Tin Việt Nam – 01/04/2017
Khách du lịch Trung Quốc tăng bất thường gây lo ngại
Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh tăng đột biến, gây lo ngại cho tỉnh giáp biên Trung Quốc và thành phố du lịch Hạ Long được UNESCO công nhận.
Một cựu phó giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh khẳng định với VOA Việt Ngữ rằng có một sự bất thường trong việc “khách Trung Quốc sang ồ ạt,” ngay cả các nhà nghỉ nhỏ cũng đang đón khách Trung Quốc.
Một đầu mối cung cấp khách sạn ở Hạ Long, Đinh Đức Trường, được báo Tuổi Trẻ trích lời nói “chúng tôi có 300 phòng nghỉ và đã được khách tour Trung Quốc thuê hết.”
Theo ghi nhận của nhiều trang mạng trong nước, trước đây lượng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái chiếm khoảng dưới 30% tổng lượng khách nhưng giờ đây lên tới 70%.
Lượng khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh sau Tết Nguyên Đán và đặc biệt từ tháng 3. Theo ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách Trung Quốc vào Quảng Ninh tăng khoảng 5.000 người mỗi ngày và vào cuối tuần có thể lên đến 10.000-15.000 lượt. VNExpress trích nguồn cửa khẩu này cho biết sau khi nhập cảnh, khách du lịch Trung Quốc chủ yếu tham quan Bãi Cháy và vịnh Hạ Long.
Lê Kim Loan, cựu phó giám đốc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nói về thực trạng này với VOA Việt Ngữ. “(Khách Trung Quốc) đến nhiều cái đợt trước – cách đây khoảng 1, 2 tuần. Họ ồ ạt đến theo cái tour du lịch 0 đồng.”
“Chính sách quản lý nhà nước hiện nay đang có vấn đề, đang có lỗ thủng. Thứ nhất là mình không quản lý nổi đội ngũ hướng dẫn viên nước ngoài rồi các cửa hàng kinh doanh để người nước ngoài núp sau lưng để làm là mình không quản lý được.”
Hoàng Quốc Thái, cựu PGĐ sở du lịch Quảng Ninh
Theo ghi nhận của VNExpress, một số doanh nghiệp được cho là đưa khách Trung Quốc theo tour tham quan Hạ Long với giá 0 đồng theo đường bộ qua các cửa khẩu Móng Cái và Lạng Sơn.
Một chuyên gia du lịch nhận định với Tuổi Trẻ rằng hiện tượng khách Trung Quốc tăng đột biến đến Việt Nam là do nhu cầu đi du lịch của du khách nước này ngày càng tăng mà đặc biệt sau khi Trung Quốc cấm người dân đi du lịch Hàn Quốc vì sự căng thẳng chính trị trong mối quan hệ giữa 2 nước này.
Cùng với việc tăng đột biến này, nhiều cửa hàng ở Quảng Ninh được ghi nhận chỉ bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc và theo phản ánh của báo chí về “Bí mật sau những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc” thủ tướng chính phủ đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh điều tra vụ việc này.
Cựu phó giám đốc sở du lịch tỉnh Quảng Ninh Hoàng Quốc Thái cho VOA Việt Ngữ biết có một sự lạ thường đằng sau những cửa hàng bán cho khách du lịch Trung Quốc. “Có hiện tượng người Trung Quốc mua hàng không cần phải lo vận chuyển gì cả. Chỉ cần đăng ký mẫu mã hàng sau đó về nhận hàng ở Trung Quốc. Hàng đấy chưa chắc đã phải chuyển về Trung Quốc mà nó có sẵn ở bên Trung Quốc. Và người kinh doanh hàng đấy có khi đứng sau lưng người Việt Nam là người Trung Quốc.”
Ông Thái cho biết hiện tượng này khá phổ biến ở Hạ Long và rất đáng lo ngại vì nó cho thấy người kinh doanh du lịch Việt chỉ “nhìn cái lợi trước mắt mà bỏ hết cái lợi quốc gia” và những lỗ hổng trong quản lý của nhà nước. ”Chắc chắn về lâu dài là hết hơi rồi. Chính sách quản lý nhà nước hiện nay đang có vấn đề, đang có lỗ thủng. Thứ nhất là mình không quản lý nổi đội ngũ hướng dẫn viên nước ngoài rồi các cửa hàng kinh doanh để người nước ngoài núp sau lưng để làm là mình không quản lý được.”
Theo VNExpress, một doanh nghiệp ở Hạ Long chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc từng bị phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng đồng Nhân dân tệ và USD.
Theo một số chuyên gia, Việt Nam cần một chiến lượng lâu dài với thị trường khách du lịch Trung Quốc. Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, theo Tuổi Trẻ, đã phát động chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch địa phương.
