Tin Trong Nước – 7/10/21
Tin trưa 7/10: ĐBQH Tạ Văn Hạ nói ‘các địa phương cần lên phương án đón dân về’; Làm rõ hơn 300 khoản chi “lạ” của một huyện
Bạc Liêu: Làm rõ hơn 300 khoản chi “lạ” của một huyện
NLĐ – Trong danh sách chi năm 2020 của Văn phòng Huyện ủy Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có nhiều khoản chi được ghi chú “lạ” khiến dư luận quan tâm, trong đó có cả mua lẩu chó…
Liên quan đến hơn 300 khoản chi bất thường tại Huyện ủy Đông Hải, ông Trương Thanh Nhanh – quyền Chánh Văn phòng Huyện ủy Đông Hải – cho biết đang chờ kết quả xác minh của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nên không trả lời hay bình luận gì thêm.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, từ giữa tháng 5/2016 đến giữa tháng 9-2020, Văn phòng Huyện ủy Đông Hải lập danh sách 371 khoản chi của đơn vị thì có tới hơn 300 khoản chi bất thường, chủ yếu tập trung trong năm 2020 với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Cụ thể, vào ngày 4/3/2020, đơn vị này đã chi “ứng tiền hỗ trợ cho chú Việt (ông Phan Hùng Việt, nguyên Bí thư Huyện ủy) 8 triệu đồng”. Cùng ngày là khoản chi khác 5 triệu đồng, ghi chú là: “ứng tiền dự phòng bồi dưỡng ca sĩ hát họp mặt ngày chú 2 Việt về hưu”…
Ngày 22/5/2020, một khoản chi 5 triệu đồng được ghi chú khó hiểu là: “đưa cho anh Vũ đưa chú 2 Việt hỗ trợ đồng chí Việt (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ)”.
Từ ngày 1 đến ngày 10/6/2020, Văn phòng Huyện ủy Đông Hải chi hơn 8 triệu đồng “mua cá anh Mến (ông Trần Thanh Mến, Bí thư Huyện ủy đương nhiệm- PV)”, hơn 2,2 triệu đồng “tiền mua rượu anh Mến + mua cua”, 5 triệu đồng “mua 2 cái chai cho bí thư”, 2 triệu đồng “mua đồ bí thư”
Ngày 22/7/2020, “mua tôm kho ép + 5 lẩu chó đi đám nhà chú 2 Việt” với số tiền 1,7 triệu đồng…
Ngoài ra, còn một số khoản chi bất thường khác. Trong đó, khoản chi lớn nhất là chi 30 triệu đồng “tiền hỗ trợ chú Chiến (ông Trần Minh Chiến – nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải- PV) về hưu”; 10 triệu đồng “anh Mến chỉ đạo mua máy tính chú Chiến”… Cùng hàng loạt các khoản chi vặt như: Ứng tiền thịt chó, bia, rượu, thay bình xe cho nguyên Bí thư Huyện ủy…
Chiều 6/10, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc qua điện thoại với ông Lý Công Bắc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu để tìm hiểu thông tin về tiến độ xác minh, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ông Bắc nói: “Tôi bận họp, liên hệ lại sau!”.
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Các địa phương cần lên phương án đón dân về
Zing – Xung quanh việc hàng ngàn người dân trong cơn mưa lạnh đang di chuyển xe máy về quê nhà, ĐBQH tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ cho rằng các địa phương cần lên phương án đón dân về.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Zing được đăng tải sáng nay (7/10), ông Hạ ví von dòng người ùn ùn rời TP.HCM về quê sau nhiều tháng giãn cách xã hội giống như chiếc lò xo bị nén và đến giới hạn cuối cùng phải bung ra.
Ông nói: “Người dân của các địa phương đến TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hay Long An, là những nơi có nhiều khu công nghiệp để lao động. Vì dịch bệnh kéo dài, họ cũng đã tuân thủ các quy định chống dịch trong thời gian dài. Khi thành phố nới lỏng cũng là lúc họ quá mức chịu đựng, vì vậy, nhu cầu về quê của người dân là chính đáng”, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh đó chính là quyền con người, quyền công dân cần được bảo đảm.
Ngoài thiếu thốn về vật chất, theo ông, nhu cầu về tinh thần của những người dân này cũng bị hạn chế và đè nén rất lâu, nên việc trở về quê là để giải phóng cho những nhu cầu ấy.
Vì vậy, vị đại biểu Quốc hội cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương là có chính sách ứng phó phù hợp, chủ động.
