Tin tức ngày – 13/01/2017
Ông James Mattiscó thể được chuẩn thuận
chức bộ trưởng quốc g hôm nay
NGŨ GIÁC ĐÀI —
Đại tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu James Mattis, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump tiến cử làm bộ trưởng quốc phòng, hôm thứ Năm đã điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Cùng lúc đó, ông Mark Pompeo, người được tiến cử làm giám đốc CIA đã điều trấn trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Thông tín viên Ngũ giác đài Carla Babb của đài VOA tường trình rằng cả hai người được tiến cử đã trả lời chất vấn hoàn toàn không lệ thuộc vào những phát biểu về quan điểm, chính sách của ông Trump khi còn trong quá trình tranh cử tổng thống.
Ngay từ đầu cuộc chất vấn, ông James Mattis đã nói với các thượng nghị sĩ rằng trật tự mà thế giới thiết lập trong mấy mươi năm qua đang bị đe dọa tứ bề. Ông nói:
“Thế giới đang bị tấn công mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đó là từ Nga, từ các nhóm khủng bố, và từ những gì mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông.”
Ông Mattis nói rằng “mối đe dọa chính” là từ Nga, nơi mà Mỹ đã đạt được rất ít thành công sau nhiều năm tích cực tìm cách giao hảo:
“Chúng tôi cũng nhận thức rõ thực tế và những mục tiêu của Nga nhắm đến là gì. Các lãnh vực mà chúng ta có thể hợp tác tích cực đang ngày càng ít đi, ngược lại các lãnh vực xung khắc với Nga đang ngày một tăng thêm.”
Những mục tiêu mà Nga nhắm đến, theo ông Mattis là tìm cách phá vỡ NATO, tức là Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại tây dương mà Tổng thống đắc cử Donald Trump từng gọi là “lỗi thời” và “tốn kém.” Ông cho biết:
“Theo quan điểm của tôi, các quốc gia trong liên minh NATO hưng thịnh, còn các quốc gia ngoài NATO thì không. Do đó tôi mong muốn chúng ta phải duy trì quan hệ chặt chẽ nhất với NATO.”
Cùng lúc đó người được ông Trump tiến cử làm giám đốc CIA cũng hứa sẽ duy trì quan điểm “thật rõ ràng” về Nga, bất chấp việc tổng thống đắc cử chần chừ trong phản ứng đáp lại việc Moscow phá rối cuộc bầu cử tổng thống mới đây của Mỹ. Ông Mike Pompeo:
“Đây là một hành động gây hấn do giới lãnh đạo cấp cao của Nga thực hiện. Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ, và CIA là một phần trong trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó.”
Đội ngũ an ninh mới của Mỹ sẽ tiếp nhận hai cuộc chiến chống khủng bố. Tại Afghanistan, theo nhận định của ông Mattis thì phe Taliban đã làm suy giảm những thành công của liên quân.
Còn ở mặt trận chống Nhà nước Hồi giáo đã kéo dài hơn hai năm qua, ông Mattis nói cuộc chiến giành lại Raqqa, nơi được xem là thủ đô trên thực tế của nhóm cực đoan này, có thể sẽ thay đổi. Ông nói:
“Cần phải xem lại các chiến lược và có lẽ cần tăng cường bằng một kế hoạch hành động mạnh và nhanh chóng hơn.”
Các đại biểu Dân chủ cảm thấy ông Mattis sẽ là một nhân tố kiềm chế tính chất khó đoán của ông Trump. Đại tướng hồi hưu Mattis có thể được chuẩn thuận chức bộ trưởng quốc phòng trong ngày thứ Sáu 13/1.
Ứng viên tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
Mỹ cần sẵn sàng đối đầu với Nga
Người được Tổng thống tân cử Mỹ chọn làm lãnh đạo Ngũ Giác Đài liệt kê Nga đứng đầu danh sách đe dọa các lợi ích của Mỹ và kêu gọi trước Quốc hội hôm 12/1 rằng Washington phải sẵn sàng đối đầu với Nga khi cần thiết, dù ông ủng hộ nỗ lực của ông Trump muốn giao tiếp với Nga.
Đại tướng thủy quân lục chiến hồi hưu James Mattis nhấn mạnh Nga, Trung Quốc, và các phần tử hiếu chiến Hồi giáo là thách thức to lớn nhất của trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, đồng thời hối thúc Quốc hội gỡ bỏ mức trần chi tiêu quân sự hiện nay vốn đang ảnh hưởng tới tính sẵn sàng của quân đội Mỹ.
Phát biểu của ông Mattis trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ dường như giúp cho ủy ban ủng hộ việc ông được đề cử giữa lúc các nhà lập pháp đề cao cảnh giác với Nga hy vọng ông có thể giúp giảm thang ý định của ông Trump muốn đối tác với Nga.
Đáp câu hỏi về những đe dọa chính đối với lợi ích nước Mỹ, ông Mattis nói: “Tôi sẽ cân nhắc đến các mối đe dọa chủ yếu, bắt đầu với Nga.”
8 ngày trước lễ nhậm chức Tổng thống, ông Trump ngày 11/1 thừa nhận Nga có phần chắc đã xâm nhập trang mạng của Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ và email của các lãnh đạo cao cấp thuộc đảng Dân chủ trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 theo như kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.
Tướng Mattis đề cập đến sự can dự của Nga trong các cuộc tấn công mạng và trong cuộc chiến thông tin trong số các thách thức do Moscow đề ra. Những vấn đề khác bao gồm vi phạm hiệp ước, dùng những chiến thuật ngắn để phát động chiến tranh làm mất ổn định các nước và “những tín hiệu đáng báo động của Moscow liên hệ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Ông Mattis tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực phá hoại NATO. Tướng hồi hưu này cũng bàn về tầm quan trọng của liên minh quân sự phương Tây với ông Trump, người sẵn sàng cởi mở để thảo luận, theo lời ông Mattis.
Ngoài ra, ông Mattis cũng chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động tại Biển Đông, nơi nước này xây dựng những đảo nhân tạo và bố trí các hệ thống phòng không và chống phi đạn.
Cùng với những hoạt động của Nga và mối đe dọa của các phần tử cực đoan Hồi giáo, ông Mattis nói Trung Quốc thuộc số các nước thực hiện các cuộc tấn công vào sự ổn định của thế giới, và mối quan hệ với Bắc Kinh cần phải được quản lý một cách cẩn thận.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Chủ tịch của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nói ông hết sức hài lòng về sự đề cử tướng Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Ba lực đẩy chính sách đối ngoại của ông Trump
WASHINGTON —
Chiến dịch tranh cử và những tuyên bố của ông Trump trên trang Twitter về các vấn đề thế giới đã khiến ông được gán cho những cái nhãn khác nhau: nào là ông là một người chủ trương can thiệp vào các vấn đề quốc tế, cô lập hoá nước Mỹ, một người theo chủ nghĩa đơn phương, và một con người thực tiễn. Giữa lúc ông Trump đang chuẩn bị làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng Một, thông tín viên Masood Farivar của VOA phân tích 3 lực đẩy đối với chính sách đối ngoại của ông Trump.
Đối với một nhân vật mới bước vào lĩnh vực chính sách đối ngoại, Tổng thống tân cử Donald Trump đã có rất nhiều điều để nói về các vấn đề thế giới trong chiến dịch vận động tranh cử.
Ông đả kích các nước thành viên NATO là đã không làm phần mình và đóng góp tài chánh một cách công bằng cho quốc phòng. Ông tỏ ý muốn hâm nóng các quan hệ với Nga, ông cảnh cáo Trung Quốc và còn cam kết bằng cả những lời nguyền thô tục, sẽ đánh bom nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Nhưng cũng như hai vị Tổng thống tiền nhiệm của ông đã nhận ra khi họ vào Toà Bạch Ốc, ông Trump rồi cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khác nhau hơn là những điều mà ông đã đề cập tới trong chiến dịch tranh cử, theo ông Blaise Misztal thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở thủ đô Washington:
“Thế giới không nhất thiết sẽ cho phép Tổng thống Trump làm tất cả những gì mà ông ta dự tính làm.”
