Tin khắp nơi – 08/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/06/2018

Trump có thể mời Kim Jong-un sang Mỹ

Donald Trump cho biết ông sẽ xem xét mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng nếu hội nghị thượng đỉnh của họ tại Singapore diễn ra tốt đẹp.

Ông Trump nói về việc này khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về thượng đỉnh ngày 12/6.

Ông cho biết có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, mặc dù ông gọi đó là “phần dễ dàng” của các cuộc đàm phán.

“Những gì xảy ra sau đó mới thực sự quan trọng,” ông nói với các phóng viên.

SQ Mỹ rút thêm người ra khỏi TQ do ‘bị bệnh bí ẩn’

TQ phản ứng vụ B-52 bay gần Trường Sa

Sao bóng rổ Dennis Rodman có thể tới thượng đỉnh Trump-Kim?

Mỹ và các đồng minh trong khu vực muốn thấy Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng ông Trump thừa nhận “sẽ mất nhiều thời gian” hơn một cuộc họp để thực hiện mục tiêu đó.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, phát biểu sau đó tại Nhà Trắng, cho biết Kim Jong-un đã chỉ ra cho cá nhân ông thấy Kim sẵn sàng phi hạt nhân hóa – dù không rõ điều đó có nghĩa Bắc Hàn đang tiến gần hơn cái mà Mỹ đòi hỏi hay không.

Ông Trump nói gì về hội nghị thượng đỉnh?

Ông Trump nói không muốn sử dụng thuật ngữ “áp lực tối đa” cho Bắc Hàn “bởi vì chúng tôi đang đàm phán thân thiện” nhưng ông cảnh báo còn nhiều lệnh trừng phạt có thể sử dụng chống Bắc Hàn.

Ông cũng nói rằng đã “hoàn toàn chuẩn bị để bỏ đi” nếu hội nghị thượng đỉnh không diễn ra tốt đẹp, nhưng nếu vậy, không cần bàn tới việc mời ông Kim đến Washington nữa.

Tuy nhiên, khi được hỏi về một thông cáo cách đây một ngày về việc ông Trump có thể mời ông Kim đến khu nghỉ dưỡng ở Florida Mar-a-Lago, ông châm biếm: “Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu với Nhà Trắng, anh nghĩ sao?”

Ông Abe muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh?

Thủ tướng Nhật Bản thường xuyên có các cuộc họp với ông Trump kể từ khi Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng ông Abe mong muốn đảm bảo lợi ích của Nhật Bản không bị bỏ qua trong bất kỳ sự tái lập tình hữu nghị nào giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Ông Abe cho biết ông tự tin rằng ông Trump hiểu được Nhật Bản lo ngại việc các công dân của họ bị Bắc Hàn bắt cóc trong thập niên 1970, 1980 nhằm phục vụ mục đích đào tạo gián điệp tiếng Nhật và phong tục Nhật Bản.

Mặc dù Bắc Hàn thừa nhận 13 vụ bắt cóc, con số thực tế được cho là cao hơn thế.

Ông Abe nói muốn “gặp mặt trực tiếp với Bắc Hàn và nói chuyện với họ để vấn đề bắt cóc có thể được giải quyết nhanh chóng”.

Những gì diễn ra trước thềm thượng đỉnh

Chuyến thăm của ông Abe là một phần của một loạt các hoạt động ngoại giao trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim, khi các nước cố gắng đảm bảo quyền lợi của họ không bị bỏ qua.

Ông Kim đã có hai cuộc gặp với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in.

Ông Moon đã gặp ông Trump ở Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm ông Kim ở Bình Nhưỡng, đặt nền tảng cho ông Kim đến thăm Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow vào cuối năm nay.

Ông Kim đã hai lần tới Trung Quốc, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau các cuộc tranh cãi leo thang giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Bắc Hàn, ông Trump hồi tháng trước tuyên bố hủy cuộc đàm phán.

Hôm thứ Tư 6/6, luật sư của ông Trump, ông Rudy Giuliani, cho biết ông Kim “cầu xin” hội nghị thượng đỉnh được tiếp tục.

Không có phản ứng tức thời nào từ phía Bắc Hàn đối với những bình luận của ông.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44408665

 

Singapore ráo riết

chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim

Minh Anh

Đảo quốc Đông Nam Á không giấu niềm tự hào là chủ nhà tổ chức thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un ngày 12/06/2018. Singapore làm hết sức để bảo đảm an ninh cho các vị khách mời bất chấp thời gian chuẩn bị gấp rút.

Từ Singapore, thông tín viên Nooten Carrie có bài tường thuật :

« Gần như không có gì có thể đến gây xáo trộn một sự không khí trầm lặng uể oải của một xứ nhiệt đới như Singapore… và công tác tổ chức sự kiện ngoại giao trong năm tại châu Á không ra khỏi ngoại lệ. Tại chỗ người ta chỉ thoáng thấy công tác chuẩn bị này.

Cũng có diễn tập đội hình hộ tống và đoàn xe mở đường phi nhanh với còi hụ đinh tai và đèn xe hiệu… nào là lắp đặt thêm các thiết bị camera xung quanh khách sạn Shangri-La, sẽ là nơi ở của tổng thống Donald Trump… hay như chiến đấu cơ tập luyện với một nhịp độ cao hơn bình thường một chút.

Nhưng chính quyền Singapore là chuyên gia về khâu tổ chức, hậu cần và trong nghệ thuật chặn xe lưu thông một cách rất là nhanh. 80% lãnh thổ Singapore được đặt dưới sự theo dõi của các camera giám sát và chính quyền biết là họ có thể tin cậy vào một sự tuân phục nghiêm chỉnh của các đám đông ở đây.

Đổi lại, người dân và những người buôn bán hy vọng sinh hoạt sẽ bị đảo lộn một cách ít nhất ngoại trừ hai nơi đặc biệt : một khu vực xung quanh các khách sạn của các lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, khu vực kia là Sentosa, một hòn đảo nhỏ nhân tạo thu hút khách du lịch, nơi có thể diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Du khách và cư dân trên đảo này có thể bị khám xét và không một biểu ngữ hay cờ xí nào được phép trương ra ở đây ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180608-singapore-rao-riet-chuan-bi-thuong-dinh

 

Kim Jong Un dự kiến tới sân bay Changi,

Singapore ngày Chủ nhật 8/8

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un dự kiến sẽ đáp máy bay tới phi trường Changi của Singapore hôm Chủ nhật 10/6 trước cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nguồn tin tham gia hoạch định chuyến đi cho biết hôm thứ Sáu.

Hình ảnh các máy bay quân sự Mỹ tại căn cứ không quân Paya Lebar ở gần đó, gồm một chiếc trực thăng mui sơn màu trắng thường được sử dụng để vận chuyển các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, xuất hiện trên một tờ báo hôm thứ Sáu.

Các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 12 tháng 6 sắp tới dự kiến sẽ tập trung vào nỗ lực chấm dứt các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, để đánh đổi các ưu đãi về ngoại giao và kinh tế.

Sân bay Changi không trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters mà yêu cầu Reuters tiếp xúc với Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore. Cơ quan này không đưa ra bình luận nào trong tức thời.

Phái đoàn Mỹ và phái đoàn Bắc Hàn không bên nào công bố kế hoạch du hành của mình.

https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-toi-san-bay-singapore-hom-chu-nhat/4430062.html

 

Trung Quốc có thể gửi chiến đấu cơ

hộ tống Kim Jong Un tới Singapore

Một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết Trung Quốc có thể gửi máy bay chiến đấu đi hộ tống lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un khi chuyên cơ của ông đi qua không phận của mình để đến cuộc họp thượng đỉnh.

