Tin tức ngày – 23/01/2018
Chính phủ Mỹ mở cửa lại với dự luật chi tiêu tạm thời
Tình trạng đóng cửa của Chính phủ Mỹ kết thúc sau khi đảng Cộng hòa và Dân chủ bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu tạm thời.
Lãnh đạo đảng Dân chủ đồng ý ủng hộ dự luật sau khi chấp nhận lời hứa của đảng Cộng hòa cho một cuộc thảo luận về tương lai của những người nhập cư Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.
Tổng thống Donald Trump ký vào bản dự luật này vào tối thứ Hai, 22/1.
Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa, không thể giải ngân
Trump và đảng Dân chủ đổ lỗi cho nhau
Mỹ bắt đầu giảm tài chính cho LHQ
Trump phủ nhận kỳ thị chủng tộc
Đây là biện pháp tạm thời thứ tư kể từ tháng 10/2017 vì Điện Capitol không thể thống nhất cho một ngân sách dài hạn.
Dự luật ngân sách đã được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 81 phiếu thuận, 18 phiếu chốn. Tỷ lệ tại Hạ viện là 266-150 hôm thứ Hai.
Giải pháp ngân sách tạm thời này sẽ duy trì nguồn ngân sách cho chính phủ đến hôm 8/2 với hy vọng Quốc hội có thể đạt được thỏa thuận ngân sách dài hạn trong thời gian đó.
Hàng ngàn nhân viên liên bang đã buộc tạm nghỉ việc không lương từ hôm 20/1 có thể thở phào nhẹ nhõm.
Đảng Cộng hòa nói gì?
Lãnh đạo Khối đa số ở Thượng viện Mitch McConnell nói rằng đảng của ông đã “sắp xếp” để đàm phán về chính sách nhập cư.
Phía đảng Dân chủ muốn bảo vệ những người gọi là Dreamers, tức khoảng hơn 700.000 người nhập cư vào Hoa Kỳ khi còn là trẻ em, khỏi bị trục xuất.
Nhưng đảng Cộng hòa kiên quyết rằng không có thỏa thuận nào có thể xảy ra khi các dịch vụ của chính phủ liên bang bị đóng cửa.
Thông cáo của Tổng thống Trump viết: “Tôi hài lòng rằng các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã nhận ra được vấn đề.”
“Chúng ta sẽ chấp nhận một chính sách dài hạn về nhập cư nếu, và chỉ khi nào, đó là điều tốt cho nước ta,” ông Trump nói.
Đảng Dân chủ ‘nhún nhường’?
Các đảng viên Dân chủ lên tiếng hoài nghi về lời hứa của ông McConnell và một số nhóm đang tức giận trước thỏa thuận mở lại chính phủ.
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Những người có khả năng là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 2020 gồm Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand, Cory Booker, Bernie Sanders và Kamala Harris, đều bỏ phiếu chống lại dự luật hôm thứ Hai.
Thượng nghị sĩ Harris, bang California, nói rằng sẽ thật “dại dột” nếu như tin lời hứa của ông McConnell về việc đưa ra một dự luật nhập cư trong những tuần tới.
Thượng nghị sĩ bang California, Dianne Feinstein, nói với tờ The Hill rằng, bà “rất thất vọng” trong thỏa thuận này vì không có gì bảo đảm rằng đảng Cộng hòa sẽ giúp Dreamers.
Ai là người chiến thắng?
Bình luận của phóng viên Anthony Zurcher của BBC News tại Washington
Tình trạng đóng cửa chính phủ đã kết thúc, nhưng cuộc chiến nhập cư và ngân sách vẫn âm ỉ. Cả hai bên đều cố gắng tuyên bố thắng cuộc nhưng với mức độ vinh quang khác nhau.
Những người phe Cộng hòa đang rất vui mừng – vì không giống như những lần đóng cửa chính phủ trước – họ không bị trầy trật một chút nào. Lãnh đạo Khối đa số ở Thượng viện Mitch McConnell hứa hẹn một cuộc tranh luận cởi mở và bỏ phiếu về việc bảo vệ Dreamers, nhưng trên thực tế, điều này có thể không xảy ra, ba tuần lễ từ nay, các đảng viên Dân chủ gây áp lực đóng cửa chính phủ lần nữa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42784790
Châu Á-Thái Bình Dương: động đất và núi lửa
Cảnh báo sóng thần được đưa ra gần Alaska sau một loạt địa chấn khiến núi lửa phun ở Nhật Bản, Philippines và động đất ngoài khơi Indonesia.
Tại Alaska, Hoa Kỳ, cảnh báo sóng thần được đưa ra sau trận động đất mạnh đến 8.0 độ Richter ở bờ biển phía Nam Alaska.
Nhật Bản: Một người lính Nhật Bản đã thiệt mạng do núi lửa Kusatnu-Shirane phun trào gây lở tuyết.
Ít nhất 11 người bị thương, một vài trong số đó bị thương nghiêm trọng tại điểm nằm về phía Tây Bắc Tokyo.
Vụ phun trào đã khiến cho các tảng đá rơi xuống trên gần Kusatnu ở vùng đảo miền trung Nhật Bản, truyền thông địa phương cho biết.
Chuyện về những cái cây biết đi
Hòn đảo Indonesia thay đổi lịch sử khoa học
Nhật Bản dỡ cảnh báo sóng thần
Các trận lở đất khủng khiếp không phải luôn chỉ gây hại?
Cơ quan khí tượng thuỷ văn Nhật Bản đã cảnh báo người dân không được phép leo núi và cho rằng khả năng các đợt phun trào tiếp theo không thể bị loại trừ.
It nhất, 78 người trượt tuyết vẫn còn đang mắc kẹt trong một ngôi nhà trên đỉnh núi vào chiều thứ Ba.
Philippines: Núi lửa Mayon có nguy cơ phun trào trong những ngày tiếp theo.
Chính phủ Philippines đã nâng cảnh báo núi lửa Mayon phun trào lên mức độ cao nhất vào hôm thứ Hai (22/1) sau hoạt động gần đây của nó.
Trước đó, Mayon đã phun trào dung nham kết hợp các đám khói đen dày đặc hôm 13 tháng 1, khiến hơn 40.000 người phải bỏ nhà đi lánh nạn ở tỉnh Albay.
Philippines đã phải đóng cửa các trường học và kêu gọi người dân nên ở lại trong nhà vì lượng khói khổng lồ của núi lửa có thể lan rộng đến 10km.
Indonesia: Trận động đất mạnh 6.1 độ Richter làm rung chuyển đảo Java.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất xảy ra ở độ sâu 43km dưới biển.
Tâm chấn của trận động đất nằm ở ngoài khơi bờ biển, cách thủ đô của Indonesia về phía tây nam khoảng 130km.
Trận động đất đã khiến cho người dân hoảng loạn, nhiều tòa nhà rung lắc và ít nhất 10 sinh viên bị thương.
