Tin Trong Nước – 5/7/21
Vi phạm nghiêm trọng trong bầu cử, hàng loạt cán bộ phường ở Hải Dương bị kỷ luật cảnh cáo
dantri – Sáng ngày 5/7, tỉnh Hải Dương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Văn Vì, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường Ái Quốc; ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường Ái Quốc và ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu dân cư Văn Xá, Trưởng ban Bầu cử số 3, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3 vì vi phạm nghiêm trọng trong bầu cử.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Vũ Hữu Oanh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Ái Quốc.
Ngoài ra, ông Vì bị cho thôi giữ chức danh Bí thư Đảng ủy phường Ái Quốc, ông Thái bị cho thôi giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy phường Ái Quốc. Hai ông này cũng không được giới thiệu ứng cử các chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND phường Ái Quốc nhiệm kỳ 2021-2026, mà sẽ sắp xếp, bố trí công tác khác.
Cơ quan chức năng Hải Dương xác định, sau giờ ăn trưa (khoảng hơn 13h) ngày 23/5/2021, khi một số thành viên Tổ bầu cử không có mặt tại phòng bỏ phiếu, nhận thấy số phiếu bầu đại biểu HĐND phường chưa sử dụng (thừa so với số cử tri chưa đi bầu), ông Oanh đã nhờ ông Đoàn Văn Thắng và ông Vũ Huy Hà là 2 thành viên Tổ bầu cử bỏ phiếu thừa vào hòm phiếu.
Ông Thắng lấy một số phiếu bầu đại biểu HĐND phường chưa sử dụng, gạch tên bà Phạm Thị Hoài, ứng cử viên đại biểu HĐND phường và đưa 32 phiếu cho ông Hà bỏ vào hòm phiếu. Sự việc được một số thành viên tổ bầu cử phát hiện và báo cáo với ông Nguyễn Văn Lộc, Tổ trưởng Tổ bầu cử.
Khi nhận được thông tin, Tổ trưởng tổ bầu cử số 3 đã yêu cầu ông Oanh, ông Thắng, ông Hà làm rõ sự việc và báo cáo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử phường và ông Đỗ Văn Vì, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử phường. Khi đó, ông Thái, ông Vì đã yêu cầu Tổ bầu cử tự giải quyết theo thẩm quyền và không báo cáo sự việc trên với Ban chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố.
Ngang nhiên chiếm nhà dân đến 20 ngày, chính quyền ở đâu?
Liên quan đến nhóm người lạ chiếm nhà dân ở đến 20 ngày, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ đồng thời xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý thiếu quyết liệt.
Theo như báo thanhnien phản ánh, trưa 2/7, trước sự chứng kiến của cán bộ tư pháp, Công an P.10 (TP. Đà Lạt)… gia đình bà P.T.X (P.10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) mới có thể phá ổ khóa (do nhóm người lạ khóa) để vào lại nhà của mình.
Trình bày trong đơn phản ánh, bà X. cho biết, ngày 12/6 có 6 thanh niên lạ đi ô tô đến nhà bà ở số 3/4 Khởi Nghĩa Bắc Sơn (P.10, TP.Đà Lạt), tự ý phá khóa, xông vào căn nhà bà đang sử dụng từ nhiều năm nay, đuổi người coi nhà cho gia đình bà X. đi và chiếm giữ trong nhiều ngày.
Vụ việc sau đó được báo lên Công an P.10, UBND P.10. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND P.10 lập đoàn kiểm tra, yêu cầu nhóm người lạ mặt đến từ TP.HCM khai báo y tế và rời khỏi địa phương để phòng dịch Covid-19.
Đến tối 12/6, Công an P.10 lập biên bản xử lý một số trường hợp không đăng ký thông tin tạm trú tại nhà bà X.
Tuy nhiên, suốt nhiều ngày sau đó, nhóm người lạ này vẫn tự do ra vào nhà 3/4 Khởi Nghĩa Bắc Sơn; còn người của gia đình bà X. không thể vào nhà vì nhóm người lạ thay hết ổ khóa cửa và cổng nhà. Theo UBND P.10, qua các hồ sơ cung cấp, bà X. đã chứng minh được phần đất và nhà ở thuộc quyền sử dụng của bà…
Chính quyền ở đâu? Đó là câu hỏi của nhiều độc giả sau khi biết về sự việc.
Một số bạn đọc đã để lại ý kiến của mình như: “Khi vụ việc xảy ra thì chính quyền đã xử lý ra sao trong 20 ngày đó? Giả dụ nhóm người lạ này muốn thực hiện các hành vi phạm tội thì 20 ngày là quá lý tưởng để hoàn thành”.
“Chính quyền xử lý quá chậm chạp, thiếu quyết liệt, sao không bắt ngay những người này, điều tra hành vi phá hoại tài sản công dân?”.
“Đọc xong thấy có gì đó sai sai. Chiếm nhà người khác ở đến 20 ngày, cơ quan chức năng mới giải quyết. Sao không bắt ngay vì xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp?” “Có gì khuất tất ở đây không, cơ quan cấp trên cần phải vào cuộc điều tra làm rõ”.
Vietnam Airlines nhận 2.000 tỷ đồng “cấp cứu” đầu tiên trong gói 4.000 tỷ
vneconomy – Vietnam Airlines và SeABank vừa ký kết hợp đồng tín dụng cho vay tái cấp vốn, bổ sung vốn lưu động cho hãng hàng không quốc gia. Gói vay ưu đãi có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng, được giải ngân một phần vào đầu tháng 7 này…
Theo tin từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Vietnam Airlines vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, phát triển trong nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, bên cạnh việc ký thỏa thuận hợp tác, Vietnam Airlines và SeABank cũng ký kết hợp đồng tín dụng cho vay tái cấp vốn, nhằm bổ sung vốn lưu động, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Gói vay ưu đãi có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng, sẽ được SeABank giải ngân một phần vào đầu tháng 7 này.
