Tin Việt Nam – 01/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/10/2018

5 người bị tạm giữ hình sự

vì phản đối trạm thu phí BOT

5 người dân bị cơ quan chức năng địa phương tạm giữ hình sự vào ngày đầu tháng 10 vì phản đối trạm thu phí BOT Sông Cầu Nhỏ ở huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp hôm 29 tháng 9 vừa qua.

Mạng báo Thanh Niên cho hay, cả 5 người đều sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và bị cáo buộc có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo Thanh Niên, vào tối 29/9, nhiều người dân đi xe gắn máy và xe tải tập trung tại trạm BOT cầu sông Cái Nhỏ nằm trên tỉnh lộ 850 nối xã Mỹ Long và xã Bình Thạnh phản đối trạm thu phí này. 2 vợ chồng Trần Thiện Thắng và Nguyễn Thị Thanh Tuyền dùng xe tải 15 tấn đậu ngay làn thu phí rất lâu; còn 3 người khác đậu xe gắn máy ở làn thu phí phản đối.

Theo mạng báo Zing, nhiều người khác lợi dụng tình hình hỗn loạn tại khu vực này có những hành vi quá khích, chửi bới, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Cảnh sát đã đến hiện trường giữ trật tự, nổ súng chỉ thiên và khống chế 5 người bị cáo buộc có hành vi gây rối, đưa về trụ sở làm việc.

Trong cuộc đối thoại với UBND huyện Cao Lãnh hôm 27/9, người dân phản ánh trong quá trình thu phí nhân viên không đưa vé hoặc biên lai thu tiền, thậm chí né tránh bán vé tháng cho người dân,…

Cầu Sông Cái Nhỏ có tổng vốn đầu tư 34 tỉ đồng, được đưa vào thu phí đầu năm 2010. Hợp đồng thu phí là sau khi thu phí hoàn vốn, sẽ được thu thêm 5 năm.

Theo Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lãnh, trạm dự kiến hết hạn thu phí vào tháng 8/2025, tức thời gian thu phí hơn 15 năm.

Cũng liên quan vấn nạn trạm thu phí BOT bị người dân và giới tài xế phản đối, vào cuối tuần qua, thứ trưởng Bộ Giao Thông- Vận Tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, cho biết đang nghiên cứu 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi xuất phát những cuộc biểu tình phản đối BOT hồi năm ngoái.

Hai trong 5 giải pháp được đưa ra sau khi có phản ứng mạnh mẽ gây ách tắc giao thông tại điểm đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trong nhiều ngày gồm: một là giảm mức phí từ 35 ngàn đồng một xe con xuống còn 15 ngàn đồng một xe con; hai là đặt thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh và thu phí song song để mỗi trạm thu phí thu hồi vốn cho từng dự án.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy là điểm nóng trong lĩnh vực này xảy ra từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/five-bot-protesters-detained-for-investigation-10012018093447.html

 

Không lãnh đạo địa phương nào

bị quy trách nhiệm trong tai nạn đường sắt

Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Việt Nam xảy ra suốt 12 năm qua, từ năm 2005 đến năm 2017, ở các địa phương có tuyến đường này đi qua; thế nhưng vẫn chưa có một lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm.

Truyền thông trong nước, vào ngày 1 tháng 10 dẫn nhận định vừa nêu của Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh tại cuộc họp bàn về Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia, diễn ra trong những ngày cuối tháng 9 năm 2018.

Cục trưởng Cục Đường Sắt, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết từ năm 2005 đến năm 2017 có đến 60% trong tổng số vụ tai nạn đường sắt là xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm hơn 42%. Hiện, tuyến đường sắt quốc gia có gần 4200 lối đi tự mở và hơn 1500 đường ngang các loại.

Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh mặc dù những giải pháp trong Đề án được thực hiện trong nhiều năm, thế nhưng qua địa phương bị xóa bỏ gần hết và nhiều địa phương không làm đường gom, hàng rào do kinh phí duy tu, bảo dưỡng quá lớn và chưa có một giới chức lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm khi xảy ra tai nạn đường sắt, thậm chí là chủ tịch xã.

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý đề xuất về Đề án liên quan xử lý trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương các cấp, cá nhân lãnh đạo trong tai nạn đường sắt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đề án vừa nêu sẽ được hoàn tất trong tháng 10 và trình lên Chính phủ trong tháng 12 tới đấy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/railroad-accidents-none-of-local-officials-disciplined-10012018084447.html

 

Vảy tê tê và ngà voi

bị thu giữ ở sân bay Hà Nội

Các nhà chức trách tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) hôm 28 tháng 9 đã thu giữ 805 kg vảy tê tê và 193 kg ngà voi cùng các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi được chứa trong 20 thùng trên một chuyến bay từ Nigeria. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết.