Theo ông Misztal, thì thay vào đó chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ xuất hiện như một sự hội tụ của 3 nhân tố, là các sự kiện quốc tế bất ngờ, các chính sách ông đã phác hoạ trong chiến dịch tranh cử và những lời cố vấn của đội ngũ an ninh quốc gia của ông.
Để hướng dẫn chính sách đối ngoại của ông, ông Trump đã đề cử Giám đốc Điều hành của ExxonMobil, ông Rex Tillerson, ra nắm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, và Tướng 4 sao James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Trump phát biểu:
“Chúng tôi đang trong tiến trình thành lập một trong những nội các vĩ đại, chắc chắn là một nội các có chỉ số thông minh cao nhất.”
Giới chỉ trích quan ngại về việc ông Trump thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Ông Brian Katulis thuộc Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, nhận định:
“Về chính sách đối ngoại, ông Trump không thể hiện bất cứ kinh nghiệm nào, ông không có thành tích nào khả dĩ có thể trấn an bất cứ một ai về khả năng của ông có thể ứng phó với môi trường toàn cầu phức tạp của ngày nay.”
Nhưng các cố vấn của ông Trump nói óc phán xét và năng lực của Tổng thống Trump quan trọng hơn nhiều so với kinh nghiệm về chính sách đối ngoại ghi trong bảng thành tích cá nhân của ông. Ông James Carafano thuộc Hội Heritage có chủ trương bảo thủ là người cố vấn về chính sách đối ngoại cho nhóm chuyển tiếp quyền lực của ông Trump, nhận định:
“Ông Trump hầu như không có bất cứ thành tích nào về các vấn đề an ninh quốc gia. Điều đó không có nghĩa là ông không thể trở thành một vị tổng thống tài ba, mà điều đó chỉ có nghĩa là không có một bối cảnh để đánh giá khả năng đó của ông.”
Nhưng có một bối cảnh để đánh giá khả năng của ông Trump: đó là thành tích của ông trong kinh doanh và xu hướng của ông, coi tất cả mọi việc từ các quan hệ với Trung Quốc và Nga, cho tới thoả thuận hạt nhân với Iran, đều được ông coi như những cơ hội để thương lượng.
Ông Blaise Misztal thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng:
“Đó là nghệ thuật thương lượng để đạt thoả thuận. Tôi tin rằng rất nhiều điều mà ông nói chỉ là vị thế của ông để thương lượng. Tôi tin rằng dưới con mắt của ông Trump, những sự liên lạc với các lãnh đạo nước ngoài là một phần của cuộc thương lượng.”
Nhưng chính sách đối ngoại không phải là một thoả thuận hay hợp đồng kinh doanh. Và các quyết định của một tổng thống cũng thế, bởi vì các quyết định này thường đi kèm với những hậu quả ảnh hưởng tới sự sống và sự chết, và đôi khi ảnh hưởng tới chiến tranh và hoà bình.
http://www.voatiengviet.com/a/ba-luc-day-chinh-sach-doi-ngoai-cua-ong-trump/3675095.html
Ứng viên Bộ trưởng Lao động Mỹ bị phản đối
Phong trào do công đoàn ủng hộ mang tên “Tranh đấu cho 15 đô la một giờ” ngày 12/1 biểu tình phản đối tại các nhà hàng thức ăn nhanh Carl’s Jr và Hardee nhằm ngăn chặn người đứng đầu các chuỗi nhà hàng này, một tiếng nói chống đối mạnh mẽ việc tăng lương tối thiểu, trở thành Bộ trưởng Lao động Mỹ.
Giới lãnh đạo Thượng viện Hoa Kỳ đã dời phiên điều trần chuẩn nhận việc bổ nhiệm ông Andrew Puzder sang tháng 2 thay vì ngày 17 tháng 1 như dự kiến.
Ông Puzder, 66 tuổi, đứng đầu tập đoàn kinh doanh nhà hàng CKE Restaurants Inc. Trong nhiều năm qua, ông tuyên bố chính sách của chính quyền Obama đã đặt gánh nặng lên ngành dịch vụ nhà hàng với những chi phí cao và góp phần làm suy thoái các nhà hàng.
Là người ủng hộ nhiệt thành ông Trump, ông Puzder đã lên tiếng chống lại việc nâng lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ và dự kiến sẽ đẩy lùi những chính sách hạn chế việc không trả lương làm ngoài giờ và tăng tiến an toàn cho công nhân.
Phong trào “Tranh đấu cho 15 đô la một giờ” kéo dài 4 năm nay đã giúp tăng lương tối thiểu tại hai bang California và New York. Phong trào cũng đang tìm cách nghiệp đoàn hóa giới lao động trong lĩnh vực nhà hàng.
Ngành kinh doanh nhà hàng là ngành thuê mướn nhiều nhân công có mức lương tối thiểu tại Mỹ. Cũng như nhiều nhà hàng khác, chuỗi hệ thống CKE cũng từng bị phạt hay bị kiện vì vi phạm các qui định về an toàn và lương bổng cho người lao động.
http://www.voatiengviet.com/a/ung-vien-bo-truong-lao-dong-my-bi-phan-doi/3674644.html
Phó Tổng thống Biden được tặng Huân chương Tự Do
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12/1 dành ngạc nhiên cho Phó Tổng thống Joe Biden với một hành động vinh danh cao quý từ Tổng thống: Trao tặng Huân chương Tự do cho ông Biden.
Tại buổi lễ ở Tòa Bạch Ốc, ông Obama công bố phần thưởng danh dự này trong sự ngỡ ngàng của ông Biden.
Tổng thống Obama ca ngợi Phó Tổng thống Biden vì nhiều chục năm cống hiến cho đất nước, vì ‘niềm tin vào người dân Mỹ, tình yêu dành cho quê hương, và cả đời phụng sự.’
Ông Biden xúc động ngỏ lời cảm kích sự ủng hộ của gia đình và những thành quả và đóng góp của Tổng thống Obama.
Ông nói ông tự hào là một phần trong cuộc hành trình của Tổng thống Obama, ‘một người đặc biệt đã làm những việc đáng ghi nhớ cho quốc gia.’
http://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-biden-duoc-tang-huan-chuong-tu-do/3674629.html
Mỹ chấm dứt chính sách miễn thị thực cho di dân Cuba
Tổng thống Mỹ Barack Obama chấm dứt chính sách cấp quy chế thường trú cho những người Cuba đến Mỹ mà không cần thị thực.
Chính sách tồn tại trong 20 năm cho phép di dân Cuba đến đất Mỹ trở thành thường trú nhân hợp pháp sau một năm.
Để đổi lại, Havana đồng ý nhận lại những người Cuba bị trục xuất khỏi Mỹ.
Nhiều người Cuba ở Mỹ nói Washington đang trao thưởng cho một chế độ không xử lý các mối quan ngại về nhân quyền.
Nhưng Tổng thống Obama nỗ lực tiếp tục làm tan băng quan hệ với Cuba trong những ngày cuối ở Nhà Trắng.
Ông cho biết: “Với sự thay đổi này, chúng tôi sẽ tiếp tục chào đón người Cuba như người nhập cư các nước khác, song theo thủ tục pháp lý của Mỹ.”
Thông báo trên truyền hình nhà nước, chính phủ Cuba ca ngợi động thái này là “bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ -Cuba”.
Hiện chưa rõ quan hệ giữa hai nước sẽ như thế nào trong tương lai.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra một lập trường cứng rắn hơn người tiền nhiệm và có thể đảo ngược sự thay đổi này.
Hai cái nhìn của người Việt về Castro
Đến nay, chính sách “chân ướt, chân ráo” chỉ áp dụng cho dân Cuba, hàng vạn người từ quốc gia cộng sản đã đến đất Mỹ năm ngoái.
Hàng ngàn người Cuba khác bị lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chặn bắt trên biển hàng năm.
