Tin Việt Nam – 01/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/05/2020

Cộng đồng người Việt lần đầu tiên tổ chức lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận 30-04 trực tuyến

vì đại dịch coronavirus

People walk under the South Vietnamese and American flags at the 9th Annual Vietnamese Boat People Ceremony at Westminster Memorial Park in Westminster on Sunday, April 29, 2018. The event was to mark the 43rd anniversary of the fall of Saigon and to remember the thousands of refugees that lost their lives at sea while trying to escape Vietnam. (Photo by Leonard Ortiz, Orange County Register/SCNG)

Theo bản tin của tờ OCRegister, hôm thứ năm (30/4) là ngày quốc hận 30-4, 45 năm ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Sự kiện này đã khiến người tị nạn Việt Nam phải rời bỏ quê hương và bắt đầu cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.

Lễ tưởng niệm này là một sự kiện long trọng đối với người Mỹ gốc Việt, và được tiến hành hàng năm với nhiều nghi lễ. Tuy nhiên, năm nay, đại dịch coronavirus khiến lễ tưởng niệm không thể tiến hành với sự tham gia đông đảo của quần chúng. Vì vậy, cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quận Cam đã lên kế hoạch cho một lễ kỷ niệm trực tuyến, và dự kiến sẽ thu hút người xem từ khắp nơi trên thế giới.

Theo tờ The Orange County Register đưa tin, khoảng 200 các vị đại diện cộng đồng người Việt từ Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu lên kế hoạch tham gia trực tiếp qua ứng dụng Zoom vào 4 giờ chiều theo múi giờ Thái Bình Dương. Các thành viên của cộng đồng còn có thể tham gia qua YouTube tại chương trình Quoc Han 2020 hoặc qua Facebook.

Sự kiện này được tổ chức bởi Liên đoàn Cộng đồng người Hoa Kỳ gốc Việt và các nhóm khác, và cũng sẽ được phát sóng bởi nhiều cơ quan truyền thông tiếng Việt. Một số các vị dân cử ở California sẽ tham gia lễ tưởng niệm bao gồm thị trưởng Tạ Đức Trí, ông Tim Sandoval, dân biểu tiểu bang Tyler Diệp, thượng nghị sĩ tiểu bang Tom Umberg, và ông Norma Torres.

Lễ tưởng nhiệm sẽ có phần âm nhạc và lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm ở Công viên tưởng niệm Westminster Sid Goldstein Memorial Park. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cong-dong-nguoi-viet-lan-dau-tien-to-chuc-le-tuong-niem-ngay-quoc-han-30-04-truc-tuyen-vi-dai-dich-coronavirus/

 

Nhiều tổ chức dân sự ra tuyên bố biển Đông, lên án Trung Cộng bành trướng

Tin từ Việt Nam: Nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập và hàng trăm cá nhân đã ký vào Tuyên bố Biển Đông Tháng Tư năm 2020 với nội dung lên án sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có phản ứng tương ứng.  Bản tuyên bố được khởi xướng bởi một nhóm người hoạt động dân sự và có sự đóng góp của nhiều cá nhân và tổ chức độc lập ở trong và ngoài nước. Sau một tuần công bố, đã có gần 10 tổ chức và hơn 200 người ký tên.

Tuyên bố Biển Đông tháng Tư 2020 ra đời trong bối cảnh Trung Cộng tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, yêu cầu cộng sản Việt Nam phải rút quân và vũ khí ra khỏi Trường Sa cũng như đe doạ sử dụng vũ lực để kiểm soát quần đảo này.

Trong khi đó, cộng sản Việt Nam đã gởi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 30/3 để phản đối các yêu sách vô lý của Trung Cộng ở Biển Đông, yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gởi bản sao cho tất cả các nước thành viên.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nhieu-to-chuc-dan-su-ra-tuyen-bo-bien-dong-len-an-trung-cong-banh-truong/

 

Dịch COVID-19: Hai thôn ở Hà Nội sắp hết cách ly, TP. Hồ Chí Minh dừng hoạt động một bệnh viện dã chiến

Sau khoảng hai tuần không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh COVID-19 nào trong cộng đồng, các hoạt động giãn cách xã hội tại các địa phương ở Việt Nam đã giảm, 2 thôn cuối cùng bị cách ly ở ngoại thành Hà Nội cũng sẽ hoạt động trở lại bình thường trong vài ngày tới. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 1/5.

Mặc dù từ ngày 23/4, Hà Nội đã không còn nằm trong danh sách các đia phương có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng còn hai thôn cách ly vẫn có nguy cơ cao là thôn Hạ Lôi ở huyện Mê Linh và thôn Đông Cứu thuộc huyện Thường Tín.

Thôn Hạ Lôi với khoảng 11.000 nhân khẩu bị cách ly từ hôm 8/4 sau khi phát hiện ca dương tính số 243. Sau đó nhiều ca dương tính khác cũng được phát hiện tại thôn này. Ca dương tính cuối cùng được phát hiện là vào ngày 13/4. Thôn Hạ Lôi sẽ hết cách vào ngày 6/5.