Theo Cục hải quan, nhãn mác trên các thùng cho biết hàng hóa được gửi từ hai công ty có trụ sở tại Nigeria, đến trên một chuyến bay vào ngày 21 tháng 9 nhưng chưa có người đến nhận. Bảng tin nói rõ: “Những người dự định đến nhận đã từ chối nhận hàng”.

Luật pháp Việt Nam ngăn cấm việc buôn bán ngà voi và tê tê. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật còn yếu đã tạo điều kiện cho thị trường giao dịch “chợ đen” này phát triển, giúp thúc đẩy một ngành công nghiệp buôn bán các động vật hoang dã và thú nuôi quý hiếm có giá trị hàng triệu đô la

Việt Nam đã ngăn cấm hoạt động buôn bán ngà voi vào năm 1992 nhưng tình trạng buôn bán bất hợp pháp vẫn tồn tại. Năm ngoái, cơ quan chức năng Việt Nam đã tìm thấy 2,7 tấn ngà trong thùng carton được chuyên chở trên một chiếc xe tải ở tỉnh Thanh Hóa.

Vào tháng 10 năm 2016, hải quan Việt Nam đã phát hiện khoảng 3,5 tấn ngà voi tại cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-seizes-nearly-a-ton-of-pangolin-scales-ivory-10012018084128.html

 

Nhất thể hóa: Cơ hội nào

cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Kami
Việc lựa chọn một người thay thế Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vừa qua đời đã làm vấn đề nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước nóng trở lại.

Trước ngày khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 – Khóa XII (Hội nghị Trung ương 8), dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 02/10/1018, chiều 30/9/2016, Bộ Chính trị đảng CSVN đã họp thống nhất các phương án về nhân sự Chủ tịch Nước để trình Hội nghị Trung ương 8, lấy biểu quyết của các Ủy viên Trung ương đảng. Một trong những phương án hàng đầu được chú ý là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được giới thiệu kiêm nhiệm luôn cả chức Chủ tịch Nước. Nghĩa là việc nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền sẽ được gần 200 Ủy viên Trung ương đảng khóa 12 quyết định.

Thực ra vấn đề nhất thể hóa các chức danh Bí thư và Chủ tịch không có gì là mới, mà nó chỉ là sự sao chép của mô hình đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng từ nhiều năm nay. Vấn đề này, ngay vào các năm 2012 – 2013, đã từng được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó đang chiếm thế thượng phong, ủng hộ và nhiều lần đề nghi Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét và quyết định. Song đề nghị này khi đó, luôn bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết bác bỏ. Với lý do, một người giữ quá nhiều quyền hạn như thế thì không thể kiểm soát nổi và sẽ dẫn tới độc tài. Khi ấy đã có không ít người thắc mắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một người được cho là thân Trung Quốc, song tại sao lại phản bác mô hình của Trung Quốc mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn áp dụng như vậy?

Trên thực tế mọi cấp chính quyền ở Việt Nam hiện nay tồn tại song trùng 2 bộ máy điều hành, là bộ máy đảng và bộ máy của chính quyền. Ở cấp trung ương, hay cấp tỉnh, thậm chí là cấp huyện, bên chính quyền có bao nhiêu Bộ, ngành thì bên đảng cũng có tương tự bấy nhiêu ban, để chỉ đạo một vấn đề, một công việc. Trong cơ chế đảng lãnh đạo thì trưởng các bộ, ban, ngành chỉ đóng vai cấp phó và chịu sự lãnh đạo của những người không có kiến thức và trình độ. Sự tồn tại này gây lãng phí về vấn đề ngân sách, hay các chủ trương chính sách đưa ra không phù hợp, thiết thực. Sự điều hành theo cơ chế này mang tính chồng chéo, trùng lặp đã dẫn tới thiếu hiệu quả và không có ai chịu trách nhiệm.

Vì thế, việc nhất thể hóa là một điều hết sức cần thiết, tạo điều kiện tinh giản bộ máy đang quá song trùng giữa các cơ quan đảng và chính phủ. Nó sẽ là bước khởi đầu cho việc xóa bỏ cơ chế lãnh đạo (vua) tập thể như hiện nay. Trong phạm vi cục bộ ở thượng tầng, thì sự hợp nhất các chức danh này là sự tinh giản cần thiết cho một bộ máy nhà nước gọn nhẹ hơn và sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Như đã nêu, việc nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền sẽ thuộc về ý chí của gần 200 Ủy viên Trung ương đảng quyết định và bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là  một trên gần 200 phiếu biểu quyết. Song chuyến thăm của nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế – Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật TW Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này, là cơ sở để khẳng định, việc thống nhất nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước có khả năng hết sức cao.

