Tin Việt Nam – 01/12/2017
EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm
Liên minh châu Âu (EU) nhắc lại mong muốn Việt Nam thả bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “ngay lập tức và vô điều kiện” sau phiên phúc thẩm giữ y án 10 năm tù.
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11, một ngày trước khi có Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội.
Bàn tròn thứ Năm: Phúc thẩm Mẹ Nấm và bình luận của LS Lê Công Định, Lê Văn Luân
Bàn tròn BBC: Mẹ Nấm ra tòa và đạo luật ‘Magnitsky toàn cầu’
Chiều 30/11, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ra thông cáo.
“Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia.”
“Gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra.”
Đại sứ Bruno Angelet cũng nói: “Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các ĐSQ thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án.”
Ông nói EU sẽ nêu lại trường hợp Mẹ Nấm và một số người khác tại phiên họp ở Hà Nội.
Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” trong phiên sơ thẩm.
Tuy “vụ án được xét xử công khai” nhưng có ghi nhận bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Như Quỳnh, không được ngồi trong phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua TV.
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên nên không thể tham gia bào chữa cho bà Như Quỳnh, được ghi nhận ngồi gần khu vực tòa án.
Cơ hội giảm án ‘mong manh’ cho Mẹ Nấm?
Việc xử lý LS Đôn ‘tạo tiền lệ rất xấu’
Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ
‘Không tranh luận lại’
Hôm 30/11, trả lời BBC từ Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Khánh Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong phiên phúc thẩm (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), nói: “Tòa y án sơ thẩm 10 năm tù giam.”
“Bản án này không nằm ngoài dự đoán của luật sư. Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ thân chủ nhưng bản án tuyên thế nào là do Hội đồng Xét xử quyết.”
“Trong phiên tòa, các luật sư đưa ra một số chứng cứ cho thấy bà Như Quỳnh vô tội nhưng có cái thì Viện Kiểm sát tranh luận yếu ớt, cái thì không tranh luận lại.”
Luật sư Thành cho biết thêm: “Trước tòa, bà Như Quỳnh nói rất rạch ròi, nhận một số hành vi và nói bà chỉ thể hiện quyền công dân chứ không có ý chống lại nhà nước.”
“Bà cũng nói rằng nếu xử những người nêu ý kiến bất đồng thì quê hương sẽ không được phát triển.”
‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’
Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?
Mỹ ra phúc trình nhân quyền Việt Nam 2016
Dân biểu Mỹ lo ngại về nhân quyền Việt Nam
Điểm báo: ‘VN mạnh tay hơn vì Trump lơ là nhân quyền’
Hôm 30/11, thông cáo của bà Caryn McClelland, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi đến BBC viết: “Tôi quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ “Tuyên truyền chống nhà nước.”
“Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa.”
“Bà Như Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này. Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.”
“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Như Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù.”
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật: “Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. “
Trước phiên xử phúc thẩm bà Như Quỳnh, thì hôm 27/11, một blogger khác là Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, cũng bị kết an 7 năm tù giam với cùng tội danh, “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Ông Hóa từng viết nhiều bài về thảm họa cá chết do chất thải độc hải Formosa thải ra biển miền Trung vào năm ngoái.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42147957
Anh Quốc kêu gọi thả ngay Mẹ Nấm
Đại sứ Anh, ông Giles Lever vừa bày tỏ sự thất vọng của chính phủ Anh trước tin toà án tại Việt Nam giữ nguyên án tù 10 năm trong phiên phúc thẩm blogger Mẹ Nấm.
Trong tuyên bố gửi cho báo chí hôm 1/12/2017, một ngày sau khi bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị bác đơn kháng cáo, ông Lever viết:
“Chính phủ Anh vô cùng thất vọng về việc đơn kháng cáo của cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, đã bị bác bỏ và bản án 10 năm tù cho blogger này vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’, vẫn giữ nguyên.
Bàn tròn thứ Năm: Phúc thẩm Mẹ Nấm và câu chuyện giáo dục VN
Người Việt thờ ơ dân chủ và thích quân đội?
Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh Mẹ Nấm
Nhân quyền tại VN sẽ tốt hơn khi Mỹ rời TPP?
Trần Anh Kim lại bị tù vì ‘lật đổ chính quyền’
“Chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc là một lần nữa đại diện của cộng đồng quốc tế đã không được phép tham dự phiên tòa.
“Chúng tôi không chấp nhận rằng việc bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền về những vấn đề liên quan đến mối quan tâm lo lắng của quảng đại công chúng lại bị coi là tội phạm,” ông Lever nhấn mạnh.
Hình sự hóa tự do biểu đạt là không phù hợp với Hiến pháp 2013 của Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam là một bên tham giaTuyên bố của Đại sứ Anh
Đại sứ Anh cũng thay mặt chính phủ của ông “phản đối mọi nỗ lực quy kết những hoạt động như vậy là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”.
“Hình sự hóa tự do biểu đạt là không phù hợp với Hiến pháp 2013 của Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia, đặc biệt là Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR).”
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại các chính sách của mình trong vấn đề này, và thả ngay Mẹ Nấm cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác,” tuyên bố của Đại sứ Giles Lever viết.
Một số báo Anh hôm 01/12/2017 đã đưa tin về vụ xử Mẹ Nấm và nói việc bác bỏ đơn kháng cáo của bà diễn ra đúng một ngày trước Đối thoại Nhân quyền EU- Việt Nam mà Anh Quốc đóng vai trò quan trọng.
Đối tác chiến lược
Hơn bảy năm trước, vào tháng 12/2010, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Anh lên đối tác chiến lược, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện.
Đại sứ Anh: ‘Việt Nam cần công nhận vai trò của NGO’
Kể từ đó, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh hơn về nhiều mặt, từ kinh tế đến giáo dục, quốc phòng, du lịch.
Hãng hàng không Vietnam Airlines sau đó đã lập được đường bay thẳng từ Việt Nam sang London.
Con số sinh viên Việt Nam du học tại Anh cũng tăng lên đều.
Anh ‘muốn tăng hợp tác thương mại với VN’
‘Mạng lưới Việt-Anh’ tin tưởng vào cơ hội từ Brexit
Dân Việt trả bao nhiêu để vào lậu nước Anh?
Gần đây nhất, đặc sứ của chính phủ Anh trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại với Chính phủ Việt Nam, nghị sỹ Edward Vaizey cho rằng Việt Nam là một đất nước “năng động, kỳ diệu” với nhiều tiềm năng mà nhiều người Anh chưa biết tới.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 2,399 tỷ USD, tương đương cùng kì năm 2016. Nhập khẩu từ Anh và Việt Nam đạt 341,5 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kì năm trước.
Anh Quốc cũng chú ý nhiều đến công tác bảo vệ động vật hoang dã và cấm buôn bán sừng tê, ngà voi từ châu Phi sang Việt Nam.
Bản quyền hình ảnh Chris Jackson Image caption Hoàng tử William của Anh Quốc thăm Hà Nội tháng 11/2016 để vận động bảo vệ động vật hoang dã
Riêng mảng nhân quyền thì quan hệ “đối tác chiến lược” này vẫn không tiến triển quá thực trạng mỗi bên cứ nêu quan điểm của riêng mình.
