9 tháng tù giam về tội danh “xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 276 của Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, cô không phải thi hành án ngay mà chờ cho đến khi con của cô hơn 3 tuổi.
Trước phiên toà vài ngày, Vy nói cô đang mang thai 8 tuần tuổi của đứa con thứ hai. Con gái đầu của cô hiện nay 26 tháng tuổi.
Việc kết án Huỳnh Thục Vy gặp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng trong nước và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Tổ chức Human Rights Watch ra thông cáo nêu rõ quyết định bỏ tù cô Huỳnh Thục Vy chỉ vì hoạt động xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng cho thấy mức độ cực đoan của biện pháp tấn công vào các nhà hoạt động và giới bloggers. Tổ chức này nêu rõ Việt Nam thực sự đứng ở cuối bảng những quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề tôn trọng nhân quyền.
Trước phiên toà một ngày, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với cô. Tổ chức này cho rằng đây là một cáo buộc lố bịch.
Huỳnh Thục Vy là một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật ở Việt Nam. Cô là một trong những đồng sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền, và là đồng Chủ tịch của Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập.
Cô còn là tác giả của nhiều bài báo về nhân quyền, và một cuốn sách dài về dân chủ và nhân quyền “Nhận định Sự thật.”
Cô là con gái đầu của cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, người bị án tù 10 năm vì những bài viết về dân chủ và nhân quyền.
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-huynh-thuc-vy-tuyen-bo-khong-khang-cao/
Chủ công ty tố cáo hải quan và thuế CSVN cướp
Tin Sài Gòn, Việt Nam – Chủ một công ty tố cáo, sau khi ông nộp tất cả thuế cho lô hàng của mình mới nhập cảng về thì liền bị cơ quan hải quan CSVN giữ lại 4 chiếc máy. Sau đó, nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn liền tịch thu 4 chiếc máy và không hoàn trả lại tiền thuế cho ông.
Ngày 01 tháng 12 năm 2018 báo Thanh Niên loan tin, tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, một chủ công ty cho biết, tháng 1 năm 2017, ông nhập về lô hàng 15 chiếc máy kéo, ông phải nộp thuế cho tất cả số máy này là khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng sau đó, chỉ có 11 máy kéo được thông quan, 4 máy còn lại trị giá 6,5 tỷ đồng bị hải quan chặn lại.
Công ty đã làm việc với đối tác và kiến nghị cơ quan chức năng cho tái xuất 4 máy này nhưng nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn lại có quyết định tịch thu. Vì vậy, công ty vừa mất máy vừa không nhận được tiền hoàn thuế. Khi ông nói rằng đây là chính sách “bắn nhầm còn hơn bỏ sót” thì liền bị ban tổ chức ngắt lời, không cho nói tiếp, rồi gặp riêng ông hơn 30 phút.
Theo đại diện cơ quan hải quan CSVN tại Sài Gòn, Thông tư năm 2015 và 2016 thì máy kéo không phải chịu thuế, nhưng trên thực tế thì hải quan vẫn thu thuế của các công ty. Cũng tại Hội nghị này, chủ một công ty khác tố cáo, công ty ông đã cổ phần hoá hơn 10 năm nay, nhưng 3 năm trở lại đây, Kiểm toán nhà nước mới vào đối chiếu thuế trong khi có nhiều hồ sơ công ty đã tiêu huỷ theo sự cho phép của quy định luật pháp. Đã có nhiều chủ công ty tố cáo cơ quan chức năng của nhà cầm quyền CSVN gây khó, khiến việc kinh doanh bị thất thoát tiền bạc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chu-cong-ty-to-cao-hai-quan-va-thue-csvn-cuop/
Thuyền nhân Việt Nam trở lại Des Moines
gặp lại người ơn sau 40 năm
Tin Des Moines, Iowa – desmoinesregister.com vừa có bài kể lại câu chuyện cảm động nhân mùa lễ Tạ Ơn năm nay, nói về cựu thuyền nhân Việt Nam trở lại Des Moines để gặp người ơn của 40 năm về trước.