Trước đây, khi bàn đến vấn đề nhất thể hóa và so sánh đặc thù của chính trị của Việt Nam và Trung quốc, người ta cho rằng đặc thù của chính trị Trung quốc là tập quyền, điều đó khác với sự tản quyền – vua tập thể của chính trị Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo bè, kéo cánh để triệt hạ lẫn nhau, nhằm mục đích tranh giành quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Tuy vậy, hiện vẫn chưa thấy một khuôn mặt nào khả dĩ có đầy đủ năng lực để có thể đảm nhiệm một trọng trách kiêm nhiệm cả hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước trong ban lãnh đạo đảng CSVN trong 2 năm trước mắt, cũng như sau Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 vào năm 2021.

Chính vì thế, kể cả nếu có kết quả biểu quyết của Hội nghị Trung ương 8, lựa chọn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm thêm chức Chủ tịch Nước cũng chỉ là một lựa chọn khiên cưỡng. Với các lý do:

Thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng trước ánh mắt “mang hình viên đạn” của vợ con ông Trần Đại Quang cũng như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Lễ Quốc tang của Chủ tịch Nước, đã cho thấy uy tín trong đảng của ông Tổng Bí thư đã và đang có vấn đề.

Khi cổ vũ cho việc nhất thể hóa chức danh, có ý kiến cho rằng, “Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ”. Hãy đối chiếu ý kiến này với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 28/09/2013 khi cho rằng, “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.

Nhân sự kiêm nhiệm cả 2 chức danh trong vấn đề nhất thể hóa đòi hỏi có khả năng điều hành cả chính phủ. Nghĩa là trong trường hợp ông Tổng Bí thư hiện nay được bầu chọn để kiêm nhiệm, thì ông Trọng phả có khả năng điều hành cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang ngấp nghé ghế Tổng Bí thư Đại hội 13. Đó là điều khó, nhất là khi ông Trọng vẫn đeo đẳng thứ tư duy Chủ Nghĩa Xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Kết quả thất bại bước đầu của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung quốc, đang diễn ra là một cảnh báo sự sai lầm của việc dùng ý chí chủ quan của một cá nhân đứng đầu quốc gia độc đảng (cầm quyền) như ở Trung Quốc.

Bên cạnh phương án thứ nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn cả chức Chủ tịch nước đến cuối nhiệm kỳ vào năm 2021, còn phương án thứ 2 là ông Trần Quốc Vượng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư sẽ thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kiêm chức Chủ tịch nước, và ông Trọng sẽ đảm trách vai trò cố vấn đến năm 2021. Đáng chú ý là thời gian gần đây, ông Vượng có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh hơn hẳn ông Trọng. Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19-23/8/2018 của ông Trần Quốc Vượng đã cho thấy điều đó.

Không ít người hy vọng vấn đề nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực cho các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Song vẫn với các khuôn mặt ban lãnh đạo Việt Nam cũ kỹ, già nua và bảo thủ như hiện nay thì những suy nghĩ đó cũng sẽ trở nên vô vọng.

Vì cái gốc của vấn đề, không đơn giản chỉ là việc cần có một chức danh đứng đầu nhà nước có quyền lực thực sự, mà nó nằm ở sự đòi hỏi có được một thể chế chính trị tiến bộ, chấp nhận sự cạnh tranh chính trị. Đó mới là cái cốt lõi của vấn đề. Nếu không thì tất cả cũng chỉ là chuyện thay bình mới mà rượu vẫn cũ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/combining-two-postions-what-opportunity-for-npt-10012018111859.html

 

VN: Quanh than phiền

 về lối viết báo ‘theo chỉ đạo’

Dư luận Việt Nam mới đây ồn ào về hai bài viết trên báo nhà nước, mà họ cho là điển hình của lối viết báo ‘theo chỉ đạo’.

Đó là hai bài viết về hai lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đăng trên báo Tuổi Trẻ, và về cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trên báo Phụ nữ.

‘Sự đơn độc của ông Trump’

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề “Ông Trump đơn độc tại Liên Hiệp Quốc” ngày 27/9 ngay lập tức gặp phải phản ứng từ cộng đồng mạng

“Phát biểu không giống ai tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn độc và hứng chịu phản ứng gay gắt từ nhiều phía,” bài viết có đoạn.

Tác giả bình luận rằng bài phát biểu thứ hai của ông Trump trong phiên họp “được cho là đã ‘vả thẳng’ vào trật tự thế giới”. Và rằng “Như thể đang phát biểu trước quần chúng cả nước chứ không phải các nguyên thủ quốc gia, ông Trump khẳng định nước Mỹ đã trở thành “một quốc gia mạnh mẽ, an toàn và giàu có hơn” kể từ khi ông nắm quyền”.

