Tin Việt Nam – 01/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/05/2017

Hải Phòng:

Các thế lực phản động sử dụng thiết bị bay để gây rối an ninh

Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành chỉ thị, yêu cầu tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Báo trong nước ngày 1/5 loan tin, chính quyền thành phố Hải Phòng cho rằng các thiết bị này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các “thế lực thù địch” lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị như thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép.

Tin cho biết thêm rằng hiện tại các phương tiện bay siêu nhẹ, đặc biệt là flycam được sử dụng rất thường xuyên, tự phát trong các dịp sự kiện hoặc lễ hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu bộ chỉ huy quân sự thành phố, công an thành phố, sở công thương, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, cục hải quan, và cơ quan phòng không quân khu III cùng phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, quản lý các hoạt động có liên quan đến các phương tiện này.

Cụm từ ‘thế lực thù địch’ thường xuyên được các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để chỉ những người có chính kiến khác với đảng và nhà nước Hà Nội.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/haiphong-enhances-flycam-management-05012017085017.html

 

Cá chết bốc mùi hôi thối tại Đại Lộc, Quảng Nam

Cá chết dày tạo thành những mảng lớn dọc khu vực khe Đá Mài thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Tường thuật tại chỗ của phóng viên báo Dân Trí cho biết, nước tại khe Đá Mài hiện có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều loại cá rô phi, trắm, mè… chết trắng hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Không chỉ có cá nhỏ, nhiều loại cá có trọng lượng gần 1kg cũng bị chết và đang trong quá trình phân hủy, mà chưa rõ nguyên nhân. Hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh hoạt của người dân địa phương và cũng gây lo ngại khi nước khe chảy ra sông Thu Bồn xuống vùng đồng bằng rộng lớn tỉnh Quảng Nam.

Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng thôn Xuân Nam cho biết, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu diễn ra từ ngày 26/4 vừa qua. Chỉ sau một ngày cá bắt đầu chết hàng loạt, nổi trắng khu vực khe Đá Mài với số lượng lớn, kéo dài gần 3km, hiện tượng cá chết vẫn chưa dừng lại.

Theo nhận định của người dân, việc nước Khe Mài đen ngòm dẫn đến cá chết hàng loạt có thể liên quan đến hoạt động xả thải của các nhà máy cách đó hơn 10km, nơi đầu nguồn khe nước.

Được biết, thôn Xuân Nam có 197 gia đình, phần lớn người dân sống dọc theo khe nước Đá Mài. Lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm, bà con đã chuyển sang mua nước bình sử dụng.

Hiện chưa có kết luận từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết tại khu vực này.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mass-fish-died-in-kheda-05012017100109.html

 

Thanh tra: Quan chức Bắc Giang cấp đất cho thân nhân

Hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đai liên quan đến người thân của quan xã, quan huyện tại Yên Thế, tỉnh Bắc Giang được nêu ra trong bản kết luận thanh tra của UBND huyện Yên Thế.

Kết quả do ông Vũ Trí Hải, chủ tịch UBND huyện Yên Thế ban hành và được báo trong nước dẫn tin ngày thứ Bảy 29 tháng 4.

Cụ thể là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa công khai, chưa đúng quy trình, qui định của pháp luật; đặc biệt, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho anh em ruột, người thân của ông Nguyễn Văn Mão, nguyên chủ tịch UBND xã Đồng Tiến gây nhiều bức xúc cho người dân.

Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Mão xác nhận đã cấp sổ đỏ cho hàng chục ngàn m2 đất trái luật.

Theo kết quả điều tra, ngày 4/12 /2014, 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho 20 hộ gia đình, trong đó có 5 hộ là gia đình của công chức địa chính.

Số diện tích đất này đều có nguồn gốc của công ty, lâm trường trả về năm 2010 nhưng trong sổ đỏ lại ghi nguồn gốc tự khai phá hoặc được nhận, tặng.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/bacgiang-officials-granting-land-to-relatives-05012017094422.html

 

Việt Nam, một đất nước không có tự do báo chí

Thanh Trúc, RFA

Tổ chức Freedom House vừa công bố phúc trình thường niên cho thấy nhà nước Việt Nam nắm quyền kiểm soát toàn bộ báo đài, trấn áp truyền thông mạng và biến đất nước thành một nơi không có tự do báo chí.