Thôn Đông Cứu với hơn 1.800 nhân khẩu bị cách ly từ ngày 15/4 sau khi phát hiện ca dương tính số 266. Theo dự kiến đến hết ngày 12/5, thôn sẽ hết thời hạn cách ly.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện dã chiến Cần Giờ chuyên điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 cũng sắp ngưng hoạt động vì tình hình dịch bệnh ở địa bàn thành phố đã tạm ổn.

VOV trích lời của Phó giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết đến ngày 1/5, TP. Hồ Chí Minh chỉ còn 4 trường hợp tái dương tính đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và một ca bệnh là bệnh nhân số 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Để không ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn, Sở Y tế thành phố đã cho phép Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ tạm ngưng hoạt động từ ngày 4/5.

Đây là bệnh viện có 2 cơ sở với tổng cộng 600 giường bệnh, được đi vào hoạt động từ ngày 16/3 và 28/3. Hai cơ sở này chuyên nhận cách ly điều trị cho nhưng người bị nghi ngờ và xác định nhiễm COVID-19 do các bệnh viện thành phố, quận, huyện, tư nhân và các khu cách ly tập trung chuyển đến.

Tính đến ngày 1/5, Việt Nam ghi nhận 270 ca nhiễm COVID-19, 219 ca đã chữa khỏi và chưa có ca tử vong nào.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-two-hamlets-about-to-stop-isolation-makeshift-hospital-in-hochiminh-city-closed-05012020073958.html

 

Yêu cầu ra nước ngoài lao động không làm chuyện phương hại sĩ diện quốc gia!

Thanh Trúc

Bắt đầu từ tháng 5 một số chính sách liên quan vấn đề người Việt ra nước ngoài lao động khởi sự có hiệu lực, trong đó một số những ngành nghề mà nhiều phụ nữ Việt Nam thường làm ở nước ngoài bị cấm vì lo ngại ảnh hưởng đến sĩ diện quốc gia, bên cạnh những công việc được cho là nguy hiểm.

Theo Nghị Định Chính Phủ số 38, qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật về người  lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có 7 loại công việc mà người lao động là công dân Việt Nam không được làm ở nước ngoài như massage, làm việc tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí.

Tiếp đó, những công việc có tiếp xúc với chất nổ, hóa chất độc hại, nguồn phóng xạ, các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu, sát trùng, việc săn bắt thú dữ, công việc trong môi trường thiếu không khí, việc khâm liệm,  mai táng,  thiêu xác,  bốc mộ cũng nằm trong danh mục cấm công dân Việt Nam không được làm ở nước ngoài.

Theo email mà một Facebooker không muốn nêu tên, gởi cho RFA, trong 7 công việc bị cấm làm ở nước ngoài như vừa nêu, có 6 loại được coi là hợp lý, tựu chung để bảo vệ người lao động theo qui định pháp luật, hơn nữa đó là những nghề mà ngay cả người bản xứ cũng không ai muốn làm.

Riêng về qui định cấm ra nước ngoài hành nghề massage thì cần phải xem xét lại. Ở nước ngoài, Facebooker này chia sẻ tiếp, nghề massage, mà Việt Nam gọi là đấm bóp hay tẩm quất, được pháp luật công nhận là một ngành nghề trong xã hội, nhưng ở Việt Nam hay Campuchia thì không được coi trọng do ảnh hưởng từ những dịch vụ mãi dâm trá hình massage. Điều này khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người hành nghề massage trong các khách sạn hay trung tâm nghỉ dưỡng.

Cần biết đa phần người khiếm thị ở Việt Nam theo học làm massage như một nghề nuôi thân, trong lúc tại Thái Lan đó là một nghề phổ thông như bao nghề khác. Cô Grace Bùi, người Mỹ gốc Việt, sang Thái Lan làm việc gần 10 năm nay, chuyên giúp đỡ người Việt ở Thái Lan, cho biết:

“Phải định nghĩa massage là cái gì? Dĩ nhiên có một số chỗ họ làm không đúng theo cái nghĩa massage mà họ làm mãi dâm, nhưng ở Thái Lan nghề massage rất thịnh hành. Người Việt Nam của mình qua bên này học làm massage và họ làm cũng khá tiền, bởi vậy không thể nào kết luận nghề massage là nghề xấu. Grace cũng có gặp người Việt Nam làm trong những tiệm massage, họ cũng chia sẻ công việc họ làm ở đây rất tốt, lương khá cộng thêm tiền tip mà khách cho họ”

“ Nghề massage ở bên Thái nếu làm đúng theo nghĩa massage thì nó cũng giúp trị nhiều bệnh như hen suyển hoặc những bệnh khác”

Anh Đoàn Huy Chương, một người tỵ nạn Việt tại Thái Lan, cho rằng cấm người Việt ra nước ngoài hành nghề massage là một điều sai lầm:

“ Bởi vì ở Thái Lan massage là một nghề truyền thống, còn theo cách nghĩ của ông Phùng Quốc Hiển thì ông thấy ở Việt Nam nó giống như một tệ nạn, một tụ điểm mại dâm trá hình, nên ông qui chụp massage là xấu.  Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam làm nghề massage trên đất Thái này. Không phải ai làm massage đều làm nghề mại dâm. Massage ở đây là đấm bóp tay chân, xoa dầu, thư giản gân cốt sau một ngày làm việc mệt mỏi. Điều đó là tốt chứ sao phải cấm”

“ Theo tôi nghĩ nếu kiểm soát được ngành massage,  đừng để thế giới nhìn như là mại dâm trá hình thì không mắc mớ gì phải cấm”

Một đề nghị khác của Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển là phải xử lý nghiêm những lao động ra nước ngoài làm việc rồi trốn ở lại, có nghĩa là vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài. Ông còn nhắc nhở là không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia.