TT Donald Trump: ‘Các nước cần chống lại CNXH’

Trump nói về CNXH: giới bất đồng chính kiến ‘hả hê’

VN bị tố bí mật bắt giam 9 người bất đồng chính kiến

Để chứng minh ông Trump ‘đơn độc’, tác giả bài báo đưa ra hai ví dụ: Tổng thống Pháp chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump và Tổng thống Iran chỉ trích lệnh trừng phạt kinh tế của ông Trump.

Để minh họa, bài báo đăng tấm ảnh ông Trump đang ngồi một mình trên ghế.

Facebooker Bùi Thanh Tuấn Anh Vỹ viết: “cái quan trọng là ổng nói và làm được những gì. Em đã thấy ông ta như một thanh nam châm mà thế giới đang bị hút vào. Ông ta không hề đơn độc như báo Tuổi Trẻ nói.”

Một người tên Dinh Bac thì cho rằng “thời hạn ba tháng [đình bản] hết không phải đương nhiên Tuổi Trẻ Online sẽ có lại, phải nịnh một chút chứ… thông cảm cho người ta, chết cũng làm ma xứ này!”

Facebooker Thanh Sơn bình luận: “Truyền thông Việt Nam ngày càng lộ rõ bộ mặt tiêu cực. Xuyên tạc, nói sai sự thật cũng như bưng bít. Những hình ảnh của lãnh đạo Việt Nam bị phản đối khi ra nước ngoài thì không thấy. Ngẫm mà bái phục truyền thông Việt Nam.”

Người có tên Phong Hoàng Thanh cho rằng “viết báo theo chỉ đạo thì chỉ có vậy” còn Ngọc Tú Đoàn Nguyễn thì nói “Buồn cho người cầm bút”.

Một số tài khoản Facebook khác, như Huân Cao Tưởng, tỏ ra thất vọng về tờ báo từng được cho là uy tín nhất Việt Nam: “Tuổi trẻ thế nào, thì ra cũng chỉ tầm thế này.”

Trong khi đó, Nguyên Tống Dân nói “người dân giờ đọc và nghe tiếng Anh lõm bõm rồi Tuổi trẻ ạ. Không phải thời thích nói gì thì nói nữa đâu.”

Một số người khác tỏ ra rất bất bình, như một tài khoản tên Việt Hoàng, với đề nghị “tờ này [báo giấy] cũng nên đình bản như Tuổi trẻ online thôi”.

Luật sư Lê Công Định, trong một bài viết trên Facebook cá nhân, bình luận rằng dẫu ông Trump có ‘đơn độc’ tại Liên Hiệp Quốc như Tuổi Trẻ viết, thì “tư tưởng loại bỏ dứt khoát chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của ông được toàn dân Việt Nam đồng thuận và cảm kích.”

Hồi tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ Online bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản ba tháng do đăng phát ngôn của cố chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình, dù sau đó đã sửa nội dung.

Hôm thứ Ba 25/9, Tổng thống Donald Trump vừa có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nơi ông nhắc đến những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được “chỉ trong chưa đầy hai năm”, sự cần thiết phải thay đổi hệ thống thương mại thế giới và tình hình khủng hoảng ở Venezuela mà theo ông là do chủ nghĩa xã hội gây ra.

Ông Trump nói rằng “Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người.”

Bài phát biểu của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

‘Đèn đom đóm của ông Quang’

Cách đó khoảng một tuần, cư dân mạng cũng phản ứng với bài viết trên báo Phụ nữ Việt Nam nhan đề “Vĩnh biệt cậu học trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học”, đăng tải sau ngay khi cố chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

Bài viết có đoạn: “Trong mắt người thân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một học trò siêng năng từ tấm bé. Gia đình khó khăn, cậu học trò ấy từng phải bắt đóm đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu…”

Nhiều ý kiến bình luận rằng dù để tỏ lòng thương tiếc vị chủ tịch nước thì tác giả bài báo cũng không nên viết ‘phi thực tế’ như vậy vì có thể làm ảnh hưởng thanh danh chủ tịch.

Luật sư Lê Ngọc Luân bình luận trên Facebook cá nhân rằng “Nếu là người thân, tôi sẽ đề nghị gỡ bài báo dưới đây.”

Ông Luân giải thích: “Thú thật, ngày xưa tôi nghe ba mẹ nói bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng học sẽ giỏi và tôi cũng tin nên bắt bỏ vào trứng khiến nó chết vì thở thông nổi. Sau này lớn lên mới biết đó chỉ là câu chuyện dân gian khích lệ sự hiếu học mà thôi.”

“Chỉ trách tại sao người cầm bút lại có thể viết ra những dòng như thế. Họ không biết thẹn lòng mình hay sao?”