Xếp thứ 177/198 quốc gia

Việt Nam đứng thứ 177 trong số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí, là nhận định của Freedom House trong phúc trình thường niên công bố tại Newseum – Viện Bảo tàng Tin tức ở Washington DC hôm thứ 28/4/2017.

Như thông lệ, sơ đồ tự do báo chí thế giới của Freedom House năm nay vẫn sử dụng màu xanh lục cho nhóm những nước có tự do, màu vàng cho những nước phần nào được tự do và màu tím là những quốc gia không có tự do.

Việt Nam thuộc nhóm màu tím, tức nhóm các nước không có tự do báo chí so với thế giới cũng như trong khu vực.

Riêng về tự do báo chí của 40 nước vùng Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hàng thứ 37 tức là chỉ hơn được Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn; là 3 quốc gia nằm cuối bảng.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do, bà Jennifer Dunham, Giám đốc nghiên cứu về tự do báo chí thế giới trong tổ chức Freedom House, khẳng định:

“Việt Nam thuộc nhóm các nước không có tự do báo chí trong phúc trình 2017 của Freedom House, cũng là quốc gia có nền truyền thông tồi tệ nhất trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung.

Những điều mà Freedom House quan tâm nhất là sự kiểm soát chặt chẽ  và nghiêm khắc của nhà nước Việt Nam đối với truyền thông. Năm 2016 là năm mà chiến dịch đàn áp báo chí độc lập, báo mạng hay báo online đã diễn ra gay gắt hơn lúc nào hết.

Về phần các bloggers thì Freedom House nhận thấy rất nhiều người bị bắt giữ, nhất là trong thời gian có chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, chính phủ đã tìm mọi cách ngăn chận những tin bài hay những tiếng nói độc lập.

Thực tế không có sự tiến bộ nào trong lãnh vực tự do báo chí ở Việt Nam bao năm qua. Điểm sáng duy nhất và khả quan nhất có thể nhìn thấy được và khiến cho Việt Nam khá hơn Lào một chút là nhờ những bloggers đang cố gắng viết và đưa tin tức đến cho mọi người trong khả năng khách quan và trung thực nhất mà họ có thể”.

Vai trò của truyền thông mạng

Truyền thông mạng và báo chí online từ những tổ chức xã hội dân sự, không nằm dưới quyền chỉ đạo của nhà nước Việt Nam, là những sinh hoạt cần thiết trong bối cảnh một đất nước mà báo giới luôn bị kiểm duyệt như ở Việt Nam, là phát biểu của bà Sarah Repucci, giám đốc về thông tin toàn cầu của Freedom House:

“Điều vô cùng quan trọng là các tổ chức đó phải tiếp tục làm công việc đang làm, tiếp tục viết những gì cần phải viết bằng tất cả khả năng và phương tiện của mình để phổ biến rộng rãi cho mọi người, bởi đối với nhiều người khao khát tin tức thì đó là những nguồn thông tin phản ảnh những quan điểm độc lập và không bị bóp méo.

So với những năm trước thì Freedom House vẫn không thấy sự cải thiện đáng kể trong lãnh vực báo chí đang bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam, chí ít là thời gian gần đây cũng không có mấy thay đổi.”

Phúc trình 2017 về tự do báo chí thế giới với tình hình tiêu cực về tự do báo chí ở Việt Nam được Freedom House ở Hoa Kỳ công bố chỉ 2 ngày sau khi có báo cáo hàng năm của Reporteurs Sans Frontieres – Ký giả Không biên giới ở Pháp hôm 26/4, đưa Việt Nam vào danh sách các nước bị bôi đen tức hoàn toàn không có tự do báo chí trong năm 2016.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-press-freedom-in-vietnam-tt-05012017073743.html

 

Đồng Tâm: Chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Kính Hòa, RFA

Bài học Đồng Tâm và báo chí

Cuộc khủng hoảng đất đai và cầm giữ con tin tạm thời được giải quyết sau cuộc gặp mặt thành công giữa ông Chủ tịch thành phố Hà Nội và nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm.