Tình trạng chạy hộ khẩu, thế chấp sổ đỏ, để đi xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại, hoặc  phạt cả trăm triệu đối với lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc… là những tin tức mà báo chí trong nước  thường đăng tải.

Dưới mắt Facebooker không nêu danh tánh,  đầu tiên phải xem lại cách giáo dục, đào tạo người lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc.

Thứ hai, tìm hiểu vì sao lao động hết kỳ hạn phải về nước mà lại không chịu về, có phải họ chưa trả hết số nợ vay trước khi đi để trả cho môi giới, nên phải ở lại để kiếm thêm tiền.

Thứ ba, Facebooker này phân tích tiếp, khi trở về nước họ có kiếm được công ăn việc làm không, Nhà Nước có bố trí công việc cho họ không.

Là người thường lên tiếng bảo vệ quyền lợi giới công nhân lao động ở Việt Nam trước đây, anh Đoàn Huy Chương  cũng đặt câu hỏi:

“Người Việt ở trong nước muốn đi lao động không phải chuyện đơn giản. Họ phải cầm cố tài sản, nhà cửa, có người phải đi vay đi mượn với tiền lời cắt cổ. Trong thời gian 3 năm làm việc như vậy họ không đủ tiền trả nợ và tiền lời cứ tăng lên, thì bắt buộc họ phải trốn lại thôi”

“ Cũng cần đặt dấu hỏi tại sao một đất nước nông nghiệp và công nghiệp mà hàng năm phải xuất khẩu đến hàng trăm ngàn lao động như vậy để người ta phải trốn lại? Quốc hội và chính phủ đã tạo điều kiện cho  người trong nước làm việc hay chưa? Chuyện hầu như lập đi lập lại là cứ đưa  đi, tới hồi về thì  sẽ trốn ở lại, không cho  đi thì tôi tìm cách khác tôi đi”

Thực tế cho thấy nguyên nhân chính khiến đa số người Việt Nam quyết định ở lại chứ không trở về sau khi đã kết thúc hợp đồng làm việc tại  đất nước mà họ đến theo diện xuất khẩu lao động như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn.

Ở lại là chấp nhận trở thành lao động chui, lao động bất hợp pháp, như trường hợp một công nhân không muốn nêu tên ở thành phố Busan, Hàn Quốc:

“ Làm việc sau gần 5 năm ở đây thì người ta còn muốn ở lại thêm để kiếm tiền. Hơn nữa có rất nhiều người về phải chờ mất 3 năm mới sang lại được. Có những người may mắn và nhanh nhất thì cũng mất 7 tháng mới được sang lại, còn không đến những mấy năm. Tôi có một người bạn chuẩn bị sang nhưng phải đợi vừa tròn 3 năm đó. Người ta sẵn sàng ra ngoài làm việc 3 năm, sau 3 năm này thì người ta về Việt Nam lập nghiệp luôn. Còn bây giờ chờ cả 3 năm như vậy, suốt ngày không biết làm gì do cứ phải chờ vì không biết khi nào được đi lại lần nữa.”

Người thanh niên đi xuất khẩu lao động ẩn danh này cho biết thêm là người Việt đến Hàn Quốc lao động trong thời gian gần đây thậm chí còn phải trả chi phí dịch vụ môi giới rất cao, nhất là sau khi Hàn Quốc ban hành thông báo ngừng tiếp nhận lao động Việt.

Người Việt trong nước không kiếm được việc làm, mà nếu có việc thì họ không sống nỗi với đồng lương được trả, ngoại trừ nếu làm cho những công ty nước ngoài, là lời cô Grace Bùi:

“ Cái thứ nhì, ra nước ngoài mà muốn trốn ở lại là vì đời sống ở Thái Lan, Đài Loan hoặc Malaysia tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Do đó người ta trốn ở lại thì không có gì lạ. Nếu đi như vậy mà có đời sống tốt hơn, có thể làm việc được và gởi tiền về cho gia đình thì tại sao không làm. Tại vì cái đất nước làm cho người ta như vậy chứ không phải con người muốn đi ra ngoài làm việc và trốn ở lại”.

Về yêu cầu không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia như lời phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển, cô Grace Bùi cho rằng đa số lao động Việt ra nước ngoài làm việc cật lực chứ giờ đâu ra để mà làm tổn hại sĩ diện quốc gia. Tuy vậy có những thành phần  làm tổn hại sĩ diện quốc gia; đó chính là những kẻ chuyên ăn cắp, móc túi ở Thái Lan hay Nhật Bản:

“Grace cũng đã có kinh nghiệm cả 2 lần như vậy. Lúc gia đình qua bên này, lúc đi trên MRT ( tàu điện treo) thì có một vài người Việt Nam rất trẻ cũng đi chung. Mình đi tới nơi nào thì họ đi theo tới đó, khi đi ra cũng thấy những người Việt Nam đó đứng ở bên ngoài, bước xuống là mất cái ví”.

