Tin Trong Nước – 9/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 9/11/21

Bộ Y tế thông báo giá test COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế quy định từ ngày 10/11 giá test nhanh không quá 109.700 đồng một lần, giảm một nửa so với trước đây, giá RT-PCR cũng giảm nhiều.

Giá xét nghiệm mới được Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm nCoV, ban hành ngày 8/11, hiệu lực từ ngày 10/11.

Trước ngày 1/7, giá xét nghiệm Real-time PCR được Bộ Y tế quy định là 734.000 đồng/mẫu; test nhanh 238.000 đồng/mẫu. Như vậy mức giá mới này, chi phí test nhanh thấp hơn một nửa so với giá cũ.

Ảnh tổng hợp.

Người dân không cần trình kết quả xét nghiệm COVID khi đi lại

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành “không đưa ra yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn”.

Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trước đây một số địa phương yêu cầu người dân có giấy xét nghiệm mới được đến/vào địa bàn. Nghị quyết 128 quy định “không xét nghiệm với việc đi lại của người dân”. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng chống dịch, các địa phương xét nghiệm người đến từ vùng dịch.

Trong công văn gửi các địa phương ngày 8/11, Bộ Y tế cho biết cách ly tại nhà hay cơ sở y tế người có kết quả xét nghiệm dương tính là căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương. Địa phương không yêu cầu người dân xuất trình kết quả xét nghiệm mới được vào địa bàn.

“Chúng ta xác định không dồn cái khó cho người dân, y tế địa phương phải thực hiện xét nghiệm chứ không bắt người dân trình kết quả để kiểm tra”, ông Long nói.

Phường lập danh sách hỗ trợ ‘quá’ hàng nghìn người

Một số phường lập danh sách nhận hỗ trợ đợt 3 cao hơn hàng nghìn người so với số trường hợp khó khăn cần giúp đỡ ở địa phương.

Cụ thể, phường 11 (quận 3) có 21.660 người dân sinh sống nhưng danh sách người khó khăn được phường phê duyệt lên tới 23.200, cao hơn 1.500 trường hợp. Tại buổi kiểm tra thực hiện các gói hỗ trợ ở quận 3 vào chiều qua, thành viên đoàn công tác của TP HCM đề nghị địa phương làm rõ sự chênh lệch này vì “sai sót trong khâu lập danh sách dẫn đến chi sai rất phổ biến”.

Trả lời VnExpress sáng 9/11, bà Đỗ Thị Kim Hạnh, Phó chủ tịch UBND phường 11, cho hay, có 2 khu phố không nắm rõ thông tin nên hai lần phát phiếu khảo sát dẫn đến việc nhập dữ liệu bị trùng.

100 người thất thần khi chủ hụi ôm hơn 32 tỷ đồng biến mất

Ông L.T.P. (ngụ xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đại diện cho 100 hụi viên đến cơ quan công an tố giác bà N.T.C.N. (38 tuổi; ngụ khóm 8, phường 7, TP. Trà Vinh) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 32,5 tỉ đồng thông qua hình thức góp hụi.

Ông P. cho biết bà N. làm chủ hụi (đầu thảo) huy động nhiều hụi viên tham gia góp hụi. Đến ngày 5/11, bà N. không tiếp tục khui hụi như bình thường, nhiều hụi viên không thể liên lạc được nên làm đơn tố giác.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh xác minh, bước đầu xác định bà N. đã làm chủ hụi nhiều năm và hiện còn rất nhiều dây hụi của hụi viên tham gia góp vốn.

Nhằm thuận tiện cho việc đóng và hốt hụi, bà N. lập danh sách và tạo một nhóm Zalo để các hụi viên tham gia, thông tin hụi viên hốt hụi sẽ được thông báo trong nhóm.

Bà N. mở 2 tiệm nail, 1 shop thời trang trên địa bàn TP. Trà Vinh nhưng 3 cơ sở này đều đóng cửa.

Bỏ thế độc quyền của EVN, cho mua điện trực tiếp từ nhà máy

Thanh Niên – Theo Bộ trưởng Công thương, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Chính phủ, Bộ Công thương đã tiến hành xây dựng Quy hoạch điện VIII bảo đảm cân đối cung cầu, vùng miền và cơ cấu các nguồn điện. Đặc biệt, chú trong xây dựng thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh.

Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai khá sớm. Nhờ vậy, đến nay có 70% nguồn điện do tư nhân, công ty cổ phần sản xuất. Thị trường mua bán điện cạnh tranh cũng được vận hành từ năm 2019, đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất độc quyền mà có thêm 5 tổng công ty trực tiếp tham gia mua bán điện trên thị trường.

Bộ Công thương cũng đang tiến hành việc chuyển Trung tâm Điều độ điện quốc gia thành công ty TNHH một thành viên vận hành hệ thống điện hạch toán độc lập trong EVN.

Bộ Công thương cũng đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng, là bước đi đầu tiên trong thực hiện thị trường cạnh tranh điện bán lẻ ở nước ta.

Hiện Bộ Công thương đã trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế này từ nay đến năm 2025. Đồng thời trình Chính phú và Quốc hội cho sửa 1 điều của luật Điện lực để tư nhân có thể đầu tư vào phân khúc truyền tải điện.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-9-11-bo-y-te-thong-bao-gia-test-covid-19-phuong-lap-danh-sach-ho-tro-qua-hang-nghin-nguoi.html