Tin Trong Nước – 6/2/22
Ồ ạt khách du xuân, Đà Lạt trở thành ‘biển người’
Dù đã lên kế hoạch rất kỹ để có thể đón khoảng 100.000 người
từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết nhưng Đà Lạt vẫn “thất thủ” với lượng du
khách đến đây quá đông trong những ngày qua.
Đến tối mùng 5 Tết, dù một lượng khách không chịu nổi cảnh đông đúc đã rời khỏi Đà Lạt nhưng hiện tượng quá tải vẫn không giảm.
Hiện tượng quá tải đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực trung tâm thành
phố: quanh chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương và các tuyến đường nội ô như Phan
Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo.
So với thời điểm trước dịch (năm 2019), việc ùn ứ, quá tải ở các tuyến đường lan ra cả các khu vực ngoại ô.
Ông Trần Viễn Sơn (du khách TP.HCM) có phòng khách sạn đến ngày mùng 6
Tết nhưng đã rời Đà Lạt trưa ngày mùng 5. Ông nói: “Ở lại cũng không
vui chơi gì được vì ở đâu cũng quá tải dịch vụ, đi lại cũng không được
thì vui chơi không thể thoải mái”.
Hành trình đến Đà Lạt của ông Sơn cũng không dễ dàng gì, ông đã mất
hơn 12 giờ để “nhích” từ Sài Gòn đến Đà Lạt. Và sau đó gia đình ông phải
chịu cảnh chen chúc để có bữa ăn trong các hàng quán đông đúc.
“Muốn kiếm một chỗ không nổi tiếng trên mạng để ăn cho qua bữa đi chơi cũng không được vì chỗ nào cũng đông”, ông Sơn nói.
Bà Lê Thủy, chủ homestay Nhà Của Tre, cho biết: “Một ngày chúng tôi
nhận 120 cuộc gọi tìm phòng. Phải thông báo với khách là đã hết phòng từ
trước Tết là một điều rất áy náy với những người làm các dịch vụ du
lịch có tính cơ bản như lưu trú”.
Một số du khách than phiền vì nhiều dịch vụ đều tăng giá bằng hình thức phụ thu phí phục vụ khoảng 30% so với giá ngày thường.
Theo Đội cảnh sát giao thông Công an TP Đà Lạt, sau 2 ngày Đà Lạt đã
đón hơn 100.000 lượt khách, vượt dự kiến ban đầu của TP. Đà Lạt.
Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết du khách đến Đà Lạt không trải
đều như những năm trước mà dồn vào những ngày từ tối mùng 2 đến mùng 4
Tết nên khiến thành phố này “vỡ trận”.
Đã có một số du khách không tìm được phòng hoặc phải ngủ lều quanh bờ
hồ nên UBND TP. Đà Lạt đã mở đường dây nóng hướng dẫn du khách tìm
phòng ở những khu lưu trú còn trống.
UBND TP. Đà Lạt nhận định kế hoạch đón khách tập trung vào an toàn
chống dịch nên khâu tổ chức đón khách chưa đạt như mong muốn. Mặt khác,
thành phố không lường được lượng khách tự phát – không đăng ký trước ở
các điểm lưu trú – lại tăng mạnh.
Khách đi không có kế hoạch khiến phát sinh một số tiêu cực, hình ảnh không đẹp trong đợt du lịch Tết. Theo ghi nhận, khách đến Đà Lạt du xuân không có kế hoạch trước chiếm 20% tổng lượng khách Đà Lạt (tính đến tối mùng 5 Tết), tức khoảng 20.000 lượt khách.
https://www.dkn.tv/doi-song/o-at-khach-du-xuan-da-lat-tro-thanh-bien-nguoi.html
‘Choáng’ giá vé máy bay cao gấp 5 lần trước tết
Giá vé máy bay Hà Nội – TP.HCM của Vietnam Airlines từ ngày
5/2 đến ngày 8/2 chỉ còn hạng thương gia với mức giá thấp nhất là hơn 8
triệu đồng đến gần 10,3 triệu đồng/vé khứ hồi.
Sáng ngày 5/2, anh Phạm Trường (Thái Nguyên) lên mạng đặt vé máy bay
chặng Hà Nội – TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau khi
nhìn bảng giá của một hãng hàng không từ ngày 5/2 đến ngày 8/2, anh đến
sững sờ vì trên website đặt vé của hãng chỉ còn hạng thương gia với mức
giá thấp nhất là gần 8,7 triệu đồng/vé khứ hồi.
“Ngày 7/2, tôi đã phải bay vào TP.HCM để làm việc, với mức giá vé như
hiện nay, tôi không biết là ở lại thêm 2 – 3 ngày nữa hay chấp nhận bay
với giá vé đắt đỏ. Vì mức giá vé máy bay đang bằng nửa tháng lương của
tôi, đó là chưa tính tiền thuê xe ra sân bay để di chuyển”, anh buồn rầu
nói trên báo Dân Trí.
Theo khảo sát của Dân trí vào lúc 9h ngày 5/2, trên website đặt vé
của Vietnam Airlines, chặng Hà Nội – TP.HCM từ ngày 5/2 có giá vé rẻ
nhất là 8,669 triệu đồng/vé khứ hồi, mức giá đắt nhất là 10,289 triệu
đồng/vé khứ hồi. Bình thường, giá vé hạng này dao động 6-7 triệu đồng.
Chặng Hà Nội – TP.HCM của Bamboo Airways từ ngày 6/2 đến ngày 8/2 chỉ
còn ở hạng thương gia giá 5,7 triệu đồng/vé khứ hồi, mức cao nhất là
gần 6,4 triệu đồng/vé.
VietJet Air Hà Nội – TP.HCM ngày 5/2 giá 5,36 triệu đồng/vé khứ hồi,
chưa bao gồm các loại phí. Hãng chỉ có vé chặng này từ ngày 10/2 với giá
gần 1,9 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trước Tết, giá vé rất rẻ. Giá cho 2 đường bay vàng TP.HCM – Hà Nội của nhiều hãng chỉ 1,17 triệu đồng/vé/chiều.
Theo báo Zing, lượng hành khách từ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận
quay trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 tăng vọt vào ngày
mùng 6 Tết đã khiến cầu vượt xa cung, toàn bộ vé hạng phổ thông đều đã
có chủ.
Lượng khách qua cảng của sân bay Tân Sơn Nhất đã có xu hướng tăng
mạnh từ mùng 4 Tết. Theo thống kê của Cảng vụ hàng không miền Nam, con
số này đã tăng 50% so với ngày mùng 3 Tết. Tân Sơn Nhất đón tới 97.700
khách, con số cao kỷ lục từ đầu mùa Tết. Sân bay này khai thác 704
chuyến bay trong ngày 4/2, trong số này có 324 chuyến bay đi từ ga quốc
nội với hơn 36.700 khách, 323 chuyến bay đến với hơn 60.000 khách.
Khách bay tăng nhanh trong khi lượng taxi công nghệ và taxi truyền
thống tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm do tài xế về quê ăn Tết hoặc nghỉ
việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến việc đặt xe từ sân bay về trung
tâm thành phố của hành khách gặp nhiều khó khăn.
Hành khách phải chờ đợi hàng giờ, thậm chí phải đi bộ ra các địa điểm lân cận sân bay mới có thể đặt được xe với giá cước tăng gấp đôi.
https://www.dkn.tv/thoi-su/choang-gia-ve-may-bay-cao-gap-5-lan-truoc-tet.html