Tin tức ngày – 15/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin tức ngày – 15/06/2018

Lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc

không chịu ảnh hưởng bởi thượng đỉnh Mỹ-Triều

Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc không chịu ảnh hưởng bởi nội dung đàm phán trong cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên bởi vì đây là một vấn đề trong liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc, hãng tin Reuters trích lời một viên chức cấp cao của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm 15/6.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hôm 12/6, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc “đầy tốn kém và mang tính khiêu khích.”

Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, do sau chiến tranh Triều Tiên 1950-53 hai bên đã kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, cho nên hai miền Triều Tiên vẫn còn trong trình trạng chiến tranh.

Viên chức cấp cao của Hàn Quốc yêu cầu không nêu tên nói với hãng tin Reuters: “Tôi xin nói rõ. Không có thảo luận nào và cũng không có thay đổi gì về vấn đề quân đội Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc.”

Viên chức này nói thêm rằng trước hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6, đã có các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ về việc “sớm” phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người được ông Trump giao nhiệm vụ thực hiện các cuộc đàm phán tiếp theo, cho biết Hoa Kỳ hy vọng sẽ đạt được “việc phi hạt nhân hóa” của Triều Tiên trong vòng 2-1,5 năm tới.

Ông Pompeo cho biết các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt vẫn còn áp dụng đối với Triều Tiên cho đến khi nào hạt nhân được giải trừ hoàn toàn.

Theo Reuters, điều này dường như mâu thuẫn với quan điểm của Triều Tiên vì họ cho rằng quá trình giải trừ hạt nhân – như đã thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần này- là sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và có tính đối ứng đôi bên.

https://www.voatiengviet.com/a/luc-luong-hoa-ky-o-han-quoc-khong-chiu-anh-huong-boi-thuong-dinh-my-trieu/4440372.html

 

Trung Quốc hy vọng Mỹ-Triều đạt giải pháp chính trị

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ngày 14/6 nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng ông hy vọng Hoa Kỳ và Triều Tiên tiếp tục nỗ lực không ngừng để đạt được một giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên, theo Tân Hoa Xã.

Ông Pompeo hiện đang công du Trung Quốc.

Ông Tập nói thêm là Trung Quốc mong muốn đóng một vai trò tích cực, xây dựng để cổ võ cho tiến trình giải pháp chính trị.

Dịp này, Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ xử lý tranh chấp mậu dịch một cách cẩn thận và thích đáng.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-hy-vong-my-trieu-dat-giai-phap-chinh-tri/4440041.html

 

Kim Jong Un muốn gặp Thủ tướng Nhật

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẵn sàng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong vòng vài tháng tới, một nguồn tin tình báo Hàn Quốc ngày 14/6 cho biết.

Nguồn tin được tờ Asahi Shimbun trích dẫn cho hay trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, ông Kim đã tỏ ý muốn họp với nhà lãnh đạo Nhật Bản. Nguồn tin này nói rằng hôm gặp ông Kim, ông Trump có nêu vấn đề công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc cách đây nhiều thập niên.

Vẫn theo nguồn tin vừa kể, ông Trump mạnh mẽ thúc đẩy ông Kim thảo luận với Nhật Bản, và ông Kim trả lời là ông muốn đối thoại với Tokyo.

Hiện không rõ ông Kim có đề cập đến thời điểm cụ thể hoặc những chủ đề cụ thể trong nghị trình gặp gỡ với ông Abe hay không.

Triều Tiên nhiều lần tuyên bố là vấn đề bắt cóc đã được giải quyết, nhưng ông Kim không bày tỏ ý kiến như vậy trong cuộc họp thượng đỉnh với ông Trump, nguồn tin cho biết.

Bình Nhưỡng công nhận bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 và đã cho phép 5 người trở về nhà vào năm 2002.

Triều Tiên nói những người khác được Nhật Bản liệt kê là bị bắt cóc thì hoặc đã chết hay chưa bao giờ đến Triều Tiên, một khẳng định mà Tokyo bác bỏ.

Theo một vài nguồn tin thông thạo về các vấn đề Triều Tiên, các giới chức Triều Tiên đang tiến hành việc chuẩn bị cho cuộc gặp Abe-Kim, có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng tới.

Một khả năng gặp gỡ khác có thể là tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông do chính phủ Nga tổ chức và dự trù diễn ra tại Vladivostok, Nga, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời ông Kim đến thăm chính thức Nga nhân diễn đàn Vladivostok. Cuộc họp thượng đỉnh Abe-Kim có thể diễn ra bên lề diễn đàn này.

(Nguồn The Asahi Shimbun/Wall Street Journal)

https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-muon-gap-thu-tuong-nhat/4439577.html

 

Bất đồng Mỹ-Trung

về việc giảm trừng phạt Bắc Triều Tiên

Mai Vân

Sau thượng đỉnh Singapore, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đi một vòng các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi đến Trung Quốc, thông báo về kết quả cuộc họp. Vào hôm qua, 14/06/2018, ông Pompeo đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo thông tín viên Heike Schmidt tại Bắc Kinh, hai bên đã có những trao đổi lịch sự, nhưng bất đồng đã lộ rõ giữa Bắc Kinh và Washington :

Donald Trump và Kim Jong Un đã được chủ tịch Trung Quốc « nhiệt liệt khen ngợi ». Cuộc gặp của họ tại Singapore được ông Tập Cận Bình đánh giá là « lịch sử, có kết quả tốt và là một bước tiến quan trọng ». Còn ngoại trưởng Mỹ thì cám ơn Trung Quốc về « Vai trò trọng yếu đã đóng để tìm một giải pháp chính trị cho hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ».

