Tin Trong Nước – 7/4/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 7/4/22

Doanh nghiệp chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ 6.600 tỷ đồng

Bệnh viện Tuệ Tĩnh có Giám đốc mới sau 3 lần y bác sĩ căng băng-rôn đòi lương

VOV – Sáng 7/4, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm TS Lê Mạnh Cường giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh có Giám đốc mới trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về hoạt động tự chủ và trả lương cho cán bộ, y bác sĩ. Để giải quyết các khó khăn trên, tập thể lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam thống nhất phương án tái cơ cấu các chức vụ quản lý của bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo thống kê, công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong quý 1/2021 chỉ đạt 15%, quý 2/2021 đạt 51,19% và quý 3/2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên. Đây là nguyên nhân khiến tập thể nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện bị nợ lương hơn 10 tháng (từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022). Thời gian qua, các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh từng ba lần xuống đường căng băng-rôn đòi lương.

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh vay
tạm ứng với số tiền gần 13 tỷ đồng để chi trả lương, chế độ cho các nhân
viên và y bác sĩ. Số tiền vay tạm ứng được Bệnh viện Tuệ Tĩnh cam kết
hoàn trả lại sau khi nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên do
ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Bộ Y tế.

Ảnh tổng hợp.

Dự án mở rộng đường 800 tỷ bị “bỏ ngỏ” 3 năm chưa xong

Dự án mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân khởi công từ tháng 12/2019 với tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng, là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận: Ba Đình và Tây Hồ.

Mục tiêu dự án là xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ, đoạn từ nút giao lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài khoảng 3,7 km, mở rộng mặt đường đê chính thêm 1 làn xe ô tô, đảm bảo 4 làn xe chạy trên tuyến chính, đồng thời cải tạo, mở rộng mặt đường gom phía ngoài đê bề rộng 5m.

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án hiện đang “dậm chân tại chỗ”, trên công trường thường xuyên vắng bóng công nhân. Vật liệu và máy móc xây dựng nằm ngổn ngang, một số đoạn cây cối mọc um tùm.

Thông tin trên báo Tiền Phong, lý giải nguyên nhân dự án cấp bách nâng cấp, mở rộng đường Âu Cơ 3 năm chưa xong, đại diện UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, dự án bị chậm là do Bộ NN&PTNT đang “găm” hồ sơ. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ NN&PTNT lại đưa ra bằng chứng phủ nhận việc này.

Chiêu tạo sốt đất ở vùng ven Đà Nẵng

Báo NLĐ đưa tin, sáng 7/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo sốt đất ảo để trục lợi xảy ra ở vùng nông thôn. 

Theo sở này, thời gian gần đây, tại huyện Hòa Vang xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo nhằm mục đích trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong đó, các nhóm người này đã tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều. Trong khi đó, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần, điều đáng nói là trong số này chủ yếu là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

Theo Sở TN-MT TP. Đà Nẵng, thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu. Mục đích của thủ đoạn này nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước, nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất ở hay đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện này không nhiều. 

Doanh nghiệp chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ 6.600 tỷ đồng cho lao động

VnExpress – Liên tục nhận câu hỏi “bao giờ nhận đơn hỗ trợ thuê trọ” của công nhân, nhưng bộ phận hành chính các công ty chỉ biết trả lời “đợi kế hoạch của thành phố”.

Cuối tháng 3, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho lao động thuê trọ đang làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm hoặc quay lại thị trường. Trong đó người đang làm việc trong doanh nghiệp nhận hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người một tháng, nhận hàng tháng, tối đa ba tháng. Người quay lại thị trường lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế trọng điểm nhận một triệu đồng mỗi tháng, tối đa ba tháng.

Anh Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính Tổng công ty May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), nơi có hơn 3.000 lao động làm việc, cho biết tuần qua, cán bộ công đoàn, nhân sự doanh nghiệp liên tục nhận được câu hỏi từ công nhân về tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan phụ trách về lao động, bảo hiểm xã hội của quận Long Biên, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cho biết phải “đợi thành phố ban hành kế hoạch triển khai”.

Nhà máy May 10 tại Hà Nội có khoảng 400 công nhân thuê trọ quanh Sài
Đồng, Long Biên, nơi giá thuê trọ khoảng một triệu đồng mỗi người. Món
tiền hỗ trợ 500.000 đồng đến một triệu mỗi tháng, tùy nhóm lao động đáp
ứng một nửa đến toàn bộ chi phí thuê nhà trong tháng, là khoản động viên
công nhân sau hơn hai năm trải qua trong dịch.

Chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) liên tiếp nhận được câu hỏi của công nhân “bao giờ có tiền hỗ trợ thuê trọ?”. Ông Tân sốt ruột, phản ánh lên công đoàn khu công nghiệp, nhưng cũng chỉ biết chờ địa phương ban hành kế hoạch triển khai.

