Tin Việt Nam – 01/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 01/03/2018

Hội Cờ Đỏ công khai tấn công phụ huynh Công giáo

Hòa Ái, phóng viên RFA

Một số phụ huynh là giáo dân Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tố cáo chính quyền địa phương và trường Tiểu học Diễn Đoài huy động Hội Cờ Đỏ hành hung phụ huynh vào chiều ngày 23 tháng Hai, khi những người này đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con em của họ bị đuổi học.

Phụ huynh bị hành hung

Một video clip ghi lại cảnh tượng xô xát, hành hung với gậy gộc, ống tuýp sắt trước cổng trường Tiểu học Diễn Đoài, ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lan truyền trên mạng xã hội vài ngày qua.

Vụ việc xảy ra được ghi nhận vào chiều ngày 23 tháng Hai. Một học sinh, ở giáo xứ Đăng Cao cho biết ngày hôm đó bản thân em bị thầy giáo hăm dọa không cho đến trường nữa và một số bạn cùng giáo xứ bị đuổi về nhà:

“Thầy nói là hôm sau ở nhà, không được đi học nữa. Thầy hỏi là ‘Có thấy xấu hổ không, đi học ké các bạn như vậy?’ Con thì không bị đuổi về hôm đó, nhưng các bạn của con bị đuổi về. Sau đó, bố mẹ đi đến trường và bố mẹ bị đập.”

Ủy ban xã điều điều tất cả anh em trong Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền trong xã với gậy gộc, mà họ đã chuẩn bị sẵn đến trước cổng trường. Tôi nói là đến trường chỉ để hỏi thăm thông tin liên quan các em bị cho nghỉ học. Thế là họ đập tới tấp. Họ đập vào đầu tôi. Đến hôm nay vẫn còn vết tích, xung quanh người vết tích đầy-Phụ huynh Chu Trọng Sơn

Đài RFA liên lạc với một số phụ huynh là giáo dân cho biết con em của họ đến trường, nhưng bị đuổi về nhà vì không đóng 90 ngàn đồng/tháng cho lớp học thêm buổi. Một vài em lần lượt bị đuổi từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, và vào ngày 23 tháng Hai thì có hơn 10 em bị cho về.

Vào chiều cùng ngày, một số phụ huynh đến trường để gặp ban giám hiệu trường Tiểu học Diễn Đoài hỏi lý do vì sao đuổi học con em của họ. Thế nhưng, vừa đến cổng trường thì loa phát thanh của xã kêu gọi Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền (tức Hội Cờ Đỏ) cùng người dân đến hỗ trợ vì các phụ huynh Công giáo đến trường gây sự. Anh Chu Trọng Sơn, một phụ huynh Công giáo có mặt tại hiện trường kể lại:

“Ủy ban xã điều điều tất cả anh em trong Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền trong xã với gậy gộc, mà họ đã chuẩn bị sẵn đến trước cổng trường. Tôi nói là đến trường chỉ để hỏi thăm thông tin liên quan các em bị cho nghỉ học. Thế là họ đập tới tấp. Họ đập vào đầu tôi. Đến hôm nay vẫn còn vết tích, xung quanh người vết tích đầy.”

Các phụ huynh Công giáo nói với RFA rằng họ bị tấn công bằng bạo lực một cách bất ngờ, và đã gọi giáo dân đến cứu. Tình hình sau đó được vãn hồi bởi lực lượng công an và cảnh sát cơ động.

Nhà trường sai trái?

Những phụ huynh Công giáo mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc còn cho biết trường Tiểu học Diễn Đoài dạy 2 buổi và buổi thứ nhì bắt học sinh đóng học phí 90 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, trong năm học 2017-2018, các phụ huynh biết được nhà trường làm sai quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo là trường học không được dạy thêm thu tiền và trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, có nghĩa là đủ giáo viên mà không phải thuê thêm giáo viên bên ngoài trường, nên việc lý giải phụ huynh đóng góp để thuê giáo viên dạy học của trường Tiểu học Diễn Đoài là không chấp nhận được.

Ông Trần Đình Phương nói với RFA rằng một số phụ huynh đã yêu cầu một cuộc họp với ban giám hiệu của trường Tiểu học Diễn Đoài hồi cuối năm 2017, tuy nhiên kết quả không đến đến đâu:

“Làm việc giữa hai bên, hiệu trưởng và phụ huynh. Họ nói rằng học theo quy định như thế này là đúng. Họ cương quyết cho học một ngày 2 buổi, có học thêm, do Bộ Giáo Dục cho phép như vậy. Nhưng phụ huynh không chấp nhận. Các phụ huynh nói rằng nếu trường được cho phép làm như thế thì nhà trường ký vào biên bản. Tuy nhiên, các giáo viên, hiệu trưởng và các thầy cô đại diện trong buổi họp không chịu ký.”