Nhưng đằng sau những trao đổi lịch sự này, Mỹ và Trung Quốc dường như không cùng quan điểm trên câu hỏi then chốt : có nên giảm trừng phạt Bắc Triều Tiên hay không sau mỗi giai đoạn của tiến trình phi hạt nhân hóa ?

Câu trả lời của ông Tập Cận Bình là cần có một cách tiếp cận theo « từng giai đoạn », có nghĩa là ông Kim Jong Un được giảm trừng phạt dần dần theo tiến độ giải trừ vũ khí. Bắc Kinh đã yêu cầu ngay sau cuộc họp thượng đỉnh là ông Kim Jong Un phải được thưởng về thiện chí của ông.

Washington không tán đồng cách tiếp cận này. Ông Pompeo đã nói thẳng : “Việc bãi bỏ cấm vận không thể diễn ra chừng nào mà không có bằng chứng là Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn phi hạt nhân hóa.”

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180615-bat-dong-my-trung-ve-viec-giam-trung-phat-bac-trieu-tien

 

Washington và Seoul thảo luận ngưng tập trận chung

Minh Anh

Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành thảo luận về việc ngưng tập trận chung hay không. Số phận của chương trình này sẽ được thông báo trong thời gian sắp tới.

Yonhap trích dẫn phát biểu của một quan chức phủ tổng thống ngày 15/06/2018 khẳng định các cuộc thương lượng đã bắt đầu. Quyết định có tiếp tục duy trì tập trận chung hay không sẽ được thông báo trong những ngày sắp tới sau khi kết thúc các cuộc tham vấn chặt chẽ giữa hai nước.

Cũng theo vị quan chức này, chừng nào các lực lượng Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc vẫn là một phần trong mối liên minh Mỹ – Hàn, thì vấn đề này không thể là chủ đề đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh, bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 14/06 tuyên bố các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc kể từ giờ « tạm ngưng vô thời hạn ».

Tổng thống Mỹ ngày 12/06/2018, trong buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã gây bất ngờ khi thông báo ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn mà ông cho là « khiêu khích »  « quá tốn kém ».

Hai nước Triều Tiên tìm cách giảm áp lực quân sự

Trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng quân sự giữa hai miền, hôm qua, 14/06/2018, lãnh đạo quân đội Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã có cuộc đàm phán đầu tiên tại Bàn Môn Điếm, sau 10 năm gián đoạn. Giới chức quân sự hai nước thảo luận các cách thức cụ thể, áp dụng các biện pháp trong tuyên bố chung do hai lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae In ký kết nhân cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều ngày 27/04/2018.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :

« Đó là một cảnh tượng khá bất thường mà các tướng lĩnh Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên phô diễn trong ngày hôm qua. Tươi cười, bông đùa, cả hai phái đoàn quân sự đã gặp nhau tại Bàn Môn Điếm, điểm liên lạc duy nhất ở ngay vùng biên giới Liên Triều.

Như để chào mừng, trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh hiếm có sự kiện một người lính Bắc Triều Tiên trong quân phục bước qua lằn ranh phân định chiến tuyến. Cả hai nước Triều Tiên thảo luận việc tái lập đường dây điện thoại đỏ giữa hai quân đội và tổ chức thường xuyên kiểu đối thoại này.

Bắc Triều Tiên dường như đã yêu cầu được giải thích cụ thể về việc miền nam sẽ ngưng tổ chức các cuộc tập trận chung ồ ạt Mỹ-Hàn. Nhân cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un, tổng thống Mỹ Donald Trump quả thật đã thông báo tạm ngưng các chiến dịch mà ông đánh giá là « trò chơi chiến tranh » khiêu khích, tốn kém và vô ích.

Tuyên bố của tổng thống Mỹ làm đồng minh Seoul bất ngờ vì đã không được báo trước. Dù vậy, Hàn Quốc cũng tỏ ra ủng hộ điều này và sau đó tuyên bố là quyết định tạm ngưng tập trận là cần thiết chừng nào cuộc đối thoại giữa hai nước vẫn tiếp tục ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180615-washington-va-seoul-thao-luan-ngung-tap-tran-chung

 

Chính Mexico cũng sẽ thiệt hại

nếu đánh thuế lên bắp và đậu nành Hoa Kỳ

Mexico City, Mexico — Hãng Reuters dẫn lời một viên chức chính phủ Mexico cho biết nước này có thể áp thuế nhập cảng trị giá 4 tỷ Mỹ Kim mỗi năm lên bắp và đậu nành Hoa Kỳ, nếu Tổng thống Trump tạo thêm căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang.

Hồi đầu tháng sáu, Mexico áp thuế trả đũa lên hàng loạt hàng hóa Hoa Kỳ, trong đó có thép, táo và thịt heo, sau khi ông Trump áp thuế lên nhôm, thép nhập cảng từ Mexico. Tuy nhiên, Mexico vẫn chưa đánh thuế lên mặt hàng ngũ cốc, đặc biệt là bắp và đậu nành, vốn là nguồn nguồn lợi nhiều nhất của Hoa Kỳ. Theo ông Bosco de la Vega, người đứng đầu Hội đồng nông trại quốc gia cho biết thuế nhập cảng ngũ cốc đã được thảo luận trong cuộc họp của Bộ kinh tế, với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo.  Thuế nhập cảng ngũ cốc sẽ nhắm vào các tiểu bang từng bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, như tiểu bang Missouri, Kansas, Iowa và Nebraska.