Hosiden – doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử có khoảng 6.000 lao động, phần lớn đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, gần 2.000 công nhân trong số này đang thuê trọ quanh khu công nghiệp Quang Châu. Công nhân Hosiden phần lớn trọ trong thôn Núi Hiểu – nơi cách công ty chỉ vài trăm mét.

Theo khảo sát của cán bộ công đoàn, những phòng nhỏ, giá rẻ nhất khoảng 800.000 đồng, phòng có vệ sinh khép kín dao động 1,2-1,5 triệu đồng, chưa tính điện nước. Mức hỗ trợ đáp ứng được 60-80% chi phí tiền trọ cho công nhân. Sau Tết Nguyên đán, hơn 1.000 lao động của Hosiden trở thành F0, phải nghỉ việc 7-10 ngày điều trị. Nhiều công nhân chưa nhận được khoản nghỉ ốm từ Bảo hiểm xã hội nên đang mong có tiền hỗ trợ nhà trọ để trả sinh hoạt phí.

Hiểu Minh | DKN

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-7-4-doanh-nghiep-cho-ke-hoach-giai-ngan-goi-ho-tro-thue-tro-6-600-ty-dong.html

Nhân viên đài không lưu Cát Bi làm việc riêng khi phi công gọi 10 cuộc không bắt máy; Grab, Be sẽ được xếp vào loại hình taxi

Ảnh tổng hợp.

Đình chỉ nhiều nhân viên đài không lưu Cát Bi làm việc riêng khi phi công gọi 10 cuộc không bắt máy

Zing – Liên quan tại sân bay Cát Bi sau vụ phi công Vietjet gọi hơn 10 cuộc không bắt máy. Trong thông cáo báo chí phát đi tối 6/4, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết đã đình chỉ công tác các kiểm soát viên không lưu có liên quan tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

VATM xác định tại thời điểm phi công gọi, kiểm soát viên trong ca trực đã thực hiện không đúng quy định về vị trí trực, có mặt tại cabin kiểm soát, nhưng không ngồi đúng vị trí, làm việc riêng, đeo tai nghe cá nhân nên không nghe thấy tổ lái gọi.

Công ty Quản lý bay miền Bắc (thuộc VATM) đang kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các kiểm soát viên có liên quan. 

Hủy bỏ xử phạt 1,5 tỷ với ông Trịnh Văn Quyết

Zing – Ngày 5/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC ngày 18/1 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Lý do là ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam người này về tội Thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC) và bà Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS) để làm rõ vai trò đồng phạm với ông Quyết.

Cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/12/21 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn.

Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả, đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/21 lên giá cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Sau đó, ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi

VnExpress – Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Luật Đường bộ, được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo luật hiện hành, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.

Trong dự thảo mới quy định taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ôtô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử. Như vậy, ôtô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi.

Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ôtô phải có giấy phép kinh doanh; ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe; lưu trữ giao dịch tối thiểu 2 năm…

Nội dung này nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp vận tải. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xét về đặc điểm, bản chất kinh doanh, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ chính là taxi, cần quản lý như taxi, không nên tạo ra loại hình vận tải mới. Nội dung này đưa vào Luật Đường bộ sẽ đồng nhất với Nghị định 10 trước đó đã có điều khoản này.

Trước đây, doanh nghiệp taxi chịu bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Các xe Grab, Be… không phải chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe và phải niêm yết giá như taxi.

Chợ truyền thống ở Hà Nội và TP.HCM ‘hấp hối’

Zing – “Chợ này giờ đóng 7 mở 3 thôi. Sáng giờ tôi bán được đúng một kg tôm cho khách quen”, chị M, tiểu thương bán hải sản ở chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) than khi đã gần quá trưa.

“Tôi có tất cả 4 sạp bán vải nhưng chỉ mở cửa một sạp vì không chịu nổi. Nếu mở cả 4 sạp, tôi phải trả hơn 12 triệu đồng cho các chi phí như tiền thuế, tiền điện, phí bảo vệ trông coi hàng hóa…”. Chị T, một tiểu thương bán vải cũng ở khu chợ này chia sẻ.

Thực tế, không chỉ chị M., chị T. mà đa số tiểu thương khác tại chợ Bến Thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Dịch Covid-19 khiến lượng du khách nước ngoài đến TP.HCM giảm mạnh là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc quá nửa số sạp ở chợ vẫn đóng cửa im lìm.

Theo khảo sát của Zing, các khu chợ lớn như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Xóm Chiếu (quận 4), chợ Tân Thuận (quận 7) cũng gặp phải tình trạng vắng khách. Trong khi đó, cách chợ chỉ khoảng 100-200 m là rất nhiều chợ cóc, chợ tự phát ven lề đường. Người bán không phải trả phí kinh doanh, người mua ngồi trên xe chọn hàng, thanh toán nhanh gọn.

