Tin tức ngày – 04/05/2018
Mỹ tính rút quân ở Nam Hàn, TQ sang thăm Bắc Hàn
Hoa Kỳ dự tính làm giảm số lượng lính tại Nam Hàn, trong khi Trung Quốc cố gắng thắt chặt mối quan hệ với Bắc Hàn – hai động thái khác biệt, một tuần sau cuộc hội nghị thượng định lịch sử giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Theo tờ New York Times, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc chuẩn bị các giải pháp để giảm số lượng lính Mỹ tại Hàn Quốc, dẫn theo nguồn tin.
Tuy nhiên việc giảm số lượng quân lính Hoa Kỳ dự định không phải là điểm thương lượng trước cuộc họp thượng đỉnh của ông Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng Sáu.
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ‘ba, bốn tuần tới’
Những người Mỹ bị giam ở Bắc Hàn là ai?
Bãi thử hạt nhân Bắc Hàn ‘đóng cửa vào tháng 5’
Nhưng các quan chức nói với tờ New York Times rằng một hiệp định hòa bình giữa hai miền Nam-Bắc Hàn có thể dẫn tới sự giảm bớt 23.500 lính Mỹ đang đóng ở bán đảo.
Tuy nhiên một quan chức của Hội đồng Bảo An Quốc Gia Hoa Kỳ nói với một quan chức Nam Hàn rằng thông tin đó không chính xác, theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Nam Hàn.
Cựu giám đốc CIA Mike Pompeo, trước khi trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với Kim Jong-un và cho biết ông Kim không yêu cầu Hoa Kỳ phải rút quân.
Nam Hàn cũng nói hôm 2/5 rằng quân lính Hoa Kỳ đóng ở Nam Hàn không liên quan đến bất kì hiệp định hòa bình nào trong tương lai và lực lượng Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến thăm hai ngày ở Bắc Hàn và gặp gỡ ông Kim, thể hiện vai trò của Trung Quốc tại bán đảo luôn tồn tại và “chỉ lớn dần lên”.
Bài bình luận trên tờ Ta Kung Pao của Hongkong viết: “Trung Quốc đã có đóng góp to lớn trong quá khứ và vai trò tương lai của nó sẽ không thể thay thế được trong tiến trình hòa bình ở bán đảo.”
Nhà quan sát khác bình luật trên tờ Hoàn cầu Thời báo rằng, cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và Kim Jong-un cho thấy “sức mạnh của sự trao đổi cấp cao giữa hai nước và sực phục hồi liên kết song phương.
Hôm 27/4, trong cuộc gặp lịch sử, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nhất trí hợp tác loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo này.
Hôm 29/4, văn phòng Tổng thống Nam Hàn tiết lộ bãi thử hạt nhân của Bắc Hàn sẽ đóng cửa vào tháng 5/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43999730
Trump không tìm cách
giảm quân số lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không hề yêu cầu Ngũ Giác Đài báo cáo về những giải pháp nhằm giảm quân số của các lực lượng Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 4/5.
Ông Bolton nói lên quan điểm của ông sau khi tờ New York Times, dẫn lời nhiều người có mặt trong các cuộc thảo luận, hôm thứ Năm nói rằng Tổng thống Trump đang tham khảo ý kiến nhằm giảm thiểu quân số của các lực lượng Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói:
“Câu chuyện của NYT hoàn toàn phi lý. Tổng thống Trump không hề yêu cầu Ngũ Giác Đài báo cáo với ông về những giải pháp để giảm quân số các lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc.”
Nhiều người quan tâm tới những bước hành động sắp tới của Tổng thống Trump trên bán đảo Triều Tiên giữa lúc Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên để bàn về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chính phủ của Tổng thống Trump còn cố gắng vận động để 3 công dân Mỹ đang bị giam cầm ở Triều Tiên được phóng thích.
Đoàn xe 145 người Trung Mỹ vào được Mỹ xin tị nạn
145 người tị nạn Trung Mỹ di chuyển trong một đoàn xe đi xuyên qua Mexico vừa vào Hoa Kỳ để xin tị nạn hôm 4/5, theo tin của AFP. Đài CNN, trong khi đó, đưa tin là ít nhất 158 người vào được đất Mỹ. Số người này sẽ trình bày lý do tại sao họ nên được hưởng quy chế tị nạn.Giới chức cho biết những người này là một phần của nhóm khoảng 1.000 người xuất phát từ biên giới nam Mexico vào ngày 25 tháng 3, trước khi đến thị trấn biên giới phía bắc Tijuana vào hôm Chủ Nhật.
“Có 70 người vượt biên giới sáng nay,” đưa tổng số tính đến hôm thứ năm lên 145 người, nhân viên di trú Mexico, ông Edgar Antonio Gonzalez Rubio Nunez nói.
‘Con số này bao gồm những người đến từ Honduras, Guatemala, El Salvador và Nicaragua,” ông Nunez nói thêm.
Đoàn caravan (xe tải lớn có mui) là truyền thống có từ năm 2010. Truyền thống này được thiết kế để lôi kéo sự chú ý của thế giới đến hoàn cảnh tuyệt vọng của người Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đến Mỹ, nơi hứa hẹn sẽ cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
‘Không thể vào Mỹ sau sắc lệnh của Trump’
Trump kêu gọi kiểm tra biên giới ‘cẩn trọng’
Sự đưa tin rộng rãi của truyền thông về đoàn xe hướng về Mỹ này đã kích hoạt một loạt các tweets giận dữ của Tổng thống Trump.
Ông Trump ra lệnh cho hàng ngàn binh sĩ Bảo vệ Quốc gia đến gần biên giới và kêu gọi Mexico ngăn chặn những người nhập cư.