Indonesia: lở đất phá hủy hơn 30 ngôi nhà
Indonesia: Phi cơ quân đội rơi, 13 người thiệt mạng.
Indonesia: Người Orang Rimba phải cải đạo để sinh tồn
Hiện chưa có báo cáo nào về số lượng thương vong nhưng chính phủ cho biết sáu sinh viên ở một trường trung học trên đảo Java, gần tâm chấn của trận động đất, đã bị thương nặng sau khi mái nhà của trường bị sập. Hai sinh viên khác bị chấn thương nhẹ.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42789189
Trung Quốc, Nam Hàn phản đối mức thuế mới của Mỹ
Trung Quốc và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối sau khi Mỹ đã áp đặt các mức thuế gây tranh cãi lên máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ nước ngoài.
Động thái trên nằm trong chính sách thương mại “Ưu tiên hàng Mỹ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh của nước ngoài.
Ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á thuộc tập đoàn tư vấn toàn cầu Oxford Economics ở Hong Kong cho biết chính quyền Hoa Kỳ sau một thời gian dài do dự đã bắt đầu đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại giống như những gì đã được hứa hẹn trong chiến dịch bầu cử. Ông Louis dự đoán trong tương lai Hoa Kỳ có thể áp đặt mức thuế này với các sản phẩm như thép và nhôm.
Mức thuế đối với máy giặt mà Mỹ mới đưa ra đã gây nên một cú sốc lớn cho Tập đoàn Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc.
Hàng năm, hai hãng khổng lồ này xuất khẩu khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu máy giặt sang Hoa Kỳ, với doanh thu khoảng 1 tỷ USD, chiếm một phần tư thị trường máy giặt của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho biết mức thuế mới của Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ông Kim cũng nói rằng Washington đã đặt chính trị lên trên cả các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi Trung Quốc, quốc gia sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đã gọi động thái này của chính quyền Washington là một phản ứng quá mức, có thể gây tổn hại cho môi trường kinh doanh toàn cầu đối với các sản phẩm bị đánh thuế.
Cục trưởng Cục Phòng vệ và Điều tra Thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Vương Hạ Quân nhận định rằng Mỹ đang lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, và Trung Quốc mạnh mẽ phản đối vấn đề này. Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ hợp tác với các thành viên WTO khác để kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng nhằm đáp trả lại quyết định sai lầm của Hoa Kỳ.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của Trung Quốc (MIIT) cho biết triển vọng mở rộng của các công ty năng lượng mặt trời ở nước ngoài không còn lạc quan; tuy nhiên Trung Quốc vẫn khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trong khoảng thời gian và quy mô thích hợp.
Theo chính sách thuế mới của Mỹ thì 1,2 triệu máy giặt nhập khẩu đầu tiên trong năm thứ nhất sẽ chịu mức thuế 20%. Nếu số lượng máy giặt nhập khẩu vượt qua con số nêu trên, mức thuế sẽ là 50%. Đến năm thứ ba, thuế quan sẽ giảm xuống các mức lần lượt là 16% và 40%.
Trong khi đó, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ chịu mức thuế 30% trong năm đầu tiên, trước khi giảm xuống mức 15% đến năm thứ tư.
Trung Quốc nói
không có tin về người bán sách mất tích
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23 tháng 1 cho biết Bộ này không có thông tin gì về ông Quế Dân Hải, một nhà xuất bản bất đồng chính kiến tại Hong Kong, công dân Thụy Điển, người được cho là đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi hôm thứ bảy, 20/1.
Con gái của ông Quế Dân Hải là bà Angela Quế nói với đài phát thanh Thụy Điển là ông Quế đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt khi ông trên chuyến tàu đi Bắc Kinh cùng hai nhà ngoại giao Thụy Điển để gặp bác sĩ khám bệnh. Hiện gia đình ông vẫn không biết ông ở đâu. Cô Angela cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của ông Quế.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết Bộ trưởng Ngoại giao nước này là Margot Wallstrom đã triệu đại sứ Trung Quốc đến để hỏi về vấn đề này.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh là cả hai nước Trung Quốc và Thụy điển có các kênh giao tiếp mở, và nếu có vấn đề gì thì cả hai bên sẽ nêu ra. Vì vậy hiện giữa hai nước không có vấn đề gì. Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói bà tin là một cơ quan khác có liên quan của Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề về sự mất tích của ông Quế một cách thỏa đáng theo luật.
Bộ Nội vụ Trung Quốc hiện không có bất cứ bình luận nào về sự mất tích của ông Quế.
Ông Quế Dân Hải là một trong 5 người ở Hong Kong đã từng bị mất tích hồi năm 2015 và sau đó được phát hiện là đã bị Trung Quốc giam giữ. Ông Quế bị bắt khi đang đi nghỉ ở Thái Lan. 4 người khác sau đó đã trở về Hong Kong.
Ông Quế được trả tự do vào tháng 10 năm ngoái sau khi phải chịu án tù vì tội vi phạm giao thông hồi năm 2003. Con gái ông Quế cho biết kể từ khi được thả, ông Quế đã phải sống trong một căn hộ có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.
Ông Quế là người đã xuất bản các cuốn sách nói về đời tư của những lãnh tụ đảng cộng sản Trung Quốc.
Sau khi được tin ông Quế Dân Hải mất tích, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng, gọi việc bắt ông Quế của cảnh sát Trung Quốc là hết sức đáng ngạc nhiên và kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải trả tự do cho ông ngay lập tức.
Người đại diện cho Tổ chức Ân xá Quốc tế về Trung Quốc, William Nee nói việc ông Quế bị bắt đi ngay trước mắt các nhà ngoại giao là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) viết trong tuyên bố của mình gửi cho hãng tin AFP rằng các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Thụy Điển và Liên minh châu Âu EU phải có hành động đáp trả mạnh mẽ.
Vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi năm 2012 với hàng loạt các vụ bắt bớ nhắm vào các luật sư và các nhà hoạt động xã hội thời gian qua.
Bangladesh trì hoãn
việc hồi hương người Rohingya về Myanmar
Myanmar chỉ trích Bangladesh là nguyên nhân khiến chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về lại nơi sinh sống cũ đã không bắt đầu đúng thời điểm hai quốc gia đã quy định là ngày 23 tháng Một.
Nói với báo chí tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, ông Bộ Trưởng Bộ Hợp Tác Quốc Tế Kyaw Tin cho hay Myanmar đã sẵn sàng để đón toán người Hồi Giáo Rohinya đầu tiên từ Bangladesh về lại nơi cư ngụ cũ của họ là bang Rakhine, nhưng ông nghe nói phía Bangladesh chưa sẵn sàng để thực hiện kế hoạch.
Ông Bộ Trưởng Kyaw Tin cũng cho biết đang chờ câu trả lời chính thức từ chính phủ nước bạn.
