Tin Trong Nước – 26/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 26/11/21

Thêm 11.811 ca COVID-19

VnExpress – Các ca nhiễm tại TP.HCM (1.666), Cần Thơ (766), Tây Ninh (754), Bình Dương (696), Đồng Tháp (625), Bà Rịa – Vũng Tàu (586), Đồng Nai (580), Vĩnh Long (482), Bình Thuận (470), Sóc Trăng (425), Bạc Liêu (418), Kiên Giang (369), Bến Tre (300), Trà Vinh (299), Hà Nội (274), Bắc Ninh (241), Cà Mau (224), Hậu Giang (198), Khánh Hòa (183), An Giang (181), Đắk Lắk (152), Bình Phước (145), Hà Giang (144), Vĩnh Phúc (133), Bình Định (133), Nghệ An (132), Thanh Hóa (98), Quảng Nam (97), Đắk Nông (94), Long An (90), Thừa Thiên Huế (82), Hòa Bình (63), Đà Nẵng (60), Tiền Giang (60), Nam Định (56), Quảng Ngãi (50), Ninh Thuận (47), Thái Bình (45), Hải Phòng (36), Quảng Trị (35), Phú Yên (33), Tuyên Quang (29), Gia Lai (29), Phú Thọ (26), Hải Dương (24), Lâm Đồng (24), Hà Nam (24), Quảng Ninh (22), Hà Tĩnh (22), Bắc Giang (20), Cao Bằng (11), Thái Nguyên (8 ), Hưng Yên (8 ), Điện Biên (7), Kon Tum (5), Ninh Bình (5), Lai Châu (1), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1). Trong đó, có 6.578 ca trong cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.155.778 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 460.789 ca, Bình Dương 278.102, Đồng Nai 83.965, Long An 37.644, Tiền Giang 24.116 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 129 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 24.243 ca.

Trong 11.811 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 24/11 có 11.789 ca tại 59 tỉnh thành, tăng 663 ca so với hôm qua; 25.951 người khỏi bệnh; 125 ca tử vong.

Ảnh tổng hợp.

Bắt Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt cùng nhiều thuộc cấp

NLĐ – Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” từ năm 2018 gây thiệt hại tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Ngày 24/11 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 đối tượng là cán bộ, viên chức Bệnh viện Mắt TP.HCM với vai trò đồng phạm gồm: Nguyễn Trí Dũng (SN 1965; trú tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Phan Thị Bích Hạnh (SN 1971, trú tại phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM) Trưởng Phòng Tài chính – Kế toán Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Nguyễn Đỗ Nguyên (SN 1962, trú tại phường 11, Quận 10, TP.HCM) Trưởng Khoa Tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Lương Ngọc Tuấn (SN 1965, trú tại phường 8, quận 5, TP.HCM) Phó trưởng Khoa Khám mắt Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can: Nguyễn Minh Khải, nguyên giám đốc Bệnh viện Mắt; Võ Thị Chinh Nga, nguyên phó giám đốc; Phí Duy Tiến, nguyên phó Giám đốc; Nguyễn Quốc Toản, nguyên trưởng khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương bị bắt

VnExpress – Chiều 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Hà Văn Thuận (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan vụ án này, cuối tháng 7, Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) và 20 bị can khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vụ án liên quan việc quản lý đất 43ha “đất vàng” gần Trung tâm hành chính tỉnh tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3/2) được khởi tố từ tháng 12/2019. Năm 2016, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng, bán 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương gần 600.000 đồng một m2. C03 cho rằng khu “đất vàng” 43 ha đã bị chuyển vào tay tư nhân một cách sai quy định, gây thiệt hại hơn 1.060 tỷ đồng cho Nhà nước.

Cháy kinh hoàng ở Đồng Tháp, 3 mẹ con tử vong

NLĐ – Sáng 24/11, thông tin từ ngành chức năng TP. Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp cho biết vào khoảng 23 giờ ngày 22/11, người dân phát hiện ngọn lửa phát ra tại một tiệm bán hàng tạp hóa tại ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây. Tuy nhiên, do ngọn lửa quá lớn nên bà V.L.T (32 tuổi, chủ tiệm tạp hóa) và 2 con là Đ.H.T (12 tuổi) và Đ.L.T (5 tuổi) đã tử vong.

