Tin Việt Nam – 01/01/2017
Cản phá không cho tưởng niệm nạn nhân lũ lụt
Phóng viên RFA tại Hà Nội
Con số hơn 230 người Việt bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt gây nên trong năm qua khiến một số cư dân mạng lên tiếng kêu gọi phải tổ chức quốc tang cho họ từ ngày 26 đến 28 tháng 12.
Một dược sĩ trẻ tại Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi này, thế nhưng việc làm của anh lại bị cản phá.
Quốc tang cho nạn nhân lũ lụ
Kêu gọi được đưa ra trên mạng xã hội facebook và nhiều người đồng loạt thay ảnh đại diện, hình cover của trang cá nhân với hình “Quốc tang tưởng niệm nạn nhân lũ lụt ở miền Trung”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn – một dược sĩ trẻ tại Hà Nội, đã không chỉ thể hiện trên mạng, mà còn có hành động thực tế để “quốc tang” trong đời thực. Ngày 26/12/2016, anh Tuấn đã treo một lá cờ rủ, có cuốn dải băng đen tại cổng nhà.
Anh cho biết lý do thôi thúc anh làm việc này:
“Trước hết không hẳn là theo cái kêu gọi ở trên mạng, mà trước hết nó xuất phát từ cái suy nghĩ của mình khi mà qua các báo cáo của chính phủ trên báo chí…”
Gây hấn, đe dọa
Tuy nhiên, động thái đó của anh vấp phải sự ngăn cản của chính quyền và lực lượng an ninh địa phương. Anh chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Chiều 26/12, cùng ngày, an ninh quận Hai Bà Trưng, công an phường Vĩnh Tuy, tổ dân phố, và 2 bà hàng nước đã tụ tập đến hơn 20 người, đe doạ ầm ĩ, gây sức ép với vợ Tuấn, bắt phải tháo cờ xuống.”
Sự việc này đã được camera giám sát an ninh của nhà anh Tuấn ghi lại rõ ràng, nhưng anh đã không sử dụng bằng chứng này để tố cáo những người đã “cướp” đi lá cờ rủ của anh. Anh nhận định về hành xử của phía những người cản phá anh như sau:
“Có những người còn hò hét là mình treo cờ, một lá cờ rất là khiêm tốn, lá cờ rất là nhỏ được buộc gọn gàng lại bên cổng nhà mình là một hành vi gây rối mất trật tự công cộng.
Họ chỉ thấy rằng việc mà mình thực hiện một nghi lễ quốc tang đó nó trái với quan điểm của chế độ cầm quyền.
Đáng xấu hổ với những người nhìn nhận ra nhưng vẫn phải làm từ sức ép của các lãnh đạo từ bên trên mà vắng mặt và đáng thương những người bị ép thực hiện hành vi đáng xấu hổ này…”
Đến ngày 28/12/2016, anh Tuấn lại tiếp tục hành động thực hiện “quốc tang” của mình bằng cách treo một tấm băng rôn ghi rõ nội dung “Tưởng niệm 235 đồng bào đã tử nạn vì lũ lụt năm 2016” lên hàng rào trước nhà. Anh giải thích lý do vì sao anh lại treo băng rôn như vậy:
“Mình muốn treo cái băng rôn này là vì một là hình thức mình tiếp tục tưởng niệm, hai là ai chưa hiểu thì họ có thể hiểu ra tại sao mình lại làm như thế. Rất hy vọng họ có thể hưởng ứng và họ cũng có một cái động tác nào đó tưởng niệm cho các nạn nhân chết vì lũ lụt…”
Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Việc thực hiện hành động “quốc tang” của anh Tuấn ngoài việc vấp phải sự cản phá như ngày 26/12, gia đình anh Tuấn cũng chịu một số sức ép khác. Vợ của anh Tuấn hiện là một giảng viên đại học tại Hà Nội đã bị phía cơ quan an ninh gây sức ép đến nhà trường.