Cũng hồi tháng 12/2016, vụ việc về bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng một loạt các nhà vận động khác tại Việt Nam đã được nêu ra trong đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam ở Brussels.
Anh Quốc cùng EU tiếp tục các đối thoại nhân quyền hàng năm với chính phủ Việt Nam.
Riêng về phía Anh, Báo cáo về quyền con người và dân chủ 2016 (Human Rights and Democracy: the 2016 Foreign and Commonwealth Office report), do Bộ trưởng Boris Johnson công bố ngày 20/07/2017, nêu tên Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là ba nước “tiếp tục có hành động siết chặt quyền biểu đạt chính trị và phê phán chính quyền”.
Việt Nam tiếp tục có hành động siết chặt quyền biểu đạt chính trị và phê phán chính quyềnBộ Ngoại giao Anh
Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cùng năm 2017 nói “các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”.
Dù khác biệt về quyền con người, Anh Quốc vẫn tiếp tục các dự án giáo dục, chống thiên tai giúp Việt Nam và truyền thông Anh Quốc, từ đài BBC đến hãng tin Reuters, vẫn đón tiếp các đoàn nhà báo từ Việt Nam tham quan và học hỏi.
Trên trang của Đại sứ quán Anh ở Hà Nội, một trong những sự kiện mới đây nhất về quan hệ hai nước là dự án ‘Communicating in a disaster’ được giải Newton Prize, trao cho hai nhà nghiên cứu người Việt về công trình thông tin liên lạc trong bối cảnh thiên tai.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42194226
Việt Nam: ‘Minh bạch là thang thuốc tốt nhất’
Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra lời khuyên để Việt Nam thu hút đầu tư và nói về sự khác biệt về thể chế và luật pháp giữa hai nước.
Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC, ông Robert Orr cũng bình luận về vai trò của Hoa Kỳ khi không tham gia các hiệp định mậu dịch song phương cũng như về cá nhân Tổng thống Trump trong nỗ lực cầm lái về kinh tế cho đất nước.
BBC: Lần đầu tiên trong hai thập niên, Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ hiệp định mậu dịch quốc tế nào. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ đúng là Hoa Kỳ hiện không tham gia vào hiệp định mậu dịch đa phương nào, do chính phủ đang đẩy mạnh việc tham gia các thỏa thuận song phương. Tôi nghĩ điều này là có vấn đề vì tôi nghĩ các hiệp định đa phương là hướng đi mà cả thế giới đang theo đuổi. Và nếu Hoa Kỳ không đi theo hướng này, có nghĩa là khả năng lãnh đạo của chúng tôi sẽ giảm sút.
BBC: Tổng thống Trump đồng thời là một doanh nhân, một tỉ phú. Điều này có thể giúp Hoa Kỳ về kinh tế trong chừng mực nào đó hay không?
Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào thành tích kinh doanh của ông Trump để biết được là có giúp phần nào hay không. Và thành tích kinh doanh ấy cũng không có gì quá ấn tượng. Bản thân tôi cũng là lãnh đạo doanh nghiệp nên tôi thấy cảm kích với một doanh nhân thật sự và theo tôi doanh nhân như vậy sẽ phải chú tâm nhiều hơn vào tiềm năng hợp tác đa phương. Bởi vì nếu không làm vậy thì ta tự loại ta ra ngoài. Và tôi chưa thấy bất kỳ điều gì thể hiện rằng kinh nghiệm kinh doanh của ông Trump có thể giúp đất nước chúng tôi.
TPP được ‘trợ thở phút chót’ ở Đà Nẵng
Tổ chức APEC, Việt Nam được gì?
BBC: Một trong những điều mọi người thường nói là các hiệp định thương mại quốc tế giúp các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia, bỏ lại những nhóm được cho là yếu thế ở phía sau.
Tôi nghĩ đó là quan ngại lớn đối với TPP ngay từ khi người ta mang hiệp định này ra đàm phán vì đúng là những người yếu thế đối diện nhiều khó khăn nhất. Nhưng tôi nghĩ rốt cùng, đây là việc sẽ giúp mang lại nhiều chuyển biến và sự hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp hơn khi hợp tác với nhau và cho tương lai. Và chúng ta có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề đó. Nhưng nếu không có cơ chế đa phương như vậy, họ sẽ không thể đạt được bất kỳ điều gì. Theo tôi đây là vấn đề.
BBC:Việt Nam đã và đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và làm việc với các đối tác như Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam khác nhau về nhiều mặt bao gồm thể chế và hệ thống luật pháp. Vậy cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi nên được hiểu thế nào?
Tất nhiên rồi. Đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ hợp tác với một quốc gia châu Á có cơ cấu luật pháp rất khác mình. Tôi đã dành nhiều thời gian tại Nhật Bản. Có thể thấy là lúc ban đầu khi Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản, đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, và hai bên đã đến với nhau. Ngày nay hai thế giới này có giống hệt nhau không thì câu trả lời là không.
Nhưng khả năng làm việc chung, cho dù có nhiều khác biệt về cơ cấu thể chế, rõ ràng có thể xảy ra. Tôi không nghĩ đây là một trở ngại thật sự. Tôi nghĩ chúng ta cần làm việc để vượt qua những khác biệt, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ có thể giải quyết được.
BBC: Nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho chính phủ Việt Nam, ông sẽ nói điều gì?
Công khai. Theo tôi sự minh bạch là yếu tố tốt nhất, là thang thuốc tốt nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện điều đó, tôi đã dành 30 năm cho Nhật Bản để biến điều này thành hiện thực. Nhưng nó đang bắt đầu xảy ra. Tôi tin đây chính là chìa khóa của sự thành công.
Ông Robert Orr là Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010. Ông là cựu Chủ tịch Boeing Japan, Giám đốc quan hệ chính phủ của Motorola tại Nhật Bản và là giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Temple University ở Tokyo.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42199610
BOT Cai Lậy mở cửa lại giữa đêm sau cuộc ‘biểu tình’ tiền lẻ
Vào khoảng 23:30 tối ngày 1/12, trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, mở cửa trở lại sau một ngày hỗn loạn vì cuộc “biểu tình” bằng tiền lẻ của các tài xế qua trạm.
Trạm thu phí Cai Lậy đã rơi vào tình trạng “thất thủ” nhiều lần hôm 30/11, ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau hàng tháng ngừng hoạt động, vì các tài xế đồng loạt trả tiền lẻ và đòi thối lại tờ 100 đồng, vốn rất ít được sử dụng trong giao dịch hàng ngày. Họ nhất quyết “đóng đô” tại trạm cho tới khi nhận được tờ tiền “hiếm”, từ chối việc được đi miễn phí hoặc được thối lại nhiều hơn.
Sự việc đã khiến cho đoạn đường trên Quốc lộ 1 Tiền Giang bị ách tắc giao thông nhiều giờ liền khi nhân viên trạm không có đủ tiền 100 đồng để trả lại cho tài xế.
Lực lượng an ninh và cảnh sát giao thông đã phải tập hợp lại khu vực này để giải quyết tình trạng rối loạn ở khu vực khi hàng dài xe liên tục bóp còi gây áp lực.
Đến khoảng 1 giờ chiều, trạm thu phí Cai Lậy buộc phải ngừng hoạt động.