Mexico không những chỉ bác bỏ áp lực từ Trump, mà còn cấp cho đoàn người di dân một vé quá cảnh một tháng, để họ có đủ thời gian quyết định xem muốn tìm nơi ẩn náu ở Mexico, trở về nhà hoặc tiếp tục đi về phía Hoa Kỳ.
Khoảng 150 người còn lại hiện đang cư ngụ trong một trại ở Tijuana, nhiều người trong số này nói rằng họ đang chạy trốn khỏi bạo lực băng đảng.
“Tôi bỏ trốn vì họ sẽ giết một trong những đứa con trai của tôi,” Ana Suazo, một người Honduras 38 tuổi, đi tị nạn cùng ba đứa con, nói với AFP.
Bà Suazo nói thêm rằng mẹ bà đang đợi ở phía bên kia biên giới và bà có thân nhân ở New Orleans.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44000260
Tình tiết mới chuyện Trump-Stormy
gây bão ở Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 3/5 nhấn mạnh việc ông hoàn tiền lại cho luật sư Michael Cohen món tiền đã trả cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels, không có dính dáng gì đến chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP hôm 4/5, tiết lộ đáng kinh ngạc về việc ông Trump hoàn tiền lại cho luật sư riêng trong vụ bê bối liên quan tới diễn viên phim người lớn Stormy Daniels, tương phản hẳn với những tuyên bố của ông Trump trước đây, đã tạo ra những vấn đề pháp lý mới và gây kinh ngạc cho nhiều người làm việc trong Cánh Tây Toà Bạch Ốc.
Các phụ tá của Tổng thống bất ngờ lâm vào tình trạng bối rối khi ông Rudy Giuliani, người mới gia nhập Luật sư đoàn bảo vệ ông Trump, đêm thứ Tư nói Tổng thống Trump đã hoàn trả số tiền 130,000 đôla mà Luật sư Michael Cohen đã chi ra để bịt miệng diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels, để cô không công khai vụ ngoại tình với ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Mẫu thông tin do Luật sư Giuliani bất ngờ tiết lộ hình như đi ngược lại với những tuyên bố của Tổng thống Trump trong thời gian qua, giữa lúc đoàn luật sư với nhiều nhân sự mới của ông Trump đang chuẩn bị bênh vực thân chủ mà dường như không phối hợp với Cánh Tây Toà Bạch Ốc, tức là nơi đặt văn phòng làm việc của tổng thống và các viên chức cao cấp trong chính phủ.
https://www.voatiengviet.com/a/tinh-tiet-moi-chuyen-trump-stormy-gay-bao-o-toa-bach-oc/4377758.html
Tranh cãi thương mại Mỹ-Trung:
đạt một số thỏa thuận nhưng còn nhiều bất đồng
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đạt được đồng thuận về một số khía cạnh trong cuộc tranh cãi về thương mại song phương, tuy nhiên những bất đồng về một số vấn đề vẫn còn “tương đối lớn”, theo Xinhua – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu.
Tân Hoa Xã cho biết tuy vậy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bày tỏ quyết tâm sẽ giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại.
Các nhà thương thuyết Mỹ còn đồng ý nêu vấn đề với Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm các công ty Mỹ, không được bán hàng hóa và phần mềm cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp, sau khi phía Trung Quốc đưa ra những lập luận của họ. ZTE phải đối mặt với lệnh cấm bảy năm sau khi Hoa Kỳ cáo buộc công ty ZTE là không tuân thủ thỏa thuận được đưa ra sau khi vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Tham gia các cuộc thương thuyết kéo dài hai ngày qua là phái đoàn thương mại cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, và các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, sau nhiều tháng hai nước tố cáo và đe dọa lẫn nhau trong một loạt cuộc tranh chấp thương mại.
Phái đoàn Mỹ đã rời Bắc Kinh và đang trên đường trở về nước, một quan chức Mỹ nói với Reuters vào tối thứ Sáu. Người Mỹ chưa cho biết quan điểm của họ về các cuộc đàm phán.
Theo Tân Hoa Xã thì các cuộc thương thuyết thương mại song phương rất “thẳng thắn, hiệu quả và có tính xây dựng”, tuy nhiên hãng tin này không cho biết chi tiết về những gì mà quan chức hai nước đã thỏa thuận.
Hy vọng gì sau Thượng đỉnh Liên Triều?
Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba là một diễn biến tích cực đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong trước mắt nhưng về lâu dài nó không có nhiều ý nghĩa thực chất vì còn nhiều ẩn số chưa có lời giải, theo nhận định của các nhà phân tích.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 27/4 diễn ra sau một thời gian căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên với các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
‘Làm nguội căng thẳng’
Về mặt không khí và hình ảnh trong mắt công chúng thì cuộc gặp thượng đỉnh này được nhìn nhận là thành công – cả ông Victor Cha, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, và ông Harry Sa, nhà phân tích cao cấp thuộc Chương trình Hoa Kỳ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, đều có cùng nhận định.
Trong bài viết trên tạp chí Diplomat với tiêu đề: “Sau cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim: đã đến lúc hy vọng?”, ông Harry Sa nhận định rằng sự thân thiện và mối quan hệ tốt đẹp giữa các lãnh đạo của hai quốc gia thù địch đã ‘vượt quá sự mong đợi’ và cuộc gặp đã có nhiều những khoảnh khắc khó quên và những bức ảnh lịch sử. Điều này đã làm cho thế giới rạng rỡ với tinh thần tích cực và lạc quan. Còn ông Victor Cha, trong bài viết trên trang nhà của CSIS, cũng cho rằng về mặt hình ảnh và không khí thân thiện thì cuộc gặp này có thể được cho điểm ‘A’.
Ông Cha nhận định rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Triều lần này, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, đã ‘làm nguội căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên một cách đáng kể’ và giúp cho Washington và Bình Nhưỡng tránh được viễn cảnh xung đột mà hai nước đã hướng đến cho đến cuối năm 2017 sau 20 lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Triều Tiên nếm mùi ‘hỏa thịnh nộ’.