Ngoài ra, khi ngôi nhà của anh bị quậy phá hôm 26/12 với sự tham gia của một nhóm “côn đồ”, trong nhà có vợ và con gái nhỏ của anh, anh chia sẻ cách thức mà vợ chồng anh bảo vệ con cái trong những sự vụ như vậy:
“Có đôi khi ta không có được tất cả, ta phải chấp nhận một số thiệt hại nhất định. Ví dụ như con mình, đương nhiên là cháu sợ nhưng mà mình và vợ đã thống nhất cho con mình ở trong nhà, đóng cửa lại không cho con tiếp xúc hoặc nhìn thấy với những người họ đến họ gây sức ép. Với vợ mình đương nhiên mình cũng cảm thấy có lỗi…”
Anh cho biết có thể gia đình vợ con anh phải chịu cú sốc tâm lý do những người khác gây nên vừa qua; nhưng anh mong người vợ sẽ hiểu và thương yêu anh qua cả những hành động trách nhiệm đối với người thân gần gũi cũng như đối với cộng đồng xã hội.
Vừa qua khi chính quyền Hà Nội thông báo sẽ tổ chức quốc tang cho ông Fidel Castro, cố lãnh tụ cách mạng cộng sản Cuba, nhiều người dân Việt Nam đã tỏ ra không đồng thuận.
Đến khi cơ quan chức năng chính thức công bố số nạn nhân tử vong vì thiên tai, lũ lụt trong năm nay tại Việt Nam, nhiều người lại nghĩ ngay đến “quốc tang” cho số người này.
Một lý do là họ phải hy sinh mạng sống một cách oan uổng vì sự tắc trách của con người- họ chết vì nhân tai chứ không phải thiên tai!
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interfere-disaster-victims-memorial-12302016134044.html
Trao đổi Thư tín ngày 31.12.2016
Hòa Ái, RFA
Kính mời quý vị cùng nghe chia sẻ của một thính giả từ Hà Nội gửi email cho Hòa Ái trong ngày cuối cùng của năm 2016:
“Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do và cô Hòa Ái quý mến, tôi nghe tin tức trên đài những ngày qua về Việt Nam sau 30 năm đổi mới với viễn ảnh đất nước không có gì là sáng sủa mặc dù vẫn luôn tin tưởng vào một ngày quê nhà chắc chắn tươi sáng như lời cầu chúc của quý đài qua mục “Trao đổi Thư tín” trong ngày Giáng sinh. Lòng tôi thật ảo não khi nghĩ đến hiện tình đất nước trong năm qua. Và trong năm mới 2017 này, tôi chẳng biết ước mong điều gì nữa…”
Bên cạnh đó nhiều thính giả bày tỏ đang trông chờ những thắc mắc của họ sẽ được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trả lời trong ngày đầu năm 2017.
Thính giả Trúc Nguyễn gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu hỏi là ai chịu trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm người dân miền Trung do các đập thủy điện đồng lọat xả lũ?
Thính giả có tên “Thaytu Taigia” mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời ai chịu trách nhiệm cuối cùng cho quyết định rước Formosa vào để phá tan hoang khúc ruột miền Trung?
Thính giả Hằng Nguyễn cũng có chất vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “Việt Nam đang trong thời bình nhưng nhà tù tăng, tượng đài tăng, dân số tăng, ung thư tăng, học phí cùng viện phí tăng và mọi thứ đều tăng…Vậy ông có biết nguyên nhân vì sao không?”
Trong khi một số thính giả mong mỏi được nghe câu trả lời từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân ngày đầu năm mới 2017 thì thính giả Chu Xuân Cường khẳng định nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng đàn, ông sẽ quy trách nhiệm thuộc về toàn dân và sẽ phê phán nghiêm khắc nhân dân trước Quốc hội và cử tri cả nước, như trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Trở lại với hiện tình đất nước trong những ngày cuối năm, thính giả Sáu Nguyễn cho rằng bị ám ảnh bởi những phiên tòa dành cho quan chức trong ngân hàng ở Việt Nam. Ông Sáu Nguyễn chia sẻ bản án 30 năm tù đối với 2 bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và Chữ Thị Kim Hiền, nguyên phó giám đốc chi nhánh Agribank Hà Nội cùng bản án 30 năm tù dành cho bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng-VNCB không làm cho ông có niềm tin vào sự công minh của pháp luật mà trái lại càng khiến cho vị thính giả này nhìn thấy được rõ hơn sự tranh giành quyền lực cũng như thanh trừng lẫn nhau của các nhóm lợi ích. Thính giả Sáu Nguyễn đặt câu hỏi với Ban Việt ngữ RFA liệu rằng Tòa án Việt Nam sẽ xét xử cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh trong năm 2017 và bản án nào sẽ dành cho nhân vật đang bị Chính phủ Hà Nội ra lệnh truy nã quốc tế?