Tuy nhiên, quyết định áp thuế nhập cảng lên các mặt hàng này sẽ là lựa chọn cuối cùng của Mexico, là thị trường xuất cảng bắp lớn nhất của Hoa Kỳ. Bởi vì hành động này cũng sẽ gây thiệt hại cho chính Mexico. Suốt nhiều thập kỷ qua, nguồn ngũ cốc giá rẻ Hoa Kỳ đã đưa Mexico vươn lên thành quốc gia xuất cảng thịt bò với quy mô toàn thế giới. Nếu lệnh áp thuế trả đũa có hiệu lực, ngành chăn nuôi Mexico sẽ phải tìm nguồn cung từ nơi khác để bình ổn giá. Gần đây, Mexico bắt đầu tăng nhập cảng bắp và đậu nành từ Brazil và Argentina để tránh lệ thuộc vào thị trường Hoa kỳ và giảm thiểu ảnh hưởng cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lượng ngũ cốc từ Brazil và Argentina không thể bù lại số lượng ngũ cốc khổng lồ nhập cảng từ Hoa Kỳ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/chinh-mexico-cung-se-thiet-hai-neu-danh-thue-len-bap-va-dau-nanh-hoa-ky/

 

Mỹ áp thuế 25% trên 50 tỉ đôla hàng hóa TQ,

TQ tuyên bố sẽ đáp trả

Tổng Thống Trump đang thi hành biện pháp áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ đôla sau nhiều tháng hai nước đe dọa lẫn nhau trong khi lo ngại tăng cao về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại.

Tòa Bạch Ốc đã ra hạn chót là ngày 15/6 sẽ loan báo danh sách đầy đủ các món hàng sẽ bị áp thuế, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp của tq như không gian, công nghệ robot, và máy móc.

Trang mạng NPR dẫn lời Tổng Thống Trump tuyên bố hôm thứ Sáu 15/6:

“Tình bạn lớn giữa tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và quan hệ giữa hai nước đều rất quan trọng đối với tôi. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước chúng ta rất là không công bằng, trong một thời gian rất lâu rồi. Tình hình này không còn có thể kéo dài. Thí dụ, Trung Quốc từ lâu đã có những cách hành xử bất công liên quan tới việc thủ đắc tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ.”

Trung Quốc đã đe dọa sẽ kịch liệt đáp trả bất cứ sắc thuế nào mà Mỹ áp đặt đối với nước này. Bắc Kinh liệt kê danh sách một loạt sản phẩm của Mỹ, từ các sản phẩm nông nghiệp như lúa miến, đậu nành, thịt, và rượu whiskey, cho tới máy bay và xe hơi.

TQ sẽ ngay lập tức phản ứng lại và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng

Trung Quốc hàng năm nhập khẩu một lượng đậu nành trị giá trên dưới 14 tỉ đôla, gần 1/3 sản lượng đậu nành do Mỹ sản xuất.

Ngày 15/6, Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cảnh báo, nước này sẽ ngay lập tức phản ứng lại và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình”.

Lần đầu tiên ông Trump đề cập tới việc áp thuế là vào tháng Ba năm nay. Từ đó, Toà Bạch Ốc đã đưa ra những thông điệp lẫn lộn về kế hoạch áp thuế trên hàng Trung Quốc, đồng thời gửi đặc sứ sang nước này và tiếp các đại diện Trung Quốc trong khi các giới chức thương mại và tài chánh hai nước thương thuyết với nhau.

Vào lúc ông chính thức hóa các sắc thuế mới áp đặt, ông Trump tuyên bố: “Nếu Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trã đũa, như áp thuế mới lên hàng hóa, dịch vụ, hoặc nông sản của Mỹ, chính quyền của tôi sẽ đáp ứng ngay bằng cách áp đặt các sắc thuế mới khác.”

Trị giá hàng hóa Mỹ trao đổi với Trung Quốc vượt mức 635 tỉ đôla trong năm 2017, theo các số liệu của Sở Thống Kê Hoa Kỳ. Trong cùng năm, Hoa Kỳ cho biết mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc của Mỹ là 375,2 tỉ đôla.

Toà Bạch Ốc loan báo các sắc thuế mới 1 ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo gặp gỡ Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về những diễn biến liên quan tới cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.

https://www.voatiengviet.com/a/my-ap-thue-tren-50-ti-dola-hang-tq-tq-tuyen-bo-dap-tra/4440451.html

 

Mỹ có thể

rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc

Các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ về việc cải tổ cơ quan chính của Liên hiệp quốc không đáp ứng yêu cầu của Washington, có nghĩa là chính quyền Trump sẽ không tham gia diễn đàn Geneva khai mở vào thứ hai tới đây, các nhà ngoại giao và giới hoạt động cho biết.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết việc Mỹ rút lui khỏi Hội đồng Nhân quyền không còn là câu hỏi có hay không mà là khi nào. Hội đồng sẽ tổ chức kỳ họp 3 tuần kéo dài tới ngày 6/7.

Diễn đàn, thành lập năm 2006, có một chủ đề thường trực trên nghị trình làm việc xoay quanh các vi phạm tình nghi do Israel thực hiện trên lãnh thổ Palestine, điều mà Washington muốn loại ra khỏi nghị trình.

