Tin Trong Nước – 5/4/22
Cách chức giám đốc Học viện Quân y liên quan vụ án Việt Á; Thêm em gái cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt
Cách chức giám đốc Học viện Quân y liên quan vụ án Việt Á
VnExpress – Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, tại cuộc họp ngày 5/4. Trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y, bị Ban Bí thư cách chức tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
Tương tự thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Quân y cũng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025
Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, bị cảnh cáo.
Sai phạm của ông Quyết, ông Lương và lãnh đạo Học viện Quân y liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm phòng, chống dịch. Các sai phạm này có liên quan đến vụ án của công ty Việt Á.
Thêm em gái cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt
VnExpress – Bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, bị bắt với cáo buộc giúp sức anh trai thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.
Ngày 5/4, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, bà Nga, em gái cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán. C01 xác định, bà Nga có vai trò đồng phạm, giúp sức cho anh trai là ông Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Bà Nga, 43 tuổi, hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS. Ông Quyết từng là Chủ tịch HĐQT của công ty này. Theo báo cáo quản trị năm 2021, ông Quyết là cổ đông liên quan tới người nội bộ và sở hữu 3,156 triệu cổ phiếu ART của chứng khoán BOS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,2% vốn.
Một ngày trước, em gái khác của ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, đã bị khởi tố, bắt tạm giam cùng về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo C01, việc làm của những người này gây thiệt hại nghiêm trọng cho
nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt
Nam, (chi tiết).
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 5,3%
VnExpress – Ngân hàng Thế giới ngày 5/4 đã dự báo kinh tế Việt Nam trong 2022 sẽ tăng trưởng 5,3. Dự báo này thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021.
Ngân hàng Thế giới liên tục giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam là vì những khó khăn mà nền kinh tế phải đối phó trước các ca nhiễm tăng cao và khả năng dễ bị tổn thương từ các cú sốc bên ngoài do độ mở kinh tế lớn.
Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng phục hồi từng bước khi lòng tin người tiêu dùng khôi phục và lượng khách quốc tế dần trở lại vào giữa năm nay. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc chững lại.
Dù vậy, Ngân hàng Thế giới cho biết, những triển vọng trên vẫn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Bởi các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại cùng với cú sốc tỷ giá thương mại, các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga–Ukraine. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng Covid-19 mới.
Hiểu Minh | DKN
Em gái ông Trịnh Văn Quyết bị bắt; 400 nhân viên y tế TP.HCM xin nghỉ việc
Hiểu Minh | DKN
Em gái ông Trịnh Văn Quyết bị bắt
Bocongan – Ngày 4 tháng Tư, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra C01 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC.
Bà Huế bị bắt với cáo buộc giúp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC thao túng thị trường chứng khoán.
Trước đó ngày 29/3, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, công an tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với những người liên quan.
Theo Bộ Công an, hành vi của ông Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán” được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Công an đã từng áp dụng việc tạm hoãn xuất cảnh một tháng đối
với ông Quyết để phục vụ điều tra. Quyết định được cơ quan điều tra ban
hành từ ngày 26/3.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/1, ông Quyết đã vi phạm việc bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin, nhiều nhà đầu tư và báo chí phản ánh vấn đề này đến cơ quan nhà nước.
400 nhân viên y tế TP.HCM xin nghỉ việc
Laodong – Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành y tế thành phố có 400 nhân viên xin nghỉ việc.
Thông tin trên được bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết tại buổi họp báo chiều tối ngày 4/4.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, mỗi năm, các cơ sở y tế công lập ghi nhận nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì nhiều lý do như: Nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp và thu nhập chưa được như mong đợi.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn thu nhập của nhiều bệnh viện và cơ sở y tế bị sụt giảm nhiều nên ảnh hưởng đến các nhân viên y tế, dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc là không tránh khỏi.