“ Ở bên Thái Lan này, hay bên Nhật cũng vậy, đi mua đồ những chỗ đông mình thấy họ để những tấm bảng bằng tiếng Việt là ăn cắp sẽ bị xử tội theo luật của nước họ”.

“ Người Việt Nam của mình cũng làm nhiều điều sai nữa. Ở bên này họ hay bán nước cam trong bình và họ bán ngoài đường. Có một nhóm người Việt Nam làm nước cam giả để bán do đó đã bị bắt. Đó là những thành phần ăn cắp ăn trộm làm cho xấu làm cho mất mặt nước Việt Nam mà ông ta không nói tới”.

Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương thì khẳng định một cách đơn giản rằng:

“ Nói đến sĩ diện quốc gia thì nên tạo công ăn việc làm tốt cho người dân Việt Nam, có hệ thống an sinh xã hội tốt cho người dân Việt Nam, đó mới là sĩ diện quốc gia”.

Vấn đề đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài không chỉ một mình Việt Nam có. Các nước khác cũng đưa nhiều công nhân ra nước ngoài làm việc và hằng năm gửi về cho đất nước nguồn ngoại tệ lớn.

Cách thức giáo dục, đào tạo và phương thức quản lý trong vấn đề này đối với Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-government-warns-laborers-abroad-to-uphold-nation-intergrity-04302020135717.html

 

Đại dịch COVID-19 khiến sự suy giảm tự do báo chí trầm trọng thêm

Viện Báo chí Quốc tế (IPI) vào ngày 1/5 ra thông cáo báo chí nhận định tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới trở nên tồi tệ hơn khi dịch COVID-19 lan rộng. Trong tình hình đó, các chính phủ cả chuyên quyền và dân chủ đều ngày càng siết chặt các phương tiện truyền thông.

Theo IPI, trong những tháng đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, báo giới và các phương tiện truyền thông phải đối diện với những thách chức chưa từng có. Các vụ bắt giữ, tấn công và các quy định trấn áp tin tức giả mạo làm trầm trọng thêm môi trường vốn đã khó khăn cho giới truyền thông.

Theo một báo cáo đặc biệt của IPI nhằm đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm 2020, tại các quốc gia dân chủ cũng như chuyên chế, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đã cho phép các chính phủ thực hiện biện pháp kiểm soát truyền thông với lý do ngăn chặn sự lây lan của thông tin sai lệch.

Các chính phủ đang sử dụng mọi chiến thuật có thể để đàn áp tự do báo chí khi tin tức độc lập đang là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong tình hình hiện nay nhằm thông báo cho công chúng về các biện pháp quan trọng để ngăn chặn virus.

Theo dữ liệu của IPI, công cụ theo dõi COVID-19 của IPI đã ghi nhận tổng cộng 162 vụ vi phạm tự do báo chí khác nhau liên quan đến coronavirus trong hai tháng rưỡi qua. Gần một phần ba tất cả các vi phạm được theo dõi có liên quan đến việc bắt bớ, giam giữ hoặc buộc tội các nhà báo đưa tin về đại dịch.

Trên toàn cầu, hơn 50 trường hợp tấn công cả về thể chất và tinh thần chống lại các phóng viên đã được ghi nhận t khi đưa tin về đại dịch coronavirus. Hơn 27 trường hợp kiểm duyệt khác nhau đã được ghi nhận, với hơn 25 trường hợp hạn chế không tương xứng về quyền truy cập thông tin.

Giám đốc điều hành IPI Barbara Trionfi cho biết, dữ liệu do IPI thu thập minh chứng cho rủi ro đã xảy ra ở một số nước rằng các quốc gia sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng sức khỏe để kiểm soát thông điệp truyền thông, hoàn toàn không để ý đến nhu cầu của công chúng về thông tin độc lập.

Trong khi đề cập đến đại dịch COVID-19, các nhà báo trên toàn cầu đã phải đối mặt không chỉ với nguy cơ lây nhiễm mà còn có nguy cơ bị bắt giữ, tấn công bởi lực lượng an ninh hoặc bị cáo buộc hình sự do tường trình về virus. Điều này đã tạo ra một môi trường thù địch hơn đối với các phương tiện truyền thông độc lập.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-pandemic-has-exacerbated-decline-in-press-freedom-05012020100404.html

 

Hủy quy định cấm khách du lịch chia sẻ thông tin dịch bệnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chiều 1/5 đã ký quyết định hủy bỏ quy định cấm khách du lịch chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyện thông về tình hình dịch bệnh COVID-19.

Báo trong nước loan tin trong cùng ngày cho biết thêm lý do được ông Khánh đưa ra là có chút sơ suất trong lúc gấp gáp soạn thảo văn bản.