Những người nhập cư từ các nước khác nếu đến Mỹ mà không có thị thực thì có thể bị bắt và bị trục xuất.
‘Cây gậy và củ cà rốt’
Will Grant, phóng viên BBC tại Havana phân tích:
“Chính sách của Washington đối với Cuba trong nhiều thập kỷ là “cây gậy và củ cà rốt”.
Cây gậy là lệnh cấm vận kinh tế không thể được gỡ bỏ nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua.
Còn củ cà rốt đã được treo lơ lửng trước người dân Cuba là chính sách “chân ướt, chân ráo”.
Chính phủ Cuba nói chính sách này khiến nước họ bị chảy máu chất xám và hàng ngàn người đánh cược với mạng sống mỗi năm để vượt biên sang Mỹ trên những chiếc bè thô sơ.
Ngay tại Mỹ, chính sách đó cũng chọc giận các nhóm vận động chính sách Mỹ Latinh khác vì cho rằng nó thiên vị người Cuba.
Họ cho rằng làn sóng người Cuba mới nhất tìm đường đến Mỹ là di dân kinh tế như bất kỳ người dân nước khác trong khu vực chứ không phải tỵ nạn chính trị.
Với sự tan băng gần đây trong quan hệ Washington Havana, dường như luôn có khả năng rằng chính sách này sẽ sớm chấm dứt – vì tại sao [Mỹ] lại khuyến khích người dân Cuba đào thoát khi đảo quốc cộng sản không còn được coi là kẻ thù?
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38582728
Người biểu tình
muốn gây gián đoạn lễ tuyên thệ của ông Trump
Hàng ngàn người biểu tình dự kiến sẽ đổ về thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ) vào tuần tới để tham gia các cuộc tuần hành nhằm ‘làm gián đoạn’ lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Reuters dẫn nguồn tin từ các ban tổ chức biểu tình ngày 12/1 cho biết người biểu tình sẽ tìm cách vô hiệu hóa 12 chốt kiểm soát an ninh tại Điện Capitol, nơi ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, và dọc theo chặng đường diễu hành 4 cây số xuống phố Pennsylvania, theo những người lãnh đạo nhóm tên là DisruptJ20.
‘Chúng tôi muốn dẹp bỏ lễ tuyên thệ,’ ông David Thurston trong ban tổ chức biểu tình phát biểu tại cuộc họp báo.
Cảnh sát thủ đô và toán chuyển tiếp quyền lực của ông Trump chưa bình luận về việc này.
Nhóm DisruptJ20 đang hợp tác với các nhóm biểu tình khác bao gồm nhóm Black Lives Matter cho biết. Họ có kế hoạch phong tỏa đường phố trước rạng đông và gây gián đoạn các buổi dạ tiệc chúc mừng tân Tổng thống vào buổi chiều.
Khoảng 300 tình nguyện viên của nhóm DisruptJ20 sẽ điều động người tham gia hàng loạt các cuộc biểu tình mang tên ‘Lễ hội Phản kháng.’
Phát ngôn nhân của nhóm cho biết họ đã xin được 3 giấy phép biểu tình và ‘hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ.’
Dịch vụ Công viên Quốc gia cho biết có 27 nhóm biểu tình đã được cấp phép, cao hơn 4 lần mức trung bình của các lễ tuyên thệ nhậm chức trước đây.
Ngay hôm sau lễ tuyên thệ, dự kiến sẽ có 200 ngàn người tham gia cuộc tuần hành của nữ giới phản đối ông Trump.
Ước tính lễ tuyên thệ Tổng thống vào ngày 20/1 sắp tới sẽ thu hút 800 ngàn người dự khán.
Cách đây 8 năm, lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, đã quy tụ 1,8 triệu người tham dự, một trong những con số kỷ lục.
Người ta e rằng sẽ có đụng độ giữa ủng hộ viên của ông Trump và những người phản đối.
An ninh sẽ được siết chặt nghiêm ngặt trong ngày thứ sáu tuần tới, trong đó có hơn 3200 cảnh sát từ khắp nơi trên cả nước đổ về, 8000 thành viên Vệ binh Quốc gia và thêm 5000 binh sĩ tại ngũ. Giới hữu trách cho biết chi phí an ninh đã vượt quá 100 triệu đô la.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng ông Trump ‘sửa sai lầm’ của Mỹ ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng chính quyền Mỹ dưới thời của tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ “sửa chữa sai lầm” của liên minh với lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ở Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik nói hôm thứ Năm.
Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh mở rộng của nhóm chiến binh PKK, nhóm đã nổi dậy chống Thổ Nhĩ Kỳ gần ba thập niên qua, và bị Ankara, Hoa Kỳ và EU xem là một tổ chức khủng bố.
Phát biểu của ông Isik đã được đưa ra tại một hội nghị của các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara.
http://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-hy-vong-ong-trump-sua-sai-lam-cua-my-o-syria/3673811.html
HRW lên án chính sách Australia đối với người tị nạn
Human Rights Watch ngày 12/1 lên án chính sách đối xử tồi tệ và khắc nghiệt của Australia với người tị nạn tại các trại giam ngoài khơi nước này. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế nói Australia đã gây những tổn thương lâu dài cho người tị nạn và làm tổn hại uy tín một quốc gia có tiếng là tôn trọng nhân quyền.
Trong chương nói về Australia của phúc trình toàn cầu hàng năm, Human Rights Watch cho biết điều kiện sống trong các trại giam thật khắc nghiệt và những người bị giam giữ “thường xuyên bị bạo hành, đe dọa và sách nhiễu.”
Theo luật lệ của Australia, bất cứ người nào bị bắt giữ trong lúc tìm đường vượt biển tới nước này đều bị chuyển ra các trại tị nạn trên đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương và trên đảo Manus ở Papua New Guinea trong quá trình chờ xử lý. Những người này không bao giờ được tái định cư tại Australia.
Một nữ phát ngôn viên của Cục Di trú khi được hỏi về bản phúc trình đã từ chối bình luận nhưng nhắc lại tuyên bố trước đây là điều kiện sống trong các trại giam là thích đáng và rằng đây là trách nhiệm của Nauru và Papua New Guinea.
Hai chính phủ này chưa lên tiếng bình luận tức thời trước tố cáo của Human Rights Watch.
Vào tháng 11 năm ngoái, Australia đồng ý với Mỹ về việc tái định cư một số người tị nạn ở các trại ở Nauru và Papua New Guinea, đổi lại, Australia nhận những người tị nạn thuộc Trung Mỹ. Tuy nhiên những bình luận liên hệ của Tòa Bạch Ốc làm dấy lên nghi ngờ rằng tân chính quyền mới của Mỹ có thể không xúc tiến thỏa thuận này.
Human Rights Watch nói sự sắp xếp này không đưa ra giải pháp cho bất cứ trường hợp nào và rằng Australia nên đóng cửa các trại giam và bảo vệ người tị nạn tốt hơn.
Chính sách khắc nghiệt của Australia đã bị Liên hiệp quốc và những tổ chức nhân quyền quốc tế khác chỉ trích mạnh mẽ giữa những cuộc tranh luận toàn cầu là làm thế nào xử lý con số khổng lồ những người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.
Những chính phủ Australia kế tiếp đã ủng hộ chính sách này mà họ cho là cần thiết để chặn đứng những người tị nạn bị chết đuối trên biển trong các cuộc hải hành nguy hiểm.
Theo Dữ liệu về con số người chết trên biên giới Australia của trường đại học Monash, có hơn 1.990 người tị nạn chết đuối trên đường đến Australia kể từ tháng 1 năm 2000.
Hơn 1/3 trường hợp tử vong xảy ra từ năm 2007 đến năm 2012, khi Australia ngưng chương trình giam giữ ngoài khơi nước này, trong đó có một tai nạn vào năm 2010 với 50 người thiệt mạng khi con tàu của họ va vào đá tại đảo Christmas.
Tai nạn này làm chấn động công luận về chính sách giam giữ ở bên ngoài Australia. Chính sách này được hai đảng và công luận tại Australia ủng hộ.
