Tin tức và Bình luận
Theo Nhật Báo Ba Sàm
Ước tính một phần thiệt hại kinh tế do Formosa gây ra
Posted by adminbasam on 03/07/2016
Tịnh Mộc Thường
3-7-2016
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố ô nhiễm gây ra cần nghiên cứu của các nhà khoa học trong thời gian dài (ít nhất 5-10 năm). Ví dụ sự cố nổ giàn khoan làm tràn dầu trên vịnh Mexico (ở Mỹ) do công ty BP khai thác, xảy ra năm 2010 làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong khu vực (1-6). Cho đến 6 năm sau, tức năm 2016, người ta mới có được dàn xếp cuối cùng ở tòa án và định lượng bằng thiệt hại kinh tế (tầm 20 tỷ USD). BP chi trả bồi thường theo lộ trình 18 năm.
Năm 2000, một sự cố tràn đập nước thải chứa cyanua của một công ty khai thác vàng ở Baia Mare (Romania), gây ô nhiễm nghiêm trọng các dòng dông, đặc biệt là dòng sông Tisza của Hungary (7-11). Hàng trăm nghìn tấn cá chết, môi trường sinh thái của các dòng sông bị tổn thương nghiêm trọng. Các nhà sinh vật và sinh thái học cho rằng cần ít nhất tầm 10 năm để khôi phục môi trường sông nhưng sẽ không bao giờ đạt được lại trạng thái như ban đầu.
Ở Nhật, trong lịch sử có nhiều sự cố do hoạt động công nghiệp gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng môi trường sống của các loài sinh vật, và cả con người. Người ta liệt kê các sự cố môi trường này là nguồn gốc gây ra 4 loại bệnh nguy hiểm cho người (12). Đầu tiên là bệnh itai-itai do nước thải chứa kim loại nặng cadmium (1912). Sau đó là bệnh Minamata do nước thải chứa methylmercury (1956 và 1965). Tiếp theo đó là bệnh hen phế quản do ô nhiễm không khí tạo ra bởi khí SO2 và NO2 (năm 1961). Riêng bệnh Minamata khiến số người chết lên đến hơn 6 nghìn người, tính đến năm 2006. Hậu quả của các sự cố này kéo dài đến vài chục năm và ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh. Vì sự nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường từ những năm sáu mươi, nên quy định về tuân thủ luật môi trường ở Nhật hiện nay rất nghiêm khắc và chặt chẽ.
Chi phí để phục hồi môi trường và hệ sinh thái do các sự cố chất thải công nghiệp gây ra có thể kéo dài đến chục năm, thậm chí lâu hơn. Theo nghiên cứu khoa học năm 2013 về ảnh hưởng của sự cố tràn đập chứa cyanua xảy ra năm 2000 ở Romania, ảnh hưởng đến sông Tisza nơi mà hệ sinh thái không phục hồi hoàn toàn sau 13 năm. Một số loài cá biến mất khỏi môi trường. Đối với sự cố ở Việt Nam xảy ra ở dọc các tỉnh Miền Trung, chi phí phục hồi hiện trạng môi trường biển cần có chương trình nghiên cứu các giải pháp để phục hồi trong thời gian dài tầm 10 năm. Trên cơ sở đó mới tính được chi phí cho các chương trình phục hồi là bao nhiêu.
Thiệt hại kinh tế trực tiếp của các cá nhân và tổ chức phải được điều tra đánh giá cụ thể. Thông thường các cá nhân và tổ chức bị thiệt hại kinh tế phải tự kê khai hoặc mời các tổ chức đánh giá thiệt hại và yêu cầu Formosa bồi thường. Trong trường hợp Formosa từ chối thì có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết. Việc tương tự đã được thực hiện ở Mỹ (đối với sự cố nổ giàn khoan dầu của BP năm 2010). Chính phủ không nên đứng ra dàn xếp với Formosa, mà phải để người dân tự giải quyết với Formosa (thương lượng tự nguyện) hoặc thông qua tòa án.