Nhà báo Nguyễn Như Phong thì đặt câu hỏi về ‘tư duy của nhà báo’ ngày nay. “Hình như người viết không biết phân tích, đánh giá độ thực hư của câu chuyện kể.”

“Tại sao chuyện ca ngợi những tấm gương hiếu học có từ thời xửa thời xưa mà ví dụ hay được dẫn nhất là “bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn”, hoặc luyện viết chữ Hán đến nỗi ” lõm viên gạch lát sân”… nay dám “gán” vào cho Chủ tịch Trần Đại Quang?”

“Phải hiểu đó là những giai thoại. Và chuyện người ta kể chủ tịch bắt đom đóm làm đèn cũng chỉ nên coi là giai thoại.”

Ông Phong cũng kể kinh nghiệm cá nhân thời đi sơ tán, khi ông học lớp Năm, từng bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng nhưng “thật thất vọng vì ánh sáng lập lòe xanh nhợt của con đom đóm chẳng xuyên qua được vỏ trứng để đủ làm thành ‘ngọn đèn’.

“Ca ngợi Chủ tịch nước hiếu học thì thiếu gì dẫn chứng, thiếu gì chi tiết… Còn lấy chuyện bắt đom đóm làm đèn, chỉ làm tổn hại thanh danh chủ tịch mà thôi,” nhà báo Nguyễn Thanh Phong kết luận bài viết trên Facebook cá nhân.

Nhiều Facebooker khác cũng chia sẻ kinh nghiệm ‘bắt đom đóm’ tương tự. Như cây bút Hằng Thanh viết hồi bé từng bắt đom đóm cho vào lọ thủy tinh nhưng ‘không sáng’, dù thử nghiệm nhiều lần.

“Dạo này xuất hiện thứ báo chí thiệt là kinh dị khiến người được viết cũng lạy cả nón,” Facebooker này viết.

Cầu kỳ hơn, Facebooker có một bài phân tích dài về độ sáng, đặc tính sinh học và mùa xuất hiện của đom đóm.

Văn Song Nguyễn tính toán và cho rằng để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 60W sẽ cần 28.622 con đom đóm!

Hơn nữa, ánh sáng của đom đóm “không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của nó. Nên cái đèn đom đóm sẽ nhấp nháy liên tục. Mà nó lại nằm trong vỏ trứng thì không đủ sáng liên tục được… “

“Đom đóm chỉ xuất hiện vào mùa hè… Mà mùa hè thì xưa nay học sinh nghỉ học.”

Tuy nhiên cũng có lác đác một vài ý kiến ủng hộ, cho rằng việc học bằng đèn đom đóm là có thật.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến viết trên Facebook rằng ở quê thời xưa trẻ em nào cũng quen với việc bắt đom đóm làm đèn và ai “không tin đèn đom đóm có thể đọc sách, kể cũng là một sự thiệt thòi.”

Cây bút Thinh Nguyen cũng chia sẻ rằng bản thân đã từng ngồi học bằng ánh sáng đom đóm những ngày nhà hết dầu, và những người phản đối chuyện này “hầu hết là những người chưa trải qua thời kỳ đó”.

‘Không kiểm duyệt’ nhưng có ‘định hướng’

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng truyền thông Việt Nam ‘viết theo chỉ đạo’.

Để kiểm duyệt thông tin trên mạng internet, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xây dựng một đội ngũ hàng ngàn người gọi là Lực lượng 47 để đối phó với những “quan điểm sai lầm” và “tuyên truyền chống nhà nước”.

Theo một báo cáo của tổ chức Freedom House năm 2016, môi trường truyền thông của Việt Nam là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất ở châu Á, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát mọi kênh truyền thông và có ‘quy chế hoạt động’ cho các toàn soạn báo.

“Đảng Cộng sản thường xem các phương tiện truyền thông như một công cụ để quảng bá chính sách của đảng và nhà nước, và chính quyền thường can thiệp trực tiếp vào nội dung.”

“Các cuộc kêu gọi cải cách dân chủ và tự do tôn giáo, các bài báo về tham nhũng của quan chức cấp cao, về tranh chấp quyền sử dụng đất và chỉ trích mối quan hệ với Trung Quốc là những vấn đề phổ biến nhất để bị kiểm duyệt hoặc trừng phạt.”

“Trước nguy cơ bị sa thải hoặc mắc vào các vấn đề về pháp lý, nhiều nhà báo đã thực hiện “tự kiểm duyệt”, báo cáo của Freedom House cho hay.

Chính quyền Việt Nam bác bỏ những điều này.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ngày 17/11/2017, ông Tuấn nói: “Tôi khẳng định Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí”, theo VnExpress.