Thuyền nhân Kỳ Phan Lương lúc đó 12 tuổi, một trong 400,000 người Việt Nam chạy trốn khỏi chế độ áp bức của CSVN. Khi đặt chân đến Hoa Kỳ và hoàn tất chương trình trung học, ông được trường đại học UC Los Angeles cấp học bổng để nghiên cứu về hệ thống tưới nước. Lương trở thành kỹ sư cơ khí, giúp các nông dân trồng trái cây miền nhiệt đới. Hiện nay Kỳ Phan Lương 52 tuổi, đang nuôi cá và trồng rau quả trên 305 mẩu tây ở tiểu bang vàng California. Đến Iowa lần này, ông cứ ngỡ mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Tháng 12 của 40 năm trước, Lương được thống đốc Robert Ray chào đón cùng với nhiều người tị nạn Việt Nam khác. Nhưng ông đã phải sống suốt 2 tháng trời trong cái lạnh khắc nghiệt mà không có máy sưởi cho đến khi cùng với các đồng hương điền đơn khiếu nại. Hiệu trưởng trường Longfellow Elementary cho Lương theo học lớp karate miễn phí để tự bảo vệ khi bị nhóm học sinh bản xứ bắt nạt. Lương may mắn được bà Jan Fleming, một nhà văn và cựu giáo sư trường Longfellow cùng với các con trai giúp ông hoà nhập xã hội mới bằng nhiều cách, kể cả việc đưa đến thư viện thường xuyên.
Lúc đó, 51% người Iowa phản đối nhưng thống đốc Ray vẫn tiếp tục chính sách tiếp nhận người tị nạn, tuyên bố rằng ông không thể ngồi yên nhìn thấy người tị nạn Việt Nam chết dần mòn. Lương cho rằng người dân địa phương bài bác di dân vì hiểu lầm. Họ không hiểu rằng người tị nạn đến vùng đất tự do để cùng góp sức xây dựng đất nước chứ không gây phiền phức cho xã hội. Ông gặp lại bà Jan Fleming lần này để tỏ lòng biết ơn, và được bà đưa đến tận phi trường để trở về lại Nam California với tình cảm tràn đầy.
https://www.sbtn.tv/thuyen-nhan-viet-nam-tro-lai-des-moines-gap-lai-nguoi-on-sau-40-nam/
Việt Nam: Vận động trưởng thôn làm Đảng viên
Nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam đang có phong trào vận động trưởng phó thôn làm Đảng viên Cộng sản, theo truyền thông trong nước.
Riêng tại Thủ đô Hà Nội, hiện còn hơn 3.000 người không phải là đảng viên, trong tổng số 7.970 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, theo Dân Trí.
Chính quyền Hà Nội do đó vừa có chỉ đạo cho các cấp xã, phường, thị trấn “đánh giá vai trò của những trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không phải là đảng viên này”.
Bỏ Đảng, bỏ Đoàn sẽ thành phong trào?
GS Chu Hảo tuyên bố ‘từ bỏ Đảng CS’
Nghệ sỹ Kim Chi tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản
Có thêm các trí thức ‘bỏ Đảng’ sau vụ TS Chu Hảo
Sau đánh giá, nếu đủ điều kiện, các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đó sẽ được kết nạp làm thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, các Đảng viên Cộng sản có uy tín, năng lực, sức khỏe sẽ được “bố trí, giới thiệu” để “ứng cử” chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội được dẫn lời trên Dân Trí hôm 30/11 rằng thành phố “phải có chính sách tuyên truyền vận động” để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vào Đảng Cộng sản.
Phong trào cả nước?
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác trên toàn Việt Nam cũng đang có những cuộc vận động để “khắc phục tình trạng trưởng thôn không phải Đảng viên”.
Tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thì tới gần 500 người không phải Đảng viên.
Nhiều huyện, số trưởng thôn không phải Đảng viên chiếm đa số. Như ở huyện Sơn Tịnh, có tới 40 trong số 61 trưởng thôn không phải là Đảng viên.
Hay như ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, có tới 60 tổ trưởng dân phố, trưởng thôn không phải Đảng viên trong tổng số 142.
Hoặc ở Quy Nhơn, hiện có 151 thôn, khu phố, trong đó có 86 trưởng thôn, trưởng khu phố thì có tới 64 người chưa phải Đảng viên, theo Báo Bình Định.