Chi phí Formosa phải nộp phạt theo quy định của luật Việt Nam. Hiện tại quy định này không đủ mức răn đe. Các nhà lập pháp cần ghi tiền nộp phạt dưới dạng giá trị tương đối (%) so với tổn thất gây ra. Ghi số tiền cụ thể sẽ không lường được mức độ nghiêm trọng của các sự cố trong tương lai.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra đầu tháng 04/2016 làm tổn thương nghiêm trọng môi trường – hệ sinh thái dọc ven biển bốn tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Thừa Thiên Huế). Sự tổn thương này khiến cá và các loài sinh vật biển chết với khối lượng lớn trên diện rộng.
Thiệt hại do chất thải công nghiệp gây ra cần được đánh giá đầy đủ để bồi thường. Công ty Formosa gây ra sự cố bắt buộc phải bồi thường các chi phí bao gồm:
- Chi phí để phục hồi hiện trạng môi trường – hệ sinh thái.
- Thiệt hại kinh tế trực tiếp đến cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương.
- Nộp phạt do quy định luật của nước sở tại.
- Thiệt hại cho người tiêu dùng do giảm lượng hải sản trên thị trường.
- Thiệt hại điều trị bệnh cho các thợ lặn và người đã chết vì nhiễm độc.
Dưới đây chỉ là ước tính thiệt hại kinh tế cho ngư dân các tỉnh. Cần chú ý là ước tính này chỉ là một phần nhỏ, chưa bao gồm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản, các công ty du lịch và các dịch vụ hậu cần đánh bắt cá dọc bốn tỉnh Miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Cũng chưa tính đến chi phí nộp phạt mà Formosa phải chi trả.
Thiệt hại kinh tế chính xác là bao nhiêu thì rất khó ước tính vì người viết không có con số thống kê cụ thể. Theo báo người lao động (13) thì riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã làm kinh tế biển, gồm 24.000 người lao động làm nghề biển. Nếu lấy con số này làm trung bình cho mỗi tỉnh thì có chừng 100.000 ngư dân bị thiệt hại trực tiếp từ thảm họa môi trường. Thu nhập hàng tháng của ngư dân không ổn định, lúc ít lúc nhiều. Như ở xã Triệu Vân (Quảng Trị), thu nhập của ngư dân một số thôn là 2-3 triệu đồng/tháng và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá thì thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng (14). Ở xã Quỳnh Long (Nghệ An), thu nhập nghề cá tầm 8.5 triệu đồng/tháng (15).
Giả sử thời gian để khôi phục hoàn toàn tình hình đánh bắt cá như ban đầu (trước khi bị ô nhiễm) là 10 năm, tương đương 120 tháng, cần bồi thường thu nhập. Uớc tính mỗi ngư dân có thu nhập bình thường là 5 triệu đồng/tháng. Với thời gian, môi trường phục hồi dần nên số tiền đền bù giảm. Năm thứ nhất bồi thường 5 triệu/tháng, năm thứ hai 4,5 triệu/tháng và cứ như vậy cho đến năm thứ 10 là 0,5 triệu/tháng (Bảng 1). Với giả thuyết này, ước tính mức bồi thường thiệt hại kinh tế cho ngư dân đánh bắt cá trên biển ít nhất là 33 nghìn tỉ đồng tương đương 1.5 tỉ USD (tỉ giá 1 USD = 22000 đồng). Nếu số ngư dân bị thiệt hại là lớn hơn, ví dụ 1 triệu người thì số tiền cần đền bù đến 15 tỉ USD.
Trên thực tế, thời gian để phục hồi hoàn toàn năng suất đánh bắt cá của ngư dân có thể dài hơn. Đó là chưa tính đến niềm tin của người tiêu dùng đối với hải sản đánh bắt trong khu vực bị nhiễm độc. Dù ngư dân có đánh bắt được hải sản nhưng dân chúng không mua vì sợ bị nhiễm độc.