Theo thỏa thuận giữa 2 quốc gia, chương trình đưa gần 690,000 người Hồi Giáo Rohingya từ Bangladesh về lại Myanmar sẽ bắt đầu kể từ sáng nay, và sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm. Nhưng vào ngày 22 tháng Một, ông Mohammad Abul Kalam, người điều hành chương trình tỵ nạn của Bangladesh lại nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm, trước khi có thể đưa toán người Rohingya đầu tiên trở về đất Miến.
Hôm nay, một viên chức của Bangladesh giải thích với hãng thông tấn Reuters rằng Bangladesh thấy không nên vội vã, sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ nước láng giềng để đảm bảo an ninh cho người Rohingya, trước khi đưa họ về lại Myanmar.
Viên chức không nêu tên này nói rõ chỉ khi nào những điều kiện vừa nêu được giải quyết thỏa đáng, lúc đó mới đưa người tỵ nạn về lại Myanmar.
Những người Rohingya này chạy từ bang Rakhine sang Bangladesh xin lánh nạn, nói rằng họ bị binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar đàn áp, sau khi quân đội Myanmar thực hiện những cuộc hành quân bài trừ khủng bố hồi tháng Tám năm ngoái.
Người tỵ nạn Rohingya còn cáo buộc binh sĩ và an ninh Myanmar tội đốt nhà, bắn giết, cướp của và hãm hiếp phụ nữ.
Cũng vào sáng ngày 23 tháng Một, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cùng với những tổ chức thiện nguyện quốc tế lại lên tiếng kêu gọi hai chính phủ Bangladesh và Myanmar phải suy tính lại chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về Myanmar.
Trong cuộc họp báo tại Geneve, ông Filippo Grandi, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa, như vấn đề an ninh, nhà ở, sinh sống… cho người Rohingya khi họ trở về bang Rakhine, chưa kể đến điều cộng đồng quốc tế từng nhiều lần nói tới là chính phủ Myanmar phải cho người của tập thể Hồi Giáo này được quyền nhập tịch.
Ông Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng Myanmar phải cho các các đoàn quan sát nước ngoài đến quan sát tại chỗ, để đảm bảo chương trình đưa người tỵ nạn thật sự an toàn khi họ trở về nơi cứ trú cũ. Đến giờ, ông nói tiếp, ngay chính nhân viên của Liên Hiệp Quốc vẫn không được chính phủ Myanmar cho phép tự do đi lại nên rất khó hoàn thành trách nhiệm.
Phái đoàn Hàn Quốc sang Bắc Hàn chuẩn bị Olympics
Một phái đoàn Nam Hàn vào ngày 23/1 đi qua biên giới sang phía Bắc Triều Tiên để kiểm tra địa điểm tập luyện liên quan đến Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.
Vừa qua hai miền Triều Tiên đồng ý với nhau cho các vận động viên Bắc Hàn được tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay được tổ chức ở Nam Hàn. Hai miền thành lập một đội nữ khúc côn cầu trên băng chung cũng như hai đoàn diễu hành dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc.
Hai miền Triều Tiên cũng đồng ý để các vận động viên trượt tuyết miền nam được tập luyện cùng các vận động viên miền bắc tại khu trượt tuyết Masikryong. Ngoài ra hai bên cũng thống nhất về một hoạt động văn hóa chung tại Núi Kim Cương thuộc miền Bắc.
Theo hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn thì chuyến làm việc của phái đoàn miền Nam ở Bắc Triều Tiên lần này là đầu tiên sau hai năm gián đoạn.
Hàn Quốc và các nhà tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang tìm cách cổ xúy đây là một kỳ Thế vận Hòa Bình nhằm mở ra cánh cửa đối thoại với miền Bắc, mà suốt năm qua luôn lời qua tiếng lại nặng nề với phía Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, những người phản đối ở Nam Hàn cho rằng Tổng thống Moon Jae-in đang dùng các vận động viên vào mục tiêu chính trị và cáo buộc ông này có quá nhiều nhượng bộ đối với Bình Nhưỡng.
Ngũ Giác Đài
tính mở rộng hợp tác chống khủng bố với Indonesia
Ngũ Giác Đài đang cân nhắc tăng cường hợp tác chống khủng bố với lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cho hay trong chuyến thăm Jakarta.
Đơn vị đặc biệt, có tên Kopassus, đã bị cáo buộc về một loạt các vi phạm nhân quyền, bao gồm cả thủ tiêu và tra tấn, chủ yếu vào những năm 1990. Ông Mattis nói rằng lực lượng này kể từ thời gian đó đã được cải tổ.
Sau khi gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu, và các nhà lãnh đạo khác, ông Mattis nói: “Đó là cách đây 20 năm, và chúng tôi sẽ xem xét tính từ thời điểm đó”.
Chuyến thăm của ông Mattis nhằm mở rộng hợp tác quân sự chung với Indonesia, nước này đang hiện đại hóa quân đội và đã thể hiện họ ngày càng sẵn sàng phản bác lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Indonesia cũng đang đối phó với việc hàng trăm người Indonesia đã chiến đấu cùng với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq nay có thể trở về nước.
Ông Mattis phát biểu khi đứng cùng người đồng nhiệm Indonesia: “Chúng tôi sẽ mở rộng theo những cách thức đáp ứng cho bất kỳ đề nghị nào từ Indonesia về chống khủng bố, trong đó bao gồm cả làm việc với các đơn vị đặc biệt”.
Sau hội đàm, Bộ trưởng Ryacudu nói ông muốn ông Mattis giúp giảm những hạn chế pháp lý cản trở quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ với lực lượng đặc biệt tinh nhuệ.
Ông Mattis nói: “Theo các quy định của chúng tôi, có các thủ tục chặt chẽ về việc khôi phục hợp tác với một đơn vị đã bị cáo buộc hoặc đã có những hành động nhất định. Và chúng tôi sẽ đi qua các thủ tục đó”.
Hoa Kỳ hiện đã có quan hệ rất thân thiết với quân đội Indonesia. Từ năm 2013, theo một quan chức Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã bán vũ khí, thiết bị trị giá hơn 1,5 tỷ đôla cho Indonesia trong chương trình bán hàng quân sự nước ngoài, bao gồm máy bay trực thăng Apache và chiến đấu cơ phản lực F-16. Jakarta đang xem xét mua thêm F-16.
Hôm 24/1, ông Mattis sẽ đi Việt Nam, ở đó, Trung Quốc có thể là một trọng tâm chính trong các bàn thảo.
Ngũ Giác Đài tuần trước công bố Chiến lược quốc phòng mới đặt ưu tiên vào cạnh tranh địa chính trị của Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga.
Việt Nam là một trong những nước chỉ trích nhiều nhất về tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông và đã có nhiều va chạm với các tàu Trung Quốc trong khu vực.
Trong chuyến thăm Indonesia hôm 23/1, ông Mattis đã nhắc lại nhiều lần về tầm quan trọng của “pháp quyền” và “tự do hàng hải” – những ý kiến dường như nhắm đến Trung Quốc.