Họ tự nguyện thực hiện một giao dịch dân sự mà tại sao anh không thu, rồi anh đòi cẩu xe người ta, người ta không đồng ý vì người ta không có lỗi, không lỗi hành chính và cũng chẳng có lỗi theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
LS. Phạm Công Út.
Một số tài xế đã bị lực lượng công an bắt giữ vì bị cho là có hành vi “gây rối”. Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định với VOA rằng các tài xế trên “không có tội” và cho biết nhiều luật sư sẵn sàng trợ giúp miễn phí nếu họ bị phạt hành chính hay bị khởi tố.
Theo báo Tiền Phong, cảnh sát giao thông Tiền Giang đã tạm giữ 2 tài xế được cho là gây rối trật tự công cộng. Một tài xế cho biết anh bị lập biên bản về việc “đóng phí qua trạm nhưng không chịu đi”, “có lời lẽ xúc phạm đến ngành công an nhân dân” khi la lớn tiếng rằng “công an nhân dân là công an hành dân, công an đày dân”, và “ôm kính chắn gió của xe đặc chủng”. Tài xế này đã được thả về và sẽ phải đến cơ quan công an làm việc tiếp vào sáng ngày 2/11, vẫn theo Tiền Phong.
Từ Sài Gòn, Luật sư Phạm Công Út, cho VOA biết các diễn biến ở BOT Cai Lậy đang được giới luật sư trong nước theo dõi rất kỹ. Bản thân ông cho rằng riêng việc bắt giữ hay xử lý hành chính các tài xế trên là không hợp lý. Ông nói:
“Nếu tôi và các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho những người này thì họ không có tội. Về việc có gây ách tắc giao thông hay không thì người thứ nhất họ đóng tiền để qua trạm BOT, người kia thì đòi thối lại số tiền thừa của họ và họ không xin ai hết. Như vậy đây là yêu cầu chính đáng trong một giao dịch dân sự. Còn người thứ nhất, họ tự nguyện thực hiện một giao dịch dân sự mà tại sao anh không thu, rồi anh đòi cẩu xe người ta, người ta không đồng ý vì người ta không có lỗi, không lỗi hành chính và cũng chẳng có lỗi theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Do đó nhiều luật sư có nói chuyện với nhau rằng nếu cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang khởi tố hay phạt hành chính họ, thì sẽ có rất nhiều luật sư nhảy vào trợ giúp miễn phí cho họ”.
Trạm thu phí Cai Lậy là một dự án dạng BOT. Theo đó, Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để xây dựng công trình, nhà đầu tư sẽ kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định và sau đó chuyển giao công trình cho Nhà nước.
Trong lúc loại hình kinh doanh này đang phát triển chóng mặt tại Việt Nam, nhiều dự án bị chỉ trích là chỗ cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh.
Riêng trong dự án thu phí Cai Lậy, người dân cho rằng họ đã đóng tiền thuế để xây dựng nên việc nhà đầu tư tiếp tục thu phí hàng ngày là điều phi lý.
Ngày 14/8, trạm thu phí Cai Lậy đã phải ngừng hoạt động chỉ sau 2 tuần khai trương vì các tài xế đồng loạt dùng tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng hoặc tiền mệnh giá cao như 500.000 đồng để trả cho các mức phí từ 35.000 đồng – 180.000 đồng, khiến nhân viên thu phí mất rất nhiều thời gian để thu tiền, gây kẹt xe hàng giờ liền, buộc chủ đầu tư phải xả trạm, miễn thu phí.
Bộ Giao thông Vận tải ngay sau đó đó phải ra quyết định giảm mức phí qua trạm xuống còn 25.000 đồng – 160.000 đồng.
Nhiều luật sư có nói chuyện với nhau rằng nếu cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang khởi tố hay phạt hành chính họ, thì sẽ có rất nhiều luật sư nhảy vào trợ giúp miễn phí cho họ.
LS. Phạm Công Út.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp ngày 1/12 đã phải yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp để trình Chính phủ đánh giá toàn diện lại dự án này.
Trong chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang cho biết đã phải xin lệnh chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về để tiếp ứng khi có nhu cầu.
Tuy nhiên theo LS. Phạm Công Út, đây là một giải pháp mang tính tạm bợ, không giải quyết vấn đề cốt lõi, chưa kể còn mang tính “lợi ích cục bộ”.
Ông phân tích: “Tôi cho đây là lợi ích cục bộ giữa người vay và người cho vay để không biến khách hàng của mình trở thành nợ xấu. Tôi không biết ngân hàng này có phải là đối tác của dự án BOT Cai Lậy hay không nên khoan nói tới điều này, thì cũng vẫn có những lợi ích cục bộ khác như dịch vụ đổi tiền. Một số địa phương dùng mệnh giá tiền lớn như 500.000 đồng để đối lấy tiền 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, thì họ phải chịu khoản phí hoán đổi”.
Trong cuộc họp báo chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Nhật khẳng định dự án BOT Cai Lậy không sai pháp luật. Viên chức này nói vụ việc xảy ra ở trạm Cai Lậy hôm 30/11 là do “có đối tượng quá khích, lợi dụng gây rối” và những trường hợp này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề nghị cải tiến chữ viết “Tiếq Việt”: Nhìn từ một góc khác
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội và báo chí một trận cuồng phong quét dữ dội lên một đề án cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại Ngữ.
Đề xuất của bị PGS này về một bản chữ cái Tiếng Việt được cải tiến để kết quả là “Luật Giáo dục” trở thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”…
Nhìn số lượng “đá” được ném vào đề xuất này, người ta thấy điều gì?
Chỉ là một đề xuất
Trước hết, cần nói luôn và ngay rằng ở đây không bàn đến việc đúng, sai, tốt, xấu của đề án cải tiến của ông Bùi Hiền. Bởi điều này sẽ được chứng minh trong thực tế. Điều gì đúng, tốt sẽ tồn tại, cái sai, cái bất tiện sẽ dần dần bị loại bỏ và không được hưởng ứng.
Cũng không phải vì cái danh hiệu Phó Giáo sư, tiến sĩ của ông Bùi Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ mà người viết bài này phải quá lụy vào danh tiếng đó để tin tưởng. Bởi nạn “ngáo đá” ở Việt Nam, người ta thấy rõ nhất lại là từ các quan chức cộng sản có bằng cấp đầy mình, danh hiệu kín danh thiếp, chức vụ nghe đã hoảng. Vì thế việc xưng danh là Giáo sư, tiến sĩ hoặc bất cứ điều gì ở Việt Nam đều đã không còn là giá trị mặc định cho những điều họ nói ra sẽ xứng đáng với danh hiệu. Điển hình là ông Tiến sĩ Xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng.
Ở Việt Nam, 24.000 tiến sĩ mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “nhiều hơn cả lợn con” mà những phát minh đơn giản nhất về cái máy cấy, máy gặt, máy thu hoạch nông sản… đều từ những bà con nông dân ít chữ mà ra, còn đám Giáo sư, tiến sĩ nhung nhúc kia thì chỉ suốt ngày ngồi để… đào tạo tiến sĩ.
Thế nhưng, chúng ta nhìn thấy gì qua mạng xã hội cũng như báo chí và những người dân Việt Nam qua sự kiện này?