Washington nói Hội đồng đầy những phản đối chống lại Israel và từng tẩy chay cơ quan này trong 3 năm dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush trước khi trở lại dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009.

Diễn đàn 47 thành viên tháng rồi biểu quyết lập một cuộc điều tra tìm hiểu về những vụ giết chóc tại Gaza và tố cáo Israel dùng võ lực quá đáng. Hai phiếu phản đối là từ Mỹ và Australia.

Các nhà hoạt động và giới ngoại giao cho biết các cuộc thảo luận tại Geneva và New York nhiều tháng qua không thể đạt đồng thuận về nghị trình làm việc.

Dù chính quyền Trump chưa chính thức loan báo quyết định, nhưng nếu quả đúng như vậy thì đây sẽ là lần mới nhất Washington khước từ các giao tiếp đa phương sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận giữa các cường quốc với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/my-co-the-rut-khoi-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc-/4439638.html

 

New York kiện Tổng thống Trump

Tổng chưởng lý New York ngày 14/6 kiện Tổng thống Donald Trump, ba người con của ông và sáng hội mang tên ông Trump với cáo buộc “có hoạt động bất hợp pháp lâu dài” tại tổ chức bất vụ lợi này, trong đó có việc hỗ trợ cho cuộc vận động tranh cử của ông Trump năm 2016 Tổng thống.

Tổng chưởng lý Barbara Underwood yêu cầu một thẩm phán bang New York giải tán Quỹ Donald J. Trump và cấm ông Trump, hai con trai Donald Jr. và Eric, cùng người con gái Ivanka giữ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức từ thiện ở New York.

Bà Underwood nói 21 tháng điều tra của văn phòng bà, bắt đầu dưới thời người tiền nhiệm Eric Schneiderman, phát hiện “vô số phối hợp chính trị bất hợp pháp” của Quỹ Donald Trump với cuộc vận động tranh cử của ông Trump, cũng như có việc ‘tự trục lợi nhiều lần và cố ý’ để phục vụ cho lợi ích cá nhân, công việc kinh doanh và những lợi ích chính trị của ông Trump.

Trong số các chuyển giao tài chánh đơn kiện cho là bất hợp pháp có số tiền 10.000 đô la trả cho Unicorn Children’s Foundation để mua một bức ảnh chân dung của ông Trump trong một cuộc đấu giá gây quỹ vào năm 2014, và 100.000 đô la trả cho một cơ quan từ thiện khác để giải quyết một vụ kiện trong năm 2017.

Đơn kiện viết “Ông Trump điều hành Quỹ theo ý thích của ông hơn là theo luật pháp.”

Tổng thống Cộng hòa chỉ trích vụ kiện trong một loạt các Twitter đổ lỗi cho các chính trị gia Dân chủ tại bang nhà, New York.

Trump Foundaton công bố một thông cáo chỉ trích vụ kiện là “có tích cách chính trị tồi tệ nhất” và cáo buộc tổng chưởng lý giữ lại 1,7 triệu đô la tồn quỹ như là “con tin nhằm hưởng lợi về chính trị.”

Vụ kiện này tăng thêm những vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến ông Trump, trong đó có một vụ điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump năm 2016 có thông đồng với Nga hay không. Ông Trump phủ nhận có bất cứ thông đồng nào và Nga cũng đã bác bỏ việc can thiệp vào cuộc bầu cử.

https://www.voatiengviet.com/a/new-york-kien-tong-thong-trump/4439626.html

 

Na Uy mời thêm thủy quân lục chiến Mỹ,

Nga dọa trả đũa

Nga ngày14/6 thề sẽ trả đủa đối với kế hoạch của Na-uy tăng hơn gấp đôi con số thủy quân lục chiến Mỹ trú đóng tại nước này.

Trước đó hai ngày, Oslo loan báo sẽ yêu cầu Hoa Kỳ, đồng minh NATO, phái 700 thủy quân lục chiến đến huấn luyện tại Na-uy từ năm 2019 so với 330 binh sĩ hiện tại, và cho biết thêm là con số binh sĩ tăng cường sẽ đặt căn cứ gần biên giới Nga hơn.

“Việc này khiến Na-uy trở nên khó tiên đoán và làm căng thẳng gia tăng, gây nên chạy đua vũ trang và làm bất ổn tình hình tại Bắc Âu,” tòa đại sứ Nga nói trong một thông cáo trên Facebook.

“Chúng tôi xem đó rõ ràng là một hành vi kém thân thiện, và sẽ có hậu quả.”

Oslo ngày càng quan ngại về Nga kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014, nhưng khẳng định rằng Na-uy không xem nước láng giềng rộng lớn hơn này là một mối đe dọa trực tiếp.

Thủy quân lục chiến Mỹ dự trù rời khỏi Na-uy vào cuối năm nay sau khi đơn vị đầu tiên đến vào tháng 1/2017 để huấn luyện trong điều kiện thời tiết mùa đông. Đơn vị này là binh sĩ nước ngoài đầu tiên trú đóng tại Na-uy kể từ Thế Chiến Thứ Hai.

Quyết định sơ khởi đón nhận thủy quân lục chiến đã khiến Moscow nói việc này sẽ làm cho các quan hệ song phương tồi tệ hơn và làm căng thẳng leo thang tại sườn phía đông của NATO.

Ngày 13/6, Hạm đội Bắc của Nga đã tổ chức tập trận hải quân rộng lớn trên Biển Barents thuộc Bắc Cực.