Tuy nhiên ông cũng cho hay rằng Ban Tuyên giáo Trung ương “thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45675160

 

Dự án dầu khí của Tập đoàn Nhật tại Việt Nam

có khả năng bị hủy

Dự án tham gia xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Việt Nam của Tập Đoàn Nhật JXTG Nippon Oil & Energy đang đối diện khả năng phải hủy.

Mạng báo Nikkei loan tin ngày 1 tháng 10 cho biết đối tác địa phương của JXTG Nippon Oil & Energy là Tập đoàn Xăng Dầu Quốc gia Việt Nam, Petrolimex, có vừa kiến nghị chính phủ về việc dừng dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong với trị giá khoảng 6 tỉ USD tại tỉnh Khánh Hòa, với lý do đưa ra là tập trung nguồn lực vào các dự án khác.

Tuy nhiên theo Nikkei thì quyết định của Petrolimex  có liên quan đến nỗi lo nguồn cung ứng dư thừa ở Việt Nam. Việc có thêm nhà máy thứ ba trong bối cảnh hiện nay là không cần thiết vì hai nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh  Hóa đã đi vào hoạt động.

Dự án nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa được Petrolimex kết hợp cùng với tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy góp vốn đầu tư từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư 4,4 đến 4,8 tỷ USD. Nhà máy sử dụng 300 ha mặt đất và 300 ha mặt biển với công suất đạt 200.000 thùng một ngày tương đương 10 triệu tấn một năm.

Cuối năm 2014, tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy cùng với Petrolimex Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Quy mô dự án được định giá lại từ 6 tỷ đến 7 tỷ USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jxxtgs-vietnam-refinery-project-in-doubt-as-partner-secedes-to-pull-out-10012018083406.html

 

Hoa Kỳ tăng lãi suất –

Việt Nam khó kiểm soát lạm phát

Đợt tăng lãi suất căn bản mới đây của Hoa Kỳ sẽ tạo áp lực lên tiền đồng và khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu về lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế trong nước cho hay như vậy hôm Chủ Nhật 30/09. Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay lên thêm 0.25% vào hôm Thứ Tư. Báo mạng VnExpress dẫn lời kinh tế gia Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, đợt tăng mới đây sẽ tạo áp lực lên tỉ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam, vì đô la sẽ lên giá so với tiền đồng. Ông Hiếu cho rằng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất lên để ngăn ngừa khách hàng đổi nội tệ lấy đô la.

Ông Hiếu cũng dự báo hàng nhập cảng sẽ có giá cao hơn tính theo tiền đồng, khiến cho chỉ số giá tiêu thụ CPI, tức lạm phát, tăng theo.

Cũng đồng ý với ông Hiếu, người đứng đầu các thị trường toàn cầu của ngân hàng HSBC, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng sự thay đổi lãi suất của Hoa Kỳ sẽ tạo ra những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, vì mức lạm phát đang tiến tới gần giới hạn 4% do chính phủ Cộng Sản Việt Nam đề ra. Theo ông Khoa, đồng Việt Nam yếu đi cũng có thể làm giảm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, vì các nhà đầu tư có thể không còn cảm thấy tự tin để đầu tư thêm. Ông Khoa cũng lưu ý rằng, do giá trị tiền đồng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, cho nên chương trình cổ phần hóa các công ty quốc doanh của Việt Nam cũng sẽ gặp trở ngại.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tang-lai-suat-viet-nam-kho-kiem-soat-lam-phat/

 

Xe VinFast – Dân phấn khích;

chuyên gia lo lệ thuộc công nghệ

Hãng ôtô tư nhân non trẻ của Việt Nam, VinFast, sẽ chính thức cho ra mắt 2 mẫu xe tại triển lãm tầm cỡ thế giới Paris Motor Show hôm 2/10, chỉ hơn 1 năm sau khi hãng khởi công tổ hợp sản xuất ở Hải Phòng, theo báo chí Việt Nam.

Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay 2 mẫu xe sẽ được trưng bày gồm một bản xe du lịch (sedan) có tên gọi chính thức là LUX A2.0, và một bản xe tiện ích thể thao (SUV) được đặt tên là LUX SA2.0.

Các bài báo khen ngợi việc VinFast đã thiết kế, phát triển xe, và lắp đặt dây chuyền sản xuất một cách “thần tốc”.

Tin cho hay, đây là kết quả của việc hãng ô tô này “táo bạo” chọn cách “đi tắt đón đầu”, bằng cách ký kết các thỏa thuận với “hàng loạt đối tác lớn”, bao gồm Siemens về xây dựng nhà máy, BMW về mua bản quyền sở hữu trí tuệ, Pininfarina về thiết kế, và hay Bosch về giải pháp phần cứng, phần mềm và dịch vụ.

