Tin Việt Nam – 01/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/05/2018

Trạm BOT Ninh Lộc buộc xả trạm liên tục

vì người dân phản đối

Trạm BOT Ninh Lộc thuộc xã Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa vào sáng ngày 1/5 buộc phải xả trạm liên tục để tránh tình trạng kẹt xe kéo dài, sau khi các tài xế dừng xe để phản đối việc thu phí.

Tờ Dân Trí trích lời ông Vũ Hải Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, công ty đầu tư dự án BOT này cho biết, khoảng 6g sáng ngày 1/5 sau khi trạm thu phí bắt đầu miễn giảm vé cho các loại xe thì một số tài xế địa phương đã dừng xe tại khu vực thu phí để phản đối.

Các tài xế cho rằng mức thu phí không phù hợp với người địa phương khu vực quanh trạm và đòi nhà đầu tư phải giảm 100%. Việc phải đối của các tài xế đã làm tình trạng kẹt xe kéo dài buộc trạm BOT Ninh Lộc phải xả trạm.

Được biết mức thu phí hiện nay dành cho các loại xe từ 35.000 đồng/lượt – 140.000 đồng/lượt.

Trước đó, Tổng cục đường bộ đã đồng thuận giảm 50% cho các loại xe từ 30 ghế trở xuống và dưới 4 tấn nếu không sử dụng kinh doanh và mức giảm 40% dành cho các loại xe trên mang mục đích kinh doanh. Các tuyến xe bus được giảm 100%.

Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện nay có 88 trạm thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức BOT (Xây Dựng- Vận Hành- Chuyển Giao). Bộ GT-VT quản lý 74 trạm, số còn lại do các Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh quản lý.

Tuy nhiên đã có nhiều phản đối trong cả nước trong hai năm qua, các tài xế cho rằng các chủ đầu tư không xây dựng bao nhiêu, mà lại cố tình đặt trạm sai vị trí để thu nhiều tiền, ngoài ra số tiền phải trả khi qua các trạm cũng bị người dân phản đối cho là quá cao.

Giới lái xe trong cả nước đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm, làm kẹt xe nhiều giờ. Đỉnh điểm của phong trào phản đối này là vào cuối năm 2017 tại trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chính quyền đã phải đưa cảnh sát cơ động đến để giữ trật tự. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra lệnh tạm dừng trạm này trong nhiều tuần để bàn phương cách giải quyết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-in-bot-ninh-loc-05012018095730.html

 

Slovakia ‘bối rối’ vì vụ Trịnh Xuân Thanh

Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini theo lịch sẽ thăm Đức ngày 2/5, dường như sẽ đề cập cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Angela Merkel.

Hôm 25/4 và 29/4 báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) nêu nghi vấn liệu Slovakia có liên quan cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh ở Berlin tháng 7/2017 hay không.

Nghi ngờ từ Đức đã khiến giới chức ở Slovakia phải lên tiếng.

Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh ‘bị đưa sang Slovakia’

Vali nạn nhân nữ vụ bắt cóc Berlin ‘bị lục tung’

Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’

Slovakia bác bỏ việc họ có biết hay có liên quan tới vụ việc.

“Chúng tôi không chuyên chở” bất kỳ người nào liên quan, ông Robert Kalinak, bộ trưởng nội vụ vào thời điểm Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm thăm Slovakia nhưng gần đây đã từ chức, viết trên mạng xã hội hôm 30/4.

“Trong danh sách các hành khách được cung cấp cho chúng tôi, không hề có tên công dân Việt Nam này [ông Trịnh Xuân Thanh] và chúng tôi không chở bất kỳ bệnh nhân phải nằm cáng nào,” ông Kalinak viết trên Facebook.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Slovakia không tiết lộ danh sách hành khách trên khoang, còn các nhà điều tra Đức tin rằng rất có thể có chuyện sử dụng tên giả, trang tin cas.sk của Slovakia nói.

Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu tuần trước gọi Đại sứ Slovakia, ông Peter Lizák, lên để đặt câu hỏi, báo Spiegel của Đức đưa tin.

Tuy nhiên, phía Đức nói đây mới chỉ là cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin chứ không phải để chính thức chất vấn theo trình tự ngoại giao.

Phía Slovakia nói họ cần điều tra xem liệu có phải đã bị các vị khách Việt Nam lợi dụng và ‘qua mặt’ hay không.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava hồi 7/2017.

Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tờ FAZ của Đức, ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Pressburg và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.

Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?

Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Trịnh Xuân Thanh trốn bằng cách nào?

Bộ Nội vụ Slovakia hôm 29/4 tỏ ‎ý quan ngại.

Bộ thừa nhận rằng do phái đoàn Việt Nam có những thay đổi vội vã trong lịch trình di chuyển, nên họ đã cho các vị khách mượn một chiếc máy bay chính phủ, trang tin The Spectator của Slovakia tường thuật.

Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Việt Nam lẽ ra sẽ bay tới Vienna, thủ đô nước Áo. Nhưng do những lý do không được tiết lộ, họ đã đổi đường đi để tới Prague vào phút chót, Bộ Nội vụ Slovakia nói.

“Do thay đổi này và do chương trình sau đó tại Moscow, chúng tôi cho họ mượn chiếc phi cơ chính phủ để đưa họ từ Prague tới Bratislava, và sau đó tới Moscow.”

Tuy nhiên, Bộ này nói họ không biết có những ai bay trên chiếc chuyên cơ đó.

Thủ tướng Slovakia nhanh chóng lên tiếng về vụ việc và nói ông đang yêu cầu được cung cấp thông tin chi tiết.

Kênh phát thanh quốc tế RSI của Slovakia hôm 30/4 dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói rằng Bộ Nội vụ nước này đang phải xác minh xem liệu có phải phái đoàn Việt Nam đã sử dụng sai một số thông tin, hoặc cung cấp cho nước chủ nhà thông tin giả về vụ bắt cóc ông Thanh hay không.

“Bộ [Nội vụ] hiện đang liên hệ với phía Việt Nam để xác minh chính xác thành phần phái đoàn, và tìm hiểu xem liệu có phải có ai đó đã đưa người lên [chiếc phi cơ của chính phủ Slovakia] mà chính phủ không biết hay không,” ông Pellegrini nói.

Nhà bình luận người Slovakia, Milan Nic, hiện sống ở Berlin, nói với báo Dennikn.Sk rằng: “Vụ bắt cóc người Việt Nam đưa ra khỏi Đức không phải là chuyện nhỏ và chúng ta nay sẽ phải trả giá cho Robert Kalinak.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43963258

 

Quan hệ VN với EU sẽ ra sao sau

khi Slovakia lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh?