Đây là một đề xuất cải cách rất nhạy cảm, bởi nó tác động vào thói quen, văn hóa và một sự mặc định bấy lâu nay được xã hội chấp nhận là Chữ quốc ngữ Tiếng Việt. Trong mỗi con người và cộng đồng, việc thay đổi một thói quen là điều hết sức khó khăn.
Nếu đây là một đề xuất tốt và hợp lý, thì thực tế sẽ chứng minh nó có tác dụng như thế nào và giá trị ra sao, được đánh giá bởi thực tiễn xã hội. Và hẳn nhiên qua đó, nó sẽ được xã hội chấp nhận và khi đó thì dù không được Bộ giáo dục hay cả Bộ Chính trị đồng ý, thậm chí là cấm đoán và tiêu diệt, thì nó vẫn đi vào đời sống xã hội Việt Nam không thể cưỡng lại, dù có thể là rất chậm chạp.
Đã bao nhiêu chục năm nay, tín ngưỡng và tôn giáo là điều mà đảng Cộng sản, hết bộ nọ, bộ kia và hàng hàng lớp lớp chính phủ, cơ quan… bằng mọi phương pháp, bằng mọi cách tận diệt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là qua cuộc “Cách mạng tư tưởng và văn hóa” dai dẳng, khốc liệt và bất nhân nhưng đã không thể tiêu diệt được niềm tin của người dân.
Cũng từ khi người cộng sản cướp được chính quyền ở Việt Nam, chế độ tư hữu, tư nhân đã bị tìm mọi cách triệt tiêu từ trong tư tưởng cho đến hành động, thành các phong trào cách mạng”, bằng những cuộc cướp bóc tập thể không gớm tay, bằng nghị quyết, bằng nhiều biện pháp tàn bạo nhằm xây dựng một xã hội cộng sản “Ngày mai tất cả sẽ là chung. Tất cả sẽ là vui và ánh sáng” – Nhưng vẫn không thể dập tắt được tính tư hữu của con người. Để rồi cuối cùng, chính những người cộng sản lại dẫn đầu trở thành các nhà tư bản đỏ, sau khi cướp được một số lớn tài sản của người dân. Điều này, chính họ đã liếm bãi nước bọt họ nhổ ra trước đó.
Còn nếu như đây là một đề xuất thuộc hàng “tối kiến” nó sẽ nhanh chóng bị xã hội lãng quên. Khi đó, dù là “Cha già dân tộc” có phát động thì vẫn không hề mảy may được xã hội coi trọng và bị vứt vào sọt rác không hề thương tiếc.
Điển hình là chính Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cái việc “Ngáo đá” mà ông PGS.TS Bùi Hiền đang làm và bị cả xã hội ném đá. Hãy nhìn một văn bản “Tuyệt đối bí mật” hết sức quan trọng là di chúc, ở đó HCM đã dùng chữ “z” thay cho chữ “d” hoặc thay chữ “ph thành chữ “f”, bỏ âm “h” trong từ “nghị” thành “ngị”. Trước đó, ông đã dùng rất nhiều trong các văn bản, báo chí khác như “Đường Kách mệnh” cũng như nhiều văn bản viết tay khác. Thậm chí, ông còn yêu cầu các cấp dưới của ông dùng chữ thuần Việt thay chữ gốc Hán như “Ngữ pháp tiếng Việt”, Bác nói: “Đã “tiếng Việt” lại còn “ngữ pháp”! Sao không gọi là “Mẹo tiếng Việt?”.
Quả thật, đọc những văn bản, bút lục của Hồ Chí Minh do nhà nước công bố, chúng ta phải thấy rằng ông ta là bậc thầy của ông PGS.TS “ngáo đá” Bùi Hiền này.
Thế rồi, cũng có một thời, các địa danh, danh nhân đọc theo phiên âm Hán Việt phổ biến trên báo chí và xã hội, khi đó các địa danh được phiên âm: Washington – Hoa Thịnh Đốn, Roma – La Mã, Paris – Ba Lê, Moskva – Mạc Tư Khoa, Praha – Bố Lạp Cách, New York – Nữu Ước, Los Angeles – Lạc San Cơ, Tokyo – Đông Kinh, Bangkok – Mạn Cốc, Campuchia – Giản Phố Trại, Pakistan – Ba Cơ Tư Thản, hoặc Lê Nin thành Liệt Ninh… thì dần dần xã hội cũng thay đổi và không chấp nhận nó.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội và tiến bộ khoa học Kỹ thuật, người ta dần dần loại bỏ chúng.
Sự phản ứng dữ dội của nạn bầy đàn
Sau khi đề xuất của ông PGS.Ts Bùi Hiền được đưa ra, báo chí và mạng xã hội trong cũng như ngoài nước đã dồn dập bàn tán, chê bai và thậm chí là chửi rủa.
Điều khá ngạc nhiên, là người ta sẵn sàng ném đá, ném tới tấp vào một đề xuất mà không có nhiều phân tích chí lý việc đúng, sai, hay, dở, thuận tiện hay bất tiện của đề xuất này.
Trái lại, người ta mỉa mai rằng đây là một sự phá hoại, là ngáo đá, là sự ngu muội… thôi thì đủ cả. Người ta nại ra đủ lý do để từ chối, ném đá nó một cách rất… cảm tính. Rằng thì là chữ quốc ngữ đã là máu thịt, là thói quen, là văn hóa và là nhiều thứ.
Thậm chí, điều buồn cười là ông Gs Nguyễn Lân Dũng còn lo sợ rằng nếu cải tiến chữ viết Tiếng Việt thì 94 triệu người Việt Nam phải đi học lại mẫu giáo. Thực ra, nếu nó có tác dụng tốt thật sự có ích cho xã hội, thì việc đi học lại mẫu giáo cũng đâu có sao. Chẳng phải là Hồ Chí Minh đã từng thề “đốt cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được độc lập” đó sao? Chẳng phải là đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm mọi cách để “Xây dựng con người mới XHCN” và “Nền văn hóa mới XHCN” đó sao.
Hoặc PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH và NVQG, ĐHQG Hà Nội cho rằng đề xuất này không phải “cải tiến” mà là “cải lùi”. “Bởi vì nếu cải tiến như vậy thì tiếng Việt không còn có vẻ đẹp như nó vốn có”. Rằng “Chữ quốc ngữ được sáng tạo trên cơ sở lấy hệ chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Trong đó, các bậc tiền bối đã tính toán khá kỹ đến cả đường nét (giá trị thẩm mỹ) của ký tự lẫn giá trị biểu nghĩa (giá trị phân biệt ý nghĩa) của từng con chữ”.
Thực ra, ý kiến này cũng hết sức cảm tính. Vẻ đẹp nó vốn có là vẻ đẹp nào? Ngày xưa khi chưa có chữ Quốc Ngữ thì Tiếng Việt có vẻ đẹp vốn có hay không? Và trên hết, ở đây vẫn chỉ là tư duy “học tập và làm theo” mà bỏ đi tính sáng tạo và cải tiến cho hợp lý.
Bởi lẽ, cũng như con người, chữ viết và ngay cả Tiếng Việt cũng chưa phải là hoàn toàn hoàn thiện đến mức không thể cải tiến hoặc sửa đổi.
