Tin tức ngày – 02/09/2017
Bão Harvey :
TT Trump thăm nạn nhân bang Texas và Lousiana
Ngày 02/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đến Houston (Texas) và Lake Charles (Louisiana) thăm các nạn nhân tại những vùng bị lụt do cơn bão Harvey, với thiệt hại được ước tính khoảng từ 30 và 100 tỷ đôla.
Cơn bão Harvey, đã khiến 42 người chết, hiện đã giảm cường độ để trở thành « áp thấp nhiệt đới » theo thông báo của Trung tâm Quốc gia về bão. Nhưng hiện giờ, theo hãng tin AFP, nước rút đi rất chậm, cho nên hàng chục ngàn người vẫn phải sống trong các trung tâm tiếp đón khẩn cấp.
Những người có thể trở về nhà thì đã chứng kiến mức độ tàn phá của trận lụt khiến nhà của họ bị ngập nước tới cửa sổ hoặc cao hơn nữa. Rất nhiều xe hơi bị ngập tới nóc, hoàn toàn không thể sử dụng được nữa, trong khi đây là phương tiện di chuyển thiết yếu đối với dân Mỹ.
Trong khi đó, cuối ngày hôm qua, tại nhà máy hóa chất Arkena lại xảy ra hỏa hoạn, khói đen bốc lên từ nhà máy này được xem là rất nguy hiểm, cho nên cư dân trong khu vực đã được di tản.
Nhưng tại Houston, cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường : điện được tái lập, các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại … Tuy vậy, thống đốc (Cộng Hòa) bang Texas Greg Abbot cho rằng phải mất rất nhiều năm để bang này thật sự trở lại cuộc sống bình thường như trước cơn bão.
Nhà Trắng vừa cho biết là sẽ yêu cầu Quốc Hội tháo khoán khẩn cấp 7,9 tỷ đôla để trợ giúp các nạn nhân bão Harvey. Theo chính phủ Mỹ, hơn 100 ngàn hộ gia đình bị thiệt hại do cơn bão này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170902-bao-harvey-tt-trump-tham-nan-nhan-bang-texas-va-lousiana
Chủ tịch Hạ viện kêu gọi
giữ chính sách di trú DACA thời Obama
Cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp và những người khác, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan kêu gọi Tổng thống Donald Trump đừng bãi bỏ một chương trình thời Tổng thống Obama bảo vệ những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp khi họ còn là trẻ nhỏ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết thứ ba tuần tới, ông Trump sẽ thông báo quyết định đối với chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ, hay DACA, bảo vệ gần 800.000 người khỏi bị trục xuất. Chương trình này cũng cho phép những người này, được gọi là Dreamers, xin giấy phép lao động.
“Chúng tôi yêu quý những Dreamers,” ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Bầu dục.
Ông Ryan và Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, cả hai đều theo Đảng Cộng hòa, hôm thứ Sáu đã cùng một nhóm nhà lập pháp (tuy không nhiều, nhưng đang dần gia tăng) lên tiếng chống lại việc bãi bỏ DACA vốn được cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama ký ban hành hồi năm 2012 và lâu nay là mục tiêu của những người có chủ trương bảo thủ về di trú.
“Tôi thực sự không nghĩ rằng ông ấy nên làm điều đó, và tôi tin rằng đây là điều Quốc hội phải sửa chữa,” ông Ryan nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh WCLO ở thành phố quê nhà Janesville, bang Wisconsin.
“Những bạn trẻ này không biết đất nước nào khác ngoài nước Mỹ, những người này đã được cha mẹ của họ đưa đến và không biết quê hương nào khác cả. Và vì vậy tôi thực sự tin rằng cần có một giải pháp lập pháp. Đó là điều mà chúng tôi đang giải quyết. Và tôi nghĩ chúng tôi muốn cho mọi người an tâm,” ông Ryan nói thêm.
Ông Hatch nói trong một thông cáo rằng bãi bỏ chương trình này sẽ làm phức tạp hơn nữa hệ thống di trú của Mỹ vốn đang rất cần cải cách lập pháp.
“Giống như Tổng thống, tôi lâu nay vẫn ủng hộ việc thực thi luật pháp nhập cư hiện tại của chúng tôi. Nhưng chúng ta cũng cần một giải pháp khả thi, vĩnh viễn cho những cá nhân đã vào đất nước chúng ta một cách bất hợp pháp khi còn là trẻ nhỏ mà không phải do lỗi ở họ và họ đã xây dựng cuộc sống của mình ở đây. Và giải pháp đó phải đến từ Quốc hội,” thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại nhiệm lâu nhất nói thêm.
Ông Trump đã đưa việc trấn áp người nhập cư trái phép làm trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và đã đẩy mạnh những vụ trục xuất kể từ khi nhậm chức vào tháng 1. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng người nhập cư góp phần quan trọng vào nền kinh tế và chấm dứt chương trình này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế.
Phần lớn những người nhập cư Dreamers đến từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latin khác.
Hơn 200.000 người đang sinh sống ở bang California, trong khi Texas có 100.000 người. New York, Illinois và Florida cũng có số lượng lớn.
Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới
Cảnh sát Bangladesh phớt lờ lệnh của chính phủ nước này bắt họ phải ngăn không cho người tỵ nạn từ nước láng giềng Myanmar vượt qua biên giới.
Phóng viên BBC tại Bangladesh nói các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya đang tràn qua các cửa khẩu mà không bị ai ngăn cản.
Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có 58.000 người tỵ nạn đã vượt qua biên giới Myanmar-Bangladesh.
Các vụ bạo lực nổ ra tại tỉnh Rakhine của Myanmar cách đây hơn một tuần.
Người tỵ nạn Rohingya cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar và những đám đông người Phật giáo đã đốt làng của họ.
Tổng Bí thư Trọng thăm Indonesia và Myanmar
Aung San Suu Kyi bác việc thanh lọc sắc tộc
Myanmar: Hàng ngàn bỏ chạy đến biên giới Bangladesh
Chính phủ Myanmar nói các lực lượng an ninh đang đáp trả cuộc tấn công của phiến quân người Rohingya vào 20 đồn biên phòng của cảnh sát hồi tháng trước.
Những vụ đụng độ tiếp theo đó khiến người dân từ nhiều cộng đồng phải ra đi.