“Hộ tống [người đứng đầu một quốc gia] bằng phản lực cơ là một trong những giao thức an ninh cao nhất mà lực lượng không quân có thể cung cấp”, một nguồn tin của Không quân Hàn Quốc nói với tờ South China Morning Post.

Vẫn theo nguồn tin này, “Nếu Trung Quốc cho hộ tống, thì đây có thể là một thông điệp trực tiếp cho liên minh Mỹ-Hàn rằng Trung Quốc đang ủng hộ mạnh mẽ cho chế độ Kim”.

Kim Jong Un thường được mô tả là một người bị ám ảnh về vấn đề an ninh cá nhân. Chi tiết về hành trình hơn 4.000km từ Bình Nhưỡng đến Singapore để dự cuộc họp thượng định vào thứ Ba tới không hề được tiết lộ. Nhưng những người am hiểu về vấn đề an ninh của gia đình họ Kim cho biết Bình Nhưỡng sẽ có “tăng cường” để đảm bảo an toàn cho nhà lãnh đạo 34 tuổi của Triều Tiên.

Lee Yun-keol, một người đã làm việc trong một đơn vị chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Triều Tiên có nhiệm vụ bảo vệ gia đình Kim trước khi đào thoát sang Hàn Quốc năm 2005, cho biết: “Số lượng nhân viên bảo vệ và lộ trình của ông Kim sẽ là mối quan tâm an ninh lớn nhất của Triều Tiên tại Singapore.

Vẫn theo ông Lee, “Ông Kim cũng có khả năng bay đến Singapore thông qua không phận của Trung Quốc để đảm bảo an ninh của mình, để nhận được sự bảo vệ của Trung Quốc trên đường đến Singapore”.

Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vẫn đang tiếp diễn. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hôm 7/6 đã có chuyến thăm hai ngày đến Bình Nhưỡng và vấn đề sắp xếp bảo vệ an ninh có phần chắc sẽ là một nội dung trong chuyến đi này.

SCMP dẫn lời một chuyên gia quân sự tại Hồng Kông cho biết đường bay của một lãnh đạo quốc gia đi nước ngoài luôn được lên kế hoạch cẩn thận và giữ kín, và việc dùng chiến đấu cơ để hộ tống không phải là bất thường khi họ đến thăm một quốc gia nào đó.

Tuy nhiên, việc gửi chiến đấu cơ đi hộ tống máy bay của một lãnh đạo nước ngoài khi họ đang trên đường đến một nước thứ ba là một điều bất thường.

“Về lý thuyết, chính phủ Singapore sẽ hộ tống máy bay của ông Kim khi nó bay vào không phận Singapore”, chuyên gia Song Zhongping nói với SCMP.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào ngày 12/6 ở đảo Sentosa của Singapore. Ông Trump dự kiến sẽ đến đây vào lúc 11 giờ tối ngày Chủ nhật và có thể ở tại khách sạn Shangri-La, theo UPI.

Trong khi cả địa điểm lẫn thời gian ông Kim Jong Un tới Singapore đều chưa được tiết lộ, một số báo chí địa phương dự đoán ông Kim có thể lưu trú tại khách sạn Fullerton hoặc St. Regis.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-co-the-gui-chien-dau-co-ho-tong-kim-jong-un-toi-singapore/4428928.html

 

Trung Quốc sẽ hưởng lợi sớm nhất

từ nền kinh tế Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un báo hiệu mong muốn mở cửa nền kinh tế, mở ra thời kỳ mà một số nhà phân tích tin rằng có thể là “thời kỳ cải cách và mở cửa” tương tự như những gì đã xảy ra ở Trung Quốc cách đây bốn thập kỷ. Nhưng Triều Tiên sẵn sàng mở cửa đến mức nào trong khi những biện pháp cụ thể mà Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng áp dụng vẫn chưa định hình.

Hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore tuần tới theo trông đợi sẽ cho cho thấy rõ hơn những bước mà Bình Nhưỡng sẵn sàng chấp nhận để giải trừ nhân và từ đó có thể mở đường cho các hoạt động kinh tế bùng phát sau khi lệnh trừng phạt được bãi bỏ.

Ông Jacob Kirkegaard, một học giả cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết mặc dù còn nhiều trở ngại và bất ổn, nhưng một sự cải thiện đang lóe lên, có thể mở ra các cơ hội đầu tư kinh doanh ở Triều Tiên.

Trong một bài phát biểu quan trọng vào cuối tháng 4/2018, lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã hoàn thành việc phát triển kho vũ khí hạt nhân và sẽ không cần thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa nữa. Trong bài phát biểu, ông cũng tuyên bố rằng: “đường lối chiến lược mới” của “Đảng Lao động” cầm quyền sẽ là phát triển nền kinh tế.

Lu Chao, một chuyên gia về Bắc Hàn thuộc Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh cho rằng, nếu các biện pháp trừng phạt được nới lỏng, đầu tư sẽ bùng nổ ở các lĩnh vực ít nhạy cảm như vận chuyển và du lịch.

Ông Chao cho biết thêm cơ sở hạ tầng có thể sẽ là một lĩnh vực trọng tâm khác, và bước đầu phần lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Hiện nay, từ góc nhìn kinh tế, điện và giao thông vận tải là hai lĩnh vực đang rất cần cho quá trình chuyển đổi (ở Triều Tiên). Trong tương lai gần, sự phát triển có nhiều khả năng tập trung vào lĩnh vực này,” ông Lu nói.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất ngay từ đầu khi Triều Tiên mở cửa nền kinh tế.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn nhất của Triều Tiên, nhưng các nhà phân tích nhận định Seoul cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai.

Ông Jia Qingguo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh, nói Bình Nhưỡng không chỉ cần phải thực hiện các điều chỉnh về chính sách mà còn thông qua các bộ luật đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Ông Jia nói: “Khi các công ty tìm cách đầu tư, họ không chỉ theo đuổi một tầm nhìn, nhưng xa hơn nữa là làm ra lợi nhuận. Và nếu không có cách nào để kiếm lợi nhuận, tại sao họ lại tiên phong chứ!”

Các nhà phân tích nói rằng khi Triều Tiên tìm cách chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch tập trung, họ sẽ áp dụng một số biện pháp mà Trung Quốc đã sử dụng trước đây, nhưng Triều Tiên sẽ không bao giờ thừa nhận rằng họ đang áp dụng phương pháp tiếp cận từ Trung Quốc hay những nước khác.

Ông Lu nói: “Triều Tiên sẽ không chấp nhận một mô hình Trung Quốc, Việt Nam hay Cuba. Ban đầu [Triều Tiên] có thể sẽ lập ra các đặc khu kinh tế.”

Các nhà phân tích cho biết kể từ đầu năm 2013, ông Kim Jong Un bắt đầu các nỗ lực hình thành gần một chục đặc khu kinh tế, nhưng các biện pháp trừng phạt quốc tế đã làm chậm nghiêm trọng sự phát triển của các dự án này.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-huong-loi-som-nhat-tu-nen-kinh-te-trieu-tien/4430231.html

 

Tổng thống Nga: Hoa Kỳ phải bảo đảm an ninh

cho Bắc Hàn nếu muốn họ từ bỏ chương trình nguyên tử

Moscow, Nga – Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Trung Cộng phát sóng hôm Thứ Tư 6 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng cuộc họp tuần tới giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho cả 2 bên.