Cùng với sự phát triển của xã hội và đà tiến của nhân loại, con người càng tiến bộ hơn thì mọi vấn đề của xã hội đều cần được cải tiến và thay đổi cho phù hợp.
Nếu Tiếng Việt ngày xưa không thể có từ Máy tính, Computer, điện thoại, Smart phone, wifi, bluetooth… thì ngày nay vốn ngôn ngữ sẽ bổ sung cho nó phong phú hơn.
Nếu ngày xưa người dân chưa biết một chữ Tiếng Anh, tiếng Pháp thì người ta chấp nhận các phiên âm như từ Hán Việt nêu trên, còn ngày nay người ta không thể chấp nhận cách phiên âm tên Thủ tướng Thái Lan là “Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn” ghi chềnh ễnh trền tờ báo đảng mạo danh Nhân Dân nữa.
Điều đáng nói hơn, là ngay không chỉ những người mang danh, mang hàm GS.TS hoặc những người hiểu biết phê phán, mà cả những người viết chưa rành câu chính tả, dấu hỏi, dấu ngã trong Tiếng Việt cũng chưa biết sử dụng vẫn cứ vào chửi như thật.
Đó là thói bầy đàn nguy hiểm.
Bởi vì, ngay trên các văn bản của nhà nước, của các Bộ hẳn hoi, viết câu Tiếng Việt còn chưa thông, chính tả còn chưa sạch thì làm sao có thể đòi hỏi sự phê phán đúng sai.
Ngay ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải “rút kinh nghiệm về diễn đạt ghi tên trong sổ đỏ”. Cũng ngay ngày hôm nay, Cục Hàng không đã phải đính chính về một thông tư mới ban hành được báo chí nhắc đến ngày hôm qua do “lỗi đánh máy” về việc những giấy tờ được dùng khi làm thủ tục lên máy bay và Bộ GTVT đã thừa nhận có sai sót. Cần phải nói rõ: Ở đây là sự tắc trách, coi thường người dân hay do trình độ sử dụng ngôn ngữ?
Đó là ở cơ quan Bộ, còn chưa nói ở cấp Tỉnh, Thành phố và cấp dưới nữa, việc sử dụng Tiếng Việt cứ như một trò hài hước.
Hãy nhìn cái “vẻ đẹp như nó vốn có” của Tiếng Việt mà Bộ Công An đang sử dụng. Trong các “Giấy mời” của mình gửi công dân, được bắt đầu bằng “Kính mời ông, bà” và kết thúc bằng “Yêu cầu ông, bà… có mặt đúng thời gian và địa điểm trên” thì đủ hiểu rằng việc sử dụng Tiếng Việt trong chế độ Cộng sản là một thảm họa. Bởi ở đó, ngôn ngữ đã bị bóp méo và đánh tráo về ý nghĩa và khái niệm. Và cũng bởi ở đó, nạn bằng giả, học giả, nạn con ông cháu cha đã lan tràn đến mức bất chấp tất cả mọi quy chuẩn cần thiết của một người làm công việc nhà nước.
Có sao đâu, đám đầy tớ nhân dân chỉ có thế.
Thế nhưng, như trên đã nói, lẽ ra cần xem đây là một đề xuất, đơn thuần là như vậy để xem xét đúng sai, lợi hại… và đưa ra nhận xét. Thì trái lại nạn bầy đàn được thể hiện rất rõ bằng những màn ném đá.
Cần phải nói rằng: Một đề xuất, một ý tưởng có thể đúng hoặc sai. Nhưng việc đưa ra ý tưởng là cần thiết và việc truyền bá ý tưởng của mình là quyền tự do của mỗi người.
Nếu không có việc đưa ra những ý tưởng, dù là cái mà người đời cho là “ngáo đá”, là “Cải lùi”, thì mãi mãi cả dân tộc tự nhấn chìm mình trong cái gọi là “Học tập và làm theo” ngay cả những điều ngu dốt nhất, không bao giờ có thể tiến bộ được.
Khi Edison đưa ra ý tưởng khi phát minh ra bóng đèn điện đầu tiên trong lịch sử nhân loại nhiều người cũng cho là “ngáo đá”. Thậm chí năm 1878, Ủy ban Nghị viện Anh đã nhận xét rằng phát minh của Edison “cũng khá tốt đối với những người bạn phía bên kia đại dương, nhưng lại chưa đủ để gây sự chú ý của những người có đầu óc thực tế hay giới khoa học”. Còn kỹ sư trưởng Tổng cục Bưu điện Anh cho rằng ánh sáng tỏa ra từ đèn điện chính là những đốm sáng lập lòe giữa bãi tha ma. Nếu khi đó ý tưởng của Edison bị dập tắt bằng những cuộc ném đá, thì ngày nay, nhân loại vẫn chìm trong sự tăm tối của ánh sáng đèn dầu hỏa?
Nếu như Nguyễn Trường Tộ về thuật lại cho vua Tự Đức về “cây đèn treo ngược” và những đề nghị canh tân đất nước nhưng Tự Đức đã không chịu nghe, thì ngày nay, những bóng điện vẫn treo ngược và sáng bừng cả đất nước.
Nếu người ta có thể ném đá một ý tưởng “ngáo đá” về cải tiến chữ Quốc ngữ cách hăng say, miệt mài theo đám đông mà không ngần ngại, thì người ta đã câm như hến trước không chỉ là ý tưởng và việc làm của Hồ Chí Minh. Chính HCM đã đi trước về sự “ngáo đá” này. Ngay từ rất lâu ông đã dùng những từ ngữ “Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng” “Chính fủ”, “zân chủ”, “hữu ngị”… Thậm chí ông được đảng và nhà nước tự phong là “Danh nhân văn hóa thế giới” và theo “GS” Hoàng Chí Bảo thì ông “thành thạo 29 ngoại ngữ”… nhưng điều đáng tiếc là chữ và Tiếng Việt của ông không thạo. Bằng chứng là người xứ Nghệ, nhưng dấu hỏi ông cứ dùng sai chính tả thành dấu ngã như thường.
Vậy nhưng không hề có một tờ báo, rất ít người dám phê phán một câu. Trái lại luôn tung hô tận trời xanh và đua nhau “Học tập và làm theo miệt mài”.
Đó là biểu hiện của thói bầy đàn nguy hiểm.
Tạm kết
Như đầu bài viết đã nói, chúng tôi không đánh giá ý tưởng cải tiến chữ viết Tiếng Việt của ông Bùi Hiển là đúng hay sai, tốt hay xấu. Những điều này dành cho các nhà ngôn ngữ học chân chính và có hiểu biết, có khả năng.
Nhưng chúng tôi tán thành việc có ý tưởng cải tiến của ông. Điều này cũng thể hiện được một điều là sự tâm huyết và trăn trở đối với Tiếng Việt. Tốt hay xấu, xã hội và thực tế sẽ đánh giá và kiểm nghiệm.
Chúng tôi cũng tán thành việc truyền bá ý tưởng và những đề xuất của ông, bởi đó là sự tự do vốn minh nhiên được công nhận là quyền của mỗi người.