Human Rights Watch cũng chỉ trích Papua New Guinea về sự tàn bạo của cảnh sát, sau khi các nhân viên cảnh sát nổ súng vào các sinh viên biểu tình vào tháng 6 năm ngoái.
Human Rights Watch nói thêm là Papua New Guinea cũng là “một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ,” và chính phủ nước này đã không giải quyết được nạn tham nhũng .
Australia và Papua New Guinea đồng ý đóng cửa trại giam trên Đảo Manus, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể và hiện trại này vẫn còn mở cửa. Trại này giam 871 người và trại Nauru hiện giữ 383 người, theo thống kê mới nhất được Australia công bố vào tháng 11 năm ngoái.
http://www.voatiengviet.com/a/hrw-len-an-chinh-sach-australia-doi-voi-nguoi-ti-nan/3674637.html
Thủ tướng Nhật cam kết tăng tiến quan hệ với Philippines
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 12/1 tới Philippines trong chuyến công du hai ngày nhằm tăng cường quan hệ với tân Tổng thống Rodrigo Duterte, thúc đẩy hợp tác kinh tế trước sức cạnh tranh của Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia tới Philippines kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức. Chuyến đi diễn ra giữa bối cảnh thay đổi địa chính trị phần nhiều do những chuyển đổi trong chính sách ngoại giao của nhà lãnh đạo Philippines.
Ông Duterte đã tỏ ra bất hòa với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ trong khi đó lại xích lại gần hơn với nước láng giềng Trung Quốc vốn lâu nay nhiều xích mích, khiến Nhật hơi ‘khó xử’ vì Tokyo có quan hệ ấm nồng với Washington nhưng kình địch với Bắc Kinh.
Vừa đặt chân tới Manila, ông Abe đi thẳng tới cuộc họp với ông Duterte tại dinh Tổng thống. Thủ tướng Abe và phu nhân ngày 13/1 sẽ tới quê nhà Davao của ông Duterte và ghé thăm tư gia của gia đình Tổng thống Philippines.
Ông Abe nói ông chọn Philippines là đích đến đầu tiên trong năm nay để chứng tỏ ông đặc biệt lưu ý đến mối bang giao song phương. Thủ tướng Nhật cũng cam kết đưa quan hệ Nhật-Philippines lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm của ông Abe diễn ra đúng lúc Trung Quốc đang tìm cách rót tiền đầu tư vào Philippines trong các lĩnh vực kể cả cơ sở hạ tầng, vốn là lĩnh vực mà các công ty Nhật lâu nay đóng vai trò quan trọng tại Đông Nam Á.
Nhật là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Philippines, chủ yếu về điện tử, dịch vụ tài chính, sản xuất ô tô thông qua các công ty bao gồm Toyota, Mitsubishi và Canon.
Đại diện hơn 20 doanh nghiệp Nhật ngày mai sẽ cùng Thủ tướng Abe gặp gỡ các đối tác tại Davao.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-nhat-cam-ket-tang-tien-quan-he-voi-philippines/3674164.html
Mỹ phạt 7 quan chức Bắc Triều Tiên,
kể cả em gái ông Kim Jong Un
Mỹ ra lệnh trừng phạt 7 quan chức Bắc Triều Tiên, trong đó có em gái của lãnh tụ Kim Jong Un, vì “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tiếp diễn và các hoạt động kiểm duyệt”.
Hai cơ quan chính phủ Bắc Triều Tiên – Bộ Lao động và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước – cũng bị trừng phạt hôm thứ Tư.
Ông Tom Malinowski, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói với đài VOA hôm thứ Tư:
“Chúng tôi biết họ là ai, chúng tôi biết tên họ, họ không thể trốn tránh được”.
Ông Malinowski cho biết Hoa Kỳ không hy vọng các biện pháp trừng phạt mới hoặc bất kỳ chính sách nào của Washington “sẽ dẫn đến thay đổi ngay lập tức ở Bắc Triều Tiên”, nhưng hy vọng chúng sẽ có một số tác dụng nhất định.
Các biện pháp trừng phạt gồm phong tỏa tài sản và các quyền lợi ở Mỹ. Công dân Hoa Kỳ nói chung bị cấm giao dịch với 7 giới chức Bắc Triều Tiên và các cơ quan bị phạt này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Vi phạm nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên vẫn nằm trong số những nước tồi tệ nhất trên thế giới”. Ông cho biết “Chính phủ Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục giết người không qua xét xử, các vụ mất tích cưỡng chế, bắt bớ, giam cầm, cưỡng bức lao động và tra tấn”.
Ông Toner cho biết có đến 120.000 người trong các trại tù ở Bắc Triều Tiên, trong đó có trẻ em. Ông cũng cho biết việc kiểm duyệt và chặn thông tin “có mặt khắp nơi”.
Những người bị trừng phạt gồm bà Kim Yo Jong – em gái ông Kim Jong Un, các phó phụ trách cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, chủ yếu chịu trách nhiệm kiểm duyệt truyền thông và Bộ trưởng An ninh Nhà nước Kim Won Hong. Bộ này bị cáo buộc tham gia vào việc tra tấn, đánh đập, bỏ đói, tấn công tình dục và giết hại trẻ sơ sinh trong các trại tù.
Na-uy đi đầu ‘triệt tiêu’ sóng phát thanh FM
Na-uy là nước đầu tiên trên thế giới chấm dứt phát thanh sóng FM.
Bắt đầu từ ngày 11/1/17, miền Bắc nước này thôi sử dụng sóng FM và trong suốt năm nay, từng quận hạt của Na-uy sẽ từ giã làn sóng FM.
Đến tháng 9, hệ thống phát thanh của thành phố Olso sẽ hoàn toàn là kỹ thuật số và sự thay đổi được gọi là một phần của quá trình hiện đại hóa Na-uy sẽ hoàn tất vào ngày 13/12 năm nay.
Bộ Văn hóa nước này ước tính toàn bộ quá trình chuyển đổi từ phát thanh FM sang phát thanh kỹ thuật số sẽ giúp tiết kiệm khoảng 25 triệu đô la mỗi năm.
Chính phủ nói vận hành hệ thống phát thanh FM tiêu tốn gấp 8 lần hệ thống phát thanh kỹ thuật số.
Thụy Sĩ đã tuyên bố có kế hoạch tương tự chuyển đổi qua phát thanh kỹ thuật số toàn phần từ năm 2020. Đan Mạch và Anh quốc cũng nằm trong các nước muốn bỏ hẳn sóng phát thanh FM.
http://www.voatiengviet.com/a/na-uy-di-dau-triet-tieu-song-phat-thanh-fm/3674624.html
Nghị viện EU sắp bầu chủ tịch mới
Tuần tới, Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch mới trong một cuộc biểu quyết sôi động khác thường có thể chấm dứt sự hợp tác kéo dài một thập niên giữa các đảng phái dòng chính, phức tạp hóa quá trình làm luật, và dẫn tới một sự sắp xếp lại các chức vụ cao cấp của EU.
Tất cả 8 nhóm chính trị của cơ quan lập pháp này đã đưa ra các ứng viên, nhưng nhân vật đắc cử dự kiến sẽ là một trong hai người Ý do những nhóm trung hữu và trung tả đưa ra.
Ứng cử viên bảo thủ Antonio Tajani, 63 tuổi, là một đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, là người được xem như có nhiều triển vọng vì ông có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Đảng Nhân dân châu Âu, nhóm lớn nhất trong Nghị viện.
Tuy nhiên, không giống như những lần bổ nhiệm trước đây được sự đồng ý trước của các đảng chính, ông đang đối mặt với một đối thủ thực sự là ông Gianni Pittella, 58 tuổi, người đang cố gắng nắm quyền kế nhiệm ông Martin Schulz, cũng thuộc cánh trung-tả.
Nếu ông Tajani thắng, phe bảo thủ sẽ giữ tất cả 3 chức vụ hàng đầu. Ông Jean-Claude Juncker của Luxembourg đứng đầu cơ quan điều hành của EU có trụ sở tại Brussels, và cựu Thủ tướng Balan Donald Tusk làm chủ tịch Hội đồng châu Âu, nơi tập họp chính phủ các nước.
