Tin Trong Nước – 4/3/22
Nhiều cán bộ Học viện Quân y có vi phạm liên quan kit xét nghiệm Việt Á
VnExpress – Chính ủy, Giám đốc Học viện Quân y cùng nhiều cán bộ khác có vi phạm liên quan vụ kit xét nghiệm Việt Á, đến mức phải xem xét kỷ luật, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại kỳ họp thứ 12 (từ ngày 2 đến 4/3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025.
Theo đó, cơ quan kiểm tra nhận thấy, Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y.
Những vi phạm nêu trên cũng có trách nhiệm của Ban cán sự đảng, một số lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, đang được cơ quan kiểm tra tiếp tục làm rõ.
Việt Nam không còn đánh số thứ tự F0
Tuoitre
– Số ca COVID-19 mới liên tục tăng cao những ngày gần đây, ngày 3/3 với
gần 119.000 ca là cao nhất từ trước đến nay. Trước đây các ca mắc gửi
lên Hệ thống quản lý ca bệnh COVID-19 quốc gia đều được đánh số. Vậy với
hơn 100.000/ngày như hiện nay thì các F0 có còn được đánh số thứ tự?
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay khi thực hiện chiến lược “zero COVID”
trước đây, việc đánh số thứ tự là rất cần thiết cho hoạt động truy vết,
tìm kiếm người tiếp xúc gần với người mắc để thực hiện các biện pháp
ngăn chặn nguồn lây.
Hiện nay thực hiện thích ứng an toàn với dịch và quản lý rủi ro, số
lượng ca nhiễm là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch. Khi công bố cấp
độ dịch thì yếu tố số lượng ca nhiễm là chỉ số cần thiết, nhưng là
thống kê số lượng và không còn đánh số thứ tự F0.
Nguồn tin kể trên cũng cho hay, thế giới đã ghi nhận dòng biến thể
phụ của chủng virus Omicron – chủng BA.2. Thời điểm cuối năm 2021 khi
Omicron xuất hiện đã chiếm ưu thế nhanh chóng, nhưng hiện BA.2 mới là
chủng chiếm ưu thế hơn.
Chủng này lây lan mạnh hơn Omicron thông thường khoảng 30%. Tương tự,
nhiều quốc gia trên thế giới, BA.2 cũng đã xuất hiện tại Việt Nam và
liên quan tới tình trạng gia tăng nhanh số ca bệnh thời gian gần đây.
Kon Tum: Điều chỉnh giá test nhanh COVID-19 không quá 78.000 đồng
Thanhnien
– Ngày 4/3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết đã yêu cầu các đơn vị trực
thuộc, cơ sở y tế tư nhân thu phí test nhanh COVID-19 không quá 78.000
đồng/lần test.
Trước đó, trong năm 2021, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã mua 16 loại kit
test với giá dao động từ 72.000 – 198.000 đồng/kit test. Tuy nhiên trong
thời gian từ 1/7 – 9/11/2021, các đơn vị thực hiện xét nghiệm đã thu
phí của người sử dụng với số tiền 238.000 đồng/lần test. Tổng số tiền
chênh lệch là hơn 5,6 tỷ đồng.
Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh này chỉ đạo các đơn
vị trực thuộc phải hoàn trả chi phí chênh lệch giá dịch vụ test nhanh
COVID-19 cho người dân đã xét nghiệm trong khoảng thời gian từ ngày 1/7
đến ngày 9/11/2021.
Việt Nam chiếm hơn 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu
VTV
– Trang tin chuyên về ngành da giày của Đức Schoez.biz ngày 2/3 cho
biết, trong khi tỷ trọng xuất khẩu giày dép toàn cầu của Trung Quốc giảm
12 điểm phần trăm trong thập niên qua, từ 73,1% năm 2011 xuống 61,1%
năm 2020, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2%. Tổng cộng, Việt
Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020. Số liệu này vừa
được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS công bố trong Niên giám Da
giày thế giới năm 2021.
Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu là Trung Quốc với tổng số 7,4 tỷ
đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị
trí thứ ba, với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% thị phần giày
xuất khẩu toàn cầu, tiếp đến là Đức với 2,5% và Thổ Nhĩ Kỳ 2,3%.
Đức đã vượt qua Bỉ và Italy để trở thành nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua.
Châu Á vẫn là nơi xuất khẩu của hầu hết số giày dép xuất khẩu trên
thế giới trong năm 2020, song tỷ trọng trong tổng số toàn cầu đã giảm
dần trong thập kỷ qua và năm 2020 không phải là ngoại lệ. Châu Âu là
châu lục duy nhất đã tăng tỷ trọng xuất khẩu của thế giới lên gần 4% kể
từ năm 2011.
Đối với thị trường tiêu thụ, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất với 3,9 tỷ đôi giày, tiếp đến là Ấn Độ 2 tỷ đôi, Mỹ 1,8 tỷ đôi, Indonesia 821 triệu đôi, Brazil 3,6%,… và Đức 2%.
Huệ Liên