Ước tính bên trên là chưa tính đến các thiệt hại kinh tế cần đền bù cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản. Theo báo đăng (16), riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Trong tương lai gần, chắc chắn các hộ này sẽ khó có thể nuôi trồng lại hải sản vì môi trường vẫn còn bị nhiễm độc hoặc là niềm tin của người tiêu dùng đã bị giảm sút.
Nếu tính thêm tổng thiệt hại kinh tế cần đền bù cho các công ty du lịch biển dọc các tỉnh này cộng thêm chi phí phục hồi hệ sinh thái biển thì số tiền đền bù sẽ lớn hơn nhiều lần so với con số công bố (500 triệu USD).
Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước ở các tỉnh liên quan nên tính toán lại thiệt hại cẩn thận nhằm tránh gây tổn thất kinh tế cho người dân. Riêng về việc khôi phục hệ sinh thái, rất cần có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học để ước tính thiệt hại cần bồi thường. Vì chi phí khôi phục hệ sinh thái là lớn và cần nhiều thời gian và nguồn lực (17).
Giải pháp tốt nhất là các hộ dân, các công ty yêu cầu Formosa bồi thường. Nếu Formosa từ chối thì có thể khởi kiện ra tòa. Về việc chi trả bồi thường, Formosa có thể trả hết một lần hoặc theo lộ trình thời gian. Ví dụ công ty BP chi trả bồi thường trong sự cố nổ giàn khoang dầu ở vịnh Mexico theo lộ trình 18 năm.
Quốc Hội nên sửa luật môi trường, chỉ nêu con số tương đối (%) theo mức độ tổn hại. Tránh ghi số tiền phạt cụ thể trong luật.
Tham khảo
- Gulf Coast fighting for recompense. Theo http://www.aljazeera.com, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP oil spill: Five years after ‘worst environmental disaster’ in US history, how bad was it really? Theo http://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP settles with injured Deepwater Horizon cook as trial looms. Theo http://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP settles 2010 Gulf oil spill claims with US states for record $18.7bn. Theo http://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP’s $20bn Gulf of Mexico payout wins approval . Theo http://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- Gulf of Mexico oil spill: BP loses bid to make others pay compensation. Theo https://www.theguardian.com, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- Antal et al. 2013. Changes in fish assemblage in the Hungarian section of River Szamos/Someş after a massive cyanide and heavy metal pollution. NORTH-WESTERN JOURNAL OF ZOOLOGY 9 (1): 131-138.
- Death of a river. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- Hungary demands action over pollution. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- One year on: Romania’s cyanide spill. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- The Cyanide Spill at Baia Mare, Romania. BEFORE, DURING AND AFTER. UNEP/OCHA Report on the Cyanide Spill at Baia Mare, Romania.
- Four big polution diseases of Japan. Theo https://en.wikipedia.org.
- Quảng Bình thu gom hơn 100 tấn cá chết sau thảm họa “biển chết”. Theo http://www.nld.com.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Theo http://www.baoquangtri.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Bình quân mỗi chuyến biển của ngư dân Quỳnh Long thu nhập trên 30 triệu đồng. Theo http://www.baonghean.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Hà Tĩnh lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra. Theo http://www.vnexpress.net, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Cá chết chỉ là bề nổi…Theo http://www.nld.com.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
SỰ KIỆN NỔI BẬT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016
Posted by adminbasam on 03/07/2016
1-7-2016
Ảnh: Khi có một điều gì đó để biểu lộ, người ta không cần đến trang điểm (Angela Merkel). Nguồn: internet
1. Đại hội Đảng 12 diễn ra với quy mô lớn chưa từng có về số lượng đại biểu (1.510 đảng viên), sự tốn kém về tổ chức (bao gồm cả việc huy động đông đảo công an, quân đội và an ninh để bảo vệ sự thành công tốt đẹp của đại hội).