Kể từ khi các học sinh Công giáo, thuộc giáo xứ Đăng Cao không đóng học phí 90 ngàn đồng/tháng, các em gặp phải tình trạng bị bạn bè chế giễu là đi học mà không đóng tiền, hay bị bạn đóng cửa không cho vào lớp. Các em học sinh Công giáo này trong giờ học vi tính thì bị cho ngồi tại lớp, không được đến phòng có máy vi tính để học. Và từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các em lần lượt bị giáo viên răn đe không cho đi học và bị đuổi học, trong đó lần mới nhất có đến hơn 10 em bị cho về nhà, dẫn đến hậu quả xảy ra xô xát hành hung giữa Hội Cờ Đỏ và lương dân với giáo dân.

Trước cáo buộc của một số phụ huynh Công giáo rằng trường Tiểu học Diễn Đoài điều động Hội Cờ Đỏ hành hung họ, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin Linh mục Đinh Văn Minh, quản xứ giáo xứ Đăng Cao, chỉ đạo giáo dân tấn công trường học và lương dân.

Đài RFA, vào tối ngày 27 tháng Hai trao đổi với Linh mục Đinh Văn Minh và được ông cho biết Ủy ban xã Diễn Đoài tuyên bố thành lập các Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền và chính thức ra mắt khắp 6 xóm, thuộc xã Diễn Đoài. “Ban An ninh tự quản bảo vệ chính quyền” gần đây mới xuất hiện và thường được gọi ngắn gọn là Hội Cờ Đỏ vì khi họp hay hoạt động, các thành viên mặc áo đỏ-sao vàng, hình cờ của chính phủ Hà Nội. Linh mục Đinh Văn Minh nhấn mạnh vụ việc trường Tiểu học Diễn Đoài phát loa kêu gọi Hội Cờ Đỏ hành hung phụ huynh Công giáo vào chiều ngày 23 tháng Hai là sai trật.

Tức nhiên cấp chính quyền địa phương là có thể họ bao che, nhưng cấp trên chắc chắn là họ sẽ không làm điều đó. Họ cũng muốn làm sao có một sự minh bạch, công bằng và rõ ràng-Linh mục Đinh Văn Minh

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan cáo buộc cho rằng Linh mục quản xứ giáo xứ Đăng Cao kích động bà con giáo dân gây rối tại trường Tiểu học Diễn Đoài, Linh mục Đinh Văn Minh khẳng định đó là lời bịa đặt, vu khống. Là vị lãnh đạo tinh thần trong giáo xứ, Linh mục Đinh Văn Minh đã từng liên lạc với Chỉ tịch huyện Diễn Châu và Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài để đề nghị giải quyết sự không đồng thuận giữa nhà trường với các phụ huynh Công giáo, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.

Linh mục Đinh Văn Minh nói với RFA rằng sẽ tiếp tục liên lạc với các cấp chính quyền cấp cao hơn để yêu cầu giải quyết vụ việc này một cách tỏ tường và dứt khoát, như lời ông khẳng định “Tức nhiên cấp chính quyền địa phương là có thể họ bao che, nhưng cấp trên chắc chắn là họ sẽ không làm điều đó. Họ cũng muốn làm sao có một sự minh bạch, công bằng và rõ ràng.”

Đài Á Châu Tự Do, vào sáng ngày 28 tháng Hai liên lạc với Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài để hỏi về vụ việc xô xát, hành hung trước cổng trường, theo như cáo buộc của các phụ huynh Công giáo. Tuy nhiên, cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Đoài đã không bắt máy điện thoại.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/red-flag-association-assaulting-catholic-students-parent-violently-02282018141447.html

 

Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từ Pháp nói ông sẽ đưa cáo buộc Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Việt Nam, Phùng Xuân Nhạ ‘đạo văn’ lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy vậy, một giảng viên ở Hà Nội cho rằng động thái này “không hợp lý, vì là chuyện chuyên môn, không nên đưa chính trị vào”.

Còn một ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam bác bỏ cáo buộc “tự đạo văn” và “thiếu trình độ” đối với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.

Tin cho hay, trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.

ĐH Chiết Giang đào tạo MBA cho VN

Bàn tròn thứ Năm: Chủ tịch Quang thăm Ấn Độ, tàu chiến Mỹ ghé Đà Nẵng và thực chất?

Giáo sư Hoàng ‘buồn nhưng chấp nhận sự thật’

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?

Trong bản báo cáo, ông Dũng nêu chi tiết về các hành vi “tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, tạp chí giả khoa học” liên quan đến các bài báo khoa học của ông Nhạ.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi về việc “Hội đồng Chức danh Giáo sư có bị thao túng?”

