Tin Việt Nam – 01/09/2018
Ông Trần Huỳnh Duy Thức
sẽ tuyệt thực đến khi đạt được công lý
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi đạt được công lý.
Các nguồn tin trên mạng cho hay sáng ngày 31 tháng 8, bốn người trong gia đình ông Thức và hai nhà hoạt động là Phạm Bá Hải và Lê Thăng Long đã đến trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, để thăm gặp ông Thức. Trại giam chỉ cho người trong gia đình vào thăm, còn ông Hải và ông Long phải đứng chờ bên ngoài. Ông Thức cho biết đã tuyệt thực tới ngày thứ 18 và sẽ tiếp tục tuyệt thực để yêu cầu công lý và đòi hỏi nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật. Gia đình mô tả ông Thức trông yếu và ốm đi nhiều, da mặt sạm đen. Ông cho biết đã sụt hơn 4kg kể từ khi tuyệt thực vào ngày 13 tháng 8.
Người trong gia đình và các nhà hoạt động thân cận với ông Thức cho biết, ông đang bị các viên chức trại giam ép buộc ký giấy nhận tội để được đặc xá, nhưng ông không chịu ký. Ông cho rằng đặc xá chưa phải là công lý. Để trả đũa việc ông Thức không chịu ký giấy nhận tội, viên giám thị trại giam tên Trần Bá Toan đã tự soạn ra văn bản số 224 bao gồm những quy định chèn ép tù nhân, như: viết thư chỉ một người nhận, các đơn tố cáo khiếu nại phải được trại giam kiểm tra trước, không được viết thư cho lãnh đạo nhà nước, không cho gửi các sáng tác văn thơ nhạc về nhà. Ông Thức cho rằng việc chèn ép tù nhân như vậy là hoàn toàn sai trái. Ông muốn nhà cầm quyền phải sử dụng khoản 3 điều 109 bộ luật hình sự 2015 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” để trả tự do cho ông ngay lập tức. Ông Thức nói thêm rằng, điều luật “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sau này được thay đổi theo hướng chỉ khi nào có hành động cụ thể mới bị kết tội, và vụ án của ông cần phải được dùng làm án lệ sau này.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/ong-tran-huynh-duy-thuc-se-tuyet-thuc-den-khi-dat-duoc-cong-ly/
Bến Tre: Kỹ sư nuôi tôm bị bắt
vì ‘Tuyên truyền chống nhà nước”
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, một kỹ sư nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre hôm 30-8 bị bắt và giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Bến Tre vì bị cho là có hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
Ngày 1-9, Công an tỉnh Bến Tre xác nhận với báo Người Lao Động là công an đang tạm giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Mạng báo này dẫn lời công an cho hay, “trang facebook cá nhân của Ánh đã chia sẻ, viết nhiều bài có nội dung kích động, trong đó kêu gọi xuống đường biểu tình, phá hoại vào tháng 6-2018 và dịp lễ 2-9 sắp tới.”
Ông Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch phong trào Lao Động Việt chiều ngày 1 tháng 9 nói với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Như báo Người Lao Động nói là tuyên truyền chống nhà nước là vấn đề chụp mũ những người nói lên tiếng nói, những người nói lên sự xảo trá của chế độ cộng sản, chứ thực ra không có gì gọi là tuyên truyền.
Tôi biết anh Ánh khoảng 2 tháng trở lại đây khi tôi có những buổi live stream nói về quyền lợi người lao động, tình hình đất nước thì anh Nguyễn Ngọc Ánh thường lên live stream của tôi nói về tình hình công nhân nói chung, nền kinh tế VN và thảm cảnh của người lao động.”
Việc bắt ông Ánh xảy ra trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền trên cả nước bị bố ráp, theo dõi, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà trước ngày 2-9, ngày mà có nhiều lời kêu gọi “Tổng biểu tình” chống Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Hôm 30 tháng 8, trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay:
“Thời điểm hiện nay như chúng ta biết là trên mạng xã hội và một số nơi đã có dư luận không tốt, có cả kích động gây rối. Do đó, trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ và chủ động, chúng ta không để các thế lực thù địch lợi dụng để gây rối dịp 2/9.”
Thêm người chết và mất tích do lũ,
thêm người bị bắt vì tin đồn vỡ đập
Báo Tiền Phong hôm 1/9 trích thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hoá cho biết đã có 7 người chết và mất tích do mưa lũ những ngày qua ở tỉnh này.
Hiện, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy được thi thể của hai nạn nhân. Nguyên nhân được xác định là các nạn nhân gặp nạn do sạt lở đất, đá và nước lũ cuốn.
Theo Tiền Phong, mưa lớn trong các ngày 28 đến 30/8 tại Thanh Hoá đã gây lũ, khiến 5.000 ngôi nhà bị ngập, gây thiệt hại lớn về giao thông và nông nghiệp.
Theo truyền thông trong nước, mưa lớn cũng khiến thuỷ điện Trung Sơn và Bá Thước ở tỉnh này phải xả lũ, gây ngập nhiều nhà dân.