Mỹ siết chặt kiểm tra các chuyến bay từ Trung Đông
Hoa Kỳ ngày 22/1 ra lệnh khẩn cấp yêu cầu kiểm soát kỹ hàng hóa trên những chuyến bay từ 5 nước Trung Đông đến Mỹ vì đe dọa khủng bố.
Lệnh của Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông TSA nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố để đối phó với “những đe dọa thường xuyên đối với hàng không,” TSA cho biết trong một tuyên bố.
Những nước bị ảnh hưởng bởi lệnh này là Ai Cập, Jordan, Ả Rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vì phát hiện “ý đồ của những tổ chức khủng bố tấn công hàng không,” tuyên bố cho biết.
TSA nói hầu hết những yêu cầu của lệnh khẩn cấp đã được các hãng hàng không của một số nước tự nguyện thi hành, nhưng không cho biết nước nào.
Những hãng hàng không TSA nói bị ảnh hưởng của lệnh này là hãng hàng không EgyptAir, hoạt động tại Phi trường Quốc tế Cairo; hãng hàng không Saudia, hoạt động tại Phi trường Quốc tế King Abdul-Aziz và Phi trường Quốc tế King Khalid; Qatar Airways, hoạt động tại Phi trường Quốc tế Doha; và Emirates và Etihad, hoạt động tại Phi trường Quốc tế Dubai và Phi trường Quốc tế Abu Dhabi. Hãng hàng không EgyptAir trước đó đã ngưng nhận hàng hóa trên các chuyến bay đến Mỹ theo yêu cầu của nhà chức trách Hoa Kỳ.
Theo yêu cầu của lệnh khẩn cấp, các hãng hàng không phải cung cấp một số thông tin cho các giới chức hải quan Mỹ về các chuyến bay trong thời điểm sớm nhất trước khi chuyển hàng lên máy bay. Tin tức về các chuyến hàng sau đó sẽ được so sánh với tin tức Hoa Kỳ có được về những đe dọa khủng bố.
https://www.voatiengviet.com/a/my-siet-chat-kiem-tra-cac-chuyen-bay-tu-trung-dong/4219736.html
Mỹ-Trung tố cáo nhau đe dọa thương mại toàn cầu
Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, đe dọa hệ thống mậu dịch toàn cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/1 tuyên bố sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói việc Mỹ ủng hộ Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 là một sai lầm.
Những qui định của WTO không hiệu quả trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ một chế độ kinh tế thị trường, và Hoa Kỳ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập cơ quan thương mại thế giới này, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định tuần trước.
Báo cáo được công bố trong lúc ông Trump đang cân nhắc một loạt các hành động thương mại chống lại Bắc Kinh kể cả một quyết định (dự kiến đưa ra vào tuần tới) liên quan đến cuộc điều tra “Section 301” về việc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, Bắc Kinh tuân thủ chặt chẽ những qui luật của tổ chức này, thi hành những nghĩa vụ của họ và góp phần vào việc phát triển hệ thống đa phương.
Bà Oánh nói tiếp là các nước khác được hưởng lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc hiện đang quyết tâm theo đuổi con đường cải cách và mở cửa cũng như ủng hộ một nền kinh tế toàn cầu thông thoáng.
Trung Quốc đã tìm cách chứng tỏ là một nước ủng hộ mậu dịch toàn cầu trước các chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump mặc dù Bắc Kinh bị giới kinh doanh nước ngoài và các chính phủ chỉ trích rằng nhiều phần trong thị trường Trung Quốc được bảo hộ tránh sự cạnh tranh của nước ngoài.
Các chỉ trích cũng cho rằng chính sách công nghiệp của Trung Quốc tìm cách đồng hóa và thay thế công nghệ nước ngoài.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói Trung Quốc đã không tuân thủ các lời hứa tiến đến kinh tế thị trường.
Trong một cuộc phỏng vấn tuần qua, ông Trump nói với Reuters là ông đang tính tới một hình thức “phạt” đối với Trung Quốc vì đã buộc các công ty Mỹ chuyển giao sở hữu trí tuệ nếu muốn kinh doanh tại Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-to-cao-nhau-de-doa-toan-cau/4219721.html
Nhân viên liên bang sẽ được trả lương
trong thời gian chính phủ đóng cửa
Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật bảo đảm rằng các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang trong thời gian chính phủ đóng cửa 3 ngày khởi sự từ hôm 20/1, sẽ được trả lương đầy đủ.
Sau cuộc biểu quyết ở Thượng viện, dự luật nay được đưa sang Hạ viện để được thông qua.
Theo luật định, nhân viên chính phủ không được trả lương khi ngân quỹ tài trợ cho hoạt động của chính phủ bị cạn kiệt, ngay cả những nhân viên được xem là cần thiết và không được nghỉ trong khi chính phủ đóng cửa.
Dự luật ngắn hạn vừa thông qua sẽ đảm bảo là mỗi nhân viên đều được nhận lương trong thời gian này.
Dự kiến Tổng thống sẽ ký thành luật ngay khi dự luật được đưa tới ông.
Sau 3 ngày chính phủ đóng cửa, chiều ngày 22/1, Tổng thống Trump họp với các Thượng nghị sĩ Dân chủ tại Tòa Bạch Ốc, thảo luận về vấn đề di dân.
Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, cam kết tháng sau sẽ đề ra dự luật về di trú nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 8/2.
Thượng nghị sĩ số hai của phe Cộng hòa tại Thượng viện cho hay Tổng thống Trump nóng lòng muốn tham gia vào cuộc tranh luận về di trú và đạt một giải pháp.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ để cho dự luật giúp chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ tiến tới sau khi lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell cho biết ý định muốn đạt một thỏa thuận lưỡng đảng về vấn đề di trú và ngân sách.
Theo AP
Hoãn phóng tên lửa Falcon Heavy
vì chính phủ Mỹ đóng cửa
Công ty Không gian SpaceX không thể phóng thử tên lửa Falcon Heavy tại Trung tâm Không gian Kennedy do bị ảnh hưởng của việc chính phủ ngừng hoạt động khiến cho nhiều công việc chuẩn bị cho cuộc phóng tên lửa bị trì hoãn, theo 45thSpace Wing.
Báo US Today trích lời 45th Space Wing 45 nói: “Do các nhân sự chủ chốt của kế hoạch phóng thử tên lửa bị ngưng làm việc, The 45th Space Wing không thể tiếp tục vụ phóng tên lửa tại Trung tâm Không gian Kennedy.” Wing cho biết thêm rằng các hoạt động phóng tên lửa tại Trung tâm Kennedy và Trung tâm phóng phi thuyền ở Cape Canaveral cũng ngưng hoạt động cho đến khi chính phủ làm việc trở lại.
The 45th Space Wing là một đơn vị của Không quân Hoa Kỳ chuyên các sứ mệnh thám hiểm không gian.