Hơn 20.000 người Rohingya khác được cho là đang bị kẹt dọc bờ sông Naf, con sông phân ranh giới giữa Bangladesh và Myanmar.
Các tổ chức cứu trợ nói những người này đang phải đối mặt với nguy cơ chết đuối, bệnh tật và bị rắn độc cắn.
Rakhine, tỉnh nghèo nhất của Myanmar, là quê hương của hơn một triệu người Rohingya. Họ bị ngược đãi hàng chục năm nay ở đất nước mà phần lớn dân chúng theo Phật giáo, nơi họ không được coi là công dân.
Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều đợt bạo lực gây chết người. Các vụ bạo lực hiện nay là lớn nhất kể từ tháng 10/2016, khi mà chín cảnh sát thiệt mạng trong những đợt người Rohingya tấn công vào đồn biên phòng.
Cho đến thời điểm đó, không có chỉ dấu nào rằng đã có phe nổi dậy có vũ trang của người Rohingya, mặc dù căng thẳng sắc tộc vẫn luôn hiện hữu.
Cả hai vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái và hôm 25/8 mới đây đều do một nhóm có tên gọi Quân giải phóng Arakan Rohingya thực hiện.
Nhóm này nói mục tiêu của họ là bảo vệ người Hồi giáo Rohingya khỏi sự đàn áp của nhà nước Myanmar. Chính phủ Myanmar thì nói họ là một nhóm khủng bố.
Cáo buộc thanh lọc sắc tộc tại Myanmar
Quân đội Myanmar cũng đã tiến hành một đợt đàn áp sau vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái. Sau đó, có rât nhiều cáo buộc về tình trạng hãm hiếp, giết người và tra tấn do quân đội gây ra. Hàng chục ngàn người Rohingya khi đó đã chạy sang Bangladesh.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Tuy nhiên quân đội Myanmar phủ nhận đã có hành động sai trái.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41134921
Tả, hữu xung đột ở Berkeley
Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ California
Chủ Nhật 27/8 vừa qua thành phố Berkeley, tiểu bang California, lại trở thành tâm điểm của biểu tình. Lần này số người tham dự đông hơn hai lần trước, lên đến dăm bảy nghìn và ít bạo động hơn, trong khi con số người gây rối bị bắt nhiều hơn, tất cả là 13.
Đó là điểm son cho cuộc biểu tình hôm đó. Nhưng về quyền tự do phát biểu thì những người ủng hộ Tổng thống Trump cũng đã bị ngăn cản bởi thành phần cực tả, là các nhóm Antifa (Anti-Fascism, chống phát-xít) và Black-clad với đồng phục toàn mầu đen.
Trong những tuần qua, từ Boston đến San Francisco, nhiều người Mỹ tỏ ra quan tâm hơn và đã xuống đường để bày tỏ quan điểm chống lại những hành động căm ghét, vì sự tái xuất hiện của các nhóm có hoạt động căm ghét chủng tộc như KKK qua cuộc biểu tình ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia. Đã xảy ra sự việc một người lái xe đâm vào đoàn biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Trump khiến một người thiệt mạng và 20 người bị thương.
Nhà Trắng bảo vệ phát biểu của Trump về vụ Charlottesville
Hai nhóm cánh hữu đứng ra tổ chức biểu tình ở Berkeley hôm Chủ Nhật 27/8 là Patriot Prayer và No Marxism in America.
Trước những cảnh báo phe tả sẽ kéo đến phản đối, thành phố đã tăng cường lực lượng cảnh sát lên đến 400 người để bảo vệ quyền tự do biểu đạt của mọi phía.
Ba hôm trước ngày biểu tình, nhóm Patriot Prayer thông báo hủy bỏ biểu tình vào thứ Bảy 26/8 ở San Francisco và vào Chủ Nhật 27/8 ở Berkeley như đã dự định trước đây.
Tuy nhiên, từ 10 giờ sáng Chủ Nhật nhiều người đã tụ họp tại công viên Martin L. King Jr. ở trung tâm thành phố Berkeley.
Vài tháng trước ở đây đã có biểu tình và đánh lộn giữa những người bất đồng quan điểm, gây thương tích cho nhiều người. Cảnh sát Berkeley bị chỉ trích vì không can thiệp để ngăn chặn bạo động.
Còn lần này, muốn vào công viên phải qua trạm kiểm soát, bị khám người, xét túi đeo vai tìm vũ khí. Gậy hay chai, bình thủy tinh, loa cầm tay đều không được mang vào khu vực biểu tình.
Trong công viên, cảnh sát dàn trải vào đám đông để canh chừng bạo động và sẵn sàng can thiệp nếu có xô đẩy, đánh lộn.
Gần trưa, không khí công viên ồn ào lên với một nhóm người hát những khúc nhạc tranh đấu cho dân quyền của thập niên 1960.
Dăm bảy người ủng hộ Tổng thống Donald Trump có mặt và năng nổ tranh luận với bất cứ ai đưa ra quan điểm trái nghịch hay có câu hỏi. Khi được phóng viên phỏng vấn họ thường bị những người chống đối kéo đến bao quanh, giương biểu ngữ phản đối, hay hô khẩu hiệu, thổi còi inh ỏi để lấn át âm thanh.
Lôi bác sĩ gốc Việt ra khỏi máy bay có mang tính kỳ thị?
Trong đám đông rất dễ nhận ra người ủng hộ Trump vì họ đội nón đỏ với hàng chữ “Make America Great Again” và trên vai khoác cờ Mỹ.
Những người phản đối mang biểu ngữ có ghi tên các nhóm như Black Lives Matter, By Any Means Necessary.
Những tranh luận liên quan đến nhiều vần đề, từ chính sách về người nhập cư bất hợp pháp có lấy mất việc làm của dân, có ảnh hưởng đến giá cả, đến nền kinh tế Mỹ hay không; hay chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran, với Bắc Triều Tiên có gây ra chiến tranh không; đến chủ thuyết Mác và các nước cộng sản hay xã hội chủ nghĩa như Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Việt Nam; và về quan hệ giữa Mỹ với người Do Thái, với các nước trong khối Ả Rập.
Ai cũng bảo vệ quan điểm của mình. Tranh luận nhiều khi lớn tiếng nhưng không có xung đột hay bạo động.