Tôi nghe tin tức trên đài những ngày qua về Việt Nam sau 30 năm đổi mới với viễn ảnh đất nước không có gì là sáng sủa mặc dù vẫn luôn tin tưởng vào một ngày quê nhà chắc chắn tươi sáng như lời cầu chúc của quý đài qua mục “Trao đổi Thư tín” trong ngày Giáng sinh.
-Thính giả RFA
Những ngày cuối năm 2016, không ít thính giả cũng nhớ đến các phiên tòa xét xử thuyền nhân Việt. Những bản án tù dành cho những công dân vì đời sống cơ hàn nên quyết định liều mình trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để tìm con đường sống dù mong manh như số phận của gần nửa triệu đồng bào bỏ mình nơi Biển Đông 41 năm về trước. Nhiều thính giả RFA xót xa trước hoàn cảnh tù đày của các gia đình Trần Thị Loan, Huỳnh Thị Kiều, Trần Thị Lụa, Nguyễn Minh Quyết, Nguyễn Đình Quý…vì Chính phủ Việt Nam không giữ lời hứa với Chính phủ Úc sẽ không truy tố và tạo công ăn việc làm cho các thuyền nhân khi họ về nước.
Những bản án tù mà chính quyền Việt Nam dành cho thuyền nhân Việt trong năm 2016 có dập tắt được các cuộc trốn chạy ra khỏi nước của những công dân Việt Nam hay không, Mục sư A Ga, đang tị nạn tại Thái Lan, kể về trường hợp trốn chạy mới nhất của gia đình ông Rmah Din. Mục sư A Ga cho biết gia đình này bị chính quyền địa phương lấy đất, bị bắt từ bỏ tín ngưỡng, không được tham gia sinh hoạt trong Hội thánh Tin lành và điều đau xót nhất của gia đình là đứa con gái bị sát hại một cách tàn bạo mà không được điều tra để biết nguyên nhân:
“Người chết đây là con gái, 8-9 tuổi rồi, mà chết bị cắt cả ngón tay, hai bên chân, móc hai con mắt. Bên bác sĩ muốn khám nghiệm tử thi nhưng công an ngăn cản, không cho làm. Gia đình họ cũng viết đơn gửi công an nhờ tìm thủ phạm giết hại con gái của họ nhưng chính quyền và công an không hề giúp đỡ gì cho họ.”
Qua câu chuyện những phận người Việt kém may mắn, Hòa Ái chia sẻ với quý vị một bài thơ của thính giả Đảm Quang Phan với mong muốn của tác giả gửi đến chính quyền Việt Nam trong dịp cuối năm 2016.
“Đất lành thì chim đậu
Xây tổ ấm sinh sôi
Môi trường sống khắc nghiệt
Chim vỗ cánh bay thôi.
Làm sao mà nhốt được
Cho hết những chim trời
Quy luật đời vốn thế
Sao có thể cưỡng cầu?
Người vượt biên năm xưa
Có phải là tội phạm
Nhận tiền của họ đưa
Phạt tù đi, có dám?
Cũng là vượt biên cả
Có khác chút nào đâu
Góp tiền thành yêu nước
Không tiền, chịu nỗi đau
Sao không biết xấu hổ
Họ hại gì nước dân?
Họ tìm nơi để sống
Họ tìm cái họ cần
Họ đi, không có tội
Tội là mỗi chúng ta
Không thể tạo ra được
Môi trường để…thiết tha!”
Nguyện ước cho năm 2017
Trong không khí của ngày đầu năm mới 2017, qua cuộc trao đổi ngắn với Mục sư Aga xoay quanh cuộc sống không tổ quốc của những người Việt tại Thái Lan, vị mục sư chia sẻ với RFA về ước nguyện của cộng đồng người Việt tị nạn tại đây:
“Nhiều người ước mong năm mới có sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc (UN) và các tổ chức nhân quyền để bảo vệ và giúp đỡ họ được sớm đi nước thứ ba. Đó là mong ước của tất cả mọi người trong cộng đồng tị nạn tại Thái Lan.”