Một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới.giáo sư Nguyễn Tiến Dũng

Ông Dũng cũng công khai diễn biến của vụ việc trên trang Facebook cá nhân.

‘Không xứng đáng’

Trả lời BBC hôm 28/2, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói: “Tôi vẫn đang chờ phản hồi của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về vụ việc.”

“Còn nếu họ không trả lời thì tôi sẽ đưa vụ việc lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.”

“Tôi hình dung là ông Nhạ sẽ không thể làm chìm xuồng được vụ này.”

Việt Nam: Chiếc xe đò mang tên Đại học

‘Nhập khẩu giáo dục’ phải xét đến môi trường VN

Bình luận về vụ giáo viên phải đi ‘tiếp rượu’

Việt Nam: Học càng cao, càng thất nghiệp?

“Bắt một người tự nhận lỗi thì cũng khó vì người ta có sĩ diện, thể diện.”

“Nhưng tôi tin là vụ việc sẽ được giải quyết dù ông Nhạ có nhận lỗi hay không.”

“Vấn đề của ông Nhạ là nhờ những chức danh không xứng đáng mà ông ấy lên chức danh bộ trưởng.”

“Nếu sự vụ này không được làm rõ thì có thể ông Nhạ còn leo lên những chức cao hơn.”

“Đã có nhiều lời đồn không hay về ông Nhạ từ trước nên tôi muốn làm sáng tỏ.”

“Và một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới.”

Giáo sư Dũng nói thêm: “Khi đưa vụ việc ra ánh sáng, tôi đã gặp một số rắc rối. Đó là tài khoản Facebook và máy tính của tôi bị tấn công, có người mạo danh tôi trên mạng xã hội, người thân ở Việt Nam nhận được những lời đe dọa.”

‘Gióng lên hồi chuông’

Cùng ngày 28/2, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại thương ở Hà Nội, nói với BBC: “Theo tôi, việc ông Dũng đưa vụ việc ông Nhạ lên ông Trọng và ông Phúc thì không hay.”

“Vì là chuyện chuyên môn, không nên đưa chính trị vào.”

Quan điểm của tôi là không muốn tấn công cá nhân. Tôi nghĩ rằng ông Nhạ chỉ là một trong số rất nhiều người vi phạm. Chẳng may ông ấy là bộ trưởng nên ông ấy bị moi ra thôi chứ những người khác cũng vi phạm đầy mà có bị sao đâu.bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ở Hà Nội

“Nếu ông Dũng muốn thì đưa vụ việc của một bộ trưởng lên chủ tịch nước thôi, chứ đưa lên cấp Đảng làm gì.”

Bà Nguyễn Hoàng Ánh nói thêm:

“Tôi cũng nhìn vụ lên tiếng của ông Dũng giống như một nhiệm vụ bất khả, vì lâu nay những vụ như thế này người bị cáo buộc không bao giờ phản hồi cả.”

“Về vụ này, ông Nhạ có phát biểu gì thì cũng là bất lợi cho ông ấy.”

“Việt Nam không có quy định về đạo đức nghiên cứu nên họ [những người có bài báo khoa học bị đặt vấn đề] không sao.”

“Quan điểm của tôi là không muốn tấn công cá nhân. Tôi nghĩ rằng ông Nhạ chỉ là một trong số rất nhiều người vi phạm.”

“Chẳng may ông ấy là bộ trưởng nên ông ấy bị moi ra thôi chứ những người khác cũng vi phạm đầy mà có bị sao đâu.”

“Tấn công mình ông Nhạ cũng có phần bất công.”

“Tuy nhiên, tôi không phản đối vấn đề ông Dũng nêu ra vì ông ấy không có trách nhiệm rà soát, ông ấy tìm được ai thì chứng minh người đó thôi.”

“Nhưng nếu nói chỉ mình ông Nhạ sai thì vô lý.”

“Tôi muốn cảm ơn ông Dũng vì gióng lên hồi chuông về tình trạng đạo đức nghiên cứu. Đây là ví dụ để những người soạn thảo quy chế học hàm phải học hỏi thêm.”

Một giáo sư khác ủng hộ ông Nhạ

Hôm 01 tháng 3/2018, một Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam bác bỏ cáo buộc “tự đạo văn” và “thiếu trình độ” đối với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ.

Trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, Giáo sư Vũ Minh Giang nói ông không đồng tình với tố cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng.