Báo chí nhà nước trích lời các quan chức trong Nam, ngoài Bắc về bài học Đồng Tâm.

Blogger, cư dân mạng xã hội cũng nói về bài học Đồng Tâm.

Blogger Đoan Trang quan sát thấy có những điều tích cực mà cô gọi là những điều vui sau cuộc khủng hoảng Đồng Tâm:

“Điều thứ nhất là đã không có thêm bạo lực và đổ máu.

Điều thứ hai là tạo nên một tiền lệ cho những cuộc đối thoại về sau.

Điều thứ ba là thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng công an và chính quyền cũng có thể sai, và người dân lúc nào cũng phải được bảo vệ.

Điều thứ tư là nếu công an không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp làm điều sai thì họ chẳng bao giờ bị dân chúng phản ứng bằng cách bắt giữ.”

Ngoài ra Đoan Trang còn nêu lên những chia rẽ trong xã hội Việt Nam hiện tại lộ ra sau sự kiện Đồng Tâm, đó là sự chia rẽ giữa dân và chính quyền, sự chia rẽ của báo chí, thậm chí là sự chia rẽ trong quan niệm đấu tranh của những người muốn thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng tốt hơn.

Riêng về báo chí, Đoan Trang nhận xét rằng:

“Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía đám đông thầm lặng, người yếu thế, hay nói đơn giản: Vì dân, không vì cường quyền. Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, có thể hiểu đó là sự dân túy, nhưng một cách tích cực thì nên hiểu đó là công lý.”

Theo Đoan Trang, yếu kém của báo chí thể hiện rõ trong những bài họ mô tả cảnh ông Chung về làng để nói chuyện với dân. Theo cô chuyện một quan chức như ông Chung xuống làng để nói chuyện là một điều hết sức bình thường:

“Song dân chúng đã đón chào ông Chung như đón chào một ông tiên về làng.

Ở dân, điều ấy không đáng trách. Nó chỉ cho thấy dân Việt Nam quá khổ, khi mà hàng chục, hàng trăm năm nay họ đều phải cam phận sống như tầng lớp dưới của chính quyền, không hề có ý thức về sự bình đẳng giữa các công dân, về nghĩa vụ của quan chức với dân…

Ở báo chí – lực lượng luôn tưởng mình đi đầu trong công cuộc khai dân trí – sự tán dương ấy dành cho ông Chung mới là điều đáng ngại.”

Cùng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, tại Mỹ có chuyện một bác sĩ người Mỹ gốc Việt bị hãng hàng không lôi khỏi máy bay một cách thô bạo, và báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin ấy, Nhà báo Nguyễn Thông viết trên blog:

“Thấy bên Mỹ có ông bác sĩ gốc Việt tên Đào bị đuổi ra khỏi máy bay Mỹ, gớm, cả nước cứ ồn lên, cực lực lên án như chính mình vừa bị đuổi khỏi máy bay của Vietnam Airlines. Vậy nhưng cả một xã Đồng Tâm ngay sát nách thủ đô vùng dậy đòi đất (đất với họ là sự sống) thì hầu hết lại chiêm quan một cách rất thờ ơ, thậm chí không biết.”

Sự thờ ơ của báo chí, được blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt câu hỏi phải chăng họ đang sống trong một màn sương mù:

“Chưa thấy có bài báo nào phỏng vấn các nhân vật bị tạm giữ ở Đồng Tâm về những ngày họ mang giáp, cầm dùi cui hừng hực khí thế xông vào làng cho đến lúc thảnh thơi ra về, dĩ nhiên là với một nội dung phi tuyên truyền, để mọi người hiểu thêm về con người làng Hoành.

Cũng không có bài báo nào phỏng vấn 15 người nông dân qua những ngày bị bắt, bị cưỡng bức ra khỏi làng của mình, mở đầu cho cuộc khủng hoảng.