Lý do được cho là suốt một thời gian dài, công tác cán bộ ở thôn, tổ dân phố chưa được quan tâm.
Ngoài ra, còn có lý do là khi địa phương giới thiệu Đảng viên ra ứng cử chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì những người này lại còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên chưa có uy tín, bài báo trên tờ Quảng Ngãi cho hay.
Cách khắc phục được địa phương đưa ra là “phân loại, nắm chắc chất lượng trưởng thôn”. Trường hợp đủ điều kiện thì kết nạp Đảng, nếu không thì sẽ “từng bước thay thế”.
Ngoài ra còn có các biện pháp khác như “tuyên truyền, giác ngộ” cho đội ngũ trưởng thôn.
“Hiện nay, các cấp ủy trong tỉnh đang tập trung khắc phục tình trạng này, tiến tới thực hiện linh hoạt mô hình bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận,” báo Quảng Ngãi cho hay.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bắc Giang thậm chí đã có đề án “nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, khu phố” từ năm 2011 – 2015.
Chính quyền thành phố Quy Nhơn cũng cho hay đang phấn đấu và lập kế hoạch để “sang năm 2019, 100% tổ trưởng dân phố là Đảng viên”.
Cả nước hiện có tới 41,1% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên. Việc này gây khó khăn trong truyền đạt các chủ trương, nghị quyết của chi bộ tới người dân, theo Tạp chí Xây dựng Đảng năm 2017.
Bộ Nội Vụ từ năm 2012 đã có thông tư chỉ đạo các cấp xã, phường, thị trấn phải “rà soát” và sắp xếp lại cho phù hợp để “kiện toàn các tổ chức trogn hệ thống chính trị”.
Mạng xã hội nói gì?
Thông tin trên truyền thông chính thông của Việt Nam về cuộc vận động trưởng thôn, tổ trưởng dân phố làm Đảng viên được đăng tải rộng rãi chỉ ít lâu sau các vụ việc Đảng Cộng sản công khai tuyên bố xóa tên một số trí thức như GS Chu Hảo, tiếp đó là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn Trà Huỳnh Tấn Vinh.
Mới đây nhất, là vụ báo Thanh Niên cho thôi chức 13 cán bộ, phóng viên không phải Đảng viên Cộng sản.
Cùng với đó là làn sóng bỏ Đảng trong giới trí thức, với các nhân vật có tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, PGS TSKH Mặc Văn Trang, v.v…
Mạng xã hội ngay lập tức có các bình luận quanh vấn đề này:
Facebooker Phùng Chí Kiên: “Định dùng bọn này lấp vào chỗ Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang… ư? Vậy là đủ hiểu cái đảng Cộng sản Việt Nam nó thế nào. Đúng là “cẩu vĩ tục điêu”!
Facebooker Thanh Ton: Không lẽ đảng, đảng viên giờ đã xuống cấp thê thảm dữ vậy sao?
“Vận động tổ trưởng, trưởng thôn vào đảng”… mà lỡ họ không thèm vào; họ còn bảo giờ mấy người tốt, tài đức, lý lịch bà đời và từng là cán bộ cấp cao, thứ trưởng, tổng biên tập báo này báo nọ như mấy ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc… còn công khai bỏ đảng ra dân hết, thì đảng lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn tình độ, tài năng, đạo đức, uy tín… chẳng đâu vào đâu vô đảng để làm cái gì.
“Hay là thấy đảng viên đã ăn sạch hết, phá nát hết… tài nguyên, ngân khố; lòng tin trong nhân dân cũng cạn kiệt hết rồi nên giờ tình lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn vô cho đông để thế mạng?”
Facebooker Phạm Đăng Quỳnh: “Ngoài tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, Đảng cần kết nạp hết các chú dân phòng, dân quân tự vệ. Bảo đảm trung thành và sai đâu đánh đó.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46410261
Hà Tĩnh: lại xuất hiện hình ảnh giết khỉ trên Facebook
Dư luận ở Việt Nam vào ngày 1/12 lại bất bình khi phát hiện hình ảnh một con khỉ bị thui trên một tài khoản facebook có tên Cậu Ba Nguyễn Đức, được cho là từ Hà Tĩnh.