Bởi trong lịch sử chữ Quốc ngữ, ngay từ khi ra đời đã không hề được xuôi chèo mát mái, đã gặp biết bao gian nan. Thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ quốc ngữ trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước. Chính vì vậy, chữ Quốc ngữ đã được dùng trong xã hội, đất nước Việt Nam cho đến ngày nay đem lại một nét riêng cho văn hóa dân tộc này với biết bao nhiêu tác dụng trong đời sống xã hội.
Cùng ngày xưa, khi các giáo sĩ và linh mục Alexandre de Rhodes lập nên chữ Quốc Ngữ đầu tiên, hẳn các vị cũng không bao giờ cho rằng đó là “trí tuệ, là văn minh, đạo đức” duy nhất hoặc tuyệt đối hoàn hảo. Mọi sự cải tiến cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống là rất cần thiết.
Và hẳn là khi những người cộng sản trên đất nước này muốn thể hiện sự vong ân bội nghĩa đối với người bạn lớn của nền văn hóa Việt Nam bằng cách xóa bỏ mọi di sản, dấu tích về các vị ấy, hẳn các vị cũng chẳng lấy làm phiền lòng.
Bởi cuộc sống, xã hội luôn cần phát triển đi lên mà không nhất thiết phải sợ đụng cái trần đạo đức hoặc trí tuệ như đảng cộng sản đang cố gắng dựng lên trong cái gọi là “Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh” hiện nay.
Bởi như một nữ nhà văn người Anh đã nói: “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói ra điều đó” – Evelyn Beatrice Hall bút danh Stephen G. Tallentyre.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-look-at-vn-language-reform-12012017110039.html
Kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa
38 tổ chức và cá nhân hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo vào ngày 1 tháng 12 đồng ký tên vào Tuyên bố kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho thanh niên Nguyễn Văn Hóa, người vừa bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố nêu rõ rằng bản án dành cho anh Nguyễn Văn Hóa không phải là kết quả của một quy trình xét xử hợp lệ theo Luật Tố tụng Hình sự, mà đơn giản chỉ là một bản án bỏ túi đã được ấn định sẵn. Hơn nữa, những việc anh Hóa làm liên quan đến tố giác tội ác của công ty Formosa và hỗ trợ nạn nhân khởi kiện không vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì vậy, bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế dành cho anh Hóa là sự phỉ báng công lý vì đã chà đạp mọi chuẩn mực văn minh pháp lý được công nhận trên thế giới.
38 tổ chức và cá nhân ký vào Tuyên Bố yêu cầu Việt Nam cần ngừng ngay lập tức chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự và những người thực thi quyền tự do ngôn luận theo quy định của Hiến pháp Việt Nam.
Phiên tòa xét xử anh Nguyễn Văn Hóa diễn ra hôm 27 tháng 11 tại Hà Tĩnh được cho biết là một phiên tòa không công khai, không có luật sư, không có sự tham gia của thân nhân và bị cáo bị còng tay trước vành móng ngựa trước khi bị tuyên án. Phiên tòa diễn ra bất ngờ, trước ngày được thông báo chính thức.
Anh Nguyễn Văn Hóa là nhà hoạt động tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối Nhà máy thép Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung vào năm ngoái và giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này. Anh cũng là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm ngoái.
EU sẽ nêu trường hợp Blogger Mẹ Nấm
trong Đối thoại nhân quyền tại Hà Nội
Liên minh châu Âu nói sẽ nêu trường hợp Blogger Mẹ Nấm và một số người khác tại Đối thoại Nhân quyền hàng năm diễn ra vào ngày hôm nay 1/12 ở Hà Nội. Trong khi đó phía Việt Nam cho rằng việc xét xử phúc thẩm nữ blogger này “theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.”
Trong một thông cáo hôm 30/11, Liên minh châu Âu (EU) nói về phiên xử phúc thẩm y án 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: “Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các Đại sứ quán thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án.”
Thông cáo của EU còn nói thêm rằng sự việc chính quyền tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư được gia đình cô Quỳnh thuê để bào chữa cho cô tại phiên toà và các luật sư khác chỉ được phép gặp cô một vài lần để chuẩn bị cho việc bào chữa, đã đặt ra câu hỏi về quyền lợi thích đáng mà mỗi người dân Việt Nam có quyền được hưởng theo quy định của pháp luật.
Cơ đại diện ngoại giao của EU còn nhận định gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra.
Cùng ngày, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, hôm 30/11 đã tuyên bố như sau: “Tôi cảm thấy đau buồn và phẫn nộ về việc tuyên y án đối với blogger và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của mình, quyền đã được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm, mà bà Quỳnh đã bị bỏ tù 10 năm. Bản án đã vi phạm các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.”
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng phiên xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm đã “diễn ra công khai, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.”
Hôm 27/11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị EU cần tập trung vào những người bị giam giữ vì lý do chính trị; và xem xét ba nội dung ưu tiên về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam: tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại; tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo; và nạn công an bạo hành.
Trước đó, EU cho biết rằng kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 7 năm nay sẽ là một cơ sở rất quan trọng để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA).
Hôm 21/11, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam – cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.
Cùng lúc ấy, trang Chinhphu.vn của Việt Nam lại cho biết rằng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc chỉnh sửa các nội dung hợp tác kinh tế chỉ nên liên quan tới các vấn đề về PCA chứ không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA.”
Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định rằng việc y án 10 năm tù đối với Blogger Mẹ Nấm cho thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào, kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ để rồi toàn bộ chính thể Việt Nam vẫn bị “treo” ở đó.
Vụ Võ An Đôn: Việt Nam chưa bao giờ
thực tâm cải cách tư pháp, luật sư Lê Công Định.
Kính Hòa RFA
Luật sư Võ An Đôn bị đoàn luật sư Phú Yên rút giấy phép hành nghề và khai trừ ra khỏi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, vào tháng 11 năm 2017.
Cách đây 3 năm, năm 2014, một luật sư khác là ông Nguyễn Đăng Trừng, một đảng viên cộng sản, cũng bị khai trừ ra khỏi đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, phân tích với Kính Hòa, đài Á châu tự do điều gọi là cải cách tư pháp tại Việt Nam trong thời gian 30 mươi năm qua. Trước tiên ông đánh giá sự kiện khai trừ luật sư Võ An Đôn ra khỏi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.
Luật sư Lê Công Định: Tôi cho đó là sự việc rất nghiêm trọng vì ở đây, đó là quyền tự do ngôn luận, được hiến pháp ghi nhận, chứ không phải là một cách quyền bị luật pháp cấm đoán. Do đó việc nói luật sư Đôn có những phát ngôn vi phạm pháp luật Việt Nam, để rồi từ đó xóa tên ông khỏi đoàn luật sư thì đó là một dấu hiệu rất là nguy hiểm. Và từ nay nếu những luật sư Việt Nam nếu vẫn tiếp tục hành nghề, thì họ phải rất cẩn trọng trong lời nói của họ, tức là họ không được nói những điều gì mà chính quyền cảm thấy không hài lòng.
Việc chấp nhận định chế luật sư, cho phép các luật sư hành nghề, là ở tình thế bắt buộc mà đảng cầm quyền không có sự lựa chọn mặc dầu họ không muốn.
-Luật sư Lê Công Định.