Có thể báo chí giờ đây quá trẻ con để có thể làm được những điều vừa sức như vậy, nhưng cũng có thể báo chí đã bị bóp nặn thành những đứa trẻ, chỉ thích ăn kẹo và hân hoan vui đùa trong cuộc sống mờ mờ sương mù.”

Cũng cần phải nói thêm là bên cạnh sự thờ ơ như Nguyễn Thông đề cập, trước khi vụ khủng hoảng được giải quyết, một số tờ báo còn lên tiếng chỉ trích các luật sư, những người giữ kênh liên lạc duy nhất trong những ngày đầu căng thẳng của cuộc khủng hoảng, nói họ là những người cơ hội chính trị. Một trong những luật sư đó là ông Lê Luân:

“Chính trị, nếu có một cơ hội cho tôi, hoặc bất kỳ một ai khác để thực hiện, cũng chẳng phiền hà gì, tôi sẽ nắm lấy một cách chính đáng để có vị thế mà thay đổi đất nước này.

Và do đó, sẽ không còn câu chuyện độc quyền chính trị cho bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào nắm trọn và loại trừ phần còn lại, sẽ không còn đất đai là sở hữu toàn dân, sẽ không còn những sự việc rúng động đầy bi thương và phẫn uất tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm, Văn Giang hay Tiên Lãng,…”

Ai thắng ai thua? Chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Sau khi vụ Đồng Tâm được tạm thời giải quyết, có một câu hỏi được đặt ra là ai thắng ai thua.

Trên trang Việt Nam Thời Báo, tác giả Quang Nguyên nghi ngờ những bùng nổ mới trong tương lai, nhưng thấy rằng dân Đồng Tâm đã thắng, và đó là tấm gương cho những nông dân bị mất đất, phải đoàn kết và khôn ngoan như cư dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt nhà cầm quyền phải nhượng bộ.

Nhiều người nghi ngờ tờ giấy ký tay của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không phải là một văn bảng pháp lý và có thể dễ dàng bị nhà cầm quyền cố tình quên đi sau này.

Blogger Nguyễn Vũ Bình không cho là như thế, ông viết rằng:

“Việc một chủ tịch thành phố lớn, thủ đô, đã phải ký vào cam kết, những điều được toàn thể người dân, và cả nước biết như vậy, đã là một thành công tuyệt vời. Để có thể tráo trở, lật lọng một văn bản giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, họ sẽ phải trả giá rất lớn cho uy tín của cá nhân và của nhà cầm quyền.”

Trong số những ý kiến đáng chú ý của những phân tích về vụ Đồng Tâm là của tác giả Minh Tử viết trên trang Dân Luận. Minh Tử cho rằng trong suốt những ngày xảy ra cuộc khủng hoảng và có thể là đến cả hiện nay, chính quyền xã Đồng Tâm thực sự không tồn tại, đã bị lật đổ.

Sự việc đó được nhà báo Xuân Ba cảm nhận ở một góc độ khác, khi Xuân Ba nhìn thấy cái cổng làng ở thôn Hoành của xã Đồng Tâm. Làng chính là quyền lực thực sự của dân chúng ở vùng nông thôn Việt Nam. Cảm xúc của Xuân Ba được nhà báo Nguyễn Thông trích dẫn trên trang blog của ông:

“Làng? Chợt giật thột cái điều, trong hệ thống văn bản pháp lý, cái từ làng, khái niệm làng bị quên bẵng đi hàng bao năm nay? Và hình như các chức danh Trưởng thôn, Trưởng bản được tái lập và thiết lập cùng danh hiệu làng văn hóa gần đây như sợi dây làm bền chặt thêm quan hệ giữa Dân với Nhà nước?”

Câu hỏi của Xuân Ba, cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra khi chính quyền Hà Nội kêu gọi đại diện của dân làng Hoàng, xã Đồng Tâm đến nói chuyện với họ, điều đó có nghĩa là quyền lực của các hội đồng nhân dân xã, ở đây là Đồng Tâm, không đại diện cho dân làng, và những viên chức xã đó còn bị cầm giữ như con tin.