Vụ cháy cũng khiến ông Đ.P.S. (35 tuổi, chồng bà T.) bị bỏng nặng. Ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân hỏa hoạn.

Đề xuất chưa ‘khai tử’ xe thô sơ, ba bánh

VnExpress – Sở Giao thông Vận tải đề xuất giữ nguyên hoạt động xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3-4 bánh, tức kế hoạch hạn chế, dần “khai tử” loại xe này sau năm 2025 chưa thực hiện.

Nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi Công an TP HCM cùng UBND các quận huyện, TP Thủ Đức, trước việc thành phố đã có kế hoạch điều chỉnh hoạt động, tiến đến chấm dứt hoàn toàn xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3-4 bánh trên địa bàn sau 4 năm tới.

Ngành giao thông thành phố đánh giá nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3-4 bánh là có thật, bởi tính cơ động cao, thuận tiện chở hàng ở các tuyến đường, hẻm nhỏ… Vì vậy việc hạn chế rồi tiến đến chấm dứt hoạt động loại xe này ảnh hưởng nhu cầu, thói quen người sử dụng, nhất là người thu nhập thấp.

Ngoài ra, trước tình hình Covid-19 bùng phát như vừa qua, Sở Giao thông Vận tải cho rằng việc điều chỉnh hoạt động loại xe trên sẽ không nhận được ủng hộ của người đang dùng các phương tiện trên để mưu sinh.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-24-11-chay-tiem-tap-hoa-3-me-con-tu-vong-bat-pho-giam-doc-benh-vien-mat-cung-nhieu-thuoc-cap.html

Ảnh tổng hợp.

Người thứ 3 tử vong sau tiêm vắc-xin ở Thanh Hóa

VnExpress – Ngày 25/11, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, người phụ nữ vừa tử vong 30 tuổi, là công nhân Công ty giày Kim Việt, bị phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Vero Cell.

Chị là người thứ ba tử vong sau tiêm vaccine tại huyện Nông Cống hôm 23/11. Sau khi 400 công nhân Công ty giày Kim Việt được tiêm vắc-xin Vero Cell, cơ quan y tế ghi nhận hơn 30 người xuất hiện triệu chứng bất thường. Trong đó 5 người bị nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ.

Họ được bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống và lực lượng phản ứng nhanh ngành y tế sơ cấp cứu tại chỗ, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cùng nhiều công nhân có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, sáng 24/11, sau nhiều giờ cấp cứu, hai nữ công nhân 29-30 tuổi đã tử vong; người thứ ba tử vong vào chiều cùng ngày.

Theo lãnh đạo huyện Nông Cống, những người có dấu hiệu bất thường sau tiêm đều trong nhóm tuổi 25-30, hầu hết là phụ nữ. Hiện còn 9 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong đó một trường hợp tiên lượng nặng.

Giá xăng bất ngờ giảm mạnh

Dân Trí – Liên Bộ Tài chính – Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15h ngày hôm nay (25/11).

Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 được giảm 750 đồng; Xăng RON 95 giảm 1.090 đồng/lít.

Tương tự, các loại dầu cũng giảm giá nhưng mức giảm thấp hơn, dao động từ 330 đến 440 đồng/lít. Dầu diesel giảm 330 đồng mỗi lít, dầu hỏa giảm 440 đồng/lít còn dầu mazut giảm 350 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có mức giá bán tối đa là 22.910 đồng/lít; RON 95 là 23.900 đồng/lít; dầu diesel 18.380 đồng/lít, dầu hỏa 17.190 đồng/lít; dầu mazut 16.470 đồng/kg.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ Bình ổn giá với xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng mỗi lít, dầu mazut là 500 đồng/kg. Đồng thời, mức chi quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít, không trích lập với mặt hàng này.

Thiếu vốn sau dịch COVID-19, 4 tỉnh thành đề xuất phương án làm đường vành đai 3 TP.HCM

Tuoitre – 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị thiệt hại nặng nề do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đề xuất bố trí ngân sách trung ương để thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Nội dung này đề cập trong báo cáo tổng hợp từ các ý kiến góp ý được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi UBND TP.HCM chuẩn bị báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường vành đai 3.