Mưa lớn cũng khiến thuỷ điện Bản Vẽ ở Nghệ An phải xả lũ.
Sau khi thuỷ điện Bản Vẽ và Trung Sơn xả lũ, trên mạng facebook đã xuất hiện tin đồn vỡ đập thuỷ điện. Cơ quan chức năng hai tỉnh này đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn hôm 31/8.
Hôm 1/9, công an Nghệ An đã triệu tập 6 người được cho là đưa tin đồn thuỷ điện Bản Vẽ bị vỡ đập.
Trước đó, vào ngày 31/8, Công an Thanh Hoá cũng đã triệu tập hai người được cho là đã đưa tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn lên mạng Facebook.
Báo Tiền Phong trích lời Thượng tá Võ Văn Hậu, Trưởng công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết một nam thanh niên tung tin đồn vỡ đập dã bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-dead-in-flood-09012018101116.html
Quyền biểu tình và những điều cần biết
Nguyễn Trang Nhung
Ngày 27/8, Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, đã phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp giao ban công tác TP. Hà Nội rằng công an thành phố cần “không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố” trong dịp 2/9.[1]
Tuy không nói tới biểu tình mà chỉ nói tới “tụ tập đông người“, song phát biểu của ông Chung được cho là chỉ đạo ngăn chặn biểu tình, và xếp chung biểu tình với “hành vi quá khích“. Nhân phát biểu này của ông Chung, chúng ta cùng tìm hiểu về quyền biểu tình.
Căn cứ pháp lý quốc gia
Đầu tiên, cần biết rằng quyền biểu tình (một cách ôn hòa) là một trong các quyền công dân cơ bản, là một dạng của quyền tự do biểu đạt, và cũng là một dạng của quyền tự do hội họp. Quyền này được quy định trong Hiến pháp Việt Nam 2013[2], đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia, tại Điều 25:
“Người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.“
Vậy pháp luật quy định ra sao về quyền biểu tình? Câu trả lời là ‘Không ra sao cả vì chưa có luật biểu tình’. Điều đó có nghĩa là người dân không được đi biểu tình? Câu trả lời là ‘Không phải thế’.
Người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. – Điều 25, HIến pháp
Khi chưa có luật biểu tình thì chưa có quy định nào về biểu tình để điều chỉnh các hành vi biểu tình của người dân. Khi đó, các hành vi của người dân trong biểu tình được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật hiện có, chẳng hạn quy định về an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Như vậy, dù chưa có luật biểu tình thì người dân vẫn được đi biểu tình. Việc chưa có luật biểu tình không phải là lý do để ngăn chặn người dân thực hiện quyền này. Nếu chính quyền ngăn chặn người dân biểu tình, chính quyền đã vi phạm hiến pháp, hay vi hiến.
Căn cứ pháp lý quốc tế
Không chỉ có căn cứ pháp lý là hiến pháp quốc gia, quyền biểu tình – một dạng của quyền tự do hội họp (như trên đã nêu) – còn có căn cứ pháp lý là luật quốc tế, bao gồm Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 (Universal Declaration of Human Rights – UDHR)[3], và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR)[4] mà Việt Nam tham gia năm 1982.
“Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.” (Khoản 1, Điều 21, UDHR)
“Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác.” (Điều 21, ICCPR)
Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình – UDHR
Trong khi ICCPR với tư cách là một công ước có tính chất ràng buộc đối với Việt Nam cũng như các bên tham gia khác, UDHR không phải là một công ước nhưng có ý nghĩa như “một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia“[5], làm cơ sở cho nhận thức của tất cả các quốc gia và dân tộc về các quyền con người và quyền công dân.
Ngoài ICCPR và UDHR, luật quốc tế còn có nhiều văn bản khác về quyền con người dành cho các cộng đồng khác, như Hiến chương châu Phi về quyền con người và các dân tộc (the African Charter on Human and Peoples’ Rights), Công ước châu Mỹ về quyền con người (the American Convention on Human Rights), và Công ước châu Âu về quyền con người (the European Convention on Human Rights), v.v.
Các giới hạn của quyền
Như hầu hết các quyền tự do, quyền biểu tình là có giới hạn. Các giới hạn đó là gì? Điều 21, ICCPR nêu trên đã chỉ ra các giới hạn, đó là các hạn chế về (1) an ninh quốc gia, (2) an toàn và trật tự công cộng, (3) sức khỏe và đạo đức xã hội, (4) quyền và tự do của những người khác.
Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng chỉ ra các giới hạn tương tự tại Khoản 2, Điều 14:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.“
Một băn khoăn được đặt ra là có các nguyên tắc hay hướng dẫn nào cho các giới hạn, để các chính quyền tránh xâm phạm vào các quyền tự do nói chung và quyền biểu tình nói riêng hay không? Câu trả lời là ‘Có’. Năm 1985, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Council – ECOSOC) của Liên Hợp Quốc đã thông qua các nguyên tắc Siracusa về các quy định giới hạn và đình chỉ trong ICCPR[6]. Sau đây là một số nguyên tắc:
“Sức khỏe của công chúng có thể được coi là căn cứ cho việc giới hạn một số quyền để cho phép một nhà nước có biện pháp đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân hoặc các cá nhân thành viên của cộng đồng. Những biện pháp này phải được nhắm cụ thể đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc cung cấp sự chăm sóc cho các bệnh nhân và người bị thương.” (Nguyên tắc 25)
“An ninh quốc gia có thể được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp giới hạn một số quyền chỉ khi chúng được thực hiện để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ của nó hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực.” (Nguyên tắc 29)
“An toàn công cộng nghĩa là bảo vệ chống lại sự nguy hiểm đối với sự an toàn của con người, đối với cuộc sống của họ hoặc toàn vẹn về thể chất, hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của họ.” (Nguyên tắc 33)
“Một giới hạn đối với một quyền con người dựa trên danh dự của người khác không được sử dụng để bảo vệ nhà nước và công chức của mình khỏi quan điểm hoặc chỉ trích của công chúng.” (Nguyên tắc 37)
Có thấy rằng các nguyên tắc trên đây, đặc biệt là các nguyên tắc về an ninh quốc gia và an toàn công cộng, đã không được chính quyền Việt Nam tôn trọng. Hệ quả là các giới hạn về an ninh quốc gia và an toàn công cộng được sử dụng một cách tùy tiện để cản trở người dân thực hành quyền biểu tình cũng như các quyền tự do khác.
Dẫu vậy, việc hiểu biết về quyền biểu tình bên cạnh các quyền tự do khác là rất cần thiết đối với chúng ta, với tư cách là chủ thể của các quyền, để có thể thực hiện các quyền với tất cả sự tự tin và xa hơn, là thúc đẩy các quyền này, để chúng thực sự được chính quyền tôn trọng, và để chúng ta thực sự được tự do.
Chú thích:
[1] Chủ tịch Hà Nội: Không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người dịp 2/9
https://news.zing.vn/chu-tich-ha-noi-khong-de-xay-ra-tinh-trang-tu-tap-d…
[2] Hiến pháp Việt Nam 2013
http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=32801
[3] Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy…
[4] Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy…
[5] Dẫn từ lời nói đầu của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền
[6] ABC về các quyền dân sự và chính trị cơ bản (xem phụ lục từ trang 133)
http://isee.org.vn/Content/Home/Library/461/abc-ve-cac-quyen-dan-su-chin…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Lưỡng Viện California thông qua
luật dạy lịch sử Người Việt Tị Nạn
Dự luật giảng dạy lịch sử người Việt tị nạn do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn là tác giả vừa được Hạ Viện Tiểu Bang California thông qua trong ngày họp cuối cùng của tháng 8.
Dự Luật SB 895 đã được Thượng Viện California thông qua hồi cuối tháng 5. Vì vậy, nay dự luật được chuyển đến Văn Phòng Thống Đốc Jerry Brown. Ông Brown sẽ có từ nay đến ngày 30 tháng 9 để ký ban hành hoặc phủ quyết dự luật này.
Dự luật SB 895 đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Giảng Dạy IQC thiết lập một chương trình giảng dạy mẫu về kinh nghiệm của người tị nạn Việt Nam và vai trò của Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Các khóa học lịch sử cũng sẽ đề cập đến cuộc tàn sát 2 triệu người Cambodia từ năm 1975 đến 1979 dưới chế độ Khmer Đỏ tàn bạo của lãnh tụ cộng sản Pol Pot. Học sinh California cũng sẽ được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của người Hmong tại Đông Nam Á, bao gồm sự yểm trợ của đội quân bí mật người Lào Hmong đối với Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm Thứ Sáu 31/08, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn kêu gọi đồng hương tiếp tục vận động tích cực thêm một lần nữa để thống đốc ký ban hành luật. Một thỉnh nguyện thư trên trang mạng baovecongdong.com hiện có hơn 16,000 chữ ký ủng hộ Dự Luật SB 895. Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn hy vọng cộng đồng tiếp tục tham gia chiến dịch vận động để nâng cao số chữ ký lên 20,000 trước hạn chót là ngày 10 tháng 9.
Nếu Dự Luật SB 895 được Thống Đốc Brown ký ban hành, California sẽ thiết lập ba chương trình giảng dạy lịch sử như vừa nêu cho các cấp từ mẫu giáo cho tới lớp 12 trước năm 2023. Ước lượng luật SB 895 sẽ có phí tổn một lần là 829,000 Mỹ kim trong ba năm, bắt đầu từ năm học 2020-21, để phát triển mỗi chương trình học. Tổng chi phí sẽ là gần 2.5 triệu Mỹ kim để phát triển ba chương trình học.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/luong-vien-california-thong-qua-luat-day-lich-su-nguoi-viet-ti-nan/
Thư Saigon : Mưa Lũ, Tiếng Việt,
Đà Lạt, Lửa Cháy
Xuân Niệm
Vậy là mưa lũ hoài… Phải chăng vì nghiệp cõi này như thế?