Câu chuyện Đồng Tâm được tác giả Nguyễn Quang Dy phân tích ở khía cạnh thể chế chính trị xã hội hiện nay của Việt Nam. Theo ông mâu thuẫn chủ chốt gây ra sự kiện Đồng Tâm là sự bác bỏ quyền tư hữu đất đai của đảng cầm quyền tại Việt Nam, trong khi đó đảng này lại công nhận cơ chế thị trường.

Ông Dy nói rằng một mô hình như vậy là một mô hình đầu Ngô mình Sở.

Ông Nguyễn Quang Dy phân tích thêm rằng Đồng Tâm chính là một quyền lực mới ở qui mô nhỏ làng xã. Nó có tác động thay đổi suy nghĩ của nhiều người, nó là một thay đổi bất ngờ con đường thay đổi thể chế ở Việt Nam.

Theo ông người dân Đồng Tâm vẫn chấp nhận bị cai trị nhưng có giới hạn. Trong khi đó chính quyền đã phải tìm cách thương lượng để giữ được quyền lực của mình, và cũng để khôi phục lại lòng tin của người dân đối với họ.

Ông Nguyễn Quang Dy cảnh báo rằng nếu chính quyền muốn khôi phục lòng tin của dân chúng, muốn tránh sự sụp đổ thì chỉ có cách là thay đổi toàn diện.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Đồng Tâm được giải quyết, đã có một kiến nghị của hơn 60 cá nhân và tổ chức dân sự yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi ngay luật đất đai hiện nay, mà theo họ là một bộ luật phản động gây nên xáo trộn xã hội, tạo điều kiện cho các quan chức làm giàu bằng tham nhũng.

Một trong những người ký kiến nghị đó là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, ông viết rằng ngay cả những người cộng sản hiện nay cũng chẳng tin vào sự hợp lý của cái họ gọi là chế độ công hữu về đất đai nữa:

“Dân chúng bắt giam những chủ lực quân của đảng, chủ tịch Hà nội phải đến đích thân viết tay và điểm chỉ vào một bản cam kết giấy trắng mực đen…, thật là một sự đổi đời chưa từng có trong đêm dài Cộng sản, chưa biết ý nghĩa thật ra sao, phe nhóm trong lãnh đạo ra sao, có người đã quá vui vội gọi đó là cuộc “Cách mạng Tháng.. .

Tư ”(?). Ôi cái tháng Tư đỏ, tháng Tư đen lắm chuyện, mở đầu bằng một “ngày nói dối”, một tháng đầy biến cố, và kết thúc bằng cái ngày 30 cuối tháng chắc gì đã hết mùi Cá tháng Tư?”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nhắc lại tháng Tư lịch sử. Tháng Tư 1975 thống nhất đất nước bằng vũ lực, đẩy hàng triệu người đi lưu vong. Tháng tư 2016 bùng nổ thảm họa môi trường Formosa Vũng Áng, đẩy hàng ngàn ngư dân vào cảnh khốn cùng, hàng chục cuộc biểu tình trên dãy đất Bắc Trung bộ nghèo khó.

Tuy nhiên sự biến Đồng Tâm tháng Tư 2017 lại cho Minh Tử nhìn thấy tính tích cực, và thậm chí là thắng lợi của hệ thống chính trị xã hội hiện nay của Việt Nam:

“Nhiều người cho rằng đây là thất bại của chính quyền, nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là thắng lợi của hệ thống chính trị Việt Nam, khi cho thấy họ vẫn có khả năng lắng nghe và điều chỉnh, thậm chí là bước qua ranh giới luật pháp hiện tại của chính quyền.

Đây cũng là một tham khảo tốt cho tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam bởi những bước tiến nhỏ nhưng liên tiếp từ đòi hỏi của người dân trước sau gì cũng dẫn tới những thay đổi lớn.

Đây là một thắng lợi của hệ thống chính trị Việt Nam, khi nó đã lựa chọn giải pháp thỏa hiệp tiếp thu, thay vì trấn áp bằng bạo lực. Đây là một yếu tố tích cực đối với tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam khi nó cho thấy người dân có thể đấu tranh, và với những cách thức đúng thì chính quyền buộc phải lắng nghe và tìm cách thoả hiệp điều chỉnh.”

