Tin tức ngày – 02/05/2018
Đoàn luật sư của TT Trump
chuẩn bị đối đầu với CTV Mueller
Đội ngũ pháp lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu pháp lý với công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Hãng tin Reuters tường thuật, các luật sư của ông Trump đang gồng mình đối phó với nguy cơ công tố viên đặc biệt Mueller có thể ra trát triệu tập Tổng thống Trump, dẫn đến một cuộc đối đầu, đưa hai bên vào một cuộc tranh tụng kéo dài, thách thức các giới hạn pháp lý của quyền lực của một Tổng thống, lên tới tận Tòa án Tối cao.
Bản tin của Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết Công tố viên Mueller đã nêu ra khả năng ra trát đòi Tổng thống ra hầu tòa trong ít nhất là một buổi họp. Nhưng một số cố vấn pháp lý của Tổng thống Trump đánh cược rằng ông Mueller sẽ không đi xa đến mức đó.
Cựu luật sư của Tổng thống Trump, ông John Dowd, hôm 1/5 tiết lộ là trong một cuộc họp với các luật sư của Tổng thống Trump hồi tháng 3, Công tố viện Mueller nêu ra khả năng ban hành trát đòi ông Trump ra hầu tòa, nếu ông từ chối nói chuyện với các nhà điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ,
Sau cuộc họp tháng hồi 3, đội ngũ của ông Mueller đã đồng ý cung cấp cho các luật sư của tổng thống những thông tin cụ thể hơn về các chủ đề mà họ muốn hỏi ông Trump, theo tin của Washington Post.
Với thông tin đó, luật sư của ông Trump, ông Jay Sekulow, đã soạn một danh sách 49 câu hỏi mà nhóm pháp lý của tổng thống tin rằng ông sẽ được hỏi.
Danh sách đó, được New York Times đăng tin đầu tiên hôm 30/4, bao gồm các câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Trump với nước Nga và những người khác, để xác định xem tổng thống có cố tình cản trở cuộc điều tra một cách bất hợp pháp hay không.
Nga phủ nhận họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi có lời cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ, ông Trump phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định là không có bất kỳ sự thông đồng nào giữa ban vận động tranh cử của ông và Moscow.
Cơ hội ông Trump tự nguyện ngồi xuống nói chuyện với các điều tra viên của ông Mueller vốn đã mong manh, nay càng khó xảy ra, các nguồn tin thân cận với Tổng thống cho hay.
Khi được hỏi liệu Tổng thống có bao giờ viện dẫn Tu chính án thứ năm để tránh trả lời các câu hỏi hay không, hai nguồn tin cho biết đội ngũ pháp lý tin rằng cần phải giải quyết nhiều “thách thức về mặt hiến pháp” trước khi tính đến khả năng đó.
Các luật sư của ông Trump tỏ ra hết sức thận trọng khi nói rằng Tổng thống không hoàn toàn gạt bỏ khả năng đi đến một thỏa thuận để dự một cuộc chất vấn. Đội ngũ pháp lý mới của ông đang đánh giá giải pháp này trước khi ra khuyến nghị.
Nếu ông Trump không tự nguyện trả lời chất vấn, các công tố viên có thể ra trát triệu tập để buộc ông ra điều trần.
Theo một nguồn tin, sau cuộc đột kích khám xét ông Michael Cohen, luật sư riêng của Tổng thống Trump diễn ra hôm 9/4, quan điểm của ông Trump về việc ngồi xuống với công tố viên Mueller đã “đổi chiều”, từ sẵn sàng thành không.
Tuy nhiên, trong trường hợp công tố viên Mueller ép buộc ông Trump ra điều trần với trát triệu tập, các luật sư bảo vệ ông Trump tin rằng ông Trump có thể thành công khi thách thức trát tòa lên tới tận Tòa án Tối cao.
Lập luận của đội ngũ pháp lý của ông Trump, theo nhiều nguồn tin, là họ tin rằng công tố viên đặc biệt không có thẩm quyền buộc một Tổng thống tại chức phải xuất hiện trước một bồi thẩm đoàn.
(Reuters, CNN)
Ấn Độ lo lắng vì đền Taj Mahal đổi màu
Ấn Độ đang tìm kiếm trợ giúp của các chuyên gia trong nước và quốc tế để sửa chữa sự thay đổi màu sắc đáng lo ngại tại đền Taj Mahal.
Ngôi đền nổi tiếng được xây dựng vào thế kỷ 17 từ đá cẩm thạch trắng và các vật liệu khác đã chuyển sang màu vàng và giờ chuyển sang nâu và xanh lá cây.
Ô nhiễm, xây dựng và phân côn trùng được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Nepal thề khôi phục dự án đập thủy điện với TQ
Ô nhiễm không khí đe dọa quê hương Đức Phật
Trung Quốc thu mua không khí sạch
Chính phủ Ấn Độ trước đó đã đóng cửa hàng ngàn nhà máy gần Taj Mahal, nhưng các nhà hoạt động nói rằng đá cẩm thạch của đền đang mất đi độ bóng.
Nước thải trên sông Yamuna, bên cạnh cung điện, thu hút côn trùng thải chất thải lên tường của cung điện khiến chúng đổi màu.
Lăng mộ Taj Mahal được xây dựng bởi Hoàng đế Mughal Shah Jahan tại thành phố Agra và hiện là một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, thu hút khoảng 70.000 lượt khách du lịch mỗi ngày.
Bụi bẩn không phải là vấn đề mới – vài lần trong hai thập kỷ qua, đá cẩm thạch trắng của cung điện được phủ trong bùn trong một nỗ lực để làm sạch chúng – nhưng có lo ngại là vấn đề đang xấu đi.
Lần ‘tắm bùn’ gần đây nhất của đền Taj Mahal bắt đầu vào tháng Giêng. Công nhân bắc giàn giáo để trát lên bề mặt các bức tường một loại bùn hấp thụ bụi bẩn, dầu mỡ và phân động vật.