Mượn máy bay thực hiện vụ bắt cóc?

Bộ Nội vụ Slovakia vào hôm 29 tháng 4 vừa qua đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm sang nước này hồi năm ngoái vì nghi ngờ chuyến thăm có thể được sử dụng nhằm mục đích khác hơn là thăm hữu nghị. Bộ Nội vụ Slovakia còn nói rằng một khi những thông tin này được xác minh, thì quốc gia Trung Âu này sẽ coi hành động của VN là không công bằng đối với đối tác của mình và lợi dụng lòng hiếu khách của họ cho mục đích khác thay vì tình hữu nghị, và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Bộ Nội vụ Slovakia ra thông báo này sau khi truyền thông Đức loan tin Việt Nam có thể đã sử dụng Slovakia cho mục đích bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm ngoái ngay trên đất Đức. Ông Thanh là người vừa bị chính quyền Việt Nam kết án tù chung thân vì các cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Từ Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi và cập nhật tin tức về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ những ngày đầu, cho RFA biết một số thông tin:

Tình hình hiện nay khá căng thẳng vì việc này không chỉ liên quan đến Séc như trước đây mà bây giờ đã lan cả sang Slovakia, nơi mà ông Tô Lâm ngày 26/7/2017 đã có một cuộc họp nhanh ở đó với chính phủ nước này, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia.

Đi cùng đoàn ông Tô Lâm có 12 người tất cả, trong đó có những cán bộ rất cao cấp như Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo, Phó Tổng cục trưởng cục An ninh, ông Đường Minh Hưng mà phía Đức hiện nay cho rằng đã tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trước đó chỉ có mấy ngày.

Đi cùng đoàn ông Tô Lâm có 12 người tất cả, trong đó có những cán bộ rất cao cấp như Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo, Phó Tổng cục trưởng cục An ninh, ông Đường Minh Hưng

– Nhà báo Lê Trung Khoa

Cơ quan Công tố Đức luôn khẳng định vụ bắt cóc đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu. Trong số này có một người mang tên Đường Minh Hưng, một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam. Ông Đường Minh Hưng bị cáo buộc đã ra lệnh thực hiện vụ bắt cóc trước khi trở về Việt Nam ngay sau đó. Ông Hưng còn bị nghi ngờ đã thực hiện hơn 100 cuộc nói chuyện và trao đổi tin nhắn trên điện thoại với nhóm bắt cóc, khi đang trú tại một khách sạn gần nơi vụ bắt cóc xảy ra.

Theo Bộ Nội vụ Slovakia, vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng công An Tô Lâm đã đến Slovakia và gặp Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak tại khách sạn Borik ở Bratislava. Mục đích của chuyến thăm được nói vào lúc đó là để tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Báo chí Đức viết rằng có thể cuộc gặp đã bị lợi dụng vì mục đích khác. Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết:

Cuộc gặp rất ngắn, theo tôi biết chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ ở một khách sạn ở thủ đô của Slovakia. Nhưng có một đoàn rất hùng hậu của VN sang gặp. Ông Tô Lâm đã nhờ ông Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Chính phủ nước này để đi công du cho kịp thời. Hiện nay ông Bộ trưởng này đã từ chức và ông ấy cũng đã giải trình rằng ông ấy không biết danh sách người đi trên chiếc máy bay đó có ông Trịnh Xuân Thanh hay không. Nhưng ông ấy cũng nghi ngờ chiếc máy bay đó đã được sử dụng một cách bất hợp pháp vào một việc nào đó.

Báo chí Đức đưa tin vào thứ Sáu ngày 27 tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức đã cho triệu tập Đại sứ Slovakia tại Đức để hỏi về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên nội dung cụ thể cuộc họp hiện chưa được thông báo.

Nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm là vào thứ Tư ngày 2 tháng 5 tới đây, Thủ tướng Đức sẽ gặp gỡ với Thủ tướng Slovakia và sẽ công bố những thông tin quan trọng liên quan vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bên lề buổi gặp này.

Thủ tướng Slovakia mới đây cũng nói rằng đã giao cho Bộ Nội vụ liên lạc với VN để điều tra xem trên chuyến bay đó có ai khác ngoài đoàn ngoại giao VN hay không.

Hiện phía Việt Nam chưa có phản hồi gì về những thông tin mới này. Việt Nam trước đó bác bỏ cáo buộc bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

Hiệp định Tự do Thương mại VN – EU

Quan hệ VN và Đức được đánh giá là đi xuống kể từ khi xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Phía Đức thì cáo buộc VN không tôn trọng pháp luật Berlin khi bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của họ. Sau vụ bắt cóc, Đức đã tuyên bố đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam.

Cách đây vài ngày, phía Đức đã bắt đầu xét xử một số nghi can trực tiếp tham gia vụ bắt cóc này.

Trước những căng thẳng ngoại giao giữa hai phía, nhiều nhà quan sát nhận định rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU vì Đức là một thành viên quan trọng của EU.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU có thể sẽ bị ảnh hưởng, khi có dính líu tới Slovakia:

Liên minh châu Âu và VN có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh với nhau và EU hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN, tức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất của VN.

Vụ Trịnh Xuân Thanh hiện nay đang phủ một bóng đen đến việc thông qua hiệp định này. Tôi hi vọng bằng nỗ lực của cả hai phía, vì lợi ích lâu dài về kinh tế và lợi ích của những người lao động, thì cả hai cũng nỗ lực để cuối cùng sẽ thông qua và sẽ có thể đi vào thực hiện được.

Có điều bây giờ tôi thấy khả năng thông qua sớm là rất ít, và còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại để khắc phục được.


Bây giờ tôi thấy khả năng thông qua hiệp định sớm là rất ít, và còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại để khắc phục được.

– TS Lê Đăng Doanh

Từ năm ngoái tới nay, VN liên tục thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới các nước thành viên của EU để thúc đẩy EU thông qua hiệp định này. Điển hình như chuyến thăm cấp nhà nước của bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội đi Hungary, Cộng hòa Séc, và Thụy Điển vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017. Ngoài ra còn có chuyến thăm nước Đức của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2017. Và gần đây nhất là vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, EU nhập khoảng 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, các mặt hàng điện tử, điện thoại chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Về đầu tư, EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc thành viên còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của VN.

