Tin Trong Nước – 4/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 4/10/21

Tin sáng 4/10: Biển Đông sắp đón bão số 7; Số ca tử vong do COVID-19 Saigon giảm kỷ lục; Hơn 500 người đi bộ về quê

Ảnh tổng hợp.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Saigon giảm kỷ lục

24h – Theo Bộ Y tế, trong ngày hôm qua (3/10), cả nước ghi nhận 114 ca tử vong, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có 79 ca, Bình Dương có 20 ca. 

Cùng với tốc độ giảm mạnh ca mới nhiễm và ca bệnh diễn tiến nặng, số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày tại TP.HCM đã giảm xuống mức kỷ lục còn 79 trường hợp (kể từ khi đỉnh dịch bùng phát hồi tháng 8/2021).

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ngày 3/10 cho biết, đến nay tình hình điều trị COVID-19 đang có chiều hướng giảm nhanh, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 26.345 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 15.695 người.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.715 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Biển Đông sắp đón bão số 7

Dân Trí – Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết: Sáng 3/10, ở vùng biển phía Đông Nam Philippines, ở khoảng kinh tuyến 130-131 độ kinh Đông, đã hình thành một vùng áp thấp, cách miền Nam Philippines khoảng 500km về phía Đông.

Dự báo khoảng ngày 6-7/10, vùng áp thấp này đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, những ngày sau đó có khả năng mạnh lên thành bão.

“Cũng như các dự báo trước đây, tháng 10 và 11 được dự báo là sẽ có nhiều áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông, đây cũng là thời gian cao điểm của mùa mưa bão năm 2021”, ông Năng cho biết.

Hôm qua (3/10), Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan khuyến cáo có 3 xoáy thuận nhiệt đới khả năng cao hình thành bão từ 6/10. Một xoáy thuận hình thành trong biển Đông và 2 xoáy thuận hình thành ngoài khơi Philippines. Khả năng bão đi vào đất liền Việt Nam không cao nhưng có thể gây mưa lớn từ Quảng Ngãi đến Nghệ An.

Đợt không khí lạnh đầu mùa thu đông năm nay khả năng tác động đến miền Bắc trong các ngày 10-11/10. Tuần tới, Biển Đông cũng có thể hứng bão.

Thông tin trên được ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cung cấp cho báo chí vào chiều ngày 3/10.

Cơ quan khí tượng cũng nhận định miền Bắc có thể trải qua mùa đông năm nay lạnh hơn so với năm 2020. Rét đậm, rét hại được dự báo xuất hiện sớm trước ngày 25/12. Đến tháng 1/2022, khu vực khả năng hứng chịu 4-5 đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài 4-6 ngày.

Bệnh viện Việt Đức bị phạt 14 triệu vì không báo ca COVID-19

Tuoitre – Tối 3/10, chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Phạm Tuấn Long đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (địa chỉ phố Tràng Thi, phường Hàng Bông) 14 triệu đồng.

Lý do là Bệnh viện Việt Đức đã vi phạm hành chính vì không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Quận Hoàn Kiếm đánh giá, hành vi vi phạm trên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là vi phạm hành chính có quy mô lớn, tính chất phức tạp.

Đến 18h chiều 3/10, liên quan Bệnh viện Việt Đức đã có 33 ca COVID-19, trong đó riêng Hà Nội phát hiện 26 ca, 7 ca còn lại phát hiện tại Nam Định (3 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên, Hải Dương mỗi tỉnh 1 ca.

Hơn 500 người đi bộ về quê

Thanhnien – Chiều 3/10, tại khu vực chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên đường tỉnh 741 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước), nơi giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước có khoảng 300 người dân đi bộ về quê đang ngồi chờ để được hỗ trợ lên xe, chở qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Phần lớn người dân đi bộ về quê đều là công nhân, lao động tự do đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Trong dòng người đi bộ, không chỉ có người tìm về các tỉnh Tây nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai… mà còn có nhiều trường hợp tìm về các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lai Châu.

Khi phát hiện lượng người dân đi bộ về quê với số lượng khá đông, lực lượng phản ứng nhanh H.Phú Giáo (Bình Dương) đã sử dụng các xe bán tải, xe bus hỗ trợ, đưa người dân đang đi bộ trên đường đến khu vực chốt kiểm soát giáp ranh giữa Bình Dương và Bình Phước để bàn giao cho cơ quan chức năng hỗ trợ.