Những người có lập trường xã hội cảnh báo là nếu ông Pittella không thắng cử, họ sẽ thúc đẩy việc sắp xếp lại những chức vụ quan trọng.
http://www.voatiengviet.com/a/nghi-vien-eu-sap-bau-chu-tich-moi/3674134.html
Dân Singapore xin Trung Quốc trả lại xe tăng bằng bài hát
Cuối năm 2016, hải quan Hong Kong thu giữ chín xe bọc thép và thiết bị quân sự thuộc của Singapore tại một cảng lớn ở Hong Kong sau khi lô hàng này cập cảng từ Đài Loan.
Lô hàng hiện vẫn còn ở đó.
Phóng viên BBC Heather Chen tường thuật người Singapore đã có một sáng kiến để đòi lại chúng: qua các bài hát.
“Quốc đảo của chúng tôi rất nhỏ. Chẳng có lựa chọn, chúng tôi phải tập huấn tại các nước khác,” đó là những ca từ trong một ca khúc của Alvin Oon.
“Tại sao quý vị giữ chiếc xe Terrex Chia của tôi?”
Ca khúc trộn lẫn tiếng Anh và tiếng Phúc Kiến nhằm “thể hiện quan điểm của người dân Singapore về vụ việc đang bế tắc này,” Oon nói.
Anh muốn đưa vụ bế tắc ngoại giao “vào một ca khúc hài hước một cách ngắn gọn”.
Cơn bão ngoại giao
Chín xe bọc thép Terrex của Quân đội Singapre đang trên đường từ Đài Loan về Singapore hồi tháng 11 sau một cuộc tập trận thường lệ ở Đài Loan.
Động thái thu giữ lô hàng này của Trung Quốc đã gây một cơn bão ngoại giao.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định các xe tăng này là tài sản của một quốc gia có chủ quyền và phải được trả cho Singapore ngay lập tức.
“Singapore và Hong Kong từ lâu đã có quan hệ hữu hảo. Chúng tôi hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết thỏa đáng và quan hệ thân thiết giữa hai bên sẽ được duy trì,” ông Ng nói.
Trung Quốc vẫn chưa nói rõ tại sao họ vẫn thu giữ lô xe này, dù có ý kiến cho rằng lý do là vì giấy tờ thủ tục.
Nhiều người Singapore cho rằng việc Trung Quốc giữ xe tăng của Singapore là nhằm trả đũa quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này.
Singapore vốn có quan hệ lâu dài với Đài Loan – vùng lãnh thổ mà Trung Quốc coi là một tỉnh của mình – và Singapore được coi nước là phản đối các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói việc thu giữ lô xe là hợp lệ, và cảnh báo Singapore phải “tôn trọng pháp luật”.
Giới chức đang giải quyết vấn đề này “theo đúng quy định”, ông Lục nói, và “chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ thận trọng với lời nói và hành động của mình”.
Alvin Oon: “Trả lại xe Terrex Chia cho tôi”
Ca khúc của Oon tràn đầy lòng tự hào dân tộc, trong đó thể hiện quan điểm của anh cho rằng vụ việc này là không công bằng.
Bài hát dài ba phút nói về sự khởi đầu khiêm tốn của quân đội Singapore, nhưng ý nghĩa lớn hơn của ca khúc là “sự trở về của 9 chiếc xe tăng Terrex Singapore”.
Anh nói với BBC anh mất hai ngày để cho ra đời ca khúc. Anh sáng tác nhạc, viết lời và thu âm bài hát theo kiểu karaoke sến.
Tiết mục trên tài khoản YouTube của Oon hiện có gần 150.000 lượt xem và được chia sẻ rộng rãi trên Facebook.
mrbrown: “Trả cho chúng tôi xe tăng Terrex”
Ca khúc thứ hai lập tức được cư dân mạng Singapore yêu thích là của Lee Kin Mun, còn được viết với tên mrbrown, một blogger viết về các vấn đề chính trị xã hội.
Bài “Trả cho chúng tôi xe tăng Terrex” do Lee và Marc Nair viết lời, được hát bằng Singlish (tiếng Anh giọng Singapore) theo nhạc bài Gong Xi Gong Xi (Cung Hỷ Phát Tài) quen thuộc thường được hát vào dịp Tết âm lịch.
“Chỉ quá cảnh ở Hong Kong, xe tăng bị giữ dài dài
Vì sao các bạn không vui?
Các bạn cần bao lâu để kiểm tra?
Trả lại, trả lại, trả lại cho chúng tôi
Trả lại xe Terrex cho chúng tôi.”
Lee nói với BBC: “Lần sau Singapore nên sản xuất loại xe Terrex có thể chạy trên biển và có thể đi từ Đài Loan về Singapore mà không cần phải di chuyển nhờ tàu thương mại”.
Cách làm của Lee được nhiều người Singapore ủng hộ trên Facebook.
Nhiều người nhận xét là theo phong tục Tết âm lịch, mọi người phải trả hết các khoản nợ nần trước Tết.
Alvin Oon cũng ghi nhận phong tục này và nói thêm: “Chúng ta đều biết rằng không nên nợ nần ai bất cứ điều gì và phải trả hết nợ trước Tết. Chúng ta hãy hy vọng có thể nhận lại các thiết bị quân sự trước khi ăn Tết xong.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38609403
Trump cam kết có báo cáo về tin tặc Nga
Donald Trump hứa sẽ đưa ra một báo cáo trong vòng 90 ngày về những cáo buộc Nga xâm nhập mạng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Trong một loạt các tin nhắn trên Twitter, Tổng thống đắc cử gọi là các cáo buộc xâm nhập mạng là “vụ việc dựng lên của các phần tử chính trị bẩn thỉu”.
Các cơ quan tình báo Mỹ từng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách truy cập thông tin liên lạc của đảng tham gia tranh cử.
Họ cũng xem xét cáo buộc rằng Moscow đang nắm giữ thông tin nhạy cảm về ông Trump.
Hôm thứ Năm, Tổng thống đắc cử cho biết Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper đã gọi điện cho ông và “tố cáo tin tức sai và hư cấu” về một hồ sơ của Nga chống lại ông, vốn bị rò rỉ ra cho giới truyền thông trong tuần.
Tuy nhiên, ông Clapper cho biết ông đã nói với ông Trump rằng hiện chưa có nhận định gì về độ tin cậy của tin tức loan tải.
Ông cũng phủ nhận rằng các cơ quan tình báo là nơi tung tin.
Tin tức này làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên của ông trong cương vị tổng thống đắc cử vào hôm thứ Tư, ông Trump cho biết uy tín của các cơ quan tình báo Mỹ sẽ bị “hoen ố nặng” nếu họ chính là nơi rò rỉ thông tin.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38612125
Úc vẫn hy vọng sự hình thành của hiệp định TPP
Trước khi đón Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản để thảo luận về tình hình khu vực, chính phủ Úc cho hay vẫn hy vọng bản hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được tân chính phủ Mỹ chấp nhận.
Lên tiếng với đài phát thanh ABC, Bộ Trưởng Thương Mại Úc Steven Ciobo nói rằng nên cho Hoa Kỳ thời gian để cứu xét việc này, đừng vội vã nghĩ rằng tân chính phủ Mỹ sẽ hủy bỏ bản hiệp định.
Ông Ciobo cũng cho biết trong trường hợp quốc hội Hoa Kỳ không thông qua bản hiệp định, lúc đó Úc sẽ bắt đầu đàm phán với những nước Châu Á, để đạt mục tiêu mở rộng trao đổi thương mại.
Ngay sau khi đắc cử, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump cho biết một trong những việc ông sẽ làm ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng là xé bỏ bản hiệp định thương mại TPP.
Tuy nhiên 2 ngày trước đây khi ra điều trần trước Thượng Viện Liên Bang Mỹ, ngoại trưởng để cử của Hoa Kỳ là ông Rex Tillerson lại nói là ông ủng hộ TPP, khiến nhiều người hy vọng Tổng Thống Trump sẽ đổi ý.