Trước đó, vào ngày 25/11, một video trên một facebook khác cũng từ Hà Tĩnh cho thấy một nhóm người giết một cn khỉ và ăn óc sống. Video đã gây bất bình trong dư luận và công an phải vào cuộc.
Truyền thông trong nước hôm 1/12 trích lời ông Nguyễn Mậu Đại, Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động, chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, cho biết, người đăng hình con khỉ bị thui được xác định ở xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà.
Công an xã Thạch Thanh xác nhận với báo chí người đăng hình là Nguyễn Đức Chinh, 27 tuổi, trú tại thôn Chương Bình, xã Thạch Thanh.
Ông Lê Ngọc Cường, Trưởng công an xã Thạch Thanh cho biết, sau khi nắm bắt được sự việc, công an xã đã tìm gặp nhưng thanh nhiên này không có ở nhà. Công an cho biết Chinh chụp ảnh con khỉ bị giết hại rồi lên trang facebook tại một nhà hàng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Những hình ảnh về chú khỉ bị giết hại đã bị kéo xuống khỏi facebook sau 3 tiếng.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam, người nào săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm bị phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng, hoặc phạt từ từ một năm đến năm năm.
Việt Nam đã tha gia Công ước Quốc tế về cấm buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán các bộ phận của động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra, theo cảnh báo của quốc tế.
Cảnh báo về các khoản vay ODA của Trung Quốc
Hòa Ái, phóng viên RFA
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cho thấy nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc dành cho Việt Nam cao gấp đôi các quốc gia khác. Thêm vào đó, hầu hết các dự án có nguồn vốn ODA tại Việt Nam đều đến từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cảnh báo về thực trạng vừa nêu.
Lãi suất cao gấp đôi
Tờ Economictimes của Ấn Độ, vào ngày 29 tháng 11, đăng tải thông tin Việt Nam gia tăng quan ngại về những khoản vay vốn ODA của Trung Quốc với mức lãi suất cao và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các quốc gia khác tài trợ cho Việt Nam.
Trong báo cáo trình Thủ tướng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài năm 2018-2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu ra số liệu vốn vay ODA của Trung Quốc thường có lãi suất 3%/năm với điều kiện chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Mức lãi suất này cao hơn mức lãi vay ODA của Nhật Bản từ 0,4% đến 1,2% tùy vào thời hạn vay, hay của Hàn Quốc từ 0% đến 2% tùy theo điều kiện đấu thầu, hoặc của Ấn Độ là 1,75%/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, trong một lần trao đổi với RFA về thực trạng các nguồn vốn vay ODA tại Việt Nam cho biết những gói tài trợ giúp Chính phủ Việt Nam phát triển gọi là ODA thường kèm theo lợi ích của quốc gia tài trợ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh nguyên tắc này cũng áp dụng với Trung Quốc khi họ đưa ra các gói ODA cho hạ tầng cơ sở cũng như những lĩnh vực kinh tế khác:
Hiện nay Trung Quốc cũng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cho nên còn rất nhiều những tàn dư, những góc khuất, những mặt tối. Rất nhiều cán bộ Việt Nam bị tha hóa cho nên bị những đối tác đấy mua chuộc, dẫn đến những hậu quả
-Tiến sĩ Ngô Trí Long
“Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, hoặc phải mua nguyên vật liệu của họ. Đây là điều xảy ra thông thường.Vấn đề là chúng ta chấp nhận được đến đâu.”
Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn cho biết trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ rằng vốn vay từ Trung quốc phải chịu phí cam kết 0, 5%, phí quản lý 0,5% trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung quốc (China Eximbank) cung cấp.
