Tin Trong Nước – 30/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 30/1/22

15 người chết vì tai nạn giao thông ngày 28 Tết

VnExpress
– Cục Cảnh sát giao thông cho hay, hôm nay (30/1), lực lượng chức năng
đã kiểm tra, xử lý 7.108 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ; phạt
tiền hơn 8 tỷ đồng; tạm giữ 26 xe ôtô, 691 xe máy; tước 539 giấy phép
lái xe các loại. Trong đó, xử lý 301 trường hợp vi phạm nồng độ cồn;
phát hiện 1.134 trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát.

Trong ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán (29/1), cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông khiến 13 người chết, 15 người bị thương.

Năm 2021, cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ.

Ảnh tổng hợp.

Quảng Ngãi: Tắm biển, 2 nam sinh bị sóng lớn cuốn trôi

Thanh Niên
– Trưa 30/1 (28 tết), ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.Phổ
Vinh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết vẫn chưa tìm thấy 2 nam sinh bị
sóng cuốn trôi khi tắm biển.

Trước đó, vào chiều 29/1, hai em H.N.T.H. (16 tuổi) và H.V.P. L (17
tuổi, là con chú bác ruột, cùng ở Phổ Vinh) rủ nhau đến tắm tại bãi biển
Nam Phước, P.Phổ Vinh.

Trong khi bơi, 2 em bị sóng lớn cuốn trôi ra xa bờ. Hơn 50 người tham gia cứu nạn và bủa lưới rà tìm nhưng vẫn chưa thấy hai em.

Vingroup lần đầu tiên báo lỗ, vì sao?

Sputniknews
– Tập đoàn Vingroup (viết tắt là VIC) của ông Phạm Nhật Vượng vừa công
bố Báo cáo tài chính quý IV/2021. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất
Việt Nam vừa có một quý kinh doanh khó khăn, khi doanh thu sụt giảm và
lần đầu chịu lỗ ròng sau thuế. 

Theo đó, trừ đi chi phí thuế thu nhập hiện hành, tổng lỗ sau thuế của
Vingroup và các công ty con hợp nhất là 9.249 tỷ, tương đương giảm ròng
gần 11.000 tỷ so với lợi nhuận của quý IV năm 2020.

Đây là khoản lỗ đầu tiên của Vingroup trong một quý kinh doanh. Khoản
lỗ nặng nề trong quý IV đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận tích
lũy được của tập đoàn, dẫn tới khoản lỗ ròng của cả năm 2021. Đây cũng
là năm đầu tiên Vingroup chịu thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài
chính kinh doanh năm 2006.

Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vingroup là gì?

Lãnh đạo Vingroup cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới khoản thua lỗ
trên là do hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng, vui
chơi giải trí trong năm 2021 bị ảnh hưởng nặng bởi các đợt giãn cách xã
hội kéo dài.

Trong khi đó, công ty con của Vingroup là Vincom Retail mở rộng gói
hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng cũng khiến doanh thu
bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, trong năm, Vingroup đã chi 6.099 tỷ đồng để tài trợ phòng chống dịch covid-19. 

Ngoài ra, việc Vingroup quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm
2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện cũng khiến tập đoàn phải ghi
nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến
không sử dụng và khoản phí phải trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp
đồng.

Việt Nam bơm tiền cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Sputniknews
– Chiều 28/1, bên lề buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(PVN) đã họp và đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ tài chính nhằm giúp
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục hoạt động.

Ông Hải cho rằng những giải pháp được ban hành sẽ phần nào giải quyết
các vấn đề của Nghi Sơn. Trước đó như đã đưa tin, nhà máy này từng dự
kiến phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 2 do khó khăn tài chính.

Theo thông báo do PVN đưa ra, tập đoàn đã đàm phán và đạt được thoả
thuận với các đối tác nước ngoài gồm Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait
(KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui
Nhật Bản (MCI). Các bên sẽ hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho Lọc dầu Nghi
Sơn bằng cách gia hạn cơ chế RPA.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đồng ý thanh toán sớm
(thực hiện Early Payment) hợp đồng FPOA, tạo điều kiện cho Lọc dầu Nghi
Sơn cải thiện dòng tiền, tiếp tục sản xuất trong giai đoạn hoàn thiện
phương án tái cấu trúc.

Theo đó, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ có nguồn kinh phí để tiếp tục hoạt động trong thời gian tới.

Dù vậy, theo một chuyên gia mảng xăng dầu, công suất nhà máy chưa thể
ngay lập tức trở về mức 100%, sau một thời gian ngắn cắt giảm 25%. Việc
giải ngân và nhập dầu thô cũng mất một thời gian để hoàn thành. 

Là nhà máy cung cấp khoảng 35% thị phần, việc Lọc dầu Nghi Sơn giảm
công suất do khó khăn tài chính đã gây ra lo ngại về nguy cơ đứt đoạn
nguồn cung xăng dầu thị trường trong nước.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD, đặt tại Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. So với nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nhà máy Nghi Sơn có công suất gấp đôi. Nhà máy đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-30-1-15-nguoi-tu-vong-vi-tai-nan-giao-thong-ngay-28-tet.html