Tuy nhiên, ông Putin cũng cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ muốn đạt được một thỏa thuận phi nguyên tử hóa với Bình Nhưỡng, chính quyền ông Trump phải bảo đảm nền an ninh vững chắc cho Bắc Hàn. Ông Putin cho biết số phận bi thảm của Libya và Iraq sau khi chấp nhận yêu cầu từ bỏ nguyên tử của Hoa Kỳ là mối lo ngại lớn cho ông Kim. Bình Nhưỡng hoàn toàn không muốn trở thành một Libya tiếp theo trong các hiệp định với Hoa Kỳ. Vì vậy, chắc chắn rằng Bắc Hàn sẽ yêu cầu phía Hoa Kỳ phải bảo đảm nền an ninh tuyệt đối nếu muốn nước này chấp nhận hủy bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.

Trong buổi phỏng vấn, tổng thống Putin cũng ca ngợi những nỗ lực của Bắc Hàn, bao gồm việc tạm thời đình chỉ các thử nghiệm nguyên tử và hỏa tiễn trên bán đảo Triều Tiên, cũng như việc tự phá hủy khu vực thử nghiệm nguyên tử của họ. Ngoài ra, ông cho biết các dự án của Nga về đường ống dẫn khí đốt và tuyến đường hỏa xa xuyên biên giới sẽ liên quan đến cả Bắc và Nam Hàn, góp phần xây dựng sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Nhận xét về tổng thống Trump, ông Putin khen ngợi quyết định tham gia cuộc họp của lãnh đạo Hoa Kỳ là một quyết định đúng đắn và sáng suốt. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-nga-hoa-ky-phai-bao-dam-an-ninh-cho-bac-han-neu-muon-ho-tu-bo-chuong-trinh-nguyen-tu/

 

Thượng đỉnh Trump-Kim và giấc mơ thịnh vượng

Thụy My

Tại vùng biên giới Trung-Triều, các công ty địa phương theo dõi sát sao những tin tức về cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hy vọng sẽ hái ra tiền sau sự kiện lịch sử này.

AFP ghi nhận nhiều nữ công nhân may miệt mài làm việc trong một xưởng vừa mới mở ở Đan Đông, đông bắc Trung Quốc. Những chiếc máy may của xưởng này đã phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài từ hồi tháng Giêng đến nay, các nữ công nhân phải trở về quê, còn các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên phải hồi hương do áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Đan Đông, thành phố 2,4 triệu dân của Trung Quốc là điểm chính tập kết hàng hóa chuyển sang Bắc Triều Tiên, hồi hộp theo nhịp điệu nóng lạnh của tình hình địa chính trị. Những hoạt động ngoại giao ngoạn mục trong những tuần lễ gần đây, với việc Kim Jong Un liên tục có những cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã làm không khí trở nên dễ thở hơn.

Cho dù Bắc Kinh vẫn chưa loan báo giảm nhẹ trừng phạt, tại Đan Đông, những du khách hiếu kỳ đã quay lại, các nữ công nhân may Bắc Triều Tiên tìm lại được nhà xưởng cũ, các nhà buôn nhộn nhạo…và giá địa ốc tăng vọt. Cứ như là cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới ở Singapore giữa Kim Jong Un và tổng thống Mỹ là dự báo cho việc Bình Nhưỡng mở cửa kinh tế.

Yue Yue, nhà môi giới địa ốc nhận xét : « Hầu hết khách mua nhà là doanh nhân ở miền nam Trung Quốc, muốn làm ăn buôn bán. Chỉ trong vòng một tháng, chúng tôi đã bán được số căn hộ tương đương với cả năm ngoái ». Nhà môi giới này giới thiệu những căn nhà gần sông Áp Lục, con sông biên giới Trung-Triều.

Tại đồn biên phòng, người ta lại trông thấy khoảng mấy chục công dân Bắc Triều Tiên, rất dễ nhận ra với huy hiệu mang chân dung lãnh đạo Bình Nhưỡng trước ngực, đang đợi chuyến xe buýt hàng ngày vẫn đến vào lúc 14 giờ để trở về nhà, với những túi xách cồng kềnh.

Ở chiều ngược lại, ông Liu, một khách du lịch Trung Quốc vừa quay về sau chuyến tham quan Bắc Triều Tiên hai ngày cùng với bảy người bạn. Ông ngạc nhiên khi thấy đất nước khép kín sát cạnh lại lạc hậu như thế.

Các nhà hàng Bắc Triều Tiên lại có công ăn việc làm như trước. Nhà hàng « Bình Nhưỡng »trang trí bằng đá cẩm thạch, lại tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc và múa, diễn viên mặc bộ đồ truyền thống Triều Tiên. Các cô phục vụ cho AFP biết nhà hàng này vừa mở cửa lại từ tháng Ba, vào lúc Kim Jong Un sang Bắc Kinh lần đầu tiên. Quanh các bàn tiệc, những thực khách Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bàn bạc chuyện làm ăn.

Ông Kim, nhà buôn Bắc Triều Tiên nhấn mạnh : « Chúng tôi đã đóng địa điểm thử nguyên tử, điều đó chứng tỏ chúng tôi yêu hòa bình, và hy vọng cuộc thương thảo sẽ mang lại kết quả tốt đẹp ».

Cho tới năm ngoái, nhà hàng « Bình Nhưỡng » thuộc sở hữu của nữ doanh nhân Trung Quốc Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong) và Korea National Insurance Corporation, cả hai đều bị Mỹ trừng phạt. Vốn của doanh nghiệp này bèn được chuyển giao cho một nhà trọ địa phương, mà chủ nhân hiện nay đang ở Bắc Triều Tiên, không muốn trả lời điện thoại của hãng tin Pháp.

Theo một nhân viên, đó chỉ là một người đứng tên giùm, do Bắc Kinh hồi tháng Giêng ra lệnh đóng cửa các công ty liên doanh với Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc.

Là đồng minh chủ chốt của chế độ Kim Jong Un, Trung Quốc chiếm hầu hết lượng ngoại thương của Bắc Triều Tiên. Nhưng các nghị quyết trừng phạt, cấm rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Bình Nhưỡng, đã làm trao đổi thương mại Trung-Triều từ tháng Giêng tới tháng Tư sụt giảm đến 59%, khiến nhiều doanh nghiệp ở Đan Đông buộc lòng phải đóng cửa.

Theo hai thương nhân tại đây, khoảng 400 đến 500 người cạnh tranh đã phải ngưng hoạt động. Một số còn sống sót nhưng doanh số sụt xuống thê thảm, và chi phí tăng vọt.

Một doanh nhân đặt trọng tâm vào sản phẩm dệt may vì dễ vận chuyển nhận xét « sự trừng phạt điên khùng của Trump đã gây ra rất nhiều thiệt hại ». Doanh nhân giấu tên này vừa mới quay lại xem xét tình hình nhà máy của mình tại Sinuiju ở bên kia biên giới Triều Tiên, cho biết chỉ trong hai ngày nhà xưởng đã bị cúp điện bảy lần.