Mưa lũ trái mùa, miền Trung thiệt hại 2.300 tỉ đồng
Thanh Niên – Chiều 4/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Theo báo cáo, từ đêm 30/3 – 2/4, có mưa to đến rất to ở 9 tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Đây là đợt mưa lớn kỷ lục trong 60 năm qua ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên gây ngập ở nhiều nơi, làm 3 người chết (Phú Yên 1 người, Quảng Nam 1 người, Quảng Trị 1 người) và 1 người ở Phú Yên đang mất tích, khiến 88.000 ha lúa, hơn 16.000 ha hoa màu gãy đổ, ngập lụt, hư hỏng, làm chìm 262 tàu, thuyền tại nơi neo đậu; 2.543 lồng bè nuôi tôm hùm hư hỏng; 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Ước tính, tổng thiệt hại kinh tế lên tới 2.300 tỉ đồng.
Chi nhánh Thái Lan của VietJet ‘xin lỗi vì trò đùa xúc phạm Quốc Vương’
Reuters – Ông Woranate Laprabang, CEO của hàng không Thai Vietjet vừa phải xin lỗi vì ‘quảng cáo đùa ngày 1 tháng Tư’ bị tố cáo đã ‘xúc phạm’ Quốc vương Thái Lan.
Theo bản tin hôm 4 tháng Tư của Reuters, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang xem xét có mở cuộc điều tra hình sự theo luật cấm xúc phạm chế độ quân chủ nước này hay không. Luật này có thể ra án tới 15 năm tù cho người bị kết tội.
Trang The Diplomat cùng ngày có bài nói công ty hàng không từ Việt Nam, “phải xin lỗi vì đùa nhạo Vua của Thái Lan.
Theo BBC News Thai ở London, trong bài đăng hôm thứ Hai (04/04), tài
khoản Twitter của Thai Vietjet hôm 01/04 đã đăng nội dung nói “hãng hàng
không này sẽ mở đường bay nối tỉnh Nan (Thái Lan) với Munich (Đức).
Tweet này của Thai VietJet bị phản đối mạnh và ngày hôm sau đã bị công ty xóa đi.
Dù đoạn nhắn trên Twitter không nói gì đến vua Maha Vajiralongkorn, 69 tuổi nhưng người Thái Lan hiểu đây là một cách nói ẩn dụ vì vua ̀Thái Lan hay sống ở Bavaria với Hoàng quý phi Sineenat Wongvajiraphakdi, người có quê ở tỉnh Nan. Munich là thủ phủ của bang Bavaria, Đức.
Năm 2019, vua Thái Lan phong cho bà Sineenat tước Hoàng quý phi sau lễ đăng quang của ông. Ngoài ra, Thái Lan có Hoàng hậu Suthida, người được vua cưới trước đó, cũng trong năm 2019.
Ông Woranate Laprabang, phải lên tiếng xin lỗi, nhân danh Thai VietJet trước cơn giận của phái bảo hoàng, thể hiện trên mạng xã hội.
Dù có gắn hashtag ‘Cá tháng Tư’ (#aprilfoolsday), nhưng dòng tweet bị phái bảo hoàng Thái Lan coi là đã “cười nhạo nhà vua, theo trang Khaosod trích một bình luận trên mạng xã hội.
Một người khác đòi trừng trị hãng hàng không này: “Nếu có luật chống ại hãng hàng không này, tôi sẽ ủng hộ ngay. Đừng để họ kiếm lời từ người dân Thái Lan”, trang The Diplomat đưa tin.
Theo ông Woranate Laprabang, các nhân viên chịu trách nhiệm cho câu tweet đã bị tạm ngưng làm việc để điều tra, và ban lãnh đạo công ty không biết về chuyện nó xảy ra.
Biển Đông có thể đón 2 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; Học sinh lớp 1-6 ở Hà Nội trở lại trường
Hiểu Minh | DKN
Biển Đông có thể đón 2 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới
Tuoitre – Khoảng từ ngày 7 đến 8/4, có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía đông Philippines đi vào Biển Đông.
Thông tin được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nêu trong công văn gửi các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện sớm so với quy luật.