Vì không được mang loa vào công viên, một xe đậu ngay giữa ngã tư Milvia và Center, trước trạm kiểm soát của cảnh sát, phát ra những lời lẽ chỉ trích chính sách hiện hành của Mỹ, gọi Tổng thống Trump cùng các nhóm Alt-Right là phát-xít và kêu gọi mọi người tham gia tổng biểu tình ngày trong 4/11 tới đây.
Từ trên không, trực thăng của đài truyền hình và của cảnh sát bay lượn để ghi hình và quan sát.
Hơn 1 giờ trưa, có đoàn biểu tình chừng vài nghìn người từ phía bắc tiến về công viên theo đường Martin L. King Jr., dẫn đầu bởi một xe tải với loa phóng thanh, theo sau là hơn trăm người thuộc nhóm Antifa và Black-clad với quần áo đen, đầu và mặt bịt mầu đen, tay cầm cờ cũng mầu đen.
Nhóm này được truyền thông mô tả là có chủ trương gây bạo động bất cứ nơi nào họ đến vì muốn nước Mỹ rơi vào trình trạng vô chính phủ. Họ được gọi là thành phần Anarchists.
Nhóm này chỉ mới xuất hiện từ khi có phong trào Occupy cách đây 5 năm. Những cuộc biểu tình ở Oakland với tình trạng đập phá cơ sở thương mại, tràn ra xa lộ chặn xe hay đốt phá trong khuôn viên Đại học Berkeley hồi đầu năm nay đều do nhóm áo đen thực hiện.
Khi đoàn biểu tình đến trước công viên, hàng trăm cảnh sát dàn hàng ngang vì dự đoán họ sẽ tràn vào công viên mà không qua trạm kiểm soát.
Một người đứng trên xe tải liên tục hô khẩu hiệu “Công viên của ai?”, “Đường phố của ai?” và đoàn biểu tình đáp lại “Của chúng ta”.
Lúc sau có lời kêu gọi những ai không thuộc tuyến đầu bảo vệ hãy rút về phía sau. Đó là dấu chỉ nhóm người mặc áo đen sẽ tiến tới, đương đầu với cảnh sát, phá bỏ rào cản để tiến vào công viên.
Không khí căng thẳng khi những người áo đen nhiều lần định leo qua rào nhưng đã bị cảnh sát ngăn cản.
Sau nhiều lần như thế, cảnh sát được lệnh rút lui. Một trái khói mầu tím được tung ra là pháo lệnh cho đoàn người áo đen tràn qua các rào cản tiến vào công viên.
Bắt đầu từ lúc đó những người ủng hộ Trump bị họ rượt đuổi. Cảnh sát đã can thiệp để bảo vệ an ninh.
Người đàn ông lúc sáng tranh luận với quan điểm ủng hộ Trump đã bị dồn vào một góc tường, bị nhiều người bao quanh xỉ vả. Cảnh sát đến để đưa ông ra đi an toàn.
Joey Gibson, người đứng đầu tổ chức bảo thủ Patriot Prayer xuất hiện, bị những người áo đen rượt đuổi và cũng đã được cảnh sát đưa đến một nơi an toàn.
Một vài người có hành vi bạo động hay khiêu khích bị cảnh sát khống chế ngay, bị trói tay và đưa về đồn.
Qua cuộc biểu tình vừa qua, cảnh sát được khen là đã ra sức bảo vệ quyền tự do phát biểu của các phía trong những giờ đầu và ngăn chặn ngay các hành vi xô đẩy hay xung đột.
Tuy nhiên, cảnh sát cũng đã bị chỉ trích khi ra lệnh rút lui và để cho nhóm người mặc đồ đen tràn vào làm chủ khu vực biểu tình, thậm chí còn rượt đuổi, hành hung những người ủng hộ Trump.
Phía cảnh sát biện hộ rằng họ làm thế để bảo vệ an toàn cho lực lượng và cho công chúng trước những hành động khiêu khích của nhóm áo đen.
Vấn đề đang được đặt ra là quyền tự do phát biểu có còn được tôn trọng ở nơi là nôi sinh của phong trào tự do phát biểu quan điểm chính trị.
Khi phe hữu biểu tình, phe tả đã để cho nhóm áo đen Antifa đem bạo loạn vào. Nhóm này coi thành phần Alt-Right và Trump là phát-xít, nhưng chính họ lại có những hành động như phát-xít khi dùng bạo lực không cho những người khác quan điểm được lên tiếng.
Từ đầu năm nay, hai buổi nói chuyện của các diễn giả bảo thủ là Milo Yiannopoulos và Ann Coulter tại Đại học Berkeley đã bị hủy bỏ. Nhóm sinh viên cộng hòa đã kiện trường vì không bảo đảm cho sinh viên quyền tự do phát biểu qua việc hủy buổi nói chuyện của Ann Coulter.
Tân hiệu trưởng Đại học Berkeley, Tiến sĩ Carol Christ, người mới nhận nhiệm vụ từ đầu tháng Bảy, đã lên tiếng cương quyết bảo vệ quyền tự do phát biểu.
Cuối tháng này sẽ có tuần lễ “Free Speech Week” trong khuôn viên đại học. Được mời tham dự có Ben Shapiro, Milo Yiannopoulos, Ann Coulter và có thể cả Steve Bennon, nguyên cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, là những diễn giả nổi tiếng bảo thủ.
Trong khi đó thị trưởng Berkeley là Jesse Arreguin, dù lên án những bạo động do nhóm Antifa gây ra trong các cuộc biểu tình, lại kêu gọi ban giám đốc Đại học Berkeley hủy bỏ những buổi nói chuyện của các diễn giả phe hữu.
Tả hữu sẽ tiếp tục xung đột. Hãy chờ xem quyền tự do phát biểu ở cái nôi sinh ra nó sẽ như thế nào trong những ngày tới.
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả Bùi Văn Phú, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41122920
Mỹ-Hàn:
Cần tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán
Lãnh đạo Mỹ-Hàn ngày 1/9 tái khẳng định cần phải đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn thương thuyết bằng cách áp đặt áp lực và trừng phạt tối đa, theo tin từ văn phòng Tổng thống Moon Jae-in.
Ông Moon và Tổng thống Donald Trump điện đàm với nhau hôm 1/9, các giới chức của đôi bên cho biết.