Đường vành đai 3 là dự án lớn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Đường dài gần 90km, đi qua 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được các địa phương và bộ ngành góp ý. 

Theo kết quả nghiên cứu, đường vành đai 3 giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế kế 100km/h, có thêm hai đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này hơn 177.710 tỷ đồng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 57 tỉnh, thành phố

Zing – Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Lãnh đạo Chính phủ nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại hơn 2.200 xã của 57 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.

Để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lãnh đạo các địa phương cần xử lý các ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-chieu-25-11-nguoi-thu-3-tu-vong-sau-tiem-vac-xin-gia-xang-giam-manh.html

Ảnh tổng hợp.

Thêm 12.450 ca COVID-19

VnExpress – Trong 12.450 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 25/11 có 12.429 ca tại 59 tỉnh thành, tăng 640 ca so với hôm qua.

Từ 17h30 ngày 24/11 đến 17h30 ngày 25/11 ghi nhận 164 ca tử vong TP.HCM 59 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 24.407 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.168.228 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 462.371 ca, Bình Dương 278.780, Đồng Nai 84.508, Long An 37.754, Tiền Giang 24.239 ca.

Dừng tiêm lô vắc-xin Vero Cell sau khi ba người tử vong

Báo Dân Trí đưa tin, ngày 25/11, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Bạch Mai về việc tăng cường cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố tiêm vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc.

Liên quan đến vụ việc trên, theo báo VnExpress chính quyền Thanh Hóa đã dừng tiêm 43.000 liều vắc-xin Vero Cell đang lưu kho tại huyện Nông Cống ngay sau sự cố làm ba nữ công nhân tử vong.

Chiều 25/11, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết trừ lô vaccine liên quan đến ca tử vong, các lô Vero Cell khác và các loại vắc-xin khác vẫn tiêm theo kế hoạch.

Huyện Nông Cống được cấp 53.000 liều vắc-xin Vero Cell vào ngày 18/11 theo kế hoạch tiêm phòng COVID-19, đợt 16/2021. Cùng đợt, huyện nhận hai loại vaccine Moderna và Abdala, quy trình vận chuyển, bảo quản thực hiện theo quy chuẩn, ông Trần Anh Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết.

Ngày 23/11, huyện Nông Cống bắt đầu tiêm, số vắc-xin Vero Cell tiêm trước, hai loại còn lại chưa sử dụng. 13.400 người đã tiêm mũi một vắc-xin Vero Cell theo kế hoạch sẽ được tiêm tiếp mũi hai và 16.500 người độ tuổi 18-49 tiêm mũi một.

Tuy nhiên, khi mới tiêm được khoảng 10.000 liều thì hàng chục nữ công nhân, độ tuổi 25-30, ở Công ty Giày Kim Việt xuất hiện triệu chứng bất thường, trong đó năm người phản ứng phản vệ.

Đến sáng 24/11, hai nữ công nhân tử vong, người thứ ba mất vào chiều cùng ngày. Hiện còn 9 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong đó một trường hợp tiên lượng nặng. Khoảng 60 người triệu chứng nhẹ hơn đang theo dõi tại Bệnh viện huyện Nông Cống, sức khỏe đã ổn định.

Ngày 25/11, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Bạch Mai về việc tăng cường cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố tiêm vắc-xin.

Tổng giám đốc Thuduc House bị bắt vì ‘chiếm đoạt 366 tỷ tiền thuế’

VnExpress – Ngày 25/11, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Thuduc House) cùng nhiều cấp dưới bị bắt với cáo buộc lập hồ sơ hoàn thuế GTGT khống chiếm đoạt gần 366 tỷ đồng.

Hiện, C03 truy nã quốc tế và tổ chức truy bắt Trịnh Tiến Dũng (48 tuổi) – nghi can có vai trò chủ mưu; đồng thời kê biên, phong tỏa, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước.