Dù chia sẻ với các địa phương khi nhiều nơi lo lắng lượng người hồi hương quá lớn có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch, gây thiếu hụt nguồn lao động ở các thành phố lớn, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng lúc này cần đặt nhu cầu và quyền lợi người dân lên trên hết.
Ông Hạ nói: “Đã đến lúc sức chịu đựng của người dân đến ngưỡng nên các tỉnh, thành cần có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho công dân của mình”. Vị đại biểu này cảnh báo nếu không làm được điều này, người dân vẫn sẽ tìm cách về quê “chui” khiến chính quyền không thể kiểm soát, khi đó nguy cơ lây lan dịch bệnh còn cao hơn nhiều.
Ông Hạ góp ý các địa phương sau khi lên danh sách có thể tổ chức đưa đón công dân về theo từng đợt, xét nghiệm nhanh xong có thể cho người dân cách ly tập trung hay tại nhà.
Nhà báo Cù Mai Công, trong bài viết “NHÂN QUẢ (ĐÃ) NHÃN TIỀN” VỀ NIỀM TIN & KINH TẾ XÃ HỘI”
đăng trên trang cá nhân hôm 5 tháng 10 cũng phân tích:
“Tạo sao cả thế giới COVID, vô số nước còn nặng nề hơn ta mà tình cảnh đâu đến nỗi vậy? Gần ta như Indonesia ca nhiễm, ca chết cỡ gấp năm, gấp mười Việt Nam; Thái Lan ca nhiễm gần gấp đôi (chỉ chết bằng một nửa); Singapore hiện ca nhiễm mỗi ngày nếu theo tỉ lệ dân số gấp mấy lần Việt Nam (tỉ lệ chết tới giờ là 1%; Mỹ còn lên tới 45 triệu ca nhiễm… Chưa thấy nước nào hoảng loạn trong dân lẫn chức năng như ở ta.”
Ông lưu ý: “Không hiếm bậc trí giả, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… có tên tuổi, uy tín đã kêu gào liên tục như vô vọng chuyện này. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Tôi cũng lên tiếng nhiều lần trên trang mình từ đầu, từ mấy tháng trước chuyện này. Như tiếng kêu trong hoang mạc. Trước 1-10, ở TP.HCM, rào gai vẫn giăng, chốt chặn vẫn đóng, giấy đi đường vẫn phải trình trong ngoài thành phố… “
Theo nhà báo Cù Mai Công: “Tỉnh không lo nổi thì để bà con về nhà, đề nghị tự cách ly ở nhà như TP.HCM hiện nay với hàng trăm ngàn F0, F1. Ôm không nổi mà ôm làm gì để than, cầu cứu lên trên?!
Ông cho biết: “Thực tế hiện nay dân tự lo cho mình tốt hơn là vào khu cách ly tập trung. Lẽ nào chúng ta chưa thấy thực tế lây nhiễm chéo ở mô hình đã cách ly còn tập trung đó? 7-14 ngày ngồi không ở đó, đòi một F0 (nếu có) chịu ngồi một chỗ, không giao lưu, “tám” chuyện với ai là chuyện viễn tưởng.
Để bà con về nhà, cùng lắm là lây trong nhà vài người, còn hơn lây lung tung cả phòng, cả khu cách ly mấy ngàn người.
Và cốt nền chuyện này đã có: từng là “người trong cuộc” của tâm dịch TP.HCM, Bình Dương…, bà con mình dư biết cách tự phòng chống cho mình, cho người thân và bà con lối xóm. “Lấy dân làm gốc”. Đừng coi thường hiểu biết, trình độ của dân.
Còn nói rủi ro? Đã sống chung là phải chấp nhận rủi ro nhất định. TP.HCM siết giãn cách 39 ngày đến khó thở (từ 23/8 đến 30/9/2021) thì cũng có hết rủi ro đâu: mỗi ngày vẫn trung bình vài ngàn ca, vài trăm người chết.
Còn hơn rủi ro khôn lường về số phận mấy chục triệu người dân và nền kinh tế mà chúng ta hiện nay bước đầu ai cũng thấy. “Nhân quả “ đã “nhãn tiền”.
ĐBQH: ‘Chưa bao giờ kinh tế TP sụt giảm đến mức như thế’
Tuoitre – Báo Tuổi trẻ đưa tin, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 12 sáng 6/10, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM. Theo đó, tổng sản phẩm địa bàn thành phố (chỉ số GRDP) sụt giảm kỷ lục.