Cụ thể, trong Quyết định 473 được Tổng cục Du lịch ban hành ngày 29/4 có điều khoản quy định cả nhân viên du lịch và khách du lịch đều không được đưa tin về dịch bệnh.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận cho rằng quyết định vừa ban hành trái với quyền tự do thông tin và được thông tin đã mặc định trong Hiến Pháp Việt Nam 2013 và Luật Tiếp cận Thông tin có hiệu lực ngày 1/7/2008, Tổng cục Du lịch đã sửa lại nội dung Quyết định 473.

Theo đó, đối với cán bộ, nhân viên và hướng dẫn viên du lịch, thay vì không được đưa tin, nay được chỉnh lại là không được đưa tin sai sự thật về dịch bệnh.

Ngoài ra bỏ luôn điều khoản không cho phép khách du lịch đăng tải thông tin về dịch bênh.

Trong Quyết định 473 cũng đưa ra những quy định hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch như lập cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin y tế của khách du lịch; bố trí bồn rửa tay và xà bông cũng như sản phẩm rửa tay khô; thực hiện khử trùng khu vực công cộng, phòng nghỉ của khách sau khi trả phòng…

Đặc biệt, chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, số lượng người.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cancellation-of-regulations-banning-tourists-from-sharing-disease-info-05012020081622.html

 

Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho đấu giá 3 lô đất trong khu đô thị Thủ Thiêm

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/5 vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phương án bán đấu giá 3 lô đất R1, R2, R3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì 3 lô đất R1, R2, R3 có tổng diện tích gần 46.000 m2, đã xây dựng xong 14 block với 2.200  ngôi nhà, khu vực sinh hoạt, công viên và các công trình phục vụ khác như cấp điện, cấp nước đều đã được hoàn tất.

Do đó, Sở đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức đấu giá tài sản tạo bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4ha trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hình thức đấu giá là trả giá lên, đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Thời hạn giao đất không quá 50 năm được tính từ thời điểm quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Sở Tài nguyên và Môi trường còn cho biết, thời gian tổ chức đấu giá trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân thành phố và thông báo giá khởi điểm và sẽ do trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án với gần 15.000 hộ dân thuộc diện phải di dời. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào ngày 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch nhưng hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm vẫn ròng rã khiếu kiện những quyết định đền bù và di dời mà họ cho là không hợp lý suốt hơn 20 năm qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-approved-the-auction-of-3-lots-in-thu-thiem-05012020082006.html

 

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cho xuất cảng 6 triệu tấn gạo như dự trù

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 28 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý để cho việc xuất cảng gạo trở lại bình thường như trước thời gian xảy ra dịch coronavirus 19. Việc này được bắt đầu thực hiện từ tháng 5 năm 2020 trở đi.

Ông Phúc cho biết, theo dự trù, năm 2020, nhà cầm quyền có kế hoạch xuất cảng 6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do dịch coronavirus 19, và thiên tai, hạn hán nên nhiều quốc gia đã ngừng xuất khẩu gạo, vì vậy, Cộng sản Việt Nam cũng đã làm theo. Tuy nhiên, đến nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiếp tục cho xuất cảng gạo như dự trù, bỏ qua các cảnh báo về thiên tai, dịch.

Nguyên nhân được ông Phúc đưa ra là, bộ Công thương Cộng sản đã thông báo, nền sản xuất lúa tại Việt Nam năm 2020 ước lượng sẽ thu được 43.5 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi các nhu cầu sử dụng của người dân, và dự trữ thì sẽ còn dư khoảng 6.5 đến 6.7 triệu tấn gạo. Vì vậy, ông Phúc cho xuất cảng trở lại là để bảo đảm quyền lợi cho người trồng lúa.

Tuy nhiên, thông tin từ những nông dân miền Tây cho biết, hiện tại trong dân không còn lúa để bán, vì sau khi thu hoạch xong người dân sẽ bán hết phần lúa dư, chỉ để lại đủ ăn. Nên, hiện tại giá lúa gạo tăng mà người nông dân không hề được hưởng lợi.

Còn những vụ tiếp theo từ nay đến cuối năm thì không biết như thế nào vì nhiều nơi đang xảy ra hạn hán, và xâm nhập mặn khốc liệt khiến người cũng không có nước để uống chứ đừng nói đến việc trồng trọt.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/thu-tuong-csvn-nguyen-xuan-phuc-cho-xuat-cang-6-trieu-tan-gao-nhu-du-tru/

 

Việt Nam : Tranh giành quyền lực quyết liệt sau khi chiến thắng virus

Thụy My

Kinh tế và Trung Quốc là hai vấn đề hàng đầu đối với đảng Cộng Sản Việt Nam trong khi chuẩn bị chọn ra « Tứ trụ », đó là nhận xét của báo Nhật Nikkei Asian Reviews trong bài viết mang tựa đề « Tranh giành quyền lực ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt sau khi chiến thắng con virus », đăng trên mạng ngày 28/04/2020.

Tờ báo mô tả, trong chiếc áo sơ mi trắng, không đeo cà-vạt và không mang khẩu trang, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tự tin và nhẹ nhõm khi phát biểu trong cuộc họp chính phủ thứ Tư tuần trước. Ông có lý để tỏ ra thoải mái: đã nhiều ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm một ca nhiễm virus corona nào.