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/dongtam-whats-really-happened-kh-05012017120522.html

 

Giới chức bồi thường

các cơ sở đông lạnh Lộc Hà về vụ cá nhiễm độc

Có 16 cơ sở đông lạnh của huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, vừa nhận được tiền bồi thường liên quan tới thảm họa cá chết ở miền Trung.

Các cơ sở nằm ở hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim được nhận hơn 19 tỷ đồng từ Hội đồng chi trả của huyện, và “nhận tiền với thái độ vui vẻ và cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”, báo Hà Tĩnh đưa tin.

Tuy nhiên, báo này ghi nhận “hiện còn hai cơ sở chưa thực hiện được việc chi trả do chủ kho đông lạnh chưa đến nhận tiền”.

Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan xác nhận với BBC rằng hôm 29/4 các cơ sở ở địa phương đã nhận được thông báo từ Phó Chủ tịch huyện Lộc Hà, Phan Văn Nhàn.

Khởi tố vụ biểu tình Lộc Hà

Hàng ngàn người biểu tình tại Hà Tĩnh

Ban đầu các chủ cơ sở định không nhận tiền vì đại diện chính quyền không chịu viết biên bản ghi rõ nội dung chi trả.

“Chúng tôi nói nếu Ủy ban không bồi thường cho chúng tôi, 30/4 chúng tôi sẽ đi biểu tình. Mãi đến tận 7 giờ tối 29/4, ông Nhàn mới chịu viết biên bản.”

Bà Loan giải thích với BBC rằng với số hàng “đông lạnh tươi” bị thối rữa và đã đem chôn, các cơ sở được bồi thường 100%, hàng chưa phân huỷ nhưng quá đát và không bán được được đền bù là 70%, trong lúc số hàng còn sử dụng được có mức bồi thường là 30% tổng giá trị.

Tuy nhiên, bà nói, trong lần chi trả vừa rồi, giới chức chỉ chi trả đủ cho số hàng thối rữa và số hàng còn sử dụng được. Riêng số hàng quá đát, các cơ sở chỉ được nhận 30% và nhà nước nợ 40% còn lại.

Bà nói mọi người đã được nhận được tiền hôm 29/4, trừ hai cơ sở đông lạnh từ chối vì cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng.

‘Chấp nhận lỗ vì không chờ đợi thêm được nữa’

Số tiền bồi thường, kể cả là 100% đối với số hàng đã đem chôn, là vẫn chưa đủ để bù đắp thiệt hại, vì ngoài giá trị lô hàng thì các cơ sở còn phải gánh chịu các chi phí khác, trong đó có cả khoản phải trả lãi ngân hàng.

“Chúng tôi đành phải chấp nhận lỗ. Cả gần một năm trời, chúng tôi cứ trả nợ lãi ngân hàng, rồi lãi lại về nhà nước, nên chúng tôi phải lấy,” bà Loan nói.

Được biết số tiền bồi thường lần này chỉ áp dụng cho các mặt hàng “đông lạnh tươi” chứ không gồm các sản phẩm “đông lạnh khô” như cá mực, sứa, tuy đồ “đông lạnh khô” đã được các ban ngành trung ương kê khai từ cuối năm 2016.

Ngoài ra, còn một số mặt hàng khô như ruốc và nước mắm vẫn chưa được chính quyền ghi nhận, kê khai.

Ông Võ Kim Cự bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh

‘Cuối cùng Đảng cũng xử lý cán bộ cấp cao’

Vụ Formosa: ‘Căng thẳng chưa có hồi kết’

Ông Trần Xuân Anh nói với BBC cơ sở Tuyết Anh của gia đình ông, chuyên đông lạnh hàng khô, vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Các mặt hàng khô sau nhiều lần kiểm kê đã dập nát nhiều, còn sứa đóng trong thùng đã phân hủy bốc mùi hôi thối.