TPP thành hình sau 5 năm trời đàm phán, với sự tham dự của 12 nước, trong đó có Việt Nam. Đến giờ, bản hiệp định thương mại quan trọng này vẫn chưa được Quốc Hội Liên Bang Mỹ phê chuẩn, cho dù Tổng Thống đương nhiệm Barack Obama nhiều lần lên tiếng thúc đẩy, nói rằng TPP không chỉ giúp mở rộng quan hệ thương mại với những nước tham gia, mà còn giúp tăng vị thế chính trị của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương.
Pháp: Renault bị điều tra về xe diesel gây ô nhiễm
Hãng tin AFP trích dẫn nguồn tin từ Viện Công tố Paris hôm nay, 13/01/2017, cho biết là ba viên dự thẩm Pháp sẽ điều tra các thiết bị mà hãng Renault sử dụng để kiểm tra khí phát thải gây ô nhiễm từ các xe hơi chạy bằng diesel do hãng này sản xuất. Viện Công tố đã ra lệnh mở cuộc điều tra đối với Renault vào hôm qua.
Vào tháng 09/2015, tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen thừa nhận đã gắn vào 11 triệu chiếc xe chạy bằng diesel của hãng này một phần mềm nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra lượng khí phát thải gây ô nhiễm. Sau vụ tai tiếng này, bộ Môi trường của Pháp đã lập một ủy ban độc lập để xét nghiệm khoảng 100 xe hơi được bán tại Pháp.
Kết quả xét nghiệm của ủy ban này được công bố tháng 07/2016 cho thấy xe hơi của một số hãng vượt ngưỡng an toàn về ô nhiễm rất nhiều, trong đó có xe của Renault, tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu của Pháp. Về phần mình, tập đoàn Renault vẫn khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh luật lệ của Pháp và châu Âu.
Như vậy, sau Volkswagen của Đức, Renault là tập đoàn xe hơi thứ hai ở Pháp bị điều tra về tội cố tình làm sai lạc kết quả kiểm tra ô nhiễm của xe chạy bằng diesel. Vào tháng 2/2016, ngành tư pháp của Pháp đã mở điều tra nhắm vào Volswagen.
Hôm qua, tập đoàn xe hơi Mỹ-Ý Fiat Chrysler cũng bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc là đã làm giống như Volkswagen, tức là làm sai lệch kết quả kiểm tra các xe hơi chạy diesel bán tại thị trường Hoa Kỳ. Cũng tại Mỹ, tập đoàn Volkswagen hôm thứ tư 11/01 đã nhận tội lừa đảo và sẽ trả tổng cộng 22 tỷ đôla tiền phạt và tiền bồi thường.
http://vi.rfi.fr/phap/20170113-phap-renault-dieu-tra-xe-diesel-o-nhiem-khong-khi
Tranh cử sơ bộ tổng thống Pháp:
cánh tả tranh luận không hấp dẫn
Theo thống kê, cuộc tranh luận đầu tiên giữa 7 ứng cử viên cánh tả Pháp trong đêm 12/01/2017 chỉ thu hút có 3,8 triệu khán giả truyền hình, ít hơn phe hữu 1,8 triệu.
Cuộc tranh luận bị xem là nhàm chán, gây thất vọng cho các ứng cử viên và cho đảng Xã Hội, kỳ vọng vào sự kiện này để nâng cao ảnh hưởng trong công luận. Ba nhân vật về đầu sau cuộc so tài này là cựu bộ trưởng Arnaud Montebourg với chủ trương « kinh tế ái quốc » như Donald Trump, cựu thủ tướng Manuel Valls với lá chủ bài « kinh nghiệm điều hành việc nước » trong hoàn cảnh thế giới bất trắc và cựu bộ trưởng giáo dục Benoit Hamon, với đề án « mọi người đều có thu nhập ».
Trong cử tri cánh tả thì cựu thủ tướng Manuel Valls nổi bật hơn hết. Tuy nhiên, theo các kết quả thăm dò ý kiến cho đến hôm nay thì không một nhân vật nào trong phe tả qua được vòng một. Ứng cử viên thuộc phe hữu là François Fillon và Marine Le Pen cực hữu vẫn chiếm vị trí nhất nhì. Người thứ ba bám sát nút là Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế ly khai, trẻ tuổi, được một số nhân vật nặng ký trong đảng Xã hội ủng hộ, sáng lập viên phong trào « Tiến bước » (En marche).
http://vi.rfi.fr/phap/20170113-tranh-cu-so-bo-tong-thong-phap-canh-ta-tranh-luan
Tư Pháp Mỹ điều tra
vụ FBI « can thiệp » vào bầu cử tổng thống
Bộ tư pháp Mỹ quyết định điều tra vì sao cơ quan cảnh sát liên bang FBI thông báo mở lại hồ sơ thư điện tử cá nhân của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton giữa lúc bà chiếm thế thượng phong rồi sau đó lại tuyên bố không có gì mới. Ứng cử viên đảng Dân chủ xem quyết định này của giám đốc FBI làm cho bà thất cử.
Văn phòng tổng thanh tra bộ tư pháp Mỹ Michael Horowitz ngày 12/01/2017 thông báo mở cuộc điều tra theo yêu cầu của « các nhân vật cao cấp trong quốc hội và nhiều tổ chức công dân » về hai tuyên bố của giám đốc FBI, James Comey lúc gần đến ngày bầu cử tổng thống 08/11/2016.
Mười ngày trước, ông James Comey thông báo mở lại điều tra xem xét hộp thư điện tử cá nhân của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton có chứa thông tin bí mật quốc gia hay không, rồi một tuần sau lại bảo là không có gì đáng nói. Trong vòng một tuần lễ, điểm tín nhiệm của ứng cử viên đảng Dân chủ lao dốc.
Vấn đề là các cơ quan an ninh Mỹ, theo đạo luật Hatch Act năm 1939, phải giữ thế trung lập, không can thiệp vào bầu cử. Theo truyền thống, cơ quan cảnh sát cũng không được tiết lộ thông tin về một cuộc điều tra mà không đi đến kết luận truy tố hình sự.
Nếu tư pháp tìm thấy bằng chứng giám đốc FBI hành động sai trái, đương sự sẽ bị kỷ luật. Nhiệm kỳ của giám đốc FBI che chở cho James Comey không bị cách chức giữa chừng trừ trường hợp phạm lỗi đặc biệt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170113-tu-phap-my-dieu-tra-fbi-bau-cu-tong-thong-qt
Bất đồng trong chính quyền Mỹ tương lai về Iran và Nga
Quan hệ Nga-Mỹ và thỏa thuận hạt nhân Iran : lãnh đạo tương lai bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và cơ quan tình báo CIA bất đồng sâu đậm với lập trường của Donald Trump. Đây là điểm chính trong cuộc điều trần ngày hôm qua 12/01/2017 của tướng James Mattis và ông Mike Pompeo trước Thượng Viện Hoa Kỳ.
Thông tín viên đài RFI Anne –Marie Cappomacio từ thủ đô Washington cho biết thêm :
« “Một khi đã hứa, nước Mỹ luôn tôn trọng lời nói của mình với đồng minh” . Tướng Mattis, người trên nguyên tắc sẽ trở thành bộ trưởng Quốc Phòng tương lai, đã tuyên bố như trên trong cuộc điều trần tại Thượng Viện hôm qua khi đề cập đến thỏa thuận hạt nhân với Iran. Về phần mình, ông Mike Pompeo, người được Donald Trump đề cử lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA, cũng đã đưa ra phân tích tương tự : tôn trọng thỏa thuận đồng thời đề cao cảnh giác. Bởi theo Mike Pompeo, “Người Iran là những tay lừa đảo chuyên nghiệp” do vậy ông cam kết là “sẽ làm tất cả để giảm thiểu rủi ro này”.