Mặc dù vậy, các dự án và công trình phát triển quốc gia tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA hầu hết đến từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới, từ Pháp quốc lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm ngạc nhiên, vì:
“Ngân hàng Ngoại thương của Trung Quốc thông thường cho vay với mức lãi suất rất thấp, bởi vì mục đích của nó là để được trúng thầu để làm những công trình xây dựng và lắp ráp theo trong khuôn khổ của cái gọi là ‘Sáng kiến Một vành đai-Một con đường”. Nhưng nếu Việt Nam vay với mức lãi suất cao hơn của ngân hàng các nước khác thì điều đó có gì không bình thường. Và, đối với Trung Quốc thì những cái bình thường xảy ra nhiều lắm. Thường thì Trung Quốc hay sử dụng biện pháp mua chuộc, hối lộ, lợi dụng các quan chức tham nhũng để có được các hợp đồng về xây dựng và lắp ráp.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Ngô Trí Long từng khẳng định với RFA rằng có tình trạng tham nhũng của giới chức Việt Nam trong quá trình hợp tác với Trung Quốc:
“Khác với các nước phương Tây, luật pháp rất nghiêm. Hiện nay Trung Quốc cũng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cho nên còn rất nhiều những tàn dư, những góc khuất, những mặt tối. Rất nhiều cán bộ Việt Nam bị tha hóa cho nên bị những đối tác đấy mua chuộc, dẫn đến những hậu quả.”
Hậu quả nghiêm trọng?
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết không ít dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, mà điển hình nhất là Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn gấp hai lần, lên đến gần 870 triệu đô la Mỹ (USD) và 4 lần xin lùi tiến độ, kéo dài thi công trong 10 năm vẫn chưa hoàn chỉnh theo hoạch định sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn đưa ra số liệu 1/3 trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, trong đó có Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc giai đoạn 2, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên…đều sử dụng vốn vay từ Trung Quốc.
Một số các chuyên gia kinh tế mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cùng khẳng định Việt Nam sẽ phải lãnh hậu quả khôn lường trong bối cảnh tiếp tục tình trạng vay vốn ODA từ Trung Quốc như thế, vì Bắc Kinh đang có xu hướng xuất khẩu công nghệ lạc hậu trong các lãnh vực nhiệt điện chạy than, sản xuất thép…và Việt Nam trở thành nơi để chứa các công nghệ lạc hậu này. Ông nguyễn Gia Kiểng nhận định:
Gần đây, tôi có cảm giác rằng hình như các lãnh đạo của Chính quyền Việt Nam…đã ý thức được sự lố lăng quá đáng của những hợp đồng đến từ Trung Quốc và do đó họ cũng có khuynh hướng giảm bớt. Chẳng hạn như nhà máy thép ở Ninh Thuận bị dừng lại không làm nữa, các dự án về 16 lò điện nguyên tử cũng bị bỏ luôn, chắc là không bao giờ làm lại nữa rồi 3 đặc khu mà trong đó sự thực là để làm những khu công nghiệp của Trung Quốc với triển vọng rất cao là sẽ trở thành những tô giới, nhượng địa của Trung Quốc thì cũng bị khựng lại
-Ông Nguyễn Gia Kiểng
“Nếu Việt Nam tiếp tục đi trên con đường này thì chắc chắn dẫn tới thảm kịch. Gần đây, tôi có cảm giác rằng hình như các lãnh đạo của Chính quyền Việt Nam, tôi không muốn nói họ là những người có tinh thần trách nhiệm, đã ý thức được sự lố lăng quá đáng của những hợp đồng đến từ Trung Quốc và do đó họ cũng có khuynh hướng giảm bớt. Chẳng hạn như nhà máy thép ở Ninh Thuận bị dừng lại không làm nữa, các dự án về 16 lò điện nguyên tử cũng bị bỏ luôn, chắc là không bao giờ làm lại nữa rồi 3 đặc khu mà trong đó sự thực là để làm những khu công nghiệp của Trung Quốc với triển vọng rất cao là sẽ trở thành những tô giới, nhượng địa của Trung Quốc thì cũng bị khựng lại.”
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ là xu hướng vay vốn ODA và ưu đãi nước ngoài vẫn cần thiết trước nhu cầu đầu tư 35-40% hoặc cao hơn để Việt Nam có tốc độ tăng bình quân 6-8% giai đoạn tới.
Đài RFA nêu vấn đề với một số chuyên gia kinh tế liệu rằng có dấu hiệu lạc quan Việt Nam sẽ thận trọng hơn và cân nhắc kỹ lưỡng về các khoản vay ODA của Trung Quốc trong tương lai, giống như ghi nhận của nhà quan sát Nguyễn Gia Kiểng hay không, thì được giới chuyên gia đưa ra lời cảnh báo rằng Việt Nam phải nhắm đến việc nâng cao uy tín của mình trên thế giới, trước lời phát biểu của Trung Quốc là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc. Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định “Nếu Việt Nam không cảnh giác thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế.”