“Hai nhà lãnh đạo Moon và Kim đã đặt ra một số mục tiêu ngắn hạn, có thể đạt được, rõ ràng nhằm đảm bảo thời cơ và thúc đẩy tiến trình hòa bình đi về phía trước,” ông Sa viết trên Diplomat. “Bản tuyên bố chung cũng được soạn thảo một cách cẩn thận để tạo nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, ông Sa lưu ý rằng ‘còn lâu mới đạt được hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên’ còn ông Cha thì nói không chắc chắn bầu không khí hòa bình mới được tạo dựng này sẽ được duy trì trong bao lâu.
Bổn cũ soạn lại?
“Bất chấp bầu không khí tích cực của cuộc gặp, điều vẫn còn thiếu từ cuộc họp thượng đỉnh này là bất cứ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lập trường của ông Kim về vấn đề phi nhân hạt hóa và liệu ông ấy có từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không hay là ông ấy đang muốn tạm thời đóng băng các chương trình vũ khí của nước mình để đổi lấy việc giảm nhẹ lệnh cấm vận, hỗ trợ năng lượng trong giai đoạn quá độ và làm giảm căng thẳng,” ông Victor Cha phân tích.
Về phần mình, ông Harry Sa cho rằng cuộc gặp Kim-Moon ‘không có gì mới’. Ông lưu ý những nhượng bộ mà ông Kim Jong-un đưa ra trước, trong cuộc gặp thượng đỉnh ‘không phải là gì mới mẻ’. Chẳng hạn như lời hứa của ông là sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa và ngỏ ý sẽ đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri thì thân phụ của ông là ông Kim Jong-il cũng từng hứa đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 1994 và đóng cửa cơ sở hạt nhân hồi năm 2007. Lời hứa của ông Kim cha còn đi xa đến mức cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế vào giám sát việc dỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình sau đó đã thất bại sau khi mọi việc vỡ lỡ là Triều Tiên vẫn tiếp tục làm giàu uranium.
Phía Hàn Quốc loan báo một cách hoan hỉ rằng ông Kim Jong-un để ngỏ việc chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên thời hậu chiến. Tuy nhiên, ông Sa lưu ý rằng gần hai thập niên trước đây, cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng nói y hệt như vậy tại hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều lần đầu vào năm 2000. Và giờ đây mọi việc lại diễn ra giống như vậy.
Ngoài ra, Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm và các tuyên bố chung trong các hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều trước đây có nhiều điểm giống nhau đến lạ lùng, theo giới phân tích. Hai nhà lãnh đạo Kim Dae-jung và Kim Jong-il hồi năm 2000 cũng đồng ý ‘chấm dứt thù địch và mở ra một kỷ nguyên mới của hòa giải và hợp tác’ giữa hai miền Triều Tiên, và những người kế nhiệm họ cũng có phát biểu y hệt như vậy hôm 27/4. Những lời hứa như cho đoàn tụ những gia đình bị ly tán, hỗ trợ phát triển, viếng thăm thủ đô của nhau và đối thoại thường xuyên giữa giới chức hai nước đều là lặp lại những gì đã có trước đây, các nhà phân tích cho biết.
“Nói cách khác, hội nghị thượng đỉnh lần này đưa chúng ta trở về vạch xuất phát. Cuối cùng chúng ta thấy mình quay lại thời năm 2000,” ông Sa viết trên Diplomat.
Ông Victor Cha cũng nhắc lại ba chủ đề nhất quán luôn thấy xuất hiện trong các thỏa thuận liên Triều: mong muốn thống nhất hòa bình thông qua nỗ lực độc lập của dân tộc Triều Tiên mà không có sự can thiệp hay ảnh hưởng từ bên ngoài; các phương thức xây dựng lòng tin và giảm sự thiếu hiểu biết lẫn nhau; sự nhìn nhận cần phải đưa lệnh ngừng bắn giữa hai miền thành hiệp định hòa bình. Các thỏa thuận trước đây, nhất là tại Thượng đỉnh Liên Triều năm 2007, còn có thêm nội dung cụ thể về hợp tác kinh tế như về khu công nghiệp Kaesong, xây dựng đường sắt, đóng tàu và du lịch.
Hướng đến Thượng đỉnh Trump-Kim
Tác giả Harry Sa cảnh báo rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn thiếu chuẩn bị cho các vấn đề về Triều Tiên: chiếc ghế đại sứ ở Seoul vẫn còn để trống, người phụ trách cao nhất về Triều Tiên ở Bộ Ngoại giao đã về hưu trong khi chính Bộ Ngoại giao vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực sau ‘nhiệm kỳ thảm họa của [cựu Ngoại trưởng] Rex Tillerson’.
Ông lưu ý rằng chính quyền Hoa Kỳ hiện sắp có cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un là chính quyền ‘vụng về nhất, xao lãng nhất và phân rã nhất trong lịch sử nước Mỹ’. Đó là một chính quyền “mà lâu nay vẫn nghi vấn về giá trị của liên minh và tích cực phá hoại sự gắn kết của liên minh”. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn sẽ dùng bài quen thuộc mà họ đã sử dụng để đối phó với Mỹ trong quá khứ.
“Hoàn toàn có khả năng rằng Bình Nhưỡng nhận thấy chính quyền Mỹ hiện nay, ở thời điểm hiện tại, là thời cơ tốt để thực hiện bất kỳ âm mưu nào mà họ đã chuẩn bị,” ông cảnh báo.