Hầu hết các cử tri đều bày tỏ sự lo lắng về nhiều mặt đời sống, kinh tế – xã hội từ hậu quả dịch bệnh, và kiến nghị với đại biểu Quốc hội về các chính sách hỗ trợ, an sinh cho người dân. Cử tri kiến nghị Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để miễn giảm học phí, miễn giảm tiền điện, nước, hoãn nộp thuế v.v
Thay mặt cho Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4, ông Trần Hoàng Ngân đã thông tin đến cử tri về tình hình phòng chống dịch bệnh và sự ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội của thành phố.
Theo ông Ngân, dịch bệnh kéo dài đã khiến rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể… Tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) trong quý 3 sụt giảm gần 24,4%, còn tính chung 9 tháng năm nay thì sụt giảm gần 5%.
Ông Ngân nhận định “Chưa bao giờ kinh tế TP sụt giảm đến mức như thế, là kỷ lục chưa từng có. TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước. TP khó khăn thì cả nước cũng khó khăn”.
Bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, TP cùng cả nước đang triển khai từng bước để phục hồi sản xuất, kinh tế. Khó khăn kinh tế đã đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố cũng như Chính phủ, khi phải chi nhiều khoản đầu tư, hỗ trợ… song hành với việc chống lạm phát.
Các hãng mở đường bay từ ngày 10/10
VnExpress – Ngày 7/10, đại diện Vietnam Airlines Group cho hay, hai hãng Vietnam Airlines và Pacific Airlines đang lên kế hoạch bán vé trở lại nhiều đường bay hai chiều giữa TP HCM và Thanh Hóa, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phú Quốc, tần suất mỗi hãng một chuyến khứ hồi trong ngày.
Vietnam Airlines cũng mở lại đường bay hai chiều giữa TP HCM và Huế với tần suất một chuyến mỗi tuần, đường bay từ Vinh đến TP HCM với hai chuyến mỗi tuần. Giai đoạn đầu, hành khách sẽ ngồi giãn cách.
Với đường bay còn lại, các hãng đang theo sát chỉ đạo của cơ quan chức năng để xây dựng lịch bay và mở bán vé. “Hãng sẽ mở bán vé trên toàn hệ thống bao gồm website, ứng dụng di động, đại lý và phòng vé ngay khi có sự cho phép của cơ quan chức năng”, đại diện Vietnam Airlines Group cho biết.
Do kế hoạch khai thác có thể bị thay đổi theo tình hình dịch bệnh, Vietnam Airlines đã xây dựng chính sách hoàn, đổi vé linh hoạt cho hành khách, như khách mua vé giai đoạn từ nay đến 31/10 sẽ được miễn toàn bộ phí đổi vé.
Hãng Vietjet Air dự kiến mở lại 7 đường bay giữa TP HCM với Quy Nhơn, Thanh Hóa, Tuy Hòa, Phú Quốc, Nha Trang với tần suất một chuyến khứ hồi mỗi ngày; đường bay Thanh Hóa – Nha Trang và Thanh Hóa – Phú Quốc sẽ khai thác 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần.
Bamboo Airways cũng sẽ khai thác trở lại các đường bay giữa TP HCM và Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam.
Dựa theo ý kiến của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố kế hoạch dự kiến mở lại 10 đường bay nội địa từ 10/10, không có đường bay đến Hà Nội. Sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kế hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cấp phép bay cho các hãng hàng không.
Tối 7/10: Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc sắp chiếu phim xuyên tạc lịch sử; Bộ Công an ‘truy’ chứng cứ việc từ thiện của Thủy Tiên
Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc sắp chiếu phim xuyên tạc lịch sử
Dân Trí – Chiều nay (7/10), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về bộ phim “Quân đội Vương Bài” sắp công chiếu của Trung Quốc có nội dung xuyên tạc lịch sử chiến tranh biên giới năm 1979, được đưa ra.
Trả lời về vấn đề liên quan, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý tới bộ phim này.
“Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề thuộc về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới” – bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường tuyên truyền, hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội, thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.
Trước đó, mạng xã hội Baidu của Trung Quốc công chiếu trailer phim “Quân đội Vương Bài”. Theo thông tin giới thiệu từ Baidu, bộ phim có mốc thời gian 1983, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây – một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam.
Các diễn viên Trung Quốc mặc trang phục trùng khớp với quân phục giai đoạn nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Đối chiếu với lịch sử, nhiều người cho rằng bộ phim có những chi tiết có liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Bộ Công an ‘truy’ chứng cứ liên quan hoạt động từ thiện của Thủy Tiên
Tuoitre – Chiều 7/10, bà Đặng Thị Hồng Thắm – phó chủ tịch huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) xác nhận, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo kèm các chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên của các xã trên địa bàn huyện năm 2020.
Bà Thắm nói bà mới ký văn bản yêu cầu các địa phương trong huyện triển khai việc này trước đó một ngày.