Việt, Nga đẩy mạnh phát triển
các dự án hợp tác năng lượng ở Biển Đông
Việt Nam và Nga đang thắt chặt hợp tác kinh tế với các dự án phát triển dầu khí trên Biển Đông giữa lúc cả hai nước đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại. Trong khi Việt Nam cố chống lại áp lực kinh tế từ nước láng giềng phương Bắc giữa cuộc tranh chấp lãnh hải gay gắt ở Biển Đông, thì Nga hình như cũng đang tiến hành một “chính sách hướng Đông” của chính mình, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang bị tác động nặng nề bởi các biện pháp chế tài của các nước phương Tây để trừng phạt việc Moscow sáp nhâp bán đảo Crimea của Ukraine. Nhưng những dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nga để phát triển các tài nguyên dầu khí ở Biển Đông có thể gây phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, và lệnh cấm vận của các nước Tây phương cũng cản trở việc hoàn tất các dự án chung khác.
Khoảng trung tuần tháng 11 năm 2018, Thủ Tướng Dimitry Medvedev sang Hà nội gặp vị tương nhiệm Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dịp này, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết của hai nước sẽ hợp tác để phát triển các dự án khai thác năng lượng ở Biển Đông, bên cạnh một số hình thức hợp tác kinh tế khác.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng tại cuộc họp với lãnh đạo Nga, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp chỉ trích các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói các nước nên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và với sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Vẫn theo báo chí trong nước thì ông Medvedev đã hưởng ứng lời kêu gọi đó của ông Phúc.
Tập đoàn dầu khí quốc gia do nhà nước sở hữu, Petro Vietnam, và tập đoàn sản xuất khí đốt lớn nhất của nhà nước Nga, Gazprom, đồng ý cùng hợp tác để khai thác khí đốt tại các giếng trên thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông. Ông Medvedev nói ông hy vọng là với sự hợp tác của công ty dầu khí quốc gia của hai nước, các quan hệ song phương sẽ được củng cố.
Tuy nhiên dự án khai thác chung đã bị đình lại do những phản đối dữ dội từ Trung Quốc, nước đã xây các cơ sở quân sự trong khu vực và tuyên bố hầu hết Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình.
Trong bối cảnh đó, Hà nội ngày càng cảm thấy bất an về mức độ lệ thuộc quá nặng nề vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đó là một trong những động lực khiến Việt Nam tích cực tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga và nhiều nước khác.
Nga cũng đang tìm cách thắt chặt các quan hệ với Việt Nam để tìm một chỗ đứng ở Đông Nam Á. Hà nội vẫn cho rằng Nga và Việt Nam có “quan hệ đặc biệt 7 thập kỷ”. Từ năm 2012, quan hệ Việt-Nga được miêu tả là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong những năm gần đây, hai bên đã có các cuộc thăm viếng cấp cao. Ngoài chuyến đi thăm Hà nội mới đây của Thủ Tướng Medvedev, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã lần lượt đi thăm Nga. Tổng Thống Putin đã tới thăm Việt Nam 5 lần, gần đây nhất là năm 2017, khi ông đến dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng.
Nhưng bất chấp Nga là “đối tác truyền thống rất quan trọng” của Việt Nam -như lời Tổng Bí Thư Trọng, và bất chấp Việt Nam là một trong những nước mua vũ khí nhiều nhất của Nga, Nga không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Các quan hệ thương mại được đánh giá là “chưa tương xứng với quan hệ chính trị”. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 chỉ đạt 3,55 tỷ USD, một số liệu không đáng kể so với các đối tác thương mại khác của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tuy tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên.
Lãnh đạo hai nước cho rằng cần khai thác tiềm năng đó hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch mậu dịch song phương tới 10 tỉ đôla vào năm 2020. Mục tiêu này sẽ còn tùy thuộc vào một số yếu tố.