Ông Vũ Minh Giang, ở cương vị Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học nhiệm kỳ 2014-2019, là người đầu tiên nêu quan điểm tương đối chính thức về vụ việc trên truyền thông – qua cuộc phỏng vấn của BBC về vụ liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ:

“Theo quy chế hiện hành của Việt Nam, tổng số điểm của ông Phùng Xuân Nhạ khá cao, gấp mấy lần tiêu chuẩn cho một giáo sư.”

“Nếu nói là không đạt tiêu chuẩn, thì thiếu căn cứ.”

Trong một diễn biến khác, báo Người Lao Động đã gỡ link bài “Nói thẳng: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng” sau khi đăng ít giờ hôm 26/2.

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Lương hưu cô giáo ‘thấp mạt hạng’ là bất công

Cùng thời gian cũng có các bài trên báo Việt Nam nói gián tiếp về chủ đề con số được phong giáo sư, phó giáo sư tăng lên nhiều trong năm 2017.

Đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải yêu cầu rà soát lại danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 để xem có tiêu cực hay không.

Điều này khiến trong dư luận có ý kiến, như của TS Vũ Thị Phương Anh, từ TPHCM, nói nhiều người ‘không phục’ về cách thức xét duyệt phong các chức danh giảng dạy giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam những năm qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43193993

 

Tranh cãi người Hà Nội đại diện lễ hội áo dài Sài Gòn

Một tờ báo ở Việt Nam gây tranh cãi đặt vấn đề về việc lễ hội áo dài diễn ra ở Sài Gòn nhưng đại sứ là người Hà Nội.

Tờ Tuổi Trẻ hôm 1/3 đã phải sửa tựa một bài báo của họ từ “Tại sao lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh lại chọn thiếu nữ Hà Nội đại diện?” thành “Lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh chọn Đỗ Mỹ Linh là đại diện.”

Bài báo nêu ý kiến: “Là một người sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, tôi có hơi chạnh lòng khi thấy người đại diện cho một lễ hội của thành phố không phải là một cô gái của thành phố mình. Đây đã là lần thứ hai liên tiếp Đỗ Mỹ Linh được chọn làm hình ảnh đại diện của Lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh.”

Hùng Cửu Long nói về vụ ‘áo dài cờ đỏ’

‘Dân Sài Gòn thẳng tính, lương thiện’

Việt Nam Cộng Hòa trước và sau Tết Mậu Thân 1968

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời

Cựu phu nhân Nguyễn Cao Kỳ qua đời

“Tôi tin rằng người dân TP.Hồ Chí Minh sẽ tự hào hơn với Lễ hội áo dài, nếu gương mặt đại diện cho lễ hội là một cô gái đang học tập, làm việc tại thành phố.”

‘Không ưng’

Hôm 1/3, trả lời BBC, nhà văn Trần Nhã Thụỵ nói: “Việc chọn hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, một cô gái Hà Nội đại diện cho Lễ hội áo dài ở Sài Gòn, khiến người người cảm thấy không ưng, thấy đáng tiếc.”

“Tôi cũng cảm thấy như vậy. Giá như Lễ hội áo dài ở Sài Gòn chọn một cô gái Sài Gòn đại diện là hợp lý, là đẹp ý.”

“Tuy nhiên, cũng cần phải nói là tiêu chí nào để gọi là người Sài Gòn? Nếu một cô gái người Hà Nội, đang sống ở Sài Gòn thì có được không?

“Vậy vấn đề không phải là người Hà Nội hay Sài Gòn hay bất kỳ người nào, chẳng hạn người Cần Thơ hay Đồng Tháp, tôi nghĩ đều ổn cả.”

“Vấn đề là người đó có xứng đáng với tiêu chí đại sứ áo dài không.”

“Và hiện nay ở Sài Gòn có ai xứng đáng với tiêu chí đó không? Hay chỉ có Đỗ Mỹ Linh là xứng đáng nhất?”

“Cuối cùng, lễ hội áo dài ở Sài Gòn thì cũng là áo dài Việt Nam, lễ hội áo dài Cần Thơ (nếu có) cũng là áo dài Việt Nam. Cho nên, thiết nghĩ chúng ta không nên phân biệt vùng miền.”

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Chúng tôi chọn Đỗ Mỹ Linh vì cô là hoa hậu Việt Nam. TP Hồ Chí Minh luôn có câu là: Vì cả nước và cùng cả nước. Việc mời một hoa hậu quốc gia đại diện cho một chương trình mang tính chất như thế này là hợp lý.”

“Áo dài lan tỏa rất nhiều, không chỉ miền Nam miền Bắc, không chỉ nghệ sĩ mà còn là người dân bình thường, không chỉ áo dài cho nữ mà còn là áo dài cho nam. Đó là lý do mà năm nay ngoài Mỹ Linh, chúng tôi còn mời thêm 11 đại sứ áo dài khác cùng tham gia. Họ đại diện cho nhiều lĩnh vực, văn hóa nghệ thuật, trong đó có cả ca sĩ người nước ngoài như ca sĩ Kyo York.”