Báo Kinh Tế & Đô Thị kể: Theo thống kê từ các địa phương, đến nay, mưa lũ đã khiến ít nhất 3 người bị chết (1 người tại Yên Bái và 2 người ở Sơn La). 371 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước. Hiện, 54 hộ dân đang phải di dời khẩn cấp, tập trung chủ yếu tại Sơn La: 45 nhà.
Sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại lớn với 1.006ha lúa, hoa màu bị ngập. Gần 200 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, cùng 53ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Trong khi đó tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do lũ lên nhanh, tỉnh An Giang đã phải di dời 114 hộ, dự kiến lũ lên mức báo động (BĐ) 3, tỉnh sẽ phải di dời 1.790 hộ.
Bản tin Infonet kể: Ngày 30/8, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay, ngành giáo dục TP này không thí điểm bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vào việc dạy đánh vần cho học sinh Tiểu học.
…“Thử món nào phải đàng hoàng món đó, chứ không thể đem con em ra làm “chuột bạch” miết được. Chủ trương của Đà Nẵng là không thí nghiệm, không thử nghiệm những mô hình quá lạ lẫm. Không phải là mình sợ, mà lý do là mọi cái thí nghiệm, thực nghiệm phải được kiểm định một cách tương đối bài bản, chứ còn mới dự thảo mà đưa cho Đà Nẵng thử nghiệm thì không ủng hộ!” – Ông Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.
Báo Tài Nguyên & Môi Trường kể chuyện Đà Lạt: thành phố Đà Lạt vốn được biết đến là một khu nghỉ dưỡng có khí hậu rất tốt nhất Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây, đô thị nghỉ dưỡng này cũng đang “bốc hỏa” trước tốc độ phát triển chóng mặt của hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc người dân đô thị sử dụng thái quá các nguồn năng lượng và di dân với tốc độ lớn. Khi năng lượng được “đốt” quá nhiều sẽ khiến tiêu hao nhiều tài nguyên, thải nhiều chất thải ra môi trường. Ngay việc chia nhỏ đất đai, bê tông hóa mặt đất, sử dụng các phương tiện điều hòa không khí nhân tạo… đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.
Báo Thanh Hóa kể: Nước sông lên nhanh đã làm ngập lụt hơn 300 nhà dân thuộc các xã Thạch Lâm, Thành Mỹ, Thành Trực, Thạch Định, Thành Tiến và gây cô lập hoàn toàn 47 nhà dân ở thôn 3 Tân Sơn, xã Thành Kim cùng hơn 1.000 ha mía, lúa và hoa màu. Nước lên nhanh cũng đã gây ngập từ 0,5 đến 1m trên tuyến quốc lộ 217B đoạn qua xã Thành Vinh, Thành Mỹ, với chiều dài hơn 6km.
Báo Đời Sống VN kể: do mưa lớn kéo dài nhiều ngày (từ ngày 27 đến 30/8) nên vào khoảng 15h ngày 30/8, đã xảy ra vụ sạt lở tường bao phía sau nhà của các cán bộ chiến sỹ- Đội Cảnh sát bảo vệ trụ sở HĐND và UBND tỉnh Hòa Bình, khiến tường đổ sập làm 2 chiến sỹ bị thương và 1 chiến sỹ bị điện giật.
Hiện các chiến sĩ bị thương đang cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân được xác định, do nước và bùn đất từ phía sau đồi ông Tượng ùn xuống nhiều khiến đoạn tường bao dài gần 10m, cao hơn 2m, bị đổ sập.
Bản tin VietnamNet kể: Lũ cuồn cuộn đổ về quốc lộ 6 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) chiều qua khiến người dân ven quốc lộ cuống cuồng chạy thoát thân. Một siêu thị không kịp di dời hàng hoá đã bị dòng nước chảy xiết cuốn đi.
Nhiều người dân hai bên đường lao ra dòng nước vớt hàng, nhưng không được bao nhiêu khi dòng nước đang chảy cuồn cuộn. Nhiều đồ khô, sữa, bim bim, mì gói… bị dòng lũ cuốn phăng phăng mà người dân đành bất lực đứng nhìn.
Báo Công An Đà Nẵng kể: Trưa 30-8, người dân phát hiện lửa bùng phát ở khu vực nhà kho chứa đồ của Nhà hát múa rối (NHMR) cố đô Huế (đường Nguyễn Khánh Toàn, TP Huế) nên đã tri hô dập lửa. Tuy nhiên, do gió lớn và kèm theo đồ nhựa dễ cháy nên đám cháy nhanh chóng lan rộng ra khu vực xung quanh.
Báo Nhà Báo & Công Luận kể chuyện Thanh Hóa: Tình trạng ép giá, ép khách ở Sầm Sơn có biểu hiện phát sinh.