Nếu Hiệp định này được thông qua, có thể hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được VN và EU xóa bỏ. Số còn lại sẽ được cắt giảm thuế một phần.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc lại có cái nhìn khác. Ông nhận định là vụ bắt cóc ông Thanh sẽ không ảnh hưởng đến việc thông qua Hiệp định này:

Thường thường các hiệp định thương mại họ không dựa vào vấn đề nhân quyền. Những người làm ăn buôn bán hay các chính phủ cho đến bây giờ đều nhìn nhận vấn đề như vậy. Nó có thể ảnh hưởng một thời gian nào đó nhưng sau rồi sẽ trở lại như cũ. Chẳng hạn như những hiệp định với Trung Quốc hay cả với VN cũng có nhiều vấn đề nhân quyền nhưng TPP họ vẫn thông qua như thường, đâu có đặt vấn đề nhân quyền, thì các hiệp định khác cũng vậy thôi.

Còn nhà báo Lê Trung Khoa dự đoán rằng Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU sẽ vẫn được thông qua nhưng VN sẽ gặp nhiều trở ngại khi phía EU có thể đặt ra nhiều điều kiện về tôn trọng pháp luật đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải cam kết tuân theo.

Mới đây nhất vào ngày 19/2, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh EU tại Việt nam cho tờ VNeconomy biết hiệp định dự kiến sẽ được ký kết vào trước mùa hè năm 2018 và sau đó sẽ được nghị viên châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-will-relationship-vn-and-eu-be-affected-after-slovakia-raising-voice-about-trinh-xuan-thanh-case-05012018132531.html

 

Vụ Tân Thuận và ‘tài sản’ của Đảng Cộng sản

Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi đến BBC từ Hà Nội

Dư luận báo chí trong nước đang lùm xùm vụ việc Công ty Tân Thuận trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chuyển nhượng khu đất 32ha ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mà không được sự đồng ý của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi sự việc này được báo chí nêu ra nhiều người có cảm giác rằng đây lại là một vụ việc doanh nghiệp làm thất thoát tài sản ‘Nhà nước’ giống như vụ AVG – Mobifone mới đây.

Báo Sóng Thần chống tham nhũng trước 1975

Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?

Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’

Ụ nổi Vinalines có là án lệ cho Mobifone-AVG?

Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ việc này. Tài sản của Đảng Cộng sản có phải là tài sản của nhà nước?

Vi phạm quy định của Đảng Cộng sản có phải là vi phạm pháp luật?

Những khúc mắc này cần được làm rõ để kiến tạo khung khổ pháp lý minh bạch cho kinh tế thị trường và quốc gia pháp quyền.

Về tài sản của Đảng Cộng sản

Nếu như ở các quốc gia theo thể chế dân chủ đa đảng thì vấn đề thật đã quá rõ ràng. Tài sản của một đảng phái chính trị là tài sản thuộc sở hữu của họ, không liên quan gì đến tài sản của chính phủ hay các đảng phái tổ chức khác.

Nhưng ở Việt Nam theo thể chế một đảng lãnh đạo, quyền lực của Đảng Cộng sản bao trùm toàn bộ nhà nước. Điều này dẫn đến tài sản của Đảng Cộng sản một phần rất lớn có nguồn gốc từ tài sản của nhà nước được giao cho sử dụng.

Và trong một thời gian dài, chẳng mấy ai thấy cần thiết phải phân biệt tài sản của Đảng Cộng sản và tài sản của Nhà nước.

Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn bản này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, đây có lẽ là văn bản pháp lý rõ ràng nhất từ trước đến nay nói về tài sản đảng.

Theo văn bản này thì nguồn hình thành tài sản tại cơ quan của đảng và đơn vị sự nghiệp của đảng, bao gồm:

Tài sản được nhà nước giao bằng hiện vật và tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước.

Tài sản đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ quỹ dự trữ của ngân sách đảng và các nguồn kinh phí khác của đảng.

Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho đảng .

Tài sản được hình thành từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, những tài sản nào thuộc sở hữu của ai thì người đó định đoạt. Cho nên tài sản thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản thì sẽ do tổ chức này định đoạt. Những tài sản nào được nhà nước giao cho sử dụng thì khi hết thời hạn hoặc lý do mục đích giao không còn thì phải được thu hồi.

VN: Cuộc chiến chống tham nhũng ‘có đà’ làm tốt hơn

VN: Chống tham nhũng cần nhất điều gì?

Việt Nam ‘tiến bộ trong chống tham nhũng’

Để kiến tạo môi trường minh bạch cho phát triển kinh tế thì các nguồn lực xã hội cần được minh định bạch hóa, theo đó những tài sản nào thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản thì cần được làm rõ, để tạo cho nó một sự hữu hiệu khi đưa vào lưu thông vận hành trong cơ chế thị trường.

Quy định của đảng không phải là pháp luật

Ở những nước dân chủ đa đảng thì điều này thật quá hiển nhiên. Nhưng ở Việt Nam Đảng Cộng sản giữ quyền lãnh đạo, quyền của đảng bao trùm lên nhà nước. Lớn quyền là thế nhưng những quy định của đảng lại không có được sức nặng uy quyền của sự ‘tuân thủ pháp luật’.

Bởi lẽ quy định của đảng chỉ là quy định của một tổ chức, chỉ có hiệu lực đối với các thành viên. Còn pháp luật có tính công khai và hiệu lực với toàn xã hội. Ở đây tồn tại một sự mâu thuẫn rất ‘đặc thù’ của các nước theo thể chế một đảng lãnh đạo.

Mặc dù quyền hành của một đảng lãnh đạo là rất lớn, nhưng nó không đủ lớn để xóa mờ đi ý thức về sự tuân thủ pháp luật vốn đã hình thành trong đầu óc nhân loại có từ trước khi các đảng phái chính trị ra đời.

Trong xu hướng xây dựng quốc gia pháp quyền hiện nay thì để đảm bảo ‘thượng tôn pháp luật’, thiết nghĩ cũng cần xác quyết một lần cho thật rõ quy định của đảng không phải là pháp luật.

Điều này cũng dễ đạt được đồng thuận nhận thức của đông đảo. Song để vận hành nền kinh tế thị trường và xây dựng quốc gia pháp quyền cho hiệu quả, thì cũng cần hiểu về các quy định của Đảng Cộng sản và khả năng tác động của nó tới đời sống xã hội.