Văn bản của bà Thắm cũng đề nghị các địa phương phải hoàn thành việc gửi báo cáo kèm các chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu nói trên trước 15h chiều nay 7-10.
“Đến hiện tại thì chỉ có xã Hoa Thủy đã gửi báo cáo. Nhưng báo cáo này chưa hợp lệ nên được yêu cầu làm lại. Các xã khác thì đang thực hiện việc tổng hợp. Có lẽ thời gian quá ngắn nên các xã làm chưa kịp”, bà Thắm cho hay.
Trước đó, bà Thắm xác nhận huyện Lệ Thủy nhận được công văn của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động của bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên) trên địa bàn huyện năm 2020.
Công an Hội An phản ứng trước phát biểu kè trăm tỷ lún “do xe tải trọng lớn”
NLĐ – Trước phát biểu của chủ đầu tư về nguyên nhân sụt lún tuyến kè trăm tỷ ven sông Hoài là do ô tô trọng tải lớn đi vào. Sáng 7/10, đại tá Đinh Xuân Nghĩ, Trưởng Công an TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), chủ động liên hệ với phóng viên Báo Người Lao Động bày tỏ phản ứng về ý kiến của ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, liên quan đến nguyên nhân sụt lún tuyến kè ven sông Hoài (TP. Hội An).
Theo ông Nghĩ, trong sáng cùng ngày, Công an TP Hội An đã có văn bản yêu cầu ông Huỳnh Xuân Sơn giải trình về ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến tuyến kè bị sụt lún do xe tải trọng lớn.
“Đoạn đường đó không có xe tải nào vô cả. Chỉ có xe chở cá có tải trọng khoảng 1,4 tấn và đứng ở ngoài đường Hoàng Diệu chứ không có chuyện xe vào khu vực đó. Qua trích xuất camera, không hề có chuyện xe tải trọng đi vào tuyến đường đó. Anh Sơn phải giải trình là ai báo thông tin như vậy, nguồn tin nào, anh phát hiện xe tải từ đâu, nói như vậy là không đúng” – ông Nghĩ gay gắt.
Thiếu tá Huỳnh Tấn Hải, Phó Trưởng Công an TP. Hội An cho biết thêm, tuyến phố cổ lâu nay có quy định cấm ôtô. Nếu có chuyện xe tải trọng lớn đi vào khu phố cổ thì chắc chắn người dân Hội An phát hiện, phản ứng. Điều vô lý là vì sao đường lớn xe không đi mà lại leo lên lề. “Xe quá tải vào khu phố cổ là điều không có, nói phải có căn cứ chứ nói như vậy ảnh hưởng đến địa phương, khiến người dân bức xúc” – ông Hải nói.
Tuyến kè ven sông Hoài được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư 135 tỷ nhưng Sở Tài chính thẩm định thì chỉ còn hơn 67,84 tỷ đồng.
Một lãnh đạo cho biết, kè dạng tường đứng bằng bê tông cốt thép vẫn đảm bảo, chỉ có sụt lún hành lang đi bộ trên đỉnh kè, bờ kè vẫn an toàn.
Thêm 4.150 ca Covid-19
NLĐ – Bộ Y tế cho biết từ 17 giờ ngày 6/10 đến 17 giờ ngày 7/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới. Có 3 ca nhập cảnh và 4.147 ca ghi nhận trong nước (giảm 209 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.986 ca ngoài cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.730), Bình Dương (840), Đồng Nai (589), An Giang (186), Tây Ninh (84), Long An (84), Kiên Giang (83), Tiền Giang (56), Khánh Hòa (51), Đồng Tháp (45), Đắk Lắk (36), Cà Mau (36), Bình Thuận (32), Cần Thơ (30), Hậu Giang (30), Hà Nam (24), Quảng Trị (22), Bạc Liêu (22), Trà Vinh (21), Bà Rịa – Vũng Tàu (19), Đắk Nông (14), Quảng Bình (13), Quảng Ngãi (13), Gia Lai (13), Ninh Thuận (11), Vĩnh Long (10), Bến Tre (10), Kon Tum (9), Thanh Hóa (5), Hà Tĩnh (4), Quảng Nam (4), Nam Định (4), Yên Bái (3), Hà Nội (3), Bình Phước (2), Bình Định (2), Phú Yên (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Ninh (1), Vĩnh Phúc (1), Phú Thọ (1), Bắc Giang (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 826.837 ca nhiễm. Cùng ngày, cả nước ghi nhận 120 ca tử vong, riêng TP.HCM (92), Bình Dương (19). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.