Như kiểu đắp mặt nạ bùn, nhưng là cho một cung điện.
Bùn sau đó được rửa sạch, lấy đi bụi bẩn. Hoạt động làm sạch dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm nay.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43971545
Bạo động ở Paris ngày Quốc tế Lao động
Cảnh sát Paris đã bắt giữ 200 người biểu tình đeo mặt nạ trong vụ bạo loạn ngày 1/5 nhằm phản đối chính sách cải cách lao động khu vực công của Tổng thống Macron.
Các nhóm vô chính phủ cực tả Black Blocs đã biến cuộc biểu tình hòa bình thường niên thành bạo động. Những người này đã đập vỡ cửa sổ các cửa hàng và đốt xe hơi.
Mạng xã hội sẽ dẫn dắt thị trường lao động?
Samsung VN bác bỏ cáo buộc về lao động nữ
LHQ: ‘Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa’
Cảnh sát cho biết có khoảng 1.200 người biểu tình đeo mặt nạ và đội mũ trùm tham dự cuộc biểu tình ngày 1/5 do các công đoàn tổ chức.
Bốn người, trong đó có một cảnh sát, bị thương nhẹ.
Cảnh sát đã phải xịt hơi cay và phun nước để giải tán người biểu tình.
Có sự bất mãn lan rộng trong các công đoàn lao động về cuộc cải cách của ông Macron. Nhân viên đường sắt đã bắt đầu ba tháng đình công trên toàn quốc sau một kế hoạch cải tổ tuyến đường sắt quốc gia SNCF.
Hàng chục ngàn giáo viên, y tá và người lao động ngành nghề khác đã tham gia biểu tình cùng nhân viên đường sắt vào tháng Ba.
Các công đoàn cho biết có khoảng 55.000 người biểu tình hòa bình hôm thứ Ba 1/5 trong khi cảnh sát cho rằng chỉ có khoảng 20.000.
Con số này khiêm tốn so với 223.000 người biểu tình ở Paris tháng 9/2017 để phản đối các cuộc cải cách.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43971544
Trung Quốc trong số các quốc gia
chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng
Chi tiêu cho quốc phòng toàn cầu đã tăng 1.739 nghìn tỷ đô la trong năm ngoái, đạt mức tăng 1.1% so với năm trước đó. Viện Nghiên cứu Hòa Bình tại Stockholm (SIPRI) cho biết như vậy hôm 2/5.
Theo SIPRI, những nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng trong năm qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Arap Saudi, Nga và Ấn Độ. Tổng chi tiêu cho quốc phòng của những nước này chiếm đến 60% chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới.
Theo một chuyên gia nghiên cứu của SIPRI, chi phí quốc phòng tăng trong năm qua chủ yếu là do các nước châu Á, vùng châu Đại Dương và Trung Đông, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Arap Saudi là những nước hàng đầu.
Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 5.6% lên 228 tỷ đô la vào năm 2017. Nga chi hơn 66 tỷ đô la, giảm 20% so với năm 2016.
Hàn Quốc muốn
duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ
Hàn Quốc hôm 2/5 nói sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này không có liên quan đến bất kỳ hiệp ước hòa bình nào với Triều Tiên trong tương lai, và các lực lượng Mỹ nên lưu lại ngay cả khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, lặp lại quan điểm của Tổng Thống Moon Jae-in: “Việc quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Hàn Quốc là một vấn đề liên quan đến liên minh Mỹ-Hàn. Việc này không có liên quan gì đến việc ký kết các hiệp định hòa bình.”
Một giới chức thuộc văn phòng tổng thống Hàn Quốc yêu cầu không nêu tên nói với các nhà báo hôm 2/5 rằng Seoul muốn quân đội Mỹ lưu lại vì lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc đóng vai trò trung gian trong cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc láng giềng chẳng hạn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Người phát ngôn cho biết ông Moon Chung-in, Cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, đã được yêu cầu phải minh định quan điểm của Tổng thống Moon.
Hoa Kỳ hiện có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc, nhưng Triều Tiên từ lâu đã đòi Mỹ rút lực lượng này ra khỏi Hàn Quốc như một điều kiện để họ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
Tuy nhiên, trong tuyên bố vào tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un không đề cập đến việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ông Kim và ông Moon cam kết sẽ cùng hợp tác để “giải trừ hạt nhân hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Mỹ đã đóng quân tại Hàn Quốc từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, với một cuộc đình chiến, khiến hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh- trên nguyên tắc.
Ông Moon và ông Kim tuyên bố muốn chấm dứt cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, và hứa sẽ “không còn chiến tranh” trên bán đảo này nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-muon-duy-tri-su-hien-dien-cua-quan-doi-my/4373818.html
TQ lại kêu gọi duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/5 nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran, và nhắc lại rằng Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần xác nhận là Iran tuân thủ thỏa thuận này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh ghi nhận các tin tức nói về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố thông tin mà ông gọi là “bằng chứng về một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật” của Iran, cũng như phản ứng trước tin đó.
Bà Hoa nói rằng IAEA là cơ quan quốc tế duy nhất có quyền giám sát thỏa thuận hạt nhân và đưa ra đánh giá về nó. Trung Quốc lưu ý rằng IAEA đã nhiều lần xác nhận là Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận, và do dó tất cả các bên cần tiếp tục duy trì thỏa thuận đã ký kết.
Israel hôm 1/5 nói họ không mong có chiến tranh với Iran, nhưng đề nghị Tổng thống Mỹ ủng hộ nỗ lực mới nhất của Israel nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng cách tiết lộ điều mà Israel cho là những bằng chứng về hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran trước đây.