2. Bầu cử đại biểu quốc hội khoá 14 với lượng người tự ứng cử đông đảo nhất từ trước cho đến nay và cũng bị loại với những cách thức và lý do chưa từng có trong tiền lệ đối với những người này. Sau kỳ bầu cử, tỷ lệ đảng viên trúng cử đại biểu quốc hội là 96% – một con số “vô địch” so với tất cả các tỷ lệ người trong đảng trúng cử các kỳ trước vốn luôn từ 90% trở lên theo cơ cấu ấn định sẵn bởi cơ chế “đảng cử dân bầu”. Chuyện đăng nhầm tỷ lệ trúng cử 68.32% đối với ông Tổng bí thư đảng cộng sản lần đầu tiên xảy ra, sau đó được sửa lại là 86.32%. Số tiền chi cho một kỳ bầu cử này là 3.600 tỷ đồng.
3. Bầu lại 4 chức danh cao nhất của nhà nước trước khi quốc hội khoá 13 chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ: Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch Uỷ ban thường vụ quốc hội. Để rồi đến tháng 07.2016 quốc hội mới (khoá 14 vừa thành công tốt đẹp và rực rỡ, hoàn thành sứ mệnh lớn lao chỉ có đảng thực hiện toàn bộ các công đoạn từ đầu đến cuối) lại tiếp tục bầu lại 4 chức danh chủ chốt này.
4. Tổng thống Mỹ Barrack Obama sang thăm chính thức Việt Nam để thiết lập quan hệ toàn diện với chúng ta. Hoa Kỳ đã xoá bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hiện tượng Obama đã tạo nên một cơn sốt hay chuẩn xác hơn là làn sóng về việc nhận thức của người dân đối với người Mỹ, đất nước Mỹ và cả các giá trị Mỹ. Thay vì 21 phát đại bác bắn rền vang để đón tiếp vị tổng thống da màu “hay khóc” nhưng giỏi hùng biện này là hàng triệu người dân trắng đêm đợi ông trên các đường phố ở Hà Nội và ít ngày sau đó là Sài Gòn.
5. Thảm hoạ cá chết diện rộng tại các tỉnh miền Trung khiến dân chúng cả nước choáng váng và kinh hoàng. Đặc biệt là những thông tin trái chiều liên tục sau đó được các ban ngành, cán bộ chính quyền từ trung ương đến địa phương đưa ra mâu thuẫn, phủ định lại nhau khiến dân chúng không biết tin vào đâu. Người dân khắp nơi biểu tình đòi hỏi “cá cần nước sạch và dân cần minh bạch”. Thảm hoạ này chưa từng có trong tiền lệ kể cả về mức độ, tính chất nghiêm trọng và cách xử lý sự cố của nhà cầm quyền. Người dân biểu tình được coi là trái luật và có tình trạng bị đánh đập, bắt giữ tuỳ tiện. Đến nay đã công bố chính thức thủ phạm là Formosa gây ra thảm hoạ này sau 03 tháng kéo dài “điều tra”. Việc cứu trợ ngư dân mặc dù đã ít ỏi, chưa đến tay đã bị ăn chặn, ăn bớt bởi các quan tham và đê tiện.
6. Chuyện Bob Kerry được bà Tôn Nữ Thị Ninh xới lên và đả kích bằng việc moi móc quá khứ của ông đối với thảm sát Thạnh Phong năm 1969 trong khi hay tin ông Bob sẽ được làm Chủ tịch Hội đồng tín thác trường Fulbright Việt Nam (FUV). Tuy nhiên, một lần nữa việc người dân bày tỏ quan điểm mở cửa cho một nền văn minh hiện diện tại Việt Nam lại chiến thắng những quan điểm bảo thủ, cổ hủ và lạc hậu, ôm mãi quá khứ để giải quyết những chuyện tương lai. Song song với đó là việc VTV sau khi đưa tin dựng chuyện về “cây chổi quét rau” thì đã mở một chương trình 60 phút để đấu tố người dùng facebook về động cơ chia sẻ để rằn mặt người dân, đặc biệt liên quan đến thảm hoạ cá chết ở miền Trung, và sau đó là truy tìm mục đích “xấu xa” của những người làm từ thiện. Tuy nhiên họ đã thất bại một cách toàn diện xét về khía cạnh dân chúng.