Theo điều tra, Trịnh Tiến Dũng đã tổ chức cho nhiều người trong nước và nước ngoài sử dụng Chứng minh nhân dân giả thành lập hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam. Tiếp đó, những người này giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu CD Rom chứa phần mềm và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng..) với các công ty ở Mỹ, Hong Kong, Campuchia, Singapore, Malaysia… để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 53,5 triệu USD ra nước ngoài.

Nhóm này còn bị cáo buộc đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất bằng 0%, tạo hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn, móc nối với những người tại Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, họ móc nối với những người tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt gần 366 tỷ đồng tại Cục Thuế TP HCM.

C03 đã bắt tạm giam Nghiêm Nhật Nam (Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam) và Nguyễn Thùy Quyên (Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam).

Trong vụ án này, nhà chức trách đã khởi tố tổng cộng 21 bị can về hàng loạt tội danh như Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Thu Đuc House chuyên đầu tư địa ốc và các lĩnh vực tài chính, xăng dầu… Hồi cuối năm ngoái, doanh nghiệp này bị Cục Thuế TP HCM thu hồi thuế giá trị gia tăng đã hoàn và phạt tiền chậm nộp kỳ 2018 và nửa đầu 2019 với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng. Lúc đó, đại diện Thuduc House cho rằng “không đúng bản chất hoạt động kinh doanh và không đảm bảo tính khách quan với tài liệu, hồ sơ doanh nghiệp cung cấp”.

Một tháng trước, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng và hai Phó tổng của Thuduc House đăng ký bán gần hết cổ phiếu đang nắm giữ tại doanh nghiệp vì “nhu cầu tài chính cá nhân”.

Cháy tiệm tạp hóa, 3 mẹ con tử vong: Người chồng là “thủ phạm”

NLĐ – Sáng 25/11, tin từ Công an TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết đang điều tra về hành vi vô ý làm chết người (cho tại ngoại) của đối tượng Đỗ Phước Sang (35 tuổi) – đối tượng liên quan đến vụ cháy tiệm tạp hóa khiến 3 con tử vong.

Theo lời khai của Sang, chiều 22/11, đối tượng nhậu tại nhà người quen ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc sau đó về nhà anh ruột tiếp tục uống bia với vợ là V.L.T. (32 tuổi). Đến khuya, 2 vợ chồng về tiệm tạp hóa của mình ở xã Tân Quy Tây. Chị T. lên gác ngủ cùng 2 con (5 và 12 tuổi), còn Sang nằm võng dưới nhà.

Do có tật hay đập đồ khi say xỉn, Sang lấy bình gas mini đập xuống sàn nhà. Bình gas nổ, lửa nhanh chóng bén vào các vật dụng và hàng hóa trong tiệm, bùng phát mạnh lên gác.

Sang lấy nước dập lửa để cứu vợ con bị kẹt trên gác nhưng bất thành. Lửa cháy quá lớn, Sang bị bỏng ở chân nên chạy ra ngoài kêu cứu. Khi người dân cùng lực lượng chức năng đến dập được lửa, đưa 3 mẹ con bà T. ra ngoài thì các nạn nhân đã tử vong.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-25-11-dung-tiem-lo-vac-xin-khien-ba-nguoi-tu-vong-them-12-450-ca-covid-19.html

Ảnh tổng hợp.

Nhân viên y tế dùng một que tăm bông lấy mẫu test COVID-19 cho nhiều người

Dân Trí – Trong quá trình thực hiện lấy mẫu test nhanh Covid-19, nữ nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã sử dụng một que tăm bông cùng lúc ngoáy mũi cho nhiều người.

Ngày 25/11, trao đổi với báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Khoản, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc cho biết, đơn vị đang chuẩn bị xét kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Xuyến (SN 1985), là nhân viên Thủ kho – Khoa cận lâm sàng do sai sót về chuyên môn nghiệp vụ trong lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Trước đó, tại Hậu Lộc xảy ra ổ dịch, ngành Y tế đã khẩn trương truy vết, xét nghiệm, triển khai test nhanh tầm soát cho toàn bộ người dân trên địa bàn thị trấn. 