Trong xưởng may, bà quản lý Tian khẳng định vẫn tôn trọng các biện pháp của Liên Hiệp Quốc, nói rằng các cô thợ may Bắc Triều Tiên « từ một công ty khác đến », nhờ một hợp đồng được ký kết trước khi có lệnh cấm tuyển dụng công nhân mới. Nhưng trước yêu cầu cho biết cụ thể hơn của AFP, bà ta vội vã rút lui với lời biện bạch : « Chúng tôi chỉ cho thuê mặt bằng thôi (…). Đây chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi chẳng hiểu gì về chính trị… »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180608-thuong-dinh-trump-kim-va-giac-mo-thinh-vuong

 

Mỹ chuyển 1.600 nghi phạm di trú

đến các nhà tù liên bang

Chính quyền Trump lần đầu tiên chuyển những người bị nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp đến các nhà tù liên bang, sau khi có thêm nhu cầu về giường.

Việc chuyển 1.600 người bị giam giữ nhấn mạnh sự gia tăng các vụ bắt giữ theo chính sách nhập cư “không khoan nhượng” của Tổng thống Trump.

Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cho biết đó là biện pháp tạm thời cho đến khi tìm thêm các cơ sở khác.

Cơ hội về Mỹ của Việt Kiều bị trục xuất ‘rất thấp’

Dân nhập cư Mỹ bị giam ‘không được đóng tiền thế chân’

Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’

Khoảng 1.000 người sẽ bị chuyển đến một nhà tù ở California.

Liên minh lãnh đạo tại các nhà tù ở California, Texas, và tiểu bang Washington nói với hãng tin Reuters rằng họ có ít thời gian chuẩn bị cho lượng người bị giam giữ lớn và lo ngại về nhân sự và an toàn.

ICE đang ban hành một chính sách yêu cầu các công tố viên liên bang buộc tội bất cứ ai băng qua biên giới bất hợp pháp.

Dưới thời các chính quyền trước đây, những người vượt biên lần đầu thường bị trục xuất dân sự. Những người bị giam giữ chờ xét xử dân sự thường ở trong các cơ sở giam giữ của ICE hoặc nhà tù của hạt.

1.600 người bị chuyển tới các nhà tù dự kiến sẽ ở đó trong 120 ngày trong khi ICE tìm kiếm các cơ sở giam giữ mới, một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.

Aliisorani, giám đốc điều hành của Diễn đàn Di dân Quốc gia, nói với Reuters:” Các nhà tù liên bang của chúng tôi được thành lập để giam giữ thứ tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ nhất. Chúng không nên được sử dụng cho mục đích nhập cư “.

“Các nhà tù liên bang là để giam những phạm nhân nguy hiểm. Chúng không được thiết lập cho những người nhập cư tìm kiếm việc làm hoặc chạy trốn bạo lực”, Noorani nói.

ICE đã vấp phải chỉ trích nặng nề trong cuộc đàn áp những người vượt biên bất hợp pháp và những người tìm kiếm ty nạn ở Mỹ. Chính quyền Trump gần đây đã buộc phải bảo vệ quan điểm của mình đối với vấn đề trẻ em di cư sau khi hàng trăm em bị tách khỏi gia đình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44408666

 

Trung Quốc bị giục

cắt giảm trợ cấp cho các đội tàu đánh cá

Những quốc gia có kỹ nghệ đánh bắt cá hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc cần cắt giảm trợ cấp chính phủ cho những đội tàu cá vì những khoản tiền như thế giúp duy trì hoạt động hủy hoại ngoài biển khơi.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 7 tháng 6 dẫn kết luận như vừa nêu từ một phúc trình toàn cầu về tình hình đánh bắt hải sản trên thế giới được công cố trong cùng ngày trên Tạp chí Science Advances.
Phúc trình được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia ở Washington, Đại học California, Đại học British Columbia và Đại học Tây Úc. Theo đó có đến 54% ngành công nghiệp đánh bắt hải sản biển khơi ở qui mô hiện nay sẽ không lãi nếu không có những khoản trợ cấp lớn từ phía chính phủ.
Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá với 418 triệu 418 triệu USD viện trợ cho hoạt động đánh bắt xa bờ, sau Nhật Bản và Tây Ban Nha.

Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện những cam kết trong hoạt động bảo vệ môi trường, với mục tiêu giảm ít nhất 20% sản lượng khai thác hải sản và cắt giảm đội tàu đánh cá xuống còn 3000 tàu vào năm 2020.
Cuối năm 2017 vừa qua, Trung Quốc, cùng với tám quốc gia khác và Liên minh châu Âu (EU), đã cam kết dừng đánh bắt cá ở vùng biển Bắc Cực trong ít nhất 16 năm để bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, do nguồn hải sản trong vùng biển gần bờ bị khai thác quá mức nên chính phủ Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt ngoài khơi xa bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia này. Trung Quốc đã sử dụng quyền đánh bắt ở các vùng biển xa bờ để phát triển kinh tế biển.

Ngư dân Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với các đội tàu và lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia khác. Vào tháng 3 năm 2016, lực lượng bảo vệ bờ biển của Argentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc trong vùng lãnh hải của nước này.

Trung Quốc đã bắt được 1,52 triệu tấn hải sản tại các vùng biển xa. Trong khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương mang lại nguồn thu tốt thì tại khu vực Tây Nam Đại Tây Dương, dù đã được hỗ trợ từ chính phủ, mức lỗ ròng trung bình hàng năm là 98 triệu USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/trung-quoc-bi-giuc-cat-giam-tro-cap-cho-cac-doi-tau-danh-ca-06082018100029.html

 

TT Trump đấu khẩu với chủ nhà G-7

ngay trước hội nghị thượng đỉnh

Chưa đầy một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Canada, tổng thống Mỹ nặng lời với người đứng đầu nước chủ nhà, ông Justin Trudeau. Cùng lúc, Tòa Bạch Ông tuyên bố ông Donald Trump sẽ bỏ qua một số phiên họp.

Trong hai ý kiến đăng trên Twitter tối hôm 7/6, ông Trump cáo buộc Thủ tướng Canada cũng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “đánh thuế cao đối với Mỹ” và tạo ra “rào cản phi tiền tệ”.

Ông Trump cũng nói rằng ông Trudeau đang “phẫn nộ” về mối quan hệ thương mại xuyên biên giới.

Sau đó, vẫn tối hôm 7/6, ông Trump lên Twitter một lần nữa để kêu gọi Liên hiệp châu Âu và Canada “dỡ bỏ thuế quan và rào cản của quý vị, nếu không chúng tôi sẽ đáp trả còn hơn mức của quý vị!”

Những ý kiến trên Twitter của ông Trump xuất hiện sau khi ông Macron đe dọa sẽ loại Hoa Kỳ khỏi tuyên bố chung cuộc của G-7 sẽ được đưa ra tại khu du lịch miền núi Charlevoix.

Sau khi các ý kiến được đăng trên truyền thông xã hội, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ông Trump sẽ rời hội nghị thượng đỉnh lúc 10h30 sáng 9/6.

“Tổng thống sẽ đi thẳng tới Singapore từ Canada với dự kiến sẽ có cuộc gặp sắp diễn ra giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/6. Chuyên viên về G7 kiêm Phó Phụ tá Tổng thống chuyên trách Kinh tế Quốc tế Everett Eissenstat sẽ đại diện cho Hoa Kỳ trong các phiên còn lại của G7”, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố.

Ngay cả trước những diễn biến này, có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ đây sẽ là một trong những hội nghị G-7 có nhiều tranh cãi.

Chính quyền của ông Trump tuần trước tuyên bố chấm dứt miễn giảm thuế thép và nhôm đã trao cho Canada, Liên hiệp châu Âu và Mexico.