Ông Phúc thông báo, giờ đây « đã đến lúc giảm dần lệnh phong tỏa » được đưa ra để ngăn chận nạn dịch. Dù nhấn mạnh « tối nay không phải là thời điểm để đổ ra đường ăn mừng », đây gần như là một tuyên bố về chiến thắng mà ông có thể hy vọng, đúng vào dịp 30 tháng Tư – ngày thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Và tháng Giêng tới, Đại hội Đảng Cộng Sản sẽ đề cử một lớp lãnh đạo mới.

Các chuyến bay nội địa đã được phép nối lại từ thứ Năm, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ tại hầu hết các nơi, trừ vài quận ở Hà Nội. Cho dù Việt Nam đã kiểm soát được con virus với chỉ 270 trường hợp dương tính và không có ca tử vong nào tính đến đầu tuần này, đại dịch đã làm đảo lộn kế hoạch kinh tế và ngoại giao của chính phủ trong năm 2020.

Đất nước đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn, trong đó có việc làm thế nào để vực dậy tăng trưởng, và những ai sẽ chiếm giữ bốn vị trí quyền lực nhất từ năm 2021 đến 2026. Các câu trả lời có thể tác động sâu sắc đến chiến lược kinh tế của Việt Nam, chưa kể mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Cuộc đua vào « Tứ trụ »

Sau khi nhà sáng lập Hồ Chí Minh qua đời, đảng Cộng Sản đã tránh việc tập trung quyền lực bằng cách chia quyền lãnh đạo cho « Tứ trụ ». Trên thực tế, vị trí quyền lực nhất là tổng bí thư, tiếp theo là thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội. Nhưng vấn đề sức khỏe đã làm đảo lộn sự cân bằng này trong những năm gần đây.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, đã kiêm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời ở tuổi 61. Ban đầu được coi là giải pháp tạm thời, nhưng như vậy đã tạo ra tình huống tương tự như ở Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình giữ một lúc hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng.

Đọc thêm: Chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Phú Trọng bệnh nặng ?

Ông Trọng có vấn đề về sức khỏe, các nguồn tin ngoại giao cho biết ông đã bị đột quỵ nhẹ vào tháng 4/2019. Ông không còn tham dự các sự kiện, trong lúc thủ tướng Phúc nổi bật như gương mặt đại diện của Việt Nam trên thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Bây giờ cuộc đua đã bắt đầu để xác định ai sẽ ở lại và ai sẽ ra đi, ai sẽ nổi lên và ai sẽ rơi đài. Một số chuyên gia cho rằng thời của ông Trọng còn lâu mới kết thúc, dù tuổi cao và bệnh tật. Ông có thể duy trì cả hai chức vụ.

Hồi tháng Giêng, ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra các quy định mới về việc thay đổi lãnh đạo, bảo đảm mở cửa cho các vị trí trong Tứ trụ vượt ra ngoài giới hạn tuổi truyền thống là 65. « Quy định mới về lãnh đạo của ông Trọng là mơ hồ, có thể hiểu là cố tình, đặc biệt về hai chức vụ quan trọng nhất là tổng bí thư và thủ tướng » – Dương Quốc Chính, một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội nói với Nikkei Asian Review.

Những thông tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đã tham dự một cuộc họp của Bộ Chính trị và các quan chức cao cấp khác để xem xét tình hình dịch Covid-19, chỉ làm tăng thêm các đồn đoán. Ông Trọng chỉ đưa ra một thông điệp công khai về đại dịch, viết ngày 30/03, rằng Việt Nam cần phải « hợp tác với các nước trên khắp thế giới và giành chiến thắng trong cuộc chiến với con virus corona ».

Một số nói rằng sự hiện diện của ông Trọng đóng góp vào sự ổn định chính trị. Nhưng điều này cũng có nghĩa là khiến Tứ trụ trở thành Tam trụ.

Những ứng cử viên tiềm năng

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng về hưu, chỉ có một vài ứng cử viên có thể thay thế ông làm tổng bí thư. Đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi, và Trần Quốc Vượng, 67 tuổi, thường trực Ban Bí thư, được cho là cánh tay mặt của ông Trọng. Rồi đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 66 tuổi, chủ tịch đương nhiệm Quốc Hội và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan này.

Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, thì « Việt Nam chưa sẵn sàng có một tổng bí thư là phụ nữ ». Thế nên các ứng viên « nhiều tiềm năng nhất » là ông Vượng và ông Phúc.

Một chuyên gia giấu tên nói rằng ông Vượng là chọn lựa khả dĩ nhất. « Hồ sơ của ông Vượng rất sạch sẽ, và ông đã là phụ tá cho ông Trọng » kể từ sau tin đồn đột quỵ. Một người khác không đồng tình, cho rằng « Ông Phúc là ứng cử viên mạnh nhất, vì ông đã đóng vai trò người lãnh đạo đất nước, xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại kể từ tháng Tư năm ngoái ».

Đọc thêm: The Diplomat : Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình

Cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của địa lý. Sự kình địch như trong thời chiến giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, luôn dai dẳng. Vị trí cao nhất là tổng bí thư luôn thuộc về một nhân vật miền Bắc hoặc miền Trung.