Trong năm nay, Na-uy sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập niên.

https://www.voatiengviet.com/a/na-uy-moi-them-thuy-quan-luc-chien-my-nga-doa-tra-dua/4439588.html

 

Trung Quốc hứa bảo đảm an toàn

cho giới ngoại giao Mỹ

Trung Quốc bảo đảm các nhà ngoại giao Mỹ tại nước này được an toàn, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày thứ Năm 14/6 loan báo, giữa những báo cáo là một số nhà ngoại giao Mỹ vướng một căn bệnh bí mật giống như bị tổn thương não bộ mà các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba mắc phải.

Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Pompeo nói ông nêu vấn đề mà ông gọi là một “việc có liên hệ đến sức khỏe” trong cuộc họp với nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị.

Ông Pompeo nói “Tôi yêu cầu Trung Quốc tiếp tục hợp tác với chúng tôi và tìm hiểu xem việc này xảy ra như thế nào, tại sao xảy ra và làm việc với chúng tôi để điều tra đầy đủ nhằm có thể ngăn ngừa chuyện này tái diễn.”

Ông Pompeo cho biết ông Vương cam kết hỗ trợ hoàn toàn để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ.

Đứng cạnh ông Pompeo tại một cuộc họp báo chung, ông Vương nói Trung Quốc bảo đảm sự an toàn của tất cả các nhà ngoại giao theo luật pháp quốc tế kể cả các nhà ngoại giao Mỹ và sẽ tiếp tục làm như vậy.

“Chúng tôi đã mở cuộc điều tra về điều được gọi là âm thanh bí hiểm,” ông nói.

“Tôi có thể nói với quý vị là hiện nay chúng tôi chưa phát hiện được bất cứ đầu mối hay nguyên nhân nào về tình hình phía Hoa Kỳ đã đề cập đến.” Ông nói thêm là Trung Quốc muốn giữ liên lạc với Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề.

Tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành một lệnh báo động về sức khỏe cho tất cả mọi người tại Trung Quốc, giữa những phúc trình về chứng bệnh khó hiểu.

Một thông cáo trước đây vào tháng 5 chỉ đề cập đến thành phố Quảng Châu ở miền nam là nơi có báo động về sức khỏe, dù báo động này được gởi cho tất cả công dân Mỹ tại Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao trước đây xác nhận là một trong những nhân viên của bộ tại tòa lãnh sự ở Quảng Châu “bị tổn thương về sức khỏe”, và bộ đã phái một toán đến kiểm tra sức khỏe của các nhân viên và gia đình họ tại đây.

Năm ngoái, 24 nhân viên chính phủ và thân nhân tại Cuba có những triệu chứng tương tự như bị tổn thương nhẹ ở não bộ, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chuyện này đã làm căng thẳng tăng cao giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-hua-bao-dam-an-toan-cho-gioi-ngoai-giao-my/4439554.html

 

EU tăng cường bảo vệ dữ liệu người lên mạng

Các đơn khiếu nại đối với Facebook, Google, Instagram và WhatsApp đã được đệ trình chỉ vài giờ sau khi luật bảo vệ dữ liệu GDPR của EU đi vào hiệu lực.

Các công ty này bị cáo buộc ép buộc người dùng phải đồng ý chấp nhận quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân của họ (targeted advertising) để sử dụng dịch vụ.

Nhóm bảo mật noyb.eu do nhà hoạt động Max Schrems đứng đầu cho biết người dùng đã mất đi quyền “tự do chọn lựa”.

Khác với một số cách hiểu ở Việt Nam nhân việc Quốc hội nước này thông qua Luật An ninh mạng để tăng kiểm soát, luật của EU cấm các công ty công nghệ trao đổi, mua bán thông tin cá nhân mà không được người dùng đồng ý.

Việc vô ý khiến thông tin các nhân của người dùng lọt vào tay một bên thứ ba cũng có thể khiến công ty quản lý dữ liệu bị phạt nặng.

Luật có hiệu lực từ ngày 25/05/2018 cũng nói người dùng mạng được quyền biết thông tin cá nhân của họ được thu thập bằng cách nào, mục đích sử dụng các loại thông tin, lý do thông tin được thu thập và phương pháp xử lý dữ liệu riêng tư của họ sau đó ra sao.

Luật An ninh mạng: Góc độ pháp lý và công nghệ

‘Luật An ninh mạng 3 xâm phạm và 5 tác hại’

Đừng để VN trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ

Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN

Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?

Nếu các đơn khiếu nại được chấp nhận, các trang web có thể bị buộc phải thay đổi phương thức hoạt động và có thể bị phạt.

Vấn đề là gì?

Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) là một luật mới của Liên minh Châu Âu nhằm tăng quyền của cá nhân đối với việc bảo mật và lưu giữ tin về họ.

Đối tượng bị yêu cầu tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng là các công ty công nghệ.

Ngay cả các công ty có trụ sở bên ngoài EU cũng phải tuân thủ các quy định mới nếu muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ ở EU.

Trong bốn đơn khiếu nại, noyb.eu lập luận rằng các công ty trên đang vi phạm GDPR bởi vì đã ép người dùng phải “chấp nhận hoặc là không có dịch vụ”.

Nhóm hoạt động cho biết người dùng phải đồng ý cho các công ty này thu thập, chia sẻ và sử dụng thông tin cá nhân của họ để lựa chọn loại quảng cáo nhắm vào họ.