Một bạn đọc tên Trần Quang Dinh bình luận trên tờ báo này: “Theo tôi, đã là Lễ hội Áo dài thì hễ ai đẹp, trang phục mỹ miều, xứng đáng thì việc chọn để làm hình ảnh đại diện hay sứ giả gì đó đều được tất tần tật. Nhất là hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh. Tuy nhiên, với vị thế của một thành phố như TP.Hồ Chí Minh, rất cần chọn một thiếu nữ nào đó làm biểu tượng. Nó vừa hợp lý, làm nức lòng người hâm mộ, công chúng. Bởi lẽ, tôi tin tuy không là hoa hậu, người mẫu nhưng thành phố của chúng ta có nhiều, rất nhiều nữ sinh, sinh viên hoặc ngành nghề khác rất trong sáng, mỹ miều và trên cả tuyệt vời. Tôi chắc chắn điều này!”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43240606

 

Thương tích cũ hành hạ cựu tù chính trị –

Mục sư Nguyễn Trung Tôn trong trại giam

Cựu tù chính trị – Mục sư Nguyễn Trung Tôn không được khám và điều trị vết thương cũ cũng như điều kiện khắc nghiệt tại trại giam B14 ở Hà Nội khiến cho sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Lành, phu nhân của mục sư Nguyễn Trung Tôn, sau khi đi thăm ông vào ngày 28 tháng 2 về, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin vừa nêu cũng như nguyện vọng của ông này nói với bà qua cửa kính trại giam:

“Muốn hoàn tất hồ sơ để chuyển sang tòa và luật sư vào gặp tiếp để đề nghị được tại ngoại về khám ở bệnh viện Thanh Hóa. Đó là nơi anh từng mổ trước đây. Chân phải mổ nay đau, mắt mờ; chân trái chưa mổ được. Tình trạng rất trọng thương.”

Những vết thương của cựu tù chính trị – Mục sư Nguyễn Trung Tôn là do lần ông bị bắt cóc vào tháng 2 năm ngoái tại Quảng Bình. Sau đó những kẻ thủ ác đưa ông đến một khu rừng thuộc miền núi Hà Tĩnh và đánh ông suốt nhiều giờ.

Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ kết luận nhiều nhóm cơ chân của ông bị dập nát, dây chằng bị đứt buộc phải phẫu thuật khiến ông đi đứng rất khó khăn.

Vào ngày 30 tháng 7 năm ngoái, ông lại bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cùng với một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác gồm các cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển. Tất cả bị cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào năm 2011, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn từng bị Tòa tại Nghệ An kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88.

Bà Nguyễn Thị Lành cho biết nhận định của bản thân về cáo buộc mới đối với người chồng của bà:

“Oan ức, bất công. Họ theo dõi, đánh và nay lại khép vào điều 79. Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, có công với đất nước, mẹ anh Tôn bị mù hai mắt và con tôi khuyết tật.”

Những người thuộc Hội Anh Em Dân Chủ như vừa nêu bị cho có dính líu trong cùng vụ với cựu tù chính trị, luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông này bị bắt cùng người cộng sự Lê Thu Hà từ ngày 16 tháng 12 năm 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước; nhưng đến tháng 7 năm 2017 cơ quan chức năng chuyển sang tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-political-prisoner-needs-medical-treatment-03012018094444.html

 

Cựu nữ tù chính trị kể chuyện trại giam

Người ta thường nói: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù dài bằng nghìn năm ở ngoài). Đối với những tù nhân nam chuyện ở tù đã khổ cực, thì gian khổ của những phụ nữ đi tù còn gấp bội phần.Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, chúng tôi trò chuyện cùng hai cựu nữ tù chính trị về trải nghiệm của họ trong thời gian phải chịu cảnh tù đày.

Bà Cấn Thị Thêu, người từng chịu hai án tù, và được nhiều người biết đến về sự kiên quyết trong công cuộc giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông – Hà Nội, và lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội.

Bà từng bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội; Trại 5 Yên Định Thanh Hóa và trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai vùng ở Tây Nguyên.

Những kỷ niệm đẹp

Bà vừa được trả tự do vào ngày 10 tháng 2 vừa qua và kể lại với chúng tôi về những kỷ niệm mà theo bà là khó quên trong thời gian ở tù:

“Điều ấn tượng nhất tôi không thể quên là những tù nhân chúng tôi đoàn kết với nhau để chống lại chế độ hà khắc trong tù. Có người chịu án rất cao, có người án thấp nhưng chị em chúng tôi cũng bảo nhau tuyệt thực tập thể, đưa ra những yêu sách để trại giam phải đảm bảo quyền lợi cho những người tù.”