Trong kỳ đại hội năm 2016, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam, được cho là ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư, nhưng ông Dũng buộc phải rút lui sau cuộc đấu đá với ông Trọng. Ông Phúc là người miền Trung, còn bà Ngân miền Nam.

Công chúng chỉ chú ý đến quan điểm về Trung Quốc

Bất kể nguồn gốc từ đâu, công chúng tìm kiếm những dấu hiệu từ quan điểm của tất cả ứng cử viên đối với Trung Quốc. Dù có chung ý thức hệ cộng sản, tâm lý chống Trung Quốc bắt rễ sâu sắc tại Việt Nam, được nuôi dưỡng qua lịch sử đầy những cuộc xung đột qua 1.200 km đường biên giới, và những vụ đụng chạm diễn ra dai dẳng trên Biển Đông.

Nếu mục tiêu của Hà Nội là giữ khoảng cách với Bắc Kinh và xích lại gần Washington, thì theo một số người, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh thích hợp cho chức thủ tướng, hoặc là chủ tịch nước. Ông Minh là người miền Bắc, dường như là thiên về Trung Quốc nhưng thông thạo tiếng Anh, có bằng thạc sĩ luật và ngoại giao của trường đại học Tufts, Hoa Kỳ.

Ông Vương Đình Huệ, bí thư thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng được nêu ra cho chức thủ tướng. Còn chức chủ tịch nước, có khả năng ông Phúc có thể chuyển sang giữ chức này ; hoặc bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Thiện Nhân có thể nổi lên như ứng cử viên của miền Nam. Các chuyên gia nói rằng một phụ nữ khác có thể thay chân ông Phúc hoặc bà Ngân ở Quốc Hội.

Cho dù ai được đưa lên ở các vị trí cao nhất vào năm tới, cũng sẽ có rất nhiều việc phải làm để sửa chữa các thiệt hại của năm 2020 do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra.

Chiến thắng con virus, nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại

Về mặt y tế, đất nước 96 triệu dân này gần như vô sự trước dịch bệnh virus corona, nếu những con số có thể tin được. Chính quyền đã nhanh chóng hành động, dừng tất cả những chuyến bay đi và đến Hoa lục kể từ ngày 01/02, và đóng cửa các trường học từ ngày 03/02.

Trong khi các nước láng giềng như Indonesia và Singapore có số người bị lây nhiễm trên dưới 10.000, thì Việt Nam dường như đã ngăn chận được con virus nhờ theo dõi bằng các biện pháp nghiêm ngặt, mà chỉ có một nhà nước độc đảng cộng sản mới có thể áp đặt được. Chính quyền siết chặt việc đi lại trong nước, ra lệnh tự cách ly tại nhà, đóng cửa các doanh nghiệp và tăng cường tầm soát các tiếp xúc với người bị dương tính.

Tất cả đã mang lại kết quả, giúp Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, cũng như Việt Nam từng là nước đầu tiên tuyên bố ngăn chận được dịch SARS vào năm 2003.

Tuy nhiên Việt Nam cũng không tránh khỏi sự tàn phá của dịch Covid-19.

Tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 3,82% trong quý đầu, thấp hẳn so với tỉ lệ 6,97% trong ba tháng cuối năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất công bố ngày 14/04 dự đoán kinh tế Việt Nam chỉ tăng 2,7% trong năm nay, sau hai năm liên tiếp đạt tỉ lệ 7%. Tăng trưởng âm cũng không thể loại trừ.

Chính phủ cũng có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội về ngoại giao. Với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, lẽ ra Việt Nam đón tiếp một hội nghị thượng đỉnh ở Đà Nẵng trong tháng này, nhưng đã dời lại ít nhất là đến cuối tháng Sáu. Hà Nội nóng lòng muốn tăng cường hợp tác trong ASEAN, như một lớp đệm chống lại Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế đầy triển vọng trên trường quốc tế, nhưng những mục tiêu này còn phải chờ thời gian.

Nikkei Asian Review kết luận, chắc chắn rằng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chờ đợi lâu trong việc thúc đẩy quan điểm về phục hồi kinh tế, và củng cố vị thế chính trị của mình.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200430-vi%E1%BB%87t-nam-tranh-gi%C3%A0nh-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-quy%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87t-sau-khi-chi%E1%BA%BFn-th%E1%BA%AFng-virus

 

Nhắn bạn Tô Lâm, có…. Câm mới…. lành!

Đồng Phụng Việt

Tô Lâm thân mến,

Tớ giật thót người khi Công an nhân dân – cơ quan ngôn luận chỗ cậu – vừa mới ông ổng rằng: Cần hiểu đúng bản chất vụ Đường “Nhuệ”, Thái Bình (1). Không may là nếu chịu đọc, đọc xong, thiên hạ lại thấy bản chất của công an và chính quyền nhân dân hết sức tệ hại! Chống đỡ vụng về như thế thì… hỏng. Hỏng… hẳn Tô Lâm ạ!

Các cậu lên án “thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị” lợi dụng vụ Đường “Nhuệ” để vu khống, bôi nhọ, tạo dư luận không đúng, gây hiểu lầm về công an nhân dân và chính quyền nhân dân nhưng nói thật với cậu, biện giải kiểu đó thì chẳng cần ai bôi cũng… nhọ, rửa bằng… vòi rồng cũng chẳng hết nhọ!