Hoặc là chấp nhận bị xóa tài khoản.

Điều này, tổ chức cho rằng, đã vi phạm GDPR bởi vì nó buộc người dùng phải chấp nhận bị thu thập dữ liệu trên phạm vi rộng để đổi lấy dịch vụ.

“GDPR cho phép xử lý dữ liệu được cho là rất cần thiết để sử dụng dịch vụ – nhưng việc sử dụng dữ liệu bổ sung cho mục đích quảng cáo hoặc để buôn bán cần phải được sự đồng ý của người dùng,” noyb.eu cho biết.

“GDPR rất thực tế vào thời điểm này: bất kỳ điều gì thực sự cần thiết cho ứng dụng thì hợp pháp mà không cần sự đồng ý, nhưng các thông tin còn lại cần phải có tùy chọn ‘có’ hoặc ‘không’.”

Nhà đấu tranh cho quyền riêng tư Max Schrems cho biết: “Nhiều người dùng không biết rằng phương thức ép buộc họ phải chấp thuận thực sự trái với GDPR trong hầu hết các trường hợp.”

Các đơn khiếu nại đã được đệ trình bởi bốn công dân EU với các nhà quản lý địa phương ở Áo, Bỉ, Pháp và Đức.

Các nhà phân tích và nhà quản lý đã dự kiến sẽ đệ đơn khiếu nại ngay sau khi giới thiệu luật, vì các tổ chức và những người ủng hộ quyền riêng tư vẫn đang tranh cãi về cách hiểu bộ luật mới này.

‘Khoản tiền phạt lớn’

Một số công ty có trụ sở bên ngoài EU đã tạm thời chặn các dịch vụ của họ trên khắp châu Âu để tránh vi phạm luật mới.

Tuy nhiên, các công ty như Twitter đã nhanh chóng giới thiệu tùy chọn cho phép người dùng tùy chọn không nhận quảng cáo dựa trên dữ liệu của họ.

Các công ty vi phạm GDPR có thể – trong trường hợp nghiêm trọng – có thể bị phạt hơn 17 triệu bảng Anh (khoảng 515 tỷ đồng).

Facebook cho biết trong một tuyên bố rằng hãng này đã dành 18 tháng chuẩn bị để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của GDPR.

Google thì cho BBC biết:

“Chúng tôi xây dựng quyền riêng tư và bảo mật cho các sản phẩm của mình từ những giai đoạn đầu tiên và cam kết tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU”.

WhatsApp vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44249567

 

Quan tâm hàng đầu của châu Âu là gì?

Di dân và khủng bố là hai vấn đề quan tâm hàng đầu của Liên hiệp châu Âu nhưng lòng tin tại EU và lạc quan về tương lai của khối này đang gia tăng, theo một cuộc thăm dò của Ủy ban châu Âu.

Cuộc thăm dò hai lần một năm của Eurobarometer cho thấy 38% trong số 510 triệu công dân EU xem di dân là một vấn đề quan trọng nhất khối này phải đối mặt. Một nghịch lý là mức quan tâm cao nhất về vấn đề này lại được ghi nhận tại các quốc gia có mức di dân tối thiểu là Estonia, Cộng hòa Czech và Hungary.

Chỉ có 29 % người châu Âu quan tâm đến khủng bố. Tỉ lệ này cũng cao nhất trong các nước không có cuộc tấn công khủng bố nào trong những năm gần đây là Lithuania, Cyprus, Ireland, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Ba Lan và Latvia.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy gia tăng 1 điểm kể từ mùa thu 2017 trong mức tin cậy đối với EU lên 42% và tăng thêm một điểm tức ở mức 45% đối với những người cho rằng tiếng nói của họ được để ý đến trong khối 28 quốc gia này.

Tuy nhiên vẫn còn 48% nói họ không tin tưởng vào EU và 49% nói họ không tin là tiếng nói của họ được lắng nghe.

Cuộc thăm dò cho thấy dù Anh sẽ rời khối này vào tháng 3 năm sau, nhưng lạc quan về tương lai của EU tăng 3 lần liên tiếp, đạt đến 58%, mức cao nhất kể từ mùa xuân năm 2015.

Lạc quan về tương lai EU được thể hiện tại tất cả các nước của Liên hiệp trừ Hy Lạp và Anh. Cũng trong 25 quốc gia EU, đa số công dân tin là tình hình kinh tế EU ‘tốt đẹp”.

Tuy nhiên tại Ý, Pháp và Tây Ban Nha, 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro, đa số người dân tin là tình hình kinh tế châu Âu “xấu”, theo kết quả thăm dò.

Cuộc thăm dò cho thấy hơn 8 trong số 10 người trả lời ủng hộ tự do di chuyển của công dân EU với quyền sống, làm việc , học tập và làm ăn buôn bán bất cứ tại đâu trong EU.

Ba phần tư ủng hộ phòng vệ chung và chính sách an ninh đối với EU và hơn 7 trong số 10 người ủng hộ chính sách năng lượng chung và một chính sách mậu dịch EU chung. Tuy nhiên việc mở rộng thêm EU chỉ được 44% ủng hộ so với 46% chống.