“Chúng ta chỉ cần nhìn vào hồ sơ lịch sử mới đây và bối cảnh chiến lược hiện tại để biết rằng với Triều Tiên, không có gì là dễ dàng cả. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Hàn Quốc cần chấp nhận rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài, chậm chạp và đau đớn, và bất kỳ sự diễn giải sai, thiếu sự trao đổi hay thậm chí chỉ cần một vài dòng tweet giận dữ cũng có thể làm trật đường ray những tiến bộ mong manh đạt được cho đến nay. Các nhà lãnh đạo ở Washington và Seoul cần tránh nhắm đến một chiến thắng to lớn. Thay vào đó, họ cần giữ điềm tĩnh, phối hợp chặt chẽ nhất có thể và, quan trọng nhất, đặt ra những mục tiêu rõ ràng có thể đạt được trong ngắn hạn,” ông viết.
Ông cũng đề xuất thay vì đi đến cuộc gặp thượng đỉnh này chỉ với mục tiêu duy nhất là phi hạt nhân hóa trong đầu, vào thời điểm hiện tại, chính quyền Trump “nên quên đi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” của Triều Tiên. Thay vào đó, trọng tâm đàm phán nên đặt vào việc giữ Bình Nhưỡng ở lại bàn đàm phán, tạo dựng những phương thức hợp tác sâu rộng hơn giữa ba nước Mỹ, Hàn, Triều và duy trì thời cơ để cuối cùng đạt được hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sẽ có hòa bình lâu dài?
Ông Sa cho rằng dường như thời điểm lúc này đang thích hợp để kiến tạo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên: trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Moon Jae-in đã nêu việc tiếp cận, lôi kéo Triều Tiên như là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của ông, còn Tổng thống Donald Trump của Mỹ đang khao khát tạo dựng di sản như là Tổng thống Mỹ đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên dường như đang chìa ra cơ hội cho Mỹ, Hàn.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bất chấp tất cả những diễn biến tích cực này, bối cảnh chiến lược ở khu vực vẫn không có gì thay đổi. Triều Tiên vẫn còn là một nước nghèo, yếu và bị uy hiếp nghiêm trọng bởi lực lượng Mỹ-Hàn, do đó vũ khí hạt nhân đối với họ vẫn là một phương tiện răn đe hiệu quả. “Tất cả mọi chuyện Triều Tiên làm là nhằm để đạt được hai điều: đảm bảo sự sinh tồn của chế độ và đưa Hàn Quốc xa rời Mỹ để cuối cùng dẫn đến việc Mỹ rút lực lượng hoàn toàn khỏi khu vực.”
Còn ông Victor Cha thì cho rằng vẫn có đó nhiều câu hỏi chưa có lời giải sau Thượng đỉnh Liên Triều: Liệu Triều Tiên có định nghĩa phi hạt nhân hóa theo nguyên tắc hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được, như Mỹ hay không? Liệu Washington có phải giảm cam kết an ninh với Hàn Quốc như là điều kiện đánh đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa? Và liệu Triều Tiên vẫn còn tin rằng họ vẫn có thể vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa nhận được hỗ trợ kinh tế và năng lượng vì đã làm giảm căng thẳng hay không?
https://www.voatiengviet.com/a/hy-vong-gi-su-thuong-dinh-lien-trieu-/4376706.html
Hải quan TQ tăng cường kiểm tra trái cây Mỹ
Các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra trái cây tươi nhập khẩu từ Mỹ, Reuters dẫn năm nguồn tin từ Trung Quốc cho biết. Việc này có thể trì hoãn các chuyến hàng từ những nông gia Mỹ vốn đã phải chống chọi với thuế quan tăng trong khi quan hệ thương mại Trung-Mỹ xấu đi.
Trái cây nằm trong số 128 mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đắt đỏ hơn để trả đũa thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm của Trung Quốc giũa lúc bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng phát trong năm nay.
Một phái đoàn thương mại của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu hiện đang ở Bắc Kinh để đàm phán với các quan chức Trung Quốc. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về một loạt những than phiền của Mỹ về các tập tục thương mại của Trung Quốc, từ các cáo buộc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho tới những trợ cấp nhà nước để phát triển công nghệ.
Kể từ tuần trước, Bắc Kinh đã điều các chuyên gia kiểm định đến các cảng chính gồm Thượng Hải và Thâm Quyến để thực hiện các cuộc kiểm tra tại chỗ kỹ lưỡng hơn đối với trái cây bị hư hại hoặc thối, Reuters đưa tin, dẫn lời một nguồn tin ở Thượng Hải biết trực tiếp vấn đề này. Người này yêu cầu không nêu danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề, Reuters cho biết.
“Trung Quốc tái tục việc kiểm tra mọi lô hàng trái cây tươi của Mỹ,” nguồn tin này nói và cho biết thêm rằng các thanh tra trước đó đã kiểm tra chỉ khoảng 30 phần trăm các lô hàng. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã giảm bớt các cuộc kiểm tra như thế.
Kể từ thứ Hai tuần này, tất cả các lô hàng trái cây có xuất xứ từ Mỹ phải chịu bảy ngày kiểm định khi cập bến ở Thâm Quyến, một nguồn tin trong ngành làm việc tại cảng này ở phía nam Trung Quốc nói với Reuters.
Trước đây, các viên chức hải quan Trung Quốc đã cho phép các chuyến hàng qua cửa khẩu trong khi họ tiến hành kiểm tra mẫu.
Một số container cam từ Mỹ được nhập khẩu bởi công ty của nguồn tin này đã bị chặn lại trong tuần này, nguồn tin trong ngành ở Thâm Quyến nói thêm.
Reuters cho biết họ không thể liên lạc được ngay lập tức với văn phòng hải quan Trung Quốc ngoài giờ làm việc.
Một số lô táo của Mỹ đã không qua được kiểm dịch và sẽ được trả về Mỹ, theo nguồn tin ở Thượng Hải biết trực tiếp vấn đề này.