Trong nội bộ đảng ngoài các đảng viên thường, các cơ quan đảng, còn có các đơn vị sự nghiệp và đơn vị kinh tế của Đảng Cộng sản. Đối với các đảng viên thường thì bị điều chỉnh bởi Điều lệ đảng và một số ít các văn bản tương đối rõ ràng.

Nhưng đối với các tổ chức đảng, các cơ quan sự nghiệp của đảng và các doanh nghiệp kinh tế của đảng thì vì khả năng gây ảnh hưởng lớn của nó (cũng do bởi đảng sở hữu quản lý một khối lượng tài sản lớn) cho nên Đảng Cộng sản còn có nhiều văn bản quy chế điều chỉnh mà ít khi công khai.

Ví như năm 2009 Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1087-QĐ/TU ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố, trong đó quy định Ban Thường vụ Thành uỷ có thẩm quyền xem xét, quyết định về chuyển dịch sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất.

Và theo đó một cơ quan như Văn phòng thành ủy không có thẩm quyền cho phép công ty Tân Thuận chuyển nhượng khối tài sản là khu đất 32ha.

Luật hóa quy định của đảng

Vì quy định của đảng không có sức nặng của sự ‘tuân thủ pháp luật’, cho nên nó yếu kém trong việc quản lý các hoạt động và xử lý các sai phạm. Ví như Quyết định số 1087-QĐ/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bị vi phạm.

VN đang có ‘bước tiến tốt, tích cực’ trong chống tham nhũng

Vụ việc ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh ‘có hiệu ứng tốt’

VN: ‘Bảo trợ chính trị’ đang gây nguy hại cho chế độ?

Trong bối cảnh Việt Nam, một khối lượng lớn tài sản đang do các cơ quan đảng nắm giữ, cùng với tình trạng tham nhũng thất thoát tràn lan, để tăng cường quản lý khối tài sản này, các cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã ‘luật hóa’ các quy định của đảng.

Cụ thể là Nghị định số 165/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Bỏ qua những yếu tố bất cập của văn bản như việc Chính phủ lại đi quy định việc quản lý tài sản của một tổ chức, quy định xem cơ quan đảng nào được phép làm việc gì.

Thì đây có thể được xem là giải pháp tình thế thể hiện nỗ lực của lãnh đạo Đảng Cộng sản trong giai đoạn hiện nay.

Làm việc này là Đảng Cộng sản đã vay mượn thêm uy quyền của pháp luật. Để mong muốn thông qua sức nặng của sự ‘tuân thủ pháp luật’ sẽ khiến các quy định của đảng này được củng cố thực thi trong tổ chức

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43948159

 

Xã hội chủ nghĩa tàn tạ

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Biến cố 30 Tháng Tư 1975 đã được Chính quyền Việt Nam chào mừng như một cuộc giải phóng và thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, do một đảng độc quyền lãnh đạo. Nhìn về mặt kinh tế thì Việt Nam có chuyển biến, nhất là sau 10 năm khủng hoảng và hai đợt đổi mới vào các năm 1986 và 1991. Trong năm qua, Việt Nam còn đạt mức tăng trưởng khả quan là 6,8 % nên Chính quyền có thể hài lòng với thành tích ấy. Riêng ông thì thấy thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nếu nhìn trên cái trục thời gian thì quả thật là Việt Nam đã có thay đổi sau khi tiến hành cải cách gọi là “đổi mới”. Nhưng tại sao lại phải đổi mới nếu xã hội chủ nghĩa là điều hay đẹp và cần thiết cho Việt Nam như giới lãnh đạo đã nói sau 1975? Nếu nhìn trên cái trục không gian, là so sánh với các lân bang, thì Việt Nam vẫn còn tụt hậu sau khi đã trả một cái giá quá đắt cho một cuộc chiến tương tàn. Điều thứ ba là cái đà tăng trưởng 6,8 % do Tổng cục Thống kê đã tính ra cho năm 2017 qua, coi như thuộc loại cao của Châu Á thì tôi cho là họ nên tính lại vì cũng áp dụng phương pháp kế toán quốc gia của Bắc Kinh nên không đáng tin. Cứ cộng các nhập lượng ở đầu vào, như số tín dụng hay mức tăng lương, mà coi đó là trị giá gia tăng của sản xuất là một sai lầm về kế toán. Cũng thế, thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là tăng mạnh nhất nhưng đã lên tới đỉnh và đang tuột đáy vào tuần trước. Dù sao đấy là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là hơn 40 năm sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ!

Nguyên Lam: Nhân chuyện 30 Tháng Tư, Thính giả của chúng ta mong ông giải thích cho sự thể ấy. Thế nào là tàn tạ, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta khó quên khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được “xã hội chủ nghĩa” là gì mà đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là “cải tạo”. Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo “quan hệ sản xuất” để từ đó nâng “phương thức sản xuất” lên một trình độ cao hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Việc cải tạo quan hệ sản xuất chỉ xóa bỏ quyền tư hữu vật liệu sản xuất và tổ chức lại hệ thống lao động và phân phối sản phẩm. Đã vậy, cũng do ý thức hệ Xô viết, Hà Nội còn lao vào cuộc chiến Kampuchia trong 10 năm khiến tổng sản lượng bị mất mỗi năm 5%. Hậu quả là kinh tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng. Vì vậy, Hà Nội phải tiến hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.

Định hướng Xã hội chủ nghĩa

Nguyên Lam: Thưa ông có phải vì vậy mà lãnh đạo của Việt Nam mới phát minh ra phạm trù “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không?

Khác với ngày xưa thì “chuyên chính vô sản” là “chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản”, ngày nay Việt Nam đã khá hơn khi theo quy luật thị trường, nhưng chỉ để xây dựng chế độ tư bản nhà nước, y hệt như Trung Quốc, mà thực chất là chế độ tư bản thân tộc cho tay chân của đảng và nhà nước, là đảng viên cán bộ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Như bên Tầu, họ vừa mò chân tìm đá mà bước qua dòng! Ban đầu còn là “kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước”, sau Đại hội X mới lết cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” mà chẳng ai minh định nổi nội dung đó là gì!