Hòa Ái cũng hỏi thăm về ước mong trong năm mới 2017 của người dân là nạn nhân trong biến cố thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên, một thính giả cho biết:
“Nguyện vọng của người dân là số tiền 500 triệu USA của Formosa bồi thường mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhận; dù sao đối với họ thảm họa đã xảy ra rồi và họ chấp nhận cuộc sống mới; bây giờ người dân mong muốn rằng Nhà nước phải dùng đồng tiền đền bù cho xứng đáng với họ. Họ mong muốn được ổn định cuộc sống bởi vì không còn nhiều thời gian từ nay đến Tết và cũng như ra năm là mùa đánh bắt mới đối với họ.”
Tại Sài Gòn, thính giả AnNam Dương Lâm, thành viên của tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam, bày tỏ niềm hy vọng trong năm mới rằng:
“Năm 2017, tôi hy vọng rằng người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ không gánh chịu một thảm họa nào của nhân tai và thiên tai,đặc biệt là những thảm họa về nhân tai giáng xuống để làm những người dân Việt Nam phải tổn thất về nhân mạng cũng như tài sản nữa. Thứ hai, tôi hy vọng tất cả những tù nhân lương tâm, những người đã hy sinh thân mình đấu tranh cho tự do-dân chủ-nhân quyền của Việt Nam, được trở về trong vòng tay của gia đình, bè bạn. Tôi cũng cầu mong sức khỏe cho tất cả tù nhân lương tâm của Việt Nam. Thứ ba, tôi mong ước người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, sẽ có nhiều người hơn nữa đừng im lặng và sẽ lên tiếng trước những vấn đề bất công của xã hội, lên tiếng để giúp đỡ đồng bào của mình, những người thấp cổ bé họng đang bị các thế lực của chính quyền chà đạp. Tôi cũng hy vọng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có nhiều người hơn nữa thức tỉnh để quy trở về với nhân dân, chung tay với người dân thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đưa dân tộc Việt Nam cường thịnh, giàu mạnh.”
Năm 2017, tôi hy vọng rằng người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ không gánh chịu một thảm họa nào của nhân tai và thiên tai,đặc biệt là những thảm họa về nhân tai giáng xuống để làm những người dân Việt Nam phải tổn thất về nhân mạng cũng như tài sản nữa.
-Thính giả RFA
Những ước mong và hy vọng của quý thính giả mà Hòa Ái vừa gửi đến quý vị có thể xem như động lực để mỗi người Việt vững vàng bước tới trong 365 ngày mới của năm 2017 trong niềm tin dân tộc Việt sẽ trường tồn và vững mạnh.
Hòa Ái xin lưu ý Ban Việt ngữ đã thay đổi số điện thoại dành cho quý thính giả tại Hoa Kỳ để nghe các chương trình phát thanh của đài. Số điện thoại mới là số 605-477-9616. Quý thính giả sau khi bấm vào dãy số vừa nêu, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ, Đài RFA.
Quý thính giả Đài á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Cùng với chương trình phát thanh một tiếng mỗi ngày từ lúc 9 giờ tối giờ Việt Nam, Ban Việt Ngữ còn có chương trình truyền hình 30 phút vào mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần; cũng như tin tức truyền trực tiếp qua các công cụ mạng xã hội Facebook, Twitter và trang chủ của RFA vào lúc 10 giờ tối mỗi ngày, trừ ngày thứ Năm.
Mọi bài vở, video đều được lưu trên trang chủ của Ban Việt Ngữ ở địa chỉ www.RFA.org/vietnamese, mời quí vị truy cập vào để nghe và xem lại.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý khán thính giả cùng độc giả đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Kính chúc quý vị năm mới 2017 an vui và hạnh phúc!
Có kỳ vọng dân chủ với luật Magnitsky?
Cát Linh, RFA
Luật Magnitsky được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ban hành thành luật và mở rộng phạm vi áp dụng với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với tình hình đàn áp, bắt bớ ngày càng tăng ở Việt Nam, luật Magnitsky có thể được xem là hy vọng cho những người đấu tranh dân chủ nói riêng và nhân quyền Việt Nam nói chung hay không?
Hoan nghênh
Nhà hoạt động Lê Dũng từ Hà Nội cho chúng tôi biết qua email rằng không chỉ riêng ông, mà cả những nhà hoạt động khác đều mong muốn điều này từ năm 2011, khi Hà Nội diễn ra những cuộc biểu tình kéo dài.