Các cậu bảo rằng, Đường “Nhuệ” đã thường xuyên tập họp một số đối tượng không có việc làm, gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng từ… năm 2007. Cho tớ hỏi nhỏ: Tại sao công an nhân dân và chính quyền nhân dân để yên cho y tác oai, tác quái, càng ngày càng lộng hành, xông vào cả trụ sở công an một phường đánh người trọng thương,… mà vẫn vô sự lâu thế?

Tô Lâm thân mến,

“Con dại, cái mang”, ai cũng ngại trách nhiệm nhưng để thuộc cấp mặc tình biện bạch, rằng từ công an đến chính quyền không… sai khi vợ chồng Đường “Nhuệ” tham dự đấu giá, mua bán nhà đất rần rần suốt mười năm mà chỉ phải nộp… thuế môn bài thì dở quá. Dở tệ Tô Lâm ạ! Chẳng lẽ cậu cũng tin, từ công an đến chính quyền vô tư khi miễn trừ các loại thuế, phí cho doanh nghiệp của cặp này vì… không phát sinh doanh thu?

Dễ dãi như vậy, ngân sách thất thu chỉ mới là một lẽ, điều còn lại, quan trọng hơn là làm… lệch lạc bản chất của chế độ ta! Trước nay, ta vẫn chủ trương “thu thuế như vặt lông vịt, phải vặt thế nào để vừa có thật nhiều lông, vừa giữ không cho vịt kêu toáng lên” (2) và trên thực tế ta vẫn luôn như thế. Cố ý hay vô tình để sót các doanh nghiệp của vợ chồng Đường “Nhuệ”, làm sao “ta” khóa được mỏ lũ vịt bán hàng rong, chạy xe ôm?…

Tương tự, chẳng lẽ cậu không đỏ mặt khi công an và chính quyền nhân dân có thể phát hiện, triệt phá ngay các tổ chức tôn giáo, xã hội “lợi dụng dịch bệnh” phát khẩu trang để gieo rắc ảnh hưởng nguy hại (3) mà không hề biết gì về “Hiệp hội Tang lễ Thái Bình” do Đường “Nhuệ” thành lập từ năm 2017 để buộc các cơ sở dịch vụ mai táng phải nộp tiền khi đưa các tử thi từ Thái Bình sang Nam Định hỏa táng?

Tạo ra tình tiết, các cơ sở dịch vụ mai táng ngậm đắng, nuốt cay đóng tiền cho Đường Nhuệ trong hai năm rưỡi và vì họ không dám… tố cáo nên công an và chính quyền nhân dân không… biết, có khác gì lột da… mông đắp lên… mặt! Tai sao nhân dân thà làm tôi mọi cho Đường “Nhuệ” mà không tưởng đến chuyện cậy nhờ công an và chính quyền nhân dân bảo vệ mình nhỉ?

Tô Lâm thân mến,

Tớ biết cậu đang trong giai đoạn phải “nằm gai, nếm mật”, ráng bỏ ngoài tai những chì chiết, oán thán vì đủ mọi chuyện “thiên sầu, địa thảm” do lực lượng công an của cậu gieo rắc trên nhân dân, song tớ tin, bất kể thế nào cậu cũng sẽ “tai qua, nạn khỏi”. Cán bộ cấp chiến lược của “ta” ai lại… chẳng thế! Xứ mình bây giờ, có ngành nào, ở cấp nào mà không nặng mùi!

Này, tớ đánh giá rất cao chuyện cậu thoái thác trách nhiệm người đứng đầu bằng các… chỉ đạo điều tra, làm rõ đủ loại scandal đấy nhé! Cho dù chẳng lạ gì cậu nhưng thú thật, đôi khi tớ vẫn có cảm giác, dường như cậu không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an mà như… thần tiên đến từ… thượng giới để… chấn chỉnh lực lượng công an nhân dân đang khuấy động xã hội chẳng khác gì âm binh.

Tuy nhiên chỉ còn mươi tháng nữa là đại hội đảng, bất kể cậu đã “giả mù, giả điếc, giả câm, giả bại liệt” nhưng muốn bước lên cao hơn, cậu phải nhắc hệ thống truyền thông trong ngành cùng phải giả hệt như thế mới ổn Tô Lâm ạ. Cứ ông ổng như Công an nhân dân trong vụ Đường “Nhuệ” là “lợi bất cập hại”! Dân không mù, không điếc, không câm và cũng chẳng bại liệt. Giờ là lúc có… câm mới… lành đấy Tô Lâm ạ!

Chú thích

(1) http://cand.com.vn/Thong-tin-phap-luat/Thai-Binh-len-tieng-ve-nhung-vu-viec-lien-quan-den-Duong-Nhue-592468/

(2) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ts-vu-dinh-anh-nguoi-ta-noi-thu-thue-cung-nhu-vat-long-vit-dung-de-keu-toang-len-20170622142919615.htm

(3) http://congan.com.vn/doi-song/loi-dung-phat-khau-trang-de-truyen-ba-phap-luan-cong-trai-phep_90614.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/letter-to-to-lam-04302020194844.html