Vào thời điểm trên, bà Xuyến được phân công lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở khu Trung Thành và chỉ sử dụng một que tăm bông ngoáy mũi cho 4-5 trường hợp khiến người dân rất hoang mang, lo lắng.

Nhận được tin báo, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc đã nhanh chóng đến tận nơi, yêu cầu bà Xuyến hủy toàn bộ các mẫu xét nghiệm thực hiện sai quy trình, đồng thời chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại cho người dân theo đúng quy định.

“Trong lúc xảy ra ổ dịch ở thị trấn nên đã huy động toàn cơ quan đi lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ thị trấn. Cô Xuyến là dược sĩ, dù được tập huấn rồi nhưng cô này hiểu sai vấn đề nên đã làm nhầm một số mẫu như thế. Rất may không ghi nhận trường hợp F0 nào phát sinh tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm”, ông Khoản lý giải.

Được biết, vào tháng 2/2021, bà Nguyễn Thị Xuyến cũng đã bị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách do “Vi phạm bảo quản, vận chuyển vaccine”.

Người thứ 4 tử vong sau tiêm vắc-xin

Baomoi – Sở Y tế Thanh Hóa vừa có báo cáo kết quả họp Hội đồng tư vấn chuyên môn về các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19 tại Công ty Giày Kim Việt, huyện Nông Cống.

Sau khi nghe báo cáo tình hình tổ chức tiêm chủng và các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Công ty TNHH Giày Kim Việt, Hội đồng đã thống nhất kết luận:

Toàn bộ quy trình cấp phát, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống và điểm tiêm chủng vắc xin tại Công ty TNHH Giày Kim Việt thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngày 23/11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống đã tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2 vắc xin Vero Cell (Trung Quốc) cho người lao động tại Công ty TNHH Giày Kim Việt. Trong quá trình tổ chức tiêm đã có 10 trường hợp phản ứng nặng được phát hiện trong thời gian theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm.

Sau khi xảy ra sự việc, các trường hợp trên được cấp cứu, điều trị theo quy định của Bộ Y tế.

Thông tin từ ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có trường hợp thứ 4 tử vong sau tiêm vắc xin Vero Cell tại Công ty giầy Kim Việt. Còn lại 6 trường hợp khác đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nguyên nhân 4 trường hợp tử vong trên được Hội đồng tư vấn chuyên môn kết luận “do sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin”.

“Núi nhôm” khổng lồ ở Việt Nam: Trung Quốc là nước thèm muốn nhất nhưng cũng bó tay?

Cafef – Gần đây, truyền thông thế giới đã lật lại thông tin về kho dự trữ nhôm khổng lồ ở Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc, với giá trị có thể lên đến 5 tỷ USD tính theo thị giá hiện tại.

Kho dự trữ nhôm này được cho là đủ lớn để chấm dứt tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu, tuy nhiên nó lại không thể sử dụng…

Sau nhiều năm dư thừa nguồn cung, thế giới đã chứng kiến xu thế đảo ngược trong ngành nhôm. Giá nhôm leo thang, lượng tồn kho giảm mạnh. Đặc biệt, trong khi thế giới bắt đầu khôi phục sản xuất sau thời gian lao đao vì đại dịch COVID-19, nhu cầu tăng cao nhưng Trung Quốc lại hạn chế nguồn cung.

Theo nhà phân tích cấp cao Ka-mi Lát-zly (Kamil Wlazly): “Lượng dự trữ nhôm sụt giảm với tốc độ rất nhanh – khiến mọi người đều bật ngửa vì không chuẩn bị trước”.

Nhiều nơi trên khắp thế giới đã chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng khan hiếm nhôm; nhưng Trung Quốc mới là nơi đang phải hứng chịu sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất.

Trung Quốc “khát” nhôm như thế nào?

Bloomberg trích dẫn thông tin của nhóm nghiên cứu AZ cho biết, tổng lượng nhôm tồn kho tại Trung Quốc hiện chỉ ở mức khoảng 1,2 triệu tấn – tương đương với nhu cầu sử dụng trong 2 tuần. Tình trạng này đã khiến Trung Quốc từ nhà xuất khẩu thành nhà nhập khẩu nhôm lớn của thế giới, khiến dự trữ nhôm toàn cầu giảm nhanh chóng.