Trung Quốc, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là một trong những kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân Iran, Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh tất cả các bên ký kết cần tiếp tục duy trì thỏa thuận này.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-lai-keu-goi-duy-tri-thoa-thuan-hat-nhan-iran/4374037.html
Nguyên tử Iran :
Tiết lộ của Israel không làm châu Âu đổi lập trường
Châu Âu hôm qua 01/05/2018 cho rằng khối lượng thông tin khổng lồ, mà theo Israel do các gián điệp của nước này thu thập được về Teheran, không thể là căn cứ để đặt lại vấn đề hiệp ước nguyên tử đã ký kết năm 2015 với Iran.
Pháp, Anh và Liên Hiệp Châu Âu đều ủng hộ hiệp ước lịch sử này, và cho là các thông tin được thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra hôm thứ Hai 30/4 chỉ làm tăng thêm sự cần thiết phải duy trì hiệp định.
Ông Netanyahu cho biết đã chuyển giao những thông tin trên cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) và các định chế quốc tế liên quan. AIEA nói rằng sẵn sàng nghiên cứu tất cả tài liệu được gởi đến, nhưng nhắc nhở rằng « không có chỉ dấu đáng tin cậy nào liên quan đến các hoạt động chế tạo bom nguyên tử của Iran, từ sau năm 2009 ».
Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng minh chính của Israel, đã ra hạn định cho châu Âu đến ngày 12/5 phải tìm kiếm một văn bản mới, sửa chữa được « những sai sót khủng khiếp » trong hiệp ước 2015, nếu không Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước. Đã gần đến thời hạn này, nhưng các tuyên bố của thủ tướng Israel chừng như không làm châu Âu thay đổi quan điểm.
Về phía mình, Iran vốn luôn khẳng định không sở hữu vũ khí hạt nhân, đã chỉ trích ông Netanyahu là « một kẻ nói dối thâm căn cố đế ».
Pháp-Úc cảnh báo nguy cơ
Bắc Kinh thống trị Ấn Độ-Thái Bình Dương
Không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố như trên vào hôm nay, 02/05/2018 trong buổi họp báo chung tại Sydney nhân chuyến công du nước Úc của tổng thống Pháp. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, lãnh đạo hai nước đã ám chỉ Bắc Kinh.
Theo AFP, tổng thống Macron đã cho rằng Pháp cũng như Úc, cùng với một quốc gia dân chủ khác trong vùng là Ấn Độ, có trách nhiệm bảo vệ khu vực này khỏi ách « bá quyền », một từ ngữ ám chỉ thế lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong vùng.
Tổng thống Pháp tuyên bố : « Điều quan trọng là phải bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng… và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực… Điều quan trọng với bối cảnh mới hiện nay là không nên có một thế lực bá quyền nào ».
Về phía Úc, thủ tướng Turnbull đã gọi Pháp là một « cường quốc Thái Bình Dương » và cho biết là ông hoan nghênh sự vươn lên về mặt kinh tế cũng như nguồn đầu tư của Trung Quốc, nhưng kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo ông Turnbull, điểm thiết yếu là mọi bên phải tuân thủ « một nguyên tắc của luật pháp theo đó sức mạnh không phải là lẽ phải, cá lớn không thể nuốt cá bé, cá bé không thể nuốt tôm tép ».
Đối với thủ tướng Úc, chính nguyên tắc luật pháp đó là điều mà Canberra và Paris đang tìm cách duy trì trong toàn khu vực.
Theo AFP, tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp Úc được đưa ra vào lúc các nước trong vùng ngày càng lo ngại về đà vươn lên của một nước Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán.
Pháp có một số lãnh thổ là hải đảo ở Thái Bình Dương, còn Úc thì ngày càng cảnh giác trước việc Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng xuống khu vực Nam Thái Bình Dương, điều có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Láng giềng của Úc là New Zealand cũng đã bày tỏ nỗi « lo âu chiến lược », một thuật ngữ ngoại giao dùng để chỉ sự quan ngại trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc trong khu vực.
Vào tháng trước, báo chí Úc đã loan tin về việc Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài tại Vanuatu, điều đã bị Bắc Kinh phủ nhận
Theo ước tính của viện nghiên cứu Úc Lowy, trong giai đoạn 2006-2016, Trung Quốc đã tài trợ 1,78 tỷ đô la, bao gồm các khoản vay ưu đãi, cho các quốc gia nhỏ ở vùng Thái Bình Dương.
Nhân chuyến công du của tổng thống Pháp, hai nước đã một loạt thỏa thuận trong các lãnh vực từ hợp tác công nghiệp quốc phòng, cho đến phát triển công nghệ để khai thác năng lượng mặt trời và bảo vệ các rạn san hô.
Tổng thống Pháp sẽ rời Úc vào ngày mai, 03/05 để qua Tân Đảo, Nouvelle Calédonie, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180502-phap-uc-canh-bao-nguy-co-bac-kinh-thong-tri-an-do-thai-binh-duong
Nga giảm chi quân sự do bị trừng phạt kinh tế
Chi tiêu quân sự của Nga đã giảm xuống trong năm 2017, theo báo cáo của Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình (SIPRI) công bố hôm nay 02/05/2018. Đây là lần đầu tiên kể từ 20 năm qua Matxcơva giảm chi quốc phòng, do ảnh hưởng trừng phạt kinh tế.
Nước Nga vốn có ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ ba trên thế giới trong năm 2016, đến năm 2017 đã sụt xuống hàng thứ tư. Chi tiêu quân sự chỉ còn 66,3 tỉ đô la, giảm 20%. Lần giảm ngân sách trước đó là vào năm 1998, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI nhận định : « Việc hiện đại hóa quân đội vẫn là ưu tiên của Nga, nhưng ngân sách quốc phòng đành phải giảm xuống do các khó khăn kinh tế từ năm 2014 ». Đó là thời điểm các nước phương Tây bắt đầu trừng phạt kinh tế, do Nga can thiệp vào Ukraina.
Cho đến năm 2016, quân đội Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng, dù các lãnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng đều bị cắt giảm ngân sách. Nhưng nay Matxcơva không thể tiếp tục duy trì lãnh vực quốc phòng ở mức độ như cũ.
Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh phương Tây và Matxcơva lại đối đầu như thời chiến tranh lạnh, với vụ đầu độc điệp viên hai mang Serguei Skripal hôm 4/3, và Mỹ-Pháp-Anh không kích Syria hôm 14/4 để trả đũa vụ tấn công hóa học của chế độ Damas.
Nhìn chung, 29 nước thành viên NATO đã chi 900 tỉ đô la cho quốc phòng trong năm 2017, chiếm 52% tổng chi thế giới. Chi quân sự của Trung Âu và Đông Âu tăng 12% và 1,7% do mối đe dọa từ Nga.
Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu về chi tiêu quốc phòng, với 610 tỉ đô la trong năm 2017. Tiếp theo là Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Nga, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản. Tổng chi quân sự của cả bảy nước này cộng lại còn thấp hơn cả Mỹ (578 tỉ đô la). Riêng Ấn Độ nhảy lên hàng thứ năm, chiếm chỗ của Pháp, do phải đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180502-nga-giam-chi-quan-su-do-bi-trung-phat-kinh-te
Phái đoàn thương mại Mỹ đến Bắc Kinh
Một phái đoàn Mỹ do bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin dẫn đầu hôm nay 02/05/2018 đến Bắc Kinh để cố gắng tìm kiếm lối thoát cho các xung đột hiện nay, tránh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ nhiều tháng qua tố cáo tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc và các cung cách cạnh tranh thiếu sòng phẳng của Bắc Kinh. Ông Trump đòi giảm bớt 100 tỉ đô la (tổng thâm hụt năm 2017 là 375 tỉ đô la), và Trung Quốc phải mở cửa rộng hơn cho hàng hóa của Mỹ.
Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn tình trạng liên doanh « cưỡng bức » nhằm buộc các công ty phương Tây phải chuyển giao công nghệ.
Tháp tùng ông Mnuchin có bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow. Phái đoàn Mỹ sẽ gặp gỡ các đồng nhiệm Trung Quốc dự kiến trong hai ngày 3 và 4/5, thời gian lưu lại Bắc Kinh tùy thuộc vào tiến triển của cuộc đàm phán.
Ông Robert Lighthizer nhìn nhận đây là một « thách thức rất lớn », « danh sách các vấn đề vướng mắc rất dài, đặc biệt là sở hữu trí tuệ ». Bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin trả lời Fox News trước khi lên đường cho biết sẽ có những « trao đổi thẳng thắn » và bày tỏ sự « lạc quan thận trọng ». Còn theo bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, Trung Quốc mất nhiều hơn là được nếu xung đột với Hoa Kỳ.
Tân Hoa Xã hôm nay loan báo phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, sẽ phụ trách đàm phán với phía Mỹ. Bắc Kinh hoan nghênh chuyến đi của phái đoàn Mỹ, và ông Tập Cận Bình hôm 9/4 đã khẳng định Trung Quốc « đang đi vào giai đoạn mở cửa mới ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180502-phai-doan-thuong-mai-my-den-bac-kinh
Mao Trạch Đông tuyệt tự ?
Cháu đích tôn của Mao Trạch Đông là Mao Tân Vũ (Mao Xinyu) có thể đã thiệt mạng trong vụ chiếc xe buýt bị tai nạn ở Bắc Triều Tiên ngày 22/04/2018, làm 32 trên 34 du khách Trung Quốc bị chết. Hãng tin UPI hôm 01/05/2018 và ban Hoa ngữ của đài RFI dẫn các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết như trên.
Mao Tân Vũ là con trai duy nhất của tướng Mao Ngạn Thanh – người con thứ nhì của Mao Trạch Đông (đã qua đời ở tuổi 84). Ông Mao Tân Vũ, 48 tuổi, là tướng trẻ nhất của quân đội Trung Quốc, được phong cấp tướng năm 2009 lúc mới 39 tuổi, có ngoại hình rất giống ông nội Mao Trạch Đông.
Theo New Tang Dynasty Television, chính quyền Trung Quốc đã cho công bố danh tính của 26 nạn nhân bị thiệt mạng. Nhưng trang tin Newsis của Hàn Quốc ghi nhận, tám nạn nhân còn lại không thấy đưa tên. Taiwan News cho rằng Mao Tân Vũ nằm trong số tám người này.
Chiếc xe buýt chở 34 du khách Trung Quốc đã bị rơi xuống một cây cầu trong đêm, trên đường từ một nghĩa trang ở Hoechang, thuộc tỉnh Pyongan trở về Bình Nhưỡng. Các nạn nhân bị thiệt mạng đều là con cháu của những người lính Trung Quốc tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Korea Times đoán rằng đó là lý do khiến Mao Tân Vũ có mặt trong đoàn, vì bác ruột của ông là Mao Ngạn Anh chết vì bom Mỹ trên chiến trường Triều Tiên, được chôn cất tại đây. Nếu tin này là sự thật, thì con trai cả lẫn cháu nội đích tôn của Mao Trạch Đông đều tử nạn trên đất Triều Tiên. Theo UPI, Mao Tân Vũ đã thăm Bắc Triều Tiên năm lần, và đã hai lần gặp gỡ chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180502-mao-trach-dong-tuyet-tu
Thương mại: Mỹ hoãn binh ở châu Âu
để rảnh tay đối phó Trung Quốc
Vì sao vào giờ chót hôm 30/04/2018 chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thêm một tháng việc áp thuế mới trên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu ? Theo nhiều chuyên gia được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn, đây là một chiến thuật hoãn binh mà Mỹ áp dụng đối với một khối có tầm quan trọng chiến lược, để rảnh tay bước vào cuộc đàm phán thương mại gay go với Bắc Kinh.
Phản ứng trước quyết định tạm hoãn được Nhà Trắng công bố, Liên Hiệp Châu Âu không hề tỏ vẻ vui mừng, mà trái lại đã biểu lộ thái độ thất vọng, cho rằng quyết định không dứt khoát miễn áp thuế đối với châu Âu chỉ « kéo dài tình trạng bấp bênh », không có lợi cho kinh doanh.