7. Chuyện Bố làm Bộ trưởng đương thời bổ nhiệm con trai mới 25 tuổi đảm nhận các chức danh mà tương đương phó vụ trưởng một bộ được phanh phui khi ông này hết nhiệm kỳ, và người dân được một phen bàng hoàng khi biết việc làm ăn thua lỗ tới hàng trăm tỷ của các công ty do cậu này quản lý trong khi lại lãnh lương bỏ túi hàng tỷ đồng. Trước đó, tương tự, một ông Phó chủ tịch một tỉnh lại ngang nhiên được lãnh chức vị này kiêm đại biểu quốc hội khoá 14 trong khi vào năm trước còn làm lỗ tới 3.200 tỷ đồng ngân sách. Khi tại vị Phó chủ tịch tỉnh, ông này sử dụng xe siêu sang biển xanh làm xe tư và nói đó là xe của tài xế lương ba triệu đồng còi cọc.
8. Hai chiếc máy bay quân sự là Su-30 và Casa-212 thuộc hàng hiện đại nhất hiện nay liên tiếp bị “rơi” trên vùng biển nước nhà mà “không rõ nguyên nhân” khiến 10 phi công thiệt mạng. Trong khi cả nước còn đang đau xót thì VTV phát động và diễn chương trình tưng bừng “đêm đại nhạc hội làm sạch biển”. Một nhà báo dùng từ “tan xác” với chiếc máy bay thì bị tước thẻ tức thì. Trong khi đó một nhà báo khác ví “nghề báo như con chó” thì lại tiếp tục được làm nhà báo đàng hoàng.
9. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức điều tra hình sự cùng có hiệu lực vào ngày 01.07.2016 đã xảy ra các sai sót nghiêm trọng chỉ trước thời điểm có hiệu lực ít ngày và có nguy cơ phải tạm đình chỉ thi hành các đạo luật quan trọng bậc nhất này của một quốc gia. Đây là một sự khủng hoảng đối với công cuộc lập pháp nước nhà. Nó báo động tình trạng về trình độ của đại biểu quốc hội, trách nhiệm khi thẩm tra, biểu quyết và thông qua luật của các nghị sỹ.
10. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ đã xảy ra hiện tượng hạn hán và bị xâm lấn ngập mặn (thảm hoạ kép) khiến hàng triệu người dân khốn đốn vì thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân của hạn hán là do Trung Quốc đã xây 12 con đập trên vùng thượng nguồn sông Mê Kông và đã không xả nước nên dẫn đến Việt Nam bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, trước đây có một báo cáo rằng việc Trung Quốc xây các con đập ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông là gần như không gây tác động gì đến chúng ta.
11. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng bằng việc phát tờ rơi tại hội nghị quốc tế Shang-ri-la. Đồng thời với đó là các hành vi gây hấn rõ rệt trên biển đông bằng các động thái quân sự như mang vũ khí ra đảo, tôn tạo các bãi đá nhân tạo, diễn tập tấn công chiến đấu, tự xác lập vùng nhận diện phòng không trên biển (ADIZ). Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc lại tiếp tục đi đến ký kết một thoả thuận được gọi là “hợp tác an ninh trên biển” với nội dung là gì chưa được công bố.