Báo Newsweek trích lời ông John Taylor, người phát ngôn của công ty SpaceX nói trong một tuyên bố: “Việc chính phủ đóng cửa cũng ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi với khách hàng, bao gồm các đồng minh quốc tế quan trọng, các kế hoạch phóng tên lửa từ Căn cứ không quân Cape Canaveral và Vandenberg, cũng như các nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho Trạm không gian Quốc tế vào mùa xuân này.”
Việc phóng thử tên lửa được dự kiến thực hiện vào ngày thứ Sáu 19/1 và sau đó bị dời sang ngày thứ Bảy 20/1, và rồi bị đình lại do chính phủ ngừng hoạt động.
https://www.voatiengviet.com/a/hoan-phong-ten-lua-falcon-heavy-vi-chinh-phu-my-dong-cua/4218786.html
Nhật Bản: TPP-11 không có Mỹ sẽ ký vào tháng 3
11 quốc gia muốn lập một khối thương mại châu Á-Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận dự kiến trước đó sẽ ký hiệp định ở Chile vào tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản cho hay hôm 23/1.
Các quan chức thương mại đã gặp nhau tại Tokyo để giải quyết các khác biệt, trong đó có yêu cầu của Canada về bảo vệ các ngành công nghiệp văn hoá của họ như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Đạt được thỏa thuận là chiến thắng cho chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, họ đã vận động hành lang đầy khó khăn để cứu hiệp định, ban đầu có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Ông Abe mô tả thỏa thuận là động lực thúc đẩy tăng trưởng và cải cách ở Nhật Bản và là biểu tượng về cam kết với thương mại tự do và đa phương vào thời điểm mà Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh đến chính sách “nước Mỹ trên hết”.
Một nguồn tin trong chính phủ Canada xác nhận rằng Ottawa sẽ ký vào thỏa thuận, nói rằng nước này đã “đảm bảo được những lợi ích thực tế “.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11, sẽ là “động cơ để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ” hiện đang trỗi dậy ở các khu vực trên thế giới.
Ông nói thêm là Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận với Washington với hy vọng thuyết phục Mỹ tham gia.
Các bộ trưởng từ 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Úc và Canada, đã đồng ý hồi tháng 11/2017 về những điều cốt lõi để tiếp tục mà không có Hoa Kỳ.
Canada, nước muốn bảo vệ các ngành văn hoá của mình, và Việt Nam, nước lo ngại về các quy định bảo hộ lĩnh vực lao động, sẽ trao đổi các phụ lục với các thành viên khác về những chủ đề đó vào thời điểm ký kết, Bộ trưởng Motegi nói.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-tpp11-khong-co-my-se-ky-vao-thang-3/4220402.html
Kinh Tế : “Choose France” hay sức hấp dẫn của Pháp
Một bữa dạ tiệc tại lâu đài Versailles để thu về “hơn ba tỷ euro” qua một loạt các dự án đầu tư cho nước Pháp. Một ngày trước Diễn Đàn Thế Giới Kinh Tế tại Davos khai mạc, lâu đài Versailles là điểm hẹn của nhiều doanh nhân toàn cầu.
Trong số 140 thượng khách của tổng thống Pháp ngày 22/01/2018, gồm có chủ tịch tổng giám đốc của những cây đại thụ trong thế giới kinh tế tài chính toàn cầu như ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, hãng nước ngọt Coca Cola, lãnh đạo của những Facebook, Google, Alibaba của Trung Quốc hay nhãn hiệu xe hơi Nhật Bản quá quen thuộc là Toyota.
Đây là lần thứ ba kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2017, tổng thống Macron bắt cộng đồng quốc tế phải chú ý đến nước Pháp. Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và tân lãnh đạo Pháp nhân dịp lễ Quốc Khánh 14 tháng 7 được đánh giá là một đòn ngoại giao ngoạn mục của điện Elysée.
Đến tháng 12/2017 sau khi hội nghị khí hậu COP32 kết thúc, Paris với thượng đỉnh ” One Planet Summit” mời hàng chục lãnh đạo trên thế giới và hàng trăm tổ chức hội đoàn, những gương mặt hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tập hợp về thủ đô nước Pháp.
Lần này Pháp trải thảm đỏ ngay tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, nơi từng là cung điện của Ông Vua Mặt Trời – Louis XIV để mời các doanh nhân trên thế giới chọn quê hương Colbert là bãi đáp.
Đơn giản là vì Pháp cần đầu tư nước ngoài
Theo thống kê của bộ Kinh Tế và Tài Chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Pháp bảo đảm 21 % công việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp. Gần 30 % các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) do các hãng ngoại quốc tài trợ.
Tối qua, tổng thống Macron và 16 bộ trưởng đã dành thời gian để có những cuộc trao đổi tay đôi với những doanh nhân năng động nhất. Emmanuel Macron đương nhiên là đã sử dụng ngôn ngữ của Shakespeare để trao đổi với 140 thượng khách của phủ tổng thống. Trong số này hơn phân nửa là các lãnh đạo tập đoàn châu Âu, 25 % từ Mỹ sang và 25 % còn lại đại diện cho các hãng của châu Á và Trung Đông.
Nỗ lực của tổng thống Pháp dường như đã được đền bù một cách xứng đáng : hãng xe Nhật Toyota thông báo đầu từ 300 triệu đô la vào nhà máy ở Onnaing, miền bắc nước Pháp, tuyển dụng 700 nhân viên với hợp đồng vô hạn định.
Đại diện cho mạng xã hội Facebook của Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg đến Paris với hai dự án quan trọng nhằm đào tạo cho 65.000 người trong lĩnh vực công nghệ số, đầu tư 410 triệu euro để phát triển thông minh nhân tạo. Công ty dược phẩm của Thụy Sĩ Novartis đến điện Versailles với món quà không kém phần hấp dẫn qua dự án đầu tư 900 triệu euro vào Pháp.
Sáng nay, phát ngôn viên của chính phủ thông báo “hơn 3 tỷ euro các dự án đầu tư đã được thông báo” nhân buổi dạ tiệc ở điện Versailles vừa qua.
Sáng kiến mời giới lãnh đạo các đại tập đoàn từ Âu sang Á và nhất là của Mỹ đến Pháp vào thời điểm này được coi là rất khôn ngoan. Theo thăm dò được Phòng Thương Mại Mỹ và cơ quan tư vấn Bain có trụ sở tại Boston thực hiện hồi tháng 11/2017, hình ảnh của nước Pháp trong mắt các doanh nhân Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể. Hơn 70 % những doanh nhân được hỏi có một cái nhìn “tốt” về nước Pháp.
Tỷ lệ này trong năm 2016 là 30 %. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Pháp năm 2017 tăng ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Thăm dò do viện Ipsos thực hiện vào cuối 2017 cũng cho thấy 60 % trong số 200 công ty ngoại quốc đang hoạt động tại Pháp đánh giá quốc gia này “có sức hấp dẫn cao“. Một năm trước đó tỷ lệ này giao động ở mức từ 42 đến 46 %.
