Tin Trong Nước – 9/2/22
Buộc thôi việc đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Thanh Niên – Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế và nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang liên quan đến vi phạm nghiêm trọng trong công tác, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước,
Nhà hàng bị tố ‘chặt chém’, chủ đòi tạt cả tô canh vào mặt du khách
Thanh Niên
– Ngày 9/2, UBND TX.Ninh Hòa cho biết đã giao cho đơn vị quản lý thị
trường, UBND xã Ninh Ích phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ thông
tin trên mạng xã hội tố một nhà hàng ở khu vực đèo Rọ Tượng có hành vi
“chặt chém” du khách vào dịp Tết vừa qua.
Sáng cùng ngày, một tài khoản trên mạng xã hội đăng thông tin nhà
hàng “chặt chém”, thu hút hàng chục ngàn lượt xem, bình luận và chia sẻ.
Theo đó, tài khoản H.G đăng trên mạng xã hội Facebook việc anh cùng gia
đình chạy xe ô tô từ Huế vào Nha Trang (Khánh Hòa) du lịch vào ngày 6/2
(tức là ngày mùng 6 Tết âm lịch). Gia đình ghé vào một nhà hàng nằm
ngay biển báo “đèo Rọ Tượng” ăn cơm.
Tại đây, thấy nhà hàng chỉ để tên món ăn và không niêm yết giá nên
gia đình cẩn thận hỏi giá của các món và được nhà hàng tư vấn ăn cơm
đĩa, 1 đĩa 50.000 đồng và quán dọn gì ăn đấy. Nhà hàng dọn lên 4 đĩa cơm
có thịt heo luộc và ít thịt kho và 1 tô canh cá ngừ. Đến khi tính tiền,
quán này báo 4 đĩa cơm 200.000 đồng, 3 lon nước 60.000 đồng và tô canh
150.000 đồng.
Theo tài khoản này, họ bất ngờ vì chủ quán tính tiền tô canh đến
150.000 đồng và cứ tưởng đó là tiêu chuẩn đi kèm 4 dĩa cơm. “Trong khi
đang lời qua tiếng lại để trao đổi thì chủ quán bê nguyên tô canh ra đòi
tạt lên người chúng tôi, đồng thời lớn giọng nói không trả tiền thì
cũng đừng mong rời khỏi quán”, người này phản ánh.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, tài khoản H.G cho biết những gì
đăng tải trên mạng xã hội là sự thật: “Trong những ngày Tết, mỗi đĩa cơm
đắt hơn mấy chục nghìn chúng tôi vẫn vui vẻ trả tiền, nhưng việc ép
chúng tôi trả tiền cho món chúng tôi không gọi và có thái độ “cơm tù”
thì không thể chấp nhận”.
“Thấy bất an, nhóm khách hàng đành trả tiền và rời đi. Tuy nhiên, do
mấy đứa con nhỏ khóc thét lúc hoảng loạn, chúng tôi dừng lại trước cổng
quán để dỗ dành các cháu thì có người đàn ông to cao tay cầm cục đá lớn
đi đến bảo chúng tôi không rời đi sẽ ném vỡ kính xe”, người này nói
thêm.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết sở chưa nhận
được phản ánh. Ngành du lịch chỉ mới biết qua mạng xã hội và hiện nay
phía UBND TX.Ninh Hòa cũng đã có chỉ đạo xác minh làm rõ, nếu có sẽ xử
lý nghiêm.
Lời kể nạn nhân vụ xe rơi vực làm 9 người thương vong
Lao Động – Liên quan đến vụ tai nạn xe tải chở mì (sắn) lao xuống vực sâu khiến 6 người chết, 3 người bị thương.
Nằm cấp cứu trên giường bệnh, anh Guêm (SN 1999, thường trú tại Kop
Đo, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) nét mặt chưa hết vẻ bàng hoàng
xen lẫn sợ hãi tột cùng. Anh Guêm kể, rạng sáng cùng ngày, anh và nhiều
người bạn khác lên xe tải chở mì để đi tới địa điểm bốc xếp hàng.