Tại cuộc họp Của chính phủ hôm 24/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu ban ngành địa phương phải bồi thường, “giải quyết dứt điểm trước ngày 30/6/2017”, theo VF Express.

Báo này dẫn lời ông Bình nói: “Cho phép tiêu huỷ và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm.”

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, ông Lê Quang Huệ cho BBC biết hiện huyện đang “chi trả cho hàng đông lạnh tươi”.

“Hàng khô đang tập trung để làm và còn phụ thuộc vào ký duyệt của tỉnh, của Chính phủ,” ông Huệ nói. “Trước mắt chúng tôi chỉ làm theo chỉ tiêu của Chính phủ.”

Số tiền dự tính bồi thường cho các cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà là 26 tỷ. Tính đến sau đợt bồi thường mới đây, con số đã giải ngân được là trên 23 tỷ đồng, báo Hà Tĩnh viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39769695

 

Bảo hộ mậu dịch cản trở quan hệ thương mại Mỹ-Việt

Thanh Phương

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc đúng 42 năm, hai kẻ thù cũ là Washington và Hà Nội đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và bang giao giữa hai nước đã đặc biệt phát triển mạnh dười thời tổng thống Barack Obama, trong bối cảnh Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á và can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, nay đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. RFI phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Mặc dù gần đây Việt Nam đã có thái độ hòa dịu hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông (hai nước vào tháng Giêng năm 2017 đã đồng ý sẽ thảo luận với nhau về vấn đề này một cách chính thức hơn), nhưng Hà Nội vẫn cần đến sự hỗ trợ của Mỹ để bớt phụ thuộc Bắc Kinh về mặt kinh tế. Hiện giờ, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 đã đạt đến 38,5 tỷ đô la, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trước mắt, quan hệ giữa Washington và Hà Nội có vẻ như vẫn tiến triển tốt. Tổng thống Donald Trump đã mời thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Ông Trump theo dự kiến cũng sẽ đến dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á- Thái Bình Dương APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Trong bức thư gởi cho chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 2/2017, tổng thống Mỹ đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế, mậu dịch cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế.

Thế nhưng, đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. Ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mậu dịch mà nếu có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế Việt Nam. Theo một số ước tính độc lập, hiệp định TPP nếu được thực thì sẽ giúp tăng 11% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam, tương đương với gần 36 tỷ đôla và tăng xuất khẩu lên đến 28% trong thập kỷ tới.

Tổng thống Donald Trump cũng đã yêu cầu bộ Thương Mại điều tra về 16 đối tác thương mại của Mỹ bị xem là cạnh tranh không công bằng khiến Hoa Kỳ bị thâm hụt mậu dịch quá nhiều. Trong số 16 đối tác đó có cả Việt Nam.

Trong một bài viết đề ngày 10/04, trang Asia Times cho biết Hà Nội muốn được hưởng những ưu đãi thương mại của Mỹ, và đang hy vọng sẽ bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương để thay thế TPP. Tổng thống Trump đã nói rõ là ông muốn thương lượng với các đối tác thương mại trên cơ sở song phương hơn là đa phương. Đó là một trong những lý do chính khiến ông tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi TPP.

Asia Times cho biết là các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau vào cuối tháng 3 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu Tư, một cơ chế đối thoại mà nhiều người cho rằng có thể tạo ra một khuôn khổ sẵn sàng để đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương.

Tuy nhiên, trước một chính quyền Mỹ chủ trương bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ như chính quyền Trump, Việt Nam sẽ buộc phải đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, nhất là không phụ thuộc vào Trung Quốc. Sau đây xin mời quý vị nghe ý kiến của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

RFI :Thưa ông Lê Đăng Doanh, theo ông biết thì Việt Nam có đã dứt khoát không tham gia TPP, cho dù hiệp định này có được duy trì bởi các nước khác ngoài Hoa Kỳ ?