Vai trò luật sư trong nền tư pháp rất quan trọng, luật sư là một định chế bổ trợ tư pháp. Bổ trợ tư pháp có nghĩa là nền tư pháp vận hành theo cái hướng là đi đến công lý cho mọi công dân trong xã hội, trong đó tòa án đóng vai trò chính, những ngành liên quan đến tư pháp phục vụ cho việc xét xử, mang đến công lý thì đều được nhìn là bổ trợ tư pháp. Không những tòa án độc lập mà những nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, cũng đòi hỏi có sự độc lập, đặc biệt là nghề luật sư.
Chúng ta thấy rằng những trường hợp như luật sư Trừng, luật sư Đôn, tuy khác nhau về sự việc nhưng đều giống nhau ở chổ là cả hai người đều bày tỏ sự không phục tùng sự chỉ đạo của đảng cầm quyền. Ông Trừng thì không muốn có sự sắp đặt của đảng bộ ở Sài Gòn, muốn ông phải thôi chức vụ, bởi vì theo ông luật sư phải độc lập, và cái tổ chức luật sư ở Sài Gòn phải độc lập để bầu ra người lãnh đạo cho nó. Ông đã phản ứng lại việc ép ông không ra ứng cử nữa.
Trường hợp luật sư Đôn cũng vậy, ông không thể hiện sự phục tùng đảng cầm quyền. Họ luôn muốn ông là phải có những phát ngôn không phương hại đến địa vị cầm quyền của họ. Ông làm mất đi điều mà họ muốn bảo vệ trước mặt công chúng. Luật sư Đôn là người bộc trực, nói thẳng ra những vấn đề mà đảng cầm quyền không vừa ý.
Kính Hòa: Đối với ngành tư pháp của Việt Nam từ khi những người cộng sản lên cầm quyền, có lẽ chúng ta cũng phải công nhận là từ chế độ bồi thẩm nhân dân, cho đến chấp nhận luật sư tranh luận ở tòa, thì những nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng đã thực hiện cải cách tư pháp, vậy ông có thấy là sự việc luật sư Võ An Đôn là chỉ dấu cho thấy Đảng Cộng sản muốn trở lại chuyện muốn kiểm soát hoàn toàn ngành tư pháp hay không?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta phải thấy là việc chấp nhận định chế luật sư, cho phép các luật sư hành nghề, là ở tình thế bắt buộc mà đảng cầm quyền không có sự lựa chọn mặc dầu họ không muốn.
Nếu chúng ta đi ngược lịch sử đến năm 1945, khi ông Hồ lên cầm quyền thì ông có một sắc luật liên quan đến việc tổ chức nghề luật sư trở lại. Nhưng cái việc tổ chức đó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, rồi ngay sau đó định chế luật sư bị lãng quên, và người ta xét thấy rằng là việc cai trị bằng luật pháp là không cần thiết mà bằng chỉ thị nghị quyết của đảng mà thôi. Cho nên là vai trò của tòa án còn bị coi nhẹ huống hồ gì là luật sư.
Người ta xét thấy rằng là việc cai trị bằng luật pháp là không cần thiết mà bằng chỉ thị nghị quyết của đảng mà thôi.
-Luật sư Lê Công Định.
Mãi đến khi Việt Nam cải cách kinh tế, mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài vào năm 1986, thì họ thấy cần thiết phải có định chế luật sư, tạo bộ mặt dân chủ cho chính quyền, đồng thời giúp nâng niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài, nên nghề luật sư được chấp nhận trở lại. Chúng ta thấy là dù họ không muốn, nhưng phải đánh giá đó là bước tiến triển của ngành tư pháp Việt Nam. Từ khi có pháp lệnh về luật sư từ năm 1987 đến giờ thì quả là một giai đoạn phát triển vượt bậc của nghề luật sư tại Việt Nam.
Nhưng khi những đòi hỏi dân chủ ngày càng phát sinh nhiều, và nhà cầm quyền không thể kiểm soát sự phát triển của những luật sư độc lập, không chấp nhận sự chỉ đạo, chỉ thị của đảng cầm quyền nữa, ngay lập tức họ quay ngược trở lại là muốn siết chặt việc kiểm soát các luật sư. Chúng ta thấy rằng đầu tiên là việc sửa đổi bộ luật hình sự với điều 19, khoản 3, liên quan đến việc tố giác thân chủ của mình của các luật sư, nó cho chúng ta chỉ dấu rằng nhà cầm quyền ngày càng muốn giới hạn phạm vi hoạt động của các luật sư, và họ tìm mọi cách để các luật sư phải cúi đầu chấp nhận sự chỉ đạo và kiểm soát của nhà cầm quyền. Bước thứ hai rất tệ hại là xóa tên luật sư Võ An Đôn ra khỏi đoàn luật sư Phú Yên. Điều đó cho thấy luật sư bây giờ nếu ngoan ngoãn nghe lời, chỉ biết kiếm tiền mà thôi thì sẽ được để yên để làm việc đó. Còn nếu họ có những phát ngôn mà nhà cầm quyền cảm thấy không hài lòng thì ngay lập tức họ sẽ có vấn đề.
Chúng ta thấy rằng nổ lực cải cách tư pháp của nhà cầm quyền Việt Nam từ xưa đến giờ chưa bao giờ đặt ra sự độc lập của hệ thống tòa án, sự độc lập của định chế luật sư.
-Luật sư Lê Công Định.
Kính Hòa: Vậy trong tình hình hiện nay, những nổ lực cải cách nền tư pháp Việt Nam theo hướng độc lập, thỏa mãn những gì cần có cho một công dân trước công lý, thì phải làm như thế nào?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy rằng nổ lực cải cách tư pháp của nhà cầm quyền Việt Nam từ xưa đến giờ chưa bao giờ đặt ra sự độc lập của hệ thống tòa án, sự độc lập của định chế luật sư, mặc dù trong luật nói là các tòa án xét xử độc lập, tuy nhiên đó chỉ là những lời nói trên giấy, ở trong luật mà thôi. Trên thực tế tòa án Việt Nam chưa bao giờ xét xử độc lập, Định chế luật sư cũng vậy. Trong chương trình cải cách tư pháp của họ, họ chỉ tạo ra cái vẻ bề ngoài là có dân chủ ở tòa bằng cách khuyến khích sự tranh luận công khai trong các phiên tòa, cả về hình sự lẫn dân sự thương mại. Tuy nhiên trong thực tế chúng ta biết rằng trong thực tế hoạt động của các phiên tòa là hoàn toàn phản dân chủ.
Chỉ trong những vụ kiện hoàn toàn không liên quan đến chính trị mà chỉ là tiền bạc giữa các công dân với nhau thôi thì may ra tòa còn lắng nghe luật sư tranh luận. Nhưng thực ra mà nói việc quyết định một bản án trong những vụ kiện dân sự như vậy nó cũng không phản ánh nhiều lắm sự tranh luật giữa các luật sư tại tòa mà đa phần là dựa trên sự phán đoán nhận xét riêng của thẩm phán, mà chúng ta cũng biết sự tham nhũng cũng len lỏi trong những quyết định đó như thế nào.