Hội đồng lữ hành du lịch thế giới cho biết có một sự gia tăng 700% của các chuyến thăm quan nước ngoài của khách du lịch Trung Quốc trong 5 năm qua./.
http://www.voatiengviet.com/a/khach-du-lich-trung-quoc-tang-bat-thuong-gay-lo-ngai/3791069.html
Người Việt thích hàng Nhật, dùng hàng Trung Quốc
Sản phẩm ‘Made in Vietnam” được xếp hạng cao hơn hàng ‘Made in China’ về mức độ tin cậy trên thế giới nhưng lại không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc ngay ở trong nước.
Theo khảo sát của Statista, một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới của Đức, sản phẩm ‘Made in Vietnam’ có vị trí cao hơn sản phẩm ‘Made in China’ với thứ hạng 46 trên thế giới về độ tin cậy. Trong phúc trình “Made In Country Index 2017” khảo sát hơn 43.000 người tiêu dùng tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm ra sản phẩm được tin tưởng nhất thế giới, sản phẩm của Trung Quốc đứng sau Việt Nam 3 bậc.
Sản phẩm của Việt Nam được đánh giá cao về tính kinh tế và được ưa chuộng nhất ở Ecuador và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập- tức UAE.
Nhưng trong khi hàng Trung Quốc được yêu thích tại Việt Nam thì hàng ‘Made in Vietnam’ lại không được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Phúc trình của Statista cho thấy hàng Việt Nam chỉ xếp thứ 42/52 về mức độ uy tín đối với người tiêu dùng nội địa.
“..người Việt Nam tâm lý không thích dùng hàng Trung Quốc nhưng người Việt Nam lại không làm được mà phải đặt ở bên Trung Quốc. Tại vì sao? Vì giá nó rẻ hơn. Nếu sản xuất tại Việt Nam thì giá sẽ đắt.”
Nguyễn Vũ Quân, chủ cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội
Một chủ kinh doanh chuỗi cửa hàng văn phòng phẩm và đồ dùng trẻ em ở Hà Nội cho VOA Việt Ngữ biết dù người Việt Nam có xu hướng muốn dùng sản phẩm nội địa nhưng hàng ‘Made in Vietnam’ không đáp ứng được nhu cầu của họ và do đó phải tìm đến hàng nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. “Hàng Trung Quốc thì rẻ lắm mà nó bắt chước mẫu mã nước ngoài. Cứ hàng gì ra mới và hot là họ có và mẫu mã thì cũng đẹp. Chất lượng thì bình thường nhưng giá rẻ – giá thì tốt hơn nhiều so với cạnh tranh với những hàng khác.”
Việt Nam đã nhiều lần phát động chiến dịch “người Việt dùng hàng Việt” để quảng bá cho sản phẩm chất lượng cao trong nước nhưng xu hướng hướng ngoại của người Việt, thích dùng hàng nước ngoài vẫn mạnh. Một trong những lý do là do mẫu mã của sản phẩm ‘Made in Vietnam’ còn nghèo nàn. Đây cũng là lý do hàng Việt Nam bị người tiêu dùng thế giới đánh giá rất thấp trong báo cáo Made in Country Index 2017.
Chủ cửa hàng Nguyễn Vũ Quân khẳng định điều này. “Hàng Việt Nam mình mẫu mã kém và lại đắt. Nhiều cái nó có thì lại đắt. Người Việt vẫn phải dùng hàng Trung Quốc vì hàng Trung Quốc nhiều hơn, nó có đủ thứ hơn đáp ứng được nhu cầu. Còn những mặt hàng của Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu về chủng loại.”
Theo đáng giá của Statista, người Việt đánh giá cao hàng Nhật. 100% người Việt được hỏi trong khảo sát cho Made in Country Index 2017 tin tưởng và đánh giá tích cực sản phẩm ‘Made in Japan’. Tuy nhiên, mặc dù thích hàng của Nhật nhưng phần đông người Việt không có khả năng mua sản phẩm Nhật vì giá cao, theo ông Quân.
Theo ông Quân, đánh vào tâm lý người Việt hiện nay không thích hàng Trung Quốc, nhiều sản phẩm dán mác ‘Made in Vietnam’ đã được sản xuất ở Trung Quốc để giảm giá thành. “Cái mác dán trên sản phẩm là của Việt Nam nhưng nội dung đặt (làm) ở Trung Quốc. Vì sao? Vì người Việt Nam tâm lý không thích dùng hàng Trung Quốc nhưng người Việt Nam lại không làm được mà phải đặt ở bên Trung Quốc. Tại vì sao? Vì giá nó rẻ hơn. Nếu sản xuất tại Việt Nam thì giá sẽ đắt.”Theo truyền thông trong nước thì sau những vụ việc nhiễm độc từ hàng Trung Quốc, người Việt Nam đã bắt đầu tìm đến hàng nội địa và những sản phẩm nước ngoài giá phải chăng. Đó là một trong những lý do hàng hóa từ các nước trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan đang trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam.