Trong những cuộc biểu tình đó, hàng loạt những cá nhân “xuống đường” đã bị đàn áp, sách nhiễu vì lên tiếng bày tỏ, kêu gọi tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hoặc đòi hỏi môi trường sạch. Không chỉ xảy ra ở các cuộc biểu tình, những nhà hoạt động khác khi lên tiếng bằng những trang blog cá nhân cũng bị bắt vì tội “chống phá nhà nước”.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cho biết bà rất hoan nghênh khi luật Nhân quyền được áp dụng ở Việt Nam:
“Tổng thống Mỹ ký điều luật đó thành luật áp dụng với các ông cộng sản như vậy thì tôi rất thích. Như vậy mới xứng đáng với những gì họ đã gây ra cho người dân Việt Nam, trong đó có gia đình của tôi.”
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thuỵ, từ Hà Nội cho biết: “Tuy chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về điều luật này nhưng cá nhân ông rất hoan nghênh”.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung cho rằng chính chế tài của Luật Magnitsky, là cấm xuất cảnh cho dù là công vụ hoặc đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ sẽ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam thận trọng hơn:
“Cá nhân Trung thì Trung nghĩ là những người lãnh đạo trong Bộ chính trị sẽ thận trọng hơn khi ra quyết định bắt giam, đàn áp hay bỏ tù phong trào đấu tranh dân chủ.”
Nhưng không nhiều kỳ vọng
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) cho biết có ba đối tượng được xem là tội phạm phải chịu chế tài của luật này:
Thứ nhất là những giới chức chính quyền và những thuộc hạ của họ hoặc những người ngoài chính phủ hợp tác với giới chức chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà được quốc tế ghi nhận.
Thứ hai là những giới chức quyền cướp đoạt tài sản của người dân.
Và thứ ba là những giới chức chính quyền can dự vào những vụ tham nhũng lớn và đàn áp những người lên tiếng vạch trần những sự việc ấy.
Cả ba đối tượng được mà Tiến sĩ Thắng nêu lên đều là những quan chức trong bộ máy nhà nước, những người có ảnh hưởng nhiều đến các chính sách phát triển của quốc gia, cả kinh tế lẫn chính trị.
Luật sư Ngô Ngọc Trai từng đưa ra lo ngại về luật Magnitsky sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho bước tiến của Việt Nam và hơn hết, là khó khăn cho người dân Việt Nam. Đối với ông, trong bất kỳ chính sách hay ký kết nào, nhân dân cũng sẽ là người gánh chịu hậu quả:
“Hãy nghĩ nhiều hơn nữa tới người dân Việt Nam, những người thấp cổ bé họng, những người dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi. Hãy nghĩ nhiều đến họ. Hãy quan tâm đến họ trong bất kỳ kế hoạch hay chính sách nào.”
Chính những người dân ấy, những người trực tiếp chịu sự đàn áp, bắt bớ tù đày, tuy vui mừng khi Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ đã tặng cho người Việt Nam một món quà nhân quyền, nhưng họ vẫn không khỏi băn khoăn để có thể hy vọng về một tương lai nhân quyền của Việt Nam, như người mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha bày tỏ:
“Tôi thấy họ (nhà cầm quyền Việt Nam) chẳng có sợ gì về những luật áp đặt họ đâu.
Tôi hy vọng, hy vọng thôi, chứ còn mà tin họ (nhà cầm quyền Việt Nam) thay đổi thì…không bao giờ.”
Bà cho biết càng ngày họ càng đàn áp nhiều hơn, vì lo sợ:
“Năm nay họ bắt biết bao nhiều người vô tù vì điều 79, 88. Họ càng sợ thì họ càng bắt vì những cái tội rất…vu vơ”
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, người vẫn còn đang trong thời gian quản chế thì nói rằng đó là “phản ứng đương nhiên” của một chế độ độc đảng cầm quyền:
“Độc tài trên một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam rất khó khăn. Lúc nào họ cũng nơm nớp lo sợ bị lật đổ. Lúc nào họ cũng sợ hết quyền lực vì quyền lực của họ không chính danh. Cho nên lúc nào họ cũng đàn áp.”