12. Thiên hạ được một phen rúng động khi chứng kiến một người lớn tuổi hơn cõng một ông quan nhỏ khi tới nhiệm sở họp mà nước ngập chưa tới đầu gối và bậc thềm cách xe ô tô đỗ chỉ vài bước chân. Trong khi đó, người ta cũng phát hiện ra có tới 11 triệu người đang “ăn” lương nhà nước, tức tiền thuế của dân, với mức Nợ công đã lên tới con số kỷ lục, vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người, hơn 30 triệu đồng một nhân khẩu. Và con số tham nhũng rơi vào khoảng 20 – 30 tỷ đô la (USD), hơn nữa World Bank đã chính thức cắt hỗ trợ vay ODA cho Việt Nam từ năm 2017. Nhưng rất may, Chính phủ đã phát hiện ra trong dẫn vẫn còn 500 tấn vàng chưa sử dụng mà đang tìm mọi cách huy động cho “nền kinh tế”.
13. Sự việc cô bé bị cưa chân do sự “tắc trách” của bệnh viện đến câu chuyện “đúng quy trình và rút kinh nghiệm” trở thành một nỗi ám ảnh của dân chúng. Chuyện đặc cách hay hứa hẹn tương lai sau một tai nạn luôn được sử dụng như là một cách xử lý “chữa cháy” và “cảm tính” mà không để tâm đến việc giải quyết theo luật pháp khiến cho quan hệ xã hội bị méo mó, lệch lạc và dẫn tới việc coi thường pháp luật trong đời sống.
14. Chuyện ba ông Tây yêu môi trường tự nguyện lội xuống sông Tô Lịch vớt rác đã bật ra câu chuyện khôi hài khi chính quyền địa phương phải yêu cầu họ xin phép thì mới được làm. Tương tự như vậy, việc một quán cafe mở cửa kinh doanh mang tên “Xin chào” mà không “xin phép” nên đã bị cưỡng tố hình sự một cách quyết liệt đến cùng để đưa người làm ăn vào vòng tù tội phi lý. Cũng vì thế, chuyện một người dân xây chuồng gà để chăn nuôi cũng “bắt buộc” phải xin phép chính quyền sở tại. Những chuyện bi hài về thủ tục hành chính và sự áp đặt vô lối đã khiến xã hội trở nên ngột ngạt, bị xâm hại đến mức nghiêm trọng, khiến người dân không còn tin vào pháp luật.
TÍNH KHOA HỌC VÀ MỨC ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT Ở MIỀN TRUNG DO
CHÁNH PHỦ VIỆT NAM CÔNG BỐ
Posted by adminbasam on 02/07/2016
Nguyễn Minh Quang, P.E.
2-7-2016
PHẦN DẪN NHẬP
Chính phủ họp ngày 30-6-2016. Nguồn: internet
Gần 3 tháng sau khi xảy ra việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố nguyên nhân, vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. “Theo chỉ đạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam [HLKH&CN], các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol [C6H5OH], xyanua [cyanide (CN–)],… kết hợp với hydroxit sắt [iron hydroxide (Fe(OH)2)], tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.” [1]
Những gì được công bố trong cuộc họp báo dường như không khác gì mấy so với “Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung” của Văn phòng Chính phủ được đưa ra cùng ngày [2]. Mặc dù nguyên nhân của việc cá chết được xác định bởi các cơ quan chuyên môn của Việt Nam với sự đóng góp của “… 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước” và “… có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế;” không có một phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, dữ kiện khoa học, hay tài liệu nghiên cứu để dùng làm cơ sở. Chính điều nầy đã nảy sinh ra những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố. Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu về những nghi vấn đó dựa trên các sự kiện biết được từ trước cho đến nay.
TÍNH KHOA HỌC
Theo nguyên nhân do Chính phủ Việt Nam công bố, các độc tố như phenol và xyanua trong nước thải từ nhà máy Formosa đã kết hợp với hydroxit sắt để tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) có tỉ trọng lớn hơn nước biển. Cái mixel nầy là nguyên nhân khiến hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Đây là một kết luận liên quan đến hóa học và độc tố học tạo ra nhiều câu hỏi về tính khoa học của nó. Các câu hỏi nầy có thể gồm:
Hydroxit sắt ở đâu ra?