Giới phân tích đã gắn liền động thái hoãn binh của Mỹ đối với châu Âu, với sự kiện một phái đoàn Mỹ lên đường qua Trung Quốc vào hôm nay để đấu tranh với Bắc Kinh về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo bà Monica de Bolle, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson, tổng thống Mỹ không thể đơn độc đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh thương mại, và « Liên Hiệp Châu Âu biết rõ điều đó ».
Đối với bà de Bolle, tầm quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu đối với Hoa Kỳ vượt xa khuôn khổ thương mại hay bất cứ thứ gì liên quan đến thép hoặc nhôm, vì lẽ Bruxelles có một trọng lượng về chiến lược và ngoại giao hiển nhiên mà Washington không thể bỏ qua.
Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu cũng phản đối chính sách của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ, nhưng sẽ không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nếu vẫn bị Washington tấn công trong lãnh vực nhôm và thép.
Ông Edward Alden, một chuyên gia về thương mại tại trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại, cho rằng Washington không muốn gây sự với Bruxelles vào lúc mà phái đoàn thương mại hùng hậu của Mỹ đổ bộ xuống Bắc Kinh. Chính vì không muốn mở ra một mặt trận khác với châu Âu mà chính quyền Trump đã quyết định hoãn áp thuế trên nhôm và thép.
Lý do rất đơn giản : Nếu thuế nhôm thép có hiệu lực đối với châu Âu ngay từ ngày 01/05 như dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu sẽ lập tức ra đòn trả đũa và điều đó, theo ông Alden, « sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong việc đối phó với Trung Quốc ».
Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn áp thuế trên thép và nhôm đối với châu Âu chưa giải quyết được dứt khoát mầm mống gây bất đồng giữa Mỹ và châu Âu, với việc Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục đòi miễn giảm vĩnh viễn các sắc thuế này.
Đối với ông Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại Học Cornell ở Hoa Kỳ, việc chỉ kéo dài việc miễn áp thuế một thời gian ngắn, cho phép chính quyền Trump duy trì áp lực trên châu Âu, buộc Bruxelles nhượng bộ trên một số lãnh vực thương mại theo mong muốn của Hoa Kỳ.
Theo ông Alden, trong vấn đề này, Washington đang đặt cược trên khả năng một số nước khác ngoài châu Âu như Brazil, Úc, Achentina và Hàn Quốc, chịu thua và chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Trong tình hình đó Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị đơn độc nếu tiếp tục cứng rắn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180502-thuong-mai-my-hoan-binh-o-chau-au-de-ranh-tay-doi-pho-trung-quoc
Thủ đô Armenia tê liệt
vì biểu tình ủng hộ thủ lãnh đối lập
Lãnh tụ đối lập Nikol Pachinian không thể trở thành thủ tướng : ông chỉ nhận được 45 phiếu thuận trên tổng số 105 phiếu tại Quốc Hội Armenia đang do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Những cuộc biểu tình hôm nay 02/05/2018 tiếp diễn, thủ đô Erevan bị tê liệt vì đường sá bị phong tỏa, nhiều nhà ga, xe điện ngầm, sân bay, cửa hàng phải đóng cửa.
Tối qua khi kết quả cuộc bỏ phiếu được loan báo, hàng chục ngàn người ủng hộ ông Pachinian tập trung tại quảng trường Cộng Hòa ở vừa tức giận, vừa tỏ quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh.
Từ Erevan, thông tín viên RFI Anastasia Becchio tường thuật :
« Bị thất bại ở Quốc Hội, nhưng trên đường phố ông Nikol Pachinian vẫn được người dân đón chào như người hùng. Liana Aleksanyan giơ cao nắm tay lên chào vị dân biểu. Trước đó bà vẫn tin là đảng cầm quyền không ngáng chân lãnh tụ phong trào phản kháng.
Liana giải thích : « Họ đã đưa đất nước vào tình trạng người dân chẳng có tiền để mua thực phẩm. Làm thế nào chấp nhận được việc các giáo sư đại học phải chạy taxi để kiếm thêm, bù vào đồng lương chết đói ? Đó là điều sỉ nhục. Chúng tôi chán ngán lắm rồi ».
Levon rời quảng trường Cộng Hòa cùng với vợ, tuy thất vọng nhưng sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến đấu, để khuất phục 55 dân biểu đảng cầm quyền đã bỏ phiếu chống Nikol Pachinian. Ông nói : « Cả 55 người này được cho là đại diện nhân dân, nhưng mà nhân dân nào ? Nhân dân đang ở ngay đây, trên quảng trường này. Những người đại biểu ấy đấu tranh để duy trì quyền lực cho một nhóm lãnh đạo giàu có và phạm pháp ».
Cô sinh viên Salia quấn quanh mình lá cờ Armenia, đi tìm bạn bè bị lạc trong đám đông. Đêm sẽ ngắn đi, vì các hoạt động phong tỏa tái diễn ngay từ sáng sớm. Salia thổ lộ : « Chúng tôi không có cảm giác bị mất mát, và sẽ tiếp tục chiến đấu. Tôi và các bạn sẽ không đến trường, mà xuống đường suốt cả ngày, ngày nào cũng vậy, cho đến khi họ chọn lựa ông Nikol Pachinian làm thủ tướng ».
Đám đông cuồng nhiệt hô hào chiến thắng, nhưng họ dần hiểu ra rằng cuộc chiến đấu có nguy cơ kéo dài ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180502-thu-do-armenia-te-liet-vi-bieu-tinh-ung-ho-thu-lanh-doi-lap
Nguyên nhân khủng hoảng chính trị ở Armenia,
quốc gia vệ tinh của Nga
Từ hơn hai tuần lễ nay, quốc gia Armenia ở Tây Á, thành viên của Liên Xô trước đây, đột ngột trở thành tâm điểm của thời sự quốc tế. Phong trào phản kháng do nhà đối lập Nikol Pachinian lãnh đạo đã liên tục buộc hai thủ tướng phải từ nhiệm. Khủng hoảng chính trị ở Armenia được theo dõi sát, từ phía Matxcơva cũng như phương Tây, bởi vị trí chiến lược của quốc gia nhỏ bé với 2,5 triệu dân này. Tại sao Armenia lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng, phản ứng của Nga ra sao ?