Một nữ công nhân ngụ tỉnh Đắk Lắk cùng chia sẻ: “Phải về quê thôi, vì không có tiền ăn, không có tiền trọ. Cùng về đợt này có người đi một mình, có người 2 mẹ con, nhưng có người đi cả gia đình”.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-4-10-bien-dong-sap-don-bao-so-7-so-ca-tu-vong-do-covid-19-tp-hcm-giam-ky-luc-hon-500-nguoi-di-bo-ve-que.html

Tối 4/10: Saigon đồng ý khôi phục đường bay nội địa; Đại biểu Quốc hội ‘Kinh tế TP.HCM đứng trước tình huống chưa từng có’

Ảnh tổng hợp.

Hà Tĩnh cho phép đón công dân tại các tỉnh phía nam về quê có thu phí

Thanhnien – Ngày 4/10, thông tin từ Văn phòng uỷ ban tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này vừa có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Du lịch Hà Tĩnh triển khai dịch vụ đón công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê bằng máy bay.

Theo đó, người được đón về quê phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 (liều cuối tiêm trong ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm về quê), hoặc từng nhiễm COVID-19 (có giấy chứng nhận dương tính bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR không quá 6 tháng) và học sinh mắc kẹt tại các tỉnh thành phía nam.

Trước khi lên máy bay phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 tiếng.

Công dân muốn về quê thì đăng ký trực tuyến qua các kênh của công ty và phải chi trả kinh phí 6,5 triệu đồng/người (bao gồm tiền vé máy bay, phí xét nghiệm COVID-19, phí cách ly 14 ngày tại khách sạn công ty bố trí). Dự kiến chuyến bay đầu tiên khởi hành ngày 15/10. Sau chuyến này, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh sẽ đánh giá mức độ an toàn rồi mới quyết định cho doanh nghiệp tiếp tục tổ chức lượt đón tiếp theo.

Saigon đồng ý khôi phục đường bay nội địa

Zing – UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn phản hồi về kế hoạch khôi phục đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam.

Cục lên kế hoạch khôi phục 18 chặng bay đến sân bay Tân Sơn Nhất với tổng số 132 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. Chặng TP.HCM – Hà Nội sẽ có 28 chuyến mỗi ngày, chặng TP.HCM – Đà Nẵng có 14 chuyến mỗi ngày. Thời gian triển khai bắt đầu từ 5/10.

UBND TP.HCM cũng cho biết tần suất khai thác các chuyến bay đi/đến TP.HCM sẽ được triển khai theo lộ trình 4 giai đoạn mà Bộ GTVT đã nêu tại Quyết định 1740 ban hành ngày 30/9. Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày đầu), tần suất trên từng đường bay của các hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu của tháng 4/2021. Hành khách phải ngồi giãn cách trên máy bay.

Lên phương án chạy tàu khách Hà Nội – Saigon từ 7/10

Dân Trí – Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên từ ngày 25/8 ngành đường sắt dừng tổ chức chạy tàu khách thường xuyên trên tuyến Bắc – Nam, chỉ tổ chức chạy các đoàn tàu hàng. Ngành đường sắt chỉ tổ chức chạy tàu khách chuyên biệt theo yêu cầu của các địa phương và khi được các cơ quan chức năng cho phép.

Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản xin ý kiến các địa phương để thống nhất kế hoạch chạy tàu khách trên các tuyến từ ngày 7/10, chuyến đầu tiên dự kiến khai thác là Hà Nội – TPHCM, đôi tàu SE7/SE8.

Đại biểu Quốc hội ‘Kinh tế TP.HCM đứng trước tình huống chưa từng có’

Cafef – Tại buổi đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp hôm 2/10 vừa qua, Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế.  

Phó Chủ tịch TP.HCM nêu rõ, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế TP.HCM đang đứng trước tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP 9 tháng đầu năm giảm rất mạnh. Đặc biệt, các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0. 

Theo ông Hoan, thu ngân sách thành phố năm nay có khả năng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Hoan dẫn chứng, bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP.HCM thu khoảng 1.800 tỷ nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu chỉ đạt 700 tỷ, và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ đồng. Đây là mức giảm sâu hơn 50% so với bình thường.