(Từ ngày 20/4 đến 31/7/2018, cơ quan chức năng TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã xử lý 183 vụ vi phạm hành chính với 190 hành vi vi phạm, trong đó có 119 hành vi vi phạm về giá, 41 hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số tiền phạt là hơn 369 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 25 vụ xử phạt vi phạm hành chính theo đường dây nóng, có 9 vụ có hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch.
Báo Thanh Niên kể chuyện một sư cô giúp “cưu mang những phụ nữ trót dại mang thai ngoài ý muốn, cứu giúp bao sinh linh bé bỏng được có cơ hội cất tiếng khóc chào đời…”
Nơi ẩn trú cho các thiếu nữ có thai bất trắc là căn nhà trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận, TP.SG). Ở đó có những người phụ nữ xa lạ, không cùng quê quán, không chung ngành nghề… nhưng số phận khiến họ có chung nỗi đau bị người yêu ruồng bỏ, gia đình xa lánh vì trót mang trong bụng một mầm sống bị chối từ…
Người gánh vác là sư cô Lê Thị Thu Hoa (40 tuổi, pháp danh Chúc Từ. Sư cô Chúc Từ tu tại chùa Bồ Đề ở quận 4, sư cho biết trong chùa không đủ chỗ cho các con ở nên mới tìm nhà thuê ở ngoài. “Thật ra căn nhà này được một phật tử cho tôi thuê lại với giá rất rẻ. Vài tháng nữa hết hợp đồng thì chúng tôi phải dọn đi nơi khác, nhưng sẽ tìm thuê nhà ở gần bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương hoặc bệnh viện Gia Định để lỡ có ai trở dạ đột ngột thì còn đưa đi kịp thời”, sư cô nói.
https://vietbao.com/p122a284996/2/mua-lu-tieng-viet-da-lat-lua-chay
‘Tôi đề nghị xét lại
việc cho lưu hành tiền TQ ở VN’
“Chủ quyền về tài chính, chủ quyền về tiền tệ là một trong những nội dung hết sức quan trọng về chủ quyền kinh tế,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh bình luận với BBC về một quyết định của Nhà nước Việt Nam cho phép lưu hành đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc song song với đồng tiền Việt Nam tại các tỉnh biên giới giáp ranh với Trung Quốc.
“Đấy là quyền kiểm soát về đồng tiền để thanh toán trong bất kỳ một nền kinh tế nào,” nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm hôm 01/9/2018.
Việt-Trung: Có nặng đồng cân ‘nhân dân tệ?
VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ
5 điều cần biết về tiền Trung Quốc
“Và mọi chính phủ, mọi nhà nước đều hết sức nghiêm ngặt trong việc thực hiện chủ quyền này. Tôi hy vọng và tha thiết đề nghị là Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét về Thông tư 19 này.”
Theo chuyên gia về chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô này, quyết định kể trên đến từ một thỏa thuận giữa hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam được ký kết ở cấp Bộ trưởng, và sau đó Thông tư của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn thực hiện.
“Điều này là trái với Hiến Pháp của Việt Nam. Hiến Pháp của Việt Nam chỉ cho phép trên lãnh thổ của Việt Nam chỉ có đồng tiền của Việt Nam [được lưu hành] mà thôi, còn ai chịu trách nhiệm, có lẽ sẽ là trách nhiệm của Quốc Hội, của Chính phủ xác định về việc này,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-45383117
Việt-Trung: Có nặng đồng cân ‘nhân dân tệ?
BBC Tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến về quyết định dùng tiền Trung Quốc trong giao dịch bình thường ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam.
5 điều cần biết về tiền Trung Quốc
VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ
Mỹ trợ giúp 12 tỷ đôla cho nông dân
Một số ý kiến trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt:
Tử Ấn Thiên:
“Kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc thì phải phụ thuộc vào tiền tệ của nó là đúng rồi… Không chỉ mấy tỉnh phía Bắc mà sau này cả đất nước luôn đó chứ. Nguy hiểm hơn là nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mà Trung Quốc thua thê thảm thì kinh tế Việt Nam cũng khủng hoảng luôn.”
Nguyễn Nguyên:
“Như vậy nếu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc và nhận về nhân dân tệ thì lấy đâu đô la để trả nợ quốc tế?”
Van Phuc Nguyen:
“Tiền Trung Quốc bắt đầu được tự do lưu hành ở biên giới rồi không lâu nữa nó sẽ thay tiền Việt Nam… Đây cũng là một phần chia lửa với TQ trong chiến tranh thương mại với Mỹ.”