Người Việt Nam quyết định
Do đó, cá nhân Nguyễn Tiến Trung nghĩ rằng luật Magntisky hay bất cứ luật nào trên thế giới cũng sẽ khó mà thay đổi được tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam:
“Ở Việt Nam có dân chủ hay không thì phải do chính người dân Việt Nam tự quyết định lấy. Nếu người VIệt Nam không bắt tay vào hành động thì đạo luật như vậy ở Mỹ dù có một sự giúp đỡ nhất định vẫn không giúp Việt Nam dân chủ hoá được, không thể có chuyện tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam hoàn toàn được.”
Mẹ của tù nhân Đinh Nguyên Kha cũng khẳng định:
“Tự thân mình đứng lên phản đối những gì họ sai trái thôi chứ để nói là ra luật để họ làm tốt hơn thì tôi thấy là không có đâu.”
Phương cách hành động
Một trong những hình thức “bắt tay vào hành động” như cách nói của Nguyễn Tiến Trung hay “đứng lên phản đối” của bà Nguyễn Thị Kim Liên là cách mà Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng từng cho biết khi nói về Luật Magnitsky.
Theo ông, nếu người Việt Nam muốn khai dụng những biện pháp trừng phạt này đối với những giới chức là đối tượng bị trừng phạt trong nước thì cần phải thực hiện hồ sơ đầy đủ và chuyên nghiệp:
“Trong nước cần phải học ngay cách thức làm một bản báo cáo đúng với tiêu chuẩn Liên hiệp quốc, chứ không phải quay video, rồi tri hô thôi thì không được. Thủ tục phải rất chi li và đúng tiêu chuẩn quốc tế.”
Những hồ sơ và danh sách ấy sẽ được chuyển đến các dân biểu, Thượng nghị sĩ để yêu cầu trình lên Tổng thống.
Cô Kim Vân, thành viên của Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, thành viên của Khối Nhân sanh hội Cao Đài cho biết những điều kiện cần thiết để thiết lập một bộ hồ sơ đúng tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc:
“Có một tiêu chuẩn nhất định mà trước đây đã làm báo cáo về những trường hợp vi phạm đó. Đồng thời theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và Liên hiệp quốc của các quốc gia đã ký, trong đó có Hoa Kỳ đã công nhận. Sau đó sẽ viết thành một bản tường trình, cùng với chế tài và đính kèm vào những danh sách mình biết chính xác, đó là một bộ hồ sơ hoàn chỉnh”.
Cũng theo cô Kim Vân, ngoài trang mạng BPSOS, những tổ chức xã hội dân sự như Hội phụ nữ nhân quyền, các tôn giáo như Phật giáo Hoà Hảo, Khối nhân sanh hội Cao Đài…đều có các buổi học về cách thiết lập bộ hồ sơ theo tiêu Liên hiệp quốc nhằm đề nghị áp dụng chế tài của Luật Magnitsky đối với các đối tượng vi phạm.
Luật Magnitsky, như mọi người cho biết, cho dù họ vui mừng và hoan nghênh đón nhận vì tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng trong nước, tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng, dân chủ cho Việt Nam; nhân quyền cho Việt Nam, chỉ có người Việt Nam quyết định.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/magnitsky-act-vietnam-democracy-cl-12302016131414.html
Chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc
quyết bảo vệ chủ quyền
Cả nguyên thủ Việt Nam và Trung Quốc cùng đề cập tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trong phát biểu nhân năm mới 2017.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam hôm 30/12 dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang nói rằng “các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông được luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, công nhận và bảo vệ”.
“Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Quang được trích lời nói.
Theo VPG News, Chủ tịch Việt Nam nói rằng “nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong phát biểu nhìn lại năm 2016 và hướng tới năm 2017, VPG News còn dẫn lời ông Quang đề cập tới các vấn đề khác như “tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ” hay “nhiều âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt hòng chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Cũng trong một thông điệp đầu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng về vấn đề chủ quyền.
Reuters dẫn lời phát biểu của ông Tập được truyền thông Trung Quốc trích lời nói hôm 31/12: “Chúng ta trung thành với việc phát triển hòa bình, và kiên quyết bảo vệ quyền lợi và chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải”.
Ông Tập còn nói rằng “người dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai làm rùm beng chuyện này lên”. Tuy nhiên, theo Reuters, nguyên thủ quốc gia đông dân nhất thế giới không nói rõ về việc này.