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định trong khoảng nửa đầu tháng 4, có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực giữa và nam Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ hôm nay đến 6/4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và phía Đông Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ lên mức báo động 1 và trên báo động 1.
Do đó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực miền Trung.
Đồng thời thông tin kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Học sinh lớp 1-6 ở Hà Nội trở lại trường
VnExpress – Gần một triệu học sinh lớp 1-6 ở 30 quận, huyện của Hà Nội học trực tiếp từ 6/4.
Ngày 4/4, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định trên theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, học sinh lớp 1-6 học trực tiếp, có thể học hai buổi trên ngày và ăn bán trú, tùy theo kế hoạch của trường và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.
Tại Hà Nội, 660.000 học sinh lớp 7-12 đã trở lại trường học trực tiếp từ 8/2, trong đó lớp 9 ở 18 huyện, thị ngoại thành học trực tiếp từ tháng 11/2021. Các em đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19.
4 công nhân bị ngạt khí dưới hố thu gom nước thải
Zing – Khoảng 15h ngày 4/4, nhóm công nhân thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long làm công tác sửa chữa tại hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ở Công viên Hạ Long, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Trong quá trình thi công, 4 công nhân bị ngạt khí, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Đại diện bệnh viện cho biết các công nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, có 2 người trong tình trạng hôn mê.
Theo vị phó giám đốc, trước khi công nhân xuống thi công, họ đã làm các công tác an toàn như bơm lọc gió, thắt dây an toàn, công nhân đều mang mặt nạ phòng độc.
“Mấy hôm nay thời tiết ở Hạ Long thay đổi thất thường, có khả năng thời tiết lạnh chuyển nóng đột ngột nên sinh ra nhiều khí gas dưới hầm”, vị Phó giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long trao đổi với Zing tại hiện trường.
Đường sắt Việt Nam đề xuất 4.760 tỷ đồng sửa chữa đường hầm, bán kính cong
Báo VietnamPlus đưa tin, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gửi đề xuất ngân sách 4.760 tỷ đồng lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để sửa chữa hạ tầng đường sắt trong tháng 3 vừa qua. Trong khi năm 2021, VNR ghi nhận khoản lỗ kinh doanh lên đến 677 tỷ đồng.
Theo VNR, hiện nay mạng lưới đường sắt của Việt Nam còn 28 hầm xuống cấp, thấm dột, trong đó tuyến Hà Nội – TP.HCM có 22 hầm. VNR cho biết việc này đang làm ảnh hưởng đến hoạt động vận hành chạy tàu, có khả năng gây mất an toàn. Số tiền mà VNR đề xuất Bộ GTVT để cải tạo, sửa chữa các hầm, bán kính cong là 4.760 tỷ đồng.
Mặt khác, VNR kiến nghị thêm 1.160 tỷ đồng để cải tạo cục bộ bình diện đường cong bán kính nhỏ tại 26 đường cong, thực hiện 6 công trình thay ghi tốc độ cao và xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi tại 14 vị trí.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mong muốn cải tạo, thay thế 87 cầu thiếu an toàn (thuộc đoạn Đà Nẵng-TP.HCM) và tách giao thông đường bộ, đường sắt đối với 3 cầu gồm Lục Nam, Long Đại và Phố Lu. Số tiền cần để thực hiện việc này theo đề nghị của VNR là 1.700 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 6/1, tại cuộc họp triển khai hoạt động kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu đạt 89% trở lên so với cùng kỳ (năm 2021 đạt 6.653 tỷ đồng), tương đương doanh thu năm nay dự kiến đạt 5.921 tỷ đồng trở lên, chưa dự kiến được mức lãi/lỗ. Riêng công ty mẹ của VNR đặt ra kế hoạch kinh doanh giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng so với năm 2021, dự kiến lỗ 580 tỷ đồng trong năm 2022.
Đối với kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu của VNR đạt 6.653 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm (lỗ) 677,6 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ của VNR ghi nhận khoản lỗ năm 2021 lên đến 690,7 tỷ đồng.