Điều ấn tượng nhất tôi không thể quên là những tù nhân chúng tôi đoàn kết với nhau để chống lại chế độ hà khắc trong tù. Có người chịu án rất cao, có người án thấp nhưng chị em chúng tôi cũng bảo nhau tuyệt thực tập thể, đưa ra những yêu sách để trại giam phải đảm bảo quyền lợi cho những người tù.
-Cấn Thị Thêu

Bà Thêu cũng chia sẻ trong suốt 20 tháng tù gần nhất, bà đón nhận được rất nhiều tình cảm, sự sẻ chia, đùm bọc mà những bạn tù dành cho bà:

“Họ cho những người tù khác đe dọa tôi, thì tôi cũng nói cho những người ấy hiểu công cuộc đấu tranh của chúng tôi, tôi nói cho họ nghe những tội ác mà chế độ cộng sản áp dụng với chúng tôi. Tôi cũng kể cho họ nghe nỗi khổ của người dân đang là nạn nhân của chế độ độc tài, cướp bóc, công an trị này. Dần dần những người mà họ cài cắm vào cũng hiểu ra và quay sang bảo vệ chúng tôi, những gì công an nói với họ thì họ lại nói lại với chúng tôi.”

Những cực hình

Trong khi đó nữ cựu tù chính trị khác là bà Mai Thị Dung, 49 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Nhà nước dựng nên bị kết án hai lần tổng cộng 11 năm tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ lại không có những kỷ niệm đẹp như bà Cấn Thị Thêu.

Bà bị bắt vào ngày 5 tháng 8 năm 2005 cùng với chồng là ông Võ Văn Bửu cùng 6 đồng đạo khác. Những người này bị bắt vì tham gia vào cuộc tọa kháng và tuyệt thực tại gia để phản đối việc chính quyền đàn áp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước.

Bà Dung nhớ lại những nỗi kinh hoàng khi phải chịu án 11 năm tù:

“Trong thời gian lãnh án tù 11 năm thì điều tôi không thể nào quên được là giam giữ khổ sai, lưu đày ra bắc, bị bệnh thì không được trị bệnh, họ đối xử với mình còn thua một con thú. Khi mà họ chuyển tui ra Trại giam Xuân Lộc thì nhốt chung tui với những tù nhân xì ke ma túy bị nhiễm HIV. Những người này họ bị bệnh giai đoạn cuối nên không kiềm chế được nên đi vệ sinh ra máu trong phòng luôn mà họ nhốt tui nằm chung một phòng.”

Bà Dung cũng cho biết, trong thời gian bị tạm giam ở Vĩnh Long, gia đình gởi đồ ăn vô bao nhiêu thì trại giam nhận nhưng bỏ hết, không cho ăn, xin một miếng muối cũng không cho. Trại giam bắt bà nhận tội thì mới cho nhận đồ ăn từ bên ngoài, bà nói tiếp:

“Tui ăn uống không đầy đủ nên bị bệnh xuất huyết dạ dày, tui nôn ra máu nhưng họ không cho đi bệnh viện, họ nói là tui móc họng móc hầu để nôn ra máu. Nhưng mà đến khi tui không còn nói chuyện ra tiếng nữa, thở hết muốn nổi nữa, sắp chết rồi, thì họ mới đưa tui đi bệnh viện.”

Mong ước

Bà Mai Thị Dung chia sẻ trong thời gian ở tù 11 năm thì bà thấy những người tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như bà ở trong tù luôn bị phân biệt đối xử. Và điều mà bà mong ước là có sự quan tâm từ bên ngoài:

“Tui mong mỏi cả cộng đồng thế giới, những người yêu chuộng tự do hãy quan tâm nhiều hơn đến những người còn mắc kẹt trong tù để họ có thêm sự ấm áp. Tui cũng tha thiết gởi lời đến các bạn tù nhân lương tâm, chính trị hiện vẫn còn bị giam giữ hãy cố gắng, hãy nỗ lực đấu tranh, những chí hướng nào mình nghĩ là đúng thì cứ giữ lập trường của mình, đừng bị cuốn theo giới cường quyền.”

Tương tự như bà Dung, chị Cấn Thị Thêu cũng mong những người đang thụ án tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh:

“Tôi mong những người đang thụ án tiếp tục giữ vững tinh thần đấu tranh, để phía trại giam không vi phạm mà đảm bảo đủ các quyền lợi cho những người tù. Tôi cũng mong các chị em trong đấy phát huy tinh thần đoàn kết, đấy là sức mạnh để các chị em không bị đàn áp, không bị đánh đập, không bị ngược đãi.”