Hiện mới chỉ có một số thông tin sơ lược về 2 mẫu xe sắp được tung ra của VinFast, thành viên thuộc Vingroup, tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo trang Vietnam Finance, bản sedan có dẫn động cầu sau với công suất 175 mã lực, mô-men xoắn cực đại 300 newton mét. Còn dòng SUV có bản dẫn động cầu sau hoặc bản tuỳ chọn là dẫn động bốn bánh, từng bản lần lượt có công suất của 175 mã lực, mô-men xoắn 300 Nm, và 228 mã lực, mô-men xoắn 350 Nm.

Trước cả triển lãm ở Paris, VinFast đã làm và giao 160 xe để thử nghiệm ở cả châu Á và châu Âu, theo báo mạng Soha.vn. Không cho biết thông tin này được lấy từ nguồn nào, Soha viết thêm rằng hai mẫu xe “trước mắt đã đạt được đánh giá 5 sao trong thử nghiệm an toàn va chạm của Ủy ban Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP)”.

Khi đi vào sản xuất bắt đầu từ tháng 8/2019, nhà máy được đầu tư 3,5 tỉ đôla sẽ có công suất “250.000 xe mỗi năm” trong vòng 5 năm tiếp theo, một bản tin của Reuters cho hay. Còn trang tin Việt Nam Mới nói nhà máy VinFast có thể sản xuất được 38 chiếc ô tô mỗi giờ, với “hệ thống robot hiện đại, dây chuyền nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và Châu Âu”.

Vingroup sản xuất ôtô VinFast ở Việt Nam

Việt Nam ra mắt mẫu xe sedan, SUV đầu tiên

VinFast bắt tay với General Motors để sản xuất ô tô ở Việt Nam

Khá nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ các bài báo và đưa ra hàng trăm bình luận theo hướng cổ vũ, chúc mừng cho điều mà họ gọi là “những thành công ban đầu” của VinFast nói riêng và “niềm tự hào Việt” nói chung.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), viết trên trang Facebook cá nhân có trên 51.000 người theo dõi rằng ông đã phải “dùng quan hệ” để xếp chỗ mua hàng và ông thấy “may mắn” là đơn hàng của ông đặt mua 5 chiếc xe VinFast “đã được chấp nhận”.

Vị chủ tịch SSI cho biết ông sẽ là một trong những người “đầu tiên được nhận xe” và ông có suy nghĩ rằng “ai chả muốn là những người đầu tiên được sở hữu một chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam”.

Ông viết thêm rằng điều này không đơn giản chỉ là “niềm vui sở hữu một phương tiện đi lại”, mà hơn thế, đó là “tình cảm của những người luôn mong muốn xây dựng thương hiệu Việt Nam”.

Tuy nhiên, bên cạnh các bình luận lạc quan, tích cực, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần thận trọng khi đánh giá về chặng đường sắp tới của VinFast.

Những người thuộc về nhóm phản biện chỉ ra rằng hai mẫu xe sắp ra mắt “hầu như không có gì của Việt Nam cả”. Một số người lưu ý đến thực tế là công nghiệp phụ trợ trong nước “gần như bằng không” để đưa ra quan điểm là trong điều kiện như vậy, “làm được 1 chiếc ô tô từ A đến Z trong vòng 2 năm thì đúng là ảo thuật”.

Nhiều người khác thận trọng cảnh báo rằng dù các hãng nước ngoài thiết kế và cung cấp linh kiện, vẫn cần thêm thời gian để “kiểm chứng chất lượng” của các sản phẩm VinFast.

VINFAST – giấc mơ ô tô Việt trong tầm tay hay xa vời?

Người Mỹ điều hành hãng xe của tỷ phú Việt tin vào ‘thắng lợi’

Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, ông Trần Khắc Huy, nói với VOA rằng dựa trên kiến thức của ông về quy trình sản xuất ô tô truyền thống, ông “không tin” là VinFast có thể “tự làm được xe thương hiệu Việt theo đúng nghĩa”.

Tôi tin rằng VinFast sẽ không cung cấp được giá phụ tùng theo đúng nghĩa là thương hiệu Việt, bởi vì phụ tùng xe không sản xuất tại Việt Nam, còn nhập khẩu vẫn chịu thuế nhập khẩu như phụ tùng các xe khác. Tôi tin rằng giá phụ tùng sẽ khá là cao, và đó không phải là một lợi điểm.

Chuyên gia Trần Khắc Huy

Một khó khăn cơ bản, theo ông Huy là khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) vốn đòi hỏi phải có nhân sự trình độ rất cao và chi phí lớn. Trong khi đó, ông Huy cho rằng VinFast “chưa có ngay, hoàn toàn phải đi thuê”, và ngay cả khi hãng chi tiền để mua “cũng không dễ để có thể mua được” những thiết kế và công nghệ tốt nhất, mới nhất.