Tình trạng các siêu dự án Việt-Nga bị đình trệ là điều đáng quan tâm, theo Câu lạc bộ Valdai, một tổ chức phi lợi nhuận Nga quy tụ các học giả Nga, các think-tank quốc tế, các giáo sư các đại học lớn của thế giới và các nhà nghiên cứu đến từ 71 nước. Valdai đơn cử dự án xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đã bị đóng băng từ năm 2016, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, xúc tiến từ năm 2014, tới giờ vẫn chậm tiến độ vì bị ảnh hưởng của lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt đối với nhà thầu của dự án là Power Machines của Nga…
Vì thế, theo Câu lạc bộ Valdai, trong năm 2019, kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, hai nước sẽ còn vấp phải một số trở ngại, mà muốn khắc phục, cần một “hướng tiếp cận chiến lược”.
Nước Nga và dầu khí ở Biển Đông
Kính Hòa RFA
Vào ngày 19/11/2018 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam, và hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Nội dung cuộc hội đàm này được báo chí Việt Nam đăng tải, trong đó có nói tới việc tiếp tục xúc tiến việc khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và lãnh thổ Liên Bang Nga. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhắc đến những xung đột ở Biển Đông, và mong muốn các bên tranh chấp thương lượng với nhau một cách hòa bình. Tuy nhiên ông không nêu đích danh Trung Quốc là quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền nhiều nhất ở đây, với đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, chiếm 90% diện tích Biển Đông.
Tờ báo về kinh tế của Nhật Bản Nikkei, vào ngày 30/11 đưa lại những thông tin này, đề cập tới tên Trung Quốc trong việc bành trướng ở Biển Đông, và nói rằng những hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nga trên vùng biển này có thể gặp phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore cho rằng lập luận của Nikkei không đầy đủ:
“Việt Nam và Nga hợp tác với nhau trong thềm lục địa Việt Nam thì không có ngại gì Trung Quốc cả. Gần đây nhất, hồi tháng 9, Trung Quốc họ phản đối công ty dầu của Nga là Rosneft khai thác với Việt Nam. Nga nói rằng công ty dầu của họ báo cáo với chính phủ là họ khai thác trong vùng biển của Việt Nam, và Chính phủ Nga đã chấp nhận báo cáo đó.”
Lô dầu khí này nằm trong thềm lục địa Việt Nam, gần quần đảo Trường Sa.
Nhưng nếu như khu vực Việt Nga khai thác chung nằm trong đường lưỡi bò do Trung Quốc vạch ra mà lại là thềm lục địa Việt Nam, hay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì phản ứng của Nga thế nào?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng trong trường hợp đó Nga ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Việt Nam và Nga hợp tác với nhau trong thềm lục địa Việt Nam thì không có ngại gì Trung Quốc cả.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế ở đây được hiểu là tính từ đất liền Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc, kéo dài rất xa đất liền Trung Quốc, đồng thời các đảo đá và bãi cạn ở Trường Sa và Hoàng Sa lại không được công ước quốc tế về luật biển xem là những điểm mốc để có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng tại sao cũng cùng địa điểm mà Rosneft tiến hành khai thác với Việt Nam, công ty Tây Ban Nha Repsol trước đó đã bỏ cuộc hợp tác với Việt Nam dưới áp lực của Trung Quốc? Ông Hà Hoàng Hợp giải thích rằng đây là một áp lực ở mức độ công ty, vì Repsol có cổ phần, chi nhánh tại Trung Quốc.
Ngay sau khi có tin Bắc Kinh phản đối Rosneft vào cuối tháng 5/2018. Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ có nói với đài RFA rằng Nga sẽ im lặng không trả lời, đồng thời vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam.
Sự hợp tác của Nga với Việt Nam trong vấn đề năng lượng tại Biển Đông được tờ Nikkei cho rằng đem lại cho Nga một số lợi ích, đó là tạo được cầu nối cho nước này tại Đông Nam Á, giảm bớt khó khăn do bị Mỹ và phương Tây cấm vận, bớt lệ thuộc về thương mại với Bắc Kinh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bổ sung rằng Nga và Việt Nam đã chia nhiều lợi nhuận từ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông trong mấy chục năm qua.