Cuối tháng 12/2020, Roi-tơs (Reuters) ghi nhận lượng nhôm nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục – vượt mức đỉnh được xác lập trước đó vào năm 2009. Tình trạng nước này nhập khẩu lượng lớn nhôm đã được ghi nhận từ trước đó và tiếp tục kéo dài trong năm nay.

Cụ thể, trong tháng 7/2020, nhập khẩu nhôm của Trung Quốc tăng 570% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 35,5% so với tháng trước đó. Tình hình này vẫn tiếp diễn đến cuối năm 2020 và sang năm 2021, khiến các khách hàng ở Mỹ phải cạnh tranh mua nhôm với các công ty Trung Quốc.

Được biết, kể từ khi tăng tốc nhập khẩu vào Quý II năm 2020, Trung Quốc đã gom đến 1,8 triệu tấn nhôm thỏi; góp phần đẩy giá nhôm tăng không ngừng nghỉ, tăng lên cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Khi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc lan rộng, giá nhôm đã tăng phi mã.

Giá nhôm tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm là 3.000 USD/tấn vào tháng 10 năm nay và đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008. Trước đó, nhôm thường được định giá trong khoảng 1.500 USD đến 2.000 USD/tấn.

Việc sản xuất nhôm phụ thuộc rất nhiều vào điện. Mỗi tấn nhôm cần khoảng 14MegaWat để sản xuất – tương đương mức năng lượng trung bình cho một hộ gia đình tại Anh sử dụng trong hơn 3 năm.

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng năng lượng được khắc phục, thì Bắc Kinh cũng sẽ đặt ra giới hạn cứng đối với năng lực sản xuất kim loại này trong tương lai nhằm nỗ lực hạn chế sử dụng năng lượng và đáp ứng mục tiêu hạn chế khí thải.

Nhiều nhà máy luyện nhôm của Trung Quốc – bao gồm các tỉnh Nội Mông, Quý Châu, Hà Nam, Thanh Hải, Quảng Tây, Vân Nam và Ninh Hạ – đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng và phải cắt giảm sản lượng trong năm nay.

Mok Yuen Cheng, biên tập viên cấp cao tại S&P Global Platts, phân tích: “Trong mùa đông, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ nhiều hơn nữa và tình trạng thiếu điện của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ còn tiếp diễn ít nhất là trong quý đầu tiên của năm 2022”.

Trên toàn cầu, những người phụ thuộc vào nguồn cung nhôm ổn định đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình thiếu hụt hiện tại ở Trung Quốc.

Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành đã chuẩn bị cho viễn cảnh nguồn cung nhôm tiếp tục giảm trong năm 2022 và sự thiếu hụt tiếp tục kéo dài trong 5 năm tới.

Việc thiếu hụt các nguyên liệu thô như nhôm sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng mà các nhà sản xuất của Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ông Mai-ki-ôn (Mike Keown), giám đốc điều hành của Kăm-mần well Rôn Product (Commonwealth Rolled Products), nhận định “Đối với chúng tôi, đó là một mớ hỗn độn. Chúng tôi nghĩ rằng [cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhôm] chỉ mới bắt đầu.”

“Núi nhôm” ở Việt Nam: Trung Quốc cũng bó tay?

Kho nhôm 1,8 triệu tấn trị giá 5 tỷ USD đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng. Cuộc điều tra này nhắm đến tỷ phú Trung Quốc Lưu Điền Trung, người được mệnh danh là “vua nhôm”.

Cuộc điều tra chưa kết thúc, dù những kết luận điều tra ban đầu với công ty nhập khẩu số nhôm này tại Việt Nam đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng.

Hiện “núi nhôm” này vẫn đang được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam. Chỉ có một khối lượng nhỏ trong số đó đã được đưa vào dây chuyền sản xuất.

Ngoài lý do liên quan đến pháp lý, giới chuyên gia cũng không kỳ vọng nhiều vào khả năng kho dự trữ này được giải phóng ra thị trường.