Đời sống khó khăn, thất nghiệp, tham nhũng
Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng nghèo đói nặng nề và nạn tham nhũng là các nguyên nhân chính dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng. Theo Ngân Hàng Thế Giới, năm 2016, tỉ lệ này là 29,8% so với 27,6% vào năm 2008. Thu nhập đầu người gần như không tăng so với cách nay một thập niên.
Nhà nghiên cứu Iouri Navoian, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Nga-Armenia, mang tên đối thoại, có trụ sở tại Matxcơva, cho rằng các hoạt động phản kháng đang diễn ra có nguồn gốc sâu xa từ những bất mãn tích tụ trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt là « nạn tham nhũng có tính hệ thống » và « độc quyền của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế » khiến khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ngóc đầu lên được (Libération 23/04). Khủng hoảng kinh tế ở Nga trong hai năm 2014-2016 tác động dây chuyền đến Armenia, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào Matxcơva về mặt kinh tế.
Theo nhà báo Vahé Ter Minassian, tác giả cuốn nền Cộng hòa thứ ba của Armenia, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tại quốc gia này gắn liền với thất nghiệp gia tăng. Người dân cảm thấy đã quá sức chịu đựng. Nhiều người ghi nhận cơ hội thăng tiến trong xã hội chỉ dành cho những ai có quan hệ với tầng lớp chính trị. Tìm được việc làm là rất khó khăn, đặc biệt với giới trẻ, cho dù có đủ bằng cấp (20 minutes, 01/05).
Niềm tin vào đảng cầm quyền lao dốc
Niềm tin vào đảng cầm quyền lao dốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị, và dân chúng buộc phải bày tỏ thái độ. Le Monde tuần qua có bài phân tích đáng chú ý của nhà chính trị học trẻ Armenia Hrand Mikaelian, làm việc tại Viện Caucasus Institute, Erevan, thủ đô Armenia, một người lớn lên sau thời Liên Xô (1). Ông Mikaelian nêu con số 17% tin tưởng vào đảng cầm quyền, trong cuộc điều tra Caucasus Barometer của CRRC, hồi năm ngoái, so với 46% hồi năm 2009.
Trong bối cảnh tồi tệ này, đảng Cộng Hòa cầm quyền lại có hành xử ngược đời. Đó là « tìm mọi cách để khiến xã hội thờ ơ với chính trị », khiến người dân không có cơ hội bày tỏ chính kiến. Cụ thể như, cuộc cải cách Hiến pháp hồi 2015 đã chấm dứt thể thức bầu cử tổng thống theo phổ thông đầu phiếu, quyền này nay thuộc về Quốc Hội.
Mặc dù có tỉ lệ được lòng dân rất thấp, các đảng viên của đảng Cộng Hòa có mặt đông đảo trong các cấp lãnh đạo quốc gia và địa phương, khiến các đảng phái chính trị đối lập không có cơ hội khẳng định tiếng nói, buộc phải tìm các con đường khác, ngoài tranh cử, để thay đổi định chế chính trị hiện hành.
Nhà chính trị học Mikaelian nhấn mạnh là, mặc dù nắm trong tay rất nhiều phương tiện truyền thông, chính quyền đã không cung cấp được các thông tin cần thiết cho dân chúng, không để ngỏ cho họ « một triển vọng tương lai nào », điều này đơn giản là do chính họ cũng không có một viễn kiến nào về tương lai.
Dân chúng phẫn nộ với chế độ « đảng trị »
Việc cựu tổng thống Sarkissian, sau 10 năm cầm quyền (2008-2018), muốn trở lại đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, thay cho ông Karen Karapetian, người được coi là đã tiến hành « nhiều nỗ lực cải cách từ năm 2016 », như giọt nước tràn ly, khiến đa số dân chúng thêm giận dữ. Thủ tướng Sarkissian hôm 23/04, cũng buộc phải thừa nhận, trong lá đơn từ nhiệm, là « đã sai lầm », lẽ phải thuộc về lãnh đạo đối lập.
Le Monde trong một phân tích khác (« Armenia : chấm dứt kỷ nguyên hậu Xô Viết ? » Le Monde 28/04/2018) cũng xác nhận phương thức điều hành đất nước độc đoán của các thế lực cầm quyền, kể từ khi quốc gia này độc lập. Không chỉ ông Sarkissian, mà cả hai đời tổng thống trước đó đều đã không hề tạo cơ hội cho các phương án chính trị khác.
Đảng Cộng Hòa Armenia duy trì quyền lực theo phương thức gắn liền Đảng với Nhà nước là một, như thời Liên Xô trước đây, với việc tổng thống Sarkissian đồng thời là chủ tịch của đảng. Trong các cuộc biểu tình phản kháng vừa qua, một trong các khẩu hiệu tranh đấu là lên án thể chế Đảng-Nhà nước này. Người biểu tình kêu gọi « Nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về chế độ, nước Cộng Hòa phải bảo vệ công dân của mình, chứ không phải bảo vệ các nhóm đặc quyền đặc lợi ».
Đối mặt với một chế độ muốn tìm mọi cách bưng bít thông tin, giới tranh đấu kêu gọi đàm phán chính trị diễn ra minh bạch, trước ống kính camera.
Một cuộc « cách mạng nhung » mới đưa Armenia chuyển sang dân chủ ?