Dạng phức hỗn hợp (mixel) là gì?
Công thức hóa học của mixel ra sao?
Phenol, xyanua và hydroxit sắt ở nồng độ nào mới kết hợp thành mixel?
Tỉ trọng của mixel là bao nhiêu?
Độc tố của mixel như thế nào?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải thích thêm là “…nghiên cứu này khẳng định hợp chất theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh đến Huế. Nó như tấm đệm, hấp thụ chất kim loại tiếp nếu có trong biển, đặc biệt nó chứa phenol, Xyanua nó có nhu cầu oxy, lấy oxy và có độc tố nên gây cái chết của hải sản. Đáy biển hiện vẫn có dấu vết.” [3] Một lần nữa, tính khoa học của lời giải thích nầy rất đáng nghi ngờ vì kết quả nghiên cứu và “dấu vết hiện còn ở đáy biển” cũng không được công bố.
(Bảng 1 – Kết quả phân tích mẫu nước thu thập ngày 15/4/2016 [4])
Nhưng kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô vào ngày 15 tháng 4 năm 2016 (Bảng 1), trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của Chính phủ Việt Nam cũng như lời giải thích của Bộ trưởng Trần Hồng Hà vì cả hai chất phenol và xyanua đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa ammonium (NH4–) cao hơn tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh của Việt Nam là 0,1 milligrams per Liter (mg/L). Năm mẫu nước nầy có nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ NH4– nầy, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero [5].
Ammonia/ammonium làm cho các phiến mô của mang cá sưng lên và dính vào nhau khiến cho cá không thở được mà chết [6]. Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì ammonia/ammonium.
MỨC ĐỘ CHÍNH XÁC
Khi được hỏi “… đâu là mấu chốt để đi đến khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: “Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua. Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.” [7] Giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại. Về kết quả phân tích các mẫu cá chết, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Chúng tôi đã gửi cho Bộ TN&MT, Bộ KH&CN [Khoa học và Công nghệ]. Các mẫu tất nhiên có cả kim loại nặng, còn về số lượng thế nào thì bộ không được công bố.” [8] Và nếu kết quả phân tích không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả sử rằng chính cái “yếu tố cực độc” khác đã giết hàng loạt cá biển ở miền Trung; và lập luận nầy có cơ sở khoa học vững chắc vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách nguồn nước thải trên 250 km. Nếu giả sử nầy đúng thì mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố chỉ là “con số không!”
Hình 2 – Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nguồn: internet
Ngoài việc xác định mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố, lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn tạo thêm nghi vấn về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Thật vậy, nếu việc khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết rất đơn giản theo như lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại sao phải huy động tất cả cơ quan chuyên môn và khoa học gia trong nước cùng với sự phản biện “độc lập” của chuyên viên quốc tế và mất gần 3 tháng để đi đến kết luận?
MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung trong tháng 4/2016 do Chính phủ Việt Nam vừa công bố dường như không giải đáp thỏa đáng những gì đang được người dân mong đợi. Ngược lại, nó còn đặt ra nhiều nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân do Chính phủ Việt Nam công bố. Để làm sáng tỏ những nghi vấn đó, Chính phủ Việt Nam nên cứu xét những việc sau đây:
- Công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước dùng cho việc truy tìm nguyên nhân.
- Duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt các tiêu chuẩn 52 nhưng đang trong giai đoạn thử, do đó chưa cơ quan nào được gọi vào, khi họ nói tôi đã vận hành thì mới vào.
Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được, đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thông quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm.” [9] Cách tốt nhất là nước thải từ Formosa nên được giữ lại ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
- Công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điều chỉnh thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép cho Formosa.