Theo chị T., chỉ những người chủ sạp làm ăn buôn bán lâu năm, có khách quen tìm đến tận sạp mới đủ sức xoay sở. Còn lại, nhiều tiểu thương lâm vào cảnh khó khăn phải trả hay sang lại sạp.

“Sang lại cũng khó vì không ai thuê, họ hạ giá xuống rất thấp thậm chí miễn phí tiền sạp nhưng vẫn không có khách. Mỗi tháng doanh thu đủ tiền chi phí là mừng rồi, còn lỗ công ngồi bán”, tiểu thương này thở dài.

Chị lý giải, hiện nay do phải cạnh tranh với các siêu thị mọc lên ngày càng nhiều nên buôn bán tại chợ không mấy khả quan. Ngoài ra, việc chợ Bến Thành không có bãi giữ xe riêng cũng khiến khách hàng e ngại. Để vào chợ, họ phải gửi xe máy với giá 10.000-15.000 đồng/lượt.

Tương tự, tại Hà Nội, nhiều chợ truyền thống cũng rơi vào cảnh không có người mua, chợ cóc mọc lên san sát quanh chợ. Tiểu thương che ô dù san sát, bày biện với hàng hóa từ trái cây, rau củ đến thịt cá… lấn chiếm lòng lề đường.

Khảo sát tại chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, chợ Láng Hạ (quận Đống Đa), chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… lượng khách chủ yếu tập trung ở các quầy hàng thịt cá, rau củ. Trong khi đó, quầy hàng thời trang, đồ điện tử luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Đáng chú ý, cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động mua bán lộn xộn, nhếch nhác, thiếu quy củ. Tại chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các ki-ốt được bày bán tự phát, xập xệ không có quy hoạch, cộng thêm tình trạng nước thải ứ đọng nên chợ trở nên ẩm thấp, đặc biệt trong những ngày mưa.

Một số chợ trước đây là những khu mua sắm sầm uất nhưng sau khi được
cải tạo thành các trung tâm thương mại rơi vào cảnh đìu hiu.

Tại trung tâm thương mại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) số quầy
mở chỉ khoảng 30%, phần lớn treo biển “bán và cho thuê ki-ốt”. Chủ một
sạp hàng cho biết so với việc kinh doanh trước đây thì hiện nay chỉ được
10-20%.

Người tiêu dùng thay đổi

Thực tế, hiện nay sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… đã làm thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi khiến áp lực cạnh tranh của chợ truyền thống ngày càng gia tăng.

Trước đây, chị Mai Anh (quận 7, TP.HCM) thường thích đi chợ vì giá thành rẻ, rau củ tươi nhưng từ sau dịch, chị chuyển sang đi siêu thị. “Bởi ở đây có không gian sạch sẽ, thoải mái, không quá đông người nên giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh. Từ khi dưới chân chung cư mở cửa siêu thị, tôi gần như không đi chợ nữa”, chị nói.

Nhiều người cũng cho biết họ ít đi chợ vì ngại cảnh đông đúc, ồn ào và tốn tiền gửi xe. Thuỳ Dung (quận 4, TP.HCM) cho biết cô thường mua số lượng đồ ăn lớn cho cả gia đình nên rất thích dùng dịch vụ giao hàng tận nhà của siêu thị.

Thường xuyên mua hàng ở chợ cóc quanh chợ Hoàng Văn Thái, chị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận các sạp hàng ven đường đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm tươi sống của chị với giá cả rẻ hơn trong các siêu thị… “Đặc biệt, tôi không cần phải gửi xe hay di chuyển nhiều như vào các chợ hay siêu thị mà chỉ ngồi trên xe mua đồ”, chị nói.

Bà Sử Kim Thoa – Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM) thừa nhận sau khi chợ mở cửa trở lại tình hình buôn bán tại chợ ngày càng ế ẩm. “Có nhiều kênh cung cấp, phân phối hàng hóa là nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống vắng vẻ. Không chỉ riêng chợ Phùng Hưng và tất cả các chợ trên địa bàn thành phố đều đang gặp phải tình trạng này”, bà nói với Zing.

Theo trưởng ban quản lý chợ này, chỉ một số tiểu thương trẻ tuổi linh hoạt bán hàng online trên mạng nhưng nhiều người bán khác vẫn khó tiế cận kênh này. Bà Thoa đánh giá các cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang dần thay thế chợ truyền thống.

Lý giải nguyên nhân một số chợ truyền thống trên địa bàn vắng lặng, ế ẩm, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến và đang tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, có nhiều người về quê tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.

Hiểu Minh | DKN

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-7-4-nhan-vien-dai-khong-luu-cat-bi-lam-viec-rieng-khi-phi-cong-goi-10-cuoc-khong-bat-may-grab-be-se-duoc-xep-vao-loai-hinh-taxi.html