Thêm vào đó, tổng thống Emmanuel Macron được coi là một nhà lãnh đạo năng động, có tầm nhìn xa về một chiến lược chung cho châu Âu. Trong lúc Anh Quốc sau Brexit, chuẩn bị rời khỏi con tàu châu Âu. Nhìn sang Hoa Kỳ, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp của chính quyền Trump có vẻ hấp dẫn nhưng chiến lược thương mại của Mỹ gây lo ngại.
Sức hấp dẫn của Paris qua nhiều kênh
Chiến dịch chiêu dụ các doanh nhân thế giới chọn Pháp làm địa bàn hoạt động của tổng thống Macron không dừng lại ở đây. Lợi dụng Brexit, Paris muốn phần nào thay thế Luân Đôn trở thành địa điểm tài chính hấp dẫn của châu Âu. Pháp đang chuẩn bị những điều kiện ưu đãi dành riêng cho các tay mối giới chứng khoán để “hút chất xám từ Luân Đôn” một khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ; tuyển dụng các chuyên gia về luật doanh nghiệp nước ngoài, mở thêm trường trung học đa sinh ngữ cấp 2 và 3 để có thể đón nhận thêm 1000 học sinh ngay từ mùa khai giảng tháng 9/2018.
Liệu đấy có phải do Hiệu ứng Macron?
Với các doanh nhân, ngoài môi trường sống, thì chìa khóa để đến hoạt động tại một quốc gia vẫn là khung pháp lý, luật lao động và chính sách thuế khóa. Trên tất cả các điểm này Paris nỗ lực cải tổ luật chơi chung.
Ngay từ tháng 12 năm ngoái, 70 lãnh đạo các chi nhánh của các công ty ngoại quốc làm ăn tại Pháp đánh giá cao các biện pháp cải tổ đầu tiên của cặp bài trùng Emmanuel Macron –Edouard Philippe. Quan trọng hơn cả là luật cải tổ lao động. Kế tới là hàng loạt các biện pháp giảm thuế doanh nghiệp. Pháp dự trù giảm thuế doanh nghiệp đang từ 33 % xuống còng 25 % trước khi ông Macron kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.
Cũng Paris đang bàn thảo về các biện pháp giảm thuế cho những thành phần có thu nhập cao.
Nói cách khác, thông điệp mà Paris gửi tới các nhà giàu có trên thế giới : Hãy chọn nước Pháp là cửa ngõ mở ra thị trường châu Âu rộng lớn.
Vườn ươm mầm cho công nghệ kỹ thuật số
Bên cạnh những lợi thế như là chất lượng cuộc sống, điều khoản thuận lợi về thuế khóa thì Paris còn tận dụng một lá chủ bài khác : Pháp chẳng những là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học của thế giới mà còn là “lò ươm giống” đầy hứa hẹn với các kỹ nghệ tương lai.
Nhà toán học từng đoạt giải thưởng Fields Cédric Villani tại điện Vesailles chủ trì một cuộc hội thảo về thông minh nhân tạo. Bộ trưởng đặc trách về công nghệ kỹ thuật số Mounir Mahjoubi tiếp chủ nhân nhiều tập đoàn high tech và đã không quên quảng báo “Trạm Không Gian Digital Station F“. Tổng thống Macron không che giấu mục tiêu “thu hút các mầm non của ngành công nghệ kỹ thuật số”, biến Paris thành một chiếc nôi của công nghệ Digital, ngang tầm với Luân Đôn hay và trong một chừng mực nào đó là “một góc thu nhỏ của vùng thung lũng Silicon Valley.
Trong mục tiêu này, mùa hè 2017, Pháp đã khánh thành “vườn ươm mầm” start –up lớn nhất thế giới Station F tại quận 13 Paris, mời 1.000 công ty khởi nghiệp đến đây làm việc, nhờ 100 công ty đã thành đạt đỡ đầu cho các “mầm non“.
Báo chí ngoại quốc nghĩ gì trước các đòn ngoạn mục của Pháp để thu hút doanh nhân ?
Tờ báo tài chính Anh, Financial Times hài hước ví tổng thống Emmanuel Macron với “Ông Vua Mặt Trời“, khi triệu tập các doanh nhân của thế giới tại tòa lâu đài từng thuộc về vị vua Louis thứ 14 và dường như sáng kiến “Choose France” khá thành công. Tờ báo bình luận : Emmanuel Macron xuất thân từ ngành ngân hàng, ông đã “nhanh chóng tranh thủ hình ảnh tốt đẹp có được trong lòng cộng đồng quốc tế, chóng làm chủ những ngõ ngách của ngành ngoại giao thêm vào đó là tài thuyết phục” để đặt những con cờ trên ván bài kinh tế và thương mại.
http://vi.rfi.fr/phap/20180123-kinh-te-choose-france-hay-suc-hap-dan-cua-phap
Ấn Độ : Narendra Modi
và các chính sách cải cách táo bạo
Diễn đàn Kinh tế Davos hôm nay23/01/2018 khai mạc. Một trong những nhân vật tiêu biểu sáng giá tại diễn đàn lần này là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã tiến hành một cuộc biến đổi đất nước đầy tham vọng. Le Figaro đặt một câu hỏi lớn : « Tại Ấn Độ, phải chăng chính sách cải cách của Modi bắt đầu đơm hoa kết trái ? ».
Đầu tiên hết, Le Figaro so sánh cách thực thi cải cách giữa hai cường quốc châu Á có dân số đông nhất thế giới. Tại Trung Quốc, chính quyền cộng sản có thể san bằng cả một khu phố không chút thương tiếc để xây dựng một sân bay.
Ngược lại tại Ấn Độ, một đất nước có số dân đang đà qua mặt Trung Quốc, đa dạng về sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, và lại là một quốc gia dân chủ, thì việc thực hiện các chương trình cải cách đất nước sâu rộng hay phát triển các dự án cơ sở hạ tầng không phải là một điều dễ dàng.
Vậy mà chỉ trong vòng có bốn năm, thủ tướng Modi đã thành công buộc « chú voi » ì ạch đó phải chuyển động theo như cách nói ví von của người dân khi nói đến đất nước mình. Làm thế nào mà ông đạt được điều đó ? Le Figaro liệt kê ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, đó là vì ông Narendra Modi là một nhà giao tiếp ngoại hạng. Ông đã biết cách áp đặt văn hóa làm việc theo kết quả để cải cách bộ máy hành chính nặng nề và đầy tham nhũng bằng cách tiến hành chiến dịch cạnh tranh giữa các bang. Căn cứ vào 340 tiêu chí đăng trên mạng, người dân có thể so sánh hiệu năng làm việc của các công chức giữa các bang, thúc đẩy các công chức địa phương đưa ra các sáng kiến nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hạn chế tham nhũng.