– Gần 20 năm trước, tôi gặp lại ông bác họ, là người đã tiến hành đổi mới đợt đầu, và được ông bảo rằng trong Bộ Chính Trị không ai giải thích được cái định hướng ấy là gì. Ông còn hỏi tôi nghĩ sao! Tôi có trình bày như thế này và ngày nay nhìn lại thì thì càng thấy ra sự tàn tạ:

 “Khi sinh con đẻ cái thì ai ai cũng ưa đặt tên thật đẹp, nhưng quan trọng là việc giáo dục sau đó. Lãnh đạo một nước nghèo, bị chiến tranh và cả sự u mê tàn phá, thì cần ưu tiên lo cho đa số dân nghèo trong xã hội. Ra khỏi sự u mê và áp dụng quy luật thị trường thì sản xuất có thể tăng, nhưng ai sẽ hưởng các sản phẩm đó một cách công bằng? Trong 20 năm đầu, thì nhà nước nên ưu tiên lo cho dân nghèo từ nông thôn trở lên chứ đừng duy ý chí đi từ trên xuống cho bằng các quốc gia đi trước. Mọi chính sách đều phải đi từ dưới lên và coi công bằng là trọng, cho đa số có thể tham gia sản xuất với năng suất cao hơn thì sẽ có lợi tức khá hơn. Nếu gọi đó là “xã hội chủ nghĩa” thì cũng được, nhưng phải ra khỏi bóng rợp của chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Nguyên Lam: Ông kể lại câu chuyện của gần hai chục năm trước và đối chiếu với ngày nay thì thấy sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngày nay, cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” vô hình và vô tâm đó đang phá sản! Kinh tế mắc nợ ngập đầu vì thiểu số ăn trên ngồi chốc, ngân sách bị bội chi vì quá nhiều lãng phí cho bộ máy cầm quyền, nên người ta đòi giảm chi và tăng thuế trong khi xã hội trở thành cực kỳ bất công hơn, với đại đa số vẫn sống trong cảnh bần cùng. Hơn 40 năm sau khi được hứa hẹn thiên đường xã hội chủ nghĩa, những người u mê nhất cũng thấy rằng đấy là một cơn ác mộng.

Nguyên Lam: Chúng ta sẽ phải đi từng bước để hiểu ra kết luận bi quan vừa rồi của ông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng ưu tiên của xã hội chủ nghĩa trong các nước văn minh là công bằng xã hội, trong các xứ nhược tiểu là dân nghèo. Các đảng phái chính trị thuộc hai cánh tả hữu có thể đề ra ưu tiên ấy và phải thực thi, nếu không thì thất cử. Tại Việt Nam, chuyện bầu cử đó không thể có vì đảng và nhà nước quyết định tất cả dưới chiêu bài “xã hội chủ nghĩa”.

– Khác với ngày xưa thì “chuyên chính vô sản” là “chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản”, ngày nay Việt Nam đã khá hơn khi theo quy luật thị trường, nhưng chỉ để xây dựng chế độ tư bản nhà nước, y hệt như Trung Quốc, mà thực chất là chế độ tư bản thân tộc cho tay chân của đảng và nhà nước, là đảng viên cán bộ.

– Vì cái định hướng xã hội chủ nghĩa đó, Việt Nam có chế độ sở hữu mập mờ về quan hệ sản xuất. Quyền tư hữu được chấp nhận nhưng chế độ công hữu vẫn giữ vị trí chủ đạo, thể hiện qua khu vực kinh tế nhà nước, với các tập đoàn hay tổng công ty được yểm trợ bằng các phương tiện sản xuất như đất đai và tín dụng và được bảo vệ với chính sách cạnh tranh bất chính. Các cơ sở sản xuất này thu dụng ít nhân công mà chất lên núi nợ, khi bị lỗ lã và sức ép của quốc tế cùng các nước cấp viện thì cũng tư nhân hóa hay cổ phần hóa rất chậm. Khi tiến hành việc đó thì các cơ sở quốc doanh được định giá thấp vì trị giá “bèo” của quyền sử dụng đất và được bán rẻ cho “tư nhân” là tay chân thân tộc ở bên trong. Vì vậy, ngân sách thu về được ít tiền, nay đòi đánh thuế để giảm bội chi quá nặng. Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sản sinh ra các đại gia tỷ phú trong khi đa số người dân vẫn cực nghèo.

Hậu quả

Nguyên Lam: Thế còn việc quản lý ngân sách thì cái định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn tới những hậu quả gì, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Có lẽ 40% ngân sách quốc gia Việt Nam phải nuôi bộ máy nhân sự của đảng và nhà nước, từ đảng viên mọi cấp tới hệ thống hành chính rồi bộ máy công an, cảnh sát và quốc phòng. Thành phần nhân sự đó tăng quá mạnh, chủ yếu là vì tăng lương chứ cũng chẳng vì cấp số lao động. Nhưng đa số ở dưới vẫn chưa đủ sống nên lấy bổng bù vào lương, là gây ra nạn tham nhũng và sách nhiễu người dân để kiếm tiền. Vì ngân sách cạn tiền, Bộ Công An trù tính giảm dần cấp số nhân sự theo tinh thần vu vơ là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tuy nhiên, sự kiện nhiều ông tướng công an đang bị điều tra và kỷ luật cũng cho thấy hậu quả của hệ thống quyền thế chính trị và thuộc tính của nó là nạn tham nhũng.

Tôi nghĩ là về dài, khu vực kinh tế quốc doanh sẽ suy bại dần, nhưng chưa nhìn thấy vai trò của tư doanh Việt Nam trong khi các cơ sở kiếm lời nhiều nhất vẫn là của nước ngoài. Như vậy, cái định hướng xã hội chủ nghĩa đang thành vô nghĩa.

-Nguyễn Xuân Nghĩa

— Công an đã vậy, nhân sự về giáo dục lại còn thê thảm hơn. Thành phần đào tạo ra thế hệ của tương lai cũng là thành phần khó sống nhất. Mà các thế hệ cho tương lai khó được giáo dục và đào tạo cho đúng với yêu cầu sau này. Trường ốc và học cụ thiếu thốn, học phí gia tăng, đa số dân nghèo khó cho con đi học khi nhà nước chối bỏ trách nhiệm dưới khái niệm “xã hội hóa giáo dục” là đòi xã hội trang trải.

– Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn là bộ máy công quyền có “lực lượng lao động dư dôi”, tiếng là có việc có lương, mà thiếu khả năng, làm không đủ sống và tìm cách trưng thu ở bên ngoài và trải rộng mạng lưới tham ô vặt! Từ công an, giáo dục mà suy ra lĩnh vực y tế thì ta cũng thấy vấn đề tương tự là sự kiệt quệ và sẽ vỡ nợ của quỹ an ninh xã hội, cơ chế phụ trách về y tế, hưu liễm, trợ cấp thất nghiệp, v.v….