Liên quan đến nước Nga, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tương lai và người sắp đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ cũng có cùng quan điểm, cho dù hai ông Mattis và Pompeo đã phát biểu trong hai cuộc điều trần khác nhau. Tướng Mattis nhấn mạnh đến kinh nghiệm trong quá khứ : “Nước Mỹ từng nhiều lần cố gắng thiết lập một mối liên hệ tích cực với nước Nga, nhưng rất ít khi thành công, bởi vì ông Putin đã tìm cách chia rẽ liên minh Đại Tây Dương”.
Hai nhân vật có triển vọng đứng đầu bộ Quốc Phòng và CIA có vẻ như ăn khớp với nhau, nhưng họ không thực sự theo đúng đường lối đã được Donald Trump vạch ra. Tổng thống Mỹ tương lai hứa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân và bày tỏ nguyện vọng làm hòa với Vladimir Putin.
Liên quan đến hành vi tra tấn, cả bộ trưởng Quốc Phòng tương lai lẫn lãnh đạo CIA sắp tới đều không chủ trương sử dụng lại các biện pháp này.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào hai nhân vật có cá tính mạnh này, tướng Mattis và ông Pompeo, sẽ làm việc chung với Donald Trump, một vị tổng thống mà không có vẻ chia sẻ cùng quan điểm với họ trên những hồ sơ thiết yếu đối với Hoa Kỳ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170113-bat-dong-trong-chinh-quyen-my-tuong-lai-ve-iran-va-nga
Theo mô hình Nga,
Hungary muốn « triệt tiêu » tổ chức dân sự đối lập
Chính quyền cánh hữu của Thủ tướng Orbán Viktor hiện đang tuyên chiến thẳng thừng với những tổ chức dân sự theo chiều hướng đối lập, mà họ coi là “tay chân của tư bản nước ngoài“, “âm mưu phá hoại chính phủ“, v.v…, theo những phát biểu và động thái mới đây nhất của giới lãnh đạo thượng đỉnh Hungary.
Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest:13/01/2017Nghe
Phó Chủ tịch đảng cầm quyền FIDESZ, đồng thời là phó nhóm dân biểu FIDESZ trong Quốc hội Hungary, ông Németh Szilárd tuyên bố cần “đẩy lùi” và “tống tiễn” “những tổ chức dân sự giả hiệu của cái vương quốc Soros“, được duy trì để phục vụ lợi ích của giới đại tư bản toàn cầu và dùng thứ “phát ngôn phải đạo” để chống chính quyền.
“Tôi nghĩ, bây giờ đã có cơ hội quốc tế để làm điều này“, ông Németh Szilárd phát biểu trong một cuộc họp báo, vài giờ sau khi giới xã hội dân sự – trong đó, một bộ phận hoạt động được nhờ sự ủng hộ của Quỹ Soros (mang tên nhà tài phiệt Mỹ gốc Hung George Soros) – phàn nàn với báo giới ngoại quốc về tương lai mờ mịt của họ.
Đặc biệt, các tổ chức xã hội dân sự Hungary lo ngại rằng với chiến thắng của ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Orbán Viktor không còn trở ngại gì nữa trong việc thanh toán và xóa sổ họ, theo mô hình của Liên bang Nga. Báo giới Hungary nhận xét có vẻ như điều này đã trở thành sự thật. Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích rõ về xu hướng chống các tổ chức dân sự của chính phủ thủ tướng Orban.
Hằn thù với George Soros
Báo chí ngoại quốc nhận xét, những năm gần đây Thủ tướng Orbán Viktor chú trọng việc xây dựng trong thực tế một kiểu nhà nước mà ông thường gọi bằng cái tên “dân chủ phi tự do“, theo nghĩa một nhà nước không từ chối những giá trị dân chủ tự do, nhưng không lấy đó làm trọng điểm trong việc tổ chức đất nước. Điển hình cho mô hình này chính là thể chế của Tổng thống Vladimir Putin tại Liên bang Nga, mà ông Orbán Viktor thường ca ngợi và bắt chước. Đó là một thứ nhà nước đặc thù, tìm mọi cách hạn chế truyền thông theo hướng phê phán chính phủ, và ngăn cản sự hoạt động của các định chế dân chủ, trong đó có các tổ chức dân sự độc lập.
Chính quyền Hungary đã theo đuổi cuộc chiến này với các tổ chức dân sự từ hai, ba năm nay, và họ đã đi rất xa khi công khai gọi tỷ phú George Soros, người có không ít công lao trong quá trình dân chủ hóa của nước Hung cách đây một phần tư thế kỷ, là “yếu tố đe dọa nền an ninh quốc gia“. Mọi sự khởi đầu vào mùa xuân năm 2014.
Khi đó, đích thân Thủ tướng Orbán Viktor ra chỉ thị cho Cục Kiếm tra Chính phủ đặt 62 tổ chức dân sự vào tầm ngắm trong vòng hai năm ròng: cảnh sát đã tiến hành điều tra suốt 16 tháng liền, công tố viện và cơ quan thuế vụ cũng vào cuộc, và toàn thể truyền thông thân chính phủ cũng tấn công dữ dội những tổ chức này.
Rốt cục, không một sai phạm nào về phía các tổ chức dân sự bị phát hiện, ngược lại, ít nhất là trong một trường hợp, tòa án cũng phải tuyên bố là cuộc điều tra là vô cớ và bất hợp pháp. “Tội” của các tổ chức này đơn thuần là vì họ được Quỹ Soros, và chính phủ Na Uy ủng hộ. Chính quyền Mỹ và đích thân Tổng thống Obama cũng đã lên tiếng chỉ trích hành vi này của phía Hung.
Giới ngoại giao Mỹ, trong những năm gần đây, cũng đã thường xuyên đưa lời cảnh báo và cả chỉ trích tình trạng vi phạm dân chủ và nhân quyền tại Hungary, nhưng chiến thắng của Trump có thể sẽ khiến những dự tính chôn vùi xã hội dân sự của ông Orbán Viktor không còn gặp trở ngại nữa, như các nhóm dân sự nước này quan ngại.
Trả lời báo chí ngoại quốc, đồng Chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền mang tên Ủy ban Helsinki Hungary, bà Pardavi Márta cũng có ý kiến tương tự. Theo bà, ông Orbán sẽ rảnh tay hơn trong việc thực hiện những biện pháp đi ngược lại với dân chủ và nhà nước pháp quyền. Còn ông Chris Stone, Chủ tịch Quỹ Xã hội Mở thì cho rằng đây đồng thời cũng là một phép thử đối với Châu Âu, xem Châu Âu có thể làm gì.
Mô hình của Matxcơva
Trước mắt, mô hình của Tổng thống Nga Putin – dùng vũ lực và viện dẫn “an ninh quốc gia” để vô hiệu hóa các tổ chức dân sự – đang được chính quyền Hungary mô phỏng. Đây là một phương pháp rất hữu hiệu ở nước Nga từ nhiều năm nay, và cũng đã được ông Orbán Viktor thử nghiệm một cách có kết quả.
Ở Nga, tất cả các tổ chức nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài đều chính thức bị coi là “gián điệp cho ngoại bang“. Và hồi âm của chính quyền rất đơn giản, nhưng hiệu quả: nếu một tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng chỉ trích chính quyền vì một hành vi phi dân chủ, hoặc tham nhũng nào đó, chính quyền sẽ đáp lại rằng tổ chức đó không độc lập, mà có thể là “gián điệp ngoại bang“, là “thù địch“.
Bằng cách ấy, chẳng những lời phê phán nọ bị vô hiệu hóa, mà tổ chức dân sự cũng sẽ bị chính quyền bôi nhọ trong mắt người dân. Song song với điều đó, chính quyền cũng dùng thuế dân để tạo dựng cho những tổ chức “dân sự” trá hình của riêng mình, và cho phép họ tha hồ ca ngợi chính quyền trên các kênh truyền thông công ích thân chính phủ do chính quyền bơm tiền.