Mỹ đã bán 18 triệu đôla táo tươi cho Trung Quốc vào năm 2017 trong tổng số 872 triệu đôla tổng kim ngạch xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Việc kiểm tra gắt gao hơn diễn ra trong khi đang vào mùa anh đào ở Bờ Tây của Mỹ. Các lô hàng từ bang Washington thường bắt đầu vào tháng 6.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba cho anh đào tươi từ Mỹ. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã xuất 119 triệu trái anh đào tươi sang Trung Quốc, chỉ dưới một phần ba tổng số lô hàng trị giá 605 triệu đôla trong năm 2017.
Trái cây trước đây từng là nạn nhân của các tranh cãi thương mại song phương. Cách đây vài năm, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu một số mặt hàng trái cây Philippines vì quan hệ song phương xấu đi liên quan tới tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-trung-quoc-tang-cuong-kiem-tra-trai-cay-my/4376692.html
Mỹ bất bình vì
bị người TQ chiếu tia laser vào phi cơ quân sự
Mỹ chính thức phàn nàn với Trung Quốc sau khi các công dân Trung Quốc chiếu tia laser vào các máy bay quân sự của Mỹ gần Djibouti trong một số vụ việc xảy ra trong những tuần gần đây, Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Năm.
Quân đội Mỹ đã chật vật ứng phó với các vụ chiếu tia laser vào máy bay từ nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, những vụ việc nói trên nêu bật lo ngại của Mỹ về một căn cứ quân sự của Trung Quốc cách một căn cứ trọng yếu của Mỹ ở Djibouti chỉ vài dặm.
“Đó là những vụ việc rất nghiêm trọng … Chúng tôi đã chính thức đệ trình kháng nghị với chính phủ Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc điều tra những vụ việc này,” phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói với các phóng viên.
Bà White nói Lầu Năm Góc tin rằng tia laser được chiếu bởi các công dân Trung Quốc và trong vài tuần đã xảy ra dưới 10 vụ. Không rõ mục đích là gì.
Một quan chức Mỹ, phát biểu trong điều kiện giấu tên, cho biết trong một vụ việc hồi tháng trước hai phi công trong một chiếc máy bay C-130 bị thương nhẹ ở mắt.
Quan chức này nói trong một vài trường hợp, tia laser cấp quân đội từ căn cứ Trung Quốc đã chiếu vào các máy bay.
Djibouti nằm ở vị trí chiến lược tại ngõ vào phía nam của Hồng Hải trên đường đến Kênh đào Suez.
Djibouti cho Mỹ đặt một căn cứ quân sự, nơi có khoảng 4.000 quân nhân, bao gồm các lực lượng đặc nhiệm, và là một địa điểm xuất kích cho các hoạt động quân sự tại Yemen và Somalia.
Năm nay, quân đội Mỹ đặt vấn đề đối phó với Trung Quốc và Nga làm tâm điểm của chiến lược quốc phòng mới.
Đã ấn định ngày giờ, địa điểm
thượng đỉnh Trump-Kim
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu 4/5 cho biết ngày giờ và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã được ấn định.
Nói chuyện với các nhà báo trên sân cỏ Toà Bạch Ốc trước khi đáp máy bay tới Dallas, bang Texas, Tổng thống Trump nói: “Bây giờ chúng tôi đã có ngày giờ và có địa điểm” cho cuộc gặp. Ông Trump cho biết chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử sẽ sớm được công bố.
Tổng thống Trump nói Washington và Bình Nhưỡng đang tham gia “các cuộc đàm phán rất sâu rộng”, Ông nói thêm: “Chưa gì đã có rất nhiều điều xảy ra liên quan tới các con tin”, một gợi ý khác cho thấy Bắc Hàn có thể sớm trả tự do cho ba công dân Mỹ gốc Hàn đang bị cầm giữ ở Triều Tiên.
Cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, luật sư mới được bổ sung vào đoàn luật sư bảo vệ ông Trump, hồi trong tuần cho biết theo trông đợi, các công dân Mỹ sẽ được thả khỏi một trại lao cải hôm thứ Năm. Chính phủ Mỹ đang xem xét các bản tin nói rằng gần đây các con tin đã được di dời từ môt một trại lao động đến một khách sạn ở gần thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong số những người bị giam cầm, có hai người là Tony Kim và Kim Hak-Song, đều giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, trường đại học tư duy nhất trong cả nước.
Hai ông bị bắt giữ riêng rẽ trong năm 2017, rồi bị cáo buộc là “tham gia các hoạt động chống phá nhà nước”, và “âm mưu lật đổ chính phủ”.
Công dân Mỹ thứ ba bị giam cầm ở tại Rason Triều Tiên là Kim Dong-Chul, bị bắt vào tháng 10 năm 2015. Năm 2016 ở “mũi đông bắc” bị kết tội gián điệp và kết án 10 năm tù lao động khổ sai. của Triều Tiên. Ông
Ông Trump còn nói với các nhà báo rằng vấn đề rút các binh sĩ Mỹ ra khỏi Hàn Quốc sẽ không được mang ra thảo luận với lãnh tụ Triều Tiên. Tờ New York Times hôm thứ Sáu đưa tin ông Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng giảm quân số lính Mỹ đang trú đóng trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng ra tuyên bố cải chính tin này, nói rằng câu chuyện do Times tường thuật là không chính xác.
https://www.voatiengviet.com/a/da-an-dinh-ngay-gio-dia-diem-thuong-dinh-trump-kim/4378129.html
Liệu Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan ?
Trung Quốc vừa diễu võ giương oai tại eo biển Đài Loan với các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật, và Tập Cận Bình đích thân thị sát. Chủ tịch Trung Quốc ngày càng tỏ ra đe dọa đối với Đài Bắc, cảnh cáo mọi khuynh hướng ly khai. Le Figaro đặt câu hỏi, liệu « Hoàng đế đỏ » có tìm cách chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực ?