Trước đây trong tuần, ông Trump tuyên bố ‘Lời lẽ không phải là đáp án’ cho vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắn thêm một phi đạn đạn đạo bay ngang Nhật Bản đầu tuần này.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc ngày 1/9 cho biết “Chúng tôi xem vấn đề Bắc Triều Tiên đặc biệt nghiêm trọng và mọi phương án đang được tính tới.”
Những phương án đó, Tổng thống Trump từng nói, bao gồm hành động quân sự.
Tuần này xuất hiện những thông điệp khác nhau giữa Tổng thống và các thành viên Nội các về cách đáp ứng với khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc điện đàm hôm nay cũng nhất trí tăng cường khả năng của Seoul chống lại đe dọa của Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường khả năng của các phi đạn, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.
Hiện Hàn Quốc được phép sở hữu các phi đạn đạn đạo có tầm bắn 800 cây số.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ cũng trao đổi với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe 2 lần.
“Tôi không thể cho biết cách đáp ứng sắp tới của chúng tôi với Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi vừa hoàn toàn nhất trí về điều đó,” Thủ tướng Abe cho báo chí biết sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngày 31/8.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Jim Mattis, cho hay Ngũ Giác Đài đang làm việc với Ngoại trưởng Rex Tillerson về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích nghi ngại về hiệu quả của giải pháp ngoại giao đối với Bình Nhưỡng. Các vòng nghị quyết và chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên cũng không mấy có tác động khả quan.
Mỹ sẽ lục soát lãnh sự quán Nga
Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ cho biết sẽ tiến hành lục soát tòa nhà lãnh sự quán của Nga tại San Francisco, theo tin từ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga.
Mỹ ra lệnh chậm nhất là ngày 2/9 Nga phải đóng cửa tòa lãnh sự này cùng các tòa nhà ở Washington và New York nơi tọa lạc các phái bộ thương mại của Nga, một hành động trả đũa các biện pháp tương tự của Moscow đối với Mỹ.
Tháng 7, Moscow yêu cầu Mỹ cắt nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở Nga hơn phân nửa để tương đương với số nhân viên ngoại giao của Nga tại Mỹ, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.
“Các dịch vụ đặc biệt của Mỹ định lục soát tòa tổng lãnh sự ở San Francisco vào ngày 2/9, kể cả nơi ở của các nhân viên sống trong tòa nhà dù họ có quyền miễn trừ ngoại giao,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết.
Thân nhân các nhân viên ngoại giao được thông báo phải rời tòa nhà này trong vòng 10-12 tiếng.
Người phát ngôn của Nga nói Moscow sẽ trả đũa.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được ban hành để đáp lại việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập Crimea của Ukraine.
https://www.voatiengviet.com/a/my-se-luc-soat-lanh-su-quan-nga-/4012004.html
Texas không cạn xăng dầu vì bão
Thống đốc Texas, Greg Abbott, ngày 1/9 tuyên bố tiểu bang này không bị cạn xăng dầu dù bão nhiệt đới Harvey nhận chìm nhiều phần ở khu vực này và làm mất một phần tư năng suất lọc dầu của Mỹ.
“Texas còn nhiều xăng dầu,” ông Abbott cho biết tại một cuộc họp báo. “Đừng lo, chúng ta sẽ không cạn dầu.”
Thống đốc Abbott cho biết thêm bang Texas đã làm việc với các nhà lọc dầu ở Louisiana, Oklahoma và các bang khác để gửi nguồn cung bổ sung trước cuối tuần này.
Các chuyên gia kinh tế nói bão Harvey đóng cửa mọi hoạt động từ các nhà máy nhựa cho tới các xưởng lọc dầu ra tới hải cảng Houston_hải cảng bận bịu hàng thứ nhì của nước Mỹ_có thể tác động tới kinh tế cả nước.
Harvey đổ bộ vào Texas thứ sáu tuần trước gây ngập lụt Houston nghiêm trọng trên diện rộng.
Mưa tầm tã liên tục 5 ngày nâng tổng vũ lượng lên gần 1,3 m. Đây là các trận mưa nhiệt đới lớn nhất ghi nhận được trên lục địa Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/texas-khong-can-xang-dau-vi-bao-/4012001.html
Nhà Trắng yêu cầu cấp 5,9 tỉ đôla
phục hồi sau bão Harvey
Tòa Bạch Ốc ngày 1/9 dự định yêu cầu Quốc hội cấp ngân khoản đợt đầu trị giá 5,9 tỉ đôla cho nỗ lực khôi phục sau bão Harvey. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa cũng đang lên kế hoạch sử dụng gói cứu trợ này, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ áp đảo, để giành được sự chấp thuận nhanh chóng cho việc tăng mức trần nợ của liên bang, theo AP.
Một nhân vật cao cấp của phe Cộng hòa ở Hạ viện, phát biểu với điều kiện giấu tên vì các cuộc bàn bạc mang tính chất riêng tư, tiết lộ cách tiếp cận này với hãng tin AP. Các nghị sĩ bảo thủ ở Hạ viện một mực yêu cầu tách ngân khoản dành cho thảm họa Harvey ra khỏi việc tăng trần nợ. AP dẫn lời những phụ tá cao cấp khác của Đảng Cộng hòa cảnh báo rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Gói viện trợ ban đầu cho Harvey sẽ bổ sung ngân quỹ ứng phó thiên tai của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang cho tới ngày 30 tháng 9. Nhà Trắng đang chung quyết yêu cầu này, dự kiến sẽ được gửi tới Quốc hội trong ngày thứ Sáu. Một phụ tá cao cấp ở Quốc hội hôm thứ Sáu nói với AP rằng yêu cầu sẽ bao gồm 5,5 tỉ đôla cho quỹ cứu trợ thiên tai và 450 triệu đôla cho Chương trình Cho vay Thiên tai của Sở hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ.
Phụ tá này không được phép tiết lộ công khai thông tin trước một thông báo chính thức và phát biểu với điều kiện giấu tên, AP cho biết.
Số tiền viện trợ này sẽ là ngân khoản cấp đợt đầu tiên cho những nỗ lực phục hồi ngay lập tức, sau đó sẽ có những gói viện trợ lớn hơn.