Nguyên Lam: Thưa ông, thế thì kinh tế thị trường có đóng góp được gì cho việc phát triển tại Việt Nam không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chắc chắn là có. Nó đẩy lui bàn tay thô nhám và bất tài của doanh nghiệp nhà nước nhưng trao lợi nhuận cho nhà đầu tư ngoại quốc trong khi tư doanh vẫn bị chèn ép trừ phi liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. Thí dụ ai cũng biết là từ nhiều năm nay, tập đoàn Samsung của Nam Hàn đã đầu tư 17 tỷ đô la vào Việt Nam, trở thành doanh nghiệp lớn hơn PetroVietnam, đại gia quốc doanh trong lĩnh vực dầu khí. Kết quả, Samsung giúp Việt Nam là nước xuất khẩu máy điện thoại tinh khôn thứ nhì của thế giới, chỉ sau Trung Quốc, và đóng góp một thần tư số xuất khẩu của Việt Nam, trị giá hơn 200 tỷ đô la. Họ thu về số lời là gần 60 tỷ! Dân ta làm gia công cho họ mà lãnh đạo vẫn cứ nói phét.

– Tôi nghĩ là về dài, khu vực kinh tế quốc doanh sẽ suy bại dần, nhưng chưa nhìn thấy vai trò của tư doanh Việt Nam trong khi các cơ sở kiếm lời nhiều nhất vẫn là của nước ngoài. Như vậy, cái định hướng xã hội chủ nghĩa đang thành vô nghĩa.

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông kết luận về bài phân tích u ám này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hơn 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là nột nước tụt hậu sau nhiều lân bang Đông Nam Á, nhưng đứng trên danh mục tham nhũng nặng theo cuộc khảo sát của tổ chức Transparency International. Nguyên nhân là đảng và nhà nước thiếu công minh, là công khai và minh bạch, với bộ máy công quyền không bị trách nhiệm trước công luận. Trong khi ấy, chức năng then chốt của một chính quyền xưng danh xã hội chủ nghĩa là lo cho xã hội và tránh nạn bất công thì chính quyền lại còn đào sâu sự bất công đó. Vì vậy, dân nghèo hết than vãn về nạn tham nhũng mà trở thành bi quan về đời sống trước mặt. Họ đã tụt đến đáy rồi mà ở trên vẫn hô khẩu hiệu vu vơ.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-decaying-socialism-05012018110236.html

 

Những gương mặt mới trên chính trường Việt Nam

Kính Hòa RFA

Cuối tháng Tư năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Yusof Ishak, Singapore, dự báo một số gương mặt mới có khả năng vào Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây, đó là các ông Lương Cường, thuộc quân đội, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng trung ương đảng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án tối cao, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính, và ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc học viện chính trị Hồ Chí Minh.

Cả năm người này đều thuộc Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giải thích những lý do mà ông dựa vào đấy để đưa ra dự báo nhân sự này.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cơ sở để đưa ra phán đoán này là vì trong cơ cấu của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, cơ quan cao nhất đưa ra quyết định là Bộ chính trị, còn Ban Bí thư là cơ quan vận hành những công việc hàng ngày của đảng trong thời gian Bộ chính trị và Trung ương đảng không họp.

Trong thành phần Ban Bí thư này có một số người là Ủy viên Bộ chính trị, một số người thì chưa. Theo sự phân tích của tôi thì những người mà chưa phải thuộc Bộ chính trị mà nằm trong Ban Bí thư thì họ giống như là lực lượng dự bị, giống như ủy viên dự khuyết, đợi đến lúc có những thay đổi thì những người này sẽ được đôn lên, tương tự như trong Ban chấp hành trung ương cũng có những ủy viên dự khuyết. Những người chưa là ủy viên Bộ chính trị mà nằm trong Ban bí thư thì cũng có thể được coi là ủy viên Bộ chính trị dự khuyết, và khi có sự thay đổi thì họ có thể được đôn lên để trám vào Bộ chính trị, và những người này, theo tôi hiểu thì cũng là những người đã được cơ cấu từ trước. Nếu nhìn vào danh sách thì vừa rồi có hai người được bổ sung vào Ban Bí thư là ông Trạc và ông Thắng, thì dường như người ta nhắm trước cho hai ông đấy vào Bộ chính trị và đưa vào Ban Bí thư như là một bước đệm, để mà bầu cho hai ông đấy vào Bộ chính trị.

Nhìn tổng thế về qui trình thì trong tổng số 180 Ủy viên trung ương, nếu chọn ứng cử viên xứng đáng thì không có ai xứng đáng hơn những ông đấy, vì họ là thành viên Ban Bí thư, trên những ủy viên bình thường một bậc, như vậy họ có lợi thế hơn.

Sẽ không có thay đổi nhiều vì nếu những người này được bầu vào Bộ chính trị, thì sẽ làm việc cùng những ủy viên Bộ chính trị khác, những người có thâm niên cao hơn.

-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Kính Hòa: 5 Là một con số không nhỏ, vậy thì nếu suy đoán này đúng thì những thành phần mới này, mà ít lâu nay chúng ta thấy họ không nổi tiếng lắm, sẽ tạo ra điều gì thay đổi của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Không phải là không nổi tiếng, ví dụ như ông Nên là Chánh văn phòng Trung ương đảng thì trước đó đã nắm nhiều chức như là Phó Chánh văn phòng Thủ tướng chẳng hạn, hay như ông Nguyễn Hòa Bình cũng vậy từ bên Viện Kiểm sát sang làm Chánh án Tòa án tối cao, Ông Trạc là một ngôi sao đang lên, từ Nghệ An đi lên, v.v… Nếu xét với những người trong Bộ chính trị thì những người này chưa nổi bật bằng, nhưng cũng có thể coi họ là những người được cơ cấu để bầu vào Bộ chính trị. Nhìn vào độ tuổi của họ thì họ đang ở trong độ tuổi có thể làm thêm một nhiệm kỳ sau nữa.

Rồi họ cũng có những chuyên môn phù hợp với những vị trí mà Bộ chính trị muốn cơ cấu vào, ví dụ như ông Thắng, xuất phát từ Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì ông có thể phù hợp với nhiệm vụ tuyên giáo chẳng hạn, thì người ta nhắm ông Thắng để thay ông Thưởng, trong trường hợp điều động ông Thưởng qua vị trí khác.

Ông Trạc, ông Bình, ông Nên đều có xuất thân từ công an, thì nếu như có những vị trí ào chẳng hạn như bên Bộ Công an, hay bên nội chính chẳng hạn, các cơ quan có liên quan đến an ninh, cần một vị trí thì họ có thể đưa những người này vào.