KẾT LUẬN
Cuối cùng thì Chính phủ Việt Nam cũng đã chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung vào tháng 4 vừa qua. Sau gần 3 tháng làm việc, Bộ KH&CN phối hợp với Viện HLKH&CN và các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia và khoa học gia đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước, cùng với sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định nước thải từ Formosa, Vũng Áng – có chứa độc tố như phenol, xyanua,… – kết hợp với hydroxit sắt tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam, là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Những gì được công bố trong cuộc họp báo dường như không khác gì mấy so với thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ được đưa ra cùng ngày. Mặc dù nguyên nhân của việc cá chết được xác định bởi nhiều cơ quan chuyên môn và chuyên gia của Việt Nam với sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế; không có một phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, dữ kiện khoa học, hay tài liệu nghiên cứu để dùng làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân được công bố. Chính điều nầy đã nảy sinh ra những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân việc cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố.
Kết luận của Chính phủ Việt Nam liên quan đến hóa học và độc tố học tạo ra nhiều câu hỏi về tính khoa học của nó. Hơn thế nữa, kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực Lăng Cô vào ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của Chính phủ Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa NH4– với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ NH4– nầy, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero.
Giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như lời tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại. Và nếu kết quả phân tích mẫu cá không được công bố, bất cứ ai cũng có thể giả sử rằng chính cái “yếu tố cực độc” khác đã giết hàng loạt cá biển ở miền Trung; và lập luận nầy có cơ sở khoa học vững chắc vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách nguồn nước thải trên 250 km. Nếu giả sử nầy đúng thì mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do Chính phủ Việt Nam công bố chỉ là “con số không!”
Để làm sáng tỏ những nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết, Chính phủ Việt Nam nên công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước; duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật” mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra; và công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điều chỉnh thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép xả thải cho Formosa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Lan. 30 tháng 6 năm 2016. “Công bố nguyên nhân cá chết: Formosa xin lỗi từ trái tim.” Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-formosa-xin-loi-tu-trai-tim-3312646/
[2] Chinhphu.vn. 30 tháng 6 năm 2016. “Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung” Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thong-cao-bao-chi-ve-nguyen-nhan-su-co-moi-truong-gay-hai-san-chet-bat-thuong-tai-4-tinh-ven-bien-mien-Trung/280262.vgp
[3] Mạnh Nguyễn. 30 tháng 6 năm 2016. “Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD vì gây ra vụ cá chết hàng loạt.” BizLive. http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/formosa-cam-ket-boi-thuong-500-trieu-usd-vi-gay-ra-vu-ca-chet-hang-loat-1758358.html
[4] Đại Dương. 27 tháng 4 năm 2016. ”Bước đầu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Huế.” VNTinnhanh. http://vntinnhanh.info/buoc-dau-ket-luan-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-tai-hue.html
[5] Robert Boumis. Accessed June 30, 2016. “How does ammonia affect my saltwater aquarium?” Demand Media. http://pets.thenest.com/ammonia-affect-saltwater-aquarium-12090.html
[6] Brian Oram. Acessed June 30, 2016. “Ammonia in Groundwater, Runoff, and Streams.” Water Research Center. http://www.water-research.net/index.php/ammonia-in-groundwater-runoff-and-streams
[7] Phạm Hiếu – Võ Văn Thành. 30 tháng 6 năm 2016. “Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu’.” VNExpress. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-toi-vua-trai-qua-84-ngay-cang-thang-nang-triu-3428300.html
[8] N.Khánh – H.Nam – H.Thành – N.Văn. 6 tháng 5 năm 2016. “Bộ NN&PTNT có kết quả phân tích mẫu cá chết.” Tiền Phong. http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-nnptnt-co-ket-qua-phan-tich-mau-ca-chet-1000865.tpo
[9] Vũ Lan. 1 tháng 7 năm 2016. “Công bố nguyên nhân cá chết: Hỏi khó, trả lời thẳng.” Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-hoi-kho-tra-loi-thang-3312648/