CRU – một trong những công ty tư vấn quan trọng nhất trong ngành – đã loại bỏ kho dự trữ 1,8 tấn nhôm tại Việt Nam khỏi ước tính về hàng tồn kho của mình. Theo đó, công ty này cho rằng một phần trong “núi nhôm” này có thể phải bán dưới dạng phế liệu vì đã hơn 10 năm tuổi.

Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh mới chi gói hỗ trợ đợt 3 chưa đến 50%

HĐND TP.HCM vừa báo cáo kết quả hoạt động giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch đến ngày 22/11.

Theo báo cáo, trong 237 tin kiến nghị, phản ánh của cử tri gọi đến đường dây nóng 1022 liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (đợt 3). Một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân chưa được nhận gói hỗ trợ, mong chính quyền sớm rà soát và chi hỗ trợ, không để bỏ sót đối tượng.

Cụ thể, trong lần hỗ trợ đợt 3, đến nay đã có 18 đơn vị chi đạt tỉ lệ trên 80%, trong đó quận 5 chi đạt tỉ lệ 100%. Có 2 đơn vị là quận 7, huyện Hóc Môn chi đạt tỉ lệ trên 50%. Có 2 đơn vị là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chi đạt tỉ lệ dưới 50%.

HĐND TP.HCM đề nghị các đơn vị đẩy nhanh thực hiện việc chi hỗ trợ người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là quận 7, Bình Tân, Hóc Môn và Bình Chánh.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trua-26-11-nhan-vien-y-te-dung-mot-que-tam-bong-lay-mau-test-covid-19-cho-nhieu-nguoi-nguoi-thu-4-tu-vong-sau-tiem-vac-xin.html

Ảnh tổng hợp.

Cán bộ tuyên truyền sai khiến người dân từ chối nhận gói hỗ trợ đợt 3

Thanh Niên – Quá trình giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ đợt 3, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM phát hiện chuyện cán bộ cơ sở tuyên truyền sai khiến người ở trọ từ chối nhận gói hỗ trợ dù hoàn cảnh của họ gặp khó khăn.

Chiều 26/11, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP.HCM đã tiếp tục giám sát công tác phòng chống dịch và triển khai các gói hỗ trợ Covid-19 đối với 4 sở: Lao động – Thương binh – Xã hội, Y tế, Tài chính, Thông tin – Truyền thông.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho hay qua giám sát trực tiếp tại H.Bình Chánh, Q.12, Q.Phú Nhuận, TP. Thủ Đức có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Đối với gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết 97 của HĐND TP.HCM (gói hỗ trợ đợt 3), ông Bình đánh giá tỷ lệ người dân được nhận hỗ trợ cực cao, hơn 7,96 triệu người trên tổng số nhân khẩu thực tế cư trú tại thành phố là hơn 9,8 triệu người. Dù vậy, tỷ lệ giải ngân hiện còn thấp, đến nay mới đạt hơn 78%, một số địa bàn như Bình Chánh và Bình Tân chưa tới 50%.

Về việc người dân từ chối nhận gói hỗ trợ đợt 3 xuất phát từ P.Linh Trung (TP.Thủ Đức) rồi sau đó lan tỏa ra nhiều phường, xã khác trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đến nay có hơn 16.700 người dân từ chối nhận gói hỗ trợ đợt 3.

Tuy nhiên, ông Bình dẫn chứng khi đi giám sát ở P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) xảy ra trường hợp cán bộ tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn.

“Ban đầu tưởng do ông chủ nhà trọ từ chối nhận, nhưng hoá ra không phải. Cán bộ cơ sở dẫn vô phòng trọ nói có 6 phòng trọ từ chối nhận. Khi hỏi thì anh em nói là nếu nhận gói hỗ trợ thứ 3 thì sẽ không được nhận bảo hiểm thất nghiệp, vì gói hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cao hơn nên không dám ký nhận. Khi hỏi chủ tịch phường và Phòng LĐ-TB-XH chuyện này như thế nào thì các anh chị ấp úng”, đại biểu Cao Thanh Bình dẫn chứng.

Giải trình với đoàn giám sát, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) thừa nhận quá trình hỗ trợ có xảy ra thiếu sót, chi nhầm.