Ông Trump đã hành động với lý do rằng các ngành công nghiệp trong nước suy yếu có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Canada, Mexico và EU đã công bố riêng rẽ các mức thuế trả đũa.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-dau-khau-voi-chu-nha-g7-ngay-truoc-hoi-nghi-thuong-dinh/4430144.html

 

Thượng đỉnh G7 : Trump muốn « lấy thịt đè người »

Thanh Phương

Cuộc họp thượng đỉnh thường niên của nhóm G7 khai mạc hôm nay, 08/06/2018, tại Quebec, Canada, trong bối cảnh rất căng thẳng do việc chính quyền Donald Trump đánh thuế trên thép nhôm nhập từ các nước đồng minh, bất chấp phản đối của những nước này.

Cuộc họp thượng đỉnh G7 năm nay bỗng giống như là một trận đấu giữa một mình tổng thống Donald Trump chống lại 6 lãnh đạo khác trong nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới. Sau việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, việc đánh thuế mang tính bảo hộ mậu dịch là một bước mới của Hoa Kỳ đánh vào chính nền tảng của nhóm G7, vốn được coi là một định chế bảo đảm cho trật tự thế giới.

Để chuẩn bị cho cuộc đấu này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đến Canada từ hôm thứ Tư, đã cùng với thủ tướng của nước chủ nhà Justin Trudeau ra một tuyên bố chung cổ vũ cho « một chủ nghĩa đa phương mạnh, có trách nhiệm và minh bạch », một công thức mà chắc là tổng thống Trump khó mà « nuốt trôi ».

Theo nhận định của hãng tin AFP, tranh chấp thương mại do vụ đánh thuế thép nhôm có thể khiến cho thượng đỉnh G7 lần này không thể đưa ra một tuyên bố chung. Riêng nước Pháp thì có lập trường rất rõ ràng qua tuyên bố của điện Elysée: « Nếu sự kháng cự của phía Mỹ đi quá xa, không nên hy sinh những nguyên tắc, những lợi ích của chúng ta chỉ vì muốn thể hiện một sự đoàn kết nhất trí bề ngoài ». Đối với Pháp, tuyên bố chung bắt buộc phải nhắc đến hiệp định khí hậu Paris và dứt khoát không có chuyện lên án Iran không tuân thủ các cam kết về hạt nhân. Nếu không thì không nên ra tuyên bố chung. Về thương mại, Paris chủ trương là « thương mại phải mang tính cởi mở, tự do và bình đẳng giữa các nước G7 ».

Để thể hiện thái độ bất bình chung đối với tổng thống Trump, lãnh đạo của Pháp, Đức, Canada và Ý sẽ họp với nhau trước khi khai mạc thượng đỉnh G7.

Thế nhưng, cho tới nay, tổng thống Trump vẫn không tỏ dấu hiệu gì cho thấy ông sẽ thay đổi, thậm chí còn muốn đẩy mạnh hơn nữa chính sách bảo hộ mậu dịch kiểu mới của ông. Chủ nhân Nhà Trắng tin rằng, với tư cách cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, ông có quyền « lấy thịt đè người », buộc các đối tác làm theo lệnh của ông và nhập hàng của Mỹ nhiều hơn. Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ đó cho dù Canada và Liên Hiệp Châu Âu đã đáp trả quyết liệt bằng cách áp thuế tương tự lên hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ.

Chuyên gia Laurence Nardon, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, dự đoán: « Trump sẽ giật đủ mọi dây để làm rạn nứt sáu nước kia, đến mức những nước này chịu thua và làm theo yêu cầu của Trump, đó là thương lượng song phương. Cho tới nay, sáu nước kia vẫn đứng vững, nhưng Trump chưa dừng ở đó ». Chuyên gia William Alan Reinsch, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Washington, nhắc lại: « Xu hướng của tổng thống Trump là mỗi khi bị chỉ trích, ông phản công ngay ».

Bằng chứng là hôm qua, trên mạng Twitter, ông Trump viết: « Làm ơn nói dùm với thủ tướng Trudeau và tổng thống Macron là họ đang áp những thuế rất nặng và những hàng rào phi thuế quan đối với Hoa Kỳ. Tôi rất nóng lòng gặp họ ngày mai ».

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã tóm lược tình hình hiện nay khi gọi thượng đỉnh Quebec cuộc họp « 6+1 ». Hóa ra thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/06 tới đây lại còn nồng ấm hơn cả thượng đỉnh giữa Mỹ với các nước đồng minh thân cận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180608-thuong-dinh-g7-trump-muon-%C2%AB-lay-thit-de-nguoi-%C2%BB

 

Putin kêu gọi lập hệ thống an ninh châu Âu mới

Ngày thứ Năm 7/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi phát triển một hệ thống an ninh châu Âu mới để đáp ứng với điều ông gọi là nỗ lực của Hoa Kỳ phá hoại sự cân bằng chiến lược và cảnh báo là chiến tranh thế giới thứ ba có thể chấm dứt văn minh nhân loại.

“Hiểu rằng thế chiến thứ ba có thể chấm dứt văn minh nhân loại sẽ giúp chúng ta kìm chế không có những bước cực đoan trên trường quốc tế cực kỳ nguy hểm đối với nền văn minh hiện đại,” ông Putin nói trong một chương trình hỏi đáp trực tuyến trên truyền hình hàng năm.

Ông Putin lên án việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Chống Phi đạn đạn đạo trong năm 2001 với Liên bang Xô Viết cũ là “một nỗ lực chấm dứt sự cân bằng chiến lược, nhưng chúng tôi sẽ đáp ứng với việc này.”

Ông Putin cũng nói phi đạn đạn đạo liên lục địa mới sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Ông nói với các khán giả truyền hình, “Chúng ta có kế hoạch chuyển giao hệ thống phi đạn chiến lược mạnh mẽ nhất cho các lực lượng vũ trang của chúng ta vào năm 2020. Đây là phi đạn đạn đạo Sarmat siêu mạnh mới.”

Ông Putin ca ngợi quân đội của ông đã giúp chiến đấu chống lại khủng bố tại Syria và nói hành động của những lực lượng này giúp ổn định tình hình tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Tổng thống Nga nói ông không có kế hoạch rút quân khỏi Syria và sẽ ở lại lâu dài khi sự có mặt của họ phục vụ cho quyền lợi của Nga. Tuy nhiên ông nói thêm là ông có thể đưa họ ra khỏi Syria một cách nhanh chóng khi cần thiết. Nga bắt đầu có các hoạt động quân sự tại Syria vào năm 2015 để giúp Tổng thống Basha al-Assad trong cuộc nội chiến. Tháng 12 năm ngoái, ông loan báo sẽ giảm bớt sự hiện diện của quân đội Nga tại đây.

Ông Putin cũng đề cập đến thuế quan Hoa Kỳ áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và các đồng minh lâu năm khác tại Liên hiệp Châu Âu, và so sánh việc này như những chế tài kinh tế không biện minh được.

Ông cũng khoe rằng ông đã cảnh báo về những nguy cơ ngày càng tăng của việc Hoa Kỳ áp đặt những qui luật của Mỹ lên các nước khác trong một bài diễn văn đọc tại Munich năm 2017, nói rằng “không ai muốn nghe và không ai làm gì để ngăn việc này xảy ra. Các bạn thấy đó. Các bạn bị thiệt hại. Mâm đã dọn, mời xơi.”