Những hành động khẳng định chủ quyền của quốc gia phương Bắc của Việt Nam ở biển Đông thời gian qua, mới nhất là việc đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo ở Trường Sa, đã khiến Hà Nội lên tiếng phản đối.
Trong khi đó, một tổ chức nghiên cứu an ninh và địa chính trị trên thế giới mới công bố một bản phân tích có tựa đề nói rằng Việt Nam “đơn độc” trước Trung Quốc.
Stratfor nhận định tiếp rằng “cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển về hướng có lợi cho Trung Quốc, và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều đó rõ hơn Việt Nam”.
Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa vần vũ ở biển Đông cũng như đưa hàng không mẫu hạm duy nhất qua vùng biển tranh chấp này, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông.
Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được Fox News trích lời nói rằng động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”.
http://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-viet-nam-va-trung-quoc-quyet-bao-ve-chu-quyen/3658754.html
Nhật hoàng cùng hoàng hậu
sẽ thăm Việt Nam đầu tháng 3
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đang lên kế hoạch cho chuyến thăm đầu tiên của họ đến Việt Nam vào đầu tháng 3, theo một nguồn tin thân cận với Hoàng gia. Chuyến đi nhằm đề cao tình thân hữu, được thu xếp sau nhiều lần vợ chồng Nhật hoàng nhận được lời mời từ các lãnh đạo CSVN khi họ đến thăm Nhật Bản.
Đây sẽ là lần đầu tiên Hoàng đế và Hoàng hậu Nhật Bản có chuyến công du hải ngoại, kể từ tháng 1 năm 2016, khi họ đến Philippines thăm địa điểm của một trong những trận đánh ác liệt nhất nơi các binh sĩ Nhật Bản chiến đấu trong Đệ Nhị Thế Chiến. Họ đã tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống, kể cả người Philippines, trong khuôn khổ chuyến công du đề cao tình thân hữu quốc tế.
Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, và Hoàng hậu Michiko, 82 tuổi, dự trù sẽ tham dự một số sự kiện tại Hà Nội trước khi vào Huế trong chuyến thăm có thể kéo dài 5 ngày.
Việc chuẩn bị cho chuyến công du của Nhật hoàng diễn ra trong lúc một hội đồng cố vấn của chính phủ đang nghiên cứu tính khả thi của việc Nhật hoàng thoái vị. Trong một bài diễn văn đọc trên truyền hình hồi tháng 8 vừa qua, Nhật hoàng bày tỏ quan tâm rằng do tuổi cao, một ngày nào đó ông sẽ không thể hoàn thành quốc sự.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/nhat-hoang-cung-hoang-hau-se-tham-viet-nam-dau-thang-3/
Vietsovpetro sa thải 500 nhân viên, giảm lương 20%
Liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga- Vietsovpetro- thông báo đã sa thải hơn 500 nhân viên và giảm lương nhiều nhân viên còn lại, trong bối cảnh giá dầu thế giới đi xuống khiến doanh thu của Vietsovpetro giảm sâu.
Hôm 29 tháng 12, Vietsovpetro đưa ra báo cáo tình hình kinh doanh năm 2016, cho hay khai thác hơn 5 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu cả năm đạt gần 1.7 tỉ Mỹ kim, nộp ngân sách hai nhà nước hơn 683 triệu Mỹ kim. Trong đó, lợi nhuận phía Việt Nam gần 126 triệu Mỹ kim, và phía Nga 121 triệu Mỹ kim.
Các con số này phản ánh những sự sụt giảm khá sâu, chẳng hạn như giảm 23% về doanh thu và giảm 32% về số tiền nộp ngân sách nhà nước. So với năm 2015, liên doanh này nộp ngân sách hai nhà nước Việt Nam và Nga ít hơn 300 triệu Mỹ kim. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô năm 2016 đã giảm xuống còn 45 Mỹ kim một thùng, từ trung bình 54 Mỹ kim trong năm 2015.
Cũng theo thông báo của Vietsovpetro, do tình hình giá dầu thấp nên năm qua liên doanh này đã cắt giảm hơn 500 nhân viên, đồng thời giảm thu nhập của nhân viên khoảng 20% so với năm 2015.
http://www.sbtn.tv/vietsovpetro-sa-thai-500-nhan-vien-giam-luong-20/