Mục đích của nhà cầm quyền?

Khi ở tù thì mình thấy sự bất công rất là nhiều, sự áp bức, phân biệt đối xử thì vô số. Tui đi ở tù từ nam chí bắc thì có thấy (họ) cải tạo được gì đâu. Chỉ thấy họ bắt lao động và nói với những người tù hình sự là anh chi về nhớ đừng tái phạm nhe. Chứ tui thấy ít tổ chức thuyết giảng cho người ta nghe để cải tạo.

-Mai Thị Dung

Phía chính quyền Việt Nam luôn cho rằng, khi đưa vào tù những người mà cơ quan chức năng cho rằng vi phạm pháp luật, là để cải tạo họ sau đó tái hòa nhập xã hội, tạo nên nên một xã hội tốt đẹp. Nhận xét về điều này Bà Mai Thị Dung cho biết:

“Khi ở tù thì mình thấy sự bất công rất là nhiều, sự áp bức, phân biệt đối xử thì vô số. Tui đi ở tù từ nam chí bắc thì có thấy (họ) cải tạo được gì đâu. Chỉ thấy họ bắt lao động và nói với những người tù hình sự là anh chi về nhớ đừng tái phạm nhe. Chứ tui thấy ít tổ chức thuyết giảng cho người ta nghe để cải tạo.”

Bà Cấn Thị Thêu cũng nêu lên ý kiến của mình:

“Đối với những người đấu tranh để đòi lại quyền lợi chính đáng như chúng tôi, thì tôi nghĩ họ dùng súng ép chúng tôi vào tù, dùng bạo lực nhà tù cũng không khuất phục được ý chí đấu tranh của chúng tôi. Bước chân vào trại giam thì họ nói với tôi là cải tạo tốt thì họ sẽ giảm án cho. Tôi trả lời tôi không cải tạo, những người dùng súng bắt tôi thì mới phải cải tạo. Tôi tuyên bố thẳng với giám thị trại giam Gia Trung là tôi chống lại tất cả các quy định mà nền tư pháp thối nát của Việt Nam áp dụng đối với tôi.”

Quyết tâm đó của bà Cấn Thị Thêu cũng là ý chí của hầu hết các nữ cựu tù nhân như Đỗ thị Minh Hạnh, bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Đặng Thị Ngọc Minh…

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vtk022818-02282018135239.html

 

Ngành điện tử ở VN tạo điều kiện

cho TQ xuất khẩu công nghệ

Sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu công nghệ từ Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 28 tháng 2 trích dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy chỉ riêng tháng Giêng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang Trung Quốc trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 106% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu trước đây Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam thì thời gian gần đây lại tập trung vào ngành công nghiệp điện tử.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam thì chỉ riêng trong tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại và linh kiện trị giá 895 triệu USD sang Trung Quốc, tăng 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, với chi phí lao động tương đối thấp của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà cung cấp điện thoại thông minh muốn xây dựng nhà máy tại đây. Tuy nhiên, phần lớn các phụ kiện chính của thiết bị cầm tay được sản xuất tại Việt Nam lại được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cũng trong tháng giêng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các sản phẩm giá trị gia tăng cao như linh kiện tiên tiến chiếm tỷ trọng đáng kể.

Tờ báo này nhận định trong khi Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử nhờ vào nguồn lao động giá rẻ, Việt Nam trở thành điểm xuất khẩu mới của Trung Quốc đối với các sản phẩm giá trị gia tăng cao chẳng hạn như linh kiện điện tử.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-industrial-transformation-offers-new-opportunity-for-chinas-technology-exports-03012018092802.html

 

Tứ trụ Việt Nam được thăm khám sức khỏe hàng ngày

Việt Nam vừa ra quy định cho phép tứ trụ lãnh đạo được chế độ thăm khám sức khỏe hàng ngày, còn các ủy viên Bộ Chính trị được thăm khám sức khỏe ít nhất 2 lần/ tuần.

Hà Nội cho ra đời quy định này giữa lúc một số lãnh đạo cấp cao, kể cả đương quyền và đã về hưu, gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và phải ra nước ngoài điều trị.

VietnamNet hôm 1/3 trích dẫn một quy định mới của Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó nói rõ rằng cán bộ có bệnh lý cần thiết đi khám, kiểm tra sức khoẻ tại nước ngoài phải có chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ và phải được Thường trực ban bí thư đồng ý.

Quy định nêu rõ cán bộ chủ chốt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, được bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hàng ngày.

Đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, bác sĩ theo dõi sức khoẻ, thăm khám sức khoẻ ít nhất 2 lần/ tuần hoặc hằng ngày tuỳ theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng lực lượng vũ trang, được bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 1 lần/tuần hoặc hàng ngày tuỳ theo tình hình.

Các Uỷ viên Trung ương Đảng và các Bộ trưởng, được bác sĩ theo dõi thăm khám ít nhất 1 lần/tháng

Ngoài ra, các lãnh đạo trước khi bổ nhiệm hay tái bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện và kết luận phân loại sức khoẻ.

Theo trang Soha hôm 28/2, nguyên Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, 85 tuổi, được đưa qua Singapore điều trị từ 14/1 đến 20/2, và đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vào tháng 8 năm ngoái, Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng, phải rời nhiệm sở để đi “điều trị bệnh.” Truyền thông nước ngoài loan tin ông Huynh được đưa sang Nhật điều trị.

https://www.voatiengviet.com/a/tu-tru-vietnam-duoc-tham-kham-suc-khoe-hang-ngay/4275771.html

 

VN gấp rút cứu thủy sản

khỏi nguy cơ từ ‘thẻ vàng’ sang ‘thẻ đỏ’

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn đề xuất xin tham gia vào đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) để sang làm việc với EU và Hàn Quốc về “thẻ vàng” mà EU đã phạt thủy sản Việt Nam hồi năm ngoái, trước thời hạn chỉ còn khoảng 2 tháng để EU quyết định đưa ra “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 23/10, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.

EU ra hạn cho Việt Nam 6 tháng để khắc phục thiếu sót. Sau thời hạn này, EU sẽ quyết định ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.

Trong công văn gửi cho Bộ NNPTNT, VASEP đưa ra một loạt đề xuất để “khắc phục thẻ vàng IUU”. Cơ quan này đề nghị được phối hợp xử lý ngay từ đầu các yêu cầu xác minh của EU, tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ về các hoạt động khắc phục “thẻ vàng” trước ngày 15/3, phối hợp chuyển ngữ và rà soát việc chuyển ngữ các báo cáo và văn bản pháp lý, và có biện pháp tuyên truyền chống lại việc khai thác thủy sản bất hợp pháp.

EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá của Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ – 19 tỷ euro.

Kể từ năm 2012, EU cho biết đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.

Theo đánh giá của VASEP, “thẻ vàng” của EU đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 100% container hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, dẫn tới mất 3-4 tuần/container và phải trả phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ tại cảng và các hệ lụy khác, trong đó có nguy cơ sản phẩm bị trả về.

EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Mỗi thị trường chiếm từ 16% – 17% trong tổng giá trị xuất khẩu 1,9 – 2,2 tỷ USD hàng năm của Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-gap-rut-cuu-thuy-san-khoi-nguy-co-tu-the-vang-sang-the-do/4274687.html

 

Việt Nam đình chỉ hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm

Thụy My

Hai nhà máy thép ở miền trung Việt Nam đã được lệnh ngưng sản xuất, theo một thông báo chính thức hôm nay 01/03/2018, sau khi người dân phản đối việc các nhà máy này gây ô nhiễm không khí và nước.

Chính quyền Đà Nẵng loan báo hai nhà máy Dana Ý và Dana Úc « được yêu cầu ngưng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường », tuy nhiên không cho biết bao giờ được sản xuất lại. Thông báo cũng nói rằng chính quyền đồng ý « hoàn thiện giải pháp tái định cư », nhưng cảnh báo người dân không được vi phạm luật pháp hoặc làm ảnh hưởng đến « an ninh và trật tự xã hội ».

Cư dân sống gần tại Đà Nẵng nói rằng các quan chức địa phương hồi năm 2016 đã hứa hẹn sẽ tái định cư họ. Các bức ảnh đăng trên báo chí nhà nước vào đầu tuần cho thấy những đám đông tập trung trước các nhà máy trên, phản đối sự chậm trễ trong tiến trình di dời và nạn ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra. Hãng tin Pháp AFP dẫn báo chí trong nước cho biết người dân khiếu nại về nguồn nước bị nhiễm độc, một bãi rác lộ thiên, bụi bẩn trong không khí và ô nhiễm tiếng ồn.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về môi trường ở Việt Nam không ngừng tăng lên, sau vụ nhà máy thép Formosa của Đài Loan xả chất thải độc hại gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền trung năm 2016, khiến người dân ồ ạt xuống đường phản đối. Formosa đã bồi thường 500 triệu đô la vì thảm họa này, nhưng không ít người dân phàn nàn họ được đền bồi không đầy đủ thậm chí không nhận được gì.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180301-viet-nam-dinh-chi-hoat-dong-hai-nha-may-thep-gay-o-nhiem