Tuy được đánh giá cao hơn ‘Made in China” nhưng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vẫn ở nhóm rất thấp trong 52 nền sản xuất được khảo sát. Sản phẩm của Trung Quốc đứng gần áp chót.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Đức, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào Top 10 các nước có sản phẩm có uy tín nhất thế giới trong đó các nước châu Âu chiếm đa số. Nhật Bản xếp đồng hạng 8 với Mỹ và Pháp. Sản phẩm của Đức đứng đầu danh sách Made in Country Index năm nay.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-thich-hang-nhat-dung-hang-trung-quoc/3791531.html
Công dân Việt ở nước ngoài có được bảo vệ đúng mức?
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 30/3 khẳng định hai luật sư biện hộ cho Đoàn Thị Hương, nghi phạm giết ông Kim Jong Nam, anh của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, là những luật sư giỏi. Nhưng khẳng định của ông Lê Hải Bình dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân đối với công tác lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, vốn đang bị dư luận chỉ trích là quá chậm chạp và kém hiệu quả, đặc biệt trong vụ Đoàn Thị Hương.
Cập nhật thông tin về trường hợp cô Đoàn Thị Hương, một trong hai nữ nghi phạm bị cảnh sát Malaysia bắt sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam tại phi trường Kuala Lumpur ngày 13/2, người phát ngôn Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo hôm 30/3: “Việt Nam bảo đảm rằng hai vị luật sư bào chữa cho nghi phạm Hương lần này là hai luật sư rất giỏi”. Ông Bình cho biết “công tác triển khai luật sư để bảo hộ pháp lý cho Đoàn Thị Hương đang diễn ra”.
Tôi chưa gặp, chưa đọc được một quy định pháp luật nào mà khi công dân Việt Nam ở nước ngoài gặp nạn, thì nghĩa vụ của các đại sứ quán, chuyên gia pháp luật, nhà ngoại giao… ở nước đó sẽ phải làm gì và trong thời hạn bao lâu, mức hỗ trợ cho vụ việc là bao nhiêu…
LS. Trần Thu Nam.
Tại cuộc họp báo, các phóng viên nêu lên nhiều thắc mắc liên quan đến công tác bảo vệ công dân Việt ở nước ngoài trong những sự kiện được dư luận quan tâm gần đây, như vụ bé gái người Việt bị giết tại Nhật, hay vụ một người Việt tự vẫn tại trung tâm di trú của Nhật, 43 ngư dân Việt Nam bị bắt ở Solomon… Câu trả lời của người phát ngôn Lê Hải Bình đại khái là Việt Nam đang làm việc với nhà chức trách nước sở tại để xác minh thông tin, sẽ cung cấp vào thời điểm phù hợp và sẽ có các bước bảo hộ công dân thích hợp.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định công tác lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hiện chưa tốt. Nguyên nhân, theo ông, có thể là do thiếu nhân lực ở các lãnh sự quán và do Việt Nam chưa ký các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước.
Trong khi đó, Luật sư Trần Thu Nam của đoàn luật sư Hà Nội lại cho rằng có rất nhiều bất cập dẫn đến tình trạng xử lý chậm và thiếu hiệu quả.
Ông nói: “Bản chất của vấn đề bảo vệ quyền hợp pháp cho công dân Việt Nam, thực ra ở trong nước còn chưa đạt yêu cầu huống chi ở nước ngoài. Với trình độ của các đại sứ quán và hoạt động không được chuyên nghiệp nên ít có những trợ giúp kịp thời, đầy đủ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bị gặp nạn như cô Hương chẳng hạn. Có những vụ khi xảy ra ở nước ngoài, Việt Nam nói rằng sẽ phụ thuộc vào xử lý của pháp luật nước ngoài, của chính quyền nước ngoài. Họ trốn tránh bằng cách như thế. Tôi nghĩ là họ đang đẩy trách nhiệm cho các cơ quan nước ngoài”.
Vấn đề quan trọng là công tác lãnh sự phải nhanh chóng tiếp cận với công dân Việt Nam khi liên quan đến vấn đề pháp luật.
LS. Trần Quốc Thuận.
Theo LS. Nam, nếu Việt Nam có một quy trình công khai, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của các cán bộ lãnh sự quán, chẳng hạn trong thời gian bao lâu phải có mặt để nắm thông tin và báo cáo tình hình về công dân Việt Nam ở nước ngoài, phải trợ giúp họ thế nào, mức trợ giúp bao nhiêu… thì sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt Nam.