Tỷ lệ ủng hộ đối với đồng tiền duy nhất là đồng euro không thay đổi ở mức 74%. Tỷ lệ ủng hộ cao nhất tại Estonia, với 88%. Tỉ lệ ủng hộ tại Ireland và Slovenia là 84%. Ủng hộ đồng euro tại Ý, nơi Liên minh bi quan về đồng euro, đạt được thắng lợi trong cuộc bầu cử trước đây trong năm, là 61%.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-tam-hang-dau-cua-chau-au-la-gi/4439610.html

 

Thuyền nhân :

Lãnh đạo Pháp-Ý gặp nhau tìm giải pháp

Trọng Nghĩa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón tân thủ tướng Ý Giuseppe Conte vào hôm nay, 15/06/2018, tại điện Elysée. Hồ sơ nóng bỏng trong cuộc gặp là vấn đề thuyền nhân đã gây căng thẳng trong quan hệ hai bên từ nhiều ngày qua, từ khi Ý quyết định không cho tàu cứu thuyền nhân Aquarius chở 629 người, cập bến.

Pháp hôm thứ Tư, 13/06, đã chỉ trích gây gắt quyết định của Ý. Tổng thống Pháp đã nói đến một thái độ « nhẫn tâm », « vô trách nhiệm ». Phía Roma giận dữ tố cáo những lời nói không thể chấp nhận được. Bộ trưởng Nội Vụ Savalni còn đòi Pháp xin lỗi.

Cuối cùng thì tổng thống Emmanuel Macron nói chuyện qua điện thoại đã thuyết phục được thủ tướng Conte đến ăn trưa và làm việc ở điện Elysée.

Sáng nay, thủ tướng Pháp Edouard Philippe tiết lộ trước là cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo sẽ rất « cô đọng » và đây là một điều rất tốt. Thủ tướng Pháp công nhận là hai bên « không thể đồng ý trên mọi vấn đề, nhưng chủ yếu là phải đối thoại, nói chuyện với nhau ». Paris, theo ông, sẽ xem xét hồ sơ thuyền nhân của tàu Aquarius một khi họ đến Tây Ban Nha. Hiện thì chiếc tàu đang hướng đến cảng Valencia Tây Ban Nha.

Phải nói vấn đề đón tiếp thuyền nhân và các quy định của Châu Âu từ mấy năm nay gây tranh cãi không muốn nói là tranh chấp giữa các nước châu Âu. Ý là nước đứng mũi chịu sào vì phần chủ yếu thuyền nhân đều dạt vào Ý. Chính quyền Roma than phiền là bị bỏ rơi và phải gánh chịu đến 80% người xin tị nạn. Ý cũng trách Pháp là đáng lý ra phải phải đón theo quy định 30.000 người xin tị nạn, nhưng hiện nay mới đón 4.000 người.

http://vi.rfi.fr/phap/20180615-thuyen-nhan-lanh-dao-phap-y-gap-nhau-tim-giai-phap

 

IS tung video đe dọa tấn công World Cup

Nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo (ISIS) vừa tung ra một video đe dọa tấn công World Cup và kêu gọi tín độ thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” nhắm vào các địa điểm tổ chức World Cup.

World Cup được xem là mục tiêu khủng bố hàng đầu hiện nay, khi hàng trăm ngàn người hâm mộ trên khắp thế giới đang đổ về Nga để xem trực tiếp các trận đấu hấp dẫn của giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Truyền thông quốc tế cho biết đoạn video tuyên truyền mà IS tung ra hôm 14/6, là ngày khai mạc World Cup, cho thấy một máy bay không người lái với logo ISIS bay qua làng Olympic ở Sochi giữa lúc sân vận động tại đây, với sức chứa lên đến 48.000 người, và các tòa nhà chìm trong biển lửa.

Những hình ảnh “rợn người” được tung ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh bố trí hàng ngàn cảnh sát tại 11 thành phố nơi diễn ra các trận đấu.

Newsweek dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI) cho biết hầu hết các cảnh quay trong đoạn video dài 4 phút đã được một nhánh của ISIS ở Caucasus, khu vực nổi tiếng về thánh chiến, tung ra. Đoạn video được mở đầu bằng cảnh 11 thanh niên đứng trước lá cờ đen của ISIS. Ba người trong số này được làm mờ khuôn mặt.

Đoạn phim đã được hãng thông tấn IS-Aliyat phát hành cùng với các đoạn video về trận chiến của ISIS tại thành phố Mosul của Iraq.

Trong video còn đề cập đặc biệt đến Tổng thống Vladimir Putin, người kiên quyết với cách tiếp cận “không thỏa hiệp” với những kẻ cực đoan Hồi giáo cả trong và ngoài nước. Một người đàn ông trong video gọi Tổng thống nước Nga là “chó” và “mày sẽ bị đốt cháy trong địa ngục”.

ISIS từng đưa ra lời đe dọa tấn công World Cup năm nay. Các cảnh quay trong video của nhóm khủng bố còn có sự xuất hiện của các siêu sao Lionel Messi và Neymar trong bộ áo liền quần màu cam, bộ đồ mà ISIS thường cho con tin mặc trong lúc hành quyết, bị dí dao vào cổ hoặc bị đốt trong lửa.

Nước Nga lâu nay vẫn đối diện với mối đe dọa khủng bố thánh chiến, nhất là sau khi can dự vào cuộc xung đột tại Syria trong những năm gần đây.