Ông cũng cảnh báo nước láng giềng Ukraine chớ nên có những hành động quân sự chống lại các phần tử đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine trong khi Nga tổ chức các cuộc tranh tài Giải Vô địch Bóng đá Thế giới của FIFA.

Ông Putin tiếp tục phủ nhận là Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 để giúp Tổng thống Donald Trump đắc cử.

Truyền hình nhà nước Nga loan báo là công chúng gởi khoảng 2 triệu câu hỏi trong buổi trả lời trực tiếp các câu hỏi hàng năm mà ông Putin đã sử dụng kể từ năm 2001 theo đó ông tự xem là một người chuyên giải quyết những vấn đề trong nước và là người mạnh mẽ bảo vệ những lợi ích của Nga trên trường quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-keu-goi-lap-he-thong-an-ninh-chau-au-moi-/4429789.html

 

Tập Cận Bình trao huân chương hữu nghị cho Putin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/6 trao huân chương hữu nghị đầu tiên của nước này cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, gọi ông là người bạn thân nhất. Vị lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai ông.

Ông Putin đang có mặt ở Trung Quốc để cuối tuần này dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối an ninh do Trung Quốc và Nga đừng đầu. Hội nghị sẽ diễn ra ở thành phố cảng Thanh Đảo. Ông Putin đã dừng chân ở Bắc Kinh trước để hội đàm với ông Tập.

Trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập ca ngợi mối quan hệ hai nước.

“Dù có biến động trong tình hình quốc tế, Trung Quốc và Nga vẫn luôn giữ ưu tiên phát triển mối quan hệ”, ông Tập nói với ông Putin khi bắt đầu các cuộc hội đàm chính thức. Ông Tập sau đó trao huân chương hữu nghị đầu tiên của Trung Quốc cho ông Putin, buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh nhà nước.

Ngay trước khi quàng huân chương lên người ông Putin, ông Tập gọi tổng thống Nga là “người bạn tốt và lâu năm của nhân dân Trung Quốc”.

“Tổng thống Putin là lãnh đạo của một quốc gia vĩ đại có ảnh hưởng trên khắp thế giới”, ông Tập nói. “Ông là người bạn tốt nhất, thân thiết nhất của tôi”.

Hai ông đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận, bao gồm một quỹ đầu tư công nghiệp trị giá 1 tỷ đôla.

Ông Tập cam kết rằng hai ông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trên vũ đài thế giới.

“Bản thân tôi và Tổng thống Putin đồng ý rằng trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường hỗ trợ lẫn nhau và phối hợp về các vấn đề quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác chiến lược”, chủ tịch Trung Quốc phát biểu.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tq-trao-huan-chuong-huu-nghi-cho-tt-putin/4430248.html

 

Đầu cơ địa ốc ở biên giới Triều Tiên :

May nhờ rủi chịu

Thụy My

Từ khi tan băng giữa hai nước Triều Tiên, nơi nên đầu cơ không còn là khu phố sang trọng Gangnam ở Seoul. Tiền đầu tư địa ốc nay dịch chuyển về phía khu vực biên giới giữa hai miền, được vũ trang quy mô.

Nhu cầu mua nhà đất tại địa phương này và vùng nông thôn thưa dân xung quanh vùng phi quân sự (DMZ) đang tăng cao.

Kang Sung Wook, nha sĩ 37 tuổi sống tại Paju, thành phố biên giới của Hàn Quốc, đã mua tám lô đất tại vùng phi quân sự và phụ cận từ giữa tháng Ba. Trong đó có năm lô ông chưa hề đặt chân đến, mà chỉ mới xem qua hình ảnh và bản đồ vệ tinh trên Google Earth, vì khu vực bên trong vùng phi quân sự cấm công chúng vào.

Kang nói với Reuters: « Tôi tìm mua từ khi thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa được loan báo hồi tháng Ba, thế nhưng tất cả những lô ngon nhất đều đã có người mua. Thế nên tôi nhận ra thị trường này đang bùng nổ ». Nay thì số đầu tư của ông dọc theo biên giới đã lên đến 3 tỉ won (2,3 triệu euro), với 20 hecta đất.

Vùng phi quân sự chi chít những đồn canh và tua tủa các hàng rào kẽm gai đã được thiết lập sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Hai nước Triều Tiên không công nhận lẫn nhau, và trên nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình.

Hơn nữa, trên một triệu quả mìn đã được gài dọc theo đường biên, nhất là khu DMZ và khu vực kiểm tra dân sự ở miền nam – Jeong In Cheol, chuyên gia về mìn cá nhân giải thích.

Tuy hạn chế với công chúng, nhưng những khu đất thuộc vùng phi quân sự nằm ở phía Hàn Quốc, có chiều rộng 2 kilomet, và các khu vực biên giới khác vẫn có thể được mua bán và đăng ký sổ bộ.

Theo số liệu của chính phủ, các giao dịch địa ốc ở Paju – ngõ vào Bàn Môn Điếm, nơi ký kết ngưng bắn – đã tăng hơn gấp đôi vào tháng Ba, với 4.628 vụ. Trong khi đó thị trường vốn được ưa chuộng là Gangnam thì chỉ tăng có 9%.

Tại Jangdanmyun, nơi có nhà ga Dorasan, trạm cuối của tuyến đường xe lửa gần biên giới phía nam, thậm chí số lượng giao dịch địa ốc còn tăng gấp bốn so với năm ngoái. Và giá đất đã tăng 17% so vói cùng kỳ năm trước.

Theo Kim Yoon Sik, nhà môi giới địa ốc có 25 năm kinh nghiệm tại Paju, các chủ đất ở vùng phi quân sự là những người được thừa hưởng đất nông nghiệp của cha ông trước khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên, và một số nhà đầu tư dài hạn. « Do cầu lớn hơn cung, tôi thường thấy người bán hủy hợp đồng tạm lập vì giá lên cao ».

Sự bùng nổ hoạt động dọc theo biên giới không chỉ giới hạn ở phía Hàn Quốc hay lãnh vực địa ốc.

Tại Đan Đông, thành phố biên giới Trung-Triều, các nhà đầu tư địa ốc làm giá cả tăng lên, kích thích cả những người mua từ phía Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng Tư, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã cam kêt nối lại tuyến đường sắt và đường bộ dọc theo biên giới, và biến vùng phi quân sự thành « khu vực hòa bình ».

Giá cổ phiếu các công ty xây dựng và hỏa xa Hàn Quốc như Huyndai Rotem hay Seoam Machinery Industry tăng vọt, trước viễn cảnh Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế.

Nhưng Hàn Quốc đã từng biết đến loại đầu cơ này.

Năm 2007, giá địa ốc khu vực biên giới đã tăng nhân cuộc gặp giữa cựu  tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun và Kim Jong Il, cha của Kim Jong Un. Tuy nhiên giá cả lại sụt xuống khi quan hệ đôi bên xấu đi, với việc tổng thống cánh hữu Lee Myung Bak lên nắm quyền một năm sau đó.

Giáo sư luật Jhe Seong Ho, đại học Chung Ang ở Seoul bình luận : « Trong bảy thập niên qua, hai nước Triều Tiên đã đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. Việc dân sự hóa khu vực biên giới không thể nhanh chóng và không gây va chạm, kể cả trong trường hợp Bắc Triều Tiên mở cửa kinh tế. Việc xây dựng có thể bị giới hạn tại một phần lớn khu vực phi quân sự nhằm bảo tồn, như vậy nhà đầu tư chịu rủi ro lớn ».