Những người này mặc dù chưa nổi bật bằng những ủy viên Bộ chính trị, nhưng họ có thể là những người đã được cơ cấu để chuẩn bị để nắm những nhiệm vụ chủ chốt, nếu không trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ sau.

Kính Hòa: Chúng ta giả sử như họ là thế hệ lãnh đạo sắp tới của Việt Nam, thì cái đường hướng của Việt Nam đi sẽ như thế nào? Tiếp tục cởi mở về kinh tế, sẽ có khả năng cởi mở một chút về tư tưởng, về chính trị không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi nhiều vì nếu những người này được bầu vào Bộ chính trị, thì sẽ làm việc cùng những ủy viên Bộ chính trị khác, những người có thâm niên cao hơn. Những người này trẻ hơn, được sắp xếp vào sau, thì họ vẫn có vị trí thấp hơn so với những người đã có mặt trong Bộ chính trị từ trước. Nhiệm kỳ sau, những người này có thể vào Bộ chính trị, nhưng vẫn sẽ còn những ủy viên Bộ chính trị khác hiện tại, và nhiệm kỳ sau họ vẫn còn đủ tuổi, đủ điều kiện để làm tiếp, thì có lẽ là những người này trong nhiệm kỳ sau khó có thể được vào trong tứ trụ chẳng hạn, khả năng rất thấp.

Do đó ảnh hưởng của họ đến đường hướng chính sách của quốc gia cũng hạn chế thôi, không nhiều, mà tôi nghĩ là cái đường hướng sẽ được quyết định bởi những nhân vật nằm trong tứ trụ ở nhiệm kỳ sau, mà những vị trí đấy có lẽ chưa phải là cơ hội cho những người mới được bầu bổ sung, chẩn bị bầu bổ sung lần này.

Kính Hòa: Nếu như bầu bổ sung thì khả năng đó sẽ xảy ra trong kỳ Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây?

Trong hoạch định cơ cấu nhân sự của Đảng Cộng sản thì họ có lưu ý đến sự cân đối vùng miền để có sự hài hòa giữa các vùng miền với nhau.

-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Vâng, kỳ họp trung ướng đảng lần thứ bảy tới đây được coi là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của đảng. Thì một trong những nhiệm vụ của hội nghị giữa nhiệm kỳ là chuẩn bị nhân sự, đường hướng nhân sự cho Đại hội đảng lần thứ 13 sắp tới.

Cũng giống như giữa nhiệm kỳ lần trước, thì có bầu cho ông (Nguyễn Thiện ) Nhân, và bà (Nguyễn Thị Kim) Ngân vào Bộ chính trị, thì sau đó ông Nhân và bà Ngân cũng có những thăng tiến. Thì cũng vậy, trong giữa nhiệm kỳ này những người này sẽ được bầu, thì một số trong những người này cũng có thể sẽ được thăng tiến trong tương lai.

Có thể coi vấn đề nhân sự là nội dung chủ chốt của Hội nghị trung ương 7 lần này.

Kính Hòa: Nếu chúng ta quan sát thấy quê hương của 5 người trong danh sách mình giả định này thì thấy họ xuất thân từ cả ba miền, vậy liệu điều đó có nghĩa gì không trong chuyện cơ cấu?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trong hoạch định cơ cấu nhân sự của Đảng Cộng sản thì họ có lưu ý đến sự cân đối vùng miền để có sự hài hòa giữa các vùng miền với nhau, tránh sự chi phối của một vùng miền nhất định, tránh sự lép vế của vùng miền nào đấy, có thể tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ. Chính vì vậy mà trong thành phần từ Ban chấp hành trung ương, tới Bộ chính trị, tới tứ trụ, họ đều có cân nhắc yếu tố vùng miền, tất nhiên không thể là tuyệt đối, có thể có vùng miền nào đấy nổi trội hơn, nhưng nhìn chung họ có cân nhắc yếu tố đấy.

Lần này thì năm người này xuất thân từ những vùng miền khác nhau, thì cũng có lẽ là phù hợp với truyền thống lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác hoạch định cán bộ, trong công tác qui hoạch nhân sự của họ, nhất là ở cấp cao.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/new-vietnamese-leadership-05012018115001.html

 

Ảnh thẻ cho nhà mạng

Nghị định 49  quy định các nhà mạng thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, nếu không thì sẽ bị tạm dừng hoặc ngưng hẳn cung cấp dịch vụ cho người dùng nào không bổ sung thông tin.

Điều bị thắc mắc nhiều là người sử dụng đã đăng ký bằng chứng minh thư sao lại phải bổ sung thêm ảnh chụp chính chủ. Một người dùng ở SG bức xúc:

“Bởi vì cứ tính thử bao nhiêu người xài điện thoại mà mất bằng đó thời gian thì phí bao nhiêu tiền trong đó. Trong khi xiết thì xiết từ đầu đi. Thấy nếu như là đã có chứng minh nhân dân là có hình rồi mà sao tự nhiên bắt đi nộp hình nữa. Phải bỏ thời gian để đi, sáng giờ đi mấy lần mà thấy đông quá đi về hoài. Cái sim của mình mới đăng ký cách đây hơn một năm, giờ cũng phải đi đăng ký lại. Quá phiền phức luôn! Tại tất cả giấy tờ đăng ký giấy chứng minh, số hình hết rồi mà giờ bắt đi bổ sung vầy nữa. Cái này đúng ra bên bộ phận những người nghĩ ra cái luật này họ nghĩ họ làm có hợp lý hay không?”

Tuy thắc mắc như thế nhưng nhiều người sử dụng vẫn đến để chụp hình theo như yêu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải, dù rằng nhà mạng có nhiều nơi mở cửa cho đến 23h khuya.

“Chụp hình thì cũng chưa biết tại sao là bắt chụp hình nhưng mà thôi thì cứ làm đi, chắc cũng có lý do”.

Nghị định 49 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông do chính phủ VN đưa ra, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thuê bao.

Một lý do của yêu cầu đòi hỏi bổ sung thông tin được cho biết là để hạn chế tình trạng sim rác.

“Theo như tôi nghĩ, các cái sim rác của công ty bán ra cho đại lý, thì bước đầu họ bán họ cũng phải đăng ký luôn đi cho nó khỏi phước tạp. Chứ những người đã đăng ký đàng hoàng đi mua sim rác ai xài mình đâu có biết gì.”