“Lúc xe rơi vào thời điểm gần 1h sáng, mọi người còn đang mệt mỏi,
chìm trong giấc ngủ chập chờn. Bỗng nghe tiếng nổ lớn, chiếc xe chúi đầu
rơi xuống vực sâu. Mọi người chưa kịp nhận ra điều gì thì bị va đập
mạnh. 9 người kể cả tài xế cũng bị lộn nhào trong xe, toàn thân đau rát,
hầu hết đều bất tỉnh trước khi kịp biết vụ tai nạn xảy đến” – anh Guêm
nhớ lại.
6 người trên chiếc xe tải do tài xế Nguyên cầm lái chết tại chỗ, 3
người may mắn hơn là chỉ bị thương, song anh Guêm cũng bị đa chấn
thương, gãy hết chân tay, vỡ nhiều xương, nằm bất động trước khi được
đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, chiếc xe tải lật ngửa dưới vực sâu hơn
70 mét, áo quần, dép, nước uống của các nạn nhân còn vương vãi trên đất
cỏ.
Được biết, cung đường đèo tại xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) cực kỳ
hiểm trở khó đi. Thời điểm tai nạn, tài xế chạy với tốc độ 54km/h, theo
đánh giá tốc độ này khá cao khi tiến hành đổ đèo. Thường những tài xế
chuyên nghiệp khi qua đường đèo này đều di chuyển với tốc độ 15-20km/h
để đảm bảo an toàn. Gần 1h sáng, sương mù, đường dốc, cây cối che khuất
tầm nhìn đều tiềm ẩn nguy hiểm lớn đối với các phương tiện lưu thông.
600 container hàng nằm chờ thông quan tại cửa khẩu Móng Cái
Tuổi Trẻ
– Ngày 9/2, Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh làm
việc với các doanh nghiệp để điều tiết hàng xuất khẩu nhằm giảm áp lực,
chi phí phát sinh khi hiện đang có khoảng 600 container hàng các loại
chờ thông quan.
Nguyên nhân, theo bà Trần Bích Ngọc – trưởng Ban quản lý cửa khẩu
quốc tế Móng Cái cho biết, nhiều cán bộ của phía Trung Quốc sau kỳ nghỉ
Tết sẽ phải cách ly y tế 7 ngày trước khi đi làm trở lại. Trong khi đó,
lượng hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đổ về Móng Cái để
“khai xuân” đầu năm.
Trong bối cảnh Việt Nam triển khai thích ứng an toàn với dịch
COVID-19 nhưng Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “Zero COVID-19” đã đặt
ra thách thức lớn.
“Hiện nay việc thông quan hàng hóa chỉ dao động trong khoảng 90
xe/ngày, trong đó hàng hóa nông sản được khoảng 50 xe nên cần phải có sự
điều tiết để giảm áp lực cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh
nghiệp” – bà Ngọc nói.
Giá xăng dầu chịu áp lực tăng mạnh
Ngày 8/2, báo VTV dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá
xăng dầu trong nước có thể chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá
xăng dầu thế giới.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Đơn cử, vào
đầu tháng 2, có thời điểm, giá dầu Brent đã lên đến mốc 93,7 USD/thùng,
còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của
giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10/2014.
Hiện dầu Brent và dầu WTI thế giới đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp,
chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2021. Giá xăng dầu trong nước cũng đã
có 3 lần tăng liên tiếp.
Cục Quản lý giá cho biết, hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí
hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới,
từ đó gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử
dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất, khi vào phiên điều chỉnh giá ngày
11/2 sẽ có nhiều áp lực tăng giá mạnh.
Ngoài ra, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu lớn nhất
Việt Nam, đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do khó khăn tài
chính cũng được dự báo sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong
nước.
Với dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5 –
10%/năm, diễn biến của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ khiến việc nhập khẩu
phải tăng lên, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu cũng tăng theo.
Nhận định chung về giá cả thị trường, Cục Quản lý giá cho rằng, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.