“Tôi chưa gặp, chưa đọc được một quy định pháp luật nào mà khi công dân Việt Nam ở nước ngoài gặp nạn, thì nghĩa vụ của các đại sứ quán, chuyên gia pháp luật, nhà ngoại giao… ở nước đó sẽ phải làm gì và trong thời hạn bao lâu, mức hỗ trợ cho vụ việc là bao nhiêu… Có thể là tôi chưa biết hoặc có thể họ không công khai việc đó. Tôi nghĩ có lẽ còn bất cập ở khoản đó”.
Riêng trong vụ Đoàn Thị Hương, LS. Thuận cho rằng nguyên nhân xử lý chậm trễ, lúng túng của cơ quan ngoại giao Việt Nam còn vì yếu tố “nhạy cảm”, “tế nhị”. Ông nói:
“Đây là quan hệ rất tế nhị. Tình hình, diễn biến của vụ đó cũng dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Mã Lai và Triều Tiên. Quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên cũng là quan hệ xã hội chủ nghĩa. Cho nên vấn đề lên tiếng trong trường hợp đó có sự tế nhị, phức tạp”.
Cả hai luật sư đều cho rằng cần phải cải thiện công tác lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.
“Vấn đề quan trọng là công tác lãnh sự phải nhanh chóng tiếp cận với công dân Việt Nam khi liên quan đến vấn đề pháp luật”, theo LS. Trần Quốc Thuận.
Tôi mong là chính quyền Việt Nam sẽ xây dựng được một quy trình xử lý khi có sự việc tương tự xảy ra. Sẽ có một bộ phận chuyên nghiệp để xử lý nhanh chóng, liên hệ với các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật, luật sư chẳng hạn để bảo vệ cho công dân của mình.
LS. Trần Thu Nam.
Còn LS. Trần Thu Nam cho rằng nếu không muốn “bị một bài học” như trong vụ Đoàn Thị Hương, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng một quy trình xử lý cụ thể cho các trường hợp công dân Việt Nam gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý ở nước ngoài.
“Sau vụ việc này, tôi mong là chính quyền Việt Nam sẽ xây dựng được một quy trình xử lý khi có sự việc tương tự xảy ra. Sẽ có một bộ phận chuyên nghiệp để xử lý nhanh chóng, liên hệ với các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật, luật sư chẳng hạn để bảo vệ cho công dân của mình. Phải lên tiếng ngay lập tức và gửi các thông tin cho truyền thông để cho mọi người nắm được là quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài được chính quyền Việt Nam quan tâm”.
Hôm 29/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đến thăm cô Đoàn Thị Hương tại nhà tù Kajang. Trong buổi gặp này, phía Việt Nam giới thiệu Luật sư Hisyam Teh Toh Teik để bào chữa cho Đoàn Thị Hương, cùng với Luật sư Naran Singh đã được chọn trước đó.
Đoàn Thị Hương bị buộc tội giết người trong phiên tòa ngày 1/3 ở Malaysia. Phiên tòa tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/4.
Đoàn Thị Hương và nữ nghi phạm người Indonesi Siti Aisyah bị cáo buộc đã giết ông Kim Jong Nam bằng chất độc thần kinh VX, một hóa chất bị Liên Hiệp Quốc xếp loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt.
http://www.voatiengviet.com/a/cong-dan-viet-o-nuoc-ngoai-co-duoc-bao-ve-dung-muc/3791335.html
Người trong cuộc nói về một phóng sự của VTV1
Truyền thông Nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương trong thời gian qua loan tin cho rằng những ngư dân là giáo dân Công giáo tại các tỉnh miền Trung nghe lời xúi giục của các vị linh mục quản xứ.
“Dối dân”
Vào ngày 24/3/2017 vừa qua, trong bản tin lúc 19h tối trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam có loan tải một phóng sự nói về việc biển miền Trung đã sạch sau thảm hoạ môi trường Formosa, ngư dân Hà Tĩnh đã trở lại biển, đánh bắt được sản lượng lớn, bán được giá; công việc chi trả bồi thường, hỗ trợ đã thoả đáng; đặc biệt là nhắc đến giáo dân Nghệ An “bị xúi giục, kích động gây rối” bởi các linh mục, tu sỹ, với hình ảnh Cha J.B. Nguyễn Đình Thục trên đường dẫn người dân đi khởi kiện Formosa ngày 14/2/2017.
Ông Mai Quang Hanh – một ngư dân 53 tuổi tại xã Kỳ Lợi nói rằng, ông không thể chấp nhận với nội dung phóng sự trên của VTV1.
“Thực chất chúng tôi đã và đang sống trong thiệt hại của Formosa xả thải đây. Biển chưa bao giờ sạch cả mà cứ nói biển đã sạch, tôi không thể nào chấp nhận được. Ngay cả chính quyền, ông nào cấp nào nói biển sạch tôi không thể chấp nhận cách nói như thế, nói như thế là dối dân, là không đúng.”