Dù vậy nha sĩ Kang vẫn lạc quan. Ông nhấn mạnh đến cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới tại Singapore, cũng như lần gặp gỡ trước đây với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hai chuyến đi Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Kang nói : « Tôi tin tưởng lần này Bắc Triều Tiên sẽ tiến đến một nền kinh tế mở như Việt Nam. Kim Jong Un không đi đây đi đó, và sang Trung Quốc đến hai lần, nếu cảm thấy không ổn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180608-dau-co-dia-oc-o-bien-gioi-trieu-tien-may-nho-rui-chiu

 

Syria : Daech gia tăng tấn công lực lượng chính phủ

Tú Anh

Cho dù bị tổn thất nặng nề, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gia tăng hoạt động ở miền nam Syria. Sau các trận phản công ở Palmyra và Deir Ezzor ở miền đông và đông bắc, lần đầu tiên Daech tấn công vào lực lượng chính phủ ở tỉnh Soueida hôm 07/06/2018.

Trong vòng không đầy ba tuần lễ, gần 200 binh sĩ Syria và ít nhất 4 chiến binh Nga tử trận, theo nguồn tin của Tổ Chức Nhân Quyền Syria.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :

“Sau khi Soueida bị tấn công, quân đội Syria đưa một lực lượng viện binh quan trọng đến Deraa, tỉnh kế cận. Được không quân yểm trợ hùng hậu, quân đội chính phủ chiếm lại một số vị trí bị mất ngày hôm trước và chuẩn bị mở một chiến dịch lớn trong vùng sa mạc chạy dài đến biên giới Irak.

Cuộc tấn công của quân thánh chiến tại Soueida là bằng chứng cho thấy Daech gia tăng hoạt động trong khi nhiều chuyên gia đã hấp tấp kết luận là đang hấp hối.

Sau khi phải rời hai căn cứ địa sau cùng là Hajar al Aswad và Yarmouk ở Damas hôm 22 tháng 05, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gia tăng hoạt động tấn công vào lực lượng chính phủ và chiến binh đồng minh của Damas. Daech đã tiến hành ít nhất ba trận phản công gần thành phố cổ Palmyra và trong tỉnh Deir Ezzor.

Tổ Chức Nhân Quyền Syria khẳng định là ít nhất 180 binh sĩ Syria và 4 quân nhân Nga bị tử thương trong các trận đánh này.

Daech vẫn còn một lực lượng khá mạnh trong sa mạc Badia. Những trận phản công liên tục trong các tuần vừa qua cũng chứng tỏ là lực lượng tác chiến của Daech vẫn được chỉ huy và kiểm soát từ trên xuống dưới.”

Cũng theo Tổ Chức Nhân Quyền Syria, 38 thường dân ở tỉnh Idleb đã bị thiệt mạng trong đêm vì các đợt oanh kích dường như là do máy bay Nga thực hiện.

Trong khi đó, trong chương trình truyền hình trả lời trực tuyến với khán giả Nga ngày hôm qua, tổng thống Putin cho biết quân đội Nga tiếp tục trấn đóng tại Syria để « bảo vệ quyền lợi cốt lõi » của Nga và để làm « nghĩa vụ quốc tế » cho đến khi nào Matxcơva xét thấy « không cần thiết ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180608-syria-daech-gia-tang-tan-cong-luc-luong-chinh-phu

 

Đối đầu Iran-Israel và thế cân bằng tế nhị của Nga

Minh Anh

Iran và Israel là hai quốc gia « không đội trời chung », kể từ khi Nhà nước Do Thái ra đời năm 1948. Việc Teheran cùng với Nga và lực lượng Hezbollah can thiệp vào Syria hỗ trợ chế độ Damas làm cho quan hệ giữa Iran và Israel trở nên rất căng thẳng.

Là một tác nhân không thể thiếu vắng tại vùng Trung Đông vốn được coi là « chảo lửa », Nga có quan hệ với cả Israel và Iran. Do vậy, theo giới chuyên gia, để bảo vệ các lợi ích của mình trong khu vực, Matxcơva buộc phải đóng vai trò như người đi trên dây, cố duy trì thế cân bằng tế nhị trong quan hệ với Iran và Israel.

Trong những tuần qua, quân đội Israel đã nhiều lần oanh kích vào lãnh thổ Syria, trong đó không ít lần nhắm thẳng vào những điểm được cho có sự hiện diện của quân đội Iran.

Đỉnh điểm gần đây nhất là trận oanh kích dữ dội của Israel sáng sớm ngày 10/05. Quân đội Israel đã bắn hỏa tiễn vào 50 vị trí của lực lượng Al-Qods tại Syria, với lý do là phía Iran đã pháo kích vào khu vực Israel chiếm đóng ở cao nguyên Golan, vùng biên giới giữa Syria với Israel.

Đây là lần đầu tiên, thế giới chứng kiến một cuộc đối đầu trực diện giữa hai nước thù nghịch từ khi xảy ra chiến sự tại Syria. Tình hình căng thẳng đến mức truyền thông phương Tây không ngừng đặt câu hỏi : Liệu có khả năng xảy ra thêm một cuộc chiến khác trong khu vực này hay không ?

Trả lời câu hỏi của đài phát thanh Europe 1 ngày 11/05, ông Frédéric Encel, nhà nghiên cứu địa chính trị chuyên về vùng Cận Đông, cho rằng khó có khả năng xẩy ra chiến tranh giữa Iran và Israel vì chìa khóa hạ nhiệt căng thẳng nằm ở Matxcơva.

« Tôi không tin vì lý do nằm ở Matxcơva. Bởi vì chúng ta hiện nay đang chứng kiến mối quan hệ đúng mức giữa Nga và Israel. Hai bên đều mong muốn chia sẻ không phận Syria mà không có sự cố va chạm. Còn Matxcơva và Teheran thì tạo dựng trục chiến lược. Đương nhiên, tôi khỏi phải nói đến trục chiến lược giữa Matxcơva và Damas.

Do vậy, tôi có thể nói, người quyết định giải pháp giảm căng thẳng thực ra chính là Vladimir Putin. Tôi lạc quan là vì chừng nào không có leo thang, va chạm trên bộ, nói một cách khác là chừng nào không có đối đầu trực tiếp giữa một bên là Israel và bên kia là lực lượng Hezbollah, Syria hay Iran thì tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. »

Nga tính gì khi « bắt cá hai tay » ?

Câu hỏi đặt ra : Vậy Nga đang tính gì khi bắt tay cùng lúc với Israel và Iran ? Theo giải thích của trang mạng Les Yeux Du Monde (tạm dịch là Nhãn Quan Thế Giới), chuyên về địa chính trị, kể từ khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 để ủng hộ chế độ Bachar al-Assad, nước Nga của tổng thống Putin chủ trương một chính sách đối ngoại cân bằng giữa hai nước thù nghịch này.

Một mặt, Nga được đồng minh Iran hỗ trợ trong hồ sơ Syria và cả hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ « tiến trình Astana ». Mặt khác, Nga lại có mối quan hệ ổn định với Israel, kẻ thù của Iran, và là đồng minh chắc chắn của Hoa Kỳ.

Bằng cách duy trì thế cân bằng mong manh, qua việc nâng cao giá trị các mối quan hệ vừa với Iran vừa với Israel, nước Nga muốn khẳng định vị thế « trung gian hòa giải đương nhiên trên thực tế » (de facto) cũng như tự cho mình một vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các xung đột trong khu vực.