Bắc Kinh muốn gởi đi thông điệp gì ?
Các cuộc tập trận hải quân hôm 18/04/2018 tại eo biển Đài Loan – có bề rộng khoảng 180 kilomet chia cách Hoa lục với đảo quốc – được tổ chức lần đầu tiên trong khu vực siêu nhạy cảm này từ năm 2016. Tuy Trung Quốc vẫn giữ một khoảng cách so với bờ biển Đài Loan, nhưng thông điệp rất rõ ràng.
Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) giải thích : « Bắc Kinh muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua lằn ranh đỏ do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi ».
Hồi tháng Ba, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh là mọi khuynh hướng ly khai sẽ phải chịu đựng « sự trừng phạt của Lịch sử ». Người khổng lồ châu Á đã cảnh cáo trong đạo luật năm 2005, rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực đếu điều cấm kỵ này bị xâm phạm.
Hòn đảo nơi lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch (Tchang Kai Chek) chạy sang khi quân cộng sản chiến thắng ở Hoa lục, có chính thể dân chủ và độc lập trên thực tế. Nhưng Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ mình.
Quan hệ đôi bên đã xấu hẳn đi từ sau cuộc bầu cử gần đây, với việc bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016. Bà là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ, và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc. Bắc Kinh cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc.
Vì sao Tập Cận Bình muốn xâm chiếm Đài Loan ?
Dưới mắt Trung Quốc, Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Tập Cận Bình hồi tháng Ba đã cảnh báo, « lợi ích căn bản » của Trung Quốc là đạt được « thống nhất toàn bộ » đất nước. « Như vậy hoàn toàn logic khi người đứng đầu Trung Quốc tìm cách này hay cách khác chiếm cho được hòn đảo này trong tương lai » – Mathieu Duchâtel, phó giám đốc phụ trách châu Á và Trung Quốc của European Council on Foreign Relations (ECFR) nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia Duchâtel, thêm vào đó, Đài Loan « là biểu tượng cho sự cạnh tranh giữa các chế độ toàn trị và mô hình dân chủ », mà đảo quốc này xứng đáng là một đại diện ở châu Á. Khi đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Tập Cận Bình vốn gầy dựng một phần tính chính danh dựa trên chủ nghĩa dân tộc, tìm cách đánh bóng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyền uy, được nhân dân tôn sùng.
Liệu Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ?
Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh : « Nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp ». Còn theo một số nhà nghiên cứu khác, một cuộc tấn công của Trung Quốc, rất có thể sẽ dẫn đến việc Washington can thiệp quân sự, trong thời điểm hiện nay sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Bắc Kinh.
« Hoa Kỳ đã cam kết bằng luật pháp phải bảo vệ nền dân chủ Đài Loan, và Giải phóng quân Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu với Hải quân Mỹ » – chuyên gia Juliette Genevaz của IRSERM nhận định. Tuy vậy, nữ tổng thống Thái Anh Văn hôm 13/4 đã đích thân thị sát các cuộc tập trận hải quân đầu tiên, là dấu hiệu cho thấy Đài Bắc vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông phân tích, các hành động giương oai diễu võ của Trung Quốc chủ yếu « nằm trong chiến lược chiến tranh cân não, nhằm uy hiếp tinh thần người dân Đài Loan, buộc họ phải nghĩ đến một dạng thống nhất giữa hai bờ eo biển ». Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cũng nhận định : « Mục tiêu của Bắc Kinh là làm thay đổi hiện trạng trong lúc Đài Bắc, ngược lại, muốn duy trì ».
Không chỉ hù dọa bằng quân sự để đánh đòn cân não, Bắc Kinh còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Hoa lục, với rất nhiều ưu đãi.
Tuy vậy chế độ toàn trị Trung Quốc khó thu hút được người dân Đài Loan. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan dự báo : « Lực lượng chủ trương thống nhất với Trung Quốc có rất ít cơ hội được bầu lên tại Đài Loan. Một khi Hoa Kỳ vẫn còn ủng hộ Đài Bắc, thì khó có hy vọng người dân Đài Loan chịu khuất phục ».
Ngõ cụt này khiến một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng đến vũ lực.
Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tăng lên trong hố sơ Đài Loan ?
Trung Quốc vốn lên án tất cả những hoạt động tiếp xúc giữa Đài Bắc và các nước khác, rất tức tối trước hàng loạt sáng kiến thân thiện với Đài Loan của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong những tháng gần đây. Một đạo luật mới khuyến khích các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa các viên chức Mỹ và Đài Loan. Tuy Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, nhưng lại duy trì các quan hệ không chính thức, đặc biệt là bán vũ khí cho Đài Loan. Nhà Trắng cũng vừa cho phép bán các công nghệ mới, giúp Đài Loan có thể tự chế tạo các tàu ngầm.
Bên cạnh xung đột thương mại, căng thẳng có thể tăng thêm một bậc mới trong hồ sơ Đài Loan, với việc « diều hâu » John Bolton, một nhân vật thân thiết với Đài Bắc, vừa được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia. Hồi năm 2017, ông Bolton đã đòi hỏi phải siết chặt quan hệ quân sự giữa Washington và Đài Bắc, nhằm chống lại Bắc Kinh. Tháng Ba năm nay, Hoàng Chi Hãn (Alex Wong), trợ lý thứ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Đài Bắc đã tuyên bố Hoa Kỳ muốn « tăng cường quan hệ với nhân dân Đài Loan ».
Vấn đề còn lại là Washington sẽ đi xa đến mức nào, trong việc thách thức Trung Quốc. Việc các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan, mà tổng thống Donald Trump đã ký kết trong một văn bản năm ngoái, vốn là đường ranh đỏ đối với Bắc Kinh. Khủng hoảng đã từng xảy ra vào cuối năm 2016, khi ông Donald Trump vừa đắc cử, đã chấp nhận cuộc gọi của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chủ trương của ngành ngoại giao Mỹ từ nhiều thập niên qua.