Ngay cả chính quyền, ông nào cấp nào nói biển sạch tôi không thể chấp nhận cách nói như thế, nói như thế là dối dân, là không đúng.
– Ông Mai Quang Hanh
Theo ông Hanh, có thể những con thuyền đánh cá mà VTV quay trong phóng sự là đánh ở ngoài khơi xa, cách bờ hơn 20 hải lý hoặc vùng ngư trường khác – những vùng không bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra. Còn tại vùng biển ngay sát khu kinh tế Vũng Áng không có cá để đánh bắt, mà nếu có đánh bắt được cũng không tiêu thụ được.
Còn ông Hoàng Trinh Danh – một ngư dân lão luyện 64 tuổi thì nói sẵn sàng tiếp đón phóng viên VTV để chỉ cho họ thấy thực tế:
“Nếu muốn chính xác thì về tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh. Nguồn hải sản bây giờ cạn kiệt, mực bây giờ ngày càng hiếm, tôm hùm thậm chí không có một con, còn ghẹ cua dọc biển chết sạch, chỉ mấy con cá trích chạy lăng nhăng chạy bên ngoài thôi, về đây tôi chỉ cho thấy.”
Linh mục Phê-rô Trần Đình Lai – quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết thu nhập của người dân giảm sút và chưa dám ăn hải sản được đánh bắt.
“Bây giờ rất hiếm cá. Nếu bắt được thì bán cũng chỉ được 1/3 hoặc cùng lắm là một nửa thôi. Nhưng họ bán chứ đâu dám ăn, một số người dám ăn nhưng vẫn nơm nớp lo sợ ”
Còn tại cảng cá xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, chúng tôi gặp gỡ một số ngư dân đang sửa soạn lưới.
“Dầu đắt. Mọi khi 1 tấn cá đi được 2, 3 ngày dầu. Còn giờ đi 1 tấn cá có ai bù dầu cho?”
Theo những gì họ chia sẻ, tuy giá cá rẻ hơn trước khi có thảm hoạ Formosa, nhưng cũng rất khó tiêu thụ, vì không có người mua. Bên cạnh đó, nhiều người lao động chính trên các tàu cá chưa nhận được tiền hỗ trợ, bồi thường theo quyết định 1880 của Thủ tướng.
Mục đích của VTV1 là gì?
Một cảng cá ở miền Trung với những chiếc tàu không ra khơi sau thảm họa Formosa. RFA photo
Về nội dung hàng trăm giáo dân xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị “xúi giục, kích động” tụ tập, khiếu kiện “trái pháp luật”, trong đó sử dụng nhiều đoạn clip có hình ảnh của Linh mục J.B. Nguyễn Đình Thục – quản xứ Song Ngọc đi cùng người dân đưa đơn khởi kiện, yêu cầu Formosa Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại ngày 14/2/2017 trong phóng sự của VTV1, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho rằng, từ xưa đến nay, hệ thống truyền thông quốc doanh luôn nói có lợi cho chính quyền và đảng cộng sản, kể cả vu khống, bôi nhọ, mạ lị người khác:
“Việc tôi cùng với người dân và tôi giúp người dân trong việc đi kiện Formosa là việc được pháp luật quy định, nhưng chính phủ không làm nên người dân trong cộng đoàn của chúng tôi bị thiệt hại và đau khổ, thì tôi phải làm. Tôi làm lẽ ra họ khuyến khích, đằng này thì họ lại vu khống bảo tôi rằng làm như vậy là kích động quần chúng. Tôi chẳng có gì kích động cả.”
Tôi cũng cần họ trung thực bằng cách những gì tôi nói thì đưa lên đừng cắt xén, đừng vu khống, đừng chụp mũ.
– Linh mục Đặng Hữu Nam
Linh mục Nguyễn Đình Thục nhấn mạnh, ông đã khuyên răn, hướng dẫn người dân đi khởi kiện tuân thủ an toàn giao thông, giữ tinh thần ôn hoà, không được gây ra bạo động, nhằm giữ gìn hình ảnh đẹp.
Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam – quản xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, người từng bị truyền hình tỉnh Nghệ An làm điều tương tự như với Linh mục Nguyễn Đình Thục khẳng định rằng, người dân có quyền khởi kiện đòi Formosa bồi thường thiệt hại, việc VTV “kết tội” các vị linh mục là hoàn toàn sai trái.
“Tôi cũng cần họ trung thực bằng cách những gì tôi nói thì đưa lên đừng cắt xén, đừng vu khống, đừng chụp mũ.”