Một khoản tiền bổ sung từ 5 đến 8 tỉ đôla dành cho nỗ lực phục hồi sau bão Harvey có thể được kèm vào một dự luật chi tổng thể mà Quốc hội phải thông qua trong những tuần tới để cấp tiền cho chính phủ hoạt động qua ngày 30 tháng 9, theo phụ tá cao cấp này của phe Cộng hòa ở Hạ viện.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên tới 4,4%
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 8 và mức tăng việc làm, sau khi được điều chỉnh, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.
Phúc trình của Bộ Lao động, công bố hôm thứ Sáu 1/9, cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 1/10 của 1%, lên tới 4,4%.
Mặc dù có tăng, nhưng đây là tỷ lệ tăng gần với mức thấp nhất trong 16 năm.
Toàn thể nền kinh tế đã có thêm 156.000 việc làm, hàng chục ngàn việc làm ít hơn, so với tháng trước.
Tiền lương tiếp tục tăng với tốc độ 2,5% hàng năm. Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng PNC Gus Faucher cho rằng mức tăng lương “mềm” là một vấn đề kéo dài, nhưng dự đoán một thị trường lao động bị siết chặt sẽ sớm thúc đẩy giới chủ nhân phải trả mức lương cao hơn.
Nhà phân tích kinh tế Mark Hamrick của Bankrate.com cho biết tình trạng lương không tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp đang khiến các nhà kinh tế “gãi đầu gãi tai”, không biết làm sao giải thích nguyên do.
Ông nói một phần của vấn đề nằm trong mức tăng kém cỏi của năng suất, ảnh hưởng đến mức tăng tiền lương.
Nhà phân tích Hamrick nói thêm rằng một thế hệ boomer đồng loạt nghỉ hưu có nghĩa là những công nhân trẻ tuổi hơn, thường có xu hướng có lương thấp hơn, đang thay thế họ.
Các nhà kinh tế của chính phủ theo dõi sát tình trạng thất nghiệp nói rằng bão Harvey “không có ảnh hưởng đáng kể nào” đối với con số thất nghiệp hiện nay, bởi vì các dữ liệu đã được thu thập trước khi cơn bão ập đến.
Ông Faucher cho biết phúc trình về tình trạng thất nghiệp kế tiếp có thể cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn đáng kể vì bão Harvey, nhưng tác động của nó sẽ có tính cách tạm thời, và nhiều người sẽ được tuyển dụng để tham gia nỗ lực xây dựng và tái thiết.
Phúc trình của Bộ Lao động cho biết tại Hoa Kỳ hiện có 7,1 triệu người thất nghiệp, và 5,3 triệu người khác muốn làm việc toàn thời gian nhưng bị kẹt trong các việc làm bán thời gian.
Có được việc làm trong ngành sản xuất, xây dựng, các dịch vụ chuyên nghiệp, và chăm sóc sức khỏe.
Một cuộc khảo sát riêng của Đại học Michigan cho thấy hơn phân nửa người tiêu thụ nói tình trạng tài chính cá nhân của họ đã cải thiện trong vài tháng qua.
Đây là thành quả tốt nhất rong vòng 17 năm qua. Các nhà kinh tế vẫn theo sát thái độ của người tiêu thụ bởi vì khi người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn về phương diện tài chính, thì họ có xu hướng mua sắm những món lớn hơn như ô tô hoặc nhà cửa. Nhu cầu tiêu dùng thúc đẩy hầu hết hoạt động kinh tế của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/ty-le-that-nghiep-tang-nhe/4011755.html
Bảo hiểm lụt là chuyện nhức đầu ‘hậu Harvey’
VOA – Cuộc phỏng vấn dưới đây với luật sư Phạm Thế Khanh thuộc văn phòng BPSOS có nội dung liên quan đến các loại bảo hiểm nhà thuộc khu vực bị bão Harvey tàn phá. Lụt là nguyên nhân của một trong những thiệt hại nặng nhất. Thế nhưng, theo luật sư Phạm Thế Khanh, chỉ 15% người dân ở khu vực bị lụt có mua bảo hiểm lụt. Thế thì vai trò của FEMA – Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp – là gì? Và văn phòng BPSOS có thể giúp người dân tiến hành thủ tục giấy tờ ra sao? Xin theo dõi cuộc phỏng vấn dưới đây.
***
VOA: Phân loại bảo hiểm nhà như thế nào?
LS Phạm Thế Khanh (BPSOS): Có hai loại bảo hiểm: Bảo hiểm lụt và bảo hiểm “windstorm and hail” (tạm gọi là “bảo hiểm thường.”)
Cần phân loại thiệt hại của căn nhà. Nhà bị ngập nước hoặc/và bị hư bên ngoài (do gió, tốc mái…).
Nếu bị ngập nước thì liên lạc bảo hiểm lụt. Nếu nhà bị hư bên ngoài, liên lạc bảo hiểm thường.
Trường hợp không bị ảnh hưởng bởi gió, bão, nhưng bị nước lụt mà lại không có bảo hiểm lụt, thì cần liên lạc FEMA để xin trợ giúp khẩn cấp.
Bên cạnh, Texas đang có chương trình trợ cấp thất nghiệp tạm thời cho người không thể đi làm trong thời gian bão lụt. Để được nhận trợ giúp theo chương trình này, cần liên lạc ngay với Texas Workforce Commission.
Hiện nay, Texas đang làm luật trợ giúp thực phẩm, thức uống, foodstamps, nhưng phải chờ xem có được thông qua không. Cần chờ vài ngày nữa. Chương trình có tên là Supplemental Nutrition Assistance Program (SNAP).
Trước mắt là cần xin ngay chương trình trợ giúp khẩn cấp. Bất cứ ai sống trong vùng được xem là vùng thiên tai mà tổng thống đã tuyên bố, đều có thể xin được. Bao gồm tiền thuê khách sạn để ở, chi phí ăn uống… Thống kê cho biết, đến 1 tháng Chín, đã có 320 ngàn đơn xin và FEMA đã trả ra hơn $57 triệu. Tiền sẽ được chuyển trực tiếp cho đương đơn. Hiện chưa rõ số tiền được trợ giúp là bao nhiêu. Tôi nghĩ con số tùy vào thu nhập từng gia đình.
VOA: Thiệt hại nặng nhất là nhà bị lụt. Nạn nhân lũ lụt cần làm gì?
BPSOS: Nếu có bảo hiểm lụt, cần gọi hãng bảo hiểm ngay. Cho dù FEMA đứng sau lưng chương trình bảo hiểm lụt, chính các công ty đứng ra bán các policy này. Vậy cần liên lạc hãng bảo hiểm.