Nhiều người nói đến một « cuộc cách mạng nhung » sẽ đưa Armenia, một quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào Matxcơva, bước vào kỷ nguyên dân chủ. Vẫn theo nhà chính trị học Hrand Mikaelian có rất nhiều cơ hội lãnh đạo đối lập Pachinian và đảng của ông lên nắm quyền (cuộc thương lượng hôm qua, 01/05, giữa Pachinian với đảng đa số thất bại. Lãnh đạo đối lập kêu gọi dân chúng tiếp tục phong trào bất tuân dân sự). Tân chính phủ sẽ phải sửa luật để chuẩn bị tổ chức bầu cử trước kỳ hạn.
Để xem xem « cuộc cách mạng của nhân dân » trên đường phố Erevan có dẫn đến « một tiến trình dân chủ hóa thực sự » hay không cần phải theo dõi các dự kiến cải cách luật bầu cử và hình thù cụ thể của « hệ thống chính trị tương lai » mà lãnh đạo đối lập Pachinian muốn thiết lập. Nhưng vấn đề là dù chính trị Armenia thay đổi theo hướng nào, vai trò của nước Nga cũng sẽ rất lớn.
Nga dè dặt trước các biến động ở Armenia
Trước hết, điều mà nhiều nhà quan sát ghi nhận là các hoạt động phản kháng tại Armenia diễn ra cơ bản trong bầu không khí hết sức ôn hòa, chủ trương bất bạo động được tuân thủ, không có các cuộc tranh luận chia rẽ người Armenia thành hai phe thân Nga và chống Nga, như ở Ukraina năm 2014. Lãnh đối lập Pachinian, một chính trị gia rõ ràng có quan điểm thân phương Tây, tuyên bố nếu lên nắm quyền « các lợi ích của Nga tại Armenia sẽ không bị đe dọa ». Ông cũng không che giấu việc đã có cuộc gặp với các đại diện ngoại giao của Nga, hôm 25/04, và Matxcơva bảo đảm không can thiệp vào « công việc nội bộ » của Armenia (2).
Một tiến trình chuyển tiếp chính trị có thể gọi là « cách mạng nhung » đang diễn ra tại Armenia, không có sự tham gia của bất cứ thế lực bên ngoài nào. Không có bất cứ một đảng phái nào, bên đối lập hay bên chính quyền, kêu gọi tác nhân bên ngoài, cho dù đảng Cộng Hòa cầm quyền cùng các lãnh đạo của đảng này có mối quan hệ mật thiết với Matxcơva, theo ghi nhận của nhà quan sát Richard Giragosian, giám đốc một trung tâm tư vấn độc lập ở Erevan (3).
Quan hệ giữa Armenia và Nga không dễ dàng. Nhà phân tích Richard Giragosian một mặt nhấn mạnh đến những áp lực mà Matxcơva có thể dùng để chi phối Erevan, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến những lúng túng của Nga.
Nga có nhiều cách để chi phối Armenia, bởi quốc gia này vốn phụ thuộc sâu sắc vào Matxcơva, về quân sự, về khí đốt, chưa kể đến nguồn kiều hối đáng kể do người lao động ở Nga gửi về. Armenia là quốc gia duy nhất trong vùng Kavkaz có một căn cứ quân sự Nga, đồng thời là thành viên tổ chức hợp tác an ninh OSTC, do Matxcơva lãnh đạo). Erevan nhận được khí đốt từ Nga với giá thấp hơn giá thành.
Vì sao Matxcơva thận trọng ?
Nhà phân tích Richard Giragosian ghi nhận thái độ mà ông gọi là « thụ động », « chờ đợi » của Matxcơva. Ông đưa ra ba lý do. Thứ nhất là về mặt an ninh, quân sự, Matxcơva không muốn mạo hiểm để cho quan hệ với Erevan trở nên thêm tồi tệ. Trong các đụng độ quân sự biên giới mới đây (2016) giữa Armenia với nước láng giềng Azerbaijan, phần thắng thuộc về Azerbaijan, chủ yếu do có các vũ khí hiện đại mua được từ Nga (trong lúc chính Armenia, chứ không phải Azerbaijan, nằm trong khối quân sự do Nga bảo trợ).
Điều thứ hai là Matxcơva không hiểu được những gì đang thực sự diễn ra tại nước láng giềng đàn em nhỏ bé, bởi không có dấu hiệu là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu can thiệp, bởi vậy Matxcơva quyết định không « khiêu khích phương Tây một cách vô ích ».
Điểm quan trọng thứ ba, mà theo ông Richard Giragosian có thể là « điều quan trọng nhất » khiến Nga dè dặt. Đó là thủ tướng tạm quyền Karen Karapetian (một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nga Gazprom), được coi là chỗ dựa đáng tin cậy của Matxcơva, hiện đang nỗ lực « thoát khỏi quan hệ phụ thuộc vào Matxcơva» và xích gần lại với Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt với Thỏa Thuận Đối Tác Toàn Diện Tăng Cường (CEPA), được ký kết hồi tháng 11/2017 (4). Ông Karen Karapetian dự kiến sẽ là một « nhân tố căn bản » trong cuộc chuyển tiếp chính trị tại Armenia hiện nay.
Có thể nói, cho dù khó dự đoán chính xác bế tắc chính trị tại Armenia sẽ được cởi nút như thế nào, nhưng điều không khó nhận ra là đa số dân chúng của quốc gia Liên Xô cũ nhỏ bé vùng Tây Á, vốn phụ thuộc nặng nề vào Nga, đang hướng về Liên Hiệp Châu Âu, về các giá trị dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, như một chân trời hy vọng.
—-
Nhà chính trị học Hrand Mikaelian : « Cựu thủ tướng Armenia đã làm mọi cách để khiến xã hội thờ ơ với chính trị » (Le Monde, 28/04/2018).
Bài « Arménie, quốc gia chiến lược của Nga » của Emmanuel Grynszpan (La Croix, 29/04/2018).
« Armenia : Một cuộc chuyển tiếp chính trị không gây đảo lộn chiến lược » (Le Monde, 28/04/2018).