Một số nhà quan sát cho rằng, VTV1 hay truyền hình Nghệ An có những bài phóng sự như vậy nhằm dọn đường dư luận cho 1 số hành động nào đó nhắm vào các linh mục, hoặc ngăn cản người dân Quỳnh Lưu khởi kiện Formosa:
“Vì lương tâm, vì trách nhiệm, vì tình thương với người dân của chúng tôi thì chúng tôi giúp dân nên tôi chẳng lo sợ gì chuyện đó. Một khi họ muốn bắt chúng tôi thì họ không cần phải có bằng chứng.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục nhắc lại thêm về sứ mệnh của một người mục tử, lắng nghe tiếng nói của Chúa, của lương tâm, nên bất chấp mọi trấn áp, hiểm nguy để nói điều đúng và làm điều tốt.
Công luận cho rằng một phóng sự cần phải đa chiều, khách quan và trung thực. Thế nhưng phóng sự ngày 24/3/2017 của VTV1 như vừa nêu bị chính những người trong cuộc và người nắm rõ vấn đề chỉ rõ có quá nhiều ngụy tạo, qui chụp. Họ có thể được chứng minh những điểm sai trái đó một cách dễ dàng vì không gì có thể che đậy sự thật mãi được!
Giới trẻ chia sẻ việc đưa thông tin lên mạng xã hội
Cát Linh, phóng viên RFA
Một số facebookers và nhà hoạt động bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giam trong thời gian ba tháng gần đây. Cáo buộc mà Hà Nội đưa ra là họ phổ biến thông tin bị nói là “độc hại”. Chính phủ Việt Nam cũng áp đặt việc ngăn chặn thông tin từ những kênh truyền thông lớn như Youtube, Facebook.
Các bạn trẻ đang sử dụng hình thức mạng xã hội để lên tiếng nói/ chia sẻ cách thực hiện và đăng tải video làm sao để tránh bị gây áp lực bởi lực lượng an ninh.
Phải lên tiếng
Vỏn vẹn chỉ trong vòng 90 ngày đầu năm 2017, bốn Facebookers và ba nhà hoạt động dân sự bị bắt theo điều 88, tuyên truyền chống nhà nước; 258 – lợi dụng các quyền tự do dân chủ và đều 79 – âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, theo Bộ luật hình sự Việt Nam.
Bên cạnh đó là hàng loạt các vụ bắt bớ, đánh đập, ngăn chặn người tham gia biểu tình đòi môi trường sạch, các cuộc tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma, cuộc chiến biên giới 1979.
Có thể nói, ba tháng đầu năm 2017, mạng xã hội không một ngày yên ổn. Rất nhiều video, hình ảnh về thực trạng xã hội được đăng tải và lan truyền nhanh chóng với số lượng người xem ngày một tăng.
Một trong những người dùng hình thức đó để lên tiếng là Trần Tùng. Kể lại nguyên nhân dẫn đến việc làm của mình, Trần Tùng cho biết:
“Trước giờ mình rất bức xúc nhưng mình không đưa lên vấn đề gì hết vì mình suy nghĩ là mình còn cuộc sống của mình, còn gia đình, nhưng đến thời điểm ông (Thượng tọa) Thích Chân Quang thả mấy tấn cá xuống sông Hồng, Hà Nội thì mình quá bức xúc vì chuyện này quá trái lương tâm, trái đạo đức. Mình đăng một bài viết về sự bức xúc của mình cho bạn bè coi, chỉ trong vòng 24 tiếng thì lượt xem là được mười mấy, hai chục ngàn thì bộ an ninh mạng ở Việt Nam báo cáo tài khoản của mình.”
…chỉ trong vòng 24 tiếng thì lượt xem là được mười mấy, hai chục ngàn thì bộ an ninh mạng ở Việt Nam báo cáo tài khoản của mình.
– Trần Tùng
Tương tự với video trên facebook hoặc Youtube, một hình thức được khá nhiều bạn trẻ hiện nay thích thú và thực hiện, đó là Vlog. Hoàng Thành, một bạn trẻ ở Hà Nội, cũng là gương mặt rất quen thuộc trên mạng xã hội. Hoàng Thành thực hiện nhiều chương trình Vlog để nói lên chính kiến của mình về những vấn đề không được truyền thông báo chí trong nước đề cập đến.
“Em là một người trẻ có quan tâm đến vấn đề của xã hội thì em chọn internet là một nơi mà giải bày mong muốn thông điệp của mình được truyền tải đến những người còn mơ hồ, hoặc chưa biết một địa chỉ tin tưởng nào. Vì internet cũng là một nơi mà thông tin rất nhiễu.”
Qua các trang mạng xã hội lớn là Facebook, Youtube, những người như Hoàng Thành, Trần Tùng… và những facebookers đang bị chính quyền giam giữ đã công khai đăng tải những bài viết hoặc những video (có thể là livestream, Vlog) chia sẻ, bày tỏ tiếng nói của chính họ về vấn nạn xã hội. Những cuộc biểu tình diễn ra trong nước được mọi người biết đến qua video clip, hình ảnh lan truyền trên mạng. Người xem chứng kiến những gì diễn ra ngay tại nơi biểu tình.