Nguyên nhân xuất phát từ việc, doanh nghiệp không thể sản xuất, không có nguồn thu nên TP không thu được ngân sách. Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn của TP.HCM đến tháng 9 dự kiến sẽ giảm sâu, khoảng âm 5,6%.

Để phục hồi kinh tế, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, không thể hôm nay mở cửa là phục hồi ngay, mà cần thời gian 6 tháng đến một năm để trở lại trạng thái bình thường.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM tăng trưởng âm là điều chưa từng có, cả nước cũng có tăng trưởng thấp nhất trong những năm vừa qua. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%. Doanh nghiệp duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, chỉ 15% doanh nghiệp còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng. Đồng thời, khi các công ty, doanh nghiệp không hoạt động, người lao động không có việc làm, dẫn tới thu nhập không còn.

Ông Thiện Nhân nhìn nhận, kinh tế xã hội TP.HCM đang đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển.  

Ông lưu ý, cần hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì dòng tiền tệ để hoạt động, giữ chân, hỗ trợ người lao động, người dân. Khi người dân, người lao động có tiền thì mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng. 

Theo ông Nhân, hiện nay, Chính phủ đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp,… Tuy nhiên, con số hỗ trợ này vẫn chưa đủ nhu cầu thực tế.

Ông lấy dẫn chứng khi nghiên cứu, qua tìm hiểu ở 14 quốc gia trên thế giới, nhiều nước chi hỗ trợ rất lớn, họ dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó, chia làm 3 nhóm, đối với nhóm 5 nước phát triển ở châu Âu có nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế, nhóm 4 nước phát triển ngoài châu Âu có nợ công tăng gần 19%, và 5 nước ở châu Á tăng trưởng chung giảm 9%, nợ công tăng 12,8%.

Người dân vật vã ngủ lề đường ở Bình Dương chờ qua chốt

Thanhnien – Hàng trăm người dân tộc thiểu số Gia Rai, Ê đê, Ba Na và nhiều trẻ em… từ Đồng Nai về các tỉnh Tây Nguyên đã nằm ở lề đường, vỉa hè ở H.Phú Giáo (Bình Dương) để chờ qua chốt Bình Phước về quê.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 4/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã tổ chức dẫn và hộ tống đoàn người khoảng trên 2.000 người từ các tỉnh Đông Nam bộ về quê ở các tỉnh Tây Nguyên ở đoạn giáp ranh Bình Dương, Bình Phước.

Chị H’blan (34 tuổi, người dân tộc Gia Rai, ngụ Gia Lai) mang theo con nhỏ 3 tháng tuổi về quê, cho biết gia đình chị đi từ 20 giờ (ngày 3.10) từ Đồng Nai để về Gia Lai.

Khi đến chốt kiểm soát Tân Lập (xã Tân Lập, H.Đồng Phú, Bình Phước) thì đã 23 giờ khuya nên không được qua chốt mà phải chờ đến sáng 8.10 mới có lực lượng chức năng hộ tống dẫn đoàn đi qua địa phận tỉnh Bình Phước.

Trong thời gian chờ đợi, gia đình chị H’blan cùng hàng chục người khác có con nhỏ từ 1-9 tuổi đã phải nghỉ tạm ở bên lề đường gần chốt kiểm soát chờ đủ số người để lực lượng chức năng hộ tống qua chốt.

Chị H’blan cho biết cả gia đình chỉ còn 90.000 đồng trong túi để dành đổ xăng dọc đường về quê nhưng trước khi về phải đi test COVID-19 để lấy giấy đi đường hết 280.000 đồng/người (trẻ em không phải test).

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, tại thời điểm khoảng 0 giờ ngày 4/10, có gần 1.000 người về quê các tỉnh Tây Nguyên đã nghỉ lại qua đêm ở vỉa hè, lề đường, trước cửa nhà dân và bãi đỗ xe của một trạm xăng dầu ở xã An Bình (H.Phú Giáo, Bình Dương).

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-4-10-tp-hcm-dong-y-khoi-phuc-duong-bay-noi-dia-dai-bieu-quoc-hoi-kinh-te-tp-hcm-dung-truoc-tinh-huong-chua-tung-co.html