Thứ hai, thủ tướng Ấn Độ đã có những quyết định táo bạo trong việc cải cách hệ thống thuế khóa Ấn Độ bị xem là quá nặng nề, đè nặng tăng trưởng và gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng nhất và được giới chuyên gia đánh giá là thành công nhất chính là GST, tương đương với thuế giá trị gia tăng TVA.
GST hợp nhất các loại thuế thành một kiểu thuế duy nhất áp dụng trên toàn lãnh thổ. Trước đây, Ấn Độ vận hành như một quần thể bao gồm 29 thị trường, tương đương với 29 bang và mỗi bang có một chính sách thuế riêng. Hàng hóa di chuyển từ bang này sang bang khác phải xếp hàng nộp thuế ở cửa khẩu mỗi bang, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, mất thời gian và làm tăng nạn tham nhũng.
Bên cạnh đó, ông còn cho ban hành bộ luật mới về phá sản, cho phép các doanh nghiệp liên quan có thêm thời hạn tìm kiếm giải pháp và giảm thiểu rủi ro thiệt hại tài chính cho chủ nợ.
Đáng chú ý là chính sách cấm lưu hành tờ 500 và 1000 rupi, nhằm chống tình trạng kinh doanh trái phép. Đương nhiên chính sách này đã làm trì trệ tăng trưởng, gây khó khăn cho hàng triệu người buôn bán và những người lao động không khai báo, nhưng đổi lại số người chịu thuế tăng thêm 50% và lượng giao dịch điện tử cũng tăng lên 80%.
Thứ ba, trên lĩnh vực xã hội, chính sách chủ đạo của thủ tướng Modi là cuộc chiến chống đói nghèo, tại một đất nước có đến gần 300 triệu người sống với mức thu nhập 2 đô la/ ngày, với ba mục tiêu chính. Đó là cấp cho những người nghèo nhất một tài khoản ngân hàng, một chế độ bảo hiểm và một nguồn vốn.
Để thực hiện chương trình này, chính phủ dựa vào căn cước sinh trắc của công dân, do những người tiền nhiệm thực hiện theo chương trình Aadhaar. Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng mở cửa rộng hơn cho tầng lớp thu nhập thấp hơn. Kết quả là thêm 300 triệu người được mở tài khoản ngân hàng trong vòng ba năm.
Số tài khoản ngân hàng và căn cước sinh trắc được kết nối với số điện thoại di động. Cả nước có hơn một tỷ người dùng điện thoại di động, trong số này có đến 350 triệu điện thoại thông minh. Nhờ vào chương trình kết nối này, các khoản trợ cấp xã hội được chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn nhìn thấy nhiều rào cản lớn trên con đường hiện đại hóa đất nước của thủ tướng Modi. Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất. Dư thừa lao động trong lĩnh vực xây dựng hay dịch vụ cho thấy là mức độ sử dụng nhân lực còn rất thấp.
Và điều đáng quan ngại nhất theo như một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, chênh lệch giàu-nghèo tại Ấn Độ ngày càng lớn. Vào những năm 1990, 10% người giàu nhất chiếm giữ 40% tài sản cả nước. Hai mươi năm sau, con số này là 55%. Trong khi 50% số người nghèo nhất trước đây chia nhau 20% tài sản còn lại trong những năm 1990 thì nay chỉ còn có 15%.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180123-an-do-narendra-modi-cai-cach-kt
Syria : Hội Đồng Bảo An
tránh né hồ sơ chiến sự tại Afrin
Giao tranh giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan ở vùng Afrin, miền bắc Syria vẫn tiếp diễn dữ dội sau khi bùng lên hôm 20/01/2018. Cuộc chiến không có dấu hiệu sớm kết thúc. Chiến dịch đã làm nhiều nước lo ngại và Hội Đồng Bảo An đã họp lại vào hôm qua theo yêu cầu của Pháp.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau, Hội Đồng Bảo An đã không đưa ra lời lên án nào cuộc tấn công do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trên lãnh thổ Syria mà chỉ bàn về thảm họa nhân đạo ở vùng bắc Syria này.
« Hội Đồng Bảo An đã không lên án, cũng không ra tuyên bố. Các nhà ngoại giao trong cuộc họp kín đã nêu lên cuộc tấn công ở vùng Afrin, nhưng lại chọn tập trung nói về tình hình nhân đạo thảm hại ở miền bắc Syria, nơi mà không một đoàn tiếp tế nào đã đến được đông Goutha hay thành phố Idlib từ tháng 11/2017.
Đại sứ Pháp François Delattre sau cuộc họp, giải thích là “không nên khỏa lấp trách nhiệm của chế độ Damas và đồng minh của họ.”
Riêng về tình hình Afrin, các quốc gia tỏ ra rất dè dặt, cho thấy là họ lúng túng trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong cuộc chiến chống thánh chiến.
Paris đã bày tỏ nỗi lo ngại trước chiến dịch đang diễn ra. Theo đại sứ Pháp, nỗi lo ngại này được các nước thành viên Hội Đồng Bảo An chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên về mặt chính thức thì chỉ có một lời kêu gọi tự “kềm chế”.
Điều mà các chính quyền lo ngại là cuộc tấn công hiện nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc họp giữa các phe Syria sẽ bắt đầu lại vào thứ Năm này tại Vienna. Sự đoàn kết giữa các đồng minh trong cuộc chiến chống Daech là tối quan trọng, cho nên theo đại sứ Pháp, phải sát cánh bên nhau để tiếp tục cuộc chiến. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180123-syria-hoi-dong-bao-an-ne-tranh-ho-so-chien-su-tai-afrin
Một ngày trước Olympic Pyeongchang,
Bình Nhưỡng kỷ niệm Ngày thành lập Quân Đội
Bình Nhưỡng thông báo chọn mồng 08/02/2018, tức một ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeonchang, là Ngày thành lập Quân Đội mới của Bắc Triều Tiên, thay vì là ngày 25/04 như từ trước tới nay.
KCNA không tiết lộ Bình Nhưỡng sẽ tiến hành những hoạt động gì nhân Ngày thành lập Quân Đội mới 08/02 nhưng theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, Bắc Triều Tiên sẽ chuẩn bị lễ diễu binh quy mô lớn.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc trước đây từng cho biết Seoul phát hiện có 13.000 quân nhân và 200 loại khí tài gần một sân bay tại Bình Nhưỡng, dường như để tập diễu binh.
Cũng trong ngày hôm nay, sau chuyến thăm Hàn Quốc 2 ngày của đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên, đến lượt Hàn Quốc cử một phái đoàn đến Bắc Triều Tiên để chuẩn bị cho các hoạt động chung của vận động viên hai nước tại Thế Vận Hội Pyeongchang và tham quan các địa điểm hai đoàn vận động viên Nam – Bắc biểu diễn văn hóa và thể thao chung để chào mừng Thế Vận Hội.