TS Lê Đăng Doanh : Cho đến nay, Việt Nam chưa tỏ thái độ là sẽ dứt khoát không tham gia TPP. Nhật Bản hiện nay đang cố gắng để có thể tiếp tục TPP mà không có Mỹ và tôi cũng không biết được là ông D. Trump, với sự thay đổi hết sức bất ngờ của ông ấy trong rất nhiều việc, không biết có hy vọng mong manh rằng đến lúc nào đấy quay trở lại TPP hay không.

Ông ấy đầu tiên đã dọa đánh thuế 43% vào hàng Trung Quốc và đánh 20% vào Mêhicô. Nhưng bây giờ ông rất vui vẻ với Trung Quốc. Ông ấy cũng đã bác bỏ chính sách một nước Trung Quốc, nhưng bây giờ lại công nhận chính sách đó. Tôi cũng rất hy vọng là đến một lúc nào đó sẽ có một ông Donald Trump quay lại TPP, vì đây là một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đến 22% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu có TPP thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng một số ưu đãi. Và tôi hy vọng là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng lên và Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ.

RFI :Nhưng trước mắt, trong chiều hướng bảo hộ mậu dịch, chính quyền Trump dự định sẽ điều tra một số quốc gia bị xem là cạnh tranh không công bằng với Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn. Trong số các quốc gia bị điều tra thì có Việt Nam. Việt Nam có sẽ là một trong những nạn nhân của chính sách bảo hộ mậu dịch này ?

TS Lê Đăng Doanh : Ông D. Trump đã giao cho bộ Thương Mại trong vòng 90 ngày phải điều tra 16 nước đang xuất siêu sang thị trường Mỹ. Trước đây ông cũng đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc là vô địch về thao túng tiền tệ, nhưng bây giờ ông lại không nói như thế nữa. Cho nên tôi không rõ là điều tra sẽ như thế nào.

Nhưng nếu sau khi có kết quả điều tra 16 nước đó, ông Trump có những biện pháp như đánh thuế và hạn chế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Hiện giờ Hoa Kỳ đã có một số rào cản kỹ thuật đối với thủy sản của Việt Nam như tôm và cá ba sa. Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất cao để có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Và có lẽ Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường để tránh quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

RFI : Đa dạng hóa thị trường, tức là Việt Nam sẽ phải nhắm đến những thị trường nào khác ?

TS Lê Đăng Doanh : Đó là thị trường Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cũng có thể là Trung Đông và châu Phi. Đó là những nỗ lực mà Việt Nam phải tiếp tục để có thể mở rộng được thị trường.

RFI :Khi rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, tổng thống Trump có nói là ông sẵn sàng thương lượng về các hiệp định tự do thương mại song phương với từng nước. Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định riêng với Mỹ để có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này ?

TS Lê Đăng Doanh : Hiện nay Hoa Kỳ đã bắt đầu thăm dò hiệp định tự do thương mại song phương với Nhật Bản và với Trung Quốc. Tôi nghĩ là nếu không có TPP thì Việt Nam sẵn sàng thương lượng để có một hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, nâng cấp hiệp định song phương giữa Việt Nam với Mỹ đã được ký kết năm 2001.

Nhưng về mặt kinh tế học, việc ký kết quá nhiều hiệp định tự do thương mại song phương sẽ làm rối thương mại thế giới, bởi vì cứ hai nước ký hiệp định song phương với nhau thì lại chấp nhận một số điều kiện ưu đãi khác nhau. Nếu cứ tiếp tục như thế thì các quy chế thương mại trên thế giới sẽ trở nên rất phức tạp. Tôi hy vọng là tổ chức thương mại thế giới sẽ có một số gợi ý để tránh tình trạng quá lộn xộn.

RFI : Nếu không tham gia TPP, Việt Nam như vậy sẽ mất một cơ hội lớn để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ?

TS Lê Đăng Doanh : Vâng, nếu không có hiệp định TPP, Việt Nam sẽ mất một cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, đồng thời mất một sức ép từ bên ngoài để thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ. Có nguy cơ là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Đấy là những vấn đề mà Việt Nam cần có những biện pháp, những phương án để xử lý ngay trong thời gian tới.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170501-bao-ho-mau-dich-can-tro-quan-he-thuong-mai-my-viet