Tôi thấy ở Việt Nam hay thổi phồng vài trò của Trung Quốc trên thế giớiMột ý kiến
Ý kiến của một số nhà nghiên cứu và kinh tế giakhông nêu tên:
Ý kiến lo ngại ‘Trung Quốc hóa’ tiền Việt:
“Vụ Việt Nam chính thức cho dùng tiền nhân dân tệ các tỉnh biên giới sẽ chính thức ‘Trung hoá’ tiền tệ Việt Nam và mở cửa chính thức cho hàng Trung Quốc ồ ạt tuồn sang. Và từ đây, hai hậu quả sắp tới là doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt, và Hoa Kỳ sẽ trả đũa giới hạn hàng Việt Nam lẫn hàng Trung Quốc trá hình trốn sang Mỹ. Ảnh hưởng lên kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt, khó đoán trước chính xác.”
Ý kiến về phụ thuộc chính sách tiền tệ:
“Đúng là Trung Quốc đang muốn thế giới dùng nhân dân tệ (RMB) làm dự trữ ngoại tệ, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chấp nhận điều này. Nhưng dùng làm dự trữ khác hẳn việc dùng ngoại tệ với tư cách là đồng tiền thanh toán trong nội bộ nền kinh tế.
Vì vậy mà nhiều nước đã bị đô la hóa hay Việt Nam có thể bị nhân dân tệ hóa. Dù thế nào thì khi để chuyện này xảy ra nước sở tại sẽ mất một phần hay hoàn toàn quyền điều hành chính sách tiền tệ.
Điển hình là tình trạng của Hy Lạp vì đã dùng đồng euro nên không thể có chính sách nhằm giảm giá trị đồng nội tệ, để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Khi giá đồng nội tệ giảm, giá hàng bằng ngoại tệ giảm nên dễ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’
Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ
Kinh tế VN rủi ro nếu quá dựa vào xuất khẩu cho TQ
Việc này còn tác dụng đến việc tăng giá nói chung và như thế giảm chi tiêu trong nước. Lương thực tế sẽ giảm. Còn như hiện nay chính phủ muốn giảm chi tiêu công, họ phải thải người, hoặc giảm lương, rất khó làm.
Ngoài ra, khi kinh tế bị khủng hoảng, nếu chỉ có nội tệ là đồng được phép thanh toán trên thị trường, Ngân hàng trung ương có thể có tiền, kể cả in thêm ra để can thiệp cứu nguy nền kinh tế, kể cả đưa ra chính sách tín dụng như lãi suất để điều hành nền kinh tế. “
Một nền kinh tế chỉ dùng đồng tiền nước ngoài, hay euro, hay USD sẽ mất hoàn toàn quyền chủ động về chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu cho phép đồng ngoại tệ thì sẽ mất một phần tùy theo sức mạnh của đồng nước ngoài.”
Hiện nay đồng nhân dân tệ đang mạnh hơn đồng tiền Việt Nam thì tất nhiên tiền Viết sẽ có vấn đềÝ kiến một chuyên gia kinh tế
Hiện nay đồng nhân dân tệ đang mạnh hơn đồng tiền Việt Nam thì tất nhiên tiền Viết sẽ có vấn đề.
Nói chung là không nước nào lại muốn để một nước khác xâm phạm như thế trừ khi nước đó rất nhỏ và lại có quan hệ lớn và mật thiết với nước lớn bên cạnh.
Ngoài ra, làm sao để nhân dân tệ không tràn vào các vùng khác của Việt Nam? Không lẽ phải xóa cửa khẩu hiện nay để mang cửa khẩu mới vào sâu nội địa Vn để kiểm soát.”
Ý kiến từ Mỹ nói chính phủ Việt Nam tự chọn cách mất nguồn thu:
“Dùng VND trong nước thì chính phủ Việt Nam được một nguồn lợi – ngồi không mà có tiền thu nhập vào – đó là seignorage, tức là tiền Ngân hàng Nhà nước thu vào do tăng trưởng GDP hàng năm, trung bình khoảng 3-4% của GDP một nước.
Vì thế tôi không thấy lý do gì mà lại đem nguồn thu nhập của mình dâng cho người khác, ngoài chuyện mất chủ quyền và mất một công cụ quan trọng trong chính sách kinh tế.
Đáng lẽ ra Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi seignorage của mình bằng cách cấm trong nước, kể cả các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, không được dùng nhân dân tệ hay tiền của bất kỳ nước nào khác ngoại trừ tiền Việt Nam. Nếu chuyện này đã xảy ra thì phải ngăn cấm lại.
Tôi thấy ở Việt Nam hay thổi phồng vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Theo thiển ý, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn gì khác hơn là sẽ theo sự áp buộc của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra.
Điều này sẽ làm chậm lại bá đồ của Trung Quốc trong việc thực hiện mục tiêu 2025 và Việt Nam phải nhân cơ hội nầy thoát ra bớt ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách cải tổ kinh tế và nhất là tăng nhanh hội nhập thế giới đặc biệt là các nước Âu Mỹ.”
Sắp có hiệu lực
Theo một thông tư của Chính phủ Việt Nam vừa công bố thì từ ngày 12/10/2018, “các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc nhân dân tệ (CNY) trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ.”
“Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt.”