Đoàn đại biểu Hàn Quốc gồm 12 thành viên, dẫn đầu là ông Lee Joo Tae, giám đốc cơ quan trao đổi và hợp tác giữa hai miền Nam Bắc thuộc Bộ Thống Nhất. Chuyến thăm kéo dài 3 ngày tại núi Kumgang và khu trượt tuyết Masik, ở miền đông của Bắc Triều Tiên.
Sau khi đoàn đại biểu Hàn Quốc trở về Seoul, một đoàn đại biểu khác của Bắc Triều Tiên sẽ tới Hàn Quốc tham quan các sân vận động và các cơ sở phục vụ Thế Vận Hội.
WEF Davos :
IMF lạc quan thận trọng về tăng trưởng toàn cầu
Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới lần thứ 48 khai mạc tại Davos – Thụy Sĩ từ ngày 23 đến 26/01/2018. Trong số 3.000 đại biểu tham gia diễn đàn, có 1.900 chủ doanh nghiệp lớn, 70 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, cùng lãnh đạo của 45 định chế quốc tế. Ngoài ra, còn có nhiều nghệ sĩ và những người nổi tiếng trong xã hội dân sự.
Từ Davos, đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tường trình :
« Không thể phủ nhận là tình hình kinh tế thế giới sẽ tốt hơn và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên 3,9% trong hai năm tới.
Giới chủ doanh nghiệp nhìn thấy tương lai màu hồng, và nghiên cứu mà cơ quan tư vấn PWC công bố, cho thấy có tới 42% trong số họ khẳng định rất tin tưởng vào việc gia tăng các hoạt động.
Tuy nhiên, chưa bao giờ lại có rất nhiều các rủi ro đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế đến như vậy. Các nguy cơ đó không hoàn toàn là về kinh tế, ví dụ như khủng bố, các mối đe dọa về địa chính trị hoặc các hiện tượng biến đổi khí hậu. Rất nhiều vấn đề sẽ nằm trong chương trình làm việc của 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.
Các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trong suốt tuần lễ này tại nơi tổ chức diễn đàn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khai mạc diễn đàn năm nay. Năm ngoái, người mở màn diễn đàn là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người bảo vệ chủ nghĩa đa phương trước chủ trương bảo hộ của ông Donald Trump khi đó mới đắc cử tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump sẽ có mặt tại Davos để bảo vệ các cải cách của ông ấy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu vào ngày mai 24/01/2018. Ban tổ chức diễn đàn hài lòng khi gợi nhắc lại là Davos là nơi duy nhất tập hợp trong 5 ngày liên tục lãnh đạo của hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhất hành tinh. Tổng doanh thu của các công ty này là 25 tỉ đô la. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180123-wef-davos-imf-lac-quan-than-trong-ve-tang-truong-toan-cau
HRW : Tàu cá Thái Lan vẫn bóc lột lao động
Ngày 23/01/2017, tại Thái lan, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch công bố một báo cáo lên án tình trạng vi phạm nhân quyền trong ngành đánh bắt cá của Thái Lan.
Báo cáo thừa nhận chính quyền Bangkok đã có những biện pháp tích cực đấu tranh chống nạn bóc lột, ngược đãi dân chài lưới nhập cư làm việc cho các tàu cá của Thái Lan. Song tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng hiện tượng cưỡng bức lao động vẫn tồn tại.
Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok cho biết thêm thông tin :
“Chính quyền quân sự Thái Lan ngay từ năm 2015 đã đặt đấu tranh chống nạn buôn người trong lĩnh vực ngư nghiệp là một ưu tiên.
Cố gắng trên càng trở nên thúc ép vì Bangkok lo ngại bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt thương mại.
Tuy nhiên những nỗ lực của chính phủ vẫn còn chưa đủ, theo một báo cáo của Human Rights Watch, dựa trên một điều tra đã tiến hành trong 2 năm. Các trường hợp nạn nhân của nạn buôn người và lao động cưỡng bức trong ngư nghiệp chưa chấm dứt hẳn. Đây là lĩnh vực sử dựng rất đông lao động đến từ Cam Bốt và Miến Điện.
Chính phủ Thái Lan đã triển khai một hệ thống kiểm soát các tàu đánh cá nhằm theo dõi liệu có lao động nào bị chủ tàu giết trên biển hay không. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ.
Nhưng việc thanh sát như vậy chỉ làm được ở bề nổi, dựa vào kiểm tra các giấy tờ mà chủ tàu cung cấp.
Điều tra của tổ chức bảo vệ nhân quyền còn cho thấy rất nhiều ngư dân làm thuê bị trả lương dưới mức tối thiểu hoặc không được trả lương hàng tháng, theo như luật lao động mới của Thái Lan.
Human Rights Watch kêu gọi các công ty vẫn mua hải sản của Thái Lan hãy gây sức ép để Bangkok phải kiên quyết hơn trong việc áp dụng các điều luật lao động mới được thông qua.”
Cấm vận ảnh hưởng đến kinh tế
tại biên giới Trung–Triều
Các hoạt động làm ăn, buôn bán ở vùng biên giới Trung –Triều vốn nhộn nhịp, giờ trở nên ảm đạm bởi Bắc Kinh phải tuân thủ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Bắc Triều Tiên vì chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân của nước này. Trên đây là ghi nhận của AFP tại Đan Đông, thành phố đông bắc Trung Quốc bên đường biên giới với Bắc Triều Tiên.
Đến Đan Đông lúc này người ta có thể cảm nhận rất rõ tác động của lệnh trừng phạt. Đó là công xưởng hoang vắng, nhà hàng quán ăn đóng cửa hàng loạt và các khu nhà ở trống không.
Nhiều xưởng sản xuất phải ngừng hoạt động vì các công nhân Bắc Triều Tiên bị buộc phải trở về nước do lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Các hoạt động buôn bán với Bắc Triều Tiên đã giúp cho kinh tế của thành phố Đan Đông bùng nổ trong những năm qua. Tại đây, chính quyền địa phương còn thành lập một khu hợp tác kinh tế ngay bên bờ con sông Áp Lục đánh dấu đường biên giới hai nước.
Một cây cầu lớn 4 làn đường với chi phí lên tới hơn 300 triệu đô la để nối hai bờ sông đã hoàn thành từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa thể thông xe.
Ông Lục Siêu (Lu Chao), nhà nghiên cứu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội tỉnh Liêu Ninh cho hay lệnh cấm của quốc tế đang ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân Đan Đông vì : « buôn bán với Bắc Triều Tiên là trụ cột của kinh tế địa phương ».
Áp dụng trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, tất cả các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên, chủ yếu là nhà hàng, trên đất Trung Quốc phải đóng cửa trong tháng Giêng. Khoảng 90% hàng hóa nhập từ Bắc Triều Tiên cũng như ở chiều ngược lại bị cấm. Khoảng 30 nghìn người Bắc Triều Tiên làm việc tại Đan Đông cho đến hết năm ngoái. Hiện đã có 6000 người đã phải về nước.