Do đó, hành vi bắt bớ, đánh đập, ngăn cản mà lực lượng an ninh, công an áp dụng đối với người dân đã không thể che dấu được.
Như định luật bổ sung, khi nhà cầm quyền càng gây áp lực cho người dân, thì càng có nhiều tiếng nói cất lên để bày tỏ bức xúc. Ngày càng có nhiều video được thực hiện livestream công khai lên tiếng cho mọi người hiểu về dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận.
Những điều đó chứng minh, tuy chính quyền Việt nam tìm mọi cách ngăn cản, bằng nhiều hình thức khác nhau, thông tin về những sự việc đó hoàn toàn không được các cơ quan truyền thông nhà nước đưa tin, nhưng đã không thể ngăn cản được sức lan toả của mạng xã hội.
Không lo ngại
Biểu tượng Facebook trên màn hình trước buổi họp báo ra mắt sản phẩm mới Workplace tại London vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Việc bắt giữ những facebookers gần đây cùng với việc gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước phải ngưng quảng cáo trên Yotube, Facebook và cả các trang mạng xã hội khác cho đến khi nào họ chắc chắn rằng những nội dung đang tải không “độc hại” cho nhà nước, theo ông Phil Robertson, “là nhằm hạn chế quyền tự do thông tin, ngăn cản những luồng thông tin khác đến người dân qua mạng xã hội mà họ không thể kiểm soát nổi.”
Không những thế, ông còn nói rằng hành động bắt các facebookers là một hình thức răn đe những người còn lại.
Biết rõ điều này, Trần Tùng có nói.
“Việc đầu tiên là khi mình chấp nhận chia sẻ những thông tin của mình, suy nghĩ của mình, hoặc video của mình, có nghĩa là mình đã chấp nhận sự thật đó. Khi mình nói lên tiếng nói đó là mình biết ngày mai hoặc ngày mốt mình sẽ bị như chị Trần Thị Nga, Mẹ Nấm, nhưng mà thứ nhất, mình là thanh niên, thứ hai cái bức xúc của mình nó đã quá lớn, vượt mức sợ hãi, buộc mình phải nói lên.”
Hoàng Thành cũng như thế. Anh không ngại việc đưa hình ảnh của mình lên mạng xã hội những khi nói về một thực trạng đang xảy ra ngay trên đất nước mình. Những Vlog Hoàng Thành làm chưa bao giờ bị che mờ gương mặt của chủ nhân.
Mức độ mà mình phản biện hay nói tới một vấn đề nào đó thì phải trong tầm khả năng của mình, và đặc biệt phải nói sự thật.
– Hoàng Thành
Chính vì vậy, thông điệp về môi trường, về bảo vệ cây xanh, về quyền dân chủ do Hoàng Thành truyền tải mang rất rõ giá trị tiếng nói của cá nhân anh.
“Em nghĩ rằng hình ảnh thực của mình mà xuất hiện thì sẽ đảm bảo cho lượng thông tin và những thông điệp mình đưa ra. Nếu mình chỉ viết không, em nghĩ rằng người Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ rất lười đọc, nhìn cái gì dài họ e ngại, nên em chọn hình thức lên hình, là Vlog để mình nói những vấn đề rõ hơn, và thông điệp cũng dễ dàng chạm đến những người mình muốn hướng đến.”
Phải nói sự thật
Để có thể tiếp tục bày tỏ chính kiến và quyền lên tiếng của mình, những thanh niên đang dùng mạng xã hội sẽ có những cách ứng phó khác nhau.
Không nêu tên cụ thể của nhân vật mình muốn nói, là một trong những cách Trần Tùng cho rằng có thể đối phó lại với lực lượng an ninh
“An ninh Việt Nam không đủ cơ sở để cấu thành tội phạm. Thứ hai nữa, mặc dù mình rất ghét nhưng mình phải nói theo sự thật chứ không được nói cực đoan.
Khi nói thật thì người ta không làm gì được mình. Ví dụ như ông Nguyễn Văn A, là Bộ trưởng gì đó ăn hối lộ, thì tôi nói ăn hối lộ. Nhưng nếu người ta ăn hối lộ có 100 tỷ mà mình nói lên 1000 tỷ thì là cực đoan. Phải có thông tin chính xác. Cùng lắm thì an ninh mạng hoặc cảnh sát địa phương đâm sau lưng mình thôi.”
Nói thêm về tính chất cực đoan của các nội dung trên mạng xã hội, Trần Tùng nhận thấy có một số thành phần nào đó muốn sự việc “máu lửa” hơn, thu hút nhiều người xem hơn thì họ sẽ có những cách nói nghiêng về suy nghĩ cá nhân nhiều hơn. “Và như thế thì không tránh được tinh thần cực đoan trong truyền tải thông tin”, theo Trần Tùng nhận định.