Các bạn tiếp tục gửi ý kiến về chủ đề liên quan tới Diễn đàn BBC Tiếng Việt ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45366788
Đà Nẵng thay giám đốc công an
dính tai tiếng biệt phủ
Bộ công an CSVN bất ngờ cho đương kim giám đốc công an thành phố Đà Nẵng nghỉ việc “chờ đủ tuổi hưu” và bộ nhiệm người khác thay thế.
Trong một quyết định đưa ra hôm Thứ Sáu, đại tá Lê Văn Tam sẽ thôi giữ chức giám đốc công an thành phố Đà Nẵng từ ngày 1 tháng 9. Thay cho ông Tam, bộ công an điều chuyển thiếu tướng Vũ Xuân Viên từ vị trí cục trưởng Cục Tham Mưu Cảnh Sát về Đà Nẵng làm giám đốc công an thành phố.
Trong buổi lễ bổ nhiệm và giải nhiệm cùng ngày, Đại tá Lê Văn Tam tự nhận là trong suốt thời gian tại chức, ông đã “hoàn thành tốt nhiệm vụ” được đảng và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, sự việc viên đại tá này đột ngột bị cho nghỉ việc “chờ đủ tuổi hưu” được giới quan sát trong nước nhận định là có liên quan tới vụ tai tiếng về căn biệt phủ xa hoa, mà ông ta không sao giải thích được bằng cách nào đã mua nổi.
Dư luận tại Đà Nẵng từ hồi tháng 4 năm nay xôn xao với những hình ảnh trên mạng xã hội về căn biệt thự được lượng giá hơn 4 triệu Mỹ kim, tọa lạc trong khu vực gọi là “Làng biệt thự Euro Village” ven sông Hàn. Căn biệt thự được cho là của trùm bất động sản kiêm sĩ quan tình báo an ninh Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm”, tặng cho Đại tá Lê Văn Tam. Lên tiếng với báo chí trong nước khi đó, ông Tam xác nhận căn biệt thự đúng là nơi cư ngụ của gia đình ông, nhưng không phải do Vũ “Nhôm” tặng.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/da-nang-thay-giam-doc-cong-an-dinh-tai-tieng-biet-phu/
Chính phủ VN cho đua xe F1 ở Hà Nội
6 giờ trước
Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh để tổ chức giải Đua xe Công thức Một (F1) tại Khu Thể thao Mỹ Đình, Hà Nội.
Văn phòng chính phủ Việt Nam cho hay ủng hộ ý tưởng Hà Nội trở thành một trong những điểm tổ chức giải Đua xe Công thức Một (F1), theo Reuters.
Giám đốc điều hành Formula One, ông Chase Carey cho biết vào tháng Sáu, rằng ông rất hào hứng với khả năng mang giải Đua xe Công thức Một tới Việt Nam, và rằng Formula One đã bàn về ý tưởng tổ chức cuộc đua trên đường phố ở Hà Nội với chính quyền Việt Nam.
“Tất cả các bộ và cơ quan chính phủ hỗ trợ ý tưởng tạo ra một điểm thu hút mới cho Hà Nội”, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, được dẫn lời trên Reuters, cho biết vào cuối ngày thứ Năm 30/8 trong một thông cáo.
Ông Dũng không nói khi nào thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết với Formula One, hoặc khi nào cuộc đua đầu tiên được tổ chức.
Giải đua F1 ‘có khả năng đến Việt Nam’?
Thế giới ngầm dưới lòng Budapest
Cung đường biển ngoạn mục nhất thế giới
Tờ Zing.vn cho hay từ năm 2016, Formula One đã có ý định chọn Việt Nam thay thế Malaysia để tổ chức giải đua F1 tại khu vực Đông Nam Á do Malaysia không đủ tài chính.
‘Đồng tình cao’
Ông Mai Tiến Dũng nói giải đua xe F1 đã được tổ chức tốt ở nhiều nước. Riêng ở Hà Nội, UBND đã xin ý kiến người dân và đã “nhận được sự đồng tình cao”.
“Người dân cũng mong muốn Hà Nội nên có những giải đấu như vậy,” ông Dũng được dẫn lời trên Zing.vn.
Cũng theo ông Dũng, việc tổ chức giải đua F1 ở Hà Nội nhận được sự ủng hộ từ các bộ, ngành, nhằm “tạo một nét mới cho thủ đô”.
Ông Dũng cũng nói đây là cơ hội để thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước.
Về chi phí tổ chức, Reuters dẫn lời ông Mai Tiến Dũng cho hay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cuộc đua, nhưng sẽ mời đầu tư từ các doanh nghiệp.
“Dự kiến giải đấu sẽ có thu từ quảng cáo lớn, dùng để bù đắp chi phí tổ chức,” ông Dũng phát biểu trên Zing.vn.
Đua ở Mỹ Đình
Ban đầu, phương án được đưa ra là đua xe quanh Hồ Hoàn Kiếm và các phố lân cận. Nhưng nhà tổ chức không hài lòng với điều kiện ở khu vực này và do chi phí cao, Hà Nội đã đổi điệm điểm tới Khu Thể thao Mỹ Đình, theo Zing.vn.