Liệu sẽ xảy ra một cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Washington trên Biển Đông ?
Hôm 12/4, Tập Cận Bình đã thị sát cuộc tập trận hải quân đại quy mô trên Biển Đông, được cho là hùng hậu chưa từng có trong lịch sử. Ông ta tuyên bố : « Nhu cầu xây dựng lực lượng hải quân mạnh chưa bao giờ cấp bách như hiện nay ». Sự hiện diện của nhân vật số một Trung Quốc, trong bộ quân phục và chiếc nón kết rằn ri, tại vùng biển tranh chấp này, tất nhiên là có ý nghĩa.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền tại hầu hết các đảo và rạn san hô trên Biển Đông, bất chấp nhiều nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Bắc Kinh còn chuyển đổi các đảo đang kiểm soát thành các căn cứ quân sự, để áp đặt yêu sách.
Sự đối địch Mỹ-Trung ngày càng cao tại Biển Đông, nơi khoảng cách về sức mạnh giữa hai đại cường đang rút ngắn dần. Nhưng Hoa Kỳ cũng tìm cách chứng tỏ uy lực tại vùng biển này, nơi đang có sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm Mỹ. Washington thường xuyên gởi các chiến hạm đến Biển Đông tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải, gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh kêu gào là « bị khiêu khích ». Có thể xảy ra những sự cố, nhưng trước mắt khó thể có xung đột.
Chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét : « Bắc Kinh chuyên áp dụng chính sách chuyện đã rồi, tìm cách dần dà thay đổi hiện trạng một cách có lợi cho mình, mà không bị cộng đồng quốc tế đáp trả mạnh mẽ ». Nếu Trung Quốc dường như đã đạt được mục tiêu xâm chiếm Biển Đông, thì Hoa Kỳ có thể sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180504-lieu-trung-quoc-se-xam-luoc-dai-loan
Không có Nobel Văn Chương 2018
vì bê bối trong Viện Hàn Lâm Thụy Điển
Năm 2018 sẽ không có Giải Nobel Văn Chương. Trong một thông báo được công bố hôm nay 04/05/2018 tại thủ đô Stockholm, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã xác nhận như trên.
Định chế xét duyệt và trao tặng giải Nobel về văn chương đã bị suy yếu nghiêm trọng cả về đạo đức lẫn nhân sự trong vài tháng gần đây sau những tiết lộ về các bê bối tài chánh, và nhất là những cáo buộc về các hành vi sách nhiễu tình dục liên quan đến chồng của một nữ viện sĩ hàn lâm.
Trong một thông cáo, quyền thư ký thường trực Viện Hàn Lâm Thụy Điển, ông Anders Olsson cho biết là năm 2018, sẽ không chọn người đoạt giải, nhưng qua năm 2019, Viện sẽ trao giải Nobel Văn Chương cho hai tác giả. Bản thông cáo công nhận rằng sở dĩ họ đã phải quyết định như trên đó là vì « Viện Hàn Lâm đang có những khó khăn bên trong, và bị mất uy tín trong công chúng ».
Đây là một quyết định hết sức bất thường, cho thấy tính chất cực kỳ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng vì phải lần ngược về tận năm 1949 mới thấy Viện Hàn Lâm Thụy Điển có một quyết định tương tự.
Từ Stockholm, thông tín viên RFI Frédéric Faux giải thích :
Quyết định không trao giải Nobel Văn Chương năm nay mà dời sang năm tới, điều chưa từng thấy từ năm 1949 đến nay, là hậu quả của một vụ tai tiếng chưa từng có mà Viện Hàn Lâm Thụy Điển phải gánh chịu.
Định chế tập hợp những tinh hoa của nền văn học này đã bị suy yếu từ tháng 11 năm ngoái với những tiết lộ ngày càng nhiều về hành vi của ông Jean-Claude Arnault, một nhân vật rất có ảnh hưởng, chồng của một nữ viện sĩ Viện Hàn Lâm Thụy Điển.
Nhân vật này bị cáo buộc là đã tấn công tình dục ít nhất mười tám phụ nữ, lạm dụng quá mức ngân quỹ của Viện Hàn Lâm, thậm chí còn tiết lộ tên của những người đoạt giải Nobel VănChươngtrước khi kết quả được chính thức công bố.
Vấn đề là Viện Hàn Lâm Thụy Điển lại không thể trong làm sạch nội bộ, một loạt viện sĩ đã nộp đơn từ chức khiến cho hội đồng trao giải không đủ túc số để bầu chọn người được trao giải Nobel.
Trong tình thế đó, Viện Hàn Lâm Thụy Điển rốt cuộc đã bị buộc phải chọn lựa giải pháp duy nhất còn lại là tạm dừng việc trao giải.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã bị rơi vào khủng hoảng hồi tháng 11 năm 2017 vừa qua, trong bối cảnh phong trào #MeToo tố cáo tệ nạn quấy rối tình dục bùng lên trên toàn thế giới.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vào lúc ấy, nhật báo có uy tín tại Thụy Điển, tờ Dagens Nyheter công bố lời chứng của 18 phụ nữ cáo buộc nhiếp ảnh gia Pháp Jean-Claude Arnault, một nhân vật rất có ảnh hưởng, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson, một nữ viện sĩ Viện Hàn Lâm Thụy Điển, đã tấn công tình dục, thậm chí cưỡng hiếp họ. Những vụ bê bối này rải rác trong thời gian dài, từ năm 1996 tới năm 2017.