Một nhà nghiên cứu Biển Đông là Thạc sĩ Hoàng Việt đồng ý với những phân tích của tờ Nikkei. Tuy vậy theo ông mong muốn thực tế của nước Nga về những lợi ích của mình trong khu vực đôi khi có thể tương phản với những phát ngôn của chính phủ Moscow về chủ quyền tại vùng này:
“Những tuyên bố của Chính phủ Nga thì nó lập lờ. Có lúc họ cần, họ cũng đánh tiếng ủng hộ Trung Quốc một phần nào. Đó là vấn đề về chính trị. Còn trong thực tế thì họ cần, và với những liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam như vậy, thì Nga vẫn cương quyết không rút ra khỏi những cái mỏ ấy mặc dù có sức ép từ Trung Quốc.”
Có một vấn đề khác được đặt ra nữa là Việt Nam có được lợi gì hơn hay không khi hợp tác với Nga để khai thác dầu khí, thay vì với các đối tác phương Tây? Mà theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người Nga cũng không muốn có sự hiện diện nhiều của người Mỹ trong khu vực này.
Trong thực tế thì họ (Nga) cần, và với những liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam như vậy, thì Nga vẫn cương quyết không rút ra khỏi những cái mỏ ấy mặc dù có sức ép từ Trung Quốc.
-Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng:
“Rất khó mà có thể so sánh được hợp tác như thế nào có lợi hơn. Nhưng trước mắt hợp tác với Nga thì có thể yên tâm hơn, vì Nga không chấp nhận một quốc gia nào khác nhảy vào và nói một cách vô lối rằng đó không phải là của Việt Nam. Nga cũng như Hoa Kỳ là những quốc gia không chấp nhận một sự dọa nạt vô lối nào.”
Ông Hoàng Việt cũng đồng ý như vậy, và có bổ sung một ví dụ là mỏ khí đốt Cá Voi xanh được Việt Nam hợp tác khai thác với một công ty Mỹ là Exo Mobil ngoài khơi Đà Nẵng. Việc hợp tác Việt Mỹ tại đây cũng được cho là bị Trung Quốc gây sức ép vì nằm trong đường lưỡi bò của họ, nhưng Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết việc tiến hành chuẩn bị khai thác mỏ khí này vẫn diễn tiến tốt đẹp.
Ông Hoàng Việt nói tiếp rằng Việt Nam chủ trương đa phương hóa việc hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông để không lệ thuộc nhiều vào một quốc gia nào. Và việc hợp tác dầu khí này, theo ông Hoàng Việt, không chỉ là dầu khí mà còn là vấn đề chính trị phía sau, và làm như vậy Việt Nam có thể tạo nên một sự cân bằng giữa các cường quốc trong khu vực.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-russia-oil-east-sea-11302018123345.html
Cảnh sát Đức bố ráp các tiệm nail của người Việt
tìm bắt di dân lậu
Tin Fulda, Cộng Hoà liên bang Đức – Theo thoibao.de, cảnh sát Đức tiếp tục truy lùng người Việt Nam làm việc chui tại các tiệm làm móng ở Fulda. Tin này nói có 3 người Việt Nam bị bắt trong một cuộc bố ráp diễn ra tại thành phố này hồi tuần qua, trong đó có 1 vị thành niên.
Tại một tiệm làm nail khác ở Berlin, cảnh sát bắt một phụ nữ 23 tuổi làm việc chui. Bà chủ tiệm cũng bị bắt về tội trốn thuế.
Thoibao.de nói rằng một số người Việt Nam kinh doanh không tuân thủ quy định pháp luật, chẳng hạn như không lắp đặt máy tính tiền, cũng không công khai sổ sách. Nhân viên thuế vụ tại địa phương tìm thấy hàng ngàn euro giấu trong ngăn kéo trong tiệm và kể cả túi quần của bà chủ tiệm nail. Biên bản của cảnh sát cũng nói rằng một số chủ tiệm nail sẵn sàng nhận di dân lậu làm việc để trả thù lao rẻ mạt.
Song Châu
https://www.sbtn.tv/canh-sat-duc-bo-rap-cac-tiem-nail-cua-nguoi-viet-tim-bat-di-dan-lau/