Nhưng cũng xét về khía cạnh khác, một số người sử dụng cho rằng việc quản lý chặt chẽ các thuê bao di dộng sẽ giảm bớt các trường hợp lừa đảo qua điện thoại.

“Bây giờ đâu có ai thoải mái khi tự dưng có một cái sim rác ngày nào đó nó nhắn tin lừa đảo mình. Giống như kiểu ai đó bị mất điện thoại iphone chẳng hạn tự dưng có mấy cái sim rác cứ nhắn tin hoài là đã tìm thấy điện thoại lừa đảo con người ta. Thì nếu mà có tên là túm được liền.”

Ngoài ra, người sử dụng còn lo ngại vấn đề an toàn thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi phải chụp ảnh chân dung và cung cấp thông tin cho nhà mạng trong bối cảnh lộ thông tin đang nóng trên Internet hiện nay. Minh chứng gần đây là vụ lộ thông tin của Facebook và Youtube. Một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất toàn cầu.

Cái nghị định này này, chẳng hạn như người ta khác gì đưa vào mình những cái vấn đề để điều tra đâu mà. Bản thân mình không được tự do.”

Với lượng thông tin khách hàng khổng lồ có được từ khoảng 120 triệu thuê bao di động, các nhà mạng mới chỉ hứa sẽ bảo mật tốt thông tin khách hàng chứ chưa đưa ra bất kỳ điều gì cụ thể hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/photo-id-for-network-service-05012018130121.html

 

Hà Tĩnh đề nghị

đóng cửa dự án mỏ sắt Thạch Khê vì lo ô nhiễm

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ nên dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sau thảm họa môi trường Formosa ở tỉnh này hồi năm 2016. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 1/5.

Mỏ quặng sắt Thạch Khê được nghiên cứu khảo sát từ năm 1960. Nhưng mãi đến ngày 24/2/2009, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê mới được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép khai thác và tiến hành khởi công với trữ lượng ước tính đạt đến 370-400 triệu tấn. Đồng thời, doanh thu dự đoán sẽ đạt khoảng 35 tỷ đôla Mỹ, góp phần tăng GDP từ 0,3-1% mỗi năm.

Ngoài vấn đề về môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho rằng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gặp vấn đề về vốn đầu tư. Việc xử lý nước thải ra biển có thể sẽ tăng phí đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của mỏ sắt Thạch Khê cũng không ổn định khi hiện tại chỉ có một doanh nghiệp ký thỏa thuận mua 3 triệu tấn mỗi năm từ năm 2017-2021.

Theo kiến nghị, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh và thu nhập người dân.

Trước đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng ra kiến nghị dừng dự án nhưng bị Bộ Công thương và chủ dự án phản đối.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nếu bỏ dự án này thì tỉnh sẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra, nhưng sau hơn 10 năm triển khai dự án, hiện những vùng trực tiếp bị ảnh hưởng đang trở nên khó khăn về kinh tế, xã hội, và cả an ninh quốc phòng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ha-tinh-proposal-to-stop-iron-mines-05012018101741.html

 

Indonesia có thể kiện VN về chính sách nhập ô tô

Indonesia có thể đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyết định gần đây của Việt Nam thắt chặt quy định đối với việc nhập khẩu ô tô.

Hồi tháng 1, Việt Nam ban hành quy định đòi hỏi giấy chứng nhận chất lượng từ quốc gia nơi xe được chế tạo, cũng như kiểm tra của từng lô hàng. Điều này đã buộc các công ty Indonesia và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tạm dừng xuất khẩu sang Việt Nam.

Oke Nurwan, Vụ trưởng Ngoại thương tại Bộ Thương mại Indonesia, mới đây nói rằng rằng quy định mới sẽ làm Indonesia thất thu khoảng 85 triệu đôla trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018.

Thông qua nghị định về Phê duyệt Loại xe Nước ngoài (gọi tắt là VTA), có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Việt Nam yêu cầu các nhà xuất khẩu xe hơi trước hết phải có chứng nhận VTA do nhà chức trách ở nước xuất khẩu cấp, trước khi được phép xuất khẩu ô tô vào Việt Nam. Giấy VTA chứa thông tin chi tiết về chất lượng, độ an toàn và mức độ bảo vệ môi trường của xe xuất đến Việt Nam.

Tuy Việt Nam công nhận rằng xe sản xuất tại Indonesia tuân thủ Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia (SNI), song Việt Nam cho rằng SNI không hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí quốc tế. Tuy nhiên, Indonesia nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn của họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế vì cả hai tiêu chuẩn đều áp dụng cùng một quy trình và thiết bị kiểm tra.

Do đó, Indonesia coi quy định mới của Việt Nam là một ví dụ về rào cản phi thuế quan làm suy yếu mục tiêu của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Quy định mới cũng bị xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa Việt Nam. Tập đoàn Vingroup hiện đang háo hức phát triển chiếc xe nội địa đầu tiên của Việt Nam.

Vào cuối tháng 2, một phái đoàn Indonesia – gồm các quan chức của Bộ Thương mại, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia đã đến thăm Việt Nam nhằm thuyết phục chính quyền nước này dừng quy định mới. Tuy nhiên, Việt Nam nói sẽ không rút lại quy định.

Trong năm 2017, Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 15.101 xe lắp ráp hoàn chỉnh sang Việt Nam, phần lớn là xe Toyota và Daihatsu. Với lượng xe đó, Indonesia trở thành nước xuất khẩu xe hơi lớn thứ ba sang Việt Nam, với thị phần khoảng 13%.

Trong khi đó, Mitsubishi Motors dự kiến sẽ tiếp tục các chuyến hàng đến Việt Nam vào đầu tháng 6, tuân thủ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với xe nhập khẩu có hiệu lực vào đầu năm nay.

Trước khi tạm dừng, xuất khẩu ô tô của Mitsubishi sang Việt Nam đã tăng. Các lô hàng từ Thái Lan đạt tổng cộng khoảng 4.400 xe trong chín tháng tính đến hết tháng 12/2017 – đồng nghĩa là con số của cả năm tính đến hết tháng 3/2018 nhiều khả năng vượt qua con số khoảng 4.900 chiếc của năm trước.

Căn cứ vào mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam, Mitsubishi Motors đang “cân nhắc” mở nhà máy riêng của họ ở Việt Nam, theo Giám đốc điều hành Osamu Masuko.

(Indonesia Investments, Nikkei)

https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-co-the-kien-vn-ve-chinh-sach-nhap-o-to/4372307.html