Đây là thỏa thuận CEPA đầu tiên của Liên Âu với một quốc gia thuộc Liên Minh Kinh Tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Erevan và Bruxelles có nhiều thỏa thuận hợp tác, đặc biệt phải kể đến thỏa thuận hội nhập luật pháp Armenia với luật châu Âu.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến Bình Nhưỡng
để nhắc nhở về vị thế của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Bình Nhưỡng vào hôm nay, 02/04/2018 trong chuyến viếng thăm 2 ngày. Đây là chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc từ 11 năm nay.
Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, mục tiêu của Trung Quốc là nhắc nhở đồng minh là không nên quên vị thế quan trọng của Bắc Kinh trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
“Không thể để cho Washington qua mặt, tốt nhất là chen chân vào cửa Bắc Triều Tiên trước khi vai trò của Bắc Kinh có thể bị lu mờ do cuộc họp tay đôi giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên với Kim Jong Un.
Trong hai ngày viếng thăm Bình Nhưỡng, ông Vương Nghị sẽ chuẩn bị cho chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình. Lãnh đạo Trung Quốc đã chấp thuận trên nguyên tắc một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai người, khi Kim Jong Un thăm Bắc Kinh cuối tháng 3 vừa qua.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc có lẽ cũng tranh thủ chuyến thăm khởi sự vào hôm nay để có vài lời khuyên phía Bắc Triều Tiên : để có một hiệp định hòa bình thực thụ và bền vững với Hàn Quốc, thì không những phải mời Hoa Kỳ, mà còn phải mời cả Trung Quốc vào bàn đàm phán, vì cả hai nước đều là bên ký kết vào lệnh ngưng bắn cách đây 65 năm.
Các thông báo của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã khá mơ hồ về sự hiện diện của Trung Quốc.
Để bù lại việc được Bình Nhưỡng mời vào bàn đàm phán, ông Vương Nghị có thể đề nghị là sẽ giúp gỡ bỏ một số trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đang bóp nghẹt nền kinh tế Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đưa 3 tù nhân người Mỹ ra khỏi trại lao cải
Theo hãng tin Mỹ UPI vào hôm qua, 01/05/2018 đã trích dẫn truyền thông Hàn Quốc cho biết là 3 người Mỹ còn bị cầm giữ ở Bắc Triều Tiên đã được đưa ra khỏi trại lao cải và chuyển đến một khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Theo báo Donga Ilbo, đó là ba ông Kim Dong Chul, Kim Sang Duk (Tony Kim) và Kim Hak Song, đều là người Mỹ gốc Triều Tiên. Họ đã được đưa ra khỏi trại lao động khổ sai vào thượng tuần tháng 4.
Theo UPI, vụ thả người Mỹ ra khỏi trại lao cải diễn ra sau khi tân ngoại trưởng Pompeo, lúc còn là giám đốc CIA, đến Bình Nhưỡng và gặp lãnh đạo Kim Jong Un. Trong cuộc gặp ông Pompeo đã nêu vấn đề tù nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180502-ngoai-truong-tq-den-binh-nhuong-de-nhac-nho-ve-vi-the-cua-bac-kinh
Tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
chính thức nhậm chức
Sau vòng công du châu Âu và Cận Đông ngay sau khi được Thượng Viện xác nhận, tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay, 02/05/2018.
Hôm qua, ông đã lần đầu tiên phát biểu trước nhân viên của bộ Ngoại Giao Mỹ và rất được hoan nghênh, nhờ phong cách khác hẳn người tiền nhiệm.
Tân ngoại trưởng đã được đón tiếp như thế nào, sau đây là tường thuật của thông tín viên RFI, Anne Corpet, từ Washington :
“Những tràng pháo tay với cả những tiếng hoan hô ! Tân lãnh đạo bộ Ngoại Giao Mỹ được tiếp đón nồng nhiệt trong ngôi nhà mới của ông. Với kinh nghiệm 3 nhiệm kỳ ở Quốc Hội, ông Pompeo có thói quen tiếp xúc và có vẻ thích chuyện này.
Tân ngoại trưởng, vốn đã phải thực hiện một vòng công du châu Âu và Cận Đông ngay hôm được đề cử, đã tỏ ra hóm hỉnh : « Tôi nghĩ là mình đã đạt kỷ lục về chuyến công du dài nhất ngay ngày đầu làm việc. » Một số người đã phì cười.
Phong cách của ông Pompeo khác với người tiền nhiệm Rex Tillerson, cựu chủ tịch tập đoàn ExxonMobil, bị đánh giá là lạnh lùng, xa cách. Tân ngoại trưởng biết nhấn mạnh trên tầm quan trong công việc làm của nhân viên của ông và biết tôn trọng họ.
Ông nói : « Tôi biết là tôi sẽ lắng nghe quý vị, biết là tôi phải học hỏi rất nhiều ở quý vị. Tôi đã nói là tôi sẽ làm cho quý vị được hãnh diện, và đây không phải là những lời nói suông. Điều này rất quan trọng. Ngoại giao đoàn của Mỹ phải triển khai ở khắp nơi trên thế giới để hoàn tất trách nhiệm nhân danh đất nước, và công việc của tôi là giúp đỡ quý vị thực hiện điều đó ».
Rex Tillerson muốn giảm ngân sách và nhân viên bộ Ngoại Giao. Mike Pompeo thì ngược lại muốn tăng cường ngoại giao đoàn Mỹ. Trong buổi điều trần ở Thượng Viện, ông đã cam kết nỗ lực cử người vào những chỗ thiếu vắng từ lúc ông Trump vào Nhà Trắng.
Và tổng thống Mỹ vào hôm nay đến bộ Ngoại Giao dự lễ tuyên thệ của ông Pompeo. Đây là lần đầu tiên ông Trump đến bộ này từ khi bước vào Nhà Trắng tháng Giêng 2017.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180502-tan-ngoai-truong-my-mike-pompeo-chinh-thuc-nham-chuc