Hoàng Thành, người có những nội dung Vlog thu hút nhiều lượt xem đưa ra quy tắc cách làm của anh.
“Em có lựa chọn ngôn từ, có kịch bản sẵn, có tính thời sự trong đó. Mức độ thông tin em đưa ra không quá nặng nề. Và em nghĩ rằng độc giả có thể đánh giá về lượng thông tin mà mình truyền tải.”
“Mức độ mà mình phản biện hay nói tới một vấn đề nào đó thì phải trong tầm khả năng của mình, và đặc biệt phải nói sự thật. Em thấy nhiều người trên mạng xã hội có nói quá, như thế thì nguy hại cho bản thân họ. Quy tắc của em là nói đúng. Không nói quá, không nói xàm những vấn đề đã là sự thật rồi.”
Bằng nhiều cách, từ cấm đoán, xử phạt cho đến bắt giam theo Bộ luật Hình sự với những facebookers, bloggers, Chính quyền Việt Nam đã ra sức ngăn chặn những thông tin được cho là “độc hại và xấu”. Tuy nhiên, qua chia sẻ của những người đang dùng Youtube, Facebook hoặc các mạng xã hội khác thì sự thật vẫn là sự thật. Mạng xã hội vẫn đang và sẽ là hình thức truyền tải thông tin phổ biến nhất, đặc biệt trong tình trạng có nhiều sự việc không được báo chí trong nước đăng tải.
Tổng thống Trump xem xét việc đến Việt Nam dự APEC
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27/02/2017.© REUTERS/Kevin Lamarque
Theo hãng tin Reuters hôm nay 01/04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc đến Việt Nam tham dự hội nghị APEC vào tháng 11 năm nay. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm qua.
Đến chào chủ tịch nước Việt Nam nhân dịp được tái bổ nhiệm, đại sứ Mỹ Ted Osius thông báo tổng thống Donald Trump đang xem xét việc đến Đà Nẵng tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 25 tổ chức tại Việt Nam trong năm nay.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến lên một cấp độ mới dưới thời chính quyền Obama, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng sẽ có được mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Reuters dẫn nguồn tin Việt Nam cho biết, ông Trump đã gởi thư cho ông Trần Đại Quang hôm 23/2 để « khẳng định mong muốn xúc tiến hợp tác về kinh tế, thương mại, các vấn đề trong khu vực và quốc tế ». Ông Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Việt Nam được cho là nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất qua hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà ông Trump đã bãi bỏ hồi tháng Giêng. Tuy nhiên Hà Nội vẫn tiếp tục xây đắp các mối quan hệ với Hoa Kỳ, trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tháng trước, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết ông sẵn sàng sang thăm Hoa Kỳ để xúc tiến quan hệ, đặc biệt là về thương mại.
AFP hôm qua đưa tin, Việt Nam là một trong các nước và vùng lãnh thổ có thể nằm trong danh sách của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, bị nghi ngờ là đã góp phần gây thâm hụt thương mại của Mỹ (gồm Trung Quốc, Đức, Nhật, Ireland, Ý, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Đài Loan, Indonesia, Mêhicô, Canada).
Bắc Triều Tiên :
Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt mới
Hôm qua, 31/03/2017, bộ Tài Chính Mỹ đã loan báo quyết định trừng phạt 11 lãnh đạo doanh nghiệp và một công ty Bắc Triều Tiên nhằm cô lập hơn nữa chế độ Bình Nhưỡng, vì chế độ này vẫn tiếp tục tiến hành các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Đa số các lãnh đạo doanh nghiệp bị trừng phạt hiện đang làm việc ở Trung Quốc và Nga cho các công ty chuyên tìm nguồn nguyên liệu, công nghệ và tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Bắc Triều Tiên. Còn công ty Bắc Triều Tiên bị trừng phạt là công ty Paeksol Trading Corporation, chuyên xuất khẩu than đá và khoáng sản để lấy nguồn tài chính cho chế độ Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ đã hợp tác với Trung Quốc để nước này ngưng nhập than từ Bắc Triều Tiên, nhưng Paeksol vẫn tiếp tục xuất khẩu than thông qua các công ty bình phong ở miền bắc Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt mới cấm mọi giao dịch với các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty nói trên, bổ sung cho các biện pháp mà Hội Đồng Bảo An LHQ đã ban hành đối với Bắc Triều Tiên.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng đã lách được các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng những nhà trung gian hoặc các công ty bình phong để tiếp tục buôn bán với một số nước, đặc biệt là Malaysia và Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170401-bac-trieu-tien-hoa-ky-ban-hanh-bien-phap-trung-phat-moi