Kiên Giang: Chưa tiêm vắc-xin sẽ bị hạn chế vào làm ở khu công nghiệp

PLO – Theo công văn mới nhất về tăng cường tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Kiên Giang, đến đầu năm 2022, những người không thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin mà chưa tiêm sẽ bị hạn chế một số hoạt động.

Cụ thể, sau ngày 31/12, những người chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ bị hạn chế sử dụng một số phương tiện giao thông công cộng, dự tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; hạn chế  đến chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, bến tàu, bến xe… Cạnh đó, hạn chế đi đến các cơ quan nhà nước để liên hệ làm việc (ngoài đi khám chữa bệnh), đồng thời phải tự trả phí xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Thêm 13.109 ca COVID-19, cao nhất sau 78 ngày

VnExpress – Trong 13.109 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 26/11 có 13.094 ca tại 60 tỉnh thành, tăng 665 ca so với hôm qua.

Như vậy, sau 78 ngày, cả nước mới ghi nhận số ca nhiễm trên 13.000. Trong 24 giờ qua.

Từ 17h30 ngày 25/11 đến 17h30 ngày 26/11 ghi nhận 137 ca tử vong, riêng TP.HCM 60 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 24.544 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.181.337 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 464.180 ca, Bình Dương 279.487, Đồng Nai 85.064, Long An 37.829, Tiền Giang 24.362 ca.

Nông dân nuôi cá lóc điêu đứng vì giám đốc “rời khỏi địa phương”

Thanh Niên – Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đầu năm 2021, Kim Sang (28 tuổi, ngụ ấp 6, xã Tân Hùng, H.Tiểu Cần, Trà Vinh) đăng ký thành lập Công ty TNHH nông sản Farmer Info VN. Công ty này có cùng địa chỉ nơi cư trú của Sang, do Sang làm giám đốc.

Biết ông Nguyễn Thanh Thủy, chủ DNTN thức ăn gia súc Thủy Vân (P.9, TP. Trà Vinh) đang có hợp đồng liên kết theo mô hình “Chuỗi giá trị thương phẩm” với nhiều hộ nông dân ở các huyện Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, TP. Trà Vinh (Trà Vinh), Sang tìm đến gặp để hợp tác làm ăn.

Từ ngày 19/3 đến giữa tháng 4, Sang cho người đến tự thu hoạch, chở đi từ vùng nuôi trong “Chuỗi giá trị liên kết” của ông Thủy hơn 200 tấn cá lóc thương phẩm, giá 30.000 – 33.000 đồng/kg (Sang luôn mua cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg). Sau đó, quá thời hạn trả 15 ngày nhưng Sang chưa trả tiền.

Nhận thấy dấu hiệu không bình thường, ông Thủy và các nông dân quyết định dừng việc bán cá, buộc Sang phải trả tiền. Sau đó, Sang trả cho ông Thủy hơn 4,3 tỷ đồng, còn nợ lại khoảng 3 tỷ đồng.

Từ giữa tháng 4 đến ngày 5/5, nhóm người của Sang mua thêm 125 tấn cá lóc thương phẩm rồi “bặt vô âm tín”. Nhóm ông Thủy liên lạc qua điện thoại với “người anh cảnh sát ở nước ngoài” của Sang nhưng không được. Lúc này, số nợ mà Sang xác nhận chưa thanh toán với ông Thủy và các nông dân đã lên gần 6 tỷ đồng.

Ông Thủy sau đó đại diện cho 14 hộ dân gửi đơn tố giác Kim Sang đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh

Theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh, không chỉ riêng nhóm ông Thủy bị Sang mua cá lóc rồi không trả đủ tiền, mà còn có 21 nông dân khác ngụ các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và Tiểu Cần cũng bị Sang mua cá lóc thương phẩm với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng rồi “cắt liên lạc”.

21 hộ nông dân này cũng đã có đơn tố giác tội phạm đối với Kim Sang.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-26-11-can-bo-tuyen-truyen-sai-khien-nguoi-dan-tu-choi-nhan-goi-ho-tro-dot-3-so-ca-covid-tang-cao-nhat-sau-78-ngay.html