Ôn Arnault đã cực lực phủ nhận các hành động trên, nhưng vụ việc đã khuấy động viện Hàn Lâm, với hai phe bênh và chống ông Arnault đấu tranh với nhau, dẫn đến những vụ từ chức hàng loạt.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển chỉ dời việc trao giải Nobel Văn Chương năm nay qua năm tới. Và như vậy, vào năm 2019, sẽ có hai Nobel Văn Chương được trao, giải của năm 2018, và giải của năm 2019. Quyết định của Viện Hàn Lâm Thụy Điển về giải Nobel Văn Chương không liên quan gì đến các giải Nobel khác, vẫn được trao như thường lệ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180504-giai-nobel-van-chuong-2018-nan-nhan-bat-ngo-cua-phong-trao-metoo
Tổ chức ly khai xứ Basque ETA
rầm rộ tổ chức giải thể
Tổ chức ly khai xứ Basque ETA chính thức giải thể ngày 04/05/2018 với buổi lễ được tổ chức rầm rộ tại xã Cambo-les-Bains, Pháp. Sau gần 60 năm tồn tại, tổ chức ETA sát hại 829 người và không đạt được bất kỳ mục đích chính trị nào.
Thông tín viên RFI François Musseau tường trình từ Madrid :
« Lực lượng khủng bố xứ Basque ETA giải thể, nhưng họ muốn công luận biết đến sự kiện này. Điều mà họ tìm kiếm, đó là gây được tiếng vang tối đa, với sự tham gia của các nhà báo, các chính khách như của đảng Podemos, các chính trị gia dân túy ôn hòa xứ Basque của đảng PNV hay một số gương mặt Ailen như ông Gerry Adams, cựu lãnh đạo của đảng dân túy Sinn Fein.
Đối với tổ chức khủng bố cuối cùng ở châu Âu, điều quan trọng là phải nhấn mạnh được sự tồn tại của tổ chức để sự kiện giải thể gây được tiếng vang, được đánh giá cao và được nhìn nhận là một cử chỉ cao thượng. Và nếu như tổ chức ly khai xứ Basque khao khát điều này, đó là vì trong những năm vừa qua, họ gần như bị rơi vào quên lãng.
Từ khi thông báo chính thức ngừng các vụ tấn công vào năm 2011, người dân Tây Ban Nha lẫn xứ Basque đã sang trang mới, họ không muốn biết gì thêm về lực lượng mà trong suốt thời gian dài là cơn ác mộng của họ. Ngày càng suy tàn và thoi thóp, tổ chức ETA cố làm mọi việc để được chú ý, như thông báo giã từ vũ khí vào tháng 04/2017, xin lỗi nạn nhân vào tháng 04/2018 và hôm nay (04/05) là dàn dựng lễ giải thể tại xã Cambo-les-Bains (tây nam Pháp, gần biên giới với Tây Ban Nha).
Bất luận những sự kiện trên, một câu hỏi vẫn được nêu ra : Sau 60 năm tồn tại, 829 người thiệt mạng mà không đạt được được mục đích gì, liệu ETA có thật sự chấp nhận bị vùi sâu vào quên lãng hay không ? »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180504-to-chuc-ly-khai-xu-basque-eta-ram-ro-to-chuc-giai-the
Mỹ-Trung gấp rút đàm phán
trước ngày “chiến tranh thương mại”
Ngày 04/05/2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc bước sang ngày đàm phán thứ hai nhằm tránh một cuộc chiến thương mại vì chỉ còn 3 tuần nữa là các biện pháp tăng thuế mang tính trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bắc Kinh giảm 100 tỉ đô la thâm hụt thương mại song phương. Năm 2017, mức thâm hụt này là 375 tỉ đô la.
Trả lời báo giới trước buổi họp kín ngày 04/05 với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin chỉ nói, « chúng tôi đã có những trao đổi rất tốt ». Cả Bắc Kinh và Washington cho đến nay vẫn rất kiệm lời về tiến triển của cuộc đàm phán.
Theo AFP, phái đoàn Mỹ, gồm bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, đến Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc nằm trong vòng đe dọa của Washington sẽ áp thuế từ ngày 22/05 đối với khoảng 50 tỉ đô la hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ.
Theo thông tin được Reuters cập nhật từ báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington đã đạt được đồng thuận trên một số điểm tranh chấp thương mại. Trung Quốc đã đề xuất tăng thêm hàng nhập khẩu từ Mỹ và giảm thuế hải quan đối với một số sản phẩm. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng quan trọng trên một số lĩnh vực và cùng muốn giải quyết thông qua đối thoại. Hiện Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về cuộc đàm phán.
Chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ dường như lại đạt được kết quả cụ thể. Theo thống kê được công bố ngày 03/05, lần đầu tiên trong vòng 7 tháng qua, thâm hụt thương mại Mỹ đã giảm trong tháng 03/2018 nhờ lượng hàng xuất khẩu đạt mức kỷ lục, trong đó có cả hàng xuất sang Trung Quốc. Kết quả này được cho là sẽ khiến chính quyền của tổng thống Trump hài lòng.
Ngày 03/05, Brazil buộc phải chấp nhận các hạn ngạch về nhập khẩu thép và nhôm nhằm tránh bị đánh thuế theo mức mới (25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu) được Washington công bố ngày 08/03. Là nước lớn thứ hai xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, chính quyền Brazil đã lên án « tối hậu thư » của Mỹ.
Trong khi đó, nhiều kinh tế gia Mỹ đã ký vào một bức thư gửi chính quyền Washington ngày 03/05 lên án chính sách bảo hộ của Donald Trump và khuyến cáo Nghị Viện và Nhà Trắng tránh lặp lại những sai lầm từng xảy ra trong thập niên 1930. Trong bức thư, họ khẳng định rằng « nâng thuế có lẽ sẽ là một sai lầm. Việc này thường làm tăng giá cả và người tiêu thụ Mỹ sẽ phải trả giá ».