Người có nhà bị ngập lụt cần chụp rất nhiều hình. Hình phải cho thấy nhà bị ẩm ướt. Trước khi cắt các tấm “sheetrock” (tường), cần chụp hình lại.
Tiếp theo là phải chứng minh nước ngập bao nhiêu, bằng cách lấy thước đo rồi chụp hình cái thước. Chụp hình đồ đạc trong nhà bị hư vì nước lụt, chẳng hạn TV, bàn ghế, giường, nệm, tủ lạnh, máy rửa chén, máy sấy, máy giặt… Ghi lại thông tin của từng loại, chẳng hạn hiệu gì, serial number mấy, tiền mua bao nhiêu, mua ở đâu… Khi người đại diện hãng bảo hiểm đến, đưa hết tài liệu này cho họ. Cần nhớ là giữ lại đồ đạc bị hư, để khi người đại diện hãng bảo hiểm đến thì cho họ xem trước đã.
Về chuyện sửa nhà, nếu không khí trong nhà không tốt do ngập nước nhiều quá, cần chụp hình những nơi bị ngập nước, dùng thước đo, trước khi cắt tường. Nhưng đây là vạn bất đắc dĩ mới làm, quan trọng là đợi đại diện hãng bảo hiểm đến để họ thấy bằng mắt của họ. Như vậy tốt hơn.
Rồi đại diện hãng bảo hiểm sẽ cho chủ nhà một con số ước lượng thiệt hại. Nếu con số ít quá, chủ nhà cần tìm một người xây dựng để họ định giá, rồi thảo luận với phía bảo hiểm, đòi con số cao hơn. Nếu FEMA đồng ý với con số này, và chủ nhà cũng đồng ý, thì chỉ cần ký vào giấy tờ là xong.
Cần nhớ là nếu bị lụt, chủ nhà có 60 ngày để nộp bản liệt kê thiệt hại. Lần này là từ 25 tháng Tám, vậy là đến 23 tháng 10 phải làm xong. Nhưng thông thường, FEMA sẽ gia hạn thời gian, có thể sẽ là như vậy.
VOA: Trong thời gian đợi sửa nhà, nếu nhà không ở được, người dân cần làm gì?
BPSOS: Nếu nhà bị ướt, không ở được, thì phải xin ngay tiền trợ giúp khẩn cấp từ FEMA để thuê khách sạn ở. Cần thiết là phải xin ngay, không nên chờ.
VOA: Trường hợp xấu nhất: Không có bảo hiểm lụt.
BPSOS: Không có bảo hiểm lụt thì phải xem xét cẩn thận. Trước hết, xem lại bên ngoài căn nhà, xem có phải do bão, mái bị tốc, nước vào, hay không. Nếu là vậy, thì chỉ cần “claim” với bảo hiểm thường. Cần xác định khu vực bị lụt là hệ quả của gió, và mái bị tốc.
Hay chẳng hạn bị lụt ở tầng dưới, còn tầng trên bị hư do gió bão, thì chỉ tầng trên được trả từ bảo hiểm thường mà thôi.
Nếu bên ngoài nhà không bị gì cả, tức là không do gió, thì hoàn toàn không thể “claim.” Trường hợp này, chỉ còn xoay sang chương trình trợ giúp thiên tai của FEMA. FEMA sẽ giúp một số tiền trước mắt để lo chỗ ăn, chỗ ở. Sau đó họ có thể cho hoặc cho mượn một số tiền để sửa nhà, tùy vào chương trình của FEMA. Nhưng số tiền FEMA cho hoặc cho mượn có thể rất thấp. Cách đây vài năm, số tiền này tối đa là 33 ngàn đô la, mà là cho mượn chứ không cho luôn. Hiện chưa có kết luận cuối cùng.
Khi nhờ trợ giúp của FEMA, đương đơn phải có số an sinh xã hội, tức phải là thường trú nhân, người có quốc tịch, nói chung là phải hợp pháp. Còn người cư trú bất hợp pháp thì không thể nhận được trợ giúp. Ngoài ra, con cái sinh ra tại Mỹ của người cư trú không hợp pháp vẫn được giúp.
VOA: Liên lạc với BPSOS như thế nào?
BPSOS: Số điện thoại của văn phòng: 281-530-6888; địa chỉ: 11360 Bellaire Blvd. #910, Houston, Texas 77072. Đồng hương có thể gọi hoặc trực tiếp đến văn phòng.
https://www.voatiengviet.com/a/fema-harvey-bao-lut-houston-tro-cap-bpsos/4011682.html
Chữa ung thư bằng đông y làm tăng nguy cơ tử vong
Trong lãnh vực y học, tác giả Laurent Alexandre đặt câu hỏi trên tuần báoL’Obs : « Ai đã giết Steve Jobs ? » số ra tuần này. Nhà sáng lập tài ba của Apple đã gây ra cơn bão trong kỷ nguyên kỹ thuật số, là một con người đầy nghịch lý. Ông là nạn nhân của sự “mê tín” đông y và các biện pháp thay thế tây y.
Tháng 10/2003, khi phát hiện một khối u ở tụy tạng có khả năng chữa khỏi, các bác sĩ đề nghị mổ khẩn cấp, nhưng Steve Jobs từ chối. Dù người thân phản đối, ông tự chữa trị bằng đông dược và các phương pháp khác như châm cứu, dùng thực phẩm sạch và các viên nang chứa tinh chất thực vật, thậm chí cầu viện cả thầy pháp. Đến 2004, khối u đã di căn. Jobs rốt cuộc chấp nhận phẫu thuật, nhưng đã quá trễ.
Ông mất khi mới 56 tuổi, không thể thấy được ngày nay chiếc điện thoại thông minh mà ông phát minh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong y học thế kỷ 21. Chiếc iPhone tương lai phụ trách liên lạc với bác sĩ, và trí thông minh nhân tạo sẽ phân tích những dữ liệu từ xa. Những phương pháp thay thế y khoa chính thống đã ngăn trở Steve Jobs tham gia vào cuộc cách mạng y học này.