Hiện tượng này là thường nhật tại nước Nga và một số quốc gia khác thuộc Liên bang Xô Viết thuở xưa, và đã hiện diện ở Hungary như báo chí nước này nhận xét. Riêng tại nước Nga của ông Putin, người sẽ có chuyến công du Budapest vào tháng 2/2017 tới, vị tổng thống này đã mở các chiến chống lại các tổ chức dân sự từ năm 2003.
Thoạt tiên, chính quyền dùng các biện pháp hành chính để hạn chế hoạt động của các tổ chức dân sự, và rốt cục tới cuối năm 2016, trong thực tế họ đã cho đóng cửa Quỹ Xã hội Mở ở Nga. Còn tại Uzbekistan thì Quỹ Soros bị xóa sổ từ năm 2004, sau khi chính quyền nước này cho ra một đạo luật buộc các tổ chức dân sự phải đăng ký lại, và chính quyền có quyền cấm đoán sự hoạt động của họ.
Cũng trong tinh thần như thế, Kazahstan diệt trừ Quỹ Soros bằng cách cáo buộc tổ chức này lậu thuế, và Turkmenistan thì cho George Soros vào sổ đen, có nghĩa là cấm cửa, không cho phép đại diện các tổ chức của Soros được nhập cảnh. Những hình thức xử lý như trên hiện đang được nội các ông Orbán Viktor thực hiện, theo giới dân sự nước này.
Chẳng hạn, đạo luật về các tổ chức dân sự thông qua năm 2011 sẽ được sửa theo hướng lãnh đạo các nhóm dân sự phải công khai tài sản. Theo giới dân sự nước này, đây sẽ là cách để truyền thông thân chính phủ bêu xấu lãnh đạo dân sự, cho dù trước nay thu nhập của họ vốn dĩ đã công khai, và họ không nhận tiền từ công quỹ nhà nước.
Tại sao Soros?
Một câu hỏi được đặt ra: tại sao những tổ chức được nhà tài phiệt George Soros tài trợ lại rơi vào tầm ngắm và sự ác cảm đặc biệt của chính quyền cánh hữu Hungary? Phải chăng là vì vai trò của ông trong các biến chuyển chính trị ở nhiều nước khu vực Đông-Trung Âu, trong đó có sự hỗ trợ cho biến chuyển dân chủ ở Hung, mà đảng cầm quyền FIDESZ ý thức rất rõ?
Nhắc lại, George Soros sinh ra ở Hungary trong một gia đình gốc Do Thái và rời Hung năm 1947. Ở Anh và sau đó là Mỹ, ông trở thành một tỷ phú, nhưng luôn có sự quan tâm tới các vấn đề chíngh trị và xã hội. Hè năm 1984, ông ký một hợp đồng giữa Quỹ Soros và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, lập ra quỹ Soros Budapest. Sau đó nhiều quỹ được thành lập trong vùng để giúp đỡ các quốc gia từ bỏ chế độ Cộng sản.
Năm 1993, ông cho thành lập Học viện Xã Hội Mở, sau đổi thành Quỹ Xã Hội Mở, để trợ giúp tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, với mục đích hỗ trợ công lý, giáo dục, y tế công cộng, và truyền thông độc lập. Tại Hungary, nhiều tổ chức dân sự hàng đầu như Ủy ban Helsinki Hungary, Hiệp hội vì Các quyền tự do, hay Quỹ Minh Bạch Quốc Tế Hungary đều nhận tài trợ từ Quỹ Soros.
Đó là những tổ chức có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội của Hungary, và hoạt động độc lập với chính quyền của họ thường theo hướng đối lập, gây nhiều phiền nhiễu cho nội các cánh hữu nước này, vốn không chấp nhận những lời phê phán. Hơn thế nữa, trên cương vị những người tham gia thay đổi thể chế cộng sản, Thủ tướng Orbán Viktor và các đồng sự hẳn vẫn nhớ vai trò của George Soros khi đó.
Không chỉ hỗ trợ cho đối lập Hungary, mà trước đó Soros còn đã ủng hộ Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, cũng như phong trào Hiến chương 77 của Tiệp Khắc. Ông cũng được coi là đã tổ chức và hỗ trợ tài chính cho Cuộc cách mạng Hoa hồng của Gruzia năm 2003, và Cuộc cách mạng Cam của Ukraina năm 2006, khiến nước này chuyển mình theo Phương Tây.
Tại Belarus, do hoạt động ủng hộ phe đối lập mà Soros bị coi là phần tử không được hoan nghênh. Do đó, một chính quyền cánh hữu theo hướng dân tộc chủ nghĩa và có những quan điểm đi ngược lại Phương Tây như ở Hungary, khó chấp nhận được Soros và những gì liên quan tới ông. Và trong ván bài đó, các tổ chức dân sự tại Hung cũng bị vạ lây…
Cho dù hoạt động hoàn toàn hợp thức, nhưng vẫn bị cản trở và có thể vô hiệu hóa – đó là tình cảnh của các nhóm dân sự kể trên, cho dù khi còn là chính đảng đối lập, chính FIDESZ cũng đã nhờ cậy vào họ để được bảo vệ. “Chỉ vì dám có ý kiến và dám nói lên ý kiến của mình“, báo chí Hungary nhấn mạnh, và có lẽ đây là một cuộc chiến dai dẳng khi chính quyền muốn xóa sổ những đại diện lớn nhất của xã hội dân sự Hungary.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170113-hungary-triet-tieu-doi-lap-nga-xh-pv
Nga phẫn nộ trước sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan
Kể từ ngày 12/01/2017 Mỹ đưa quân và trang thiết bị quân sự đến Ba Lan trong khuôn khổ chiến dịch « Atlantic Resolve » được tổng thống Barack Obama quyết định sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Sự kiện nói trên đã khiến Matxcơva giận dữ.
Đây là đợt triển khai quân sự từ phía Hoa Kỳ sang Châu Âu hùng hậu nhất từ trước tới nay. Trong những ngày tới sẽ có đến 3.000 quân nhân, 87 chiếc xe tăng và hơn 500 xe vận tải của quân đội Mỹ sẽ được điều tới Ba Lan. Sau Ba Lan, số này sẽ tuần tự đến đóng tại ba nước trong vùng Baltic, tại Hungary, Roumani và Bulgari.
Việc tăng quân ở sườn phía đông Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO đã được các thành viên trong khối nhất trí thông qua, nhân thượng đỉnh Vacxava hồi tháng 7/2016. Không nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng điện Kremlin cho rằng việc triển khai quân sự nói trên gây « bất ổn » cho Châu Âu. Thông tín viên đài RFI, Muriel Pomponne từ Matxcơva cho biết thêm về phản ứng của Nga :
« Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cho biết: theo quan điểm của điện Kremlin, chiến dịch này là một “mối đe dọa nhắm vào quyền lợi và an ninh” của nước Nga. Không nêu đích danh Hoa Kỳ, ông Peskov tố cáo việc “một nước thứ ba, mà không thuộc châu Âu tăng cường sự hiện diện quân sự ngay sát biên giới Nga” tại châu Âu.
Theo Matxcơva, việc triển khai quân sự nói trên là một “yếu tố gây bất ổn cho an ninh châu Âu”. Các cơ quan tuyên truyền của Nga cho rằng quyết định triển khai quân ở Đông Âu chỉ khiến cho các nước châu Âu lo ngại, ngoại trừ Ba Lan và các nước trong vùng Baltic là cảm thấy an tâm. Theo báo chí thân chính phủ Nga, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vội vã đưa xe thiết giáp sang Ba Lan trước khi chuyển giao quyền lực cho Donald Trump là do việc khác với Obama, ông Trump không mắc hội chứng bài Nga.
Thật ra việc Mỹ đưa xe thiết giáp sang Ba Lan không phải là điều bất ngờ vì quyết định này đã được các bên đồng ý nhân thượng đỉnh của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hồi tháng 7/2016 vừa qua tại thủ đô Vacxava. Năm nay, NATO và Nga dự trù họp lại hai lần tại Bruxelles. Điều đó chứng minh là đối thoại giữa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Matxcơva vẫn được duy trì ».