Chính sách này của Nga nhằm hai mục tiêu : thứ nhất, đáp ứng tham vọng được nhìn nhận như là một « cường quốc thế giới » chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quân sự ; thứ hai, giúp Matxcơva thoát ra khỏi thế cô lập chính trị trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Ukraina gây ra.

Chính trong chiều hướng này, nước Nga của ông Vladimir Putin, về mặt lô-gic, sẽ tìm cách khai thác hưởng lợi từ việc Mỹ quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như quyết tâm của châu Âu tôn trọng thỏa thuận.

Một quan điểm cũng được ông Maxime A. Suchkov, chuyên gia về Cận Đông chia sẻ với báo mạng Phương Đông XXI (Orient XXI).

« Nga xuất phát từ quan điểm cho rằng khi chọn một phe trong cuộc xung đột này thì họ mất nhiều hơn là được. Chừng nào lợi ích của Nga trong cuộc đối đầu này không bị ảnh hưởng, chừng ấy Matxcơva vẫn sẽ tránh tham gia trực tiếp.

Về phần Iran và Israel, cả hai nước đang cố lôi kéo Nga về phía mình, Matxcơva tự cho mình vai trò ‘‘Nhà nước đáng trông cậy’’ hữu ích cho cả hai bên liên quan đến vấn đề an ninh song phương, ít ra là cho đến khi cả Iran và Israel đều muốn biến đổi thế đối đầu hiện nay thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn ».

Dù rằng thế giới hiện nay đã tránh được một cuộc chiến giữa Iran và Israel, nhưng rủi ro leo thang quân sự giữa hai nước vẫn hiện diện. Bởi vì cả hai bên đều luôn cho rằng mối bận tâm của họ về an ninh khu vực là chính đáng và rằng bên kia phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu đi. Vì bản thân cả hai nước không thể tự giải quyết các tranh chấp, do vậy, Nga chắc chắn vẫn sẽ là tác nhân duy nhất có thể giúp hai bên tạm hóa giải xung đột, như khẳng định của chuyên gia Frédéric Encel trên đài Europe 1.

« Vâng, tình hình trong những tháng tới và rất có thể trong những năm tới vẫn như thế, bởi vì không một bên nào nghĩ đến chuyện giảm cảnh giác, đề phòng. Iran vẫn muốn tiếp tục duy trì trục Shia chiến lược chạy đến tận Địa Trung Hải, từ Liban qua Syria, đến Irak. Và bên kia thì Israel muốn ngăn chặn khả năng phát triển tên lửa đạn đạo và sức mạnh trên không của Iran trong khu vực.

Đúng là căng thẳng có thể kéo dài, nhưng tôi vẫn không tin vào nguy cơ leo thang quân sự nói chung. Bởi vì lại một lần nữa, nước Nga, siêu cường mới trong khu vực cũng như tại Syria, không hề muốn như vậy. »

Giữa Israel và Iran : Bên nặng, bên nhẹ

Nhưng có một điểm mà giới phân tích lưu ý, đó là chiến lược duy trì cân bằng này của Nga cũng chỉ mang tính tương đối. Trong mối quan hệ tay ba này, bàn tay thân thiện của Nga có phần nào nghiêng nhiều hơn về phía Israel bởi các yếu tố lịch sử và dân số.

Mối thâm giao Matxcơva – Tel Aviv đã từ lâu, ngay từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập. Quan hệ song phương này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cũng thăng trầm theo những biến đổi địa chính trị thế giới. Matxcơva – Tel Aviv từng có thời gian đoạn tuyệt bang giao khi Israel quyết định bắt tay với Mỹ năm 1950 và nhất là khi xảy ra Cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967.

Mãi cho đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Israel và Nga mới được nối lại. Và nhất là kể từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền tại Nga và Ariel Sharon ở Israel, quan hệ đôi bên mới được thật sự được cải thiện đáng kể.

Quan hệ hữu hảo giữa Israel và Nga thể hiện rõ qua việc thiết lập một cơ chế để cả hai nước phối hợp các hoạt động trên không phận Syria nhằm tránh xảy ra va chạm đáng tiếc. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mosshé Ya’alon từng có những tuyên bố như sau về mối hợp tác bí mật này : « Chúng ta không làm phiền họ và họ cũng chẳng gây phiền toái gì cho chúng ta ».

Nghĩa là, Israel không can dự vào các chiến dịch quân sự của Nga hỗ trợ các lực lượng quân đội của Damas với điều kiện Nga cũng không gây khó dễ cho các vụ oanh kích của Israel nhắm vào phe Hezbollah trên lãnh thổ Syria.

Đó là chưa tính đến yếu tố dân số. Với cộng đồng người Nga chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng hơn một triệu người trên tổng số 8 triệu dân), chỉ đứng sau cộng đồng người Ả Rập (gần 2 triệu người), Israel duy trì một mối quan hệ vừa chặt chẽ mà cũng vừa mập mờ. Tiếng Nga là ngôn ngữ thứ ba tại Israel và tùy theo từng khu phố hay địa phương mà tiếng Nga có khi trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Tương tự, ảnh hưởng của cộng đồng người Do Thái tại Nga cũng khá quan trọng, hơn một triệu người (trong tổng số 20 triệu dân Nga). Cộng đồng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180607-doi-dau-iran-israel-the-can-bang-te-nhi-nga

 

Trung-Nhật : Đường dây « điện thoại nóng »

để tránh xung đột ở Hoa Đông

Tú Anh

Để tránh nguy cơ không chiến và hải chiến trên vùng biển đảo tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông, Bắc Kinh và Tokyo đạt được thỏa thuận thiết lập một cơ chế liên lạc trực tiếp kể từ thứ Sáu 08/06/2018.

Theo tường thuật của báo Hồng Kông South China Morning Post, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết bước đầu của cơ chế liên lạc này rất quan trọng để hai nước Nhật Bản và Trung Quốc thông hiểu lẫn nhau.

Hai bên cũng đang « sắp xếp » để mở một đường dây điện thoại trực tiếp giữa những cấp chỉ huy quân sự liên hệ, nhất là sĩ quan tại hiện trường.

Song song với đường dây liên lạc nóng, trong tương lai hai nước thay phiên nhau tổ chức những cuộc họp cấp cao và cấp chuyên viên để xem xét, cải tiến, bổ sung giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Quân đội Trung Quốc và Nhật tiếp tục tôn trọng thể thức liên lạc hiện có giữa chiến hạm và phi cơ để tránh leo thang căng thẳng.

Theo giải thích của bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera, để tránh tình huống đáng tiếc, một vụ hiểu lầm nhỏ biến thành khủng hoảng lớn, thì biện pháp hay nhất là « tổ chức » cho giới hữu trách quốc phòng đôi bên có thể nói chuyện trực tiếp với nhau ngay lập tức.

Cơ chế liên lạc hàng không và hàng hải đôi bên đã được Tokyo và Bắc Kinh dự trù thiết lập vào năm 2007 nhưng bị vụ khủng hoảng chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu ngư làm đình trệ. Phải đến tháng Năm vừa qua, nhân chuyến viếng thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước mới tìm lại được không khí hòa hoãn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180608-trung-nhat-duong-day-%C2%AB-dien-thoai-nong-%C2%BB-de-tranh-xung-dot-o-hoa-dong