Steve Jobs không phải là bệnh nhân ung thư duy nhất tử vong vì đông dược và những thứ tương tự. Một công trình nghiên cứu của giáo sư Skyler Johnson, trường đại học Yale cho thấy những nguy hiểm của việc chỉ trông cậy vào khí công, yoga, châm cứu, ăn kiêng, ngồi thiền, thảo dược…thay cho những phương pháp điều trị đã được khoa học chứng minh (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch học và hormone). Những bệnh nhân này chịu rủi ro tử vong cao gấp năm lần, trong vòng 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh, so với những người được chữa trị bằng các phương pháp cổ điển.
Tuần báo The Economist cũng báo động mối nguy hiểm của đông y, đang được Trung Quốc rầm rộ quảng bá theo chỉ thị của Tập Cận Bình. Số bệnh viện đông y tại Trung Quốc từ 2.500 năm 2013 đã tăng lên 4.000 năm 2015, số lương y được cấp phép tăng 50%, lên trên 450.000 người. Chính quyền Trung Quốc còn lợi dụng mạng lưới các Viện Khổng Tử để xúc tiến đông y tại Anh, Mỹ và nhiều nước khác.
Theo tờ báo Anh, ồ ạt đổ tiền vào đây có nghĩa là bớt đi nguồn lực cho các biện pháp điều trị đã được khoa học chứng minh, gây tổn hại cho môi trường và khiến một số động vật như tê giác, tê tê…có nguy cơ bị tuyệt chủng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170902-chua-ung-thu-bang-dong-y-lam-tang-nguy-co-tu-vong
Điện ảnh Mỹ : Khai mạc Festival Deauville 2017
Liên hoan phim Mỹ Deauville lần thứ 43 (01-10/09/2017) mở ra đêm hôm qua 01/09/2017. Bộ phim Barry Seal – American traffic với nam tài tử Tom Cruise được chọn khai mạc festival năm nay.
Theo tường thuật của phóng viên AFP, trong buổi chiếu đầu tiên ở Deauville đêm qua, tác phẩm này của đạo diễn Doug Liman chỉ nhận được những tràng pháo tay một cách “lịch sự” của 1.500 khán giả trong cung liên hoan.
Tổng cộng, 60 bộ phim sẽ được trình chiếu trong khuôn khổ Festival Deauville, 14 tác phẩm được chọn để tranh giải, mà hầu hết là những tác phẩm đầu tay hay là bộ phim thứ nhì của các tài năng trẻ. Chủ tịch ban giám khảo năm nay, nhà làm phim Michel Hazanavicius, sẽ công bố bảng vàng vào đêm 09/09/2017.
Khác hẳn với liên hoan phim quốc tế Cannes, tại Deauville 2017, sự hiện diện của các hệ thống phân phối “phi truyền thống”, chủ yếu là trên mạng internet, như Netflix, không gây tranh cãi.
Netflix đến Deauville tranh tài lần này với tác phẩm Sweet Virginia của đạo diễn Jamie M.Dagg.
Không nằm trong danh sách chính thức tranh giải, nhiều bộ phim như The only living boy in New York do tập đoàn Amazon sản xuất, hay Kidnap của Luis Prieto và 47 meters down chỉ được phát hành qua đĩa DVD và Blue Ray… vẫn có một chỗ đứng danh dự, và được mời đến tham dự liên hoan ở thành phố ven biển vùng Normandie – tây bắc nước Pháp.
Một trong những thành viên ban tổ chức Festival Deauville giải thích : trong thời đại kỹ thuật số, giới yêu điện ảnh phải tạo những điều kiện mới – từ phương tiện tài chính đến nghệ thuật- để những bộ phim của đại đến được gần với công chúng.
http://vi.rfi.fr/phap/20170902-dien-anh-my-khai-mac-festival-deauville-2017
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thêm hai công dân Đức
Căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Ankara và Berlin sau vụ 2 công dân Đức bị bắt ngay tại phi trường Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 01/09/2017. Thủ tướng Merkel không loại trừ “xét lại” bang giao với chính quyền của tổng thống Erdogan.
Thông tín viên đài RFI, Pascal Thibaud từ Berlin cho biết thêm :
“Thổ Nhĩ Kỳ phải chăng đang “sưu tập” những con tin người Đức ? Trên đây là câu hỏi nhật báo Frankfurter Allgemeine có khuynh hướng bảo thủ đã đặt ra. Hiện có tới 55 công dân Đức đang bị chính quyền Ankara cầm tù, 12 người trong số đó bị giam vì những lý do chính trị.
Sắc lệnh được tổng thống Erdogan ban hành hôm 15/08/2017 mở đường cho việc Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác quốc tế trao đổi tù nhân. Dù sao đi chăng nữa, theo quan điểm của Berlin, với công luận Đức, việc một số công dân nước này bị câu lưu là điều không hay.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết hầu hết các trường hợp công dân Đức bị bắt giữ đều không có cơ sở và những vụ câu lưu hay bắt giữ đó không phù hợp với những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền.
Tháng 7/2017, thủ tướng Merkel đã nêu lên khả năng Berlin có một chính sách cứng rắn hơn với Ankara sau những vụ bắt giữ đầu tiên.
Tới nay chính phủ Đức luôn đòi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho các công dân Đức bị bắt giữ vì những lý do không chính đáng. Công luận chú ý nhiều hơn cả đến trường hợp của nhà báo Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Deniz Yücel, đã bị Ankara bắt giam từ 200 ngày qua.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thêm căng thẳng. Một trong những điều mà Ankara chỉ trích chính phủ Đức là Berlin đã đón nhận nhiều thành phần đối lập với tổng thống Erdogan, xin định cư tại Đức sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.
Vừa qua, đích thân ông Erdogan đã kêu gọi kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho đảng của bà Merkel, cho đảng Xã Hội Dân Chủ và cả đảng Xanh. Lời kêu gọi này bị xem như một sự can thiệp không chính đáng của Ankara vào cuộc vận động tranh cử tại Đức”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170902-tho-nhi-ky-bat-giu-them-hai-cong-dan-duc
Matxcơva chỉ trích
Mỹ khám xét tòa lãnh sự Nga tại San Francisco
Nga ngày 01/09/2017 tố cáo việc Mỹ đòi khám xét lãnh sự quán Nga tại San Francisco, đe dọa an toàn của các công dân Nga và Washington phớt lờ quyền miễn trừ ngoại giao.
Cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh hôm 31/08/2017, chính quyền Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa trước ngày 02/09/2017 cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco và hai cơ sở ngoại giao tại Washington và New York.
Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết Mỹ có « ý định khám xét tòa lãnh sự Nga ở San Francisco, kể cả lục soát căn hộ của các nhân viên ngoại giao Nga, những người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga đánh giá việc này đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của công dân Nga và phản đối mạnh mẽ hành động của Washington. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga cho rằng Hoa Kỳ không tuân thủ luật pháp quốc tế, do vậy Matxcơva không loại trừ khả năng trả đũa.
Cùng ngày hôm qua, lực lượng cứu hỏa của thành phố San Francisco nhận được nhiều cú điện thoại báo là có một cột khói đen tỏa ra từ ống khói của tòa lãnh sự. Lực lượng cứu hỏa đã tới tòa lãnh sự Nga và sau đó cho biết đó không phải một vụ hỏa hoạn và họ đã rời đi ngay. Một phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa cho AFP biết dường như các nhân viên ngoại giao Nga đang đốt một số tài liệu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170902-matxcova-chi-trich-my-kham-xet-toa-lanh-su-nga-tai-san-francisco
Miến Điện :
Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 01/09/2017 kêu gọi chính quyền Miến Điện và nhóm nổi dậy người Hồi Giáo Rohingya ở miền tây bắc nước này kiềm chế xung đột, tránh gây ra một thảm họa nhân đạo. Bạo lực tuần qua đã khiến gần 400 người thiệt mạng và vài chục ngàn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Theo lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Guterres hiện rất lo ngại về sự thái quá trong chiến dịch trấn áp người Rohingya mà các lực lượng an ninh Miến Điện tiến hành. Ông kêu gọi chính quyền Miến Điện bình tĩnh và kềm chế trong cuộc chiến chống người Rohingya, trước nguy cơ xảy ra thảm kịch nhân đạo.
Trong khi đó, Pierre Peron, phát ngôn viên văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc giải thích với AFP là các hoạt động cứu trợ lương thực trong khuôn khổ Chương trình lương thực thế giới (PAM) đã phải tạm ngưng ở miền tây bắc Miến Điện kể từ khi bạo lực bùng phát cách đây 1 tuần. Ít nhất 250.000 người bị ảnh hưởng
Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện thông báo hơn 2.600 ngôi nhà đã bị phóng hỏa ở nhiều nơi tại miền tây bắc nước này, nơi đa phần dân số là người Rohingya. Nhà chức trách Miến Điện quy trách nhiệm cho lực lượng nổi dậy người Rohingya ARSA. Nhưng những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh kể lại rằng chính quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc, buộc họ phải trốn chạy.
Tổ chức nhân đạo Human Rights Watch, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh và lời kể của nhiều nhân chứng, cũng tố cáo chính lực lượng an ninh Miến Điện chủ động đốt phá các ngôi nhà.
Tại Istanbul, trong bài phát biểu chào mừng lễ Hiến Sinh Aid al-Adha của người Hồi Giáo 01/09/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan coi bạo lực nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya tại Miến Điện là một vụ « diệt chủng ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170902-mien-dien-tong-thu-ky-lhq-keu-goi-tranh-tham-hoa-nhan-dao
Trung Quốc cải tổ quân đội trước Đại Hội Đảng
Trước thềm đại hội đảng Cộng Sản, ngày 01/09/2017, Trung Quốc bổ nhiệm nhiều tư lệnh quân đội mới. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thực hiện một chương trình cải tổ, hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng.
Theo hãng tin Reuters, ông Hàn Vệ Quốc (Han Weiguo) được bổ nhiệm làm tư lệnh lục quân Trung Quốc. Tướng Hàn Vệ Quốc không phải là gương mặt nổi tiếng nhất, nhưng trong hai năm qua, ông là nhân vật đã thăng tiến rất nhanh. Chính ông là người tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc hồi tháng 07/2017.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng thông báo bổ nhiệm tướng Đinh Lai Hàng (Dig Laihang) vào vị trí tư lệnh Không quân. Hồi tháng 01/2017, ông Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), một nhân vật thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, đã được bổ nhiệm làm tư lệnh Hải quân.
Trong đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 18/10/2017, cả ba vị tướng trên đều có khả năng sẽ tham gia Quân Ủy Trung Ương do Tập Cận Bình làm chủ tịch.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170902-trung-quoc-cai-to-quan-doi-truoc-dai-hoi-dang
Mỹ-Hàn tăng cường khả năng phòng thủ cho Seoul
Washington và Seoul đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc về tên lửa, vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nói chuyện qua điện thoại hôm 01/09/2017, để bàn về « hành động gây bất ổn định và theo hướng leo thang » của Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã quyết định củng cố liên minh giữa hai nước qua hợp tác quốc phòng và tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc. Theo Nhà Trắng, tổng thống Trump đã đồng ý trên nguyên tắc về việc Hàn Quốc mua các thiết bị quân sự của Mỹ trị giá hàng tỷ đôla.
Tường trình về cuộc điện đàm nói trên, hãng tin Yonhap trích dẫn một phát ngôn viên của phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết tổng thống Donald Trump và tổng thống Moon Jae In đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ xét lại thỏa thuận về tên lửa theo mong muốn của Seoul.
Theo thỏa thuận song phương năm 2001 giữa Seoul và Washington, Hàn Quốc được phép nắm giữ các tên lửa đạn đạo có tầm bắn 800 km và có thể mang theo một khối lượng chất nổ 500 kg. Chính quyền Seoul nay muốn nâng khối lượng này lên 1.000 kg.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Trump, ông Moon Jae In cũng muốn Hoa Kỳ nới lỏng những quy định hạn chế khả năng của Hàn Quốc về tên lửa. Lầu Năm Góc đã cho biết sẽ « tích cực » xem xét khả năng sửa đổi các quy định đó.
Tại Hàn Quốc, ngày còn có nhiều người lên tiếng yêu cầu cho nước này được quyền được trang bị vũ khí nguyên tử để có thể tự vệ trước Bắc Triều Tiên và đối phó với các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo hiệp định ký kết năm 1974 với Washington, Hàn Quốc cho tới nay vẫn chưa được quyền nắm giữ vũ khí nguyên tử, nhưng được bảo vệ bởi « chiếc dù hạt nhân » của Hoa Kỳ trong trường hợp bị tấn công.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170902-tang-cuong-kha-nang-phong-thu-cua-han-quoc