Giới chức Việt Nam cho hay trên truyền thông trong nước rằng khu Thể thao Mỹ Đình đã có hạ tầng tương đối ổn, có sẵn đường, nên ban tổ chức chỉ cần trải lại nhựa mặt đường để phục vụ cho giải đua.
Tuy nhiên khi phóng viên hãng Reuters hỏi ông Carey tại giải đua F1 tại Ý về tuyên bố của Việt Nam, ông Carey cho hay còn quá sớm để nói giải đua có được tổ chức ở Việt Nam hay không.
“Chúng tôi chắc chắn chưa công bố bất cứ điều gì,” ông nói. “Chúng tôi đã có một số cuộc trao đổi với một số nơi chưa có giải đua….Và có một số địa điểm mà chúng tôi cho rằng sẽ là những nơi tiềm năng để tổ chức giải này.”
Năm 2018, trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải Đua xe Công thức Một, có sáu quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức giải này. Sau hai mùa giải 1976 và 1977, Nhật Bản ngưng tổ chức và trở lại vào năm 1987. Năm quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Macau và Bahrain, theo Vietnamnet.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45381547
Kiểm tra Đảng tới đây sẽ như thế nào?
Nguyễn Anh Tuấn
Ngày 12 tháng 8 vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chỉ đạo đáng chú ý, khi ông yêu cầu “Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quyền kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng xuống đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết”. [1]
Ít lâu sau đó, trong một động thái hưởng ứng chỉ đạo của TBT, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo sẽ rút hồ sơ của Trương Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để xử lý kỷ luật, vì mặc dù ông Dương được xác định là có khuyết điểm, vi phạm nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình lại không xem xét. [2]
Những diễn biến này, tuy không trống giong cờ mở, nhưng lại đang phản ánh một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực kiểm tra – kỷ luật ở Việt Nam, khi mà bộ máy kiểm tra đang chuyển dần từ mô hình “cấp ủy cùng cấp lãnh đạo”, sang mô hình “ngành dọc”, theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xử lý cán bộ ở các cấp vốn lâu nay không nằm trong thẩm quyền của cơ quan này, và ủy ban kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiều hơn.
Theo Điều lệ Đảng CSVN hiện hành, ủy ban kiểm tra các cấp do “cấp ủy cùng cấp bầu”, “làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên” – chế độ song trùng trực thuộc (dual leadership) [3]. Tuy nhiên, vì được bầu ra từ cấp ủy cùng cấp và được coi như cấp dưới của các lãnh đạo cấp ủy nên trên thực tế ủy ban kiểm tra có xu hướng trở thành một cơ quan thanh tra nội bộ của cấp ủy địa phương. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng “bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị” như trong kết luận của Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vừa qua.
Sự chuyển đổi này cũng không phải là sáng kiến của Đảng CSVN mà, tương tự như nhiều cải cách khác, là học hỏi từ Trung Quốc. Hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng CSTQ, tuy khác với Việt Nam ở chỗ do Đại hội chứ không phải cấp ủy bầu ra, song một thời gian dài cũng hoạt động thực chất dưới cơ chế ‘cấp ủy lãnh đạo’ (dù trên danh nghĩa vẫn là song trùng trực thuộc như Việt Nam). Tuy nhiên, Trung Quốc đã cải cách liên tục cơ cấu, chức năng, quyền hạn của hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật bắt đầu từ Đại hội 16 năm 2002 dưới thời TBT Hồ Cẩm Đào và đạt cao điểm từ Đại hội 18 năm 2012 dưới thời TBT Tập Cận Bình, theo hướng tăng quyền cho hệ thống này, tiến dần tới một cơ quan kiểm tra ngành dọc có thực quyền sinh sát xuyên suốt hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Đến lượt nó, những thay đổi này phản ánh xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Trung Quốc.
Nếu vẫn theo chiều hướng ‘học hỏi’ này như lâu nay, rất có thể tới đây Đảng CSVN sẽ tiếp tục ban hành các quy định như sau:
(1) Trung ương sẽ trực tiếp quyết định các vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, các vị trí này báo cáo và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
(2) Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra cấp trên về nhân sự, tổ chức và hoạt động, và độc lập với cấp ủy cùng cấp.
(3) Tăng thêm số lượng các đoàn kiểm tra (tuần thị tổ – xunshizu) được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử về địa phương ‘đánh án’.
(4) Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thành lập thêm các cơ quan phụ trách việc tuyển dụng nhân sự (riêng cho Ủy ban) cũng như tuyên truyền nhằm tăng sức mạnh của Ủy ban.
Cũng như Trung Quốc, những thay đổi này, một khi xảy ra, sẽ củng cố xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Việt Nam, được khởi động từ sau Đại hội 12 và đang có dấu hiệu tăng tốc thời gian gần đây.
—
[1] https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do