Ông nói thêm về khó khăn khác đang chờ đợi hãng này do lệ thuộc về công nghệ:

“Khi chạy xe, đương nhiên đi kèm theo phải là dịch vụ và phụ tùng. Tôi tin rằng VinFast sẽ không cung cấp được giá phụ tùng theo đúng nghĩa là thương hiệu Việt, bởi vì phụ tùng xe không sản xuất tại Việt Nam, còn nhập khẩu vẫn chịu thuế nhập khẩu như phụ tùng các xe khác. Tôi tin rằng giá phụ tùng sẽ khá là cao, và đó không phải là một lợi điểm”.

Những phân tích của vị giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam cũng trùng với cách nhìn của ông Bill Russo, người đứng đầu hãng Automobility chuyên tư vấn về ô tô, có trụ sở đặt tại Thượng Hải.

Ông Russo, cũng từng là một giám đốc của hãng ô tô Chrysler, nói với Reuters trong một bài viết về VinFast đăng hôm 1/10: “Việc họ thuê bên ngoài làm thiết kế và chế tạo, cũng như việc họ lệ thuộc vào R&D của nước ngoài cho tôi thấy là họ đang đi theo con đường truyền thống mà có lẽ không còn có tính cạnh trạnh trong một kỷ nguyên của các dịch vụ di chuyển kỹ thuật số”.

Doanh nhân và chuyên gia kỳ cựu này nói thêm với Reuters: “Câu hỏi quan trọng là vì sao thế giới lại cần có thêm một nhãn hiệu ô tô nữa cơ chứ, trong một thời đại khi mà các phần cứng đang trở thành hàng hóa phổ biến”.

Trước đây, 2 dự án ô tô khác ở Việt Nam thất bại, là VEAM do nhà nước chống lưng và Vinaxuki của tư nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA khi VinFast khởi công xây nhà máy, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Dong A Solutions, một hãng tư vấn cho các doanh nghiệp nội địa, nhận định rằng: “Nếu có một cách nào đó để VinFast thành công, thì Vingroup phải dựa vào chính sách, tác động vào chính sách”.

Căn cứ vào những kết quả mà tập đoàn đạt được từ việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chuỗi bán lẻ cho đến trường học, bệnh viện, chuyên gia Trần Bằng Việt bày tỏ tin tưởng là VinFast có thể làm được, nhưng ông cũng thận trọng bổ sung rằng họ “làm tốt đến đâu chúng ta phải chờ thêm”.

https://www.voatiengviet.com/a/xe-vinfast-dan-phan-khich-chuyen-gia-lo-le-thuoc-cong-nghe/4594573.html

 

Tìm thấy hài cốt phi công Liên Xô

 mất tích 47 năm tại Việt Nam

Hài cốt phi công quân sự Liên Xô Yuri Poyarkov, người bị mất tích trong 47 năm qua, đã được phát hiện tại Việt Nam, các cơ quan tìm kiếm nói với hãng tin Nga TASS hôm 30/9.

Một người tham gia tìm kiếm hài cốt nói với TASS: “Hôm nay, trong một cuộc tìm kiếm ở vùng núi Tam Đảo, hài cốt của hai phi công đã được tìm thấy, trong đó có thể là hài cốt của Đại úy Poyarkov.”

Đại úy Không quân Liên Xô, Poyarkov, sinh năm 1933, là một người hướng dẫn lái máy bay quân sự tại Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam 1955-1975.

Ông mất tích vào ngày 30/4/1971 trong khi thực hiện một chuyến bay huấn luyện chung với một phi công Việt Nam trên một chiếc máy bay tiêm kích phản lực siêu âm MiG-21U của Liên Xô. Khi ấy chiếc máy bay được cho là bị rơi ở một khu vực rừng núi hẻo lánh của Việt Nam.

Theo yêu cầu từ bà Anna Poyarkova, cháu gái của viên sĩ quan Liên Xô, vào năm ngoái, một nhóm những người địa phương đã tiếp tục tìm kiếm hai phi công mất tích.

Trang Zing.vn cho biết vào sáng 29/9, đội tìm kiếm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã tìm thấy hài cốt của 2 liệt sĩ tại độ cao 1.200 m trên núi Tam Đảo, khu vực giáp ranh giữa xã Hoằng Nông và xã Mỹ Yên – nơi trước đây từng tìm thấy nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay Mig21-U gặp nạn năm 1971.

Truyền thông Việt Nam cho biết bước đầu xác định hai bộ hài cốt là của phi công Cống Phương Thảo và huấn luyện viên người Liên Xô là đại úy Yuri Poyarkov trên chiếc máy bay Mig-21U gặp nạn cách đây 47 năm.

https://www.voatiengviet.com/a/tim-thay-hai-cot-phi-cong-lien-xo-mat-tich-14-nam-tai-vietnam/4594288.html