Do ảnh hưởng của dịch, các hãng hàng không Việt đều đang cạn dần nguồn lực về tài chính, tiến tới nguy cơ mất khả năng thanh toán. Dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.
Để gỡ “bom nợ” cho Vietnam Airlines, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng cho biết, đã có 3 tổ chức tín dụng là SeaBank, MSB và SHB cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay, với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Thu giữ gần 100 xe thuộc đường dây tiêu thụ ôtô trộm cắp, cầm cố ‘siêu khủng’
nld – Chiều 4/7, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đơn vị vừa triệt phá đường dây trộm cắp và tiêu thụ ôtô cực lớn, hiện thu giữ gần 100 xe các loại.
Vào cuối tháng 5-2021, cơ quan công an nhận tin của anh Nguyễn Đình T. (trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trình báo bị mất một chiếc ôtô hiệu Toyota Innova màu đồng, mang BKS 30E -588.13 tại bãi gửi xe trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Qua trích xuất dữ liệu, tổ công tác xác định nghi phạm đã di chuyển chiếc xe trên sang địa bàn các quận Long Biên, huyện Gia Lâm và cuối cùng định vị bị mất tại thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Sau hơn một tháng truy vết, Công an quận Cầu Giấy xác định nhóm nghi phạm tiêu thụ tài sản trộm cắp gồm Nguyễn Thành Công (32 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) với vai trò là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và 2 đồng phạm Nguyễn Hữu Tú (28 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội), Nguyễn Hữu Trung (27 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội).
Theo cơ quan công an, Trung và Tú là người trực tiếp lái ôtô Toyota Innova màu đồng đến tháo định vị tại gara ôtô Minh Quyết ở thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Qua điều tra, đội trinh sát xác định thêm gara ôtô Thành Công chuyên mua bán, cầm cố ôtô nợ ngân hàng, cầm cố ôtô cho thuê, tự lái, ôtô không giấy tờ tại khu đô thị mới Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Quy luật hoạt động của nhóm tội phạm này là khi có khách cần cầm cố tài sản, Công sẽ nghe điện thoại và thỏa thuận.
Sau đó, Công chỉ đạo Trung và Tú ra gặp khách và định giá tài sản cầm cố và báo về cho Công. Cả hai sẽ viết giấy nhận cọc tiền (giấy cho vay) cho khách. Công sẽ là người chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do khách yêu cầu.
Khi chuyển tiền xong, Trung và Tú sẽ lái xe đi tháo định vị ở các gara và đưa về kho cất. Tùy theo giá trị tài sản cầm cố mà Công sẽ bắt khách hàng trả lãi trung bình 4.000-5.000 đồng/triệu/ngày.
Đến thời hạn, khách không đến lấy xe thì Công sẽ thanh lý chiếc xe cầm cố bằng đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch. Bước đầu, công an xác định trong 12 địa điểm mà nhóm này cất giữ thì có 73 xe ôtô do Công, Trung, Tú cho vay, cầm cố tài sản.
Hiện số ôtô trên đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra vụ án.
Cần giấy tờ gì khi nhập hộ khẩu theo quy định mới, từ 1/7?
Để được đăng ký thường trú ở Hà Nội và TP HCM công dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình hoặc được người khác cho “trú” nhờ.
Đây là điểm mới trong Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7. Nếu như trước kia người dân muốn nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương như TP HCM và nội thành Hà Nội cần có những điều kiện riêng thì nay việc nhập khẩu vào các tỉnh, thành là như nhau.
Theo điều 20 Luật Cư trú, để nhập khẩu vào Hà Nội, TP.HCM hoặc các thành phố trực thuộc trung ương khác, công dân cần có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại đó. Nghĩa là người mua nhà ở quận huyện nào, có sổ đỏ mang tên mình sẽ được đăng ký thường trú tại nơi đó.
Trong trường hợp người dân có chỗ ở hợp pháp nhưng không thuộc quyền sở hữu của mình mà lại muốn nhập khẩu Hà Nội cần phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau: vợ, chồng về ở với nhau; con về ở với cha, mẹ hoặc ngược lại; người cao tuổi về ở với anh, chị, em, cháu ruột; người khuyết tật nặng, không có khả năng lao động hoặc bị bệnh tâm thần về ở với người thân ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Ngoài ra, công dân còn được đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội, TP HCM khi đáp ứng các điều kiện như: được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm đó và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Một điều kiện nữa là người dân có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở; cơ sở trợ giúp xã hội…
Thủ tục nhập hộ khẩu ở Hà Nội, TP HCM
Hồ sơ chuẩn bị:
– Với trường hợp công dân sở hữu nhà tại Hà Nội, TP HCM: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp. Thủ tục này đã đơn giản và rút gọn so với trước.
– Trường hợp về ở với người thân: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp; giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú; giấy tờ chứng minh các điều kiện về người khuyết tật, tâm thần (nếu thuộc trường hợp này).
– Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp; hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định; giấy tờ chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
Thủ tục đăng ký thường trú:
– Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đến cơ quan công an nơi mình cư trú.
– Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
– Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mức lệ phí đăng ký cư trú ở Hà Nội, TP HCM từ 10.000 đến 25.000 đồng.