Trở lại vấn đề cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp ở Việt Nam đã được nói đến từ năm 1987 đến nay. 30 năm nhìn lại chúng ta thấy có sự tiến triển nào chưa? Tôi cho là hoàn toàn không có. Thậm chí với điều 19.3 của bộ luật hình sự lẫn dự thảo nghị định về việc kiểm soát sự phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội, nơi công cộng, cho thấy là có sự phát triển thụt lùi chứ không phải là đi tới của ngành tư pháp Việt Nam.
Kính Hòa: Xin cám ơn luật sư Lê Công Định.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/le-cong-dinh-judicial-reform-12012017105010.html
Việt Nam cố ‘kìm’ Internet sau 20 năm đã ‘mở’
Các chuyên gia nhận định rằng việc Việt Nam mở cửa cho Internet trong 20 năm là một bước đột phá ‘đầy ấn tượng,’ nhưng chính quyền không ngừng tăng cường những ‘rào cản nghiêm ngặt’ cùng với sự ‘kiểm duyệt nặng nề.’
Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền – blogger Nguyễn Chí Tuyến nhận định về hoạt động Internet tại Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng đó là một bước tiến trong việc tiếp thu tiến bộ của thế giới để đưa vào Việt Nam. Nếu như 20 năm trước mà họ vẫn cứ muốn đóng cửa Internet thì trình trạng của Việt Nam bị cách xa thế giới cũng chẳng khác gì Triều Tiên như bây giờ.”
Báo New York Times hôm 30/11 có bài nói rằng chính phủ Việt Nam lấy lý do vì ngày càng có nhiều mối quan ngại gia tăng về an ninh mạng và tin tức giả tạo để mạnh tay kiểm soát mạng xã hội, nơi các nhà hoạt động chính trị dùng làm diễn đàn để tố cáo các vi phạm tham nhũng và sai trái của quan chức nhà nước.
Báo này cũng nêu trường hợp dự luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo và đã trình cho quốc hội thông qua, trong đó yêu cầu các trang mạng xã hội như Google, Facebook và Skype phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam, đã bị nhiều đại biểu quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp phản đối.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý hôm đầu tháng 11 phát biểu với truyền thông quốc tế rằng dự luật này là một sự “thiệt thòi” và “không giống ai.”
Dự luật này làm dấy lên nỗi sợ trong cộng đồng doanh nghiệp, người dùng Internet và thậm chí ngay cả một số giới chức lãnh đạo, nên sau đó đã bị lùi lại cho đến khi diễn ra kỳ họp quốc hội tiếp theo vào giữa năm 2018.
Mặc dù vậy, tờ New York Times cũng khen ngơi những thành tựu của Internet Việt Nam trong 20 năm khi tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương, với khoảng 52 triệu tài khoản Facebook đang hoạt động, với số dân khoảng 96 triệu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn tuần rồi cũng nhận định rằng sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, Internet Việt Nam đã có những bước tiến thật sự “ấn tượng,” cụ thể là Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mọi người.
Ông Tuấn đã ca ngợi thành tựu của Internet Việt Nam như trên hôm 22/11, nhân sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam tại Hà Nội.
Theo truyền thông trong nước, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
Facebook và YouTube là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 51% người dùng Internet sử dụng hai mạng xã hội này.
Theo báo cáo của We are Social, một công ty chuyên về chiến lược tiếp thị và quảng cáo điện tử, Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong danh sách những nước có người dùng đông nhất trên Facebook.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Freedom House năm 2017, Việt Nam là nước kiểm duyệt Internet nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 20 năm qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành, sửa đổi hàng loạt luật, nghị định và thông tư để kiểm soát Internet tại Việt Nam.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói rằng cho đến nay các lãnh đạo Hà Nội vẫn lo sợ rằng tự do trên Internet sẽ nguy hại đến việc cầm quyền của họ:
“Hai mươi năm trước, trước khi mở cửa cho Internet để cho người dân tiếp cận với thế giới và vén bức màng nhung bưng bít, ngay cả những người cầm quyền Việt Nam cũng từng rất lo sợ rằng Internet sẽ gây hại đến việc cầm quyền của họ.”
Các lý do mà chính quyền Việt Nam nêu ra khi cần thiết phải có sự kiểm soát Internet và quản lý không gian mạng là “chống xâm phạm an ninh quốc gia, tiến hành tấn không, khủng bố mạng, phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước.”
Xét về mặt kiểm duyệt Internet, Việt Nam cũng không kém gì Trung Quốc. Báo New York Times nói vào năm 2009, Việt Nam cũng đã cố gắng chặn Facebook, nhưng không dám thiết lập một bức tường lửa hoàn toàn vì sợ rẽ đánh mất ngành thương mại điện tử và kinh doanh internet.
Trong khi ngay từ đầu Trung Quốc đã kiểm soát Internet trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trực tuyến, thì cách tiếp cận nhẹ nhàng của Việt Nam đã tạo ra một cơ sở hạ tầng giúp thích ứng nhanh về khả năng điều chỉnh và kiểm soát của chính phủ.
Nhưng với tốc độ phát triển mạng xã hội như hiện nay, và không có mạng nội địa như Weibo hay Wechat của nước đàn anh, thì việc Việt Nam đến nay mới kiểm soát mạng xã hội đã quá trễ, báo New York Times nhận định.
Luật sư Trịnh Hữu Long viết trên trang Khoaluat.org rằng: “Dự luật An ninh mạng của Việt Nam, không biết do vô tình hay cố ý, giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc,” khi ông phân tích có đến 7 điểm tương đồng “như hai giọt nước.”
Nhìn chung, rõ ràng là Việt Nam thiếu sự kiểm soát Internet rộng lớn như quốc gia hàng xóm phương bắc. Tuy nhiên, điều này đã không ngăn Hà Nội trong viêc bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến.
Việt Nam thường xuyên bị quốc tế chỉ trích vì vi phạm về nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận – khi mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ báo chí, phát thanh và truyền hình, và cả những người viết blog.
Blogger Nguyễn Chí Tuyến nói nếu dự luật An ninh mạng được thông qua thì chắc chắn uy tín của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do các quy định trong luật vi phạm các công ước thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
“Ở Việt Nam thì lập pháp, hành pháp, hay tư pháp đều dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Rất nực cười là dự luật này do Bộ Công an soạn thảo ra. Những điều kiện trong dự luật khó có thể thực thi về mặt kỹ thuật, tài chính, cũng như các định chế về mặt pháp lý mà Việt Nam đã tham gia sẽ có những xáo trộn, tác động xấu đến nền kinh tế. Nếu như vẫn giữ nguyên các qui định trong dự luật thì khó thể thông qua. Còn nếu như nó vẫn được thông qua thì hệ lụy rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam.”
Việc chặn các nền tảng mạng xã hội phổ biến giờ đây có vẻ như là một bước di thụt lùi – và đã qua rồi cái thời kiểm Internet soát đầy đủ, tờ New York Times nhận định.
Các nhà quan sát nhận định rằng chính quyền Hà Nội xem Internet là nguồn gây mất ổn định xã hội, nhưng kiểm soát Internet một cách quá nghiêm ngặt cũng có thể là một nguồn gây bất ổn – thậm chí sẽ bất ổn hơn ở một quốc gia độc tài như Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-co-kim-internet-sau-20-nam-da-mo/4145414.html