Hiện cảnh sát từ 33 quốc gia đang tham gia cùng với cảnh sát Nga để bảo đảm an ninh các thành phố diễn ra World Cup, đồng thời để đối phó với các hooligan (cổ động viên quá khích) vốn khét tiếng trong giới hâm mộ ở Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/is-tung-video-de-doa-tan-cong-world-cup/4440575.html

 

Cảnh sát Nga được lệnh ém tin tội phạm

trong mùa World Cup

Bộ Nội vụ Nga đã ra lệnh cho cảnh sát không được cung cấp tin tức về các vụ trộm cắp và giết người cho truyền thông trong mùa World Cup, mà thay vào đó phải đưa tin tốt về an ninh trật tự, hai nguồn tin cảnh sát cho Reuters biết hôm 14/6.

Hãng tin Reuters đã nhìn thấy một bản sao của lệnh này, trong đó quy định rằng cảnh sát không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về kết quả điều tra, các cuộc bố ráp của cảnh sát, hoặc các hoạt động khác, trước ngày 25/7.

Điện Kremlin muốn tận dụng việc đăng cai World Cup 2018 để đánh bóng hình ảnh của đất nước.

Thông thường cảnh sát Nga ra công bố thông tin về tội phạm bao gồm cướp giật và giết người, công khai việc giam giữ tất cả đối tượng từ những nghi phạm giết người đến các phiến quân Hồi giáo.

Một viên chức cấp cao nói: “Bộ yêu cầu không cung cấp thông tin tiêu cực cho báo chí và thay vào đó chỉ nói các thông tin tích cực.” Viên chức này cho biết ông không được phép tiếp xúc với truyền thông.

Trong khi đó, nguy cơ khủng bố và thiệt hại do các cổ động viên bóng đá quá khích gây ra đã đẩy phí bảo hiểm lên cao, so với mùa World Cup trước ở Brazil, mà các doanh nghiệp và cầu thủ phải chịu.

Chủ sở hữu sân vận động, đại lý bán vé, công ty dịch vụ ăn uống và cầu thủ nằm trong số những người phải mua bảo hiểm cho những rủi ro bao gồm việc hủy trận đấu, bắt cóc, tấn công mạng, và thương tích cá nhân.

Ông James Davies, Trưởng phòng thể thao và quản lý rủi ro và dự phòng của tổ chức Integro cho biết: “Mối quan ngại lớn nhất là nguy cơ khủng bố, rủi ro chiến tranh, sự kiện không xảy ra, hoặc trận đấu bị chuyển từ sân vận động này sang sân vận động khác – mà điều này có nhiều khả năng.”

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-nga-duoc-lenh-em-tin-toi-pham-trong-mua-world-cup/4440425.html

 

World Cup 2018 :

Nga khai quân đè bẹp Ả Rập Xê Út 5-0

Minh Anh

Cú khởi động mùa World Cup 2018 của Nga ngày hôm qua trước đội Ả Rập Xê Út đã bắt đầu hâm nóng bầu không khí lễ hội bóng đá Với tỉ số 5-0, đội bóng Nga đã làm người dân Nga kinh ngạc không còn xem thường đội tuyển nhà.

Theo phóng sự của thông tín viên RFI Daniel Vallot, cả khán đài sân vận động huyền thoại Loujniki đã vỡ òa tiếng hò reo vui mừng khi đội tuyển Nga ghi bàn lần thứ 5 vào phút thứ 90. Các cổ động viên Nga phấn khích, gần như ngạc nhiên trước thành tích của đội nhà.

Niềm vui này còn có ý nghĩa lớn hơn bởi vì 5-0 là tỉ số cao thứ hai cho trận mở đầu của Cúp Thế Giới. Quả thật, đội tuyển Nga trong vòng 6 tháng qua, chưa hề thắng một trận nào. Đương nhiên, đội Ả Rập Xê Út chưa phải là đối thủ đáng gờm nhưng đội bóng Nga bị FIFA xếp hạng thấp hơn cả Ả Rập Xê Út.

Do đó, nhiều người không tin là Nga có thể đảo ngược tình thế ngay từ trận đầu. Với tỉ số hôm qua, đội tuyển Nga xem như đã lấy lại được tự tin, người hâm mộ bóng đá Nga đã được trấn an.

World Cup 2018 : Iran thách thức Maroc từ ngoại giao đến thể thao

Lịch thi đấu hôm nay 15/06/2018 gồm có hai trận. Tại bảng A, đội tuyển Ai Cập gặp Uruguay lúc 15 giờ. Trong khi đó ở bảng B, trận tranh tài giữa Iran và Maroc lúc 17 giờ trên sân vận động Saint-Petersbourg được cho là một cuộc đấu khá « quan trọng ».

Đây là trận đấu đầu tiên của bảng B và cũng là lần đầu tiên hai đội tuyển Iran và Maroc gặp nhau. Trận đầu này mang tính quyết định vì hai đội này « hạng yếu » đồng cảnh ngộ nằm chung bảng với hai đại cao thủ bóng đá là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Huấn luyện viên trưởng đội Iran, trước giờ đấu, ý thức được thách thức đang chờ đợi khi cho rằng « trận đầu tiên rất đặc biệt, nhưng trận này còn đặc biệt hơn nữa. Bởi vì đối với cả hai đội, chiến thắng gần như là điều bắt buộc ».

Trận đấu này diễn ra trong một bối cảnh khá tế nhị. Quan hệ song phương Iran và Maroc đang nguội lạnh. Dù vậy, trên sân cỏ chỉ có một nguyên tắc được áp dụng : mỗi bên phải phải nghĩ đến quả bóng tròn và không nghĩ đến điều gì khác cả.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180615-world-cup-2018-nga-khai-quan-de-bep-a-rap-xe-ut-5-0